Thứ Sáu, 13 tháng 8, 2021

Linh Hồn Ngôn Ngữ

1. Nhà văn Cao Hành Kiện:

Nhà văn Cao Hành Kiện

    Giải Nobel Văn Chương thường được trao cho các nhà văn đã đem lại "một hình ảnh rõ rệt về cuộc sống của con người cũng như một lý tưởng cao đẹp". Năm 2000 khi trao giải thưởng Nobel Văn Chương cho Cao Hành Kiện (Gao Xingjian), một nhà văn Trung Hoa lưu vong hiện có quốc tịch Pháp. Viện Hàn Lâm Thụy Điển đã đưa ra nhận định rằng "tác phẩm của ông có tầm ảnh hưởng quốc tế, ghi đậm nét một nhận thức chua chát và một bút pháp tài tình, vạch ra những con đường mới cho nghệ thuật tiểu thuyết và kịch nghệ Trung Hoa". 

    Đã có vài nhà văn Á châu đoạt giải Nobel văn chương như Rabindranath Tagore (1913), Yasunari Kawabata (1968), Kenzaburo Oe (1994), nhưng đây là lần đầu tiên Hàn Lâm Viện Thụy Điển trao giải cho một người Trung Hoa, mà lại là một người Trung Hoa đã từ bỏ đảng Cộng Sản, sống nương náu tại Paris, viết cả tiếng Trung Hoa lẫn tiếng Pháp.

    Ông sinh tại Cống Châu, Giang Tây vào năm 1940, năm của một nước Trung Hoa loạn lạc trong khung cảnh cuộc chiến Trung Nhật. Có lẽ giống nhiều đứa trẻ Á châu sau này, ông đã chào đời, như lời mẹ ông nói với ông, " ngay trong lúc máy bay đang thả bom". Cuộc sống của ông bắt đầu trong bom đạn và tiếp diễn trong xáo trộn, chống đối, đàn áp, trốn chạy... Đúng, hầu như lúc nào cũng trốn, cũng chạy...như tựa đề của cuốn sách "Kẻ Trốn Chạy" của ông. Ông nói : " Tôi là kẻ tị nạn từ thuở lọt lòng mẹ.".

Hình ảnh lịch sử tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989

    Ông ly khai đảng cộng sản Trung Hoa năm 1989 khi cộng sản Trung Quốc mang xe tăng đàn áp những người biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn. Ông sống lưu vong tại Pháp và tiếp tục sự nghiệp văn chương của ông với những tác phẩm viết cả bằng tiếng Trung Hoa lẫn tiếng Pháp. Năm 1992, ông lãnh Huân Chương Nghệ Thuật và Văn Chương và năm 1994 ông đoạt Giải Cộng Đồng Pháp của Vương Quốc Bỉ với tác phẩm "Kẻ Miên Hành" và Giải Tân Niên của cộng đồng Trung Hoa năm 1997 với tác phẩm "Linh Sơn" (Soul Mountain). Ông lấy quốc tịch Pháp vào năm 1998 và sống tại một căn phòng tầng thứ 18 của một chung cư tại Paris, thành phố mà ông cho là nơi trú thân lý tưởng nhất cho những tâm hồn nghệ sĩ khát vọng tự do và sáng tạo. Từ căn phòng của ông, như lời ông nói, ông có thể nhìn ngắm tháp Eiffel với cảnh hoàng hôn tắt nắng, và Paris chầm chậm đi vào màn đêm thơ mộng, êm ái, nhưng cũng đầy rạo rực, nồng ấm.

    Tác phẩm quan trọng nhất của ông, cuốn tiểu thuyết " Linh Sơn" (Soul Mountain) được ông khởi sự viết từ năm 1982. Đây là một hành trình của một tâm hồn qua thời gian và không gian, trong khung cảnh của các đồi núi, đồng cỏ, làng mạc Trung Hoa, để tìm lại cội rễ, sự an bình và tự do của nội tâm. Chuyến đi xa vào năm 1986 chắc chắn đã giúp ông nhiều ý tưởng, hình ảnh, tài liệu cho cuốn tiểu thuyết nổi tiếng này mà mãi đến năm 1995 mới được xuất bản tại Pháp. Tờ báo Le Monde của Pháp đã dành một bài viết đặc sắc để giới thiệu cuốn tiểu thuyết quan trọng này ngay sau khi Cao Hành Kiện đoạt giải Nobel văn chương. Tác giả bài viết này, tên viết tắt là J.L.D, giới thiệu tác phẩm " Linh Sơn " của Cao Hành Kiện, xin được thoáng dịch một đoạn như sau:

    "Trong tác phẩm 'Linh Sơn' này, một người với túi sắc trên vai, đã ngược xuôi, khi thì chân đất, khi thì trên yên xe đạp hay lắc lư theo nhịp một chiếc xe thồ, để đi tìm một ngọn núi bí mật, tượng trưng cho một nơi lý tưởng để con người có thể 'rũ bụi trần ai'. Theo chân các di tích của Trung Hoa cổ xưa, một Phương Đông huyền bí và ma quái, với khoa học của Lão Tử, gã ta đã đi kiếm một nơi nương náu, trú thân với bao nhiêu những kỳ tích hoang đường tưởng chừng như đã biến với thuở hoang sơ: những đồng lúa chín vàng và rừng tre xanh biếc, những vị phù thủy hét ra lửa, những con khỉ gào thét, rú lên từng hồi, những con rắn chọc phá, cướp bóc mồ mả; gã ta nói đến sự bảo vệ giống gấu mèo cũng như sự tàn phá môi trường trong vùng sông Dương Tử. Cao Hành Kiện đã trở về với những chiến công của các nữ hiệp sĩ trong các truyện kiếm hiệp, những lễ hội tưng bừng với những lồng đèn rồng, những con kỳ nhông khổng lồ hay những con chim vĩ đại khao khát mật ngọt của cây lệ quyên... những kinh kệ ê a bên cửa chùa, những thuyền mành mỏng manh, những chiếc dù xinh xắn, những thiếu nữ đùa nghịch, chạy trốn và khẽ kêu một tiếng đầy hoan lạc khi ngón chân vừa chạm vào làn nước sông trong xanh."

     Khi nhận xét Cao Hành Kiện là " một kẻ quan sát đầy ngờ vực nhưng sáng suốt không nhằm giải thích thế giới" và trao giải thưởng Nobel văn chương cho ông, Hàn Lâm Viện Thụy Điển đã không chỉ trao giải thưởng cho một tài năng văn chương, mà còn cho một tấm lòng kiên trì của một nghệ sĩ đã dùng nghệ thuật của mình để chống lại tất cả sức mạnh của bạo quyền và hận thù để nói lên tiếng nói của cuộc sống đích thực, tiếng nói muôn đời của tự do và hạnh phúc. Ông là một "Kẻ Miên Hành", nhưng là một kẻ miên hành vẫn đủ tỉnh táo để trình bày, phê phán và tìm kiếm chân lý của cái đẹp.

2. Nhà văn Kim Thúy:

Nhà văn Kim Thúy và tác phẩm “Ru”

    Một tên tuổi xa lạ, là một phụ nữ trẻ gốc Việt, hiện sống ở Canada. Cũng như bao nhiêu người Việt sau biến cố 30/04/1975 đã bỏ nước ra đi, gia đình cô bé Kim Thúy cũng đã tìm cách vượt biên bằng thuyền đến Mã Lai, được đưa vào trại tị nạn, sống ở đấy chờ đợi cho đến khi được nhận vào đệ tam quốc gia là Canada.

    Kim Thúy sinh tại Sài Gòn trong một gia đình thuộc giai cấp trưởng giả, nhiều thành viên trong gia đình là công chức cao cấp hay ít ra cũng sống một cuộc sống thong thả mà với xã hội Sài Gòn hồi ấy, nếu cô chịu tiết lộ một số tên tuổi thì có lẽ chúng ta sẽ có thể nhận ra cô là ai, thân phụ cô hoặc những bà con xa gần của cô là những người nào; tiếc thay cô đủ kín đáo và kiêu hãnh để không nói rõ hơn. Kim Thúy sinh đúng vào Tết Mậu Thân, một biến cố lịch sử mà không một người dân miền nam nào có thể quên được cho dù họ thuộc phe nào, khuynh hướng chính trị nào. Cô lên mười tuổi khi gia đình cô lên thuyền vượt biển trốn khỏi Việt Nam. 

    Cuốn truyện kể mang tựa đề là "RU" vừa có nghĩa tiếng Việt vừa có nghĩa Pháp. Trong Pháp ngữ : giòng suối nhỏ, theo nghĩa đen, và sự chảy (chảy nước mắt, chảy máu) nghĩa bóng. Trong tiếng Việt RU có nghĩa là bài hát để ru trẻ con vào giấc ngủ an lành. Tác giả cho biết là cô từng là chủ một quán ăn ở một thị trấn nào đó thuộc xứ Canada, mang tên là "Ru de Nam". Khi lấy tên ấy làm tên tác phẩm đầu của mình hẳn tác giả có một dụng ý. 

    "... Trước khi tàu chúng tôi nhổ neo giữa đêm bên bờ biển Rạch Giá, đa phần các hành khách chỉ có một nỗi sợ, sợ cộng sản, nguyên do khiến họ bỏ trốn. Nhưng ngay khi bao quanh con tàu, bủa vây con tàu chỉ còn độc một chân trời xanh lơ đồng nhất, nỗi sợ bèn biến thành một con quỷ trăm mặt, cưa chân chúng tôi, khiến chúng tôi không cảm nhận được những cơ bắp bất động của mình đang tê cứng. Chúng tôi chết sững trong sợ hãi, vì sợ hãi. Chúng tôi không chợp nổi mắt nữa khi nước tiểu của đứa bé có cái đầu ghẻ lở bắn lên người chúng tôi. Chúng tôi không còn bịt mũi nữa khi nhìn những người xung quanh nôn mửa. Chúng tôi tê cứng, bị kẹt giữa những bờ vai người này, những chân cẳng người kia và nỗi sợ của tất cả. Chúng tôi tê liệt.

    Câu chuyện về một cô bé bị biển khơi nuốt chửng khi bước hụt chân lên tàu lan khắp lòng tàu bốc mùi như một thứ khí gây mê, hoặc gây đê mê, thứ khí ấy biến cái bóng đèn duy nhất thành ngôi sao Bắc cực còn những chiếc bánh bít cốt đầy dầu máy thành bánh quy bơ. Cái mùi dầu máy trong họng, trên lưỡi và trong tâm trí đưa chúng tôi thiếp đi theo nhịp bài hát ru của người phụ nữ ngồi bên." (dịch một trích đoạn trong tác phẩm RU).

    Cuốn truyện vừa in ra là được đón tiếp nồng nhiệt, được dịch và in trên nhiều nước. Ở Pháp truyện được chọn nhận giải Lire-RTL (Lire là tên của một tạp chí văn chương chuyên ngành và RTL là hãng truyền thanh và truyền hình). Vào chiều ngày 10 tháng 5, 2010 nhân buổi lễ khai mạc tuần lễ sách tại Paris (Salon du Livre) người phụ nữ nhỏ bé mảnh mai ấy đứng giữa hai ông hộ pháp François Busnel chủ bút tờ Lire và Philippe Labro giám đốc đài RTL, cả hai đều là những nhà văn nổi tiếng, trịnh trọng trao giải thưởng cho Kim Thúy và giải thích lý do sự chọn lựa tác phẩm của cô. Sau khi "RU" ra mắt tại Pháp thì nghe rằng ở Canada sách cô không còn tìm thấy trên kệ nữa. Số sách in đã lên đến 25,000 cuốn.

3. Nhà văn Lan Cao:


Tác phẩm “Cầu Khỉ” (Monkey Bridge) và nhà văn Lan Cao

    Nói đến những văn sĩ người Mỹ gốc Việt, người ta không thể quên Lan Cao. Lan Cao, Cao Thị Phương Lan, là ái nữ của cố Đại Tướng Cao Văn Viên. Bà sinh năm 1961, cùng gia đình di tản đến Hoa Kỳ lúc 13 tuổi. Năm 1983, Lan Cao tốt nghiệp cử nhân ngành Khoa Học Chính Trị tại Đại Học Mount Holyoken, và Tiến Sĩ Luật tại Đại Học Yale. Lan Cao là một trong số những người Mỹ gốc Việt viết sách tiếng Anh hiếm hoi được những nhà xuất bản có tiếng của Hoa Kỳ chọn in. Tác phẩm đầu tay “Monkey Bridge” (Cầu Khỉ) của Lan Cao là tiểu thuyết viết theo thể loại tự truyện, kể lại cuộc đời của hai mẹ con người Việt di tản cư ngụ tại Little Sài Gòn từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. “Cầu Khỉ ” đưa người đọc cùng với Mai trở về xã hội miền nam Việt Nam thời Đệ Nhị Cộng Hòa, để tìm thân nhân và nếm trải nỗi buồn niềm vui với họ. 

    Tác giả Lan Cao cũng được Viking Penguin phát hành cuốn sách thứ hai, có tên "The Lotus and the Storm" (Hoa Sen và Bão Tố) sau khi xuất bản cuốn "Monkey Bridge" (Cầu Khỉ) rất thành công vào năm 1997. Tuy là một nhà văn, Lan Cao lại theo đuổi ngành luật. Bà hiện là giáo sư giảng dạy môn luật kinh tế quốc tế tại Chapman University.

    “Cầu Khỉ” của Lan Cao viết về chiến tranh, và những hệ lụy còn rơi rớt lại trong đời của một số người Việt lưu vong. Tâm sự và cuộc đời của họ ở chừng mực nào đó cũng chơi vơi, cũng chênh vênh như những nhịp cầu tre bắc ngang dòng sông chảy xiết. Một độc giả đọc “Cầu Khỉ” rồi đã ghi lại cảm nhận: "Một mai cố quận tìm về / Qua sông cầu khỉ vọng hề tiếng xưa / Con đường đi vội quá trưa / Bến ni bờ nọ cũng vừa thiên thu".

    Ngôn ngữ, trong “Monkey Bridge” (Cầu Khỉ) đã được nhìn ngắm ở hai phía trái ngược. Một là ngăn cách trở ngại của ngôn ngữ. Và hai là, sức mạnh của ngôn ngữ. Trong lá thư bí mật mà bà Thanh gửi lại cho con, bà đã viết rằng Mai đã xấu hổ vì bà nói tiếng Anh không đúng “accent” mặc dù bà nói tiếng Việt và tiếng Pháp rất chuẩn. Và ở một phía khác, Mai đã nhìn thấy được uy lực của “tặng phẩm của ngôn ngữ”:
     "Ở trong thanh âm mới của tôi, thanh âm mà tôi thực sự phát ra từ cổ họng, là một uy lực kinh ngạc mới mẻ. Đối với mẹ tôi và những người láng giềng, tôi bắt đầu nắm giữ cả thế giới, một độc nhất với thế giới tiến bộ xán lạn. Giống như ông Adam, tôi đã như được Thượng Đế ban cho quyền năng chỉ danh tất cả các loài chim chóc ở trên trời và các loài thú vật trên cánh đồng. Quyền được chỉ danh, tôi nhanh chóng tìm kiếm được quyền giữ gìn ngôn ngữ và quyền thỉnh cầu thẩm quyền tiếng nói của thuần khiết không giả tạo" (trích đoạn "Cầu Khỉ").

    Cả ba nhà văn đều viết các tác phẩm ở ngoài quê hương của họ, bằng ngôn ngữ không phải tiếng “mẹ đẻ” của mình. Nhưng không ai có thể phủ nhận trong từng câu, từng chữ mang đậm nét văn hóa, tính dân tộc và linh hồn của quê hương dù ngàn dặm cách xa. Tự tình dân tộc quyện lẫn, khắc sâu trong mỗi trang lịch sử của đất nước, dân tộc được trân trọng và nâng cao đến một tầm cao của nhân loại. Hình ảnh đất nước và con người của quê hương họ, như những chuỗi sao kết nối, soi sáng trên mỗi thân phận và hơi thở của từng nhân vật trong tác phẩm.    

    Đã có hàng triệu người Việt nói, đọc và viết tiếng Việt như ngôn ngữ “mẹ đẻ” nhưng lại mang tinh thần lai căng, vọng ngoại. Giá trị của ngôn ngữ không phải chỉ là việc lặp lại như một "con chim biết nói" mà sử dụng và biểu hiện như linh hồn của tiếng nói từ trái tim của chúng ta. Đó chính là linh hồn của ngôn ngữ, sâu thẳm bên trong tâm hồn, nhân cách chứ không phải chỉ là thứ phương tiện của tiếng nói và chữ viết trong cuộc sống giao tiếp vô hồn.

Durham, North Carolina
Nguyễn Hoài Nam 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét