Thứ Năm, 7 tháng 1, 2016

Cựu Học Sinh Nguyễn Trường Tộ Họp Mặt Năm Mới 2016- Tại Vĩnh Long


 Cô Teng có đôi lời cùng các Cựu Học Sinh





Phủ Hiền

Những Ngày Thân Ái Khôn Nguôi

      Năm nay, gia đình Lê Kim chúng tôi mừng Giáng Sinh và Tết Tây có phần nhộn nhịp khác thường hơn mọi năm, vì sự có mặt của ông anh trưởng nam. Anh Tư, người từ Mỹ quốc, xứ lạnh tình nồng, sang thăm các em.

      Ngoài sự tưng bừng, nhộn nhịp, thiêng liêng trong những ngày Lễ Trọng Yêu Thương này, còn có sự náo nức khác thường nữa, là những những món quà được mang đến Úc từ bên kia nửa vòng trái đất. Đó là đồ trang sức làm từ người bản xứ Peru và rất nhiều chiếc áo thung Polo có hình “con ngựa” của nhà sản xuất Ralph Lauren.


      Sau tuần quà đêm Giáng Sinh, để làm vui lòng người cho, các đứa em biểu hiện cho anh Tư biết, bằng cách khoác lên mình những chiếc áo vừa được trao tặng, trong những cuộc đi chơi chung... "Melbourne mấy hôm nay ngựa đầy đường”! Cậu em đã nói thế và lời ấy gây tiếng cười giòn, trong vắt cho cả bọn.
      Hôm nay, theo lịch trình, “bầy ngựa” thẳng tiến về Daylesford, nhìn những "con ngựa" mang đủ màu sắc xanh, tím, hồng, vàng… trên ngực áo mà các em đang mặc, một cảm giác vui vui chợt đến với tôi. Nhưng rồi, thoáng bùi ngùi khi nhớ đến ngày anh sẽ bước lên phi cơ, trở về phương Bắc xa xôi. Tính tôi vẫn thế, chưa trọn vui sum họp lại liên tưởng đến sầu chia phôi…
      Vì ham vui nên chẳng định liệu, không chọn lựa ngày giờ, cả bọn đồng ý đến nơi nào có trồng Lavender, hầu thỏa mãn sở thích của ông anh. Trên đường đi, nhìn từ xa, một nhà hàng trông chẳng khác căn nhà đang ở, được bao quanh bởi những dãy Lavender thắng tấp, mang màu tím nhạt xa xăm, thu hồn người. Chúng tôi vội ngừng xe, đổ xô xuống, nhanh chân bước, bởi sức thu hút từ màu sắc cùng mùi thơm dìu dịu. Hương hoa nhẹ nhàng, thật khẽ “đi” vào khứu giác đến đê mê. 


Những bước chân ngập ngừng của chúng tôi dừng lại ngay cổng ra vào. Một tấm biển “NOW OPEN” bằng vải, đã hạ xuống nằm trải dài trên mặt đất từ lúc nào. Một dấu hiệu thay cho lời... "ngày này cửa hàng tạm nghỉ". Trong luyến tiếc, các anh chị em chúng tôi chỉ còn biết lựa phong cảnh, chụp vài tấm ảnh để sau này, có xa... “Thương nhau mới tặng ảnh này để làm kỷ niệm những ngày xa nhau. Dù cho ảnh có phai màu xin đừng xé bỏ mà lòng này đau”
      Đang lúc thất vọng, bỗng đâu một bóng người xuất hiện. Không tả hết nỗi vui mừng, nhưng lúc biết ra, anh chỉ là người giúp việc, vừa xong việc thu dọn quét tước và chuẩn bị ra về. Chàng thanh niên thật trẻ người, nhưng sự bặt thiệp, lịch lãm, lòng hiếu khách được biểu hiện trên đôi môi, nụ cười và nhã nhặn trong lời nói. Anh mời chúng tôi cử “nhảy rào” vào, tự tiện đi dạo quanh và anh còn cho biết đừng ngại ngùng vì chẳng có ai nơi đây. Giá mà, trở lại thời cách nay mấy mươi năm, lúc chân ướt chân ráo khi mới định cư, lúc “điếc chẳng sợ súng”, có lẽ chúng tôi ngại gì mà chẳng bước vào trong, theo lời mời đầy thâm tình này.
      Đứng bên ngoài vòng rào, thỏa thích với những tấm ảnh ăn ý, chúng tôi rời nơi này trong luyến tiếc. Hành trình tiếp tục, thẳng tiến... Daylesford, nơi còn chìm ngủ trong những ngày lễ lạc. Thật vậy, người nơi đây đang được nghỉ bù một ngày, vì lễ Boxing Day đã rơi vào ngày cuối tuần. Đa số các cửa hàng đều đóng, ngoại trừ những nơi bán quà lưu niệm cho khách phương xa và những quán cà phê với những chiếc bàn con con nằm lộ thiên, đặt dài theo con phố.
      Ngồi bên ly cà phê đặc quánh bọt, tha hồ ngắm người qua lại,. Họ thuộc đủ các sắc dân, nghe được nhiều ngôn ngữ, ngắm lắm loại áo quần lạ mắt của những du khách, khác sắc tộc,đang khoác trên người. Nhìn quanh một vòng, rất ít người Á châu và có lẽ chỉ chúng tôi là người Việt. Bước dọc theo con phố, tôi mang cảm giác như đi để mà đi, thật thoải mái, lòng vô tư chẳng chút lo âu. Nhưng lúc cậu em Út cho biết gần đến tiệm đồ cổ, ánh mắt chúng tôi sáng lên, nhanh chân bước như chen nhau. Vào đến tiệm, cặp mắt đảo liên và tôi nghe câu nói quen tai: “ Nhìn rồi mới thấy những đồ mình bỏ ra còn tốt hơn ở đây nữa” hoặc “Món đồ này cho em, em cũng không lấy”, có tiếng đứa khác đáp lại: “Hứ! Ai cho mà lấy với không”.
Chúng tôi tiếp tục lên đường và có cùng một ý nghĩ, cậu em Út là thổ địa cho người từ phương xa. Em lái xe dẫn đầu, chạy vòng quanh cho anh em tôi ngắm hết cảnh này đến di tích lịch sử khác.


Rất tình cờ, nơi đây là Lavandula Swiss Italian Farm. Con đường dẫn vào khá chật hẹp cho xe di chuyển, thế mà dòng xe tấp nập. Chúng tôi vừa bước ra khỏi xe, mang cảm giác lạc vào nơi ngan ngát một hương riêng, thật dễ chịu. Cảm giác ấy, thôi thúc mãnh liệt, đôi chân bước nhanh hơn. Làm thế nào mô tả nỗi giây phút đứng lặng người, ngất ngây trước màu tim tím của sắc, hương nồng nàn, kỳ ảo của lá và hoa. Quanh đấy, đàn ong màu vàng thẩm đang vờn hoa, những con khác chen đua hút nhụy. Đàn ong tuy khá nhiều, nhưng đủ hiền hòa khiến người thưởng lãm có thể an tâm đi dọc, dài theo luống hoa để có những bức hình kỷ niệm.
      Hơn mấy mươi năm sống trên đất Úc, lần đầu đặt chân đến nơi này. Ba đồng rưởi lệ phí vào cửa, quả chẳng uổng phí cho một nơi đến, lúc ra về hương hoa vẫn quyện theo xao động lòng người và anh em chúng tôi sẽ còn những kỷ niệm bên nhau khó quên. Chúng tôi rời đi khi chiều dần xuống, mỗi người mang theo hương quen còn vương, vui say với đôi ba cây nến vừa mua, có cùng màu tím và mùi được pha chế từ hoa.


Về đến nhà, lần theo trang www.lavendula.com.au tôi có dịp hiểu biết thêm sự kỳ dịu của thiên nhiên về loại hoa này qua các đoạn văn hay những khúc phim ngắn. Nhìn người đi dọc theo những luống dài, tay cầm liềm cắt hoa. Chạnh lòng, tôi bỗng nhớ về mùa lúa mới nơi quê nhà, nhớ những người nông dân tay lấm chân bùn, trên cánh đồng lúa trổ chín vàng. Việc cắt hoa dù không nhọc nhằn như người nông phu Việt Nam, nhưng họ cũng khá vất vả. Kế đến những công việc chế biến thành dầu hay những sản phẩm đủ loại cho con người cần đến hoặc những hương trị liệu, gây cảm giác đê mê, thư giãn. Thế mới biết đàng sau lưng sự hưởng thụ của bản thân mình, có biết bao giọt mồ hôi của kẻ khác đổ ra.

      Rồi đây, khi anh tôi rời Úc Châu biết đến bao giờ mới trở lại. Hành trang anh mang đi từ phương Nam này sẽ có rất nhiều sản phẩm được làm ra từ loài hoa tim tím mang tên Oải Hương. Những món quà trao tặng ghi lại chút tình, khi anh rời nơi đây.


Tôi có môt cặp tách dùng uống trà hay cà phê, nay tặng riêng cho anh một chiếc. Sau này mỗi lần dùng đến, nhìn hình cụm hoa Lavender màu tim tím in trên nền tách, chưa rõ anh sẽ nghĩ gì. Nhưng với tôi có lẽ từ giây phút này, chiếc tách thứ hai tôi giữ lại, nó sẽ là một hiện vật được tôi trân quý, nhắc tôi nhớ về một người anh xa xôi bên kia nửa vòng trái đất, người anh đã ảnh hưởng đến tâm tính và học lực của tôi rất nhiều…từ lúc tôi còn bé dại.
    Oải Hương, màu hoa tím mang ý nghĩa sống lại theo niềm tin tôn giáo sẽ ghi lại những chuỗi ngày thân ái khôn nguôi.

Kim Phượng

Bóng Người Cùng Thôn




Mưa dầm gió bấc cố nhân ơi!
Áo rét nàng đan lỡ hẹn rồi
Sông lạnh khi nàng ra giũ lụa
Vớt giùm trong nước lấy hồn tôi....
Nguyễn Bính

Bốn nươi năm lẻ đời nổi trôi
Tình xưa vẫn mãi sống trong tôi
Chân đã mỏi mòn trên đất khách
Đêm về soi bóng vách đơn côi

Quê cũ xa xôi có một thời
Đường xưa kỷ niệm đẹp muôn đời
Hoa nỡ vườn em cười vang tiếng
Khói tỏa hiên nhà nắng chiều rơi

Con nước hai mùa sông còn chảy
Bóng người giặt áo dưới cầu ao
Nụ hôn theo gió đùa trên lá
Tôi đứng trong mơ vẫy tay chào

Ước gì sông nước xưa ngừng chảy
Cho tôi về xóm nhỏ thân yêu
Tìm em trong khói lam chiều
Vườn cau quê ngoại mang nhiều nhớ nhung.

Biện Công Danh
5/1/2016

Chiều Ba Mươi Tết


  
      
Màu áo hồng chiều Ba Mươi Tết
Em khoác vào khoe hết chợ hoa
Thướt tha gió dáng lụa ngọc ngà
Rượu chưa chén anh đà ngà say

Mồng Một em thay áo màu lam
Bên mẹ đi lễ Chùa hái lộc
Tiếng guốc khua lốc cốc âm vang
Như tim đập ... anh đang lén ngó

Mồng Hai chọn áo vàng Vạn Thọ
Đợi anh về xuân trọn niềm vui
Anh không về..khoác áo ngậm ngùi
Mùng Ba, Bốn, Năm, Sáu ...Xuân tủi

Thế là ... mùng Bảy Tết đã hết

Áo đỏ màu cũng chết cùng em
Xác pháo hoa tơi tả bên thềm

Sắc xuân úa theo đêm trừ tịch........

Kim Oanh

Xuân Giáp Ngọ 2014

Dọn Bước Vào Xuân


Dọn Bước Vào Xuân

Lá từ bụi bướm đi qua
Vườn trăng đổi lục, thay tà trắng phơi
Cánh vàng lẻ, cánh vàng rơi
Bước đêm trên đỉnh mù khơi lặng chìm

Hồn nhiên sấp ngửa hồn nhiên
Bình minh ra hái sương miền hửng đông
Một chồi biếc mọc giữa dòng
Tinh mơ ngắt ngọn gió không đường về

Trong làn chướng nhẹ, bấc se
Khăn mây võng lạc - Xuân phe phẩy gần
Hồn hoa xao gợn lâng lâng
Như là cuộc nhớ...hằng dâng, muộn chùng

Góc chiều quay ngược đường cung
Nắng nghiêng vô tận, khôn cùng thẫm xanh
Hoang sơ chưa kịp dọn mình
Tiếng chim mở cánh hoa trinh chào ngày

Em là em mai vàng mai
Gót sương để lại dấu đài trang xưa
Anh là anh vạch giao thừa
Nửa thơ ngây, nửa luống vừa đẫm xuân.

Phong Tâm
14/11/2015
***
Thoảng Hương Xuân

Chưa đông mà ước đông qua
Xanh màu lá biếc nhuộm tà nắng phơi
Cành thu đọng giọt mưa rơi
Khẽ khàng cánh gió đêm khơi bóng chìm

Ngẩu nhiên chẳng phải ngẩu nhiên
Én tìm miền ấm, xa miền tuyết đông
Sông thơ êm ả xuôi dòng
Thuyền trăng vớt mộng… hẹn không ngày về

Vườn khuya sương mỏng lạnh se
Thâu canh nghe ngọn bấc phe phết gần
Hương xuân thơm thoảng nhẹ lâng
Mây hồng cuộn nhớ, buồn dâng chập chùng

Tơ lòng trầm bổng thanh cung
Đường mơ chung lối, dệt cùng mộng xanh
Hồn hoa thức giấc trở mình
Chờ khoe sắc thắm nguyên trinh đón ngày

Anh là sợi nắng ban mai
Em hương dạ thảo ẩn đài gương xưa
Gió đưa xa vắng âm thừa
Nửa nghe xao xuyến, nửa vừa nhớ xuân.


Yên Dạ Thảo
18/11/2015

Tình Trôi Theo Chiều Mưa


 

Chiều nay xuống phố đến nơi xưa
Điểm hẹn hò nhau trải mấy mùa!
Hai kẻ yêu nhau thời vụng dại
Ai ngờ...trời bỗng đổ cơn mưa.

Tà áo thiên thanh ngọn gió lùa
Vạt dài quấn quit gót chân khua
Đường đi đã bớt người qua lại
Kỷ niệm bên nhau nhớ chẳng vừa

Thời khắc vô tình cứ mãi trôi!!
Tim tôi nôn nóng nhịp từng hồi
Người đâu không đến,lòng mong đợi
Chẳng lẽ...chàng quên hẹn ước rồi!

Từng giọt mưa chiều hắt mái hiên
Bàn tay đưa nón khẽ che nghiêng
Giọt mưa tung ướt bờ vai nhỏ
Trống vắng hồn tôi thấy buốt thêm!

Mưa đã tạnh rồi,phố lại đông
Người đi,xe cộ chạy xuôi dòng
Tôi đưa mắt ngó về nơi hẹn
Chẳng thấy gì đâu...nát cả lòng

Bỗng thoáng từ xa hai dáng người
Vòng tay âu yếm nụ cười tươi
Bên nhau nhịp bước cùng chung lối
Ôi đúng! Người tôi hẹn đấy rồi!

Chợt thấy tim mình bỗng nhói đau!
Bao câu thề ước đã tan mau
Tôi vờ quay mặt không nhìn thấy
Chỉ muốn mưa chiều rớt thật lâu

Lý Lệ MAI
Michigan,1/6/2016

Có Ai? - Có Người!


Có Ai?

Có ai níu ánh trăng thề?
Cho tôi xin hỏi đem về cho ai?
Có ai giữ ánh trăng cài?
Cho tôi xin hỏi tóc mai đâu rồi?
Có ai đành để trăng trôi?
Cho tôi giữ lại màu phôi tóc nàng!
Có ai quá chuyến đò ngang?
Cho tôi xin gửi trăng vàng cùng đi!
Có ai uống rượu chia ly?
Cho tôi gửi tặng tình si một thời!
Có ai nhặt tuyết sương rơi?
Cho tôi gửi tặng nụ cười vu vơ!
Có ai yêu mấy vần thơ?
Cho tôi gửi tặng mộng mơ … dâng đời!

Nguyễn Đắc Thắng
20151227
***
Có Người!

Có người xõa mái tóc thề
Nhờ làn gió gửi hương về bên ai
Có người cửa khép then cài
Quên trời hừng sáng nắng mai lên rồi
Có người lặng ngắm mây trôi
Bóng in bạc thếch phai phôi tình nàng
Có người phụ rẩy sang ngang
Hững hờ duyên phận vội vàng bước đi
Có người nhấp chén sầu ly
Say mèm vùi gốc cây si suốt thời
Có người nhặt cánh hoa rơi
Đêm trăng tơ tưởng mỉm cười vu vơ
Có người gối mộng dệt thơ
Chép trang ký ức ôm mơ trọn đời

Kim Oanh

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2016

Cô Nữ Sinh Ðồng Khánh - Sáng Tác: Thu Hồ Ca Sĩ: Hà Thanh

Ở Huế ngoài những lăng tẩm kinh thành xưa cũ trầm lắng,yên ả,còn có một nét đẹp nữa mà ít có nơi nào có được.Đó là các nữ sinh,với tà áo dài nón lá che nghiêng e ấp.Từ xưa cho đến bây giờ vẫn là hình ảnh đẹp gần như là biểu trưng của người con gái của cố đô,Không biết bao chàng trai nơi khác đến thăm Huế đã bao lần thầm yêu trộm nhớ nét duyên dáng ấy của các cô gái đất thần kinh,Cô Nữ Sinh Đồng Khánh ngày xưa là một trong những nét đẹp như thế.



Tác Phẩm: Cô Nữ Sinh Đồng Khánh
Sáng Tác: Thu Hồ
Ca Sĩ: Hà Thanh
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


Chiều Quê



Lá vàng từng chiếc nhẹ buông
Tầng cao lơ lững mây buồn chậm trôi
Gió về đưa đẩy không thôi
Sáu câu vọng cổ bồi hồi xuyến xao
Làng quê êm ả xiết bao
Chuông chùa vang vọng nôn nao niềm trần
Vẳng nghe hồn thấy bâng khuâng
Tiếng kinh thanh tịnh lâng lâng cõi lòng
Vườn cây khoe dáng bên sông
Êm êm con nước xuôi dòng về khơi
Cánh chim cô độc giữa trời
Mơ tìm tổ ấm thoát đời quạnh hiu
Khói lam lạc lỏng liêu xiêu
Bếp nhà ai toả trong chiều mờ sương
Nắng vàng đã tắt sau vườn
Kéo nhau mục trẻ trên đường về thôn
Sừng trâu nhịp gõ dập dồn
Nói cười ơi ới tiếng ồn lan xa
Yêu thương còn mãi trong ta
Thôn nghèo lam lũ thật thà tình quê

Quên Đi

Chưa Già Đâu!


Chưa già an phận... đúng không?
Chân đi mệt mõi nhìn trông thấy mờ...
Nằm đêm trằn trọc ngủ mơ,
ăn cơm chậm chạp, ngu ngơ xong rồi.
Áo quần, lộn vớ lôi thôi,
Nhớ đâu quên đó xa rời tri âm!
Tiếng to sao ngỡ nói thầm,
Tấm thân không vững tay cầm ba toong.
Là cha của bốn đứa con,
Rễ dâu nội ngoại cũng khôn dễ gần.
Tre già măng mọc chia phân,
Cho dù thăm viếng cũng cần người thương.
Ngày dài tháng rộng vấn vương,
Thân cô quạnh quẽ đơn phương một đời.
Nói rằng vô sự sướng rồi,
Đến khi nhìn xuống rối bời thiệt hơn.
Ơn trời dưỡng lão nghĩa nhơn,
Vài khu bệnh lú trông nom hết tiền.
Chứng minh cuộc sống truân chiên,
Cũng còn an ủi khỏi phiền hết than!
Làm người sống sót thế gian,
Nên vui mà hưởng bình an tấc lòng.
Nắng xuân ngắm cảnh ráng hồng,
Chim hoàng oanh hót, nhìn bông mĩm cười.
Trung thu trăng sáng tuyệt vời,
Bên hoa hàm tiếu cho đời lên hương.
Khuyên ai buông bỏ vấn vương,
Chưa già... bảy chục ... vô thường sắc, không!


Mai Xuân Thanh
Ngày 07 tháng 12 năm 2015

Vội Gì?




Vội Gì ?

Sứ trời sớm muộn cũng kêu tên
Vội vã làm chi, cứ tự nhiên
Dạo bước, mắt nhìn phong cảnh đẹp
Gặp người, môi nở nụ cười duyên
Bạn bè gắn bó trong giao tiếp
Thơ phú vui vầy với luật niêm
Ngày tháng ung dung đầy hạnh phúc
Nam Tào có đến, đợi ngoài hiên!

Phương Hà
***
Sớm Muộn Gi Đâu!


Sớm muộn gì đâu ... sẽ có tên,
Kêu ai nấy dạ lẽ đương nhiên.
Già rồi tự tại an nhiên sông,
Xuân sắc tàn phai vẫn có duyên.
Sống thác do thiên luôn hỉ xã,
Sinh tồn định mệnh với thuyền quyên.
Chư huynh tỷ muội tình tương đắc,
Xướng họa Vườn Thơ đón trước hiên!

Mai Xuân Thanh
Ngày 02 tháng 10 năm 2015

Giọt Mưa Chưa Rơi


(Trong những cơn mưa rơi, chỉ có một giọt mưa chưa rơi)

cơn mưa
đầu mùa
đẫm ướt
thời xưa
lưa thưa
giọt vắn
lúng lắng
giọt dài

lung lay
kỷ niệm
bầm tím
vết đau
ta lau
nỗi nhớ
nằm thở
trong tim

mưa chìm
theo nước
đời trượt
mùa tình
lung linh
tiếng hát
dòng nhạc
co ro
dáng thơ
vóc phượng

ta mượn
lời mưa
giọt chưa
thấm đất
giọt rất
long lanh
mong manh
đầu lá
tất cả
về em...

Phạm Hồng Ân
(công viên Trăng Lặn, 24/12/2015)

Thứ Ba, 5 tháng 1, 2016

Thử Say


Làng Xưa


Nói đến làng xưa là người ta nghĩ đến đây là nơi định cư của một tập thể người Việt (lâu lâu cũng có di cư, nhưng thường là ít, và lại càng ít vụ di cư cả làng). Đây là nơi lưu giữ hồn Việt, tập tục, tín ngưỡng! nơi có mồ mả ông bà tổ tiên và bao nhiêu kỷ niệm thân thương thời thơ ấu, và cả những người trưởng thành, đứng tuổi …
Ai mà không nhớ khi còn bé … bắt chuồn chuồn, đuổi bướm, chơi tổ kiến coi kiến tha mồi, hái lá chuối, lá mít làm đồ chơi, lấy gốc rơm, gốc rạ làm kèn, nặn đất làm pháo!
Khi xa quê thì nhớ day dứt. Lòng rộn lên khi về quê thấy cổng làng, cây đa, bụi tre làm ta lâng lâng, nhẹ người. Nhìn mái đỏ đình chùa làm ta ấm áp. Những cánh cò trên đồng, những đàn trâu lững thững về nhà. Những tiếng sáo diều vi vu. Những đêm trăng chơi ú tim, thả đỉa ba ba… Ôi! Ai mà không thấy làng mình tuyệt vời! Ai mà không kể về làng mình là nơi thơ mộng! Ôi! Thiên đường của tuổi thơ!

Ngày nay những bước chân rầm rập của văn minh (!) những bước chân oang oang của kỹ thuật làm người ta choáng váng! Điều tất yếu là người ta phải chạy theo văn minh! Đó là cuộc cạnh tranh sinh tồn mà!
Thời mới có tân học, nếu ông Hoàng Đạo nói: Theo mới! Theo mới không chút do dự! Theo mới là Âu hóa! Thì các nhà nho có tân học như Phan kế Bính, Phạm duy Tốn, Nguyễn bá Học chủ trương lấy cái ngọn xum xuê của Âu Mỹ tiếp lên cái gốc bền vững ngàn năm của ông cha để xây dựng một nền văn minh riêng cho Việt Nam! Nhưng bánh xe lịch sử ngày càng quay nhanh và người ta chẳng còn biết cụ Phan kế Bính là ai nữa!
Tôi không muốn nói tới những đổi mới sai lầm như Hợp Tác Xã, Sản Xuất Tập Thể, chỉ nói tới những đổi mới bình thường thôi cũng đủ giết chết làng xưa rồi! Cái hay thì khó học, cái xấu thì dễ theo, thậm chí còn theo một cách thích thú nữa! Ngày nay những tính xấu tràn về nông thôn như tầm ăn dâu , thậm chí như nước vỡ bờ!

Ngày nay làng nào mà không đầy quán nhậu( chưa nói tới những quán cực sang, chỉ những quán thường thôi người ta đã đổ đi biết bao nhiêu đồ ăn dư thừa ). Làng nào mà không có Vi tính, chơi game, Karaoke. Thậm chí có những cô gái ăn sương tính phí bằng lúa( lấy ngay hoặc tới mùa mới lấy). Bởi vì tiền trên hết, Tiện nghi trên hết! nên người ta sẵn sàng ngửa tay xin tiền, níu kéo người la, du khách. Vì tiền người ta sẵn sàng lấy chồng (!) xứ lạ , kể cả cái nước man mọi phía Bắc (!). Có cô gái trả lời phỏng vấn là cô ta lấy chồng ngoại là sẽ được đi máy bay!!!
Trước tình trạng đó người ta hô hào ( thực hay giả vờ ) bảo tồn truyền thống, bảo tồn cái hay cái đẹp xưa, bảo tồn luân lý phong tục xưa! Bảo tồn nếp sống xưa ( trong đó có nếp sống làng xã ). Nhưng hỡi ôi! Nói một đàng làm một nẻo! Chỉ thấy bày vẽ gia đình văn hoá, thôn làng văn hoá! Bảng hiệu, thu tiền và làm khó dân. Những di tích làng cổ, phố cổ(!). Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây), làng cổ Phong Nam (Đà Nẵng ). Cái Hội An chỉ là một làng nghèo (trừ một số người Hoa buôn bán ) từ khi người Pháp tới mới nhiều nhà gạch . Mà các cụ ơi! Nhà hình ống: mặt tiền 4m, chiều sâu 20 m thì tôi hỏi nó “Cổ “ ở cái chỗ nào? Mà đã mang danh là cổ thì sửa chữa cũng không được, nói gì xây mới! Người ta còn đặt ra nhiều phương án (!) chắc còn lâu mới thi hành! mà sẽ có hàng trăm thứ giấy tờ thủ tục (lại có ăn nữa!)

Tôi thấy nhiều nơi cần có một chương trình gì đó, nhưng chưa kịp nhận danh hiệu thì nó đã dần dần chuyển bước tới văn minh hiện đại! Những khu như Cồn Lu, Cồn Ngạn Cồn vành, Cồn thoi ở Thái Bình Nam Định. Khu phía Tây Nghệ An, Bình Định. Khu giên giới Tân An, Đồng Tháp . Khu Cái Mơn, Cù Lao Ông Chưởng, Trà Sư – Lạc Quới – Tịnh Biên, khu Mũi Cà Mau… Tất cả đều có bước chân rầm rập của Văn minh. Nếu bạn muốn tìm hiểu về Phong Điền (Cần Thơ), bạn sẽ thấy làng Nhân Ái, làng Giai Xuân chẳng còn vết tích một làng xưa nữa. Ôi! Những người 100 năm cũ, hồn ở đâu bây giờ!
Một lần về quê tôi thấy lạc lõng, bơ vơ quá, có mấy câu thơ rằng:

Quê Nhà

Dạ thưa tôi tới quê nhà
Xôn xao bỡ ngỡ những là lạ quen
Ngó buồn mây trắng triền miên
Hững hờ ngớ ngẩn gọi tên quê mình
C.D.M.

Ngâm đi ngâm lại hoài, thấy thơ mình không hay bằng thơ ông Trịnh Hoài Giang. Tôi xin phép đăng bài thơ của ông lên đây:

Ơi Cánh Đồng Quê

Bây giờ ruộng đã bê tông
Cây đa đã cụt giòng sông đã què
Mái đình đã thẳng đường xe
Còn đâu cánh võng mà nghe chuông chùa
Hội làng thì đã ngày xưa
Thôi anh đừng có tiễn đưa làm gì
Em chào thầy mẹ em đi
Làm ô sin chẳng biết khi nào về
Heo may thổi dọc triền đê
Nghe câu dự án mà tê tái lòng
Người đi thì đã ngàn trùng
Người về đất có còn không mà về
Giật mình nửa tỉnh nửa mê
Cánh đồng quê, cánh đồng quê,cánh đồng

Trịnh Hoài Giang
28-12-2015
Chân Diện Mục

Hành Trình Của Lá




Ngọn gió thu qua lá vàng rơi lả tả
Lắc lay cây nghiêng ngả dáng buồn hiu
Thương lá úa chờ đợi ngày mục rã
Trên đoạn đường, đường định-mệnh một chiều.

Vào xuân hạ nắng nồng sanh sắc tố
Lặt lìa xanh màu mát mắt trần-gian
Rồi thu, đông đến màn mây xám lạnh
Nhựa nuôi cây nhàn-nhạt lá trở vàng.

Con đường một chiều vòng tròn giáp mí
Lại trở về mốc điểm những lần qua
Luân-hồi tái-sinh thong-dong lá bước
Sải cánh đùa cơn mưa rớt nắng sa.

Anh Tú
11/11/2015

Nhớ Mẹ Yêu



Đông về se sắt lạnh
Tím rát đôi bàn tay
Lưng trời con cò trắng
Như chừng mõi cánh bay.

Mẹ đi xa mất rồi
Chân bước đều thảnh thơi
Mái tranh chiều ươm khói
Đưa tiễn mẹ muôn đời.

Ngày nào con đi học
Mẹ dắt tay dọc đường
Một hôm thấy mẹ khóc
Khi con giởn trong trường !

Tím chiều mây bãng lãng
Thương mẹ mấy cho vừa
Nhớ con mương nước cạn
Mẹ tát cá ngày mưa.

Tức tưởi con xin lỗi
Nói nhỏ vào cơn mê
Mẹ ơi xin dừng lại
Con đang đợi mẹ về.

Đêm rồi con cầu nguyện
Mong mẹ được bình yên
Âm dương dù lưu luyến
Mẹ vẫn về cõi tiên.

Gió đông về lạnh cóng
Nhớ mẹ suốt đêm gầy
Giật mình cơn gió lộng
Bồi hồi đôi mắt cay…

Dương Hồng Thủy
(ngày cuối năm 31/12/2015)

Thứ Hai, 4 tháng 1, 2016

Say



Thơ & Thơ Tranh: Khúc Giang

Sân Hoa Sau Nhà




Ước gì nghe được tiếng hoa tươi
Rải rác trong sân vắng nụ cười
Thiên Thần chắp cánh còn ngơ ngác
Héo úa hồng nát tuổi đôi mươi

Cây ép xác thu người thuở nhỏ
Giấu làm sao hình tỏa già nua
Trái tim kia cằn cỗi theo mùa
Tô sắc mới gượng đùa năm tháng

Nói đi hoa! Khi vầng trăng sáng
Kẻo ấm tình chết dáng mùa Đông
Nói đi hoa! Phật trông mòn mỏi
Thú vô hồn về cõi xa xăm

Ong bướm lặng vườn câm tiếng hót
Gục mặt sầu đau xót lòng hoa
Đêm tịnh tâm rỏ thấy mình già
Lòng hướng thượng vị tha biển cả

Về đi hoa! Quê nhà vẫn đợi
Dẫu rơi vài kỷ niệm ngày thơ
Sợ bóng câu chân già run rẩy
Làm lật thuyền bến ấy sông xưa

Nói đi hoa! Trời sẽ ban mưa!

CA.Sanjose 2008
Lê Kim Hiệp

Xuân Tình 春晴 - Vương Giá

Không phải là tên một điệu cổ nhạc của ta, cũng không có nghĩa là Tình Xuân Phơi Phới. TÌNH 晴 ở đây là Nắng Ráo không có mưa. Nên, XUÂN TÌNH 春晴 có nghĩa là Ngày Xuân Nắng Ráo. Cái gì xảy ra trong ngày xuân nắng ráo nầy ? Ta hãy cùng đọc bài Thất Ngôn Tứ Tuyệt độc đáo nầy của nhà thơ Vương Giá nhé !


春晴                         Xuân Tình 

雨前初見花間蕊.    Vũ tiền sơ kiến hoa gian nhụy,
雨後全無葉底花。 Vũ hậu toàn vô diệp để hoa.
蜂蝶紛紛過牆去, Phong điệp phân phân qúa tường khứ,
卻疑春色在鄰家。 Khước nghi xuân sắc tại lân gia.

王駕                         Vương Giá

Chú Thích:
TÌNH 晴: Có bộ Nhật 日 là Mặt Trời bên trái, nên có nghĩa là Nắng Ráo. Khi chữ TÌNH 情 bên trái là bộ Tâm 心 ( 忄) là Trái Tim thì Tình mới có nghĩa là Tình Yêu, Tình Thương.
PHONG ĐIỆP: Phong là con Ong, Điệp là con Bướm.
PHÂN PHÂN: là Tới Tấp, Tấp nập, là mườn nượp.
KHƯỚC NGHI: Lại ngờ rằng.
LÂN GIA : là Nhà hàng xóm.
XUÂN SẮC: Hương sắc của mùa xuân, ở đây dùng để chỉ Mùa Xuân mà thôi.
NGHĨA BÀI THƠ:
Trước cơn mưa, ta mới vừa thấy hoa nở bày cả nhụy thật đẹp ra ngoài, Nhưng sau một trận mưa rào lại không còn thấy được một cánh hoa nào ở dưới lá nữa. ( Mưa đã vùi dập làm hoa rả hết cánh rồi ! ). Những con ong con bướm đều tấp nập bay cả sang tường bên kia, làm ta lại ngờ rằng Chúa Xuân còn ngự ở bên nhà hàng xóm chăng ?!

Đọc bài thơ nầy của Vương Giá làm ta nhớ đến bài MAI RỤNG cuả thi sĩ thời Tiền Chiến Jean Leiba ( Lê Văn Bái ) của ta, với vế mở đầu thật truyền cảm ướt át...

Nụ hồng rải lối, liễu tơ phai,
Vườn cũ rêu lan, cỏ mọc dài,
Bên gốc mai già, xuân vắng vẻ.
Âu sầu thiếu nữ khóc hoa mai...

Và...
ở gần cuối bài thơ có 2 câu gần giống như là 2 câu cuối của bài Tứ Tuyệt trên ...

Tơi bời ong bướm bay qua ngõ.
Những tưởng màu xuân ở xóm ngoài.

Sơ Lược Về Tác Giả:
VƯƠNG GIÁ ( 851- ? ) Thi sĩ đời Vãn Đường, hiệu là Đại Dụng, biệt hiệu là Thủ Tố Tiên Sinh. Người đất Hà Trung ( thuộc huyện Vĩnh Tế tỉnh Sơn Tây ngày nay ). Ông đậu Tiến Sĩ năm đầu Đại Thuận ( 890 ). Làm quan đến chức Lễ Bộ Viên Ngoại Lang. Sau bỏ quan qui ẩn, là bạn thơ của Trịnh Cốc, Tư Không Đồ. Ông chỉ vỏn vẹn lưu lại có 6 bài thơ trong Toàn Đường Thi Tập, ngoại biên bổ túc thêm một bài là 7 bài mà thôi. Tuy thơ không nhiều, nhưng rất nổi tiếng, nhất là 2 bài " Xã Nhật ", " Vũ Tình " và bài này, được lưu truyền rộng rãi trong dân gian.

Diễn Nôm:
Xuân Tình 

Trước mưa hoa hãy còn phong nhụy,
Sau trận mưa rào tan tác hoa.
Ong bướm bay sang tường vội vả,
Nhà bên xuân ngự, phải chăng là?!

Lục bát:

Trước mưa hoa nở đẹp sao,
Sau mưa dưới lá hoa nào còn chi!
Cách tường ong bướm bay đi,
Ngờ rằng xuân sắc có khi bên nhà!?

Đỗ Chiêu Đức
***


Các Bài Phỏng Dịch Khác:
Xuân Tình   

Trước cơn mưa hoa khoe nhuỵ thắm
Hoa trụi nhành thê thảm sau mưa
Vượt tường ong bướm say sưa
Phải chăng bên xóm xuân vừa ghé chơi?

Mailoc  
***
Xuân Tình

Trước mưa hoa đong đưa khoe sắc
Sau mưa hoa tái ngắt rụng rơi
Vượt rào sang ong bướm lã lơi
Hay tình xuân ngự kế bên rồi?

Kim Oanh  

Bếp Xưa



Bếp xưa chỗ ngoại ta ngồi
Cời tro than cũ bồi hồi nhớ thương
Thơm rơm mùi rạ xông hương
Hình như hồn ngoại vấn vương trong chiều
Tháng giêng nỗi nhớ thật nhiều
Giữa trời phố thị, lòng dìu dịu êm
Bếp xưa vào cõi lãng quên
Ngoại xưa vào cõi mông mênh đất trời

Ta xưa, tìm cội nguồn ơi!
Cời tro than cũ về nơi ngọai ngồi


Ngọc Hải


Hút Thuốc Lá Mà Không Muốn Chết:

Bóng cản quang tròn bên phổi trái sau này được định bệnh là ung thư phổi

Bài viết này xin được dành cho những người đã hay đang hút thuốc lá, hút nhiều và lâu, nhưng không muốn... chết vì bệnh ung thư phổi.
Hút thuốc lá là nguyên nhân chính của bệnh ung thư phổi.
Cộng đồng người Việt ở hải ngoại, nhất là thế hệ thứ nhất (first generation), có nhiều người hút thuốc lá và sau đó chết về bệnh này. 
Hút thuốc lá rất có hại. Người hút thuốc lá dễ bị các bệnh của nhiều cơ quan trong cơ thể như tim mạch, nhất là phổi, trong đó có ung thư và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). 

Riêng về ung thư phổi, tuy tử suất khá cao, nhưng trong giai đoạn mới bị bệnh vẫn có thể chữa đươc.
Nhưng chỉ khám bệnh và chụp hình phổi loại thường hầu như không thể khám phá ra được bệnh.
Bộ phổi và khói thuốc

Cơ quan US Preventive Task Force (USPSTF) gần đây ra một khuyến cáo (recommendation) về vấn đề chụp phim phổi hàng năm để truy tìm ung thư phổi với low-dose computed tomography (annual screening for lung cancer with low-dose computed tomography (LDCT) cho những bệnh nhân từ 55 đến 80 tuổi đã từng hút thuốc lá 30 gói thuốc-năm (30 pack-year) mà vẫn còn đang hút thuốc hay đã bỏ hút thuốc trong vòng 15 năm.

Những người không cần chụp phim phổi LDCT hàng năm nữa là những người đã bỏ hút thuốc lá hơn 15 năm, hoặc đang mắc bệnh sắp chết, hay không có khả năng (ability) chịu hoặc ý chí (willingness) muốn một cuộc giải phẫu cho khỏi bệnh (curative surgery).

Nhiều hãng bảo hiểm PPO và HMO đã có những chương trình và chấp thuận cho bệnh nhân được chụp hình phổi theo khuyến cáo trên.

Medicare cũng vừa chấp thuận chụp phim phổi hàng năm để truy tìm ung thư phổi với low-dose computed tomography với các tiêu chuẩn như sau:

1. Cho bệnh nhân từ 55 đến 77 tuổi.

2. Không có triệu chứng của ung thư phổi.

3. Có bệnh sử tối thiểu 30 gói thuốc-năm và đang hút thuốc hay đã bỏ thuốc nhưng chưa quá 15 năm.

4. Được bác sĩ viết đơn cho chụp hình và trong hồ sơ bệnh lý phải có viết (documented) là:

a. Đã ghi rõ những điều kiện (như là tuổi tác, không có triệu chứng ung thư phổi, bệnh sử về hút thuốc…)

b. Đã bàn (discussed) về chuyện lợi và hại của chụp hình phổi cũng như kết quả có thể sai (over diagnosis, false positive) và nguy hại của phóng xạ quang tuyến. 

c. Đã khuyên (counseled) bệnh nhân phải tiếp tục chụp hình phổi như vậy hàng năm và có khả năng cùng ý chí sẽ trải qua giải phẫu chữa bệnh.

d. Đã khuyên bệnh nhân đã bỏ thuốc không được hút thuốc lại, và bệnh nhân đang hút thuốc phải bỏ thuốc ngay. 
Lá phổi người hút thuốc lá so với lá phổi bình thường

Chú Thích:
Số gói thuốc-năm = (số gói thuốc hút mỗi ngày) × (số năm bệnh nhân hút thuốc). 

Thí dụ: bệnh nhân hút 2 gói một ngày trong 16 năm thì số gói thuốc năm sẽ là 32 (2 x 16) 
hoặc:

Số gói thuốc-năm = (số điếu thuốc hút mỗi ngày / 20) × (số năm bệnh nhân hút thuốc). Thí dụ: bệnh nhân hút 15 điếu thuốc lá một ngày trong 45 năm, số gói thuốc-năm sẽ là 33.75 (15/20 x 45).

BS Phạm Anh Dũng, ABFP
Tháng 6, 2015
Santa Maria, California USA

Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2016

Thơ Tranh: Cảm Tác Trường Tương Tư




Thơ: Quên Đi
Tranh Thơ Hữu Đức


Tâm Sự Với Con



(Tặng Kha Tiệm Ly)

Hơn sáu mươi năm cuối cuộc đời

Trần ai lây lất lấy thân phơi
Lên voi mấy nỗi màu tươi sáng
Xuống chó bao mùa áo tả tơi
Buộc viết vần thơ cha bán lẻ
Bương cày sức vóc trẻ lưng vơi
Cùng quen một món rau vi đắng
Con cũng sương pha mái tóc rồi.

Cao Linh Tử
25/12/2015

Nụ Cười Tháng Giêng



*Tháng Giêng em về nụ cười rạng rỡ
Tháng Giêng em cười hàm tiếu nụ hoa

*Tháng Giêng chẳng lạnh nắng ấm chan hòa
Tháng Giêng ngọt ngào đẹp quá tình ta

*Tháng Giêng năm nay chúc nhiều may mắn
Tháng Giêng gió đùa hoa nắng lăn tăn

*Tháng Giêng nên thơ em hết ơ hờ
Tháng Giêng trữ tình, tình tợ bài thơ

*Tháng Giêng em về nụ cười tình quá!
Tháng Giêng yêu em, trăng ngắm thẩn thờ

*Tháng Giêng hôn em xây xẩm đất trời
Tháng Giêng em cười nụ tình chớm nở

*Tháng Giêng dịu dàng, tình đến như mơ
Tháng Giêng yêu em chẳng chút nghi ngờ

*Tháng Giêng em à, chúc mừng năm mới
Tháng Giêng đẹp ngời, tuyệt quá em ơi...

Quách Như Nguyệt

Ý Thức Về Ký Hiệu Học

Tùy luận

Lời Giới Thiệu: Bài Ý Thức Về Ký Hiệu Học gồm có 10 phần. Sẽ đăng liên tiếp để độc giả tiện theo dõi. Bài này trích từ sách: Xa Lộ 21: Tư Tưởng Văn Học Dẫn Vào Thế Kỷ do nhà thơ Ngu Yên giới thiệu, nhận định và áp dụng những lý thuyết mới về văn chương và ngôn ngữ từ giữa thế kỷ 20 sang thế kỷ 21. 

Phần Một. 
Dẫn Nhập: Ký Hiệu và "Lơ Là Lơ Láo."

Trong giai đoạn hoàng kim của tờ Văn Học ở hải ngoại do nhà văn Nguyễn Mộng Giác làm chủ bút, từ thập niên 1985- 1995, xảy ra vài chuyện tranh cãi về văn học. Lúc đó, tranh cãi trong sáng và đẹp đẻ, người đúng lý được hoan nghênh. Người thua vui vẻ nhận lỗi. Tôi thích nhất là câu chuyện "Lơ Là Lơ Láo" do nhà văn Bình Nguyên Lộc đề ra và người quen, kẻ lạ phúc đáp tưng bừng.

Nhớ lại, ông Bình Nguyên Lộc thắc mắc câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:

" Bó thân về với triều đình,
Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu?"

Hàng thần, có nghĩa: đầu hàng. Vì vậy mới lơ láo giữa triều đình lạ lẫm, tự hỏi, số phận mình sẽ đi về đâu.

Hay là: Hàng thần lơ láo, có nghĩa: khi về với triều đình, thấy đám quan tướng lơ láo, chẳng ra gì, nên mới than thân.

Tóm lại, Hàng có nghĩa đầu hàng hay hàng dài, hàng dãy? 

Tôi không nhớ rõ chi tiết nhưng nhớ có nhiều lời qua tiếng lại, rất nhộn và vui. Ông Bình Nguyên Lộc, một mình đại chiến quần hùng, cuối cùng, cười xòa nhận đã thua, vì ông muốn hiểu theo ý "đám quần thần lơ láo" nghịch với đa số hiểu nghĩa hàng phục. 

Nhắc lại chuyện này, điển hình cho thấy từ ngữ, nhất là trong thơ, mang nhiều ý nghĩa và hình ảnh khác nhau cho dù viết giống nhau. Nếu người đọc chỉ đọc bản quốc ngữ, đôi khi cũng thắc mắc như nhà văn Bình Nguyên Lộc. 

Cấu Trúc Luận cho rằng, chữ "Hàng" dù tự bản thân có ý nghĩa riêng, vẫn phải có nghĩa liên hệ và tương quan với những chữ khác trong câu và trong đoạn thơ. Nghĩa của một chữ tương quan với những chữ khác, là nghĩa đặc thù của chữ đó, trong tương quan đó. Có khi kéo theo một số ý nghĩa khác liên quan trong phạm vi của nghĩa chính thức trong tự điển. Vậy thì, đọc lại nguyên một đoạn:

" Một tay gây dựng cơ đồ,
Bấy lâu bể Sở sông Ngô tung hoành!
Bó thân về với triều đình, (2465)
Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu?
áo xiêm ràng buộc lấy nhau,
Vào luồn ra cúi công hầu mà chi?
Sao bằng riêng một biên thùy,
Sức này đã dễ làm gì được nhau? (2470)
Chọc trời khuấy nước mặc dầu,
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai?

Thấy ngay, chữ "Hàng" liên kết với "bó thân", "ràng buộc", "luồn", "cúi", và nghịch với "gây dựng cơ đồ", " riêng một biên thùy", "nào biết có ai trên đầu". Như vậy, chữ "Hàng" trong đoạn thơ này phải là đầu hàng. Không thể hiểu theo nghĩa những dãy quan tướng công hầu lơ láo.

Ký Hiệu Học dùng cách truy vào văn bản: Nguyên truyện Kiều được viết bằng tiếng Nôm. Việc xác định ý nghĩa chữ "Hàng" phải tra cứu bằng tiếng Nôm. 

Bó thân về với triều đình
Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu 

Hàng (xiáng) 

- Nộp mình chịu thua: Đầu hàng; Hàng thần; Hàng kì (cờ trắng)
- Bắt phải phục tùng: Hàng long phục hổ
- Xin triều cống (cổ văn): Hàng thuận

Hàng (háng) 

- Dẫy có thứ tự: Nhất hàng thụ (một rặng cây); Hàng ngũ 
- Vị trí trong gia đình: Ngã hàng nhị (tôi là anh ba) 

Rõ ràng chữ "Hàng" mang nghĩa là " Nộp mình chịu thua", đúng với Bó thân về với triều đình.

Sự nghi ngờ của nhà văn Bình Nguyên Lộc, hãy tạm cho, thuộc về quyền của người đọc, trong ý nghĩa của thuyết Người Đọc Cảm Ứng (Reader Respose Theory). Mỗi người đọc đều có thể hiểu khác nhau trên cùng một văn bản. Tác giả mất chủ quyền về ý nghĩa. Nhất là sau khi tác giả qua đời, người đời sau đọc sách, mạnh ai nấy hiểu. Quyền ấy trở thành quyền bất thành văn. 

Vào giữa thế kỷ 20, những lý thuyết mới về ngôn ngữ xuất hiện và tranh cãi trên những biện chứng mang tính khoa học. Những lý thuyết gia này cố gắng đi tìm sự giải thích văn bản qua cấu trúc hoặc phản cấu trúc của ngôn ngữ, cao hơn hết là ngôn ngữ triết học và ngôn ngữ thi ca. Chẳng những chỉ là những học thuyết về ngôn ngữ, họ còn tạo thành phòng trào triết học. Đặt lại câu hỏi về giá trị thực sự của truyền thống; Xác nhận lại vai trò ngôn ngữ trong những lãnh vực khác qua sự thông đạt. Và vào thập niên 1980, đã xâm nhập vào những bộ môn khác như Nhân Chủng Học, Chính Trị Học, Xã Hội Học, Tâm Lý Học.... ngay cả vấn đề kinh tế cũng đã dự phần.

Những lý thuyết như Cấu Trúc Luận (Structuralism), Giải Cấu Trúc (Deconstruction), Ký Hiệu Học (Semiotics) Ký Hiệu Giải Tích (Semiology), Ngôn ngữ Tương Phản Học ( Constrastive Linguistics) ....là những lý thuyết phức tạp, không dễ hiểu. Câu chuyện "Lơ Là Lơ Láo" là một ví dụ tạm bợ, vá víu chưa chính xác, chỉ dùng để tiện đường, mượn hoa cúng Phật, dẫn đến những lý thuyết gai góc, đang tiến vào thế kỷ 21, có tầm ảnh hưởng trên lời nói và chữ viết, trên ngôn ngữ bình dân và ngôn ngữ văn chương, và hầu như trên toàn diện đời sống. Có khía cạnh nào trong đời sống mà không sử dụng ngôn ngữ? (1)

Điểm nhấn cần quan tâm để mở rộng và đào sâu là trường hợp đặc thù do sự phát triển của ngôn ngữ Việt. Sự leo dòng từ ngôn ngữ viết tượng hình (chữ Hán chữ Nôm) sang ngôn ngữ viết mẫu tự ( chữ ABC) khiến cho ngôn ngữ viết của người Việt hôm nay mang những cá tính đặc biệt. Sự quan tâm này cần thiết khi thí nghiệm những lý thuyết tây phương vào văn học Việt Nam.

Ví dụ: Ngày nay khi người Mỹ viết chữ TREE, người Việt viết quốc ngữ chữ CÂY, cả hai là ký hiệu đại diện hoặc biểu tượng cho thực vật có thân có lá có rễ. Trong khi chữ MỘC trong Hán Việt, có hình dạng thân cây, và trong bộ chữ tiếng Trung Hoa, cũng có hình cây.



và tiếng Hoa:
Hơn nữa, cách ghi lại, chuyển thành mã hiệu, lại là một vấn đề cách biệt. Cần phải được kỹ thuật hóa và qui tắc hóa để có tính khoa học. Ví dụ:

Con gà ở Texas, Hoa Kỳ gáy khác con gà ở Bà Rịa, Bến tre hay sao? Người Mỹ mã hiệu tiếng gà Tây phương: "cock-a-doodle-doo". Người Việt mã hiệu, khác hẵn: "Ò-ó-o-ò-ò". và chắc chắn những con gà ở các dân tộc khác sẽ có tiếng gáy ghi thành nhiều mã hiệu khác nhau. Nếu chỉ bằng chữ viết ò ó o, đa số người Mỹ sẽ không hiểu tiếng gà gáy nhưng nếu phát âm lớn tiếng: ó o hay ka-doo, cách nào cũng vậy, cả thế giới đều hiểu. 

Tuy nhiên, đối tượng của thí nghiệm cần phải được tuyển chọn theo tiêu chuẩn giá trị. Ví dụ sử dụng Semiotics và Semiology để phân tích một bài thơ. Cả hai Semiotics và Semiology đều có tầm quan trọng về giải mã văn bản. Nhưng với điều kiện văn bản đó được đánh giá cao hoặc được viết bởi tác giả đáng tin cậy. Những văn bản khoa trương thanh thế, rỗng, thì giải mã không có giá trị, thường khi sai lầm nếu cố gắng vì mục đích khác.

Trăm năm
    người ta
tài 
   mệnh
        ghét.

Làm thơ theo phương pháp bỏ bớt chữ cho bí hiểm, hoặc dụng chữ kiêu kỳ khó hiểu, làm sao giải mã? Còn như thế này, dễ hiểu biết bao, mà vẫn không thay đổi nội dung: 

Trăm năm trong cõi người ta, 
chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau. 

Giữa lúc từ ngữ và diễn trình ngữ pháp đang bị nghi ngờ về khả năng và hiệu quả cho thông đạt, có nên xét lại cách dùng từ ngữ, cú pháp trong thi ca Việt? Nơi mà truyền thống cưu mang nhiều huyền thoại, có thể gôm lại trong một số cụm từ: bóng bẩy, chải chuốt, bí hiểm, mơ hồ, tối nghĩa và rỗng... Có nên tìm hiểu về câu cú trong thơ Việt, nơi nhiều chữ mà ít ý, nơi hình ảnh nghèo nàn và ngữ cảnh hời hợt, nơi phô trương hơn là trình bày điều gì thật sự thôi thúc?

GHI:

(1) Câu chuyện này chỉ nhớ lại bằng bộ nhớ có tuổi, e rằng không chính xác lắm. Có thể tìm đọc rõ hơn trong bộ tạp chí Văn Học lưu trữ trong thư viện Quốc Hội Hoa Kỳ..

Ngu Yên