Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

Anh Còn Yêu Em - Nhạc Sĩ: Anh Bằng - Ca Sĩ: Hương Mơ

Thực hiện PPS này đễ nhớ nhạc sĩ tài hoa Anh Bằng vừa ra đi vào cõi vĩnh hằng, ông đã để lại cho đời rất nhiều tác phẩm hay, sống mãi với thời gian, được nhiều người yêu thích. Bài hát Anh Còn Yêu Em này nói về những trăn trở cho mối tình đã chia ly theo thời gian, nhưng vẫn và không bao giờ quên được những giây phút mặn nồng thuở yêu nhau say đắm ...


Nhạc Sĩ: Anh Bằng
Ca Sĩ: Hương Mơ
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Chén Sầu



Mượn đỡ men nồng để nhấm cay
Cần cho một chút thử tim này
Lòng côi thẩm thấu ngày qua vội
Cõi thực mơ màng phút đổ say
Dõi bóng rơi chìm cơn ảo hoặc
Tàn canh đối diện mảnh thân gầy
Vòng xoay cát bụi hồn phiêu lãng
Vẫn lại quay về điểm trắng tay!

Nguyễn Đắc Thắng

Lối Xuân



Mênh mang mưa rơi dòng hoa tím
Màu xưa về vẽ nét bâng khuâng
Xuân em theo những giao mùa hẹn
Nghìn trùng phơi bụi lấm chân trần

Em mỏi mê phận người hụt hẫng
Tháng cùng năm khoả lấp mộng hời
Khu vườn thắm hồng hoa nở vội
Trời đang xuân hiu quạnh mùa tôi

Gió thủ thỉ cùng mây thấp lại
Nghiêng mưa rào thấm đất héo khô
Đêm sương tưới hoa ngàn cỏ dại
Ngày xuân em dằng dặc nỗi chờ ..

Và Anh ..Con bướm Xuân đến muộn
Giữa tím buồn rát cánh lao đao
Em mãi giữ niềm yêu ẩn dấu
Trên nhánh tình nhiều nỗi xôn xao ..

Hương Chiều
15/01/ 2016

Hoài Niệm Sắc Hoa Tigon


(Họa thơ "Tình Khúc Hoa Tigon " - Lý Lệ Mai)

Hoài niệm Tigon vẫn nhớ thương,
Trong tim thầm kín vẫn còn đương.
Tấm lòng yêu dấu em luôn ước,
Áo trắng ai bay mấy dặm đường.

Bước đến thăm anh lỡ chuyến ngang,
Con đò xuôi ngược cũng qua đàng.
Chia tay thời loạn đành xa cách,
Dang dở tình theo cánh Đại bàng.

Lỡ bước sang ngang sớm ánh hồng,
Bận lòng chi nữa có buồn không?
Một mình thui thủi ai không nhớ!
Thơ thẩn, mẹ cha ép gả chồng!

Cuộc sống bên người tuổi lớn rồi,
Yên bề gia thất với chồng thôi.
Gia đình lặng lẽ buồn thân phận,
HÌnh bóng người xưa vẫn chẳng rời!

Trái tim tan vở, sắc Tigon,
Không hẹn nằm mơ cũng ngập hồn.
Tác giả xưa TTKH,
Bài thơ hoài niệm nỡ đem chôn!

Mai Xuân Thanh
Ngày 20 tháng 01 năm 2016

Bài Tình Ca Mùa Xuân


Tôi gặp nàng trong thư viện O Neill khi cả hai chúng tôi cùng tìm sách trong dãy sách chiến tranh Việt Nam. Nàng đang đứng xem quyển sách như trong say mê, trong nét đoan trang của người Á Châu. Tôi chẳng hiểu sao sau hai năm theo học tại ngôi trường này, tôi chưa bao giờ bị tiếng sét ái tình đến mê mẩn người như ngày hôm đó. Tôi bạo dạng làm quen nàng. 
- Are you from Taiwan? 
Nàng không nói chỉ lắc đầu. Tôi hỏi tiếp: 
- from Hong Kong? 
Nàng không nói tiếp tục lắc đầu tôi, tôi kiên nhẫn thêm: 
-or from Singapore? 
Nàng cười rồi trả lời tôi: 
- I give you another try. 
Tôi bỗng vui hẳn khi nhìn gương mặt thật xinh xắn của nàng, tóc đen huyền là điều không nhiều tại Jesuit Ivy campus này. 
- I guess you are from VietNam. 
Nàng gật đầu, tôi vô cùng vui sướng, xoay sang hỏi nàng bằng Việt ngữ: 
- Xin lỗi cô tên chi? 
Nàng đáp: 
- Thủy Tiên 
Tôi trả lời trong chút gì hơi "nịnh dầm". 
- Tên đẹp lắm. Thủy Tiên học ở đây lâu chưa? 
- Chỉ mới khóa này thôi và còn bỡ ngỡ tại thư viện này. 
Nàng nói trong giọng Việt ngữ chuẩn khiến tôi chút gì thích thú, nếu không là nhiều thiện cảm với nàng. Thủy Tiên cho biết gia đình nàng sang và định cư tại Indianapolis. Nàng đổi trường từ đại học Nortre Dame sang Jesuit Ivy. Jesuit Ivy là tên lóng của Boston College. Nàng thích thành phố Boston và trường Harvard, nhưng không vào được Harvard, nàng vào học tại đây. Tôi hỏi: 
- Thủy Tiên học ngành gì? 
- Ba muốn Thủy Tiên học luật giống ba. Mẹ muốn Thủy Tiên business major như mẹ, nhưng Thủy Tiên thích ngành báo chí đi săn tin đó đây, bay đi nơi này nơi kia, nên sẽ chọn một là báo chí hay hai là chính trị học. 
- Wow, con gái mà học politics à? 
Tôi nói xong thì nàng phải ra check out một số sách. Đó là bước đầu chúng tôi quen nhau. 

Những năm tháng sau đó chúng tôi quen nhau, từ bạn thông thường biến thành tình yêu. Tôi không còn nhớ là chúng tôi gặp nhau bao nhiêu lần tại O Neill library hay bao nhiêu lần sánh bên nhau trong campus trường, khi đi xem hòa nhạc, xem hát tại Robsham Theatre của Jesuit Ivy campus, hay những buổi hẹn nhau ăn uống trên đại lộ Commonwealth khu vực trường tọa lạc, hay ghé các nơi như Brighton Center trên đường Washington hay khu thương mại Newton trên đường Beacon. Mùa hè năm 1987 nàng đưa tôi về thăm ba mẹ nàng tại Indianapolis. Hai ông bà rất vui vẻ và tử tế. 
Ngược lại, tôi cũng mời nàng về California thăm mẹ tôi. Mẹ tôi khen nàng nhiều lắm và nói thẳng ra bà thích con cái gặp người Việt, thay vì người nước khác. Người lớn tuổi thường quan tâm vấn đề chia sẻ văn hóa gốc, tôi hiểu và thông cảm với bà lắm. Điều tôi thích về nàng vì Thủy Tiên theo học Couvent des Oiseaux tại Đà Lạt theo chương trình Pháp, nhưng tâm hồn của nàng rất Á đông. Thế nên sự gần gũi trong cái văn hóa gốc mà mẹ tôi lo giúp chúng tôi khắng khít nhau hơn. Tình yêu đến tự nhiên bởi tuổi trẻ cô đơn khi xa nhà rất cần người thông cảm với mình, tình yêu của thời đi học vốn đẹp đẽ và đáng nhớ khi chúng tôi tình tự to nhỏ trong thư viện O Neill, như nụ hôn đầu trao nhau khi chúng tôi cùng gia nhập vào ca đoàn trình diễn nhạc giáng sinh tại hí viện Robshamcủa trường. Nàng thích ca hát, tức mang máu văn nghệ như sự chia sẻ của tôi. Ngày tháng trôi qua chúng tôi bên nhau đó đây từ bờ biển Hingham hoặc đảo Gallups trong vịnh Boston vào những ngày hè nắng ấm ngày xưa. Để bao nhiêu mùa thu Boston khi trao nhau kỷ niệm nhìn lá vàng thu rơi, những nụ hôn giữa bầu trời thu yêu thương có bài nhạc của Lê Uyên Phương mà cả hai chúng tôi vô cùng yêu thích:  
"Chờ trăng lên nghe sao thì thầm 
Thời gian qua đâu ngờ cuộc đời bao la 
Rồi như mây thoáng qua rồi như trăng xế tà 
Anh ơi nhớ ngày xa vời dâng hoa. 
Này em ơi suối reo sườn đồi 
Này chim ơi reo mừng cuộc đời ghi tên 
Rồi như khi lớn lên rồi như khi úa tàn 
Hoa thơm vẫn chờ nắng vàng dâng hương. 
Tình yêu đời đời làm sao như hoa vàng rừng xanh 
Một khi đăng hoa tình yêu thiết tha cuộc đời 
đã mất hết mê say. 
Rồi mai đây đi trên đường đời 
Đừng buông tay âm thầm tìm về cô đơn 
Ngày hôm nay có nhau ngày mai chung cảnh đời 
Luôn ghi kỷ niệm ban đầu yêu thương" 
(Bài Ca Hạnh Ngộ) 

Đúng như người nhạc sĩ đã tạo lời nhạc định mệnh oái oăm vì "Tình yêu đời đời làm sao như hoa vàng rừng xanh. Một khi đăng hoa tình yêu thiết tha cuộc đời đã mất hết mê say. Rồi mai đây đi trên đường đời. Đừng buông tay âm thầm tìm về cô đơn...". Chúng tôi ra trường tôi về California, Thủy Tiên nhận việc làm cho một tờ báo tại Indianapolis. Chúng tôi vẫn giữ liên lạc thân thiết với nhau. Thủy Tiên muốn giúp hai cô em nàng học xong đại học, nên tôi đồng ý sau đó sẽ gặp lại nhau, nàng hứa sẽ về California với tôi. Năm 1990, nàng nhận công tác theo nhóm phóng viên sang Vùng Vịnh vì cuộc chiến Iraq lần đầu khi quân đội Iraq xâm lăng nuốt xứ Kuwait. Tôi vô cùng lo lắng, Thủy Tiên trấn an tôi, nàng nói chỉ ở văn phòng tin tức Riyadh. Rồi khi chiến sự dồn dập có lúc nàng gọi về từ Dubai khi quân Đồng minh Anh Mỹ tấn công ào ạt, nàng bay theo nhóm tin tức lấy tin cập nhật khi thì từ Dubai, rồi khi thì Qatar, rồi thì Bahrain. Nơi này là định mệnh khi máy bay trực thăng trong nhóm săn tin bị rơi vì hư máy khi vừa cất cánh, cả đoàn thi đua nhau mạnh ai nấy nhảy thoát thân. Thủy Tiên may mắn sống sót, nhưng nàng mang thương tích gãy chân trái. Tin khẩn đến tôi vội vã bay ngay sang Ả Rập Saudi vì nàng được đưa về điều trị tạm tại bệnh viện Riyadh, trước khi về Hoa Kỳ. 

Thế giới xung quanh chúng ta hầu như không ổn định để người Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi, nhiều tử vong hay mang nhiều thương tích trong cuộc chiến. Rồi trên vùng đất xa xôi Trung Đông qua hai cuộc chiến Iraq, quân nhân gốc Việt đã vĩnh viễn ra đi vì công tác, cũng như mang thương tích như Thủy Tiên của tôi. Mỗi sự chọn lựa cho cho ý muốn đều có số mạng được Trời đất an bài. Sự chọn lựa vì yêu nghề, vì can đảm là những yếu tố tôi yêu thích. Nói ra như vậy vì tôi đã quyết định đưa Thủy Tiên về California để cho nàng hiểu rằng lời nói năm xưa khi chúng tôi hứa hôn bên bờ biển đảo Gallups của biển Boston, là chúng tôi vẫn yêu nhau như mùa xuân của ngày cũ, để rồi tôi muốn hát lại bài "Bài Ca Hạnh Ngộ" tại bệnh viện Riyadhcho nàng nghe, bởi vì chúng tôi tỗi vẫn yêu nhau khi mùa xuân mới đến, và hình như là Thủy Tiên đang khóc trên vai tôi. 
"... Rồi mai đây đi trên đường đời 
Đừng buông tay âm thầm tìm về cô đơn 
Ngày hôm nay có nhau ngày mai chung cảnh đời 
Luôn ghi kỷ niệm ban đầu yêu thương...." 

Việt Hải
07/12/2006.

Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

Mưa Trên Phố Huế - Minh Kỳ - Tô Thị Thu Cúc



Nhạc Sĩ: Minh Kỳ
Tiếng Hát: Tô Thị Thu Cúc
(Cựu Học Sinh Lê Hồng Phong - Sài Gòn)

Biển - Ta


Thơ&Thơ Tranh: Kim Oanh

Vĩnh Long Mùa Lá Me Bay


Hết lớp Nhứt, tôi từ biệt Vĩnh Long
Xa cô em cạnh bên nhà - dưới lớp
Mùa lá me bay chúng tôi thường vội
Rủ nhau đi bên phố chợ lòng vòng...

Tôi xa em vì thi rớt… Nguyễn Thông
Giã từ con đường mộng mơ Bưu Điện
Tuổi em nhỏ nhưng nụ cười lúng liếng
Tôi chập chờn theo hương tóc bay xa.

Em rất thích những con phố mượt mà
Cạnh con đường, thường rụng nhiều me dốt
Những trái me - mềm rụm - thường chua ngọt
Khiến lúm đồng tiền theo gió… lung lay.

Tôi trở về con phố cũ chiều nay
Mưa hoài niệm nhớ hoài cô gái nhỏ
Em hỡi em kỷ niệm xưa còn đó
Mà người quen lạc mất tự bao giờ…

Dương Hồng Thủy
( 03/09/2012 )
***
Vĩnh Long Mùa Lá Me Bay

(Cảm tác từ Vĩnh Long Mùa Lá Me Bay của Dương Hồng Thủy)

Lá me bay Vĩnh Long hoài gợi nhớ
Mi ni áo dài tha thướt bay bay
Có chàng trai bước xuôi rồi trở ngược
Xòe tay đầy me nhặt được chiều hôm

Vòm trời tuổi dại gom đầy trang giấy
Bềnh bồng trôi từ bên ấy đại dương
Mang lá bay cùng me nhặt sân trường
Chập chờn kỷ niệm nẻo đường Bưu điện

Chuyện ngỡ quên bỗng triều dâng sóng nhớ
Tình lỡ mộng ngoài cửa lớp Nguyễn Thông
Cô bé thời thơ chưa thắm môi hồng
Ngày nhập học bước chân đầu bỡ ngỡ

Chuyện đã quên lá me bay một thuở
Hồi tưởng quay về mở cửa tâm tư
Vị chua quyện ký ức tuổi xuân thì
Con phố cũ kia tàng me cổ thụ

Kim Phượng
4.9.2012

Trăng 2




Trăng lên toả sáng vườn hoang
Trăng cho ta hỏi trăng vàng tìm ai
Trăng e dè hay trăng ngần ngại
Trăng thẹn thùng trăng lại thêm xinh
Trăng theo quanh quẩn bên mình
Trăng cho ta gởi chút tình mộng mơ
Trăng ai lạc bước vườn thơ
Trăng còn mơ mộng thẩn thờ bao đêm
Trăng về len lén bên thềm
Trăng buồn trăng nhớ trăng thêm u sầu
Trăng ai rơi rụng bên cầu
Trăng đang sầu muộn vì đâu hỡi người.

Quên Đi

Chờ Trăng


Trăng về đâu giữa biển đời
Ta em lạc giữa mù khơi cuộc tình
Vầng trăng kỷ niệm chúng mình
Vàng uơm một kiếp phù sinh vô thường

Cơn mê vùi lấp đêm trường
Hồn tìm nhau giữa mùa thương dạt dào
Trăng xưa tình tự hôm nào
Đẹp như lời hát ca dao ngọt mềm

Gió lang thang ngủ bên thềm
Ta chờ em bóng trăng lên ngọc ngà

Khiếu Long

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

Ấu Thơ - Age Tender


Nhạc và Lời: Quách Vĩnh Thiện

Nhát Gái


Tôi sinh ra ở cái thời người ta gọi là giao thời. Nghĩa là cái thời học sinh được học cái yêu đương của mấy ông Tây trong khi gia đình lại đe nẹt theo kiểu Nho giáo. Thật là phiền cho mấy tay có trái tim hay rung động linh tinh khi dọc những Tố Tâm, Những Tuyết Hồng Lệ Sử, Chiếc Bóng Song The, Thuyền Tình Bể Ái
Dĩ nhiên tôi không thích nhân vật Lục vân Tiên:

Khoan khoan ngồi đó chớ ra
Nàng là phận gái ta là phận trai

Nhưng khổ thay, gia đình khô khốc của tôi lại không sản xuất cho tôi một trái tim nhẩy nhổm như Xuân Diệu:

Em gần thêm một chút anh hờn
Gần thêm nữa thế vẫn còn xa lắm

Bất hạnh cho tôi, dù tôi bị giằng xé giữa hai ngã đường, nhưng trái tim tôi nó vẫn bò lết về phía bến mê. Đúng như câu chuyện một lão sư dẫn đệ tử xuống núi. Đệ tử này được sư phụ nuôi từ bé , chưa thấy đàn bà con gái bao giờ. Gặp con gái, sư phụ nói với đệ tử: đó là quỷ. Chiều về, sư phụ hỏi đệ tử: vậy chứ hôm nay con đi chơi thích nhất gì? Đệ tử trả lời: con chỉ thích quỷ thôi!
Tôi không hiểu mê gái là bản năng trời sinh hay óc tò mò, khi người ta bị cấm thì càng tò mò muốn… biết.
Trong khi các bạn “ bình dân “ của tôi được chơi chung với con gái, nào là bịt mắt bắt dê, thả đỉa ba ba … được cầm tay, ôm vai, ôm bụng con gái… thì tôi con nhà“gia giáo“ tối ngày phải học Minh Tâm Bảo giám ….Nhưng lâu lâu anh của tôi lén đem về “ Tố Tâm “ … thì tôi tò mò đọc dù biết rằng cha tôi bắt gặp thì sẽ bị la rầy (giống như bây giờ người ta thích đọc văn chương lề trái vậy)
Dù rất tò mò , dù không khoái những lời giáo huấn khô khốc của cha , nhưng tôi vẫn tự hào là mình “ thanh tao “, thuộc tầng lớp quý (sờ) tộc, không chọc gái sàm sỡ như các bạn . Tôi không ngờ rằng cái gen “ thanh tao “đó nó hại tôi nhiều lắm. Tôi không “ chọc “ gái nhưng tôi “ mê “ gái. Mê gái mà không dám đến gần, không dám tấn công khiến tôi trở nên ngớ ngẩn, trở thành một tên cả Tề, cả Đẫn, cả Quỷnh, hay nói một cách bình dân, nôm na, dễ hiểu: là một tên Nhát Gái.

Mốt tình đầu đời của tôi xẩy ra năm tôi học lớp năm ( lớp một bây giờ ). Hồi đó ít người đi học nên hay có lớp ghép. Một phòng học được ghép hai, ba lớp.Thầy giáo chỉ định một cô lớp tên cầm tay tập viết cho tôi. Cô ta ngồi sau, choàng qua vai, cầm tay tập viết cho tôi. Chao ôi, một cảm giác dịu dàng ấm áp …. rồi xôn xao, rạo rực, đê mê tràn ngập tâm hồn tôi… đến khi cô ta cúi xuống, tóc xoà vào má tôi, nói những lời nhẹ nhàng êm dịu … thì … cha mẹ ơi … tôi ngay ngất, bàng hoàng, thảng thốt không bút nào tả xiết. Mùi da, mùi tóc và hơi thở của nàng nó mới tuyệt diệu làm sao! Thật đúng là: thế rồi thiên chúa tạo ra đàn bà. Chắc chẳng bao giờ cô ta biết những rung động của tôi, bởi lúc đó tôi còn bé xíu , bé như ….. trái ớt hiểm!
Rồi thời gian qua đi … qua đi … qua đi. Cái ấn tượng rằng đàn bà là tác phẩm hoàn hảo nhất của Chúa cứ theo tôi suốt cả cuộc đời.

Năm 16 tuổi, khi tôi thi bằng Diplôme. Cô giáo hỏi thi vấn đáp môn Pháp văn tên B.T. là một giai nhân tuyệt sắc. Cô hỏi mà tôi có nghe gì đâu vì tôi mải chiêm ngưỡng cô, tôi trả lời vấp váp, trật lất hoặc cứng họng luôn, có lẽ cô cho điểm 1 hay zero khiến tôi rớt. Nhưng tôi nào dám oán vì oral thời đó không quan trọng, ba tháng sau tôi lại đậu. Tôi rớt kỳ I là vì … xin lỗ cô, tôi nhát cô ( chứ không phải nhát gái ) chứ không phải tôi dốt tới cỡ đó.Sau này tôi nghe tin cô tự tử vì buồn phiền chồng cô là một hoạ sĩ rất nổi danh và cũng rất … hào hoa. Dù cô hơn tôi cả chục tuổi và lúc đó có thể đã có chồng , nhưng với tôi cô mãi mãi là “rất thánh đức nữ đồng trinh trên hết các kẻ đồng trinh“
Cái bệnh nhát gái, bệnh yêu đơn phương, yêu viển vông… không kết quả của tôi cứ ngày một tăng đến độ hết thuốc chữa, không lẽ lên hỏi ông trời

Bắc thang lên hỏi ông trời
Cái bệnh nhát gái có …. chữa được không


Một phần không nhỏ do các văn sĩ thời ấy. Thí dụ ông Thạch Lam viết: Nắng trong vườn, ông Khái Hưng viết Hồn bướm mơ tiên… Người ta đua nhau ca tụng tình đơn phương , tình yêu thanh cao , trong sáng (L’amour Platonique!), chết vì tình là cử chỉ cao đẹp nhất. Người ta đồn rằng các cô đua nhau ra Hồ Tây để … nhảy xuống tự tử , nên có những ông phu xe ra đậu gần đó nhắm mắt giả ngủ , để khi nghe tiếng kêu thì nhảy xuống cứu, lĩnh thưởng! Có lần một Tiểu Thư được cứu , chỉ xuống hồ nói với người phu xe: Còn đôi guốc, anh làm ơn xuống vớt dùm!
Tôi bị cuốn vào cái trào lưu mơ mộng đó đúng vào lúc tôi nhổ giò, vỡ tiếng, cái tuổi mà người ta gọi là “ sáo về tư tưởng “ đó nen làm sao tránh khỏi lẽo đẽo chạy theo các bóng hồng. Mà trước khi đi thế nào cũng lượm lặt năm ba câu thơ dằn túi để làm vốn . Nào là Truyện Kiều , thơ Tản đà , Xuân Diệu , Huy Cận , Lưu trong Lư , Hàn mặc Tử , Nguyễn Bính , Vũ hoàng Chương .
Truyện Kiều hồi đó đã lên đến Đỉnh Cao Quyền Lực . Người ta viết thư cho bạn cũng lẩy Kiều, viết kính thăm cha mẹ cũng:

Nhớ ơn chín chữ cao sâu
Một ngày một ngả bóng dâu tà tà

Tôi không mê tín đến nỗi mở Kiều ra khấn:

Lậy vua Từ Hải
Lậy vãi Giác Duyên
Lậy Tiên Thuý Kiều

Nhưng câu truyện anh chàng ráng học Kiều, ba năm thuộc lòng , nên được vợ… làm tôi phấn khởi lắm. Anh chàng mê gái , chạy theo người đẹp làm bộ chen lấn, cọ quẹt, bị nàng phang ngay cho một câu:

Tha cho thì cũng may đời
Làm ra ra tiếng con người nhỏ nhen

Anh chàng ức lắm, về nhà học Kiều ba năm thuộc lòng. Nhưng cha chết. Anh chàng nôn nóng báo thù rửa hận , đeo khăn tang ra gặp nàng. Nàng nhận ra, lại thấy khăn trắng, bèn đưa rằng:

Ăn làm sao, nói làm sao
Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn
Ba năm tu luyện công lực, chàng bật ra chiêu tuyệt vời:
Sự đâu sóng gió bất kỳ
Hiếu tình có lẽ hai bề vẹn hai
………………………………………
Sư thành công của chàng này khiến tôi đi đâu cũng mang theo Kiều một bên ngực
Những câu mượt mà, ướt át:
“ Ái tình nó như hương của hoa, như khí trời buổi sáng, như mần non mới nảy, như đèn điện trong gian nhà tối, như ngày chủ nhật của những người lao động, như người dẫn đường những kẻ mù loà …“
Những cách nói kiểu cách, đỏm dáng như: cái gương soi thì nói là cái “ cố vấn sắc đẹp “, cái ghế ngồi thì nói là “ cái tiện nghi của cuộc đàm thoại “
Những câu trình diện mà tôi cho là tuyệt vời, có thể lấy điểm cao … hoặc như thứ mật ngọt có thể chết … ruồi như: Thưa tiểu thư, tôi sẽ rất lấy làm hãnh diện nếu được hầu hạ cô. hoặc: cô bằng lòng không, cô có bằng lòng cho phép kẻ hèn này được làm người đầy tớ trung thành suốt đời của cô không? cứ tuần tự chất đầy túi, nhưng khi đối diện người đẹp thì chẳng bao giờ nó bật lên được. Thế là tôi cứ tha thẩn đi qua nhà nàng:

Nhà ấy hình như có mặt trời
Có rừng có suối có hoa tươi
Bao nhiêu chim lạ bao nhiêu bướm
Không có gì đâu có một người
Tôi cứ đếm bước đo đường như phu lục lộ :
Mang bao hy vọng lúc ra đi
Chuốc lấy buồn không lúc trở về
Lòng mỗi lần đi lần bão táp
Mỗi lần là một cuộc phân ly

Và chỉ mong ông trời cứu:

Chao ôi yêu có ông trời cứu
Yêu có ông trời khoá được chân
Chàng lại đi về qua phố ấy
Mấy mươi lần nữa và vân vân
(Những đoạn thơ Nguyễn Bính)

Dĩ nhiên ông trời nào cứu được thằng nhát gái như tôi. và thế là tôi lủi thủi đếm mãi bâng quơ những gót giầy , để khi về đến nhà thì ủ rũ như con khỉ của Nguyễn Du:

Khỉ tựa gối, khỉ cúi đấu
Khỉ vò chín khúc, khỉ chau đôi mày

Thế là … thế là tôi cứ kéo lê kiếp cô đơn, cứ là những cái bóng, cứ là những cái đuôi đằng sau những bóng hồng

Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn
Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô hồn

Không phải những bóng hồng của tôi bay lượn mờ ảo như các cô hồn, mà tôi là một cô hồn đi theo ám ảnh các nàng
“ Le murmure d’amour élevé sous ses pas “
(Viết đến đây tôi lại nhớ đến một vị Pháp Sư dạy Pháp văn chúng tôi ở Dại Học. Thầy chê Khái Hưng dịch dở ẹt . Khái Hưng dịch: “Ngờ đâu chân đạp lên trên khối tình“ thì giết chết ý thơ của Arvers rồi cón gì! Tôi thấy thầy nói đúng . Tôi cũng chẳng biết nên dịch murmure là gì, nhưng trong khi nàng: “đường trần lặng lẽ bước tiên “ thì trái tim tôi nó cứ murmure hoài.
Rồi thời gian qua đi … qua đi … qua đi. Tôi đã tới tuổi vai năm tấc rộng và ria mép lún phún. Tôi thấy mình đã là một Trượng Phu, một Hảo Hớn! không lẽ cứ hèn mãi. Tôi quyết định phải ngổ ngáo, táo tợn … làm cho rõ mặt anh hùng ! Một bữa đang đạp xe tà tà … tôi thấy một người đẹp đạp xe qua mặt có một vẻ nhất cố khuynh nhân thành , tôi bè đạp dấn lên: - Thưa cô, cái vú của cô nó cứ rung rinh! Cha mẹ ôi! Nàng quay qua cười rất tươi, liếc một phát sắc ngọt như dao bổ cau mà rằng: - Vâ…ng! thì nó ru…ng … ri … nh!
Chả biết hôm đó tôi xuất hành vào giờ tam nương hay … nhất nương gì đây mà gặp thứ dữ rồi, gặp ong vò vẽ , kiến lửa rồi ! Người tôi cứ nóng ran , không biết mặt đỏ hay tái , không biết chân tay có run không, nhưng chắc một điều là trái tim nó đang nhảy lô tô và cái quai hàm nó cứng ngắc không há miệng ra được. Chúa ơi, xin người cứu vớt linh hồn con. Người Nữ chỉ là cái xương sườn thứ bẩy của người Nam mà sao vờn người Nam như mèo vờn chuột vậy cà. Chúa chẳng trả lời, và thế là tôi … chun xuống đất. Nàng đi rồi mà tôi cứ ngẩn ngơ như mất một cái gì quý giá lắm. Câu trả lời có vẻ như diễu cợt, nhưng … rõ ràng là nàng cười rất tươi … và … rõ ràng là ánh mắt nàng rất trong sáng, hiền lành, vậy thì … vậy thì có lẽ trông tôi cũng không có vẻ cả quỷnh lắm đâu nhỉ ( chú A.Q. của Lỗ Tấn đã rỉ tai tôi như thế chăng?). Thế là tôi lại yên tâm, thế là tôi vui đến hai, ba ngày.


Rồi một sáng mùa xuân kia, khi tôi đã luyện được 8 thành công lực. Hai tay đút túi quần, mặt nhơn nhơn đi học vo tới trương Văn Khoa không manh theo bút vở chi cả. Tới cổng trường thấy một Tiểu Thư đài các từ trên xe bước xuống. Tôi không nhớ là Simca hay Dauphine, Cadillac hay Vedete, Peugeot 204 hãy 404, chỉ biết là xịn lắm, đúng là Đai quý(sờ)tộc . Tôi đi theo vào lớp, ngồi dát bên nàng để hưởng chút mùi hương sang trọng, quý phái. Hôm đó Quốc Sư họ Nghiêm giảng thuyết về ca dao. Khi Quốc Sư đọc câu:
Em như tán tía tàn vàng
Tôi quay qua nàng: - Em ghê gớm quá
Chỉ trong một sát na thôi, Quốc Sư tiếp:
Anh như mảnh chiếu rách nhà hàng bỏ quên
Nàng quay qua tôi: - Anh cũng ghê gớm quá!
Tôi đành đỏ mặt chịu thua 1-0 vì tuy tôi đã luyện được 8 thành trong công phu tán gái, nhưng với cái thiên thời địa lợi không có này làm sao tôi dám mơ tới chiếm được cái nhân hoà . Nhìn lại bộ gió của tôi: áo cháo lòng, quần Dacron (để giặt dễ , mau khô , khỏi cần ủi ) làm sao tôi không khỏi mặc cảm , chịu thua cho rồi. Lần này tôi lại nhát gái không phải tôi kém tài tán gái mà vì … ông thần tài không đứng về phía tôi.
Mấy thằng bạn trời đánh thường phang cho tôi những câu: “ mày đúng là thằng trăm trận trăm bại “ . Nhưng tôi vẫn ngoan cố cho mình là không bại. Tôi vẫn lẩm bẩm trong bụng rằng mình đâu phải đồ bỏ đi như chàng A.Q. vậy. Ừ, tụi bay cứ ca tụng những thằng chiến thắng như Don Juan đi. Tao đánh năm trận đều bại, nhưng tao sẽ thắng trận cuối cùng như Lưu Bang thắng trận Cai Hạ! Thế đủ rồi! Còn tên Don Juan kia nó tán tỉnh một vạn cô, dính được 100 cô thì hay ho gì. Dù hắn có vênh mặt kẹp tay 100 cô diễu qua diễu lại trước mắt tao, thì tao cũng … chẳng sợ! Ấy thế là tôi lại vui vẻ chạy theo mấy cô như … chưa hề thua trận nào cả! (Nói đến chuyện thắng bại, tôi lại nhớ đến bà Bác Sĩ Nguyễn thị Lợi. Bà chuyên Nhi Khoa, phụ Khoa nhưng tôi lại khoái khi bà đá giò lái các chú đàn ông. Các chú đàn ông cứ cho là mình thắng. Nhưng nghĩ lại xem: Trước khi lâm trận các chú ngẩng cao đầu, hùng hổ lắm! Kết thúc trận chiến các chú cúi đầu thảm não làm sao! Vậy thì “ Ai thắng Ai “)

Một năm sau, tôi tự đắc dã đủ 10 thành công lực để chơi với đời. Chả là vì tôi hay tụ tập với mấy thằng bạn phải gió ở sân trường, nói đủ thứ chuyện trời biển, nấy thằng đó thường khen tôi hót giỏi, hót như khướu, thông minh mẫn tiệp, ứng đối mau lẹ. Thí dụ như khi mấy thằng đang hót, một người đẹp đi qua, bị gió thổi bay quần áo mỏng, tôi bèn phán: Le vent ne sait pas lire ( tên một cuốn phim ) thế là các chàng phục lăn. Một lầ thằng V. hỏi tôi: Mày cũng yêu cô ta hả (một cô gái hắn đang yêu) tôi bèn trả lời: Je l’aime de tout ton coeur! Thế là các chàng cười nghiêng ngả. Nhưng khổ thay, tôi chỉ mẫn tiệp lanh lợi trước các bạn trai thôi, còn đứng trước các cô gái tôi vẫn là thằng ấp úng, giống như cái ngón Nhất Dương Chỉ của Đoàn Dự lúc linh lúc không.

Có lần ngồi bên chị bạn, tôi tự nhiên nghĩ bụng tại sao mình cứ phải gọi bọn họ là chị nhỉ. Bằng tuổi nhau mà mình lại là đàn ông thì phái hơn cơ chứ. Thế là tôi quay qua gọi chị ta là cô. Chị ta liếc tôi rồi nói: Ơ! Sao anh lại gọi tôi thế! Tôi có gọi anh là cậu đâu? Cái bộ óc mẫn tiệp của tôi muốn bật ra câu: - Thế thì tốt quá rồi! Nếu chị gọi tôi là cậu thì tôi sẽ gọi chị là mợ. Nhưng cái câu trả lời đó nó cứ từ chất xám qua hành tuỷ xuống tuỷ sống rồi cứ lộn lên lộn xuống hoài mà không chịu bật ra phía cổ họng Rõ khổ! Tôi im re. Chắc chị ta lại cười tôi cả đẫn, cù lần.
Trong đám bạn mắc dịch, có một thằng tổ sư đểu. Nó luôn đem freud ra loè tôi. Khoe đọc Freud nhiều, nó bảo: chắc mày sông xa nhà nhiều, thiếu tình mẫu tử, nên mày yêu cô nào cũng coi cô đó như mẹ. Tôi tức lắm, nhưng nghĩ bụng hay là nó nói đúng. Tôi không dám trả lời đốp chát , sắc cựa với chị là chỉ sợ chị phật ý rồi… không chơi với tôi nữa… thì tôi buồn lắm. Hay là tôi coi chị như mẹ rồi !!! Gần đây tôi nghe tin “ mẹ “ở Mỹ khá thành đạt, con cái cũng thành đạt. Tôi muốn liên lạc với “ mẹ “ nhưng rồi lại sợ . Không phải sợ “ mẹ “ già , xấu … mà chỉ sợ “ mẹ “không còn nhớ đến tên cả đẫn này. “ Mẹ “đâu biết rằng lúc đó tôi ngậm hột thị chỉ là vì tôi nể, tôi sợ, tôi không dám phá vỡ cái không gian hiện hữu mà đối với tôi nó cũng đủ ấm áp ngọt ngào rồi!


Rồi … một ngày mùa thu … tôi đang lang thang trên đường …. trời nhiều mây vương, có nghe lá vàng não nề rơi không. Tôi chợt nhớ đến địa chỉ của một chị bạn mà tôi mới có được. Tôi bèn săm săm băng lối đường trưa một mình tới nhà nàng. Tôi gặp chị, vui lắm. Kể chuyện xưa, vui lắm! Rồi tôi thường xuyên tới thăm chị. Tôi nghĩ bụng: mình phải nói cảm tình mình cho chị biết. Già rồi, sắp xuống lỗ rồi (4 tiếng mà chị hay nói) mắc cỡ gì! Mà có mắc cỡ thì da mặt mình nhăn nheo, xám xịt có ửng hồng lên đâu mà người ta biết. Tôi vuốt vuốt ngực lấy bình tĩnh, sửa soạn nói: - Hồi đó tôi cũng sạch sẽ, tươm tất lắm chứ … hồi đó tôi cũng cao ráo, thoáng khí lắm chứ… hồi đó… nếu tôi cầu hôn với chị thì chắc cũng hy vọng được tới… 40% chứ đâu ít nhỉ? Chỉ có bấy nhiêu mà tôi cũng không thốt lên lời! Thôi nhé! Tình cảm ơi! Hãy nằm im nhé! Thôi thì … trược kia lỡ nhát gái rồi, bây giờ cho … nhát bà già luôn.

Chân Diện Mục

Vịnh Trái Ớt


Bài Thơ Xướng
Vịnh Trái Ớt


Trời sinh như vậy chẳng vì ai
Xé lưỡi tê môi hấp dẫn hoài
Da láng trông thèm màu đỏ thắm
Thân mềm cắn thử vị nồng cay
Cà ri anh Bảy ưa nên trộn
Chè đậu dì Hai kỵ chả xài
Bà Xã hay ghen thường mượn tiếng
Sừng Trâu Hiểm Mẳn thích thì nhai.

Cao Linh Tử
***
Các Bài Thơ Hoạ:

Ớt Nào Là Ớt Chẳng Cay!

Món chay, nấu mặn, hỏi lòng ai,
Thưởng thức ngon không tấm tắt hoài!
Xanh, đỏ dòn tan mùi khoái khẩu,
Màu mè hấp dẫn nếm nồng cay...
Mâm cơm, phở, bún nhờ gia vị,
Đãi tiệc cổ bàn, bếp vẫn xài.
Nổi tiếng ghen tương nàng bóng gió,
Thương chồng háo sắc bỏ cho... nhai!

Mai Xuân Thanh
Ngày 14 tháng 01 năm 2016
***
Trái Gì?

Lớn bé đủ màu chẳng giống ai,
Tây Tàu Mễ Mỹ thích ăn hoài.
Tiệc tùng có NÓ ăn không chán,
Thi cử không ăn NÓ cũng cay!
Thằng nhỏ áo xanh mang tiếng hiểm,
Ông già áo đỏ thả ga xài.
Bánh xèo, nem nướng, tương ăn phở,
Thiếu NÓ buồn lòng chẳng muốn nhai!

Đỗ Chiêu Đức
***
Trái Quý: Chanh


Láng láng tròn tròn vốn của ai
Xinh xinh thích thích mới xơi hoài
Xanh xanh nhỏ nhỏ thời luôn đắng
Lớn lớn vàng vàng lại chẳng cay
Đàm vướng mau mau lẹ lẹ thử
Tiếng khan chậm chậm từ từ nhai.
Chua chua gắt gắt nhưng mà quý
Nóng nóng ho ho cũng cứ xài

Quên Đi

Ai Giăng Những Sợi Tơ Vương...



Ai Giăng Những Sợi Tơ Vương...

Trăng treo lơ lửng góc trời
Hiên khuya một bóng ai ngồi đợi ai
Lá vàng trước ngõ rơi đầy
Người bên xóm cạnh tháng ngày biệt tăm

Thu đi thu đến âm thầm
Vườn mơ góc lạnh nẩy mầm tương tư
Hộp thư chờ những cánh thư
Dường như nhạn trắng ẩn cư đâu rồi!

Trăng say ... trăng ngủ mỉm cười
Mây say trong tiếng ru hời gió thu
Nụ tình thơm thoảng hương nhu
Ta ôm gối mộng buồn vu vơ buồn

Long lanh trên nhánh lá sương
Ai giăng những sợi tơ vương chiều nào
Để tình trước gió lao đao
Thơ sầu úa rũ bên cầu sông thương !

Yên Dạ Thảo
15/10/2015
***
Cô Đơn Mới Hiểu Cô Đơn

Úa vàng đưa chiếc lá rơi
Mong manh về lại bên đời mong manh.
Ngón nghiêng gõ xuống bóng mình
Mảnh lưng áo bụi. Mảnh tình vân vê.

Đường khuya lạc lối đi về
Sương mai lãng nguyệt, câu thề biển dâu...
Nhánh tình mỏi cánh chim sâu
Cỏ xanh đã rối vàng lâu lắm rồi.

Thương mình vương nghiệp thơ trôi
Đợi ai phờ rạc. Ai người đợi ai?
Yêu trăng chở mộng vơi đầy
Phiêu tình đẫm vị đắng cay, ngọt ngào!

Vòng tay ôm gối hạnh đào
Hương mùa năm cũ chợt dào dạt hơn
Cô đơn mới hiểu cô đơn
Được nghe lá rụng dỗi hờn mà thương!

Phong Tâm
20/10/2015

Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016

Tâm


Thơ: Sư Bà D.T
Thơ Tranh: Kim Oanh

Sẽ Gửi Về Em


Sẽ gửi về em khi anh đến đó
Cổng trường xưa còn nhớ bước chân qua
Sẽ gửi về em những chiều hè phố
Dẫu cơn mưa mang chút rét tình xa.

Sẽ gửi về em trăm thương ngàn nhớ
Ðời chia vui từng trang sách học trò
Viên phấn trắng miệt mài tư tưởng nhỏ
Mà ước mơ thì lớn ở trong thơ.

Sẽ gửi về em câu hò tiếng hát
Nằm chơ vơ chờ nốt nhạc em ca
Hạnh phúc vẫn như bao đời khao khát
Như dòng sông vỗ mát đất phù sa.

Sẽ gửi về em những điều bày tỏ
Làm sao quên cánh phượng đỏ sân trường
Tiếng guốc đó khua vang niềm tâm sự
Và bâng khuâng kỷ niệm tuổi yêu đương.

Phạm Hồng Ân

Sang Ngang




Sang ngang chỉ mất một chiều
Mà sao em để lại nhiều đắng cay
Đường đời thôi thế từ đây
Cánh chim bé nhỏ lạc bầy về đâu
Nắng tàn để bóng bờ dâu
Trong anh còn mãi nỗi sầu chơi vơi
Em đi cất giữ một thời
Áo hồng hò hẹn cả đời yêu đương
Chiều bên quán cũ ven đường
Có nàng lỗi hẹn người thương chưa về.


Biện Công Danh
31/12/2015

Giòng Sông Tuổi Thơ

 

Tin bà chị dâu bị stroke lần thứ hai, được các con cấp tốc mang lên bệnh viện trên Sài Gòn, khiến Thơ ăn ngủ không yên. Trong điện thoại giọng cô cháu nghẹn ngào:
-Con sợ má con không qua khỏi cô ơi. Lần này bác sĩ nói nặng lắm. Má con vẫn còn hôn mê. Mấy chị em con thay phiên nhau ở trong bịnh viện để săn sóc má. Cầu Trời cho má con mau tỉnh lại.
Thơ vội trấn an cô cháu gái:
- Chắc không sao đâu. Ngày mai cô đi gởi chút đỉnh tiền về để tụi con xoay sở. Lúc này mới bắt đầu mùa thu, học trò đã đi học lại nên tiệm cũng bớt đông. Để cô thu xếp nghỉ hai tuần về thăm má con.
Tiếng cô cháu gái bên kia đầu giây tươi hẳn lên:
-Thiệt hả cô? Nếu má con tỉnh lại, gặp mặt cô bả sẽ mừng lắm đó.

Nói vậy chớ cũng phải mất hai tuần Thơ mới thu xếp xong công chuyện và có vé máy bay trong tay. Thơ làm chủ một tiệm ăn. Nhỏ thôi, nhưng xinh xắn, ấm cúng và nhất là nấu đúng khẩu vị Việt Nam. Không lai căng, chạy theo khẩu vị dân bản xứ. Nhưng chính vì vậy mà tiệm Thơ đông khách. Khách Việt và một số khách ngoại quốc sành ăn. Thơ có khiếu nấu ăn giống mẹ. Bà Tân ngày xưa nổi tiếng là người nấu ăn khéo. Bà đã truyền lại cho Thơ những bí quyết để chế biến thành công những món ăn ngon. Ngoài sự nêm nếm vừa miệng, Thơ còn có tài trình bày những đĩa thức ăn tuyệt đẹp. Nhìn thôi là đã muốn ăn liền, khách nói vậy.

May mắn người phụ bếp tên Vĩnh, tuy tương đối trẻ, nhưng đã có gần mười năm kinh nghiệm. Thơ tự tay pha chế mọi thứ sẵn sàng, như nước sauce để làm món cá kho tộ, gia vị bỏ vào nồi nước súp để làm món canh chua, sauce ướp thịt nướng..vv... nên cũng an tâm giao cho Vĩnh thay nàng trong suốt hai tuần lễ vắng mặt.

Thơ không bận bịu chuyện gia đình gì lắm, vì đã cùng chồng chia tay năm năm rồi. Khương tuy rất hiền lành, nhưng thích đàn đúm với đám bạn ăn nhậu và đam mê trò đỏ đen. Chẳng giúp đỡ gì cho vợ, trái lại nhiều lần Thơ còn phải đứng ra trả những món nợ trời ơi đất hỡi do Khương gây ra. Cuối cùng Thơ đành dứt áo chia tay, mặc cho Khương năn nỉ. Nàng đã cho Khương rất nhiều cơ hội để sửa chữa, nhưng kết quả vẫn là con số không. Thơ nuôi bé Kim, đứa con gái duy nhất của hai người. Bé Kim xinh đẹp giống mẹ và rất ngoan. Ngoài giờ học còn biết ra tiệm giúp mẹ tính tiền, làm sổ sách. Con bé đang học năm thứ hai Đại học, ngành kế toán. 


Bé Kim lái xe đưa mẹ ra phi trường. Thơ hôn con rồi đẩy hành lý vào khu dành cho Air Canada. Nàng bảo bé Kim về ngay cho kịp giờ đi học. Gửi 2 valises xong xuôi, Thơ kéo chiếc valise nhỏ vào sắp hàng để qua trạm kiểm soát. Hành khách đủ mọi quốc tịch đông không thể tả. Xếp hàng rồng rắn, ngoằn ngoèo dám đến cả cây số! Lần này Thơ đi qua ngã Vancouver, Hồng Kông rồi mới vào Việt Nam. Xuống phi trường Vancouver để chờ máy bay đi HongKong, nhìn ra ngoài cửa kính, sau làn mưa lất phất là dẫy núi chạy dài theo bờ biển màu lam nhạt. Bầu trời màu xám chì trông buồn hiu hắt! Thơ không thích mưa. Nàng yêu biết mấy bầu trời xanh lơ, đầy mây trắng và rực rỡ nắng vàng. Nhất là mùa thu Québec. Nắng vàng óng như lụa, trong veo và dịu dàng khiến cho lòng người ngây ngất...Ngay cả những trận mưa thu cũng nhẹ nhàng, thanh thoát. Những sợi mưa nhỏ, mong manh như tơ trời, không làm ướt nổi một mái tóc mây! Vì thế, dù Vancouver là một thành phố có cuộc sống tốt nhất Canada, Thơ cũng không bao giờ ao ước được sống nơi đó.

Sau bốn tiếng chờ đợi ở phi trường Hong Kong, cuối cùng chuyến máy bay Air Cathay cũng đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Thơ đẩy hành lý ra ngoài dáo dác tìm cô cháu gái. Người đi đón đông như cái chợ, nhìn hoa cả mắt. Tiếng Kim Nhung kêu "cô Tư...cô Tư...con đây nè" khiến Thơ mừng rỡ. Dũng, chồng Kim Nhung chạy tới giành đẩy chiếc xe chở hành lý khá nặng cho bà cô. Cô cháu vẫn vậy, từ ngày sinh hai thằng con, Kim Nhung ngày một đẫy đà và tuy ở Việt Nam nắng hừng hực như đổ lửa, nước da cô nàng vẫn trắng nõn. 

Thơ về nhà cháu gái cất hành lý, rửa sơ mặt mũi cho bớt mệt rồi hối vợ chồng Kim Nhung đưa nàng vào bệnh viện thăm chị dâu. Bệnh viện Đại học Y Dược nằm trên đường Hồng Bàng. Bệnh nhân hai người nằm một giường, quay đầu ngược lại. Người nhà nuôi bệnh nhân ngồi la liệt ngoài hành lang, trong phòng bệnh. Trên xe, từ phi trường về nhà, Kim Nhung đã cho Thơ hay chị Thiên đã tỉnh, nhưng đầu óc vẫn còn mơ mơ hồ hồ, ký ức chưa trở về như trước.

Kim Anh, con gái út chị Thiên từ Cao Lãnh lên nuôi mẹ, thấy Thơ vào mừng quá chạy tới nắm tay, miệng cười rạng rỡ. Con bé này chưa lập gia đình, dù rất xinh. Oanh nắm tay Thơ dẫn đến giường chị Thiên. Nhìn thân hình gầy gò, lép xẹp của chị dâu Thơ ứa nước mắt. Thương chị quá đỗi. Cả một cuộc đời làm vợ, làm mẹ của chị vất vả biết bao với đàn con đông đúc. May mà chúng đều ngoan. Ngay từ bé không đứa nào bệnh hoạn để ba mẹ phải lo lắng. Anh Thiên mất đã lâu, giờ chị ở với đứa con gái út. Con bé có tiệm uốn tóc rất khang trang. Tuy bận rộn nhưng cũng hết lòng chăm lo cho mẹ thật cẩn thận. Trước kia chị Thiên thuộc dạng đẫy đà, nhưng tính thích ăn ngọt, ăn béo khiến chị mắc bệnh tiểu đường rất nặng. Bao nhiêu thuốc Thơ gởi về, chị uống rất "dè sẻn" nên bệnh không bao giờ khá! Từ đó sinh ra nhiều chứng khác và cuối cùng chị bị tai biến mạch máu não lần thứ hai. Lần này nặng gấp đôi lần trước.

Thơ cầm bàn tay xương xẩu của chị Thiên bóp nhẹ. Chị mở cặp mắt lờ đờ nhìn Thơ rồi nhắm lại. Có vẽ như chị không nhận ra cô em chồng. Kim Anh nói, giọng lo lắng:
-Má con mới tỉnh lại 3 hôm nay thôi cô. Ngay cả tụi con má cũng chưa nhìn ra. Ăn uống cũng không được, chỉ chuyền nước biển thôi. Bác sĩ nói cứ từ từ má con sẽ nhớ lại, chớ bây giờ họ cũng không làm gì được.
-Thì đành vậy chớ sao hả con. Thơ an ủi cháu. Má con cũng hơn sáu mươi, sức lực đâu bằng hồi trẻ. Để cô nói bác sĩ dùng thuốc nhập cảng tốt nhất cho má con. Hy vọng bệnh sẽ mau lành.


Một tuần sau bệnh tình chị Thiên thuyên giảm rất nhiều. Thơ và các cháu mừng lắm. Vợ chồng Kim Nhung lái xe đưa cả phái đoàn về Cao Lãnh. Đường xá năm nay cũng tốt hơn mấy năm trước. Hai bên đường từ gã ba Trung Lương rẻ về thị xã Cao lãnh được trồng đầy nhãn hột tiêu. Loại này cơm dày và hột nhỏ xíu. Chẳng bù với nhãn hồi xưa cơm mỏng dính, lột ra toàn là nước. Nhưng bù lại ngọt gắt và rất thơm. Có những cây soài đang trổ bông đầy cành. Nhưng cái Thơ mê nhất là hầu như trước sân nhà nào cũng trồng một buội bông giấy màu sắc rực rỡ. Đỏ, hồng, tím, trắng...thỉnh thoảng có cây màu vàng hoàng yến rất lạ. So với những năm trước bảy lăm, thị xã Cao Lãnh lớn hơn gấp nhiều lần. Thơ nhớ đến cái trường tiểu học bên kia bờ sông, đối diện với ngôi chợ cũ. Nơi đó Thơ đã học lớp tư, lúc ba má từ Sàigòn trở về quê sinh sống. Khi Kim Anh ghé chợ mua vài món để về nhà làm cơm chiều, Thơ đi xuống bờ sông nhìn qua bờ bên kia tìm kiếm. Nhưng ngôi trường không còn nữa, thay vào đó là một căn biệt thự khá lớn. Nàng thở dài. Vậy là một phần tuổi thơ của nàng đã vĩnh viễn biến vào hư vô!

Ngôi nhà nền đúc đồ sộ của ông bà nội Thơ đã bị phá bỏ. Thay vào đó là một căn nhà nhỏ, cất trên nền nhà cũ dùng làm phủ thờ. Bên trong chỉ có 3 chiếc bàn thờ bằng gỗ tốt cẩn xà cừ lộng lẫy. Trên bàn thờ bày đầy đủ hình của những người quá cố trong họ, chính giữa là hình ông bà nội. Con cháu ở khắp nơi về, việc trước tiên là đến đây thắp hương và kế đến là đi thăm mồ mả ông bà ở nghĩa trang gia đình. Anh chị Thiên cũng được chia một lô đất gần phủ thờ để cất nhà. Sau bảy lăm, anh chị rất vất vả đưa đàn con từ miền Trung xa xôi về sinh sống tại quê nhà. Dù sao có bà con thân thích cũng dễ thở hơn. Căn nhà ban đầu cất sập xệ, sau nhờ tiền của các em ở ngoại quốc gửi về, anh chị sửa từ từ khang trang hơn lên. Đến lúc tụi nhỏ trưởng thành, lập gia đình rồi tứ tán khắp nơi để mưu sinh, nhà chỉ còn hai mẹ con hủ hỉ. Kim Anh làm ăn khấm khá, căn nhà được thay phòng tắm hiện đại hơn, phòng ngủ có gắn máy điều hòa không khí mát rượi. 

Nằm nghỉ một lát, Thơ bước xuống giường mở cửa sổ nhìn ra khu vườn nhỏ trồng cây ăn trái. Có vài cây soài đang trổ bông trắng xóa, cây mận hồng đào trái màu đỏ bóng lộn, những trái bưởi tròn trịa da màu xanh thẫm ...Buội chuối tiêu ở cuối vườn, trĩu nặng một buồng chuối to, trái đang chín bói. Trong góc vườn có cây mít giống Thái lan chi chít trái. Nghe nói giống này ngon hơn mít Việt Nam rất nhiều. Mà thật lạ, hầu như trái cây nào của Thái Lan, Mã Lai cũng ngon hơn của Việt Nam. Có lẽ tại thổ nhưỡng bên ấy tốt hơn. Có lần đi chơi Mã Lai, Thơ được ăn những trái sầu riêng bản địa nhỏ nhỏ xinh xinh, nhưng ngon tuyệt vời. 
 

Cạnh cửa sổ có trồng cây hoa ngọc lan. Những búp hoa tỏa mùi hương dìu dịu. Hương ngọc lan kéo Thơ lùi về dĩ vãng, những ngày thần tiên hoa mộng của tuổi dại khờ. Thơ chợt mĩm cười, nhớ đến những búp hoa ngọc lan trắng muốt mà Bảo vẫn hái cho nàng. Ôi cái con bé Thơ mới sấp xỉ mười hai tuổi. Ngây ngô và khờ dại. Bảo lớn hơn nàng một tuổi. Ở nhà quê, ảnh hưởng chiến tranh nay tản cư chỗ này, mai chỗ khác nên tuy cùng lớp mà học trò có đủ mọi hạng tuổi. Nhỏ nhất ngồi bàn đầu và những hàng cuối lớp có những anh, những chị ...mười lăm mười sáu tuổi đời! 

Bảo, con Lành và thằng Mạnh là những đứa bạn thân của Thơ ngày ấy. Nhà Bảo chỉ cách nhà Thơ mấy căn. Nhưng ở quê, nhà nào cũng có vườn rộng bao quanh, nên tuy nói mấy căn mà cũng không phải gần. Nhà Bảo có trồng cây hoa ngọc lan nên cứ cách vài hôm là Bảo lại hái cho Thơ cả túi. Thơ đem vào lớp chia cho Hà và Ngọc. Hai đứa bạn ngồi cùng bàn trêu Thơ "nhứt định thằng Bảo thích mày rồi!", nhưng Thơ thì nằng nặc phản đối, tuy trong lòng cũng cảm thấy vui vui. Những lần cả lớp đi dã ngoại, bao giờ Bảo cũng tỏ ra săn sóc Thơ đặc biệt. Bảo đem cho nàng những trái cây tươi nhất, những miếng bánh ngon nhất mặc cho Hà và Ngọc háy nguýt, nhiếc móc...Bảo nhỉ nhe răng ra cười hìhì! 

Đang thả hồn mông lung, tiếng Kim Anh gọi khiến Thơ choàng tỉnh: 
 - Cô ơi, cơm chiều xong rồi. Mời cô ra ăn.
Thơ chải sơ mái tóc rồi đi ra ngoài. Có vợ chồng Kim Nhung, Kim Anh và vợ chồng Thanh, cậu em họ của Thơ. Thanh nghe tin nàng về vội vàng đến thăm và được mời ăn cơm luôn. Cậu ta là người trông coi phủ thờ và chăm sóc nghĩa trang gia đình. Chuyện làng trên xóm dưới gì cậu cũng rành như chuyện trong nhà. Nhìn mâm cơm có món canh chua cá lóc nấu với bông điên điển, cá rô kho tộ với tóp mỡ và dĩa tôm chấy thịt ba rọi Thơ cảm thấy bụng đói cồn cào. Đang ăn, Thanh chợt nói:

- Chị Thơ còn nhớ anh Bảo không? Anh ấy vừa từ Mỹ về thăm bác Năm được 2 tuần rồi. Năm nay bác Năm yếu lắm. May mà có chị Hạnh săn sóc cho bác. Chồng chỉ mới mất cách đây 1 năm, bị ung thư gan.

Nghe tên Bảo, tự nhiên Thơ thấy rất vui. Nàng có cảm tưởng như tìm lại được món đồ quý giá bị mất lâu ngày. Thơ hớn hở hỏi thăm thêm tin tức về Bảo. Thì ra Bảo vượt biên năm tám hai, sau khi đi tù cải tạo 6 năm ròng rã. Đến Thái lan chàng được nhận qua Mỹ ngay sau đó, vì trong quân đội, Bảo có dính dáng đến chiến dịch Phượng Hoàng. Bảo lập gia đình khá muộn nên lúc đi con còn nhỏ. Bảo vượt biên một mình và sau đó bảo lãnh vợ con qua sau. Thanh nói em nghe anh Bảo ở tiểu bang gì đó nóng lắm. Nóng như sa mạc vậy đó. Thư đoán chắc là tiểu bang Arizona. Cơm chiều xong trời bắt đầu sụp tối. Thơ bỗng tò mò muốn biết bây giờ Bảo ra sao. Từ khi theo mẹ ra miền Trung làm ăn, Thơ không bao giờ gặp lại người bạn thời ấu thơ này lần nào nữa. Nghe cô nói muốn gọi cho cô Hạnh, Kim Anh vội bấm số điện thoại. Có tiếng a lô ở đầu giây bên kia. Kim Anh nói:
- Cô Hạnh ơi, con là Kim Anh đây. Chú Bảo ở đó không cô? Có người quen muốn nói chuyện với chú ấy nè.
Kim Anh đưa điện thoại cho Thơ. Tự dưng tim nàng nhảy thình thịch khi nghe một giọng trầm trầm bên kia đầu giây:
- Tôi là Bảo đây. Xin lỗi ai muốn nói chuyện với tôi vậy?
Im lặng một giây Thơ mới lên tiếng, giọng không tự nhiên lắm:
- Thơ đây anh Bảo. 
Bất ngờ đầu dây bên kia có tiếng reo đầy ngạc nhiên và vui mừng:
- Anh Thơ đó hả? Trời ơi, mừng quá!
Thơ cười khẽ, cảm động trước sự biểu lộ tình cảm quá nồng nhiệt của Bảo:
- Dạ, Thơ mới từ Canada về. Không ngờ anh Bảo còn nhớ đến Thơ...

Bảo cắt ngang:
- Quên sao được. Trong đầu Bảo, hình ảnh Thơ ngồi bàn đầu bên tay trái, mảnh mai, trắng trẻo, nụ cười tươi, cặp mắt trong veo không bao giờ phai mờ! Mà Thơ còn nhớ Bảo hả?
Lúc này Thơ đã lấy lại được bình tĩnh, nàng cũng đùa:
- Thì giống như anh. Bảo trong ký ức của Thơ là một anh chàng ốm tong teo, cao ngồng, giọng vịt đực, chỉ được cái mỗi cái núm đồng tiền trên má phải...
- Trời ơi, đến bây giờ Thơ vẫn còn nhớ cái núm đồng tiền trên má anh. Bảo đột ngột xưng anh, nhưng Thơ không thấy bực mà còn thấy...thích. Kỳ ghê! Thơ cười, chống chế:
- Tại anh là đứa con trai duy nhất trong lớp có núm đồng tiền mà. Bây giờ vẫn còn y nguyên chớ hả?
Bảo cười, giọng gạ gẫm:
- Muốn biết thì ngày mai gặp nha. Thơ muốn mình gặp nhau chỗ nào?
Thơ ngẫm nghĩ một chút rồi nói:
- Chỗ cây sung nơi bến đò hồi xưa đó. Anh Bảo còn nhớ không? 
- Dĩ nhiên là nhớ. Nhưng tiếc quá, bến đò xưa không còn nữa, thay vào đó là căn nhà cháu của anh. Con gái chị Hạnh đó. Cháu có cất thêm một nhà mát phía sau nhìn ra sông thơ mộng lắm. Sáng mai 7 giờ mình gặp nhau ở đó nha. Anh mời Thơ ăn sáng. Trời ơi, chắc đêm nay anh mất ngủ quá. Thật tình rất nôn nóng gặp lại Thơ. Lúc này Anh Thơ ra sao? Vẫn trắng trẻo, mảnh mai như xưa?
Thơ cười dòn:
- Thơ mảnh mai chỉ còn trong trí tưởng tượng của anh Bảo thôi. Thơ bây giờ tròn như hột mít. Mai gặp đừng thất vọng nha. Còn anh Bảo có giống cây tre miễu như hồi xưa không?
Bảo trả lời, giọng bí mật:
- Không tiết lộ. Ngày mai gặp sẽ thấy.

Hai người nói chuyện thêm một chút thì Thơ cúp máy. Ở nhà quê mọi người đều đi ngủ sớm. Thơ nằm trăn trở, những kỷ niệm xưa tràn ngập trong đầu. Cuối cùng nàng phải ngồi dậy uống nửa viên thuốc ngủ. Thơ không muốn thức trễ hoặc mất ngủ cả đêm, mặt mày hốc hác, xấu xí. Dù gì cũng là lần đầu... hội ngộ với cố nhân. Rồi thì bản hòa tấu đều đều của lũ ếch nhái ngoài vườn cũng đưa Thơ vào giấc ngủ đầy mộng mị. Nàng mơ hồ nghe có tiếng gà gáy, nhưng ảnh hưởng của thuốc khiến Thơ ngủ luôn tới sáng. Mới 6 giờ mà Kim Oanh và vợ chồng Kim Nhung đã thức. Thơ mở cửa sổ cho ánh bình minh ùa vào phòng. Có tiếng chim hót véo von trong vườn. Buổi sáng trời mát dịu, không khí thơm mùi ngọc lan khiến Thơ nhớ đến cái hẹn với Bảo sáng nay. Đánh răng rửa mặt xong Thơ đi ra phòng ăn. Cả nhà đang ăn sáng. Kim Nhung đang múc từng muỗng cháo đút cho mẹ. Bà Thiên đã hơi tỉnh táo, nhận ra cô em chồng dù chưa nói được. Nhưng ánh mắt bà nhìn Thơ đã có hồn. Thơ cầm hai bàn tay chị dâu bóp nhè nhẹ và dịu dàng chúc bà một ngày bình an, vui vẻ. 

Biết Thơ được mời nên Kim Oanh không chuẩn bị đồ ăn sáng cho cô. Nhưng mùi cà phê thơm phức khiến nàng không nhịn nỗi:
- Oanh cho cô một ly cà phê. Thức dậy mà thiếu thần dược này là cô không làm gì ra trò. Ngày phải đúng 3 ly!
Kim Oanh bưng ly cà phê phin đặt trước mặt Thơ:
- Con biết rồi nên trước khi về đây con đã mua cà phê xay sẵn chánh hiệu Pháp quốc đó cô.
- Con nhỏ này giỏi! Thơ khen - đứa nào có phước mới cưới được cháu cô đó nghe.
- Thôi cô ơi. Con thấy ở vậy sướng hơn, chẳng bị ràng buộc chồng con gì cả. Muốn đi đâu, muốn làm gì cũng chẳng bị ai có ý kiến ý cò phiền phức.
Thơ trêu cháu:
- Nói thì dễ lắm. Cô chỉ sợ lúc gặp người vừa ý con cũng sẽ bất chấp ý kiến ý cò của người chung quanh. Thôi cô đi thay đồ rồi đến nhà con gái chị Hạnh. Kim Oanh chỉ đường cho cô nha.
- Để con dẫn cô tới đó. Gần đây thôi mà. Gặp lại chú Bảo cô nhớ đừng khóc nha cô. hihi
Thơ cười hì hì:
- Cô chỉ sợ chú Bảo khóc vì thất vọng. Cô bây giờ già khằn, xấu xí như ma lem.
Kim Nhung giờ mới lên tiếng:
- Nói thật lòng, con chỉ mong được xấu xí như cô! Nhìn cô ai dám nói cô đã năm mươi. Cô mướt rượt như con gái!

Tuy ngoài miệng nói "mấy đứa chỉ nịnh cho cô vui" nhưng trong lòng Thơ cũng nở hoa. Nàng biết mình không xấu. Tuy nhiên sắc đẹp tùy người đối diện. Người này thấy đẹp, nhưng có thể người kia thấy xấu. Nhưng xấu đẹp thì đã sao? Thơ là Thơ. Bảo thấy nàng đẹp hay xấu cũng không quan trọng. Chàng chỉ là "người bạn thời niên thiếu" thôi mà. 
Thấy cô bước ra, hai đứa cháu đều buột miệng:
- Cô đẹp quá cô ơi. Cháu là đàn ông cũng sẽ mê cô tít thò lò!

Mà thật vậy, trong chiếc quần bó bằng thun đen, chiếc áo ngắn tay màu kem có những nụ hồng hàm tiếu nho nhỏ trang nhã, cổ hở vừa phải làm nổi bật làn da trắng mịn của chiếc cổ thon dài. Gương mặt trang điểm phơn phớt và mái tóc cắt ngắn chấm vai đơn sơ, khiến Thơ như một cô gái mới ngoài ba mươi. Nhờ chăm chỉ tập thể hình nên con người Thơ vòng nào ra vòng nấy. Đôi khi đứng với bé Kim, nhiều người còn không phân biệt được ai là mẹ, ai là con...và dĩ nhiên là từ khi chia tay Khương, ong bướm cũng dập dìu, nhưng Thơ chưa từng rung động trước một ai.


Hai cô cháu đi trên con đường sát bờ sông. Bây giờ hai bên nhà cửa san sát nên không còn nhìn thấy giòng sông như trước. Thuở xưa, mé bờ sông chỉ có cây cối mọc chen chúc chứ không có nhà ở. Từ nhà ông nội đi ra con đường đất, quẹo tay phải là bến đò chú Nhiên. Có cây sung già thân chi chít trái màu xanh ngọc. Cây sung tỏa bóng mát cho những hành khách chờ đò. Dưới gốc sung có cái sạp bán nước uống và vài loại bánh kẹo. Đi xa hơn là ngôi Đình làng cổ kính, tọa lạc gần Vàm sông Cái. Tụi học trò thỉnh thoảng cũng kéo lên đây chơi, vì trong khu vườn có vài cây sa bô chê, lúc chín ai hái cũng được.
Tới trước căn nhà gạch khá đẹp, có cổng sắt kiên cố, Kim Oanh nói:
- Nhà con gái cô Hạnh đây cô. Cô cứ vô chơi. Con phải về vì có khách hẹn. Trưa cô về nhà ăn cơm với tụi con.

Nói xong, Kim Oanh kêu với vào trong nhà. Một cô trạc tuổi Kim Oanh chạy ra mở cổng, tự xưng là Lệ Lan, lễ phép mời Thơ bước vào. Trong nhà bày biện tủ thờ, salon, bàn ăn bằng gỗ quí cẩn xà cừ lộng lẫy, chứng tỏ gia chủ làm ăn khấm khá. Hỏi ra mới biết chồng Lệ Lan buôn bán vật dụng xây cất. Khá là phải, vì lúc này ai cũng thích sửa sang nhà cửa. Lệ Lan đưa thơ đi thẳng ra phía sau. Người đàn ông dáng cao dong dõng, mặc cái áo polo ngắn tay màu xanh dương đậm, đang đứng dựa tay vào lan can, nhìn qua bên kia bờ sông, nghe tiếng bước vội quay lại. Ông ta hoàn toàn xa lạ với cái nhìn đầu tiên của Thơ, tới khi thấy nụ cười khoe núm đồng tiền trên má là Thơ nhận ra ngay người bạn cũ. Bảo bước tới nắm nhẹ hai bàn tay của Thơ, nghiêng đầu ngó nàng giọng đầy cảm xúc:

- Trời ơi gặp lại Anh Thơ mừng quá! Thật không ngờ còn có ngày này. Ngoài sức tưởng tượng của anh!.
Thơ mỉm cười:
- Thơ cũng vui lắm. Hơn ba mươi năm mới gặp lại anh. Cũng vẫn "cây tre miễu" như xưa. Thơ thay đổi nhiều phải không anh?
- Thơ còn đẹp hơn anh tưởng tượng nhiều. Vậy mà tối qua nói giống hột mít. Làm anh cứ tưởng...
- Cứ tưởng sẽ gặp một bà nái xề phải không?
- Nhưng cặp mắt và nụ cười vẫn không thay đổi. Thơ cười là anh nhận ra ngay. Hồi xưa nhiều thằng trong lớp thú thật với anh là tụi nó "mết" nụ cười của Thơ đó. Bé tí mà đã lộ vẻ quyến rũ rồi!
Cả hai cười xòa. Bảo tự nhiên cầm tay Thơ kéo đến chiếc bàn gần đó. Chỉ có hai chiếc ghế mây, với nệm ngồi êm ái. Thơ thắc mắc:
- Chỉ có hai đứa mình thôi sao? Còn vợ chồng Lệ Lan?
Bảo nhìn Thơ với ánh mắt không giấu được vẻ nồng nàn:
- Sáng nay chỉ có hai đứa mình. Vợ chồng Lệ Lan phải ra tiệm.

Bảo cố tình nhấn mạnh "hai đứa mình" khiến Thơ không khỏi đỏ mặt, nhưng trong lòng bỗng nhiên thấy vui vui. Ừ thì hai đứa mình. Vui ít hôm có sao đâu. Rồi ai về nhà nấy, sống nốt kiếp đọa đầy!
Lệ Lan bưng 2 tô bánh canh cua nóng hổi và 2 phin cà phê đặt trước mặt Bảo và Thơ rồi chào:
- Cô Thơ và cậu Bảo cứ ở đây chơi thoải mái. Con phải ra tiệm phụ với chồng con chiều mới về. Thôi con xin phép cô và cậu.
Trong khi ăn Thơ kể cho Bảo nghe hoàn cảnh gia đình mình và hỏi Bảo sao không thấy bà xã về chung. Bảo nhìn ra giòng sông loang loáng nắng, giọng buồn buồn:
- Bà xã anh mất gần bốn năm rồi. Cô ấy bị bịnh tim. Cứ lo làm ăn mãi không chịu đi kiểm tra dù đã thấy sức khỏe không được tốt. Đến lúc bị ngất nhiều lần mới chịu đi khám, thì bệnh đã nặng rồi. Có giải phẩu, nhưng cũng chỉ được hơn một năm thì mất. Anh còn hai đứa con song sinh, một trai một gái. Chúng đang học năm đầu đại học và rất ngoan. Sở dĩ anh về là để thăm má anh. Bà vừa bị trụy tim tưởng chết. Nhưng may quá cơn nguy kịch đã qua. Anh cũng có nghe nói chị hai Thiên bị stroke khá nặng. Chắc bữa nay chị ấy cũng khá rồi phải không Thơ?
Thơ thở dài, giọng đầy xót xa:
- Người lớn tuổi sống trong xã hội này không biết chết nay sống mai ra sao nữa. Thơ từ Canada về là cũng để lo cho chị Thiên. Bữa nay chị ấy hơi tỉnh táo một chút. Chỉ còn một tuần nữa là Thơ phải trở lại Montréal. Bỏ tiệm lâu quá không được. Chừng nào anh Bảo trở về Mỹ?
- Anh cũng còn một tuần nữa thôi. Anh lấy 2 tuần nghỉ thường niên và một tuần nghỉ không lương. Về để còn đi cày nuôi con. Anh bây giờ thân gà trống nuôi con, nhiều khi cũng oải lắm! Mà lạ, càng buồn anh càng nhớ về dĩ vãng. Nói ra không biết em có tin không, nhưng trong rất nhiều giấc mơ, anh thấy mình sống lại thuở còn nhỏ ở đây. Thấy mình tắm lội thỏa thuê trong giòng sông này. Trong giấc mơ có Thơ, Lành và cả thằng Mạnh. Y như ngày xưa. Em có bao giờ mơ thấy giống như anh không Thơ?

Thơ đứng lên tỳ tay vào lan can, đưa mắt nhìn giòng nước lấp lánh dưới ánh mặt trời. Một vài đám lục bình đeo trên lưng những bông hoa tím, lười biếng trôi.
- Không hiểu tại sao em có cảm tưởng như con sông này ngày nay thu hẹp lại rất nhiều. Hay tại ngày xưa mình nhỏ quá nên nhìn vật gì cũng thấy lớn? Em nhớ tụi mình với con Lành, thằng Mạnh lội rất lâu mới tới bờ bên kia. Lội qua đó để hái cây bòng bong mọc dọc theo bờ nước, chà lên người nổi bọt giống như xà bông. Sau đó còn hái trộm mận, bẻ trộm mía rồi lội về bên này ăn với nhau. Vui ơi là vui. 
Bảo cười lớn:
- Có lần thằng Mạnh hái mận nhiều quá, đội cái rổ trên đầu, bơi có một tay suýt chìm theo giòng nước. May có chú Hiến lôi nó lên đò. Hôm đó nó còn bị một trận đòn tơi bời! Giọng chàng bỗng chùng xuống, Mạnh bị mất tích trong trận Hạ Lào. Tội nghiệp nó mới cưới vợ được mấy tháng. May mà chưa có con. Trong thời chiến, sinh mạng con người như chỉ mành treo chuông! Ngày nào cũng có vài ngàn tử sĩ. Anh thật may mắn sống sót cho đến ngày tàn chiến tranh. Tuổi thơ đã qua, nhưng kỷ niệm thì như khắc vào tim không bao giờ phai nhạt.

Thơ cũng cất giọng ngậm ngùi:
- Giòng sông này chứa biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn của tụi mình thời thơ ấu. Cũng như anh, Thơ thường nằm mơ thấy nó. Thấy cả cây dừa lửa chú Bảy của Thơ trồng sát bờ sông. Những quày dừa màu đỏ, nước ngọt lịm như pha đường. Cả cái bò thả xuống sông chất đầy chà, cứ hai ba ngày chú bảy kéo lên. Cá tôm cả thúng giạ nhảy soi sói. Thơ còn nhớ những hôm nước ròng, mấy đứa tụi mình chạy đuổi theo mấy con cá nhỏ tí tẹo, có sọc đen rất đẹp. Những con cá này lội nhanh như tên bắn, nên cả bọn vừa chạy theo vừa reo hò vang cả bờ sông mà chẳng bắt được con nào! Nhớ lại vui thật là vui. Thương quá giòng sông chứa đựng cả tuổi thần tiên của chúng mình phải không anh. Dĩ nhiên Thơ chưa bao giờ quên những kỷ niệm đó.

- Sau khi em theo cô chú Tân ra miền Trung, anh cũng mất cả hứng thú đi chơi với bọn thằng Mạnh con Lành. Anh nhớ Thơ rất lâu...rất lâu mới nguôi ngoai. May mà năm sau anh xuống Cao Lãnh học Trung học. Rồi giòng đời cũng trôi như giòng sông. Khi Thơ về đây thăm ông bà nội thì anh lại đang ở Sài Gòn và chúng mình đã không còn cơ hội nào gặp lại nhau nữa. Nhưng chuyện đời bao giờ cũng có những "bất ngờ" thú vị phải không em? Vừa nói Bảo vừa nhìn Thơ, đôi mắt chứa đựng cả một trời thương mến. Tự nhiên Thơ cảm thấy bối rối trước một thứ tình cảm nhẹ nhàng, lâng lâng và ấm áp đang xâm chiếm tim nàng. Thơ cố giữ bình tĩnh, nhưng khi bàn tay của Bảo đặt lên vai nàng Thơ bỗng run lên. Giọng Bảo dịu dàng: 

- Anh chưa bao giờ quên những ngày tháng chúng mình vui đùa bên nhau lúc còn nhỏ. Những kỷ niệm đó nằm thật sâu trong tim anh. Thỉnh thoảng nó lại trồi lên, giống như mình cất một viên kẹo, lâu lâu lấy ra mút. Cảm giác thật là ngọt ngào, hạnh phúc! Anh ao ước chúng mình nối lại tình bạn năm xưa. Biết đâu chừng...Bảo bỏ lửng câu nói, nhưng Thơ hiểu ý của chàng. Thơ im lặng vì không biết trả lời sao cho đúng. 

- Thơ, anh chỉ nói ra tình cảm của riêng anh. Thơ có toàn quyền quyết định. Hai đứa mình còn mấy ngày nữa mới chia tay. Anh muốn Thơ từ từ hiểu anh và nhất là hiểu rõ lòng mình. Chúng ta đã qua cái thời tuổi trẻ bồng bột để có những quyết định vội vàng. Nếu không có gì đi nữa thì chúng mình vẫn là bạn thân, Thơ đồng ý không?

Tất nhiên là Thơ thấy giải pháp này không tệ. Cả hai đã trải qua không ít sóng gió trong cuộc đời. Những hệ lụy đó là những trải nghiệm quý báu. Thứ tình cảm ngây thơ, trong sáng thuở nào dù sao cũng đã trôi vào quá khứ. Thôi thì hai tâm hồn đang cô đơn cứ nối lại tình bạn tưởng đã dứt từ bao nhiêu năm nay cũng tốt thôi. Ít ra là để an ủi nhau, chia xẽ nhau những buồn vui trong cuộc sống. Bắt đầu từ hôm đó Bảo và Thơ đã cùng nhau đi thăm lại tất cả những nơi mà thuở xưa cả bốn đứa thường lui tới vui đùa. Tới chỗ nào hai người cũng nhắc lại đã chơi những trò gì nơi đây, đã ăn những thứ gì ...vv...rồi cười vang, thoải mái và hạnh phúc.


Chỉ còn hai ngày nữa là Thơ phải lên máy bay trở về Montréal. Nàng rủ Bảo đi viếng lại ngôi đình cổ, nơi mà bốn đứa trước kia thường đến hái sa bô chê, vì sáng mai Thơ phải lên Sàigòn sớm. Con đường đất dẫn vào Đình làng bây giờ được lát gạch sạch sẽ. Ngôi đình cũng được tu bổ khang trang, nhờ tiền ở ngoại quốc gửi về cúng đình. Khu vườn sa bô chê ngày xưa nay được trồng thêm nhãn và chôm chôm... Sau khi bước vào trong chánh điện thắp ba nén hương trên bàn thờ Thần, cả hai ra ngoài đi dạo loanh quanh. Không khí mát rượi, yên tĩnh. Chỉ có tiếng chim hót trong các tán cây rậm. Thật bất ngờ, khi đến gần cây sa bô chê già cỗi gần miễu Thần Hổ, Bảo chợt nhớ ra một điều, vội chạy lại khom người quan sát kỹ thân cây. Chàng lặng người đi vì xúc động. Bốn tên Bảo, Thơ, Mạnh và Lành mà chàng đã dùng cái dao nhíp nhỏ xíu khắc vào thân cây ngày nào nay vẫn còn đó. Chẳng những vậy nó còn lớn lên theo sự tăng trưởng của thân cây. Bảo quay lại gọi Thơ đến xem. Nàng cũng không dấu được sự xúc động. Thơ đưa tay sờ lên bốn cái tên mà có cảm tưởng như sờ được tuổi thơ của mình. Nàng rưng rưng nhìn Bảo, muốn nói rất nhiều mà sao cứ nghẹn ngào. Bảo úp bàn tay mình lên tay Thơ, mắt nhìn nàng đắm đuối:
- Thơ không thấy đây là dấu hiệu của định mệnh hay sao? Tên hai đứa khắc ở đây, bao năm qua vẫn còn đó. Anh cho rằng cuộc đời hai đứa mình không nên chia lìa nữa.
Thơ cười, cố giấu vẻ bối rối:
- Anh giải thích có lợi cho mình quá há!
- Không phải sao. Tự nhiên Thơ và anh về cùng một lúc. Cả hai đứa mình cùng ray rứt nhớ đến giòng sông của tuổi thơ đầy kỹ niệm... Đang nói, Bảo bỗng choàng tay ôm Thơ sát vào lòng, dịu dàng hôn lên trán rồi thì thầm ... mấy ngày qua anh thấy Thơ cũng không đến nỗi lạnh nhạt với anh, phải không?

Thơ bất ngờ bị ôm hôn không khỏi giật mình bối rối, nhưng hơi ấm từ người Bảo khiến nàng cảm thấy thật dễ chịu, ngất ngây. Thơ chỉ còn đủ sức đưa mắt nhìn Bảo và...gật đầu. Không để mất một giây, môi chàng đã gắn liền môi Thơ đang hé mở. Nụ hôn dài, nồng nàn khiến cả hai trái tim đập rộn ràng. Lúc Bảo buông ra, Thơ phải tựa vào cây sa bô chê mới đứng vững, đôi má đỏ hồng. Bảo cười khẽ, ngón tay vờn trên đôi môi của Thơ:
- Chưa bao giờ anh thấy Thơ đẹp như lúc này. Thơ ơi, anh có đang nằm mơ hay không? Nếu là mơ thì chính là giấc mơ đẹp nhất đời anh. Được em yêu là hạnh phúc lớn nhất mà anh chưa bao giờ có.

Trước những lời tỏ tình chân thành của Bảo, Thơ vừa cảm động vừa thẹn thùng, chỉ biết ngước cặp mắt đầy thương yêu nhìn chàng. Hai người cứ đứng như thế, tay trong tay, lắng nghe tiếng lòng dạt dào, tựa như giòng sông ngoài kia đang êm đềm chảy. Bảo và Thơ phải nhớ ơn giòng sông, dù có sống cách xa vạn dậm...Nhờ nó mà hai người có với nhau biết bao kỷ niệm đẹp.

Kim Oanh mời Bảo đến dùng bữa cơm chiều với gia đình. Suốt bữa cơm, dù cố che dấu nhưng vẫn không qua mắt được một ai, vì hai chữ hạnh phúc hiện lồ lộ trên mặt hai người. Kim Oanh nói tỉnh bơ:
- Cô ơi, khi nào cô và chú Bảo làm đám cưới nhớ báo tin cho tụi cháu biết đó nha.
Thơ mắc cở, vói tay qua giả bộ cốc đầu Kim Oanh "Con nhỏ nhiều chuyện!" nhưng mắt lại nhìn Bảo đầy âu yếm.
Bảo cười cười và chậm rãi nói:
- Dĩ nhiền rồi. Các cháu không đợi lâu đâu. Phải không Anh Thơ?

Tiểu Thu
Mùa hè 2015

Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2016

Elvis Phương - Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang - Thu Âm Trước 1975


Cảm Tác Thơ: Quên Đi
Thơ Tranh: Kim Oanh


Sáng Tác: Phạm Duy & Ngọc Chánh
Tiếng Hát: Elvis Phương

Nỗi Buồn Trí Thức

Gươm sách tám năm quay trở lại
Cũng buồn như lúc mới đi thôi
(Nguyễn Thượng Hiền)

Trí thức là giống nòi tình. Mà càng nhiều tình thì càng buồn. Nguyễn Trãi là nòi tình thứ thiệt:

Chiếc thuyền lơ lửng bên sông
Biết đem tâm sự ngỏ cùng ai hay

Từ những tranh đấu với bọn nguỵ trí thức Nguyễn thúc Huệ cho đến án oan vườn vải, ta thấy cụ chẳng có ai tri kỷ, chẳng có niềm vui bao nhiêu! Chỉ thấy buồn và buồn thôi! Rồi đến cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, cuộc đời nhiều bất mãnn, và sau khi cụ chết, người ta xuyên tạc, tô vẽ nhiều vẻ. Nhưng đọc thơ cụ thì chỉ thấy cụ bạn với…. đàn âu! Vì thời không phải thời Ngu, Chu nên cụ chỉ biết vui cùng trăng gió:

Phong lai giang quán lương nghi hạ
Nguyệt đáo thư lâu minh chính thu

Những thời xa xưa này, không biết nguyên văn truyền lại được bao nhiêu! Thôi … rà tới thời Nguyễn cho chắc ăn! Sách vở của Cao Bá Quát chắc chắn là vua nhà Nguyễn đã ra lệnh thiêu huỷ (!) . Nhưng người ta vẫn khẩu truyền, sưu tập. Theo sự rà tìm, sưu tập của tôi thì Cao bá Quát oan lắm! đau lắm! buồn lắm! NHững người tri kỷ như Tùng Thiện Vương, Nguyễn Hàm Ninh thì … có được bao nhiêu! Nhưng số người ghen ghét và hận ông thì nhiều! Vụ giặc châu chấu là ông bị tên Tổng Đốc Nghi hãm hại (!) Tên này một lần tới yết kiến Tùng Thiện Vương, hắn sụp lây Vương trong khi Cao ngồi vắt vẻo ngang hàng Vương và … coi thường hắn (!) ( Cao làm giáo thụ Quốc Oai, Trong khi hắn làm Tổng Đôc Hà Nội , tội gì không trả thù !!! ). Đọc những bài thơ Cao làm khi ở Kinh Thành thì ta chẳng thấy hơi hám của một tên thích làm loạn:

Kiến thuyết Kim Môn cơ bất tử
Tuế tinh trường luyến Thánh Minh triều

Bao nhiêu chuyện hắc ám do quyền thần, nịnh thần gây ra khiến ông chán chuyện người đến nỗi khi dạy học thì đem văn cùng học trò ra sườn núi bình để giun dế nghe! Cũng một phấn để giải tỏa stress trong phòng học nhếch nhác, tang thương:
Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái

Nguyễn Thượng Hiền tuổi trẻ tài cao, đậu sớm, rể của phụ chánh đại thần Tôn Thất Thuyết … nhưng buồn lắm. Trước thế nước nghiêng ngửa, chàng không nịnh quan, không ham công danh, lại đi chơi với những cậu ấm tàng tàng như Nguyễn Lộ Trạch, Trương Gia Mô! Chàng vào Nam ra Bắc, cuối cùng theo bạn Phan Bội Châu sang Tầu. Sau khi bạn thất bại, chàng vào chùa ở Hàng Châu đi tu.
Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim chả biết buồn vui như thế nào? Nhưng chắc là tâm sự ngổn ngang lắm khi một người nhường quyền bính vì muốn tránh cảnh huynh đệ tương tàn , một người đành ở lại núi rừng vui cảnh heo hút, không chịu về thành phố hưởng tiện nghi văn minh ! Trần trọng Kim viết hồi ký “ Một Cơn Gió Bụi “ với giọng cảm khái đầy nỗi buồn. Còn Bùi Kỷ, ngồi chơi xơi nước, dịch sách cổ, chắc cụ cũng buồn với Nguyễn Du

Giang hồ lang miếu một thân
Dật dân bỗng hóa hàng thần, lạ thay


( Nguyễn Du buồn nghe tiếng tiêu dưới ánh trăng ở Thăng Long, than rằng 300 năm tới không biết có người khóc mình không? Nhưng may cho cụ, chỉ 100 năm thôi đã có người tri kỷ )
Hai vị trí thức cỡ bự khác; Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo hăm hở đem tài ra giúp dân , giúp nước , nhưng cuối cùng bẽ bàng, buồn thảm trước cảnh hàng thần! Tâm sự của hai ông đành gửi vào Tiếng Trong Đêm và Lời Trăn Trối Cuối Cùng.

Bình Nguyên Lộc viết Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt! thất bại thảm thương, ít người đọc lắm, mà người chê , chửi thì nhiều! Nhiều điểm tôi không đồng ý, nhưng tôi rất trọng tấm lòng của ông, rất khâm phục lòng can đảm của ông, và … rất đồng ý cái kết luân: Nguồn gốc Mã Lai. Quả là như thế, ta có nguồn gốc Nam Phương chứ không hề là người Hoa. Nhưng buồn thay, những người đồng í với ông ít lắm! Cuốn lột trần Việt Ngữ cũng thế ! Không biết ông có buồn không , nhưng về gìa ông sang Mỹ chữa bệnh và chết tại đó. Chết tại nước người đối với một người như Bình Nguyên Lộc thì … dĩ nhiên là buồn rồi!!!
Tạ Chí Đại Trường và Nguyễn Thế Anh cũng cùng chung số phận. Tạ Chí Đại Trường viết sử như là nó có, chứ không viết sử như là mình muốn. Tôi khoái nhứt là hai chương ông viết về đời Lý và Trần. Hai đời này đã không văn minh rực rỡ như người ta tưởng. Đặc biệt như tên Lý Thường Kiệt . Ông nói thời đó tên nôm na lắm! Thường có thể đọc là Thằng, Kiệt có thể đọc là C..! Tôi đồng ý quá đi chứ, nhưng … viết như thế mà người ta không chửi mới là lạ!!!

Ông Nguyễn Thế Anh nào có bênh vực nhà Nguyễn nhiều, ông chỉ nói công trạng của các vua đầu Nguyễn, nhưng bị người ta ném đá ào ào! Ôi! Người ta quen cái mửng thiểu số phục tùng đa số! Chắc người ta tin 10 người học lớp 2 thì sẽ đúng hơn người học lớp 12.
( Tôi nhớ hình như ông Anh phủ nhận cái “ hiệp ước “ nhường Côn Sơn cho Pháp. Ôi! Làm sao có thể có cái hiệp ước quái đản như thế! Gia Long lúc đó chỉ là một tên cù bơ cù bất: Không một dúm quân, không một tướng giỏi, không một xu teng. Ông lại không phải là giòng chính ! Đã giòng phụ , lại là con thứ nữa !!! Đại Hoàng Đế nước Đại Pháp ký hiệp ước với một tên trên răng dưới giái như thế sao !!! )
Tạ Chí Đại Trường và Nguyễn Thế Anh sống tha hương bên trời, không thấy viết nhiều nữa (?) tiếc thay, tiếc thay!
Ai mà hiểu thấu nỗi buồn của Bùi Tín khi viết Hoa Xuyên Tuyết! Ai người chia sẻ tâm tư với Vũ Thư Hiên với Lời Xưng Tội Lúc Nửa Đêm! Chỉ có những người bị nỗi buồn gặm nhấm từng đêm mớ cảm thông cùng Bùi Tín và Vũ Thư Hiên.


Ôi ! Qua bao nhiêu phong ba bão táp, bao nhiêu gió bụi, bao nhiêu mây mù, người ta mới thấm thía nỗi vạn cổ sầu, và người ta càng trân trọng nỗi buồn của các vị trí thức thứ thiệt.
Bà Dương Quỳnh Hoa chắc cũng cảm thông nỗi buồn của luật sư Nguyễn Hữu Thọ khi bà tâm sự với ông về “ thân phận chúng mình “
Hoàng Tố Nguyên cô đơn mênh mông,buồn da diết:

Đêm đêm nằm đếm tóc
Nghĩ thẹn kiếp phù sinh

Bởi chung quanh ông thì:

Gái trai cười phấn lụa
Cao hát khúc ân tình
Còn mong gì tuyết trắng
Mà dâng hồn thơ xanh

Ông nhắm mắt nghĩ về nơi xa xôi . Thì những người bạn ông …đi … về đâu:

Trăng liềm chênh chếch đổ
Về phương nào đó anh

7-1-2016
Chân Diện Mục