Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Nguyễn Trường Tộ Họp Mặt 2009


Từ trái qua:  không nhớ , cô Khuyết, cô Bé Em, cô Phước, cô Hảo, Thầy Phong, cô Tuyết Hồng (vừa mới mất), không nhớ, cô Phước (còn có tên Hương), không nhớ, không nhớ, chị Tú Trân

Đặng Anh Tuấn


 

Như Mây


Nguời đâu lòng dạ vô tâm
Qua đây bỏ lại nhiều năm muộn phiền
Tôi về ở góc trời riêng
Chép Kinh phơi cả bình nguyên sông ngòi
Bóng ai cuối nẻo luân hồi
Mang đầy thương tích không lời nói năng.

Vườn tôi trăm nhánh khô cằn
Sáng nay chợt thấy nảy mầm đơm bông
Mùa Xuân về ở bên sông
Cho con nước lớn chảy rong vô bờ
Xuôi tay bỏ hết đợi chờ
Theo sông ra biển sống đời như mây


Lý Thừa Nghiệp


Thơ Tranh: Hạc Vàng




Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Huỳnh Hữu Đức

Bóng Đổ Mình Tôi


      Suốt một tuần nay trời mưa liên miên, mưa không để cho ai thấy được mặt trời, mà chỉ thấy toàn một màu mây xám xịt đặc quánh, mọi thứ hầu như bị lên mốc; kể cả tôi. Nhưng chiều hôm qua đột nhiên mưa lại tạnh, mây hơi loãng một chút xíu, tuy thế vẫn chưa thấy được đôi chút nắng chiều, đơn giản là…ông mặt trời đã đi ngủ-nói theo cách của các cháu bé đang học trường mầm non.

May quá; sáng nay thức dậy thấy trời có nắng, một màu nắng hồng non của ngày Chúa Nhật đúng như lòng mong ước của tôi; vì tôi đang chờ đợi nắng đến sau một tuần mưa dầm dề lê thê “thúi cả đất; mốc cả người. Tôi chờ nắng lên để được phơi mình, để làm khô hết những đốm mốc đang có. Và tôi cũng đang chờ một ai đó “Alô” cho tôi…mời tôi đi tắm nắng trên những con đường  trong thành phố của miền cao nguyên xinh đẹp này.

Một thời xuân sắc, một thời thấy hoa là bướm và bướm là hoa, một thời mà tôi có tất cả: sắc đẹp, công việc, tiền bạc, thỉnh thoãng lại được mấy bà dì ở nước ngoài gởi về cho những tờ dolar mới cáo và đôi khi còn kèm theo anh Việt Kiều bóng loáng, nhưng tôi cứ ưa chơi trò “tình vờ”, vì tôi  kiêu hãnh với những gì tôi có; tất cả đều trên trung bình, và tôi tự chấm cho mình điểm Tám; tôi không ngờ điểm 8 nó như một cái còng trói buộc tôi vào với những điểm chuẩn tôi đưa ra trong việc “kén chọn người đàn ông của mình”, hơn nữa ngày đó tôi rất là ung dung tự toại với những gì mình có nên không muốn sớm bị vướng bận bởi bổn phận của cái gọi là: “hôn nhân gia đình”, tôi thích mình luôn là “hoa xinh bướm lạ” để cho các chàng trai phải khát khao mong muốn, nên điểm chuẩn tôi đưa ra rất cao; cao ngất ngưởng để các chàng trai phải ngẩng đầu lên đến mõi cả cổ, phải chạy theo tôi đến…mõi cả chân. Và cuối cùng là…chính tôi phải bị sống trong cô đơn và mòn mõi đợi chờ…

       Thời gian vùn vụt lướt “qua tôi” một cái vèo, nhanh đến không ngờ nên khi giật mình “tỉnh giấc” thì…“cái già sồng sộc nó nằm bên hông”. Tôi đành phải tự hạ “điểm chuẩn” của mình xuống; lúc đầu là từng bậc một. Thật là buồn khi mình đã từng đứng ở bậc thang cao nhất, thấy vũ trụ và thiên hạ là của mình. Thế rồi đến lúc quay đầù nhìn lại phía sau lưng thì chẳng có ai chịu kiển nhẫn leo lên tới đỉnh với mình, mà hết người này đến người nọ “rơi rụng” dần giữa lưng chừng những bậc thang. Mỗi lần nhận một tấm thiệp mời đám cười của ai đó đã từng hì hụi leo thang để cố làm sao vói cho tới mình; tôi lại ngậm ngùi…mới ngộ ra một điều là: chỉ vì mình ưa đứng trên cao chót vót mà kén chọn “chàng hoàng tử trên lưng ngựa”...

      Dù đã hạ điểm chuẩn xuống thế mà vẫn có những rụng rơi, vẫn nhận được thiệp cưới đề tên ai đó xa lạ mà không hề là tên của mình. Lại đành phải tụt xuống một lúc đến mấy bậc. Nhưng tuổi xuân của tôi ác lắm kia; nó luôn chạy trước tôi và lại còn chạy nhanh hơn tuổi trẻ của tôi mới đểu chứ, vì khi “Giật mình nhìn lại thấy mình trống trơn”; có chăng là chỉ còn lại cái già ở bên cạnh bầu bạn…và vì không muốn làm bạn với cái già nên tôi đã tìm đủ mọi cách như là nhờ đến Mỹ Phẩm hay dao kéo can thiệp để cắt giảm tuổi già; nâng cao tuổi trẻ; thế nhưng…cái già nó cứ sồng sộc chạy theo tôi rất nhanh và vù một cái qua mặt tôi luôn; lúc này thì những “dấu ấn” của dao kéo nó phản lại tôi đến nổi tôi…cũng đâm ra sợ ngay chính khuôn mặt của mình; ôi chao…đó là một sai lầm quá lớn. Đếm tuổi xuân của mình thì chỉ còn hai tháng nữa là đến sinh nhật “ngoài tứ tuần” của tôi rồi chớ ít sao, vậy mà vẫn phải “một mình một bóng”. Mẹ tôi lúc nào cũng ưu tư lo lắng khi tôi ngày càng bị “mốc” và mẹ thì lụm cụm lắm rồi.
Cuối cùng chỉ còn lại những anh chàng từng bị tôi xếp vào loại xơ cua “B một”; vì các chàng loại xơ cua A và B cũng vổ cánh bay mất tiêu, nay chỉ còn lại vài anh B một…

      Vẫn chưa có ai “alô em rảnh không”? cái điện thoại cũng bị mốc nữa sao?. Thôi thì đành phải chủ động tìm trong danh bạ các chàng xơ cua “B một” có điểm từ cao xuống thấp để gọi cho người ta vậy. Máy nào cũng “bận”; đến người có điểm chuẩn số bốn thì:
- Alô…anh Hậu ơi, em…Kiều nè…anh rảnh không?
Đầu dây bên kia là một giọng trả lời yếu xìu:
- Ờ…à…Kiều hả?...anh đang bịnh nên mệt quá.
Lọt vô trong điện thoại là một giọng nói ngọt ngào:
-“ Ăn cháo rồi thì uống thuốc nha anh…”

Trời lại không thương tôi rồi sao? Cái anh chàng đạt điểm bốn thề ở vậy để cùng “rong chơi” với tôi cho hết quảng đời xuân còn sót lại;…đang bị bịnh và đang có người chăm sóc. Tôi hơi có chút ngậm ngùi buồn; nhưng không muốn mất thì giờ với nỗi buồn đó, tôi tìm thêm một tên khác:
- Alô…Kiều nè…anh Trình đang làm gì vậy?
Có tiếng ậm ờ của Trình:
- Kiều hả? Khỏe không em? Anh đang ở Nha Trang…
- Thích nhỉ? Đi Nha Trang mà sao không rủ em đi với?
- À…có cô bạn ở bên Mỹ về thăm…cổ rủ anh đi ấy mà.

  Buồn ghê chưa; sáu người có điểm chuẩn “B một” từ cao xuống thấp trong danh bạ coi như bị “bận rộn” hết trơn. Có lẽ hôm nay bỗng dưng trời hững nắng nên mọi người đâm ra thích bị bận rộn thì phải? Nhưng tại sao ai cũng muốn đi “phơi nắng” với ai đó mà không phải là với tôi? vậy tôi là cái gì gì của họ trong bấy lâu nay nhỉ? Chỉ là người để họ than thở vào những ngày mưa? Còn những ngày có nắng thì họ lại cùng đi phơi nắng với ai kia?.

Thôi thì…đành đi phơi nắng một mình vậy. Buồn quá; người ta nói sau cơn mưa trời lại sáng, nhưng với tôi lúc này thì…sau cơn mưa tôi lại càng buồn hơn. Nắng từ phía sau lưng tôi rọi tới, bóng của tôi trải dài theo bóng nắng; một mình một bóng cô đơn. Tôi bước vào một quán nước lịch sự có hàng cửa kiếng trong veo và chọn một cái ghế nhìn ra ngoài đường. Mặt trời càng lên cao bóng cây bên đường càng ngắn lại cho đến khi tôi không còn thấy nó nữa vì mặt trời đã ở trên đỉnh đầu. Nếu tôi mà đứng ngoài đường thì tôi cũng không thấy bóng của mình.
Muốn phơi nắng cho hết mốc người nhưng sao tâm hồn tôi vẫn cứ mốc meo vậy nhỉ?…

Nắng đã ba ngày nay…mà tôi vẫn chưa hết mốc meo vì chưa có một ai “alô” hỏi thăm; thì hôm nay bổng nhiên…ơ kìa…điện thoại reo…mừng quá…
- Alô…Kiều đó hả em? Anh Phong đây…nhớ không?
Tôi lật đật trả lời ngay:
- Dạ…Kièu đây…ôi…anh Phong…khỏe không anh?
-Khỏe…em à; chiều nay em xong việc thì mình đi uống cà phê nhé? Chổ cũ của tụi mình…sáu giờ…
Tôi không từ chối:
-Dạ. Em sẽ đến…nơi cũ…

Anh Phong; người từng một thời đeo cứng tôi; và tôi thì cũng ngỡ mình sắp bị Phong “đốn ngã” khi anh đạt tới điểm chuẩn số một bảng A, nhưng sau đó anh đã buông tay tự thả rơi mình để…gởi tôi tấm thiệp cưới, tôi khá đau vì tự ái. Mỗi lần  tình cờ gặp tôi ở đâu đó là Phong lại ưa than thở này nọ về chuyện gia đình không có hạnh phúc; kết luận là…“chỉ có em thôi”…biết rằng chỉ có thể tin được năm mươi trên năm mươi của lời nói nữa thật nữa dối ấy nhưng lòng tôi cũng cảm thấy hả dạ đôi chút.
Đã lâu lắm rồi…khi không nghỉ đến người thì người tìm đến mình…lòng tôi chợt nôn nao.


Quán cà phê nhạc nhẹ quen thuộc đây rồi; chàng đang ngồi đợi tôi ở góc kia, vừa thấy mặt tôi là Phong hí hững vui tươi đến rộn ràng và anh bắt đầu nói, nói rất là nhiều làm lổ tai tôi như muốn bị ù. Phong không để cho tôi được nói một câu nào… 
Hai ly nước được đem ra theo yêu cầu. Phong lại tiếp tục tâm sự; vừa tỏ tình thương mến thương, vừa than thở chuyện làm ăn thất bại nọ kia. Tôi hơi thất vọng khi Phong không còn là Phong của điểm chuẩn số một hạng A ngày đó. Nhưng khi Phong cho biết anh đang làm thủ tục li dị vợ và…nếu tôi có “nhã ý” thì anh xin được nối lại duyên xưa, hơn nữa bây giờ Phong đang làm giám đốc công ty “z”…Tôi vui trong lòng vì thấy tuổi của mình cũng đang lỡ thì, nay mà có được chút duyên “lỡ thì” đáp lại thì coi như “được vớt cú chót gọi là”…Phong cho biết hiện tại anh đang ở phòng trọ còn vợ con anh đã đi xa???

Phong tha thiết nhìn tôi và nói trước khi chia tay:
- Hẹn gặp lại em ngày mai nhé.
    Đang là mùa mưa nên nắng mưa bất chợt, và mưa thì  nhiều hơn nắng. Tôi và Phong cứ thế mà thong dong đi phơi mưa cho ướt át câu chuyện tình, rồi phơi nắng cho hanh ráo tâm hồn; hết ngày nọ đến ngày kia, lòng tôi lại phơi phới vui tươi với một cuộc tình tuy cũ mà mới; và người tình tuy mới nhưng cũ…
       Chuyện ly dị vợ của Phong vẫn còn ở tận đâu đâu trên miệng Phong…mỗi khi đi ăn đi uống cùng tôi.
       Hai ngày nay không gặp Phong tôi bồn chồn đứng ngồi không yên, gọi thì anh không bắt máy; đi ngang nhà trọ của anh thì thấy cửa đóng im lìm, tôi buồn rầu quay về nhà mà lòng phân vân vô cùng kèm theo ít nhiều nhung nhớ.

- Alô…Kiều ơi…cứu anh với…
Tôi hoãng hốt khi nghe giọng anh trong điện thoại có vẻ cấp bách lắm. Phong nói nhanh:
- Anh đang cần một số tiền lớn để thanh toán nợ của công ty…em à; chúng mình sẽ…cưới nhau sau khi anh trả xong nợ…em giúp anh tiền để trả nợ nhé…cũng khá nhiều…
      Dù bất ngờ nhưng tôi cũng đủ tính táo để cảm thấy đây là một “lời đề nghị khiếm nhã”.
Phong nói tiếp trong điện thoại:
- Anh nhớ em lắm. Chúng mình gặp nhau ở chổ cũ nhé...anh sẽ kể rõ mọi chuyện thật tường tận để em hiểu…
     Tôi chưng hững…rồi sau đó thất vọng bẽ bàng, những tưởng rằng đời mình sắp được neo đậu ở một bến bờ yêu thương chân thật, ai nào ngờ...
     Không cần phải suy nghỉ lâu mà làm gì, ở tuổi này tôi cũng có một cục sạn to đùng nằm đặc cứng trong đầu lắc qua lắc lại không nghe rổn rãng tiếng nào. Ôi chao; đằng sau những lời nói ngon ngọt nỉ non là một hậu ý giá…bạc tỉ đi kèm. 


      Thôi thì bóng tôi đã lở đổ xuống một mình tôi rồi, đành an phận là tốt nhất, bây giờ cũng không còn dám mơ chi có ai đó cùng với mình đi phơi nắng sau những ngày mưa để hai bóng cùng đổ bên nhau…
       Tôi đã rất “lấy làm tiếc” khi từ chối “lời đề nghị khiếm nhã” của Phong, thoáng trong tôi có chút ngậm ngùi vì dù sao thì tôi cũng rất chạnh lòng với cái bóng đổ của một mình tôi.
Hồ Thủy


Thơ Tranh: Đừng Như Cơn Gió


Thơ: Hoàng Lam
Thơ Tranh: Kim Oanh

Nhớ Thu Xưa


Lại một mùa thu nữa đến đây
Vàng phơi xác lá rụng rơi đầy
Hiu hắt ráng chiều xao xác nắng
Buồn đưa theo ngọn gió heo may

Ngọn cỏ đìu hiu phất phơ bay
Dìu bước chân ai khẽ khàng lay
Ong bướm lượn lờ đôi cánh mỏng
Say đắm bên hoa hương ngất ngây

Ta trở về đây nắng hây hây
Sương rơi nhè nhẹ phất phơ bay
Buồn thương kỷ niệm ngày xưa ấy
Sóng bước bên nhau dưới sương mù

Giờ biết tìm đâu điệp khúc xưa
Lạc lối chiều rơi nhịp chân đưa
Quặn lòng từng phút giây thương nhớ
Kỷ niệm ngày nao từng đến đây

Ta lại ngồi đây với hàng cây
Lá vàng ngập lối vương màu mây
Ghế đá công viên giờ quạnh vắng
Còn lại mình ta nhớ thu xưa

10/2013
Thiên Thu




Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

Đêm Nguyên Tiêu



Đêm nguyên tiêu em thao thức cùng trăng
Bước lãng du khỏa sắc vàng óng ả
Trăng đầy đặn mà em gầy lạnh quá
Bẻ bàng chưa! Ngơ ngác tuổi đang già.

Trăng rằm xuân, ánh trăng tươi như hoa
Mây ngoảnh mặt, gió mơ hồ nín lặng
Hơi gợn tí cả đông tàn quãng vắng
Đủ se lòng với hai nửa buồn vui.

Em biết mình như nắng cuối chiều thôi
Sầu tiếc nhớ dùng dằng thương tuổi dại
Trăng vành vạnh ngự lưng trời mê mải
Em u hoài trong mộng mị bơ vơ.

Phố núi đêm sương giăng buông mành tơ
Câu thơ viết thơm nhẹ làn hương mỏng
Trăng sóng sánh nhả tiếng lòng đồng vọng
Chợt vợi buồn – mai khuyết cả trong nhau.

Hương Ngọc


Thơ Tranh: Xuyên Biển Mời Trăng





Thơ & Thơ Tranh: Hoài Tử

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Thương Hoài Áo Trắng



Thương áo trắng khơi nguồn kỷ niệm
Lạc nẻo đời ta kiếm nơi đâu ?
Lời thơ đứt khoảng từng câu
EM ơi, nỗi nhớ đếm sầu làm vui

Hè lại đến bùi ngùi trăn trở
Bóng thời gian chẳng nở xua đi
Để trăng còn đó thầm thì
Nhắc ta một thuở đậm ghi tình hồng

Đêm xứ lạ ru lòng mỗi tối
Gió vu vơ nhẹ thổi cơn mơ
Rượu nồng góp với lời thơ
Hỏi EM còn nhớ tình khờ ngày qua

Thương áo trắng tình xa mời mọc
Ta ngồi đây đếm tóc bạc dần
Mượn vần thơ cũ bâng khuâng
Tìm đâu cánh én, mùa xuân năm nào ...?

Hoàng Dũng



Thơ Tranh: Lời Trần Tình



Thơ: Trần Thị Dã Quỳ
Thơ Tranh: Suối Dâu


Viết cho người xưa cũ




Nơi em ở ......những hàng cây lá đỏ
Ta ngang qua với ngày tháng thu vàng...
Trước nhà em những chùm hoa cúc trắng
Đẹp dịu dàng vương nỗi nhớ mênh mang

Em thấy không khung trời tình xanh ngát
Mây về đâu bay lờ lững dịu dàng
Có tiếng đàn vọng buồn qua song cửa
Gió nồng nàn trong tiếng gọi mùa sang

Ta vẫn đứng bên góc đường lặng lẽ
Rất gần em mà em chẳng nào ngờ
Từng tháng ngày lênh đênh trong quạnh quẽ
Để nghe lòng chùng xuống những vần thơ

Kỷ niệm nào theo tháng ngày xa mãi
Cũng như em giờ cũng đã quên rồi
Chỉ có ta mãi là người khờ khạo
Vẫn lạc về ... vùng quá khứ xa xôi ....

Khiếu Long



Sóng - Bờ



Em về nghiêng bóng nắng
Biển xanh ngun ngút dài
Dấu chân tình trên cát 
Tóc bay buồn trên vai

Tình yêu mình rất lạ
Như hôm nào quen nhau
Có phải đêm mưa lũ 
Đưa em về lòng đau

Con tim đầy nỗi nhớ
Dù không nói một lời
Khi nhìn ta em hiểu
Tình dạt dào chơi vơi

Biển xanh xao màu nhớ
Mây xám khắp khung trời
Lòng ta vùng sóng vỗ
Ru tình nồng lả lơi

Khiếu Long

* * *
Bờ

Lạc loài đi trong nắng
Chiều nghiêng bóng đổ dài
Gót lê hằn trên cát
Tóc gió giờ thôi bay

Anh về bờ bến lạ
Mình đã rời xa nhau
Nỗi sầu như cơn lũ
Vây kín trọn niềm đau

Hồn dậy tràn sóng nhớ
Gào thét đến rã rời
Chỉ là biển mới hiểu
Sao em lệ đầy vơi

Bờ võ vàng thương nhớ
Ngàn năm mãi đợi chờ
Khát khao lòng sóng vỗ
Hát ru lời tình thơ

Tiểu Vũ Vi

Hải Âu

  

(Cảm tác từ Sóng của Khiếu Long)

Bơ vơ tìm bóng nắng
Nơi bến vắng thở dài
Dấu chân hằn trên cát
Tóc sầu ngủ bờ vai

Tình xưa ôi đẹp lạ
Ngày nào ta trao nhau
Nay trôi theo thác lũ
Cuộn dòng nước quặn đau

Ký ức đong đầy nhớ
Dù không nói thành lời
Nỗi lòng này ai hiểu
Hay chỉ bến sầu vơi

Biển vô tình không nhớ
Hải âu thét vang trời
Gọi đàn tung cánh vỗ
Sóng im lìm giã lơi

Kim Oanh



Vĩnh Long Những Ngày Cận Tết Năm Nhâm Thìn 2012- Phần 2













Trương Văn Phú


Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

Vĩnh Long Những Ngày Cận Tết Năm Nhâm Thìn 2012- Phần 1

      Hôm nay 17 tháng Chạp mà vn chưa có dưa hấu bày bán, nhộn nhịp chỉ vừa vừa, những vội vã tất bật trong dân chúng chưa nhiều. Ở Vĩnh Long được  trang trí khá bắt mắt, hoa đặc trưng Tết chưa bày bán vì còn khá sớm, khoảng qua đưa ông Táo thì khởi sự đầy đủ các mặt hàng














Đi chợ Tết về bằng đò ngang


Đò dành cho du khách và đò ngang An Bình nhìn từ bờ sông Tiền phường 1

Trương Văn Phú


 

Họp Mặt Trường Hoàng Diệu - Ba Xuyên - 6/10/2013 - Sydney Úc Châu



" Xưa Hoàng Diệu người tung cánh hạc
Hồn nam sinh say bóng sắc liêu trai
Trái sao cánh mỏng ta vừa lượm
Có dấu chân người vạt áo bay".
















Lâm Hảo Khôi
(Ở Sóc trăng,đường phố có nhiều cây sao,tới mùa trái sao rụng bay theo gió như những cánh chuồn chuồn,rất dể nhớ nhung xao xuyến.)


Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Những Dòng Thơ Tỉnh - Đỗ Hữu Tài ( Thế Thôi)


http://www.uyenphuongminhnguyet.com/ThiSiDoHuuTai/ThoTinh/

( Mời nhấp vào link để thưởng thức)


Thơ: Đỗ Hữu Tài - Bút Hiệu Thế Thôi
Diễn Ngâm: Uyên Phương Minh Nguyệt


Hình Như Là Tình Yêu - Nhạc Nguyên Chương - Đàn & Hát Suối Dâu

Cựu Học Sinh Trường Trung Học PleiKu




Sáng Tác: Nguyên Chương
Đàn và Hát: Suối Dâu


Dạ Cổ Hoài Lang - Kỷ Niệm Truyền Thống Tổ Cải Lương - Melb. Úc Châu 2013



(Xem hình ảnh lớn hơn, bạn nhấp vào chữ Youtube dưới góc phải)

Dạ Cổ Hoài Lang
Tác Gỉa: Cao Văn Lầu
Tiếng hát; Hương Lan
Ảnh chụp của Bùi Quốc Hùng

Bên Lề Giấc Mộng


      Tôi là dân Vĩnh Long chính gốc, nhưng tuổi thơ và thời niên thiếu lại gắn liền với miền Đông đất đỏ và Sài Gòn, nơi mà ngày xưa vùng đất này được người ta gán cho cái biệt danh mỹ miều là “Hòn Ngọc Viễn Đông”. Do công việc của cha tôi, nên những địa danh:  Dĩ An, Tân Uyên, Phú Giáo, Bến Cát, Chơn Thành, Lai Khê, Dầu Tiếng, Trảng Sụp, Bù Đăng, Lộc Ninh, Hớn Quản… gia đình tôi đều có đến sinh sống. Có nơi, chúng tôi chỉ lưu trú chừng vài ba tháng, nhưng cũng có nơi gia đình chúng tôi “đóng đô” đến một, hai năm. Mãi đến năm 1964, để tiện việc học hành cho các con, mẹ tôi mới quyết định mua nhà ở hẳn tại Sài Gòn, mặc cho cha tôi rày đây mai đó! 

(Sàigòn1964)

      Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định hồi xưa rất nhỏ, nhỏ hơn bây giờ nhiều lắm! Ở Sài Gòn, mãi đến năm 1970, khu Ngã tư Bảy Hiền, chợ Tân Bình hãy còn rừng cao su. Còn bên khu Khánh Hội, Vĩnh Hội toàn là sình lầy và nhà ổ chuột. Tôi còn nhớ, ngày ấy, bến xe lục tỉnh (tức bến xe đi về miền Tây) còn nằm ở góc đường Trần Hưng Đạo-Nguyễn Cư Trinh, gần khu vực thành Ô Ma. Sau đó, mới dời ra chỗ hảng thuốc lá Mic đường Pétrusky (bây giờ là Lê Hồng Phong). Và tới khoảng năm 1973, nó mới dời hẳn ra Xa cảng miền Tây cho đến tận bây giờ! Thời đó, xe lam và ô tô buýt chưa “nhập cảng” vào miền Nam, nên phương tiện đi lại công cộng ở Sài Gòn đều bằng xe thổ mộ. Đối với bọn trẻ chúng tôi, việc được leo lên ngồi trên chiếc xe do người xà ích tay cầm cái roi mây, điều khiển con ngựa chạy lọc cọc trên đường, sau đít nó có cái mo cau túm lại để hứng phân là một trong những điều sung sướng nhất trần gian! 

      Ông nội tôi người gốc Tam Thủy, Quảng Đông. Lớn lên, ông theo học nghề may và thêu ở đất Cảng Thơm. Rồi không biết bằng cách nào ông tôi đã tới xứ Vĩnh Long mở tiệm may và cưới bà nội ruột của tôi, là người nhỏ hơn ông gần hai mươi tuổi, sau khi đã để lại một bầu đoàn thê tử ở lại bên xứ Quàng Túng xa xôi! Và như thế, dù trong dòng máu đang luân lưu trong cơ thể tôi chỉ vỏn vẹn có hai mươi lăm phần trăm là dân tộc Quảng, tôi vẫn được kể là một con “xẩm lai”!

      Tôi sinh ngày 24/10/1956, tuổi Bính Thân, mang quốc tịch Hoa và là con đầu lòng của cha mẹ tôi. Nhưng sau đó, khi chính phủ thời Đệ nhất Cộng Hòa bắt tất cả các Hoa Kiều ở miền Nam phải đổi sang quốc tịch Việt Nam, có lẽ cha tôi thấy hồi nhỏ tôi ốm yếu, hay sài đẹn, nên khai sụt tuổi của tôi hết một năm.
Ông nội tôi là thợ may giỏi. Nhưng có một nghề chắc cũng không thua kém nghề may, ấy là nghề cờ bạc. Ông nội tôi mất năm 1960, khi ấy tôi chỉ mới bốn tuổi, và những điều tôi biết ít ỏi về ông đều do bà nội hoặc cha tôi kể lại! Cái máu cờ bạc ấy di truyền đến cha tôi. Cha tôi cũng là một thợ may giỏi và cũng có nghề song song là nghề đổ bác. Sau khi bỏ nghề may để làm một nghề khác trong hơn hai mươi năm với cuộc sống rày đây mai đó, cha tôi cũng từng nổi danh là “Đổ Bác vương”. Chuyện đó, đã làm cho mẹ tôi nhiều phen phải chết lên chết xuống, vì lắm khi cha tôi thua bài mỗi lần cả sac marin tiền!

      Nếu kể thành tích cờ bạc của ông nội, cha tôi mà quên kể đến tôi thì quả là điều thiếu sót lớn. vì bản thân tôi ngày xưa cũng từng là một “tiểu sư tỷ”, thành tích cờ bạc cũng “xem xem” với cha ông!
Năm 1965, tôi học lớp ba ở trường Gò Vấp I. Ngày xưa quận Gò Vấp rất lớn, bao gồm cả quận hiện hữu, quận Bình Thạnh và quận 12 bây giờ. Nhà tôi ở đường Lê Quang Định nối dài, ngang dinh Quận (bây giờ là Ủy ban Nhân dân Quận Gò Vấp), gần cầu Hang số 6, là trục đường chính đi từ Bà Chiểu lên chợ Gò Vấp.
Mẹ tôi xuất thân là gái quê, ít học nên không vào được các hảng xưởng làm “thầy chú” như người ta, mà phải sống lam lũ  bằng nghề buôn bán. Hàng ngày, mẹ tôi đi xe lô (tên thời đó gọi xe đò liên tỉnh) lên tận chợ trời biên giới Gò Dầu Hạ thuộc tỉnh Tây Ninh, cách Sài Gòn khoảng chín mươi cây số mua ly, tách, chén kiểu đem về bán sỉ. Sáng sáng, mẹ tôi đeo xe lô lên biên giới, giao năm chị em chúng tôi cho một người anh bà con, là cháu họ của mẹ tôi quản lý. Anh tên là Đồng, lớn hơn tôi chín tuổi. Anh là con nhà nghèo, nên tía má anh cho anh “ở đợ” trong nhà tôi. Thế nhưng, vì là cháu của mẹ tôi, nên mẹ tôi rất tin tưởng anh, giao cho anh quyền hành lúc mẹ tôi đi vắng. Nhớ có lần, tôi theo anh về Vĩnh Long thăm ông, bà Ngoại. Bận lên, hai Ngoại gởi quà quê cho gia đình tôi, anh Đồng sợ bỏ quên nên viết mấy chữ vào mảnh giấy rồi nhét vô túi áo: “Đồng đem hai buồn chúi (buồng chuối), Đồng xách túi đi long (ni lông)”. Cha tôi thì đi biền biệt, lâu lâu mới về thăm vợ con một lần, còn mẹ tôi mắc lo buôn bán tảo tần, nên cuộc sống của chị em chúng tôi lúc ấy tựa như những con sói đồng hoang!


      Mỗi chiều, khi nghe tiếng của mẹ tôi vọng từ đàng xa: “Đồng ơi, ra phụ khiêng đồ vô cho cô Tư” (Tư là thứ của mẹ tôi) là chúng tôi mừng húm, tất thảy đều chạy ào ra mừng mẹ. Mấy chị em chúng tôi chạy lăng xăng lít xít bên mẹ, đứa vịn mấy cái cần xé trống trơn, đứa kéo lê bội tre còn dính rơm trong đó có mấy chùm trái rừng hoang dại. Hồi đó, làm gì có những thứ trái được nhập khẩu từ nước ngoài như bây giờ, còn xoài, cam, quít, vú sữa, sầu riêng thì tới mùa mới có và cũng đâu có rẻ. Tôi hãy còn nhớ, hầu hết các thứ trái rừng của miền Đông hầu hết đều có vị chua ái, hoặc chát chát, chua chua.
       Trái sim có hình dáng tương tự như trái bơ ngày nay, nhưng nhỏ hơn, có màu nâu sẫm. Sim là thứ trái đã được thi sĩ Hữu Loan  vinh danh trong bài thơ “Màu tím hoa sim”:

                   Màu tím hoa sim
                   Những đồi hoa sim biền biệt…

      Hay soạn giả Kiên Giang đã mượn mấy câu thơ điệu Hò giã gạo của dân Bình Trị Thiên để cho nhân vật chính của mình là sơn nữ Phà Ca ngâm trong tuồng cải lương “Người vợ không bao giờ cưới”:

               Đói lòng ăn nửa trái sim
               Uống lưng bát nước đi tìm người thương
               Người thương ở tận non xanh
               Bậu về quê bậu biết mô mà tìm…

      Trái bứa có rất nhiều loại. Riêng loại bứa ở rừng miền Đông có hình dáng tương tự như trái cà tomato, khi chín có màu vàng cam, trong ruột có múi giống như trái măng cụt. Có người nhầm lẫn cho rằng trái bứa này là trái sấu miền Nam. Không phải! Theo kinh nghiệm của tôi, hai loại trái này khác nhau. Trái sấu Nam Bộ chính là trái thanh trà, loại trái hiện giờ cứ tới mùa (khoảng Tết Đoan ngọ) người ta treo bán lủng lẳng dưới chân cầu Cần Thơ phía Bình Minh.

      Riêng trái thanh trà ở miền Đông là tên của một loại bưởi có trái nhỏ cỡ trái ổi, nên còn có tên là bưởi ổi, ăn rất ngon, là đặc sản của vùng Cù lao Phố, Biên Hòa.

      Trái trường có bề ngoài tương tự như trái chôm chôm, nhưng nhỏ hơn nhiều. Nó cũng có hột ở chính giữa như chôm chôm, nhưng không tróc như chôm chôm.

      Trái gùi có hình dáng và màu sắc cũng tương tự như trái sim nhưng nhỏ hơn. Vỏ trái có nhiều mủ màu trắng giống như mủ vú sữa, dễ dính vào miệng nếu ăn không khéo. Tôi còn nhớ, cách nay khoảng năm mươi năm, nhật trình có đăng một tai nạn thương tâm: một thiếu phụ ở chợ Thủ Dầu Một tên là Trương Thị Nhành chở chén tô đi buôn chuyến lên miệt Hớn Quản, lượt về bị xe lửa chẹt chết, trên tay vẫn còn cầm một xâu gùi. Sau này, tôi có nghe nghệ sĩ Ngọc Ẩn (nghệ sĩ này cũng là người hát bài “Hận Đồ Bàn”) ca bài vọng cổ “Trái gùi Bến Cát” với lời ca có nội dung dựa theo câu chuyện đó:

              Mẹ đi chợ chớ ở lâu
              Bận về mẹ nhớ mua xâu trái gùi
              Con chờ xe lửa kéo còi
              Ra ga đón mẹ lấy gùi ăn chơi…

      Trái mây, xa lông, nhung có hình dáng nhỏ, cỡ như trái nho tím của Việt Nam. Trong ba loại trái này, trái xa lông ăn ngon nhất!

Hà Nguyên


Tiếng Rao Thuở Học Trò

Kính Thầy,
Đọc Tiếng Rao Đêm của thầy em vô cùng xúc động. Xin được gởi đến Thầy “ tiếng rao thuở học trò “ của 55 năm về trước ở hẽm Hai Địa đường Phan thanh Giản ngày xưa. Kính chúc thầy sức khỏe và sáng tác đều.

(Từ Tiếng Rao Đêm của Thầy Mai Lộc)


(Hẽm Hai Địa bây giờ (1))

năm 58 khi vừa lên Đệ Tứ
ở trọ nhà cô giáo Bảy bà con
trước nhà là con rạch đầu nguồn
có dòng nước lững lờ trôi trong vắt.

buổi xế trưa ngồi gạo bài dưới đất
chiếc cầu con - gánh chè nhẹ đong đưa
hẽm Hai Địa những chiều vắng không mưa
chợt văng vẳng tiếng rao :
“ ai ăn chè đậu xanh đường cát ? ”.

giọng lanh lảnh ngọt ngào như suối mát
len vào hồn kẻ hàn sĩ tái tê
chưa một lần dám gọi mua chén chè
dù trong miệng nghe mùi thơm ngọt lịm.

mỗi buổi sáng lúc năm giờ vừa điểm
chú chệt bánh mì quảy cần xé đi ngang
miệng khàn khàn “bánh mì nóng hổi đây”
chợt rạo rực cồn cào trong bao tử.

55 năm qua đã trở thành bất tử
khi tiếng rao đêm của thầy Lộc gọi về
cảm ơn thầy dù cuộc sống bộn bề
vẫn không quên kỷ niệm xưa thời đi học.

Dương Hồng Thủy (11/10/2013)
(1) bây giờ là hẽm 18 đường XVNT


Cảm Tác:Tiếng Rao Đêm

Kính Thầy,
     Như thường lệ, xúc động trước " Tiếng rao đêm " 8 chữ của Thầy, Đỗ Chiêu Đức xin " rao " lại bằng 5 chữ, như sau :



Ngày xưa trên gác trọ,
Trong xóm nghèo hẽm nhỏ.
Thức học nghe tiếng đêm,
Ngọn đèn khi mờ tỏ 
!

Văng vẳng tiếng rao ngon :
" Bánh mì đây, nóng dòn ! ".
Em bé trai vai quảy,
Một túi bánh mì con !...( mới ra lò ).


Xa xa tiếng : " Bánh bò,
Bánh tiêu, dầu chá quảy ! ".
Tiếng xe đạp lẩy nhẩy,
Dòn như bánh ra lò.( mới chiên )


Thỉnh thoảng trong đêm chầy,
Vẳng tiếng : " Bánh Giò đây ! ".
Ông lão già tay đẩy,
Một giỏ bánh giò đầy...( mới nấu chín ).


Như tiếng mỏ đêm canh,
Lốc cốc tiếng nhịp nhanh.
" Mì gỏ " đà đến hẽm,
Thèm rỏ dãi cũng đành ( nuốt nước miếng ! ).


Tiếng kéo nhấp vang vang,
Bánh cắt đã mở màn,
Tôi nhớ hoài mùi vị,
Nước mắm tỏi chanh chan ( thả giàn ! ).


Đêm nửa, sáng gần kề,
Thức học thi mõi mê,
Bánh mì nhai đỡ đói,
Hàng rong đã đi về .


Xé tan đêm vắng lặng,
Tiếng xúc xắc leng keng,
Ông " Giác hơi đấm bóp "
Lộc cộc xe đạp quèn !


Những cuộc đời cơ cực,
Những cuộc sống về đêm.
Những người nghèo vất vả.....
Nhớ hoài, " Tiếng Rao Đêm! ".


Năm mươi năm nhớ lại,

Học trò... thuở cơ hàn.
Sài Gòn năm xưa ấy,
Hỏi ai chẳng bàng hoàng !!!


Đỗ Chiêu Đức.