Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

Phép Đối Trong Thơ Đường Luật


Nếu so sánh với các thể thơ khác, thơ Đường Luật có điểm đặc sắc nhất, độc đáo nhất chính là phép Đối ở hai câu 3-4 (Thực) và 5-6 (Luận).
Một bài thơ Đường Luật mà không có đối thì không còn là thơ Đường Luật.
Chính phép đối này đã từng khiến tôi rất khó khăn khi học và làm thơ Đường Luật.
Thế nào mới gọi là đối, đối thế nào cho đúng trong thơ Đường Luật?
Câu hỏi ấy luôn theo tôi trong thời gian trước.  Xin được nêu ra đây với mục đích trao đổi, học hỏi với Quý Cô Bác Anh Chị và những ai yêu thích thơ Đường Luật.


***
"Thi luật xuất phát từ đời nhà Ðường bên Tàu cho nên gọi là Đường Luật Thi.
Tiền Mộc Yêm, tác giả sách Ðường âm thẩm thể nói rằng: "Luật đây là sáu luật, là luật hoà hợp âm thanh. Luật thơ cũng giống như kỷ luật dụng binh, pháp luật hình án, nghiêm ngặt chặt chẽ, không được vi phạm". Có thể giải thích thêm về thể cách của thi như sau:
a) Trong một câu, bằng trắc cần phải điều tiết;
 b) Trong khoảng hai câu liền nhau, sự đối ngẫu cần phải khéo;
 c) Trong một bài, âm thanh cần phải chọn sao cho có sự cao thấp, bổng trầm.
Tóm lại, ba điều kiện cần thiết của luật thi là Niêm, Luật và Đối.

Ðường Luật không phải do một cá nhân hay một nhóm thi nhân cao hứng đặt ra theo sở kiến, sở thích của mình, mà chính là sự đúc kết những kinh nghiệm kỹ thuật lâu đời đã thành công, và điển chế những thành công ấy làm khuôn phép chung cho làng thơ . ...

Thật như vậy: từ đời Xuân Thu đến đời nhà Ðường, trên 1.000năm, thơ Trung Quốc lần lần biến chuyển từ giản dị đến phức tạp, từ tự do đến câu thúc. Thơ trong bộ Kinh Thi do Khổng Phu Tử san định thời Xuân Thu (722- 479) trước Kỷ nguyên Thiên Chúa, số câu trong mỗi thiên, số chữ trong mỗi câu, đều không nhất định, cách hạ vần cũng tùy nghi. Ðến đời Tấn (265-420), thơ mới bắt đầu khép vào khuôn là mỗi câu 5 chữ, nhưng số câu thì dài ngắn tùy hứng tùy thích của thi nhân. Sang đời Lục Triều (420- 621), thi nhân lại tìm thêm một khuôn nữa là mỗi câu 7 chữ. Thời ấy văn học lại xu hướng thể biền ngẫu . Thẩm Ước lại xướng thuyết tứ thanh, bát thể (bát bệnh) đem áp dụng vào thơ ngũ ngôn. Từ ấy, thi nhân phải theo những quy tắc về âm thanh về đối ngẫu; nhưng quy tắc không mấy chặt chẽ, ngòi bút vẫn tung hoành được tự do. Thi sĩ đời Ðường (618-907) phát huy phép đối ngẫu và thuyết thanh bệnh của Thẩm Ước. Âm vận và cách luật được giảng cầu tinh tường : Thi Luật được sáng chế và được phần đông thi nhân hoan nghênh. Người có công lớn trong việc chỉnh đốn Thi Luật là Tống Chi vấn và Thẩm Thuyên Kỳ thời Sơ Ðường . Rồi từ đời Ðường đến đời Thanh (1616- 1911), trên 1.000 năm, thể thơ Ðường luật rất được phần đông thi nhân ưa chuộng".


"Thơ Nôm Ta làm theo phép tắc thơ Tàu, mà âm thanh tiếng Ta cũng tương tự tiếng Tàu (cũng là thứ tiếng đơn âm và cũng chia làm tiếng Bằng tiếng Trắc). Nên Thi pháp của Ta là thi pháp của Tàu, và Niêm luật thơ Ta cũng phỏng theo thơ Tàu cả..."

Thanh, Vận, Đối ngẫu, Niêm, Bố Cục. Đó là 5 qui tắc bắt buộc người làm thơ Đường Luật phải giữ. Mỗi qui tắc có những qui định riêng.

1/ Thanh: có thanh Bằng thanh Trắc. Trong một câu, cần phải biết điều tiết Bằng Trắc, sao cho câu thơ có sự trầm bổng. Bằng Trắc cũng có nhiều Bằng Trắc.
 Theo Dương Quảng Hàm:
- Bằng có Trầm Bình Thanh (chữ có dấu huyền)và Phù Bình Thanh (Chữ không có dấu). 
- Trắc Phù thượng dấu Ngã. Trầm thượng dấu Hỏi. Phù khứ dấu Nặng. Phù nhập dấu Sắc. Trầm nhập dấu Nặng.

2/ Vận: gọi nôm là vần. Rất quan trọng trong các thể loại thơ. Vần là những chữ khi đọc lên có âm giống nhau. Tuỳ theo thể loại thơ Vần có thể Bằng hoặc Trắc. Nhằm mục đích kết nối các câu lại và tạo âm điệu trong bài thơ. Trong thơ Đường Luật chỉ có gieo vần ở cuối câu gọi là Cước Vận.
Vận là gì? Theo quyển Bội Văn Vận Phủ này thi vận xếp theo ngũ thanh (thượng bình, hạ bình, thượng, khứ, nhập) và có tất cả 106 vận. Thượng bình có 15 vận là Ðông (phương Ðông). Đông (mùa Ðông), giang, chi, vi, ngư, ngu , tề, giai, khôi, chân, văn, nguyên, hàn, san. Hạ bình có 15 vận là tiên, tiêu, hào (hỗn hào), hào (hào kiệt), ca, ma, dương, canh, thanh, chưng, vưu, xâm, đàm, điêm, hàm. Hai thanh Bình hợp lại gọi là Bằng, vần Bằng. Còn vần Trắc thì gồm tất cả các vận trong các thanh Thượng, Khứ, Nhập, tất cả có 76 vận. Ðể khỏi bị lạc vận, cổ nhân thường học thuộc lòng những chữ xếp vào bình thanh và khi cần, mở sách ra tra cứu.

Đúng là lạc vào mê hồn trận. Để đơn giản hoá, chúng ta chỉ tìm hiểu Vận qua cách gieo vần mà thôi. Vần có Chính Vận (vần chính) là những chữ có cùng một âm : anh - thanh, minh - tình, thi - gì...
Thông Vận (vần thông) là những chữ có âm đọc giống hoặc hơi giống, nhưng viết khác nhau: ăn - trăng, mong - ông, tăm - thầm, bên - triền...

Vận theo nghĩa Việt gồm 2 nghĩa:
- Có nghĩa như trên.
- Ghép các nguyên âm, phụ âm của mẫu tự gọi là Vần. Thí dụ như: au, oi, eo ương, en, it, anh...Chúng ta gọi là ráp vần.

3/ Đối Ngẫu: thường nói cho gọn là Đối. Đối Ngẫu là đối nhau từng cặp một. Trong Đối ngẫu, có nhiều cách đối. Cũng như Thanh và Vận, Đối cũng có năm bảy cách đối (không phải chỉ có một cách Đối Tự Loại như nhiều người thường nghĩ).

Lưu Hiệp đời Lục Triều, tác giả sách Văn tâm điêu long, đã phân biệt bốn cách là: Ngôn đối, Sự đối, Chính đối và Phản đối.Ngôn đối là đối bằng lời suông. Sự đối là đối bằng điển cố. Hai câu mỗi câu trình bày một sự việc nhưng nói lên cùng một ý, là chính đối. Nếu hai sự việc đó trái ngược nhau, thì gọi là phản đối. Sự đối và phản đối khó làm hơn và có giá trị hơn là ngôn đối và chính đối.

Ðến thời Sơ Ðường, Thượng Quan Nghi phân biệt sáu cách đối là:
1) Chính danh đối, như thiên địa đối với nhật nguyệt
2) Ðồng loại đối, như hoa diệp đối với thảo mao
3) Liên châu đối, như tiêu tiêu đối với hách hách
4) Song thanh đối, như hoàng hoè đối với lục liễu
5) Ðiệp vận đối, như bàng hoàng đối với phóng khoáng
6) Song nghĩ đối, như xuân thụ đối với thu trì (Theo sách Thi uyển loại cách).

Về sau  các học giả Trung Hoa đã soạn nhiều bộ Thi Vận Tập Thành, thường gọi là sách Quan vận, là Vận thư. Ðời Tùy có sách Thiết Vận; đời Ðường có sách Ðường vận, Quảng Vận; đời Tống theo những bộ sách đời trước, soạn ra bộ Lễ Bộ Vận Lược, được triều đình dùng làm chữ an tắc cho thi vận trong việc khảo thí. Các đời sau cũng theo gương đời Tống, soạn ra những sách Quan vận mới. Nhà Nguyên có sách Trung Nguyên Âm Vận; nhà Thanh có sách Bội Văn Vận Phủ; Trung Hoa dân quốc có Trung Hoa Tân Vận ...Sách Trung Hoa Tân Vận chưa được đem ra áp dụng . Ðược thông dụng nhất là Bội Văn Vận Phủ. Nước Việt Nam chưa có sách Quan vận. Các cụ ngày xưa đều dùng sách Tàu khi làm thơ chữ Nôm cũng như khi làm thơ chữ Hán.
Qua các sách Quan Vận của Tàu, vào thế kỷ 20, các Học giả Việt Nam đã đúc kết về Đối như sau:

- GS Dương Quảng Hàm: Đối gồm có Đối ý (Khoan Đối)và Đối Từ (Chỉnh Đối). Nhưng Ông không phân tích rõ ràng.
Như Đối Từ, Ông chỉ nói khái quát về Đối Từ và Đối Thanh. Từ loại nào đối theo loại đó Danh từ đối Danh từ, Động từ đối Động từ...được gọi là Đối Tự Loại. Đối Thanh là đối Bằng Trắc.
Còn về Đối ý, Ông chỉ vắn tắc "đối ý là tìm hai ý tưởng cân nhau mà đặt thành hai câu sóng nhau".

-  Nhà Thơ Nhà Giáo Quách Tấn: Ông đã liệt kê và phân tích hàng loạt các phép đối, trong sáu, tám nội dung đối. Sáu, tám hình thức đối... Nhưng cuối cùng, Quách Tấn quy tụ lại năm phép đối cơ bản gồm: Chỉnh đối, Tá Tự đối, Cú Trung đối, Bất Đối Chi Đối, và Lưu Thủy đối.. 

Nhưng Quách Tấn cũng nhắc nhở chúng ta, nếu chưa nắm vững về các phép Đối trong Đường Luật Thi, chỉ nên dùng 3 phép đối : Chỉnh Đối, Cú Trung Đối và Lưu Thuỷ Đối.

Các Phép Trong Thơ Đường Luật
 
1 - Phép Chỉnh Đối : Đây là phép đối thông dụng nhất, các chữ của câu trên và câu dưới theo thứ tự đối nhau từng chữ một hay từng cặp chữ kép một.

 

  Lom khom dưới núi tiều vài chú   
Lác đác bên sông chợ mấy nhà.
              (Bà Huyện Thanh Quan)
 
Lưng khoang tình nghĩa dường lai láng
Nửa mạn phong ba luống bập bềnh

                          (Hồ Xuân Hương)
 
 

2 - Phép Tá Tự Đối : Đây là phép đối tiếng đối bóng

 Hai mái trống tung đành chịu dột
Tám giờ chuông điểm phải nằm co
                            (Trần Tế Xương)
Chúng ta thấy ý của từ Trống và Chuông trong câu không hề đối nhau. Nhưng nếu tách ra xét tự loại lại đối. 

Chẳng long lay đến lòng son sắt
Há hổ ngươi vì miếng bạc đen
                    Phan Sào Nam 
Khéo làm sao khi ông mượn chữ long đối với hổ.

3 - Bất Đối chi Đối: Không đối tự loại mà đối ý. Cách đối này, Tiền Nhân rất thích dùng theo quan điểm Ý trọng hơn Từ. 
 
Ba Vì tây lĩnh nom thêm trẻ
Một dải thu giang nước vẫn đầy
                                   Tản Đà 

Vàng tung cánh hạc bay bay mãi
Trắng một màu mây vạn vạn đời

                       (Vũ Hoàng Chương)
 
Bóng chiều đã ngả đâu quê cũ.
Xưa nay chinh chiến mấy ai về
            (Tổng trấn Nguyễn Văn Thành)

U uất nơi lòng mòn mỏi đợi
Xuống lên con nước cứ vơi đầy
                            (Quên Đi) 
- Các cặp câu này nếu so tự loại, chúng ta thấy chẳng hề đối theo phép Chỉnh Đối. Nhưng ý lại đối rất chặt chẽ. Riêng ở hai câu thơ trích từ "Về Quê Nhà Cảm Tác " của Tản Đà, ta thấy còn dụng cách Tá Tự Đối :Đó là "Ba Vì" và "Một dải". Ba Vì là tên ngọn núi ở Hà Tây.

  4- Phép Đối Lưu Thuỷ : ý câu dưới tiếp ý câu trên

Thôi về bãi biển cho êm ái
Để mặc bên sông nó gật gù
              Nguyễn Khuyến 

Bước chân mong ngóng vòng tay mở
Dạo ấy người ơi xa lắm đâu
                       Vũ Hoàng Chương

Tiệc tùng chủ yếu cầu vui khoẻ
Nào phải kinh doanh để nhận quà
                            Quên Đi

- Chúng ta thấy hai câu này xét tự loại không thể đối nhau. Nhưng  ý được nối tiếp với nhau như dòng nước chảy liên tục.

5 - Cú Trung Đối: Còn gọi là Tiểu Đối. Tự đối nhau trong từng câuCâu trên tự đối, câu dưới cũng tự đốiHai câu đều tự đối. Tự Đối dùng để đối với Tự Đối.
 

Lấy của đánh người quân tệ nhỉ
Thân già da cóc có đau không

                     (Nguyễn Khuyến)
- Lấy của đối với đánh người. Thân già đối với da cóc.
                  

Nếu quả trời xanh ghen má phấn
Đừng mong cưới vợ để sinh con

                           (không biết Tác Giả) 
- Trời xanh đối với Má phấnCưới vợ đối với Sinh con
- Trong câu này có thêm phép Đối Lưu Thuỷ.

 

  6- Giao Cổ Đối: Từng nhóm hay từng chữ của câu trên đối chéo với  từng nhóm hay từng chữ của câu dưới

Chân bước vững đường chiều khấp khểnh
Rừng cây rậm rạp trúc vươn cao.
 
                       (Trần Tuấn Ngọc)  


Chân bước vững của câu trên đối chéo với trúc vươn cao của câu dưới
đường chiều khấp khểnh của câu trên đối chéo với Rừng cây rậm rạp của câu dưới.

 

  Bèo mây xuôi ngược nhiều sương nắng
Thương nhớ ngày đêm lẫn tủi hờn
 
 
 
Bèo mây của câu trên đối chéo với Ngày đêm của câu dưới
Xuôi ngược của câu trên đối chéo với Thương nhớ của câu dưới
Trong 2 câu này còn có Tiểu Đối:
Bèo mây đối với Sương nắng.

Thương nhớ đối với Tủi hờn

Kết Luận
Do ngày nay, những người làm thơ Đường Luật hầu hết đều làm thơ theo phép Chỉnh Đối, dần dà quên đi các phép đối khác. Từ nguyên nhân này, một số người đã ngộ nhận trong Thơ Đường Luật chỉ có một phép đối duy nhất. Vì thế, khi gặp một bài thơ áp dụng những phép đối khác, đã vội cho rằng sai luật đối, hoặc giả cho rằng Phá Cách, kể cả thơ của Tiền Nhân.
Huỳnh Hữu Đức  

Theo :
- "Việt Nam Văn Học Sử Yếu" Dương Quảng Hàm
- "Thi Luật Trong Thi Pháp Thơ Đường" Quách Tấn
- "Những Vấn Đề Ngữ Văn" Trần Trọng San
- "thoduongdatviet.com"
- "tho.com.vn"

 ***

2 nhận xét:

  1. cam ơn tác giả,bài viết rất chi tiêt.Tôi xin copy một vài đoạn về blog để nghiên cứ học tập.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thật vui khi biết Hòn Đất quan tâm. Mình viết bài này cũng với mục đích trao đổi. Hòn Đất cứ tự nhiên. Nhưng đề nghị Bạn ghi rõ xuất xứ những đoạn trích dẫn là được.
      Thân Chào

      Xóa