Thứ Năm, 11 tháng 2, 2021

Trước Thềm Xuân Hòa Bình


Hơn một tuần ra vào cổng trường Tiểu Học Ghềnh Ráng, cộng thêm mấy ngày ứng trực và tăng cường cho Ty Cảnh Sát Quận Nhơn Định trong thị xã làm cho cả đám chúng tôi hầu như sạch túi. Hôm rời Đồng Đế, bóp ai cũng dày cộm, mấy ngày lòng vòng Qui Nhơn thì cứ xài xả láng. Đang gồng mình gánh chịu kỷ luật quân trường thì tự nhiên có lệnh đi công tác chiến tranh chính trị. Đợt đầu đi Bình Thuận gần 3 tháng. Hiệp Định bị đình trệ. Chúng tôi vừa từ Bình Thuận trở về quân trường được mấy ngày thì lại vác ba lô và túi quân trang đi tiếp. Lần này văn bản đình chiến đã có hiệu lực hẳn hòi.

Lính quân trường lại một lần nữa được tung ra để hỗ trợ các đơn vị địa phương và trực tiếp tham gia công tác giải thích hiệp định cho người dân ở nông thôn. Cả tuần nay, không hiểu sao vẫn còn trì trệ trong việc chia toán và phân công cho toàn bộ Tiểu Đoàn Sinh Viên Sĩ Quan gần 500 mạng. Vì vậy họ đang ở tạm trong Ghềnh Ráng, còn toán chúng tôi, thuộc khóa đàn em, là toán duy nhứt tình nguyện tăng phái, nên nhận công tác tạm thời cho bên Cảnh Sát, và nhờ vậy đã có dịp nhởn nhơ trên các nẻo đường của phố xá Qui Nhơn trong khi Đồng Môn SVSQ khóa đàn anh còn nằm tại Ghềnh Ráng chờ phân công tác.

Rảnh cả ngày nên chúng tôi cứ “cà nhỏng“ ngoài công viên của thị xã, hoặc lê la quán xá hay lòng vòng mấy khu chợ hoa và gian hàng bán Tết, đặc biệt là chợ trời. Hơn nữa đang là những ngày giáp Tết. Phố xá nhộn nhịp. Không khí tưng bừng với triển vọng hòa bình đang ló dạng làm mọi người, quân cũng như dân cảm yêu đời hơn xưa. Hôm nay đã 29 âm lịch, và cũng là ngày đầu tháng 2, 1973. Hiệp định Paris vừa có hiệu lực đúng 5 hôm. Tuy vậy, tin tức chiến sự vẫn dồn dập xuất hiện trên mặt báo và loan truyền cả trên các đài phát thanh, trung ương cũng như địa phương. Đánh nhau dữ dội tại Cửa Việt, rồi địch lấn đất tại Sa Huỳnh, các cửa ngõ ra vào Sài Gòn bị địch phá rối và ngăn chặn, nhứt là mặt tây bắc, hướng Tây Ninh, Hậu Nghĩa, cũng như dọc theo các Quốc Lộ 1 và 20. Thôi thì đủ mọi chuyện liên quan đến chiến sự lẫn chánh trị làm những ai quan tâm cảm thấy chán ngán cho mặt trái của bản hòa ước.

Nhưng đất trời đang xuân, lại là mùa xuân mang hy vọng hòa bình nên đánh đấm ở đâu thì cứ đánh. Nơi nào đang yên lành, hay không phải là mặt trận thì cứ vui xuân. Qui Nhơn cũng không ngoại lệ. Vẫn là bông hoa từ vùng quê đổ vào phố thị để kịp bán tết. Vẫn những tà áo đủ màu bay lượn khắp đó đây. Vẫn xe cộ đủ loại lạng, lách để tránh những bộ hành đang lấn cả trên lòng đường. Trong không khí se lạnh của biển và núi giao hòa, là tiếng nhạc xuân quen thuộc đến nằm lòng. Những Đan Aó Mùa Xuân, Đồn Vắng Chiều Xuân, Ly Rượu Mừng, Xuân và Tuổi Trẻ…v/v… là những bài hát không thể thiếu trong những ngày vui Tết âm lịch. Nói chung, là những sinh hoạt cố hữu trên phố xá, trong những ngày tàn năm của bất cứ nơi nào trên phần đất tự do của miền Nam.

Lẫn trong dòng người xuôi ngược, người lính trẻ còn mang Alpha trên cổ áo thấy mình như đang sống lại thời chưa khoác chinh y. Chung quanh chúng tôi là quang cảnh tấp nập mua sắm, cùng với những rộn ràng không thể thiếu trong nhịp sinh hoạt của ngày cận Tết. Đón xuân phương xa tạo cảm giác bồi hồi cho những ai lần đầu không có mặt với gia đình vào dịp Tết, nhưng nghĩ lại thì vẫn còn hạnh phúc hơn những chiến sĩ đang đối diện với địch quân ngoài chiến tuyến, hay đang âm thầm chong súng gát giặc tại những nơi đèo heo, hút gió. Có ở những nơi đó mới thấy thấm thía, khi nghe bài nhạc bất hủ của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh “ …Nếu mai không nở anh đâu biết Xuân về hay chưa…” Chưa đầy hai mươi tuổi, chưa vào lính mà sao lúc đó, năm 1960, người nghệ sĩ tài hoa này đã có những câu nhạc và lời hát tuyệt vời đến như vậy?!

- Mai là 30 Tết rồi. Có chương trình gì không tụi bây?
- Tao cần đi lễ đêm giao thừa. Rồi tính gì thì tính.
- Còn tao đi lễ chùa và hái lộc lấy hên.
- Hai đứa bay đi ngắm mấy em thì có. Ê “Mọt sách “! Mày có “‎cao kiến” gì không? Sao cả ngày lầm lì không mở miệng vậy!?
- Tụi bây tính sao cũng được.
- Vấn đề là mấy bữa nay mình ngủ hành lang ban đêm, tà tà ngoài đường ban ngày. Bày biện mọi thứ và nhậu nhẹt lộ liễu thì kỳ lắm, nhứt là ba ngày tết. Cần phải có phòng ốc kín đáo mới được.
- Vậy thì Lâm Hoài Nam lo vụ này đi!
- Chuyện này phải do Trung Úy Danh dàn xếp mới được. Ổng là sĩ quan cán bộ, còn mình chỉ là Sinh Viên Sĩ Quan. Tao chỉ là phát ngôn viên bất đắc dĩ của tụi mình thôi!
- Hay là nếu không có công tác gì hết thì mình đi mướn khách sạn, lấy hai, ba phòng gì đó, rồi gom vào một chỗ ăn tết. Mệt thì rút về nghỉ. Ai khỏe thì xập xám hay domino sáng đêm. Tụi mày thấy sao!?
- Nghe được lắm! Nhưng không chắc là mình lè phè ăn tết thoải mái đâu. Chưa kể súng ống nữa. Ban ngày còn gởi mấy ông bạn dân được, chứ còn…
- Thì mang theo luôn. Chỉ gởi túi quân trang cho họ giữ dùm thôi. Nhứt cử lưỡng tiện. Phải không tụi bây?
- Thằng Khanh nói đúng đó. Nhưng “xông đất“ chỗ nào mới được?!
- Thì tới khách sạn Việt Cường ở gần bến xe đò đi! Gần núi, sát biển. Mướn phòng trên lầu 5, lầu 6 thì tha hồ cho thằng Huy tìm hứng khai bút. Thôi! Coi như thông qua vụ này đi. Còn bây giờ thì làm gì cho hết buổi tối đây?
- Tìm quán cà phê nào gần đây ngồi câu giờ là tốt nhứt.
- Cà phê Thảo Ly trên đường Võ Tánh. Tao thấy được lắm. Nhạc hay. Người cũng xinh xắn. Đứa nào muốn ngắm em thì theo tao.

Đêm Qui Nhơn rộn ràng trong không khí đang vào xuân. Đêm bâng khuâng trong tâm hồn lính trẻ. Mười sáu “Thanh kiếm bạc trên mặt trời rực sáng“ đội bê rê màu nước biển, thoạt đầu làm cho mấy nhân viên và cả người chủ quán có vẻ e ngại và lúng túng vì lính đông quá. Đã vậy, mấy chàng Alpha tinh nghịch cứ xin giấy viết tên mấy bản nhạc rồi yêu cầu cho nghe. Nhạc Việt rồi qua nhạc Anh, Pháp, Mỹ làm hai chị em cô hàng có lúc bối rối vì nhiều bài không có trong tủ nhạc của quán. Nhưng sau đó thì không khí trở thành thân ái như trong gia đình, khi Hoàng “cờ tướng“ nhận ra một bạn học trong những người khách. Anh này từ Sài Gòn về Qui Nhơn ăn Tết và là bà con với người chủ.

Từ câu chuyện hàn huyên của hai người bạn học dẫn đến chuyện văn nghệ văn gừng của thời sinh viên, rồi người bạn Khoa Học về nhà vác cây đàn trở lại quán. Sau đó thì nhạc máy trở thành nhạc sống, hát theo lời yêu cầu, hát đủ mọi thể loại trong tinh thần “hát cho nhau nghe”. Chẳng mấy chốc thì không còn chủ, khách. Không khí đúng là của một nhóm bạn, hay một gia đình đang quây quần đón xuân. Gần nửa đêm mới tan hàng. Đường về rộn ràng chân bước. Phố đã không còn người qua lại. Vài chiếc xe Tuần Tiểu của Cảnh Sát và Quân Cảnh Tiểu Khu chạy qua dòm dòm…thông cảm. Họ dư biết nhóm lính trẻ là ai và đang hướng về đâu. Đêm lành lạnh mang hương xuân ngào ngạt. Tết đến nơi rồi!...

Một ngày vui vừa qua trong đời. Đã bước qua ngày mới và cũng là ngày cuối năm âm lịch. Trong ánh điện nhá nhem, tranh tối tranh sáng, có những đóm lửa của vài điếu thuốc lập lòe. Giấc ngủ đêm xuân thường đến muộn và mọi người như vẫn muốn tận hưởng sự thoải mái và hạnh phúc vừa trải qua trong ngày. Vui được lúc nào hay lúc đó. Ai biết được ngày mai sẽ ra sao. Nhứt là những ngày mai của Lính, dù chỉ là…Lính quân trường. Quả đúng như vậy! Sáng ra là đã thấy Trung Úy Danh đến tận nơi cho biết sẽ có xe đến đón cả toán đi Phù Mỹ. Vậy cũng được! Còn hơn cứ đoán già đoán non, không biết chừng nào lên đường. Cả nhóm đã sẵn sàng từ lúc được thông báo, nhưng lại phải chờ dài cổ đến quá trưa mà vẫn chưa có xe của Chi Khu Phù Mỹ ghé đón.

- Biết vậy đi ăn rồi tạt qua công viên nghiên cứu cờ thế sướng hơn.

Hoàng “cờ tướng“ đi tới, đi lui, lẩm bẩm một mình.
- Ba mươi Tết rồi cha nội! Không còn ai bày cờ thế cho mày phá trận nữa đâu. Ghiền đánh cờ tướng dữ vậy hả?!
- Không phải vậy. Một công hai ba chuyện thôi. Vã lại tao muốn chộp vài món nhắm để lai rai mấy ngày tết.
- Nó nói đúng đó! Chưa mua sắm gì hết. Ra Phù Mỹ thì lấy gì mà nhâm nhi?
- Thì có gì mua nấy. Quận chứ có phải Xã, Ấp mà sợ không có tiệm bánh mứt hay trà rượu!?
- Hy vọng là như vậy. Chứ nếu không…
- Nếu không thì còn Ration C để làm gì!? Tụi bây sao khéo lo quá.
- Xe tới rồi kìa! Nhớ coi lại mọi thứ cho cẩn thận nghe!...

Chỉ chừng 10 phút sau là chiếc GMC trở đầu ngược bắc. Quốc lộ đã vắng xe dù chỉ mới 2 giờ chiều. Vì đã là 30 tết, hay vì không khí chiến tranh vẫn còn lãng vãng đâu đây, nên đã phần nào ảnh hưởng đến sinh hoạt của vùng quê?! Mấy hôm trước cả đám hăm hở ngồi trên xe nhìn quang cảnh hai bên đường suốt cuộc hành trình 250 km từ Đồng Đế đến Qui Nhơn. Bây giờ thì hầu như sự nôn nao đã lắng dần đâu đó trong lòng. Tuy vậy, vẫn một thoáng chạnh lòng thật man mác khi nghĩ đến vùng đất đã đi vào lịch sử nước nhà qua nhiều thời kỳ của thăng trầm, hưng phế. Bình Định là đây, vùng thạnh trị cuối đời của Chiêm quốc trước khi cam lòng khuất phục trước sức nam tiến của Lê Triều.

Bình Định của biển cả chập chùng, của núi rừng hung hãn. Bình Định của những trận thư hùng quyết liệt giữa những danh tướng lưu danh thiên cổ của hai dòng họ Nguyễn: Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Võ Di Nguy, Võ Văn Dũng, Lê Văn Duyệt. Tuy Viễn, An Nhơn là đây! Một thời lẫy lừng trong lịch sử, quê hương của Tây Sơn Tam Kiệt, bây giờ nằm buồn thiu chờ qua năm mới. Gò Chàm của thị trấn Bình Định thuở xưa, nổi danh nhờ những ngày chợ phiên truyền thống là chốn nào trong quận Phù Cát của ngày nay? Phù Cát! Một địa danh quen thuộc, nơi có căn cứ không quân chiến thuật và chuyển vận khá quan trọng. Điểm nóng của những lần pháo kích và đụng độ thường xuyên nảy lửa với địch quân, đang nằm hiền hòa phía xa xa, sau màn bụi đỏ xoắn thốc ven đường theo đà xe lướt chạy.

Rồi cũng đến Phù Mỹ. Hai dãy phố nhìn nhau thầm lặng trong sinh hoạt của ngày tàn năm. Xe rẽ trái để vào quận đường kiêm chi khu nằm sát bên quốc lộ. Trung Úy Danh lo liên lạc. Một số trong chúng tôi rút vào câu lạc bộ của quận đường để nhâm nhi chút cà phê trong khi chờ đợi công tác chánh thức, nhóm còn lại thích chỗ đông người nên lạng nhanh ra cổng để rửa mắt và…sắm tết. Quang cảnh và sinh hoạt của chợ chiều ba mươi tết cũng như mọi nơi khác, rộn ràng và nhộn nhịp trong những giờ phút cuối. Phố quận chỉ là hai dãy nhà cùng với hàng quán ven quốc lộ, nên một vòng qua lại chưa mỏi chân là đã không còn gì để xem, để ngắm. Vài gói trà, chút bánh mứt, hai chai “Ông Già Chống Gậy” cùng với thuốc lá và vài món đưa cay là xong buổi chợ xuân của đám “con bà phước“. Trở vào quận đường, xớ rớ ngoài câu lạc bộ chưa bao lâu thì có lệnh tập họp lên xe để đến nơi nhận công tác.

Từ Chi Khu Phù Mỹ đến Ấp Diêm Tiêu, Xã Mỹ Trinh chỉ chừng trên dưới 3 km, nên xe chạy chừng vài phút là đã vào ngay trong sân cờ của văn phòng Xã. Thủ tục chào đón cũng đơn giản và nhanh chóng vì chỉ có Xã Trưởng và một Trung Đội Trưởng Nghĩa Quân tiếp cả toán trong văn phòng kiêm nhà hội họp. Sau vài lời dặn dò là Trung Úy Danh theo xe về lại Phù Mỹ. Thêm vài câu chào đón và chúc xuân của vị xã trưởng, là cả toán vác túi quân trang qua làng định cư ngay bên cạnh để nhận chỗ ở và tuyến đóng quân.

Bốn dãy nhà vách ván, hai gian, lợp tôn "lạnh“, nằm gọn gàng và vuông vức sát bên cạnh văn phòng Xã, mỗi nhà cách nhau một mảnh sân con, vừa đủ để có nơi trồng vài loại rau quả thông dụng cho bữa ăn hằng ngày. Làng định cư xài chung cổng trước với trụ sở xã, phía sau bỏ trống để mọi người có thể thoải mái ra vào khu vực nhà xí “ thiên nhiên “ vốn là phi đạo dã chiến của quân đội Mỹ mấy năm trước. Bên ngoài hàng rào kẽm gai là ba lớp concertina chạy song song với quốc lộ và bao vòng qua phía nam, hướng về phía chi khu. Toán công tác được phân trách nhiệm phòng thủ mặt này và được giao cho một ngôi nhà từ lâu đã vô chủ để làm nơi sinh hoạt cố định.

- Mấy anh không cần phải lo an ninh hay canh gác. Chuyện này đã có chúng tôi đảm trách.
Người Trung Đội Trưởng kết luận sau khi đã chỉ sơ vị trí bố phòng của cả toán.
- Nếu như có địch tấn công thì chỉ cần mấy ông ở yên tại chỗ, còn dân chúng thì đã quen với việc phòng thủ của chúng tôi nên sẽ không ra khỏi nhà trong bất kỳ tình huống nào. Nhưng chỉ phòng hờ vậy thôi, chứ nơi này an ninh số một. Chưa có lần nào bị tụi nó léo hánh tới nơi cả. Cứ yên chí ở đây ăn tết!

Đơn giản chỉ có vậy. Sau đó là công việc đào hố phòng thủ cho chắc ăn- kinh nghiệm căn bản học được lúc công tác ở quận Hòa Đa, Bình Thuận- và dọn dẹp lại căn nhà tạm dùng làm “tổng hành dinh“ của cả toán. Khi đâu vào đó thì chiều cũng vừa tắt nắng. Một vòng thăm bà con tản cư, coi như đáp lại thạnh tình chào đón lúc ban đầu của họ, mới thấy người dân nghèo quá mức. Làng tạm cư không có điện. Để tiết kiệm, nhiều người dọn cơm ăn ngay ngoài sân, hay trên bộ ván hoặc tấm phản bên hiên khi còn chút ánh sáng le lói, thay vì phải thắp đèn dầu hôi trong nhà. Hầu như rất ít người có khả năng mua sắm cho ra vẻ đón xuân, mà nếu có thì cũng lắt nhắt chút đỉnh …cho có lệ. Bữa cơm gạo sấy, thịt ba lát của Lính quân trường đặt cùng mâm với cá trào kho mặn và mớ rau chấm nước mắm của gia đình ông bác “hàng xóm“ thật đơn sơ nhưng thân thiết làm sao!

- Chúng tôi là dân miền biển tản cư về đây. Đa số là dân của vùng Mỹ Chánh, Mỹ Thạnh. Làm rẫy làm ruộng chỉ là phụ thôi. Mà đất nơi này thì không trồng được gì nhiều ngoài mấy gốc sắn, mấy nhúm rau hay vài dây khoai èo uột như mấy cháu đã thấy.

Ông Tám thở dài, quơ tay chỉ một vòng quanh khu nhà tái định cư, rồi nói tiếp:
- Nhiều người đã bỏ đi nơi khác từ lâu. Những ai còn ở lại đều phải làm thuê, làm mướn dưới quận hay trong vùng này để sinh sống qua ngày. Nghe nói sắp có hòa bình nên bà con mừng lắm. Chỉ cầu mong được như vậy để mai này yên ổn làm ăn...

Không có màn văn nghệ bỏ túi với cây đàn mượn của người chủ quán cơm ngoài đầu xã, không có những nụ cười chất phác và hồn nhiên của trẻ thơ khi nhận từng miếng bánh mứt khiêm nhường của nhóm công tác, thì không biết phải định nghĩa ra sao về không khí đón tết của cả đám Alpha xa nhà lần đầu tiên trong đời. Mọi thứ mua sắm dự tính để cả nhóm lai rai ba ngày tết, đều được chia xẻ tận tình với tất cả những ai tìm đến khoảng sân trước “tổng hành dinh” của toán công tác, nên khi có tiếng súng của ai đó từ hướng quận vang lên lúc đón giao thừa, thì cả đám chỉ còn lại vài hộp bánh Ration C với ấm trà để quây quần với nhau trong tâm trạng vừa nhớ gia đình, bè bạn, vừa bâng khuâng với hoàn cảnh trước mắt.

Lại lan man trải lòng theo khói thuốc và tiếng ghi ta rỉ rả của một bạn SVSQ bên hiên vách. Tiếng súng mừng xuân đã lặng yên. Thoang thoảng trong đêm là hương thơm của khói nhang từ đâu phảng phất trong làn gió nhẹ. Đêm giao mùa đang về trong lời nguyện thầm của những người hướng lòng thành đến đất trời và tổ tiên bên mâm cúng đơn sơ trước sân nhà. Đêm yên lắng thật bình thường nếu không có những nôn nao và hy vọng cho một mùa xuân thanh bình. Chắc chắn sẽ có những trăn trở và cả âu lo khi nghĩ đến chiến tranh vẫn còn lảng vảng đâu đó, khi mà người lính vẫn còn phải chong súng gác giặc từng giờ.

Nhưng dù sao thì cũng là đêm đầu tiên của mùa xuân mang nhiều hy vọng. Mai này sẽ như thế nào thì không ai biết chắc, nhưng hy vọng vẫn là nguồn trợ lực và cũng là hạnh phúc cho mọi người, trong đó có chúng tôi, những người đang tràn trề hy vọng khi nghĩ đến ngày mình sẽ trở thành quân nhân phục vụ trong thời bình. Chỉ cần bấy nhiêu thôi cũng đủ để quây quần suốt đêm quanh những câu chuyện không ngừng nghỉ, hay thầm thì “hái lộc“ của nhau bằng domino và xập xám để gọi là đón xuân, một mùa xuân …chiến dịch.

Huy Văn
( Để nhớ toán công tác Chiến Tranh Chính Trị của ĐĐ 727, TĐ3 SVSQ, khóa 4/72B, quân trường Đồng Đế và những ngày Tết “hòa bình“ tại Ấp Diêm Tiêu, Xã Mỹ Trinh, Quận Phù Mỹ, Tỉnh Bình Định. Tháng 2/1973)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét