Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018

Chiêm Bao


Ông Trang Tử sinh đất Mông thuộc Tống, thời chiến quốc (365 – 210 trước CN), đã nêu một ý trong thiên Tề Vật Luận, thuộc nội thiên trong Trang Tử Nam Hoa Kinh. 

“ Xưa Trang Châu chiêm bao thấy mình là bướm, vui với phận làm bướm, vui thích không còn biết mình là Châu. Chợt tỉnh giấc thấy mình là Châu, không biết Châu lúc chiêm bao là bướm hay bướm lúc chiêm bao là Châu, Châu cùng bướm chắc có phận định “ 

Bên nước chúng ta, Cao Bá Quát ( 1809 – 1855 ), gói gọn ý thú trong hai câu thơ, nội hàm như vậy, mà văn phong chắc nịch, ông không chiêm bao, ông tỉnh táo thốt. 
“ Vắt tay nằm nghĩ chuyện lần khân “ 
“ Đem mộng sự đọ với chân thân thì cũng hệt “ 

Mộng không phải là thực, nhưng mộng ở trong thực. Thực không phải là mộng, nhưng thực vẫn đậm dấu trong mộng. 

Tôi cùng một bạn đồng hành cùng đi bộ về quê, đến một ngã rẻ, tôi nói đường này đúng, người bạn bảo đường kia mới đúng. Tôi cương quyết đi đường tôi và tôi đi, người bạn cũng rẻ sang đường kia, tôi thoáng thấy cái đầu nhấp nhô sau đám sậy và đế cao hơn đầu rồi mất dạng, tôi tiếp tục đi ngang qua ngôi chợ nằm cạnh đường đi, giữa buổi chợ đông sáng sớm, nhộn nhạo với y phục bình thường, tôi thoáng thấy một người đàn bà trẻ, mặc y phục dạng đồ bộ kiểu màu đỏ thắm, từ bên ngoài đi xuyên qua chợ rồi khuất dạng nơi xóm nhà sau chợ, lòng tôi lâng lâng lạ “ có lẽ là thói háo sắc từ sâu thẳm của đàn ông “.

Tôi lại tiếp tục con đường về nhà tôi, tôi đi mãi bổng gặp một tai nạn bên phải đường tôi đi, một chiếc xe lam lật nhào xuống thửa ruộng, trên xe không có hành khách, người lái xe lam nằm trong chiếc xe lam lật ngang, chiếc đầu bị đứt rời khỏi thân mình, nằm nghiêng dưới ruộng. 
Khi tôi đến, chiếc đầu bổng chớp mắt rồi mở miêng nói
 –Xin ông tìm bảo bọc vợ con tui. 
Nói xong chiếc đầu lại nhắm mắt, trong bụng tôi nghĩ thầm không nói vợ con ở nơi nào làm sao tui biết mà tìm, lại nhớ về mô tim còn có thể sống thêm nhiều giờ trong môi trường canh. Tôi nắm tóc xách chiếc đầu về nhà má tôi, đi thẳng vào bếp mở nồi canh, nhúng chiếc đầu vào, chủ ý hỏi thêm cho rõ nơi ngụ của gia đình ông ta, khi nâng chiếc đầu lên, ôi trời ôi sao lại là sơn đỏ ngập đầu còn chảy lòng thòng, chiếc đầu chết hẳn. 

Giấc mơ vào khoảng năm 1970 tôi ở Kiên Lương, một quận thuộc tỉnh Rạch Giá, cách Hà Tiên hơn 30 cây số, năm 1974 tôi về Rạch Giá, tạm trú nơi nhà chị Hương, vợ người bạn chung ngành, bà mẹ chị Hương nghe tôi kể lại hỏi tôi – Chú biết ý nghĩa giấc mơ của chú không. Tôi nói không biết. bà nói tiếp – đây là giấc mơ hiển thánh, chú quê quá xá. Nghe bà nói trong bụng tôi không tin, tôi lỡ tay làm chết người mà hiển thánh cái nổi gì. 

Lại một buổi trưa cũng nơi Kiên Lương, khoảng 2 giờ, tôi nằm nghỉ lưng, một quyển kinh rất dầy và to, bề ngang khoảng 1 thước, bề dài khoảng thước rưởi, nằm lơ lửng trên cao, cận nóc mùng, lấy làm lạ, tôi nhìn khung cửa sổ bện hông thấy sân của TĐ, nắng chói chang, quay vào nhìn thẳng lên vẫn thấy quyển sách vẫn còn đó, tôi vói tay mở chiếc bìa cứng ra, lật tiếp theo một trang trắng, trong lòng tôi nghĩ rằng, nếu mình xem quyễn kinh này chắc rằng sẽ khai thông những bế tắc từ lâu nay, 
Tiếng người bạn gọi vọng từ cửa vào nhà. 
- Cụ Phú cho gọi nhờ điện thoại nghen 
Tôi ngoái cổ nhìn, thì ra tay Trọng 
- Cụ vào gọi tự nhiên đi 
Lật mình lại, không còn thấy quyển sách đâu nữa, tôi nghĩ bụng chắc không có duyên với sách rồi, tôi bước ra ngoài nói chuyện với tên Trọng. 

Đâu khoảng những năm 1990, đầu hôm tôi nằm song chưa ngủ, tự nhiên tôi có cảm giác mất tiêu chân rồi thân mình và tay, có nghĩa là mất hết chỉ còn cái biết mất trong đầu, lạ cái là nếu tôi muốn có lại thân mình và tứ chi, tôi nhận biết trở lại, kể cả co lại những ngón chân, sau đó tôi muốn quên cảm giác có chân, tay, thân mình, thì hoàn toàn không có thân mình cùng tứ chi, chỉ có cảm giác lâng lâng nhẹ nhàng trong sáng, tôi tự nhủ, thôi ngủ cho rồi và tôi vào giấc ngủ nhanh và nhẹ vô cùng. 


Khoảng hơn chục năm sau, cảm giác này tái hiện lại, bổng nhiên một thoại đầu trong thiền hiện ra, tôi hiểu rõ như nhìn tạn mặt lòng bàn tay của mình, thoại đầu người xưa không phải làm tối tâm, rối rấm thêm cho người, mà thật ra nói rõ, rất rõ cho người nhận, chỉ rõ ràng không che giấu một chút nào. Tôi thử nhiều thoại đầu khác vẫn tức thì rõ ràng, trong sáng, chuyễn đề mục sang kinh thì thấy rõ lòng đại từ đại bi của các vị cổ đức thật vô cùng, không cách chi báo đáp được. Từ đó câu chuyện khuyên xưa hiện rõ. 

Sào cao trăm thước ngồi chót vót 
Muốn thấy mà nào thấy được chân 
Ví phỏng đầu sào thêm bước nữa 
Thì đây thế giới hiện toàn thân 

Thật ra nhiều vị đến đây, muốn buông tay cho rồi, muốn nhảy thoát, mà tay chân cứ dính cứng bởi chiều dài nhân quả trong lụy thời gian, riêng cá nhân tôi, tự nhiên mà được không biết do đâu, chỉ biết tâm thức lúc đó thật an lạc bình yên, sáng tỏ rổng rang, niệm nào hiện ra đều tròn trịa, sáng tò rỏ niệm ấy. Khoảng 2003 người bạn thân duy nhất của tôi tên Bì, từ Santa ana về cùng gia đình thăm quê, anh ghé thăm tôi, dùng 1 buổi cơm đạm bạc, cơm hột vịt luộc dầm nước mắm, buổi ăn chỉ bấy nhiêu thôi vì bạn tôi không thích bày biện, và anh cũng không thích thịt, cá, sau buổi cơm tôi kể cùng anh công chuyện xảy ra cho tôi, tôi thắc mắc, không biết sao, sau chuyện đó mãi đến giờ muốn được lại tâm thức đó mà không cách chi có lại. Anh nói đơn giản cùng tôi 

- Tại vì hiện tại lòng “ Nị “ không trống không, tìm cách trở lại thì làm sao mà 
“thấy“ được 

Anh về kỳ này, tặng tôi 1 đồng hồ casio, và trong túi anh còn 300 đồng USA anh móc hết cho tôi, con gái tôi là bé Ky về chào anh, trong túi còn 250.000 tiền VN anh cũng móc cho hết, đến chừng đưa anh về anh muốn hút thuốc mà hết tiền, tôi ghé bà Nủi mua một gói thuốc để anh dằn túi, kể từ đó tôi không gặp lại anh nữa, tuy nhiên mỗi gần cuối năm, chị Mạnh vợ anh vẫn thường gởi 100 đồng cho tôi, có lẽ theo lời dặn của anh, ít lâu sau chị Mạnh bị gảy xương đùi phải đi xe lăn, phần anh nghe đâu anh bệnh khá nặng, phải vào viện dưỡng lão tạm trú cho hết những ngày cuối đời. Tôi được nghe kể lại những đứa em bên Santa ở gần anh mang thuốc thang trị căn bệnh của anh, anh từ chối trị rồi nói cùng các em của mình – Máy xài đến cuối, đã tới thời kỳ hoại rồi, tiếc giữ có được sao. Đúng phong cách lão Bì từ xưa nay, dấn thân cho chuyện ích lợi tha nhân bất cần nhìn lại. 

Đâu khoảng 2010, đi dạo lang thang, phía bên phải con đường có một căn nhà lá, ngang 4 thước, dài 5 thước, là một quán trọ nền đất, tôi sanh lòng mến muốn vào uống cà phê và ngơi nghĩ. Giữa nhà một bàn cây chử nhật, khá tối, không thấy chủ nhân, phía bên trái nhà, một cái chái nhỏ, trong đó là chiếc giường cá nhân bằng cây rất đơn sơ, không có chủ, không có ghế ngồi, tôi ngã lưng xuống giường cảm thấy rất vừa lòng yên tịnh tôi chìm vào giấc ngủ không biết bao lâu tôi tỉnh giấc, thọc chân xuống giường rà tìm đôi dép của mình mà không thấy đâu, cả đống dép mà không chiếc nào đủ đôi, không chiếc nào giống chiếc nào, tôi đành đi chân không ra khỏi quán. 
Ra khỏi quán tôi đi về bên phải, đến hết con đường lớn, bên trái là căn nhà cấp bốn xây dựng theo kiểu hiện tại, màu sắc có vẻ phô trương, trước mặt ngôi nhà, con lộ đất nhỏ bề ngang khoảng thước rưỡi, thấp xuống hơn nữa thước chạy về phía bên trái cặp hông ngôi nhà, dẫn đến một trường học cũng nằm bên trái, con đường tiếp tục đến một nghĩa địa bên phải, tôi biết vậy nên không đi nữa mà đi trở lại lối cũ, phải bước trở lên một con dốc vừa đi xuống, thật cực nhọc, phải thật hết sức tôi mới lên được con dốc. 
Sau khi đi được mươi bước, một đoàn người đông vô cùng, đi ngược lại phía tôi, hướng về phía nghĩa địa, họ đi lưng họ thẳng băng, chỉ hai chân bước gần như sải nhanh, tất cả đều chân trần, đi gần trước mặt tôi là người đàn bà khoảng hai mươi mấy tuổi, áo dài vải ta trắng đã ngã màu ngà, vạt áo cao suôn đuột không nhấn eo, quần cũng vải ta trắng, đây dạng y phục của những năm 1930, họ đi mà không nhìn tôi, tôi chật vật đi ngược lại rất khó khăn dù họ không hề chạm vào tôi. Bầu trời trắng sáng đục, không có mặt trời, vì vậy dù sáng trưng họ vẫn không có bóng đổ, họ đi lầm lũi, mặt ngó thẳng, không hề nói chuyện, không ngó ngang dọc. 

Họ cùng về nghĩa địa. 

Những giấc mơ mà tôi còn nhớ như in, chẳng biết là mộng trong thực hay thực trong mộng. 
Trong cuộc sống của mỗi một con người chính mình, chúng ta cạnh tranh học hỏi, sinh tồn, tích trử, luôn cảnh giác đề phòng mọi sự mọi việc..chúng ta tạo một xoáy nước của riêng chúng ta, khởi đầu ta tạo và rồi ta bị cuốn theo, cuộc sống phải vậy, rồi sức cùng lực cạn, xoáy nước dần hòa hoãn, ta hoạt động chứ ta không cố công hành động, từ đó chúng ta bình đẳng thong dong đi tiếp…Nương nhờ giáo lý các vị đạo sư, và ta tự chứng từng phần trong ta..có vô độ phần.. 

Trương Văn Phú 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét