Thứ Hai, 17 tháng 2, 2020

Hình Bóng Cũ


Tiếng ông Lãng oang oang từ phòng khách:
- Em ơi, xong chưa? Khách sắp tới rồi đó.
- Gì mà hối dữ vậy. Em mặc cái áo là ra liền. Tiếng bà Lãng từ phòng ngủ vọng ra.

Ông Lãng bước qua phòng ăn. Ngắm nghía cái bàn ăn dài thòng - mà ông phải kê thêm một cái bàn dã chiến, đóng bằng gỗ thông - gật gù hài lòng. Mọi thứ đã sẵn sàng. Hôm nay là ngày kỷ niệm ba mươi năm đám cưới của ông bà. Mời chín cặp nữa, vị chi là hai mươi người.. Tuần rồi bà Lãng tất bật chạy đi mua năm thước ren về may tấm khăn bàn, để che dấu sự ráp nối. Ham rẻ, lái xuống tận đường Jean-Talon. Vội vội, vàng vàng, không nhìn thấy tấm bảng cấm đậu xe từ hai đến bốn giờ, quả thật lúc đó chưa tới 2 giờ! Thấy cả dãy xe đậu phía trước nên yên chí lớn. Nửa giờ sau, xách túi vải ra về, cay đắng cầm tờ giấy phạt 35 "đô". Một thước ren từ 4 "đô" nhảy vọt lên 11 "đô" !!

Bà Lãng lộng lẫy trong chiếc áo dài gấm đỏ sậm, nổi bật những đóa mai, lan, cúc, trúc vàng óng ánh. Cổ đeo xâu chuỗi hột vàng bẩy vòng. Xâu chuỗi này được bà gìn giữ cẩn thận từ ngày cưới. Qua đây năm bảy lăm, túng cách mấy bà cũng không bán. Cốt sau này, ngày cưới của bé Diễm, bà sẽ tự tay đeo vào cổ cho con, như ba mươi năm về trước, bà ngoại Diễm đã đeo cho bà. Năm nay con nhỏ hăm ba rồi chớ ít ỏi gì. Nghĩ đến con, lòng bà rộn lên một niềm vui khó tả.

Ông Lãng nhìn vợ âu yếm. Ở lứa tuổi xấp xỉ năm mươi, mà sao ông thấy bà hình như còn đẹp hơn hồi mới cưới. Năm xưa bà nặng có bốn chục kí lô, bây giơ leo tới bốn mươi bảy ký. Có lẽ nhờ bẩy kí lô thặng dư này mà trông bà mượt mà và những đường cong, nét lượn cũng "nổi" hơn. Mái tóc cắt ngắn đến vai, không kiểu cọ, cầu kỳ, khiến khuôn mặt bà trẻ ra đến cả chục tuổi. Phần ông, lười vận động nên sợi dây nịt càng ngày càng phải nới thêm nấc. Cái trán mới là khổ, những sợi tóc hiếm hoi cứ lần rủ nhau ra đi không hẹn ngày tái ngộ! Vì vậy, dù hơn bà có năm tuổi, mà thỉnh thoảng vẫn có người "lầm" bà là con gái lớn của ông!!

Chưa kịp khen vợ thì khách khứa đã lục đục kéo tới, Ông Quí bạn cùng lớp với ông Lãng ngày xưa - vừa bước vào cửa đã đưa cho bạn chai Cordon-Rouge:
- Ðem champagne đến mừng mày. Qua ba mươi năm bị xiềng xích vẫn còn sống sót!

Bà Quí cấu chồng một cái đau điếng:
- Cái ông này!
- Kệ, để nó "ngôn" cho sướng miệng. Bà hơi nào để ý. Thằng này là chúa phát ngôn bừa bãi mà...

Sau đó các cặp Lộc, Dương, Ðiền, Phước cũng đến cùng lúc. Trong chín cặp, có ba ông là bạn học, còn lại là bạn sau năm bảy lăm, nhưng khá thân.

Chúc tụng ồn ào một lúc, ông bà Lãng mời các bạn ngồi vào bàn. Như thường lệ, các bà tự động ngồi thành nhóm với nhau, dồn các ông chồng về một phía. Lúc đầu, các ông phản đối, nói kỳ thị này nọ. Phe đàn bà phản công:

- Chúng tôi theo đúng sách vở thánh hiền:
Nam nữ thụ thụ bất thân (diễn nôm): Trai gái "ngồi" gần hổng nọ thì kia!

Phe nam đành đầu hàng vô điều kiện, nhưng có nêu thắc mắc rằng không hiểu nhờ "phép lạ" nào, khi các bà nhất định áp dụng đúng sách vở thánh hiền, mà nhà nhà đều có con trai, con gái đề huề? Tuy phản đối lúc đầu, nhưng về sau lại thấy rất ư là tiện. Cứ thoải mái kể chuyện tiếu lâm, hoặc xổ tiếng Ðức vung vít mà không sợ bị các bà kiểm duyệt...

Ăn đến món chim cút quay, ông Lãng bỗng quay hỏi bạn:
- Dương nè, cậu có nhớ món cu đất ở quê mình không? Hồi xưa, bà cụ tớ hay quay với nước dừa tươi. Mấy người làm ruộng bên Phương Hòa, bẫy được bao nhiêu cũng đem qua bán cho bà cụ. Con nào con nấy mập lù. Thơm ngon hơn chim cút nhiều lắm. 

Ông Dương bỗng vỗ đùi cái đét:
- Trời, cậu nhắc tới Phương Hòa tớ mới nhớ. Các cậu có thể tưởng tượng tháng rồi vợ chồng tớ qua Cali gặp ai không?

Ông Lãng nhăn nhó:
- Tao đâu phải thầy bói mậy. Nói phứt cho anh em nghe đi!

Ông Dương cười hà hà:
- Mấy cậu có nhớ Trúc hồi xưa học trường Thánh Mẫu không? - Thanh Trúc bên Phương Hòa. Nhà có mấy cây nhãn ngon nổi tiếng đó.

Ông Phước, nãy giờ ngồi im bỗng lên tiếng:
- Nhớ rồi. Thanh Trúc ốm ốm, tóc thề, hay mặc áo dài màu thiên thanh. Rồi sao, kể tiếp đi.

Ông Dương liếc nhìn về phía vợ. Thấy các bà đang đấu hót tưng bừng, nên yên chí kể tiếp:
- Ðúng, người đẹp Thanh Trúc một thời làm bao nhiêu con tim nhức nhối! À, nếu tớ không lầm, thì cậu cũng từng là nạn nhân của "em" hồi đó, phải không Phước?

Ông Phước hơi đỏ mặt:
- Ừ, thì cũng có chút chút. Hồi này "Em" có gì thay đổi không toa?

Ông Dương lắc đầu ngao ngán:
- Còn phải hỏi! Các cậu không thể tưởng tượng được đâu. Ðể tớ kể từ đầu cho các cụ nghe... Sáng hôm đó, cô em họ đưa vợ chồng tớ ra Phước Lộc Thọ ăn phở. Có một nàng ngồi xéo xéo trước mặt. Cứ len lén đưa mắt nhìn tớ. Tớ lại không dám nhìn kỹ cô ta, vì coi tướng tá có vẻ hơi...ngầu! Lại có một cậu trẻ trẻ mặc blouson da kèm bên cạnh. Cô nàng khá phốp pháp. Mắt mũi, thì như cậu biết đó, bây giờ các bà rủ nhau tân trang lại hết trơn, nên ai cũng mắt bồ câu, mũi cao, cầm chẻ, môi trái tim v.v.. Ðặc biệt bà này mới sáng mà đã trang điểm y như sắp đi dự da hội. Chỉ thiếu cái robe soirée. Nhưng cái cổ áo bả khoét sâu đến nỗi nhìn cặp "núi của.." khoe ra mà tớ bắt chóng mặt. Tuy có bà xã bên cạnh, mà cái bài thơ leo núi của cụ Thi Sĩ Hồ Xuân Hương vẫn hiện ra mồn một trong trí của tớ:

Một đèo, một đèo, lại một đèo

Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo...



Ông Phước ngắt ngang nguồn cảm hứng của ông bạn vàng:
- Thôi thôi, đủ rồi. Khỏi ngâm nga chi cho tốn sức! Kể tiếp đi cha nội.

Ông Dương vỗ vai bạn, chặc lưỡi:
- Từ từ, đừng nóng... Tụi này tính tiền xong bước ra khỏi tiệm phở. Cô em rủ bà xã vào tiệm quần áo. Tớ đang thất nghiệp đứng ngoài cửa, nhìn ông đi qua, bà đi lại... Bỗng người đẹp lúc nãy xăm xăm tới trước mặt, nở nụ cười khoe chiếc răng khểnh:
- Xin lỗi, có phải là anh Dương ở Kontum không?

Nhìn nụ cười có chiếc răng khểnh duyên dáng, tớ mơ hồ nhớ lại một hình bóng, nhưng không thể nào rõ nét, đành ấp úng dạ phải, nhưng không biết bà...

Chưa dứt câu, thì cái vai của tớ đã bị một bàn tay êm ái, nhưng đầy "nghị lực", vỗ một cái muốn xụi luôn. Rồi một tiếng reo, vui và ấm như trời Cali:
- Trời ơi anh Dương. Trúc nè. Thanh Trúc ở Phương Hòa đó.

Thú thật, lúc đó tớ có cảm tưởng Cali bắt đầu nổi cơn động đất. The Big one! Có lẽ thấy cái bản mặt tớ ngớ ngẩn lắm, nên Trúc phì cười, lôi tay bước lại quán nước gần đó:
- Bà xã anh đang mua đồ phải không? Lại đây mình nói chuyện chút đi. Gặp lại anh Trúc mừng quá!

Tớ ngẩn ngơ nhìn người đàn bà đẫy đà trong chiếc mini jupe, mặt đầy son phấn. Tay đeo mấy chiếc nhẫn mà nói thiệt với mấy cậu, chớ hột nào hốt nấy cũng cỡ ... 122 ly trở lên!
Ông Lãng ngắt ngang: 
- Xạo vừa vừa thôi cha!

Ông Dương lắc lắc cái đầu muối nhiều hơn tiêu:
- Tớ không biết mình tỉnh hay mơ. Nhưng thật tình tớ chỉ mong mình đang nằm mơ. Vì Thanh Trúc của tớ ngày xưa thân mềm như liễu, dáng gầy như mai... Nhắm mắt lại là tớ thấy em yểu điệu trong chiếc áo dài lụa màu thiên thanh điểm cành mai trắng. Biết bao nhiêu tháng ngày tớ ư ử nghêu ngao: Em tan trường về, anh theo Ngọ về... ừ, mà hồi đó đâu phải chỉ có mình tớ, còn cả đống thằng si tình em. Nhưng thằng nào may mắn lắm mới được Em ban cho một cái liếc tình, hay một nụ cười duyên... Phải vậy không Phước?

Ông Phước gật đầu, cười mím chi! Cuối cùng, những thằng học trò trắng tay, chỉ biết mơ mộng làm sao địch nổi với ông Phó tỉnh vừa lắm tiền, vừa lõi đời, nên đành "gạt lệ" nhìn em lên xe hoa... Nhưng mối tình đầu mà, dễ gì quên được! Những lúc gây lộn với bà xã, nhất là những khi bị cấm vận, phải khăn gói quả mướp ra ngủ ngoài sa lông. Lần nào tớ cũng lôi hình bóng Thanh Trúc ra để mà mơ mộng viển vông... giá mà hồi đó tớ lấy được nàng thì..v.v và..v.v.

Ðến đây ông Dương thở dài một phát:
- Tiêu hết rồi. Thanh Trúc đã bị "khai tử" trong tim của tớ rồi. Dù cố gắng cách mấy, tớ cũng không thể nào hình dung được một Thanh Trúc hiện tại. Thành thử, hôm đó hầu như chỉ có Trúc độc thoại, tớ cứ ngồi đực mặt ra nghe. Cuộc đời em sau này kể cũng tội...

Ông Phước ngắt ngang, giọng không giấu được vẻ bực bội:
- Tội cái mốc xì! Hồi xưa cô ả ham lấy chồng giàu mà!

Ông Dương chắt lưỡi:
- Ối, duyên nợ mà. Trời kêu ai nấy dạ. Mà các cụ nói đúng thiệt đó: Hồng nhan đa truân!

Theo lời Trúc kể: Sau khi lấy nhau ít lâu, chồng Trúc đổi về Phan Rang. Bốn tí nhau lần lượt ra đời. Cuộc sống êm đềm thoải mái... cho đến năm bảy lăm. Chồng Trúc phải đi học tập và sau một tháng trời bị kiết lỵ, đã gởi xác luôn ngoài Bắc. Tội nghiệp, tay yếu chân mềm như Trúc, lúc đó cũng phải nhào ra đời, bương chải nuôi bốn đứa con thơ... Có thời còn phải cặp với tên trưởng Công an phường, để hắn nhắm mắt làm ngơ cho Trúc mánh mung! Sau nhờ trúng mối thuốc tây nên đành dụm được một món tiền lớn, Trúc âm thầm đem mấy đứa con vượt biên. Tới đảo thi được bà chị chồng bảo lãnh qua Cali. Bao nhiêu năm lăn lộn với đời. Thành công có, mà thất bại cũng nhiều. Bây giờ Trúc làm chủ hai tiệm bán băng nhạc, một tiệm quần áo loại đắt tiền. Khá lắm, nhìn người là biết liền... Nhưng nếu tình cờ gặp lại, tớ bảo đảm các cậu không thể nào nhận ra được... Thú thật, từ hôm ở Cali về, trong lòng mình cứ có cái cảm giác mất mát... tuy mơ hồ, nhưng ray rứt khó chịu lắm! Ông Phước cười cười kiểu đâm sau lưng chiến sĩ:
- Thì cứ cho là cậu bị thất tình Thanh Trúc một lần nữa đi!

Ông Dương liếc qua phía vợ:
- Nói nhỏ thôi cha. Bà xã tớ nghe được, tối nay báo hại tớ phải khăn gói ra sa lông hát bài "giấc ngủ cô đơn"! Tội cho cái thân già này lắm!

Nghe xong câu chuyện của ông bạn nối khố, ông Lãng đưa mắt nhìn vợ. Thấy bà đang cười ròn rã, ông bỗng giựt mình. Suýt chút nữa thì ông khiến cho bà cũng lâm vào tình cảnh của ông Dương! 


Chuyện là vầy. Sau khi tốt nghiệp Ðại Học Sư Phạm ban ngoại ngữ, ông được đổi về dạy tại Trường Trung Học Sađéc. Cái tỉnh nhỏ, hiền hòa, bốn mùa cây trái, cá tôm đầy dẫy. Con gái ở đây cũng trắng da, dài tóc như hầu hết các cô miệt Hậu, Tiền Giang, nói năng lại thiệt thà dễ thương. Mới ngày đầu, bước vào lớp đệ nhị A, ông giáo sư trẻ đã bị cô nữ sinh, ngoài đôi mắt bồ câu đen nhánh, cái miệng chúm chím cười như đóa hoa hồng hàm tiếu, có cái tên thật đài các là Hoàng Phi, hớp hồn liền! Mỗi lần bước vào lớp nhị A, lòng Lãng lại rộn rã khác thường. Hai giờ Pháp Văn sao mà qua như chớp! Ðôi khi bị ông giáo sư khả kính chiếu tướng kỹ quá, con nhỏ mắc cỡ đỏ mặt, phải quay nhìn chỗ khác... 

Biết rằng đẹp như Hoàng Phi chắc chắn phải có cả đống cây si cổ thụ. Lãng băn khoăn, không biết làm cách nào để tiến tới. Nhưng ông Trời cũng không nỡ phụ lòng kẻ tình si. Một hôm Lãng khám phá ra Hoàng Phi là em gái của Vinh, giáo sư toán dạy cùng trường. Tuổi tác không chênh lệch nhiều, lại có chung thú chơi Tennis, nên hai chàng dễ thân nhau. Biết Lãng một mình cũng buồn, nên Vinh hay mời về nhà, đôi khi ở lại dùng cơm với cả gia đình. Lãng khéo léo chiếm cảm tình ba má Hoàng Phi dễ dàng. Là bạn của Vinh, nên chuyện anh chàng "trực" dài dài ở nhà này cũng là chuyện bình thường thôi!

Ðiều tra khéo léo, Lãng biết Hoàng Phi có một bạn trai rất thân. Hai nhà sát vườn nhau. Cô cậu thân thiết từ thuở còn để chỏm! Tú cao lớn, đẹp trai, thân hình lực lưỡng nhưng hiền và ít nói. Ðậu Tú Tài toàn phần năm ngoái và đang theo ban Luật trên Saigòn. Lúc còn học ở Sađéc, anh chàng giữ chân trung phong đội bóng tròn. Ðội này giữ chức vô địch trong mấy năm liền, là nhờ tài sút banh tuyệt vời của Tú. Tuy làm mưa, làm gió trên sân cỏ, nhưng đối với Hoàng Phi, anh chàng hiền như cục đất. Cô nhỏ làm trận, làm thượng cách nào anh chàng cũng chìu răm rắp. Mẹ Vinh kể:
- Cái thằng coi bậm trợn vậy mà hiền khô. Tối ngày cứ bị con nhỏ này ăn hiếp!

Lãng trợn mắt nhìn "con nhỏ ác ôn", giả bộ ngạc nhiên:
- Thiệt hả bác? Ở trường cháu thấy Hoàng Phi hiền lắm mà! Con nhỏ mắc cở, chu mỏ nguýt một cái rồi chạy tọt ra nhà sau..... Rồi chuyện gì đến cũng phải đến. Anh chàng lực sĩ đẹp trai nhưng hiền khô kia đành mất người trong mộng!

Chắc rằng trong thâm tâm, Hoàng Phi chỉ thương Tú như một người anh trai thân thiết, có nghĩa là đặc biệt, đậm đà hơn một người bạn trai bình thường. Riêng Tú, là con một, không anh chị em, nên tất cả tình thương cu cậu dồn cho Hoàng Phi. Mùa hè năm đó, lúc nàng lên xe hoa về với Lãng, Tú buồn đến sanh bịnh. Từ đó ít khi về Sa Ðéc. Mà có về cũng tìm cách tránh mặt Hoàng Phi. Lúc đầu cô nàng cảm thấy áy náy ghê lắm. Nhưng cuộc sống bận rộn với những đứa con lần lượt ra đời, hơn nữa Lãng lại xin đổi về dạy gần Sàigòn, nên Hoàng Phi cũng bớt dần cái mặc cảm có lỗi với Tú... Chỉ biết qua anh Vinh, là Tú lập gia đình rất muộn. Anh còn ghẹo Hoàng Phi là chắc tại nó còn nhớ thương cô!

Ðôi khi buồn buồn nàng cũng nhớ tới những ngày xưa thân ái. Những lần mè nheo, giận dỗi và cái mặt nghệch ra đến tội nghiệp của Tú. Anh chàng khờ này làm sao thấu được tâm lý các cô: cứ được voi đòi tiên! Vì vậy sau này, những lần cãi nhau với Lãng, Hoàng Phi thường đay nghiến - Không biết "bị" cái gì xui khiến mà tui "mờ mắt" nên mới lấy anh! Hồi đó hả, tui muốn trời, muốn đất gì "người ta" cũng chìu...

Lãng đưa hai tay lên trời:
- Thôi em ơi, thà em muốn trời muốn đất gì cũng còn chìu được. Ðàng này em muốn đổi cái xe mới. Mắc quá, mình chưa đủ khả năng. Chợt Lãng đổi giọng "điều tra":
- Hả, mà tại sao hồi đó không chờ lấy "người ta", mà lại "chịu" tui kìa? 

Hoàng Phi rít lên:
- Xí tại cái miệng anh dẻo quá nên tui đâu có ngờ!!!

Nhìn cái mặt phụng phịu, cặp mắt long lanh như xẹt lửa và đôi má đỏ hồng vì tức tối của vợ, Lãng phá lên cười, khiến Hoàng Phi càng giận, dẫy lên đành đạch...

Qua định cư tại Canada từ bảy lăm. Với số vốn Pháp Ngữ và những năm kinh nghiệm trong nghề, Lãng cắm cúi học, thi. Cuối cùng được nhận làm giáo sư cho những người di dân mới tới Québec. Hơn chục năm qua, ông Lãng yên phận với nghề dạy học. Rất vui, vì học trò của ông đủ cả mọi quốc tịch. Âu, Á, Phi, Nam Mỹ, Ả Rập v.v... nhà ông trưng bày đủ thứ tiểu công nghệ do học trò tặng. Cách đây hai tuần, lớp ông nhận một học trò, mới bên Ðảo qua. Nhìn thân hình gầy ốm, tiều tụy, mái tóc điểm bạc thưa thớt, nước da tai tái, cặp mắt trũng sâu như chứa đựng cả một thời u uẩn. Ông Lãng thấy lòng dâng lên một niềm thương cảm! Nhận tờ giấy từ tay học trò. Lướt qua tên họ, ông bỗng giựt mình: Lê-Ðình-Tú. Không lẽ là "hắn"? ông nghĩ thầm và suốt buổi dạy phải cố gắng hết sức mới tập trung được tư tưởng. Ðến giờ ăn trưa, ông rủ người này xuống cafeteria. Với giọng đầy mệt mỏi, chán chường, ông Tú trả lời những câu hỏi của ông Lãng rằng: quê ông ở Sađéc. Hồi xưa tốt nghiệp cử nhân luật. Nhờ lý do gia cảnh - con một - nên được hoãn dịch, rồi thi ra Dự thẩm. Sau bảy lăm, cũng bị học tập ở Cà Mau hết năm năm dài. Mang tấm thân tàn trở về với vợ con, cộng thêm "bonus": bệnh sốt rét, do đàn muỗi rừng thân tặng. Chính "hắn". tuy trong lòng xáo trộn mãnh liệt, ông Lãng vẫn giữ giọng ôn hòa, hỏi thăm gia cảnh của hắn ta.

- Sau khi ra khỏi tù, vợ chồng con cái kiếm đường vượt biên. Nhưng thất bại không biết bao nhiêu lần đó thầy.

Ông Lãng cười, chận lời: 
- Ðừng kêu thầy. Anh được rồi.

Ông Tú cũng nhếch môi, rụt rè tiếp, nhứt định đi cho bằng được, rồi cuối cùng cũng tới đảo. Nhưng chờ thanh lọc mãi, kẹt tới bốn năm. Ông Tú thở ra ảo não, không hiểu tại sao suốt đời tôi cứ gặp rủi nhiều hơn may!!

Ông Lãng kiếm lời an ủi người học trò mới. Nhưng trong trí ông, có hai thứ tình cảm đang xung đột rất dữ dội. Một bên là ông thiện bảo không nên, một bên là ông ác đang thúc dục:
- Cơ hội trả thù đã tới. Còn chờ gì nữa?

Ông nhớ rõ mồn một, cách đây vài tháng. Bà xã ôm chậu bông lồng đèn từ tiệm hoa về, mặt mày hớn hở. Ông vô tình phát biểu:
- Thôi em ơi, mấy thứ bông xứ nóng này khó trồng lắm. Em săn sóc cách mấy cũng được năm bữa, nửa tháng là tiêu...

Bà xịu mặt, như cái bánh tráng bị nhúng nước, phân bua với Hải, cậu con trai lớn, vừa lái xe đưa mẹ đi mua bông:
- Ðó con thấy chưa? Ổng chỉ có tài làm cho người ta mất hứng!

Rồi hổng thèm để ý tới "ông Già Dô Diên" đó nữa, bà kể tiếp với con:
- Hồi xưa... (Vừa nghe đến hai tiếng đó, ông Lãng đưa mắt nhìn con, nhún vai ra chiều bất lực! Hải cũng nhìn lại bố, cậu biết mẹ hay nhắc chuyện xưa, một là để chọc tức bố, hai nữa để có dịp nhắc lại những kỷ niệm thuở thiếu thời. Cho đỡ nhớ quê hương. Vì càng già, lòng nhớ quê hương càng thêm da diết!...) Biết mẹ thích bông lồng đèn, cậu Tú bỏ ra cả tháng trời tìm kiếm mua về, rồi trồng cho mẹ nguyên một hàng, ngay ranh giới của hai nhà. Cậu nói, như vậy cả hai bên đều ngắm được. Cái thứ bông này nở quanh năm. Khi có gió, đong đưa như những chiếc lồng đèn nho nhỏ đủ màu đỏ, hồng, vàng... đẹp lắm... 

Nhưng phải nói cái "điệp khúc" làm cho ông bực bội nhất vẫn là: tụi con biết hông, khi nào có đội banh của cậu Tú tranh tài là sân vận động đông nghẹt. Mỗi lần cậu sút banh vô thành địch, mọi người trên khán đài đều đứng dậy vỗ tay vang rân. Có nhiều cô ái mộ còn liệng khăn mù soa xuống sân cỏ nữa đó. Coi cậu oai hùng dễ sợ! Rồi bà hạ "tông", giọng đầy thương cảm: 
- Tội nghiệp, cậu vì mẹ mà phải khổ bao nhiêu năm trời!!

Bé Diễm cười cười, quay qua hỏi bố:
- Chuyện của mẹ vừa thơ mộng, vừa lâm ly, bi đát như vậy, còn bố thì sao? Có bà nào tự tử hoặc thoát ly tìm quên nơi cửa Phật khi bố lấy mẹ không? Kể tụi con nghe với.

Ông Lãng làm ra vẻ cay đắng:
- Hừm, bố đâu có được đẹp trai, tài ba như "người ta", thành ra chỉ có mẹ tụi bay mới "thèm" thương thôi hà!!!

Bà Lãng háy một cái, bén như dao cạo:
- Hừ, tại hồi đó tui còn ngây thơ quá mà!

Ông Lãng phá lên cười:
- Tại em không biết, chớ bây giờ em vẫn còn ngây thơ vố số tội đó em à!..

Bá xí một tiếng dài cả cây số: 
- Lãng òm!

Mấy đứa con nhỏ che miệng cười khúc khích.

***
Giờ đây, gặp được "Kẻ Thù Không Chân Dung" từ mấy chục năm qua, ông Lãng cảm thấy như mở cờ trong bụng. Chỉ còn chờ cơ hội để ra tay. Chẳng hạn như, một ngày đẹp trời nào đó, bà nổi hứng lập lại điệp khúc "Hồi xưa...cậu Tú", ông sẽ làm như chợt nhớ ra một chuyện chẳng-có-gì-quan-trọng-cả và từ tốn nói với bà:
- A, em nhắc anh mới nhớ. Hôm rồi anh có gặp một người tên Lê Ðinh Tú, ở đảo mới qua. Ông ta nói ở cùng quê với em... Bà sẽ trợn tròn mắt lên nhìn ông. Sẽ hấp tấp đặt cả trăm câu hỏi về người đó và ông sẽ chẳng hẹp hòi gì mà không đưa cho số phone của hắn. Rồi sau đó, phải, sau đó ông sẽ khoan khoái vểnh râu lên, chứng kiến cái cảnh thất vọng não nề, đắng cay, tức tưởi... của bà khi gặp lại người xưa... vì ông ta không còn một ly ông cụ nào của cái mà bà vẫn ca ngợi là cậu Tú-Oai-Phong-Lẫm liệt. Tay trung phong số một v.v.. Bà không trách ông vào đâu được. Vì ông có làm gì đâu, ngoài chuyện giúp bà gặp lại người bạn thân thiết cũ?

... Nhưng bữa nay, câu chuyện về Thanh Trúc do ông Dương kể, làm ông thấy trong lòng hơi kỳ kỳ. Hình như là cảm giác bất nhẫn sao đó. Rồi ông đâm băn khoăn... ừ, nghĩ cho cùng, tuy ở trong một xã hội văn minh vào bậc nhất thế giới, mà quanh năm ngày tháng, ông và tất cả mọi người chung quanh cứ phải tất bật chạy. Sáng chạy đến sở, chiều chạy vội về nhà, lo cơm nước, con cái. Cuối tuần chạy đi chợ... ô hô trăm công, ngàn việc. Lắm lúc mình không còn biết mình là ai nữa. Mọi người đều mắc chứng bịnh quên trầm trọng (trừ những kỷ niệm xa lắc xa lơ thì lại nhớ như in!). Những năm gần dây, cứ năm bữa nửa tháng lại có tin một người bạn, hoặc một người quen nào đó cỡi hạc chầu trời. Không đứt mạch máu cũng ung thư này, ung thư nọ. Bị áp lực nặng nề từ muôn hướng! Giả sử, nếu ông hay bà đột nhiên lăn quay ra thì sao? Chỉ nghĩ đến điều đó thôi, ông đã thấy gai gai trong người. Tự dưng ông cảm thấy chuyện trả thù thiệt là nhỏ nhặt hết sức. Ông bỗng hiểu ra rằng, trong lòng mỗi người, ai cũng có một khu vườn thầm kín riêng. Hoa thơm, cỏ lạ cũng nhiều, mà gai góc, cỏ dại cũng không thiếu. Trong đáy tim, mấy ai không giấu kín một bí mật nào đó. Một hình bóng từng làm rung động con tim non nớt. Một mái tóc bồng bềnh, hay một tà áo dài bay bay trong gió lộng.... Rồi có những lúc cảm thấy mỏi mệt với cuộc đời, thất vọng vì những người xung quanh. Không gì hạnh phúc hơn, là thu mình vào khu vườn lòng, thả hồn lãng đãng với những kỷ niệm thân quen... Nếu cứ nhứt định trả thù để thỏa mãn tự ái, ông sẽ vô tình dẫm nát khu vườn thầm kín, mà bấy lâu bà vẫn trân trọng, nâng niu.

Ông nên để cho bà vui với chút kỷ niệm của thời còn gái. Dù sao, đó cũng chỉ là những kỷ niệm suông. Còn ông mới là người chồng, đầu ấp tay gối từ ba mươi năm nay! Ông đưa mắt về phía các bà. Ðúng lúc bà Lãng cũng đang nhìn ông, tươi cười, ánh mắt đầy vẻ thương yêu. Ông cũng cười với vợ. Trong lòng vừa có một quyết định, chắc như đinh đóng cột: Mình nhứt định không làm một người chồng nhỏ nhen, ích kỷ, khiến cho vợ buồn lòng... Ông thở một hơi dài khoan khoái, như người vừa trút được một gánh nặng ngàn cân. Rồi hứng chí, đưa mấy ngón tay lên môi, gởi cho vợ một chiếc hôn gió... mặc kệ những cặp mắt của bạn bè chung quanh đang trợn tròn lên nhìn hai người... Ðúng lúc ông Phước đứng lên tuyên bố tới giờ mở Champange để chúc mừng vợ chồng chủ nhà. Mọi người vỗ tay hưởng ứng. Ông Lãng nhủ thầm lâu lắm rồi mình mới có lại được cái cảm giác hạnh phúc tuyệt vời như tối nay!

Tiểu Thu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét