Thứ Hai, 22 tháng 6, 2020

Tháng Sáu Có Ngày Của Cha Nơi Xứ Mỹ

Đây là bài số năm trăm mười tám (518) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo, Portland, Oregon.
Một ngày đặc biệt trong Tháng Sáu nơi xứ Mỹ là Ngày Lễ của Cha (Father’s Day) thường được tổ chức vào ngày Chủ Nhật của tuần lễ thứ ba trong Tháng Sáu.
Năm nay ngày Lễ Của Cha là ngày Chủ Nhật 6-21-2020.

Trước tiên chúng ta tìm hiểu lịch sử Ngày Của Cha nhé.



Lịch sử Ngày Của Cha (Father’s Day)

Bà Sonora Smart Dodd, một cư dân của thành phố Spokane, thuộc tiểu bang Washington. Cha của Bà, Cụ William Jackson Smart, là một cựu chiến binh của cuộc nội chiến, người đã một mình gà trống nuôi cả đàn con sau khi mẹ của Bà qua đời. Người ta kể rằng, được cảm hứng từ việc Bà Anna Jarvis thiết lập ra Ngày Hiền Mẫu, Bà Sonora liền nảy sinh ra ý định để tôn vinh về người Cha trong khi đang lắng nghe một bài giảng về Người Mẹ trong Ngày Hiền Mẫu tại nhà thờ vào năm 1909.

Vì Cha của Bà chào đời vào tháng 6 cho nên Bà cùng các anh chị em của Bà đã tìm cách để tổ chức Ngày của Cha cũng vào Tháng 6. Do đó, Ngày của Cha đầu tiên được tổ chức vào ngày 19 tháng 6 năm 1910 tại thành phố Spokane, thuộc tiểu bang Washington. Rất nhiều người như: Thượng Nghị Sĩ William Jennings Bryan thời đó, đã ủng hộ việc tổ chức ra ngày này trên cơ sở không được chính thức cho lắm. 

Sau đó, Tổng Thống Woodrow Wilson đã đích thân được gia đình của Ông vinh danh vào Ngày của Cha của năm 1916.

Tám năm sau đó, vị Tổng Thống thứ 13 của Hoa Kỳ là Tổng Thống Calvin Coolidge đã đề nghị tổ chức Ngày của Cha như là một ngày nghỉ lễ của quốc gia. Và năm 1926, Ủy Ban về Ngày của Cha Quốc Gia được thành lập tại thành phố New York.

Năm 1966, Tổng Thống Lyndon Johnson chính thức để cho ngày này trở thành một ngày lễ được tổ chức vào ngày 3 tháng 6 hàng năm.

Ngày Lễ này cuối cùng đã được chính thức công nhận dưới thời của Tổng Thống Richard Nixon vào năm 1972, và Tổng Thống Richard Nixon đã quyết định chọn Chủ Nhật thứ ba của Tháng 06 hàng năm dành để tôn vinh những người làm Cha, mà chúng ta gọi là Ngày của Cha thời nay.
(Nguồn: sưu tầm trên internet)

Văn hoá đạo đức Việt Nam luôn dạy con cái phải kính yêu và nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của Cha Mẹ qua các câu ca dao, tục ngữ dưới đây:

“Công Cha như núi Thái Sơn
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ Mẹ kính Cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”

Hoặc là:

Cơm cha áo mẹ công thầy
Gắng công mà học có ngày thành danh


Như vậy thì công ơn của cha me sánh bằng ngang nhau, nhưng trong thơ văn, nghệ thuật người ta thường nhắc nhở ân đức và sự nhớ thương về người Mẹ nhiều hơn, sâu đậm hơn người Cha. Có thể là vì mẹ gần gủi, bao dung, dịu dàng, hy sinh chăm sóc con cái nhiều hơn người cha lúc nào cũng nghiêm khắc, lạnh lùng, không biểu lộ tình cảm thương yêu con cái nhiều bằng người mẹ hay chăng? Nhất là trong thời gian chiến tranh, người Cha là những chiến sĩ can trường phải rờì bỏ gia đình xông pha nơi trận mạc để bảo vệ đất nước hay phải sống khổ cực trong các trại học tập cải tạo cho nên đàn con chỉ biết trông cậy vào sự bảo bọc, vào đôi tay yếu gầy đầy tình yêu thương của người mẹ mà thôi. 

Riêng đối với cá nhân người viết, tôi vẫn nghĩ rằng:

"Người đã viết rất nhiều về Tình Mẹ 
Như nước nguồn, như biển cả mênh mông 
Và ngọt ngào như lúa chín ngoài đồng 
Con khôn lớn cũng nhờ giòng sữa Mẹ

Cha cũng đã góp phần nuôi dạy trẻ
Đã nhiều đêm cha thao thức canh thâu
Đã nhiều lần Cha lo lắng âu sầu
Khi con trẻ biếng ăn hay biếng học" 

Cho nên chúng ta phải luôn ghi nhớ:

"Ân của Mẹ như trời cao biển cả
Nghĩa của Cha như đất rộng núi cao 
Tình Mẹ Cha như giòng suối ngọt ngào 
Nhớ Nghĩa Mẹ đừng quên Tình Cha nhé!" 
(Trích trong bài thơ Một Lời Cho Cha của Sương Lam)

Tôi đã viết nhiều bài thơ về Mẹ, nhưng tôi cũng dành trong trái tim tình cảm của tôi hình ảnh gian lao khổ cực của những người Cha qua bài thơ « Bài Tình Thơ Tháng Sáu » đã được những người bạn cùng tâm cảm với tôi thực hiện thành một PPS Tình Cha dựa theo ý thơ của SL với lời nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiển được trình bày qua giọng ca của Phong Thu do Duy Hân thuộc DungLac.org thực hiện PPS này với lời nhạc như sau:

"Bao tháng ngày Cha vất vả nhiều
Hằn vết da đầy nhăn
Cha không màn lao khổ nhọc nhằn
Thương nuôi con thành thân "

Xin mời quý bạn cùng với tôi vinh danh người cha của chúng ta qua PPS Tình Cha đã được phổ biến rộng rãi qua link dưới đây nhé:


Bài Tình Thơ Tháng Sáu

Tháng Năm qua bây giờ là Tháng Sáu
Tháng Sáu quê người rực rở cỏ hoa 
Trời dất reo vui nắng ấm chan hòa
Để chúc tụng Ngày Của Cha vui vẻ 

Xin góp vui đến những người cha trẻ
Khi nhìn con trong giấc ngũ thiên thần
Con mỉm cười cha cũng thấy trào dâng 
Một tình cảm thiêng liêng và bất tử 

Tình cảm ấy chẳng cần dùng ngôn ngữ
Cũng chẳng cần dệt gấm với hoa thêu
Cũng viết nên bài thơ nhạc diễm kiều:
“Tình phụ tử thương con như châu ngọc” 

Rồi năm tháng làm đổi thay màu tóc 
Bây giờ cha đã tóc bạc da nhăn 
Bởi tháng năm cha lao động nhọc nhằn 
Nuôi con trẻ trở thành người hữu dụng 

Con tuổi trẻ một đôi lần dại vụng 
Khiến cho cha phải khổ trí lao tâm 
Cha khoan dung tha thứ những lỗi lầm 
Khuyên con trẻ nên làm lành lánh dữ

Cha vất vả thân già nơi viễn xứ 
Đủ mọi nghề cha làm việc nuôi con
Theo thời gian sức khỏe dẫu suy mòn 
Cha sung sướng thấy đàn con thành đạt

Tình Phụ Tử! Một bài thơ tuyệt tác 
Được viết bằng thương mến với khoan dung 
Bằng hy sinh, bằng lao lực tận cùng 
Bằng tất cả những gì cao đẹp nhất 

Núi Thái Sơn dẫu có cao chất ngất 
Cũng không bằng tình cha mẹ thương con 
Trần gian này dẫu sông cạn đá mòn 
Tình Phụ Tử vẫn muôn đời bất diệt 

Sương Lam

Xin đa tạ anh Trần Năng Phùng, Moderator của Forum DaiHocVanKHoaSG và các bạn Duy Hân, Nguyễn văn Hiển, Phong Thu thuộc Dũng Lạc.org, những người bạn tốt đã cùng một tâm ý như tôi, dù quý bạn không cùng một tôn giáo với tôi.
Thế mới biết những tình cảm thiêng liêng cao quý của Mẹ Cha bao giờ cũng làm xúc động những trái tim tình cảm không phân biệt tôn giáo, giới tính, chủng tộc, tuổi tác, phải không bạn?
Xin phép được mượn một đoạn nhạc dưới đây của anh Nguyễn văn Hiển trích trong PPS Tình Cha để làm kết luận cho bài tâm tình về Ngày Lễ Của Cha năm nay, bạn nhé.

« Tình cha cao như núi Thái Sơn
Làm con phải biết ơn công cha dưỡng sinh thành
Tình Cha ôi thiết tha như nguồn nước bao la
Thương con như châu ngọc để đời con nở hoa » 

Xin chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-MCTN 518-ORTB 939-6182020)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét