Thứ Hai, 20 tháng 2, 2023

Lời Nói Dối Dễ Thương


      Đi đã gần hết ba vòng bờ hồ rồi mà ông Thịnh vẫn chưa nghe vợ mình nhắc gì đến điều ông đã mong đợi từ cả tuần nay. Bà vẫn thong thả bước đều bên ông, hai tay vẫn đánh đòng xa như mọi khi, vừa đi vừa hít thở, vừa nói chuyện này chuyện nọ; không một chút dính dấp gì tới chuyện ông Thịnh muốn chính bà bàn đến. Thường bữa đi bộ bên nhau như thế này ông Thịnh rất thích nghe bà vợ kể chuyện, như tin tức quốc nội quốc ngoại mà bà nghe từ các đài phát thanh Việt ngữ nhân giờ giải lao hay giờ ăn trưa tại sở làm, chuyện lưu thông, chuyện kinh tế tài chánh...Gần đây tai, mắt cũng dỡ chứng nên ông Thịnh ít nghe đài và cũng ít đọc báo chí; chỉ đêm khuya ông mở mấy cái website có chữ to đọc tin tức thế giới cho đỡ cảm thấy tụt hậu. Từ ngày về hưu năm năm trước, chỉ những ngày cuối tuần ông Thịnh mới cùng vợ tham dự những buổi họp mặt bạn bè thân mật, hay đi ăn trưa ăn tối với gia đình; kỳ dư ông thích ở nhà nghiên cứu thuật chụp ảnh và sử dụng máy computer. Ông cũng thích chăm lo vườn tược hoa cỏ quanh nhà, cho nên việc giao thiệp rất giới hạn, và ông rất ít để tâm tới chuyện xảy ra bên ngoài. 


Hôm nay đã thứ Sáu rồi, không tính toán hôm nay thì đâu còn thì giờ nữa. Chỉ còn có hai ngày nữa thôi. Coi mòi không ai nhớ tới ngày sinh nhựt của ông rồi. Ngày mai, Thứ Bảy, vợ chồng ông sẽ phải bận rộn trong đám gả con của người em họ; vậy thì ông chỉ còn có ngày Chủ Nhựt. Cả tuần nay ông Thịnh có ý chờ những cánh thiếp của các con cháu ở xa gởi về chúc sinh nhựt ông như mọi năm. Mấy thằng con ở xa dầu cho có quên thì còn hiểu được; chớ bà vợ đang kề cận bên mình, và vợ chồng đứa con gái út chỉ ở cách mình chưa tới mươi phút lái xe mà quên thì... đáng đánh đòn! Mới ba bốn tháng trước đây vợ ông có nhắc tới mà, chẳng lẽ bà đã quên phứt đi rồi sao? Năm nay sinh nhựt của ông rơi  vào ngày Thứ bảy, đúng ngày nghỉ, vậy thì thiên thời, địa lợi, mà nhân thì chưa thấy hòa;  không tổ chức được tối mai thì phải tổ chức hôm sau, ngày Chủ nhựt, chớ đâu có lý gì mà để nó trôi luôn. Năm nay lại là một sinh nhựt lớn, ngày thượng thọ, mừng cái niên kỷ thứ tám mươi của ông. Sinh nhựt bình thường như hàng năm nếu không làm gì đình đám thì gom mấy người trong gia đình, hay rủ vài người bạn thân ăn bữa cơm tối, chúc nhau vài lời,  cũng gọi được là vui rồi! Có năm cả Thứ bảy lẩn Chủ nhựt hai vợ chồng đều phải đi cày thì mừng sinh nhựt bằng một ngọn nến bên cạnh một mâm cơm đạm bạc hai vợ chồng cùng ăn lúc gần nửa khuya, cùng kể chuyện ngày xưa, rồi thân ái nắm tay vào giường... ôm gối ngủ, thì cũng quá tốt vậy, cũng tình lắm, chớ có sao đâu. Năm nay thì chắc phải làm khác chớ. Dễ gì bắt được cái tuổi bát thập  này!  Bạn bè trang lứa với ông đã có bao nhiêu đứa phủi chưn lên bàn thờ ngồi từ khuya rồi; có đứa còn nặng nợ đời, bịnh hoạn triền miên mà vẫn phải kéo lê một kiếp sống. Sống khá thọ như vậy mà sức khỏe của ông Thịnh đâu có tệ gì, cơ thể vẫn cứng chắc, lưng chưa thấy còng một chút nào, da dẻ thẳng thớm hồng hào như người mới ngoài ngũ tuần, vẫn vun vút lái xe đường trường, không khác gì phong độ của người quan năm lái phản lực hơn bốn mươi năm trước trên vòm trời quê hương chập chùng lửa đạn. Bộ chẳng ai thấy mấy cái này sao cà? Quý lắm chớ. Sống thọ. Sống khỏe. Sống vui. Có mấy ai được như vậy? 


      Tiếp tục đi gần hết vòng thứ năm mà hình như  bà vợ nói chưa hết mấy chuyện đang xảy ra trong cộng đồng. Chuyện Đàm-gì-đó hay không Đàm-gì-đấy. Chuyện một người đồng hương trẻ họ Trần ứng cử dân biểu. Rồi bà còn bắt qua chuyện Putình Putăng, chuyện Bađình Bađám….Toàn là chuyện ở đâu đâu. Thường khi thì ông Thịnh cũng thích nghe mấy chuyện này lắm, nhưng hôm nay thì ông chỉ muốn nghe bà vợ bàn về ngày sinh nhựt của ông mà thôi. Người ta bảo nói xa chẳng qua nói thiệt, vậy mà bà vợ ông hôm nay tự nhiên  thích nói xa mà không thích nói gần. Từ hồi nào tới giờ bà được các bạn cho là chu đáo, là hiểu biết, là đối xử mềm mỏng khéo léo, biết người biết việc, biết trái biết phải, biết đúng biết sai... Lẽ nào hôm nay bà không biết một chút gì về tâm trạng của người chồng đang đi bên cạnh, chỉ còn năm bảy tiếng đồng hồ nữa thôi là đã mang hia đội mão làm một lão trượng bát thập cổ lai hy rồi. Thật ra thì ông Thịnh chỉ nóng lòng muốn biết có phải mọi người đã quên mất ngày sinh nhựt của ông, hay họ có nhớ mà không có ý định làm gì hết, hoặc giả họ chỉ làm qua loa như vài lần trước. Làm gì thì làm, làm sao cũng được, to hay nhỏ không quan trọng, miễn sao thân mật, ấm cúng; và ít nhứt ông phải được biết. Sinh nhựt của ông mà, chớ có phải của ông tây cônggô nào đâu. Nghĩ đến đây ông Thịnh bỗng phát giận. Thiên hạ hay nói càng già càng khó tánh, cũng có thể đúng trong trường hợp ông Thịnh. Lão Mỹ già tên Martin, như thường lệ, mỉm cười và vẫy tay khi vượt qua vợ chồng ông mà hôm nay ông chỉ ậm ừ cho phải phép, chớ mọi khi ông hăng hái hé lô hé loa và cùng sánh bước với lão Martin, cùng nói cười vui vẻ chuyện thời tiết nắng mưa. Đôi vợ chồng già người Mễ, mười bữa như một, sau năm vòng bách bộ  bèn ngồi sát nhau trên chiếc băng đá dưới gốc cây sồi to, người này nắn tay chân người nọ, người nọ lau mồ hôi trán người kia; mọi bữa ông Thịnh thấy họ thật tình tứ và mang nét đẹp của tranh vẽ, hôm nay sao trông họ như pho tượng đá vô hồn trong công viên. Già mà còn bày đặt mùi với mẩn! Cả mấy hàng cây dương xỉ và cây sồi bao bọc quanh hồ ông Thịnh cũng thấy chúng hôm nay trơ cứng như những bộ xương. Bây giờ là giữa tháng Mười, cây cảnh mấy hôm trước còn mang dáng dấp ẻo lã của một thiếu nữ ngào ngạt hương thu, mà nay trông chúng giống như  người đàn bà nhạt nhòa hương phấn. 


      Bắt đầu vòng đi thứ bảy thì ông Thịnh bỗng giựt mình khi bà vợ bất thần khều vai ông, ông nghĩ ngay là thời cơ đã tới. Ông chờ. Ông chờ. Cơ khổ! Bà Thịnh lại không nói gì, bà chỉ tay về phía giữa hồ nước, ở đó ông Thịnh thấy đôi vịt đang bơi sát vào nhau, hai cái mỏ như đụng nhau. Thật chán cái bà này, cảnh ấy thì có gì lạ đâu, kề sát với nhau mà biết có thương nhau và thông cảm nhau không. Như vợ chồng ông chiều nay: ông nghĩ đàng đông, bà ngóng đàng tây. Dù nghĩ vậy nhưng ông Thịnh cũng không khỏi không chú ý đôi vợ chồng vịt. Chúng đang lội bên nhau, đôi mỏ cứ muốn tìm nhau. Rồi hình như sau khi chúng thủ thỉ với nhau điều gì, con vịt trống bơi trước, con mái theo sau, cả hai bơi  lẫn trong bụi cỏ mọc de ra bờ nước. Không biết đôi vịt đang làm gì trong đó. Ý nghĩ ngộ nghĩnh này khiến ông Thịnh vỗ tay đánh bợp một cái, như ông đã tìm ra một chân lý. Bà Thịnh giựt mình, tưởng chồng mình làm một động tác thể dục. Ông Thịnh biết chắc bà vợ ông không biết ông đang nghĩ gì đâu. Ông đang nghĩ tới bà đó. Ông biết vợ ông không quá vô tâm như ông tưởng; vẫn là một người đàn bà có tài tổ chức, biết đâu khi nhìn đôi vợ chồng vịt âu yếm, vợ ông đang có sẵn một kế hoạch trong đầu, chẳng hạn như một tiệc sinh nhựt thật là lãng mạn, chỉ có hai ông bà trong một phòng ăn nhỏ, ấm cúng, tại một nhà hàng khách sạn Pháp sang trọng nào đó? Hai mái đầu hoa râm, một đóa hồng tươi, một chai rượu vang, những giọt nến chảy và những dòng nhạc Mozart? Có thể lắm chớ. Làm một Paris By Night hay một Đêm Màu Hồng xưa trên đường Catina đâu phải là chuyện khó khăn gì ở đây. Ngày xưa đã có lần hai người mừng sinh nhựt bằng cách bay lên Đà Lạt, ngồi sát bên nhau suốt đêm trong cà phê Tùng nghe Lê Uyên Phương , rồi sáng hôm sau bay về Sài Gòn. Thời xuân sắc, bà Thịnh đã từng là đọc giả của các tạp chí như Nous Deux, như Ciné Revue, Elle...và của các tác giả nữ như Simone de Beauvoir, Francoise Sagan, rồi sau này là Chu Tử, Quỳnh Dao, Trùng Dương, Nhã Ca. Không chừng cái máu romantique của bà vẫn còn lẩn quẩn đâu đó. Biết đâu? Ờ, biết đâu. Ai bảo những người tuổi cao thì tình nhạt? Đậm hơn và thâm trầm hơn thì có. Bất chợt ông Thịnh liếc sang bà vợ, ông thấy cái răng khểnh của vợ vẫn có duyên như bao giờ, điệu đánh đòng xa trông cũng dịu dàng như hai cánh bướm! Ông cũng thấy hàng dương xỉ bây giờ thơ mộng trở lại.


      Cuối vòng thứ tám thì như thường lệ, buổi đi bộ chấm dứt. Điều ông mong đợi từ vợ ông coi như cũng on bon phi nan. Vẫn không có một bàn tính nào với ông hết về cái tiệc sinh nhựt thứ tám mươi của ông. Vào nhà, ông Thịnh buồn bã nhìn lại xấp thư còn để nguyên trên bàn, chỉ có bills và quảng cáo. Không có một thư nào của các con ông gởi về chúc mừng ông. Ông Thịnh nhìn tờ lịch thêm một lần nữa: Thứ  Sáu. 


      Ngày Thứ Bảy trôi qua một cách vô cùng nhộn nhịp và vui vẻ với cái đám cưới của đứa cháu gái. Vậy cũng được, ngày vui nhứt của hai trẻ chỉ có một lần. Còn mình thì đã mấy mươi lần sinh nhựt rồi, chậm lại một bữa cũng đâu có sao. Không hôm nay thì hôm mai, hôm mốt...Nghĩ thì vậy nhưng khi tan tiệc cùng vợ lái xe về nhà ông Thịnh cũng không khỏi thắc mắc: mai là Chủ Nhựt rồi, ngồi bên cạnh ông, bà vợ vẫn nói những chuyện bao đồng. Điệu này thì mừng sinh nhựt bằng buổi ăn sáng cùng với các con cũng không có, chớ đừng nói chi tới căn phòng nhỏ đèn mờ với rượu vang và nhạc Mozart. Coi như kịch chưa diễn mà màn đã hạ!


      Đêm đó ông Thịnh đi ngủ rất muộn, ông cố  dán mắt vào những website trên màn ảnh, ông đọc hết các tin tức bằng tiếng Việt, rồi tiếng Mỹ, tiếng Pháp. Ông không muốn nghĩ tới ngày mai. Ngày mai có gì đâu mà nghĩ! Vợ ông thì  bận rộn cả ngày, dễ gì có thì giờ nghĩ tới cái sinh nhựt của ông; bây giờ thì bận với cái cell phone trong căn phòng đóng kín cửa, cho tới quá nửa đêm mới đi ngủ. Nói với ai mà dai như đĩa vậy không biết nữa! Cái chuyện cần thiết cần nói với ông thì không nói. Người gì mà vô tâm!


      Sáng Chủ Nhựt ông Thịnh thức dậy muộn, quá buổi cơm trưa. Bà vợ hình như đã thức từ lâu và vừa đi đâu mới về. Xế chiều, ông Thịnh ngạc nhiên thấy bà vợ ăn mặc thật là tươm tất, mốt miết như đầm Pa- ri. Ông chợt nhớ tới điều ông suy nghĩ chiều hôm Thứ Sáu trên bờ hồ. Phải rồi. Đúng là bà sắp đưa ông đi tới một nhà hàng Pháp ăn mừng sinh nhựt đây. Nhưng sao lại là ban ngày ban mặt thế này, đâu còn romantique nữa? Thắc mắc, nhưng ông Thịnh không muốn hỏi han làm gì vì ông biết có lẽ ông chỉ đoán đúng được một phần ngàn. Ông mặc kệ  bà muốn làm sao cũng được; không làm gì thì cũng chẳng làm sao. Chỉ tiếc là ngày trọng đại của ông không nghe thấy tâm hơi của đứa con, đứa cháu nào hết. Các người bạn thân của vợ chồng ông sao cũng vắng bóng, bặt tin. Đêm qua gặp vài người nơi đám cưới, chẳng ai có lời nào gọi là chúc thượng thọ của ông. Ông Thịnh thấy cần phải tìm vài giọt nước mát cho cái nóng trong người dịu đi. Trong bồn tắm, những giọt nước ấm  trên cổ, trên lưng chỉ làm ông thêm lạnh.


      Hình như trước khi ra xe vợ ông có nói với ông vài điều gì đó, ông không để ý; ông chỉ nhớ là bà muốn ông ăn mặc đàng hoàng một chút để dự một cuộc họp mặt thân hữu mà bà không có hứa trước nên đã chưa cho ông hay. Thì ra là vậy! Họp mặt thân hữu, hừm! Chớ còn ngày sinh nhựt của ông đâu rồi?  Bà vợ yêu quí của ông đã để cho chuột tha đi đâu mất rồi à? Ông cũng nhớ là ông phải bấm bụng chìu vợ mà bước lên xe ngồi, để bà muốn đưa ông đi đâu thì đi. Không biết từ hồi nào, mỗi khi có điều thắc mắc với vợ, ông Thịnh nói thật ít, hỏi thì càng ít hơn. Bà vừa lái xe vừa thỉnh thoảng rù rì trên cái cell phone. Ông Thịnh lấy cái máy nghe ra khỏi tai; nghe làm chi mấy cái chuyện tào lao cho thêm mệt. “Bát thập súp pơ cổ lai hy”! Đời này người ta quên chữ nho hết rồi à? Ôi! Tuổi tám mươi của ta bắt đầu như thế này sao?! Ngồi trong xe chạy vòng vèo qua đường này ngõ nọ, câu tán thán này ông Thịnh đã lập đi lập lại cho một mình ông nghe. Có lẽ khi ông lập lại đến lần thứ ngàn lẻ một thì xe dừng lại trước cái Club house quen thuộc, nơi bạn bè ông thường dùng làm nơi họp mặt trong những dịp này dịp nọ. Ông uể oải cùng vợ bước xuống xe. Bãi đậu xe đã kín, lại còn bao nhiêu chiếc phải đậu dọc theo hai bên đường. Đông xe như vậy mà sao không thấy một bóng người. Các cửa cái và cửa sổ của club house đều đóng. Chỉ vài ánh điện mờ hắt ra ngoài các khe hở. Ông còn đang đứng ngơ ngác giữa sân thì bà vợ khoác tay ông tiến về phía cửa chánh, trông bà tươi rói. Ông nói thầm: làm gì mà tình tứ như tây vậy?

Nghĩ thì nghĩ như vậy nhưng ông cũng miễn cưỡng choàng tay vợ đi về phía cửa.  Như có một luồng gió cực mạnh từ phía trong thổi ra làm hai cánh cửa gỗ vụt mở. Cửa mở toang như hai cánh quạt xòe. Hai mắt ông Thịnh bỗng chói lòa khi cả căn phòng tối như được nâng bổng lên bằng một vùng ánh sáng và một trời màu sắc. Và một rừng âm thanh. Và đông đủ những khuôn mặt thương yêu, bằng hữu. Mơ. Mơ. Phải, ông Thịnh thấy mình đang mơ một giấc mơ tuyệt vời. Trong mơ ông nghe rõ bài đồng ca Happy Birthday dành riêng cho ông nổi lên khắp phòng hội, ai cũng hát và ai cũng vỗ tay nhịp nhàng. Trong mơ ông thấy rõ tất cả mọi người. Ông thấy trước nhứt là cái răng khểnh thương yêu bên cạnh ông, cái răng bây giờ sao có duyên quá đỗi. Rồi ông thấy xếp hai hàng trước mặt ông là vợ chồng thằng con cả từ Alaska,  đến vợ chồng thằng con thứ từ Hawaii, tội nghiệp cái thằng bịnh hoạn mà cũng ráng về; rồi vợ chồng các con kế tiếp từ Dallas, từ Austin, Houston... đông đủ hết. Ông thấy cả cô em gái duy nhứt từ Arlington cũng xếp lại công việc bề bộn hàng ngày để về với ông. Ông thấy hàng tá các cháu nội ngoại xếp hàng từ thấp đến cao, có vài đứa ông mới gặp lần đầu, hai tay các cháu làm vòng cung trước ngực mừng tuổi thọ của ông. Rõ ràng là ông đang mơ chớ thực tế không thể có như vậy được. Và rõ ràng là ông đang mơ khi ông nhìn các bạn  đứng xung quanh, họ đang chúc mừng ông, ông cảm thấy họ đang trao cho ông hơi ấm tình bằng hữu. Cầm tờ giấy trên tay có in bài thơ chúc mừng mới nguyên của người bạn thi sĩ mà ông ngỡ mình đang đọc thuộc lòng những dòng tâm bút:


 Có nghịch lý không khi được nghe lời dối

 Dặn dò với tôi trong lá thư mời

“Đừng cho ba má cháu biết về buổi tiệc vui”

 Ôi, lời nói dối nghe dễ thương biết mấy! .

(Trích bài thơ Lời Nói Dối Dễ Thương của Lê Hoàng Viện) 



      Thì ra ai cũng dối ông, con ông, vợ ông, bạn bè ông, ai cũng giấu kín để ông có được phút giây như mơ như mộng này. Đúng rồi, những lời nói dối dễ thương. Tất cả, tất cả, bên cạnh ông, trước mặt ông, chung quanh ông, là muôn vàn trân quý. Là yến nhạc. Là hương hoa. Là vòng cầu ngũ sắc. Là tình. Là nghĩa. Là yêu thương. Tuổi tám mươi của ông, ôi, sao mà đẹp lạ lùng!


      Có lẽ vì tấm lòng của mọi người quá ấm đã làm mắt ông Thịnh chợt cay và làm rơi những giọt lệ.. Ông thấy sung sướng mà khóc cho hạnh phúc tuổi tám mươi của mình. Trong nhân gian có mấy người được nhỏ những dòng lệ sáng ngời hạnh phúc như ông đêm nay?!


      Đêm đó ông Thịnh cứ trằn trọc hoài, không ngủ được. Tất cả vẫn đang hiển hiện trước mắt ông. Làm sao ông quên được ngày hôm nay. Làm sao quên được. Ở tuổi tám mươi ông biết tháng ngày của ông không còn nhiều. Nhưng còn bấy nhiêu ngày là bấy nhiêu ngà ngọc ân sủng của đời. 


      Ông cũng biết những gì xảy ra hôm nay sẽ đi theo ông vĩnh viễn trên cuộc hành trình còn lại, và sẽ theo ông trong cuộc du hành vào một chốn mịt mùng miên viễn. 


      Và, trong đêm, ông Thịnh đã mỉm cười. Nằm trên cánh tay ông, bà Thịnh cũng mỉm cười, trong đêm. 



Trần Bang Thạch

(Kỷ niệm ngày 80 tuổi)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét