Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

Vẽ Vời - Nhớ Lại



Thơ & Thơ Tranh: Kim Oanh

Thơ: Dương Hồng Thủy
Thơ Tranh: Kim Oanh

Tản Mạn Cuối Năm Về Một Đôi Câu Đối Cho Tết Bính Thân 2016


Mổi độ cuối năm lại nhớ nhà. Lại nhớ đến một đôi câu đối xưa không biết ai làm đề ở Lầu Hoàng Hạc bên Tàu. 
"Hà thời hoàng hạc trùng lai 
Thả cộng đảo kim tôn 
Kiêu châu chử thiên niên mậu thảo. 
Đản kiến bạch vân phi khứ 
Dữ thùy xuy ngọc địch 
Lạc giang thành ngũ nguyệt mai hoa". 

Dịch xuôi: 
"Những mong bao giờ hạc vàng trở lại với bạn chén vàng / rượu tưới cỏ xanh ngàn năm trên cồn vắng. Chỉ thấy lúc này mây trắng bay đi / cùng ai sáo ngọc / thổi rụng mai vàng lạc độ xuống sông xưa ". 

Lan man, lại nhớ đến bài 
"Dữ Sử Lang Trung Ẩm Thính Hoàng Hạc Lâu Thượng Xuy Địch " 
Cùng Sử Lang Trung Uống Rượu Nghe Sáo Trên Lầu Hoàng Hạc 
của Lý Bạch. 
"Nhất vi thiên khách khứ Trường Sa / Tây vọng Trường An bất kiến gia / Hoàng Hạc lâu trung xuy ngọc địch / Giang thành ngũ nguyệt lạc mai hoa ". 

Dịch Xuôi: 
"Làm thân khách biếm bị đầy đi đến Trường Sa / Trông về phía Tây Trường An không thấy nhà đâu cả / Một khúc sáo ngọc thổi ở lầu Hoàng Hạc / Bài Hoa Mai Tháng Năm Rụng Ở Bên Sông." Dịch Thơ : "Chút thân biếm đọa nỗi đường xa / Dõi bóng chiều hôm chẳng thấy nhà / Tiếng sáo u buồn trên gác vắng / Nghe chừng mai rụng tháng ngày qua ".    

Lòng quê hoài cảm, mấy năm trước, cho Tết Quý Tỵ 2013, mượn ý mượn chữ của người xưa, tôi đã chắp nối thành đôi câu đối sau với ít nhiều tình ý:

Ngày tháng phôi pha 
Qua cơn gió bụi
Tết đến
Nào mơ hạc vàng trở lại cùng bạn lãng du
Lặng ngắm nắng tàn trong ngõ vắng
Tuổi đời chồng chất 
Suốt kiếp tha hương 
Xuân về
Chỉ thấy mây trắng bay đi với ai tâm sự
Thầm nghe mai rụng xuống sông xưa

Và bây giờ , một đôi câu đối cho Tết Bính Thân 2016 sắp đến: 

Tết đến quê người lòng đỏ khôn cầm niềm biệt xứ
Xuân về đất khách trời xanh khéo cợt nỗi tha hương

Niềm biệt xứ, nỗi tha hương, ôi chao một đời thương khó. Cầu chúc một năm mới an lành cho tất cả chúng ta. Thân quý

Phạm Khắc Trí

Chuyện Ngày Xưa


Một sớm thu buồn anh theo gót bé
Dọc đường về chừng nghe nặng bước chân
Tự hỏi lòng sao cứ mãi bâng khuâng
Một hình bóng đã chìm sâu quá khứ

Ôm ấp chi nỗi buồn phiền tâm sự
Em lấy chồng anh tự khép nỗi đau
Nhớ mùa thu xưa mình có bên nhau
Em bé bỏng tóc đuôi gà nhí nhảnh

Lần gặp anh em lặng lờ lẫn tránh
Nép sau rèm trống ngực đánh ngũ liên
Em bé ơi! Em thùy mỵ dịu hiền
Nụ cười mĩm say lòng người lính trận

Theo giòng đời những tháng năm lận đận
Vẫn bên lòng hình ảnh Bé, Bé ơi!
Chốn xa xăm nơi góc biển chân trời
Anh vẫn nhớ tóc đuôi gà môi mọng

Em không nói anh vẫn thầm hy vọng
Tình hậu phương em gái chỉ cho anh
Nhưng có đâu, duyên nợ lại không thành
Anh lẩn quẩn trong đường tơ tiếc nuối

Ngô Quang Diệp 
10/2014

Giáo Dục

Giáo Dục luôn luôn là đề tài muôn thuở gắn liền với đời sống con người. Bất cứ nơi đâu trên trái đất, bất cứ màu da nào, dân tộc nào đều cũng có một nền giáo dục riêng biệt, đặc trưng của mình. Ngay cả trong mỗi gia đình đều có một nề nếp riêng của gia đình đó, mà người chủ gia đình là đầu tàu dẫn dắt theo cái hướng đi của gia đình mình và của cái xã hội mà gia đình mình đang hiện hữu. Nên từ ngàn xưa ông bà ta cũng đã cảnh báo là :" Dưỡng bất giáo, phụ chi quá. Giáo bất nghiêm, sư chi đọa " 養不教,父之過。教不嚴,師之惰。Có nghĩa : " Nuôi mà không dạy là lỗi của người cha. Dạy mà không nghiêm, là do sự biếng nhác của người Thầy." Vậy nên ...
Muốn Giáo Dục có hiệu qủa tốt, thì cần phải kết hợp chặc chẽ giữa người dạy, người học và người theo dõi đôn đốc nữa ! Tức là phải kết hợp giữa Học Đường và Gia Đình, phải điều phối hợp lý chặc chẽ giữa Học Sinh, Thầy Cô Giáo và Phụ Huynh ! GIÁO DỤC luôn là vấn đề bức xúc, tế nhị và lâu dài, không phải trong một ngày một buổi mà đem lại hiệu qủa trông thấy được. 
Bây giờ thì ta hãy thử Chiết Tự để tìm hiểu một cách thấu đáo hơn về 2 chữ GIÁO DỤC nhé!
* GIÁO 教 là chữ Hội Ý, theo diễn tiến của chữ viết như sau:


Ta thấy các chữ trên ...
Bên Trái phía trên là 2 dấu chéo chỉ SỰ KIỆN, phía dưới là hình chữ Tử 子 là NGƯỜI, là Thằng Nhỏ. Bên Phải là hình của một Người hai tay dang ra, tay phía trên có cầm một cây Roi giơ cao như đang chỉ huy. HỘI Ý những hình trên lại : Trong xã hội nô lệ, thường thì chủ nô lệ phải cầm roi để chỉ huy, ra lệnh, dạy bảo đám người nô lệ. Nên ...
GIÁO 教 đầu tiên có nghĩa là Chỉ Bảo, Ra Lệnh. Như :
- GIÁO HUẤN 教訓: là Dạy Dỗ, chỉ bảo, bắt buộc phải làm theo. Huấn còn có nghĩa là Huấn Tập, Huấn luyện cho thành thạo. Nghĩa phát sinh hiện nay thì Giáo Huấn có nghĩa là : Dạy cho một bài học cho nên thân !.
- GIÁO ĐẠO 教導: Chữ ĐẠO 導 nầy có bộ THỐN 寸 là Tấc ở dưới, Ý chỉ dò dẵm từng tấc đất một. Nên ĐẠO là Chỉ Dẫn để đi cho đúng Đường là Hướng Đạo đó. Nên GIÁO ĐẠO là Dạy dỗ và Hướng dẫn để đi cho đúng với con đường phải đi.
- GIÁO DƯỠNG 教養: Chữ DƯỠNG có bộ THỰC 食 bên dưới, nên Dưỡng là Cho Ăn, là NUÔI. Nên GIÁO DƯỠNG là Nuôi Dạy. 

Nuôi dạy là phạm vi của Gia đình, của Cha mẹ đối với Con cái. nhưng nghĩa rộng của Giáo Dưỡng là Giáo dục và Bồi Dưỡng. Có nghĩa dạy xong rồi, còn phải củng cố bồi dưỡng cho kiến thức được vững chắc lâu dài !
- GIÁO HỌC 教學: là DẠY và HỌC, nên Giáo Học là Dạy Học. Công Việc Giáo Học là Công việc truyền thụ kiến thức cho người khác, nhưng GIÁO HỌC cũng có nghĩa Dạy tức là Học đó. Càng DẠY thì lại càng HỌC được nhiều kiến thức hơn, càng Giỏi hơn ra.
Đó là chung quanh các chữ GIÁO mà có liên quan đến DỤC. Vậy DỤC là gì ? Ta hãy xem nguồn gốc của chữ DỤC dưới đây: 


Ta thấy: 
* Chữ Đại Triện: Có bộ MẪU 母 là Mẹ bên trái, bên phải là chữ Tử 子 là Con lật ngược đầu xuống, dưới cùng là chữ Tiểu 小 là Nhỏ. Ý chữ là : Bà mẹ đang sanh ra đứa con nhỏ, nên chữ Tử 子 mới để ngược đầu trở xuống. Và chữ DỤC 育 ở đây có nghĩa là SANH RA. Như : 
- Sinh Dục 生育 nghĩa như Sinh Sản.
- Tiết Dục 節育 là Hạn chế Sinh đẻ.
- Đoạn Dục 斷育 là Nghỉ đẻ luôn !
* Chữ Tiểu Triện: Phần trên là chữ TỬ 子 trở ngược đầu, phần dưới là bộ NHỤC 肉 là THỊT,( được viết cách điệu như chữ Nguyệt 月 là Trăng ). Ý chữ là : Đang đút cho đứa bé ăn thịt, nên DỤC 育 có nghĩa là NUÔI NẤNG. Như :
- Dưỡng Dục 養育: là từ kép của Nuôi, là Nuôi Nấng.
- Đức Dục 德育: Nuôi Nấng về mặt Đạo Đức.
- Trí Dục 智育: Nuôi Nấng về mặt Trí Thức.
- Thể Dục 體育: Nuôi Nấng cho cơ thể Khỏe Mạnh.
- Mỹ Dục 美育: Nuôi Nấng về khiếu Thẩm Mỹ.
.... và cuối cùng là ...
- GIÁO DỤC 教育: Là Nuôi Nấng về mặt Dạy Dỗ. 
Nhưng, Nuôi như thế nào? Nuôi bằng cách rèn luyện cho người được nuôi có được Phẩm Chất Đạo Đức Tốt ( Đức Dục ). Nuôi bằng cách truyền thụ cho người được nuôi mở mang trí hóa với các kiến thức căn bản ( Trí Dục ). Nuôi cho người được nuôi có được một cơ thể cường tráng ( Thể Dục ) và có được cái năng khiếu về thẩm mỹ mỹ thuật, biết thưởng thức được những cái đẹp của cuộc sống chung quanh ta ( Mỹ Dục ). Còn ...
DẠY thì phải ra sao? Dạy cho nắm bắt được kiến thức cơ bản của xã hội mà ta đang sống, có được một kỹ năng kiếm sống và biết sống cho đáng sống ( Giáo Huấn ). Dạy cho biết bồi dưỡng cập nhật và thích ứng với xã hội luôn luôn phát triển không ngừng ( Giáo Dưỡng ). Dạy cho biết phải đi đúng đường đúng hướng của đạo làm người trong tập thể mà ta đang sống ( Giáo Đạo ) và cuối cùng là Dạy cho ta biết phải luôn luôn học hỏi và không ngừng cầu tiến để thăng hoa hơn con người của bản thân ta ( Giáo Học ). Cho nên ...

Giáo mà không Huấn sẽ không tinh, không giỏi được. Giáo mà không Dưỡng sẽ không lâu dài bền vững được. Giáo 
mà thiếu chỉ Đạo sẽ dễ bị chệch hướng, " Tẩu hỏa nhập ma ", lầm đường lạc lối, còn Giáo mà không chịu trao dồi Học hỏi thêm sẽ bị lạc hậu ngay, như câu nói;


Học như nghịch thuỷ hành chu, 學如逆水行舟,
Bất tiến tắc thoái dã!                 不進則退也!
Có nghĩa:
- Chuyện học hành như là đang đi thuyền nước ngược vậy,
- Nếu không cố gắng tiến lên, thì sẽ bị nước đẩy cho lùi trở xuống! ( chớ không thể đứng một chỗ được !).

Hai chữ GIÁO DỤC thấy như đơn giản, nhưng lại bao hàm đầy đủ các mặt NUÔI DẠY cần thiết để đào tạo con người. Cho nên, Công Tác Giáo Dục cũng là Công Tác vô cùng phức tạp và hết sức thiêng liêng và Hiệu Quả Giáo Dục thì không phải là chuyện một ngày một buổi mà có được. Ngạn ngữ Trung hoa xưa có câu:

Nhất niên thọ đạo, 一年樹稻,
Thập niên thọ mộc, 十年樹木,
Bách niên thọ nhơn. 百年樹人!

Có nghĩa:
- Vì lợi ích trong một năm thì trồng lúa,
- Vì lợi ích của mười năm thì trồng cây,
- Vì lợi ích của trăm năm thì phải đào tạo con người!


Mong rằng những người làm Công Tác Giáo Dục phải biết cân nhắc, châm chước và trân trọng!

Đỗ Chiêu Đức

Đòi Thơ


Thơ Xướng: Đòi Thơ

Trăng về bên cửa gọi đòi thơ
Mòn mỏi đêm tan đến nguyệt mờ
Hỡi khách tri âm cùng lối mộng
Đâu người tri kỷ đuối dòng mơ
Đêm sương gió khẻ khua mành quế
Trời lặng sao chìm nhạt ánh tơ
Không đến không chờ sao vẫn đến
Luống trông luống gặp nỡ nào ngơ ??!!..


Hương Chiều
30.11.2015
***
Bến Thơ

Lặng lẽ thuyền ai ghé bến thơ
Sông khuya mỏng mảnh khói sương mờ
Thi nhân một bóng chờ giao cảm
Mặc khách đôi vần thoả ước mơ
Gió thức ru xanh hồn dạ thảo
Trăng tàn nhuộm tím khúc tình tơ
Hạ đi thu đến thay màu lá
Đông gọi xuân về luống ngẩn ngơ!


Yên Dạ Thảo
03/12/2015
***
Nợ Thơ

Tôi trót sinh ra đã nợ thơ
Miệt mài trả mãi ...chẳng phai mờ
Tìm người tri kỷ đi vào mộng
Kiếm khách tri âm đắm ước mơ
Sao sáng lập loè quanh nguyệt quế
Sương giăng mờ ào lượn đường tơ
Mượn trăng mượn gió nhờ đưa đến
Nơi ấy sao nàng lại ngó ngơ ??!!


Song Quang
23/12/2015

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

Đôi Cánh Đắp


Thơ & Ảnh Chụp: Nguyễn Cao Khải
Thơ Tranh: Kim Oanh

Café Quán Nhớ



Café chưa khuấy mà xao động
Nỗi nhớ muộn màng ly tách ai
Sông xa chắc biết ngày hai buổi
Tôi vói đời theo nước lớn đầy

Mùa đi theo áo phai màu thắm
Một chút buồn em sẽ nước ròng
Chiều đau nên gió làm nên sóng
Vổ nhẹ bờ tôi một nhánh sông

Café em thấy dòng sông cũ
Tôi thấy ngày đi trong khói bay
Tôi thấy mùa tôi qua rất nhẹ
Em thấy mùa em sợi tóc dài

Café quán Nhớ tôi ngồi đó
Không nhớ người nên không nhớ ai
Dưới kia em có sầu ly tách
Thì gởi lên tôi nỗi nhớ này.

Café theo bóng đời xuôi ngược
Ngồi giữa bao la nỗi nhớ ngày
Buồn chia mấy quán làm sao hết
Thì gởi cho em một tách đầy.

Lâm Hảo Khôi
30/10/13
(Quán Nhớ – một quán café ở Cabramatta – Sydney)

Mùa Đông



Mùa Đông

Tờ lịch cuối cùng sắp sửa rơi
Thời gian thắm thía chẳng nên lời
Chim non chiêm chiếp cành trơ trọi
Cúc lạnh mơ hồ cánh tả tơi
Tí tách bếp hồng khơi kỷ niệm
Mịt mùng mây xám khóc mưa đời
Bao năm đất khách ôm thương nhớ
Đông tới não nề tóc trắng phơi! 

Mailoc
Cali 12-25-15
***
Các Bài Thơ Hoạ:
Tàn Đông

Đông tàn xuân đến tuyết ngừng rơi
Thắm thoát thời gian luống nghẹn lời
Cúc rả nhụy tàn mai chớm nở,
Cây trơ cành nhánh lá vàng tơi.
Lòng quê khoắc khoải bao năm tháng
Đất khách lang thang suốt nửa đời.
Xuân mới ước mong mong ước mới,
Thỏa lòng hoài vọng ruột gan phơi

Đỗ Chiêu Đức
*** 
1/Cô Mùi Cuối Đông

Cô Mùi từ giã, lịch tờ rơi,
Lưu luyến chi, anh Khỉ ngỏ lời.
Cuốn gói mau chân về với mẹ,
Quàng khăn lẹ gót tới mang tơi.
Mưa rào nặng hạt bù khô hạn,
Gió nhẹ phất phơ thấm mát đời.
Thương nhớ người phương xa, đất khách,
Ai ngờ mái tóc điểm sương phơi!

2/ Gặp Nhau Làm Ngơ

Đông tàn tháng chạp giọt buồn rơi,
Gặp gỡ người xưa định mở lời.
Đóng kịch làm ngơ như kẻ lạ,
Giả đò tránh né thấy mê tơi !
Than hồng bếp lửa reo vui bạn,
Má đỏ môi son ấm áp đời
Gặp lại vấn vương về dĩ vãng,
Niềm thương râu tóc muối tiêu phơi!

Mai Xuân Thanh 
Ngày 25 tháng 12 năm 2015
***
Thẩn Thờ Xuân


Trên cành còn đọng giọt sương rơi
Nắng múa mừng vui với vạn lời
Gió bấc âm thầm mang lạnh trốn
Nắng xuân rạng rỡ nét mê tơi
Bao đàn bướm lượn vờn cây lá
Những cánh hoa lay hé nụ đời
Chẳng hiểu mình buồn hay luyến tiếc
Khi ngày qua kéo tuổi già phơi

Quên Đi
***
Tàn Đông

Năm còn chỉ đợi đến giờ rơi
Ngộ cảnh tàn đông khó diễn lời
Lá ủ màu khô tìm bãi hạ
Mưa bào nhánh cỗi lộ cành tơi
Càng ôn kỷ niệm khơi hằn trán
Bỗng hiểu ngày qua sắp cạn đời
Giấc mộng dần xa mà vẫn tỏ
Tâm lòng hụt hẫng ngắm chiều phơi!

Nguyễn Đắc Thắng

20151226
***
Đừng Đến Xuân Ơi!

Đã cuối mùa đông lá vẫn rơi
Nghẹn ngào không thốt nổi ra lời
Khi nhìn thiên hạ còn cơ cực
Lúc thấy dân tình mãi rách tơi
Kẻ bệnh nan y, thân bạc phước
Người nghèo kiết xác, số tàn đời
Thôi xuân đừng đến làm chi nữa
Cho cảnh đau lòng thêm bóc phơi!

Phương Hà
***
Vào Đông

Năm tàn,tháng lụn lịch vừa rơi!
Nuối tiếc thời gian khó cạn lời
Mới thấy,lá vàng bay lả tả
Nay nhìn tuyết trắng đô mê tơi
Than hồng sửa soạn cho lò sưởi
Áo lạnh lo toan để ấm đời
Gió bấc thân già nơi đất lạ
Vào Đông bệnh hoạn não nề phơi

Song Quang
***
Bài Thơ Cuối Năm


Chiếc lá cuối cùng cũng sắp rơi,
Nhường mùa xuân tới diễn phô lời.
Trời Nam, cuộc diện dồn nheo nhóc;
Năm tháng, Dư Đồ rách tả tơi.
Luống tiếc thân già khôn trở vận,
Nghĩ thương dân giả hận căm đời.
Năm tàn, tháng tận, câu tâm sự,
Lòng những bồi hồi, thế cục phơi.

Danh Hữu
(26/12/2015)
***
Mùa Đông Năm Nầy

Ba ngày gió rít lẫn mưa rơi
Mây xám buồn giăng biếng mở lời
Cữ sáng chung trà hương dược thảo
Cơm chiều canh bắp lá mồng tơi
Rộn ràng sa sã vang đầu xóm
Loáng thoáng hoàng hôn phủ cuối đời
Đã mấy năm rồi đông ít lạnh
Nắng đầy sân vắng lúa vàng phơi

Cao Linh Tử
26/12/2015

Cách Cắt Bánh Tét, Bánh Chưng Không Bị Bể

Quý bạn đã thử cắt bánh bằng dao bọc "clear plastic wrap" chưa?
Làm thử mới thấy tiện lợi ngon lành, bánh không vỡ rất sắc cạnh.


Chỉ cần lột miếng "plastic" đó ra và bao vào dao.




Bóc lá bánh xong, cắt ngon lành, không hề bị bể, không rách miếng plastic.



Ngay cả cắt bánh nhân thịt cũng cắt ngon lành.



Bóc miếng plastic ra, con dao sạch trơn, miếng plastic cũng không bị rách tí nào.
Dùng cách này bạn phải bóc lá ra. Cách này bánh rất sắc cạnh.

Khánh Hà Sưu Tầm

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

Nghinh Xuân


Thơ & Thơ Tranh: Yên Dạ Thảo

Mảnh Trăng Cuối Năm



Mảnh Trăng Cuối Năm
(Cảm tác qua bài thơ 5 chữ"Trăng Cuối Năm của Mailoc)

Nửa mảnh trăng khuya của cuối năm 
Sương giăng mờ ảo, rét căm căm
Lòng buồn ôn chuyện ngày xưa ấy
Dạ nảo nề dâng chết lặng thầm!
Thời khắc cuối cùng vừa đổi chổ
Giữa đêm trừ tịch vọng thanh âm
Niềm đau viển xứ còn canh cánh
Thao thức năm canh lệ khó cầm!

Song  Quang
Đêm 31/12/2015
***
Đông Sầu

Thời gian thấm thoát đã tàn năm
U ám trời đông giá rét căm
Khoác áo len xưa, sầu chất ngất
Đọc trang thơ cũ, nhớ âm thầm
Vầng trăng thuở âý còn in bóng
Lời hẹn năm nào chẳng vọng âm
Qua bức mành thưa, nghe tiếng gió
Nỗi niềm u uẩn lệ khôn cầm.

Phương Hà
***
Giao Thừa


Lòng nghe khắc khoải phút tàn năm 
Khi gió mang sầu với lạnh căm 
Bóng xế rầu rầu trôi lặng lẽ 
Tuổi già thắm thoát bước âm thầm 
Chuông chùa đêm vắng ngân nga tiếng 
Tiếng pháo giao thừa lạch tạch âm 
Tất cả trong ta còn lắng đọng 
Tay ai ngày ấy tưởng đang cầm 

Mailoc
Cali 12-31-15

Xuân Nhật Độc Chước Kỳ 1 春日獨酌其 - Lý Bạch (701 - 762)

春日獨酌其一 Xuân Nhật Độc Chước Kỳ 1

東風扇淑氣, Đông phong phiến thục khí,
水木榮春暉。 Thuỷ mộc vinh xuân huy.
白日照綠草, Bạch nhật chiếu lục thảo,
落花散且飛。 Lạc hoa tán thả phi.
孤云還空山, Cô vân hoàn không sơn,
眾鳥各已歸。 Chúng điểu các dĩ quy.
彼物皆有托, Bỉ vật giai hữu thác,
吾生獨無依。 Ngô sinh độc vô y.
對此石上月, Đối thử thạch thượng nguyệt,
長醉歌芳菲。 Trường tuý ca phương phi.
Lý Bạch (701 - 762)

Dịch Xuôi: Ngày Xuân Uống Rượu Một Mình
PKT 12/18/2015

Gió từ hướng đông với khí trời lành ấm thổi về
Cảnh vật như bừng lên sức sống mới rạng rỡ muôn vẻ xuân
Đám cỏ xanh tươi nằm phơi mình dưới nắng
Hoa rụng rơi còn như vui đùa bay bay trong không
Một đám mây lẻ lững lờ trôi về núi trời xa
Bầy chim từng đàn ríu rít tìm bay về tổ cũ
Tất cả, vâng tất cả đều có chỗ để về
Chỉ riêng tôi, một đời không nhà, cho đến giờ này,vẫn không biết về đâu
Trước ánh trăng ngời sáng trên đá lạnh
Có một người, dường như đã quá say, lảm nhảm một mình, hát mãi bài Phương Phi, một bài ca xưa về một loại cỏ hoang có hương thơm,đến nay có lẽ đã mai một.

Ngày Xuân Uống Rượu Một Mình
PKT 12/18/2015

Gió đông thổi khí lành,
Cảnh vật rạng sắc xuân.
Cỏ non nắng trổ biếc
Hoa rụng rơi tần ngần
Mây lẻ lạc non xa
Chim đàn tìm ổ cũ
Muôn loài đều có tổ
Ta cuối đời về đâu?
Dưới trăng say hát mãi
Bài ca thiên cổ sầu.

Drinking Alone On A Spring Day
(The Selected Poems Of Li Po - David Hinton)

East wind fans clear , warm air through
shoreline trees ablaze with spring color,
and sunlight shimmers in green grasses 
falling blossoms scattering into flight.
Lone cloud returning to empty mountains
birds returning ,each to its own home:
in all this ,nothing is without refuge.
I alone have nowhere in life to turn.
Forever drunk , I face rock-born moon
sing for wildflower sights and smells.
Tri Khac Pham
Lời Thêm: Một thời gió loạn , chiếc thân bật gốc , thế giới đổi thay , còn tự hỏi về đâu chi nữa, thêm tội. Chỉ là cuối năm, khoảnh khắc cô đơn , chút tâm tình ,mượn ý mượn lời của người xưa , chắp nối thành mấy câu thơ vụng, gửi người thân quí ,để đọc cho vui với nhau, vậy thôi. Chắc, không ai nỡ trách. 
Phạm Khắc Trí 
12/18/2015
***
Ngày Xuân Uống Rượu Một Mình
1/
Gió xuân hơi ấm êm-êm
Cỏ cây, sắc nước, tô thêm nắng vàng
Ánh dương, cỏ biếc tràn lan
Hoa rơi tan tác, miên man tư bề
Lẻ loi, núi vắng mây về
Chim muông về tổ ấm êm bình thường
Muôn loài đều có chỗ nương
Riêng ta một bóng tha phương nơi nầy
Ngắm trăng, soi đá, trời mây
Ta say, ta hát, ngất ngây một mình

Mailoc
2/
Gió xuân thổi hơi ấm 
Cây , nước , phơi sắc tươi 
Ánh dương tràn cỏ biếc 
Hoa úa rụng nơi nơi 
Mây lẻ bên núi vắng 
Về tổ , chim bỏ trời 
Loài loài có nơi trú 
Riêng ta mãi nổi trôi 
Ngắm trăng soi mặt đá 
Say , hát , mình ta thôi !

Mailoc
***
Ngày Xuân Uống Rượu Một Mình
Kỳ 1


1/
Hơi ấm theo gió đông
Cây nước đón xuân hồng
Dưới ánh dương cỏ biếc
Hoa rụng giữa trời trong
Mây lẻ tìm núi vắng
Những cánh chim về đàn
Tất cả đều có bạn
Riêng mình vẫn lang thang
Dưới trăng trên phiến đá
Phương phi say khúc ca.

Quên Đi
2/
Gió đông đến khí lành hoà quyện
Cây nước mừng xuân chuyển sắc ngời
Cỏ thêm xanh dưới mặt trời
Hoa kia bao cánh rụng rơi bay đầy
Về núi vắng vầng mây đơn lẻ
Từng đàn chim vui vẻ bên nhau
Đó đây sum họp trước sau
Còn ta biết tựa chốn nào hỡi ai
Dưới trăng nơi tảng đá dài
Rượu vào lướt khướt hát bài phương phi.

Quên Đi

***
Lẻ Loi Uống Chén Rượu Xuân

1/
Đông tàn sinh khí gió êm,
Hơi xuân áo mới rừng thêm nắng vàng.
Trời xanh cỏ mọc lan man,
Hoa tàn rớt rụng mây ngàn ủ ê.
Sương bay mờ núi não nề,
Bầy chim mỏi cánh lại về tổ thương.
Chim trời cá nước dựa nương,
Còn ai đơn độc tha hương không nhà.
Lặng thinh say khướt mình ta,
Nghêu ngao hát hỏng trăng tà Phương Phi...

Mai Xuân Thanh

2/

Đông tàn hơi lành lạnh,
Sắc xuân vẻ đẹp tô.
Dưới trời mơ cỏ biếc,
Hoa rơi rụng hư vô.
Non xa mây tản mác
Chim tìm tổ bay vào.
Thú cầm, nơi trú ngụ,
Mình lẻ loi xanh xao.
Về đâu ...người lữ khách,
Trăng tà say nghêu ngao !...

Mai Xuân Thanh
Ngày 19 tháng 12 năm 2015

***
Ngày Xuân Uống Rượu Một Mình

1/ Ngũ ngôn

Gió đông mang hơi ấm
Cảnh vật đón xuân tươi
Cỏ xanh phơi trong nắng
Cánh hoa bay chơi vơi
Mây trời trôi lờ lững
Chim đàn rũ quy hồi
Tất cả cùng về tổ
Ta lạc lõng đơn côi
Trăng soi màu đá lạnh
Chén rượu uống say vùi!

2/ lục bát

Làn hơi ấm ngọn đông phong
Thổi về cho rạng ánh hồng bừng xuân
Cỏ xanh phơi đón nắng vàng
Cánh hoa đùa gió rộn ràng xuân tươi
Mây trời lờ lững trôi trôi
Đàn chim réo gọi quy hồi tổ xa
Chừng như tất cả về nhà
Riêng ta chiếc bóng nhạt nhòa mông lung
Trăng soi màu đá lạnh lùng
Chén sầu vẫn mãi theo cùng phương phi! 

Nguyễn Đắc Thắng
20151221

Xủ Quẻ Cuối Năm



Buồn tình đứng ngắm cánh chim bay
Đến chán ra tài xủ quẻ hay
Năm cũ vận xui đều khỏi hết
Xuân này số tốt ắt phơi bày
Website Hữu Đức tiêu tan mất
Blogspot Đức Huỳnh xuất hiện thay
Mặc chuyện trên đời luôn thế đấy
Nơi lòng vẫn nở một cành mai.

Quên Đi

Thứ Hai, 25 tháng 1, 2016

Tranh Thơ Hồ Thiện Hiếu


Trích Thơ :Trần Thiện Hiếu
Thơ Tranh: Khúc Giang

Hai Nửa Vầng Trăng


Vầng trăng ai nở xẻ làm đôi?
Nửa lững lờ treo, nửa khuất rồi.
Nhớ lúc tròn gương vằng vặc chiếu
Mà nay khuyết bóng mập mờ soi.
Một vành ở lại luôn than thở
Một mảnh ra đi mãi ngậm ngùi.
Em hỡi khác nào trăng xẻ nửa
Hai ta từ độ khóc chia phôi.

Quang Tuấn
Một chiều Thu

Bất Mỵ 不寐 - Nguyễn Du


不寐                 Bất Mỵ
不寐聽寒更,   Bất mị thính hàn canh,
寒更不肯盡。   Hàn canh bất khẳng tận.
關山引夢長,   Quan san dẫn mộng trường,
砧杵催寒近。   Châm chử thôi hàn cận.
廢灶聚蝦蟆,   Phế táo tụ hà ma
深堂出蚯蚓。   Thâm đường xuất khâu dận
暗誦天問章,   Ám tụng "Thiên vấn" chương,
天高何處問? Thiên cao hà xứ vấn?
阮攸                Nguyễn Du 

Dịch nghĩa: Không Ngủi

Không ngủ nằm nghe tiếng trống canh trong đêm lạnh.
Trong đêm lạnh, trống canh điểm không thôi.
Quan san làm giấc mộng dài thêm,
Tiếng chày nện vải càng giục hơi lạnh đến gần.
Cóc nhái tụ họp quanh bếp,
Giun từ góc sâu trong nhà bò ra.
Thầm đọc bài hỏi trời của Khuất Nguyên
Trời cao, biết đâu mà hỏi?

Không Ngủ 

Không ngủ được trống canh tê tái
Trống lạnh lùng điểm mãi buồn thay
Quan san mãi miết mộng dài
Trời khuya hơi giá tiêng chày giục mau
Bếp lạnh tanh đùa nhau cóc nhái
Giun xó nhà lải rải bò ra
Lâm râm miệng hỏi “ Trời Già“
Trời cao trong cõi ta bà nơi đâu?
Mailoc Phỏng dịch
12-17-15
***
Các Bài Dịch Khác:
Mất Ngủ

Đêm lạnh nằm nghe tiếng trống canh,
Suốt đêm trống điểm vọng âm thanh.
Mơ màng giấc điệp ngoài quan ải,
Văng vẳng chày khuya giục mộng lành.
Bếp ấm sao quanh đây nhái cóc,
Góc sâu giun cũng hiện bò nhanh.
Khấn thầm dám hỏi ông trời đỏ,
Thăm thẳm trên cao chỉ xám xanh.

Mai Xuân Thanh
***
Thức Đêm

Thao thức đếm canh tàn
Đêm dài trống lạnh vang
Miền xa dường lắm mộng
Chày vẳng lạnh ùa sang
Bếp ễng ương tề tụ
Nhà côn trùng ngổn ngang
Thì thầm "Thiên Vấn" khúc
Muốn hỏi biết đâu đàng.

Quên Đi

Mơ Xuân




(Từ Mộng Chiều Xuân của Kim Phượng)

Người... thoảng thoảng...
Chỉ là giấc mộng?
Người ơi người...
Trống rỗng tim côi!
Đông qua.
Xuân thắm làn môi...
Mơ duyên se kết...
Nên đôi...
Kẻo tàn!*

* Lời " Mộng Chiều Xuân"
dovaden2010

Tre Tàn Măng Mọc



Sa cơ mất hết đành ôm hận,
Đắc thế giàu to trọc phú ngang.
Học vấn thầy cô luôn cống hiến
Trải qua thử thách cũng vinh quang.
Tre tàn măng mọc lẽ tuần hoàn,
Hiếu thảo làm con tất phải ngoan.
Tóc bạc da mồi hay bệnh tật,
Răng long mắt kém thấy mơ màng.
Nước mắt người cha thật hiếm hoi,
Cang trường nuốt lệ sẽ nguôi ngoi.
Bi thương khổ cực không than khóc,
Phẩn uất oan khiên cố nén hoài...
Máu chảy ruột mềm thân lũ trẻ,
Mưa rơi thấm áo phận tôi đòi!
Yêu con chăm sóc luôn đầy đủ,
Vất vả gian nan gánh thiệt thòi!

Mai Xuân Thanh
Ngày 07 tháng 01 năm 2016

Tre Tàn Măng Mọc

Trụ chân trên mảnh đất khô cằn 
Hơn nửa cuộc đời mới thấy măng 
Mưa nắng hai mùa soi đất bạc 
Phong ba tám hướng giội thân cằn
Hiên ngang đứng thẳng trông trời đất
Mềm mại oằn cong hứng gió trăng 
Truyền tử luôn còn nguyên bản chất
Tre tàn măng mọc mãi thăng bằng .

Cao Linh Tử
8/1/2016

Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

Je Croyais Que Vieillir - Tôi Cứ Ngỡ Tuổi Già...




Je Croyais Que Vieillir …

Je croyais que vieillir me rendrait bien maussade
Craignant chaque saison, les années, le tapage
Le grand vent et la pluie, l’ esprit qui se dégrade
Les cheveux clairsemés, les rides du visage

Et puis je m’apercois que vieillir n’a pas d’âge
Qu’il ne faut point gémir, au contraire chanter
Et même, à petits pas, les jours ont l’avantage
D’être beaux et trop courts quand ils sont limités
Je croyais que vieillir c’était le ciel tout gris
Le printemps sans les fleurs, les lèvres sans sourire
Les fleurs sans chansons, les arbres rabougris
Un livre sans histoire, un crayon sans écrire

Et puis je m’apercois que vieillir rendre bien sage
Que je vis chaque instant sans penser à demain
Que je ne compte plus les années de mon âge
Peu importe le temps, le crayon à la main

Je croyais que vieillir transformerait mon âme
Que je ne saurais plus contempler les étoiles
Que mon coeur endurci n’aurait plus cette flamme
Qui transforme la vie lorsque le ciel se voile.

Et puis je m’apercois que les plus belles roses
Fleurissent à l’automne et sous mes yeux ravis
Je respire très fort ce doux parfum que j’ose
Garder pour embaumer l’automne de ma vie

Marcelle Paponneau
(La voix de l’Hospitalité )
***
Các Bài Thơ Dịch:

Tôi Cứ Ngỡ Tuổi Già ….
Khi lòng buồn man mác
Ta miệng hát nghêu ngao
Quên tuổi già tẻ nhạt
Thơ với nhạc dạt dào

ML

Tôi cứ ngỡ tuổi già buồn tẻ nhạt
Sợ từng mùa, năm tháng vụt qua nhanh
Sợ gió to mưa lớn, xuống tinh thần
Sầu tóc rụng, những làn nhăn khóe mắt

Nhưng chợt thấy già không do tuổi tác
Không thở than rên rỉ , hát vang vang
Ngày trôi chầm chậm, ý nghĩa mênh mang
Dù ngắn ngủi, phù du, song tươi mát 


Tôi cứ tưởng tuổi già trời xám ngắt
Xuân vắng hoa, héo hắt nụ cười môi
Cây trơ cành, hoa nhạc quá xa xôi
Sách không tựa, bút sầu thơ nghẹn tắt

Nhưng chợt thấy tuổi già tâm sáng quắc
Sống từng giây chẳng thắc mắc ngày mai
Quên tuổi đời, không nhọc đếm từng ngày
Thơ tuôn chảy, mặc thời gian thoăn thoắt

Tôi cứ ngỡ tuổi già hồn lạnh ngắt
Lòng không còn say ngắm các vì sao
Tưởng tim mình chai đá, lửa nguội trào
Hết thắp sáng trong ta, trời lặn tắt

Nhưng chợt thấy những hoa hồng đẹp nhất
Nở vào thu đẹp mắt biết dường bao
Chẳng đắn đo, hít mạnh áng ngạt ngào
Ắp ủ mãi hương rạt rào trần thế


Mailoc
***
Tôi Tưởng Khi Về Già...

Tôi từng nghĩ tuổi già luôn buồn bã
Sợ tiếng ồn thời tiết những năm qua
Bao bão giông khiến lụn mòn tâm trí
Mặt nhăn nheo và tóc cũng mỏng ra

Nhưng nhìn lại mình bi quan thái quá
Có chi buồn than thở hãy đàn ca
Vì chắc chắn ngày vui dần sẽ đến
Tuy không dài nhưng vẫn đẹp đậm đà

Tôi từng nghĩ tuổi già luôn màu xám
Môi vắng cười như xuân chẳng có hoa
Cây cỗi cằn vì hoa không còn hát
Bút buồn vì sách chẳng chuyện viết ra

Nhưng sau đó nhận thấy đời đâu tệ
Vui từng ngày không lo nghĩ ngày mai
Đừng ngại chi tuổi tác tháng năm dài
Nâng ngọn bút tận hưởng thời gian tới

Tôi cũng nghĩ tuổi làm mình thay đổi
Sẽ không còn thích ngắm ánh sao đêm
Sẽ không còn bao nhiệt huyết trong tim
Bởi cuộc sống toàn bóng đen phủ kín

Rồi tôi gặp những đoá hồng đẹp nhất
Thường vào thu khoe sắc trước mặt mình
Lòng vui sướng hít vào hương ngây ngất
Để thơm đời khi tuổi đã vào thu.


Quên Đi

Hội Chợ Tết Tống Phước Hiệp - Quán Bến Xuân Lớp 11B3 - NK1972 ( Phần 1)

 



Cô Tùng ngồi với cây roi - Chờ dâng sớ Táo Quân


Phan Thị Sương

Hội Chợ Tết - Quán Bến Xuân Lớp 11B3 - Niên Khoá 1972 ( Phần 2)

Phan Thị Sương
Anh cả Thái Sơn và lớp phó Mai lan (Lan cầm chổi dọa)

Quang và Tùng trao quà dưới cây roi mây của cô Tùng (Tùng tác giả bài Sớ Táo Quân)
Các bạn chị vui mừng sau khi lớp BẾN XUÂN  được giải nhất Hội Chợ, vừa dọn dẹp xong trại (Màn, Hà (tiệm kem Thanh Bình), Tiên (nhà ở sát trường mà Sương qua nhờ leo tường qua bị Thầy Hiệu Trưởng bắt gặp ngày Hội Chợ) Tâm, La

 Thời, Lan giới thiệu sản phẩm lớp làm nón giấy, nón móc bằng dây nilon, bàn ghế làm bằng lon bia, nhà làm bằng tăm xỉa răng với khách hàng học sinh. 

Phan Thị Sương
  

Ngang Lưng Tóc Kẹp



Bài Xướng: Ngang Lưng Tóc Kẹp

Nhà tôi ở đầu vàm sông
Bên kia sông – cạnh hàng vông – nhà nàng
Em thường dạo bước lang thang
Ngang lưng tóc kẹp dịu dàng dáng đi.

Tết về sương đọng bờ mi
Em cho tôi dáng xuân thì ước mơ
Có lần mưa rớt bất ngờ
Em cầm lược chải ngẩn ngơ suối mềm.

Hai tay tôi mãi ưu phiền
Cầu mong hứng cọng tóc tiên cho mình
Đem về ủ một chút tình
Đến người trong mộng tay xinh búp dài.

Đò đưa qua lại tháng ngày
Tôi mơ khoảnh khắc trúc mai hẹn hò
Từng đêm tôi dệt vần thơ
Tả người con gái ơ hờ áo hoa.

Từ em giả biệt quê nhà
Gió lùa bến vắng ngân nga mỗi chiều
Em đi có kẻ đăm chiêu
Nhớ người tóc kẹp buồn hiu một mình.

Dương hồng Thủy
***
Bài Họa: Buồn Hiu Giận Mình


Nhà nàng ở bên này sông
Bên kia cạnh bụi tầm vông nhà chàng
Đường không đủ rộng thênh-thang
Để em yểu-điệu dễ-dàng bước đi.

Nụ duyên đọng bám đôi mi
Sẵn sàng trao gởi lời thì thầm mơCó đuôi mắt đẹp không ngờ
Chạm nhìn hồn phách lơ ngơ lòng mềm.

Bỗng nhiên từ đó muộn phiền
Mơ về một chuyến du tiên của mình
Cùng ai dệt mộng xuân tình
Thiết tha xây đắp đời xinh lâu dài.

Đong đưa ngày lại qua ngày
Vui nay tiếng hát rồi mai câu hò
Mãi đi tìm chữ dệt thơ
Ai kia ngỡ bướm hững hờ với hoa.

Theo chồng nàng bỏ quê nhà
Tầm-vông ở lại ngân-nga gió chiều
Cợt người sao bỗng đăm-chiêu
Gục đầu lẩm-bẩm buồn hiu giận mình!

Anh Tú

January 15, 2016

Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016

Khóc Bạn Ng. Thới Đông!



Thơ: Dương Hồng Thủy
Thơ Tranh: Kim Oanh

Bidong – Ngày Lên Khu G


Dốc cao đá trợt bước xiêu vẹo
Cây đứng nghiêng cười lá mím môi
Hồn ai rướm lạnh thiếu nhang khói
Sau những ngày trôi xác sóng nhồi

Đá chất một vòng mộ một nấm
Âm thầm tuyệt mật giữa thâm u
Sờ tay truyền chút hơi nhân điện
Nghe tiếng run buồn tiếng đất rên

Bấm tay vạch đếm từng ngôi mộ
Nhật ký dầy thêm những oán hờn
Khu G ai dám mò lên đỉnh
Sợ gẩy xương người dưới đá trơn

Bia mờ dựng đứng năm chín mốt
Về đi! Mưa đã ướt Bidong
Đào thêm nhiều huyệt đắp thêm mộ
Lòng sao quên được dẩu trăm năm.

Lâm Hảo Khôi
(VềBếnTựDo10-Bidong tháng 5/2012)

Nhà Văn An Nam Khổ Như Chó


Ông Nguyễn Vỹ nói thế, bị một người bạn bắt bẻ: Ông nói thế là làm nhục nhà văn! Sao lại so sánh ví von như thế! Nguyễn Vỹ trả lời: Có mà con chó nó tự ái, nó thấy nhục thì có!!!
Thử điểm lại cuộc sống các nhà văn từ hồi đó đến giờ xem sao . Vũ Trọng Phụng nghèo, thèm một miếng bít tết mà không có ! Nam Cao và Nguyên Hồng cũng chẳng hơn gì ! Nguyễn Bính sống lang thang nhờ bạn và chơi với:

Từ thuở về đây tớ vẫn nghèo
Bạn bè chỉ có gió trăng theo

Cuộc sống của Kiên Giang Hà huy Hà cũng được mô tả là khó khăn lắm!
Nhưng mà quí vị chỉ nói đến cái khổ về vật chất thôi:

Mỗi lần cầm bút nói văn chương
Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương
Và nhìn chúng mình hì hục viết
Suốt mấy năm trời kiết vẫn kiết

Ít thấy ai nói đến cái khổ về tinh thần! Thế thì Nguyễn Vỹ nói đúng đấy ! Con chó nào có nỗi khổ về tinh thần ! Nay tôi xin sửa lại : “ Nhà văn An Nam khổ hơn chó “ . Hẳn là khổ hơn rồi ! Mặc cho cụ Cố Hồng nói : Biết rồi, khổ lắm,nói mãi . Tôi cứ nói mãi về nỗi khổ trăm chiều của các nhà văn !
Nhà văn cô đơn , không buồn bực sao được khi bài viết của mình rơi vào thinh không ! Số Đỏ được người ta đọc ngấu nghiến, đọc ồn ào nhưng chỉ coi như là hoạt kê, tếu táo, như vậy là người ta chưa “ biết rồi “. Đức Phật nói : Tự giác, giác tha , giác hành viên mãn ! Đã “biết rồi “ thì phải hành động sao cho đừng “ khổ lắm “ mãi nữa!
Tới thời loạn ly, thời đấu đá nhau thì nhà văn càng khổ ! Nhưng có những nhà văn càng sướng (!) . Nhưng những trí thức coi các quan lớn văn nghệ không phải là nhà văn. Những ông chủ tịch này, trưởng ban nọ, hội trưởng kia … và những tướng tá nhà văn bị người ta đánh giá là viết lách chẳng ra hồn ! Người ta sợ mà đăng bài của mấy ông . Đặc biệt là nhuận bút của mấy ông cao ngất trời ! ..., được “ hầu hết các báo đăng, nhuận bút gấp mấy chục lần người thường !!! Một món tiền khổng lồ ! Không ai tưởng tượng nổi !!! Cuộc sống thì khỏi nói, một biệt thự nghênh ngang với vườn hoa đầy kỳ hoa dị thảo. 
Ai dám bảo nhà văn khổ. Phải cụ Phạm Duy Tốn còn sống thì chắc viết : Trong khi ngài vỗ đùi sảng khoái vì ngắm hoa nở đẹp thì … lính lác đói ăn và sốt rét . Ngài không gọi : “Điếu mày “ nhưng có kẻ chạy nhanh lại phục vụ cà phê, thuốc lá!
Các nhà văn Hoàng Tộc sống cuộc đời Vương Giả như thế . Còn các “ nhà văn cùng đinh “ thì ông Nguyễn Vỹ ơi : Vũ Trọng Phụng thèm miếng bít tết cho tới chết, Kiên Giang chết vì đói , Sơn Nam chết vì không rượu, Vũ Hoàng Chương chết vì vắng bóng ả Phù Dung!

Nỗi khổ về tinh thần của nhà văn còn gấp bội nỗi khổ về vật chất ! Chẳng bút nào tả xiết nỗi cay đắng,oán hờn của nhà văn . Phùng Quán đi câu cá trộm, Nguyễn hữu Đang chắt bóp từng bao thuốc lá để đổi những con cóc, Hữu Loan chở đá rách vai, Nguyên Hồng trở lại Thái Nguyên với núi rừng bạc mầu … 
Tôi xin hỏi quí vị : Khi người ta xếp hàng mỏi chân để mua những thứ hàng chẳng ra gì, khi người ta đấu đá nhau để được những cuốn sổ cung cấp, những tem phiếu thì người ta sướng hay khổ . Tôi nghĩ rằng có nhiều tâm trạng ngậm ngùi … thao thức … khi phải nghe lệnh trên . Phùng Quán, Trần Dần đã đổ hết lỗi cho bà Thuỵ An,người mà trước đó hai chàng coi như thần tượng ! Nguyễn công Hoan, Hoài Thanh hẳn trước kia đã từng kính ngưỡng cụ chủ bút báo Tiếng Dân, tác giả Chương Dân Thi Thoại . Nhưng bây giờ thì Hoài Thanh phán : Giấy mực đâu thừa để cho ông ấy viết . Còn Nguyễn công Hoan khi nghe Phan Khôi viết Tự Thọ:

Thọ ta ta chúc chứ cần ai
Thì phang ngay cho những câu ác độc :
Nhắn bảo Phan Khôi khốn kiếp ơi
Thọ mi mi chúc chứ cần ai
Văn chương đù mẹ thằng cha bạc
Tiết tháo tiên sư cái mẽ ngoài

Ôi! Tác giả Bước Đường Cùng, Tấm Lòng Vàng sao nỡ viết như thế. Ông và Hoài Thanh, tác giả Thi Nhân Việt Nam là những người tôi vốn thích . Không hiểu khi mạt sát Phan Khôi như thế các vị có tâm tư gì (!) . Nghe nói người ta còn bắt Thế Lữ chửi nữa , nhưng … không biết làm sao không có bài của Thế Lữ mà có bài của vợ ông (?)
Ôi! Trong thời kỳ tâm hồn con người đảo lộn , thật khó mà nói : ai khổ hơn chó ? , ai khổ như chó ? ai sướng hơn vua ?
Ôi ! Một thời gió bụi đã qua nhưng tôi vẫn muốn kể chuyện các nhà văn nghèo khổ .
Nếu chữ hy sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực (1)
Để vinh danh các nhà văn này .

 Chân Diện Mục
(1) – Thơ Hồ Dzếnh

Chưa Báo Đáp


(Mượn câu đầu của Lý Thế Đạt)

“Nỗi lòng không biết tỏ cùng ai?”
Nên cứ bâng khuâng tự nhủ hoài
Nặng nghĩa ngày nao nhờ Phiếu Mẫu
Xa nhà thuở ấy dựng tương lai
Thường mong thuận dịp đền công đức
Sớm nhận hung tin cổi xác hài
Mặc niệm khấu đầu chưa đủ tỏ
Có chăng gặp lại kiếp hồi lai!

Cao Linh Tử
18/9/2015

Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

Gửi Lại Anh



Thơ: Quên Đi
Thơ Tranh: Hữu Đức

Bài Kệ Cư Trần Lạc Đạo - Trần Nhân Tông (1258 - 1308)

Một số người trong chúng ta, về già, thường nghĩ đến Thiền như là một phương cách để tìm hạnh phúc. Cách đây mấy năm, duyên lành, tôi đọc được 4 câu kệ ở cuối bài phú Cư Trần Lạc Đạo của vua Trần Nhân Tông, một vị vua đời nhà Trần,cuối đời đi tu, sáng lập Dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Người đã được tôn xưng là Bụt. Bụt khuyên con cháu trong nhà, hãy sống theo lẽ tự nhiên của Trời Đất. Tiếc là,nhà giáo tôi, lòng trần vẫn còn nặng, vẫn không thể đối cảnh vô tâm, vẫn không tránh khỏi buồn vui trước đổi thay của ngoại cảnh. Lúc này,ở tuổi 82, nhìn lại, một đời khổ hạnh, vẫn chỉ biết quẩn quanh thương người để được thương, và may chăng, nếu còn có được chút vui nào ở những ngày tháng còn lại. PKT 01/17/2016


Bài Kệ Cư Trần Lạc Đạo
Trần Nhân Tông (1258 - 1308)

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền

Dịch Xuôi : Bài Kệ Về Sống Đời Vui Đạo
PKT 01/17/2016

Sống trong cõi trần này,hãy tùy duyên, mà vui với đạo
Nếu thấy đói thì hãy ăn, nếu thấy mệt buồn ngủ thì hãy đi ngủ
Báu vật đã có ớ trong nhà rồi, hãy thôi, đừng tìm ở đâu khác nữa
Đối cảnh (trước đổi thay) mà vô tâm (lòng vẫn an nhiên tự tại ) thì cần chi hỏi đến thiền

Cư Trần Lạc Đạo

Sống đời,vui đạo, hãy tùy duyên,
Ăn ngủ thuận theo lẽ tự nhiên.
Hạnh phúc đi đâu tìm kiếm nữa,
Giữ lòng nhân ái hỏi chi thiền.

Phạm Khắc Trí
***
Vui Đạo Trong Cõi Trần

Tuỳ duyên, vui đạo sống trên đời
Mệt ngủ đói ăn, đơn giản thôi
Vật quý trong nhà tìm đâu nữa?
Cảnh thay, tâm lặng, ấy thiền rồi.

Phương Hà phỏng dịch
***
 偈云                          Kệ Vân
  居塵樂道且隨緣, Cư trần lạc đạo thả kỳ tùy duyên
 饑則飧兮困則眠。  Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
 家中有宝休尋覓,  Gia trung hữu bảohưu tầm mịch
 對鏡無心莫問禪      Đối kính vô tâm mặc vấn thiền       
 陳仁宗                      Trần Nhân Tông

Bài ThơDịch:
Kệ Rằng


Đạo đời nhàn nhã hãy tuỳ duyên
Mệt ngủ đói ăn chẳng luỵ phiền
Vật quý trong nhà không phảikiếm
Tâm an trước cảnh ấy là thiền 

Quên Đi
***
Ngộ

Trần ai ngộ Đạo ấy kỳ duyên,
Ăn ngủ yên bình khỏi cảm phiền,
Bảo bối cần chi thôi bận trí,
Giàu nghèo hỉ xả bỏ buông... thiền.

Mai Xuân Thanh
Ngày 18 tháng 01 năm 2016
***
Cư Trần Lạc Đạo

Sống ở trên đời hưởng phúc duyên
Đói ăn mệt ngủ chẳng than phiền
Nhà đầy phúc lộc tìm đâu nữa
Tĩnh lặng lòng ta khỏi phải Thiền

Nguyễn Đắc Thắng
***
  Đạo Ăn Ngủ

Suốt ngày tếu táo ngắm đời vui
Thích cứ ăn no, chán ngủ vùi
Sống đời ước lắm chi cho mệt
Tìm kiếm đâu xa nữa hỡi người


Chân Diện Mục
***
Bài Dịch: Thiền Định

Đạo đời thư thả tùy duyên
Đói ăn, mệt ngủ chẳng phiền lụy thân
Hạnh phúc hiện hữu rất cần
Tâm an thiền định cõi trần vui thay!

Kim Oanh

Bụi Trúc Ngậm Ngùi


Mười năm bụi trúc ở cùng ta
Cho ta thấy lại chút quê nhà
Cho ta thân thiết tình cố cựu
Rồi một ngày trúc cũng bỏ ta

Một ngày ta đứng nhìn ngơ ngẩn
Thật lạ lùng trúc cũng trổ hoa
Nào biết trổ hoa là trúc chết
Chút quê nhà thôi cũng lìa xa.

Mười năm trúc với ta là bạn
Xao xác cùng nhau dưới nắng hè
Ủ rũ cùng nhau trong tuyết giá
Vui buồn ta kể trúc lắng nghe.

Giờ trúc khô vàng thôi đã hết
Ai trăm năm rồi cũng qua đời
Tâm rỗng một ngày bừng hoa nở
Lòng vô minh trăng chợt sáng ngời

Khánh Hà

Nhân Tình Thế Thái



Nhân tình thế thái chuyện muôn đời
Oán trách than phiền đủ mọi nơi
Đạo đức suy đồi hoài tiếp diễn
Lương tâm chính trực mất tăm hơi
Chân thành đối đãi hao công sức
Nịnh hót ba hoa chỉ tốn lời
Cuộc sống phơi bày tùy cảm nhận
Trần gian khối kiểu lắm đường chơi
Trần gian khối kiểu lắm đường chơi
Tốt xấu khen chê chẳng tiếc lời
Kẻ vội theo chân phường bán nước
Tên mau kết bạn đứa buôn hơi
Tài ba nghĩa khí còn đơn lẻ
Bất hảo tay sai ở khắp nơi
Ỷ mạnh luôn bầy trò hiếp đáp
Nhân tình thế thái chuyện muôn đời


Vanessa Le

12 Cách Chữa Hôi Miệng Nhanh Chóng


SKĐS – Hôi miệng khiến bạn không tự tin và thoải mái, hoặc nó có thể là một triệu chứng của bệnh tật trong cơ thể.
Chứng hôi miệng mãn tính cần được khám xét, đặc biệt là khi có các triệu chứng bệnh mãn tính khác đi kèm. Các bệnh ung thư, bệnh lao, bệnh phổi, nhiễm trùng… là nguyên nhân của hơi thở có mùi hôi. Nhưng nếu hơi thở hôi của bạn chỉ là những nguyên nhân thông thường, bạn có thể loại bỏ phiền toái này.

Hầu hết hơi thở hôi xuất phát từ vi khuẩn ẩn trong lưỡi, họng và amidan tạo ra các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi có mùi khó chịu. Thực phẩm giàu protein, thức ăn có đường, hút thuốc lá, và thậm chí cả sữa là thủ phạm của bệnh này.

Thực phẩm bị mắc kẹt giữa các kẽ răng, sự tích tụ mảng bám, sâu răng, nhiễm trùng,khô miệng, và các vấn đề xoang cũng có thể làm cho hơi thở tồi tệ hơn. Hãy đọc những điều sau:

1. Đừng che dấu hơi thở hôi bằng những sản phẩm tạo mùi
Điều đầu tiên bạn nên biết là kẹo cao su, nước súc miệng, thuốc xịt, và bạc hà chỉ khắc phục tạm thời. Chúng chủ yếu chỉ dùng để che giấu mùi hôi chứ không giải quyết tận gốc của vấn đề.

Loại nước súc miệng kết hợp với các hợp chất trong miệng cũng tạo ra các hóa chất gây ung thư. Nước súc miệng cũng làm suy yếu các tế bào trong miệng. Sau khi uống rượu bạn dùng nước súc miệng sẽ gây khô miệng và khuyến khích sự tăng trưởng của vi khuẩn.

2. Sạch sẽ
Bạn nên đánh răng và dùng chỉ nha khoa hàng ngày. Sử dụng kem đánh răng tự nhiên bất cứ khi nào có thể để tránh florua, hương liệu nhân tạo, chất ngọt, và các chất phụ gia nguy hiểm khác. Chải lưỡi của bạn để loại bỏ vi khuẩn của thực phẩm là nguyên nhân gây hôi miệng.

3. Tránh những thức ăn để lại mùi
Nên tránh các thức ăn gây hôi miệng cho bạn như tỏi, hành, và thức ăn cay. Kẹo, sữa và ngũ cốc cũng có thể là một vấn đề đối với nhiều người. Tỏi mang lại nhiều lợi ích cho hệ thống miễn dịch và tim nên hãy ăn tỏi vào thời điểm trước khi đi ngủ để có được những lợi ích mà vẫn tránh được mùi hôi ở miệng sau khi ăn.

4. Các loại lá xanh
Chất diệp lục là một chất giải độc mạnh, làm sạch và loại bỏ mùi hôi. Loại thảo mộc như bạc hà, mùi tây chứa nhiều chất diệp lục cùng với các loại tinh dầu có mùi tươi mát. Nhai một vài lá sau bữa ăn hay bất cứ lúc nào bạn cần làm sạch miệng.

5. Chanh
Chanh giúp làm giảm bớt mùi của hành tây và tỏi. Chanh và các loại trái cây có múi khác cũng kích thích tiết nước bọt để giúp cơ thể rửa trôi vi khuẩn và thức ăn.

6. Uống đủ nước
Nước vô cùng quan trọng đối với cơ thể. Uống thật nhiều nước sạch để giữ cho cơ thể đủ nước, sản xuất ra nước bọt, và loại bỏ những thứ bám xung quanh miệng. Khô miệng khiến vi khuẩn có cơ hội phát triển.

7. Dùng các loại thảo mộc có chứa tinh dầu thơm
Các loại thảo mộc như thì là, hồi, cây xô thơm, bạc hà, đinh hương có thể giúp hơi thở tươi mới, kích thích tuyến nước bọt và tiêu diệt vi khuẩn. Bạn hãy nhai hạt cây thì là, cây xô thơm, bạc hà, hoặc hoa hồi sau bữa ăn. Đinh hương có thể coi là loại trà hoặc nước súc miệng rất tốt làm hơi thở tươi mát, tiêu diệt vi khuẩn, và thậm chí chống đau răng.

8. Giấm táo
Giấm táo cũng là một loại nước súc miệng tốt có thể tiêu diệt mùi hôi. Trộn một muỗng cà phê giấm này với một ly nước dùng để súc miệng. Giấm rượu táo cũng làm tan sỏi amidan nơi ẩn chứa nhiều vi khuẩn nặng mùi.

9. Tinh dầu
Dầu cây trà và tinh dầu bạc hà cũng có thể được thêm vào nước và dùng súc miệng hàng ngày giúp tiêu diệt vi khuẩn và cho bạn hơi thở thơm tho.

10. Rau xanh
Rau quả tươi cũng cải thiện hơi thở bởi chúng chứa chất diệp lục và chất xơ. Các sợi xơ giống như chiếc bàn chải trong miệng khi bạn nhai giúp loại bỏ các mảng bám và vi khuẩn, và loại bỏ chất thải trong hệ thống tiêu hóa. Chất xơ luôn cần cho chế độ ăn uống của bạn để giảm bớt hơi thở hôi, mùi cơ thể, và các vấn đề tiêu hóa.

11. Soda
Baking soda là một chất khử mùi rất tốt hay dùng trong tủ lạnh để giữ cho thực phẩm có mùi tự nhiên. Hãy dùng nó như kem đánh răng với một giọt bạc hà, dầu cây trà, dầu chanh. Trộn một chút với nước và sử dụng nó như là một loại nước súc miệng và hơi thở của bạn nhanh chóng được cải thiện.

12. Nạp đủ vitamin
Cuối cùng, hãy chắc chắn rằng cơ thể bạn nhận được đủ vitamin. Những vitamin cung cấp năng lượng là một phần quan trọng của sự trao đổi chất và tiêu hóa. Sự thiếu hụt có thể dễ dàng gây ra chứng hôi miệng.

Mai Hương/ HVQY (theo Charlie Pulsipher)
Trần Ngọc sưu tầm