Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

Thơ Tranh: Lời Ru


Thơ Và Thơ Tranh: Kim Quang

Huế Thương Yêu




Em về thăm lại Huế thương yêu
Vĩ Dạ hàng cau ngát nắng chiều
Lá trúc nghiêng che vườn trĩu trái
Trời xanh lánh lót tiếng chim kêu

Gió mơn lối gío lướt sông dài
Áo trắng đôi tà lả lướt bay
Xa cách tình em vương nỗi nhớ
Giọng anh âu yếm đọng hồn say

Trăng rụng dòng Hương soi đáy nước
Tiếng hò kỷ nữ vọng trong sương
Em đi bước nhẹ lay hồn cỏ
Ai hởi tình ai có đượm vương?

Kim Hương

Tàn Phai


Anh đừng nói với em lời rất vội
Cho một lần vĩnh viễn chia tay
Bởi lời tuôn ra không dễ gì lấy lại
Đánh đổi một thời môi đắng mi cay

Anh đừng vất ước mơ vào mưa móc
Kẻo rồi mai mộng cũ cũng tàn phai
Và mình cũng chẳng bao giờ có lại
Yêu dấu một ngày tay ấm trong tay

Có những tình cảm đâu dễ gì thôi dứt
Có những cảm tình đâu dễ quên mau
Vì lẽ đó xin anh đừng có vội
Nói lời buồn cho thấu tận tim nhau

Cũng đừng nhìn em hững hờ xa vắng
Một bóng hình anh ghi khắc bao lâu
Bởi đoan chắc anh chưa hề xoá mất
Kỷ niệm ban đầu thân ái tin yêu

Chỉ xin anh cứ bình tâm an ổn
Xem mọi điều như chưa quá hư hao
Xem mọi điều như dòng sông êm chảy
Dù tình mình đã hoá kiếp xanh xao


Vĩnh Trinh


Đôi Giày Bata


      Đôi giày đầu tiên tôi mua năm 1954, năm tôi vào Đệ thất công lập sau kỳ thi tuyển khá gay go.  Hai tỉnh Vĩnh Long Sa Đéc gần ngàn thí sinh, trường chỉ chọn một trăm tuyển sinh chánh thức thêm năm người dự khuyết. Ngày tựu trường tôi cũng như bao học sinh miệt vườn khác, quần áo lè phè, guốc vông lộp cộp đứng sắp hàng chọn lớp. Lúc bấy giờ quý vị Giám thị mới cho biết là tất cả học sinh trường Trung học Nguyễn Thông phải đồng phục: nữ áo dài trắng, quần đen hay trắng; nam áo sơ mi, quần tây, áo phải  bỏ “vô thùng” đàng hoàng, chân mang giày cho ra vẻ học trò trung học. Phải nói rõ như thế để quý bạn biết là vì nhà trường bắt buộc nên tôi mới mua giày để đi học chứ không phải là phần thưởng của ba má tôi tặng cho.  Ba má tôi quan niệm giản dị: đi học thì phải thi đậu, rớt đồng nghĩa với việc tự ý nghỉ học do vậy không có gì phải thưởng cả.! 

      Tự lên nhà trọ, với số tiền nho nhỏ trong  túi để vừa mua sách vở, quà bánh, nay thêm đôi giày nữa khiến tôi phải đắn đo không ít. Giày vớ, đối với tôi quá lạ lùng và mới mẻ. Kể từ khi biết đi lững chững không nghe mẹ kể là đã mua giày vớ cho tôi, chắc là không có rồi!  Sáu tuổi bắt đầu đi học thì cứ chân đất như bao trẻ khác trong xóm. Tối đi ngủ tôi mượn tạm đôi guốc của ba, hay bất cứ của ai trong gia đình rửa chân sạch sẽ rồi leo lên giường. Đôi khi quên hay làm biếng, tôi chỉ làm vài động tác lếu láu bằng cách đưa chân ra ngoài chà xát cho sạch đất, cát rồi  chui vô mùng ngủ. Cũng xong.
      Tôi tới lui nhiều tiệm hy vọng tìm đôi giày mình ưng ý mà giá nhẹ nhàng. Có những đôi giày da, giày săng đan rất quyến rũ, nhưng đắt quá nên tôi lủi thủi tìm tiệm bình dân. Kìa một sạp ngoài trời bán đủ đồ học sinh kể cả dép, giày Bata, tức loại giày thể thao. Trong số đó có đôi màu “ dà”( đỏ sậm ) tương đối rẻ. Người bán, anh Chệt, luôn tô hồng chuốt lục: nào là tất cả học sinh đều mang giày loại này vừa tiết kiệm, khỏi phải đánh phấn hay si-ra, lâu lâu chỉ việc giặt phơi khô  rất tiện. Tôi cũng có ý chọn nó vì hợp với túi tiền, mặc dù tôi biết nếu mang vào tôi giống với những ông Bắc Kỳ di cư.  Nhưng thôi kệ, đời ta ba đời nó lo gì!.
      Từ ngày có đôi giày tôi luôn khổ tâm với những bình phẩm của các bạn ngồi gần như: “giống mấy anh Bắc Kỳ thứ thiệt, hơn nữa còn mang dáng vóc của chú chệt bắt heo”. Rồi hắn dẫn chứng là mới hôm qua nhà hắn bán heo, ông chệt mang đôi giày y chang giày của tôi..  Tôi làm thinh chịu trận, nhưng bụng cảm thấy tức, phải chi mình thêm năm bảy đồng nữa bây giờ không bị mấy thằng bạn cà chớn chọc tức thế này.


      Về nhà trọ, giang sơn của tôi là một phần của bộ ngựa vừa làm nơi ngủ, học và làm bài. Nhà chật, đông người, buổi chiều tới lúc đi ngủ, tiếng ồn ào huyên náo giống như cái chợ nho nhỏ mãi chín giờ tối cảnh náo nhiệt mới giảm dần.  Bấy giờ là thời gian để tôi làm bài và học bài. Muốn tiện nghi hơn cũng không thực hiện được. Ở tỉnh nầy gia đình tôi chỉ quen nhà bà dì.  Bà là chị họ của má tôi, nhà nghèo, đông con, nhưng tốt bụng.  Tôi ở trọ chỉ đóng chút ít tiền mua thức ăn, gạo thóc tôi mang đến mỗi tháng. Các anh chị trong nhà ai cũng tốt với tôi. Ông dượng quanh năm đốn củi hoang bên cồn về bán lấy tiền. Bình thường dượng ít nói, chỉ khi nào nhậu hơi xỉn dượng mới lèn èng. Một hôm không biết bực tức điều gì, nhè tôi ông trút giận, ông nói những điều khó nghe.đã vậy ông còn bắt tôi phải xuống ngang Bệnh Viện đội mớ củi me ông bửa sẵn đem về nhà.  Tôi uất ức quá độ, ở trọ có đóng tiền, sao lại bắt tôi làm những việc như người ăn kẻ ở. Tôi toan phản đối, nhưng nghĩ tội nghiệp cho dì nên nhịn.  Công việc không có gì khó, tôi từng xay lúa, giã gạo, nhưng vào lúc nầy, lúc đã nhổ giò, bắt đầu để ý đến bạn khác phái, biết e thẹn khi đứng gần phái nữ. Đội củi khiến tôi mất mặt. Tôi bất đắc dĩ phải làm, bụng ấm ức không vui. Để tránh gặp mặt bạn bè quen biết, tôi vác cần xé củi một bên vai lầm lũi rảo bước, thầm vái van đừng gặp ai quen. Nhưng vừa tới ngã tư Phan Thanh Giản và Võ Tánh trên đường ngược chiều, bên kia lộ, một cô gọi tôi rối rít:
      - Anh Văn, Anh  Văn…
      Tấn thối lưỡng nan, tôi toan giả đò như không nghe đi luôn nhưng tiếng gọi quá quen nên đành dừng lại, để cần xé củi xuống xem ai gọi. Cô gái mừng rỡ:
      - Đúng là anh rồi, vậy mà em ngỡ mình lầm với ai khác.
      Tôi đưa tay áo chùi mặt cho bớt mồ hôi và xiết bao mừng rỡ khi biết người gọi mình là Hương, cô bạn chung lớp ở bậc Tiểu học, đã ra tỉnh gần năm nay. Tôi vừa ngượng nhưng vẫn lộ nét mừng vui, pha chút cà riễu:
      - Hương mà anh cứ ngỡ tiểu thơ nào.
      - Anh ở gần đây không? Em hỏi thăm mấy nhỏ bạn như Xuân, Sương nhưng không ai biết anh ở đâu cả.
      - Anh vào học mấy tháng nay, có ghé chị Ba thăm em nhưng không gặp thành thử không biết em ở đâu mà tìm. Em cho anh địa chỉ nhà trọ để khi rảnh anh đến thăm. 


      Từ giã Hương tôi đi thẳng về nhà như trốn chạy. May là Hương nếu người khác chắc Văn khó xử hơn. Hương từng đến nhà Văn nhiều lần, Hương đã thấu hiểu tình cảnh của chàng. Về tới nhà trọ, Văn quăng cần xé củi trước sân, mặt kém vui, lúc nầy nếu ai trêu ghẹo chắc chắn Văn sẽ không nhịn nữa. Cũng may, mọi người đều đi vắng, bây giờ Văn lờ mờ hiểu: vì không còn ai nên Văn bắt buộc phải làm việc vác củi. Thấu hiểu lý do của sự việc khiến chàng như trút bỏ những ấm ức trong lòng.  Chàng thay đồ, tắm rửa và không quên giặt đôi giày cho sạch sẽ. Văn cẩn thận phơi nó ở phía sau rồi đến nhà Tôn cùng học bài, làm bài và đấu láo. Văn nghe tâm hồn thư thái, những lời săn đón, lo lắng của Hương khiến chàng thấy ấm áp, yêu  đời.
      Tôn ở với ông cậu làm Trắc Họa Viên, nhà rộng mênh mông, Tôn và cậu ăn cơm tháng, cậu Năm của Tôn đi đo đạc suốt ngày, hôm nào không ra ngoài ông cặm cụi vẽ họa đồ. Đến chiều Văn từ giã bạn về nhà. Gần khuôn viên trường Văn thấy chú Năm xích lô, người hàng xóm đang lớn tiếng cãi cọ với ông khách mặc đồ sang trọng, chàng không bỏ dịp may đến tận nơi xem việc gì xảy ra. Chàng nghe một đoạn của câu chuyện như sau:
      - Vào Nam Chính phủ chỉ cấp cho chừng ấy tiền, nhận hay không tùy. Ông khách toan đi thẳng vào cổng trường.
      Chú Năm  thường chuyện trò với Văn mỗi khi rảnh nên chàng biết chú là lính Nhảy Dù trong quân đội Pháp, giãi ngũ không lâu, chú rất tốt, hay giúp đỡ kẻ yếu nhưng phải cái tật “du côn” ai hiếp đáp, chú thường nói chuyện bằng chân tay. Ông khách đi xe chú ăn mặc lịch sự nhưng có vẻ húng hiếp người. Ông vừa đi được vài bước, chú Năm rất lẹ, tiến đến trước mặt ông hỏi gay gắt:
      - Ông trả hay không, nói đi?
      Ông khách vẫn cứng cỏi
      - Số tiền ấy đủ rồi.
      Chú Năm dang cánh tay vạm vỡ nắm chặt áo ông khách tay kia toan tung quả đấm. Bây giờ ông khách  phát hoảng la lên:  Tôi trả …Tôi trả.
      Màn kịch hay kết thúc, chú Năm còn bồi thêm mấy câu cho hả tức:
      - Ê nhớ kỹ, đừng hòng lường gạt thằng nầy. Nghe chưa?!
       Văn về nhà, trời cũng vừa tắt nắng, việc đầu tiên chàng ra phía sau đem đôi giày vô để hôm sau còn mang đi học. Văn tìm khắp mọi nơi mà không thấy chả lẽ gió thổi bay xuống vũng nước đọng sau hai dãy nhà đâu lưng màu đen ngòm, mùi hôi xông lên nồng nặc kia sao? Văn bối rối: tiền đâu mua đôi giày khác, dì đi vắng; nêu có dì ở nhà chưa chắc dì sẵn tiền hay là đến chị Ba Thảnh ở Cầu Lộ, người cùng xóm mượn tạm tuần sau về nhà xin tiền trả. Bất đắt dĩ đành đến tìm Hương mượn tạm ít chục đồng. Văn cảm thấy ngượng ngùng khi nghĩ đến việc hỏi mượn tiền Hương, mặc dù chàng biết Hương rất thông cảm và sẵn lòng.
      Văn vừa ra khỏi nhà thì anh Mười con Dì Năm cũng về tới, mồ hôi nhuễ nhại, anh cho biết là mượn tạm đôi giày của tôi đá banh chiều nay. Tôi vừa mừng, vừa giận, mừng vì khỏi đi mượn tiền, giận vì anh ấy quá ngang tàng, mượn đồ của mình mà không thèm hỏi. Người trong nhà chả lẽ mình hành động giống chú Năm ban chiều?.
          Đôi giày Bata của tôi không còn là đề tài nóng bỏng để các bạn trêu chọc nữa, giả sử không việc gì xảy ra sau đó, có lẽ tôi đã quên mất là tôi từng có đôi giày bata theo kiểu Bắc kỳ. Hôm đó, tới giờ Anh văn, lớp học khá nóng nực, tôi  cởi một chiếc giày cho mát, chẳng may, thầy gọi lên trả bài, tôi loay hoay tìm chiếc giày mang vô, tìm mãi không thấy. Một phút trôi qua, thầy có vẻ giận, ông gọi tên tôi lần nữa. Hoảng quá, tôi xách tập chạy lên, trong trạng thái một chân mang giày, một chân không. Ông thầy không để ý đến bộ dạng của tôi lúc đó. Thầy chỉ hỏi tôi thuộc bài không mà lâu lắc thế. Trả bài xong tôi toan về chỗ, thình lình một tiếng ồ lớn của dãy bàn bên phái nữ. Thầy hỏi chuyện gì?
       Một chị bạn trả lời:
      - Không biết ai quăng chiếc giày vào tụi em
      - Đâu nào? Ai  quăng chiếc giày? Không tiếng trả lời
      Có lẽ thầy biết đây là màn chọc phá của đám  học trò, thầy dịu giọng.
      - Ai mất giày thì đến lấy.
      Tôi  nghi đó chính là chiếc giày của mình. Quả không sai. Tôi thẹn thùng đến nhặt chiếc giày mang vào chân. Thầy nói như giải hòa:
      - Học hành không lo, nếu còn tái diễn tôi sẽ phạt.
      Tôi về chỗ ngồi, mong cho mau hết giờ để tìm cho ra thủ phạm. Tôi hỏi nhưng mấy thằng bạn ngồi gần đều chối leo lẻo. Tôi rủa độc:
      - Thằng nào phá tao có ngày sẽ gãy chân cho hết mang giày. 


      Câu chuyện đôi bata “ Bắc Kỳ “ đi vào quên lãng. Thời gian qua nhanh, mới đó mà chúng tôi đã ra trường, mỗi đứa một ngành nghề tung ra bốn phương tìm sinh kế. Một hôm vào dịp nghỉ Tết, tôi tình cờ thấy trên báo đăng tin rớt máy bay, anh phi công tên Đinh Th. N, tên  giống như tên thằng bạn ngồi bên tôi năm nào, tôi chạy tìm mấy đứa bạn cùng tỉnh hỏi tin tức về N. Đúng là N. bị tai nạn máy bay gãy chân, may mắn sống sót. Mừng cho bạn, nhưng tôi chợt hối hận nhớ lại năm xưa thời còn cắp sách, N. thường đá dép, giấu giày chẳng những của tôi mà còn của các bạn ngồi gần, N. nhận những lời rủa sả độc địa, vẫn cười thoải mái không bao giờ để ý. Phần tôi, tôi hối hận tự nhủ: Chả lẽ những lời rủa sả lại linh ứng như thế sao? Tôi hứa là sẽ cẩn trọng lời nói để khỏi làm hại người khác. Giờ đây gẫm lại tôi chợt phì cười, nếu lời thề thốt rủa sả mà linh ứng chắc ngày nay tôi không có mặt  tại xứ này


Viết xong July 15, 2013 

Nguyễn Thành Sơn


Thơ Tranh: Bài Thơ Không Đề

Bài thơ của Cựu Học Sinh Lê Thị Cúc Lớp 12, niên khoá 1976 Đã qua đời.
- Cô là bạn của Ngọc Hải - Vĩnh Long


Thơ: Lê Thị Cúc
Thơ Tranh: Kim Oanh

Đêm Nghe Hát Dân Ca Ở Fontvannes




                  (Tặng bạn Anh Vân)

Đã tới đêm rồi, những núi xa
Bóng sao chưa lóe, nắng chưa nhòa
Cửa gương còn sáng, trời trong vắt
Họp mặt ngồi vây một ấm trà.

Cây đàn trên vách treo suông mãi
Hãy lót nhạc mềm cho tiếng ca
Để khách quanh bàn thương quá khứ
Chia lòng gửi tận chốn mây xa.

 Tiếng hát lắng khơi mạch nước nguồn
Chảy trong đất mẹ buổi tang thương
Giờ ta đánh mất nôi hồng cũ
Tàn mộng ngày xanh, bỏ phố phường.

Thoáng hiện giữa lời hát mật ong
Những đồng lúa ngát, những dòng sông
Bao hình ảnh rực trong tâm tưởng
Tiềm thức đen sâu bật lửa hồng.


Ơi, bóng chiều trôi sao muộn màng!
Dâng đầy thung lũng áng sương lan
Chuyến xe về muộn, đường hun hút
Tiếng thị thành xa vọng ngỡ ngàng.

Theo tiếng dân ca, lòng mở ngõ
Trời Tây tìm gặp gió phương Đông
Mềm trong nước mắt hồn xa xứ
Biết thuở nào nguôi dáng núi sông?

Xô những cánh chim lìa tổ ấm
Hỡi dòng lịch sử dậy phong ba!
Giờ trong tiếng hát ta tìm lại
Bếp lửa đoàn viên dưới mái nhà.

Để ta uống lại nguồn sinh lực
Dịu mảnh hồn đầy những vết thương
Từ khởi điểm nầy ta cất bước
Vào trong ánh sáng cõi thiên lương.

Hồ Trường An


Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

Chiều Trên Phá Tam Giang - Tô Thùy Yên

 Sơ Lược Tiểu Sử:
 
Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên, sinh năm 1938 tại Gò Vấp. Cha là chuyên viên phòng thí nghiệm Viện Pasteur, sau về công tác ở Bệnh viện Chợ Rẫy.
Thuở nhỏ học trung học trường Petrus Trương Vĩnh Ký, có ghi danh theo học ở Đại học Văn khoa Sài Gòn, ban văn chương Pháp, một thời gian rồi bỏ dở.
Ông bắt đầu có thơ đăng trên báo Đời Mới (thập niên 1950) trước khi xuất hiện và nổi tiếng trên tạp chí Sáng Tạo. Tô Thùy Yên, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, cùng với các họa sĩ Duy Thanh, Ngọc Dũng là những người nòng cốt của nhóm Sáng tạo, một nhóm sáng tác đã từng được biết đến với phong trào khai sinh “Thơ Tự Do” trên văn đàn Miền Nam vào thập niên 1960.
Cuối năm 1963 ông nhập ngũ, phục vụ ngành Chiến Tranh Chính Trị. Chức vụ cuối cùng là Thiếu tá, trưởng phòng Tâm Lý Chiến.
Sau 30/4/1975, ông đi " cảo tạo" gần 13 năm. Cuối năm 1993 cùng gia đình sang Mỹ định cư. Hiện nay ông đang ở Houston, tiểu bang Texas.



Chiều trên phá Tam Giang
Anh sực nhớ em
Nhớ bất tận.

Giờ này thương xá sắp đóng cửa.
Người lao công quét dọn hành lang.
Những tủ kính tối om.
Giờ này thành phố chợt bùng lên
Để rồi tắt nghỉ sớm.
(Sài Gòn nới rộng giờ giới nghiêm.
Sài Gòn không còn buổi tối nữa.)
Giờ này có thể trời đang nắng.
Em rời thư viện đi rong chơi
Dưới đôi vòm cây ủ yên tỉnh
Viền dòng trời ngọc thạch len trôi.

Nghĩ tới ngày thi tương lai thúc hối,
Căn phòng cao ốc vàng võ ánh đèn,
Quyển sách mở sâu đêm.
Nghĩ tới người mẹ đăm chiêu, đứa em quái quỉ.
Nghĩ tới đủ thứ chuyện tầm thường
Mà cô gái nào cũng nghĩ tới.
Rồi nghĩ tới anh, nghĩ tới anh
Một cách tự nhiên và khốn khổ.
Giờ này có thể trời đang mưa.
Em đi nép hàng hiên sướt mướt,
Nhìn bong bóng nước chạy trên hè
Như những đóa hoa nở gấp rút.
Rồi có thể em vào một quán nước quen
Nơi chúng ta thường hẹn gặp,
Buông tâm trí bập bềnh trên những đợt lao xao
Giữa những đám ghế bàn quạnh quẽ.

Nghĩ tới anh, nghĩ tới anh,
Cơn nghĩ tới không sao cầm giữ nỗi
Như dòng lệ nào bất giác rơi tuôn.
Nghĩ tới, nghĩ tới một điều hệ trọng vô cùng
Của chiến tranh mà em không biết rõ.
Nghĩ tới, nghĩ tới một điều hệ trọng vô cùng
Một điều em sợ phải nghĩ tới.
Giờ này thành phố chợt bùng lên.

Chiều trên phá Tam Giang
Anh sực nhớ em
Nhớ bất tận.

Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi
Rực chiếu bao nhiêu giấc mộng đua đòi
Như những mặt trời con thật dễ thương
Sẽ rơi rụng dọc đường lên dốc tuổi,
Mỗi sáng trưa chiều tối đêm khuya.
Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi,
Coi chuyện đó như lần đi tuyệt tích
Trong nước trời lãng đãng nghìn trùng,
Không nghe thấy cả tiếng mình độc thoại.
Anh yêu, yêu nuối tuổi hai mươi,
Thấy trong lòng đời nở thật lẻ loi
Một cành mai nhị độ.
Thấy tình yêu như vận hội tàn đời
Để xé mình khỏi ác mộng
Mà người đàn ông mê tưởng suốt thanh xuân.

Ôi tình yêu, bằng chứng huy hoàng của thất bại !

Thơ: Tô Thùy Yên


Phổ Nhạc: Trần Thiện Thanh
Tiếng Hát: Thanh Lan & Nhật Trường


Vĩnh Long Mùa Nước Nổi, Mùa Khô Và Mùa Mưa


Con đường làng đi học
Tháng 9 mùa nước nổi

Đầy lục bình trôi
Có mùa khô sông cạn


Những ngày mưa về
Mang nước tưới đồng xanh

Biện Công Danh

Tên Côn Đồ

Ta - tên côn đồ
đi đánh cướp tình em
tình không cho
Em bẩm tính thương người
ta vốn tình nghèo mạt
bán đời, đời không mua
cho người, người không nhận
ta bày trò biển lận
lợi dụng tính thương người
xin em tình yêu cuối
làm vốn liếng cuộc đời
em thật-thà từ chối :
" tình nào, tình cho không ? "

Ta là ta xảo quyệt
ta là ta côn đồ
một hôm chiều gió nổi
ta đánh cướp tình em
tình em, tình không cho
giữ gìn như gia bảo
nâng niu tình rũ mòn
tình héo hon.....

Em - từ ngày tình mất
đờ đẩn kẻ vô hồn
nói cười như người dại
ta vô tình điên luôn
Đời vốn đã truân chuyên
ta lọc lừa xảo quyệt
vẫn thua buồn muôn niên.


Võ Phan Trung

Thơ Tranh: Sao Lòng Hoài Nhớ Nhau?


Thơ: Dương Thượng Trúc
Thơ Tranh: Kim Oanh

Kiếp Sau




Đêm qua em nằm mơ
Mẹ đem em gả chồng
Cho một chàng thi sĩ
Số chàng rất long đong

Hai vợ chồng làm thơ
Trong một gian lều cỏ
Mái dột mái cứ dột
Làm thơ vẫn làm thơ

Thơ chàng dán trên vách
Thơ em che trời mưa
Một đàn con tám đứa
Lớn lên chỉ mê thơ

Ngoài vườn đầy hoa nở
Trong lòng ngập mộng mơ
Cửa lều thường không khép
Nên Xuân đến bốn mùa

Mặc người đời mua bán
Mặc cuộc đời hơn thua
Cả nhà làm thi sĩ
Nên nghèo xác nghèo xơ

Em cầu cùng thượng đế
Kiếp sau có lấy chồng
Xin lấy chàng thi sĩ
Dầu biết chàng tay không...

Trần Mộng Tú
( Trích trong Quê Hương Ngàn Dặm 1- Anh Vân thực hiện)

Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

Pleiku Một Ngày Về














Vũ Bình Quảng
( Cựu Học Sinh Trung Học Pleiku)


Ông Bảy Chà

      Ngày tôi về trình diện nhận nhiệm sở tại trường Trung học Tống phước Hiệp, người tôi gặp chào hỏi đầu tiên không phải là Hiệu trưởng, mà là ông Bảy bảo vệ trường.Với chiếc áo thun ba lổ, chiếc quần sooc cũ và xâu chìa khóa đầy nhóc đủ loại chìa đeo tòn ten bên dây nịch. Ông cũng giống ông Ba bảo vệ ở trường cũ, hồi tôi còn học trung học ở quê nhà Long An.
( Nhân Viên Lao Công của Trường Tống Phước Hiệp)
      Ông thương và quý trọng tôi lắm vì tôi đối với ông cũng như vậy. Nhớ lần Má tôi từ quê nhà tận Long An xuống ghé vào trường để biết nơi tôi làm việc, lúc đó tôi mới dạy được một năm, cũng đã hai mươi bốn tuổi rồi. Khi ông vào trước cửa lớp cho hay, tôi hết hồn luôn vì Má không báo trước. Sau khi cho học trò tự làm việc, tôi cùng ông xuống lầu ra cổng đón Má tôi. Cũng vẫn chiếc nón lá với chiếc giỏ xách nhà quê, có điều bộ quần áo tươm tất hơn lúc ở nhà. Má tôi đang ngồi trên ghế của ông Bảy đợi tôi kề bên cổng nhỏ.
      Tôi xách giỏ của Má như hồi nào ở nhà theo người đi chợ và cùng bước trên con đường có hai hàng cây mà sau nầy tôi thường nghe học trò ưa nhắc lại, lối đi này để vào phòng hành chánh, giới thiệu cùng Hiệu trưởng và đồng nghiệp, anh chị em văn phòng. Mấy hôm sau những học trò nhìn thấy cảnh đó ưa ghẹo tôi, khi các em nhắc lại hình ảnh "hai mẹ con của thầy cùng đi trên con đường nhỏ vào trường trông giống như ngày đầu tiên trong đời thầy được mẹ dẫn xách giỏ thay vì cắp cặp sách đến trường".

       Học trò đã quá yêu quý tôi hơn những gì tôi có. Má tôi lúc ra về đến cổng nhỏ chào ông Bảy rồi quay lại rầy một câu "Sao má thấy trong trường có những người lớn tuổi hơn con, mà chẳng có ai để râu như con hết". Trưa hôm đó về chỗ trọ tôi đã cạo râu, nhưng khi nhìn vào gương tôi lại thấy người nào đó không phải là mình.Thế mà cả tháng sau tôi mới dám soi gương và lúc đó thấy đúng là mình, rồi tôi không nghe lời Má chuyện râu ria nữa.
      Có những học trò còn chờ chủ nhà quay gót, để kiếm hoa đặt trên bàn thầy cô hay do thức khuya ôn bài nên đến trường trễ. Các em chờ ông Bảy mở cổng nhỏ cho thầy cô vào là lanh chân cuốn theo chiều gió vào trong sân trường, chưa thấy ông giơ tay chặn lại đứa nào.Vậy mà có đứa lại quên ông, nhưng hầu hết chắc vẫn còn nhớ.
      Nhớ mỗi tháng về thăm nhà gởi tiền lương và tiền dạy thêm ở trường Long Hồ, Nguyễn Trường Tộ, Bán Công Nguyễn Thông để phụ nuôi các em cùng với Má, người thường hỏi tôi lúc sống ở Vĩnh Long có ăn thịt chó, mèo, trâu hay không? Tôi đã nói dối là không, trong khi tôi có bạn kết nghĩa là “Bé Chùa” ở Kho Dầu Cũ , món gì các bạn ăn được là tôi sực được ngon lành không thua kém, lại còn nhậu rượu đế nữa. Má tôi giờ đã chín mươi hai tuổi mà còn khỏe và sáng suốt, mỗi ngày 5g30 sáng là tôi chở đến Chùa Tịnh Xá bằng xe Honda hai bánh, trưa 11giờ rước về, công quả như vậy chắc cũng được bớt đi phần nào tội không nghe lời và nói dối và còn nhiều tội khác nữa của tôi đối với người.

      Chắc chưa học sinh nào thấy ông Bảy một mình vác trên vai chiếc bàn học dính liền với ghế bằng gỗ to lớn? Chiếc bàn chắc có mặt cùng thời với trường, mang trên đó biết bao nhiêu là kỷ niệm dấu ấn của nhiều thế hệ học trò. Ông mang ra hành lang để sửa chữa hoặc phân phối qua các phòng học khác để chuẩn bị khai giảng niên khoá mới.
      Trông ông như tượng đồng nâu sẫm hằn những nếp nhăn trên mặt, lại thêm cặp kiếng dày cui với đôi gọng lặc lìa. Hồi đó tôi cũng có tự rèn luyện Thái Cực Đạo mỗi sáng sớm bằng đường quyền cùng với bao da, bao cát và trụ đấm, thể lực cũng tốt mà không thể nào rinh bộ bàn khỏi mặt đất huống chi tự đặt lên vai như ông Bảy đã làm năm này qua năm khác. Tôi chợt nhớ có lần dạy ở trường Nguyễn Trường Tộ, khi giở tập một nam sinh ngồi bàn cuối để kiểm tra xem có ghi bài hay chưa, chợt em sờ vào mu bàn tay phải của tôi rồi hỏi "Sao tay thầy bị chai đen vậy thưa thầy?". Tôi giật mình giấu tay phía sau lưng và giải thích theo phản xạ "Không biết sao thầy bị hai mụt cóc ở ngay chỗ hai gu bàn tay đó, giờ còn để lại sẹo không hết ".Từ đó tôi rất cẩn thận và thường chỉ đưa lòng bàn tay ra, sợ mấy học trò, nhất là nữ sinh vô tình trông thấy tưởng thầy lớn mà cũng biết ở dơ ít khi kỳ cọ.
     Tôi là thầy giáo gần gia đình ông Bảy nhất vì sau khi đã có hai đứa con trai, tôi xin cất căn nhà lá trên nền nhà ăn, chỗ cây xoài trong khuông viên nhà công vụ của Hiệu trưởng, hiện nay là khu tập thể giáo viên. Mỗi chiều sau khi đóng khóa xong mọi phòng học, ông Bảy mang tô canh đầu cá cùng chai rượu đế, còn tôi trải sẵn manh chiếu nhỏ te tua nhưng sạch sẽ trên nền gạch kế bên túp lều của gia đình tôi. Bà Bảy cho tôi biết mỗi ngày khi mua đồ ăn cơm, luôn dành cho ông một phần để ông nhâm nhi vào chiều tối. Sau nầy khi vào ở đây thì có thêm tôi chia bớt tô canh của ông. Bữa nào có món gì nhậu được, vợ tôi cũng cho tôi mời ông để già trẻ hàn huyên. Còn chai rượu của ông mới thật là khó kiếm, bên trong còn độc nhất một trái chuối hột chắc đã quên ngày sinh, nên nó không thể nào trút ra khỏi miệng chai và nó cứ nằm đó tiếp tục đón nhận rượu mới đổ vào.
      Ông bệnh và đã mất, dẫu biết đó là quy luật của tự nhiên nhưng sao tôi đã luôn thấy trống vắng khoảng một thời gian dài.Cách đây gần bốn năm, mỗi lần có về thăm lại chỗ ở cũ trong khu tập thể trường, tôi luôn ghé thăm nhà ông và thắp ba cây nhang trên bàn thờ xin Trời Phật phù hộ cho ông được siêu thoát.

Huỳnh Hữu Trí

Bản Tango Và Em


Em về đâu đứng bên bờ ngóng đợi
Khách qua đò không ngoảnh lại bến sông
Hôm chia tay cất bước chút chạnh lòng
Nghe gió thoảng bâng khuâng lời nhắn gọi..

Giấc mộng đầu say hồn theo bóng tối
Bản Tango dìu dặt đến chơi vơi
Tay trong tay theo dòng nhạc lả lơi
Mùi hương cũ trở về bao ước vọng.

Em đang bơi giữa dòng sông lạc lõng
Ai đâu ngờ có bến đục, bến trong
Trả giấc mơ em về nơi gió lộng
Nước quanh năm vẫn xuôi chảy một dòng.

Ngồi ôn lại những vết đời phiêu lãng
Dư âm xưa bỗng khoảnh khắc mơ hồ
Định mệnh buồn óng mượt ánh vàng tơ
Cuộc đời nào không lắm điều ngao ngán!..

Nhưng em biết yêu anh là hữu hạn
Thuở yêu đương đâu nghĩ đến phũ phàng
Xin lưu đời một tâm trạng xốn xang
Dòng sông chảy chẳng bao giờ quay lại…

Bùi Thanh Tiên
VA, July 14, 10

Ngõ Ngách Cô Đơn


Lớp 12 – em ngồi bàn trên
Tôi bàn dưới – cầu mong em quay lại
Những nam sinh khi học chung con gái
Ai cũng thu mình, phải giữ lấy thân.

Tuổi học trò như trăng sáng ngoài sân
Trang tập mỏng cộm lên màu phượng đỏ
Tôi gởi em cánh hoa tàn héo úa
Em ghép vào nhật ký của đời tôi.

Một năm ươm hoa nhánh biếc đâm chồi
Tình câm nín xa rồi thấy nhớ
Như bầy đàn – tội cho ông thợ
Xây đắp chung cư tình nhớ cho người.

Em hững hờ xinh đẹp tươi vui
Bước vào giảng đường ngành sư phạm
Tôi lận đận sẩy chân bên y dược
Nên u hoài lỡ bước với người xưa.

Mưa chiều nay – cơn mưa đầu mùa
Lật trang ảnh ngày nào, tôi nhìn lại
Em rạng rỡ thơ ngây đời con gái
Tôi âm thầm trong ngõ ngách cô đơn !

Dương Hồng Thủy
 

( 12/04/2014)

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

Cầu Bình Lữ - Tỉnh Vĩnh Long

Từ Sài Gòn, cây cầu đầu tiên để vào nội ô thành phố Vĩnh Long là cầu Bình Lữ (Tân Bình).






Đứng trên cầu nhìn về hướng Sài Gòn.

Đứng trên cầu nhìn về Ngã Ba Cần Thơ.


Huỳnh Hữu Đức

Tình Không Phai Màu..


Ngày xưa hai đứa chung đường
Đèo em xe đạp đến trường cùng anh
Như đôi chim sáo trên cành
Líu lo vui hát, ngày xanh rạng ngời 

Tưởng rằng hai đứa chung đôi
Không ngờ sau cuộc đổi đời vỡ tan
Anh theo cha mẹ lên đàng
Viễn du xứ lạ bàng hoàng ngày đi 

Xa em trong lúc chia ly
Lòng đau đớn lắm, nói gì cho cam
Bỗng dưng lệ đổ hai hàng
Thuyền xa bến đậu, rơi ngàn giọt châu 

Thuyền đi đi mãi về đâu ?
Mênh mông biển cả nguyện cầu bình an
Mong sau sẽ gặp lại nàng
Bao năm xa vắng hợp tan trùng phùng 

Nghĩ rằng sẽ được tin mừng
Đời vui biết mấy, nếu đừng phụ nhau
Nếu em không nghĩ sang giàu
Tình xưa nghĩa cũ kết giao sống đời 

Thỏa nguyền nguyện ước em ơi !
Không ngờ ước vọng một thời vỡ tan. 


* * *
Tin từ quê mẹ gởi sang
Bao năm chờ đợi, em sang ngang rồi
Ngày đi biển cả trùng khơi
Ngày về xa thẳm biển đời mênh mông
Thương em, anh giữ trong lòng
Dù hai màu tóc, tình không phai màu…


Song An Châu

 

Thơ Tranh: Vô Thường


Thơ: Trần Thị Dã Quỳ
Thơ Tranh: Kim Oanh

Phiếm Về Di Tích Lịch Sử

  

    Sau khi Hai Bà Trưng tuẩn tiết, người Tàu đô hộ Việt Nam lần thứ 2 (gần 1000 năm) cho đến lúc Ngô Quyền phá quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng để mở đầu thời kỳ độc lập. Những triều đại sau như Đinh, Lê , Lý, Trần, Hồ, Lê (Hậu Lê), Mạc được khoảng 600 năm. Trong thời gian đó có loạn thập nhị sứ quân, nhà Trần phải 3 lần chống quân Mông Cổ, đất nước bị nhà Minh đô hộ trong 10 năm ... Tiếp theo là thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, nhà Tây Sơn (quân Mãn Thanh và Thái Lan xâm lăng) và cuối cùng Gia Long thống nhất đất nước cho đến gần cuối đời Tự Đức thì Pháp đô hộ nước ta. Sau khi dành độc lập từ ngưòi Pháp, đất nước phân chia và cuộc nội chiến Bắc-Nam kéo dài đến năm 1975.
      Lịch sử nước ta hầu như dính liền với chiến tranh vì thế không có thời gian, nhân lực và ngân sách để trùng tu các di tích lịch sử hay để xây dựng những kiến trúc vĩ đại như Đế Thiên Đế Thích.

      Về mặt kiến trúc, những công trình kiến trúc Việt Nam thường là bằng gỗ thay vì bằng đá như nên dễ hư hại, dễ bị tàn phá hơn. Phải công nhận Đế Thiên Đế Thích là một công trình vĩ đại, được xây dựng nhiều lần từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ 14 nhưng xét cho cùng đa số nhân công là nô lệ và dân bản xứ với địa vị xã hội thấp (low caste) vì người Khmer lúc đó theo Ấn Độ giáo, rất phân biệt giai cấp xã hội. Dân chúng được xem như là low caste và phải phục vụ giai cấp quí tộc và các giáo sĩ Bà La Môn. Tóm lại công trình tuy vĩ đại nhưng không "văn minh" vì thiếu "nhân bản".

      Sau khi xây dựng Đế Thiên Đế Thích xong, ngân sách quốc gia thâm thủng, phía Bắc bị quân Xiêm quấy phá, thêm vào đó Phật giáo Tiểu Thửa với nguyên tắc bình đẳng, bác ái đã làm vai trò Ấn Độ giáo và địa vị của giai cấp thống trị lung lay, cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của đế chế Angkor.
      Cũng trong thời gian đó, đạo Phật rất thịnh hành ở nước ta và cũng với nguyên tắc bình đẳng, bác ái này hầu như không có sử liệu nào cho thấy dân mình bắt những dân tộc khác làm nô lệ để xây dựng lâu đài, thành quách ...

      Di tích lịch sử lớn nhất còn tồn tại là kinh thành Huế mặc dù chiến tranh đã tàn phá một số kiến trúc trong Đại Nội (Do người Pháp tấn công kinh thành Huế (1885) và biến cố Tết Mậu Thân (1968)).
      Còn "dấu tích lịch sử" thì nhiều lắm. Như VD đã viết "Dấu tích lịch sử" không cần phải là một công trình kiến trúc vĩ đại. Một rặng núi, một con đường, một khu rừng ... có thể là "dấu tích lịch sử" nếu bạn thích tìm hiểu lịch sử.
      Dọc theo quốc lộ 1 từ Huế ra Quảng Trị, có thể bạn ngậm ngùi khi nhớ đến đại lộ kinh hoàng của "mùa hè đỏ lửa" năm 1972 (Phan Nhật Nam). Ở thành phố Huế, đến thôn Vĩ Dạ, bạn sẽ ngâm nga thơ Hàn Mặc Tử hoặc bùi ngùi với "Dãi khăn sô cho Huế" (Nhã Ca).

      Tại Bình Định, nhìn dấu tích hoang tàn, đổ nát của thành Đồ Bàn, lầu Bát Giác bất giác bạn cảm thông với nỗi buồn mất nước của người Chiêm Thành, nhớ đến Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Trần Quang Diệu, các anh em nhà Tây Sơn và cảm phục Trần Quang Diệu đã tha chết cho binh sĩ của Võ Tánh vì thế ông ta đã xin được cho mẹ già khỏi chết và chỉ bị chém thay vì bị voi giày như vợ và con gái trong lễ hiến phù dã man của Nguyễn Phúc Ánh.
(....)

ktk
(Cựu Học Sinh Pleiku)

Tình Sầu - Huyền Kiêu

Sơ Lược Tiểu Sử:

Nhà thơ Huyền Kiêu tên thật là Bùi Lão Kiều, nguyên quán tỉnh Hà Đông, ngụ ở Hà Nội nay là thành phố Hà Nội. Những năm 40, ông viết văn, làm thơ, cộng tác với các báo ở Hà Nội.
1976 ông vào sống ở Sài Gòn và mất ở đây vào ngày 8-1-1995, thọ 80 tuổi. 


Xuân hồng có chàng tới hỏi
- Em thơ, chị đẹp em đâu ?
- Chị tôi tóc xõa ngang đầu
Đi bắt bướm vàng ngoài nội

Hạ đỏ vẫn chàng tới hỏi
- Em thơ, chị đẹp em đâu ?
- Chị tôi hoa trắng cài đầu
Đi giặt tơ vàng bên suối

Thu biếc cũng chàng tới hỏi
- Em thơ, chị đẹp em đâu ?
- Chị tôi khăn trắng ngang đầu
Đi hát tình sầu trong núi

Đông xám lại chàng tới hỏi
- Em thơ, chị đẹp em đâu ?
- Chị tôi hoa phủ đầy đầu
Đã ngủ trong hầm mộ tối

Huyền Kiêu
(Suối Dâu sưu tầm)
Việt Dzũng Phổ Nhạc - Tiếng Hát Anh Dũng

Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

Việt Nam Sử Lược : Thượng Cổ Thời Đại Chương II "Nhà Thục"


1. Gốc-tích nhà Thục
2. Nước Âu-lạc
3. Nhà Tần đánh Bách-Việt
4. Nhà Thục mất nước
1. GỐC-TÍCH NHÀ THỤC. Nhà Thục chép trong sử nước ta không phải là nước Thục bên Tàu, vì rằng cứ theo sử nước Tàu thì đời bấy giờ đất Ba-thục 巴 蜀 (Tứ-xuyên) đã thuộc về nhà Tần 秦 cai-trị rồi, thì còn có vua nào nữa. Vả, sử lại chép rằng khi Thục-vương Phán 蜀 王 泮 lấy được nước Văn-lang thì đổi quốc hiệu là Âu-lạc 甌 駱, tức là nước Âu-lạc gồm cả nước Thục và nước Văn-lang. Song xét trong lịch-sử không thấy đâu nói đất Ba-thục thuộc về Âu-lạc. Huống chi lấy địa-lý mà xét thì từ đất Ba-thục (Tứ-xuyên) sang đến Văn-lang (Bắc-Việt) cách bao nhiêu đường đất và có bao nhiêu núi sông ngăn-trở, làm thế nào mà quân nhà Thục sang lấy nước Văn-Lang dễ-dàng như vậy? Sử cũ lại có chỗ chép rằng An-dương-vương họ là Thục 蜀 tên là Phán 泮. Như vậy chắc hẳn Thục tức là một họ nào độc-lập ở gần nước Văn-lang, chứ không phải là Thục bên Tàu. Sách « Khâm-định Việt-sử » cũng bàn như thế.
2. NƯỚC ÂU-LẠC. Sử chép rằng Thục-vương 蜀 王 hỏi con gái của Hùng-vương 雄 王 thứ 18, là Mị-nương 媚 娘 không được, trong bụng lấy làm tức giận, dặn con cháu ngày sau đánh báo-thù lấy nước Văn-lang. Hùng-vương bấy giờ cậy mình có binh cường tướng dũng, bỏ trễ việc nước, chỉ lấy rượu chè làm vui thú. Người cháu Thục-vương tên là Phán 泮 biết tình-thế ấy, mới đem quân sang đánh lấy nước Văn-lang. Hùng-vương thua chạy, nhảy xuống giếng mà tự-tử.
Năm giáp-thìn (275 tr. Tây-lịch), Thục-vương dẹp yên mọi nơi rồi, xưng là An-dương-vương 安 陽 王, cải quốc-hiệu là Âu-lạc 甌 駱, đóng đô ở Phong-khê 封 溪 (nay thuộc huyện Đông-anh, tỉnh Phúc-an). Hai năm sau là năm bính-ngọ (255 tr. Tây-lịch), An-dương-vương xây Loa-thành 螺 城. Thành ấy cao và từ ngoài vào thì xoáy trôn-ốc, cho nên mới gọi là Loa-thành. Hiện nay còn dấu-tích ở làng Cổ-loa, huyện Đông-anh, tỉnh Phúc-an.
3. NHÀ TẦN ĐÁNH BÁCH-VIỆT. Khi An-dương-vương làm vua nước Âu-lạc ở bên này, thì ở bên Tàu vua Thỉ-hoàng nhà Tần 秦 始 皇 đã nhất-thống thiên-hạ. Đến năm đinh-hợi (214 tr. Tây-lịch) Thỉ-hoàng sai tướng là Đồ Thư 屠 雎 đem quân đi đánh lấy đất Bách-Việt 百 越 (vào quãng tỉnh Hồ-nam, Quảng-đông và Quảng-tây bây giờ). An-dương-vương cũng xin thần-phục nhà Tần. Nhà Tần mới chia đất Bách-Việt và đất Âu-lạc ra làm ba quận, gọi là: Nam-hải 南 海 (Quảng-đông), Quế-lâm 桂 林 (Quảng-tây) và Tượng quận 象 郡 (Bắc-Việt).
Người bản-xứ ở đất Bách-Việt không chịu để người Tàu cai-trị, trốn vào rừng ở. Được ít lâu quân của Đồ Thư, vốn là người ở phương bắc, không chịu được thủy-thổ, phải bệnh rất nhiều. Bấy giờ người Bách-Việt thừa thế nổi lên giết được Đồ Thư.
4. NHÀ THỤC MẤT NƯỚC. Chẳng được bao lâu thì nhà Tần suy, nước Tàu có nhiều giặc-giã, ở quận Nam-hải có quan úy là Nhâm Ngao 壬 嚣 thấy có cơ-hội, muốn mưu đánh lấy Âu-lạc để lập một nước tự-chủ ở phương nam. Nhưng công-việc chưa thành, thì Nhâm Ngao mất. Khi sắp mất, Nhâm Ngao giao binh-quyền lại cho Triệu Đà 趙 佗 để thay mình làm quan úy 尉 quận Nam-hải.
Năm quí-tị (208 tr. Tây-lịch) là năm thứ 50 đời vua An dương-vương. Triệu Đà đem quân sang đánh lấy nước Âu-lạc, lập ra nước Nam-việt 南 越 [1].
Tục truyền rằng khi An dương-vương xây Loa-thành, có những yêu-quái quấy-nhiễu, xây mãi không được. An-dương-vương mới lập đàn lên cầu-khấn, có thần Kim-qui hiện lên bày phép cho vua trừ những yêu-quái đi, bấy giờ mới xây được thành. Thần Kim-qui lại cho An-dương-vương một cái móng chân, để làm cái lẫy-nỏ. Lúc nào có giặc thì đem cái nỏ ấy ra bắn một phát, giặc chết hàng vạn người.
Cũng nhờ có cái nỏ ấy cho nên Triệu Đà đánh không được An-dương-vương. Triệu Đà dùng kế, cho con là Trọng Thỉ 仲 始 sang lấy Mị Châu 媚 洙 là con gái An-dương-vương, giả kết nghĩa hòa thân để do thám tình thực.
Trọng Thỉ lấy được Mị Châu rồi, hỏi dò vợ rằng: « Bên Âu-lạc có tài gì mà không ai đánh được? » Mị Châu nói chuyện cái nỏ, và lấy cho chồng xem. Trọng Thỉ bèn lấy cái móng của Kim-qui đi, làm cái lẫy giả thay vào, rồi định về báo tin cho cha biết. Khi sắp ra về, Trọng Thỉ hỏi Mị Châu rằng: « Tôi về, mà nhỡ có giặc-giã đánh-đuổi, thì rồi tôi biết đâu mà tìm? » — Mị Châu nói rằng: « Thiếp có áo lông ngỗng, hễ khi thiếp có chạy về đâu, thiếp sẽ lấy lông ấy mà rắc ra ở dọc đường thì rồi sẽ biết ».
Trọng Thỉ về kể lại với Triệu Đà tình đầu mọi sự, Triệu Đà bèn khởi binh sang đánh Âu-lạc. An-dương-vương cậy có cái nỏ, không phòng-bị gì cả, đến khi quân giặc đến gần chân thành mới đem nỏ ra bắn, thì không thấy hiệu-nghiệm nữa. An-dương-vương mới đem Mị Châu lên ngựa mà chạy về phía nam. Chạy đến núi Mộ-dạ 墓 夜 山 (thuộc huyện Đông-thành, tỉnh Nghệ-an) gần bờ bể, vua thấy giặc đuổi kíp quá, mới khấn Kim-qui lên cứu, Kim-quy lên nói rằng: « Giặc ngồi sau lưng nhà vua đấy! » An-dương-vương tức giận quá, rút gươm ra chém Mị Châu đi, rồi nhảy xuống bể mà tự tận[2].
Trọng Thỉ theo dấu lông ngỗng của vợ rắc, đem binh đuổi đến núi Mộ-dạ, thấy xác vợ chết nằm đó, thương-xót vô cùng, vội-vàng đem về cấp-táng, xong rồi, nhảy xuống cái giếng ở trong Loa-thành mà tự-tử.
Nay ở làng Cổ-loa trước đền thờ An-dương-vương có cái giếng tục truyền là Trọng Thỉ chết ở giếng ấy. Tục lại truyền rằng Mị-Châu bị giết rồi, vì nỗi tình thực mà phải thác oan, cho nên máu nàng ấy chảy xuống bể, những con trai ăn phải hóa ra có ngọc trân-châu. Hễ ai lấy được ngọc ấy đem về rửa vào nước cái giếng ở trong Loa-thành là chỗ Trọng Thỉ đã tự-tử, thì ngọc ấy trong và đẹp thêm ra.
   



Chú thích cuối trang

  1. Xin đừng lầm nước Nam-việt ngày xưa với Nam-Việt của nước Việt-nam hiện nay.
  2. Nay ở trên núi Mộ-dạ, gần xã Cao-ái, huyện Đông-thành, tỉnh Nghệ-an, có đền thờ An-dương-vương. Ở đấy có nhiều cây-cối và có nhiều chim công, cho nên tục gọi là đền Công hay Cuông.
Hết Chương II

longhovinhlong.blogspot.com
 Huỳnh Hữu Đức sưu tầm