Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

A Holiday Season


Tháng Mười Một vội vã nhanh chân,
Trời lạnh mùa Đông lễ, Tết gần.
Chào đón Giáng Sinh, kỳ nghỉ nữa,
Chúc mừng, trang trí, thiệp đầu Xuân.

Năm dài tháng rộng, già thêm tuổi,
Phước thọ răng long cháu chắt thân!
Thấm thoắt thoai đưa còn tháng cuối,
Mười lăm (*) Năm mới nét thanh tân!

(*) Năm 2015 
Mai Xuân Thanh
Ngày 29 tháng 11 năm 2014

Bóng Nắng Khuya - Sáng Tác Ngu Yên


Sáng Tác: Ngu Yên
Trình Bày: Nguyên Thảo
Phối Nhạc: Lý Giai Niên


Xướng Hoạ: Mùa Đông Đất Khách


Bài Thơ Xướng:

(Thân tặng Mai Lộc)

Băng đóng đầy sân, tuyết ngập đường
Mùa Ðông đất khách quá thê lương.
Khói sương mù mịt, mờ sông núi
Mưa gió lê thê, lạnh phố phường.
Ngước mặt lên trời thương bạn hữu
Cúi đầu xuống đất nhớ quê hương.
Ai về góp nắng hồng quê Mẹ
Sưởi ấm hồn ta lạc viễn phương 

 Vào Đông 2014 
 Quang Tuấn
* * *
Các Bài Thơ Họa:

Tuyết Lạnh Mùa Đông


Nước Mỹ miền Đông tuyết trắng đường,
Đi đâu cũng lạnh lẽo thê lương.
Lá khô nghẽn lối cào từng đống,
Đất ướt quàng khăn dạo phố phường.
Tứ hải anh em mình trọn đạo,
Tam sơn tỹ muội lại đồng hương.
Ngàn trùng lặn lội về thăm mẹ,
Lạc lõng cô đơn khách viễn phương.

Mai Xuân Thanh
Ngày 26 tháng 11 năm 2014

* * *
Một Chút Tâm Tình


Gừng cay muối mặn ướp thơ Đường
Thất nghiệp bao ngày bếp hết lương
Bụng đói chân mềm xem khác tướng
Người khôn kẻ dại xếp chung phường
Gan đồng đất hứa tìm an phận
Tuổi hạc quê hồi nhớ cố hương
Gió bấc về ngang không mấy lạnh
Mây trời bàng bạc khắp muôn phương.

Cao Linh Tử
27/11/2014

* * *
Lẽ Thường



Thu sang xác lá phủ bên đường
Đông đến tựa hồ bọn bất lương
Một gã nhuộm vàng bao chiếc lá
Kẻ kia bạo ác chắc cùng phường
Đem buồn man mác cho thi sĩ
Gây vẻ hoang tàn đến lý hương
Có phải thiên nhiên đà sắp đặt
Đến kỳ hoa nở rực ngàn phương 

 Quên Đi
* * *
Mùa Đông Nhiệt Đới


Chẳng có tuyết rơi những nẻo đường
Trời chiều vẫn nhuộm vẻ thê lương
Cơn mưa sót lại khơi cuồng nộ
Dòng nước trào dâng ngập phố phường
Kinh tế suy trầm thêm khốn khó
Mưu sinh vất vả lụy quê hương
Đông như buồn bả chưa lê bước
Xuân khuất nơi nào giữa bốn phương! 

 Nguyễn Đắc Thắng 
 20141127

Thơ Tranh: Chúc Mừng Giáng Sinh& Năm Mới 2015


Trị Ho Bằng Rau Diếp Cá


Tôi khỏi ho nhờ mẹo dùng rau diếp cá đun nước gạo

Nghĩ lại những năm tháng tuổi thơ với hàng loạt trận ho dai dẳng, tâm trí tôi lại trở nên bấn loạn. Nhà tôi kín gió, mẹ lại chỉ có mình tôi nên chẳng bao giờ để tôi bị lạnh. Vậy mà chẳng hiểu sao, những cơn ho đã xuất hiện ngay khi tôi hai tuổi. Mẹ đưa tôi đi khám bác sỹ và nhận được kết luận tôi viêm phổi.

Vậy là xin nghỉ việc, mẹ cho tôi nhập viện rồi cho tôi uống thuốc, đưa tôi đi tiêm theo đúng liệu trình điều trị của bác sỹ. Bệnh tôi có giảm nhưng chỉ hai tuần sau lại đâu vào đấy. Từ đó, hết lần này đến lần khác, mẹ đã đưa tôi đi gõ cửa biết bao nhiêu bệnh viện, bao nhiêu thầy thuốc đông, tây y đủ cả mà chẳng bao giờ bệnh dứt hẳn.

Còn nhớ, hồi mới đi học mầm non, có nhiều lần ngứa họng, cô giáo cứ đút cơm vào miệng là tôi lại lên cơn ho, cơm văng tung tóe khắp nơi làm cô bực mình khó chịu. Có bữa, vì ho quá nên tôi đành nhịn đói vì không thể nuốt cơm.

Đến chiều mẹ đón, cô giáo than phiền với mẹ, mẹ tôi lại ứa nước mắt. Thương con, mẹ không đưa tôi đi mẫu giáo nữa mà gửi sang nhà bà ngoại, cứ đến giờ ăn cơm lại về nhà kèm cho tôi ăn.

Nhiều lúc ho, làm mẹ phải lúi húi dọn dẹp, lòng tôi lại quặn đau vì thương mẹ.
Mãi sau này lớn lên, khi tôi có thể tự lo cho mình, mẹ mới bớt vất vả. Nhưng ánh mắt mẹ vẫn luôn buồn bã mỗi lần nghe thấy tiếng ho của tôi trong đêm.

Uống quá nhiều thuốc làm tôi sợ hãi, nên tôi tìm đến chanh muối, mật ong vỏ quất, bổ phế... đủ cả mà cũng chỉ làm dịu cổ họng chứ không dứt ho. Người tôi gầy gò, da tôi xanh xao cũng vì ho. Tôi ngại đi chơi nhiều, ngại tiếp xúc nhiều cũng vì ho. Và vì ho, tôi luôn thấy cuộc sống của mình chán ngắt xám xịt.

Mãi cho tới khi tôi chuẩn bị thi vào đại học, phép màu mới tìm đến. Tình cờ trong một lần đi chợ, gặp trời mưa rào, mẹ tôi tranh thủ trú mưa cùng mấy người đi chợ. Bỗng có một người phụ nữ trung tuổi bước đến, không ngớt lời hỏi nơi bán rau diếp cá ở đâu. Hỏi ra mới biết, cô ấy muốn mua để chữa bệnh ho cho chồng mà tìm mãi ở chợ không được. Vậy là nhờ có cơn mưa, mẹ tôi đã hỏi được phương thuốc chữa ho gia truyền mấy đời nhà cô gái.

Cũng chẳng biết có hiệu nghiệm như lời cô gái kia nói thật không, nhưng có bệnh thì cầu tứ phương, nên mẹ tôi cũng tìm mua diếp cá về thử làm thành canh chữa ho cho tôi với hi vọng mong manh.
Mỗi ngày, mẹ mua 2 lạng rau diếp cá rồi về sửa sạch. Sau đó, mẹ chắt lấy nước vo gạo, đổ đầy cái xoong nhỏ chừng bằng một bát ô tô, rồi thả diếp cá vào đun sôi 15 phút thì bắc ra đưa tôi uống.

Tôi chúa ghét cái vị tanh của diếp cá, hơn nữa đã dùng đủ mọi thuốc mà chả khỏi nên lúc đầu cứ dùng dằng mãi chẳng chịu uống. Mẹ ép mãi tôi mới nghe theo. Rất may là ngược lại với suy nghĩ của tôi, thứ canh này không khó uống chút nào, khi kết hợp với nước gạo, vị tanh của diếp cá dường như bay đi hết.
Vậy là đều đặn cứ ngày hai lần, tôi đều uống nước gạo diếp cá. Và kỳ lạ thay, cho đến khi uống đến ngày thứ ba thì những cơn ho của tôi đã nhẹ hơn hẳn, tôi bắt đầu ngủ ngon hơn. Đến hết ngày thứ bảy thì những cơn ho đã dứt hẳn. May mắn nhất là sau đó một năm, hai năm, ba năm,... tôi vẫn không bị tái phát những cơn

Kể từ đó đến nay, hễ cứ biết ai bị ho, tôi đều phổ biến cho họ cách chữa ho vừa hiệu nghiệm, nhẹ nhàng lại vừa không hề tốn kém này. Những người ho nặng như tôi sau khi kiên trì uống đều đã khỏi, còn những người chớm ho hầu như chỉ uống từ một đến hai bát rau diếp nấu cùng nước vo gạo là đã khỏi...

Tôi đang hạnh phúc chờ từng ngày để đón con trai đầu lòng ra đời. Và tôi hoàn toàn tin tưởng, với bài thuốc này, con tôi sẽ có một tuổi thơ khỏe mạnh, hạnh phúc.

Yên Đỗ sưu tầm

Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

Nhà Thờ Chánh Tòa Vĩnh Long Đêm Giáng Sinh 2014








Hoàng Xuân Khải


Chấm Câu: Quên? Thờ Ơ? Bất Chấp? Không Nắm Vững?



    Di chuyển từ vùng New York và New Jersey, sau non sáu năm (1999-2004) sống ở khu Sài Gòn Nhỏ, Ca Li, tôi được dịp đọc khá nhiều sách báo Việt ngữ và tôi buồn lòng nhận thấy một số người viết, ngay cả thần tượng quá cố hay nhà văn có tiếng trong hiện đại, vì quên, thờ ơ, không nắm vững hoặc bất chấp (tức coi thường độc giả; bắt người đọc phải chấp nhận những gì mình viết!) đã không áp dụng luật hay nguyên tắc chấm câu như trước 1975. Và kể từ cuối năm 2004, có dịp về Sài Gòn nhiều lần, tôi càng thất vọng hơn.

      Trong tinh thần xây dựng và với kiến thức của một nhà giáo chuyên dạy Việt văn (từ trung học lên đại học ở Việt Nam và Hoa Kỳ) và một nhà văn kiêm biên khảo ở Hoa Kỳ, tôi xin mạo muội nhắc nhở rằng: luật chấm câu giúp người đọc dễ hiểu được tất cả những gì người viết muốn nói; bởi vậy, các văn hào chiếm giải văn chương Nobel vẫn phải tôn trọng.

      Trong tinh thần kể trên, hôm nay tôi xin phép ôn lại luật chấm câu, trước nhứt giúp quý vị nào đã quên, và sau đó là để hướng dẫn thế hệ trẻ viết Việt văn dể hiểu, không làm người đọc mất thì giờ vì những câu văn được mệnh danh là “văn bất thành cú” (văn viết không thành câu).

      Chúng tôi khởi đầu bằng dấu phẩy là dấu chấm câu thông dụng nhứt.

DẤU PHẨY (COMMA)

Dấu phẩy hay dấu phết thường được dùng trong 4 trường hợp:

Chia các thành phần song song

Biểu hiện là tỏ ra, hiện ra, để lộ ra, để cho người ta thấy. 1
Còn về Phật-giáo, Lão-giáo cũng được các Vua tôn-sùng. 2
Những hương-chức là lý-trưởng, phó-lý-trưởng, hương-bản, hương-mục, hương-kiểm, hương-dịch. 3

Chia phần phụ ở đầu với phần chính theo sau

Những ngày nghỉ học, thỉnh thoảng tôi lại theo anh tôi đi câu cá. 4

Chia hai mệnh đề độc lập

Mỗi tiết thanh minh thì cả họ rủ nhau đi đắp mả tổ, nhiều họ đắp mả to gần bằng núi. 5
Đó là một đặc-điểm của Việt –ngữ, các ngữ-pháp-gia nên để ý tới. 6

Đóng khung một nhóm từ hay một mệnh đề giữa một câu hay mệnh đề

Sự dùng 2 dấu phẩy để đóng khung một mệnh đề làm ngắt câu nhưng không làm đổi nghĩa câu nhằm mục đích giải thích thêm cho trạng tự, danh tự, đại tự ở ngay trước hoặc cho ý toàn câu. 

(. . .). Ở đây, cũng như Saigon, khoảng sân ga thơ mộng của những lần hẹn hò, chia tay, của những tối đi hóng mát, ăn chè ga, ăn nem chả, bún bò đã trở thành trạm hành lý của Hàng Không Việt Nam mất rồi. 7

(. . .). Ngôi nhà bấy lâu chúng tôi ở quây quần cùng họ hàng, ngôi nhà ấy chúng tôi vừa phải cùng nhau ký kết đêm bán cho người khác họ rồi, và chỉ nội năm nay là phải giao cho chủ mới, cho nên tôi phải về vội vào trước Tết, để vĩnh biệt nếp nhà quen thuộc, để xa dời quê hương quen thuộc, mà dọn đi một nơi xa lạ kiếm ăn. 8

Công dụng của dấu phẩy còn rất nhiều, nhưng chúng ta nên bàn đến dấu chấm và chấm xuống dòng.

DẤU CHẤM (PERIOD)

Dấu chấm được đặt ở cuối câu để chấm dứt một câu gồm một mệnh đề hay nhiều mệnh đề.

Nàng bị cha mẹ ép phải lấy Thân, một người bạn học thuở nhỏ của nàng, con một nhà giầu ở ấp Thái-Hà. Việc này thấy cha mẹ nàng nói từ hồi nàng mới để tóc. 9

Chúa Ngãi chấp nhận, truyền binh tướng Việt kéo về an dinh lập trại tại Bến Nghé. Công việc ấy gọi là “đồn dinh”. 10

Một số cây viết, bao gồm nhà văn nổi tiếng (không tiện nói tên!), đã dùng dấu chấm không đúng như sau.

Không nên viết: (. . . ) Hai mươi năm sinh hoạt thơ văn của miền Nam, được ông nhận cho kết giao, rồi thân thiết mày tao và được ông xem như một tấm lòng tri kỷ, dù tuổi tôi thua tuổi ông đung một Giáp mười hai năm, tôi đã đến thăm mọi chỗ ở của thi sĩ rất nhiều lần. Ở căn nhà một ngõ hẻm Phan Thanh Giản. Ở căn nhà giữa khu Bàn Cờ. Rồi ở Gác Mây, căn phòng trên lầu trong đáy cùng biệt thự Úc Viên của Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội.

Chúng tôi xin đề nghị viết câu trên như sau:

“(. . . ). Hai mươi năm sinh hoạt thơ văn của miền Nam, được ông nhận cho kết giao, rồi thân thiết mày tao và được ông xem như một tấm lòng tri kỷ, dù tuổi tôi thua tuổi ông đúng một Giáp mười hai năm. Tôi đã đến thăm mọi chỗ ở của thi sĩ rất nhiều lần: ở căn nhà một ngõ hẻm Phan Thanh Giản, ở căn nhà giữa khu Bàn Cờ; rồi ở Gác Mây, căn phòng trên lầu trong đáy cùng biệt thự Úc Viên của Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội.”

Không nên viết: Từ đứa cháu đầu, sáng sáng ra gọi ông ngoại bằng Khoan ơi. Từ bỏ nước ra đi, từ Lê Quang Luật mất.

Đau buồn và chân thành mà nói: Nhà văn viết câu trên bất chấp (coi thường độc giả!), bởi vì không lẽ nhà văn nổi tiếng nầy không nắm vững luật chấm câu và văn phạm Việt Nam.

Không nên viết: (. . .). Huyên thích đi bộ loanh quanh trong quả cầu thủy tinh Midway. Vì cái nắng gay gắt quen thuộc, những sân cỏ mời mọc, vì những ngôi nhà thấp hiền lành, vì những cây palm đủ loại, như cây kè, cây cọ, như cây thốt nốt, chà là, như cây dừa, cây cau.

Chúng tôi xin đề nghị viết câu trên như sau:

“(. . . ). Huyên thích đi bộ loanh quanh trong quả cầu thủy tinh Midway vì cái nắng gay gắt quen thuộc, vì những sân cỏ mời mọc, vì những ngôi nhà thấp hiền lành, vì những cây palm đủ loại (như cây kè, cây cọ; như cây thốt nốt, chà là; như cây dừa, cây cau).”

Không nên viết: (. . .)Nhà tôi thành chật chội, ồn ào rần rần con nít (bọn tôi với bạn bè), choai choai (cậu tôi và đồng đảng). Nhất là buổi chiều, tiếng xe gắn máy “gơ ben”, “xách”, “mô bi lết” nổ vang xóm, khói mịt mù đường hẻm, con nít hàng xóm bu đen ngắm nghía, ngưỡng mộ những anh hùng thời đại mới, tóc chải ổ gà, bi dăng tin bóng lộn: ai không giống James Dean cũng hao hao Elvis Presley hoặc JohnnyHalliday.

Chúng tôi xin đề nghị viết câu trên như sau:

“(. . . ) Nhà tôi thành chật chội, ồn ào rần rần con nít (bọn tôi với bạn bè), choai choai (cậu tôi và đồng đảng), nhất là buổi chiều, tiếng xe gắn máy “gơ ben”, “xách”, “mô bi lết” nổ vang xóm, khói mịt mù đường hẻm với con nit hàng xóm bu đen ngắm nghía, ngưỡng mộ những anh hùng thời đại mới, tóc chải ổ gà, bi dăng tin bóng lộn—ai không giống James Dean cũng hao hao Elvis Presley hoặc Johnny Halliday.”

Dấu chấm xuống dòng được đặt ở cuối câu của câu cuối cùng của một đoạn gồm nhiều dấu chấm, trước khi xuống dòng để viết một đoạn mới:

Sáng sớm hôm sau, cũng quen như ở nhà với mẹ, gà vừa gáy, nàng đã dậy sắp nồi thổi cơm, nhưng nàng ngạc nhiên thấy thằng nhỏ bảo: “Ở đây không ăn cơm vào buổi sáng. Theo lối tỉnh thành cơm sáng ăn vào buổi trưa, và cơm trưa ăn vào buổi tối”. 

Nàng thẹn thùng cất nồi đi, rồi không biết làm gì, vào ngồi trong một xó buồng. 11

DẤU CHẤM PHẨY/PHẾT (SEMICOLON)

Dấu chấm phẩy còn được gọi là dấu chấm phết. Dấu nầy tương đối khó dùng vì phải nắm vững cấu tạo mệnh đề và câu, nên ít khi được người viết dùng; đại đa số người ta dùng dấu chấm thay cho dấu chấm phẩy. Trong hiện đại hiếm thấy ai dùng. Chúng tôi đề nghị: Không vì sự khó dùng mà chúng ta bỏ luôn dấu chấm phẩy; chúng ta nên sử dụng dấu nầy để làm câu văn súc tích hơn. Sau đây là công dụng của dấu chấm phẩy/phết:

Chia hai, ba hoặc bốn mệnh đề độc lập của một câu:

(. . . ). Những số tiền nàng cho em là tiền dành dụm riêng của nàng; Tâm phải đưa giấu, sợ mẹ chồng và chồng nàng biết. 12

Kể riêng về mặt văn hóa, nước mình có một số nhà văn có thể sánh ngang với các nhà văn nước khác, nhưng trình độ độc giả lại thấp kém; các nhà văn Việt nam không thể sống nổi được nếu cứ cố viết có nghệ thuật cao.13

(. . . ): Tính người ta cũng như nước chảy quanh vậy; khơi sang phương đông thì chảy phương đông, khơi sang phương tây thì chảy phương tây; tính người không phân-biệt thiện với bất thiện, cũng như nước không phân-biệt phương đông với phương tây vậy. 14 

“(. . . )? Chín, mười tuổi, ta mê Chinh Đông, Chinh Tây; lớn lên ít tuổi thì chỉ ca tụng Lê văn Trương hoặc Phú Đức, Hồ biểu Chánh; tới tuổi dậy thì lại mải miết đọc Hồn bướm mơ tiên, Gánh hàng hoa; và chỉ khi nào đã trải đời một chút, mới hiểu được cái thâm thúy của những sách ma tư tưởng cao siêu và nghệ thuật tế nhị.” 15 

DẤU HAI CHẤM (COLON)

Dấu hai chấm có 2 công dụng chính:

Liệt kê các sự việc cần kể ra

Nàng nảy ra ý-nghĩ: giá hái một vài bông hoa đó như đinh-hương, cẩm-chướng, đồng-thảo, kết thành bó đem cắm ở trong buồng chắc hẳn đánh được hết mùi hôi, và còn làm cho vui mắt nữa. 16

Sang bên ấy, ông kiếm được nhiều sách lạ xem: sách cổ, sách kim, sách Tàu và cả sách ngoại quốc nữa.17 

Đặt sau câu nói, câu trích hay tục ngữ/danh ngôn

“(. . .) Nhưng có người mưu sĩ của Trần Cảo dâng quyển Minh Đạo mà tâu với vua Minh rằng: “Bệ hạ hãy đọc kỹ quyển này do Hồ Quí Ly viết ra!” 18

Bác sĩ Toulouse nói: “Quan sát là lựa chọn.” 19

(. . .) . Trong gia đình Việt-Nam, bạn thường nghe nhiều bà mẹ nói với con nhỏ của mình: “Giận lẩy sẩy cùi” (. . .) 20

Đặt sau đề mục/tiểu mục sách giáo khoa

Trong sách giáo khoa quá khứ, dấu hai chấm thường được dùng đặt sau đề mục hoặc tiểu mục. Thí dụ:

ĐẦU-ĐỀ: Tả một quán cóc bên đường.

DÀN BÀI.

A. Nhập-đề: Vị-trí (bên lề đường) 
Quang-cảnh toàn-thể

B. Diễn-đề: 1.- Cửa hàng: (. . .)
2.- Chủ hàng:
3.- Khách hàng:

C. Kết luận: Cảm tưởng.21

Trong hiện tại, chỉ còn một số ít nhà soạn sách dùng dấu hai chấm đặt sau đề mục/tiểu mục.

DẤU NGOẶC ĐƠN (PARENTHESES)

Dấu mở và đóng ngoặc đơn được dùng để phụ nghĩa, giải thích thêm, cung cấp chi tiết cho từ ngữ ngay trước nó.

Đạo Phật truyền vào Trung Quốc từ đời Hán dưới triều vua Kanishka của Bắc Ấn (78-110) khi bắt đầu có sự thông sứ và giao thương giữa hai nước, theo đường xuyên Á qua Tarim (nay đã hoang phế). 22 

DẤU NGOẶC KÉP (QUOTATION MARKS)

Dấu mở và đóng ngoặc kép 2 công dụng chính:

Đóng khung câu nói, câu trích, tục ngữ/danh ngôn

Khi mê, mồm anh cứ nói lảm nhảm: “Đi ... ra ... ngoài ... chêết ...” 23
Musset đã than rằng: “Chúng ta đến quá chậm trong một thế giới đã quá già –nua!” 24 

Đóng khung tựa sách/bản nhạc/bài văn/bài thơ

Đành rằng “VŨNG-TÀU Xưa và Nay” của Ông Huỳnh Minh biên soạn không phải là một áng văn-chương tuyệt tác (. . .) 25

Tuy nhiên, trong hiện đại, với bàn máy đánh chữ vi tính, thay vì dùng dấu mở và đóng ngoặc kép, nhiều người dùng chữ nghiêng để đánh tựa cuốn sách (nhứt là ở trong phần chú thích như chúng tôi đang áp dụng).

DẤU GẠCH NỐI (HYPHEN)

Dấu gạch nối có 2 công dụng chính:

Nối hai hay ba chữ với nhau

Trước 1975 dấu gạch nối được dùng thường xuyên để nối hai chữ Hán tự, tính tự, tên họ và chữ lót, bút hiệu v.v. (như văn-hóa, sạch-sẽ, Nguyễn-Duy-Cần, Thạch-Lam) . Kể từ sau đó, dấu nối thường chỉ dùng để nối tên đôi ngoại quốc (như Jean-Pierre, Mary-Ann, v.v.) hay chữ phiên âm từ ngoại ngữ chưa phổ biến (như In-tẹt-nết, I-meo) nhưng viết In tẹt nết hay I meo cũng được. 

Đặt trước đề mục hay sự việc kê khai

(. . .). Thường trong những Hội hè đình đám có những tổ chức về ba phương diện chính:
- Những cuộc tế lễ.
- Những trò giải trí.
- Những tiệc tùng.26 

DẤU GẠCH NỐI KÉP (DASH)

Dấu gạch nối kép cũng giống như dấu gạch nối nhưng dài gấp đôi, có 2 công dụng chính:

Đặt ở đầu câu đàm thoại

¾ Cụ đã ra!
¾ Lạy cụ.
¾ Xin mời cụ lên trên. 27

Đóng khung ý nói thêm trong đoạn văn

Người viết phải dùng hai dấu gạch nối kép (một ở trước và một ở sau):

Đây cũng là một lối Tây Sương Ký¾ có đoạn hậu bi thương¾của một lứa đôi đàn ông, chép lại truyện hai người sống với nhau trong ngờ sợ, tin thương, thấp thỏm, nhọc nhằn và đau tủi. 28

Diễn tả thêm ý tưởng ở cuối câu

(. . .)? Chỉ vì họ muốn giữ nhau làm của riêng ¾ đó là một thứ áo tưởng về quyền tư hữu. 29

Hướng dẫn để đánh dấu gạch nối kép (dash) trên bàn phím của máy vi tính

Trong hiện đại, có thể vì không biết làm sao đánh dấu gạch nối kép trên bàn phím máy vi tính nên người ta đánh một khoảng cách rồi dấu gạch nối rồi khoảng cách. Sau đây chúng tôi xin hướng dẫn độc giả đánh dấu gạch nối kép như sau:

a. Đánh hai lần dấu gạch nối.
b. Bấm Enter thì quý vị thấy dấu gạch nối kép hiện lên.
c. Bấm Backspace cho con chuột chạy trở về ngay sau dấu gạch nối kép.
d. Rồi đánh tiếp những gì muốn viết.
e. Lại đánh hai lần dấu gạch nối nếu muốn đóng dấu nối kép.
f. Bấm Enter thì quý vị lại thấy dấu nối kép hiện lên một lần nữa.
g. Bấm Backspace để con chuột chạy trở về ngay sau dấu gạch nối kép thứ hai.

Thử đi quý vị! Không khó đâu nếu quý vị thích tôn trọng quy luật chấm câu theo quốc tế.

DẤU CHẤM HỎI (QUESTION MARK)

Thông thường, dấu chấm hỏi được ở cuối câu nghi vấn:

“¾ Thi đôi ăn đấm là thế nào?” 30 

Thỉnh thoảng dấu chấm hỏi được đặt trong dấu mở và đóng ngoặc đơn để diễn ý không chắc, nghi ngờ. Thí dụ: Tôi còn nợ Đại tá Phùng Văn Quang 1.000 đồng (2.000 đồng?).

DẤU CHẤM THAN (EXCLAMATION POINT)

Dấu chấm than được dùng đặt ở cuối câu tán thán, thỉnh cầu, sai khiến hay cảm xúc.

Than ôi! Thế cuộc đảo-điên! 
* * *
PHỤ LỤC:

KHOẢNG CÁCH TRƯỚC VÀ SAU MỖI DẤU CHẤM CÂU

Đây cũng là một vấn đề chúng tôi nhận thấy nên đưa ra: Căn cứ vào quy luật chấm câu quốc tế mà hầu hết các quốc gia (trong đó có Việt Nam) tôn trọng là: KHÔNG CÓ KHOẢNG CÁCH NÀO TRƯỚC CÁC DẤU CHẤM CÂU.

Nhưng trong khoảng dưới 10 năm nay có thực trạng là ở Việt Nam và thỉnh thoảng người Việt ở nước ngoài cũng vô tình bắt chước: Người viết THÊM KHOẢNG CÁCH (SPACE) TRƯỚC hay SAU KHÔNG CẦN THIẾT cho các dấu chấm câu. Họ tự ý hay bắt chước thêm khoảng cách trước các dấu phẩy/phết (,), chấm (.), chấm than (!), chấm hỏi (?), v.v., và sau dấu ngoặc đơn hay ngoặc kép

Thí dụ 1: 

Sau khi từ chức tổng thống , ông Thiệu dọn về ở nhà quốc khách trong khu Hải quân, nay là đường Tôn Đức Thắng . 
Tài sản riêng của gia đình ông được chuyển đi trước đó. Dù không còn quyền hành gì, nhưng sự có mặt của ông Thiệu tại Sài Gòn trong những ngày căng thẳng nhốn nháo đó không phải là một điều hay ho đối với nhiều người .

Theo lời kể của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng trong cuốn The Palace File "Hồ sơ mật Dinh Độc Lập" , tân Tổng Thống Trần Văn Hương đã gọi điện thoại khuyên ông Thiệu nên sớm rời khỏi Việt Nam .Ông Hương cũng đề nghị đại sứ Mỹ Martin dàn xếp giùm cho chuyến ra đi của ông Thiệu .

Tiểu chú: Có thêm khoảng cách trước dấu phẩy và dấu chấm.

Thí dụ 2:

Chập tối, một cô gái trên đường về nhà gặp chàng trai lạ đang lững thững đi trên đường. 
- Anh có thể đưa giúp em qua nghĩa trang được không ? 
- Đi theo anh, anh cũng đi về hướng đó. 
- May mà có anh, không em đi một mình thì sợ chết mất. Cảm ơn anh nha.
- Không có gì ! Lúc còn sống anh cũng sợ ma như em !

Tiểu chú: Có thêm khoảng cách trước dấu chấm hỏi và chấm than.

Thí dụ 3:

( tại Bắc Đức vùng Berlin là vào ngày 11.5 ) 

Tiểu chú: Có thêm khoảng cách sau và trước dấu ngoặc đơn.

Thí dụ 4:

Mời ACE xem và nghe Sylvie Vartan hát ở hai thời điểm :
- Năm 1964 : lúc còn trẻ , và chúng ta đă thần tượng cô.
- Năm 2007 : đă thành mệnh phụ, hát vẫn hay
Và Chúng Ta đã không còn nhận ra SV nữa, ngoại trừ phần nào giọng hát...

Tiểu chú: Có thêm khoảng cách trước dấu hai chấm! (Chưa kể viết hoa không cần thiết cho hai chữ “Chúng Ta”!)
V.v..

Tuy nhiên, còn điều đáng mừng cho chúng ta—những người Việt yêu thương và quan tâm đến tiếng Việt—là chỉ mới một số ít người viết thêm khoảng cách không cần thiết trước hay sau các dấu chấm câu ở nước ngoài; và ngay cả trong nước (chẳng hạn các sách đứng đắn, cá báo Thanh Niên, Làng Cười, v.v.) vẫn tôn trọng quy luật quốc tế về khoảng cách trước hay sau dấu chấm câu.

Chúng tôi hy vọng quý vị tiếp tay phổ biến bài nầy trong tinh thần xây dựng và bảo tồn tiếng Việt yêu thương của chúng ta. Xin đa tạ!

(Cập nhựt hóa 07 05 2013)

Vương Đằng

* * *
CHÚ THÍCH

1 Vũ Bằng, Nói Có Sách, Nguyễn Đình Vượng, Sài Gòn, 1971, tr. 32.
2 Ngô Tất Tố, Việt-Nam Văn-Học Văn-Học Đời 
Trần, Khai Trí, Đại Nam tái bản, Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 16-17.
3 Nha Học Chính Đông Pháp, Luận-Lý Giáo-KhoaThư, Việt Nam, 1941, tr. 84.
4 Nha Học Chính Đông Pháp, Quốc-Văn Giáo-KhoaThư, In Lần Thứ Mười, Việt Nam, 1935, tr. 77.
5 Phan Kế Bính, Việt-Nam Phong-Tục, Xuân Thu Tái bản, Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 20.
6 Nguyễn Hiến Lê, Luyện Văn, Xuân Thu tái bản, Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 116.
7 Nhã Ca, Tình Ca Cho Huế Đổ Nát, Sống Mới tái bản, Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 136.
8 Lổ Tấn, Tuyển Tập, Giản Chi tuyển dịch, Xuân Thu tái bản, Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 106.
9 Nhất Linh, Đoạn Tuyệt, Đời Nay, Hà Nội, Sống Mới tái bản, Sài- Gòn, không đề năm, tr. 7.
10 Vương Hồng Sền, Sài-Gòn Năm Xưa, Tự Do, Khai Trí, Xuân Thu tái bản, Hoa Kỳ, không đề  năm, tr. 21.
11 Mạnh Phú Tư, Làm Lẽ, Đại Nam tái bản, Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 69.
12 Thạch Lam, Sợi Tóc, Sống Mới, Sài Gòn, không đề năm, tr. 42.
13 Võ Phiến, Văn Học Miền Nam, Văn Nghệ, Hoa Kỳ, in lần thứ hai 1988, tr. 87.
14 Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Xuân Thu tái bản, Hoa Kỳ, không đề năm,  tr. 42-43.
15 Nguyễn Hiến Lê, Hương Sắc Trong Vườn Văn, Xuân Thu tái bản, Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 24.
16 Hector Malot, En Famille, Hà Mai Anh dịch thuật, Trong Gia-Đình, Xuân Thu tái bản, Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 31.
17 Dương Quảng Hàm, Quốc Văn Trích Diễm, BốnPhương tái bản, Sài Gòn, 1952, tr. 63.
18 Hồ Hửu Tường, Phi Lạc Sang Tàu, Khai Trí, Sài Gòn, in lần thứ sáu, 1968, tr. 27.
19 Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Óc Sáng Suốt, XuânThu, Hoa Kỳ tái bản, không đề năm, tr. 48.
20 Hoàng Xuân Việt, Thuật Rèn Người, Tủ Sách Rèn Nhân Cách, Sài Gòn, Xuân Thu tái bản, không đề năm, tr. 55.
21 Một Nhóm Giáo Viên, Quốc Văn Lớp Nhì, Quyển II, không đề nhà xuất bản, không đề năm, tr. 13.
22 Lê Văn Siêu, Văn Minh Việt Nam, Nam Chi Tùng Thư, Sài Gòn, 1964, Đại Nam tái bản, Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 73-74. 
23 Tô Hoài, Dế Mèn Phiêu Lưu Ký, Xuân Thu tái bản, Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 11.
24 Lãng Nhân, Trước Đèn, Zieleks tái bản, Hoa Kỳ,
25 Huỳnh Minh, VŨNG-TÀU Xưa và Nay, Cánh Bằng (tác giả xuất bản), Sài Gòn, 1970, Đại Nam, Hoa Kỳ tái bản, không đề năm, tr. 5. 26 Toan Ánh, Hội Hè Đình Đám, Quyển Hạ, không đề nhà xuất bản, Sài Gòn, in lần thứ nhất, 1974, tr.18. 
27 Ngô Tất Tố, Tắt Đèn, Sống Mới tái bản, Hoa Kỳ, in lần thứ ba, không đề năm, tr. 14.
28 Nguyễn Tuân, Tùy Bút, Đại Nam tái bản, Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 237. 
29 Trùng Dương, Lập Đông, Văn, Sài Gòn, 1972, tr. 81-82.
30 Chu Thiên, Nhà Nho, Đại Nam tái bản, Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 6.
31 Nguyễn Vỹ, Văn Thi Sĩ Tiền Chiến, Khai Trí, Sài Gòn, 1970, tr. 108.

Mừng Chúa Giáng Sinh


Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra
Rực rỡ hào quang ánh sáng lòa
Quỳ gối đàn chiên chờ đón rước
Khom mình tiên nữ chúc lời ca
Quyết tâm chuộc tội trước Tông đồ
Giữ Giá thông đàng Địa đạo qua
Cứu thế ngàn đời còn mãi mãi
Giáng Sinh mừng rỡ khắp gần xa
Thiên đàng cửu bị Sơ nhân bế
Địa đạo tiên bằng Thánh tử thông

Thái Hanh
7g30' - 4-12-2009


Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp NK 62-69: Đoàn Ngọc Hoa



Ngọc Hoa 1969, Cây Phượng trước sân trường Tống Phước Hiệp
Ngọc Hoa và Bạn Oánh, hs nhất B1, năm 1969 Từ Úc về VN đến ngày14/12/2014
Ngọc Hoa, đập Đa Thiện Đà Lạt 1972
Ngọc Hoa trại Hướng Đạo toàn quốc năm 1970

Ngọc Hoa, Đệ Tứ 1965-1966
  Trước cửa lớp Nhất C
Các bạn lớp Nhất C 1969
Các bạn Nhất C với cô chủ nhiệm Nguyễn Anh Cúc dạy Pháp văn.
Đoàn Ngọc Hoa

Thư Gởi Cho Con

Con thân yêu,

Thắm thoát mà đã 4 năm, kể từ khi con về thăm gia đình lần trước. Ba vừa nhận tin con sẽ về VN vào ngày 28 tháng Chạp năm nay. Ba mừng lắm. Cần Thơ lúc nầy vừa qua mùa Noel 2014. Nhưng những cơn gió lạnh buổi sáng vẫn còn buốt da khi Ba đi bộ tập thể dục trên cầu Cái Răng.

Mùa Xuân dường như bắt đầu le lói ở chân trời. Thời gian tưởng qua nhanh nhưng thật chậm chạp khi ta chờ đợi điều gì đó. Mỗi ngày Ba xé một tờ lịch. Miệng luôn nhẫm tính thời gian còn lại bao nhiêu ngày …

Rất tiếc, năm nay chuyến xe đi đón con chắc không có Ba. Các em con nói Ba cứ đi, chỉ phải khuân theo bình oxy của Ba mà thôi. Xời ơi ! bọn chúng tưởng dễ lắm sao ! Như con biết. Ba bị Rối loạn tuần hoàn não và hở van tim. Ngồi xe lắc lư là chóng mặt. Xe chạy dằn xóc là mệt tim. Mỗi lần mệt phải có ngay bình oxy để thở. Chính con thường nhắc Ba phải giữ gìn sức khỏe mà ! Hãy tha thứ cho Ba . Ba không có mặt trong đoàn người đi đón con về. Đón con tại phi trường Tân sơn Nhất lúc 0giờ 30 sáng là một cực hình của các em con đó con ạ.
Ba nghe con nói lần nầy không có vợ của con về vì đang có bầu. Chỉ có Janelle, đứa con gái của tụi con vừa tròn 3 tuổi. Ôi ! cháu Nội của Ba. Ba chỉ thấy nhiều hình của nó mà chưa bao giờ gặp mặt.

Con nói vợ chồng con vừa từ Nga về ? Chắc ông bà ngoại cháu Janelle vui lắm ? Vợ con là người Nga. Một cô gái khôn ngoan, có học. Nó là một chuyên viên tài chánh giỏi, làm việc ở ngân hàng gần nhà. Khi về nó biết lễ phép với cha mẹ, thân tộc họ hàng. Đó là điều đáng mừng và làm cho Ba hảnh diện vì thái độ đối xử của nó.

Chỉ còn hơn một tháng nữa là con và cháu nội của Ba về. Ba có thể không biên thư nầy cho con cũng được. Nhưng, cái không gian ồn ào khi con về, Ba sợ không có dịp nói chuyện với con.
Cuộc đời họa phúc khôn lường. Tết nầy Ba đã 75. Cái tuổi thường lẫm cẫm, nhớ trước quên sau. Cho nên, Ba quyết định phải nói với con để con đọc trước khi về nhà. Ba muốn con đọc từ phương trời New York, để Ba trắc nghiệm lại tình cãm lưu luyến của cha con mình. Ba cũng sợ không nói bây giờ, tháng sau sẽ không có dịp để bày tỏ với con.

The Brooklyn Bridge New York


Con xa nhà từ năm 1981. Nhờ lá thư của Ba. con được một Bác sĩ người Mỹ nhận làm con nuôi. Ông bạn tốt nầy dìu dắt con học ngành Y theo ý nguyện của Ba. Nhưng rất tiếc đến năm thứ 3 con nghỉ học, chuyển qua kỷ sư chế tạo máy. Lý do là con đi thực tập thấy máu con sợ. Con biết không lúc con nghỉ học, Ba đã trăn trở cả mấy tháng trường.

Con là con trưởng trong gia đình. Ba muốn tâm sự với con. Cái Tết nầy con đã 50. Cái tuổi sắp sửa vào tuổi xế chiều của cuộc đời. Con hãy hiểu và thông cãm cho Ba. Ba không nói với con thì Ba nói với ai bây giờ.
- Trước hết, con hãy tôn trọng vợ con. Vợ con là người bạn đời của con dù cô ta mang sắc tộc nào. Vợ con xinh đẹp, thông minh và có học thức. Cả hai con đều đi làm. Về nhà vợ con còn chăm sóc con cái, bếp núc, nhà cửa. Con hãy cám ơn thượng đế giúp con có một gia đình hạnh phúc. Con cũng phải hàng ngày biết để ý đến vợ con và cố giúp đỡ nó những việc vặt khi cần. Con còn có bổn phận thay mặt vợ con lâu lâu điện thăm hỏi bố mẹ vợ bên Nga con nhé. Nếu có dịp, con cho Ba gởi lời thăm anh chị xui bên đó. Đó là bổn phận của con mà Ba cần nhắc nhở để con nhớ.
- Tết nầy Ba thực sự già rồi. Đến tuổi nầy Ba mới biết ý nghĩa chăm sóc sức khỏe cho riêng mình. Dù có bệnh tim nhưng Ba vẫn sống vui, sống khỏe. Hàng ngày, Ba vẫn đi bộ buổi sáng trên cầu Cái Răng. Buổi tối nghe nhạc cho khuây khỏa tâm hồn. Ba luôn chọn lối sống có ích cho những người bất hạnh chung quanh nhất là những người tàn tật, già cả.

Ba muốn con ngay từ bây giờ hãy biết tự săn sóc sức khỏe của mình và những người thân yêu kề cận. Muốn sống lâu, sống trường thọ con hãy biết tận hưởng cuộc sống mà tạo hóa đã ưu đải ban cho ta ngay từ giây phút nầy. Ba tin rằng cuộc đời con sẽ ngày càng tốt đẹp hơn.

- Mấy năm trước Ba muốn chia đều một số đất đai cho các con. Ba cãm ơn con đã lập tờ từ chối phân chia tài sản. Nhưng con biết không, Ba gặp trở ngại vì thủ tục lập di chúc rườm rà và quá khó khăn . Ba nghe lời các bạn đã chia cho các em con mỗi đứa một miếng đất, một căn nhà kèm quyền sử dụng đất. Thế là xong, tránh được những rắc rối về pháp luật sau nầy.
- Ba rất buồn vì con có gia dình mà lại sống xa quê hương. Chắc đó là duyên phận của con. Nhưng Ba lúc nào cũng tưởng như con gần kề bên cạnh gia đình. Dù vậy, những ngày giỗ, ngày Tết vắng con Ba lại thấy buồn. Tết năm nay con và cháu của Ba về. Ôi ! Ba sẽ sung sướng biết chừng nào để tận hưởng khoảng thời gian ngọc ngà đó. Cái ngày hiếm hoi đoàn tụ của cả gia đình ta.
- Trọn đời Ba lúc nào cũng lo cho các con. Có lẽ bối rối và đau đớn nhất của Ba là lúc con bỏ học ngành Y. Con thật là hơn con gái thấy máu là sợ. Dù sao, Ba cũng an ủi khi con học theo ngành chế tạo máy, được ra trường rồi có việc làm tốt. Con có một nghề ổn định và lo cho gia đình của con khiến cho Ba yên tâm. Con thấy không, rồi đây con sẽ mang tâm trạng của Ba khi con lo tương lai cho các con của con. Con hãy tin vào số mệnh may mắn của mình và phải sống một cuộc sống đàng hoàng.
- Ba thường bận tâm theo những nỗi thăng trầm của các con. Con nghỉ học ngành Y Ba buồn. Con học và ra trường Kỷ sư Ba vui. Con bị giảm biên chế mất việc vì kinh tế Mỹ xuống dốc. Ba lại buồn. Rồi Ba lại vui khi con có việc làm tốt hơn. 

Con phải nhớ đời người là một quá trình phấn đấu dài hạn. Cho nên, trong cuộc sống dù thành công hay thất bại con cũng phải  luôn tin tưởng và duy trì mọi nổ lực của bản thân.

Cháu nội gái : Janelle


Lá thư nầy Ba gởi cho con vào những ngày cuối năm. Tóc Ba đã bạc. Chân bước biết run. Ba chưa lẫm cẫm nhưng bắt đầu đãng trí. Nhiều khi Ba còn nghĩ bậy không biết có hy vọng gặp con tháng tới hay không nữa.

Mơ ước hiện tại là sự có mặt của con với gia đình trong 3 ngày Tết. Nhiều đứa con lấy làm bực mình, khó chịu vì có cha mẹ già quấy nhiểu cuộc sống. Hy vọng con không có trong số đó. Con hãy giữ bức thư nầy để sau nầy mà suy ngẫm những lời nói của Ba.
Trên đời con đừng tưởng mua chuộc được tình thương yêu cha mẹ bằng vật chất, tiền bạc. Sau một thời gian xa vắng nhau, chính hình hài, giọng nói, tiếng cười của con mới có giá trị tinh thần đối với Ba. Được vậy, Ba cãm thấy dễ chịu, mãn nguyện của tuổi về chiều.
Ba sẽ cãm ơn con vô cùng khi con đọc thư nầy và không trách Ba. Con hãy giúp Ba vượt qua những nỗi ưu phiền khó khăn của cuộc sống cuối đời của Ba, con nhé !

Ba mong đến ngày gặp mặt con. Con hiện diện bên Ba. Nhưng con hãy chuẩn bị tinh thần vì có thể lần gặp mặt sau với Ba có thể Ba sẽ tệ hơn lần trước. Biến chuyển có thể là hình hài, giọng nói và thái độ của Ba. Nếu ba quá tệ, con hãy giúp Ba. Hãy cầm tay Ba. Nâng đở bước đi của Ba. Con hãy chuẩn bị tinh thần và nhẫn nại nếu Ba vô tình… quên con hoặc nói với con những lời lẽ làm con phật lòng…

Có một điều Ba cần nói rõ. Dù xảy ra bất cứ hoàn cảnh nào sau nầy, con vẫn là con trai của Ba. Ba lúc nào cũng tưởng nhớ và thương yêu các con.

Ba của con,

Dương Hồng Thủy
* * *
 Mời các bạn đọc thêm cho vui 

Gởi Con Yêu Dấu 

Nếu một mai thấy cha già mẹ yếu
Hãy thương yêu và thấu hiểu song thân.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Có lúc cha già không muốn tắm
Đừng giận cha và la mắng nặng lời.
Ngày con nhỏ, con vẫn thường sợ nước
Từng van xin “đừng bắt tắm, mẹ ơi !”

Những lúc cha không quen xài máy móc
Chỉ cho cha những hướng dẫn ban đầu.
Cha đã dạy cho con trăm nghìn thứ
Có khi nào cha trách móc con dâu?

Một ngày nọ khi mẹ cha lú lẫn
Khiến cho con mất hứng thú chuyện trò
Nếu không phải là niềm vui đối thoại
Xin đến gần và hãy lắng nghe cha.

Khi già yếu phải nương nhờ gậy chống
Xin nhờ con đỡ cha lấy một tay.
Hãy nhớ lại ngày con đi chập chững
Mẹ dìu con đi những bước đầu ngày.

Một ngày kia cha mẹ già chán sống
Thì con ơi đừng giận dữ làm gì !
Rồi mai này đến phiên, con sẽ hiểu
Ở tuổi này sống nữa để làm chi?

Dù mẹ cha cũng có khi lầm lỗi
Nhưng suốt đời đã làm tốt cho con
Muốn cho con được nên người xứng đáng
Thì giờ đây con cũng chẳng nên buồn…
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Thơ Huy Phương 
(Phỏng theo To Our Dear Child)

Tình Cũ Quê Xưa


Tình Cũ Quê Xưa

 (Cảm tác từ Đường Quê Nẻo Nhớ của Kim Phượng)

Mây trôi về phía chân trời
Vần thơ gửi gió chúc người an vui
Ngồi đây tâm trạng bồi hồi
Tiếc thương ngày trước của thời quen nhau
Tình xưa sóng vỗ dạt dào
Cây me góc phố hẹn nhau một thời
Người ơi ta nhắn đôi lời
Cho dù biển cạn muôn đời như xưa.

Biện Công Danh

12/2014
* * *
Đường Quê Nẻo Nhớ

Quê hương xa khuất chân trời
Hỏi người năm cũ nẻo đời yên vui
Cổ Chiên sóng nước bồi hồi
Mượn nhờ cây trái cạnh ngồi bên nhau
Niềm thương nỗi nhớ dạt dào
Cảnh xưa thiếu bóng xôn xao một thời
Mượn thơ tỏ rõ đôi lời
Đường quê nẻo nhớ ... ới ời người xưa

Kim Phượng

Bài Thơ Gởi Một Người


Em sang đò
Không kịp vẫy chào nhau
Câu thơ viết
Lở làng loang chiều nắng.
Nghe bấn nát một thời đời bình lặng
Trôi vật vờ-leo lắt lịm bên sông.

Ơi cái thời
Em yêu cả mùa đông
Không biết lạnh
Lật tìm câu,tìm tứ
Vui bè bạn tháng ngày vô tư lự
Thơ men say-leo lẻo hót trong lòng.

Có một thời
Hồn nhẹ cánh thong dong
Gói cả mùa xuân
Vào nụ hồng mới nở
Gói cả mây và gió làm hơi thở
Chiếu một trời-vàng giát cả lên trăng.

Thế mà thôi!
Em sợ ánh sao rơi
Câu chuyện cổ và nỗi niềm sương khói
Bay lãng đãng với hồn thơ mỏi mệt

Ơi người ơi!
Thương nhớ ở đâu rồi!?...


( Phố núi 25 tháng 12-2014).
Hương Ngọc


Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2014

Thánh Ca Đêm Thánh Vô Cùng - Lời Việt: Hùng Lân - Trình Bày: Nữ Tu Thùy Linh, FMA



Lời Việt: Hùng Lân
Hoà Âm: Nhóm Tình Thương Melbourne, Australia
Trình Bày: Nữ Tu Thùy Linh
Từ CD Giáng Sinh Trong Khó Nghèo


Ngôi Nhà Thờ Mái Đỏ



Tôi lại trở về đây
Con đường xanh bóng lá
Cơn mơ mộng đã đầy
Những ngày vui bước cũ

Trong nắng bụi phồn hoa
Bên dòng đời thác đổ
Vời vợi giữa niềm tin
Ngôi nhà thờ mái đỏ

Trên gác cao lầu chuông
Có lũ chim làm tổ
Lời kinh nguyện buổi chiều
Buồn từng viên sỏi nhỏ

Hàng bạch lạp lung linh
Những hồn xưa qua đó
Đã tàn mùa chiến chinh
Sao còn lời Kinh Khổ

Gió giao mùa trở lạnh
Lá bay ngập đường xưa
Màu thu run  rẩy cánh
Trên cành liễu trơ vơ

Ngôi nhà thờ đổ bóng
Trôi trong chiều hoang vu
Dư âm bài nhạc thánh
Đi qua những bến bờ

Thụy Khanh
Paris 4-9-89

Sàigòn Đang Đón Mùa Giáng Sinh


Trời Cali chợt đã vào đông
Dù không mưa tuyết vẫn tê lòng
Đâu như bên đó trời đang ấm
Đón Giáng Sinh về ai có mong

Không gió nhưng đường đi vẫn lạnh
Không mưa nhưng ướt bãi trăng nằm
Câu thơ ai viết buồn hiu hắt
Chợt nhớ quê mình buổi cuối năm

Sài Gòn có nhớ những mùa trăng
Nắng phía xa xôi bỗng thật gần
Hoa sứ mùa này đang nở trắng
Trong vườn năm cũ có ăn năn ..?

Sài Gòn đang đón mùa Giáng Sinh
Nhớ mắt môi xưa thuở rất tình
Hoa nắng rụng đầy trên lối cũ
Cho hồn anh một thuở điêu linh ..

Nhược Thu

Huyền Trân


(Nỗi lòng Trần Khắc Chân)

Ai làm đôi má hây hây
Cho ta vương vấn,ngất ngây cõi lòng?
Ai nhuộm cho má em hồng
Cho ta đắm đuối viết dòng thơ say?
Ai làm ra gió heo mai
Cho ta lành lạnh những ngày xa nhau?
Sao ai nhận mớ trầu cao
Của người xa lạ để đau lòng mình?
Em mang theo khối u tình
Huyền Trân lạc bước hậu đình Chiêm bang
Rừng hoang khuất nẻo Đồ Bàn
Lầu hoa gối mộng: Sương tan đầu cành
Vung gươm chặt ánh trăng tàn
Binh thư thấp-thoáng bóng nàng về dinh

Lê Kim Thành
1979

Lá Xanh Màu Đâu Hẹn Buổi Vàng Hoa


Em chợt đến bên đồi hoang cỏ lạ
Tặng vườn tôi những cánh nhớ mơ hồ
Tháng mười một mười hai trời nắng gắt
Đường tôi về dốc mỏi bóng cây khô

Em chợt đến như chim ngàn trở lại
Khu rừng kia cô tịch đã lâu rồi
Gió cũng biết rủ mưa về núi cũ
Cho vườn xanh cỏ biếc em và tôi

Em chợt đến như mưa chiều lục tỉnh
Ướt hiên nghèo quán nhỏ khói cà phê
Tôi chưa biết yêu ai thời mới lớn
Chỉ bâng khuâng gác trọ bước chân về


Em chợt đến áo lay nhành nguyệt quới
Cỏ cây cười đi nhắc chuyện tình ai
Đêm chợt đến lá nghiêng hồ tĩnh mịch
Nữa trang kinh ngồi đợi nữa trăng gầy

Em chợt đến khi vườn tôi chợt biết
Lá xanh màu đâu hẹn buổi vàng hoa
Trời xanh ngắt đâu hẹn ngày nắng ấm
Đêm mênh mông đâu hẹn bóng trăng ngà...

Lâm Hảo Khôi

Một Thuở Thơ Ngây

      Thông thường, để nói về cái khôn của con người, người ta hay dùng thành ngữ "đầu có sạn", nhưng để có sạn trong đầu, con người phải đạt đến một tuổi nào đó chứ nếu có quá sớm, người ta sẽ bảo rằng"khôn lõi", tức cái khôn, cái lém lỉnh của nhóc tì.
      Tôi thuở bé là một thằng nhóc phải nói là thơ ngây đáo để, thơ ngây đến độ ai nói gì cũng tin. Tôi sẽ kể cho các bạn nghe một vài câu chuyện thật, cười lộn ruột.


      Chẳng là thời đó tôi nhỏ mà ham làm người lớn lắm, thích làm những việc mà người lớn làm, việc đầu tiên là xách nước. Nhà tôi thời ấy xài nước giếng, nước lấy ngay từ cái giếng ở trước sân nhà. đó là một cái giếng sâu khoảng 8 mét, trên miệng có xây thành xi măng cao khoảng 2 gang tay và có mái che cùng nắp đậy. Vì giếng sâu, muốn lấy nước, người ta phải quay lên, quay bằng một ống quay đặt ngay trên miệng, vật dùng để múc nước là một chiếc gàu hay chiếc thùng.
      Thấy người lớn làm, tôi ham lắm, nhưng bọn trẻ chúng tôi bị cấm không cho lại gần giếng, vì sợ bất cẩn sẽ té xuống đó.

      Thói đời, cấm tức là gợi cho người ta ý làm trái lại. Một cách âm thầm, tôi lấy một chiếc lon sữa bò và tẩn mẩn đóng thành dạng chiếc thùng có thanh ngang bên trên. Xong, tôi đi tìm những đoạn dây nhợ nối lại thành một sợi dài.
      Một buổi trưa nọ, lựa lúc trước nhà không có ai, tôi bò lại giếng, đẩy nắp qua một bên và dòm xuống. Ôi chao, hay thật, bên dưới sâu có một lõm nước hình tròn in hình trời xanh và mây trắng, rất yên lặng. Tôi kề miệng hú một tiếng thì bên dưới có tiếng hú theo. Hay quá..., tôi nhấc chiếc lon lên và từ từ thả xuống...
      Không chạm đến mặt nước. Thì ra tôi chưa ước đoán đúng độ sâu, bèn vào nhà lấy trộm cuộn nhợ đỏ, cuộn nhợ mà cha tôi vẫn dùng để lấy đường thẳng khi xây cất. Cuộn nhợ này thì dài hơn chiều sâu, chiếc lon đã chạm mặt nước mà dây vẫn chưa hết.
      Tôi nhấp nhấp cho chiếc lon hụp xuống nước để có thể lấy nước lên, như vậy được mấy lần, tôi xách nước vừa lấy được đem đi tưới các chậu cây.

      Thích chí, ngày hôm sau tôi tiếp tục, tiếp tục... Thế nhưng sang ngày thứ ba, khi tôi chồm đầu để ngó xuống thì chợt cảm thấy đôi chân sau bị ai nhấc bổng lên không. Sợ quá, tôi la lên thì nghe có tiếng ở phía sau:
- Mẹ họ..., thấy người lớn mắc ngủ, đi ra giỡn với bà Thủy !... (thần giếng).
Người nói là ông ngoại tôi. Ông nắm hai chân tôi nhấc bổng lên để tôi khỏi bị đập mặt xuống và trong tư thế đó, ông lôi tôi vào nhà, mắng vốn với mẹ tôi.
- Mầy coi, hở ra là nó đi phá giếng !
Tất nhiên là tôi bị đòn. Sau vụ đó, ông làm ổ khóa, khóa chặt nắp lại.
      Sau vụ đi phá giếng, tôi xin người lớn cho xách giỏ đi chợ. Phải năn nỉ nhiều lần, bà tôi mới cho, nhưng buổi đầu tập sự, bà chỉ cho tôi mua một vài món. Một thời gian, thấy đã quen, bà giao tiền cho tôi đi mỗi ngày.
    
      Năm ấy là 1960, tôi đúng mười tuổi và đã học lớp nhì, trường tôi học là trường Gò Vấp, ở phía trên đầu chợ, nghĩa là có dịp đi ngang qua đó mỗi ngày, đi riết rồi hóa ra quen.
      Hôm ấy là hôm nào tôi không còn nhớ, chỉ nhớ là sau khi mua được một, hai món ở chợ dưới, tôi đi lên phía chợ trên để mua trầu, cau cho bà tôi, vì mặc dù chợ dưới cũng có bán nhưng mối quen của bà là ở trên ấy.
      Khi tôi đi tới thì thấy hàng bà này nghỉ bán, bèn quay ngược trở ra và xáp vào hàng bán bài ca vọng cổ, vì thời đó tôi mê hát lắm... ngồi xem để lựa được một lúc, tôi vừa đứng dậy thì thấy có một bà già tác độ năm mươi tiến đến, xởi lởi chào:
-Ồ, bà cháu đâu rồi mà cháu đi có một mình ?
- Dạ, bà cháu ở nhà, giao cho cháu đi chợ.
Tôi trả lời, mặc dù không biết bà ta là ai, quen biết như thế nào với bà tôi, vì nghe cách nói, thấy bà có vẻ như thân mật.
- Nè, bà cháu dặn mua những gì ?
Tôi móc từ túi ra một mẩu giấy:
- Cháu không nhớ hết, có cái liste do má cháu viết nằm đây.
- Giỏi quá há, con trai mà biết đi chợ ! Nè, bà bán mía ở phía đầu kia, lại đây bà chỉ cho xem...

      Nói xong, chẳng cần tôi ưng thuận hay không, bà nắm tay tôi kéo đi. đống mía mà bà nói có vẻ mới từ trên xe đổ xuống, chưa được sắp lại đàng hoàng.
      Bà bán ở đây nhưng còn chờ thằng con trai ra phụ. Bác có việc cần xuống chợ dưới mà chẳng có ai trông, hay là cháu ngồi xuống đây trông giùm bác, đưa tiền với cái giỏ đây, bác theo danh sách mà mua đồ giùm cho.
      Miệng nói, tay nắm liền chiếc giỏ, không chờ tôi phản ứng, bà nhanh nhẹn như một con sóc, có lẽ do thói quen của người buôn bán mía, giơ dao chặt phụp phụp là đứt lìa và phăng phăng róc vỏ. Lỡ rồi, tôi móc túi đưa hết số tiền gói trong chiếc khăn nhỏ cho bà, bảo:
- Bà đi lẹ lẹ nhe !
- ừ, chút xíu là xong, cứ ngồi xuống đó đi.
Tôi không ngồi mà cứ đứng nhìn ông đi qua bà đi lại, vì đâu có chiếc ghế nào để ngồi, ở giữa chốn chợ chiền, ngồi chồm hỗm trông kỳ lắm...
Tôi đứng đó chờ và thời gian qua hình như càng lúc càng chậm. Năm phút, mười phút, mười lăm phút... Tôi bắt đầu sốt ruột vì một phút bấy giờ không còn là một phút nữa, nó dài y như mười phút hay hơn. Mọi người thản nhiên đi qua đi lại, không ai để ý gì đến thằng nhỏ đang đứng với gương mặt rầu rĩ và bụng đánh lô tô.

      Một tiếng rồi có lẽ, tôi ước lượng bằng cách nhìn ánh nắng mặt trời, tự nhủ: "Không thể được, từ đây xuống đó chưa tới năm phút mà tại sao ?..." Tôi bắt đầu nghi và nghĩ đến sự la mắng của gia đình khi thú thực rằng mình đã bị gạt. Không chờ được nữa, tôi rời đống mía và đi ngược trở lại bằng lối chợ trong, mắt liếc nhìn đây đó. Chợ trong rồi chợ giữa, chợ ngoài, tôi đi tới đi lui liền mấy chập nhưng bóng bà già xưng là chủ đống mía bặt tăm, bặt tăm cùng chiếc giỏ và số tiền đi chợ của tôi, nhớ đâu chừng bốn chục (tiền thời đó lớn lắm, vì còn xài tiền cắc, tiền xu).
       Mệt rã rời chân và nóng nực, tôi đi ra khỏi chợ và hướng về phía phòng thông tin, nơi mọi khi tôi vẫn ghé để đọc báo, nhưng lúc đó thì chán nản, bực dọc, lúc đi ngang tôi chỉ liếc vào.
Qua tới khoảng đường trãng, tôi nghe hơi gió mát nhưng cái nóng nảy trong lòng làm tôi thấy nóng ran. Sẽ trả lời ra sao khi về nhà ? Có một bà già nhờ giữ giùm đống mía rồi xách tiền, xách giỏ đi luôn !...
       Mọi người sẽ nhận định ngay tôi là một thằng khờ, nghe người lạ nói mà cũng tin được. Tôi không đi theo con đường cái mà qua khỏi Cầu Hang, tôi đi lẫn vào trong xóm, nơi có con đường xe lửa điện năm xưa, nơi đây ít người qua lại. Tôi muốn tránh mặt mọi người, vì có mặc cảm rằng nhìn tôi, họ sẽ biết chuyện khờ dại của tôi.
Tôi về đến nhà bằng ngõ sau, cũng đi bằng lối tắt, băng ngang xóm. Nhìn thấy tôi về tay không, bà tôi hỏi:
- Sao hôm nay đi lâu vậy con ?
Tôi ú ớ. Phải bắt đầu bằng câu gì đây ? Tôi ngọng thật, chưa bao giờ tôi bị lâm vào một hoàn cảnh khó trả lời như thế.
- Dạ, con đi đến đầu chợ trên thì gặp một bà xưng là quen với ngoại, bả nhờ con giữ giùm đống mía và bảo sẽ đi chợ giùm. Thế rồi...
- Bị gạt hả ? Hèn gì...
Tôi khóc, khóc vì mắc cở mà cũng vì tức. Các em tôi nghe tiếng, chạy ra xem. Bà tôi bảo:
- Nó bị người ta gạt rồi !
Tôi ngồi phịch xuống đất, bảo:
- Rồi bữa nay lấy cái gì ăn đây ?
- Thôi, ở nhà đi, để bà đi chuyến nữa cho.
Tôi bảo:
- Ngoại đi, nhớ kiếm bà ấy để đòi lại tiền.
- Thơ ngây quá, cháu ơi, nó đã lừa thì làm gì kiếm được nó? Mà bà có biết nó là ai đâu?


     Đấy, một câu chuyện nhỏ của đời tôi năm vừa mới lên mười. Thời ấy tôi đúng là thơ ngây thật, có một lần đi chợ, thấy hàng kia có những quả su su le lưỡi trắng, tôi thích quá, ngồi xuống và lựa những quả kiểu ấy, mua hết..., nghĩ rằng về nhà sẽ được khen. Khi về nhà, tôi giơ lên và khoe ngay thành tích. Bà tôi lắc đầu, bảo:
- Su le lưỡi mà cũng mua !
      Thì ra đó là những quả su già, bên trong, thịt toàn là sơ, ăn xam xảm. Nhưng tôi thì thích lắm, vì cái "lưỡi" ăn không xảm mà nghe bùi bùi. Tuy nhiên, kinh nghiệm bị chê một lần, từ đó tôi không bao giờ mua su le lưỡi nữa.
      Một lần khác, bà tôi dặn đi chợ mua hai con cá trê để về chiên ăn. Tôi vào chợ, thấy có một hàng kia bày một cái thau tròn trong có vô số con cá trê đang bơi lội. Lại cũng thích quá, tôi móc tiền ra bảo: "Bà bán cho con bao nhiêu đây tiền."
      Tôi hí hửng mang về mười mấy con, cho rằng như thế là đã "lời", bà đưa tiền mua hai con mà đem về được đến mười mấy con. Bà tôi hết ý kiến về thằng cháu, nhưng cũng chẳng mắng mỏ gì, đem ra "xử lý" hết, mặc dù tôi bảo nếu không ăn liền thì để dành nuôi cho tới khi nào lớn hãy ăn.
      Tôi không thể nào quên thời đó cứ ba năm một lần, ngôi chùa thờ Quan thánh đế quân (Quan công) gần nhà tôi lại một lần xây chầu, mời gánh hát đến, họ diễn những tuồng tích xưa dưới hình thức ra điệu bộ (hát bội). Mặc dù chẳng hiểu gì nhưng được bà dẫn đi xem, tôi thích lắm, thấy sân khấu thật là tráng lệ và những diễn viên sao quá đẹp, đẹp tựa những nàng tiên.
       Lần đó có một nhân vật nữ làm tôi mê, đêm về không ngủ được, tôi nghĩ ngày sau mà có được một cô vợ như thế thì sướng nhất đời.

      Sáng hôm sau, tôi thức dậy sớm và một mình đi lại sân chùa để xem cho biết mặt giai nhân, vì các tài tử vẫn còn qua đêm tại đó.
      Tôi đi lòng vòng phía sau hậu trường để xem trong những người đã thức ai là giai nhân. Tôi đi tới, đi lui, đi xuôi, đi ngược, cố ý nhìn kỹ gương mặt từng người nữ để nhận diện, nhưng ban ngày thì nhận hết ra. Tôi làm quen một chú trong gánh hát và hỏi đêm qua ai đóng vai ấy. Chú ta chỉ tôi một người đang ngồi đánh răng với mái tóc uốn loăn xoăn và bộ đồ nhăn nhúm.
- Trời ơi, người đó hả?
      Tôi thất vọng não nề, bởi vì bên ngoài, giai nhân trông già chát và xấu hoắc, khác một vực một trời với giai nhân trên sân khấu đêm qua.

      Trong sân chùa có hai cây đào tiên đang mùa ra trái, những trái to đùng bằng cả bàn tay, mướt xanh và tròn trịa. Trông mượt mà, xinh đẹp nhưng nó ăn không được, chỉ trồng để làm cảnh mà chơi. Tôi so sánh nó với giai nhân trên sân khấu đêm qua, có điều phấn son còn tẩy đi được, còn cái vỏ xanh xao này thì là của thiên nhiên, về sau tôi rất sợ những người son phấn.
Tôi bắt đầu cuộc đời bằng sự thơ ngây, từ việc bị một bà già lừa cho đến một cô tài tử trên sân khấu, nhưng cô tài tử chỉ là sự vô tình, cô lừa người vì nghề nghiệp, còn bà già kia..., có phải cũng là một cái "nghề"?
       
      Câu chuyện qua đi có đến 50 năm, hôm vừa rồi, cô em tôi bên Việt nam nhắc lại. Tôi giật mình, tự hỏi "ủa, có chuyện như vậy nữa sao ?"
      Ừ, nhưng mà rồi tôi nhớ ra, quả là hồi ấy mình thơ ngây thiệt, bà già cầm đi mấy chục nhẹ nhàng, còn tôi, nếu có muốn cũng không thể nào rinh nổi đống mía kia đi !...

Montreal, 7 tháng 4 - 2012
Nguyễn Đức Tuấn