Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

Chương Trình Môn Quốc Văn Bậc Trung Học Ở Miền Nam Trước 1975.


1. Giới thiệu chung về chương trình khung và sách giáo khoa Trung Học Môn Văn ở Miền Nam trước 1975
1.1. Tên gọi môn học
      Trong chương trình Trung học đệ nhất và đệ nhị cấp (nay là Trung học cơ sở và Trung học phổ thông) ở Miền Nam trước năm 1975 thì tên môn học là Quốc văn, nhưng các soạn giả khi biên soạn sách giáo khoa thì ghi là Quốc văn hay Quốc văn độc bản như bộ sách của Trần Trọng San; Việt văn như bộ sách của Võ Thu Tịnh; Giảng văn như bộ sách của Đỗ Văn Tú hay bộ sách của Thậm Thệ Hà (một số quyển có sự cộng tác của Xuân Tước và Bằng Giang); Việt Nam thi văn trích giảng như sách của Tạ Ký.

      Cần lưu ý là trước năm 1975 ở Miền Nam, Bộ Quốc gia Giáo dục chỉ ra Sắc lệnh hoặc Nghị định về chương trình khung (nội dung giảng dạy, tác giả, tác phẩm, thời lượng cho từng tác giả tác phẩm, v.v..) cho từng lớp của cấp học, chứ Bộ không độc quyền biên soạn hay chỉ đạo việc biên soạn sách giáo khoa mà để cho các nhà giáo có khả năng, có kinh nghiệm và uy tín đang giảng dạy cấp trung học trực tiếp biên soạn, thông qua Ban Tu thư của một vài Nhà xuất bản như Sống Mới, Khai Trí, Văn Hào v.v.. tổ chức in ấn, và dĩ nhiên những bộ sách giáo khoa này trước khi xuất bản, được đưa vào giảng dạy trong nhà trường trung học thì phải được Hội đồng thẩm định thuộc Trung tâm học liệu của Bộ Giáo dục xét duyệt, bỏ phiếu đồng ý. Hội đồng gồm một Chủ tịch và các thành viên, mà các vị này đều là những học giả, nhà nghiên cứu có uy tín. Còn các loại sách khác như biên khảo và dịch thuật thì do Hội đồng thẩm duyệt của Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hoá đảm nhận. Khi giảng dạy, các giáo viên (hồi ấy gọi là giáo sư) tự chọn sách dạy và định hướng cho học sinh của mình nên mua sách giáo khoa của soạn giả nào để học. Và dĩ nhiên, không loại trừ có học sinh cùng một môn lại mua vài ba bộ sách khác nhau để học tập và tham khảo nếu gia đình học sinh đó có điều kiện về kinh tế. Riêng môn Văn như trên đã nêu, có nhiều bộ sách giáo khoa của các soạn giả: Đỗ Văn Tú, Thẩm Thệ Hà, Trần Trọng San, Võ Thu Tịnh, Tạ Ký, v.v.. trong số đó hai bộ sách của hai soạn giả Đỗ Văn Tú, Thẩm Thệ Hà là được dùng phổ biến rộng rãi trong nhà trường ở các vùng miền.
       Ở đây, bài viết sẽ giới thiệu khung chương trình cập nhật hoá và sách giáo khoa được biên soạn theo chương trình này được áp dụng từ niên khoá 1969-1970 trở đi, trên cơ sở đó trình bày việc tuyển chọn trích giảng văn chương Tự lực văn đoàn và thơ Mới trong chương trình và sách giáo khoa cập nhật đó.

1.2. Yêu cầu của môn học
Theo tinh thần nội dung của Sắc lệnh số 660/TT/SL ngày 01-12-1969 và Nghị định số 1152A GD/KHPC/ND ngày 26-6-1970 về Chương trình Cập nhật hoá của Bộ Quốc gia Giáo dục, cùng Huấn thị của Bộ về việc giảng dạy Quốc văn thì:
- Mục đích: Mục đích của môn Giảng văn là làm cho học sinh thấu hiểu giá trị về hình thức và nội dung của một tác phẩm hay một đoạn văn, để nhờ đó hun đúc tính khí và tâm hồn, mở mang kiến thức về văn học và thâu thái những điều bổ ích cho việc luyện văn.
- Phần Kim văn: Hình thức và nội dung của những bài giảng văn phải phù hợp với chương trình Luận văn được giảng dạy: chẳng hạn, dạy những bài giảng văn có tính cách miêu tả trong giai đoạn dạy Luận văn về loại miêu tả; có tính cách thuật sự trong giai đoạn dạy Luận văn về loại thuật sự, v.v..
Phải lựa những bài văn có giá trị để rồi bắt học sinh học thuộc lòng hầu luyện ký ức văn khiếu.
- Phần Cổ văn: Phải chọn những đoạn rất tiêu biểu, nhiều hay ít, dài hay ngắn tuỳ theo lớp và cấp học (về điểm này, Bộ có những chỉ thị rõ ràng để ấn định nên trích những đoạn nào có trong một tác phẩm, giảng những bài nào của một tác giả).
- Việc đọc sách: Giáo sư phải hướng dẫn học sinh đọc sách. Học sinh phải có vở riêng để ghi chép những đoạn văn hay, tóm lược cuốn sách đã đọc. Mỗi tháng nên kiểm soát vở đó một lần để theo dõi sự tự học của học sinh, khuyến khích sự đọc sách cho thành một sự ham mê để khi ra đời, học sinh nhờ đó mà luôn luôn tiếp tục việc học hỏi. 

       Bên cạnh việc đọc sách ở nhà, chương trình còn yêu cầu học sinh Thuyết trình văn học tại lớp (từ lớp 6 đến lớp 11) ít nhất mỗi tháng một lần (02 giờ) về một tác phẩm, một vấn đề văn học nào đó có trong chương trình chính khoá, mà thường thuyết trình về các tác phẩm thuộc Kim văn, tức văn học hiện đại, chẳng hạn như tìm hiểu về các tác phẩm của Tự Lực văn đoàn như: Đoạn tuyệt (Nhất Linh), Nửa chừng xuân và Hồn bướm mơ tiên (Khái Hưng), Con đường sáng và Mười điều tâm niệm (Hoàng Đạo), Anh phải sống (Khái Hưng và Nhất Linh), Gió đầu mùa và Sợi tóc (Thạch Lam), Hồn quê (Nguyễn Khắc Mẫn), Quê mẹ (Thanh Tịnh), v.v..; hay thơ lãng mạn của các tác giả: Thế Lữ, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Huy Cận, v.v.. Có khi thầy giáo cho thuyết trình các tác phẩm văn học đương đại của các tác giả như: Võ Phiến, Võ Hồng, Duyên Anh, Nhã Ca, Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu, v.v.. mà những giờ thuyết trình có thể nói là những giờ học đầy hứng thú. Cả nhóm hay tổ làm chung một đề tài rồi trình bày trước lớp, sau đó trao đổi, chất vấn, phản biện, v.v.. mà thầy cô giáo dạy Văn là người chứng kiến và đóng vai trò chỉ đạo, nhận xét đánh giá.
1.3. Về nội dung chương trình khung của môn học
- Trung học đệ nhất cấp có bốn lớp: Đệ thất, Đệ lục, Đệ ngũ, Đệ tứ (từ niên khoá 1969-1970 gọi là lớp Sáu, lớp Bảy, lớp Tám, lớp Chín). Nội dung chương trình khung môn Văn của cấp học này được quy định như sau:

+ Lớp Sáu
- Giảng văn: gồm hai phần Kim văn và Cổ văn.
Kim văn: chọn tác phẩm của các nhà văn hiện kim, phù hợp với chương trình luận văn với các thể văn Miêu tả (tả động vật, tả thực vật, tả đồ vật, tả người, tả cảnh), Thuật sự, Thư tín.
Cổ văn: trích giảng Văn vần: Tục ngữ, Ca dao; Văn xuôi: Truyện cổ tích Hưng Đạo đại vương truyện bản kể của Phan Kế Bính và của Nguyễn Văn Ngọc; Nam Hải dị nhân bản kể của Phan Kế Bính; Truyện cổ nước Nam bản kể của Nguyễn Văn Ngọc.
- Văn thể: Thơ Lục bát và biến thể.
- Luận văn: Miêu tả (có tính cách cụ thể), Thuật sự (những việc thông thường), Thư tín (thăm viếng, giao thiệp thông thường).

+ Lớp Bảy
- Giảng văn: gồm hai phần Kim văn và Cổ văn.
Kim văn cũng như ở lớp Sáu nhưng chọn nhiều bài về văn Thuật sự và văn Miêu tả phối hợp Thuật sự, Thư tín.
Cổ văn trích giảng cả văn vần và văn xuôi. Về văn vần, sách giáo khoa chọn trích giảng Gia huấn ca của Nguyễn Trãi(1), Đại Nam quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái. Về văn xuôi, sách giáo khoa chọn trích giảng thể Truyện cổ qua văn bản Chuyện đời xưa của Trương Vĩnh Ký, Chuyện giải buồn của Huình Tịnh Của.
- Văn thể: Thơ Song thất lục bát và biến thể.
- Luận văn: chủ yếu là làm văn Thuật sự và văn hỗn hợp vừa Miêu tả vừa Thuật sự.

+ Lớp Tám
- Giảng văn: gồm hai phần Kim văn và Cổ văn.

Kim văn: chương trình yêu cầu hình thức và nội dung các bài Giảng văn phải phù hợp với chương trình Luận văn, chẳng hạn đang học Luận văn về văn Miêu tả thì ở Giảng văn phải chọn những bài văn Miêu tả để giảng, minh hoạ, củng cố kiến thức Luận văn; đang học Luận văn về văn Thuật sự thì ở Giảng văn phải chọn những bài văn Thuật sự để giảng, minh hoạ, củng cố kiến thức Luận văn. Phải chọn những bài văn tiêu biểu, có giá trị, học sinh phải học thuộc lòng để luyện ký ức văn khiếu. Văn nghị luận của Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Bá Học, Phan Kế Bính, và những bài trích lục từ các tạp chí: Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, Tri Tân, Thanh Nghị, Tao Đàn.

Cổ văn: trích giảng thơ Lê Thánh tông và hội Tao đàn, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, thơ Bà huyện Thanh Quan, thơ Nguyễn Đình Chiểu (Lục Vân Tiên).
- Văn thể: Thơ Đường luật.
- Luận văn: làm các thể văn Miêu tả, Thuật sự, Đơn từ, Tờ trình, Văn tự (có tính thực tế), Nghị luận luân lý (dạng thông thường).
+ Lớp Chín
- Giảng văn: gồm hai phần Kim văn và Cổ văn.
Kim văn: trích giảng văn Nghị luận của Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Phan Chu Trinh, và trích các bài nghị luận trên các tạp chí: Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, Tri Tân, Thanh Nghị, Tao Đàn của các tác giả khác.

Cổ văn: trích giảng thơ của các tác giả: Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Tôn Thọ Tường, Phan Văn Trị, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh.
- Văn thể: Hát nói.
- Văn học sử: Đại cương văn học sử Việt Nam từ khởi thuỷ đến hiện kim.
- Luận văn: kiểu bài Nghị luận văn chương.
Như vậy ở lớp 9 chương trình không học văn chương Tự Lực văn đoàn và Thơ Mới.
- Trung học đệ nhị cấp gồm ba lớp: Đệ tam, Đệ nhị, đệ nhất (từ niên khoá 1969-1970 gọi là lớp Mười, lớp Mười một, lớp Mười hai).

+ Lớp Mười (bài viết chỉ nêu lại chương trình ban C, D là ban chuyên về văn chương, sinh ngữ, cổ ngữ; còn ban A, B là ban chuyên về toán, lý, hoá, sinh, nên môn Văn được học ít và gọn hơn so với ban C, D).
- Văn học sử: Văn chương truyền khẩu (Văn chương bình dân); Văn chương chữ Nôm từ đầu nhà Trần (Hàn Thuyên) đến Nguyễn Du; Giới thiệu thơ chữ Hán và truyện cổ tích.
- Văn thể: Đối, Phú, Văn tế.
- Giảng văn: chỉ học phần Cổ văn, cụ thể là trích giảng thơ Nôm thời Hồng Đức của Lê Thánh Tông và Hội Tao đàn, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Huy Lượng, Phạm Thái, Đặng Đức Siêu, Nguyễn Văn Thành, Chinh phụ ngâm khúc, Cung oán ngâm khúc, Hoa tiên truyện, Đoạn trường tân thanh, vở tuồng Kim Thạch kỳ duyên.
- Luận văn: kiểu bài Nghị luận văn chương.
Như vậy ở lớp 10 chương trình không học phần Kim văn và do vậy không học văn chương Tự Lực văn đoàn và Thơ Mới. 

+ Lớp Mười một
- Văn học sử: Văn học Việt Nam từ sau Nguyễn Du đến 1945, gồm văn học chữ Nôm và văn học chữ Quốc ngữ.
- Văn thể: ôn lại Hát nói, thơ Đường luật, học kỹ Thơ Mới.
- Đọc bổ túc: Giới thiệu tác phẩm Hán văn.
- Giảng văn: gồm hai phần Kim văn và Cổ văn.
Cổ văn: trích giảng thơ văn của các tác giả: Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu (thơ và văn tế), Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Trần Tế Xương, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (thơ), đọc thêm: Cao Bá Nhạ, Dương Khuê.
Kim văn: trích giảng thơ văn của các tác giả: Đông Dương tạp chí, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính; Nam Phong tạp chí, Phạm Quỳnh, Nguyễn Trọng Thuật; Tự Lực văn đoàn, Nhất Linh với tác phẩm Đoạn tuyệt; Khái Hưng với tác phẩm Nửa chừng xuân; Hoàng Đạo với tác phẩm Mười điều tâm niệm.
- Luận văn: kiểu bài Nghị luận văn chương về các tác phẩm của các tác giả đã học trong chương trình.

+ Lớp Mười hai
Từ sau năm 1954 đến năm học 1973-1974, chương trình lớp 12 không học môn Văn, thay vào đó là môn Triết học. Nhưng riêng năm học 1974-1975 chương trình có sự thay đổi lớn, lớp 12 bên cạnh môn Triết học, còn có học thêm môn Văn, cụ thể là phần Kim văn với văn chương hiện thực, văn chương hiện thực phê phán 1930-1945 và văn chương đương đại. Nhưng chương trình này chỉ mới triển khai trong mấy tháng (từ tháng 9-1974 đến tháng 3-1975), bởi từ tháng 3-1975 là thời điểm diễn ra chiến dịch Giải phóng Miền Nam, nhà trường buộc phải đóng cửa, học sinh nghỉ học.

2. Văn chương Tự Lực Văn Đoàn và Thơ Mới trong chương trình và sách giáo khoa môn Văn ở Miền Nam trước 1975


      Qua chương trình khung vừa trình bày như trên, trong chương trình môn Văn trung học lớp 9 và lớp 10 không học văn chương Tự Lực văn đoàn và Thơ Mới. Các lớp còn lại đã trích giảng các tác phẩm của các tác giả thuộc Tự Lực văn đoàn hoặc cộng tác với văn đoàn này và Thơ Mới như sau (theo bộ sách giáo khoa của Thẩm Thệ Hà):

       2.1. Ở chương trình lớp 6, về văn chương Tự Lực văn đoàn và Thơ Mới, trong chương trình khung trên, ở phần Kim văn, sách đã chọn trích giảng các tác phẩm sau:
Văn Miêu tả với các kiểu bài tả động vật, tả thực vật, tả người, tả cảnh, tả đồ vật: trích giảng các đoạn văn của các tác giả: Xuân Diệu (Trường ca); Thạch Lam (báo Ngày nay); Khái Hưng (Thừa tự); Nhất Linh (Đôi bạn); Thạch Lam (Gió đầu mùa); Trần Tiêu (Chồng con); thơ Bàng Bá Lân (Trở rét).
Văn Thuật sự: thơ của Đoàn Văn Cừ (Tết – báo Văn hoá Ngày nay); Hoàng Đạo (Thuỷ tiên – báo Văn hoá Ngày nay); Nguyễn Thị Vinh (Chuyện Tết – báo Văn hoá Ngày nay).
Văn Thuật sự phối hợp với Miêu tả: thơ của Yến Lan (Bến My Lăng); Nguyễn Thị Vinh (Quê ngoại – Hai chị em); Nhất Linh (Hai vẻ đẹp – Thế rồi một buổi chiều); Khái Hưng (Nửa chừng xuân); Thạch Lam (Gió đầu mùa); Khái Hưng (Phút vĩnh biệt – báo Văn hoá Ngày nay)
Thư tín: Khái Hưng (Trống mái); Đỗ Tốn (Hoa vông vang);
Ở phần trích đọc thêm cũng có chọn văn của một số cây bút cộng tác với Tự Lực văn đoàn như Đỗ Tốn (Hoa vông vang) chẳng hạn. 

       2.2. Ở chương trình lớp 7, về văn chương Tự Lực văn đoàn và Thơ Mới, trong chương trình khung trên, ở phần Kim văn, sách đã chọn trích giảng các tác phẩm sau:
Văn Miêu tả với ba kiểu bài: tả cảnh, tả người, tả tình: Khái Hưng (Dọc đường gió bụi, Trăng thu); thơ Thanh Tịnh (Lời cuối cùng); Nhất Linh (Đoạn tuyệt); Hoàng Đạo (Tiếng đàn); Nhất Linh (báo Văn hoá Ngày nay); Khái Hưng (Trống mái); Trần Tiêu (Con trâu).
Văn Thuật sự với ba kiểu bài: ký sự, tự thuật, hồi ký: Khái Hưng (Cái ấm đất).
Văn Thuật sự phối hợp với Miêu tả: Thạch Lam (Ngày mới); Trần Tiêu (Ma); thơ Đoàn Văn Cừ (Chợ Tết); Vũ Đình Liên (Ông đồ - Tinh hoa); Hoàng Đạo (Đi hái lộc, Hộp kẹo - báo Văn hoá Ngày nay); Thạch Lam (Đồng hào mới - báo Văn hoá Ngày nay); Đỗ Đức Thu (Vỡ lòng); Khái Hưng (Anh phải sống, Tiếng địch véo von, Hồn bướm mơ tiên); thơ của Thanh Tịnh (Mòn mỏi).
Phần trích Đọc thêm đã trích văn của Hoàng Đạo (Con đường sáng); thơ của Nguyễn Nhược Pháp (Sơn Tinh, Thuỷ Tinh); Khái Hưng (Trống mái); Hoàng Đạo (Con đường sáng).

       2.3. Ở chương trình lớp 8, về văn chương Tự Lực văn đoàn và Thơ Mới, trong chương trình khung trên, ở phần Kim văn, sách đã chọn trích giảng các tác phẩm sau:
Văn Miêu tả hoạt cảnh phức tạp: Thanh Tịnh (Quê mẹ); Nhất Linh (Buổi học đầu tiên - báo Văn hoá Ngày nay).
Văn Thuật sự thông thường: Thạch Lam (Tấm lòng người chị); Khái Hưng (Đội mũ lệch, Tiêu Sơn tráng sĩ).
Văn Thuật sự thể đối thoại: Khái Hưng (Thừa tự, Anh phải sống); Thạch Lam (Gió lạnh đầu mùa); thơ Thanh Tịnh (Lời trối).
Văn Thuật sự thể tự thuật tâm sự: Nhất Linh (Bướm trắng); Khái Hưng (Hạnh); Xuân Diệu (Phấn thông vàng).
Văn Thuật sự thể hồi ký: Hoàng Đạo (Một giấc mơ xuân - báo Ngày nay).
Văn Thuật sự thể cảm tưởng: Nhất Linh (Đôi bạn); Hoàng Đạo (Con đường sáng).
Văn Nghị luận: Hoàng Đạo (Mười điều tâm niệm) 

      2.4. Ở chương trình lớp 11, về văn chương Tự Lực văn đoàn và Thơ Mới, trong chương trình khung nêu trên, ở phần Kim văn, theo các bộ sách giáo khoa của các soạn giả: Võ Thu Tịnh, Đỗ Văn Tú, Thẩm Thệ Hà đều giới thiệu kỹ về Thơ Mới, về nhóm Tự Lực văn đoàn, giới thiệu ba tác giả trụ cột của văn đoàn là Nhất Linh, Khái Hưng và Hoàng Đạo, học kỹ ba tác phẩm: Đoạn tuyệt, Nửa chừng xuân, Mười điều tâm niệm. Riêng bài văn thể, các sách đã giới thiệu kỹ, có hệ thống về Thơ Mới.

3. Nhận xét chung


      Có thể thấy chương trình khung môn Văn được sắp xếp có hệ thống chặt chẽ, khoa học, hợp lý, theo trình tự từ dễ đến khó, từ các bài trích giảng đến các bài giới thiệu văn thể, cho đến các kiểu bài luận văn. Phần văn học sử được học có hệ thống, nếu ở lớp 9 học “Đại cương văn học sử Việt Nam từ khởi thuỷ đến hiện kim”, thì sang lớp 10 học sâu hơn, kiến thức được nâng cao hơn: “Văn chương truyền khẩu (Văn chương bình dân)”; “Văn chương chữ Nôm từ đầu nhà Trần (Hàn Thuyên) đến Nguyễn Du”; “Giới thiệu thơ chữ Hán và truyện cổ tích”, để đến lớp 11 sẽ học tiếp giai đoạn còn lại “Văn học Việt Nam từ sau Nguyễn Du đến 1945: văn học chữ Nôm và văn học chữ Quốc ngữ”. Phần văn thể cũng được học một cách bài bản, có hệ thống về các thể loại: tục ngữ, ca dao, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, câu đố, thơ lục bát và biến thể, thơ song thất lục bát và biến thể, câu đối, phú, văn tế, hát nói, thơ Mới. Riêng hai thể loại ngâm khúc và truyện thơ Nôm tuy chương trình không có bài học riêng ở phần văn thể nhưng lại được giới thiệu về thể loại ở bài học về thơ lục bát, thơ song thất lục bát và ở bài trích giảng về tác phẩm Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, Hoa tiên, Đoạn trường tân thanh, Lục Vân Tiên.

      Qua các văn bản trích giảng, khi biên soạn sách giáo khoa, các soạn giả đã tích hợp giữa văn học (giảng văn) với làm văn (qua các kiểu bài luận) và ngôn ngữ (qua việc chú thích giải nghĩa các từ cổ, từ Hán Việt trong các văn bản được trích giảng). Đây là một đóng góp không nhỏ của các nhà soạn sách, mà việc biên soạn sách giáo khoa theo phương pháp tích hợp có tính hiện đại và khoa học này gần đây, từ năm 2000 Bộ Giáo dục của ta mới có chủ trương, như thế là đã đi chậm khoảng 40 năm nếu so với chương trình môn Văn của Miền Nam trước đây!

      Riêng về văn chương Tự Lực văn đoàn, chương trình được trình bày có hệ thống, cơ bản, từ trích giảng các đoạn văn ở các lớp trung học đệ nhất cấp (từ lớp 6 đến lớp 9) đến việc giới thiệu toàn tác phẩm, đặc biệt là ba tác giả trụ cột của Tự Lực văn đoàn là Nhất Linh, Khái Hưng và Hoàng Đạo được khảo kỹ về tác giả; giới thiệu kỹ tác phẩm, cho đến các bài trích giảng, bài đọc thêm, hệ thống câu hỏi giáo khoa và đề luận về Tự Lực văn đoàn, về ba tác phẩm của ba tác giả trụ cột của văn đoàn được học kỹ trong chương trình lớp 11.
      Về Thơ Mới, nếu từ lớp 6 đến lớp 9, phần giảng văn có trích giảng các bài thơ của các tác giả trong phong trào Thơ Mới (Thanh Tịnh, Bàng Bá Lân, Nguyễn Nhược Pháp, Đoàn Văn Cừ, Xuân Diệu, Vũ Đình Liên, v.v..) thì đến lớp 11, ở bài văn thể về Thơ Mới, trên cơ sở nêu định nghĩa, lai lịch, nguồn gốc, thể cách, bài viết về văn thể này đã giới thiệu các tác giả đỉnh cao, tiêu biểu của phong trào Thơ Mới là: Thế Lữ, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử. Bên cạnh sách giáo khoa còn nêu hệ thống các câu hỏi giáo khoa và các đề luận về Thơ Mới.

      Xin được nói thêm để nhấn mạnh là trong chương trình thi Tú tài bán phần môn Văn, phần văn chương Tự Lực văn đoàn và Thơ Mới là một trong vài trọng tâm, trọng điểm của chương trình thi. Qua tìm hiểu các đề thi Tú tài bán phần từ sau năm 1954 cho đến năm 1971 (là năm cuối cùng tổ chức thi Tú tài bán phần, vì năm sau bỏ thi học vị này, chỉ còn lại thi Tú tài toàn phần sau khi học sinh học xong chương trình lớp 12) thì hầu như năm nào trong đề thi cũng có hỏi về Thơ Mới, về Tự Lực văn đoàn hoặc là câu hỏi giáo khoa, hoặc là đề nghị luận văn chương.

      4. Từ đó, có thể đi đến kết luận văn chương Tự lực văn đoàn và Thơ Mới có một vai trò và vị trí quan trọng trong chương trình môn Văn trung học đệ nhất và đệ nhị cấp ở Miền Nam trước năm 1975. Trong khi đó, cùng thời gian này trong chương trình và sách giáo khoa ở Miền Bắc lại không hề nhắc đến; còn trong giáo trình Văn học sử giai đoạn 1930-1945 ở bậc đại học thì lại phê phán Tự Lực văn đoàn và Thơ Mới một cách gay gắt, nặng nề. Điều này có lý do tế nhị riêng của một thời đã qua. Rất may là từ sau 1986, nhất là từ 1990 đến nay, vấn đề này đã được nhìn nhận lại và các nhà nghiên cứu đã thống nhất khi đánh giá rất cao vai trò cùng đóng góp không nhỏ của văn chương Tự Lực văn đoàn và thơ Mới trong quá trình hiện đại hoá văn học dân tộc hồi nửa đầu thế kỷ XX.

      Người viết bài này không phải là người am tường hay nghiên cứu sâu về văn học hiện đại, nhưng cũng xin được góp thêm tiếng nói về việc nghiên cứu văn chương Tự Lực văn đoàn và thơ Mới. Đến nay sau 80 năm nhìn lại và nhận thức lại có thể thấy với những thành tựu đã có là rất đáng quý. Các chuyên gia hàng đầu và các nhà nghiên cứu về văn học Việt Nam giai đoạn này đều đã nêu bật những đóng góp của văn đoàn và phong trào thơ Mới như về cách hành văn diễn đạt, về ngôn ngữ, về thể loại, về tư duy nghệ thuật v.v.. trong quá trình hiện đại hoá văn học, và hầu như chỉ nghiên cứu có tính chất đóng khung trong nội bộ của văn đoàn, của phong trào và đặt chúng trong bối cảnh văn học giai đoạn 1932-1945, chứ chưa có nhà nghiên cứu nào đặt văn đoàn và phong trào này trong bối cảnh của văn học khu vực Đông Á hay rộng hơn nữa để so sánh nhằm rút ra điểm tương đồng và tương dị cùng quy luật phát triển giữa các nền văn học trong tiến trình hiện đại hoá. Thiết nghĩ, nếu làm được điều này thì hy vọng sẽ có nhiều phát hiện mới và sẽ mới hiểu được một cách tường tận sự “quặn mình vật vã trở dạ” để lột xác của văn học Việt Nam, chỉ trong khoảng 15 năm mà gần như đã “theo kịp 300 năm của người”, từ đó mới thấy và nhận rõ hết ý nghĩa và những đóng góp cực kỳ lớn lao của Tự Lực văn đoàn và phong trào thơ Mới đối với văn học Việt Nam hiện đại.

Nguyễn Công Lý
* * *
Chú thích
(1) Chỗ này trong chương trình khung của Bộ Quốc gia Giáo dục và các sách giáo khoa, các công trình nghiên cứu ở Miền Nam trước 1975 đã nhầm khi khẳng định Nguyễn Trãi là tác giả của Gia huấn ca. Bởi khi biên soạn tất cả các soạn giả đều dựa vào bộ sách Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm. Đúng ra, theo tình hình tư liệu đã phát hiện gần đây thì tác giả của Gia huấn ca là Tiên Điền Nguyễn tướng công, mà theo các nhà nghiên cứu chính là Tiến sĩ Nguyễn Huệ, anh ruột của Tiến sĩ Tể tướng Nguyễn Nghiễm, ông là bác ruột của thi hào Nguyễn Du.

* * *
Tài liệu tham khảo

1. Sắc lệnh số 660/TT/SL ngày 01-12-1969 về Chương trình Cập nhật hoá của Bộ Quốc gia Giáo dục.
2. Nghị định số 1152A GD/KHPC/ND ngày 26-6-1970 về Chương trình Cập nhật hoá của Bộ Quốc gia Giáo dục.
3. Thẩm Thệ Hà, Giảng văn lớp 6; Giảng văn lớp 7, Sống Mới xuất bản, SG, 1974.
4. Xuân Tước - Thẩm Thệ Hà, Giảng văn lớp 8; Giảng văn lớp 9, Sống Mới xuất bản, SG, 1974.
5. Xuân Tước - Thẩm Thệ Hà - Bằng Giang, Giảng văn lớp 10; Giảng văn lớp 10, Sống Mới xuất bản, SG, 1974.
6. Đỗ Văn Tú, Giảng văn lớp 6; Giảng văn lớp 7; Giảng văn lớp 8; Giảng văn lớp 9; Giảng văn lớp Đệ tam; Giảng văn lớp Đệ nhị, Văn Hào xuất bản, SG, 1970.
7. Võ Thu Tịnh, Việt văn, Đệ nhị A B C D, 2 tập, in lần thứ 3, Hải Vân xuất bản, 1965.
8. Tạ Ký, Việt Nam thi văn trích giảng, Nxb Khoa học, SG, 1961.
9. Vũ Ký, Luận văn chương và giải đề thi Tú tài 1 A B C D, Trí Đăng xuất bản, SG, 1972.
10. Phạm Thế Ngũ, Bài Việt văn kỳ thi Tú tài – Bài luận văn chương, 3 tập, Phạm Thế xuất bản – Quốc học tùng thư, SG, 1970.

Huỳnh Hữu Đức - Sưu tầm
(Theo http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn)


Thơ Tranh: Tết Nhớ



Thơ và Trình Bày: Kim Quang

Đến Mũi Nai



Vòng quanh phố biển bóng đổ dài,
Chiều tà phảng phất bến Mũi Nai.
Sóng vỗ thì thầm vờn quanh núi,
Hiền hoà thư thả chốn thiên thai.
Sóng cuộn dâng trào tình lai láng,
Lặng thầm u uất tấc lòng ai.
Mai mốt nhớ về Hà Tiên ấy,
Thương hoài cảnh đẹp khó nhạt phai.

Dương Hồng Hưng
(Trích tập thơ " Hà Tiên Phong Cảnh " )

Em Từ Lục Bát Bước Ra ... (Số 2)




1-Em từ lục bát bước ra

Đi về là nỗi xót xa đau đời
Phận duyên là chuyện của người
Bên em, anh nở nụ cười thương yêu..

2-Em từ lục bát bước ra
Nét thơ huyền diệu như là vầng trăng
Nét thơ là chỗ em nằm
Dễ thương là chỗ em ngầm ..yêu anh..

3-Em từ lục bát bước ra
Như con chim nhỏ bay qua tình cờ
Rồi em dừng lại giây mơ
Tình anh nở rộ bài thơ.. yêu nàng..

4-Em từ lục bát bước ra
Nụ cười giọng nói.. em là hồn anh
Thân tâm an lạc trọn lành
Thế là từ đó, em dành con tim…

VA, ngày 23/7/13
Bùi Thanh Tiên


Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2014

Sao Thế Nhỉ?



 

Sao ta vẫn yêu anh nhiều thế nhỉ ?
Dù anh đi biền biệt mấy mươi năm
Không một lần chợt nhớ để hỏi thăm
Sao ta cứ quặn lòng trong tiếc nuối ?

Sao thế nhỉ? Sao tới chừng này tuổi
Vẫn yêu anh bằng những nổi bâng khuâng
Muốn cho anh tất cả chẳng ngại ngần
Nhưng anh ạ! Dòng đời dần xa cách 

Ta muốn lặng thinh cho lòng buông sạch
Hình bóng anh trong tận cõi hồn ta
Lục từng ngăn ta muốn bỏ hết ra
Sao tim cứ nhốt anh vào huyết quản?

Để tim chết héo dần theo năm tháng
Vẫy gọi trong từng dáng của anh yêu
Càng khổ đau ta càng thấy yêu nhiều
Sao thế nhỉ? Toàn những điều ta không muốn     


Nguyễn Diêu Anh (Cựu Học Sinh Tống Phước  Hiệp)
Valentine Day 2014

Cựu Giáo Sư và Sinh Viên Kỹ Sư Công Nghệ 2 - Năm 1960






L.T.C
(Cựu Học Sinh Bán Công Nguyễn Thông và Tống Phước Hiệp- Vĩnh Long)

Dạy Con Với 10 Tội Bất Hiếu




Thứ nhất: Không nghe lời cha mẹ
Con không nghe lời cha mẹ dậy
Ngẩng cổ lên cãi, bỏ ra ngoài
Tựa hồ nước đổ lá khoai
Nghe chúng nghe bạn rỉ tai làm càn
Đến khi tội ác lan tràn
Phép vua luật nước ai can được nào
Bao điều xấu rước vào thân thể
Làm ô danh không nể mẹ cha
Xấu lây đến cả ông bà
Đứa con bất hiếu đẻ ra làm gì!

Thứ hai: Bỏ học
Tội thứ hai càng ghê tờm nữa
Bỏ học hành từ nửa năm qua
Thày cô gửi giấy về nhà
Tìm cách dấu biệt ai mà biết đây
Kỳ thi tới tìm thày chậy chọt
Mua đề thi mong được điểm cao
Rồi ra cũng chẳng đậu nào
Đến khi vỡ lỡ miệng gào rằng oan
Học đã dốt nói toàn khoác lác
Miễn là “tao có bạc là xong”
Mẹ cha xấu hổ vô cùng
Con mình như thế còn mong mỏi gì!

Thứ ba: Nghiện hút ma tuý
Bất hiếu này cực kỳ nguy hiểm
Theo bạn bè tập nếm “xì ke”
Đêm đêm nằm cạnh vỉa hè
Mình trần, quần cộc le te về đồn
Cha mẹ nhìn con càng thêm xấu hổ
Bỏ thì thương, vương thì khổ con ơi
Họ hàng làng xóm chê cười
Ra đường gục mặt sợ người mỉa mai
Mẹ cha thở ngắn than dài
Lúc này bỏ mặc cho ai bây giờ
Con như thế còn nhờ chi được
Đành cầm lòng ngậm miệng cho qua
Trông lên hình ảnh ông bà
Tủi thân, tủi phận mẹ cha lúc này.

Thứ tư: Nghiện rượu
Bất hiếu này, dặn con nhớ kỹ
Rượu uống vào một tí không sao
Say rồi thì nói tào lao
Ông kia, thằng nọ, chê tao rượu chè
Bộ chúng nó “hầm hè ông hở”
Sắn áo lên “để tớ ra tay”
Bể đầu sưng trán thế này
Cố cầm đồ đạc cậy thày đi thưa
Uống như thế cũng chưa thoả dạ
Còn bê tha suốt cả ngày đêm
Say rồi miệng cứ đòi thêm
Quăng đũa, quăng chén, không thèm dọn đi
Vợ nói đến “ông thì bẻ họng”
Con vào can “Mày hỏng rồi con”
Trên đời say rượu là tiền
“Mày mà nói nữa tao nghiền mày ra
Khôn tìm đường cút xa cho rảnh
Kẻo ông cho đòn gánh vào lưng”
Quát thôi mặt đỏ bừng bừng
Quẹt diêm ông đốt cái mùng này đi
Lửa bốc cháy ông thì mặc kệ
Phút chốc rồi, còn kể làm chi

Cửa nhà theo
khói bay đi
Hết say thì chẳng còn chi nữa mà!
Ối con là con……

Thứ năm: Trai gái phá thai
Theo du đãng gái trai đĩ thoã
Có thai rồi lại phá thai đi
Nỡ lòng giết đứa hài nhi
Ai gây nên tội, ấy thì tại ai?
Rồi lặng lẽ một hai dấu diếm
Bảo rằng mình “ốm yếu kiêng khem”
Trông người ra dáng hom hem
Tử thần chờ đợi ngày đêm rước về
Mẹ cha thương xót não nề
Đầu xanh tuổi trẻ vội về trước cha
Mai sau cha mẹ tuổi già
Không nơi nương tựa, ai hoà nâng niu

Thứ sáu: Cướp giật khách bộ hành
Tội cướp giật đủ điều tệ hại
Người đi đường xách cái bóp da
Trong đựng vàng bạc vòng hoa
Hột xoàn, đá quý đẫy đà thẳng căng

Mắt ngấp nghé
coi bằng kỳ được
Chờ hở cơ rảo bước giật liền
Trao cho đồng bọn đứng bên
Đem về sào huyệt chia tiền xài chung
Người mất của đau lòng xót ruột
Nguyền rủa thề nhất quyết không tha
Đau lòng tủi nhục mẹ cha
Có con như thế chẳng thà không con

Thứ bảy: Lập phe nhóm anh chị
Tội phe nhóm lại càng quá tệ
Giao du toàn những kẻ ba que
Hè nhau lập đảng, lập phe
Tranh dành gái đẹp những khoe mình tài
Cướp giết người một hai ba vụ
 Thấy ông cò là hú hồn rên
Về nhà ăn cắp bạc tiền
Mẹ cha vất và ngày đêm buồn phiền
Trát truy nã liền liền tới tấp
Trông thấy người vội nấp cho qua
Ban ngày dám ló mặt ra
Nhị tỳ, nghĩa địa lăm le ẩn hoài
Đáng thương tội nghiệp cho đời
Râu mày mà hoá ra người tội nhân

Thứ tám: Không đoái đến cha mẹ
Tội thứ tám ngày mai kể rõ
Cha mẹ già chẳng ngó ngàng chi
Ban ngày nằm ngủ ly bì
Tối đến dắt bạn cùng đi vũ trường
Viên thuốc “lắc” đầy rương đầy tủ
Gói “xì ke” đầy hũ trong xe
Anh em trai gái bạn bè
Cơn nghiền ngáp đại chẳng e lệ gì
Mẹ nói đến điều gì cũng cãi
“Mặc thây con mẹ hãy im đi
Mẹ già mẹ biết cái chi
Văn minh tuổi trẻ theo thì chứ sao”
Mẹ tủi thân bước vào giường khóc
Mẹ sinh con cực nhọc con ơi
Bây giờ con chẳng nghe lời
Mẹ buồn bẹ tủi đứng ngồi sao an.

Thứ chín: Tha phương cầu thực
Tội thứ chín lại bàn cho ráo
Quá ra rồi khuyên bảo được nao
Thân hình bệ rạc cỡ nào
Bước chân nghiêng ngả thấp cao gập ghềnh
Tay chống gậy
lềnh kềnh cái bị
Cũng đành liều còn nghĩ ra sao
Tha phương cầu thực nơi nào
Lúc này mới hối làm sao bây giờ
Đành nhắm mắt nằm bờ nằm bụi
Mảnh chiếu dơ làm túi che sương
Kẻ qua người lại bên đường
Mỉa mai mặc xác những phường hư thân
Sờ lên má thấy nhăn nhiều chỗ
 Nắn vào vai lố nhố khúc xương
Trên đầu tóc rối như tương
Muối tiêu ai rắc ai vương vãi vào
Tủi cái thân bước vào ngõ cụt
Đâm đầu vào nghiện hút xì ke
Cha khuyên mẹ bảo chẳng nghe
Nghe chúng nghe bạn rủ rê lúc nào.

Thứ mười: Bỏ vợ bỏ chồng
Tội thứ mười tội cao bậc nhất
Làm giống người đừng mất lương tâm
Vợ chồng kết nghĩa trăm năm
Trao tơ chắp chỉ sắt cầm hợp duyên
Đừng vì chuyện nhỏ nhem lặt vặt
Mà ra điều nặng mặt sa mày
“Chửi mèo, mắng chó” chúng bay
Hễ mà “già néo đứt dây” lẽ thường
Vợ bế con ra đường ủ rũ
Chồng uống bia rồi ngủ lăn quay
Đến khi rượu đã hết say
Làm đơn ly dị biết tay “thằng này”
Vợ kiêu ngạo “thì mày cứ việc”
Lúc ra toà mới biết mình sai
Bấy giờ ai có bảo ai
Cũng đành dứt nghĩa, chia hai mối tình
Đàn con dại giật mình bỡ ngỡ
Sống bơ vơ biết thuở nào quên
Bởi cho, bởi mẹ hai bên
Đành lòng dứt mối tình duyên ban đầu
Mẹ khuyên con trước sau có bấy
Nghĩa vợ chồng đừng lấy làm chơi
Chân đạp đất, đầu đội trời
Vợ chồng ở kiếp ăn đời thuỷ chung
Chớ nên đâm dại đâm khùng
Mà coi cái đạo vợ chồng trò chơi
Trăm năm vật đổi sao dời
Luân thường còn mãi đời đời về sau.
Chung cuộc
Mẹ nhủ con mấy câu cặn kẽ
Chữ hiếu trung, lớn bé đều hay
Của chồng, công vợ xưa nay
Ngọt bùi cùng xẻ, đắng cay cùng đồng
Trước sau, sau trước một lòng
Nhớ câu thuận vợ, thuận chồng ca dao
Bây giờ đất thấp trời cao
Tào khang hai chữ ca dao không mòn
Tội bất hiếu hãy còn nhiều lắm
Nói ra càng thêm thảm lòng ai
Khuyên con nghĩ đến ngày mai
Thì rồi thấy rõ tương lai…..
Huy hoàng.


Hoàng Cúc
Giải Văn Học Victoria - Úc Châu2005

Chợ Tết - Đoàn Văn Cừ




Dãi mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh
Người các ấp tưng bừng ra chợ tết 

Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc 
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon
Vài cụ già chống gậy bước lom khom
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ

Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ  
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu  
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau 
Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa

Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa 
Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh 
Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh 
Người mua bán ra vào đầy cổng chợ 

Con trâu đứng vờ rim hai mắt ngủ 
Để lắng nghe người khách nói bô bô 
Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ 
Tìm đến chỗ đông người ngồi giở bán 

Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản 
Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân 
Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm 
Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ 

Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ 
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau 
Chú hoa man đầu chít chiếc khăn nâu 
Ngồi xếp lại đống vàng trên mặt chiếu 

Áo cụ lý bị người chen sấn kéo 
Khăn trên đầu đang chít cũng bung ra 
Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà 
Quên cả chị bên đường đang đứng gọi 

Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rượi 
Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa 
Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha 
Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết 

Con gà trống mào thâm như cục tiết 
Một người mua cầm cẳng dốc lên xem 
Chợ tưng bừng như thế đến gần đêm 
Khi chuông tối bên chùa văng vẳng đánh 

Trên con đường đi các làng hẻo lánh 
Những người quê lũ lượt trở ra về 
Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê 
Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ 

Đoàn Văn Cừ
Suối Dâu sưu tầm


Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

Nguyễn Thông Chỉ Còn Là Kỷ Niệm - Thơ: Kim Phượng, Hương Nam Diễn Ngâm



(Nguyễn Thông một thời để nhớ) 

Cái gì lại khiến bâng khuâng
Cũng tà áo trắng…trong lần gặp nhau
Vẫn còn chưa một câu chào
Lạ sao!
Những sáng nôn nao đợi chờ
Đêm về bỏ học làm thơ
Cuối giờ trao cả mộng mơ cho nàng
Những ngày lười học bỏ ngang
“Mộng ngoài cửa lớp” mang mang nỗi lòng
Khung cửa sổ lớp ngóng trông
Em nào biết được chờ mong trộm nhìn
Chân theo dấu bước lặng thinh
Đêm về đeo mãi bóng hình bên song
Bao năm đèn sách Nguyễn Thông
Nay dường mộng mị phải lòng người ta
Nơi này hai bận vào ra vào
Cũng sân trường ấy mượt mà hơn xưa
Trên cành cánh Phượng dần thưa
Thơ trao thì đã nhưng chưa trả lời
Hoàng hôn khuất nẻo chân trời
Trách người hờ hững một lời tiếc chi
Thời gian cướp mất xuân thì
Cướp luôn hết cả những gì tôi yêu


Thơ: Kim Phượng
Diễn Ngâm: Hương Nam

 

Xóm Cầu Kinh Cụt



 
Ngõ cũ giờ đây vắng bóng rồi
Em còn đi học nữa hay thôi
Mỗi chiều không gặp làm sao ấy
Thấp thỏm anh trông đứng trông ngồi

Có lẽ là anh đã biết yêu
Không em anh thấy nhớ nhung nhiều
Làm sao biết được tình yêu nhỉ
Yêu và nhung nhớ khác bao nhiêu?

Lối nhỏ em về ngang cầu Kinh
Lốc cốc tiếng khua guốc gợi tình
Con sông hai nước ra cầu Lộ
Vẫn chảy trong tim một mối tình

Mai dù anh có đi nẻo xa
Vẫn nhớ hình em bóng quê nhà
Nhớ con sông nhỏ chiều dâng nước
Nhớ ánh hoàng hôn nhuộm nắng tà.

Biện Công Danh

Mừng Xuân Đã Về - Minh Kỳ-Thiên Kim-Tết Canada 2014

      Anh chị thương.
      Em tặng gia đình Anh Chị Năm, món quà nhỏ mừng Năm Mới 2014. ( Vẫn còn Tết Nguyên Tiêu đó nha)
     Thương chúc Anh chị cùng con cháu Mùa Xuân tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa, An lành, Hạnh phúc, Dồi dào Sức khoẻ. 
      Em 9Oanh


Sánh Tác: Minh Kỳ
Tiếng Hát: Thiên Kim
Trình Bày: Kim Oanh



Tết Một Mình




Ly cà phê nguội ngắt
Ðắng từng ngữ ngôn ta
Gói mì khô quặn thắt
Nỗi sầu bốc hơi xa.

Nồi cơm quên cắm điện
cái nhớ vẫn mù tăm
Cầm gương xem sắc diện
Ðời bạc trắng trên cằm.

Chén dĩa nằm nhớp nhúa
Thèm tiếng động đàn bà
Con gián như bóng ma
Trêu ta, bò quanh chữ.

Năm mươi năm chợt cũ
Ðời người bỗng vô tâm
Chỉ có xuân là mới
Trên đầu ta hoa râm.

Phạm Hồng Ân

Tết Nguyên Tiêu Và Lễ Tình Nhân - Vĩnh Long 14/2/2014

1/ Tết Nguyên Tiêu - Chùa Vĩnh Long






2/ Đêm Valentine - Vĩnh Long






Trương Văn Phú

Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Chìa Khóa Tình Yêu


      Dòng nước xanh biếc của con sông Yarra Melbourne yên ả, chiếc cầu bắt đôi bờ có người khách ghé qua, tựa bên những chiếc Chìa Khoá Tình Yêu. Bạn có biết những chiếc khóa ấy có ý nghĩa chi không?
      Đó là những chiếc chìa khoá của những cặp tình nhân, họ đến đây cùng nhau ước thệ và họ móc vào sợi dây cáp của thành cầu, mỗi một ổ khóa có hai chìa, họ đã chia cho nhau, mỗi người cùng cất giữ.
      Khi nhận được bức ảnh này, tôi tự nghĩ vui vui trong đầu, không biết nếu ai đó chỉ một mình ghé đây, có thể móc ổ khoá và giữ một chìa, rồi để lại một chìa...." cầu duyên" ?
      Biết đâu lại thành sự thật bạn nhỉ?!
      Mong các bạn nào đang yêu hay chưa có tình yêu có dịp ghé Melbourne hãy đến đây xem sao bạn nhé
      Chúc tất cả các bạn một Ngày Valentine Hạnh Phúc!

Ghi nhanh: Kim Oanh
Ảnh chụp Nguyễn Đức Tri Ân
14/2/2014

Ngày Tình Nhân




Valentine!
Valentine! Đêm nay
Nến hồng rực cháy tim con con
Tình yêu hạnh phúc khát khao tròn
Mãi mãi son khuôn trời mộng mị

Đi!
Đến với nhau
Trên con đường không định hướng
Tim bóng bay ngưỡng mộ Ngày Tình Nhân

Quên thế sự
Đôi tình chung bước
Trước muôn người nhưng chẳng thấy được ai
Đêm sẽ dài…ngoài kẻ say yêu tha thiết

Đôi mắt biếc
Ngời sao đắm đuối
Lỡ ghé môi cuối mặt thẹn thùng
Vùng trời đất kỳ hoa dị thảo
Tỏa hương quen chao đảo con tim

Chân tìm bàn chân dìu bước nhung êm
Xao xuyến môi mềm tươi giọng nói
Nói gì đây!?
Bằng tiếng lời rất nhẹ

Hỡi kẻ yêu nhau
Đêm hoa đăng
Đêm nhân thế ngọt ngào
Chào đón đôi tình nhân trao ý vị

Đi!
Đến bên nhau
Ngàn đóa hồng sắc màu lạ lắm
Câm lặng mắt nhìn nhau say đắm
Valentine! Nắm thời gian dừng lại
Hai mái đầu tình thắp ngọn lung linh

Kim Phượng

Thơ Ngày Valentine


         
     (Viết yêu dấu gởi Chuối Sứ)

Lời thật tự lòng anh
Mơ duyên đẹp mộng lành
Anh yêu em nhiều lắm
Tình mình mãi tươi xanh

* * *
      (Viết dấu ái gởi Cọp Gấm)


Nắng nhuộm hồng môi ngày valentine
Tình anh cuộn sóng nước sông đầy
Bao nhiêu thương nhớ anh xin gởi
Về biển lòng em chứa ngập đầy

* * *
      (Dấu ái gởi BS Phạm)

Chữ dễ thương và ý ngọt ngào
Lời anh nguyện ước chuyện ngày sau
Yêu em tha thiết, yêu chân thật
Mình sống bên nhau đến bạc đầu

* * *
      (Yêu qúy gởi Sương)

Chút gió xuân, ngày lễ tình yêu
Anh nhớ, anh thương em thật nhiều
Những lúc bên nhau em nũng nịu
Tình đã tràn dâng ...nước thủy triều

Thy Lan Thảo

Đi Tìm Khung Trời Mới

(Truyện phiếm vui /Kịch ngắn (xảy ra trong đời thường vào đêm Valentine)


[Hai giờ đêm. Hai ông bà: Ông đang đọc báo. Bà thức dậy.]

- Tôi để tờ báo này cho bà đọc vì tôi đã đọc rôì nên biết và ghi dấu những bài hay bài dở hoặc đoạn nào quan trọng, để bà đọc cho dễ hiểu và nhanh.
= Không. Tôi đã có một tờ y hệt rồi.
- Hãy đọc tờ này.Tôi muốn giúp bà đọc được nhanh hơn để giải quyết đống báo cứ ùn ùn ra đấy. Báo chí lấy ở chợ, sách báo mượn ở thư viện tôi thường chọn lọc cái cần thiết, cái hay cho bà đọc. Nhiều tin tức qua các cơ quan truyền thông tôi cũng kể lại cho nghe, chứ bà đâu có thì giờ.
= Không. Tôi có cách đọc của riêng tôi.
- Thật tình tôi chỉ muốn giúp bà đỡ mất thì giờ. Có mục hay quá thì thưởng thức, có đọạn dở quá thì lướt qua cho nhanh. Thực vậy, có truyện nội dung mắc mớ rất khó hiểu nên tôi ghi chú hoặc đánh dấu chỗ thắt nút, hoặc vạch dài liên kết các đọạn chính của bài văn với nhau...
= Không. Tôi muốn lần lượt đọc từng giòng chữ, từng chi tiết trang giấy không có ghi chữ hay dấu vết gì.
- Đây này, tôi phân tách kỹ hơn cho bà biết. Có một tạp chí tôi còn giữ kia trong đó tác giả kể một câu chuyện vô cùng hấp dẫn. Hai nhân vật, một nam, một nữ trao đổi với nhau. Tác giả diễn tả lời nói thay phiên nhau của mỗi nhân vật bằng lối viết văn thông thường là xuống giòng và gạch ngắn một cái. Suốt từ đầu đến cuối liền một mạch dài tới 2 trang đều đều như vậy khiến tôi lẫn lộn như đi vào mê hồn trân không còn biết lời nào do ai nói. Từng câu văn của tác giả không giúp ta đoán được nhân vật đang nói. Muốn phân biệt, trước khi đọc lại lần thứ mấy rồi, tôi đành phải lấy bút viết N hay n cho từng lời nói. Đấy bà thử đọc xem, nếu tôi không ghi thêm thì đố bà mò ra lời nào do ai nói. Mặc dù rất hiếm hoi ở một hai chỗ tác giả dùng chữ anh hay em nhưng trong cách xưng hô của ta, hai tiếng này không nhất định tiếng nào chỉ ngôi thứ nhất hay ngôi thứ hai số ít, khác với hai tiếng I hay You trong Anh ngữ. Ở chỗ khác, tờ báo quên đánh số trang nên tôi lại phải lật đi lật lại để ghi số trang cho bà nữa. Còn có chỗ in bị mờ hay xếp nếp, tôi phải đoán chữ mà viết bù vào cho đủ. Cũng có chỗ in trùng lặp từng đoạn dài do vô ý hay cố ý, tôi phải gạch xoá đoạn thừa đó.
= Thật sao?


- Chính vì vậy có lần viết truyện ngắn, đối với những đoạn văn đối thoại dài, tôi đã phá lệ truyền thống: dùng 1 gạch(-) hay 1 dấu hoa thị (*)cho nhân vât này, dùng 2 gạch(=) hay 2 dấu hoa thị(**) cho nhân vật kia, vân vân và vân vân. Ấy, chưa kể một tác giả không biết có cố ý dùng bút pháp đặc biệt hay không, đã viết những câu dài dằng dặc hàng chục giòng đến nỗi tôi phải dùng bút gach chéo ngắt ra thành từng câu nhỏ cho bà dễ đọc. Dù sao, khi thưởng thức một tác phẩm, ngoài nội dung, ta cũng cần phân tich bút pháp chứ!
= Thì cứ đọc-đi-đọc-lại,đọc-tái-đọc-hồi rồi cũng hiểu thôi, cần gì phân tích tỉ mỉ làm chi cho mệt óc.
- A, thế là bà công nhận việc phải mất thì giờ. Vậy để đốt giai đoạn, bà hãy đọc cuốn này đã được tôi ghi dấu trên nhiều bài văn và tiết mục.
= Thôi, ông cứ mặc tôi. Tôi không cần sự giúp đỡ của ông.
- Đâu muốn bà hoàn toàn theo cách của tôi. Nhưng trước khi đi vào chi tiết, bà hãy lướt qua những chủ điểm ghi chú của tôi, có mất mát gì đâu.
= Không. Rõ thật là lẩn thẩn.
- Việc của tôi giống như bình thường khi đọc các cuốn hướng dẫn cách xử dụng máy móc kèm theo hàng hoá. Trong đó, tôi đánh dấu, khoanh tròn, gạch dưới... bằng bút thường hay bút hai-lai những chỗ quan trọng cho bà chú ý. Có tờ in xen kẽ chữ Spa-ni-ss hay cái tiếng gì lạ hoắc thì tôi đã gạch bỏ cho thoáng chỗ. Bà đã thấy khi đến ngân hàng, phòng bác sĩ, phòng khai thuế...nhân viên thường đánh dấu hay hai-lai vào chỗ cần thiết để bà dễ thấy. Và bà có biết các nhân vật V.I.P thường có một mẩu giấy tóm tắt tin cần thiết do người phụ tá viết đặt sẵn trên bàn giấy của bô-ss đấy sao?
= Đúng. Tôi biết. Nhưng...

- Bà có để ý các bài thuật truyện phim ảnh trên báo chí, internet và tờ quảng cáo...với mục đích thúc đẩy khán giả bỏ tiền đi xem bằng cách bỏ lửng đến chỗ hấp dẫn thì s-top, khiến bà ấm-a-ấm-ức không được biết kết cục ra sao. Nhờ tôi là kẻ mê phim ảnh, đã đọc truyện phim lấy từ tiểu thuyết hoặc đã tận mắt xem phim đó nên kể lại đoạn kết cho bà thoả mãn đấy sao? Cũng như hàng ngày tôi đâu có giữ kín bao tin tức quan trọng lấy từ các cơ quan truyền thông, nhờ đó bà mới hiểu biết nhiều chuyện đời thường để tán gẫu với người khác. Chưa kể tôi không bao giờ tiếc thời giờ tháp tùng bà đi chợ, phụ giúp việc bếp núc, và đôi khi nhẫn nại chờ đợi bà hàng giờ ngắm nghía hàng hiệu trong dịp đi winh-đâu-sốp-pinh nữa.
= Phải, công nhận ông giúp tôi nhiều việc, nhưng...tôi cương quyết là không đọc cái tờ báo chắc chắn đã bị ông ghi lem nhem đầy dấu mực đó đâu..

[Hai giờ rưỡi. Ông bắt đầu thở dài thất vọng. Bà vẫn khăng khăng khước từ. Nhưng Ông lại bắt đầu thuyết phục Bà].


- Bà hãy chú ý nghe. Còn một lý do vô cùng quan trọng: đó cũng là một cách tạo sự thông cảm giữa hai người đọc, nhất là hai người chung sống với nhau, chưa kể đặc biệt hai người đó lại là tình nhân.
= Ông đừng ép nữa. Như thế là kiểm duyệt tôi à, ở xứ này tự do ngôn luận, lại kiểm duyệt cả cách đọc sách và tư tưởng của tôi sao? Hiến pháp Hoa Kỳ đã...đã...đã...
- Là vợ chồng, một người thấy gì tốt xấu, truyền đạt cho nhau là sự thường. Nó cũng giống như trao đổi tâm sự, cảm nghĩ để cảm thông hoặc để giải quyết công việc hàng ngày. Có gì áp bức ai đâu.
= Không, tôi không cần cảm-thông-cảm-thiếc gì cả.
- Vậy bà là người chỉ muốn cô độc? À bên lề cái bài Tham luận chính trị trong tờ báo này, tôi cũng ghi chú ý kiến của tôi để mong bà góp ý. Chúng ta thường thử tìm hiểu quan điểm của nhau qua những cuộc tranh luận giữa tôi với bà đó sao? Hồi xưa, bà đã từng kéo mấy cô bạn ở Luật đến nhà tán dóc ầm ĩ như mấy bạn hàng ngoài chợ, và thỉnh thoảng tôi cũng góp lời bàn ngang-như-cua khiến nhà mình vui như tết. Có cãi cọ với nhau như thế mới thích thú chứ?
= Tôi có cách đọc sách báo riêng, không cần trao đổi ý kiến để tìm sự đồng cảm với ai. Quá khứ là quá khứ. Tội cho qua hết rồi. Bây giờ cần phải thực tế.
- Thật không? Không ngờ bây giờ bà thay đổi thế! Chả trách bà là kẻ cô độc, ngay cả chẳng có bạn bè. Hồi xưa tôi đã tưởng bà thơ-ca-bay-bướm như chúng ta đã từng như vậy. Thế mà bây giờ bà chỉ quanh quẩn ở nhà với món-ăn-này-món-ăn-nọ. Tôi rủ đi du lịch đây đó hoặc đi xem vũ nhạc kịch đểu bị lắc đầu quầy quậy, lại còn luôn luôn muốn giữ chân tôi ở nhà. Ngoài tập thể dục, bà nằm dài ra đó để ngốn mãi đống báo chí không bao giờ vơi. Cả việc muốn bà đọc email cũng phải thúc giục mãi. Trong khi bà nói chuyện với người em, tôi chỉ thấy nhắc đi nhắc lại những truyện, có thể nói thẳng là...là tầm phào, chẳng bao giờ bàn đến văn chương, mỹ thuật, chính trị cả. Nhiều khi tôi đã phải nhắc bà về những tin tức thời sự nóng hổi quan trọng trên TV, trên in-tơ-net nữa, y như tôi là thư ký riêng cho bà, mà tôi có kêu ca bao giờ đâu.
= Bây giờ tôi chỉ thế thôi. Sống một mình theo cách của riêng tôi. Chẳng cần cảm thông với ai.


- Rất tiếc bà đã biến đổi. Biến đổi thật lớn. Tôi không ngờ, sau hai chục năm tại xứ sở này. Tôi biết bà đã phải lăn lộn tranh đấu cho cuộc sống, nên những bản tính tốt đã dần dần mai một. Nhưng bà nên nhớ rằng giữa vợ chồng, ngoài chuyện thường ngày, còn cần hợp tác với nhau, trao đổi những suy tư, những mối lo âu và cả tâm sự. Chính vì bà muốn cô độc nên tôi đã phải tìm cách trao đổi kiến thức, cảm nghĩ, tâm tư qua internet, web site, Gmail này nọ. Như tôi đã viết trên một trang mạng: Bạn bè thân hữu ở xa, Trao nhau xướng hoạ vần thơ tâm tình...
= Ông cứ việc. Còn tôi không cần trao đổi gì với ông. Ông nói muốn giúp tôi đỡ mất thời giờ, thì chính ông lại tiêu phí quá nhiều thời giờ hơn tôi. Thôi để tôi ngủ.
- Thôi được! Tôi biết vậy. Bà làm tôi cảm thấy thiếu...thiếu cái hạnh phúc gia đình thế nào ấy! Đừng trách tôi có lúc mải mê với internet, Gmail, Facebook,web site,... để tìm một khung trời mới tươi vui, lành mạnh, với chân-thiện-mỹ, cho quên cái buồn tẻ của tuổi hoàng hôn trong cuộc sống đời thường.

[Ba giờ đêm: Mặt Ông hơi đỏ. Ông ngồi bật dậy, bỏ sang phòng Computer, lẩm bẩm: thế là mất toi hết cái đẹp thơ mộng của ngày Valentine rồi! ]

       
ChinhNguyen/H.N.T.
2012-13