Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016

Chiếc Lá Cuối Cùng - Tuấn Khanh - Sĩ Phú


Cảm Tác Thơ: Cao Linh Tử
Thơ Tranh: Kim Oanh


Nhạc Sĩ: Tuấn Khanh
Ca Sĩ: Sĩ Phú
Thực Hiện Youtube: Vongngayxanh

Tình Quê Đồng Tháp


Hai mùa nắng ấm rọi tầng không
Thấm nhuộm phù sa đẫm sắc hồng
Đất mảnh phèn sâu sen bát ngát
Quê vùng hạc đỏ nước mênh mông
Vườn cây trĩu nặng ven sông Cửu
Ruộng lúa bao la trải mặt đồng
Hãy đến nơi này xây ước mộng
Nghèo nêm mặn nghĩa đắm hương nồng!

 Nguyễn Đắc Thắng

Tầm Ung Tôn Sư Ẩn Cư Lý Bạch (701 - 762)


Tầm Ung Tôn Sư Ẩn Cư - Lý Bạch (701 - 762)

Quần tiễu bích ma thiên, 
Tiêu dao bất kế niên. 
Bát vân tầm cổ đạo, 
Ỷ thụ thính lưu tuyền. 
Hoa noãn thanh ngưu ngoạ, 
Tùng cao bạch hạc miên. 
Ngữ lai giang sắc mộ, 
Độc tự há hàn yên.
Lý Bạch

Dịch Xuôi: Tìm Nơi Ở Ẩn Của Ung Tôn Sư 
PKT 12/30/2015 
(Đường lên núi )
Rặng núi lô nhô xanh biếc chạm trời
Người ở ẩn tiêu dao chẳng cần biết đến năm tháng trôi qua 
Lần rẽ mây nổi để tìm lại con đường cũ 
Đứng dựa vào cây nghe tiếng nước chảy mà tìm được đến nhà bên khe suối
(Đến nơi) 
Con trâu xanh nằm bên rặng hoa nở trong nắng ấm
Con hạc trắng ngủ trên cành thông cao
Mải chuyện trời sập tối trên sông lúc nào không hay 
Một mình xuống núi trên đường về đi vào vùng sương khói lạnh 

Phụ Chú: 
Thanh ngưu = trâu xanh. Lão Tử viết xong Đạo Đức Kinh ,cưỡi con trâu xanh đi mất biệt. Có thuyết cắt nghĩa "thanh ngưu " là một loài sâu màu xanh có 2 sừng nằm trong nhị hoa.Ở đây, xin được hiểu, thanh ngưu bạch hac, (trâu xanh hạc trắng) là phương tiện di chuyển của các bậc thần tiên xưa.

Lên Núi Thăm Thầy 
PKT 12/30/2015
Núi xanh cao ngút ngọn
Ngày tháng chốn cheo leo
Lối cũ vén mây nổi
Chốn xưa nghe suối reo
Trâu xanh sưởi nắng ấm
Hạc trắng ngủ thông cao 
Mải chuyện quên chiều xuống
Người về dưới ánh sao

Phạm Khắc Trí
***
Lên Núi Thăm Thầy 

Núi nhấp nhô xanh rì cao ngất
Mãi giang hồ quên mất tháng năm
Vén mây lối cũ tìm thăm
Dựa cây lắng tiếng thì thầm suối ca
Trâu xanh nằm bên hoa tắm nắng
Trên cành thông hạc trắng ngủ say
Chuyện trò sông nhạt chiều phai
Một mình xuống núi khói bay lưng đèo 


Mailoc
***
Tìm Đến Nơi Thầy Ở Ẩn

Xanh biếc lô nhô núi chạm trời
Tiêu dao năm tháng kể chi đời
Rẽ mây đến được đường lưu dấu
Theo suối tìm thăm chốn ẩn người
Trong nhuỵ, sâu xanh nằm ấm áp
Trên tùng, hạc trắng ngủ chơi vơi
Bên sông, chiều xuống ai nào biết
Xuống núi một mình, sương tuyết rơi....

Phương Hà phỏng dịch
***
Đến Nơi Ở Ẩn Của Thầy Ung


Núi biếc ngất trời xa
Chơi quên năm tháng qua
Vén mây tìm lối cũ
Tựa gốc lắng khe ca
Hoa ấm sâu ngơi nghỉ
Tùng cao hạc gật gà
Chiều về mê chuyện mãi
Giờ khói lạnh mình ta.


Quên Đi
***
Đường Lên Núi Ẩn Cư Của Tôn Sư

Non xanh núi biếc nhấp nhô trời,
Ở ẩn thời gian chẳng bận trôi...
Cỏ lấp đường xưa mây trắng phủ,
Suối reo lối cũ thấy nhà nơi.
Nắng ấm trâu xanh hoa vẫn nở,
Thông cao hạc trắng ngủ mơ đời.
Bên sông chuyện vãng quên trời tối,
Xuống núi đêm về lạnh bóng tôi...

Mai Xuân Thanh

Ngày 31 tháng 12 năm 2015

Ý Thức Về Ký Hiệu Học - Kỳ 2

 Tùy luận 

Lời Giới Thiệu: Bài Ý Thức Về Ký Hiệu Học gồm có 10 phần. Sẽ đăng liên tiếp để độc giả tiện theo dõi. Bài này trích từ sách: Xa Lộ 21: Tư Tưởng Văn Học Dẫn Vào Thế Kỷ do nhà thơ Ngu Yên giới thiệu, nhận định và áp dụng những lý thuyết mới về văn chương và ngôn ngữ từ giữa thế kỷ 20 sang thế kỷ 21. 

Phần Hai
Giới Thiệu Ngắn: Lý Thuyết Ký Hiệu Học

Un cheval s'écroule au milieu d'une allée 
Les feuilles tombent sur lui 
Notre amour frissonne 
Et le soleil aussi. 
( L'Automne. Jacques Prevert.)

Giữa đường ngựa ngã quỵ
Lá rơi phủ lên mình
Tình đôi ta run rẩy
Run cả ánh mặt trời.

Đây là bài thơ ngắn, chỉ có bốn câu, rất dễ nắm bắt toàn bộ ý thơ, nhưng đọc đi đọc lại, ngẫm nghĩ, dường như có ít điều không rõ: Hai câu đầu và hai câu sau tạo ra hai tứ cảnh, có sự liên hệ vừa mơ hồ vừa nghi ngại.

Với tựa đề "Mùa Thu", đã cho người đọc một khung cảnh tổng quát, những chi tiết thường xảy ra trong mùa này và những ý niệm mà mùa thu thông thường cưu mang. Câu thơ đầu tiên cho thấy một chuyện gì không tốt, điềm không lành sẽ xảy đến, dù chưa thật sự hiểu con ngựa làm gì trong bài thơ. Nó là một cảnh tượng thực tế được trông thấy hoặc nó là một biểu tượng?

Lá rơi, nghĩa là mùa thu đã chín, đã khô lá, cái đẹp của thu đang tàn phai. Ngựa kiệt sức, ngựa bất tỉnh hoặc đã qua đời, lá phủ lên, ngựa không cử động. Hai câu thơ đầu tạo ra tứ cảnh mất mát chia lìa. 

Tình run rẩy, lo âu, vì dự cảm những gì sắp xảy ra. Tứ này dễ cảm nhận. Nhưng Mặt trời cũng run rẩy, cũng lo âu, ông muốn ám chỉ gì đây? Mặt trời biểu tượng cho điều gì?

Đọc thơ để cảm nhận cái đẹp cái hay là đủ, nhưng nếu tìm hiểu bài thơ rõ hơn, cái đẹp cái hay càng gia tăng. Charles Peirce cho rằng, đọc thơ và nhận thức, cảm bài thơ ở giai đoạn này chỉ là tầng lớp đầu tiên về hiểu biết một điều gì. Không thể hiểu biết rõ ràng nếu dừng lại nơi đây.

Nhà nghiên cứu, nhà phê bình văn học, đi vào bài thơ theo lối xưa, thường căn cứ vào ý nghĩa của chữ, câu và những liên quan đến tiểu sử, cuộc đời của thi sĩ. Sau khi trường phái tâm lý học của Freud và Jung ngự trị, nghiên cứu phê bình thường mang tâm lý học mổ xẻ tâm lý tác giả.

Đến giữa thế kỷ 20, khi những học thuyết mới, khoa học hơn, kỹ thuật hơn, cụ thể hơn như Ký Hiệu Học (Semiotics/Semiology), Cấu Trúc Luận Structuralism) , Giải Cấu Trúc (Deconstruction/ Post-structuralism), Thuyết Văn Hóa Tương Đối (Cultural Relativism), Nhận Thức Luận (Epistemology), Kết Cấu Luận (Constructionism), Thuyết Đa Nguyên( Pluralism), Thuyết Độc Giả Cảm Ứng (Reader-response Criticism), Thuyết Marxist (Marxist Criticism), Phê Bình Phản Đề (Antithetical Criticism), Phân Tích Tương Phản (Constrastive Analysis), và những quan niệm tiền phong mở đầu thế kỷ 21, đi vào văn chương: truyện, kịch và thơ bằng văn bản với những 'mẫu hình'( paradgm), những 'diễn pháp' (syntagm) và 'cái biểu hiện' (signifier) và 'cái được biểu hiện' (signified). Bên cạnh là những dự đoán từ sự đô hộ của điện tử, vi tính, robots; từ tình hình bạo động của thế giới; từ quyền lực chính trị kinh tế sôi động, sẽ dẫn đến những lý thuyết khác trong thế kỷ 21. Những lý thuyết mới từ giữa thế kỷ 20 mang đến cho văn học thế giới một cách nhìn lột trần những huyền thoại, những niềm tin cuồng tín trong văn chương và giúp cho phê bình cùng sáng tác có nhiều ý thức hơn về vị trí và giá trị ngôn ngữ trong hệ thống diễn đạt.

Vậy thì, những lý thuyết này giải mã bài thơ Mùa Thu của Jaques Prevert ra sao? 

Hãy bắt đầu bằng Ký Hiệu Học.

Ký Hiệu Học bắt nguồn từ triết gia René Descartes (1596-1650) và John Locke (1632-1704). Từ sự phân chia vũ trụ ra hai thành phần: vật chất và tinh thần. Decartes cho rằng tinh thần với tư tưởng và suy nghĩ là sự hiện hữu. Những đối tượng bên ngoài đều tái hiện trong tâm trí con người, gọi là "ý nghĩ". Mở rộng hệ thống tư duy này, John Locke cho rằng sự mô tả về mỗi ý nghĩ như một phó bản của cảm giác hoặc như một phản ảnh trong diễn trình hoạt động của tâm trí. Trong "Essay Concerning Human Understanding", John Locke đã trình bày rất khoa học về ký hiệu (signs) là ngôn từ đại diện cho ý nghĩ về ngoại cảnh và dùng để giao thiệp và thông đạt. Quan điểm này trở thành nguồn gốc cho những học phái về ký hiệu xuất hiện giữa thế kỷ 20.

Một trong hai người đặt nền tảng cho Ký Hiệu Học (Semiotics) là triết gia Hoa Kỳ, Charles Sanders Peirce (1839-1914.). Quan điểm chính của ông là sự khác biệt giữa ký hiệu và ý nghĩ. Theo ông, ký hiệu có thể là sự suy nghĩ nhưng không phải là ý nghĩ. Ký hiệu nhận được ý nghĩa do sự suy nghĩ hoạt động và giải thích. Ví dụ, Thấy một bảng hiệu đi đường, trước hết, thấy bảng hình tròn rồi mới tiếp nhận chữ STOP. Đó là sự diễn tiến liên kết của hiểu biết.

Người thứ hai là nhà ngữ học người Pháp gốc Thụy Sĩ, Ferdinant de Saussure (1857-1913). Với chủ đích nghiên cứu sinh hoạt của ký hiệu trong đời sống xã hội, ông đã được công nhận là sáng lập viên của Semiology, tạm gọi là Ký Hiệu Giải Tích để phân biệt với Semiotics là Ký Hiệu Học. Ký Hiệu Giải Tích là một phần của Ký Hiệu Học. Có lẽ vì vậy mà người ta gọi chung là Ký Hiệu Học. 

Ký Hiệu Học bắt đầu từ ngôn ngữ, bước qua triết học, lan rộng ra nhiều lãnh vực và có tầm ảnh hưởng trong mức độ khác nhau trong đời sống.

Từ những câu thơ khó hiểu trong bài Phục Sinh của Thanh Tâm Tuyền: Tôi buồn khóc như buồn nôn [...] Tôi buồn chết như buồn ngủ [...] qua đến từ ngữ "Chân dài", nghe nói, sử dụng hàng ngày, đều có thể giải mã qua ký hiệu, để có thể hiểu rõ hơn, không những về ý nghĩa mà về những điều ngôn từ ám chỉ.

"...buồn khóc như buồn nôn" là một ẩn dụ. "Buồn nôn" tự thân có hai tín hiệu: 1- Tích cực: Quá no cần phải nôn ra cho dễ chịu; 2- Tiêu cực: cảm giác quá ghê tởm làm buồn nôn; ăn trúng độc, muốn ói; bị đánh vào bụng, muốn mửa ra. Nếu đi chung với "buồn khóc", thì phải có nghĩa tiêu cực. Muốn "khóc" vì trúng độc sự sống, bị đời hành hạ hay ghê tởm những phi lý xảy ra, hoặc cả ba đã khiến Thanh Tâm Tuyền muốn khóc như một người buồn nôn. Thường khi, người đọc dễ lầm tưởng thi sĩ đang buồn nôn. Không, thi sĩ buồn khóc. "Buồn nôn" chỉ là ý nghĩa giải thích cho "buồn Khóc". Câu thơ đó có thể giải mã trong một dãy ký hiệu khác: Tôi buồn khóc vì bị đời hành hạ, vì trúng độc cuộc sống, vì ghê tởm những phi lý, vô nghĩa đang xảy ra. 

"...buồn chết như buồn ngủ" cũng là một ẩn dụ. "buồn chết" cho thấy "buồn ngủ" trong nghĩa tiêu cực. "Buồn ngủ" là trạng thái của người thiếu ngủ, mất ngủ; mệt mỏi chán nản nên buồn ngủ; ngủ là chuyện thường xuyên xảy ra mỗi ngày. "Buồn chết" mang những ý nghĩa tiêu cực của "buồn ngủ", người đọc nhận ra ngay sự chán chường, không còn tha thiết với sự sống.

Nếu đọc toàn bài Phục Sinh (3), sẽ thấy những ký hiệu khác liên quan, liên đới với "buồn khóc buồn nôn buồn chết buồn ngủ" như: 

- tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
- cho đứa nhỏ linh hồn sợ chó dữ
- tôi thét lên cho ngui giận
- tôi thèm giết tôi
- tôi gào thét tên tôi thảm thiết
- bóp cổ tôi chết gục

tất cả những tương quan này sẽ làm rõ ý tứ bài thơ và những gì tác giả bị ám ảnh và những gì ông muốn ám chỉ.
Và cuối cùng chỉ còn tình yêu. Chính tình yêu đã cho một người đang sống như chết được phục sinh: 

em
hãy mở cửa trái tim
tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ
trong sạch như một lần sự thật.

Ký Hiệu Học (Semiotics) / Ký Hiệu Giải Tích (Semiology).

Cả hai đều có chung mục tiêu: Tìm hiểu, phân tích và giải mã ký hiệu thông đạt, bao gồm lời nói, chữ viết, những dấu hiệu, những biểu hiệu truyền thông và những phương cách diễn tả tâm tư qua cách xây dựng ký hiệu. Trên diện bình thường, cả hai có chung một tên gọi: Ký Hiệu Học. Tuy nhiên, phân tích về nội dung và kỹ thuật, Semiotics và Semiology có nhiều điểm khác nhau. Cũng có thể coi như từ nguồn gốc là sự khác biệt giữa quan niệm về ký hiệu của Peirce và quan niệm về ký hiệu của Saussure. 

Ký hiệu trong nghĩa chuyên môn, là gì? 

Charles Peirce đưa ra định nghĩa: " [...] Ký hiệu là một cái gì đại diện cho một cái khác, đối với những ai có liên quan và có khả năng tiếp nhận. Nó truyền đạt đến người nào, nghĩa là, tạo ra trong tâm trí người đó một ký hiệu tương đương hoặc sâu rộng hơn...[...]" (4). Nói một cách khác, ký hiệu biểu hiện được tái tạo nơi người thu nhận nó. Và ký hiệu tái tạo này giải thích ký hiệu biểu hiện. Trong thời đoạn khởi đầu của Ký Hiệu Học, ký hiệu bao gồm chữ, hình ảnh, âm thanh, cử chỉ và vật thể. 

Ý nghĩa của ký hiệu không nhất thiết bất thường nhưng thay đổi theo sự giải thích của suy nghĩ. Ví dụ bảng Stop thay vì hình tròn, đổi sang hình tam giác, khi thấy chữ STOP, ký hiệu đó sẽ làm cho người đi đường dừng lại, cho dù họ rất quen với bảng tròn.

Theo Saussure, Ký hiệu chỉ có giá trị khi phối hợp hai điều kiện: Bản thân của ký hiệu đại diện và ý nghĩa nó cưu mang. Không thể có một ký hiệu mà không có ý nghĩa hoặc không thể có ý nghĩa nếu không có ký hiệu đại diện. 

Ký Hiệu Học, Semiotics, từ ngữ gốc Hy Lạp, Semiotikos, nghĩa là giải thích ký hiệu. Căn bản của Ký Hiệu Học là thảo luận, nghiên cứu về chủ đề: Nhân loại đã diễn đạt và trình bày sự vật, sự kiện như thế nào. Có lẽ, Umberto Eco ( 1932- ) là người có định nghĩa bao trùm nhất, trong tác phẩm Eco (1967), ông nói: "Ký Hiệu Học quan tâm đến tất cả những gì được xem như là ký hiệu." Định nghĩa này mở rộng phạm vi nghiên cứu về ký hiệu. Về sau đã phát triển trong nhiều ngành khác. 

Những nhà Ký Hiệu Học đặt nặng sự tìm hiểu ký hiệu trong hệ thống thông đạt. Ý nghĩa và giá trị của ký hiệu thành hình như thế nào và được diễn đạt ra làm sao.

Ký Hiệu Học cố gắng giải mã những ký hiệu tập hợp, những ký hiệu liên kết, về thực chất, đặc tính, hình thái và diễn tiến khi truyền đạt. Nhìn từ bên ngoài, gần giống như Ký Hiệu Học chỉ phân tích ý nghĩa "ký hiệu/từ ngữ" như truyền thống phê bình nghiên cứu đã thực hiện trong những thế kỷ trước. Ký hiệu học nhìn từ ngữ+ý nghĩa+âm thanh của từ ngữ+hình ảnh của từ ngữ, toàn bộ như một ký hiệu. Ký hiệu có thể là một từ ngữ, một cụm từ, một câu, một đoạn, một tác phẩm v..v.. Và nhìn nó trong một toàn thể, liên quan hổ tương với các ký hiệu khác; kể cả những ký hiệu đã thuộc về quá khứ hay lịch sử nhưng có liên hệ với ký hiệu đang phân tích. Ví dụ: 

" Chân dài" là một ký hiệu gồm có: chân dài + phần nhị chi bên dưới thân thể, dùng để đi, có kích thức dài hơn mức trung bình + hình ảnh đôi chân dài.

"Chân dài" ám chỉ sự thẩm mỹ của đôi chân cao, tạo ra dáng đi uyển chuyển, thướt tha.

Trước đây, "chân dài" ám chỉ trường túc bất chi lao. Đàn ông thường yêu thích chân dài. mặc dù mức độ lao động chưa chắc đã hơn chân ngắn.

Hình như sau biến cố 1975 vào thập niên 1990, từ ngữ "chân dài' nở rộ trên báo chí, truyền thông và trong giao tế xã hội. Lần này "chân dài" ám chỉ các thiếu nữ đẹp, cho dù nhiều cô có chân dài nhưng nhan sắc trung bình.

Đưa ký hiệu này vào kỹ thuật phân tích với những ký hiệu nguyên nhân và ký hiệu liên đới theo thời gian và lịch sử: 

Từ "chân dài" có gốc rễ từ những thế hệ trước ở miền bắc. Trong giai đoạn 1954-1975, vì dinh dưỡng chưa đúng mức nên đa số thiếu nữ, phụ nữ khó phát triển chiều cao. Nói một cách khác, đa số là chân ngắn. Rồi đi bộ, chạy giặc, 'vượt Trường Sơn', khiến chân ngắn thành chân to. Nhan sắc đẹp xấu do sinh ra mà có. Tu bổ, cắt xén, xây dựng công trình thẫm mỹ trên dung nhan hoặc bất cứ vòng nào trên thân thể, đều có thể thực hiện. Nhưng chân ngắn và cục mịch thì chịu. Ước mơ một đôi chân dài cho người cao lên là ước mơ ám ảnh giới nữ thời đó. Sau chiến tranh, đến thời mở cửa, chế độ ăn uống từ thiếu thốn, lên trung bình và trong nhiều trường hợp trở thành quá độ. Có đủ dinh dưỡng, thế hệ sau, đẹp hơn, cao hơn và dĩ nhiên chân dài hơn. Chân cao, người thon, đi đứng 'yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu', chẳng mấy chốc trở thánh 'háo cầu'. Từ "chân dài" trở thành biểu tượng cho người đẹp. Dần dà biểu tượng phát triển đại diện cho mỹ nữ cao ráo và sexy.

Lý thuyết căn bản Ký Hiệu Học của Charles Peirce:

Lý thuyết của ông xây dựng và khai triển qua ba thời kỳ: Thời bắt đầu từ thập niên 1860; Trở thành khá hoàn chỉnh, trong thời gian 1980-1990; Từ năm 1903 lý thuyết học của ông trở nên phức tạp và phát triển mạnh giữa năm 1906-1910. Ông vẫn tiếp tục khai phá và tranh cãi với những lý thuyết mới cho đến ngày qua đời, năm 1914. 

Ông viết:" Tôi định nghĩa một ký hiệu là bất cứ một thứ gì được xác định bởi một thứ khác, gọi là Đối-Tượng (Object). Và được xác định có hiệu dụng đối với một người. Tôi gọi hiệu quả này là Interpretant (giải thích ý nghĩa.)....[...].." (5) Định nghĩa này đưa ra cấu trúc căn bản của ký hiệu. Một ký hiệu gồm có ba phần. Phần cụ thể của ký hiệu, gọi là 'cái biểu hiện' (signifier); Phần ý nghĩa của nó, gọi là Đối Tượng (Object); Phần thứ ba, gọi là interpretant, tạm gọi là Nghĩa Giải Mã.

Phần Ký Hiệu và Đối Tượng sinh hoạt tương quan với nhau. Trong khi Nghĩa Giải Mã trở thành nội dung thật sự, rộng và sâu hơn ý nghĩa của ký hiệu.

· Ký Hiệu cụ thể không hoàn toàn đại diện hết những ý nghĩa mà ký hiệu cưu mang. Không hoàn toàn biểu hiện được Đối Tượng. Ví dụ như ký hiệu "bông hoa", đại diện một thực thể có cánh, có nhụy, có hương thơm; nở ra từ cây. Nhưng không thể diễn tả hết đối tượng vì bông hoa cưu mang nhiều khía cạnh khác như màu sắc, hình dáng, tên gọi......

· Đối Tượng cũng bị giới hạn. Vai trò của Đối Tượng là xác nhận ký hiệu, nhưng là một xác nhận mở, tức là chưa hoàn tất. Ví dụ, khi ý nghĩa về cái hoa xác định ký hiệu cụ thể " bông hoa" nhưng bông hoa còn ám chỉ phụ nữ, nghệ thuật, thẩm mỹ.....

· Nghĩa Giải Mã (Interpretant) chính là mấu chốt trong cấu trúc ký hiệu. Có thể giải thích qua hai điểm: Thứ nhất, Interpretant là sự hiểu biết của chúng ta về sự tương quan giữa ký hiệu và đối tượng. Thông thường mang nhiều ý nghĩa hơn ký hiệu cụ thể. Thứ hai, Ký hiệu xác định Nghĩa giải mã như địa chỉ xác định căn nhà. Ký hiệu có thể gây ra cảm xúc nhưng chính yếu là đối diện với tri thức. Ví dụ, thấy khói bốc mù mịt, chúng ta sẽ nghĩ đến lửa cháy. Khói là ký hiệu tiêu biểu lửa. Lửa là đối tượng xác định khói. Chúng ta có thể cảm thấy sợ nhưng quan trọng chính là lửa: thiêu hủy, tàn phá, giết người....

Những ý tưởng về cấu trúc trong ký hiệu vừa trình bày trên đã xuất hiện trong "On A New List of Categories", 1867. Ông cho rằng sự tiêu biểu và tượng trưng của ký hiệu phát sinh ý nghĩa giải mã sâu xa hơn trong ba cách thức:
· Thứ nhất, phát sinh từ cộng đồng, xã hội do họ đồng ý với nhau về sự đại diện của ký hiệu, gọi là Icons (Ký hiệu tiêu biểu.) Một loại ký hiệu đại diện, trên cơ bản là giống hoặc bắt chước 'cái được biểu hiện'. Ví dụ, chân dung, ca khúc, phim ảnh... Nói một cách khác là ký hiệu được thấy, nghe, ngửi, nếm và sờ...
· Thứ hai, phát sinh từ mối tương quan với đối tượng, có sự tương xứng với nhau, gọi là Index, (Ký hiệu biểu thị). Một loại ký hiệu đại diện được kết nối trực tiếp với 'cái được biểu hiện' bằng một cách nào đó, qua vật lý hoặc tinh thần. Ví dụ, sấm sét, dấu chân...ung thư, đau răng, nhức đầu....chuông điện thoại, gõ cửa.... đồng hồ, nhiệt kế......
· Thứ ba, phát sinh từ mối tương quan với đối tượng, là một đại diện được xác nhận cưu mang ý nghĩa, gọi là Symbol (Ký hiệu biểu tượng). Một loại ký hiệu đại diện mà không giống 'cái được biểu hiện'. Về cơ bản, mối liên hệ giữ biểu hiện và được biểu hiện phải được sự công nhận hoặc phải được học tập. Ví dụ, cờ xí, ngôn ngữ, mã số, đèn giao thông, bảng hiệu đi đường... Ví dụ:

Ông đứng làm chi đó hỡi ông?
Trơ trơ như đá, vững như đồng
(Ông Phổng Đá. Nguyễn Khuyến)

Quan niệm ba loại ký hiệu này về sau có sự thay đổi trong lý thuyết mở rộng của ông nhưng căn bản vẫn tương tựa. 

Từ năm 1903, khi ông đang dạy tại đại học Harvard và tại The Lowell Institute, đã đưa ra những thay đổi và khai triển những quan niệm ban đầu trong lý thuyết ký hiệu của ông. 
· Phương Tiện Truyền Đạt Ký Hiệu (Sign-Vehicles), Peirce cho rằng trung tâm truyền đạt ký hiệu chia ra ba khu vực lớn và ký hiệu có thể phân loại theo sự phù hợp. Sự phân chia tùy thuộc vào sự biểu hiện phẩm chất, biểu hiện sự thật hiện diện, hoặc do công ước và luật lệ. Gọi là Qualisgn (ký hiệu phẩm chất), Sinsign (ký hiệu hiện thực, ví dụ như có khói là có lửa), và Legisign (ký hiệu quy ước).
· Về phần Đối Tượng (Object), ông cho rằng có hai loại: 
Đối Tượng Năng Động (Dynamic Object): Đối tượng phát sinh ra một dãy ký hiệu khác, giải thích và bổ nghĩa cho đối tượng. Có thể coi như là Đối Tượng có hệ thống ký hiệu. Ví dụ, " Mười năm không gặp tưởng tình đã cũ", sẽ có rất nhiều ký hiệu khác sắp thành hệ thống để tiến gần ý nghĩa Tình mười năm đã cũ hay còn mới

Đối Tượng Trực Tiếp ( Immediate Object): Đúng như ý nghĩa "trực tiếp", đối tượng được hiểu rõ ràng ngay sau khi ký hiệu đại diện xuất hiện. Ngược lại, đối tượng xác định ý nghĩa của ký hiệu ngay lập tức.

· Về Nghĩa Giải Mã (Interpretant), chia làm ba loại: Nghĩa Giải Mã Năng Động (Dynamic Interpretant); Nghĩa Giải Mã Trực Tiếp (Immediate Interpretant); và Nghĩa Giải Mã Sau Cùng (Final Interpretant).
· Những thay đổi khác, đa số, thuộc về kỹ thuật. Qua những tương quan giữa ký hiệu, đối tượng và giải mã, ông phân chia thành 10 loại ký hiệu. Những chi tiết này sẽ làm cho công việc phân tích ký hiệu thêm phần rõ rệt hơn.

Có lẽ một trong những quan điểm về sự nhận biết ý tưởng đã được ông phân tích trong bài viết How To Make Our Ideas Clear, 1878, trở thành căn bản để phân tích ý nghĩ, ý tưởng một cách rõ ràng.
Ông cho rằng có ba tầng lớp của sự hiểu-biết-rõ-ràng: Thứ nhất, phải nắm bắt một số những ý niệm trong kinh ngiệm đời sống hàng ngày. Tiếp theo, dùng khả năng cung ứng một định nghĩa chung cho khái niệm hoặc điều đang tìm hiểu và sau cùng sử dụng phương thức Pragmatic Maxim của Peirce.

Ông giải thích rõ hơn, trong tầng lớp đầu tiên, thông thường người đọc đã quen thuộc với ký hiệu, tức là chữ nghĩa, nên ký hiệu được giải thích theo thói quen và kinh nghiệm của mỗi độc giả. Tức là sử dụng Giải Mã Năng Động (Dynamic Interpretant). Tầng thứ hai dùng cho các nhà luận lý phân tích, tức là sử dụng Giải Mã Trực Tiếp (Immediate Interpretant). Tầng thứ ba, gọi là Phân Tích Thực Dụng (Pragmatic Analysis), để đi đến giải mã sau cùng. Đối với ông, Giải Mã Sau Cùng là quan trọng nhất vì nó mang lại ý nghĩa thực sự của ký hiệu. 

Trong giai đoạn cuối cùng, Peirce khai mở lãnh vực triết học của ký hiệu. Cũng từ góc cạnh này mà Ký Hiệu Học bước sang những lãnh vực rộng lớn hơn.
Ký Hiệu Học chia làm hai loại:
- Ký Hiệu Học Thông Đạt ( Semiotics Communication.). Lý thuyết về sản phẩm của ký hiệu: Người/máy gửi, người/máy nhận, thông điệp, email, truyền thông....Có thể nói Thông đạt chính là mục tiêu của Ký Hiệu Học.
- Ký Hiệu Học Biểu Hiện ( Semiotics Signification,) được xem là quan trọng hơn vì nó nghiên cứu diễn trình nhận thức, kinh nghiệm của người nhận. Áp dụng vào thi ca, kịch nghệ, văn xuôi...và có tương lai mở rộng.

Ký Hiệu Học liên quan chặt chẽ với ngôn ngữ học, chi tiết hơn về kỹ thuật và cụ thể hơn khi khám nghiệm văn bản. Ký Hiệu Học nghiên cứu về cấu trúc và ý nghĩa của từ ngữ và câu cú. Ký hiệu, dấu hiệu và biểu hiệu là những phần tử quan yếu của thông đạt, là đối tượng của Ký Hiệu Học. Ngoài ra Ký Hiệu Học còn mở rộng phạm vi tìm hiểu đến những sinh hoạt thông tri ngoài ký hiệu. 

Ký Hiệu Học chia làm ba nhánh:
- Ngữ Nghĩa Học (Semantics): Sự tương quan giữa các ký hiệu và những đối tượng nghiên cứu. Charles Morris (1901-1979) đã mở rộng lãnh vực đối tượng của Ngữ Nghĩa Học, vào sự hổ tương giữa 'chữ/điều/sự-vật biểu-hiện' (Signifier) và 'chữ/điều/sự-vật được-biểu-hiện' (Signified). Quan niệm về 'Biểu-hiện' và 'Được-biểu-hiện' được đề cập chi tiết trong Course in General Linguistics, 1916, là những bài giảng dạy của Saussure do các môn đệ của ông ấn hành sau khi ông qua đời.

Ví dụ:
Đèn đỏ nơi ngã tư
ký hiệu biểu hiện 
báo hiệu cho 
người được biểu hiện
biết dừng lại.

- Cú Pháp Học (Syntactics): Sự tương quan giữa ký hiệu trong cấu trúc tiểu khúc hay toàn phần. Chính xác hơn: Phân tích những đặc tính của ký hiệu và biểu hiệu một cách tỉ mỉ trong những qui luật thành văn hoặc bất thành văn đã chi phối các cụm từ và các câu cú như thế nào. Sự kết hợp, bổ túc, giải thích, hổ tương và cách thức xây dựng ngôn từ và câu cú ra sao. 

- Thực Liệu Học (Pragmatics): Sự tương quan giữa ký hiệu và chủ thể sử dụng hoặc diễn đạt ký hiệu. Thực Liệu Học nghiên cứu các khía cạnh sinh học trong diễn trình của ký hiệu qua những hoạt động tâm lý, sinh học, và xã hội. 

Ký Hiệu Học đi sâu vào nhiều lãnh vực. Là một bộ môn nghiên cứu chuyên ngành và sâu, nên chia ra nhiều bộ chuyên môn:

- Ký Hiệu Học Phân Tích (Analytic Semiotics): Chuyên giãi mã hệ thống ký hiệu.
- Ký Hiệu Học Diễn Tả (Description Semiotics): Hệ thống ký hiệu là một thực tại để nghiên cứu.
- Ký Hiệu Học Ngoại Vi (Zoo Semiotics): Chuyên nghiên cứu về những hệ thống ký hiệu không liên quan đến con người.
- Ký Hiệu Học Văn Hóa (Cultural Semiotics): Chuyên về hệ thống ký hiệu của văn hóa.
- Ký Hiệu Học Xã Hội ( Social Semiotics): Chuyên hệ thống ký hiệu của xã hội.
- Ký Hiệu Học Truyền Thuyết (Narrative Semiotics): Chuyên về hệ thống ký hiệu qua chuyện thần thoại, sự tích, chuyện dân gian.
- Ký Hiệu Học Thiên Nhiên (Natural Semiotics): Chuyên về hệ thống ký hiệu trong thiên nhiên.
- Ký Hiệu Học Tiêu Chuẩn (Normative Semiotics): Chuyên về hệ thống ký hiện của nhân sinh.
- Ký Hiệu Học Cấu Trúc (Structural Semiotics): Chuyên nghiên cứu về hệ thống ký hiệu qua cấu trúc của ngôn ngữ.

Tác phẩm văn chương là những văn bản dày đặc những 'điều ám chỉ' mà tác giả vô thức hoặc cố ý gài qua những ký hiệu từ ngữ. Để giải mã toàn vẹn một tác phẩm, chắc chắn không thể chỉ bằng ký hiệu, tuy nhiên tìm hiểu văn bản là bước đầu tiên dễ mang đến hiệu quả vì sự cụ thể, hiện thực của ký hiệu và những phương pháp phân tích dựa trên khoa học. 

Tiểu thuyết, bài thơ hoặc truyện ngắn trình bày cho người đọc bằng những ký hiệu , ngay lập tức mang đến hiểu biết, cảm xúc, phẩm chất, ngữ cảnh.. âm thầm tràn ngập diễn giảng trong tâm trí trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu ai muốn phân tích và giải mã một tác phẩm nghệ thuật, buộc lòng phải đi sâu mở rộng, bắt đầu bằng bản thể của ký hiệu đại diện. Phân chia thành chi tiết, tìm những yếu tố hiện tượng đóng vai trò chủ yếu trong tác phẩm, kiểu hiện tượng luận, nhưng sẽ được giải mã ý nghĩa và ám chỉ. Kinh nghiệm thẩm mỹ sẽ trở thành đối tượng của suy nghĩ, giải thích và phê phán. Trong thế giới văn chương nghệ thuật, 'cái ám chỉ' sẽ trở thành 'ký hiệu đại diện', lăm le mang thêm nhiều ý nghĩa và ám chỉ thêm nhiều khía cạnh khác. Nếu 'cái ám chỉ' cứ tiếp tục phát triển chiều rộng chiều sâu, có khi đi quá xa đối với ý của tác giả. Gia đoạn này, ký hiệu học gặp gỡ thuyết Độc Giả Cảm Ứng (Readers-response Criticism). Để chận đứng sự lan rộng của 'cái ám chỉ', Charles Peirce đã sử dụng phương pháp Phân Tích Thực Dụng để tiến sát ý nghĩa sau cùng của 'cái ám chỉ' một cách rõ ràng hơn.

Trong thực tế có những ký hiệu không bao giờ có thể giải mã tận cùng như ký hiệu: Thượng Đế, luân hồi, tự do, ...v...v...
Về sau 'cái ám chỉ' bị chỉ trích và bị tấn công bởi học thuyết Giải Cấu Trúc của Jacques Derrida (1930-2004)

(Còn tiếp: Phần ba, Ký Hiệu Giải Tích......)

=====================================
GHI:
.(3) Phục Sinh
tôi buồn khóc như buồn nôn
ngoài phố
nắng thủy tinh
tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
thanh tâm tuyền
buổi chiều sao vỡ vào chuông
giáo đường
tôi xin một chỗ quỳ thầm kín
cho đứa nhỏ linh hồn
sợ chó dữ
con chó đói không màu
tôi buồn chết như buồn ngủ
dù tôi đang đứng bên bờ sông
nước đen sâu thao thức
tôi hét tên tôi cho nguôi giận
thanh tâm tuyền
đêm ngã xuống khoảng thì thầm
tội lỗi
em bé quàng khăn đỏ ơi
này một con chó sói
thứ chó sói lang thang
tôi thèm giết tôi
loài sát nhân muôn đời
tôi gào tên tôi thảm thiết
thanh tâm tuyền
bóp cổ tôi chết gục
để tôi được phục sinh
từng chuỗi cuộc đời tiếp nối
nhân loại không tha thứ tội giết
người
bọn đao phủ quỳ gối
giờ phục sinh
tiếng kêu là kinh cầu
những thế kỷ chờ đợi
tôi thèm sống như thèm chết
giữa hơi thở giao thoa
ngực cháy lửa
tôi gọi khẽ
em
hãy mở cửa trái tim
tâm hồn anh vừa sống lại thành
trẻ thơ
trong sạch như một lần sự thật.

(4) Ryan, Michael (2011). The Encyclopedia of Literary and Cultural Theory. Hoboken, NJ, USA: Wiley-Blackwell. 
(5) Stanford Encyclopedia of Phylosophy. Peirce's Theory of Signs, 2010.

Ngu Yên

Tài Liệu Tham Khảo Chung:
Ahmadpour, Kamran. Developing a Framework for Understanding Information Literacy in the 21st Century: A Review of Literature. 2014. http://faculty.uoit.ca/kay/files/capstones/Ahmadpour_%202014_FrameworkInformationLiteracy_Final.pdf

Chandler, Daniel. Semiotics for Beginners, http://visual-memory.co.uk/daniel/Documents/S4B/

Hermawan, Andri. A Semiotic Analysis on Kim Addonizio's Poems Based on C.S. Peirce's Theory. 2010. 

Culler, Jonathan. Theory and Criticism after Structuralism. Cornell University Press, Ithaca, New York, 1982.

Ellis, John M. Against Deconstruction. Princeton University Press, Princeton , New Jersey,1989.

Hoopes, James. Peirce on Signs. The University of North Carolina Press, 1991.

Juan, Jr. E. San. In Lieu of Saussure: A prologue to Charles Sanders Peirce's Theory of Signs. http://clogic.eserver.org/2012/SanJuan.pdf.

Langendoen, D. Terence. Review: Linguistics at the Begining of the 21st Century. Reviewed work(s): The Handbook of Linguistics by Mark Aronoff: Janie Rees- Miller. Source: Journal of Linguistics, Vol. 38. Nov. 3 (nov., 2002) pp. 627-643. Cambridge University Press.

Leitch, Vincent B. Literary Criticism in the 21st Century. Bloomsbury, NewYork, USA, 2014.

Marmaridou, Sophia and Kiki Nikiforidou and Eleni Antonopoulou. Trends in Linguidtics. Reviewing Linguistic Thought. Converging trends for the 21st Century. Mouton de Gruyter, Division of Walter de Gruyter GmbH & Co. KG, Berlin. 2005

Peirce, Charles Sanders. Writings on Semiotic, First Edidition. University of North Carolina Press, Chapel Hill and London. 1991.

Saussure, Ferdinant and Roy Harris. Course in General Linguistics. Open Court, Chicago and La Salle, Illinois, 1998.

Scholes, Robert. An Introduction Structuralism In Literature. New Haven and London, Yale University Press, 1974.

Stanford Encyclopedia of Philosophy. Peirce's Theory of Signs. Published 2006, revised 2010.

Thứ Ba, 12 tháng 1, 2016

Câu Hò Đất Vĩnh



Hò...ơ...ơ...
Mai này trở lại Vĩnh Long
Để thôi thương nhớ nghe lòng xôn xao
Vườn xưa nụ trổ mận đào
Chân quê gái Vĩnh ngọt ngào mặn duyên
Mái chèo khua nước sông Tiền
Đêm khuya thanh vắng dịu hiền lời ru
Người em đất Vĩnh ôn nhu
Gương trinh son sắt thiên thu đợi chờ

Hò... ơ...ơ...
Lục bình tim tím lững lờ
Anh trai xứ Vĩnh ngẩn ngơ phải lòng
Tình chàng sông Cửu mênh mông
Đôi bờ bồi lở lớn ròng cùng hoa
Dòng đời đưa đẩy cách xa
Khắc sâu hình bóng chữa nhòa trong tim
Cành cao hoa nắng lim dim
Câu hò đất Vĩnh im im gợi tình


Kim Phượng

Tìm Về Nơi Nhớ


Có nỗi nhớ long lanh như ngọc
Rơi trên da bao bọc nỗi đau
Dạ còn son sắc trao nhau
Âm dương cách trở nát nhàu tim côi

Men đường cũ tinh khôi nỗi nhớ
Bản nhạc quen gợi thuở chung đôi
Xót xa nay chỉ mình thôi
Rưng rưng ngấn lệ để trôi thành dòng

Mưa trút xuống hạt lòng thêm lạnh
Chốn mù xa nghe chạnh vấn vương
Chân đi về phía người thương
Hắt hiu bóng ngã vô thường cõi không

Người nằm đó bên bông hoa dại
Đời an nhiên thắt lại từ đây
Dấu yêu biền biệt trời mây
Cõi buồn lặng lẽ dáng gầy nao nao

Vanessa Le

Tác Dụng Của Hành Lá


Tác dụng tuyệt vời của hành lá bạn có thể chưa biết
Tốt tim mạch, đường hô hấp, xương và ngăn ngừa các bệnh ung thư...là những tác dụng của hành lá mà bạn nên biết.

Tốt cho tim mạch. Đây được xem là một trong những tác dụng của hành lá phải kể đến đầu tiên. Các chất chống oxy hóa trong hành lá giúp ngăn ngừa DNA không bị tổn hại. Ngoài ra, hàm lượng cao vitamin C và lưu huỳnh của hành lá giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Chữa các bệnh về đường hô hấp: Hành lá là một trong những gia vị hỗ trợ điều trị cảm lạnh và cảm cúm. Hành lá có tác dụng kích thích hoạt động của đường hô hấp và giúp long đờm hiệu quả.

Kiểm soát nồng độ đường trong máu: Một nghiên cứu mới đây cho thấy, hàm lượng lưu huỳnh trong hành lá giúp giảm huyết áp và làm tăng insulin giúp điều hòa lưu thông đường trong máu đến các tế bào.

Giúp xương chắc khỏe: Thành phần vitamin C và K trong hành lá có vai trò quan trọng trong việc tăng cường sức khỏe xương, phòng chống bệnh loãng xương.

Tăng cường thị lực: Hành lá là nguồn cung cấp vitamin A dồi dào, bảo vệ sức khỏe đôi mắt.

Ngăn ngừa bệnh ung thư: Chất lưu huỳnh trong hành lá giúp giảm nguy cơ ung thư ruột kết. Ngoài ra, trong hành lá còn có flavonoids, một chất gây ức chế ung thư.

Ngăn ngừa cảm cúm: Chất sulphur, vitamin C và chất chống oxy hóa trong hành lá giúp phòng tránh bệnh cảm cúm thường gặp vào mùa đông.

Trần Ngọc sưu tầm
VietBao.vn (Theo_Kiến Thức

Ngàn Dâu Xanh Ngắt



Ngàn dâu xanh ngắt lại ngàn dâu
Ngàn dặm quê hương đã đổi màu
Ngút mắt dõi nhìn buồn ngút mắt
Xác xơ chiều rụng những niềm đau

Ai bán mầu xanh chẳng tiếc thương
Và ai vô cảm chuyện bên đường
Ta nhớ mầu xanh từng bước nặng
Tơ tầm đã dứt chẳng còn vương

Nhớ kẻ trồng dâu mà rơi lệ
Người xưa để lại sợi ngàn năm
Ngày nay thế giới sao lạ quá
Để ta ngồi ngẫm nổi thăng trầm

Chân Diện Mục

Thứ Hai, 11 tháng 1, 2016

Thu Ca - Phạm Mạnh Cương - Tiếng Hát

Mến tặng chị Kim Phượng, Kim Oanh



Sáng Tác: Phạm Mạnh Cương  
Tiếng Hát:Tô Thị Thu Cúc

Vén Áng Mây Mù



Về đây với cây sào tình ái
Cố vén mây tìm lại trăng Thu
Trên đồi cũ đôi ta ngọp thở
Mở đêm vàng chứa cảnh thần tiên

Tây Nguyên cao gần "sao mộng ước"
Cuộc tình gần chắc được hơn ai
Nào hay đường yêu đầy hoang thú
Tại mây mù che phủ trăng nghiêng

Em!
Thiên thần nhỏ mắt môi hàm tiếu
Thuở ô mai xao xuyến hồn nhiều
Bướm vàng hoa tím ép tim yêu
Lần tay gở màu chiều tóc bím

Anh!
Trai lãng tử tim lòng rộng mở
Đượm men tình nhịp thở thiên nhiên
Thông reo say cơn gió ngoan hiền
Miền hạnh phúc dành riêng em cả

Thoáng phút chốc thời gian nhanh quá
Dạ lòng sầu không vững đôi tay
Sao lay chuyển trời Thu khắc nghiệt
Sức lực cùn chắc mình em biết!

Dẫu tàn đời "không câu giã biệt"
Ở riết hoài "hồn ngự Tây Nguyên"

Pleiku 5-8-2010
Lê Kim Hiệp

Sám Hối


Bằng lời ru rắn xanh phủ dụ
Anh viết tụng ca trên trần ngực trinh nguyên
Em thơ ngây lần đầu thấy bầu trời ngũ sắc
run rẩy trong môi tham của tên ngạ quỷ đầu sừng.
Nòi tình rờn rợn - mùi đời tê dại
Em buông lơi tay trên cỏ thắm thiên môn.
Trái cấm dại hái vội nên tình hồng rực lửa
thiêu rụi tâm anh - con quỷ rắn xanh.
Anh thành thiện nhân
đêm đêm chong đèn gục đầu sám hối
sợ vuột vòng tay đang cháy bỏng tình say.
Thần tiên quá khiến lòng anh ngây ngất
rời bỏ thế nhân đi về phía thiên đường…


Tín Đức
1/2016

Cửu Nguyệt Cửu Nhật Ức Sơn Đông Huynh Đệ - Vương Duy (699 - 759)


Cửu Nguyệt Cửu Nhật Ức Sơn Đông Huynh Đệ
Vương Duy (699 - 759)

Độc tại dị hương vi dị khách
Mỗi phùng giai tiết bội tư thân
Dao tri huynh đệ đăng cao xứ
Biến sáp thù du thiểu nhất nhân

Dịch Xuôi: Ngày 9 tháng 9 Nhớ Anh Em Ở Sơn Đông
PKT 10/02/2015

(Vất vưởng) một thân ở nơi quê người làm khách lạ
Mỗi lần đến ngày lễ tiết (Trùng Cửu ) lại thêm nhớ nhiều về người thân
Tôi tuy ở nơi xa cũng biết vào ngày này anh em ở nhà ai nấy đều đi lên trên núi
Mỗi người mỗi nhánh thù du cài vào người (để trừ tà) , chỉ thiếu vắng một người mà thôi

Ngày Lễ Trùng Cửu Nhớ Anh Em

Xứ lạ, một thân, làm khách lạ
Đến ngày trùng cửu, nhớ về nhà
Thù du cài áo, ở trên núi
Thấy vắng người xa, có xót xa?


Phạm Khắc Trí

Chú Thích: Ngày 9 tháng 9 ,theo tục lệ xưa ở bên Tàu, là ngày lễ tiết Trùng Cửu (hay Trùng Dương). Vào ngày này, mọi người đều đi lên núi, mỗi người mỗi nhánh thù du (?) cài vào người,tin là để trừ được tà, cầu được phước.  

Vạt Nắng Sân Trường Tôi Bỏ Lại


Từ độ sân trường tôi khuất biệt
Hàng hiên em có đứng chơ vơ
Mỗi lần nghe lá rơi nhè nhẹ
Em có nhìn ra cửa lớp chờ ...?

Từ vạt tóc bồng tôi hết lộng
Bảng còn thương phấn nhạt màu tươi ?
Mỗi lần em xóa bài trên bảng
Có xóa tan buồn đang bám môi ...?

Từ dạo lối về tôi khuất nẻo
Em còn nghiêng nón thẹn thùng che ?
Đường xa có thấy lòng hiu quạnh
Dù nắng ngoài kia rực rỡ hè ..

Vạt nắng sân trường tôi bỏ lại
Để dầm sương giữ lấy quê hương
Cổng trường mở khép ngày hai buổi
Em có ngùi theo bóng dặm trường ...?

Nhược Thu

Mưa Đêm



Mưa Đêm

Trở giấc bồi hồi lắng nhạc mưa
Ngoài hiên tí tách hạt đong đưa
Lờ mờ cửa kính sương khuya đọng
Khe khẻ song thưa gió rét lùa
Cây lạnh xạc xào khua mái ngói
Giọt buồn hiu hắt gợi đêm xưa
Nằm hoài trằn trọc ôm lòng nhớ
Tuổi trẻ năm nao ngỡ mới vừa!

Mailoc
***
Giọt Sầu

Lắng nghe nặng hạt rớt luồng mưa,
Kẻ ở người đi lạnh tiễn đưa.
Em đứng đợi lâu sương tuyết đọng,
Anh đi đón rước gió đêm lùa...
Thương ai khắc khoải vương tình cũ,
Nhớ kẻ ly hương cảm nghĩa xưa...
Trăn trở cô đơn buồn quạnh quẽ,
Giọt sầu lả chả nói sao vừa !

Mai Xuân Thanh  
Ngày 06 tháng 01 năm 2016
***
Tiễn Nhau Ngày Mưa

Tiễn em ngày ấy có cơn mưa
Thấm lạnh hồn tôi ngọn gió lùa
Sân nhỏ,ga chiều nhiều kẻ đón
Đường tàu lưu luyến lắm người đưa
Chia tay nuối tiếc tình dang dở
Cách biệt u hoài nhớ dáng xưa
Ta vẫn phiêu bồng nơi gió cát
Mà lòng vương vấn...nói sao vừa ??!

Song Quang
***
Đêm Mưa Tuyết

Thao thức canh trường bởi gió mưa 
 Hiên ngoài tuyết đóng giọt đu đưa 
 Bên song hơi nước mờ khung kính 
 Cạnh cửa màn đêm tối phủ lùa 
 Lách tách âm vang buồn nảo nuột 
 Êm đềm chăn ấm nhớ khi xưa 
 Đèn khuya một bóng ngùi thương nhớ 
 Là chút bâng khuâng nói chẳng vừa !

Lý Lệ MAI
1/6/16

***
Đêm Mưa

Một mình giữa gác vắng trong mưa
Nghe tái tê lòng lạnh thoảng đưa
Đồng cảm ngọn đèn le lói toả
Như trêu cơn gió hắt hiu lùa
Mơ màng bóng dáng thời xuân trẻ
Lưu luyến chuyện tình năm tháng xưa
Nghe tiếng giọt rơi còn nặng hạt
Đêm buồn thêm nhớ biết sao vừa

Quên Đi
***
Mưa Đêm
Vẫn thường  tỉnh giấc giữa đêm mưa
Đốt thuốc im nằm lắc võng đưa
Mái lá rì rào đôi chỗ dột
Hàng hiên lấp loáng mỗi cơn lùa
Nao lòng man mác vô duyên cớ
Thắt ruột lơ mờ chuyện thuở xưa
Như ghẹo ễnh ương cùng tấu khúc…
Uềnh oan tới sáng cũng chưa vừa!

Cao Linh Tử
7/1/2016
***

Mưa Đêm

Trong ngồi lạnh lẽo,ngoài đang mưa
Đệm nhạc phong linh lúc lắc đưa
Với cảnh tình riêng cơn lốc xoáy
Còn ta lẻ bóng giấc mơ lùa
Lạc trong nắng nhạt-khung trời xám
Đi giữa chiều hoang-con phố xưa
Mất dấu cuối đường nên hụt hững
Nước kia tay nhỏ hứng sao vừa ?

Thái Huy
Jan-07-16
***
Tiếng Mưa Đêm

Khơi lòng nhắc lại những đêm mưa
Ào ạt, nhặt khoan, đợt gió lùa…
Đồn vắng thương em thương bước dỗi
Trại tù xót phận xót đời đưa
Thời gian nhịp lỗi trôi bình thản
Vận mệnh vòng quay lãng mức vừa
Nghe tiếng rơi đều vang tí tách
Chợt bừng lay tỉnh mộng hồn xưa?

Nguyễn Đắc Thắng
20160108

Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2016

Miên Khúc - Sáng Tác: Ngô Thụy Miên Ca Sĩ: Khánh Hà

Miên khúc là một bài hát được hiểu như là một bài hát mang những nét chính trong các ca khúc của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên tất cả đều nói về một mối tình ban đầu rất đẹp rất nên thơ nhiều kỷ niệm sâu đậm trong thời gian bên nhau, nhưng nó không kết thúc tốt đẹp và đã dang dở xa nhau trong đau đớn im lặng khổ đau đến tột cùng. Bài hát của ông về những mối tình như vậy có giai điệu nhẹ buồn chậm nhắc rất nhiều kỷ niệm thuở hai người còn yêu nhau say đắm, bỗng chốc xa nhau rồi đau khổ, da diết làm cho người nghe rất dễ cảm nhận và buồn lây ...


Nhạc Phẩm: Miên Khúc
Sáng Tác: Ngô Thụy Miên
Ca Sĩ: Khánh Hà

Nụ Cười Tháng Giêng 2


Nụ cười tháng Giêng, em cười thật hiền
Nụ cười tháng Giêng yêu em miên viễn
Em mỉm miệng cười nghiêng ngã đất trời
Em mỉm miệng cười… lòng thấy xôn xao
Nghìn sao trên cao nụ cười thanh tao
Em nói, em cười thấy lòng ngây ngất
Tháng Giêng mơ màng nhẹ mưa lất phất
Tháng Giêng yêu em với tới trăng ngà
Tháng Giêng yêu em thề với trời cao

Tình yêu tháng Giêng, tình yêu mật ngọt
Rồi đến tháng Hai, rồi đến tháng Ba....
...đến tháng Mười Hai, rồi lại hết năm!
Loanh quanh, loanh quanh trong cõi ta bà
Loanh quanh, loanh quanh hết ngày, hết tháng!
Năm cùng tháng tận... vẫn yêu em mãi 
Yêu hết một đời hạnh phúc tình ta

Quách Như Nguyệt
Mùng một tết Tây, 2016

Nụ Quỳnh Trong Đêm



Bài Xướng:
Nụ Quỳnh Trong Đêm

Trăng sáng mơn man khắp nụ Quỳnh
Một màu trắng bạc ánh lung linh
Đóa hoa rạo rực giờ khoe sắc
Vòi nhụy xôn xao phút chuyển mình
Thoang thoảng dịu dàng hương tỏa ngát
Dập dìu diễm ảo cánh rung rinh
Phải chăng kiều nữ trong vườn mộng ?
Đến gặp ta đây để tự tình !

Phương Hà

***
Các Bài Họa:
Đóa Quỳnh Nở Trong Đêm

Dưới vầng trăng sáng tỏa lung linh
Ẩn hiện trong cây một đóa Quỳnh
Rực rỡ đài hoa khoe sắc thắm
Dịu dàng vòi nhụy điểm thêm xinh
Nồng nàn hương nhả bay thoang thoảng
Phảng phất gió đưa lá trở mình
Vườn mộng nhánh cành còn quấn quýt
Huống chi bông trái cũng trao tình

Song Quang
***
Quỳnh Hương

Trăng rằm tỏa sáng chiếu hoa quỳnh,
Trắng nỏn trinh nguyên tỏ tánh linh.
Trân quý hương thơm bông điểm sắc,
Nâng niu đóa bạc ánh bên mình.
Tao nhân mặc khách đành chiêm ngưỡng,
Nhạc sĩ ca nhi cũng muốn rinh.

Kiều nữ yêu thơ ngâm tấu khúc,
Tu thân quân tử thấy sinh tình !

Mai Xuân Thanh  
Ngày 01 tháng 12 năm 2015

Lời Chúc Đầu Năm Của Đức Đạt Lai Lạt Ma


Năm mới Đức Đạt-Lai Lạt-Ma Tây Tạng chỉ chúc hai thứ thôi.

- Có 2 thứ bạn nên tiết kiệm, đó là sức khỏe và lời hứa.
- Có 2 thứ bạn phải cho đi, đó là tri thức và lòng tốt.
- Có 2 thứ bạn phải thay đổi, đó là bản thân và nhận thức.
- Có 2 thứ bạn phải giữ gìn, đó là niềm tin và nhân cách.
- Có 2 thứ bạn phải trân trọng, đó là gia đình và hiện tại.
- Có 2 thứ bạn phải tự mình thực hiện, đó là lao động và chịu trách nhiệm với việc mình làm.
- Có 2 thứ bạn phải lãng quên, đó là đau thương và hận thù.
- Có 2 thứ bạn phải khắc ghi, là công ơn Mẹ Cha và sự giúp đỡ của người khác.
- Có 2 thứ bạn buộc phải có để là người thành công, đó là đam mê và lòng kiên trì.
- Có 2 thứ bạn không được làm, đó là hãm hại người khác và phản bội lòng tin.
- Có 2 thứ bạn phải bảo vệ, đó là danh tín và lẽ phải.
- Có 2 thứ bạn phải chấp nhận, là cái chết và sự khác biệt.
- Có 2 thứ bạn phải kiểm soát, đó là bản năng và cảm xúc.
- Có 2 thứ bạn phải tránh xa, đó là cám dỗ và sự ích kỷ.
- Có 2 thứ bạn luôn phải xử dụng mà đừng hà tiện, là tiền bạc và kinh nghiệm.
- Có 2 thứ bạn không được sợ sệt, là cái ác và sống thật.
- Có 2 thứ bạn phải nuôi dưỡng, là tình yêu và sự bao dung.
- Có 2 thứ mà bạn cần phải đạt được trong cuộc sống, đó là thành đạt và hạnh phúc.
- Có 2 thứ bạn phải luôn sẵn sàng, đó là khó khăn và ngày mai.

Có 2 thứ bạn phải luôn ghi nhớ, đó là thực hiện những điều trên là làm thật tốt chúng trong cuộc sống hàng ngày.

Kim Phượng Sưu Tầm




Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2016

Thăm Em


Thơ: Dương Hồng Thủy
Thơ Tranh: Kim Oanh

Mạt Lộ


Không thời nào mạt lộ bằng thời này
Thời của chiếc lá vàng sắp rụng
Thời của bầu trời thật xa mặt đất thật gần
Thời nghe được loài dế giun khóc.

Không buổi sáng nào cô độc bằng buổi sáng nay
Những thằng bạn tào lao đi mất
Những con bồ thuở thanh niên rậm rật
Một thoáng bay xa như nhạn bỏ bầy. 

Không cốc cà phê nào nhạt nhẽo mùi đời

Bằng cốc cà phê trong hành lang bệnh viện
Hớp một ngụm mà thấy lòng đau điếng
Bằng hữu chi giao đếm chẳng đủ ngón tay.

Không bài thơ nào lắm đắng nhiều cay
Như bài thơ làm từ người thất chí
Chữ ép nghĩa chảy thành câu loạn ý
Chưa kháp vần đã ngọng nghịu từ chương.

Không nước mắt nào em chia sớt cùng ta
Như nước mắt em quấn quanh vòng đất nước
Kẻ yếm thế giống ta gục đầu thua cuộc
Thua ánh mắt em nhìn bầy tặc tử phải run.

Phạm Hồng Ân
(Escondido, 20/05/2013)

Trả Lại Thảo Lư


Bài Xướng
Trả Lại Thảo Lư


Chị quán vui lòng đong nửa chai
Tiền ghi thiếu chịu giống xưa nay
Lều tranh mến tiếp vài ông bạn
Am cỏ vui mời mấy món chay
Sáu tháng nhà xưa hoàn khổ chủ
Một vần chương mới dứt tam tai
Đầy ly kính cáo mời bằng hữu
Thỉnh quý nàng thơ để dấu hài.

Cao Linh Tử
29/12/2015
***
Các Bài Họa
Thảo Lư Anh Cao

Ham vui đánh chén nhậu nguyên chai
Chẳng dám say đâu mấy thuở nay.
Bằng hữu lai rai mồi chẳng thiếu,
Đệ huynh lác đác tiệc bàn chay.
Mừng anh trở lại thăm nhà cũ,
Chúc bạn từ đây hết nạn tai.
Mong ước tao nhân mừng uống rượu,
Nàng thơ yểu điệu dấu chân hài...

Mai Xuân Thanh
Ngày 30 tháng 12 năm 2015
***
Mừng Bạn Thấy Lại Thảo Lư

Cho tôi hùn với để đầy chai
Chỉ có bọn mình trước tới nay
Chẳng ngại lều tranh hay mái lá
Xá gì cá thịt hoặc món chay
Men vui cạn chén tê đầu lưỡi
Ngâm khúc thơ mừng khoái lỗ tai
Khi khổng khi không nhà biến mất
Bây giờ xuất hiện đúng là hài

Quên Đi
***
Nhà Ảo Của Bạn Thơ

Tấm lòng đã mở....có đâu chai !!!
Thơ thẩn vườn thơ mấy bửa nay
Anh mến tao nhân mời viếng cảnh
Em làm mặc khách cũng xơi chay
Thảo trang chẳng ngại người quân tử
Vách đất không buồn kẻ lãng tai
Nhà ảo Cao Huynh vừa chạm ngỏ
Lệ Mai xin gởi gót chân hài !!!

Lý Lệ MAI
Michigan 1/5/15

Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2016

Mưa Buồn


Thơ: Lê Kim Hiệp
Thơ Tranh: Kim Oanh

Hồn Thu Thảo



Lối xưa tàn úa hồn thu thảo
Ngõ cũ bụi vàng bóng tịch dương
Người đi biền biệt cùng mây nước
Kẻ ở quạnh hiu với bụi đường

Mùa thu về nữa thêm niềm nhớ
Cỏ cũng như người nhớ gió xưa
Người cách phương trời thương quê mẹ
Bờ lau vách núi vọng lời thơ

Tiếng chuông như gọi hồn cây cỏ
Vệt khói lam chiều chạnh xốn xang
Lững thững trâu về bên đường vắng
Tình xưa theo gió dạo lang thang

Chân Diện Mục

Đi Tìm Lá Đỏ Mùa Thu

Từ Tokyo vượt đường xa đến tận miền Tohoku (Đông Bắc) của đảo Honshu tôi đi tìm lá đỏ mùa Thu. Vài mươi năm trước, tôi còn nhớ từ Tokyo lên đến thành phố Sendai vùng Tohoku đi trên tuyến đường xe lửa Joban-sen dọc theo bờ Thái Bình Dương sao mà xa diệu vợi. Đi bằng xe lửa tốc hành trên quãng đường 300 km đến Sendai cũng gần 4 tiếng đồng hồ. Từ Sendai đến Aomori điểm cực bắc của đảo Honshu phải đi thêm 400 km. Tổng cộng hơn 8 tiếng nếu có những chuyến xe nối tiếp đúng lúc. Ngày nay, xe lửa cao tốc chạy trên tuyến đường Tohoku Shinkansen 700 km đã rút ngắn thời gian từ Tokyo đến Aomori xuống chỉ còn 3 tiếng. Tỉnh Aomori của đảo Honshu không còn là một nơi xa vời trong tâm trí người Nhật Bản. Với tấm vé Japan Rail Pass, chúng tôi đi một vòng lớn trên đảo Honshu gần 3000 km và trạm dừng chân đầu tiên là hồ Towada (tỉnh Aomori). 

Thời tiết mùa Thu Nhật Bản vốn bất thường. Có những lúc mưa rơi lê thê mây bay vần vũ, nhưng bỗng chốc trời quang mây tạnh, ánh mặt trời lung linh trở lại trên bầu trời xanh biếc. Sự thay đổi chóng vánh của tiết Thu khiến cho người đàn ông Nhật không biết lấy gì để so sánh, nhìn quanh quẩn thì thấy người đàn bà nên bi tráng thốt lên, "onna no kokoro, aki no sora!". Ý nói rằng tâm tư người phụ nữ hay thay đổi bất thường như bầu trời mùa Thu. Câu ngạn ngữ dường như vượt biên giới vì có lúc Nguyên Sa cũng xót xa cảm thán, "Em chợt đến chợt đi, anh vẫn biết. Trời chợt mưa chợt nắng chẳng gì đâu." Nhưng dù có mưa nhiều hay rất nắng, dù có tiêu điều hay rực rỡ, mùa Thu khiến cho lòng người trầm lắng, muốn tránh xa thế tục quên đi những cái buồn não đời thường để hòa mình trong sắc màu của Thu.

Hồ Towada nổi tiếng với sắc thu, nhưng lá đỏ lá vàng không thể chờ tôi lâu hơn nên đã rơi rụng trong những đợt mưa rả rích đầu đông. Mặt đất cô liêu phủ đầy lá thu nhưng vắng bóng người nhặt lá thu rơi và vắng cả con nai vàng ngơ ngác. Hồ Towada là miệng núi lửa vài mươi triệu năm trước (Hình 1). Núi lửa tắt, qua những cơn vật đổi sao dời miệng núi biến thành hồ. Nơi này vốn là nơi nghỉ mát thư giãn cho dân đô thị vào những ngày hè oi bức, nơi ngắm hoa anh đào vào tiết xuân, nơi tràn ngập lá phong đỏ mùa thu hay ngắm nhìn tuyết rơi lất phất và nhẹ nhàng đáp trên những nhánh cây trụi lá mùa đông. Nhưng Towada ngày nay ảm đạm, không phải vì những hạt mưa phùn bay bay theo gió mà do ảnh hưởng của sóng thần vài năm trước vẫn còn đậm nét. Các quán ăn, lữ quán, khách sạn phải đóng cửa vì vắng khách. Đường sá tiêu điều không một bóng người, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe vội vã chạy qua. "Đây là cái vòng luẩn quẩn ông ạ", một nhân viên phòng hướng dẫn du lịch nói với tôi. "Đối với khách nước ngoài thậm chí người trong nước, người ta có ấn tượng Tohoku đang bị nhiễm phóng xạ nên ai cũng tránh xa. Thật ra, ở đây không có phóng xạ nhưng bị tiếng đồn vạ lây. Vì không ai lui tới nên dịch vụ giao thông cũng thưa dần. Dù Shinkansen vẫn chạy bình thường nhưng chắc cũng phải đợi thêm vài năm ông ạ…", cô vừa nói vừa lắc đầu chấp nhận. 

Hình 1: Hồ Towada 

Hơn nửa thế kỷ qua, xe lửa cao tốc Shinkansen là niềm tự hào của đất nước Phù Tang. Không một lần nào tai nạn, ít bao giờ trễ hẹn. Shinkansen trở nên một biểu tượng công nghệ cao của thế kỷ 21 với cung cách phục vụ nhanh chóng và chu đáo. Từ tuyến đường chính lên miền Tohoku, Shinkansen rẽ nhánh sang bờ Tây đảo Honshu đến các tỉnh dọc theo biển Nhật Bản (Sea of Japan). Cái khó khăn trong sự phát triển xe lửa cao tốc là việc đào đường hầm và đặt đường ray thật vững chắc dưới lòng biển dài 50 km nối liền hai đảo lớn Honshu và Hokkaido để xe có thể chạy với tốc độ 300 km/h. Nhưng người Nhật đã thực hiện được điều này và họ sẽ cho xe chạy thử vào tháng 3, 2016. Rồi đây một thập niên sau, Shinkansen sẽ lan tỏa khắp nơi trên đảo Hokkaido. 

Nhưng câu chuyện Shinkansen không ngừng ở đây. Trên chuyến xe đi lên miền Tohoku, khi đến thành phố Morioka đoàn xe được tách rời làm hai tại nhà ga Morioka. Sau đó, đoàn xe phía trước sẽ tiếp tục đi về phía bắc đến Aomori, đoàn phía sau sẽ hướng về thành phố Akita phía bờ tây Nhật Bản. Tôi dự đoán sẽ có những tiếng "cành cạch" tháo rời làm rung chuyển đoàn xe. Nhưng không, việc tách rời xảy ra êm thắm không một tiếng động. Ngồi trong xe, thật sự tôi không hiểu đoàn xe đã được tách ra như thế nào. Vài ngày sau, khi trở lại nhà ga Morioka tình cờ tôi mục kích một sự kiện ngược lại là hai đoàn xe Shinkansen đang ráp hai đầu vào nhau. Cái "móc" của xe là một bộ phận cơ điện mang đầy bộ cảm biến (Hình 2). Hai đoàn xe từ từ xê dịch cho đến khi hai cái móc nhẹ nhàng liên kết vào nhau như hai chiếc tàu vũ trụ "docking" trong không gian. Tất cả hoàn tất trong vài phút. Đoàn xe dài ngoằn gấp đôi như con rắn khổng lồ điềm nhiên phi mã hướng về Tokyo với vận tốc 300 km/h.  
Hình 2: Cái móc công nghệ cao ráp nối hai đầu xe.

Người Nhật tỉ mỉ với những chi tiết và có tinh thần "kaizen" (cải thiện) không ngơi nghỉ. Họ áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao sự tiện nghi và thoải mái trong cuộc sống. Chiếc xe lửa lúc xưa chỉ là một đoàn tàu chạy bằng than phun khói mù mịt. Nhưng khi có "kaizen" thì xe lửa biến thành xe siêu tốc và cái móc nối toa xe trở nên một thể loại công nghệ cao. Sau chiếc xe Shinkansen, người Nhật thực hiện một cuộc cách mạng âm thầm khác là đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật và tinh thần "kaizen" vào một chỗ không ngờ: nhà vệ sinh. Họ đưa cái khoái thứ tư (người Nhật có khoái thứ năm: tắm suối nước nóng) cao lên thêm một bậc. Vài mươi năm trước, nhà dân phần lớn chỉ có bàn cầu ngồi xổm đặc trưng châu Á và không nước dội. Mùa hè trời nóng, người Nhật dù nổi tiếng ăn ở sạch sẽ vẫn không khử được cái mùi thum thủm phảng phất bay ra từ một góc khuất sau nhà. 

Nếu xem nhà vệ sinh là một tiêu chuẩn đánh giá trình độ văn hóa của một nước thì Nhật có lẽ đứng đầu trong việc nâng cao văn hóa qua một quá trình tiến hóa, ngắn hơn quá trình vượn biến thành người, từ kiểu ngồi xổm của thuở hồng hoang đến ngồi thẳng kiểu Tây thời hiện đại và hơn cả Tây với cái bàn cầu công nghệ cao mang đến cho người sử dụng một cảm giác vô cùng thoải mái. Vì vậy ngày nay bàn cầu công nghệ cao được phổ biến khắp nước Nhật từ thành thị đến thôn quê, từ nhà dân, khách sạn đến các nơi công cộng. 

Bàn cầu này thoạt nhìn cũng như các loại bàn cầu thông thường khác nhưng chiếc pa-nô nhiều nút bấm được gắn vào một bên. Chức năng bàn cầu nhiều ít tùy theo giá cả thấp cao và sản phẩm tiên tiến nhất có lẽ thuộc về công ty Panasonic. Sự chu đáo của các nhà sản xuất với sự lưu tâm đến các chi tiết nhỏ nhặt không bao giờ làm phụ lòng khách hàng. Chẳng hạn, mặt tiếp giáp của bàn cầu lúc nào cũng được sưởi ấm. Người sử dụng sẽ không thót người vì "sốc" lạnh khi ngồi lên trong những ngày mùa đông giá buốt. Một nút bấm để phun nước rửa. Nút bấm nước thứ hai đặc biệt cho phe tóc dài. Sang hơn, có nút điều chỉnh nhiệt độ nước, một nút điều chỉnh cách phun của nước, nước phun từng chập như súng bắn tự động hay phun liên tục thành vòi. Và để hoàn tất công trình thì có một ống phun không khí ấm xấy khô… Sang hơn nữa, khi xong việc đứng lên thì bộ cảm ứng của bàn cầu nhận ra sự khác biệt trọng lượng sẽ kích động bộ phận xả nước. Chưa hết, sau màn xả nước thì có một thiết bị như chiếc quạt hút rất mạnh không khí hôi trong bồn cầu. Tôi cúi xuống quan sát nhưng tìm không ra cái "quạt" cao tốc và cũng không hình dung được không khí được thải ra hướng nào, chỉ biết khoanh tay đứng nhìn. Ôi! Thật là sự vĩ đại ẩn trong cái dung tục bình thường. Không biết bao nhiêu con chip transistor, bộ cảm ứng, bộ dẫn động (actuator) cài đặt trong cái bàn cầu thông minh này. Đối với một kẻ phàm phu như tôi, mỗi lần hành sự là một cuộc hành trình văn minh, sạch sẽ, thoải mái và vô cùng thỏa mãn! 

Chiếc bàn cầu công nghệ cao phản ánh tinh thần Nhật Bản một cách cụ thể. Người Nhật không chú trọng đến việc làm toán giỏi để được cái tiếng thông minh. Từ lúc có những cuộc thi Olympic, người ta không bao giờ thấy có sự chiến thắng của học sinh Nhật. Nhưng người Nhật được giáo dục để hiểu cái lý của sự vật (vật lý) tận tường. Trong một chương trình tivi, đài tivi treo giải thưởng vài mươi ngàn đô la cho ai chế tạo ra một cái chảo có thể chiên được 20 quả trứng cùng lúc bằng một cái bếp gas bình thường. Tất cả trứng phải được chiên riêng lẻ và tròng đỏ phải chín đồng đều giống nhau. Hai nhóm cuối cùng vào chung kết là hai cha con chuyên nghề làm đồng thiếc và một tiến sĩ chuyên gia về truyền nhiệt. Sau nhiều lần thiết kế, hai cha con đoạt giải với cái chảo đồng nhiều tầng chiên được 20 trứng so với 8 của ông tiến sĩ. 

Thậm chí, việc trang điểm, trang phục cũng được giải thích trên các cơ sở quang học. Một giáo sư vật lý trong chương trình tivi làm đẹp giảng giải nguyên lý của ảo giác quang học đánh lừa bộ não trong việc trang điểm, tại sao đôi mắt nhìn to hơn khi có lằn viền xung quanh mắt. Nhưng viền đen quá thì trở nên kệch cỡm. Nhạt quá thì mất hiệu năng. Vậy phải chọn sao cho gam màu thích hợp với làn da để có thể "ngụy trang" tạo ra ảo giác tối đa. Người béo tròn muốn trở nên thon thả trong ảo giác thì nên chọn quần áo có sọc thẳng đứng. Tương tự, một khuôn mặt bầu bỉnh muốn tạo ảo giác trái soan thì phải cần vài lọn tóc lòa xòa buông xuống… Không gì ngạc nhiên khi những công ty sản xuất mỹ phẩm như Shiseido hay các nhà thiết kế trang phục trở nên nổi tiếng, làm ăn khấm khá cũng nhờ những nguyên lý quang học đơn giản này.

Tôi tiếp tục đi tìm lá đỏ mùa Thu, từ Aomori trở lại thành phố Morioka băng ngang đảo Honshu và dừng chân trên các thành phố Akita, Sakata, Niigata và Kanazawa dọc theo bờ biển Nhật Bản. Những thành phố này là mặt sau của Nhật Bản sống bằng canh nông, có mùa đông khắc nghiệt, ít người lui tới nhưng rất giàu văn hóa truyền thống. Akita nổi tiếng nhiều người đẹp chỉ sau con gái cố đô Kyoto và là nơi độc nhất làm nước mắm "shottsuru" trong một xứ sở nước tương, rất giống mùi vị nước mắm của ta, với món lẩu cá "shottsuru" tuyệt ngon. 

Sakata được bao vây bởi những cánh đồng lúa bát ngát và cũng là một trong những nơi sản xuất lúa gạo nhiều nhất nước Nhật từ xưa. Cái tên "Sakata" viết ra tiếng Hán là "Tửu Điền"; tửu = rượu, điền = ruộng. Phải chăng nơi đây nhiều ruộng rẫy và sản xuất nhiều rượu sake từ gạo nên có tên "Tửu Điền"? Câu chuyện có thật của cô bé tên Oshin lớn lên ở thị trấn Sakata nghèo khổ đã được biến thành truyện dài tivi nhiều tập làm biết bao người xem sụt sùi thương xót. "Oshin" được dàn dựng ở Sakata nên thị trấn buồn tẻ này bỗng nhiên trở thành địa điểm du lịch của những người từng rưng rưng nước mắt cho Oshin. 

Một trong những hoạt cảnh xuất hiện trong "Oshin" là vựa lúa Sankyo. Sakata có vựa lúa Sankyo với 12 kho chứa khổng lồ có 120 năm tuổi đời (Hình 3). Vựa lúa được xây cất theo chuẩn mực khoa học. Mái nhà hai bậc chừa chỗ hở để không khí luân lưu. Nền nhà có trộn một loại hóa chất gọi là magnesium chloride (MgCl2) để khử hơi nước trong không khí giữ được hạt gạo lâu dài mà không bị mốc. Xứ ta là xứ nông nghiệp khí hậu ẩm thấp, nhưng chưa bao giờ nghe thấy việc làm vựa lúa theo bài bản khoa học như Sankyo. Cho đến ngày nay, vựa lúa vẫn còn sử dụng. Sankyo là niềm tự hào của người dân địa phương vì nó biểu hiện sự phồn vinh của Sakata và đóng góp vào sự sống còn của đất nước. Nhưng nông nghiệp bây giờ đang chịu một sức ép trong ngoài. Chính phủ bảo nông dân không nên sản xuất quá nhiều gạo vì phải mua gạo nước ngoài để cân bằng ngoại thương. Vốn đầu tư vào nông cơ, thiết bị quá nhiều nhưng nhà nông mỗi năm chỉ dùng hơn một tuần cho mùa gặt hái. Nông dân trở nên nghèo. Trong nhà thì "cha muốn truyền, nhưng con không nối". Bọn trẻ bỏ nhà ra đi tìm cơ hội ở những chốn phồn hoa. Ở lại chỉ chuốc lấy nỗi cực nhọc tay lấm chân bùn và thêm nỗi buồn tìm không ra cô vợ.

Hình 3: Vựa lúa Sankyo

Chiếc xe bus du lịch chở chúng tôi xuyên qua một vùng đồi núi trùng điệp gần Sakata đến một ngôi chùa cổ ngàn năm, nay là quốc bảo. Bất ngờ, tôi gặp bức tượng gầy guộc của nhà thơ Basho. Tôi hỏi anh hướng dẫn viên tại sao tượng Basho lại ở chốn thâm sơn tĩnh mịch này. Anh bảo Basho đã từng lãng du ở đây, tức cảnh sinh tình làm nhiều bài haiku tuyệt tác. Matsuo Basho (Basho: Ba Tiêu, cây chuối) (1644-1694) là một đại thi hào thơ haiku Nhật Bản, có tầm vóc như Nguyễn Du của Việt Nam. Nhưng Basho khác Nguyễn Du ở chỗ là thích ngao du thiên hạ. Nhiều người hâm mộ và đệ tử tặng ông tiền, hiện vật, ông hoan hỉ nhận, nên không cần phải lo chuyện cơm áo mà chỉ theo tiếng gọi của đôi chân trở thành một lãng tử thuần thành cho đến cuối cuộc đời. Ông đi một vòng lớn của đảo Honshu lên miền Tohoku vòng qua bờ Tây Nhật Bản. Chuyến lãng du được chép thành quyển "Oku no hosomichi" (Lối mòn lên miền Oku) gồm những bài tản văn du ký và thơ haiku để ghi lại những cảm nhận trên bước lữ hành, thưởng ngoạn cảnh đẹp và niềm vui gặp bạn. Khi tham khảo quyển "Việt Nam và Nhật Bản Giao lưu Văn hóa" của học giả Vĩnh Sính, tôi mới biết "miền Oku" của Basho cũng không khác với lộ trình đi tìm lá đỏ mùa Thu của tôi. Lộ trình đó cũng gần 3000 km. Basho cùng đệ tử khăn gói băng rừng vượt suối đi bộ trong nhiều năm, nhưng tôi vác ba lô đi xe lửa trong vài ngày. Và ngẫu nhiên, tôi được gặp ông trước ngôi chùa cổ kính này mà xưa kia chắc là nơi thâm sơn cùng cốc. 

Chuyến xe lửa nhà quê chạy dọc theo bờ biển Nhật Bản cuối cùng đưa tôi đến thành phố Kanazawa. Nơi này từng là chốn kinh thành nơi ngự trị của lãnh chúa trong vùng. Bây giờ, Kanazawa vẫn một thành phố trung tâm vùng Hokuriku (Bắc Lục) như một ngôi sao tỏa sáng làm vơi đi cái ảm đạm của bờ Tây buồn tẻ. Nền văn hóa lâu đời của Kanazawa được phản ánh bởi phố Chùa (Tera Machi) và công viên Kenroku-en (Kiêm Lục Viên) một trong "tam đại đình viên" của xứ Phù Tang. Tuy không hoành tráng và giàu có như vùng Kyoto – Nara, khu vực Tera Machi tập trung hơn 70 ngôi chùa lớn nhỏ có lịch sử dài hơn 500 năm. 

Gần Tera Machi có một ngôi chùa được mang tên là "Thiên Đức Viện" (Tentoku-in) được xây cất hơn 400 năm trước để tưởng niệm công nương Châu (Tama Hime). Công nương Châu là cháu nội của Tướng Quân Tokugawa Ieyasu người đã thống nhất nước Nhật mở ra thời đại Edo rực rỡ kéo dài gần 300 năm. Thời đại Edo chấm dứt vào năm 1868 để nhường bước cho cuộc vận động Minh Trị Duy Tân. Dòng họ Maeda là phiên chủ (lãnh chúa) của xứ Kanazawa. Công nương Châu được đưa về làm dâu lúc 3 tuổi và chính thức thành phiên chủ phu nhân lúc 14. Người dân xứ Kanazawa yêu quý công nương vì nhờ nàng mà tránh được cuộc chinh phạt của đại quân Tokugawa. Hồng nhan bạc mệnh, nàng sinh được 7 người con và qua đời năm 24 tuổi sau một cơn bạo bệnh. Phiên chủ Maeda thương tiếc khôn nguôi nên dựng lên "Thiên Đức Viện" để tưởng nhớ nàng. Mối tình phu phụ chung thủy của phiên chủ giống như một vị vua Ấn Độ xây đền Taj Mahal để tỏ lòng thương tiếc người vợ qua đời ở tuổi xuân xanh.

Cuối cùng, tôi đã tìm thấy lá đỏ mùa Thu trong khuôn viên nhà chùa Thiên Đức (Hình 4). Những tàng cây phong xen lẫn trong những cây tùng cao to xanh mướt làm nổi bật màu đỏ rực của muôn chiếc lá thu. Một cơn gió thoảng lay động những chiếc lá đỏ đong đưa rơi xuống như cánh bướm, phủ lên con đường nhỏ dẫn vào chánh điện. Trong không gian tĩnh mịch, chợt nghe văng vẳng tiếng thơ haiku của Basho từ thuở xa xưa vọng lại, 

Hito koe ya 
Kono michi kaeru 
Aki no kure 
(Matsuo Basho) 

Lao xao vẳng tiếng người 
Trên đường về ngập lá 
Chiều cuối thu buồn rơi 
(Quỳnh Chi phỏng dịch)

Hình 4: Trên đường về ngập lá 

Tokyo có phố Kanda mua bán sách cũ và sách cổ. Trình độ văn hóa của một cộng đồng, một khu vực hay một nước cũng có thể đánh giá qua sự hiện hữu của các hiệu sách và chất lượng sách. Tôi trở về Tokyo để tìm lại con phố Kanda. 

Gần 100 năm nay, phố Kanda nổi tiếng trong giới sinh viên, giới hàn lâm, trí thức và người sưu tầm sách. Thời sinh viên, tôi nghiện đi phố Kanda, cho nên vài tháng phải đi "hành hương" một lần. Có lúc ít tiền không mua được sách, nhưng đi lang thang trên phố, đứng trong hiệu sách cũ thoang thoảng mùi meo mốc đặc trưng, từ tốn lật tới lui vài trang sách thì cũng thỏa được cái thú vui tinh thần mà không tốn một xu. Mỗi lần trở lại Tokyo, lúc nào tôi cũng tìm thời gian quay lại phố Kanda như tìm gặp lại người bạn cố tri. Âm thầm đi vào ngõ ngách của con phố cũ tìm lại những dấu ấn của một thời đi học. Có hiệu sách nhỏ, ông chủ lúc đó đã vào tuổi "thất thập cổ lai hi". Ông lúc nào cũng bận rộn, khi thì cặm cụi sắp xếp sách lúc thì cầm sách ngắm nghía ra chiều nâng niu. Dù bán cũng không lời bao nhiêu, nhưng ông chỉ có niềm vui là mua bán sách. Những hiệu sách nhỏ đó giờ đây trở thành quán ăn, hiệu tạp hóa. Không phải vì sự tràn ngập của eBook hay Amazon kindle mà đơn giản là không người nối nghiệp. 

Người Nhật thích đọc sách, dù rằng giới trẻ ngày nay chỉ chăm chú vào màn hình nhỏ nhưng lượng sách in ra thì không bao giờ giảm. Ở cuối trang nhất của những tờ nhật báo, lúc nào cũng có quảng cáo của sách mới phát hành. Có lẽ không có nước nào trên thế giới đăng quảng cáo sách trên trang nhất như báo Nhật. Sách Nhật có đủ thể loại, từ các loại sách hoạt hình anime mang tính kích dục đến sách nghiên cứu, khảo luận, những bộ bách khoa từ điển chứa hàng chục quyển về triết học, tôn giáo, văn chương, khoa học. Sách chính trị phản ánh trào lưu chính trị đương đại. Sách "cánh tả" phản chiến, sách về chủ nghĩa Mác – Lê nin, chủ nghĩa quân phiệt Nhật, sách về các nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa, tràn đầy kệ sách trong thập niên 70. Thì bây giờ là sách "cánh hữu" thoang thoảng mùi chủ nghĩa dân tộc hay phân biệt chủng tộc như sách bàn về "tiểu khí" của người Trung Quốc, Trung Quốc không thể nào vượt qua Nhật Bản, sự khác biệt giữa người Hàn Quốc, người Trung Quốc và người Nhật Bản v.v… 

Sách khoa học có phần dễ thở hơn có lẽ vì không ai có thể chối cãi được sự hiển nhiên của quy luật 1+1 =2! Sự phong phú của sách khoa học tiếng Nhật cộng với sách dịch từ những sách giáo khoa kinh điển Anh, Mỹ đã tạo cho nước Nhật một địa vị độc tôn về khoa học công nghệ trong vùng Đông Á và cả thế giới. Người Nhật có niềm kính trọng và ưu ái đặc biệt đối với Einstein dù vẫn biết rằng ông đã từng viết thư đến tổng thống Mỹ Roosevelt đề xuất việc chế tạo bom nguyên tử. "Thuyết tương đối" được viết đi viết lại từ dạng khoa học đại chúng đến giáo khoa hàn lâm bởi nhiều tác giả qua nhiều thời kỳ nhưng vẫn còn hấp dẫn độc giả. 

Du khách thập phương đến Nhật không ai không mềm lòng trước nụ cười lịch lãm ân cần, cái cúi đầu chào gập người tôn kính của người Nhật. Sức mạnh mềm lúc đó được phát huy tột độ. Nhưng trên chính trường, cái chào gập người mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Con cháu của Thái Dương Thần Nữ đã từng là một dân tộc viễn chinh với bàn tay sắt máu. Thanh kiếm katana đã từng vung lên loang loáng khắp đại lục Trung Hoa, bán đảo Triều Tiên và cả một vùng rộng lớn Thái Bình Dương. Lịch sử đã chứng tỏ rằng, khi cái chào của một kẻ thắng thế dù có gập người thì không bao giờ có ý nghĩa khiêm cung hay tôn kính mà là thái độ chỉ có thể diễn tả bằng tiếng Nhật là "ingin burei" (ân cần vô lễ). Một thái độ đặc thù Nhật Bản biểu lộ sự lễ độ ngoài mặt nhưng cố tình thị uy cái hống hách bên trong. Trải nghiệm điều này không ai thắm thía hơn người Trung Quốc và Hàn Quốc. Nhiều năm gần đây, cố ý hay vô tình, những hận thù cũ lại được dịp phơi bày. Mưu mô chính trị chỉ khơi gợi lại những ký ức đau thương không cần thiết. Nhiều người Trung Quốc thức thời thốt lên lời cảnh giác, nhắn nhủ tới đám hậu sinh rằng, "Chớ nên gọi người Nhật là "tiểu Nhật Bản". Họ đáng sợ lắm. Cũng đừng huênh hoang tự hào rằng ta là dân tộc có truyền thống anh hùng. Trong thời chiến, một người Nhật đã điều khiển một trăm người Trung Quốc như một đàn cừu. Một người lính Thiên Hoàng với vài quả cơm nắm đã chiến đấu với mười người của ta cho đến khi gục ngã." 

Nhưng nước Nhật ngày nay đang đứng trước một vấn nạn. Xã hội đang bị lão hóa. Người già gia tăng. Người trẻ chỉ muốn sống độc thân, nếu có lập gia đình thì cũng lười biếng sinh con. Cái biểu đồ hình tam giác biểu hiện sự cân bằng về phân phối dân số với tuổi tác đang bị biến dạng một cách thảm hại. Đường sá ở những vùng quê buồn tênh không một bóng người. Dân số tụt giảm đáng sợ. Nhiều cửa hàng bách hóa phải đóng cửa vì vắng khách. Trường học không đủ học trò. Người trẻ Nhật đa phần vô tư trước thời thế, hoang mang trước lịch sử. Giấc mộng "phú quốc cường binh" dù lặp lại cho thế kỷ 21 bằng cách gia tăng dân số như thời Minh Trị Duy Tân chẳng qua cũng chỉ là giấc mộng. 

Có cái gì rất mong manh nhưng cũng rất kiên cường trong xã hội và con người Nhật Bản. Như những chiếc lá thu đẫm ướt bởi những hạt mưa phùn, bay tơi tả trước ngọn gió đầu đông lạnh lùng không thương tiếc. Rồi mùa Thu năm sau muôn ngàn lá đỏ sẽ tưng bừng trở lại, vẫn kiên cường không bao giờ dứt. Thu, Đông, Xuân, Hạ, rồi lại Thu... 

Cận Giáng Sinh 2015
Trương Văn Tân