Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2016

Thơ Tranh: Cảm Tác Trường Tương Tư




Thơ: Quên Đi
Tranh Thơ Hữu Đức


Tâm Sự Với Con



(Tặng Kha Tiệm Ly)

Hơn sáu mươi năm cuối cuộc đời

Trần ai lây lất lấy thân phơi
Lên voi mấy nỗi màu tươi sáng
Xuống chó bao mùa áo tả tơi
Buộc viết vần thơ cha bán lẻ
Bương cày sức vóc trẻ lưng vơi
Cùng quen một món rau vi đắng
Con cũng sương pha mái tóc rồi.

Cao Linh Tử
25/12/2015

Nụ Cười Tháng Giêng



*Tháng Giêng em về nụ cười rạng rỡ
Tháng Giêng em cười hàm tiếu nụ hoa

*Tháng Giêng chẳng lạnh nắng ấm chan hòa
Tháng Giêng ngọt ngào đẹp quá tình ta

*Tháng Giêng năm nay chúc nhiều may mắn
Tháng Giêng gió đùa hoa nắng lăn tăn

*Tháng Giêng nên thơ em hết ơ hờ
Tháng Giêng trữ tình, tình tợ bài thơ

*Tháng Giêng em về nụ cười tình quá!
Tháng Giêng yêu em, trăng ngắm thẩn thờ

*Tháng Giêng hôn em xây xẩm đất trời
Tháng Giêng em cười nụ tình chớm nở

*Tháng Giêng dịu dàng, tình đến như mơ
Tháng Giêng yêu em chẳng chút nghi ngờ

*Tháng Giêng em à, chúc mừng năm mới
Tháng Giêng đẹp ngời, tuyệt quá em ơi...

Quách Như Nguyệt

Ý Thức Về Ký Hiệu Học

Tùy luận

Lời Giới Thiệu: Bài Ý Thức Về Ký Hiệu Học gồm có 10 phần. Sẽ đăng liên tiếp để độc giả tiện theo dõi. Bài này trích từ sách: Xa Lộ 21: Tư Tưởng Văn Học Dẫn Vào Thế Kỷ do nhà thơ Ngu Yên giới thiệu, nhận định và áp dụng những lý thuyết mới về văn chương và ngôn ngữ từ giữa thế kỷ 20 sang thế kỷ 21. 

Phần Một. 
Dẫn Nhập: Ký Hiệu và "Lơ Là Lơ Láo."

Trong giai đoạn hoàng kim của tờ Văn Học ở hải ngoại do nhà văn Nguyễn Mộng Giác làm chủ bút, từ thập niên 1985- 1995, xảy ra vài chuyện tranh cãi về văn học. Lúc đó, tranh cãi trong sáng và đẹp đẻ, người đúng lý được hoan nghênh. Người thua vui vẻ nhận lỗi. Tôi thích nhất là câu chuyện "Lơ Là Lơ Láo" do nhà văn Bình Nguyên Lộc đề ra và người quen, kẻ lạ phúc đáp tưng bừng.

Nhớ lại, ông Bình Nguyên Lộc thắc mắc câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:

" Bó thân về với triều đình,
Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu?"

Hàng thần, có nghĩa: đầu hàng. Vì vậy mới lơ láo giữa triều đình lạ lẫm, tự hỏi, số phận mình sẽ đi về đâu.

Hay là: Hàng thần lơ láo, có nghĩa: khi về với triều đình, thấy đám quan tướng lơ láo, chẳng ra gì, nên mới than thân.

Tóm lại, Hàng có nghĩa đầu hàng hay hàng dài, hàng dãy? 

Tôi không nhớ rõ chi tiết nhưng nhớ có nhiều lời qua tiếng lại, rất nhộn và vui. Ông Bình Nguyên Lộc, một mình đại chiến quần hùng, cuối cùng, cười xòa nhận đã thua, vì ông muốn hiểu theo ý "đám quần thần lơ láo" nghịch với đa số hiểu nghĩa hàng phục. 

Nhắc lại chuyện này, điển hình cho thấy từ ngữ, nhất là trong thơ, mang nhiều ý nghĩa và hình ảnh khác nhau cho dù viết giống nhau. Nếu người đọc chỉ đọc bản quốc ngữ, đôi khi cũng thắc mắc như nhà văn Bình Nguyên Lộc. 

Cấu Trúc Luận cho rằng, chữ "Hàng" dù tự bản thân có ý nghĩa riêng, vẫn phải có nghĩa liên hệ và tương quan với những chữ khác trong câu và trong đoạn thơ. Nghĩa của một chữ tương quan với những chữ khác, là nghĩa đặc thù của chữ đó, trong tương quan đó. Có khi kéo theo một số ý nghĩa khác liên quan trong phạm vi của nghĩa chính thức trong tự điển. Vậy thì, đọc lại nguyên một đoạn:

" Một tay gây dựng cơ đồ,
Bấy lâu bể Sở sông Ngô tung hoành!
Bó thân về với triều đình, (2465)
Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu?
áo xiêm ràng buộc lấy nhau,
Vào luồn ra cúi công hầu mà chi?
Sao bằng riêng một biên thùy,
Sức này đã dễ làm gì được nhau? (2470)
Chọc trời khuấy nước mặc dầu,
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai?

Thấy ngay, chữ "Hàng" liên kết với "bó thân", "ràng buộc", "luồn", "cúi", và nghịch với "gây dựng cơ đồ", " riêng một biên thùy", "nào biết có ai trên đầu". Như vậy, chữ "Hàng" trong đoạn thơ này phải là đầu hàng. Không thể hiểu theo nghĩa những dãy quan tướng công hầu lơ láo.

Ký Hiệu Học dùng cách truy vào văn bản: Nguyên truyện Kiều được viết bằng tiếng Nôm. Việc xác định ý nghĩa chữ "Hàng" phải tra cứu bằng tiếng Nôm. 

Bó thân về với triều đình
Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu 

Hàng (xiáng) 

- Nộp mình chịu thua: Đầu hàng; Hàng thần; Hàng kì (cờ trắng)
- Bắt phải phục tùng: Hàng long phục hổ
- Xin triều cống (cổ văn): Hàng thuận

Hàng (háng) 

- Dẫy có thứ tự: Nhất hàng thụ (một rặng cây); Hàng ngũ 
- Vị trí trong gia đình: Ngã hàng nhị (tôi là anh ba) 

Rõ ràng chữ "Hàng" mang nghĩa là " Nộp mình chịu thua", đúng với Bó thân về với triều đình.

Sự nghi ngờ của nhà văn Bình Nguyên Lộc, hãy tạm cho, thuộc về quyền của người đọc, trong ý nghĩa của thuyết Người Đọc Cảm Ứng (Reader Respose Theory). Mỗi người đọc đều có thể hiểu khác nhau trên cùng một văn bản. Tác giả mất chủ quyền về ý nghĩa. Nhất là sau khi tác giả qua đời, người đời sau đọc sách, mạnh ai nấy hiểu. Quyền ấy trở thành quyền bất thành văn. 

Vào giữa thế kỷ 20, những lý thuyết mới về ngôn ngữ xuất hiện và tranh cãi trên những biện chứng mang tính khoa học. Những lý thuyết gia này cố gắng đi tìm sự giải thích văn bản qua cấu trúc hoặc phản cấu trúc của ngôn ngữ, cao hơn hết là ngôn ngữ triết học và ngôn ngữ thi ca. Chẳng những chỉ là những học thuyết về ngôn ngữ, họ còn tạo thành phòng trào triết học. Đặt lại câu hỏi về giá trị thực sự của truyền thống; Xác nhận lại vai trò ngôn ngữ trong những lãnh vực khác qua sự thông đạt. Và vào thập niên 1980, đã xâm nhập vào những bộ môn khác như Nhân Chủng Học, Chính Trị Học, Xã Hội Học, Tâm Lý Học.... ngay cả vấn đề kinh tế cũng đã dự phần.

Những lý thuyết như Cấu Trúc Luận (Structuralism), Giải Cấu Trúc (Deconstruction), Ký Hiệu Học (Semiotics) Ký Hiệu Giải Tích (Semiology), Ngôn ngữ Tương Phản Học ( Constrastive Linguistics) ....là những lý thuyết phức tạp, không dễ hiểu. Câu chuyện "Lơ Là Lơ Láo" là một ví dụ tạm bợ, vá víu chưa chính xác, chỉ dùng để tiện đường, mượn hoa cúng Phật, dẫn đến những lý thuyết gai góc, đang tiến vào thế kỷ 21, có tầm ảnh hưởng trên lời nói và chữ viết, trên ngôn ngữ bình dân và ngôn ngữ văn chương, và hầu như trên toàn diện đời sống. Có khía cạnh nào trong đời sống mà không sử dụng ngôn ngữ? (1)

Điểm nhấn cần quan tâm để mở rộng và đào sâu là trường hợp đặc thù do sự phát triển của ngôn ngữ Việt. Sự leo dòng từ ngôn ngữ viết tượng hình (chữ Hán chữ Nôm) sang ngôn ngữ viết mẫu tự ( chữ ABC) khiến cho ngôn ngữ viết của người Việt hôm nay mang những cá tính đặc biệt. Sự quan tâm này cần thiết khi thí nghiệm những lý thuyết tây phương vào văn học Việt Nam.

Ví dụ: Ngày nay khi người Mỹ viết chữ TREE, người Việt viết quốc ngữ chữ CÂY, cả hai là ký hiệu đại diện hoặc biểu tượng cho thực vật có thân có lá có rễ. Trong khi chữ MỘC trong Hán Việt, có hình dạng thân cây, và trong bộ chữ tiếng Trung Hoa, cũng có hình cây.



và tiếng Hoa:
Hơn nữa, cách ghi lại, chuyển thành mã hiệu, lại là một vấn đề cách biệt. Cần phải được kỹ thuật hóa và qui tắc hóa để có tính khoa học. Ví dụ:

Con gà ở Texas, Hoa Kỳ gáy khác con gà ở Bà Rịa, Bến tre hay sao? Người Mỹ mã hiệu tiếng gà Tây phương: "cock-a-doodle-doo". Người Việt mã hiệu, khác hẵn: "Ò-ó-o-ò-ò". và chắc chắn những con gà ở các dân tộc khác sẽ có tiếng gáy ghi thành nhiều mã hiệu khác nhau. Nếu chỉ bằng chữ viết ò ó o, đa số người Mỹ sẽ không hiểu tiếng gà gáy nhưng nếu phát âm lớn tiếng: ó o hay ka-doo, cách nào cũng vậy, cả thế giới đều hiểu. 

Tuy nhiên, đối tượng của thí nghiệm cần phải được tuyển chọn theo tiêu chuẩn giá trị. Ví dụ sử dụng Semiotics và Semiology để phân tích một bài thơ. Cả hai Semiotics và Semiology đều có tầm quan trọng về giải mã văn bản. Nhưng với điều kiện văn bản đó được đánh giá cao hoặc được viết bởi tác giả đáng tin cậy. Những văn bản khoa trương thanh thế, rỗng, thì giải mã không có giá trị, thường khi sai lầm nếu cố gắng vì mục đích khác.

Trăm năm
    người ta
tài 
   mệnh
        ghét.

Làm thơ theo phương pháp bỏ bớt chữ cho bí hiểm, hoặc dụng chữ kiêu kỳ khó hiểu, làm sao giải mã? Còn như thế này, dễ hiểu biết bao, mà vẫn không thay đổi nội dung: 

Trăm năm trong cõi người ta, 
chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau. 

Giữa lúc từ ngữ và diễn trình ngữ pháp đang bị nghi ngờ về khả năng và hiệu quả cho thông đạt, có nên xét lại cách dùng từ ngữ, cú pháp trong thi ca Việt? Nơi mà truyền thống cưu mang nhiều huyền thoại, có thể gôm lại trong một số cụm từ: bóng bẩy, chải chuốt, bí hiểm, mơ hồ, tối nghĩa và rỗng... Có nên tìm hiểu về câu cú trong thơ Việt, nơi nhiều chữ mà ít ý, nơi hình ảnh nghèo nàn và ngữ cảnh hời hợt, nơi phô trương hơn là trình bày điều gì thật sự thôi thúc?

GHI:

(1) Câu chuyện này chỉ nhớ lại bằng bộ nhớ có tuổi, e rằng không chính xác lắm. Có thể tìm đọc rõ hơn trong bộ tạp chí Văn Học lưu trữ trong thư viện Quốc Hội Hoa Kỳ..

Ngu Yên

Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2016

Chúc Mừng Năm Mới 2016



Thơ: Trầm Vân
Thơ Tranh: Kim Quang


Trường Tín Cung 長信宫 - Mạnh Trì




長信宫                   Trường Tín Cung

君恩已盡欲何歸 ? Quân ân dĩ tận dục hà qui?
猶有殘香在舞衣。 Do hữu tàn hương tại vũ y.
卻恨身輕不如燕, Khước hận thân khinh bất như yến,
春来還繞御簾飛。 Xuân lai hoàn nhiễu ngự liêm phi.
孟遲                        Mạnh Trì

CHÚ THÍCH:
Tàn Hương: là Hương Tàn, là Hương Thừa còn sót lại.
Khước Hận: là Lại hận rằng, là Chỉ hận.
Thân Khinh Bất Như Yến: Cái thân mình nhẹ không bằng chim én, Ý muốn nói là Mình không giống được như chim én.
Nhiễu: là Vòng quanh, là Lượn quanh.
Ngự Liêm: là Rèm Vua, là Tấm rèm nơi vua ở.

NGHĨA BÀI THƠ:
Ơn vua đã cạn hết rồi, bây giờ biết phải về đâu đây ? Chỉ còn lại chút hương thừa trong vũ y mà thôi. Chỉ tự hận rằng thân mình không được nhẹ như chim én để sang xuân lại bay vòng vào rèm của vua đang ngự.
Trong Trường Tín Oán của Vương Xương Linh thì nàng cung nữ than là " Ngọc nhan bất cập hàn nha sắc " ( Vẻ ngọc không bằng con qụa lạnh !). Còn trong bài nầy thì nàng cung nữ của Mạnh Trì than là " Khước hận thân khinh bất như yến " ( Hận thân mình chẳng nhẹ như chim én !). Chỉ có một chút nắng ở điện Chiêu Dương thôi mà cũng ước ao có được. Một con én không làm nên mùa xuân, mà cũng ước ao được như én, để khi xuân đến bay vào rèm vua để... thấy mặt vua mà thôi, chứ vua có yêu ..." chim én " bao giờ đâu ?! Vua chỉ biết yêu người đẹp mà thôi !
Rõ ngớ ngẩn và tội nghiệp cho các nàng cung nữ trong cung bị thất sủng vô cùng !!!
Một mình đứng tủi ngồi sầu,
Đã than với nguyệt lại rầu với hoa.
và...
Khi trướng ngọc, lúc rèm ngà,
Mảnh xuân y hãy sờ sờ dấu phong.
Cung Oán Ngâm Khúc

DIỄN NÔM:
Cung Trường Tín  

Ơn vua thôi hết biết về đâu?
Còn chút hương thừa áo vũ sầu.
Chỉ hận thân mình không giống én,
Đến xuân rèm ngự lại bay chầu!

Lục bát:
Ơn vua đã hết về đâu?
Tàn hương còn lại thêm sầu áo xiêm.
Hận thân chẳng nhẹ như chim,
Xuân về bay trở lại rèm chầu vua!

Đỗ Chiêu Đức

Em Bỏ Vườn Đi


Chiều hôm đó nắng buồn qua xóm khác
Mây đen về mưa nặng mái nhà tôi
Em bỏ vườn xanh vừa mới nụ
Cam đầu mùa với quít ngọt như môi

Sông tôi biết từ những ngày xa bến
Không còn nghe tiếng sóng nhịp nhàng đưa
Mẹ em chỉ trên trời sao mới mọc
Hướng em về nghiêng một ánh sao thưa

Mùa nước lớn tràn vô bờ bao ngạn
Chim chìa vôi có cặp hót vườn sau
Nước như thể em về đây nghe lại
Tiếng chim kêu từ lúc mới quen nhau

Muốn quên hết cho qua mùa cam quít
Chút men say sầu tiếng lục huyền cầm
Đêm nay ngắm trên trời sao mới mọc
Hướng em về mỗi lúc một xa xăm…

Lâm Hảo Khôi

Chuyện Nhỏ Ở Xóm Cồn


Tác Giả Hà Nguyên - Có tác phẩm do Cộng đồng Người Việt Hải Ngoại bình chọn" Truyên ngắn hay được đọc nhiều nhất Năm 2015


Vừa qua, Hà Nguyên, một cây bút nữ hiện ngụ tại Phường 1, Thành phố Vĩnh Long, là cộng tác viên thường xuyên của báo Vĩnh Long và một số báo ở đồng bằng sông Cửu Long đã được cộng đồng người Việt hải ngoại bình chọn tác phẩm “Chuyện nhỏ ở xóm Cồn” của chị là truyện ngắn viết bằng Việt ngữ được đọc nhiều nhất năm 2015.

Truyện ngắn “Chuyện nhỏ ở xóm Cồn” được đăng lần đầu tiên trên báo Vĩnh Long. Sau đó, qua đường truyền của Vĩnh Long Online, truyện ngắn này được cộng đồng người Việt ở các nước Nga, Mỹ, Đức, Hungary, Canada, Pháp, Tây Ban Nha, Australia… truyền tải và phổ biến.

“Chuyện nhỏ ở xóm Cồn” kể về sinh hoạt của những người bần cùng, đa phần sống bằng nghề hạ bạc trên một cù lao nhỏ nằm trên dòng Tiền giang ở giai đoạn những năm 50 của thế kỷ trước. Một ngày nọ, có một gánh hát thuật sơn đông gồm một anh chàng cổ quái nhưng đa tài cùng với hai đồ đệ là con chó cò và con khỉ nhỏ đến diễn trò và bán thuốc sơn đông. Từ đó, cuộc sống êm đềm của những người bần cùng trên cù lao này dần dà trở nên thay đổi…

Ngoài truyện ngắn trên, Hà Nguyên còn sáng tác một số truyện ngắn, tạp văn, khảo cứu… và ở lĩnh vực nào, chị cũng thành công. Có được thành quả như thế, có lẽ nhờ vào vốn sống ngồn ngộn của chị! Từ một cuộc sống trưởng giả, cuộc đời chị đã từng trải qua nhiều thăng trầm, đắng cay, bất hạnh… Trong quá khứ, chị từng làm rất nhiều nghề: phóng viên, chủ cơ sở kinh doanh, dạy kèm ngoại ngữ, phân loại rác cầu tiêu cho một cơ sở tái chế giấy, bán vé số dạo, dọn dẹp nhà vệ sinh trong vũ trường… Thời gian bán vé số dạo và làm tạp vụ trong vũ trường, chị quen biết và kết thân với những người sống ở tận đáy xã hội, những người nghèo khổ buôn gánh bán bưng, thậm chí cả dân giang hồ tứ chiếng. Quãng thời gian này, đêm nào chị cũng lê la khắp cùng khu vực chợ Vĩnh Long, từng ăn “cơm ma”, “hủ tiếu ma”, uống cà phê “phố đêm”… những nơi mà có thể những người sống cả đời ở thành phố Vĩnh Long chưa chắc biết! Và thành quả thứ hai ngoài vốn sống của Hà Nguyên là chị có học qua một số ngoại ngữ như Anh, Pháp, Đức, Nga, Hán, Pãli. Chị cũng đã từng học qua Đại học Phật giáo tại Học viện Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, học khoa Thần học bên Thiên chúa giáo tại Fatima Vĩnh Long.

Hiện tại, chị đang là giáo viên dạy Năng khiếu tại Trung tâm Hoạt động Thanh Thiếu niên tỉnh Vĩnh Long.

Tín Đức


Chuyện Nhỏ Ở Xóm Cồn  



Xóm là cù lao nhỏ nằm trên sông Tiền, xung quanh bao bọc toàn bần chen lẫn với ô rô, cóc kèn mọc lô nhô. Cả xóm gói gọn ước chừng vài mươi nóc gia, đa phần là dân tứ xứ nghèo khổ tụ về đây lập nghiệp. Họ sống chủ yếu nhờ vào ruộng rẫy, hạ bạc. Bần cùng hơn thì đi mò cua, bắt hến lây lất sống qua ngày.

Trên xóm cồn, mọi sinh hoạt mua bán, giao tiếp hàng ngày của mọi người đều tập trung vào cái chợ chồm hổm nằm ngay đầu cồn, trước trụ sở ấp. Mỗi ngày, chợ chỉ họp từ tờ mờ sáng cho đến giữa giờ tỵ. Kề sát bên trụ sở ấp là cái tiệm nước của gia đình ông trưởng ấp. Ông này gốc là thương binh nặng, được phục viên rồi trôi nổi về xứ này sinh sống. “Sống lâu lên lão làng”, cộng với bản tính ngay thẳng, cương trực nên ông được dân xóm cồn kính nể, tín nhiệm bầu làm trưởng ấp kiêm luôn an ninh ấp. 
Tiệm nước của gia đình ông bán đủ thứ hầm bà lằng: nào là cà phê, hủ tíu, nào là chạp phô có luôn cả la ve, ba xị đế… Đối với dân xóm cồn này, căn nhà lá tuềnh toàng vừa là tiệm nước, vừa là nhà của ông trưởng ấp là cái hội trường tổng hợp. Nó vừa là nơi trao đổi, mua bán duy nhất của cả xóm, vưa là nơi tụ hội vui chơi của mọi người sau một ngày lao động. Mọi thông tin đầu làng, cuối xóm đều được xuất phát từ nơi này! 
Thuở đó, xóm cồn nghèo nàn và hiu quạnh lắm. Nó giống như một ốc đảo bởi tứ bế toàn là sông nước. Nhịp sống lại buồn tênh, xa rời mọi tiện nghi của đời sống văn minh. Trên đất xóm cồn, phù sa đang còn trong quá trình bồi lắng nên nhiều nơi hãy còn sình sụp, hoang sơ. Phương tiện đi lại trong xóm phải nhờ vào cầu khỉ và xuồng ghe. Do tứ bề toàn sông nước như thế, nên dân xóm cồn hầu như cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài.

Một buổi sáng nọ, khi mặt trời mọc cao chưa quá ba sào, có một người đàn ông lạ mặt tuổi độ trung niên bơi chiếc xuồng ba lá bể mũi đến cắm sào nơi mé sông chợ. Trông bộ dạng anh ta thật cổ quái: tóc tai bờm xờm, mặt mày đen đúa nhọn hoắt như cái lưỡi cày, tướng tá cao lêu nghêu như chim sếu. Anh ta bước lên bờ, tiến về phía trụ sở ấp rồi đến trình giấy tờ gì đó với ông trưởng ấp. Sau khi mọi thứ thủ tục đã xong, anh ta chọn khoảnh đất trống ở cuối chợ và lần lượt dọn đồ ở dưới xuồng lên. Cuối cùng, anh ta dắt lên con chó cò và con khỉ nhỏ. Thì ra, anh ta là dân sơn đông mãi võ! 
Khi một số người hiếu kỳ tụ tập khá đông tạo thành vòng tròn quanh gánh hát thụât sơn đông, anh chàng cổ quái nọ bắt đầu diễn trò. Lúc này, anh ta đã mặc phục trang để diễn trò là bộ đồ hiệp sĩ châu Au thời Trung cổ. Đầu tiên, anh ta hú lên một tràng dài lanh lảnh nghe muốn rởn tóc gáy, đoạn, rút từ trong người ra một cây thiết bảng sơn nhiều màu sắc rực rỡ rồi bắt đầu múa may quay cuồng. Hệt như một con vượn, anh ta vứa hú vừa vừa xoay vòng vòng như con bông vụ, người quặt quẹo ngã qua ngã lại mềm nhũn tợ như hình nộm bằng cao su rồi thoắt nhiên anh ta vụt đứng phắt dậy bằng một chân. Anh ta lại thọt hai tay xuống đất theo kiểu trồng chuối ngược làm những cú lộn ngược liên hoàn, rồi uốn cong người lại dịu quặt thật gọn gàng. 
Bây giờ, hầu như tất thảy mọi người trong khu chợ đều tập trung hết về đây, chẳng còn thiết tha gì đến việc mua bán nữa! Trong khi đó, anh chàng sơn đông bắt đầu đi quanh vòng tròn, tự giới thiệu về mình một cách trịnh trọng: 
Kính thưa bà con cô bác, gánh hát thuật của chúng tôi gồm ba diễn viên, hôm nay xin hân hạnh được phục vụ ra mắt cùng bà con - anh ta đã đánh đồng xem hai con thú như người ta -.Thay mặt cho gánh hát, tôi xin tự giới thiệu: tôi là nghệ sĩ Trương Chi, còn đây là hai đồ đệ yêu quý của tôi là tráng sĩ Bạch Cẩu và Mai Tiểu thư. Xin bà con cô bác vỗ một tràng pháo tay để cổ vũ tinh thần cho gánh hát của chúng tôi! 
Chàng Trương Chi vừa dứt tiếng, lập tức khán giả xóm cồn vỗ tay đôm đốp vang dội. Đã lâu lắm rồi dân xóm cồn mới có được ngày vui như thế này! Chàng nghệ sĩ Trương Chi búng tay nghe cái tách, tráng sĩ Bạch Cẩu diện quần bò, áo da nãy giờ đứng sau lưng anh ta bắt đầu phóng ra giơ cao hai chân trước quơ qua quơ lại để chào khán giả, vừa chào vừa sủa gâu gâu. Tiếp theo, cô nàng Mai Tiểu thư trông thật điệu đàng với cái áo đầm màu đỏ, đầu đội chiéc nón rộng vành, tay lăm le cây súng lục bằng mủ trông hệt như cao bồi Mỹ chính hiệu phóng mình nhảy phóc ngồi chễm chệ trên lưng Bạch Cẩu. Chàng Trương Chi giơ hai tay làm loa, miệng liên tục hét những tiếng “bằng bằng, chéo chéo” giả tiếng súng nổ. Họ đang diễn trò cao bồi bắn súng. Càng lúc Trương Chi càng gào to, Mai Tiểu thư càng vung tay giả bộ như bắn càng nhiều hơn. Còn tráng sĩ Bạch Cẩu thì chạy vòng quanh vòng tròn đám đông, có lúc giả bộ lồng lên giống như một con ngựa bất kham. 
Tiếp đến, con Mai Tiểu thư vụt nhảy xuống lưng con Bạch Cẩu. Nó rút từ bên hông ra một cây kiếm gỗ rồi nhảy đến khiêu chiến với chàng Trương Chi. Hai bên quần thảo hổn loạn đả đời một hồi, tiếng khua của kiếm cộng với tiếng lục lạc nơi cổ chó tạo ra một thứ âm thanh dị hụ kỳ đang. 
Màn cao bồi bắn súng này quá` hấp dẫn, làm cho cả đám đông hiếu kỳ cười nghiêng ngửa, riêng thằng Út Chọt là con trai út ông trưởng ấp khoái chí quá nhảy tưng tưng làm tuột cả quần xà lỏn lòi hẳn cái “của quý” nhỏ xíu ra ngoài! Rồi xen kẻ giữa những màn xiếc là phần giới thiệu của Trương Chi với giọng điệu hết sức hóm hỉnh các bài thuốc gia truyền, nào là cao đơn hườn tán, dầu cù là hiệu Mác su, trật đả hoàn, bạc hà thuỷ, thuốc dán con rít… 
Diễn xong phần xiếc, Trương Chi lại chuyển sang phần ảo thuật. Anh ta lôi từ trong cái rương bằng cây ra các thứ đạo cụ rồi lần lượt trình diễn. Tiết mục đầu tiên là màn nuốt gươm. Anh ta giơ cao cây gươm lên cho mọi người thấy rõ nó làm bằng kim loại, đoạn từ từ ấn sâu vô miệng một cách tài tình làm cho khán giả hồi hộp muốn thót tim. Rồi đến các tiết mục khác như nuốt lửa, thay đổi số của các lá bài, đập bể bong bóng lại hoá thành bông hồng… 
Và cứ thế, hết màn xiếc nọ đến màn ảo thuật kia đã được thầy trò của anh chàng Trương Chi kia thi thố cho mãi đến khi mặt trời đứng bóng mới tan 
Thế rồi, ngày lại ngày qua, cứ sáng sáng là cái gánh hát thuật sơn đông đã có mặt ở đầu chợ với vô số các tiết mục xiếc và ảo thuật. Rồi không biết tự bao giờ, mặc nhiên dân xóm cồn xem bọn người mới đến nhập cư này cũng là thành viên của xóm; và tất nhiên, cứ mỗi khi gia đình nào trong xóm cồn có đám tiệc hay lễ lộc gì thì cũng không thể không có mặt thầy trò Trương Chi đến góp phần chen lấn.


Nơi cắm sào để qua đêm của thầy trò Trương Chi ở chỗ cái doi đất nằm thoi loi ngoài đầu khe luông, cách nhà cô Út Thỉ chưa đầy trăm tầm đất. Giống y hệt như nhân vật Trương Chi trong cổ tích: tương phản với bộ dạng xấu xí bên ngoài, chàng Trương Chi hiện đại này cũgn có giọng hát mê hồn cộng với tài đàn tân lẫn cổ nhạc và thổi sáo. Những đêm khuya thanh vắng, hoà quỵên theo tiếng gió vi vu là tiếng sáo dìu dặt của những bài: Con thuyền không bến, Lòng mẹ, Giọt mưa thu, Đêm đông… hay có khi anh độc tấu tân nhạc hoặc nhạc cổ truyền. Có đêm, thính giả xóm cồn còn được thưởng thức cả giọng hát hết sức truyền cảm của anh ta nữa! Về sau này, trong xóm cồn có ông Mười Khoe là người hay đọc nhật trình, một hôm tình cờ khám phá ra thân thế của Trương Chi. Thì ra trước đây anh ta là một nghệ sĩ nổi tiếng tài danh ở thành phố, vì chán ngán nhân tình thế thái nên mới lưu lạc tới xóm cồn khỉ ho cò gáy này! 
… Út Thỉ là cô gái vừa có nhan sắc rất mặn mà vừa lại rất giỏi giang. Năm nay, cô đã ngoài ba mươi mà vẫn còn phòng không chiếc bóng. Nghe đâu do ngày còn trẻ, vì phải phụng dưỡng báo hiếu cha mẹ già, cô đã từ chối nhiều đám nên nay phải chịu cảnh lỡ thời. Hôm gánh hát thuật sơn đông của thầy trò Trương Chi mới về xóm cồn, cô cũng có mặt ở đó. Do ngẫu nhiên, chiếc xuồng bễ mũi của bọn họ lại đậu ngay ranh đất của cô. Và vì thế, sinh hoạt thường nhật của thầy trò chàng Trương Chi kia cô đều nắm hết! Đêm đêm, một thân một mình thui thủi trong căn nhà lá nhỏ, cô nằm lắng nghe Trương Chi trổ tài đàn ca hát xướng mà có cảm tình rất nhiều với chàng nghệ sĩ tài hoa kia. Cô thuộc lòng từng lời ca, từng tiếng đàn, tiếng sáo của Trương Chi. Cô thương lắm mối tình trái ngang của nàng tiểu thư khuê các Chúc Anh Đài với chàng thư sinh nghèo Lương Sơn Bá, cũng như rất thích tấm lòng cao cả của sơn nữ Phà Ca: 
“Đói lòng ăn nửa trái trâm, 
Uống lưng bát nước đi tầm người thương 
Người thương ở tận non xanh 
Bậu về quê bậu biết mô mà tìm” 
Đêm nay, khi con trăng thượng tuần vừa mới mọc, Trương Chi đã đem cây đàn lục huyền ra ngồi trước mũi xuồng. Hai đồ đệ thân yêu của anh ta là con chó cò đang nằm lim dim ở kề bên, còn con khỉ nhỏ nhảy nhót trên be xuồng. Bản vọng cổ anh ta cất giọng đầu tiên là lời vĩnh biệt của con trai phò mã Võ Tánh với vị hôn thê là con gái yêu của quan bố chánh Gia Định thành Bạch Xuân Nguyên: 
“Trời ơi, bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn, nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viển Bạch Thu Hà. Bạn tình ơi đừng hoài công mòn mõi đợi chờ. Hãy gọi tên anh trong những chiều thu lạnh, khi cánh nhạn bay về giữa chốn trời xa…” 
Vừa dứt bản vọng cổ, Trương Chi lại so dây, khảy tiếp bản Phụng hoàng. Những tiếng “hò, líu, xê, xừ, xang, xê, hò, xê, xư, lịu…” là tiếng con chim phụng trống kiếm tìm con chim phượng mái, cũng chính tiếng lòng của chàng Tư Mã Tương Như thố lộ với gái goá Trác Văn Quân khiến cho lòng Út Thỉ xúc cảm bồi hồi khi cám cảnh đến thân phận mình! Cô nằm trăn trở hoài trên bộ vạt tre, cơ thể rạo rực, hai bầu vú như căng cứng lên và đôi má nóng bừng bừng. Bất chợt, cô vụt đứng lên khỏi chõng, đẩy tấm liếp cửa đi về hướng đầu đất, giống như nàng Mị Nương xưa đang đêm trốn khỏi lầu son gác tía để lần theo dấu chân người thổi sáo. 
Thế rồi, bèo nước gặp nhau… 
Một đêm nọ, có người tình cờ bắt gặp bóng một người đàn ông có vóc vạc giống y chang như chàng Trương Chi thời nay lặng lẽ đi vào nhà Út Thỉ… 
… Thằng Mịch làm nghề chài lưới, là người có nhiều hành vi táo tợn nhất ở xóm cồn. Hình như xứ sở nó ở tận Kinh cùng, Ngang trâu gì đó, do nghèo khổ quá nên mới lạc loài tới xứ này. Nó không có đến một cục đất để chọi chim, nên nơi cắm dùi của nó là cái tum lá gác vắt vẻo trên nhánh chảng ba của mấy cây bần ngoài bãi bồi, cách nhà cô Út Thỉ cỡ chừng một giăng cây. Nó thầm yêu, trộm nhớ Út thỉ đã từ lâu, mặc dầu ít tuổi hơn cô. Chiều chiều từ trên cái tum lá, nó dõi mắt nhìn miết về hướng nhà của cô Út rồi thả hồn mộng mơ. Nó mơ nhiều lắm, mơ có ngày được sở hữu cho riêng nó cái hình bóng thon thả yêu kiều kia. Nhưng không biết do cô Út quá nghiêm trang hay vì lý do nào khác nữa nên mãi đến tận bây giờ nó vẫn chưa dám tỏ bày! 
Biết Út Thỉ có tình cảm với Trương Chi, thằng Mịch rất căm ghét anh ta. Nó đi khắp đầu trên xóm dưới thậm thọt bêu rếu mối tình của anh ta với cô Út, làm bộ giả giọng rao hàng hay nhái lại những trò xiếc hoặc ảo thuật. Thế nhưng, cho dù thằng Mịch có giở trò trước mặt hay khuất mắt gì đi nữa, anh chàng Trương Chi này chẳng hề tỏ thái độ chi cả, một phần có lẽ do lành tính, phần do chửng chạc! Đối với Út Thỉ, nó cũng không từ. Có lần tình cờ gặp cô giữa đường, thằng Mịch buông lời lẽ trêu chọc hết sức khả ố: 
“Kim sắt chích thịt thì đau 
Kim thịt chích thịt mê nhau suốt đời” 
Nhưng cô Út vẫn dửng dưng! 

Tức tối, nó ghét lây đến cả hai con thú. Số là lâu nay, cứ chiều chiều là con chó cò cõng trên lưng con khỉ giống y chang như hình ảnh một kỵ mã ngồi trên lưng ngựa “đi tiệm” mua đồ cho sư phụ chúng. Xen giữa tiếng lục lạc trên cổ con chó khua leng keng là tiếng kêu “khẹc khẹc” của con khỉ. Tức cười nhất là cảnh qua cầu khỉ, trong khi con chó dò dẫm từng bước thì con khỉ nằm rạp xuống lưng con chó, hai tay ôm cứng ngắc vô cần cổ, mắt nhắm lại khít rịt vì sợ! Hình ảnh này cũng là một trong những niềm vui của xóm cồn. Riết rồi thành như thông lệ, chiều nào cũng vậy, hễ đến khi mặt trời vừa tắt nắng, người dân xóm cồn đã ra ngồi trước cửa nhà ngóng cổ chờ hai con thú khôn ngoan đó chạy ngang qua. Đến tiệm nước của ông trưởng ấp,con khỉ nhảy phóc xuống khỏi lưng con chó, phóng thẳng tới trước mặt rồi đứng yên chờ cho ông trưởng ấp mở cái túi nhỏ đeo trên cổ nó -chỉ riêng một mình ông ta mới mới mở được cái túi này mà thôi- xem miếng giấy Trương Chi ghi những món cần dùng; đồng thời, cũng lấy tiền và để trở lại các thứ cần dùng. 
Một hôm, chờ cho hai con thú trên đường đi tiệm về đến quãng vắng, thằng Mịch núp trước sẵn trong lùm đợi khi bọn chúng chạy ngang qua liền quất gậy túi bụi vào chúng. Con khỉ hoảng loạn quá, phóng tuốt lên cây bần, còn con chó sau trận đòn đau điếng, nó trả miếng lại thằng Mịch bằng mấy cái táp vô ống quyển. Thấy con chó chạy dông về chỗ xuồng cắm sào mà không có con khỉ, Trương Chi liền bổ đi tìm mới hay cớ sự. Phải dỗ dành thiệt lâu, con khỉ mới dám tuột xuống khỏi ngọn cây bần nằm run rẩy trong vòng tay của Trương Chi. 
Sau khi chuỵên này xảy ra dân xóm cồn ai cũng căm giận thằng Mịch. Riêng ông trưởng ấp có nói riêng với nó: 
-Mịch à, từ đây trở đi bây không được làm xằng như vầy nữa! Tao cấm tiệt đó nghe không? Nếu như bây còn tái phạm, tao sẽ tống khứ ra biệt khỏi xóm cồn này! 
Thằng Mịch ngoài mặt làm thinh nhưng trong bụng chất chứa đầy thù hận. Nó rắp tâm đợi dịp trả thù…

Đêm khuya tĩnh lặng. Vạn vật xóm cồn đang chìm trong giấc ngủ, chỉ trừ có hai người. Ngoài doi đất, Trương Chi và Út Thỉ đang ngồi trước hai nắm mộ nhỏ vừa mới đắp nghi ngút khói nhang. Trong khi Út Thỉ khóc thút thít, Trương Chi ngồi chết lặng như cái xác không hồn. Tai họa xảy ra khi hồi chiều này, thừa lúc Trương Chi lên nhà Út Thỉ, thằng Mịch đã lén lặn tới xuồng bỏ thuốc độc vào đồ ăn của hai con thú. 
Không biết đến bao lâu, Trương Chi mới bắt mở miệng. Anh ta bắt đầu nói, mỗi lời anh ta thốt ra, tựa như muối xát, kim châm: 
- Trời ơi, sao người ta không giết tôi chết đi mà lại nỡ hãm hại hai con thú vô tội kia! Chúng nào có tội tình chi đâu mà phải chết một cách oan ức, tức tưởi như vầy. Tôi đã cùng đường rồi mà ông trời còn bắt tội tôi nữa hay sao! 
Anh ta càng nói, Út Thỉ càng thút thít nhiều thêm. Từ khi chán cảnh thói đời đen bạc, anh ta bầu bạn với hai con vật có nghĩa đó, mặc dù chúng chỉ là thú vật. Bọn chúng còn là phương tiện để anh ta sinh sống bấy lâu nay! 
Đã gần tàn canh ba, sương đêm làm ướt đẫm tóc của cà hai người. Út Thỉ năn nỉ hết mà không được nên cô đành phải vào nhà một mình. 
… Sáng hôm ấy, xóm cồn buồn hiu hắt vì chàng nghệ sĩ tài hoa kia đã nhổ sào ra đi tự lúc nào không ai hay biết. Người ta cũng không hề thấy bóng dáng của thằng Mịch ở trên chảng ba mấy cây bần ngoài bãi bồi như từ trước tới giờ. Út Thỉ mặt mày chao vao ngồi ủ rũ trong góc tiệm nước. Ông trưởng ấp thì đi tới đi lui chắc lưỡi than vắn thở dài hoài: 
- Người mang niềm vui, kẻ mang tai họa tới đều đi mất tiêu hết rồi! Ông trời ơi, sao ông sao nỡ đang tâm độc địa với dân xóm cồn này quá! 
Một cơn gió bấc thoảng qua làm ai nấy rùng mình. Ngoài bãi bồi có mấy trái bần vừa lìa khỏi cành, rơi lõm tõm xuống con sông Tiền đục ngừ phù sa đang cuồn cuộn chảy. 
Xóm cồn dần trở nên hiu quạnh thêm…

Hà Nguyên

Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2016

Thành Kính Phân Ưu Thân Mẫu Của Cha Peter Dương Bá Hoạt Qua Đời


Chúng con vô cùng tiếc thương, khi hay tin: 

Bà Cố Maria Lê Thị Ngượi

Thân mẫu của Cha Peter Dương Bá Hoạt 
Giáo Phận Gia Nghĩa - Đài Loan
Bà được Chúa gọi về vào lúc 11 giờ 30 sáng 
 - Ngày: 1-1- 2016
- Hưởng thọ: 87 tuổi
- Tại tư gia thuộc Giáo xứ Bắc Hòa, Địa phận Mỹ Tho - Việt Nam 

Trong niềm tin tưởng vào Chúa Kitô, cầu xin Ngài đón nhận Linh hồn Bà Cố Maria Lê Thị Ngượi
sớm được về hưởng nhan Thánh Chúa và Mẹ Maria.

Toàn thể anh chị em chúng con cùng đồng hành với sự mất mát lớn lao này, hiệp dâng lời nguyện cầu cùng Cha và Tang quyến.

Hiệp Nguyện!  

- Ban Biên Tập longhovinhlong.blogspot.com
- Gia đình:Lê Thị Kim Phượng, Lê Thị Kim Oanh, Lê Thị Kim Diệp, Lê Kim Hữu 

Lời Đầu Năm




 Thơ Quên Đi
Tranh Thơ Hữu Đức



Một Thời Tình Si


EM cười má lún đồng tiền
Rớt rơi trên phố, chao nghiêng mọi người
Chiều Ðông lá rụng khắp nơi
Nụ cười còn đó, ru đời mộng xa

EM cười đẹp tựa nụ hoa
Nở đều dưới nắng, kiêu sa dịu dàng
Mơn man gió, nắng hanh vàng
Bức tranh tuyệt mỹ, ngỡ ngàng tình si

EM cười khoe dáng nhu mì
Tóc mây thả nhẹ ôm ghì vai xinh
Ðông về lãng đãng trữ tình
Ngẩn ngơ thi khách một mình mộng mơ

EM cười quyện lấy vần thơ
Hòa trong nét chữ vu vơ với đời
Ðêm Ðông lạnh, nhớ môi cười
Nhớ về áo trắng, một thời tình si ...

Hoàng Dũng
       

Xuân Mộng


Thẳm xa tình anh
bỗng đỏ lửa quay về
Anh thấy em trên cầu vồng tạp sắc
Em đứng đợi mùa xuân đến muộn
dáng xanh xao trong giấc mộng bụi bờ

Gió thôi hát
gió chỉ gào khản cổ
nắng ngậm ngùi phủ dụ đá rong rêu

Để bên kia
ơi bên kia nụ tình xanh rưng rức
trải thảm xanh trên mỗi bước chân người

Anh chấp cánh
bay cao cùng xuân mộng
và với tay níu nhánh lộc sang mùa

Anh ngộp thở ôm trắng ngần tình lạ
ghé môi hôn miền trăng lạnh cuối ngàn.

Tín Đức

Về Đây Nghe Em - Sáng Tác Trần Quang Lộc - Đàn&Hát Nguyễn Đức Tri Ân





Sáng Tác Trần Quang Lộc
Đàn & Hát Nguyễn Đức Tri Ân

Cuối Năm Tự Họa


Bài Xướng: Cuối Năm Tự Họa

Bốn chục năm xưa, ta bốn mươi;
Quay về quê mẹ, rực trời tươi.
Mà sao lúc ấy, ta vui thế !
Lòng rộn ràng, mong góp sức người.
« Mười năm gió bụi », chốn quê ta.
Nghĩ lại, mỗi lần, dạ xót xa !
Tuổi trẻ, áo cơm, đời phí phạm ?
Thời gian, thoáng chốc, đã niên hoa.
Ta vốn vô tư tự thuở nào,
Buồn vui, đâu để dạ tâm hao.
Cứ coi, cơ hội rèn tâm chí;
Đèn lửa mười năm, góp chí hào.
Xứ người, ta được học, khôn ra;
Thu thập ngày ngày, đầu nở hoa.
Mai mốt, nếu thuận buồm trở lại,
Chung lưng, đời sẽ có thêm ta.

Danh Hữu
(20/12/2015)
***
Bài Họa: Tự Họa Cuối Năm

Ngược về dĩ vãng quá đôi mươi
Chân bước vào đời rạng nét tươi
Phấn trắng bảng đen cô giáo nhỏ
Thì thầm mẹ bảo đã nên người
Bỗng chốc một mình ta với ta
Trời Âu mờ mịt quê mình xa
Cố hương ơi hỡi sao mà nhớ
Bám rễ cây đời nguyện trổ hoa
Thời gian lưu lạc sá chi nào
Luyện trí rèn tâm chẳng để hao
Văn hiến bốn ngàn còn tỏ rõ
Bọt bèo nhi nữ chí anh hào
Canh cánh bao điều muốn nói ra
Mê Linh hồi trống giục hồn hoa
Sơn hà xã tắc khi cần đến
Sẵn lòng Lạc Việt trong máu ta

Kim Phượng
***

Cảm Tác: Trải Qua Một Cuộc Bể Dâu

Một chín bảy lăm được mấy mươi?
Hai mươi tám lẻ vẫn còn tươi.
Hòa bình lập lại mừng hơn thế!
Tiếng súng im re...chắc khỏe người.
Mắt thấy tai nghe bao nỗi khổ,
Hai mươi cái Tết tủi thua xa!
Ai ngờ lảng phí thời trai trẻ,
Thoáng chốc quãng đồi mất tuổi hoa!
Trai trẻ thanh xuân trải thế nào,
Quê nhà đoàn tụ sống hư hao!
Xe thồ bốc vác qua ngày tháng,
Lao động phu phen dám tự hào!
Xuất cảnh Hoa Kỳ năm chín bốn,
Quê người học hỏi chốn phồn hoa.
Ước mơ đất nước như Hàn, Nhật?
Sáng lạn huy hoàng Tổ Quốc ta.

Mai Xuân Thanh
Ngày 20 tháng 12 năm 2015
*Xuất cảnh Hoa Kỳ năm chín bốn, (cuối năm 1994)
*Ước mơ đất nước như Hàn, Nhật? (Nam Hàn, Nhật Bản)

Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

Tùng - Những Dòng Thơ Yết Hậu

Tùng


(Thể yết hậu )

Năm tháng dãi dầu sắc chẳng phai
Mặc cho mưa gió cứ bào mài
Thân cành sừng sững uy nghi đứng
Oai!

Phương Hà
***
Tre


Đứng thẳng bốn mùa bóng mát che
Khi thì trước ngõ lúc sau hè
Cột kèo rổ rế thang cầu khỉ
Bè!

Cao Linh Tử
***
Mai


Sương tuyết đầu cành vẫn chẳng phai,
Đọt non xanh nụ đúng xuân nay.
Hoa nở năm tai mang ngũ phúc,
Mai !

Đỗ Chiêu Đức
***

 Đào



Đầu xuân mà thiếu cánh hoa nào,
Là Tết dường như chưa tới sao!
Dậy đất pháo lân, tươi sắc thắm:
Đào!

Mai xuân Thanh

***
Mai


Nếu bóng Xuân về vắng bóng ai!
Hình như...lòng cảm mối u hoài
Rượu,trà,lân,pháo nhưng còn thiếu
Cành

Song Quang
***
***
Trúc


Mỗi độ đông về phơi dáng trúc
Giá băng đánh suốt mà không gục
Bền lòng chống chỏi với thời gian
Phục!

Nguyễn Đắc Thắng
20151226
***
Xuân



Cánh én vui mừng đón gió đông
Cho môi ai thắm má ai hồng
Cho tình ta mộng hồn ta ngất
Mong

Quên Đi
***
Phượng

Lả lả nhành cao những phượng hồng
Lay lay từng cánh rụng ven sông
Thời gian trở lại ngày xưa ấy
Trông!


Kim Phượng
***
Mai


Không phải may mà được gọi may
Tết không thể thiếu cánh hoa này
Tỉa cành, vun bón chờ khai nhụy
Mai


Lão Trần
***
Vui


Năm tháng trôi qua giấc ngủ vùi
Vui buồn lui tới những hên xui
Nồi kê trên bếp còn chưa chín
Vui!


Phạm Khắc Trí
12/27/2015
***

Noel thực sự đã qua rồi
Ai khác đâu hay,đây tớ thôi
Bia cạn tay run nâng cốc đợi...
Mồi!


Thái Huy
***
1/Cỏ Cũng Chê Quan



Cỏ nội hoa hèn đẹp vẻ quê
Quê hương hiền dịu dưới trăng thề
Cỏ chê quan lớn mà luồn cúi
Hèn ghê!


2/Cây Còi


Góc vườn tớ ngắm mấy cây còi
Chậu mẻ nhưng mà cũng dễ coi
Chẳng phải bôn ba tìm thú lạ

Khỏe thôi!

Chân Diện Mục
***
Tết

Qua một mùa đông đón gió xuân
Pháo lân vũ hội lễ tưng bừng
Bánh chưng bánh tét lì xì Tết
Mừng!


Kim Oanh
***

Kim Oanh

Chỉ lân không pháo cũng là xuân
Một chút rượu nho mặt đỏ bừng
Cô chín vào đây nghe chúc tết
Ưng!


Cao Linh Tử
***
Nhậu



Thấy Út hiền ngoan xúm ghẹo hoài
Giỏi thì thi nhậu cứ lai rai
Nước dừa, xoài, ổi ...xem ai thắng...
...Ai ???

Phương Hà
***
Mai


Lặng lẽ mây trôi cuốn tháng ngày
Đông vừa rời ngõ, gió xuân lay
Nâng niu hái nhẹ cành hoa trắng
Mai

Yên Dạ Thảo
31/12/2015
***
Ai!

Hai Ba tháng Chạp chỉ một ngày
Ông Táo về trời đôi cánh lay
Lạnh lẽo sương chiều - ôi thương nhớ
Ai!

Dương hồng Thủy
23/12 âl Ất Mùi – 01/02/2016)
***
 Liễu
 

In bóng mặt hồ gió phất phơ
Dáng ngọc xinh tươi tóc rũ bờ
Vương tôn tay bút tơ lòng nhả
Thơ

Mailoc
***
Say


Ba mươi đón Tết chào năm cũ
Mùng một vui Xuân uống rượu mừng
Mọi người nâng ly cùng nốc cạn
Say

Lý Tòng Tôn