Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

Tiếng Nói Của Thầy

Lời Tác Giả:
      Ánh Mắt Học Trò (Tuỳ bút) phản ảnh tâm trạng của một thày giáo qua góc độ nhìn xuống đám học trò trong lớp học.Ngược lại, bài Tuỳ bút Tiếng Nói Của Thày phản ảnh tâm trạng của một học sinh qua góc độ nhìn lên các thày/cô giáo. Ngày nay, với đà tiến triển của văn minh,khoa học, người ta dễ dàng mở mang kiến thức bằng nhiều cách khiến vai trò của người thày bớt đi tầm quan trọng và tâm lý, đạo đức của người đi học cũng biến đổi theo. Nhưng dù sao, tác giả cũng ân cần gởi đến các bạn trẻ, vừa qua bậc Trung học(HS) để bước vào đời hay học lên ĐH, tâm tư của một người thuộc lớp cổ điển cho đến nay vẫn còn giữ ấn tượng coi hình ảnh thày như thần tượng và vẫn tôn trọng truyền thống học đường: tôn kính và biết ơn thày. 
ChinhNguyen/H.N.T.,USA Oct 5.2014.
***

      [Ngoài tình ca quê hương,tình ca mẫu tử,còn phải có tình ca học đường. H.N.T.]
Như tiếng vọng âm vang trong lòng núi,Tiếng Nói Của Thày âm vang trong đáy thẳm hồn tôi.
Nếu thể xác tôi được nuôi bằng giòng sữa mẹ,bằng mồ hôi nước mắt của cha,thì trí óc tôi đã lớn lên trong thanh âm Tiếng Nói Của Thày.
      Một ngày thơ ấu, tại một ngôi trường nhỏ bé,lần đầu tiên tôi được nghe Tiếng Nói Của Thày. Đôi mắt nai tơ ngơ ngác nhìn thày,vành tai mèo vểnh lên nghe thày nói,miệng ê a đọc những vần chữ khai tâm..Tôi chập chững bước qua ngưỡng cửa học đường bằng những hình ảnh đầu tiên ấy.
Tuổi hồng sao đẹp quá! Kỷ niệm xa xưa không thể phai mờ.Tôi lớn lên dần theo năm tháng.Thơ ấu qua đi,rồi niên thiếu tới. Hàng năm cứ sau mỗi mùa phượng nở, tôi lại có thêm một thày giáo mới và bên tai tôi lại tiếp tục vang lên Tiếng Nói Của Thày.

      Tiếng Nói Của Thày đã tạo nên điệp khúc Tình Ca Học Đường trong bản trường ca vĩ đại của đời tôi: Trường Ca Xây Dựng Đời Nguyện Ước(**).Với muôn ngàn tiết điệu, bản trường ca được hát lên bằng 4 loại thanh âm: Tiếng khóc chào đời, Lời ru của mẹ, Tiếng nói của thày, Lời thủ thỉ của người yêu. Hai thanh âm đầu giờ đây đã biến khỏi vùng ký ức, có lẽ chỉ còn rung lên trong khoảng hư vô của tiềm thức_máy nào ghi lại cho tôi lời ru của mẹ thuở lên ba?_Thanh âm cuối cùng thì chưa đến hay còn mơ hồ. Riêng Tiếng Nói Của Thày đã và đang rung lên trong tâm tưởng vì tiếng nói đó đã đến với tôi kể từ khi ký ức biết ghi nhận rõ rệt sự hiện hữu của ngoại vật và tâm linh.
      Tiếng Nói Của Thày không những hoà âm tất cả tiếng nói của những người đã dạy tôi ở chốn học đường nhưng còn là một tổng hợp của 3 loại thanh âm kia nữa. Qua Tiếng Nói Của Thày, tôi nhìn thấy thấp thoáng hình ảnh tôi khi cất tiếng khóc chào đời,hình bóng mẹ hiền đang ru tôi vào giấc ngủ;tôi cũng vượt cả thời gian để sống trong một viễn tượng thơ mộng của ngày mai.
      Được vây kín bởi 4 bức tường lớp học, trước mặt đám học trò có đủ mọi tính tính,Tiếng Nói Của Thày âm vang như mệnh lệnh thiên thần, ban ra từ cõi hư vô.Cũng có khi Tiếng Nói Của Thày nghe như tiếng chuông đồng sang sảng, tiếng sóng vỗ ngoài khơi giạt giào hay tiếng thì thầm của ngàn cây trong gió nhẹ. Có lần nương theo âm ba Tiếng Nói Của Thày, tôi biến thành một cánh chim bay vút cao tận khoảng trời xanh thẳm rồi bỗng nhiên chim trời mỏi cánh, sa xuống một cánh đồng hoang: giọng thày nghẹn tắc,Tiếng Nói Của Thày im bặt,tôi cảm thấy thương thày.Cũng có lần Tiếng Nói Của Thày trở thành gay gắt, thày mắng học trò rồi vội quay đi, nhưng tôi còn kịp nhận thấy một giọt lệ vừa ứa ra trong khoé mắt của thày. Làm sao tôi quên được niềm hối hận đang vò xé trong tôi lúc đó?

      Thày ơi. Tâm tư tôi bỗng thốt lên từng tiếng gọi thày. Hàng năm, hàng năm dù bóng hình và giọng nói của thày thay đổi, dù thày học tôi khi là một cô giáo khi là một ông thày, tôi vẫn luôn luôn có cảm tưởng rằng mình chỉ có một THÀY và một TIẾNG NÓI CỦA THÀY DUY NHẤT. Điều này không gì khó hiểu cả. Thật vậy, thày tượng trưng cho một mẫu người đáng kính và đáng mến, sống thanh bạch và khiêm nhường, mang một sứ mạng cao cả: thay thế cha mẹ tôi để dìu giắt tôi trên đường học vấn.Tôi nhớ đến thày không phải chỉ nhớ một người nào riêng rẽ nhưng hình dung thày như một thể nhân của cả một TẬP THỂ các thày kết tinh.Tôi kính mến thày không chỉ riêng từng cá thể đặc định, nhưng lòng yêu mến trải rộng trên TẬP THỂ CÁC THÀY ĐƯỢC CÔ ĐẶC LẠI THÀNH MỘT THỂ NHÂN DUY NHÂT. Cho nên nếu bây giờ tôi không thể nhớ rõ được tất cả các thày, bất cứ lúc nào tôi cũng có thể mường tượng ra dáng dấp, y trang, tiếng nói của một mẫu người điển hình. Mẫu người ấy chính là một hình ảnh thu nhỏ, trong tâm hồn tôi, của toàn khối những người đã tận tâm dạy dỗ tôi. Và hình ảnh này còn in sâu mãi mãi trong tim tôi.
      Hôm nay, mùa đông đang chuyển mình đón mùa xuân mới trở về. Những cảnh sắc tưng bừng ngày hội cuối năm, theo truyền thống, lại hiện ra trong các lớp học trường tôi. Cũng những mái đầu xanh_mặt biển hồ xanh in bóng chùm sao Confetti lấp lánh_.Cũng những tấm thiệp hoa xuân xinh xắn hay những lời chúc bạn chúc thày rộn rã. Cũng tiếng nói đầm ấm của thày lại một dịp âm vang, lôi kéo tôi trở về với chuỗi ngày qua, trong suối rừng âm thanh Tiếng Nói Của Thày.

      Thày ơi!
     TIẾNG NÓI CỦA THÀY LÀ TIẾNG HÁT RU CON VÀO ĐỜI. Thày đã gieo trong lòng con muôn vàn kiến thức, giúp con mở mang trí tuệ, xây dựng con nên người. Sau này, nếu không thể thành công thì ít ra con sẽ thành nhân. Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Quân Sư Phụ, Nhất tự vi sư bán tự vi sư. Không thày đố mày làm nên. Muốn cho hay chữ phải yêu mến thày. Uống nước nhớ nguồn...Bài học đầu đời của bậc Vạn Thế Sư Biểu và của tiền nhân, mà Tiếng Nói Của Thày là dư âm, đã làm cho con biết nhớ ơn sinh thành và nuôi dưỡng của cha mẹ con, cũng như công lao dạy dỗ của thày.
      TIẾNG NÓI CỦA THÀY ĐÃ ĐƯA CON VÀO TRONG GIẤC MỘNG THIÊN THẦN. Cảnh đẹp của quê hương Việt Nam yêu dấu, tháp Ai Cập huyền bí, Bắc băng dương lạnh giá, Sahara nóng bỏng, Hạ Uy Di thơ mộng, miền Viễn Tây Hoa Kỳ hoang vu, đỉnh Everest cao vút tận mây mờ, giải Ngân hà hùng vĩ trong đêm thâu...
      TIẾNG NÓi CỦA THÀY ĐÃ ĐƯA CON VÀO VÙNG ÁNH SÁNG CỦA VĂN MINH NHÂN LOẠI, với những công trình vĩ đại của Euclide, Newton, Pascal, Archimede, Pasteur, Einstein...Con say sưa bay khắp khung trời khám phá: vũ trụ vô biên, sự vận chuyển của những vì tinh tú, hành lang sức hút của trái đất, nhật thực và nguyệt thực, bộ mặt thật của nguyệt cầu, nguyên tử lực; cả không gian 4 chiều và hiện tượng thần giao cách cảm.
      TIẾNG NÓI CỦA THÀY ĐÃ ĐƯA CON VÀO KHO TÀNG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT. Bên tai con vang dội những thiên anh hùng ca bất tử của Corneille, Rabindranath Tagore hay thì thầm những lời thơ êm ái của Lý Bạch, Nguyễn Du, Xuân Diệu, Lamartine, Nguyễn Khuyến, Bà Huyện Thanh Quan và những câu văn bay bướm tuyệt vời của Khái Hưng, Nhất Linh, Anatole France, Chateaubriand, E.de Amicis. Con tung tăng trong vườn đầy sắc hoa tuyệt mỹ với Leonard de Vinci, Van Gogh, Picasso rồi con lạc bước trong rừng thiêng đầy những cây cổ thụ như Lão Tử, Thích Ca, Socrate...Và con chơi vơi trên sóng triều nhạc vũ của J.Strauss, Beethoven, Mozart, Schubert...
TIẾNG NÓI CỦA THÀY ĐÃ ĐƯA CON VÀO GIÒNG SÔNG LỊCH SỬ OAI HÙNG CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM. Con ghi ơn những vị anh hùng lập quốc, bảo vệ giang sơn: Quốc Tổ Hùng Vương, Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Con hăng say bước đi trong vùng ánh lửa bập bùng của Mùa Xuân Kỷ Dậu, Mùa Thu Tháng Tám. Tâm hồn con vang lên tiếng gọi réo rắt của một Trần Hưng Đạo, một Lê Lợi, một Quang Trung, một Nguyễn Thái Học...Con cảm thấy yêu quê hương đau khổ này, yêu đồng bào, yêu tự do, độc lập và hoà bình.
      Ôi còn bao Tiếng Nói Của Thày, tôi không thể nào kể xiết. Nếu dĩ vãng và hiện tại ngăn đôi bởi một giòng sông thì Tiếng Nói Của Thày là cây cầu đưa tôi vào quá khứ. Tôi nguyện sẽ kết hợp những công trình, kinh nghiệm của thế hệ quá khứ với thế hệ hiên tại để xây dựng thế hệ tương lai. Thể xác thày có thể chết đi, nhưng hình ảnh và Tiếng Nói Của Thày phải trở thành vĩnh cửu. Một ngày mai, rời khỏi học đường, tôi phải xa thày, không còn được nghe Tiếng Nói Của Thày nữa, nhưng có một điều chắc chắn là Tiếng Nói Của Thày sẽ âm vang mãi mãi trong đáy thẳm hồn tôi.
      Hôm nay, mùa Xuân sắp đến. Tâm tư tôi lại đang thốt lên tiếng gọi thày. Thày ơi!.Tiếng Nói Của Thày sao thiêng liêng và quí báu!

      KHI NÀO TRÊN THẾ GIỚI NÀY CÒN CÓ NHỮNG BẦY HỌC SINH CẮP SÁCH ĐẾN TRƯỜNG, KHI NÀO DƯỚI MÁI HỌC ĐƯỜNG CÒN VANG LÊN TIẾNG ĐỌC Ê A, THÌ TÂM HỒN TÔI VẪN CÒN VANG LÊN TIẾNG NÓI CỦA THÀY./
**Thơ H.N.T.(Mộng Đẹp Mùa Hoa,XI/58):
Giấy vàng xanh trắng đỏ nét hoa bay,
Trống gõ nhịp bản trường ca xây đời nguyện ước.

ChinhNguyen/H.N.T.
H.N. SAIGON, XII/71
(Nguỵệt san Biên Cương Mới#3/THCVA SG,1972)
(Đài P.T. HUE:_?_)

Ơn Thầy Cô


(Mừng Ngày Nhà Giáo Quốc Tế 05/10)

“ Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi
Có hạt bụi nào, rơi trên bục giảng
Có hạt bụi nào, vương trên tóc thầy…”
( Bụi Phấn – Lê văn Lộc )

Đến trường nghe giọng thầy cô
Khai tâm từ thuở hoang sơ tâm hồn
Như cha nghiêm khắc với con
Như mẹ tần tảo sớm hôm quê nghèo.

Lời cô từ bé tí teo
Giọng thầy từ lúc trường nghèo mái tranh
Làm đồng cha đội nắng hanh
Bến sông buôn bán mẹ quanh bến đò.

Mẹ ru từ thuở còn thơ
Thầy ru từ lúc còn khờ nghĩa ân
“Không thầy đố mầy thành nhân”
Ơn cha nghĩa mẹ thấy gần mà xa.

Mỗi lần cành phượng trổ hoa
Đi ngang trường cũ vỡ òa buồng tim
Giọng thầy còn đọng trong em
Ân sư, phấn trắng, bảng đen, ngôi trường.

Lời thầy như những giọt sương
Ươm xanh chồi cỏ mát đường em đi
Trăm năm tuổi mộng xuân thì
Ơn thầy thấm mãi vòng bi cuộc đời.

Dương Hồng Thủy

Thứ Ba Học Trò

(Một nén hương lòng kính dâng đến thầy Ngô Quang Vỹ.)


      “ Nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò”. Đây là một câu mọi người thường hay nói, cũng là câu mà học sinh luôn phải nghe. Vì nghe mãi nên học sinh thích thực hành, áp dụng để chứng minh ca dao, tục ngữ Việt Nam không sai… là vậy!

      Các bậc thầy cô chẳng được học trò “Để mắt” đến là đồng nghĩa với không đủ sức thu hút, là ví như anh hùng hào kiệt đi trên đường bằng phẳng. Có hơn được ai!
Học sinh mà không một lần phá phách, khác nào như bánh đúc có xương. Học sinh ngoan với thầy cô thì bạn bè bảo cù lần, bằng ngược lại, bị trù ếm lên xuống thì được tiếng dân chơi. Bởi thế, bọn học sinh có sự phân vân chọn lựa: “Cù lần” hoặc“ Chịu chơi”. Rõ khổ!

       Phá thì cũng 5,7 đường phá. Muốn trội hơn người, học sinh phá ồn ào, phá sôi nổi, phá quậy đình quậy đám, phá bạo động, phá tới bến…Cần giữ tiếng ngoan, các cô cậu phá có bài bản, có bè kết, phá âm thầm, phá lặng lẽ, phá không để lại vết tích hay còn gọi là “nghịch ngầm”. Bởi nữ sinh nghịch ngầm nên đôi lúc cũng oan ơi ông địa cho bọn nam sinh. Một vấn đề được đưa lên ban giám hiệu, thì y như rằng: “Nữa cũng mấy thằng mắc dịch đó nữa”. Ngờ đâu con gái! Con gái có tiếng ngoan, nhưng ai biết được “Đừng nghe những gì con gái nói…con gái nói có là không…nói không là có…”. Bọn con trai trêu là “Lùn mã tử”, dù chẳng hiểu ý nghĩa của lùn mã tử là gì, con gái vẫn nhanh nhẩu trả lời: “ Lùn khỏi mắc công luồn cúi”. Con gái tuy nói thế, nhưng lúc nào cũng tìm thầy cô nào thấp nhất trường để so sánh, bằng cách đứa này vờ hỏi bài, đứa kia so cao thấp. Tuổi trẻ dại khờ là vậy, cứ nghĩ thầy cô là phải luôn cao hơn mình.

      Nhắc đến nhân dáng, không thể không nói đến thầy dạy Văn, người không bảnh trai, nhưng có khoa ăn nói, nhất là lúc kể chuyện. Bọn học sinh nghi ngờ tài của thầy, nên có lần chúng tôicố tình gây bận rộn để đứa khác nhanh tay cuỗm quyển Luận văn mẫu của thầy. Sau hai ba tuần, thầy vẫn thao thao bất tuyệt, bọn tôi chọn đứa hiền nhất lớp mang sách trả lại với tiếng lời là cất giùm vì thầy bỏ quên. Thầy vừa nhận sách vừa rối rít cám ơn. Đến giờ khảo bài, người hiền nhất ấy được vinh dự gọi lên. Cũng như lệ thường, bọn học sinh ngồi bàn đầu có nhiệm vụ phải nhắc nhở bằng cách hạ thấp cuốn tập, cô có thể nhìn bài mà đọc. Có lẽ vì cô thấy không rõ nên như đĩa hát hư, cô cứ lặp đi lặp lại…
- Một bầu…một bầu…
Một chuyện đảo lộn đất trời, lần này chính thầy là người nhắc bài cho cô. Thầy nhắc rằng: “Một bầu tâm sự vui thầm ai hay.” Cô ngây thơ lặp lại, cả lớp như ong vỡ tổ, vì thật ra là “Một bầu trời đất vui thầm ai hay”.
      Một hôm khác khi thầy vừa vào lớp, nhao nhao có tiếng la:
- Hôm nay tụi em hổng học giờ thầy đâu á.
- Tại sao? Thầy hỏi.
- Mọi hôm thầy rẽ tóc bên trái, sao hôm nay thầy rẽ bên phải. Thầy không chải lại, tụi em nhất định không học…nhất định.
- Ô hay, tóc của thầy, thầy muốn chải sao thì chải!
Lúc ấy, chị trưởng lớp lôi từ cặp ra từ một chiếc lược và đưa cho thầy.
      Thầy nhìn bọn học trò mỉm cười, đón chiếc lược và bước ra khỏi lớp…Khi thầy trở lại, đứa nào cũng hả hê ra tuồng chiến thắng. Hôm ấy, chúng tôi không những không có lý do để “ Nhất định không học” mà là buổi học hăng say nhất của bọn…thứ ba học trò.

      Đã trên ba mươi năm, tôi còn nhớ mãi nụ cười của thầy ngày hôm đó. Giờ đây tôi rất chắc chắn, không phải kiến thức cao hay tài ăn nói lưu loát của thầy đã chinh phục chúng tôi, mà chính sự tự thầy đặt mình vào vị trí học sinh, cùng đi những bước đồng hành để dìu dắt chúng tôi.
      Sự phá phách còn tùy thuộc vào mỗi bộ môn và học lực của chúng tôi.Những bộ môn khó nuốt thì khác, như trường hợp cô bạn tôi, mắt nhắm, chắp tay, rất thành kính, van vái cho thầydạy Pháp văn bệnh, không đến lớp, cô sẽ cúng Ông Địa nải chuối. Chúng tôi mặt tái xanh, im thinh thít vì thầy đang hiện diện mà cô nào biết.
- Sao, mong thầy bị bịnh gì?

       Đời học sinh có những niềm vui “làm sao nói hết”, được nghỉ hè trong thời gian dài, nhưng buồn vì xa thầy vắng bạn.Tết là cơ hội tốt cho chúng tôi vòi vĩnh , làm eo làm sách, nhất là giữa những giờ chuyển môn học.. Thầy dạy Toán vừa đến, thầy dạy Văn chưa kịp dời chân, một giọng nói nhão nhẹt :
- Thầy…năm cũ sắp qua, năm mới sẽ đến, lì xì cho tụi em một bài hát đi th…ầy…
      Thường ngày thầy rất nghiêm , hôm nay ngoại lệ, thầy với tay lấy chiếc nón lá treo trên tường đoạn quay sang thầy dạy Văn:
- Anh đàn giùm tôi đi.
Thầy dạy Văn vờ đưa tay, lên dây nắn phím: “ Từng …tửng…tưng…”.Thầy dạy Toán lật ngược chiếc nón lá và cất giọng:
- Bà con cô bác làm ơn, cho tôi xin bát gạo đồng tiền.

      Hồi ức đang ào ạt trở về, giọng hát năm nào còn vang vang. Đây là hành trang vào đời, tôi đã mang theo trong những năm còn làm việc nơi quê nhà.
      Trong bất kỳ những trường hợp phá phách , lúc nào học sinh cũng bị “lép vế”, nên tâm đắc nhất là cố tìm cái tẩy của thầy cô minh để lật. Ở Vĩnh long lúc “trời chiều đã ngả về Tây”, là thời gian xe hủ tiếu xuất hiện, được đẩy khắp nẻo đường với lối mời hàng hấp dẫn là tiếng gỏ cốc…cốc của hai thanh gỗ đánh vào nhau. Đường Văn Thánh nay được đổi tên thành Trần Phú, là lộ trình chót của xe hủ tiếu, đây là thời gian lý tưởng cho “vạc ăn đêm”.

       Không gì bằng sau những giờ học mệt nhọc, học sinh có được một tô hủ tiếu nóng. Tuyệt! Thật ra bọn học sinh xa gia đình, chỉ được nghe tiếng cốc…cốc…, làm gì có đủ tiền để ăn.
- Ý, tiếng ai nghe quen quen, giống tiếng của…
      Thế là đèn tắt cái phụp, chị em tôi cùng hướng mắt ra cửa sổ và quan sát tình hình…Một trong ba người cất giọng:

- Xí quách bà nấu ngon, nhưng ăn dơ tay quá!

       Chúng tôi âm thầm theo dõi, tiếng muỗng đủa chạm nhau, tiếng cười nói xôn xao. “Độ chập bã trầu”, tiếng Honda nổ máy và cuốn hút trong màng đêm. Tội cho thân tôi, tối hôm ấy phải thức gạo bài đến khuya vì một mục đích. Sáng hôm sau, đến giờ Toán, xoay người qua cô bạn ngồi bên cạnh, người đã được tôi kể chi li chuyện đem qua và tôi vờ nói:
- Xí quách ăn ngon mà dơ tay quá!
Thầy ngạc nhiên trố mắt
- Ủa, nhà của em ở đó hả?
- Dạ thầy nói chi em không hiểu.
      Để cho tôi hiểu…thầy gọi lên khảo bài, hôm ấy tôi bước lên bảng với đầy tự tin, bài toán được tôi chứng minh rõ ràng, ngắn gọn. Đạt được điểm cao, tôi rời khỏi bục. Thầy có biết đâu, vì muốn phá thầy và giữ tiếng ngoan, nên đêm rồi tôi học đến bở hơi tai. Lên lớp cao, đa số các môn học do thầy phụ trách, ngoại trừ cô Dung và cô Sâm. May mắn, tôi “gặp” lại cô Dung qua đĩa DVD, bụi thời gian chưa đủ tàn phai, nên tôi nhận ra cô Dung ngay. Hôm nay tôi không ngại bật mí, xem như kỷ niệm một thời tôi gửi đến cô vậy. Năm cô dạy là năm thi theo kiểu A, B, C khoanh, nên bài kiểm của lớp này được trao đổi với lớp khác và chúng tôi tự bắt lỗi cho nhau. Bọn con gái làm bài dù sai thế nào cũng được các nam sinh lịch sự sửa lại, nên đa số được nhiều điểm. Như đã bảo, con gái nghịch ngầm, nên bài làm của nam sinh dù làm đúng, bọn con gái khoanh lại cho sai. Đã vậy, con gái còn nấu chè đổi tên các chàng. Anh chàng tên Vương thì đổi thành “Dương Văn Dê”; “Trần Hữu Lộc” đổi là “ Trần Hủ Lọt”. Nam sinh khiếu nại ơi ới, cô Dung quay chúng tôi tơi bời. Đánh chết chứ nết không chừa, nên sau hai lần trao đổi để sửa bài, chương trình “tạp lục Tùng Lâm” đó chấm dứt. Đúng là con gái! Rượu mừng không uống, thích uống rượu phạt. Điểm cao không muốn mà muốn…tức ơi là tức, nhưng muộn mất rồi.

       Một người nào đã nói, đời người như dòng sông và cuối cùng cũng đi vào định luật của tạo hóa…trong số thầy cô còn đây,người miên viễn ra đi. Người tôi muốn nhắc đến là thầy Ngô Quang Vỹ. Đây là vị giáo sư được học sinh “để mắt” nhiều nhất. Ngoài giờ học ở trường, thầy còn tổ chức khóa học thêm tại trường Long Hồ. Trong những giờ học thêm, tôi ngại hỏi thầy trước đám đông vì sợ quê và bị chê dốt nên khi không hiểu bài tôi nhờ thầy giảng lại, trong giờ chơi, một lần thầy hỏi tôi:

- Nhà mầy ở đâu mà đi học tối?
- Dạ nhà em ở…
Tôi như được dịp vẽ rồng vẽ rắn thêm chân , để cuối cùng căn nhà của tôi được mô tả là nhà người yêu mà sau này là phu nhân của thầy.
- Mầy là con quỷ, tao sẽ mét anh mầy.
      Vì anh tôi cũng là học trò của thầy, nên cô bạn đứng cạnh tôi bênh vực ngay:
- Thôi ông ơi! Ông nói không lại rồi đòi mét.
Thầy vẫn không tha khi nhìn tôi có chiếc răng khểnh.
- Mầy là ma cà rồng có nanh.
Bạn tôi cũng chẳng vừa:
- Nó có một còn ông tới hai cái lận.

      Có lẽ câu nói “có tài có tật” đúng với thầy. Đa số học sinh, dù thầy đã xưng hô mầy tao, nhưng lại thích học giờ của thầy, vì áp dụng phương pháp của thầy thì tuyệt chiêu khi giải toán. Đến năm 1975, một sự thay đổi lớn, thầy bị sa thải, nhưng rồi được lưu dụng trở lại. Thầy bị trễ khóa học Chính trị đã tổ chức ở trường Tống Phước Hiệp, nên được gửi đến học tại trường Kỹ Thuật. Nhờ thế mà thầy trò chúng tôi có cơ may hội ngộ. Một sự may mắn khác, hình như ai cũng tỏ ra xa lạ với thầy, nên giờ giải lao, thầy và tôi ngồi riêng, có dịp nhắc chuyện xưa. Tôi nhắc lại việc các nam sinh cột vào xe thầy chiếc lon rỗng và khi lon được kéo lê trên mặt đường như cái đuôi, để mọi người biết chắc là xe của ông “Vỹ”. Thầy cười và vẫn chưa quên tiếng “con quỷ” để mắng tôi.

- Thầy ngon há, thời trước thầy đi xe hơi, thời này thầy đi Honda.
- Tao chưa cán mầy là may!
Thầy vẫn xưng hô mầy tao, dù bấy giờ tôi đã là một thiếu nữ và còn là đồng nghiệp của thầy nữa.

      Như thành phần quân nhân, các giáo chức chúng tôi được gửi sang Cần Thơ tu nghiệp về chính trị và khả năng chuyên môn. Thầy được bầu làm tổ trưởng, nhưng mọi người thích gọi thầy là “tổ chảng”. Đế giờ văn nghệ, mỗi nhóm đề nghị một người hát giúp vui. Tôi hét to: “tổ chảng…tổ chảng…”, thầy quay sang tôi, hạ thấp giọng:
- Mầy là tổ viên phản động.
       Những trận cười nắc nẻ như thế, dường mới hôm qua. Giờ này thầy miên viễn nơi nào?

      Tôi theo chân thầy trong những ngày còn là sinh viên, là giáo sư Đệ nhị cấp về bộ môn Toán với đôi ba giờ dạy tại một trường Tư thục Nguyễn Trường Tộ. Với tuổi đời còn khá trẻ, các học sinh chỉ kém tôi có một hoặc hai tuổi, nhưng chúng cao hơn tôi cả cái đầu và dĩ nhiên, tôi không tránh khỏi sự phá phách của học sinh trong việc so cao thấp. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của thời áo trắng, cùng sự bao dung của các thầy cô ngày trước, đã giúp tôi đón nhận sự phá phách của học sinh là một trò chơi vô thưởng vô phạt, giúp tôi cảm nhận được rằng, dạy học không là một nghề bạc bẽo, càng không phải là nghề bán cháo phổi mà là một thiên chức, là viên gạch lót đường cho học sinh vươn lên. Với kinh nghiệm của bản thân tôi trong thời học sinh, xin thầy cô hãy hiểu cho rằng, sự phá phách của học sinh không chủ tâm gây tổn thương cho thầy cô mà là một mong ước được thầy cô chú ý, học sinh cần được yêu thương. Trong lứa tuổi ăn chưa no lo chưa tới này, đa số học sinh “học không phải vì tương lai cho mình, không phải để làm vui lòng cha mẹ”, mà chính vì thương mến thầy cô mà học, vì không muốn phụ lòng người dìu dắt mình.
      Thật ra tôi còn rất nhiều…nhiều…những câu chuyện về…THỨ BA HỌC TRÒ, tuy nhiên chừng ấy kỷ niệm một thời với thầy cô kể trên đã giúp tôi hoàn thành bài viết này.

      Đối với thầy Vỹ, dưới nhãn quan của riêng tôi, thầy là người khả kính, đã truyền đạt cho tôi một cảm nhận quý báu về sự đam mê môn toán. Dù 27 năm không gặp lại thầy, khi nghe được hung tin thì quá muộn màng, nước mắt tôi vẫn âm thầm rơi. Nếu thầy biết rằng cô học sinh phá phách năm nào vẫn tâm niệm Nhất Tự Vi Sư- Bán Tự Vi Sư, vẫn còn áp dụng môn học của thầy trong đời sống. Đó là, những ngày cuối Học Kỳ, những giờ hẹn gặp các vị thầy cô để họ tuờng trình về học vấn của con tôi. Thay vì đi trên đường tráng nhựa để đến văn phòng, tôi vẫn thích băng ngang ngõ tắt trên lối sân cỏ và…
      Thầy ơi! Em vẫn nhớ bài dạy của thầy:
      “Đường thẳng là đường ngắn nhất”

Kim Phượng
Úc Châu 2005

Giáo Già Tự Tình

      Hết tự trào, tự bạch, tự trách, tự thán, tự vịnh , nay lại tự tình. Không biết rồi còn "tự" gì nữa đây? Gửi đi để mọi người thân đọc cho vui (và để được thương nhiều hơn). Cái ông giáo già này lẩm cẩm thật rồi.

Giáo Già Tự Tình 

Cõi đời gió bụi bao gian khổ,
Suốt kiếp phong sương lắm đoạn trường.
Lòng đỏ khôn nguôi niềm biệt xứ,
Trời xanh khéo bỡn khách tha phương.
Ba chìm bảy nổi còn ngơ ngác ,
Chín ghét mười thương những vấn vương.
Năm tháng tuổI già quay ngó lại ,
Cười ai khôn dại chốn vô thường.

Lời Thêm: Người ta có nói: "Trong đời loạn, khôn cũng chết , dại cũng chết , biết thì sống". Nhưng thế nào mới gọi là biết đây. A special message to all my loved ones : " To live is to err. Do not put blames on yourself. Let bygones be bygones. Cheer up ! Go on your life with a big smile !"

Phạm Khắc Trí
09/12/2014
***
Nhìn Lại

Nghề giáo muôn vàn điều sướng khổ
Đôi khi trằn trọc suốt đêm trường
Con thuyền chở chữ đi trăm nẻo
Sĩ tử qua đò đến bốn phương
Mỗi lớp trò xưa, lòng vẫn nhớ
Từng ngôi trường cũ, trí còn vương
Cuối đời nhìn lại, tâm thanh thản
Đã hiểu hợp tan, ấy lẽ thường.

Phương Hà

***
Tự Gẫm 4

Kiếp lính tôi yêu dù thống khổ
Canh thù gối súng suốt canh trường
Cao nguyên gió hú,đêm sương lạnh
Giới tuyến mưa gầm phủ tứ phương
Mộng ước quê cha tàn khói lửa
Cầu mong đất mẹ hết sầu vương
Hầm chông, hố đạn cài giăng bẩy
Sống chết kề bên chuyện lẽ thường

Song Quang
***
Tôn Sư Kính Mến

Sinh thời loạn lạc bao trần khổ
Náu chỗ gian manh thẳng mã trường
Dẫn lối đêm đen sao Bắc Đẩu
Giữ màu áo trắng nét Đông Phương
Ngôi nhà phong hóa chưa băng hoại
Nghĩa đệ tình sư mãi vấn vương
Tuổi hạc càng cao thầy khả kính
Xuân này xuân nữa chúc xuân thường!

Cao Linh Tử
14/9/2014

***
Giáo Già Tự Tình

Phấn bụi suốt đời dù có khổ,
Niềm vui chan chứa khắp bao trường.
Tiểu Trung Đại học luôn ba cấp,
Âu Á MỸ Châu khắp bốn phương.
Đồng học bạn bè tình mãi thắm,
Thầy Cô anh chị nghĩa còn vương.
Học thầy, học bạn, học...trò nữa !
Cầu học " Tam Nhân " ấy lẽ thường !!!

Đỗ Chiêu Đức
***
Nhìn Lại Ngày Xưa


Nhìn lại ngày xưa nào thấy khổ
Bao năm gắn bó với ngôi trường
Nụ cười độ lượng hồng muôn nẻo
Lời giảng ân cần ấm bốn phương
Mực tím chữ nghiêng lòng mãi nhớ
Bảng xanh phấn trắng bụi còn vương
Tay cầm kỷ niệm rung tình nghĩa
Lớp học thương yêu nhớ lạ thường

Trầm Vân
***

Đồng Nghiệp Cảm Xúc

Thế hệ tuần hoàn theo nghiệp Giáo
Cao niên Thầy : Lộc, Trí, Vân (*), Trường
Song Kim (**) Quang Tuấn người đa xứ
Nhị Đức (***) Lưu Linh kẻ tứ phương
Phấn trắng mang về bao mộng ước
Bảng đen đem đến lắm tơ vương
Không sang chẳng phú nhưng cao quý
Thanh thản an vui cuộc sống thường

Quên Đi
(*) Thầy Trầm Vân
(**) Kim Quang, Kim Phượng
(***) Đỗ Chiêu Đức, Huỳnh Hữu Đức

***
Lời Tự Tình

Cuộc đời dân Việt ai không khổ!
Thiên sử quê hương khúc đoạn trường
Cơn bảo mê cuồng từ ý hệ
Một thời tản lạc bước tha phương
Hồn xưa dần hủy trong đau đớn
Kẻ sĩ cúi đầu tự vấn vương
Nhà giáo ưu tư nhìn ngẫm lại
Chạnh lòng thương cảm luận vô thường! 

Nguyễn Đắc Thắng
15/9/2014


Quên Cảm Ơn

     (Đọc lời thầy viết cho học trò, tưởng nhớ công ơn Thầy - Nhân ngày Nhớ Ơn Nhà Giáo Quốc Tế 5/10)

     Vừa xuất viện về nhà vợ chồng đứa con lớn ở Sàigòn, rửa mặt thay đồ xong tôi tìm đến trang nhà 
     Mới một tuần lễ mà thấy nhớ hình ảnh cổng trường Trung học Tống Phước Hiệp với các nữ sinh đồng phục áo dài trắng mà tôi quen thuộc biết bao lần. Có khi chỉ mở thấy bao nhiêu đó thôi rồi làm việc khác. Lần nầy đọc lại bài "Tống Phước Hiệp Hai Năm Qua" của Kim Phượng, tôi giật mình thấy sắp đến 23/3/2012 là ngày tròn ba năm tuổi của trang nhà.

     Không nhớ Kim Oanh đã giới thiệu với tôi sự có mặt của trang web này ngày nào, rồi nó len lỏi vào tôi như một nhu cầu của cuộc sống. Em đã khuyến khích tôi góp bài viết của mình, rồi theo đó là những lời khen của em và các bạn và  của vài học trò cũ ở Vĩnh Long. Hình như ít người, trong đó có tôi được quan tâm ưu ái như thế. Có phải chăng khi dạy học trò Toán logic khô khan, tôi đã từng vui tươi mừng rở khi các em thuộc bài hoặc giải xong bài toán hoặc trả lời đúng câu hỏi không nằm trong sách hoặc đưa ra thắc mắc hoàn toàn hợp lý, nên giờ đây tôi được đền bù.

                                                                  
       Xin cảm ơn những người đã sáng lập, vun bồi, dày công sáng tạo kỷ thuật hình ảnh tân tiến sống động, nhạc hay, cùng nhiều nhiều lắm...  nội dung dù có giới hạn nhưng kể ra thì không hết. Hình như tôi là người duy nhất được Ban Biên Tập cho nói nhiều về mình qua hình ảnh thầy trò bao tháng năm sống chung dưới các mái trường Trung học Tống Phước Hiệp xưa và đã thay tên sau 1975, kể cả Tư Thục Long Hồ, Nguyễn Trường Tộ và Bán Công Nguyễn Thông cùng với những đàn chị, đàn anh, bạn đồng nhiệp.Tôi cũng nhận được lời thăm hỏi, lại thêm quà tặng khi nằm viện từ những người lớn hơn, từ bạn rồi đến trò cũ, lại có đứa chưa học tôi chữ nào nhờ thông tin về tôi, trên báo đọc ở Việt Nam hoặc nước ngoài.

     Đã mấy năm tôi chưa về thăm Vĩnh Long nhưng vẫn được thấy những gian hàng bán hoa dọc bờ sông bến đò cũ trong ngày cận Tết, Ngày Tình Nhân,...bằng hình ảnh ghi lại của những người được diễm phúc đi dạo ở đó. Ngày xưa  tôi đã từng đi đò qua cù lao An Bình cùng học trò về thăm gia đình phụ huynh, cắm trại, uống rượu đế với mấy ông già, đứng ngắm mấy cái chòi cao lêu ngêu nuôi dơi trong đó. Giờ vẫn còn bạn, học trò nay đã lớn ưa nhắc tôi lúc rãnh về thăm.Nghe nói giờ đây dọc bờ sông đó đã thông luôn đến gần nhà thờ, không còn dấu vết Trường Nguyễn Trường Tộ nơi tôi đã dạy ngoài nhiệm vụ của mình.

     Có những trò cũ khuyên tôi cứ chấp nhận sống chung với bệnh thầy đang mắc phải, vui vẻ rồi thấy khỏe hơn khi gặp lại các em hay chỉ nhìn thấy hoặc nghe thấy hoặc đọc thấy qua internet hoặc gởi lời qua bạn khác. Tôi đang yên tâm sống như thế nhưng được may mắn hơn nhiều người bệnh khác là được đồng hành cùng  với  học trò.

     Bây giờ mới nhớ cảm ơn mặc dù đã từ lâu dạy học trò là em phải biết nói cảm ơn.

Huỳnh Hữu Trí (Cựu Giáo Sư Toán)
Sài Gòn 22/3/2012

Thầy, Chuyến Đò Xưa


( Kính Thầy Huỳnh Hữu Trí )

Chuyến đò chở khách sang sông
Đò Thầy chở những đóa hồng học sinh
Nụ cười sóng nước lung linh
Bao mùa mưa nắng đậm tình nghĩa xưa

Mặc bao gió táp sa mưa
Vượt gian nan vẫn đón đưa xuôi dòng
Mỏi mòn sức lực xa trông
Hỡi người xa bến có mong ngày về

Tình Thầy chân chất hồn quê
Con số, công thức, say mê giảng bài
Tiếng Thầy êm ái khoan thai
Trong em xếp chữ ... thương hoài đời sau

Bến xưa nắng đã phai màu
Đò Thầy vẫn mãi ngạt ngào đưa hương
Khắc tên nỗi nhớ lên tường..
Thầy Huỳnh Hữu Trí, chẳng dường phôi phai

Học trò kính yêu mãi mãi!...!!

Lê Thị Kim Oanh
(Niên khoá 1969-1976)

Thứ Bảy, 4 tháng 10, 2014

Nắng Nhớ


Thu về nhẹ gọi nắng lên
Cho con gió lượn gieo mềm tóc bay
Lá vàng rơi nhẹ qua vai
Tình ve vuốt nắng từ ngoài vào trong

Nắng như lúa trổ đòng đòng
Nụ cười nhỏ bỗng trổ bông cúc vàng
Mấy vòng xe đạp lang thang
Nhẹ thôi kẻ vỡ mơ màng chiều trôi

Nắng vàng giọt mới tinh khôi
Đậu trên ký ức nụ cười thương xa
Nhẹ vương đôi má nõn nà
Tương tư cây đứng bên nhà người xưa

Hình như trong nắng có mưa
Đôi tim trọ trú bao mùa bão giông
Nỗi buồn che mối tình không
Tình xa chia cách đôi lòng đành sao ?

Nắng lên cho nhớ ngọt ngào
Dịu dàng dáng nhỏ hao hao dáng người
Mùa thu bước ngược thôi xuôi
Về xưa chim hót ngân lời tình yêu


Trầm Vân

Thơ Tranh: Hương Yêu


Thơ: Lê Kim Thành
Thơ Tranh: Kim Oanh

Thơ Em Ta Đọc Buồn Hơn Trước


Thơ em ta đọc buồn hơn trước
Như chút lệ sầu vương ý thơ
Phải chăng kỷ niệm còn quanh quẩn
Dáng cũ tình xưa khó nhạt mờ

Ta thấy chừng như hoa chẳng nở
Nên lời thơ mãi giọt sương rơi
Lãng đãng hồn em từng nỗi nhớ
Rớt xuống dòng thơ những ngậm ngùi

Con sông nước đã theo dòng chảy
Khó thể quay về một bến xưa
Em đừng đứng đợi đừng hoài vọng
Cho hồn thêm lạnh những cơn mưa

Em ơi! Năm tháng thay mùa đổi
Thu hết, đông tàn lại đến xuân
Thì thôi dĩ vãng ...quên em nhé!
Để nở hồn nhiên một nụ cười 

Vĩnh Trinh

Hồn Nhiên Mất Mát Nụ Cười


(Cảm xúc Thơ Em Ta Đọc Buồn Hơn Trước của Vĩnh Trinh)

Đời! Khúc tình buồn sau như trước
Dòng lệ sầu đọng những lời thơ
Ký ức một thời còn lẫn khuất
Bóng lung linh...ẩn hiện..chẳng mờ

Thời cánh hoa thơm hương vội nở
Múa giữa trời đan giọt mưa rơi
Mưa diễm tình hôn lịm ngọt môi
Thuở tinh khôi mối tình thơ dại

Đời! Yên ả dòng sông chảy
Mơ cùng thuyền vớt ánh trăng xưa
Xuôi về bến kết muôn hy vọng
Trời nổi giông thuyền lạc dòng trôi

Thuyền ơi! Mưa dầm dề nước nổi
Thu đông đến hạ tàn xuân tới
Bến vẫn chờ thuyền một lần sang
Sao nỡ rẽ ngang bờ vui khác

Để hồn nhiên mất mát nụ cười!!!
Kim Oanh

Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

Chờ Em, Em Sẽ Đến - Thơ Quách Thị Như Nguyệt - Phổ Nhạc Văn Sơn Trung





Thơ: Quách Thị Như Nguyệt 
Phổ Nhạc:Văn Sơn Trung
Tiếng Hát: Hiếu Trang

Mừng Sinh Nhật …


Hôm nay tháng mười mùng ba,
Mừng em sáu một bước qua tuổi đời.
Mừng em sức khỏe tốt tươi,
Mừng em luôn nở nụ cười trên môi.
Thương em xứ lạ đơn côi,
Lấy chồng nghèo mạt cả đời thiệt thua.
Quà em chẳng có tiền mua,
Nên đành gởi thiệp quê mùa nầy thôi.
Đau lòng anh lắm em ơi!
Hẹn năm sau sẽ có quà cho em.

Garden City, Kansas 1999
Mặc Thái Thủy

Cho Người Kỷ Nữ


Tình cờ gặp gỡ mà như hẹn
Gần trọn đời ta khác nẻo đường
Nay bỗng nhận ra người định mệnh
Dường như quen thuộc một mùi hương
Môi hoa gợi nhớ thời hoa bướm
Mắt mộng làm say giấc mộng thường
Ơi hỡi thời gian xin đứng lại
Cho tình say đắm suốt đêm trường


Phương Hà

Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử



Nghiên cứu đạo Phật Việt Nam chúng ta thấy rất rõ, thời Trần nổi bật những ông vua Phật tử đáng kính. Vua Trần Thái Tông, nhìn với cặp mắt nhà Thiền có thể nói Ngài là ông vua Thiền sư. Tuy ngồi trên ngai vàng nhưng Ngài hiểu thiền rất sâu, tâm thiền rất sáng và sống thiền rất đắc lực. Qua tác phẩm Khóa Hư Lục và giây phút rời bỏ cuộc đời của Ngài đã nêu rõ điều đó.
Vua Trần Thánh Tông cũng thế, Thánh Đăng Lục ghi rõ cho thấy, sức sống thiền của Ngài thật là vững vàng, đến mé bờ sinh tử vẫn có sức tự chủ và sáng suốt mà một vị xuất gia bình thường khó theo kịp.
Riêng vua Trần Nhân Tông, quả là một ông vua Phật của Việt Nam đúng với sự tôn xưng từ trước tới nay. Ngài có duyên sâu với Phật từ thuở nhỏ.

Nguyên nhân ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử

Vua Trần Thái Tông là người nhân từ, trí đức song toàn có thể lãnh đạo nhân dân giải quyết các vấn đề mâu thuẫn nảy sinh trong nước, cũng như đối phó với các thế lực ngoại bang xâm lấn và tập trung xây dựng và phát triển đất nước. Ngoài việc thâu giang sơn về một mối, thống nhất từ ý chí đến hành động của toàn dân và xây dựng đất thịnh vượng, vua Trần Thái Tông còn đạt nền móng thống nhất các thiền phái hiện có như Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường, tiến đến sát nhập và hình thành dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử duy nhất đời Trần.

Có thể nói chính xác và cụ thể, người có công đặt nền móng thiết lập cho thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (竹林安子) phát triển và truyền thừa từ mô hình tổ chức đến nội dung hành trì, thể hiện bản sắc dân tộc là Trần Thái Tông nhưng người khai sáng và làm rạng danh thiền phái là vua Trần Nhân Tông, là đệ nhất Tổ. Trúc Lâm cũng là hiệu của Trần Nhân Tông, đồng thời cũng là hiệu của Thiền sư Đạo Viên, tiền bối của Trần Nhân Tông, Tổ thứ hai của dòng thiền Yên Tử. Thiền phái Trúc Lâm có ba Thiền sư kiệt xuất là Nhân Tông (Trúc Lâm Đầu Đà), Pháp Loa và Huyền Quang. Thiền phái này được xem là tiếp nối của dòng Yên Tử, dòng Yên Tử lại là sự hợp nhất của ba dòng thiền Việt Nam của thế kỉ thứ 12 – đó là dòng Thảo Đường, Vô Ngôn Thông và Tì Ni Đa Lưu Chi.

Về tôn giáo, nhà Trần chọn Thiền tông làm ý thức hệ tiêu biểu, nhưng cần phải thay đổi nội dung của các Thiền phái trước đây để đáp ứng các yêu cầu của đất nước. Vì thế, nhà Trần chủ trương lập ra một Thiền phái có nội dung tư tưởng độc lập, thể hiện đúng tinh thần bản sắc dân tộc tự mình độc lập không lệ thuộc Thiền tông ở Trung Quốc, vượt lên trên sự khác biệt của tất cả các tông phái Phật giáo cũng như các tín ngưỡng phi Phật giáo để nhằm thống nhất ý thức hệ. Không chịu trách nhiệm về sự khác biệt và đụng độ đã xảy ra trong lịch sử giữa các phái Thiền tông với nhau cũng như Thiền tông với các tín ngưỡng khác, do đó thu hút các tín ngưỡng khác. Bên cạnh đó thiền phái này cũng tự khoác cho mình chiếc áo một tôn giáo mới - tuy rằng thực tế chỉ là một phái, với đầy đủ các yếu tố để thu phục quần chúng.

Sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử không những mang ý nghĩa rất lớn về tính tự chủ của dân tộc ta từ kinh tế, chính trị, văn hóa mà đến cả tôn giáo cũng không bị lệ thuộc vào các dòng thiền trước ảnh hưởng từ Trung Hoa. Từ mô hình tổ chức đến nội dung tu tập hành trì thể hiện bản sắc dân tộc Đại Việt lúc bấy giờ.
Trần Nhân Tông – Vị vua sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử
Trần Nhân Tông (chữ Hán: 陳仁宗; 1258 – 1308), tên thật là Trần Khâm (陳昑) là vị vua thứ ba của nhà Trần, ở ngôi 15 năm (1278 – 1293) và làm Thái Thượng Hoàng 15 năm. Ông được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh nhất trong lịch sử Việt Nam.

Trần Nhân Tông là con trai trưởng của vua Trần Thánh Tông với Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu Trần Thị Thiều, sinh ngày 11 tháng 11 âm lịch năm Mậu Ngọ, niên hiệu Thiệu Long năm thứ 1 (1258). Ngài có duyên với Phật pháp từ thuở nhỏ, khi sinh ra, thân sắc vàng như sắc Phật, lớn lên năm 16 tuổi, được vua cha lập làm Hoàng thái tử, Ngài hai lần cố xin nhường lại cho em là Đức Việp, nhưng vua Thánh Tông không cho, vì thấy Ngài có khả năng gánh vác việc lớn. Trong khi đó, lịch sử lại biết bao trang sử đau lòng, chỉ vì ngôi vị mà cốt nhục tương tàn. Hạt giống Phật đã ngầm chứa sẵn trong Ngài mà biểu lộ ra như thế. Ngày 22 tháng 10 âm lịch năm 1278, được vua cha là Trần Thánh Tông nhường ngôi, tức vua Trần Nhân Tông. Ông ở ngôi 15 năm, nhường ngôi 5 năm, Vợ vua là Khâm Từ hoàng hậu (?-13/9/1293), (bà là con gái Trần Hưng Đạo), Tuyên Từ hoàng hậu (?-19/8/1318). Con trai là Trần Thuyên (17/9/1276-16/3/1320), con của Bảo Thánh hoàng hậu, (sau là vua Trần Anh Tông) và Huệ Vũ đại vương Trần Quốc Chẩn (29/1/1281-3/1328); con gái là công chúa Huyền Trân.

Các niên hiệu trong thời gian vua Trần Nhân Tông trị vì là Thiệu Bảo, Trùng Hưng.


Sau khi nhường ngôi cho con trai là Trần Anh Tông, ông xuất gia tu hành tại cung Vũ Lâm, Ninh Bình, sau đó rời đến Yên Tử (Quảng Ninh) tu hành. Một lần ông tắm gội ở Ngự Dội lên ngồi dưới gốc tùng tư duy thiền định, bừng sáng trí tuệ. Sau đó thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, lấy đạo hiệu là Điều Ngự Giác Hoàng (hay Trúc Lâm đầu đà). Nhân Tông đã cùng hai môn đệ là Pháp Loa và Huyền Quang vân du thuyết pháp ở chùa Sùng Nghiêm, Siêu Loại. Ông là tổ thứ nhất của dòng Thiền Việt Nam này. Về sau ông được gọi cung kính là “Phật Hoàng” nhờ những việc này. Trần Nhân Tông giã từ hoàng cung vào núi Yên Tử, Phật tử nước ta thời đó đã tôn xưng Trần Nhân Tông là Phật Biến Chiếu Tôn. Nhưng điều đáng nói Sơ tổ là “hiện thân của Phật Đại Việt với nhiều đường nét riêng biệt, phong cách riêng biệt, khác với tông phái Thiền tông khác. Nó không phải là chi nhánh Phật giáo từ bên ngoài vào, nó bắt nguồn tại chỗ, tức từ một vị Phật đầu thai, thuyết pháp, giáo hóa cứu vớt chúng sinh”.
Ông qua đời ngày 3 tháng 11 âm lịch năm 1308, ở am Ngoạ Vân núi Yên Tử, xuất gia 8 năm, thọ 50 tuổi. Sau khi viên tịch, xá lợi của Sơ tổ thờ ở tháp Huệ Quang, được tổ chức bằng một nghi lễ trang trọng với số lượng tín đồ rất đông, vừa đi vừa đọc kinh thể hiện niềm tin của Phật tử đối với vị giáo chủ.

2.3. Tôn chỉ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử


Bằng sự chứng ngộ Thiền lý sâu xa, Trần Nhân Tông dùng ánh sáng chân thật đó, dung hợp ba dòng thiền đã có trước đó thành dòng Thiền Trúc Lâm, mở ra phong trào học Phật mới. Lấy tôn chỉ của thiền tông: “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật” làm chủ đạo, ngài linh động kết hợp giảng kinh thuyết pháp, giúp cho người học Phật hiểu sâu kinh điển, chuyển những lời kinh chết trong sách vở thành những bài kinh sống nơi người, chứng minh cho “Tâm Thiền” sáng ngời không có gì sai khác.

Xét kỹ, tông chỉ Thiền tông rất thực tế và gần gũi với con người, lấy “Chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật”, nhằm đánh thức mỗi người tự sống vươn lên. Vì tâm mình mà không biết, vậy lo biết cái gì ở đâu xa? Thành Phật là thành ngay trong tâm tánh mình đây thôi, không phải thành ở trên núi cao, trên cõi trời xa xôi, chỉ cần mình xoay lại chính mình, thì ngay đó là bờ mé (Hồi đầu thị ngạn). Đó là lấy con người làm gốc, là tôn trọng người, nâng cao giá trị con người, cũng là lý bình đẳng với tất cả, vậy sao không khai thác?

Tôn chỉ của Sơ Tổ thể hiện rất rõ trong bốn câu kệ cuối của bài phú Cư trần lạc đạo:
“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ tắc san hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.”
(Ở đời vui đạo hãy tùy duyên, Đói cứ ăn no mệt ngũ liền, Trong nhà có báu thôi tìm kiếm, Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.).

Đoạn kệ trên nói lên tinh thần nhập thế tùy duyên mà hành đạo trong bốn quan điểm:
1. Hãy nên sống hòa mình với đời không chấp trước, mọi sự ở đời đều có nhân duyên của nó và hãy tùy duyên mà sống vui với đạo.
2. Hành động tùy duyên tức là làm việc cần phải làm, đúng lúc, đúng thời không trái với quy luật tự nhiên.
3. Tự tin nơi chính khả năng của của mình mà không tìm cầu một sự trợ lực nào từ bên ngoài.
4. Khi tâm đã sáng tỏ thì không còn nô lệ vào những điều trong giáo lý và cũng không lệ thuộc kinh điển.

Đúng là thiền tông chỉ thẳng “Ngay trong đây, lúc này, người này thôi”, rất hiện thực không có gì xa xôi, mập mờ hẹn lại kiếp nào khác. Nghĩa là mình sống trong giờ phút hiện tại qua từng cử chỉ hành động, từ những việc cỏn con cho đến những việc lớn đều sống trong chánh niệm tỉnh giác như vậy là thiền.
Sơ Tổ khuyến cáo người tu hành tùy duyên nhập thế để làm lợi ích cho đời, vì chúng sanh còn nhiều đau khổ, nhiều người chưa biết Phật pháp, chưa biết trong nhà của mình có báu vật mà không biết khai thác. Trên tinh thần dù có sống giữa thế gian này nhưng vẫn vui với niềm vui của đạo, Sơ Tổ đã vân du khắp đó đây đễ giảng dạy Phật pháp. Tinh thần nhập thế này đã được những người nối truyền dòng phái cũng áp dụng làm cho Phật pháp lúc bấy giờ được hưng long như một quốc giáo của Đại Việt. Bản thân Trần Nhân Tông sau khi xuất gia và hóa đạo mà vẫn lo việc nước việc dân trong giai đoạn vua Trần Anh Tông trị vì. Bằng chứng sự kiện gả Công chúa Huyền Trân và sát nhập hai châu Ô Mã và Việt Lý vào cương thổ Đại Việt đều có sự chỉ đạo của Tổ Trúc Lâm. Cho thấy tinh thần nhập thế của Phật giáo đời Trần thể hiện qua sự hành đạo của các vị tổ Trúc Lâm là “Phật pháp bất ly thế gian pháp”.

Sự truyền thừa của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử


1. Đối với thiền phái Trúc Lâm, thì Trúc Lâm Điều Ngự- Trần Nhân Tông là đệ nhất Tổ, nhưng tính theo hệ thống truyền thừa của Yên Tử phải kể từ Thiền sư Hiện Quang là Tổ ban đầu. Sư là người khai sơn chùa Vân Yên (chùa Hoa Yên như ngày nay). Vốn là đệ tử của Thiền sư Thường Chiếu, dòng Vô Ngôn Thông, nhưng tỏ ngộ nơi Thiền sư Trí Thông chùa Thánh Quả.
2. Thiền sư Viên Chứng, cũng gọi là Quốc Sư Trúc Lâm, người đã từng đón tiếp vua Trần Thái Tông tìm lên Yên Tử năm 1236.
3. Quốc sư Đại Đăng, người đã tiếp nhận thêm dòng thiền Lâm Tế từ Thiền sư Thiên Phong người Trung Hoa tại kinh đô Thăng Long và là thầy của vua Trần Thánh Tông.
4. Thiền sư Tiêu Dao, là Thầy của Thượng Sĩ Tuệ Trung, cũng gọi là Đại Sư Phúc Đường, vì sư ở Tinh xá Phúc Đường mà Thượng sĩ Tuệ Trung có bài thơ tựa “Thượng Phúc Đường Tiêu Dao Thiền Sư”.
5. Thiền sư Huệ Tuệ, theo Việt Nam Phật giáo Sử Luận của Nguyễn Lang cho là sư vốn làm Hoà thượng Đường đầu truyền giới pháp cho vua Trần Nhân Tông khi vua xuất gia.
6. Trúc Lâm Đại Đầu đà-Trần Nhân Tông, theo hệ thống truyền thừa của Yên Tử, Ngài thuộc hàng thứ sáu, nhưng là người khai sáng ra dòng Thiền Trúc Lâm của Đại Việt nên là Sơ Tổ.

Theo sách Đại Nam Thiền Uyển Truyền Đăng Tập Lục (大南禪苑傳燈錄), của Hòa thượng Phúc Điền (福田), hệ thống truyền thừa của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được tiếp nối qua các vị sau:

7. Tổ sư Pháp Loa.
8. Tổ sư Huyền Quang.
9. Quốc sư An Tâm (安心);
10. Quốc sư Phù Vân Tĩnh Lự (浮雲靜慮);
11. Quốc sư Vô Trước (無著)
12. Quốc sư Quốc Nhất (國一);
13. Tổ sư Viên Minh. (圓明);
14. Tổ sư Đạo Huệ. (道惠);
15. Tổ sư Viên Ngộ. (圓遇);
16. Quốc sư Tổng Trì. (總持);
17. Quốc sư Khuê Thám. (珪琛);
18. Quốc sư Sơn Đằng (山燈);
19. Đại sư Hương Sơn (香山);
20. Quốc sư Trí Dung (智容);
21. Tổ sư Tuệ Quang (慧 光);
22. Tổ sư Chân Trú. (真住);
23. Đại sư Vô Phiền (無煩).

Danh sách này được Thiền sư Tuệ Nhãn lược dẫn trong phần đầu của bia ký tháp Giao Quang thờ Thiền sư Tính Đường hiệu Tuệ Cự ngay bên phải cổng chùa Lân-Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử: “Núi Yên Tử Sơ Tổ Hiện Quang đến Trúc Lâm Viên Chứng trải qua tới Trần Triều Tam Tổ, lần lượt tiếp nối nhau, danh chép truyền đăng phần nhiều khó nêu ra hết. Trong lý ẩn hiện đến Tổ Sư Tuệ Quang trung hưng rộng lớn, Phật pháp thịnh hành, danh lam thắng cảnh, Tuệ Nguyệt sáng mãi, Tuệ Đăng chiếu khắp cho đến Tuệ Cự…”[4]

Trong đây ghi rõ Thiền sư Hiện Quang là Sở Tổ của Yên Tử, Quốc sư Trúc Lâm hiệu Viên Chứng rõ ràng, Tổ sư Tuệ Quang trung hưng Yên Tử, Thiền sư Tuệ Nguyệt thầy của Thiền sư Chân Nguyên tiếp sáng luôn và Thiền sư Tuệ Đăng tức Ngài Chân Nguyên hiện còn tháp đá tôn thờ ở sau nhà tổ của Thiền viện đã làm cho dòng Thiền chiếu khắp.

Cứ theo danh sách này, sau Tổ Sư Huyền Quang có tới tám vị Quốc Sư, thì biết rằng dòng Thiền Trúc Lâm, ngoài Tam Tổ Huyền Quang, theo bia tháp Viên Thông thờ Tổ sư Pháp Loa ở Thanh Mai, phần cuối có kể ra hai vị tiếp nối đời thứ ba là Tông Huyền và Kim Sơn, nguyên văn:”Trúc Lâm Đệ Tam Đại Tự Pháp Trụ Trì Tông Huyền, Kim Sơn tấu tuyên”.

Tuy nhiên danh sách tên tuổi là phần biểu hiện bên ngoài, chính “tâm Thiền “ là mạch sống thật. Dù ẩn, dù hiện, dù thăng, dù trầm, hễ có người tỏ sáng được tâm Thiền, là còn tiếp nối được mạch sống Tổ Tông.

Thiền phái Trúc Lâm được một vị vua nhà Trần sáng lập, được xem là dạng Phật giáo chính thức của Đại Việt thời đó nên có liên quan mật thiết đến triều đại nhà Trần, phải chịu một hoàn cảnh mai một sau khi triều đại này suy tàn. Vì vậy, sau ba vị Tổ là Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông sơ tổ Trúc Lâm truyền thừa cho Pháp Loa là đệ nhị tổ, đến Huyền Quang đệ tam tổ, sau đó hệ thống truyền thừa của phái này không còn rõ ràng, nhưng có lẽ không bị gián đoạn bởi vì đến thời kì Trịnh-Nguyễn phân tranh (1600-1700), người ta lại thấy xuất hiện những vị Thiền sư của Trúc Lâm Yên Tử như Viên Cảnh Lục Hồ, Viên Khoan Đại Thâm và nổi bật nhất là Thiền sư Minh Châu Hương Hải [5].
Sau một thời gian ẩn dật, dòng thiền này sản sinh ra một vị Thiền sư xuất sắc là Hương Hải, người đã phục hưng tông phong Trúc Lâm. Trong thế kỉ thứ 17-18, thiền phái này được hoà nhập vào tông Lâm Tế và vị Thiền sư xuất sắc cuối cùng là Chân Nguyên Huệ Đăng.

HỆ THỐNG GIÁO LÝ

Chủ trương của Thiền phái

Chúng ta nên ghi nhớ hai tác phẩm trọng yếu đã mở đầu cho phái Thiền Trúc Lâm này của các vị tiền bối trước Ngài Trần Nhân Tông. Đó là bản Ngữ lục của Tuệ Trung Thượng Sỹ và Khóa hư lục của Trần Thái Tông. Hai tác phẩm này, một đằng có thể khảo sát trên khía cạnh lý thuyết, và một đằng có thể được chiêm nghiệm trên phương diện thực hành, là những bản tổng kết của một thời gian dài phát triển tư tưởng của Phật giáo Việt Nam.
Thượng Sỹ Ngữ lục, một cách nào đó, có thể không mấy có tính chất sáng tạo về mặt tư tưởng Thiền, nhưng quả thực nó là sự kết tinh của Thiền học của các tông phái Đại thừa khác tại Việt Nam. Nhờ vào hệ thống công án, Thượng Sỹ Ngữ lục đã có thể phát biểu kiến giải của mình một cách thông dong về tất cả các chủ điểm ách yếu trong các khuynh hướng dị biệt của Phật học. Sau Thượng Sỹ ngữ lục, công án vẫn còn được tiếp tục với tinh thần tương tợ, như chúng ta có thể thấy trong Tam tổ đã tạo ra cho công án một vóc dáng lớn, bao hàm cả tư tưởng Tam giáo, không riêng gì Thiền hay Phật giáo.

Đến thời Trần Nhân Tông, “Ngài lại chủ trương xây dựng hệ thống giáo lý Thiền - Giáo song hành” [6] để tính nhập thế được vận dụng tích cực trong đời sống đạo nhằm tạo ra một đời sống hạnh phúc cho dân chúng. Chủ trương của Thiền phái Trúc Lâm là đào tạo ra những mẫu người dân Phật tử kế thừa tông phong được giáo dục toàn diện mới đáp ứng nhu cầu lịch sử đặt ra. Đó là xây dựng và phát triển Đại Việt trở nên hùng cường thì Phật giáo mới hưng thịnh. Khi đất nước chưa có hệ thống giáo dục đào tạo theo trường lớp, thì nhà chùa trở thành nhà trường, nơi đó dạy đủ các môn học mà con người cần học.
Một người Phật tử không chỉ thông thạo kinh điển nhà Phật mà còn phải học những môn khác nữa mới đủ tri thức vận dụng thực tiễn các nhu cầu con người đặt ra. Bên cạnh đó còn sử dụng Nho giáo như là một công cụ phục vụ lợi ích quốc gia và Phật giáo.

Trần Nhân Nhân Tông dặn dò Đệ Nhị tổ mở rộng việc học bên trong và bên ngoài Phật giáo là nhằm thực hiện xã hội hóa giáo dục, nâng cao trình độ dân trí sau này. Tôn ý của Sơ tổ muốn Pháp Loa đủ kiến thức nội và ngoại điển để đào tạo ra những người thừa kế Thiền phái đủ sức gánh vác các Phật sự khác nhau của đạo cũng như đời. Nếu không, thì Phật giáo chỉ biết đào tạo cho xã hội những con người chuyên tu hành và làm các công việc khác xung quanh khuôn viên nhà chùa mà không tham gia hoạt động gì cả cho xã hội.

Với chủ trương như thế, tháng 12, năm 1038, Pháp Loa kêu gọi tăng chúng và cư sĩ trích máu in Đại tạng kinh hơn 5.000 bản. Riêng bản thân Pháp Loa cũng nghiên cứu và sáng tác nhiều bản kinh thuộc hệ thống kinh điển Đại thừa như: Tham Thiền kỷ yếu, Kim Cương trùng Đà la ni kinh khoa chú, Niết Bàn đại kinh khoa sớ, Pháp Hoa kinh khoa sớ, Lăng Già tứ quyển khoa sớ, Bát Nhã tâm kinh khoa sớ, Hưng vương hộ quốc nghi quỹ, Pháp sự khoa văn và Độ môn trợ thành tập. Hẳn nhiên, Pháp Loa cũng là nhân vật được giới Phật giáo và các thành phần khác trong xã hội mời thuyết giảng kinh Hoa Nghiêm. Mà tư tưởng của Cư Trần lạc đạo cũng ảnh hưởng tinh thần nhập thế từ kinh Hoa Nghiêm. Kết quả, Thiền phái ra đời và thể nhập vào đời sống sinh hoạt chung cả dân tộc. Từ đây, Thiền phái này có một sự liên hệ chặt chẽ mọi thành phần trong xã hội, tạo ra sức mạnh đoàn kết toàn dân, với hào khí Đông A hào hùng trong lịch sử của dân tộc.

SỰ NGHIỆP PHẬT GIÁO CỦA THIỀN PHÁI TRÚC LÂM

Thiền phái Trúc Lâm ra đời đã mang một màu sắc mới, một thiền phái được kết hợp từ ba dòng thiền trước đây của Trung Hoa nhưng mang đậm bản sắc của Đại Việt. Sự nhập thế của các thiền sư nhà Trần khi đất nước bị quân Nguyên – Mông ba lần đánh chiếm vẫn đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược. Nhưng khi đất nước thái bình thì họ vẫn trở về với bản chất thiền sư ngày xưa, tiếp tục tu hành và nghiên cứu để đưa sự hiểu biết của mình chỉ dạy cho nhân dân. Đây là tinh thần nhập thế mà các thiền phái trước chưa thực hiện được. Chính vì tinh thần nhập thế này đã tạo nên sức mạnh của dân tộc Việt và cũng là thời đại phát triển Phật giáo đạt tới đỉnh cao của Việt Nam từ xưa đến nay. Sự nghiệp Phật giáo của thiền phái Trúc Lâm có những đóng góp rất lớn trên hai điểm lớn: Lý tưởng và thực tế.

Về phương diện lý tưởng

Thiền phái Trúc Lâm quả tình đã kết hợp khéo léo giữa lý tưởng Quốc gia và Phật đạo mà sáo ngữ ngày nay thường nói Phật giáo và Dân tộc. Đây không chỉ cách nói tuyên truyền nhất thời với một hậu ý chính trị nào đó. Lý tưởng Quốc gia và Phật đạo đã có mặt trước cả đời nhà Trần, như chúng ta chứng kiến trong các cuộc vận động cho quyền tự chủ và ý thức dân tộc của các Thiền sư trước thời Lý. Cho đến đời nhà Trần, lý tưởng này đã được khẳng định nhiều lần do chính miệng của những người sáng lập triều đại nhà Trần.
Nếu xét kỹ, có lẽ chúng ta phải thấy rằng lý tưởng Quốc gia và Phật đạo vốn là khía cạnh của lý tưởng tôn giáo đại đồng. Đó là một nền tín ngưỡng lấy niềm tin nơi con người làm đối tượng cứu cánh, không giới hạn vào biên giới quốc gia. Tư tưởng Tam giáo đồng qui thực sự cũng được hỗ trợ bởi một lý tưởng tôn giáo như thế.

Về phương diện thực tế
Điểm này phải kể trước nhất là các nhà khai sáng Trúc Lâm đã tạo cho Phật giáo Việt Nam kể từ đây trở đi mang nhiều sắc thái thế tục hơn. Một phần, vì những nhà lãnh đạo tinh thần thời đó là cư sĩ. Họ vừa có thẩm quyền về đạo cũng như về đời, nên ảnh hưởng về thái độ thể hiện giáo lý của Phật thực tế không phải là nhỏ. Phật giáo thế tục, tức Phật giáo bận tâm nhiều đến các công tác thế tục hơn. Thí dụ, chăm sóc đến đời sống của dân chúng, không những về mặt tinh thần, mà còn đặc biệt ở các phương tiện vật chất.

Trên đây chỉ là tóm tắt sự nghiệp tinh thần của Trúc lâm đối với Phật giáo Việt Nam. Ngoài ra, những sự nghiệp khác, như đối với sự tiến bộ của văn học, nghệ thuật, vân vân…..chỉ là những thành quả đương nhiên. Và cũng vì giới hạn của tập Tiểu luận này chỉ nằm trong vòng sự nghiệp tư tưởng, mà những khảo cứu của chúng tôi đã có thể chấm dứt được ở đây.


THIỀN PHÁI TRÚC LÂM YÊN TỬ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM

Trên dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam có cả sự ảnh hưởng, tiếp nhận từ phương nam và phương bắc, có cả các bậc sư tổ người nước ngoài và người Việt, có cả sự trầm tích, cộng sinh và phát triển trên cơ sở văn hoá truyền thống bản địa.
Đặt trong tương quan giữa Phật giáo và văn hoá dân tộc, dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử có một vị trí đặc biệt. Trước hết cần đánh giá cao vai trò hoàng đế - thiền sư - thi sĩ Trần Nhân Tông (1258-1308). Đương thời, chắc chắn ông biết rõ các thiền phái ngoại nhập nổi tiếng nhiều đời như Tì Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường nhưng lại hướng về tu tập, soạn sách Phật học theo một lối riêng và mở ra dòng Thiền Trúc Lâm in đậm dấu ấn Việt giữa nơi non cao Yên Tử. Đóng góp của ông mở rộng từ việc tuyên truyền đạo Phật giữa chúng sinh đến giảng giải kinh sách cho đệ tử, qua thơ văn đi sâu biện giải mối quan hệ giữa "hữu" và "vô", "thân" và "tâm", đề cao bản ngã chủ thể "nghiệp lặng", "an nhàn thể tính", "tự tại thân tâm", "Sống giữa cõi trần, hãy tuỳ duyên mà vui với đạo", đồng thời coi trọng cuộc sống thực tại, cảnh tỉnh lối tu hành cực đoan, cố chấp: Ai trói buộc chi, tìm giải thoát - Khác phàm đâu phải kiếm thần tiên (Mạn hứng ở sơn phòng)...

Nối tiếp Trần Nhân Tông, đệ nhị tổ Pháp Loa (Đồng Kiên Cương, 1284-1330) Qua hơn hai mươi năm lãnh đạo, Pháp Loa đã cho sang khắc bộ Đại Tạng kinh với hơn 5.000 quyển, xây dựng hàng trăm ngôi chùa như Báo Ân, Quỳnh Lâm, Thanh Mai và trực tiếp giảng dạy giáo lý, có tới ba nghìn đệ tử đến cầu pháp và đắc pháp. Ông để lại các tác phẩm khuyên người xuất gia chăm lo việc tu đạo, khuyên mọi người hiểu sâu con đường tu thiền chân chính bằng việc học giới luật, thiền định và trí tuệ, chỉ rõ cách học cần sáng tỏ...

Người cuối cùng trong số ba vị tổ Trúc Lâm là Huyền Quang (Lý Đạo Tái, 1254-1334), hơn Pháp Loa tròn ba mươi tuổi nhưng lại tu hành muộn hơn, từng làm quan trong triều đình rồi mới từ chức đi tu. Huyền Quang để lại hơn hai mươi bài thơ chữ Hán, một bài phú vịnh chùa Vân Yên bằng chữ Nôm và câu chuyện liên quan đến Điểm Bích đượm chất thế sự.

Với sự hiện diện của ba vị sư tổ Trần Nhân Tông - Pháp Loa - Huyền Quang và khoảng hơn ba mươi năm hưng thịnh, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã trở thành một biểu tượng giá trị tinh thần người Việt. Trên phương diện văn hoá vật thể, dấu tích những ngôi chùa, tháp, am, đường tùng, trúc, suối Giải Oan, vườn Ngự Dược, tượng đá An Kỳ Sinh, chùa Đồng trên đỉnh núi hợp thành một quần thể sống động giữa nơi non cao rừng thẳm. Chỉ nói riêng cái tên Trúc Lâm Yên Tử cũng đã khơi gợi được vẻ cổ kính và chiều sâu thế giới tâm linh mỗi người dân nước Việt, nơi tu hành giảng đạo của người xưa và điểm du lịch, tham quan danh thắng của người hiện đại.

Một điều quan trọng khác nữa, chính tác phẩm của ba vị sư tổ cũng trở thành những giá trị tinh thần dân tộc, vừa là di sản tư tưởng nhân văn của ông cha vừa là những áng thơ còn mãi với thời gian. Nhiều chuyên ngành khoa học xã hội như lịch sử tư tưởng, triết học, văn học, văn hoá học, tôn giáo, ngôn ngữ... đều có thể tìm đến khai thác các văn bản này.
Điều quan trọng hơn, sự ra đời Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã góp phần cổ vũ tinh thần người dân nước Việt về khả năng phát triển những giá trị văn hoá bản địa, nội sinh trong lòng dân tộc. Đây cũng chính là sự đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh, tín ngưỡng của mỗi cộng đồng người ở từng thời đại, giai đoạn lịch sử cụ thể.

Có thể nói sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã tạo nên trường lực hấp dẫn mạnh mẽ, tạo đà thúc đẩy sự ra đời hàng trăm ngôi chùa lớn, nhiều tầng lớp tăng chúng cùng quy hướng theo một dòng tu hành in đậm sắc thái Phật giáo dân tộc. Bản thân hình tượng ba vị sư tổ cũng được tôn thờ, nghệ thuật hoá thành tranh, tượng và nhân vật trong văn học viết cũng như truyền thuyết dân gian.
Những bài thuyết pháp, giảng đạo của các ngài đồng thời cũng là những bài học đạo đức khuyên răn con người hướng thiện đã đến với muôn dân, đã được khắc in và truyền lại cho hậu thế.
Mặc dù đến hết triều Trần, Phật giáo không còn giữ được địa vị như giai đoạn trước, song tinh thần Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã kịp chuyển hoá, thấm sâu trong đời sống tinh thần dân chúng và trở thành những giá trị văn hoá bền vững trước thời gian.

Nếu văn hoá là những gì còn lại trước thời gian thì chính các giá trị vật thể và phi vật thể liên quan Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã là một minh chứng sâu sắc cho khả năng tồn tại và phát triển của một di sản văn hoá, bất chấp năm tháng và mọi thăng trầm thế sự. Theo một nghĩa rộng, di sản này đã toả sáng thành "tâm thức Trúc Lâm" trong lòng mỗi con người thuộc mọi thế hệ, ở khắp mọi vùng đất nước.

KẾT LUẬN

Trúc Lâm Điều Ngự - Trần Nhân Tông, một con người quá nổi bật ở nhiều mặt, một nhân cách quá sáng ngời: Nói về mặt lãnh đạo, là một nhà lãnh đạo tài ba; về chính trị là một nhà chính trị xuất chúng; về văn hoá là nhà văn hoá lớn; về tôn giáo, là nhà tôn giáo tuyệt vời…Do đó, để nhận định về Ngài, chúng ta khó có thể nhận định toàn vẹn được, nếu đứng trên một chủ kiến, một khía cạnh. Và hơn thế nữa, Ngài lại là hành giả trong pháp xuất thế, một bậc Tổ sư của nhà thiền thì càng không thể lấy theo ý thức tư duy bình thường mà hiểu được Ngài, phải là người trong cuộc với nhau mới hiểu thấu được nhau, như kinh Pháp Hoa nói: “Chỉ Phật mới biết”.

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được gắn liền với tên tuổi của Ngài, với dòng Thiền do Ngài mở lối, là một đại nhân duyên không phải tầm thường cần được tôn trọng và phải tôn trọng. Phật giáo nói chung, còn đường Thiền nói riêng, là con đường luôn sáng tạo, phù hợp với tinh thần phát triển ở các thời đại. Trúc Lâm Điều Ngự - Trần Nhân Tông là bậc tôn kính đối với tất cả con cháu chúng ta, và tinh thần của Ngài còn được phát huy đúng mức, nhắc nhở cho con em chúng ta và con cháu mai sau phải luôn nhớ cội nguồn, phải biết trân quý, giữ gìn gia sản quí báu của tổ tiên, chính đó là nền tảng xây dựng đất nước vững bền. Ngài đã dung hợp các dòng thiền thành một thiền phái Trúc Lâm. Với tinh thần căn bản của Thiền tông là: “Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”, tức chỉ thẳng ngay tâm người, ai nhận được bản tánh thì đủ cái nhân thành Phật. Vậy thành Phật là ở ngay trong tự tánh, không ở nơi nước này hay nước nọ, hoặc nơi người sứ này hay sứ kia. Hơn nữa, đã chỉ thẳng tâm người, thì ai không có tâm? Đã có tâm tức có thiền, nếu chúng ta sáng được tâm tức đạt yếu chỉ thiền, đâu phải tự khinh mình? Đó là đem lại niềm tự tin cho dân tộc. Thiền dạy phải tự tin chính mình là gốc, thì ở đây thiền phái Trúc Lâm đã ứng dụng điều đó vào thực tế.

Do đó, dung hợp các dòng thiền thành một dòng thiền Việt Nam, trong ý nghĩa thầm kín sâu xa, là một nhát đánh động lòng tin của dân tộc, đồng trừ đi niệm phân biệt đây kia. Không phái này chỉ trích phái nọ, chỉ ngộ bản tâm là chính. Không tông môn này đối chọi tông môn kia, chỉ sáng tâm là trên. Quả thật, chính đây là một nét chấm phá làm nổi bật nền Phật Giáo Việt Nam và đó là ngọn đèn sáng cho những thế hệ sau này cần soi sáng. Đối với lịch sử và văn hóa Phật giáo thì thiền phái Trúc Lâm vẫn để lại dấu ấn thiêng liêng trên dãy núi Yên Tử mà ngàn đời sau con cháu người Việt dù có phải là tín đồ của Phật giáo hay không thì cũng luôn hướng về nơi đó, nơi có một vị vua của dân tộc Việt đã để lại những giá trị quý giá mà không phải đất nước nào cũng có được.

Huỳnh Hữu Đức sưu tầm
(Trích theo Thích Pháp Như http://www.hoalinhthoai.com - http://tvsungphuc.net).

Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

Chuyện Nhỏ Ở Xóm Cồn - Hà Nguyên




Tác Giả: Hà Nguyên
Sài Gòn Dallas Thực Hiện

Mộ Phần Ông Trần Công Lại - Cái Nhum Vĩnh Long

      Nicolas Trần Công Lại : (biệt danh là Dinh Trung)
      Nguyên quán ở Thuỵ Nguyên, tỉnh Thanh Hóa vào Nam và cư ngụ tại Cái Nhum.
Khi Nguyễn Ánh chiêu mộ binh sĩ, ông theo phò chúa Nguyễn và dẹp giặc Tây Sơn. Ông được vinh thăng chức “ Dinh Trung” rồi đến chức “ Đô Thống Chế”.

      Khi Nguyễn Ánh lên Ngôi hiệu là Gia Long, vua Gia Long ủy thác cho ông Trần Công Lại chỉ huy hải thuyền hoàng gia để đảm bảo lương thực cho nhà Vua và quân đội. Khi ra khơi chẳng may gặp cơn bão táp đã đưa thuyền qua Ấn Độ. Trong lúc nguy khốn ông xin Đức Mẹ phù hộ và khấn hứa sẽ xây một ngôi nhà để dâng kính Đức Mẹ. Cầu được, ước thấy, ông Lại dâng một cây nến sáp bằng chiều cao và chiều tròn cột buồm hải thuyền để tạ ơn Đức Mẹ.

      Khi về Cái Nhum ông thực hiện lời hứa, ông xây một nguyện đường dâng kính Đức Mẹ Maria. Ngôi nhà cột gỗ, mái nhà thấp, lợp ngói âm dương, bên trong đặt tượng ảnh Đức Mẹ. Ngôi nhà này ở phía sau trường học. (Gần lăng mộ của ông sau nầy với tước hiệu vua ban là “Dinh Trung” ). ( Bức tượng này hiện nay được tôn kính trong nhà thờ họ đạo Cái Nhum; Tượng Đức Mẹ này cao 1,17m, láng bóng như ngà voi, theo kiểu mẫu Tây Ban Nha, còn gọi là Đức Mẹ Ngà. Một tượng Đức Mẹ khác cũng giống như vậy do chính ông hay con cháu ông đã đặt tại nhà thờ Sađéc).

      Năm Giáp Thân 1824, ông Nicolas Trần Công Lại được Chúa thương gọi về, để lại cho hậu thế gương thanh liêm, đạo đức, tân tụy phục vụ và lòng tin vào Thiên Chúa và Mẹ Maria. Thi hài của ông được chôn cất tại Cái Nhum, trong phạm vi đất của Dòng Kitô Vua, ấp Long Vinh, Long Thới, Chợ Lách, Bến Tre. 
(Tượng Đức Mẹ Ngà)

Bài Viết: Sưu tầm từ Net
Hình Ảnh: Trương Văn Phú
Mời xem một vài hình ảnh





Trương Văn Phú

Này Em - Này Anh

***
Này Anh
   (Từ Tranh Này Em của Nguyễn Đức Tri Ân)

Em nhớ được bao lâu?
Câu hỏi sao mà đau,
Chuyện ngày xưa đầu dốc,
Thời gian xóa được đâu???

Chỉ có Anh nhớ sao?
Những chiều mưa Phố Núi
Tay trong tay dung dẻ,
Mắt trong mắt nao nao!!!

Chia tay trong dòng lệ,
Lòng dạ ai xót xa!
Màn mưa che dấu ngấn,
Giấc ngủ trong sảng mê!!!

Vậy mà Anh lại nỡ,
Nhắc lại chuyện ngày xưa,
Câu hỏi xin bỏ ngỏ:
Nỗi nhớ ....được bao lâu?!?


Nam Chi
***

Này Anh

Mà anh giữ được bao lâu?
Em đây mãi đến bạc đầu không quên
Tình ta rồi sẽ vững bền
Khi mưa phố núi về trên dốc chiều
Tay trong tay phố quạnh hiu
Lòng em vẫn giữ tưng tiu cuôc tình
Dù đời sóng gió linh đinh
Em giữ ân tình trọn đủ trăm năm


Phong Diệp
***

Anh Ơi!

(Nối thơ Này Em của Nguyễn đức Tri Ân)

Anh ơi ! chuyện cũ ngày xưa
Chết trong kỷ niệm ngày mưa vở òa
Anh rời Phố Núi đi xa
Em về ủ dột, vào ra ngậm ngùi

Anh ơi ! ngày lại qua ngày
Em nghe bão tố phía nầy khi mưa
Tình gì mật ngọt thuở xưa?
Lời nào theo gió làm chua sắc mầu!

Ước gì quên hết thật lâu
Để tim khỏi ướt giọt sầu đắng cay.


Dương Hồng Thủy

Bài Thơ Lục Bát


Ta còn nửa chén rượu đời
Nếu em không ngại ta mời sớt chia
Uống đi , để thấy não nề
Nhân gian vị đắng, đắng tê cả hồn.
****** 


Cạn nhau một chén quan hà
Rồi mai sau đó mình là cố nhân
Buồn chi em, chốn bụi trần
Bể dâu biến đổi ai lần không qua.
****** 


Sang sông sợ nước lớn ròng
Xoáy con thuyền mục giữa dòng chơi vơi
Muốn trao ai đó một lời
Nhưng ta lại ngại tiếng đời thị phi.
****** 


Em còn đọng giấc mơ hoa
Ta như vạt nắng vàng pha cuối chiều
Tình đời còn lại bao nhiêu
Gặp cơn gió lộng cánh diều sẽ băng
 


Vĩnh Trinh


Thơ Tranh: Sầu Đông


Thơ & Chụp Ảnh: Biện Công Danh
Thơ Tranh: Kim Oanh

Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

Vọng Khúc Đêm Đông


Gió lay chiếc lá cuối cùng
Mưa khuya quét sạch cả khung Thu sầu
Sương mù vạn nẻo về đâu
Rơi rơi hạt tuyết, chuyển màu Thu Đông

Tiết Đông gợi lại nỗi lòng
Hoài hương một cõi mênh mong nỗi buồn
Thanh xuân tuổi ngọc tha phương
Dãi dầu sương tuyết, dậm đường chông gai

Em người viễn xứ u hoài
Mượn màu tuyết trắng, viết bài tình thơ
Gởi anh, quê cũ trông chờ
Người em xứ lạnh, mộng mơ thuở nào

Tuổi hồng đã vội bay mau
Tình xưa nay đã theo màu thời gian
Bao nhiêu mộng ước phai tàn
Đêm Đông vọng khúc, chứa chan lệ tình

Khúc Giang