Rốp! “bénissez nous seigneur, benissez nos parents, nos maitres et notre patrie”
“Ngồi xuống!”
Cả
hai mùa mưa nắng, cho đến hết năm học, rồi lại sang năm lên lớp, bạn cũ
vơi đi, bạn mới lại vào, luân chuyển như thời tiết. Cây me trước lớp
cũng thả lá từng đám nhảy múa khi có cơn gió dẩu nhẹ thoảng đủ làm đám
học trò đang ngồi học thấy mát. Rồi trái bắt đầu lớn dần, khoe thân đầy
tán lá, không biết tụi bạn hái trái hồi nào, mà khi giờ ra chơi cầm trái
me nhai rào rạo. Trời đất ơi, tui đứng gần, dầu nghe tiếng nhai đã cảm
thấy ê răng rồi, mà tuyến nước bọt của tôi bỗng thức giấc bơm nước thả
ga, có muốn ngưng nó cứng đầu không chịu ngưng, ôi ngượng.
Chung
quanh trường chúng tôi trồng khá nhiều me, trước lớp đệ lục đệ ngũ là
hai cây me khá to chẳng biết được trồng từ bao giờ, sau nhà thờ lại có
một cây vú sữa, có điều tôi chưa thấy được trái nào. Khi đến trường bằng
xe đạp, bọn học sinh chúng tôi dựng xe quanh gốc cây, hoặc bên hông cửa
lớp. Có lần tan học, các cô túa ra dắt xe, một cô bạn hai tay cầm
gi-đông nâng xe cao lên để qua bậc thềm. Trời đất! Cái bánh trước lại
chạy trước thân xe, cô nàng đứng bối rối, hai tay vẫn cầm cái gi-đông
trống lỏng... phía dưới! Rồi một bạn nam đến, lấp lại giùm. Tôi độ chắc
tay này muốn người đẹp khắc cốt ghi tâm (anh hùng cứu mỹ nhân), và rằng
thủ phạm chính là đây... Cũng chợt nhớ chuyện tay Tiến nhà mình. Một
hôm, tan trường về, Tuấn Tiến chơi rất thân nhau, hai cụ ôm cặp đi bộ
về, gần đến ngã ba trước cửa trường, thì cô Nhi của Tiến bị ngã xe (bấy
giờ còn là bạn chớ chưa phải sau nầy là nội tướng của Tiến), Tiến chạy
vội đến galant đáo để, mau mau đở nàng Nhi lên, phủi tay chân áo sóng,
rất ư quan tâm an ủi hỏi thăm (chỉ lo có bao nhiêu đó, mà không thèm
thấy các việc khác mới ghê chớ!). Tui đi sau phải lo dựng xe lên, lại
còn nhắc Tuấn nhặt cặp cầm giùm, rồi hai vị tướng tiếp tục phò cô Nhi đi
tà tà về, khà...khà..
***
Trước
mặt nhà thờ là quãng sân, giờ nghỉ giải lao các học sinh tụ tập rất
đông nơi đây, chiếm cả trước cửa và bên hành lang nhà thờ. Riêng tôi
thích đứng nhìn qua hàng rào kẻm gai được căng rất thẳng, nhìn say mê bờ
sông. Không biết kiếp xưa tôi có chơi thân với cụ Hà Bá không, mà khoái
nhìn sông, nắng cũng như mưa, bất kể sáng hay chiều, vẻ đẹp luôn biến
đổi. Mãi đến giờ tôi vẫn mê sức cuốn hút, cuối đầu sông nối cuối chân
trời, cùng hàng cây xanh mờ xa xôi diệu vợi. Những ngày tàn xuân sang
hạ, mây trắng từng đám nhỏ rong chơi đuổi nhau về hướng tây, nhìn lên
tháp giáo đường, ngọn tháp giáo đường trôi ngược lại, (mây trôi hay giáo
đường trôi nhỉ). TUYỆT!
Bên
trái nhà thờ, giữa hai cây me cùng cây vú sữa là lạch nước làm bến đậu
cho hai chiếc canô dành cho Cha đi làm lễ ở họ đạo nhỏ (Cái Mơn và những
nơi khác). Đến nay, quãng trường Vĩnh Long vẫn còn hai cây me đó (không
tin các bạn có thể đến hỏi hai cây me đang đong đưa trái)
Trường
có một kiosque bán thức uống cho học sinh phía bên trái nhà thờ, do một
bà trung niên đứng bán, gọi là dì Bảy, trong giờ tạm nghỉ, các nữ sinh
hay túm tụm nơi nầy, vừa uống đá bào si rộp, vừa (tám) inh ỏi, âm thanh
vang đến nỗi gác chuông cạnh bên cũng muốn góp chuyện.
Các
nữ sinh xưa với áo dài truyền thống, trông nhu mì thướt tha, dịu dàng
vô cùng, gọi là tiên nữ chắc cũng không quá cường điệu.
Nói
đến tiên thì cũng nên mông lung một chút: Bình sinh tôi chỉ thấy hình
tiên qua hộp bánh trung thu, sau đó là tiên trong phim bộ (Tây du ký)
của Tàu với áo nhiều lớp dài nhằng ẻo lã, có lẽ ai cũng khoái hình ảnh
tiên nữ. Nhưng nếu chẳng may đêm có việc về khuya, đường vắng chỉ mình
ta, đang rảo bước dưới hàng cổ thụ già, chợt nhìn lên ngọn cây, thấy
tiên nữ áo trắng thướt tha tà tà trên đầu… Ôi thôi, co giò vọt cùng với
sức phản lực phần hạ chi để (chạy trối chết). Nói hơi nhảm, song thắc
mắc của tui thế nầy: Chuyện Tàu hay cáp đôi: tiên ông - tiên bà / tiên
đồng - ngọc nữ / tiên cô (nhưng lại thiếu tiên cậu). Phải chăng là hiểu
ngầm quý tiên ông muốn độc quyền luôn tiên cô?
***
Trường mỗi năm có thông lệ làm Lễ Bổn Mạng (tựa như Ngày Truyền Thống).
Trước
đó vài hôm, mỗi chiều chúng tôi tập thánh ca để đến hôm lễ, vào nhà thờ
cùng hát. Bài tập hát do thầy Ẩn hướng dẫn. Buổi sáng ngày lễ Bổn mạng
trường, một dãy bàn dài đặt trước chính diện của nhà thờ. Ngồi giữa là
cha Quang Hiệu Trưởng, bên trái là quí Cô, bên phải là quí Thầy. Thầy Ẩn
dùng micro hướng dẫn buổi lễ cùng các trò vui sau đó: kéo co, đập nồi,
xỏ kim, trèo cột thoa mỡ bò, nhảy bao bố, v..v..Tất cả học sinh của
trường cùng tham dự. Môn đập nồi mới khổ cho tay tham dự, nồi treo lũng
lẵng cách hàng năm người tham dự khoảng 5m, mắt bịt kín, lò mò đi dưới
sự ó ré ủng hộ hướng dẫn từ xa, bên trái, rồi bên phải, năm ông tham gia
không biết hướng nào mà đập, tay nào đập trúng nồi, vật thưởng văng tứ
tung, bên ngoái quần hùng ào vào lượm sạch. Người chơi tháo vải mắt ra,
tẻn tò chẳng thấy món quà của mình!
Vui nhất là mục đọc thơ, mà tôi còn nhớ mãi đến giờ… Gồm bốn hàng, mỗi hàng có bốn bạn xếp đứng dọc cách nhau khoảng hai mét, bốn bạn cuối chụm đầu chú ý nghe thầy Sản đọc bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, thơ hán nôm mới ác liệt. Giọng của thầy là giọng rặc một địa phương miền Bắc, chứ không phải nhẹ như âm ngữ của Hà Nội, có lẽ thầy cố ý đọc khó nghe. Thầy đọc ba lần, các bạn vội đi nhanh đến người đứng trước mình, kề mỏ vô lỗ tai bạn nhóp nhép (sợ kẻ địch copy), đến phiên bạn cuối cùng thì bước lên bàn chủ tọa, viết vào giấy trình thầy. Sau đó bài thơ của mỗi hàng được tuần tư đọc lên. Sai tùm lum, mới đó đã tam sao thất bổn, sai lời mà cũng sai ý, khiến cứ mỗi bài đều có tiếng cười rộn rã.
Riêng một bài tôi còn nhớ loáng thoáng, mà khi gặp chị Trân cũng có nhắc lại, đại ý như sau:
“ Bà Hạnh thì thầm gọi Ông Đức,
Chiều nay đúng bảy giờ tại Ngã Ba Ông Cảnh
Bà Nhan lãi bãi kêu dì Bảy đi bắt ghen ”
(Tuấn ơi chớ giận nghe, nhắc lại chuyện vui của trường mình thôi)
***
Xem
trên hình các Thầy Cô, thấy có cô Hương khiến tôi nhớ lại một chuyện
không hay: Khi cô Hương mới vào dạy lớp Đệ ngũ, trong giờ cô dạy Hóa, cô
gọi một bạn tên BH lên bảng viết phản ứng hóa học. Có lẽ trong lòng bạn
này chê cô mới dạy, nên có phản ứng bằng cách viết công thức với nét chữ
thiệt to trên bảng. Bạn nào cùng lớp còn trên đời này hoặc tình cờ đọc
được chuyện này, nên thông cảm và tha thứ cho bạn BH, bởi sau đó cô
Hương đã khóc, và cuối năm đó không thấy bạn BH nữa.
Tôi đọc lại một câu cuối bài thơ lục bát, học từ những năm lớp Đồng Ấu:
Những phường bội bạc sau nầy ra chi?
Hiện giờ tôi cũng chẳng ra chi trong cuộc sống, có lẽ tôi cũng phạm điều bội bạc nào đó mà tôi không biết?
Thỉnh cầu ơn trên cho chúng tôi được rõ những điều bội bạc mà tôi vô tình gây khổ cho người khác..........
Trương Văn Phú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét