Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

Hiên Chiều


Sao còn ngồi đây chiều quá xa xăm
con dốc trần gian mệt mỏi âm thầm
sao còn ngồi đây hỏi ta tiền kiếp
cánh chim nào nhớ biển lặng căm

Sao còn quanh đây đời sắp trăm năm
ta có u mê bờ bến trăng rằm
em có u mê một thời nhẹ dạ
những u tình còn đau bến sông

Sao còn chiều nay không còn chiều qua
quán thưa buồn một kẻ không nhà
ai người ngủ bụi bên hiên trống
tay thuốc tay đàn tóc trắng hoa

Ta còn chiều nay nắm tay ngày tháng
lòng đã tàn phai bảo cát chập chùng
ta còn chiều nay vói tay tìm lại
cánh mai vàng đầm ấm nở bao dung

Ta còn chiều nay nhúm lại chiều qua
hong áo ly hương ngọn lửa xa nhà
đốt ta ly tách sầu trăm họ
có cháy buồn em ở rất xa

Ta còn bao lâu nói chuyện đời nhau
gom lá quanh cây thấy nụ lê sầu

Lâm Hảo Khôi

(Cuối tháng 7-2014)

Thơ Tranh: Nụ Cười Còn Đó


Thơ: Hoàng Dũng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Nhớ Về Anh


Định mệnh trớ trêu em yêu một người
mà người đó không phải là anh
trong khi con tim em
mãi vấn vương người cũ
gặp lại anh chợt ngẩn ngơ do dự
lý trí - tình yêu, xung đột mãi sao đành!
Nhớ ngày nào hai chỏm tóc còn xanh
nay bạc mái đầu, mắt mờ, tai nghễnh
còn chút gì đọng lại sau hàm răng khểnh
để bây giờ tiếc nuối ngày xưa!
Em yêu một người đón cánh hoa thừa
về ủ ấm sau cơn mưa héo úa
kể từ đó - chuyện tình hai đứa
trôi theo dòng dĩ vãng mù khơi.
Em gọi là chồng - che chở cuộc đời
trong cuộc sống mấy chục năm hạnh phúc
không hiểu sao đôi khi màn chiều bao phủ
vẫn nhớ anh từng phút buổi Thu về…

Dương Hồng Thủy


Thiên Trường Vãn Vọng



     天長晚望          Thiên Trường Vãn Vọng
村後村前淡似煙,
Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên 
半無半有夕陽邊。Bán vô bán hữu tịch dương biên
牧童笛裡歸牛盡,
Mục đồng địch lý quy ngưu tận
白鷺雙雙飛下田
    Bạch lộ song song phi hạ điền

Dịch Xuôi : 
Xa Trông Cảnh Quê Lúc Chiều Xuống Ở Thiên Trường


Ngoài xa, thôn sau, thôn trước , nhìn thấy lờ mờ qua màn sương chiều
Ẩn hiện, thấp thoáng, như có, như không, dưới ánh nắng cuối ngày
Tiếng sáo mục đồng đã đưa trâu về chuồng hết
Một đàn cò trắng, từng đôi , bay liệng đậu xuống ruộng

Dịch:
Thiên Trường Vãn Vọng
Thôn xa, sau trước, qua màn sương ,
Như có, như không, chiều nắng vương.
Trẻ dẫn trâu về trong tiếng sáo ,
Từng đôi cò liệng, trắng đồng không.

Chú Thích :
(1) Thiên Trường , thuộc tỉnh Nam Định , Bắc Việt,  là quê nhà của vua Trần Nhân Tôn.
(2) Tôi đã chuyển dịch chữ "hữu"la` "có"  và chữ "vô" là "không" trong câu "bán vô bán hữu tịch dương biên" theo ý nghĩa chữ "hữu" và chữ "không" trong bài kệ "Hữu Không" của Thiền sư Từ Đạo Hạnh (1072 - 1116) , đời nhà Lý : "Tác hữu trần sa hữu / Vi không nhất thiết không / Hữu không như thủy nguyệt/ Vật trước hữu không không". Dịch Xuôi : bảo là có thì hạt cát là có / bảo là không thì tất cả là không / có không như bóng trăng trong nước/ chớ nhất quyết là có hay là khộng.
Lời Thêm :Vua Trần Nhân Tông, 1 nhà vua có 1 không 2 của nước ta. Là 1 vị anh quân 2 lần thắng Nguyên Mông . Là 1 bậc chân tu sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Và , còn là một nhà thơ yêu đời yêu người. Bài Thiên Trường Vãn Vọng , có lẽ, được nhà vua sáng tác khoảng thời gian về nghỉ ở quê ,trong một buổi chiều , từ hành cung Thiên Trường , nhìn ra ngoài xa , ngắm cảnh đồng quê thanh bình của đất nước. Còn lúc bấy giờ , nhà vua đang nghĩ gì thì thật tình , ngoài lòng tôn kính, ngưỡng mộ và biết ơn , kẻ hậu bối này không dám lạm bàn. 
Phạm Khắc Trí
07/13/2014 
* * *
        Buổi chiều ở Thiên Trường
 
   Thôn trước sau khói mờ vương vấn,
    Bóng chiều tà nửa ẩn nửa không.
        Trâu về tiếng sáo mục đồng,
Xuống đồng cò trắng song song là là.
                                         Mailoc
* * *
              Chi
ều Về

Thôn xóm bềnh bồng dưới khói mây
Hoàng hôn chệnh choạng ánh tà say
Một đàn cò trắng sà nương lúa
Tiếng sáo trâu về tha thiết bay

                                          CDM

* * *
Cảnh Chiều Ở Thiên Trường

Xóm thôn mờ mịt khuất màn sương
Ẩn hiện trong chiều dưới nắng vương
Trâu nhẩn nha về theo tiếng sáo
Trên đồng, cò trắng cánh chao buông...
                           Phương Hà phỏng dịch
* * *
         Ngắm cảnh Chiều

Trước xóm lẫn sau như khói nhạt
Ánh tà dương tựa có mà không
Vẳng trong sáo trẻ trâu về hết
Cò trắng từng đôi xuống ruộng đồng
                                   Quên Đi

Ta Lập Hội (Ái Hữu 72)


   

Chúng mình lập hội nầy
Bây giờ mới thấy hay
Tình thân còn thắm thiết
Ái Hữu: ôi!!! kỳ thiệt
Chúng mình lập hội nầy
Mai đây mình trăm ngã
Cng cố hợp một nhà
Ái Hữu; À!!! của ta
Chúng mình lập hội nầy
Một năm rồi đấy nhé
Tiến trin xem phẻ re
Tương lai tồn tại nè

Nguyễn Văn Tùng
(Trích từ Nội San 72- Lớp 11B3 - Niên khoá 1972)

Hoa Trang Trước Ngõ


Bụi trang trước ngõ màu tươi thắm
Thoáng dịu hương trong ủ lá cành
Chạnh nhớ mùa xưa trên lối mộng
Hoa cài mái tóc đẫm tình anh!

Giọt nhớ sương chiều vương mắt em
Gió ru hồn lạc chốn xa miền
Nắng rơi nghiêng cánh hoa thềm cũ
Mưa có thấm lòng... anh nhớ em?


Yên Dạ Thảo
Hình phụ bản của tác giả

Xướng Hoạ "Tình Ngâu"


Xướng: Tình Ngâu

Mưa nhớ thu buồn những giọt ngâu
Đôi bờ lưu luyến phút ban đầu
Se duyên hai bến mong tương ngộ
Ô Thước sông Ngân kết nhịp cầu
Quên Đi
* * *
Hoạ: Tình Ngâu

Nhịp cầu Ô Thước đón mưa Ngâu
Hai bến sông Ngân thắm mộng đầu
Hẹn ước phút giây ngày tái ngộ
Ngưu Lang Chức Nữ đoái mong cầu

Mùa Vu Lan 2014
Thiên Thu

Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

Mưa Tình Tháng Bảy



Dìu dặt tiêu đưa áo não sầu
Nặng lòng đau trổi khúc bi thương
Ước nguyền tơ tóc bao ngang trái
Đôi lứa trời đày mỗi ngả chia

Tháng Bảy về mưa tình giọt ngâu
Ngọt bùi làn nước mắt rơi mau
Dòng sông ngăn cách xa vời vợi
Ô Thước cầu đau nối nhịp buồn

Giây phút tương phùng thôi nhớ mong
Bóng đêm đày đọa những ngày trông
Mưa tình ray rức giờ ly biệt
Tháng Bảy sông Ngân lạnh bến chờ


Kim Phượng
13.8.2013

Ca Khúc Qua Sông - Thơ Lý Thừa Nghiệp - Nguyên Thông Văn Giảng Phổ Nhạc


Thơ: Lý Thừa Nghiệp
Nhạc: Nguyên Thông Văn Giảng
Tiếng Hát: Trang Mỹ Dung

Tháng Bảy Nhỏ Lệ Tình Ngâu


Chiều tháng bảy sụt sùi suối lệ Ngâu
Mưa lầy bước em trên dốc tình sầu
Ngọn gió vô tình lùa bay hương tóc
Thổi hạt mưa buồn đọng hoen mắt nâu

Mưa tháng bẩy dầm dề nỗi nhớ nhung
Cho hồn tê tái niềm đau khắc khoải
Giọt sầu vụn vỡ mảnh cắt lạnh lùng
Lòng em mưa đổ người nào đâu thấu

Như Chức Nữ bên dòng sông định mệnh
Tiếng đàn nỉ non oán khúc sầu mưa
Tơ lòng thổn thức ngàn cung phím nhớ
Não nùng trong đêm xót những âm thừa

Hỏi trời sao đành rẻ thuý chia uyên
Cho trăm năm bến vẫn mãi đợi thuyền
Cho tương tư sầu riêng em nặng gánh
Chờ đàn Ô Thước nối vòng nợ duyên

PTMC

Tiểu Vũ Vi
15/07/08


Tình Ngâu


Mưa nhớ thu buồn những giọt ngâu
Đôi bờ lưu luyến phút ban đầu
Se duyên hai bến mong tương ngộ
Ô Thước sông Ngân kết nhịp cầu

Quên Đi

Thơ Tranh: Quá Giang Nỗi Buồn



Thơ: Trầm Vân
Thơ Tranh: Kim Quang

Dạ Khúc Mưa - Từ Kế Tường


Một lần bất chợt nghe mưa
Cố tình để chút âm thừa dội lên
Tiếng khua động bóng hình em
Ngời ngời viễn cách đêm đêm bước về

Cúi đầu thương ngọn gió se
Thương ta kiếp trước đâu dè ngày nay
Gõ đàn lên kịp mấy dây
Khóc trong dạ khúc, lòng đầy hương xưa

Ai ngoài cây cỏ xa mờ
Trăm năm mắt lệ nằm chờ ánh trăng
Ta ngồi trong cõi nhân gian
Búng tay mấy nhịp nghe tràn nỗi đau

Thôi đành như nước chân cầu
Ngược, xuôi cũng một bóng câu qua trời
Một lần tạ hạt mưa rơi
Vờ quên đóng cửa gọi chơi bóng người. 

Từ Kế Tường
Suối Dâu sưu tầm

Ngưu Lang Chức Nữ - Từ Huyền Thoại đến Hiện Thực

1 - Huyền Thoại


Câu chuyện cảm động lòng người từ cổ chí kim truyền lại về chuyện tình ngang trái của đôi nam nữ trên cung đình, dựa trên các ngôi sao có thật trên bầu trời. Nhân dịp sắp đến ngày mùng 7 tháng 7 âm lịch, chúng ta hãy tìm hiểu về câu chuyện này và các ngôi sao này trên bầu trời nhé.
Ngưu Lang - Chức Nữ hay Ông Ngâu - Bà Ngâu là câu Truyện Cổ Tích, có hai phiên bản, một của Việt Nam và một của Trung Quốc. Truyện cổ tích này có liên quan đến các sao Chức Nữ(Vega) và sao Ngưu Lang (Altair), dãy Ngân Hà và hiện tượng mưa Ngâu diễn ra vào đầu tháng Bảy âm lịch ở Việt Nam. Trong truyện cổ tích Trung Quốc cũng có nhắc tới Ngưu Lang (牛郎) vàChức Nữ (織女) nhưng nội dung câu chuyện cũng như các dị bản thì không giống với truyện của Việt Nam.

Phiên bản Trung Quốc
Chàng chăn bò trẻ tuổi có tên gọi Ngưu Lang (chàng chăn bò, là sao Ngưu Lang) nhìn thấy bảy cô tiên xinh đẹp đang tắm trong hồ và đang đùa giỡn vui vẻ với nhau. Được cổ vũ bởi người bạn đồng hành tinh quái là một con bò đực, chàng đã lấy trộm váy áo của họ và chờ đợi xem điều gì sẽ xảy ra. Các nàng tiên đã cử cô em út và xinh đẹp nhất có tên gọi là Chức Nữ (hay cô gái dệt vải) ra để lấy lại váy áo. Nàng đành phải làm theo, nhưng do Ngưu Lang đã nhìn thấy thân thể trần tục của Chức Nữ nên nàng đành chấp thuận lời cầu hôn của chàng (đúng như câu "Nam nữ thụ thụ bất thân" của lễ giáo phong kiến). Nàng đã chứng tỏ mình là một người vợ tuyệt vời, còn Ngưu Lang là một người chồng tốt và họ đã sống bên nhau hạnh phúc. Nhưng Thiên Hậu (trong một số dị bản là mẹ Chức Nữ) nhận ra rằng một kẻ tầm thường (tức Ngưu Lang) lại dám cưới một nàng tiên đẹp và bà đã điên tiết (trong các dị bản khác, Thiên Hậu bắt Chức Nữ quay lại làm công việc dệt các đám mây ngũ sắc trên bầu trời vì nàng đã không làm công việc đó kể từ khi lấy chồng). Rút cái kẹp tóc của nàng ra, Thiên Hậu đã vạch ra một con sông rộng trên bầu trời để chia cắt đôi tình lang mãi mãi (vì thế tạo ra sông Ngân và trên thực tế người ta nhìn thấy các sao Ngưu Lang và Chức Nữ nằm ở hai bên của Ngân Hà).
Chức Nữ phải vĩnh viễn ngồi trên một bờ sông, buồn bã dệt vải, còn Ngưu Lang chỉ nhìn thấy vợ mình từ xa và phải chịu trách nhiệm nuôi hai con (tức hai ngôi sao bên cạnh nó là Aquila -β và -γ).
Nhưng có một ngày, tất cả các con quạ cảm thấy thương hại họ và chúng bay lên trời để làm cầu (Ô kiều) để đôi vợ chồng có thể gặp nhau trong một đêm, là đêm thứ 7 của tháng 7 âm lịch .Tuy nhiên vì thương tiếc cho đôi vợ chồng Ngọc Hoàng đã đặc xá cho Ngưu Lang và Chức Nữ mỗi tháng được gặp nhau một lần và đồng thời cũng trong thời gian đó Ngưu Lang đã tìm được quả "Hoa Tiên" (là quả mà Hằng Nga đã từng ăn) vì vậy Ngọc Hoàng cùng với Vương Mẫu đã cho Ngưu Lang và chức Nữ cùng ở bên nhau nuôi con mãi mãi không bao giờ chia lìa. Truyền thuyết này có thể là gốc cho thành ngữ Tắm Tiên(theo Wikipedia)

Truyện Cổ Việt Nam

Ngưu Lang là vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng Thượng đế, vì say mê một tiên nữ phụ trách việc dệt vải tên là Chức Nữ nên bỏ bê việc chăn trâu, để trâu đi nghênh ngang vào điện Ngọc Hư. Chức Nữ cũng vì mê tiếng tiêu của Ngưu Lang nên trễ nải việc dệt vải. Ngọc Hoàng giận dữ, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người đầu sông Ngân, kẻ cuối sông

Sau đó, Ngọc Hoàng thương tình nên ra ơn cho hai người mỗi năm được gặp nhau một lần vào đêm mùng 7 tháng Bảy âm lịch. Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt. Nước mắt của họ rơi xuống trần hóa thành cơn mưa và được người dưới trần gian đặt tên là mưa ngâu.

Thời bấy giờ sông Ngân trên thiên đình không có một cây cầu nào cả nên Ngọc Hoàng mới ra lệnh cho làm cầu để Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau. Các phường thợ mộc ở trần thế được vời lên trời để xây cầu. Vì mạnh ai nấy làm, không ai nghe ai, họ cãi nhau chí chóe nên đến kỳ hạn mà cầu vẫn không xong. Ngọc Hoàng bực tức, bắt tội các phường thợ mộc hóa kiếp làm quạ lấy đầu sắp lại làm cầu cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau. Vì thế cứ tới tháng bảy là loài quạ phải họp nhau lại để chuẩn bị lên trời bắc Ô kiều. Khi gặp nhau, nhớ lại chuyện xưa nên chúng lại lao vào cắn mổ nhau đến xác xơ lông cánh. Ngưu Lang và Chức Nữ lên cầu, nhìn xuống thấy một đám đen lúc nhúc ở dưới chân thì lấy làm gớm ghiếc, mới ra lệnh cho đàn chim ô thước mỗi khi lên trời làm cầu thì phải nhổ sạch lông đầu. Từ đó, cứ tới tháng bảy thì loài quạ lông thì xơ xác, đầu thì rụng hết lông.

Có dị bản khác cho rằng tên gọi của Ô kiều là cầu Ô Thước do chim Ô (quạ) và chim Thước (chim Khách) kết cánh tạo ra.
2 - Trên Thực Tế
Hình chụp quầng khí quanh sao Chức Nữ
Sao Chức Nữ (α Lyr / α Lyrae / Alpha Lyrae hay Vega hoặc Vêga) là ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Thiên Cầm (Lyra), và là sao sáng thứ 5 trên bầu trời đêm. Nó là sao sáng thứ 2 ở bầu trời phía bắc sau Arcturus, và thông thường có thể nhìn thấy ở gần thiên đỉnh khi quan sát ở các vĩ độ trung bình (40-50) về mùa hè ở bắc bán cầu.
Nó là "ngôi sao gần" cách hệ Mặt Trời chỉ có 25,27 năm ánh sáng, và cùng với Arcturus và sao Thiên Lang (Sirius), là những ngôi sao "hàng xóm" của Mặt Trời sáng nhất. Sao Chức Nữ là một đỉnh của Tam giác mùa hè.
Lớp quang phổ của nó là A0V (Sao Thiên Lang là A1V, tức là ít mãnh liệt hơn một chút) và nó là sao thuộc chuỗi chính với các phản ứng hạt nhân chuyển hiđrô thành heli trong lõi của nó. Vì các sao càng mạnh thì sử dụng nguồn nguyên liệu nhiệt hạch càng nhanh, thời gian đang tồn tại của sao Chức Nữ chỉ khoảng 1 tỷ năm, bằng 1/10 của Mặt Trời. Sao Chức Nữ có bán kính 2,5 lần lớn hơn, 3 lần nặng hơn và 50 lần bức xạ mạnh hơn Mặt Trời.
So sánh kích thước Sao Chức Nữ bên trái và Mặt Trời
Sao Chức Nữ có một lớp bụi và khí hình chiếc đĩa vây quanh nó, được phát hiện bởi IRAS vào giữa những năm thập niên 1980. Nó hoặc là dấu hiệu của sự hiện diện của các hành tinh hoặc là các hành tinh của nó sẽ sớm được tạo ra. Đĩa mẫu hành tinh, như có thể suy ra từ tên gọi của nó, được tin là sẽ dẫn đến sự hình thành của các hành tinh nhưng cũng có thể tồn tại một thời gian dài sau khi các hành tinh đã hình thành nếu không có các hành tinh khí khổng lồ giống như sao Mộc.
Vào khoảng năm 14.000, sao Chức Nữ sẽ trở thành Sao Bắc cực, do hiện tượng tuế sai của các điểm phân. Xem bài Polaris để có thêm thông tin.
Các nhà thiên văn học chuyên nghiệp sử dụng sao Chức Nữ để xác định thang độ sáng tuyệt đối. Khi thang độ sáng được quy định thì giá trị cường độ sáng của sao Chức Nữ rất gần với 0. Vì thế độ sáng biểu kiến của Chức Nữ, theo định nghĩa, được chọn là bằng 0 trên mọi bước sóng (nó không được sử dụng gần đây do độ sáng biểu kiến ngày nay chủ yếu được định nghĩa theo thuật ngữ của thông lượng chiếu xạ từ sao). Nó cũng có phổ điện từ tương đối phẳng trong vùng ánh sáng (các bước sóng từ 350 đến 850 nanomét, phần lớn các bước sóng này mắt người có thể cảm nhận được), vì thế thông lượng là xấp xỉ bằng 2000-4000 Jy. Thông lượng bức xạ của Chức Nữ giảm nhanh chóng trong khu vực hồng ngoại, và nó xấp xỉ 100 Jy ở bước sóng khoảng 5 micromét.
Sao Chức Nữ là chủ thể của nhiều cái 'đầu tiên' trong Thiên văn học; năm 1850 nó là ngôi sao đầu tiên được chụp ảnh, năm 1872 nó là ngôi sao đầu tiên có quang phổ được ghi lại. Nó cũng được tranh cãi có phải ngôi sao đầu tiên được đo lại biến đổi vị trí góc của mình, trong các thực nghiệm đầu tiên của Friedrich Struve năm 1837. Cuối cùng, nó là ngôi sao đầu tiên có loại xe ô tô được đặt tên theo, khi Chevrolet sản xuất xe 'Vega' năm 1971.
Trong tiếng nước ngoài, tên gọi Vega có nguồn gốc từ tiếng Ả Rập - từ waqi có nghĩa là "rơi rụng", trong thành ngữ نسر الواقع an-nasr al-wāqi‘ có nghĩa là "chim kền kền rơi". Là một phần của chòm sao Thiên Cầm (Lyra) nó tượng trưng cho chuỗi ngọc quý trên thân cây đàn cầm.
Sao Chức Nữ ở tọa độ 18h 36m 56.3364s, +38° 47′ 01.291″ đấy nhé
... thế còn phu quân của ngôi sao này thì thế nào nhỉ ?
Sao Ngưu Lang (α Aql / α Aquilae / Alpha Aquilae / Atair) là ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Thiên Ưng (Aquila) và là sao sáng thứ 12 trong bầu trời đêm, với độ sáng biểu kiến 0,77.
Thể tích của Ngưu lang lớn gấp đôi mặt trời! Bề mặt Ngưu lang nóng tới 9.000 độ C (mặt trời: 7.000 độ C) và cường độ ánh sáng mạnh gấp 10 lần của mặt trời. Cách Chúng ta khoảng 16 năm ánh sáng
Sao Ngưu Lang là một đỉnh của Tam giác mùa hè. Nó là sao dạng "A" hay sao trắng cách Trái Đất 17 năm ánh sáng và là một trong những sao gần nhất có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Trong một số ngôn ngữ nước ngoài, chẳng hạn như trong tiếng Anh, nó có tên là "Altair" hay "Atair" có nguồn gốc từ tiếng Ả Rập để chỉ "con chim đang bay", từ thành ngữ نسر الطائر an-nasr aţ-ţā?ir "đại bàng bay".


Đáng chú ý nhất của sao Ngưu Lang là tốc độ tự quay cực nhanh của nó; bằng cách đo độ rộng các quang phổ vạch của nó, người ta đã xác định là ở khu vực xích đạo của nó thì nó tự quay một vòng hết khoảng 6 1/2 giờ (các tài liệu khác đôi khi cho là 9 hay 10,4 giờ). So sánh với ngôi sao của chúng ta, tức Mặt Trời, thì nó phải mất hơn 25 ngày một chút để tự quay hết một vòng. Với sự tự quay nhanh như vậy, sao Ngưu Lang có lẽ có hình cầu dẹt: đường kính tại xích đạo ít nhất khoảng 14% lớn hơn so với đường kính tính theo hai cực.
Sao Ngưu Lang, cùng với Beta Aquilae và Gamma Aquilae, tạo thành một đường nổi tiếng các sao, đôi khi được nói đến như là mỏ của con đại bàng (tức chòm sao Thiên Ưng).

So sánh kích cỡ sao Ngưu Lang và Mặt Trời
Sao Ngưu Lang ở tọa độ 19h 50m 46.9990s, +08° 52′ 05.959″ nhé
Đôi nam nữ này cùng với Sao Deneb tạo nên một tam giác mùa hè đấy. Vậy tam giác mùa hè là gì nhỉ ? Tìm hiểu thêm luôn nào

Tam giác mùa hè trên bầu trời
Tam Giác Mùa Hè là một mảng sao (asterism) gồm các sao tạo ra một tam giác tưởng tượng của bầu trời nửa Bắc bán cầu, với các sao ở đỉnh là sao Ngưu Lang (Altair), sao Deneb, và sao Chức Nữ (Vega). Tam giác này nối ba ngôi sao sáng nhất của ba chòm sao: chòm sao Thiên Ưng (Aquila), chòm sao Thiên Nga (Cygnus) và chòm sao Thiên Cầm (Lyra).

Thuật ngữ tiếng Anh này được nhà thiên văn Anh Patrick Moore phổ biến trong những năm của thập niên 1950, mặc dù ông không phát minh ra điều này. Nhà thiên văn Áo, Oswald Thomas, miêu tả các sao này như một Tam Giác Lớn (Grosses Dreieck) vào cuối thập niên 1920, về sau ông gọi là Tam Giác Mùa Hè (Sommerliches Dreieck) vào năm 1934. Mảng sao này (asterism) đã được Joseph Johann Littrow để ý đến, ông miêu tả nó như là "tam giác dễ thấy" trên các tài liệu trong bản đồ của ông (năm 1866), và Johann Elert Bode đưa chùm sao này vào sách bản đồ của ông năm 1816, mặc dù chưa có tên gọi.

Tam Giác Mùa Hè vào các tháng hè, nằm trên đỉnh đầu của người quan sát đứng ở Bắc bán cầu tại các vĩ độ bắc 40-50 độ, nhưng cũng có thể nhìn thấy vào mùa xuân hay mùa thu. Từ nửa Nam bán cầu, nó xuất hiện phía trên, lộn ngược trên bầu trời, nhưng rất thấp trong các tháng mùa đông.

Và đây là hình ảnh tưởng tượng về các chòm sao tam giác mùa hè nè
(Trích theo http://thienvanhoc.jimdo.com)
(vutrutrongtamtay.com)
Kết luận
Qua những bài sưu tầm trên, nếu theo huyền thoại của Trung Hoa, Ngưu Lang và Chức Nữ sau thời gian xa cách, lại được gần nhau mãi mãi. Còn trên thực tế, Chàng Ngưu và Ả Chức cách nhau đến 16,5 triệu năm ánh sáng. Nếu cả hai muốn đến với nhau bằng tốc độ của ánh sáng, cũng phải mất hơn 8 năm mới gặp nhau. Còn nếu cả hai di chuyển với vận tốc 100 km/giờ thì than ơi phải gần 60 triệu năm mới gặp lại nhau. Như thế thì tội nghiệp cho hai kẻ yêu nhau quá phải không Quý Vị. Thôi thì chúng ta đồng ý cho Ngưu Lang và Chức Nữ vẫn có phép tiên, để mỗi năm hai người được gặp nhau một lần như truyện cổ tích Việt Nam, cho những nhà thơ còn thả hồn vào chuyện tình mưa ngâu tháng 7. Một chuyện tình đẹp, buồn trong hồn thơ Việt.

Huỳnh Hữu Đức Tổng Hợp và Biên Soạn

Tháng Bảy Mưa Ngâu


Lại về tháng Bảy mưa ngâu
Dòng tình xao động đục ngầu phù sa
Gọi từng cơn mộng trôi qua
Trên cao đỉnh gió nhớ nhòa mưa bay

Nhẩm từng kỷ niệm trên tay
Nghiêng cành phượng đỏ qua ngày đam mê
Môi em bối rối câu thề
Đỏ bừng nhan sắc bóng hè lắc lư

Để rồi tháng Bảy tương tư
Mưa lung linh thả quanh bờ liêu trai
Đêm khuya vọng tiếng gót hài
Giấc mơ tình ái nghiêng ngoài vào trong

Rồi ngày tình bước long đong
Em xa vời vợi nửa vòng đất xoay
Nắng phương ấy mưa bên này
Nắng mưa xô lệch vòng tay rã rời

Về theo tháng Bảy mù khơi
Đàn ai lạc phím thơ rơi lạc vần
Tình trôi trên đỉnh phù vân
Gặp nhau chi để đời trầm luân đau

Trầm Vân

Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

Mùa Hạ Còn Đâu - Phú Quang - Anh Tú

      Mùa Hạ đã qua sao em còn mang áo hồng, em đã thoảng qua anh trong một muà hạ cháy bỏng, bây giờ em đã đi rồi, em đã làm nỗi đau trong anh càng nhiều thêm.
      Thôi hãy để mùa hạ đó yên nghỉ em nhé.


Phổ Nhạc: Phú Quang
Tiếng Hát: Anh Tú
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Vạt Nắng Mong Manh


Thương sao vạt nắng nhỏ nhoi
Vàng phai ngơ ngác nổi trôi lững lờ

Lá rơi lạc nẻo tình thơ
Rắc quanh ngõ vắng ngẩn ngơ bên đường.

Say lòng lữ khách vấn vương
Như ru từng giọt nắng buồn đong đưa

Mây chùng thấp xuống cho vừa
Mưa mềm bước nhỏ nhẹ khua lối về.

Hương thu bàng bạc tái tê
Sợi tơ miền nhớ câu thề gió bay

Se hồn dâu bể tình phai
Thắt hồn nửa mảnh trăng hoài thiên thu.

Mưa thu mờ tỏ nông sâu
Sóng hoàng hôn ngã bến sầu sông Tương.

Đông An
(Saigon 07/10/2013)

Thu Về - Em Ở Đâu?


(Từ Vạt Nắng Mong Manh của Đông An)

Chiều trên sông thấp thoáng
Có vài chiếc thuyền câu
Nhấp nhô theo gió thoảng
Đưa con sóng qua cầu.

Trên đường – vài lá rụng
Nắng vàng đã nhạt phai
Mùa Hạ đi lững thững
Xõa tóc bước khoan thai.

Nhớ em mùa Thu muộn
Trong tay bước trên đường
Dưới tàn cành hoa phượng
Trên lối nhỏ mù sương.

Anh ngồi băng đá nầy
Đêm lạnh dưới trăng gầy
Chờ em từ kiếp trước
Ngỡ hồn như mây bay.

Trời buồn mang niềm nhớ
Người yêu thuở ban đầu
Mây bồng bềnh nức nở
Thu về - em ở đâu ?!

Dương Hồng Thủy
(Cần Thơ 25/07/2014)


Hoa Cỏ Mong Manh


( Từ Vạt Nắng Mong Manh của Đông An)

Làm thân hoa cỏ cố nhoi
Hứng giọt sương sáng tơ trời lững lơ

Lá sầu vẽ nốt vần thơ
Đan tình thu nhớ ngu ngơ bên đường

Chờ người lữ khách vấn vương
Khúc hòa cung ái đêm trường vọng đưa

Trăng sa đủ soi cho vừa
Sóng mắt gợn ánh đong đưa người về

Gió rét song vắng tái tê
Bóng câu khuất nẽo hẹn thề vụt bay

Tượng sầu hoa héo tàn phai
Ngóng vời hóa đá hình hài thiên thu

Thủy chung chôn kín mộ sâu
Biền biệt cách trở mưa Ngâu bắt cầu

Kim Oanh
Tháng 7/2014


Thơ Tranh: Tình Xưa


Thơ & Thơ Tranh: Nguyễn Đức Tri Ân

Tháng Tám Tạ Từ


Phải nói với em những lời giã biệt
Khi buồng tim ta như vỡ tan rồi
Bóng dáng em yêu chìm theo ảo ảnh
Góc phi trường buồn em đã xa xôi

Thành phố ta về buồn như cúi mặt
Hàng cây chơ vơ hiu hắt ánh đèn
Cơn gió lạnh lùng cuốn từng kỷ niệm
Ta đi âm thầm tìm bước chân quen

Không cần nhìn nhau nói câu từ tạ
Khung trời tình xanh biếc mãi trong lòng
Chỉ có hồn ta đau như dao cắt
Em thật xa rồi ta mãi hoài mong

Ở đây không gian mùa hè tháng tám
Nắng vẫn lung linh chòm lá xanh màu
Phượng tím nồng nàn trên từng con phố
Ừ thôi em về ..........mình đã xa nhau

Khiếu Long


Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Tiễn Biệt Nhà Văn Anh Vân - Kim Phượng - Dương Thượng Trúc




Thơ: Kim Oanh
Điếu Văn: Kim Phượng
Giọng Đọc: Dương Thượng Trúc

Cho Người Vừa Nằm Xuống




        Sáng nay trên cành con chim thôi cất tiếng hót mà đưa một điệu ru…ru Người vừa nằm xuống.
        Sáng nay trên cành một chiếc lá vừa lìa xa, rơi…rơi cùng Người vào cõi thiên thu.
        Sáng nay tôi ngồi lặng thinh, cảm nhận hơi ấm lăn dài trên đôi má, khóc… nước mắt thay lời từ biệt tiễn Người đi.

        Mới hơn một năm, chỉ hơn một năm quen biết thôi, dù chưa một lần gặp mặt, nhưng là sự gặp gỡ trong tâm hồn, bởi thân tình thật thà, đầm thấm. Lúc đầu biết nhau, bằng những từ thật khách sáo “hân hạnh quen biết…”, hoặc giữ kẻ “sợ lỡ lời…” hay lời phê bình văn thơ chẳng dám nói thật lòng “…cũng được”. Thế rồi chẳng bao lâu, Người tôi quen biết không là một nhà văn Anh Vân nữa mà đã trở thành một Người bậc đàn anh.
        Anh là một nhà giáo, tốt nghiệp từ trường Sư Phạm Vĩnh Long. Mang dòng họ Quách, nhưng lúc nào anh cũng nói với tôi “Anh là người Việt Nam!”. Chiến tranh tràn lan, rời bảng đen phấn trắng, khoác chinh y, chàng thanh niên họ Quách đi vào cuộc chiến. Thân trai thời loạn bằng những năm dài làm bạn với núi rừng, đầm lầy. Bỗng  cuộc chiến tàn vội và anh đớn đau chọn kiếp lưu vong, đến hơi thở cuối chưa một lần đặt chân trở lại quê hương.
        Dưới con mắt nhân gian, anh là một Nhà Văn, một Chủ Bút Anh Vân, Quách Tố Vương, nhưng với tôi Anh là một Nhà Mô Phạm phi thường, phi thường trong nghĩa cử của Anh, một thiên chức nhà giáo mà ít ai có được. Anh đã lặn lội, kiếm tìm, rồi từ xa xôi tôi nhận được một số sách dạy Việt ngữ với nhiều trình độ khác nhau. Theo lời Anh “ Anh là mẫu người thích làm việc xã hội tức là anh yêu tha nhân vì vậy thấy em làm việc xã hội, anh quý em vô cùng. Anh không còn khả năng dạy học nữa thì em hãy thay anh đem văn chương tiếng Việt dạy cho đám trẻ, đó là điều mình nên làm cho thế hệ mai sau.”

         Mấy mươi năm trước, sau những ngày quân hành vất vả, có dịp trở lại Vĩnh Long, ngồi trên chiếc xe jeep thả tầm mắt lãng tử vế cổng trường Tống Phước Hiệp mà ngẫn ngơ với những tà áo trắng…
Cổng trường Tống bâng khuâng đời dậy sóng!
 Giờ đây, sau mấy mươi năm, bằng trái tim nhà giáo tiềm ẩn trong con người cựu quân nhân, Anh bước vào Trang nhà Tống, như một tay làm vườn thiện nghệ, Anh tưới nước khích lệ, cắt tỉa cành nhánh thơ văn thừa, bắt sâu chính tả đang đụt khoét hoa lá. Đã vậy, Anh còn mang vào vườn hoa nhà Tống những loài cây quý hiếm, đó là những tác phẩm văn, thơ của các cây bút vang danh tại hải ngoại cũng như ngòi bút cổ thụ nơi quê nhà trước đây. Nhìn vào trang Diễn Đàn Tống Phước Hiệp, ai cũng nhận ra một sắc thái kỳ bí…khi thấy những cây bút kỳ cựu nằm cạnh bên những nhà văn, nhà thơ “tí hon” chúng tôi. Những cây bút non nớt này như cây con từ trong vườn ươm mới được mang ra dưới ánh sáng mặt trời. Lẽ thường tình, nhà văn thơ nổi tiếng phải đặt tác phẩm mình ở những nơi tương xứng, nhưng các anh đã làm một điều khác thường đáng hâm mộ. Anh Vân và các bạn văn thơ của anh đã tỏ rõ được sự khiêm nhường đáng cho chúng tôi kính trọng và tôn vinh.


        Mai này…
        Làm sao một hình ảnh thầy giáo Quách Ngọc Vân không thấp thoáng, mỗi khi tôi đứng trước lớp, cầm quyển sách trên tay, trao lại cho các em học sinh Việt Nam những hạnh nguyện của Anh!?
        Làm sao một mảnh hổ Quách Ngọc Vân gặm hờn trong củi sắt, trăn trở nhìn về  quê hương mà không ảnh hưởng gì đến tôi bởi nỗi đau lưu vong!?
        Làm sao bước vào Trang nhà, tôi tìm lại được người giữ vườn cho trường Tống Phước Hiệp, cho người Vĩnh Long, nhưng Người ấy không là dân Vĩnh Long!?
        Mai này… tro xác thân Anh sẽ hòa vào đất đá, trên ngọn núi cao nào đó ở Mỹ Châu, nhưng ánh mắt viễn phương của anh sẽ mãi mãi xa xăm hướng về quê mẹ.
Anh Vân! Có những điều chỉ riêng anh biết, nhưng tôi, các bạn nơi trang nhà Tống Phước Hiệp, không thể không biết Anh, người Đàn Anh đã giữ an bình cho người Vĩnh Long, trước sau vẫn như một, từ quê nhà cũng như nơi hải ngoại.
        Chúng tôi có thể mất một anh Quách Ngọc Vân, nhưng kỷ niệm anh đem đến, để lại sẽ còn và mãi mãi vẫn còn.
Nhớ về Anh …

Nước mắt rơi! Thôi đành xa rời
Nước mắt tuôn xin tạ ơn Người
Giọt ngắn dài là tiếng lòng tôi
Người xa Người …thôi cũng đành thôi!


Kim Phượng
Úc Châu 31/7/2010

Thơ Tranh: Bâng Khuâng Tình Của Lính

Tưởng Nhớ ngày Anh Vân ra đi vĩnh viễn 31/7/2010


Thơ & Thơ Tranh: Khúc Giang
31-7-2010

Tiễn Bước Xa Xăm


     (Tiếc Thương Anh Vân 31/7/2010)

Khúc nhạc tình réo rắc thanh âm
Lướt theo mây gửi gió cung trầm
Lời tha thiết hòa trong khuya lắng
Ngân tiếng lòng tiễn bước xa xăm

Người về đâu đầu non thăm thẳm
Tay buông lơi tình cạn ước mơ
Lần bước đi bóng tối mịch mờ
Sương giăng lạnh chơ vơ triền dốc

Vuốt đôi mi nước mắt ngừng rơi
Khúc nhạc xưa ru giấc ngủ đời
Vòm trời mới Thiên Thai nhẹ bước
An bình nước Chúa hưởng thảnh thơi

Kim Oanh

Vùng Tưởng

        ( Nhớ mãi Anh Vân )
Hàng mi ngủ say
bất động
da thịt mùa đông
hơi thở đứng trên môi khô khát
bút rơi
bài thơ tình dang dở
tôi nhặt lên viết tiếp vần sau
trong tiếng nấc chạy vòng hốt hoảng
để lại cho đời
“quê hương ngàn dặm”
thơ
truyện

Anh Vân
từng trang tĩnh lặng
xếp gầy thời gian
một thời áo lính
điếu thuốc xẻ mười
ru nhau giấc nhỏ
trong chiến trường địa ngục
thơ học trò vừa chạy vừa xem
chừ
trong lòng đất
tiếng dế khóc cầu hôn
tôi đứng lặng tiễn nụ cười vô tận
người bạn thơ văn
 
Cúi đầu
ngôi sao xa lấp lánh đón: Anh Vân

 Lan Cao
8/2010


Vĩnh Biệt Anh Vân


Tôi an phận từ nội tâm
Cũng xin em hát một lần ru tô
      (Nghĩ về cuộc đời khi vĩnh biệt Anh Vân)

Mẹ ru tôi thuở vào đời
Ca dao mẹ hát đầy vơi nỗi niềm
Trăng ru tôi kiếp phù sinh
Mù sương nước mắt mộng tình vây quanh

Gió ru tôi ngủ trên cành
Nghiêng chao phiến lá mong manh giữa trời
Sông ru sóng vỗ đôi bờ
Biết bao trong đục ai chờ đợi tôi?

Biển ru tôi giữa trùng khơi
Hồn tôi căng gió đắm đời nhớ quên
Cỏ ru tôi nỗi buồn tênh
Đường xa bụi đỏ gập ghềnh lối xưa

Mây ru tôi, trời đổ mưa
Tim lòng thổn thức, tình chưa ngõ lời
Em ru vật đổi sao dời
Nắng ru lửa hạ héo đời quạnh hiu

Tôi ru tôi tuổi xế chiều
Lời thơ tôi hát, tiếng tiêu ru đời
Mai này tôi bỏ cuộc chơi
Em ơi ! Hãy hát một lời ru tôi

Phạm Tương Như
Aug. 08 10


Mây Trời Ngọc Bích Nhớ Riêng Mình

     
   ( Nén nhang tiễn Quách Đại Huynh )

 Anh như Cúc dại bên đường
Vân phong vẫn cứ góp hương cho đời.

Tinh anh thể phách sáng ngời
Rong chơi nhập cuộc giữa thời nhiễu nhương.
Anh là mây tự ngàn phương
Trời cao giỡn mặt Tố Vương Quách này!

Cạn rồi ly rượu trên tay
Đôi đồng tiền rớt vào mê say nào
Quách Huynh ơi! nhớ hôm nào
Xuôi Nam thăm bạn vẫn hào sảng xưa

Vẫn còn tờ báo mới vừa
Gieo thơ trào phúng dấm chua ghẹo đời
Vào ra rừng tiếu lâm chơi
Lại là như thiệt giỡn người thế gian

Một mình phiêu bạt chẳng tàn
Truân chuyên mấy độ vô vàn đắng cay
Vẫn cười với men rượu say
Vẫn là phong vũ mộng bay tới trời.

Vậy mà, một sát na thôi
Qua cầu sinh tử, cuộc chơi chưa tàn
Vội đi - sao vội tan hàng
Đêm dài ác mộng sang trang phút này

Một đời chữ nghĩa mê say
Mây trời ngọc bích phơi bày ruột ruột gan.
Anh Vân hay Quách Ngọc vân
Đã là huynh đệ xa gần có nhau.

Làm sao chia được niềm đau
Khi anh về cõi ngàn sau vô cùng .
Quách huynh ơi! nước rưng rưng
Anh Vân sông nhớ Tố Vương núi chờ.

Dường như đã là thu mơ
Người như xác là phất phơ giữa đời
Vậy mà lại bỏ cuộc chơi
Còn đây Huynh Đệ lệ rơi nhớ người

Thôi thì chén rượu chưa vơi
Đệ xin cạn hết thay lời tiễn đưa.
Biết bao nhiêu chén cho vừa
Ngậm ngùi đời vẫn thiếu thừa phải không!?

Thôi thì mượn lời hiệp thông
Kinh cầu ngàn chuổi ai mong bao giờ.
Nhang tàn nến lạnh ngẩn ngơ
Lòng đau như cắt đôi bờ tử sinh.

Lệ khô vẫn khóc riêng mình
Lạy này gom hết chí tình dâng Huynh.
Hãy ngủ yên mộng an bình
Thế nào cũng gặp chỗ bình minh vui.

Túy Hà

Thơ Tranh: Tiếc Thương


Thơ: Khánh Hà
Thơ Tranh: Kim Oanh