Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2023

Mùa Phật Đản


Thời tiết mấy tuần qua đã hết mưa, nắng rực hồng tươi sáng, vườn nhà tôi các loại hoa vươn lên chào mùa hạ, tạo nên khung tranh tươi mát và đáng yêu. Đặt biệt nhất là chậu Quỳnh hoa nở cả trăm nụ màu vàng nhạt thanh nhã đúng ngày rằm tháng tư.

Lòng tôi thấy nhẹ nhàng một cảm giác an lành. Chuẩn bị ngày lễ Phật Đản, tôi đến chợ Lion mua trái cây, đậu, nếp, sắn khoai. May mắn Quỳnh nở rộ xinh đẹp, tôi hái 8 đóa dâng lên bàn Phật, trái cây và xôi chè. Đêm rằm tôi đem ra sân trước cúng xôi chè, bình bông, trái cây, đậu phụng, khoai sắn thắp nhang cầu nguyện hương linh người mất đang vất vưởng sớm được siêu thoát. Dù nhà bên trái người Phi và bên phải là Mỹ trắng, tôi chẳng ngại ngùng vẫn xem như mình đang ở VN.

​ Bồi hồi nhớ lại những mùa Phật Đản năm xưa...mẹ sai quét sân sau, sân trước gọn gàng. Bàn thờ ông nội, bàn Phật lau chùi sạch sẽ. Mẹ đi chợ thật sớm trước đó một ngày, đem buồng chuối xanh về, 14 rằm cắt ra nhiều nải dâng bàn Phật, bàn thờ ông, mua thêm mấy gói hoa Oanh Trảo thơm lừng người ta gói trong lá chuối đặt trên nải chuối. Mẹ nấu chè hạt sen mua ở hồ Tịnh Tâm gần nhà, nấu xôi dâng mọi nơi kể cả mấy am nhỏ trước sân dưới tàng cây rậm mé lối hàng rào. Ngoài ra mẹ cũng dành một mâm có thêm cháo thánh, sắn khoai và đậu phụng luộc, đặt cúng ban đêm trước sân, mẹ nói là cúng cô hồn.

Nhà tôi ở gần Chùa Tịnh Bình nên đêm nào cũng chạy lên xem các chị gia đình Phật Tử tập múa hát rộn ràng. Đêm rước xe hoa từ vùng Cầu Kho ra đường phố Trần Hưng Đạo, một lũ trong xóm kéo nhau chạy theo xe hoa ra tận phố, say mê nhìn cô gái đẹp hóa trang công chúa Da Du Đà La. Ham chơi cho tới 11 giờ đêm mới về đến nhà bạn ở đầu đường, đã thấy ba của bạn ra đứng đón cười tươi, bắt cả đám trên 10 đứa ở lại ăn chè đậu đen ông nấu sẵn chờ, mỗi đứa ăn 2 chén trong niềm vui tuổi thơ, trước niềm hạnh phúc của người cha nhìn lũ trẻ ăn. Về tới nhà thấy đèn sân sáng ngời với bàn xôi chè khói hương nghi ngút trong đêm rằm.

Hình ảnh những mùa Phật Đản ăn sâu từ nhỏ đến lớn, giờ đây hồi tưởng lại mới thấy dân Huế rất mộ đạo. Chùa xây dựng nhiều trên đất Thần Kinh với khung cảnh đẹp lắng hồn thanh tịnh, đa số trước sân Chùa nào cũng trồng hàng cây sứ, tôi mê lượm những xác hoa rụng đưa lên mũi ngửi hít mạnh.

Lúc nhỏ theo mẹ đến các Chùa để chờ chú điệu phát bánh, trái cây, thành thiếu nữ chỉ muốn đi cùng bạn. Có lúc rủ nhau theo 2 chuyến xe đò tới Chùa Từ Đàm, Chùa Thiền Lâm Tự, cuốc bộ vào đường dốc thật xa mới thấy ngôi tượng Phật nằm lớn hiện ra trên đồi. Hoặc có khi đạp xe lên Chùa Thiên Mụ, Chùa Bảo Quốc, lúc đó chưa hiểu phật pháp là gì, chỉ thích lên Chùa dâng hoa sen cúng Phật mua từ chợ Đông Ba. Thích nghe tiếng trống Bát Nhã báo hiệu giờ làm lễ, thích nghe giọng tụng kinh hoà nhau của các thầy, nhất là tiếng ngân nga bằng âm điệu Huế thật buồn như từ cõi âm ty trở về.

Trí óc ôn tụng về lịch sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, từ bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con khôn để đi tìm chân lý trường cửu. Tầm sư học đạo, tu khổ hạnh nơi rừng sâu biết bao nhiêu thử thách quấy phá. Rồi tìm con đường trung đạo tu tập, thiền định đạt thành chánh quả. Một bậc vĩ nhân đã để lại cho hậu thế kho tàng văn hóa Phật học, đưa phương pháp giúp chúng sanh theo đường thoát khổ lụy não trượt.

Nhận được bài viết của thầy Thích Tánh Tuệ nói về “Ý nghĩa của 7 bước sen khai” và “Tắm Vị Phật Nào “, tôi muốn chia sẻ đến các bạn trong mùa Phật Đản Sanh.

Mùa Phật Đản - Ý NGHĨA GÌ NƠI 7 BƯỚC SEN KHAI?


7 bước của đức Phật sơ sinh có ý nghĩa như vầy:
​ Trong quá khứ có vô lượng chư phật ra đời được ghi trong kinh điển trải qua các a tăng kỳ. Gần đây của Kiếp Hiện Tại lần lượt đã có 6 vị phật ra đời, đó là:

Đức Phật Tỳ Bà Thi
Đức Phật Thích Khí
Đức Phật Tỳ Xá
Đức Phật Ca La Tôn Đại
Đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni
Đức Phật Ca Diếp

​ Bảy bước đó, mỗi bước tượng trưng cho mỗi vị phật, và trong đời này sẽ có một vị phật ra đời, bước thứ 7 đó chính là: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni chính là thái tử Sỹ Đạt Đa đản sinh trước đó!

Bảy bước trượng trưng cho làm chủ 6 căn, làm chủ thất tình thoát ra lục dục thoát khỏi luân hồi, vì số 7 đã vượt lên số 6, mà số 6 là số của 6 cõi luân hồi dòng sanh tử.

Số bảy tượng trưng cho thất giác chi, thất bồ đề phần, nếu không có thất giác chi, thất bồ đề phần thì khó mà tu tập, mà khó tu tập thì sự giác ngộ lại khó hơn, nên con số 7 là trợ phẩm là trợ lực kế tiếp cho bát chánh đạo và cũng một trong 37 phẩm trợ đạo cho con đường giải thoát
​Bảy đóa hoa sen, mỗi đóa hoa sen là mỗi vị phật không nhiễm bụi trần của thế gian, vì sao dưới bước chân ngài đi hoa sen lại nở mà không nở hoa khác, tại vì hoa sen tinh khiết,không ô nhiễm, sống chung với bùn nhưng không hôi tanh mùi bùn.

Cũng như vậy các ngài nhờ thế gian và cũng chính thế gian này mới thành phật vì sen không mọc nơi nước sạch - Chúng ta cũng vậy hãy học theo các ngài, hãy kính trọng và thực hành theo các ngài, chúng ta có làm được không? Chắc chắn là được, dù là hơi cảm thấy khó khăn? Người nhỏ làm việc nhỏ, người lớn làm việc lớn, chúng ta phải tập từ những hạnh căn bản nhất của người Phật tử:

Bố thí
Trì
Nhẫn nhục
Tinh tấn
Thiền định
Trí huệ
Đại Từ
Đại Bi
Đại Hỷ
Đại Xã

​ Đó là thập hạnh của bồ tát, nghe thì thấy đơn giản nhưng nó cũng thật khó và rất quan trọng đấy...
Quan trong hơn thế chính là ý chí nỗ lực hướng đến phương trời giác ngộ giải thoát của mỗi bản thân của chúng ta.


TẮM VỊ PHẬT NÀO?

​ Vào chùa gặp Thầy trụ trì đang từ chánh điện đi xuống, Bác bước tới xá chào Thầy rồi hỏi thăm về buổi lễ. Thầy trụ trì hỏi Bác tại sao hôm nay đến trễ vậy thì Bác kể câu chuyện từ kẹt xe, cho đến xe tắt máy giữa đường rồi gặp phải ông sửa xe mất lịch sự. Nét mặt thể hiện sự bực dọc, không vừa lòng và bất mãn với những chuyện mà sáng nay Bác gặp phải. Như hiểu được vấn đề, Thầy trụ trì mời Bác vào phòng khách và bắt đầu câu chuyện.

​ Thầy trụ trì (Thầy): Thôi thì mọi chuyện đã qua rồi, Bác hãy để cho nó qua và bây giờ là đến chùa để tắm Phật nhân ngày Phật đản, hãy để cho thân và tâm của mình thanh thản và tịnh khiết chứ!

Bác Phật tử (PT): Dạ con cũng biết như vậy thưa Thầy, nhưng con không tham dự được buổi lễ quan trọng như vậy trong năm làm con thấy khó chịu lắm ạ. Là Phật tử, con của Đức Phật mà ngày kỉ niệm, Ngài đản sanh lại không về làm lễ, không tham dự lễ tắm Phật thì quả thật là chẳng đúng chút nào.

​ Thầy: Đúng! Nhưng theo Bác nghĩ lễ tắm Phật là như thế nào. Và người Phật tử cần phải làm gì vào ngày đó?

​ PT: Thưa Thầy, theo con biết thì trong kinh tạng ghi lại rằng khi Hoàng hậu Ma-da hạ sanh Thái tử Tất-đạt-đa thì trên không trung có hai dòng nước của chư thiên một ấm-một mát, rưới xuống tắm cho hoàng hậu và thái tử. Sau này nghi thức này được đưa vào truyền thống của Phật giáo, và vào những ngày này người Phật tử đến chùa thực hiện nghi lễ tắm Phật để tưởng nhớ về Ngài và bày tỏ niềm tôn kính sâu sắc đối với Ngài.

​ Thầy: Vâng, nhưng Bác có hiểu được ý nghĩa thực sự của nghi thức là gì không?

PT: Dạ...dạ...! Mong Thầy giải thích thêm cho con được rõ

​ Thầy: Thực chất thì lễ tắm Phật không chỉ đơn thuần là thực hiện nghi lễ tắm với một tượng Phật đản sanh, với những chậu nước đã chuẩn bị sẵn. Phật bên ngoài chỉ là xi măng, đất, đồng hay một chất liệu nào đó mà thôi; nước bên ngoài chỉ tẩy rửa được những cáu bẩn bên ngoài. Cái cốt yếu là Phật ở nơi tự thân của chúng ta, “tắm Phật” ở đây là “tắm” vị Phật ở nơi mình. Vậy Bác đã “tắm Phật” của Bác chưa?

PT: Dạ rồi, sáng nay trước khi đi con và cháu con đã tắm rửa sạch sẽ rồi ạ.

​ Thầy: (Cười) Ý Thầy không phải là vậy, mà là “tắm” vị Phật bên trong của Bác ấy. Bác “tắ” vị Phật bên trong của Bác là Bác rũ sạch mọi phiền não của tâm, mọi tham lam, giận hờn, đố kỵ, bực dọc, hơn thua, ganh ghét… của chính Bác bằng nước của sự tu tập, của sự bố thí, của lòng từ, của trí tuệ chứ không phải là lấy nước tắm cho một tượng Phật đản sanh được thiết trí trang nghiêm trên chánh điện. Bác phải “tắm” cho thân hành, khẩu phát và ý nghĩ của mình được thanh tịnh, tránh đem đến nỗi khổ niềm đau cho chính mình và mọi người.

​ PT: Nhưng thưa Thầy, con thấy khó quá ạ.
​ Thầy: Khó thì mới gọi là tu, chứ dễ thì ai nói làm gì.
PT: Vậy, những ngày này con khỏi cần đến chùa hả Thầy, chỉ cần ở nhà và “tắm” cho vị Phật nơi chính mình là được rồi?

​ - Thầy: “Tắm” mà Thầy nói ở đây là Bác phải tắm trong mọi lúc mọi nơi; “tắm” ở những nơi đông người, “tắm” ở những nơi nghịch cảnh, “tắm” những lúc vui hay là “tắm” những khi buồn và thậm chí là “tắm” ngay cả những khi Bác thành công rực rỡ nữa đấy ạ.
“Tắm” ở đây là Bác phải giữ tâm mình bình thản trước những biến động của thế sự, của cuộc đời. Có khi đó là hạnh phúc, là niềm vui, là sự sung sướng; nhưng cũng có lúc đó là mất mát, là nỗi khổ, là niềm đau đớn tột cùng. Các pháp đều vô thường nhưng nếu Bác bình tâm và hiểu sâu sắc về nó thì Bác thật sự là đang “tắm Phật” hằng ngày đấy ạ”
(Thầy Thích Tánh Tuệ)

Mấy hôm nay tôi xem lễ Phật Đản tổ chức nơi thành phố Huế say sưa đầy xúc động. Đoàn xe hoa chuyển từ Chùa Diệu Đế, ngang đường phố Trần Hưng Đạo, qua cầu Trường Tiền chạy xuống đường Lê Lợi, đến Chùa Từ Đàm. Điểm tụ buổi lễ lớn trong nghi thức thật tôn nghiêm “Lễ Phật giả, kính Phật chi đức “


Nhìn màu áo lam huynh trưởng gia đình Phật Tử ôm hoa thật hiền hoà gương mẫu, mỗi Chùa trang trí xe hoa cúng dường ngày đại lễ vô cùng đẹp mắt. Tôi cảm nhận niềm rung động cao vời trong trạng thái kính ngưỡng với lòng biết ơn sâu xa về đức Từ Phụ. Ký ức xuôi chèo bến sông xưa góp nhặt những kỷ niệm thân thương bao mùa lễ Phật Đản chốn quê nhà, tắm gội khung trời an lạc.

Ở Mỹ bất cứ sinh hoạt gì cũng nằm trong 2 ngày cuối tuần. Các chùa thay phiên nhau làm lễ Phật Đản, nếu ngày rằm nằm trong tuần thì sẽ không có ai tham dự vì bận đi làm, tuần tự kế tiếp để Phật tử có thì giờ dự lễ nhiều Chùa, vì vậy gọi là mùa Phật Đản.

Tôi tham dự chùa Phổ Từ vào ngày nắng đẹp, các loài hoa thi đua nhau nở rộ đủ màu sắc từ ngoài cổng, trước hiên Chùa chạy dọc ra sau vườn Quan âm lộ thiên, chim chóc đua ca nhảy múa. Tứ chúng tề tựu đông, những tà áo lam, áo bông thướt tha thắp nhan khấn vái với vẻ thành tâm nương tựa bóng mát ngôi chùa. Quý thầy cô hướng dẫn giờ hành lễ, nghe pháp, tắm Phật và cúng thí thực cô hồn. Buổi thọ chay được gia đình Phật tử Chánh Hòa thiết đãi món mì thật ngon, vừa dùng vừa thưởng thức chương trình nhạc nhóm Hương Từ Bi do MC Quảng Hoa hướng dẫn và Quảng Linh điều khiển âm nhạc. Một ngày thật an lạc trong không khí vui tươi đón mừng sinh nhật Đức Thế Tôn.

Lễ Phật Đản Chùa Phổ Từ

Phật Đản khung trời say quyện nắng
Phổ Từ rực rỡ sắc hoa tươi
Trụ Trì hoan hỷ nụ cười
Phật tử thanh tịnh tuệ ngời đuốc sao

Tứ chúng hân hoan chào lễ hội
Cha lành dẫn pháp gội bờ mê
Từ bi bác ái hướng về
Thiền sâu thở nhẹ lối lề nghiêm trang

Gót bước bông rơi vàng trước gió
Xoá niềm tục lụy ngõ bình an
Chim chuyền nhảy múa hót vang
Nụ hồng tím đỏ tỏa giàn đẹp xinh

Từ phụ Đản sanh nghinh đón bậc
Thế Tôn thị hiện Phật tâm bừng
Cha lành che chở tán xưng
Thế gian vui khắp đón mừng Bổn Sư
MTTN


Chiều thứ bảy ngày 10/4 AL chúng tôi và bạn bè lên San Jose dự buổi nhạc hội “Tỏa Ánh Từ Quang” trong khu Century Mall. Trưởng ban văn nghệ Tuệ Đăng là anh Đồng Vàng cùng nhạc sĩ Lê minh Hiền, ca sĩ Thu Nga và các chị em chuẩn bị từ nhiều tháng trước. Mọi người cùng đồng lòng mạnh mẽ dâng mừng sinh nhật tới đấng Cha Lành. Các em siêng năng tập dợt múa hát nhờ những bậc sinh thành bỏ thì giờ cất công đưa đón, đợi chờ đầy nhiệt tình. Không khí tưng bừng thắp sáng đuốc từ bi, quý sư thầy và đại chúng về tham dự thật đông, màn thả bồ câu đầy ý nghĩa và đẹp mắt. Các em múa nhiều màn dâng cúng đức Từ Phụ đầy ngoạn mục, những bài hát ca ngợi Đức Thế Tôn Đản Sanh thánh thót hoà điệu reo vui. Chương trình bắt đầu từ 4 giờ chiều tới hơn 10 giờ tối với nhiều tiết mục tuyệt vời.

Trời về đêm trở lạnh, nhưng mọi người vẫn say mê ở lại thưởng thức. Những giờ phút lắng trầm tìm lại chính mình, mang ơn đấng cha lành đã hướng dẫn chúng sanh bằng con đường trí tuệ, khơi mầm chủng tánh Từ Bi, quán chiếu mọi khổ đau cần phải tập diệt, tự tu sửa thân tâm, làm lành lánh dữ, làm đẹp đạo tốt đời

Đức Phật Thích Ca

Bảy bước hoa sen xuất xuống trần
Căn lành hóa độ chốn phàm luân
Nhiều đời đạo luyện soi trong ý
Lắm kiếp tu hành rửa sạch thân
Gốc cội tham thiền thành Chánh Quả
Rừng già gội pháp đạt Thanh Văn
Con đường mở nẻo tìm an lạc
Đức Phật tôn sùng bậc Vĩ Nhân
MTTN

Lễ Phật Đản muôn người đều thành tâm hướng về ngài, cố gắng thực hiện những việc thiện trong khả năng, chay tịnh nhẹ nhàng, cảm nhận dòng thanh lương đang truyền sự an lạc vào tâm hồn, biết ơn nhân vật vĩ đại trong lịch sử đã đem hương hoa tươi mát xuống nhân gian thấm đậm niềm bao dung độ lượng.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Minh Thúy Thành Nội
Mùa Phật Đản 2023

1 nhận xét: