Thứ Ba, 26 tháng 3, 2019

Đất Phương Nam 1- Từ Kas Krobei-Prei Nokor Đến Bến Nghé-Sài Gòn Và Chợ Lớn (Phần 4)


Từ Kas Krobei-Prei Nokor Đến Phủ Tân Bình: 

Mãi đến hậu bán thế kỷ thứ XVIII, thì vùng Cù Lao Phố vẫn còn là một giang cảng rất quan trọng của cả Miền Nam. Tuy nhiên, Cù Lao Phố là một giang cảng nằm sâu trong đất liền, cách bờ biển khoảng trên 100 cây số. Thời đó sở dĩ nó có được vị trí thuận lợi là vì nó là khu thương mại đầu mối, vì từ đó người ta có thể dự trữ và đưa nông lâm sản đi các nơi khác rất dễ dàng. Tuy nhiên, đến khi vùng miền Tây Nam Phần được khai phá và trải qua bao cuộc bể dâu thì Giản Phố bị tàn phá không còn xây dựng lại được nữa. 

Năm 1747, một thương gia người Phước Kiến tên Lý văn Quang nổi lên mong biến vùng nầy thành một khu tự trị của người Hoa; rồi tiếp theo đó là đại quân Tây Sơn vào đánh chiếm và thiêu hủy toàn bộ Giản Phố. Người ta phải dời vùng đất trung tâm về một nơi gần miền tây hơn, chính vì vậy mà khu Bến Nghé-Sài Gòn được chọn và đồng thời vùng Nông Nại bị lãng quên một cách nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó, do công cuộc khai khẩn ruộng đất của lưu dân người Việt nên vào khoảng thế kỷ thứ XVIII, nghĩa là không đầy một thế kỷ sau đó cả một vùng rừng rậm hoang vu Prei Nokor đã biến thành một trung tâm sản xuất nông nghiệp và buôn bán phồn thịnh. Thêm vào đó, từ sau năm 1788 khi thành Gia Định (thành Qui) được xây dựng thì vùng Bến Nghé đã một sớm một chiều biến thành xứ thành thị vì Thành Qui rất thuận tiện, trên chợ dưới bến nên người thời đó còn gọi là chợ Bến Thành với cả một dãy dinh thự, kho lẫm, xưởng đóng ghe thuyền và tàu chiến. Đồng thời, hệ thống đường sá và phố chợ được xây dựng rất qui mô. Đây là khu chợ Bến Thành Cũ, chứ không phải là chợ Bến Thành ngày nay(48). 
Chẳng bao lâu sau cả vùng hoang vu Bến Nghé-Sài Gòn, tức là vùng Sài Gòn-Chợ Lớn ngày nay đã nhanh chóng trở thành trung tâm chính trị và kinh tế cho cả vùng miền Nam. Trong câu thứ hai của bài “Phú Cổ Gia Định” có nói rất rõ là ‘Kim Thành’, tức Thành Quy được xây tám hướng: càn khảm cấn chấn tốn ly khôn đoài(49). 

Thời đó Prei Nokor đã trở thành phủ Tân Bình, một vùng đất bao la bạt ngàn gồm 4 huyện, 8 tổng và 460 xã. Các huyện gồm huyện Bình Dương có 2 tổng là tổng Bình Trị và tổng Dương Hòa, huyện Tân Long có 2 tổng là tổng Tân Phong và tổng Long Hưng, huyện Phước Lộc có 2 tổng là tổng Phước Điền và tổng Lộc Thành, và huyện Thuận An có 2 tổng là tổng Bình Cách và tổng Thuận Đạo. Mặc dầu đất đai vùng nầy không tốt bằng đất đai các vùng Mỹ Tho, Long Hồ (Vĩnh Long và Bến Tre), Trấn Giang (Cần Thơ), Trấn Di (Bạc Liêu), nhưng tiếng tăm của nó vẫn còn vang vọng đến ngày nay: “Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai.” Vào đầu thế kỷ thứ 19, hầu như đa phần các vùng đất chuyên canh đã được định hình tại các vùng trực thuộc phủ Tân Bình, như các vùng Hanh Thông (thuộc quận Gò Vấp) và Hanh Phú (nay là xã An Phú Đông) đã từng nổi tiếng là những xứ trồng cau của dinh Phiên Trấn. Người dân địa phương đã có kỹ thuật lấy hột cau thật nhanh và thật gọn bằng cách cứ để cho cau già và khô trên cây, rồi bóc lấy hột đem xuất cảng sang Trung Hoa và Tân Gia Ba. 

Tại Trung Chánh và Tân Thới Trung thuộc huyện Hóc Môn là hai nơi trồng trầu nhiều nhất trong xứ Gia Định. Vào đầu thế kỷ thứ XVIII thì vùng 18 thôn vườn trầu đã có nhiều cư dân hơn tất cả các vùng khác. Theo Gia Định Thành Thông Chí thì dân ở đây đều có sản nghiệp về trầu và cau. Ngày ngày đều có từng đoàn người gánh trầu và cau xuống bán ở chợ Sài Gòn và chợ Bến Nghé. Ngoài ra, từ giữa thế kỷ thứ XVIII, toàn vùng trực thuộc phủ Tân Bình như các vùng phía bắc và đông bắc của Sài Gòn Gia Định ngày nay, bao gồm Gò Vấp, Hanh Thông, Giồng Ông Tố, Phú Thọ, Hóc Môn, chạy dài lên Trảng Bàng, Khê Lăng, vân vân đã trở thành những vùng đứng đầu về sản xuất nông nghiệp, nhứt là trong canh tác lúa nước. 

Nhờ tọa lạc trên một vị trí hết sức thuận tiện nên bộ mặt của Phủ Tân Bình từ cuối thế kỷ thứ XVIII, đầu thế kỷ thứ XIX luôn thay đổi theo chiều hướng đi lên về cả thương mại lẫn nông nghiệp. Lúc đó J.B. Chaigneau đã có nhận xét như sau về Sài Gòn Gia Định: “Vùng nầy được chia làm hai vùng sản xuất nông nghiệp một cách rõ rệt: vùng cao sản xuất đường, vải, bắp; vùng thấp sản xuất gạo.” Song song với việc phát triển về nông nghiệp và thương mại, các chúa Nguyễn còn cố gắng thiết lập làng xã, thôn xóm, cũng như biến những khu vừa định cư xong thành những khu với sắc thái văn hóa riêng biệt cho người Việt. Mặc dầu không mang tánh chuyên môn như tại trung tâm Hà Nội có các hàng phố rất đặc biệt, những khu xóm tại phủ Tân Bình thời bấy giờ cũng tập hợp được nhiều người làm chung ngành nghề như các khu “Cầu Muối” là nơi buôn bán muối, “Cầu Kho” là nơi tàng trữ chứa đựng hàng hóa chờ được phân phối đi các nơi. Những nơi khác có tên “Xóm Lá” là nơi buôn bán lá lợp nhà, “Xóm Cốm” là nơi tập hợp những nhà làm cốm, “Xóm Chỉ” là nơi sản xuất chỉ sợi, “Xóm Bột” là nơi tập hợp những nhà làm đủ các loại bột, “Xóm Lò Siêu” là nơi sản xuất đủ loại nồi, siêu và ấm nước, “Xóm Chiếu” là nơi sản xuất đủ các loại chiếu, “Xóm Dầu” là nơi sản xuất đủ các loại dầu ăn, như dầu phụng, dầu mè, dầu dừa..., “Xóm Lò Vôi” chuyên làm vôi, “Xóm Câu” là nơi tập hợp những ngư phủ trong vùng, “Xóm Than” là nơi tụ họp các vựa than cho toàn vùng, “Xóm Đệm Buồm” là nơi sản xuất tất cả những loại đệm và buồm cho toàn vùng, “Xóm Lò Rèn” là nơi rèn đúc dao búa và cung tên giáo mác, “Xóm Lò Gốm” là nơi sản xuất những đồ gốm sứ, vân vân. Trong khi phủ Tân Bình và các vùng phụ cận đang phát triển, nhưng chưa được nổi bật thì cùng lúc ấy các trung tâm thương mại khác cũng đang được thành hình như khu Cù Lao Phố, khu Mỹ Tho Đại Phố và khu Cảng Hà Tiên, vân vân. Ngay từ thập niên 1880s, Cù Lao Phố đã chứng tỏ vị trí quan trọng của nó sau khi nhóm di thần nhà Minh là Trần Thượng Xuyên đến đây lập nghiệp. Những người Minh hương nầy đã biến Cù Lao Phố thành một trung tâm thương mại quan trọng vào bậc nhất của miền Nam thời đó với cảnh phố thị phồn vinh, khu thương mại tấp nập, và giao thương với người Hoa, người Nhật cũng như với người Tây phương. 

Cùng thời với Trần Thượng Xuyên ở Cù Lao Phố, phía Meso, Dương Ngạn Địch cho lập Mỹ Tho Đại Phố và phát triển không kém gì Cù Lao Phố. Và tại nơi tận cùng của miền Tây lúc đó Mạc Cửu đã hoàn thành việc phát triển cảng Hà Tiên, nhưng mãi đến thập niên 1830s thì cảng Hà Tiên mới thật sự trở thành một vùng trù phú với ghe tàu buôn bán tấp nập. Như vậy trong suốt quá trình Nam tiến của người Việt Nam, vùng Sài Gòn Gia Định và phủ Tân Bình nói riêng đã phải cạnh tranh một cách mãnh liệt với các trung tâm thương mại đương thời để cuối cùng chiếm lấy vị trí hàng đầu như ngày nay. 

Sở dĩ vùng Tân Bình nhanh chóng trở thành một trung tâm phồn thịnh của xứ Đàng Trong vì nó không xa biển như Cù Lao Phố và Mỹ Tho Đại Phố, nó ít khi bị người Xiêm đến quấy phá như ở Hà Tiên. Hơn nữa, ngay sau khi Cù Lao Phố bị tàn phá vào hậu bán thế kỷ thứ XVIII trong những trận ác chiến giữa quân Tây Sơn và nguyễn Ánh, cũng là một yếu tố quan trọng để vùng Sài Gòn Gia Định nhanh chóng biến thành một trung tâm thương mại sầm uất. Bên cạnh đó thương cảng Sài Gòn rất thuận tiện cho tàu bè ngoại quốc vào cập bến, với cửa biển Cần Giờ rộng và đủ sâu cho tàu bè đủ cỡ. Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, Sài Gòn là cảng sâu, rộng và yên ổn, thường ngày có thuyền buôn ra vào, làm chỗ hải hội rất đông đúc cho thành Gia Định, không đâu sánh được. Thật vậy, từ khi Dinh Phiên Trấn và phủ Gia Định ra đời vào năm 1698 thì vùng Tân Bình (Sài Gòn) và Gia Định đã nhanh chóng biến thành một trung tâm phố thị có mức phát triển tốt hơn cả Hà Nội và Phú Xuân vì ngay từ buổi đầu trung tâm Sài Gòn-Gia Định đã có một ưu thế mà cả Thăng Long lẫn Phú Xuân đều không có, đó là sự thông thương của nó với các vùng phụ cận và miền Tây bởi các con sông Tiền, sông Hậu, kinh Bảo Định (1765), kinh Ruột Ngựa (1772), rạch mới sông Tranh (1786), và rạch Vàm Bến Nghé, vân vân. 

Cuối cùng lịch sử phát triển đã cho thấy Sài Gòn-Gia Định luôn vươn lên và luôn nắm giữ vị trí chủ yếu trong nền ngoại thương của cả nước. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí đã mô tả chợ Bến Nghé với cảnh phố xá đông đúc, chợ Sài Gòn (tức Chợ Lớn ngày nay) với cảnh nhà cửa liền thềm với nhau, và đủ các sắc dân cùng nhau sinh sống liên tiếp đến 3 dặm. Ngoài ra, còn có rất nhiều chợ khác như chợ Bình An, chợ Bến Thành (sau nầy biến thành một trong những ngôi chợ trọng yếu vào bật nhất của Sài Gòn), chợ Nguyễn Thực (1727), chợ Điều Khiển, chợ Bến Sỏi, chợ Thị Nghè, chợ Tân Cảng, chợ Cây Đa Còm, và chợ Phú Lâm, vân vân. Vào cuối thế kỷ thứ XVIII thì người tây phương không còn xa lạ gì với vùng Sài Gòn Gia Định vì trên đường đi từ Âu Châu đến Mã Lai, Tân Gia Ba, rồi qua Ma Cao, và Hướng Cảng... họ luôn ghé Sài Gòn để mua hai loại sản phẩm chính yếu thời đó là gạo và đường để đổi lấy khí giới với Tây phương. 

Năm 1800, đời vua Tây Sơn Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản thứ 8, nhà vua cho đổi phủ Gia Định ra làm Trấn Gia Định. Đến khi Gia Long lên ngôi vào năm 1802, ông đã đặc biệt chú trọng đến việc phát triển thương mại trong thành Gia Định vì nguồn tài chánh của thành nầy đã đóng góp một phần rất lớn trong ngân quỹ của quốc gia. Sau năm 1802, Gia Định không còn là ‘Kinh Gia Định’ như thời Gia Long còn bôn tẩu nữa, nhưng Sài Gòn lúc nào cũng là trung tâm của cả miền Nam. Vì vị trí đặc biệt của nó, nên vua Gia Long đã trao cho viên Tổng trấn Gia Định một quyền hạn rất lớn. Về hình thức chánh quyền, Gia Định có hình thức của một triều đình thu nhỏ, điều mà không một chế độ quân chủ nào chấp nhận. Tuy nhiên, lúc mới lên ngôi, mọi việc chưa được ổn định, nên vua Gia Long đành phải chấp nhận phân quyền theo kiểu nầy. Lúc đó thành Gia Định thống lãnh 5 trấn(50), bao gồm toàn cõi miền Nam. Nhưng như chúng ta đã thấy sau nầy, ngay khi đức Tả quân Lê văn Duyệt vừa qua đời, là vua Minh Mạng bãi bỏ ngay cái tình trạng ‘triều đình thu nhỏ’ nầy tại Gia Định. 

Năm 1808, vua Gia Long cho đổi trấn Gia Định ra Thành Gia Định, bổ nhiệm Khâm Chưởng Chấn Nhơn Quận Công Nguyễn văn Nhơn làm Tổng Trấn, và Khâm Thượng Thư bộ Hộ An Toàn Hầu Trịnh Hoài Đức làm Hiệp Tổng Trấn(51), cho đúc ấn bạc có núm hình sư tử và cho dùng mực son để đóng dấu. Mô thức chánh quyền Thành Gia Định cũng giống như một chính quyền trung ương thu nhỏ, cũng có Tam Tào(52) và Tam Phòng(53). Lúc đó trấn thành đóng tại huyện Bình Dương thuộc phủ Tân Bình. Hồi nầy huyện Tân Bình vừa mới được nâng lên làm phủ Tân Bình, gồm 4 huyện: Bình Dương(54), Tân Long(55), Thuận An và Phước Lộc, những huyện nầy cũng vừa được nâng từ tổng lên làm huyện. Tuy danh xưng có thay đổi, song Sài Gòn vẫn là lỵ sở của cả thành Gia Định và Phiên An trấn. Năm 1808, dầu vua Gia Long đã cho nâng các huyện Tân Bình, Định Viễn, Phước Long, và Kiến An lên làm phủ, nhưng không bổ nhiệm quan Tri phủ; mãi đến năm Minh Mạng thứ 3 (1822), nhà vua mới bổ nhiệm các ông Hà Tôn Quyền làm Tri phủ Tân Bình, Phan Hiển Tánh làm Tri phủ Định Viễn, Võ Đức Khuê làm Tri phủ Phước Long, và Phan Bá Đạt làm Tri phủ Kiến An. Năm 1810, vua Gia Long cho đổi chức quan Lưu trấn ra Trấn phủ;năm 1813, nhà vua bắt đầu đặt chức tri huyện ở các huyện trong Gia Định Thành. 

Vào năm 1820, tức là năm đầu đời Minh Mạng, tổng trấn Gia Định Thành là đức tả quân Lê văn Duyệt đã cho mở cửa thương cảng Sài Gòn và hàng loạt tàu bè Tây phương đã cập bến Sài Gòn, trong đó có những thương thuyền của người Mỹ đã ghé lại đây mua đường và nhiều nông phẩm khác. Phải thành thật mà nói, sự phát triển vượt bực của phủ Tân Bình cũng như vùng Sài Gòn-Gia Định đa phần là nhờ ở những người Minh hương. Họ đã đến đây từ giữa thế kỷ thứ XVII và họ đã liên kết với nhau thành những bang hội rất có thế lực. Chính họ là những chủ vựa đóng vai trò rất quan trọng việc phân phối hàng hóa từ các nơi đưa về Sài Gòn-Gia Định. Thêm vào đó, dưới thời nhà Nguyễn, vua chúa nhà Nguyễn đã tuyệt cấm người Việt Nam đóng ghe tàu biển nhằm buôn bán với người ngoại quốc, nhưng triều đình chẳng những không cấm đoán người Hoa mà còn khuyến khích và hỗ trợ họ trong việc nầy. 

Ngoài ra, Hoa kiều còn được phép thu mua gỗ quý, gạo và đường để phân phối các nơi. Mãi cho đến ngày nay vẫn chưa có nghiên cứu chính xác nào về những nguyên nhân khiến các vua nhà Nguyễn không cho phép người Việt Nam hoạt động trong những lãnh vựa quan trọng nầy mà chỉ cho phép người Hoa. Có thể các vua nhà Nguyễn cho rằng người Hoa rất giỏi về thương mại nên khi cho phép họ làm những việc thương mại lớn lao nầy các ngài sẽ thu về một số tiền thuế lớn lao. Tuy nhiên, chính những chánh sách ưu đãi Hoa kiều nầy đã chẳng những chặn đứng bước phát triển của các thương nhân Việt Nam mà hậu quả của nó đã làm tê liệt toàn bộ thương nhân Việt Nam mãi cho đến ngày hôm nay. Dầu thế nào đi nữa, nhân dân Gia Định Thành dưới thời Tổng Trấn Lê văn Duyệt cũng đã an hưởng thái bình thạnh trị một thời. Đức Tả Quân Lê văn Duyệt đã áp dụng chính sách cởi mở về thương mại nên kinh tế vùng Gia Định thời đó phát triển rất nhanh. Ngài đã khuyến khích tàu bè ngoại quốc đến giao thương với thành Gia Định với những qui chế hết sức dễ dãi. Chính nhờ vậy mà dân chúng miền Nam thời đó được an cư lạc nghiệp.

Người Long Hồ
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011
Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.
Links xem tiếp:

C- 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét