Thứ Tư, 8 tháng 5, 2024

Người Yêu Của Lính

 
  
Dù khác biệt lịch sử, nguồn gốc, phong tục vv nhưng Nhật Bản, Hàn quốc và Việt Nam cùng chia nhau một điểm là chịu sự ‘’ảnh hưởng’’ của văn hóa Trung Hoa trong nhiều phương diện: tôn giáo (đạo Phật), triết học (Nho Giáo), ẩm thực (mì, bún, gạo,nước chấm vv ), múa hát vv Và chữ viết, ngôn ngữ ! Như chữ Nôm của ta, được tạo từ chữ Hán, Hương Trát là chữ viết của người Hàn, và Kanji là chữ viết của người Nhật. Có từ điển Hán-Việt thì cũng có Hán-Nhật, Hán- Hàn.

Hiện nay, trong khi người Nhật, người Hàn vẫn viết chữ ‘’tượng-hình’’ như người Tàu, thì người Việt đã chuyển sang viết theo mẫu tự Latin, công trình của các giáo sĩ ngoại quốc (Bồ, Ý, Pháp vv) từ thập niên đầu thế kỷ 17 (1618 – 1625), trong đó, Francesco de Pina (Bồ đào nha) là người có công lớn nhất, người giỏi tiếng Việt nhất, chứ không phải học trò ông : Alexandre de Rhodes.

Nói đến chữ viết, là nói đến thi ca!

Xuất hiện ở Hàn thời Shilla (cùng lúc với đời Đường, kéo dài 3 thế kỷ : 7,8,9), Hương ca (Hyangka), là những bài thơ-ca Hàn viết bằng chữ Hương Trát, theo 3 thể : 4 câu, 8 câu hay 10 câu. 4 câu, 8 câu làm liên tưởng đến tứ tuyệt, bát cú của Tàu nhưng 10 câu thì đúng là ‘’Hàn tính’’. Như một bài luận văn, 10 câu được chia 3 đoạn : 4-4-2, nhập đề -thân bài (cảm xúc )-kết luận.

Khoảng thời gian đó, ở Nhật, là Hòa ca (Waka), được viết bằng chữ Hán để diễn tả ngôn ngữ Nhật. Waka là thể thơ có 31 âm tiết, chia thành năm dòng, mỗi dòng lần lượt là 5-7-5 -7-7. 31 âm tiết là đã không nhiều nhưng có người (thế kỷ 19e) vẫn còn thấy dài, nên họ sáng tạo thơ Hài cú, chỉ 17 âm tiết, thu gọn trong 3 câu !

Không tìm được nguyên tác bài thơ, viết đúng theo các ‘’thể’’ (dòng , tiết) , chỉ xin ghi lại đây 2 bài Hương ca & Hòa ca dịch sang tiếng Việt .

Bài ‘’Hương ca’’ Hàn trong câu chuyện “Juk Ji Rang (Trúc Chỉ lang) còn gọi là Juk Man (Trúc Mạn) dưới thời Hiếu Chiêu Vương.

Mộ Trúc Chỉ Lang Ca

Mùa xuân đã qua đi,
Nhường chỗ cho phiền muộn.
Trên dung mạo đẹp đẽ, đã xuất hiện nếp nhăn,
Được gặp nhau chỉ trong chớp mắt.
Trên con đường nhớ thương,Người hỡi!
Giữa ngôi làng đông đúc, có thể ngủ ngon? (1)

Bài Hòa ca Nhật ‘’Vạn diện tập’’ ( Yamato ni wa, quyển 1, thơ thiên hoàng Jomei)

Yamato núi bủa giăng,
Dưới trời hỏi núi nào bằng Kagu.
Leo lên đỉnh nhìn tuyệt mù,
Khói lan đồng rộng, chim vù đảo xa.
Đẹp sao là đất nước ta! (2)

Không ai biết chắc chắn chữ Nôm xuất hiện khi nào, chỉ biết, cuối thế kỷ thứ 8, khi vua Phùng Hưng mất, thái tử Phùng An kế vị, tôn cha là ‘’Bố cái Đại Vương’’. Tiếng Nôm đã có từ đó, nhưng, theo một số sử liệu, chữ Nôm chỉ có sớm nhất , là ở thế kỷ thứ 10, khi Ngô Quyền đánh tan giặc Nam Hán.

Bài văn chữ Nôm đầu tiên là ‘’Văn tế cá sấu’’ của Hàn Thuyên ( cuối thế kỷ 13 ) và một trong những bài thơ chữ Nôm đầu tiên là bài bát cú Đường luật viết về lời vua Hán Nguyên Đế khuyên Chiêu Quân (Vương Tường) cống Hồ

Vua Dụ Vương Tường Gả Cho Chúa Thuyền Vu

Hán Hồ vẫn muốn vẹn trăm đường
Há trẫm riêng tây có phụ nường
Bắc quốc tuy rằng ngoài dị vực
Vương đình song cũng một biên cương
Ở đây hạnh thắm nên mai nhạt
Về đấy sen tàn lỗi cỏ hương
Hơn thiệt thôi đừng ai oán nữa
Chờ ngày áo gấm lại hoàn hương.(3)

Chuyện ‘’Chiêu Quân cống Hồ’’ tưởng đâu chỉ có bên Tàu, thời Hán. Nào ngờ, mấy ngàn năm sau, lại xuất hiện ở miền Nam Việt Nam, sau 1975 : hai câu 5, 6 nói đúng tâm trạng một số nàng Chiêu Quân thời đại, vì hoàn cảnh (cha anh tù tội, mẹ bị sa thải không lương) phải hy sinh đời mình, tự cống …(cháu)’’Hồ’’! ‘’ Ở đây hạnh thắm nên mai nhạt / Về đấy sen tàn lỗi cỏ hương ‘’. Miền Nam nhiều ‘’cành liễu rũ’’ nên ‘’mai’’ không nổi bật. Nhưng ra Bắc rồi, giữa những ‘’sen tàn’’, nhan sắc nàng sẽ trở nên lỗi lạc.

Khác với những bài thơ ngắn của Hương-ca và Hòa-ca, hai thể thơ Nôm của Việt Nam thoát khỏi ‘’quỷ đạo’’ thơ Đường là: ‘’lục bát’’ và ‘’song thất lục bát’’

Năm xưa ( trước 75), ông Võ Phiến đưa ra một bài lục-bát Chàm làm tôi chới với:

“ Nư lơi nư đí ca hoanh,
Kla mông pat băc pụ pành ten me.
Nư lơi nư ranh đi me,
Nư hia nư chó ngá kề hưở nư.”

Chới với vì trước đó, tôi cứ tưởng lục-bát là tuyệt chiêu của Việt Nam, như Kim Cương Chỉ của phái Thiếu Lâm, như Giáng Long Thập Bát Chưởng của Cái Bang vv trong thi ca thế giới. Chỉ có cái tiếng nói đầy ắp nhạc điệu, bỗng trầm lên xuống nhẹ nhàng ấy, mới làm ra lục bát. Nào ngờ chúng cũng có trong văn chương tiền nhân ông… Chế Linh! Sau này, ở Hà Nội, ông Trần đình Sử đã hạ một câu :’’ … Xét về lịch sử, có người nói lục bát bắt nguồn từ thơ Chăm, nhưng tiếng Chăm là ngôn ngữ đa âm tiết, không thể có thơ lục bát được. Tiếng Việt có cội nguồn Nam Á của nó, quá trình chuyển từ tiếng đa âm tiết sang đơn tiết tính vào khoảng thế kỉ XII - XV, cho nên phải vào khoảng ấy mới hình thành thơ ca đơn tiết của người Việt… ‘’. Chỉ dựa vào cái ‘’ tiếng Chăm là ngôn ngữ đa âm tiết .. "mà dám quả quyết "không thể có thơ lục bát được" thì tự tin quá! Tôi thì tôi.. không biết. Có thể lục-bát phát sinh từ VN nhưng cũng có thể nó phát sinh từ Chàm, mà cũng có thể ‘’thơ lớn’’ gặp nhau thì sao ? ! Không phải cứ dựa vào một yếu tố ‘’ đa âm tiết “ mà phán một câu ‘’không thể’’ được ! Thế, ông Sử xử.. sự như thế nào khi đọc bài viết của thi sĩ Inrasara (1957, người Việt gốc Chàm) về ‘’lục-bát’’ Chàm , mà ông Inrasara gợi là ‘’thể thơ ariya’’?

"Ngay từ cuối thế kỷ XVI – đầu thế kỷ XVII được ghi nhận là thời điểm ra đời của sử thi Akayet Deva Mưno, lục bát Chăm đã có mặt. Và trước đó nữa, trong ca dao Chăm, lục bát là thể thơ được độc quyền sử dụng..".

Và ông Inrasara đưa thêm một đoạn thơ Chàm: (4)

“Ta hãy so sánh bài ca dao Việt trên với đoạn thơ (rất nhiều đoạn thơ) sau trong Ariya Bini–Cam của Chăm:

Limưn tơl Bal Lai Bal Huh
Bal glơh ginuh bhap ilimo
Bal đwa danuh khak bilo
Xanak ginrơh ralo halei jang o bboh

( câu này, ông Inrasara gọi là gieo vần lưng, giống như: Trèo lên cây bưởi hái hoa / Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân ).

Sao mà cách gieo vần của 3 câu đầu , đọc lên , nghe giông giống ‘’song-thất-lục-bát’’ thế?
“ .. Nước thanh bình ba trăm năm cũ / Áo nhung trao quan vũ từ đây / Sứ trời sớm giục đường mây.. ‘’
Đấy, lục bát của ‘’đa âm tiết” đấy. Có ‘’ai’’ xin ‘’rút lại câu viết’’ không?!

Ngoài lục-bát Chàm, còn có lục-bát Mường. Tuy cùng nhóm ngôn ngữ Việt-Mường, nhưng không hiểu sao văn hóa Mường không được phổ biến nhiều (?) mặc dù họ cũng có hát đối, ru em, dân ca vv Tôi chỉ tìm được một câu lục bát Mường do ông Phùng Quỳnh (VN) đưa ra: ‘’Chim quen xỏn lại một canh /Tế con chim lả rắp rành choi môi ‘’(chim quen dọn lại một cành/ để con chim lạ rắp ranh chọi mồi).

Như chữ Nôm, không ai biết lục bát xuất hiện từ lúc nào, theo ông Nguyễn đổng Chi, là ‘’từ thập niên 40s sau Công Nguyên’’, có thể ở thế kỷ 11, 15 vv Điều chắc chắn nhất là, theo bà Phan Diễm Phương (VN), lục-bát ( gieo vần như ‘’hiện nay’’ ) hay ‘’song thất lục bát’’ đã có từ trước năm 1540 là năm ông Lê đức Mao viết tác phẩm ‘’Nghĩ hộ tám giáp giải thưởng hát ả đào’’ ( Bát giáp thưởng đào văn) trong đó có nhiều thể thơ : lục bát, song thất lục bát, ngũ ngôn, thất ngôn vv ‘’.

Với tôi, lục-bát ( không gieo vần đúng cách ) xuất hiện cùng lúc với lục-âm trong tiếng Việt (không, sắc, hỏi, huyền, nặng, ngã). Bởi khi ta nói, đã lắm bỗng trầm, khi ta ‘’ru’’, đã là nhạc điệu. Song-thất-lục-bát là một ‘’biến thể’’ của lục-bát.

Lục bát là cái sườn chính của thi ca Việt Nam nhưng, trước khi có phong trào ‘’thơ mới’’ (1932 -->), dù với đỉnh Everest ‘’Kim Vân Kiều’’, nó không có được cái vị trí như bây giờ. Trong chương trình Việt văn trung học, tôi chỉ nhớ có hai bài lục-bát: 1/ Nguyễn công Trứ : ‘’Kiếp sau xin chớ làm người / Làm cây thông đứng giữa trời mà reo’’ ; 2/ Tú Xương : ‘’ đêm nghe tiếng ếch bên tai / giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò’’. Có phải vì nó ‘’bình dân’’, ‘’nghe thường’’ (ru em , hò đối đáp vv) quá, nên người ta dùng nó để kể ‘’truyện’’ nhiều hơn là gởi gấm mảnh tình riêng trong đó (?) : Lục Vân Tiên, Hoa tiên ký , Nhị Độ Mai , Sơ Kính tân trang, Lục súc tranh công vv

Song-thất-lục-bát thì không có cái may như lục-bát. Nó ‘’hết cơn bỉ cực vẫn còn.. cực thêm’’! Quá khứ nó, tuy không vàng son như ‘’tứ tuyệt, bát cú’’, nhưng cũng còn hơn lục-bát, ở số lượng các tác phẩm nổi tiếng : Chinh phụ ngâm ( bản dịch ) , Cung oán ngâm khúc ( Nguyễn gia Thiều), Văn tế thập loại chúng sinh (Nguyễn Du), Tự Tình khúc ( Cao bá Nhạ/ cháu gọi Cao Bá Quát là chú ruột ) vv Nhất là bài thơ ‘’Khóc Dương Khuê’’ của Nguyễn Khuyến ( , hai câu ‘’ rượu ngon không có bạn hiền / không mua, không phải không tiền không mua ‘’ bị đám thanh niên miền Nam nhại rằng : ‘’rượu ngon mà có bạn hiền / muốn mua cũng … hổng có tiền mà mua ‘’! ) ! Sau thời ‘’thơ-mới’’ , song-thất-lục-bát hầu như vắng mặt trong thi ca, có mà như không-có!

Nếu nói lục-bát là nói đến '’Đoạn Trường Tân Thanh’’ thì nói đến song-thất-lục-bát là nói đến ‘’Chinh Phụ Ngâm’’

Chinh phụ ngâm là một sáng tác (Hán tự) của Đặng trần Côn (1710 ? – 1760 ?) gồm những câu thơ dài, ngắn khác nhau. Tập thơ được hình thành khoảng 1755, thời Lê Hiển Tông (1740-1786), là một ngâm khúc bi thương của người chinh phụ , nói về tâm tình của một người vợ , từ khi tiễn chồng lên đường chinh chiến , tiếp theo đó là những ngày dài cô đơn, những đêm phòng không gối chiếc, những tháng năm mòn mỏi trông chồng vv! 

( nguồn : wikipedia )

Năm 1953, trong quyển ‘’Chinh phụ ngâm bị khảo’’, ông Hoàng Xuân Hãn đã chứng minh rằng bản dịch Cung Oán Ngâm Khúc mà người ta thường dùng (và đã đưa vào chương trình bộ Giáo Dục VNCH) là bản của ông Phan huy Ích, không phải bản của bà Đoàn thị Điểm. Tuy bị ‘’Hội Văn Học’’ (Hà Nội) phản đối, nhưng hiện nay, các nhà nghiên cứu đã nghiêng về lập luận của ông Hãn hơn !

3 tác phẩm lớn của thi ca VN đã được đưa vào học đường miền Nam (VNCH) với nhân vật chính là người phụ nữ. Nếu Đoạn Trường Tân Thanh, Cung Oán Ngâm Khúc nói về ‘’tài mệnh tương đố’’, ‘’hồng nhan đa truân’’, thì nỗi đau của người chinh phụ, trong Chinh Phụ Ngâm, vẫn là một nỗi đau có thật, ở Việt Nam, kéo dài từ lúc tác phẩm hình thành (1755 ?) cho đến … 1975. Nên, không phải ‘’Kiều’’ của thi hào Nguyễn Du, mà ‘’Chinh phụ ngâm’’ mới là tác phẩm phản ánh miền Nam, thời Việt Nam Cộng Hòa, thời mà biết bao chinh phu đã lên đường bảo vệ non sông, để lại sau lưng, bao nhiêu là chinh phụ, như Y Vân đã dựa vào, viết nên ca khúc ‘’Tình chàng, ý thiếp’’ (Từ chàng xa vắng , lên đường ruổi dong chiến chinh … )

Trong 21 năm (54-75), văn-chương-văn-nghệ-miền-Nam là văn chương, văn nghệ thời chiến nhưng, khác với nền văn chương, văn nghệ phục vụ chính trị ngoài Bắc, văn chương, văn nghệ miền Nam phục vụ nghệ thuật và con người: người Lính và người Dân

Nếu nói về số lượng và phẩm chất, nhạc Lính miền Nam là hiện tượng duy nhất trong âm nhạc thế giới. Tôi dám khẳng định: không có quốc gia nào trên thế giới mà nhạc Lính nhiều hơn, hay hơn nhạc Lính Việt Nam Cộng Hòa !

Không có nhạc sến, nhạc ‘’sang’’, chỉ có nhạc hay và nhạc không hay. Những ca khúc hay thì vẫn ở mãi với thời gian, trong đó, có ‘’Tưởng như còn người yêu’’ (1970) , Phạm Duy phổ thơ Lê thị Ý (1939). Bao nhiêu năm đi qua, nhưng mỗi lần nghe (lại), tôi vẫn nghe với cái xúc động của lần đầu, của chàng thiếu niên mới lớn, nhất là mấy câu cuối : ‘’… Em không nhìn được xác chàng / Anh thêm lon giữa hai hàng nến trong / Mùi hương cứ tưởng hơi chồng / Ôm mồ cứ tưởng , ôm vòng người yêu …’’. Và đoạn cuối, từ nốt ‘’ré’’ (‘’trung’’) trong âm giai Ré thứ ( ‘’bây giờ anh phủ màu cờ ‘’), là một âm giai buồn, nốt “ré” kế tiếp ( ‘’em không nhìn được xác chàng’’) được tác giả đẩy lên cao hẳn một octave , tuy chuyển sang Ré trưởng ( thường cho nhạc ‘’vui’’ ) nhưng đó là một mũi dao đâm thẳng vào trái tim người nghe !

Theo ký giả Ngo-Kalynh:

‘’ Năm 1965, nữ sĩ rời Sài Gòn. Bà về Pleiku làm việc trong một trại lính. Năm năm ở phố núi bé nhỏ này, mỗi một ngày bà đối diện với vô vàn những câu chuyện không tên về cuộc đời người lính. Lúc này, cũng là thời điểm khốc liệt nhất của chiến tranh. Thế giới xung quanh bà khi ấy chỉ toàn lính, và lính. Lính và vợ. Lính và vũ khí. Lính và đạn bom. Lính và tử trận. Từ đó, tình yêu bà dành cho người lính, cuộc đời người lính, càng thêm cao dầy. Đôi khi, chỉ những câu chuyện trò ngắn ngủi đời thường với vợ lính cũng làm cho trái tim nữ sĩ chạnh lòng.

Bà nhớ lại, rồi kể:
“Chúng tôi, những người phụ nữ nói chuyện vui đùa với nhau. Có người nói:
-Trời lạnh thế này mà được ở nhà ôm ông xã thì sướng biết mấy.
-Thế ông xã đâu?
-Ông xã đi đánh trận.”
….
“Tôi đi ngang nhà xác, nghe tiếng khóc vọng ra. Tôi nhìn vào thấy người ta đang nhận xác… đau lắm. Không phải chỉ khi của mình, mình mới đau…” bà kể. “Nó (nỗi đau) không phải là của mình nhưng đã hóa thành của mình.”


Thương Ca 1

“Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình
Say đi cho rõ người tình
Cuồng si độ ấy hiển linh bây giờ
Cao nguyên hoang lạnh ơ hờ
Như môi thiếu phụ nhạt mờ dấu son
Tình ta không thể vuông tròn
Say đi mà tưởng như còn người yêu
Phi cơ đáp xuống một chiều
Khung mây bàng bạc mang nhiều xót xa
Dài hơi hát khúc thương ca
Thân côi khép kín trong tà áo đen
Chao ơi thèm nụ hôn quen
Đêm đêm hẹn sẽ chong đèn chờ nhau
Chiếc quan tài phủ cờ màu
Hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng
Em không thấy được xác chàng
Ai thêm lon giữa hai hàng nến trong?
Mùi hương cứ tưởng hơi chồng
Nghĩa trang mà ngỡ như phòng riêng ai.” (5)
(Lê Thị Ý)

Không phải chỉ khi của mình, mình mới đau…! “

Vâng đau lắm, thưa chị Ý! Dù cuộc chiến đã kết thúc gần 50 năm qua, nhưng nỗi đau đó vẫn còn âm ỉ trong lòng người miền Nam chúng ta!

Chinh phu là tiếng Hán Việt, tiếng thời xưa. Sau này, người ta nói : chiến sĩ, chiến binh, binh sĩ ( ‘’chúc người binh sĩ lên đàng ‘’), quân nhân vv Chữ ‘’Lính’’ có lẽ xuất hiện lần đầu năm 1959 trong ca khúc ‘’Tình anh Lính chiến’’ của Lam Phương(?) . Từ đó, người quân nhân trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa được người miền Nam gọi vỏn vẹn một chữ thân tình là Lính.


Khoảng giữa thập niên 60s, khi cuộc chiến bắt đầu trở nên khốc liệt, nhiều ‘’chàng tuổi trẻ’’ đã phải ‘’xếp bút nghiên theo nghiệp đao cung’’, đi Lính nhiều hơn đi học! Tuổi học trò, tuổi ‘’trăng tròn’’, có ai mà không một lần ‘’một hôm trận gió tình yêu lại ‘’ (Huy Cận )? Không ít những cô nữ sinh, sinh viên là người yêu của Lính, tạo nên nguồn cảm hứng cho nhiều văn nghệ sĩ, nhất là giới âm nhạc. Người Lính Chung Tình ( Khánh Băng ) , Tình Lính ( Y Vân), Lính mà em ( Anh Thy), Lính nghĩ gì ( Hoài Linh ), Lính trận miền xa ( Bằng Giang – Châu Kỳ), Lính xa nhà (Trịnh Lâm Ngân ), Lính dù lên điểm (Vũ Chương = Lê Minh Bằng) , Lính thành phố (Song Ngọc) vv , nổi tiếng nhất là ‘’Tình thư của Lính’’ và ‘’Người Yêu của Lính’’. Hai sáng tác đều của anh Thần Thiện Thanh nhưng ‘’Tình thư của Lính’’ thì anh ghi thêm tên người em trai kế anh : Trần Thiện Thanh Tâm & Anh Chương (= Trần thiện Thanh) với những dòng cho người yêu ghi dưới tên ca khúc : ‘’Em ! Anh đã viết cho em rất nhiều lần: ‘Đời lính không hào hoa như nhiều người vẫn tưởng’. Nhưng, Em yêu anh bởi anh là lính, và anh viết cho em cũng bằng… Tình yêu của lính, thế thôi ! ‘’

Nói đến Lính, là nói đến người vợ Lính! Trước khi trở thành vợ Lính, người phụ nữ là ‘’người yêu của Lính’’.Đời Lính rày đây, mai đó, sống nay, chết mai, nên đa phần, ít lập gia đình : ‘’người yêu của Lính’’ nhiều hơn ‘’người vợ Lính’’. Nếu Dạ Lan là ‘’em gái hậu phương’’ của các anh trai tiền tuyến thì ca sĩ Ngọc Minh (1946) được mệnh danh là ‘’người yêu của Lính’’, do chị chuyên hát nhạc Lính, và cũng đã từng là người yêu của Lính (phu quân chị là Lính)
( nguồn : Internet )


‘’ Nếu em không là người yêu của lính / Ai đem cánh hoa rừng về tặng em / Ai băng gió sương cho em đợi chờ / Và những lúc anh về / Ai kể chuyện đời lính em nghe … ‘’. Nghe mấy câu này, có ai mà không muốn làm ‘’người yêu của Lính ‘’ ? Ngay cả những nữ .. quân nhân (như Chuẩn Úy Nhảy Dù Dương thị Kim Thanh, tử nạn phi cơ cùng chồng là cố Chuẩn Tướng Nhảy Dù Trương quang Ân / 1968)(?)

Vợ Lính là vợ của Lính nhưng người yêu Lính thì khác với ‘’người yêu của Lính’’. Có những ‘’người yêu của Lính’’ trở thành vợ Lính và cũng có những ‘’người yêu (chung tình) của Lính’’ không bao giờ trở thành vợ Lính, khi ‘’người Lính’’ (đó) đã hy sinh ! Nhưng không phải vì người Lính không ‘’còn’’ (sau ngày 30/4/1975 chẳng hạn), thì không còn ‘’người-yêu-của-Lính’’. ‘’Yêu ai yêu cả một đời’’! Bản thân tôi biết một vài ‘’người yêu của Lính’’ trước 75 ( chị Lê thi Ý chẳng hạn) , vẫn còn ‘’ở vậy’’ đến hôm nay! Xin gởi đến các chị những bông hồng ngưỡng mộ !

Nói theo cách nói của nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh (1909-1974), làm người phụ nữ Việt Nam đã là khó, làm người phụ nữ Việt Nam trong thời chiến càng khó gấp trăm lần, nhưng làm ‘’người yêu của Lính’’ thì nỗi khó đó là vô biên ! Khó trong thời chiến. Khổ cả thời bình! Khổ từ mẹ già khổ xuống con trẻ. Khi người Lính trở thành người Tù ! Một người tù không có án. Một người tù bị bắt, bị lăng nhục, bị đày ải vì đã thi hành bổn phận công dân: cầm súng bảo vệ quê hương !

Ngày 30/4 năm nay, xin được vinh danh những ‘’người yêu của Lính’’: những nàng Tô Thị tân thời, không muốn chờ người yêu, chờ chồng đến hóa đá, mà xông xáo, lăn lốc trong cuộc‘’đổi đời’’, vừa nuôi gia đình, vừa thăm nuôi chồng / người yêu, vừa phải chống chọi trước những chiêu dụ, hăm dọa của đám ‘’khỉ-rừng-xanh’’!

Miền Nam không phố Kỳ Lừa
Chỉ có cả nước bị ‘’lừa’’ (*) tháng Tư
Người tự sát, kẻ đi tù (!)
Bao năm trại-ngục mịt mù ‘’thăm-nuôi’’ :
Những nàng Tô Thị tân thời
Người-yêu-của-Lính là người … Dân yêu!

BP

(*) Mỹ lừa đồng minh Việt Nam Cộng Hòa / Hà- Nội lừa dân miền Nam (lệnh‘’học tập’’)‘’ .. cảnh sát, tình báo biệt phái từ thiếu uý đến đại úy: “Phải mang giấy bút, quần áo, mùng màn, các vật dụng cá nhân, lương thực, thực phẩm [bằng tiền hoặc hiện vật] đủ dùng trong mười ngày kể từ ngày đến tập trung”. “Sĩ quan cấp tướng, tá” mang theo “thực phẩm, lương thực đủ dùng trong một tháng”.

(1): HYANG KA (HƯƠNG CA) TRONG “TAM QUỐC DI SỰ” (Phần 1) - Trung Tâm Nghiên Cứu Hàn Quốc (inas.gov.vn)
(2) : https://gakumonsusume.wordpress.com/2015/10/05/waka-%E5%92%8C%E6%AD%8C/
(3) : https://vantholacviet.com/cac-bai-tho-nom-dau-tien-trong-van-hoc-chu-nom/
(4) https://tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=1786
(5) https://vietpen.org/le-thi-y-3/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét