Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2019

Một Mảnh Thiên Đàng Dưới Trần Gian



Ngày Thứ Bẩy mồng 9 tháng Hai, năm 1985, bố mẹ tôi đã được trông thấy một mảnh Thiên Đàng trong vòng hơn 20 cây số, trên Quốc Lộ 15, khúc đường đèo quanh co. Hơn 34 năm sau, ngày Thứ Năm mồng 7 tháng Ba năm nay, chàng và tôi có một kinh nghiệm tương tự, dù chỉ trong tích tắc. 

Chiều hôm đó, sau khi ra khỏi lớp Hawaiian, hai đứa lái thẳng về nhà, vì thời tiết lạnh hơn thường lệ. Mọi khi, chúng tôi hay ghé Coconut Island (Đảo Dừa hay là Đảo Chữa Bệnh) để đi bộ ra ghềnh đá ngắm trời, ngắm mây, coi trẻ con phóng xuống biển từ một cái tháp xây bằng đá dung nham, trước khi nhúng đôi chân trần vào nước mát.

Không lái xe, tôi quay đầu sang phía phải để ngắm cảnh vật trên biển. Tôi yêu biển. Có lẽ biển cho tôi cảm giác bình yên là khoảng cách giữa người thân và tôi không xa, vì đôi bên chỉ cách nhau có hai bờ Đông, Tây. Ngoài sự gần gũi trong tâm tưởng này, biển luôn thay đổi, không buồn tẻ như những bức tranh treo cô đơn lạnh lẽo trên tường. Biển ngày hôm qua không giống biển hôm nay, và biển ngày mai hứa hẹn một điều lý thú khác. Mầu nước cũng góp phần vào sự biến đổi dung nhan của biển từng ngày. Có hôm biển mang áo mầu xanh dương. Có ngày biển khoác một chiếc áo choàng mầu xám lợt lấp lánh bởi tia nắng từ trên cao, như những mũi chỉ thêu mầu bạc từ đôi tay của một cô gái giỏi thêu thùa may vá. Bầu trời hôm Thứ Năm nhìn không khác gì một bức tranh lộng lẫy muôn mầu, được tạo nên bởi một họa sĩ nhìn đời với lăng kính mầu hồng, vì vừa mới được ai đó đáp lại tình yêu. 

Nghiêng mãi nên mỏi cổ, tôi quay mặt về phía trước và bất chợt khám phá ra rằng trên mặt biển có một vòng cung bẩy mầu cao chất ngất, đang bắc từ phải sang trái, ngay trong Vịnh Hilo. Tôi luôn ví cầu vồng như một sứ giả được Chúa trời đất nhờ đem hy vọng xuống nhân gian. Cầu vồng với tôi là một mảnh Thiên Đàng viếng trần gian, dù trong khoảnh khắc. Nhìn cầu vồng tôi nhớ tới bài thơ đang viết dở dang. Vì nhớ mẹ ra đi gần năm tháng nay, tôi ước gì một ngày nào đó sẽ trèo lên được cái thang bẩy mầu để tìm mẹ. Từ những ý tưởng ngộ nghĩnh trong đầu, tôi chuyền xuống giấy. Cầu vồng có bẩy mầu, thế mà tôi mới leo lên hai bậc thang chàm và tím thì hết ý. Nàng Thơ đang lạc lối, từ khi tạm rời tôi đi thăm các Nữ Thần nghệ thuật khác. 

Không như ai đó nói rằng khi bạn thấy điều gì một lần rồi thì sẽ không cần thấy nữa, tôi mừng quá đỗi, mặc dù đã thấy cầu vồng mấy chục lần, từ ngày dọn sang đây. Tôi reo lên, “Honey, there is a rainbow in front of us!” Lẽ dĩ nhiên, làm sao chàng không thấy vòng cung bán nguyệt muôn mầu. Tôi ngắm cầu vồng không chán mắt và thấy một chân cắm xuống biển, còn chân kia thì cắm nơi khu vực gần phi trường, và xa hơn, về hướng Puna có nhiều rừng cây, phía bên phải của chúng tôi. Xe chạy một lát, khi đi qua khỏi những hàng cây cao bên đường, tôi thấy chân cầu vồng đã rời khỏi khu rừng Puna, và đang đứng sừng sững trên mặt nước của Vịnh. Tôi thích thú reo lên, “Chàng ơi, cả hai chân cầu vồng giờ đang cắm xuống biển!” Vì đang lái xe, chàng của tôi phải đợi cho tới khi lái tới chỗ quang đãng mới thấy được. 

Xe chạy được một quãng thì cây cối lại che khuất Mảnh Thiên Đàng. Tôi kiên nhẫn đợi. Bỗng dưng tôi thấy bẩy mầu cầu vồng phủ lên các cây mọc dọc bên đường. Tôi la thất thanh, “Honey, the rainbow is now on the trees!” Dù đang lái xe, chàng cũng liếc mắt nhìn vào những bụi cây bên đường và thấy được sự đùa dỡn của vòng cung bẩy mầu. Chàng mỉm cười nhưng không nói gì, chỉ tiếp tục chú ý lái xe. Qúa nôn nao, tôi nói nhanh, “Mình nên ngừng lại để ngắm cầu vồng!” Adam giảm tốc độ để quẹo vào khu nhà xây hướng ra biển. Khi xe chưa chạy vào tới khu nhà này, bỗng dưng tôi thấy ngay trên kính chiếu hậu bên phải (gần nơi tôi đang ngồi) chân cầu vồng đang đứng trên đó từ bao giờ. Tôi không tin vào mắt mình. Chỉ trừ có lần nghe bố mẹ kể lại là đã được trông thấy hai cầu vồng chồng lên nhau như một cổng chào di động, chạy trước xe của hai cụ hơn 20 cây số trên suốt đường đèo quanh co và sau cùng, mống cầu vồng đã đứng trên thùng xe trước khi biến tan từ giã, tôi chưa bao giờ chứng kiến một sự kiện lạ lùng như hôm đó.


Hôm Thứ Năm đó, chỉ trong vòng vài phút, một chân cầu vồng đã đổi ba vị trí, từ vùng Puna nhiều cây cối, cầu vồng đã nhẩy xuống biển, rồi từ biển len lỏi vào các vòm cây bên đường, và từ các vòm cây, chân cầu vồng đã cắm lên cái kính xe chiếu hậu bên phải của chúng tôi. Tôi có mơ chăng? Tôi có tưởng tượng không? Không! Hôm đó, ngoài tôi ra còn có chàng của tôi, lái xe đưa hai đứa về nhà, sau giờ học. Nếu chỉ có một mình tôi thấy cảnh lạ lùng này, có thể người tin tôi thấy sự lạ này sẽ ít hơn năm ngón tay. Tuy nhiên, cầu vồng thực sự đã đứng trên kính chiếu hậu bên phải, chỉ cách tôi và kính xe (lúc đó đang được quay lên vì mưa lất phất) chưa đến một xải tay. Tôi không dám nhấn nút quay kính xuống để với tay chạm vào chân cầu vồng, vì lo là chỉ một động tác nhỏ cầu vồng sẽ mắc cở mà biến mất. Từ ghế tài xế, Adam thấy chân cầu vồng không chỉ đứng trên kính chiếu hậu bên phải, mà còn bao phủ nguyên cả phần đầu của xe. 

Tiếc thay, khi xe quẹo vào khu nhà thì cầu vồng trên xe và cả trên biển cũng đã biến mất. Không còn một dư âm. Không còn một dấu vết gì của một vòm trời bẩy mầu. Cầu vồng xuất hiện rồi biến mất thật nhanh, như thế đó. 

Theo thần thoại Ái Nhĩ Lan, ai chạm được chân cầu vồng sẽ tìm được một hũ vàng. Đã có ai trên đời đến được gần chân cầu vồng? Thế mà chàng và tôi đã thấy được chân cầu vồng đứng trên kính xe hôm Thứ Năm mồng 7 tháng Ba. Tôi cảm động mừng hơn bắt được vàng. Tôi biết chắc rằng từ đâu cầu vồng đã ghé xuống xe của hai đứa. Mẹ tôi đã ghé thăm vì biết tôi nhớ mẹ đến nỗi muốn leo lên cầu vồng để tìm mẹ. Mẹ ơi, con không cần viết nốt bài thơ vì mẹ đã đến thăm con rồi! 

Khổng thị Thanh-Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét