Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

Chợt Ngộ




Đã biết quay cuồng trong mộng thực
Được, thua cũng chỉ áng phù vân
Tình yêu chênh vênh bên bờ vực
Quanh quẫn tìm hoài mỏi bước chân

Mai về ta rũ sạch sầu đau
Lặng nghe gió hát khúc thanh nhàn
Mộng xưa tựa bức tranh vân cẩu
Nhẹ lòng áo lộng giữa thênh thang

Một thưở vần xoay củng cơm áo
Lăn tròn trầy xước nát con tim
Cuối cuốc hành trình ta chợt ngộ
Cát bụi phù du sao cứ tìm

Ừ nhỉ, buông tay là tỉnh mộng
Không còn vương víu nặng lòng thêm …

Trần Thị Dã Quỳ



Điệu Ru Buồn


Có những lúc ta ngồi nghe sóng vỗ
Nhịp lao xao từng đợt dội trong hồn,
Tiếp nối tiếp đưa nhau về vô tận,
Cơn đau nào ghi dấu một hoàng hôn?
Thuyền tách bến ta nghe lòng đoài đoạn,
Mắt dõi nhìn, lệ ứa đọng mi em.
Lần cuối đó có thể là vĩnh viễn!
Vượt nghìn trùng nào ai biết rủi may!!!
Em cố nén từng cơn đau vùng dậy,
Vì tương lai, vì sự nghiệp mai sau.
Cơn trốt xoáy trong hồn cuồn cuộn chảy,
Âm thanh nào dìu dặt điệu ly tao!

Từ dạo ấy ta một thân mòn mỏi,
Nơi xứ người cơ cực kiếp lưu vong.
Ta nào quên chí hồ thỉ tang bồng,
Vẫn mơ ước một ngày về cố quốc.

Em phương ấy vẫn một đời cơ cực,
Vẫn âm thầm, gạo từng bữa nuôi con...
Dù xác thân ngày tháng có mỏi mòn,
Em vẫn đợi một ngày vui đoàn tụ...
Mấy hôm nay trời bỗng dưng tuyết đổ
Cơn gió nào làm buốt giá tim ta...
Dù thời gian có vùn vụt trôi qua
Ta vẫn đợi, vẫn chờ ngày em đến!

Dodge City, Kansas – Đông 1989
Mặc Thái Thủy

Thơ Tranh: Nhớ thầy Xưa



Thơ: Cao Linh Tử
Thơ Tranh: Kim Oanh


Trà



      Người Việt có thói quen gọi trà là trà Tàu, dầu nay trà đều trồng tại xứ mình rất ngon, dư uống và còn xuất khẩu nữa.
      Ở Bắc thì có trà Bắc Thái, Trung có trà Mai Hạc, Nam có trà Blao (Bảo Lộc) nổi tiếng là ngon.
     Uống trà là thú ăn chơi tao nhã như cái thú hút thuốc lào, chơi cây kiểng mà đa phần dành cho đấng nam nhi!
- Làm trai biết đánh tổ tổ tôm
Uống trà liên-tửu ngâm Nôm Thúy Kiều
- Uống nước trà Tàu
      Ngồi ghế trường kỷ
      Trà có nguồn gốc bên Tàu theo ông Phạm Đình Hổ (1768-1840) trong “Vũ Trung Tùy Bút” thì vào thế kỷ 18 trà Tàu rất quí chỉ có những người thế tộc mới uống trà Tàu. Vì vậy cho nên người uống trà tới nay vẫn giữ phong cách tao nhã như kiểu thế tộc quý phái ngày xưa. Thế mới có câu:
-Trà Tiên rượu Thánh
- Trà lầu, tửu quán
      Trà từ bên Tàu qua bên ta, từ Bắc vào Trung đến miệt vườn Lục Tỉnh đã có nhiều biến đổi trong cung cách uống, cách pha chế.
      Nước trà ai cũng biết là nước pha với trà.
      Nhưng nước pha trà phải nấu sôi mới cho ta đầy đủ cái hương vị của trà.
      Nước thì phải là nước mưa, chớ nước sông, nước giếng có tạp chất, có phèn ... sẽ làm mất mùi trà. Hồi xưa ông bà mình ở miệt vườn, nấu nước pha trà bằng cài siêu, làm bằng đất nung. Cái siêu còn dùng để sắc thuốc Bắc, thuốc Nam rất gần gũi với các bà, các cô.
      Nước nấu bằng siêu, trước khi sôi có phát ra tiếng kêu gọi là “kêu siêu” như báo trước là nước sắp sôi. Thuở xưa, dùng rơm, củi để nấu bếp, nên có rất nhiều khói. Nấu nước pha trà phải biết ý chớ không nước bị “hôi khói”.
Trà vào Việt Nam tạo ra phong cách uống trà Việt khác người Tàu mà có người gọi là “trà đạo Việt”. Cái đạo trà Việt thể hiện qua cách pha trà, rót trà, dụng cụ uống trà đến khung cảnh uống trà...

     Thật là lắm chuyện quá!
     Theo sách vở nói rằng Chúa Trịnh Sâm là sư tổ trong nghệ thuật uống trà, sau này khi nhà Nguyễn đóng đô ở Huế tạo ra hệ phái uống trà riêng cho đất Thần Kinh.
      Xưa, dụng cụ uống trà, quí hiếm, đều sản xuất bên Tàu, nhưng nên nhớ là các kiểu dáng đó không có lưu dùng ở xứ Tàu.

      Dụng cụ uống trà của ta xinh đẹp, nhỏ nhắn do các sứ thần của mình đi sứ sang Tàu đặt các nghệ nhân bên đó làm. Rồi sau này, các nhà buôn Tàu bắt chước sản xuất ra, đem qua nước ta bán, mà dân gian quen gọi đó là “đồ sứ” ( đồ do sứ thần mang về).
      Các bộ tách pha trà, bộ ly, nhạo uống rượu của ta sau này sản xuất ở trong nước cũng lấy từ kiểu dáng ngày xưa do các sứ giả của ta mang về.
      Uống trà một mình gọi là độc ẩm, có hai người thì dùng bình 2 chén gọi là đối ẩm, nhiều nữa thì dùng bộ trà nhiều chén gọi là quần ẩm.

      Trước khi pha trà phải dùng nước sôi trán bình và chén cho nóng.
      Lấy mấy ngón tay, bóc một nhúm trà mà số lượng vừa phải, theo thói quen và theo nhu cầu cần cho bao nhiêu khách. Bỏ nhúm trà vào lồng bàn tay kia, săm soi nhìn các cánh trà; đoạn cho vào bình và châm nước sôi vào. Nhớ chắt bỏ nước ngay mà trong nghề gọi là rửa trà.
      Trà đã rửa, bình đã ấm, sẵn sàng để pha trà, khách và chủ ngồi trò chuyện chờ cho nước “ra trà”.
Trà rót ra tách, phải chia đều theo vòng kim đồng rồi ngược lại, hết hai vòng là vừa hết nước nhất, để sao cho tách trà nào cũng có cùng một độ đậm như nhau.
      Nếu xài chén tống (chén lớn) thì rót ra chén tống rồi mới chia ra chén quân (chén nhỏ)
Bên chén trà, chủ khách có bao nhiêu điều để nói, để kể nhau nghe, thật vô cùng tâm đắc và ý nhị làm sao.

     Cái cung cách uống trà nay không quá phức tạp như người xưa, nhưng vẫn còn giữ được cái gì tinh tế, tao nhã, mang nét văn hóa riêng của người mình.
      Uống trà lâu ngày phải ghiền, bởi lẽ cái hương vị trà rất độc đáo: Chát, đắng, ngọt, dịu dàng, ghiền lúc nào mà ta không biết.
      Trà cho ta vị đắng, hơi chát, nuốt vào để lại một chút vị ngọt nơi cổ họng. Đắng –chát –ngọt sẽ tan mau, nên người uống trà phải uống tiếp chén thứ hai rồi chén thứ ba mới hưởng hết được cái dư vị ngon của trà.
      Pha trà đến ba lần là đã lấy hết hương vị trà rồi. Do đó người xưa rót trà mời khách hoặc rót để cúng chỉ rót 3 lần mà thôi, gọi là “trà tam-rượu tứ”.
      Sau này trà còn được ướp bông ngâu, bông sứ, bông sói và ngon nhứt là trà ướp bông sen. Có mấy loại trà ướp mà người Việt mình ưa chuộng tới nay là trà Long Tỉnh, trà Thiết Quan Am, trà Chính Thái.

      Trà nhìn chung có 3 loại tùy theo cách chế biến mà ra:
      Trà Xanh là trà đã ép bỏ chất tinh dầu rồi đem sấy khô như trà Long Tỉnh; còn trà Ô Long là loại cho ủ lên men bán phần có mùi thơm như loại Thiết Quan Âm; riêng trà Đen (Hồng Trà) là loại chế cho lên men toàn phần, nước màu đỏ, người Âu Mỹ rất ưa thích. 

      Riêng ở miệt vườn, ngoài lối uống trà cầu kỳ sang trọng như ở Bắc, ở Trung còn có một mãn uống trà dân dã, bình dân.
      Cái bình uống trà ở miệt vườn xưa rất bự, chứa hơn một lít nước, có tráng men và vẽ hoa văn, hình bát tiên. Cho vào bình nguyên một gói trà, châm hết một siêu nước thì vừa đầy cái bình. Bình này người ta gọi là cái “bình tích” trà. Độc đáo hơn nữa là bình tích trà được đặt vào trọn trong cái vỏ dừa khô, để giữ nóng lâu.
      Khởi đầu cái vỏ trà bằng trấu rồi biến thành cái vỏ bằng trái dừa, mới thấy hết cái cách sáng tạo của người miệt quê.




      Các ông bà già xưa còn có thói quen uống trà bằng chén kiểu, vừa húp vừa uống rất điệu nghệ. Trà nguội thì quí cụ lại đổ hết ra cái tô kiểu lớn cả nước lẫn xác trà để giải khát suốt ngày.
Ở quê có thói quen uống trà vào buổi sáng sớm, như nay ta uống cà phê sáng vậy. Uống xong bình trà thì mặt trời vừa ló dạng bắt đầu đi ruộng.
      Uống trà đối với người miệt quê ngoài là thú vui, còn làm dễ tiêu hóa, điều hòa khí huyết, có ích cho sức khỏe nữa.
      Nhiều người còn rang đậu, gạo, hột keo để nấu nước uống thay trà, vừa thơm vừa bổ dưỡng, mát gan nhứt là vào mùa hè. Cái tục lệ uống nước gạo rang, đậu rang tới nay vẫn còn vì bà con cho rằng uống nước đậu, gạo rang “tốt lắm” nên khuyên con, khuyên cháu không nên bỏ.
 

      Còn một kiểu uống trà độc đáo nữa.
      Đó là kiểu uống trà với cá khô.
     Nhiều người nghe phải “giựt mình” vì khô làm sao uống trà cho được. Trà phải uống với bánh ngọt, kẹo đậu phộng hoặc tệ lắm phải với đường tán, đường thẻ chớ!
      Này nhé!
      Về Tân An, vô trong sâu miệt Đồng Tháp, bạn sẽ được mời uống trà với khô.
     Vừa đặt chân vô nhà, chủ kéo bạn ngồi xuống bộ ghế trường kỷ, bảo mấy xấp nhỏ nấu trà, đãi khách phương xa. Kèm theo bình tích trà tổ bố bự là dĩa khô cá bống trứng ngào đường.
Con cá bống trứng nhỏ bằng đầu mút đủa, vàng óng và lóng lánh phơi cái bụng đầy trứng thấy mà thèm.
      Nhai con khô vừa mặn, vừa ngọt, vừa béo, dòn dòn nuốt xong, ngụm một tách nước trà ngon mới hiểu thế nào là uống trà với khô. Lúc đầu còn hơi ngán, làm vài con nữa bạn sẽ thấy ngon và bắt đầu “biết đã”, biết thích.
      Ngồi trong căn nhà ngói ba căn, hai chái, nền đất nghe mát rượi giữa trưa hè, bạn sẽ nghe gia chủ kể chuyện lai lịch cái kiểu uống trà kỳ cục của miệt này.


      Hồi đó – gia chủ say sưa kể - nhà có tiền nhưng ở tận Đồng Tháp này đâu có quán xá, chợ búa gì đâu, nên uống trà thường cầm tay bằng đường tán.
     Gặp khi hết đường phải uống “khan khan”, đâm ra buồn nên kiếm “đồ cầm tay” cho vui. Sẵn nhà có khô lấy nhai bậy cho đỡ buồn, rồi thành quen thấy ngon và ghiền tới nay là vậy đó.
      Nay dầu bánh trái không thiếu, chợ búa sát nhà mà nhiều người còn có thói quen uống trà với khô tạp, cá sặc, cá lóc.


      Từ cái bình tích trà, cái vỏ dừa, đến cách uống nước trà bằng con khô là những cái nét đẹp xưa của người dân miệt vườn.
     Trà là thức uống dùng để cúng của người mình. Có những lễ cúng không cần rượu, nhưng trà không thể thiếu. Ngày Tết, ngày giỗ ngoài cúng cơm hai buổi sáng chiều thì trà được dâng cúng vào buổi tối.
      Từ khi trà có mặt như là thức uống của ta, trà không phân biệt sang hèn, làm tri kỷ từ vua chúa đến thứ dân.
       Trà cũng hãnh diện có mặt trong bàn tròn, bàn vuông cùng anh hùng hào kiệt bàn chuyện nước, chuyện non.

      Trà ơi, còn nước là vinh hạnh,
      Cháy lưỡi, khô môi, thêm những ai.

Nam Sơn Trần Văn Chi  

Thu Buồn




Trời đã vào Thu em có hay ?
Nắng vàng se sắt cuối tầng mây.
Lẻ loi một cánh chim phiêu lãng.
Gậm nhấm nỗi đau, nhạn lạc bầy.

Là vàng chưa đan trên lối xưa.
Mà hồn nhung nhớ nói sao vừa.
Mùa Thu năm ấy, mình chung bóng.
Thu này, ta hiu hắt dưới mưa.

Ừ thôi em nhé! Thế cũng xong..
Vương vấn làm chi chỉ bận lòng.
Biết bao ân ái, bao hò hẹn.
Tất cả đã chìm vào hư không.

Hãy để thời gian phủ bụi mờ,
Trên giòng ký ức, những vần thơ.
Mai này chợt nhớ về dĩ vãng.
Bàng hoàng như tỉnh một giấc mơ.

Dương Thượng Trúc.

Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

Vô Đề Kỳ Nhị - Lý Thương Ẩn (813 - 858)


      Tôi hiện đang đọc lại các bài thơ của Lý Thương Ẩn đời Vãn Đường và coi lại các bản mà tôi đã chuyến dịch trước đây. Cứ mỗi lần đọc lại, lại muốn ngồi chuyển dịch lại sao cho được vừa ý, mặc dù đã biết là một điều không thể. Nhưng dù sao âu cũng là tốt thôi cho tuổi già và cũng tiện dịp gọi là bày tỏ chút tình tôi quí mến đối với chữ nghĩa và với mọi người thân quí. Xa cách, nhớ nhau, dường như lúc này, nhà-giáo-tôi đang cần, rất cần cái cảm giác luôn được sống yên lành trong vòng thương yêu  của mọi người. Thế thôi. Và, thật tình cũng chỉ mong ước có bấy nhiêu thôi. 
PKT03/08/2014

Vô Đề (Kỳ Nhị) - Lý Thương Ẩn (813 - 858)

Tương kiến thời nan biệt diệc nan
Đông phong vô lực bách hoa tàn
Xuân tàm đáo tử ti phương tận
Lạp chúc thành hôi lệ thủy can
Hiểu kính đản sầu vân mấn cải
Dạ ngâm ưng giác nguyệt quang hàn
Bồng Lai thử khứ vô đa lộ
Thanh điểu ân cần vị thám khan

Dịch Xuôi : Vô Đề 

Gặp được nhau đã là khó khăn mà lúc phải xa cách nhau cũng khó khăn lắm
Gió xuân bất lực , không giữ được trăm hoa khỏi tàn úa
Con tằm xuân cho đến khi chết mới thôi nhả tơ
Ngọn nến cháy thành tro rồi, giọt lệ nến cuối cùng mới khô, (mới thôi đổ lệ)
Buổi sáng soi gương chỉ thêm buồn râu tóc đã đổi màu,(đã bạc)
Ban đêm ngâm thơ lại càng cảm thấy thấm ánh trăng lạnh 
Từ đây đến Bồng Lai chắc không có nhiều lối đến
Xin cậy chim xanh hãy vì nhau mà tìm lối dùm cho

Chú Thích:

(1) Bài này  là 1 trong số các bài thơ có tựa đề là Vô Đề của Lý Thương Ẩn.
(2) Bồng Lai là tên một hòn đảo tiên, ở ngoài biển Bột Hải (?).
(3) Thanh điểu = chim xanh. Ý nói về con chim xanh , dẫn lối đưa đường , cho bà Tây Vương Mẫu đến thăm vua Hán Vũ Đế ,trong sách Hán Vũ Cố Sự. Trong Truyện Kiều của Cụ Nguyễn Du cũng có câu :"Thâm nghiêm kín cổng cao tường/ Cạn dòng lá thắm dứt đường chim xanh ".
(4) Cùng một ý với câu thứ 3 trong nguyên tác "Xuân tàm đáo tử ti phương tận", trong Truyện Kiều của Cụ Nguyễn Du có câu: "Dẫu rằng sông cạn đá mòn/ Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ" và câu "Tiếc thay chút nghĩa cũ càng/ Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng".

Vô Đề 

Tan hợp, hợp tan, lắm đoạn trường
Đang xuân, hoa rụng, những tang thương
Thân tằm đến thác, tơ còn vướng
Ngọn nến hồ tàn, lệ vẫn tuôn
Gương sáng thêm buồn râu tóc bạc
Thơ khuya thấm lạnh bóng trăng suông
Bồng Lai bao lối, chim xanh nhỉ
Xin hãy vì nhau đến dẫn đường
                        Phạm Khắc Trí

***
               Không Đề

Mới hợp rồi tan thật não lòng

Gió xuân khôn giữ cánh hoa rung
Thân tằm sắp thác còn buông sợi
Lệ nến gần khô vẫn nhỏ dòng
Sáng đến, buồn phiền nhìn tóc bạc
Đêm về, thờ thẫn ngắm trăng trong
Đường lên tiên cảnh mông lung quá
Xin cậy chim xanh dẫn lối cùng.
                                  Phương Hà 

***

          無題                                 VÔ ĐỀ

  相見時難別亦難     Tương kiến thời nan biệt diệc nan,
  東風無力百花殘     Đông phong vô lực bách hoa tàn.
  春蠶到死絲方盡     Xuân tầm đáo tử ty phương tận,
  蠟炬成灰淚始乾     Lạp cự thành hôi lệ thủy can.
  曉鏡但愁雲鬢改     Hiểu kính đản sầu vân mấn cải,
  夜吟應覺月光寒     Dạ ngâm ưng giác nguyệt quang hàn.
  蓬萊此去無多路     Bồng lai thử khứ vô đa lộ,
  青鳥殷勤為探看     Thanh điểu ân cần vị thám khan.
                李商隱                          Lý Thương Ẩn.


Dịch nghĩa:
   Khi gặp được nhau đã khó rồi, chia tay nhau lại càng khó hơn.
  Gió xuân bất lực không đủ sức, để trăm hoa phải tàn héo.
  Con tằm xuân đến chết mới nhả hết tơ lòng.
  Ngọn nến tàn thành tro mới khô hết những giọt lệ nến.
  Sáng sớm soi gương, mới buồn là tóc mai đã đổi trắng như mây.
  Ban đêm ngâm nga mới chợt thấy ánh trăng sao mà lạnh lẽo.
  Từ đây không có nhiều lối để đến được Bồng Lai. Nên...
  mới ân cần nhờ chim xanh dọ hỏi dùm đường đi nước bước.
                   Vô Đề
Khó gặp được nhau khó cách xa,
Gió xuân bất lực héo ngàn hoa. 
Tầm kia đến thác tơ còn vướng,
Nến nọ tàn canh lệ chửa nhòa.
Trước kính sầu sao làn tóc trắng,
Thâu đêm ngâm mãi ánh trăng lòa.
Bồng Lai chẳng phải đường La Mã,
Nhờ cánh chim xanh dọ lối qua.
                          Đỗ Chiêu Đức.

***

Thơ Không Lời Tựa

Cảnh hợp rồi tan thật nảo nùng
Gió Đông bất lực ngó hoa rung
Tằm Xuân khi chết còn vươn nhả
Nến lệ gần khô chảy cuối giòng
Sáng đến,v nhìn gương buồn tóc bạc
Đêm về, thơ vịnh nguyệt mông lung 
Bồng lai, đường đến qua nhiều ngõ
Nhờ cậy chim xanh dẩn dắt cùng
                                Song Quang


Một Mùa Đông - Lưu Trọng Lư


Đôi mắt em lặng buồn
Nhìn thôi mà chẳng nói
Tình đôi ta vời vợi
Có nói cũng không cùng.

Yêu hết một mùa đông
Không một lần đã nói
Nhìn nhau buồn vời vợi
Có nói cũng không cùng.

Giời hết một mùa đông
Gió bên thềm thổi mãi;
Qua rồi muà ân ái:
Đàn sếu đã sang sông.

Em ngồi trong song cửa
Anh đứng dựa tường hoa
Nhìn nhau và lệ ứa
Một ngày một cách xa .

Đây là giải Ngân hà
Anh là chim Ô thước
Sẽ bắc cầu nguyện ước
Một đêm một lần qua .

Để mặc anh đau khổ
Ái ân, giờ tận số
Khép chặt đôi cánh song !
Khép cả một tấm lòng.

II

Em là gái trong song cửa
Anh là mây bốn phương trời
Anh theo cánh gió chơi vơi .
Em vẫn nằm trong nhung lụa.

Em chỉ là người em gái thôi
Người em sầu mộng cuả muôn đời
Tình em như tuyết giăng đầu núi
Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời .

Ai bảo em là giai nhân
Cho đời anh đau khổ ?
Ai bảo em ngồi bên cửa sổ
Cho vương víu nợ thi nhân ?

Ai bảo em là giai nhân
Cho lệ tràn đêm xuân ?
Cho tình tràn trước ngõ,
Cho mộng tràn gối chăn ?

III

Ngày một ngày hai cách biệt nhau
Chẳng được cùng em kê gối sầu,
Khóc chuyện thế gian cười ngặt nghẽo,
Cùng cười những chuyện thế gian đau .

Ngày hôm tiễn biệt buồn say đắm
Em vẫn đuà nô uống rượu say
Em có biết đâu đời vắng lạnh
Lạnh buồn như ngọn gió heo may

Môi em đượm sặc mùi nho tươi
Đôi má hồng em chúm nụ cười
Đôi mắt em say mầu sáng lạn,
Trán em để lỏng làn tóc lơi .

Tuy môi em uống lòng anh say
Lời em càng nói, càng chua cay
Anh muốn van em đừng nói nữa
Lệ buồn sẽ nhỏ trong đêm nay .

IV

Hãy xếp lại muôn vàn ân aí
Đừng trách nhau đừng aí ngại nhau
Thuyền yêu không ghé bến sầu
Như đêm thiếu phụ bên lầu không trăng.

Hãy như chiếc sao băng băng mãi
Để lòng buồn, buồn mãi không thôi .

Lưu Trọng Lư

(Vĩnh Trinh sưu tầm)

Mưa Về Phố Nhỏ










Biện Công Danh


Thăm Lại Trường Làng Cái Cui *


Kia kìa mái ngói, tường vôi
Ngôi trường tiểu học làng tôi thưở nào
Ba gian, sáu lớp mời chào
Từng em trò nhỏ nôn nao đến trường.

Hừng đông nắng tỏa soi đường
Ven đê lúa trổ rực hương cánh đồng
Xuồng ghe rượt lướt trên sông
Gọi nhau ơi ới...ngược dòng cố bơi.

Nhanh chân đến lớp bạn ơi!
Qua hàng bả đậu là nơi cổng trường
Thầy cô chờ đợi thật thương
Vào hàng xếp chỗ, trống thường mới ngân.

Tùng tùng...trống giục xa gần
Học hành chăm chỉ nhờ thân sau này
Năm năm tình nghĩa bạn, thầy
Bao nhiêu kỷ niệm đọng đầy trong tim.

Hôm qua như một cánh chim
Bay về chốn cũ đi tìm tổ xưa
Nhìn quanh mất cảnh thường ưa
Đền Thần nhường chổ cho vừa đường xe.

Ngày nào cầu mát đầy ghe
Thay vào bến cảng hăm he dời trường **
Dòng sông vắng vẻ buồn vương
Không còn nghe tiếng trò thương bơi, chèo.

Sân trường thu nhỏ hẹp teo
Nông thôn đổi mới dân nghèo càng đông
Luật qui hoạch thật bất công
Trường, đình, chùa, miếu, ruộng đồng...hổng yên.

Nông dân hết thú điền viên
Thầy cô già...đã về miền đất Tiên
Bạn bè thất nghiệp triền miên
Về thăm trường cũ lòng riêng thêm sầu...

Phượng Trắng

* Trường làng Cái Cui hay Trường Tiểu Học Xã Đông Phú nằm cạnh bên bờ sông Hậu (Nhắc bạn nhé!Theo tàu từ Cần Thơ, qua xóm Chài, xuống Cái Sâu, đến Bến Bạ rồi Cái Cui...,và ra cửa biển) là nơi đã cho tôi những hiểu biết đầu đời để thi đậu Đệ thất vào Trường Trung Học Đoàn Thị Điểm năm 1972).

** Một lần về thăm quê, tôi được biết ngôi trường thân yêu này nằm trong khu quy hoạch xây dựng bến cảng lớn nhất miền Nam của tập đoàn Vinashin. Thật là đau lòng khi làng sắp mất đi di sản văn hóa lâu đời.


Thơ Tranh: Thúy Cúc Ngày Xưa


Thơ: Ngọc Hải
Thơ Tranh: Kim Oanh


Trường Xưa

       (Từ Thăm Lại Trường Làng Cái Cui của Phượng Trắng)

 (Trường làng Thường Thạnh Cái Răng 1949)

Trường làng đập bỏ lâu rồi
Kể từ sóng gió trùng khơi thổi về
Bây giờ hoang vắng bốn bề
Nhớ cô bạn gái tóc thề ngang vai.
Thời gian bào gọt đời trai
Xông pha chiến trận ai hoài dấu yêu
Hành quân tắt nắng những chiều
Tâm tư tha thiết hẩm hiu chiến trường.
Cám ơn em - nhắc mái trường
Tuổi thơ trổi dậy buồn thương ngập lòng
Ước gì trường cũ bên sông
Vẫn còn đứng dưới hàng còng trước sân.
Bạn bè xà lỏn –  về đâu?
Áo sờn vai rách mòn bâu cũ sì
Chiến tranh Pháp thuộc dài đi
Xếp bút nghiên trấn biên thùy xa xăm.
Bây giờ - hết đứng lại nằm
Bạn bè trôi nổi biệt tăm nghìn trùng
Nhưng sao vẫn nhớ mái trường
Hong hoài kỷ niệm mù sương... cuộc đời.
Dương Hồng Thủy

Tiếc Nuối...




(Cảm tác từ Tình Thơ của Biện Công Danh)

Người đi chiều nhạt nắng
Hiu hắt buổi tan trường
Lối mòn vắng người thương
Mưa mất dấu tên đường

Người như là cánh bướm
Hoa phượng chớm mơ say
Hẹn hò mùa ân ái
Vô tình vút cánh bay

Thời gian mái tóc phai
Thương một thời thơ dại
Tình xưa thôi đã hết
Tương tư ... nuối tiếc hoài

Kim Oanh

4/4/14
* Hình phụ bản Trường Tống Phước Hiệp - Vũ Bình

Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014

Kỷ Niệm - Vũ Hữu Định

Tiểu Sử Văn Học Vũ Hữu Định


Tên thật : Lê Quang Trung.
Sinh năm 1942, tại Thừa Thiên Huế.
Mất năm 1981, tại Đà Nẵng.
Bút hiệu cũ : Hàn Giang Lệ
Thơ đăng trên các Tạp chí trước 1975: Văn – Thời Tập- Bách Khoa…
Tác phẩm đã in :
- Còn một chút gì để nhớ.(Thơ , NXB Trẻ, 1996)
- Tình ca người lỡ vận (Thơ, Thư Ấn Quán, 2006)
Bản thảo còn lại :
- Năm Năm (Thơ, theo lời Đynh Trầm Ca)
- Yêu Như Tình Đầu(Thơ, theo lời Hoàng Lộc)
Văn nghệ sĩ nhìn về tác giả Vũ Hữu Định
VŨ HỮU ĐỊNH, người lang thang với thơ trên đôi dép cỏ.


Con đường đất có màu xanh bữa nọ
Cây bên đường màu lá lục hôm kia
Con chim bỏ đi có bận quay về
Cất tiếng hát chào niềm vui của gió

Anh ra đứng sau hè nghe để ngó
Không thấy chim mà nghe tiếng kinh chiều
Vui trong lòng anh đã bước chân theo
Em có nói là em không trở lại

Hôm em nói em đi buồn biết mấy
Anh có nghe bên đường tiếng chim kêu
Con chim chi buồn chết cả buổi chiều
Từ bữa đó anh nhớ đường ra ngõ

Con đường đất bàn chân từ lúc nhỏ
Một ngày vô ra bốn bận đi về
Cây bên đường.cỏ bụi hàng tre
Quen đến nỗi không nhớ gì tha thiết

Hôm em đi anh bắt đầu thấm mệt
Thấy trường xa con đường ngại đi về
Mắt anh nhìn lên đọt ngọn tre
Dõi mấy bụi cây tìm con chim nhỏ

Con chim nhỏ có nằm trong vạt cỏ
Bữa hôm nay anh mới thấy cỏ vàng
Con chim đời nào lại sống trong hang
Anh vô cớ soi tìm trong đụn đất

Tuổi mười một anh biết mình đã mất
Một cái chi không nên ảnh thành hình
Cho tới bây giờ hết tuổi học sinh
Râu đủ bộ vẫn còn ngơ ngẩn mãi

Con chim nhỏ có bao giờ trở lại
Em năm nay không biết mấy con rồi
Con chim lạ lùng năm nọ của tôi ơi
Hóa mấy kiếp mà sao tôi vẫn vậy.

Vũ Hữu Định
(Suối Dâu sưu tầm)

Hạnh Phúc Lang Thang - Anh Bằng

      Ngày xưa em đẹp diu dàng kiêu sa trong trắng,bây giờ dáng xưa ấy đã xa rồi, con đường xưa quen gót chân em cũng đã quên dấu cũ,chỉ còn lại trong anh bóng hình em qua những giấc mơ và trong anh vẫn luôn mong chờ có em. . . về. . .


Sáng Tác: Anh Bằng
Tiếng Hát: Lệ Thu

Mây Mù


San Franc sương phủ mịt mù.
Trời se se lạnh, phả mù mắt trông.
Có người em gái tôi mong.
Sắc hương, răng khểnh, hỏi lòng như xưa.
Mây mù nhớ đến bóng xưa.
Đưa nhau vào mộng, thuở chưa có chồng.
Mây trôi vào giấc mơ nồng.
Cho anh trao vội nụ hồng đến em.

Về Chiều

Ráng Thử



    
 (Từ bức Thơ tranh Thơ Không Lời Tựa của Song Quang)

Muốn họa mà gay tử vận Nùng
Mỉm cười cố thử chuyện gì rung
Danh thày Bảy bước xong mười cú
Con cóc ba hôm được nửa giòng
May mắn ai khen về nhậu rượu
Rủi ro bạn ghẹo trốn vào lung
Bài thơ không tựa lâm li quá
Uổng nếu mà không đuổi tới cùng.

Cao Linh Tử
8/4/2014

Hoài Nhớ


Người xưa đó ta còn đây
Hàng điệp nghiêng bóng đã gầy trơ xương
Nhánh tương tư nọ còn vương
Đời chia đôi ngã có thương cũng hoài

Người thôn Đông kẻ thôn Đoài
Nhớ nhung bao nỗi đọa đày con tim
Thôi đành vỗ giấc im lìm
Trăm năm ta hãy đi tìm trong mơ

Nhớ tuổi non dại vụng khờ
Đàng xa bẻn lẻn đứng chờ ai hay
Buồn ơi sao đến chiều nay
Trong tim giọt máu rỉ hoài chưa ngưng

Kim Phượng (HN)

Thơ Tranh: Vọng Tiếng Thu


Thơ: Trần Thị Dã Quỳ
Thơ Tranh: Kim Oanh

Việt Nam Sử Lược : Thượng Cổ Thời Đại Chương 1 " Họ Hồng Bàng "



Việt Nam Sử Lược Quyển 1


NƯỚC VIỆT NAM
1. Quốc-hiệu
2. Vị-trí và diện-tích
3. Địa-thế
4. Chủng loại
5. Gốc-tích
6. Người Việt-nam
7. Sự mở-mang bờ-cõi
8. Lịch-sử Việt-nam
1. QUỐC-HIỆU. Nước Việt-nam 越 南 ta về đời Hồng bàng (2897-258 tr. Tây-lịch) gọi là Văn-lang 文 郎, đời Thục An-dương-vương (257-207 tr. Tây-lịch?) thì gọi là Âu-lạc 甌 駱. Đến nhà Tần 秦 (246-206 tr. Tây-lịch?) lược định phía nam thì đặt làm Tượng-quận 象 郡, sau nhà Hán (202 tr. Tây-lịch 220 sau Tây-lịch) dứt nhà Triệu, chia đất Tượng-quận ra làm ba quận là Giao-chỉ 交 趾, Cửu-chân 九 真và Nhật-nam 日 南. Đến cuối đời nhà Đông-Hán, vua Hiến-đế đổi Giao-chỉ 交 趾 làm Giao-châu 交 州. Nhà Đường (618-907) lại đặt là An-nam Đô-hộ-phủ 安 南 都 護 府.
Từ khi nhà Đinh (968-980) dẹp xong loạn Thập-nhị Sứ-quân, lập nên một nước tự-chủ, đổi quốc-hiệu là Đại-cồ-việt 大 瞿 越. Vua Lý Thánh-tông đổi là Đại-Việt 大 越, đến đời vua Anh-tông, nhà Tống bên Tàu mới công-nhận là An-nam quốc 安 南 國.
Đến đời vua Gia-long, thống-nhất được cả Nam Bắc (1802), lấy lẽ rằng Nam là An-nam, Việt là Việt-thường  mới đặt quốc-hiệu là Việt-nam 越 南. Vua Minh-mệnh lại cải làm Đại-nam 大 南.
Quốc-hiệu nước ta thay-đổi đã nhiều lần, tuy rằng ngày nay ta vẫn theo thói quen dùng hai chữ An-nam 安 南, nhưng vì hai chữ ấy có ngụ ý phải thần-phục nước Tàu, vậy thì ta nên nhất định lấy tên Việt-nam 越 南 mà gọi nước nhà.
2. VỊ-TRÍ VÀ DIỆN TÍCH. Nước Việt-nam ở về phía đông-nam châu Á-tế-á, hẹp bề ngang, dài bề dọc, hình cong như chữ S, trên phía Bắc và dưới phía Nam phình rộng ra, khúc giữa miền Trung thì eo hẹp lại.
Đông và Nam giáp bể Trung-quốc (tức là bể Nam-hải); Tây giáp Ai-lao và Cao-miên; Bắc giáp nước Tàu, liền với tỉnh Quảng-đông, Quảng-tây và Vân-nam.
Diện-tích cả nước rộng chừng độ 312.000 ki-lô-mét vuông chia ra như sau này:
Bắc Việt  : 105.000 km2
Trung Việt : 150.000 km2
Nam Việt  : 57.000 km2
3. ĐỊA-THẾ. Nước ta hiện chia ra làm ba cõi: Bắc-Việt, Trung-Việt và Nam-Việt. Đất Bắc-Việt có sông Hồng-hà (tức là sông Nhị-hà) và sông Thái-bình. Mạn trên gọi là Thượng-du lắm rừng nhiều núi, ít người ở. Mạn dưới gọi là Trung-châu, đất đồng bằng, người ở chen-chúc đông lắm.
Đất Trung-Việt thì chỉ có một giải ở men bờ bể, còn ở trong có núi Tràng-sơn chạy dọc từ Bắc-Việt vào gần đến Nam-Việt, cho nên người chỉ ở được mạn gần bể mà thôi.
Đất Nam-Việt thì ở vào khúc dưới sông Mê-kông (tức là sông Cửu-long), lại có sông Đồng-nai chảy ở mé trên, cho nên đất tốt, ruộng nhiều, dân-gian trù-phú và dễ làm ăn hơn cả.
4. CHỦNG-LOẠI. Người Việt-nam có nhiều dân-tộc ở, như là ở về miền thượng-du Bắc-Việt thì có dân Thái, (tức là Thổ), Mường, Mán, Mèo; ở về miền rừng núi Trung-Việt thì có dân Mọi, và Chàm, (tức là Hời), ở về miền Nam-Việt thì có dân Mọi, Chàm, Chà-và và Khách, vân vân. Những dân ấy ở trong ba nơi tất cả đến non một triệu người. Còn thì dân-tộc Việt-nam ở hết cả.
Số người Việt-nam ở trong ba nơi có thể chia ra như sau này:
Bắc-Việt  : 8.700.000 người
Trung-Việt : 5.650.000 người
Nam-Việt  : 4.616.000 người
Cả thảy cọng lại được độ chừng non 19 triệu người[1].
5. GỐC-TÍCH. Theo ý-kiến của những nhà kê-cứu của nước Pháp, thì người Việt-nam và người Thái đều ở miền núi Tây-tạng xuống. Người Việt-nam theo sông Hồng-hà lần xuống phía đông-nam, lập ra nước Việt-nam ta bây giờ; còn người Thái thì theo sông Mê-kông xuống, lập ra nước Tiêm-la (tức là Thái-lan) và các nước Lào.
Lại có nhiều người Tàu và người Việt-nam nói rằng nguyên khi xưa đất nước Tàu có giống Tam-miêu 三 苗 ở, sau giống Hán-tộc (tức là người Tàu bây giờ) ở phía tây-bắc đến đánh đuổi người Tam-miêu đi, chiếm giữ lấy vùng sông Hoàng-hà lập ra nước Tàu, rồi dần dần xuống phía nam, người Tam-miêu phải lẩn núp vào rừng hay là xuống ở miền Việt-nam ta bây giờ.
Những ý-kiến ấy là theo lý mà suy ra đó thôi, chứ cũng chưa có cái gì làm chứng cho đích-xác. Chỉ biết rằng người Việt-nam ta trước có hai ngón chân cái giao lại với nhau, cho nên Tàu mới gọi ta là Giao-chỉ; mà xem các loài khác, không có loài nào như vậy, thì tất ta là một loài riêng, chứ không phải là loài Tam-miêu.
Dẫu người mình thuộc về chủng-loại nào mặc lòng, về sau người Tàu sang cai-trị hàng hơn một nghìn năm, lại có khi đem sang nước ta hơn bốn mươi vạn binh, chắc là nòi giống cũ của mình cũng đã lai đi nhiều rồi, mới thành ra người Việt-nam ngày nay.
6. NGƯỜI VIỆT-NAM. Người Việt-nam thuộc về loài da vàng, nhưng mà người nào phải đi làm-lụng dầm mưa dãi nắng lắm, thì nước da ngăm-ngăm đen, người nào nhàn-hạ phong-lưu, ở trong nhà luôn, thì nước da trăng-trắng như màu ngà cũ.
Trạc người thì thấp nhỏ hơn người Tàu, mà lăn-lẳn con người, chứ không to-béo. Mặt thì xương xương, trông hơi bèn-bẹt, trán thì cao và rộng, mắt thì đen và hơi xếch về đàng đuôi, hai gò má thì cao, mũi hơi tẹt, môi hơi dày, răng thì to mà lại nhuộm đen. Râu thì thưa mà ít, tóc thì nhiều và dài, đen và hơi cứng. Dáng-điệu đi-đứng thì nhẹ-nhàng và xem ra bộ vững-vàng chắc-chắn.
Áo-quần thì dài rộng, đàn-ông thì búi tóc và quấn khăn vành rây, áo mặc dài quá đầu gối, tay áo thì chật, ống quần thì rộng. Đàn-bà ở Bắc-Việt và phía bắc Trung-Việt thì đội khăn, mà ở chỗ thành-thị thì mặc quần, còn ở nhà quê thì hay mặc váy. Ở phía nam Trung-Việt và Nam-Việt thì đàn-bà mặc quần cả, và búi tóc, chứ không đội khăn bao giờ.
Về đàng trí-tuệ và tính-tình, thì người Việt-nam có cả các tính tốt và các tính xấu. Đại-khái thì trí-tuệ minh-mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay, nhiều người sáng dạ, nhớ lâu, lại có tính hiếu học, trọng sự học thức, quý sự lễ phép, mến điều đạo đức: lấy sự nhân, nghĩa, lễ, trí, tín làm 5 đạo thường cho sự ăn ở. Tuy vậy vẫn hay có tính tình vặt, cũng có khi quỉ-quyệt, và hay bài-bác nhạo-chế. Thường thì nhút-nhát, hay khiếp-sợ và muốn sự hòa-bình, nhưng mà đã đi trận-mạc thì cũng có can-đảm, biết giữ kỹ-luật.
Tâm-địa thì nông-nổi, hay làm liều, không kiên-nhẫn, hay khoe-khoang và ưa trương-hoàng bề ngoài, hiếu danh-vọng, thích chơi bời, mê cờ-bạc. Hay tin ma quỷ, sùng sự  lễ-bái, nhưng mà vẫn không nhiệt-tin tông-giáo nào cả. Kiêu-ngạo và hay nói khoác, nhưng có lòng nhân, biết thương người và hay nhớ ơn.
Đàn-bà thì hay làm-lụng và đảm-đang, khéo chân, khéo tay, làm được đủ mọi việc mà lại biết lấy việc gia-đạo làm trọng, hết lòng chiều chồng, nuôi con, thường giữ được các đức tính rất quý là tiết, nghĩa, cần, kiệm.
Người Việt-nam từ Bắc chí Nam, đều theo một phong-tục, nói một thứ tiếng[2] cùng giữ một kỷ-niệm, thật là cái tính đồng-nhất của một dân-tộc từ đầu nước đến cuối nước.
7. SỰ MỞ-MANG BỜ-CÕI. Người nòi-giống Việt-nam ta mỗi ngày một nẩy-nở ra nhiều, mà ở phía bắc thì đã có nước Tàu cường-thịnh, phía tây thì lắm núi nhiều rừng, đường đi lại không tiện, cho nên mới theo bờ bể lần xuống phía nam, đánh Lâm-ấp, dứt Chiêm-thành, chiếm đất Chân-lạp, mở ra bờ-cõi bây giờ.
8. LỊCH-SỬ VIỆT-NAM. Từ khi người Việt-nam lập thành nước đến giờ, kể hàng mấy nghìn năm, phải người Tàu cai-trị mấy lần, chịu khổ-sở biết bao nhiêu phen, thế mà sau lại lập được cái nền tự-chủ, và vẫn giữ được cái tính đặc-biệt của giống mình, ấy là đủ tỏ ra rằng khí-lực của người mình không đến nỗi kém-hèn cho lắm. Tuy rằng mình chưa làm được việc gì cho vẻ-vang bằng người, nhưng mình còn có thể hy-vọng một ngày kia cũng nên được một nước cường-thịnh.
Vậy ghi-chép những cơ-hội gian-truân, những sự biến-cố của nước mình đã trải qua, và kể những công-việc của người mình làm từ đời nọ qua đời kia, để cho mọi người trong nước đều biết, ấy là sách Việt-nam sử.
Nay ta nên theo từng thời-đại mà chia sách Việt-nam sử ra 5 phần để cho tiện sự kê-cứu:
Phần I : Thượng-cổ thời-đại.
Phần II : Bắc-thuộc thời-đại.
Phần III : Tự-chủ thời-đại.
Phần IV : Nam-bắc Phân-tranh thời-đại.
Phần V : Cận-kim thời-đại.
-------------------
 Ghi Chú : Việt Nam Sử Lược được Trần Trọng Kim Biên Soạn vào những năm đầu của Thế Kỷ 20, đến năm 1919 mới hoàn thành. Do đó bài viết " Nước Việt Nam " so với hiện nay có nhiều sai lệch, nhưng vẫn là tư liệu giúp ích trong việc khảo cứu.(Huỳnh Hữu Đức)


CHƯƠNG I 
HỌ HỒNG-BÀNG 
鴻 龐 氏 
(2879-258 tr. Tây-lịch)
1. Họ Hồng-bàng
2. Nước Văn-lang
3. Truyện cổ-tích về đời Hồng-bàng:
Phù-đổng Thiên-vương; Sơn-tinh Thủy-tinh
1. HỌ HỒNG-BÀNG. Cứ theo tục truyền thì vua Đế-minh là cháu ba đời của vua Thần-nông, đi tuần-thú phương nam đến núi Ngũ-lĩnh (thuộc tỉnh Hồ-nam bây giờ) gặp một nàng tiên, lấy nhau, đẻ ra người con tên là Lộc Tục 祿 續. Sau Đế-minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế-Nghi làm vua phương bắc, và phong cho Lộc Tục làm vua phương nam, xưng là Kinh-dương-vương 涇 陽 王, quốc-hiệu là Xích-quỷ 赤 鬼.
Bờ-cõi nước Xích-quỷ bấy giờ phía bắc giáp Động-đình-hồ (Hồ-nam), phía nam giáp nước Hồ-tôn (Chiêm-thành), phía tây giáp Ba-thục (Tứ-xuyên), phía đông giáp bể Nam-hải.
Kinh-dương-vương làm vua nước Xích-quỷ vào quãng năm nhâm-tuất (2879 trước Tây-lịch?) và lấy con gái Động-đình-quân là Long-nữ đẻ ra Sùng Lãm 崇 纜, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc-long-quân 駱 龍 君.
Lạc-long-quân lấy con gái vua Đế-lai tên là Âu Cơ, đẻ một lần được một trăm người con trai[1]. Lạc-long-quân bảo Âu Cơ rằng: « Ta là dòng-dõi Long-quân, nhà ngươi là dòng-dõi thần-tiên, ăn ở lâu với nhau không được; nay được trăm đứa con thì nhà ngươi đem 50 đứa lên núi, còn 50 đứa ta đem xuống bể Nam-hải ».
Gốc-tích truyện này có lẽ là từ Lạc-long-quân về sau, nước Xích-quỷ chia ra những nước gọi là Bách-Việt. Bởi vậy ngày nay đất Hồ-quảng (tỉnh Hồ-nam, tỉnh Quảng-đông và tỉnh Quảng-tây) còn xưng là đất Bách-Việt 百 越. Đấy cũng là một điều nói phỏng, chứ không có lấy gì làm đích-xác được.
2. NƯỚC VĂN-LANG. Lạc-long-quân phong cho người con trưởng sang làm vua nước Văn-lang 文 郎, xưng là Hùng-vương 雄 王.
Cứ theo sử cũ thì nước Văn-lang chia ra làm 15 bộ:
1. Văn-lang 文 郎 (Bạch-hạc, tỉnh Vĩnh-yên)
2. Châu-diên 朱 鳶 (Sơn-tây)
3. Phúc-lộc 福 祿 (Sơn-tây)
4. Tân-hưng 新 興 (Hưng-hóa – Tuyên-quang)
5. Vũ-định 武 定 (Thái-nguyên - Cao-bằng)
6. Vũ-ninh 武 寧 (Bắc-ninh)
7. Lục-hải 陸 海 (Lạng-sơn)
8. Ninh-hải 寧 海 (Quảng-yên)
9. Dương-tuyền 陽 泉 (Hải-dương)
10. Giao-chỉ 交 趾 (Hà-nội, Hưng-yên, Nam-định, Ninh-bình)
11. Cửu-chân 九 真 (Thanh-hóa)
12. Hoài-hoan 懷 驩 (Nghệ-an)
13. Cửu-đức 九 德 (Hà-tĩnh)
14. Việt-thường 越 裳 (Quảng-bình, Quảng-trị)
15. Bình Văn 平 文 (?)
Hùng-vương đóng đô ở Phong-châu 峰 州 (bây giờ ở vào địa-hạt huyện Bạch-hạc, tĩnh Vĩnh-yên), đặt tướng văn gọi là Lạc-hầu 駱 侯, tướng võ gọi là Lạc-tướng 駱 將, con trai vua gọi là Quan-lang 官 郞, con gái vua gọi là Mị-nương 媚 娘, các quan nhỏ gọi là Bồ-chính 蒲 正 [2]. Quyền chính-trị thì cứ cha truyền con nối, gọi là phụ-đạo 父 道.
Về đời bấy giờ, sử Tàu có chép rằng năm tân-mão (1109 tr. Tây-lịch), đời vua Thành-vương nhà Chu 周 成 王, có nước Việt-thường 越 裳 ở phía nam xứ Giao-chỉ sai sứ đem chim bạch-trĩ sang cống, nhà Chu phải tìm người làm thông-ngôn mới hiểu được tiếng, và ông Chu-công Đán 周 公 旦 lại chế ra xe chỉ-nam để đem sứ Việt-thường về nước. Vậy đất Việt-thường và đất Giao-chỉ có phải là đất của Hùng-vương lúc bấy giờ không?
Họ Hồng-bàng làm vua được 18 đời, đến năm quí-mão (158 trước Tây-lịch) thì bị nhà Thục lấy mất nước.
Xét từ đời Kinh-dương-vương đến đời Hùng-vương thứ 18, cả thảy 20 ông vua, mà tính từ năm nhâm-tuất (2879) đến năm quí-mão (258 trước Tây-lịch) thì vừa được 2622 năm. Cứ tính hơn bù kém, mỗi ông vua trị-vì được non 150 năm! Dẫu là người đời thượng-cổ nữa, thì cũng khó lòng mà có nhiều người sống lâu được như vậy. – Xem thế thì đủ biết truyện đời Hồng-bàng không chắc là truyện xác thực.
3. TRUYỆN CỔ-TÍCH VỀ ĐỜI HỒNG-BÀNG. Sử chép rằng đời Hùng-vương thứ nhất, người nước Văn-lang làm nghề chài lưới, cứ hay bị giống thuồng-luồng làm hại, vua mới bắt dân lấy chàm vẽ mình để những giống ấy tưởng là đồng loại không làm hại nữa[3]. Sử lại chép rằng thuyền của ta ở đằng mũi thường hay làm hai con mắt, cũng có ý để cho các thứ thủy-quái ở sông ở bể không quấy-nhiễu đến.
Trong đời Hùng-vương lại có hai truyện mà ngày nay người ta thường hay nói đến, là truyện Phù-đổng Thiên-vương và truyện Sơn-tinh, Thủy-tinh.
Phù-đổng Thiên-vương. Đời Hùng-vương thứ 6 có đám giặc gọi là giặc Ân, hung-mạnh lắm, không ai đánh nổi. Vua mới sai sứ đi rao trong nước để tìm người tài giỏi ra đánh giặc giúp nước. Bấy giờ ở làng Phù-đổng, bộ Võ-ninh (nay là huyện Võ-giàng, tỉnh Bắc-ninh), có đứa trẻ xin đi đánh giặc giúp vua. Sứ giả về tâu vua, vua lấy làm lạ, cho đòi vào chầu. Đứa trẻ ấy xin đúc cho một con ngựa và cái roi bằng sắt. Khi ngựa và roi đúc xong thì đứa trẻ ấy vươn vai một cái, tự-nhiên người cao-lớn lên một trượng, rồi nhảy lên ngựa cầm roi đi đánh giặc.
Phá được giặc Ân rồi, người ấy đi đến núi Sóc-sơn 朔 山 thì biến đi mất. Vua nhớ ơn, truyền lập đền thờ ở làng Phù-đổng, về sau phong là Phù-đổng Thiên-vương 扶 董 天 王 [4].
Truyện này là truyện tục truyền như vậy, chứ không có lẽ tin làm sự thực được. Họa chăng đời bấy giờ có người tướng giỏi, đánh được giặc, về sau người ta nhớ ơn làm đền thờ thì hợp lẽ hơn. Hiện bây giờ có đền thờ ở làng Gióng tức làng Phù-đổng. Năm nào đến mồng 8 tháng tư cũng có hội vui lắm, tục gọi là đức Thánh Gióng.
Truyện Sơn-tinh, Thủy-tinh. Tục truyền rằng vua Hùng-vương thứ 18 có người con gái tên là Mỵ-nương, nhan-sắc tuyệt trần. Sơn-tinh và Thủy-tinh đều muốn hỏi làm vợ. Hùng Vương hẹn rằng ngày hôm sau ai đem đồ lễ đến trước thì gả cho người ấy. Ngày hôm sau Sơn-tinh đến trước lấy được Mỵ-nương đem về núi Tản-viên (tức là núi Ba-vì ở tỉnh Sơn-tây).
Thủy-tinh đến sau, thấy Sơn-tinh lấy mất Mỵ-nương, tức giận vô cùng, mới làm ra mưa to gió lớn, rồi dâng nước lên đánh Sơn-tinh. Sơn-tinh ở trên núi không việc gì: hễ nước lên cao bao nhiêu, thì Sơn-tinh làm núi cao lên bấy nhiêu. Sơn-tinh lại dùng sấm-sét đánh xuống, Thủy-tinh phải rút nước chạy về. Từ đó Sơn-tinh và Thủy-tinh thù nhau, mỗi năm đánh nhau một lần, dân-gian thật là cực-khổ.
Truyện này là nhân vì ở Bắc-Việt năm nào đến tháng 6, tháng 7 cũng có nước lũ ở trên mạn ngược chảy xuống tràn vào trong đồng-áng, ngập mất cả ruộng đất. Người ta không hiểu là tại lẽ gì, mới tưởng tượng mà đặt ra câu chuyện Sơn-tinh Thủy-tinh đánh nhau vậy.
Tóm lại mà xét, nước ta khởi đầu có quốc-sử từ cuối thập-tam thế-kỷ: đến đời vua Thánh-tông nhà Trần, mới có quan Hàn-lâm học-sĩ là Lê văn Hưu 黎 文 休 soạn xong bộ Đại-Việt sử-ký 大 越 史 記, chép từ Triệu Võ-vương 趙 武 王 đến Lý Chiêu-hoàng 李 昭 皇. Hai trăm rưỡi năm về sau lại có ông Ngô Sĩ-Liên 吳 士 連, làm quan Lễ-bộ tả-thị-lang đời vua Thánh-tông nhà Lê, soạn lại bộ Đại-Việt sử-ký: chép từ họ Hồng-bàng đến vua Lê Thái-tổ. Nghĩa là từ ông Ngô Sĩ-Liên, ở về thập-ngũ thế-kỷ trở đi, thì sử ta mới chép truyện về đời Thượng-cổ. Xem thế thì đủ biết những truyện về đời ấy khó lòng mà đích-xác được. Chẳng qua nhà làm sử cũng nhặt-nhạnh những truyện hoang-đường tục-truyền lại, cho nên những truyện ấy toàn là truyện có thần-tiên quỉ-quái, trái với lẽ tự-nhiên cả.
Nhưng ta phải hiểu rằng nước nào cũng vậy, lúc ban đầu mờ-mịt, ai cũng muốn tìm cái gốc-tích của mình ở chỗ thần-tiên để cho vẻ-vang cái chủng-loại của mình. Chắc cũng bởi lẽ ấy mà sử ta chép rằng họ Hồng-bàng là con tiên cháu rồng v.v...
Nay ta theo sử cũ mà chép mọi truyện, người xem sử nên phân-biệt truyện nào là truyện thực, truyện nào là truyện đặt ra, thì sự học mới có lợi vậy.
   


Chú thích cuối trang
  1. Có sách chép là Âu Cơ đẻ ra một trăm cái trứng nở ra một trăm con.
  2. Bây giờ có nơi gọi chánh-tổng là Bồ-đinh, chắc là bởi Bồ-chính mà ra.
  3. Sử chép rằng người Việt-nam ta có thói vẽ mình mãi đến đời vua Anh-tông nhà Trần mới bỏ.
  4. Có người chép truyện này nói rằng: Giặc Ân là quân của nhà Ân bên Tàu sang đánh nước ta. Nói như thế thật là một điều lầm. Về đời nhà Ân nước Tàu chỉ ở vào mạn sông Hoàng-hà là đất tỉnh Hà-nam, Trực-lệ, Sơn-tây và Thiểm-tây bây giờ mà thôi. Còn những đất ở bên này sông Trường-giang là man-di hết cả. Từ Trường-giang sang đến Bắc-Việt ta xa cách bao nhiêu đường đất. Dẫu lúc ấy ở bên ta có họ Hồng-bàng làm vua nữa, thì chắc cũng chưa có kỷ-cương gì, có lẽ cũng giống như một người làm quan-lang trên Mường mà thôi, như thế thì đã có giao-thiệp gì với nhà Ân mà đánh nhau. Vả lại, sử Tàu cũng không có chỗ nào chép đến truyện ấy. Vậy thì lẽ gì mà nói rằng giặc Ân là người nhà Ân bên Tàu?

Hết Chương 1
Huỳnh Hữu Đức sưu tầm