Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

Tình Thu Quê Mùa


Bài Xướng: Tình Thu Quê Mùa

Ví dầu than nướng cá trê vàng
Chấm nước mắm gừng chả gọi sang
Xuồng đục lênh đênh con nước bạc
Cà rèm mát mẻ nắng thu tàn
Xuân tình bậu muốn nghe vài lớp
Vọng cổ qua vừa thuộc mấy trang
Gặp gỡ chung luồng câu dấu ó
Đồng không đâu có lá rơi vàng.

Cao Linh Tử
14.11.2015
***
Bài Họa: Cứ Vui

Đây rượu Đinh Lăng ánh sắc vàng
Ngâm vừa đủ độ bạn bè sang
Mang chài ra xẻo tìm mồi nhấm
Xuống bếp khều tro nhúm lửa tàn
Mừng gặp anh em cùng cạn chén
Xỉn say thơ phú khó đầy trang
Mặc cho thế sự này điên đảo
Ta cứ vui đi hởi bạn vàng.

Quên Đi

Phù Du


Mờ mờ chiếc bóng lẫn trong sương
Mộng thực phù du ấy lẽ thường
Ai đã yên nằm nơi huyệt lạnh
Hồn còn vương víu mối tơ vương
Trăm năm một kiếp chưa tròn kiếp
Hương lửa ba sinh đã trọn đường
Kẻ ở người đi âu mệnh số
Có còn hiện thực nắm tro xương

Kim Phượng

Chiều Chia Ly

( Cảm tác từ ảnh của Daniel Bien)

Bóng nhỏ ai qua để nhớ nhiều
Mây buồn lặng gió bến đìu hiu
Hình như đèn đứng mang tâm sự
Của lúc chia ly một buổi chiều.
Biện Công Danh
***
Bàng bạc trời mây xám giăng nhiều
Bao trùm cảm nỗi bóng quạnh hiu
Đèn chung tâm sự buồn không tỏ
Dòng khóc từ ly ngập bến chiều
KimOanh

Chờ Ai


Em chờ ai giữa cơn mê
Cho tôi lạc mất lối về phố xưa
Mưa từ cõi nhớ đong đưa
Còn không kỷ niệm như vừa chợt qua

Em ngồi đếm hạt mưa sa
Bao năm tình lỡ... ngỡ là còn đây
Tôi theo cơn gió đùa mây
Mà nghe tim vẫn đong đầy nhớ thương

Em tìm gì cõi buồn vương
Cuối thu lá úa bên đường tung bay
Tôi còn chưa tỉnh cơn say
Ngẩn ngơ ngày tháng lưu đày không em

Khiếu Long

Chân Chèo Bối Rối


(Mượn ý thơ chị Ngọc Hương)

Mái tóc cắt tém, khuôn mặt đen nhẻm, hốc hác với dáng người nhỏ thó. Từ đằng sau người ta dễ lầm em là một chàng trai nhỏ bé. Nhìn em rạp người kéo bạt cafe. Tôi xót lòng ghé vai vào phụ kéo, em đẩy ra 
- Thôi chị tránh đi, lôi một tí mặt tái nhợt rồi ngồi đó mà thở ... 
Tôi bật cười - Không thở thì chết à?
Đợi trải xong bạt tôi gọi các em lại uống nước. Em xà lại bên tôi cười cười hỏi .
- Chị có biết năm ngoái vô hái cho chị em ghét chị không? - Biết! 
- Chị có biết em cố tình hất cafe vương vãi cho chị lượm không? - Biết. 
Em tròn mắt - Biết sao chị không la mà năm nay vẫn nhận em làm?
- Vấn đề là chị thấy sự nhiệt tình của em trong công việc, làm có trách nhiệm, chị nghĩ nếu tức giận không kiềm chế được làm tổn thương em, lòng chị có thanh thản không mới là vấn đề. Chị thương chị chứ không thương em.
- Nhưng em thấy chị cũng có vẻ ghét em mà?
- Không ghét cũng không thương, hơi thiếu thiện cảm vì tóc tém, rít thuốc liên tục và chửi thề.
Em cười hì hì - Chị biết hút thuốc và uống rượu không? - Biết nhưng không thích - Ủa sao chị cũng biết?
- Vì ngày xưa khi còn là tình nhân, chị với ông xã hay đi rong mưa rồi chui vô quán cafe, lạnh , anh tập cho chị hút rồi hai đứa hút chung một điếu, thế là biết.
Còn uống rượu là lúc đi dạy làm công tác dân vận nên phải uống rượu Cần với đồng bào rồi quen, vui bạn bè quay ra uống rượu mía, uống cho vui chứ không thích lắm. 

Em hỏi lan man thêm vài chuyện đến lúc vô làm. Tôi đứng dậy đi theo phần việc của mình em gọi vói cười tinh quái - Chị L! - Gì? - Nghe nhạc suông chị có thấy hay không? – Không? - Em cũng vậy! Quen rồi, nơi không có “đệm” em khó chịu lắm. Mấy hôm nay nể chị em kìm giờ chị cho em nói nghe
Tôi nghiêm mặt - Tùy ở em, nhà chị ông xã với mấy cậu con trai đều không nói “đệm” chị nghe không quen, lúc nào em thích nói thì chị tránh đi chỗ khác
Em xịu mặt nhún vai. Có lần thoáng thấy tôi ở hàng café bên cạnh, em chạy qua lạu bạu “Chị coi, ai mà dễ ghét ghê, hái mà chừa lại vài chùm quả ở đầu cành không à !” - Chị hái đó, vì lúc đó hái bói, còn chùm xanh nhiều nên chừa lại.
Em ngúng ngoảy bước, dặm giày bình bịch vất lại câu nói - Chủ vườn mà cái gì cũng không biết, bán đây về PK đi nghe
Tôi vung nắm café trên tay theo lưng em - Kệ tui, tui cứ ở đây cho đến già, đến chết đó
Em khựng lại nhoẻn miệng cười - Vậy em cũng hái cho chị đến già, đến chết
Tôi nhấm nhẳng - Hôm nay biết hôm nay đi.

Về với công việc của mình tôi không thôi nghĩ về em. Hai mươi tuổi học xong Trung cấp lý luận, sẵn có năng khiếu em tham gia luôn theo ngành văn hóa nghệ thuật. Theo phân công của trường đi biểu diễn ở các đồn biên phòng và phong trào ở các buôn làng, cuộc sống khổ cực với những năm giao thời nhưng tươi vui với tuổi trẻ. Em sống hết mình với đam mê đàn hát, rồi lấy chồng, có con. Tính khoáng đạt, kèm theo chút ương bướng không thích nghi được với cuộc sống làm dâu gò bó. Vợ chồng chia tay, em đem con về vùng nông thôn cho gần cha mẹ, xin vào làm biên tập và phát thanh viên của xã. Ngoài giờ thu, phát em làm đủ mọi việc để nuôi con, lúc không còn việc em thu mua phế liệu và đến mùa thì đi hái café công nhật. Gái một con lại xinh xắn, em đấu tranh với những cạm bẫy và cám dỗ vây quanh. Những tiếng gõ cửa đêm, những lời tán tỉnh dung tục. Để bảo vệ mình em phải khoác bộ mặt đanh đá, bặm trợn, lâu dần thành quán tính, em nói năng bừa bãi làm tôi khó chịu nhưng tôi biết trong sâu thẳm em luôn thèm khát sự dịu dàng và chia sẻ. Tôi cảm nhận được tình cảm của em với mình qua những cử chỉ nhẹ nhàng lo lắng cho tôi khi thấy tôi cố làm những việc không hợp sức mình.

Cái dáng người nhỏ bé kia lại chứa một nghị lức quá lớn. Em miệt mài làm cũng xây được căn nhà cấp bốn vừa cho hai mẹ con ở, cũng leo lên lợp tôn, cũng đảo vữa trộn hồ như một thợ xây thành thạo. Không có tiền thuê đào giếng, ban ngày phải mưu sinh, đêm về em tự đào, hai cái bình ắc qui, một trên, một dưới. Cậu con trai mười ba tuổi phụ mẹ kéo đất bằng thùng sơn hai ký, cứ thế đêm đêm mẹ đào con kéo đến nửa đêm, ròng rã ba tháng trời. Cũng đường kính một mét hai, sâu xuống mười ba mét thì gặp nước. Em tự hào và sung sướng không còn phải đi xin từng thùng nước nữa.
Buổi trưa lúc nghỉ ngơi em không ngủ như mọi người mà ngồi lại gần tôi. Em dụi mái tóc ngắn vào vai tôi gọi - Chị L - Gì? - Em bật dậy xoay người lại nhìn tôi chằm chằm - Chị không dịu dàng được với em sao? - Được, nhưng không thích - Tại sao? À! Em hiểu rồi, chị sợ dịu dàng với em, em lại “phun“ ra phải không? Tôi bật cười, em lại dựa đầu vào vai tôi hỏi - Em kể cho chị nghe về em nhiều sao không kể về chị cho em nghe?
- Mọi cái qua rồi, khổ đau, hạnh phúc. Cơn ác mộng của cuộc đời cũng qua, có gì đâu mà kể
- Em không tin, mắt chị nói nhiều lắm, kể sẽ vơi đi mà chị .

Đẩy đầu em ra tôi búng mũi - Tò mò cô bé, chúa đã dạy “Đừng hỏi thì khỏi bị nghe nói dối” - Bộ chị không vui, không buồn gì sao? Khó tin quá 
Sao lại không! Nhưng biết dung hòa nó thì nhẹ nhàng thôi. Ví như chị rất sợ làm tổn thương người khác, vì một lý do không mong muốn lỡ làm ai đó tổn thương chị dằn vặt và ray rứt mãi, nhưng khi biết những ray rứt của mình vô nghĩa bởi ai đó đã hoan hỉ với niềm vui mới, chị lại thấy nhẹ nhàng. Vì cuối cùng họ cũng đã trở thành tầm thường và nhỏ bé trong mắt mình mất rồi. Chị ích kỷ và hẹp hòi thế đó, chỉ muốn mình được vui thôi. Có lần chị đã nói với em câu này chị không nhớ của ai  “Không ai thương mình bằng mình cả, mọi người tìm đến mình vì họ thương chính thân họ đấy thôi”, em nghiệm đi.
Đột nhiên mặt em xịu xuống, buồn tênh. Tôi đã nghe em kể, em đang yêu, chàng là đại úy bộ đội, cố nhân của thời em là cô bé nhỏ nhắn, duyên dáng ôm đàn biểu diễn nơi đồn biên giới. Họ quen nhau rồi vì nhiều lý do đành thất lạc nhau, giờ gặp lại tình yêu sống dậy. Chàng đang có một gia đình hạnh phúc với hai con gái, vợ là giáo viên cấp ba nhưng vẫn buồn vì không có con trai. Chàng mong em sẽ sinh con trai và sẽ bảo bọc mẹ con em suốt đời. Em choáng ngợp trong tình yêu, tin vào lời hứa nhưng còn băn khoăn vì vợ con chàng yêu chàng tha thiết nên em muốn liều.

Tôi đã nhăn mặt nghe em kể và hỏi - Vậy nếu em cũng sinh ra một đứa con gái nữa thì sao, liệu anh ta có bảo bọc em không? Em bây giờ đâu còn là cô bé xinh xắn của ngày xưa nữa. Tại sao phải cúi mặt trước vợ anh ta khi em xứng đáng ngẩng cao đầu tự hào với những điều em đã làm được. Phụ nữ mình quả là có sức chịu đựng mà khi nhìn lại mình cũng giật mình, không ngờ mình đứng vững được trước bão tố cuộc đời. Dù bây giờ cái mơ ước, cái hạnh phúc nhỏ nhoi nhất mình vẫn không thể nắm được vì nó không phải của mình, em tỉnh táo lại đi.
- Em khổ tâm và bối rối lắm chị, nhưng em yêu anh ấy quá, em phải thế nào đây?
- Tùy, chị nói rõ rồi em tự quyết định, còn muốn liều chị không cản “Chúa đã tạo ra sự đau khổ ắt sẽ ban cho sức chịu đựng”
Nói chuyện với chị chán quá, những người như chị sống giả dối lắm, mơ mơ hồ hồ. Yêu không dám nói yêu, tại sao phải tự làm khổ mình, chối từ điều mình mong muốn, em ghét mấy người như chị. Chị có biết lúc nghỉ trưa em hay nhìn lén chị không? Cái mặt chị ác lắm! Tôi cười thích thú - Không ác sao chống chọi với cuộc đời, chả phải vấn đề để chị quan tâm, em cứ nghĩ và nói những gì em thấy
Bực bội em quay ra ôm đàn hát nghêu ngao.

Rồi mùa cũng xong, em bin rịn chia tay, dặn dò băn khoăn - Ở một mình đau ốm gì phải gọi em nghe! - Ừ - Đi đâu xa tê tay không chạy xe được thì gọi em nghe! - Ừ - Em cáu - Cái gì cũng ừ, chị thì lì phải biết, giờ biết chị rồi em cứ thấy không an tâm sao ấy 
Tôi cười đẩy em ra - Tại em rảnh quá mắc gì lo cho chị?
Nhìn dáng em liêu xiêu trong chiều muộn. Lòng dâng lên nỗi thương cảm khôn nguôi …. Ôi em ……phận người.

Hoàng Thị Viễn Du 
23-12-2014

Thứ Hai, 23 tháng 11, 2015

Khiển Hoài 遣懷 Đỗ Phủ

Nhắc đến Đỗ Mục là người ta nghĩ ngay đến một chàng thư sinh đẹp trai phóng đãng lạc phách giang hồ, xuất khẩu thành thơ, phong lưu rất mực " văn chương nết đất, thông minh tính trời ", hợp cùng với Lý Thương Ẩn  ( Lý Nghĩa Sơn ) thành một cặp LÝ ĐỖ tài hoa của buổi Tàn Đường.
        ĐỖ MỤC  ( 803-852 ), tự Mục Chi, hiệu Phàn Xuyên Cư Sĩ, người đất Kinh Triệu  ( Tây An thiểm Tây ngày nay ). Ông là con của Đỗ Tùng Úc, cháu nội của Tể Tướng Đỗ Hựu, đậu tiến sĩ năm 26 tuổi đời Đường Văn Tông Đại Hòa năm thứ 2.
        Đỗ Mục là nhà thơ, nhà tản văn kiệt xuất đương thời. Ông từng giữ các chức vụ Hoằng Văn Quán Hiệu Thư Lang, Giang Tây Quan Sát Sứ Mộ, Hoài Nam Tiết Độ Sứ, Quốc Sử Quán Tu Soạn, Ngự Sử Hoàng Châu, Trì Châu, Mục Châu ... Vì cuối đời ông ở Nam Phàn Xuyên Biệt Thự xứ Trường An, nên người đời gọi ông là Đỗ Phàn Xuyên. Ông trứ tác Phàn Xuyên Văn Tập, nổi tiếng với các bài Thất ngôn Tứ tuyệt, người đời gọi ông là Tiểu Đỗ đê phân biệt với Lão Đỗ là Đỗ Phủ của buổi sơ Đường. Đỗ Mục cùng với Lý Thương Ẩn hợp xưng " Tiểu LÝ ĐỖ " để phân biệt với " Lão LÝ ĐỖ " là Lý Bạch và Đỗ Phủ .
        Sau đây là một trong những bài Thất ngôn Tứ tuyệt nổi tiếng của ông với nội dung như Thầy CDM đã diễu:



遣懷                         Khiển Hoài

落魄江湖載酒行, Lạc phách giang hồ tải tửu hành,
楚腰纖細掌中輕.    Sở yêu tiêm tế chưởng trung khinh.
十年一覺揚州夢, Thập niên nhất giác Dương châu mộng,
贏得青樓薄倖名。 Doanh đắc thanh lâu bạc hãnh danh !

杜牧             Đỗ Phủ   

CHÚ THÍCH :
      KHIỂN HOÀI: Khiển là Điều động, như Điều khiển,khiển dung. Khiển là Giải bày, Bày tỏ. Hoài là Lòng dạ. Nên KHIỂN HOÀI là Bày tỏ nổi lòng, là Giải bày tâm sự.
       LẠC PHÁCH : là Sa cơ thất thế, là Lụn bại. Lạc Phách Giang Hồ là Thất thểu, lang thang trong chốn giang hồ.
       SỞ YÊU : Chỉ chung cái eo rất thon rất nhỏ của phái nữ. Theo điển tích : Sở Linh Vương rất thích những người đẹp có cái eo thon nhỏ, nên tất cả cung nữ trong cung đều thắt eo và nhịn ăn cho có được cái eo thon để được vua thương !
       TIÊM TẾ : Nhỏ nhắn gọn gàng dễ thương.
       CHƯỞNG TRUNG KHINH : Chưởng là Lòng bàn tay. Chưởng Trung Khinh là Nhẹ nhàng trong lòng bàn tay. Theo tích : Hoàng hậu của Hán Thành Đế là Triệu Phi Yến có thân hình nhẹ như chim én, có thể ca múa ở trên lòng bàn tay của lực sĩ.
       DOANH : là Thắng, là Lời, là Gặt hái được.
       BẠC HÃNH : là Bạc tình, là ... Sở Khanh. Bạc Hãnh Lang là Chàng họ Sở !
NGHĨA BÀI THƠ :
                            GIẢI BÀY TÂM SỰ
        Bất đắc chí, lang thang lưu lạc giang hồ với một bầu rượu trong tay. Ta lăn lóc trong đám người đẹp eo thon ẻo lả của thanh lâu. Suốt mười năm trường thoáng qua như một giấc mộng dài chìm đắm trong tửu sắc ở Dương Châu. Kết cuộc, được gì đây ? Chỉ được tiếng là gã bạc tình nổi tiếng nhất lầu xanh mà thôi !
        Cảm khái thay lời tâm sự của một thư sinh lạc phách ! Tự mình nhìn lại mình, tự mình đánh giá mình, để thấy được sự tự huỷ hoại mình trong ăn chơi trác táng khi bất đắc chí, khi thất cơ lở vận ... cũng chẳng giải quyết được gì, chỉ tổ làm cho mình càng trụy lạc chìm đắm hơn mà thôi !
        Câu cuối của bài thơ đã được cụ Nguyễn Du mượn lời để nói về anh chàng Sở Khanh trong Kiều là ...
                       Bạc tình nổi tiếng lầu xanh,
              ( Một tay chôn biết mấy cành phù dung ! )

DIỄN NÔM :
      Khiển Hoài
Bầu rượu lang thang khắp lữ trình,
Eo thon mình nhẹ khéo là xinh.
Mười năm tỉnh giấc Dương Châu mộng,
Nổi tiếng lầu xanh kẻ bạc tình!

Lục bát:
Đắm chìm tửu sắc lang thang,
Eo thon mình én dạ càng ngẩn ngơ.
Dương Châu giấc mộng ơ hờ,
Mười năm được tiếng ai ngờ Sở Khanh!
Đỗ Chiêu Đức
***
Diễu Đỗ Mục
Kẹp tay bầu rượu rong chơi,
Eo thon đùi đẹp ngất cười lẳng lơ!
Mười năm vùi mộng vừa chưa?
Lừng danh chàng Sở thôi vừa đi cha!!!

Chân Diện Mục
***
Nhìn Lại Mình
Thất chí lang thang rượu một bầu
Bê tha trụy lạc chốn thanh lâu
Mười năm thoáng chốc như cơn mộng
Tiếng xấu bạc tình rửa được đâu!
Phương Hà

***
Nhắc Lại Chuyện Cũ

Lưu lạc sông hồ với rượu cay
Lưng thon gái Sở bế trên tay
Dương Châu giấc mộng mười năm chẵn
Tình phụ lầu xanh được tiếng này.
Quên Đi
***
Khiển Hoài
Cao khoa danh sĩ vẻ vang đời,
Bầu rượu túi thơ nức tiếng chơi.
Hoài bảo mười năm lầu kỹ nữ,
Lơ mơ trả giá Sở Khanh rồi !
Mai Xuân Thanh


Ca Dao 2


Đề tài: 
Càng lâu càng lắm mùi hay
Cho cam công kẻ nhúng tay thùng chàm

Bài làm:

Tháng lại ngày qua vẫn thế thôi
Sống lâu từng trải hết mùi đời
Điều hay vẫn chắc còn tồn tại
Cái dở đeo hoài chán ngấy ôi
Vẫn biết thùng chàm tay trót nhúng
Hẳn còn bám chặt chút hương thôi
Gằn lòng đeo đẳng cho xong chuyện
Hoa thải hương thừa thật khó coi

Thái Hanh(Viên Ngoại)

Lòng Biết Ơn

Có một chàng trai trẻ vừa tốt nghiệp Đại học loại xuất sắc nộp đơn dự tuyển vào một vị trí quản lý tại một công ty lớn.
Anh ta vượt qua các vòng đầu tiên. Đến vòng cuối cùng, đích thân ông Giám đốc phỏng vấn để đưa ra quyết định cuối cùng.

Ông Giám đốc phát hiện ra một điều từ CV của chàng trai trẻ rằng trong suốt các năm học, anh ta luôn đạt thành tích học tập một cách xuất sắc. Từ trường Trung học cho đến khi vào Đại học và thi tốt nghiệp, không năm nào mà chàng trai này không đạt được danh hiệu xuất sắc.
Ông Giám đốc hỏi, “Anh có bao giờ nhận được học bổng từ trường không”. “Không bao giờ”, chàng trai trả lời.

Ông Giám đốc bèn hỏi tiếp,”Vậy là cha anh đã trả toàn bộ học phí cho anh phải không?”. Chàng trai trẻ trả lời:” Cha tôi đã mất từ hồi tôi được một tuổi, toàn bộ số tiền học phí là do mẹ tôi gánh vác”.
“Vậy mẹ anh làm việc ở công ty nào?” Ông Giám đốc hỏi. Chàng trai trẻ bèn trả lời, “Mẹ tôi làm công việc giặt quần áo”.
Ông Giám đốc nghe vậy bèn đề nghị chàng trai trẻ đưa hai bàn tay ra cho ông xem. Hai bàn tay chàng trai khá đẹp và mềm mại.

Ông Giám đốc hỏi:” Vậy trước đây có bao giờ anh giúp đỡ mẹ anh trong việc giặt quần áo chưa?”. “Chưa bao giờ”, chàng trai trẻ trả lời, “Mẹ tôi lúc nào cũng chỉ muốn tôi học và đọc thật nhiều sách. Hơn nữa, mẹ tôi có thể giặt quần áo nhanh hơn tôi.”
Ông Giám đốc nghe thấy vậy bèn nói: “ Tôi có một yêu cầu. Hôm nay lúc anh về nhà, hãy đi và rửa hai bàn tay của mẹ anh. Rồi hãy đến gặp tôi vào sáng ngày hôm sau”.


Chàng trai trẻ cảm giác rằng cơ hội trúng tuyển của mình vào công ty này rất cao. Anh ta liền vui vẻ về nhà gặp mẹ và nói với bà hãy để anh ra rửa hai bàn tay của bà ngày hôm nay. Bà mẹ nghe vậy cảm thấy rất lạ, trong lòng bà dấy lên những cảm xúc vui buồn lẫn lộn, bà bèn đưa hai bàn tay mình ra cho chàng trai.

Chàng trai trẻ chầm chậm rửa sạch bàn tay của mẹ mình. Từng giọt nước mắt của chàng trai rơi xuống khi anh ta thực hiện công việc của mình.Lần đầu tiên chàng trai nhận ra rằng đôi bàn tay của mẹ mình thật là nhăn nheo, hơn nữa hai bàn tay còn chằng chịt những vết sẹo và chai sạn. Những vết sẹo này hẳn là rất đau đớn vì chàng trai cảm nhận được bà mẹ khẽ rùng mình mỗi khi chàng trai rửa chúng trong nước.

Đây cũng là lần đầu tiên chàng trai trẻ nhận ra rằng chính đôi bàn tay này hàng ngày làm công việc giặt quần áo để có thể trang trải đủ tiền học phí của anh ta ở trường học. Những vết sẹo trên đôi bàn tay của bà mẹ cũng là cái giá cho kết quả đậu tốt nghiệp, cho những bảng điểm xuất sắc và cho cả tương lai của anh ta.
Sau khi rửa sạch đôi bàn tay của bà mẹ, chàng trai trẻ lặng lẽ giặt nốt luôn chỗ quần áo còn lại trong ngày.
Tối hôm đó, bà mẹ và chàng trai đã nói chuyện với nhau rất lâu.

Sáng ngày hôm sau, chàng trai trẻ quay lại công ty phỏng vấn.
Ông Giám đốc nhận thấy nước mắt còn đọng trên khóe mắt của chàng trai trẻ bèn hỏi:” Anh có thể cho tôi biết anh đã làm gì và học được những gì ở nhà của anh ngày hôm qua không?”
Chàng trai trả lời:” Tôi đã rửa đôi bàn tay của mẹ tôi, và tôi cũng đã giặt nốt chỗ quần áo còn lại.”
Vậy anh hãy cho tôi biết cảm giác của anh như thế nào?” Ông Giám đốc hỏi.
Chàng trai trẻ bèn trả lời trong nước mắt:
Thứ nhất: Tôi hiểu được nhờ có mẹ mà tôi có được ngày hôm nay.
Thứ hai: Tôi hiểu được kiếm tiền vất vả đến như thế nào.
Thứ ba: Tôi đã nhận thức được sự quan trọng và giá trị của tình cảm gia đình.

Ông Giám đốc nói:” Đó chính xác là những gì tôi cần tìm ở một nhà quản lý. Tôi muốn tìm những ứng viên có thể nhận thức được sự giúp đỡ của những người khác, người có thể hiểu được sự khó nhọc của người khác khi hoàn thành một công việc nào đó, và là người không đặt tiền bạc là mục đích sống duy nhất của mình. Xin chúc mừng. Anh đã được tuyển.”

Sau đó, chàng trai trẻ làm việc rất chăm chỉ và nhận được sự nể trọng của các nhân viên của mình. Mỗi thành viên trong nhóm làm việc rất cần cù và đoàn kết. Tình hình kinh doanh của công ty phát triển đạt mức doanh thu cao một cách đáng kinh ngạc.

St
Mailoc sưu tầm

Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2015

Bến Đỗ


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Tiếng Đàn Xưa

(Thân kính tặng Thầy Nguyễn Bá Nguyên )


Năm học ấy tất cả học sinh lớp Đệ Tứ được miễn thi Trung học đệ nhất cấp (Tốt nghiệp PTCS), chỉ cần đủ điểm được lên lớp Đệ Tam và có quyền chọn ban. Vừa đủ điểm lên lớp, lại do ngán cảnh nhai chữ hàng đêm nên không theo khoa học xã hội, tôi vội quyết định chọn ban B (Ban Toán Lý). Khổ nỗi năm qua, tôi là học sinh kém nên rất vất vả mới theo kịp bạn cùng lớp. Còn thời khoá biểu tôi vạch ra cho mình chẳng có gì thay đổi, từ bảy đến chín giờ đêm học bài cho ngày mai, bốn giờ sáng phải nhồi bột làm bún và bánh lọt, khi thay đồ đi học, phải chở hai thúng bún ra chơ cho mẹï. Lúc ấy tôi mắc cỡ với bạn bè (nhất là bạn gái). Mình chẳng giống ai, mặc áo nhốt vạt vào quần mà chạy chiếc xe đòn dông cũ kỹ và đèo hàng như xe thồ, trong lúc bạn gái tôi đến trường đỏng đảnh trên chiếc xe gắn máy hiệu Velo Solex. Nhưng riết rồi cũng quen, bất chấp bạn bè xa lánh, tôi cứ sống trong nỗi cô đơn vì thiếu bạn.

Một buổi chiều bán ế ẩm như vài buổi chiều tôi đã gặp, mẹ mang về nhà gần mười ký bún. Hôm ấy, chúng tôi không ăn cơm. Mẹ nấu canh chua tép rong ăn với bún thay cơm. Mẹ bảo tôi mang một bọc bún đến trường cho bác Mười bảo vệ. Tôi chạy vào trường trước khi bác Mười ăn bữa cơm chiều. Khi tôi đến, thầy Nguyên đang ngồi uống trà đối ẩm vơi bác Mười. Thầy gọi tôi lại bảo:
- Em học yếu lắm, cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Bác Mười vừa nhận bọc bún vừa nói đỡ lời tôi:
- Gia đình nó nghèo khó lắm, thầy giúp đỡ cho nó.

Năm nay, thầy Nguyên làm Giáo sư hướng dẫn (GV chủ nhiệm) lớp tôi. Bác Mười bảo tôi ngồi chơi một chút rồi khuấy cho tôi một ly nước chanh. Nếm một chút nước chanh tươi, nó vừa chua vừa ngọt như cuộc đời mình. Bác Mười quay lại nói chuyện với thầy Nguyên:
- Hồi đó, bà ngoại nó mất sớm, ông ngoại nó đi lưu lạc giang hồ, má nó phải đi ở cho nhà ông giáo Thìn. Bà giáo thấy thương quá mới làm đám cưới cho má nó lấy cháu bà giáo, cha nó bây giờ đó! Má nó đâu có nhà để tổ chức đám cưới. Còn tôi cũng là dân lang bạt sống kiếp thương hồ trên sông nước. Má nó mới mượn chiếc ghe của tôi làm “nhà” đàng gái để có chỗ cho đàng trai tới rước dâu. Đám cưới đó do bà giáo làm mai mối cũng làm chủ hôn luôn. Vậy mà hai đứa nó sống với nhau đã tám chín mặt con vẫn ngọt như nồi canh bầu nấu với râu tôm. Bây giờ ba má nó học được cái nghề làm bún nên sắm khuôn, sắm cối xay, mua gạo tự làm mang ra chợ bán kiếm sống cũng tạm được. Nó là con trai cả, đỡ đần cho má nó cũng tốt. Bữa nào bán ế nó mang bún qua cho tôi ăn trừ cơm. Bỏ hư tội chết thầy ơi!...
Thầy Nguyên ngồi gật gù phụ hoạ theo bác Mười:
- Ừ! Bỏ hư tội chết…

Từ lâu nay, tôi không hề nghe ba mẹ nói chuyện mình, chỉ thấy hai người lao vào việc buôn bán kiếm tiền nuôi một bầy con ăn học. Không ngờ ba mẹ tôi gặp gỡ nhau trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt đó. Tôi lén nhìn thầy Nguyên dò xét. Thầy cứ ngồi trầm ngâm lặng lẽ. Còn tôi phải quay mặt đi nơi khác để giấu những giọt nước mắt thương cảm cho cảnh đời ba mẹ tôi phải đi qua. Không gian chung quanh chìm xuống nặng nề. Bổng thầy nói với tôi:
- Em chịu khó chạy ra phố mua cho thầy nửa lít rượu trắng và nem nướng về ăn với bún. Bác Mười có trồng mấy liếp rau sau trường em khỏi phải mua rau…


Thầy Nguyên với tay lên vách lấy cây guitar phím lõm dạo lên một khúc nam ai buồn da diết. Tôi chẳng thạo nhạc lý nhưng nghe tiếng đàn của thầy khi trầm khi bổng như bày tỏ một nỗi niềm thương cảm. Không ngờ thầy Nguyên đàn cổ nhạc hay như vậy. Bác Mười bảo:
- Cây đờn nầy nó theo tôi lang thang nữa đời trên sông nước đó thầy. Nhờ nó mình cũng đỡ buồn trong những ngày tha phương cầu thực.

Sau hôm ấy, thời khoá biểu của tôi đổi khác theo đề nghị của thầy. Từ sáu đến tám giờ tối, tôi mang tập đến nhà bác Mười ngồi học bài cho ngày mai. Thầy Nguyên từ Sài Gòn về tỉnh dạy học nên ở nội trú trong trường với bác Mười. Những ngày ấy, thầy dạy tôi cách học bài theo đề cương, cách nhớ bài theo những câu thiệu không cần ngồi nhai chữ. Vách nhà tôi bắt đầu xuất hiện chi chít những công thức toán. Không ngờ bức vách tầm thường của một lò bún trở thành nơi chứa đựng quá nhiều công trình trí tuệ của những nhà toán học. Khuya, tôi vừa nhồi bột vừa nhìn lên vách nghiền ngẫm những công thức toán.

Mỗi tuần, thầy Nguyên có hai buổi tối đi dạy luyện thi Tú Tài cho các anh chị lớp Đệ Nhị A (Ban sinh vật), thầy bảo tôi theo học dự thính không cần đóng học phí. Ban đầu, tôi sợ mình không theo nổi lớp trên nên rất e dè. Nhưng khi thầy giảng có chút pha trò, tôi hoàn toàn nắm được bài. Những ngày học ở lớp luyện thi, thầy chẳng hề kiểm tra hoặc thăm hỏi gì , chỉ bỏ mặc tôi ngồi lặng lẽ ở cuối lớp giống như một người cha dẫn con theo khi ở nhà không ai chăm sóc. Tôi nghe trong tôi bừng lên tình thầy hoà với tình cha vô cùng hạnh phúc. Nhưng có một niềm hạnh phúc tôi không thể quên trong suốt cuộc đời mình.

Đêm ấy, thầy dạy đến bài Tam Thức bậc hai. Sau khi giảng bài xong, thầy cho thử một bài kiểm tra tại lớp và yêu cầu tất cả xét dấu phân tách một Tam thức bậc hai có tham số m trong một thời gian giới hạn. Mặc dù tôi không bị kiểm tra nhưng vẫn làm thử khả năng mình. Hết giờ, tôi và cả lớp chưa làm xong, chưa kể một số anh chị còn ngồi cắn bút trước trang giấy trắng. Thầy nói với cả lớp:
- Bài nầy trình độ một học sinh lớp Đệ Tam có thể giải được. Tôi tin mình chứng minh được điều vừa nói.

Vừa dứt lời, thầy vẫy gọi tôi lên bảng. Trước quyết định quá đột ngột của thầy, trống ngực tôi đập liên hồi. Vừa mừng vì được tín nhiệm, vừa lo sợ làm mất uy tín của thầy, tôi ngập ngừng đứng lên theo lời động viên của thầy:
- Khỏi lấy tập, thầy tin em giải được bài nầy.

Câu nói ấy như ra lệnh tôi phải bình tĩnh giải quyết bài toán thật chính xác để không phụ lòng thầy dạy dỗ lâu nay. Tôi tự tin hơn và thong thả bước lên bảng giải hết bài toán. Lúc ấy, thầy đứng sau lưng tôi quan sát thỉnh thoảng gật đầu. Mọi hành động của thầy bây giờ trở thành niềm động viên an ủi tôi rất lớn. Cuối cùng, thầy quay lại nói cùng cả lớp:
- Bài giải nầy hoàn toàn chính xác và mạch lạc. Chỉ có trình bày chưa đẹp vì thiếu thước kẻ bảng xét dấu. Các em có thể chép về tham khảo.

Tôi thở phào sung sướng vì chứng minh được lời nói của thầy trước lớp.

Năm học ấy, dù vượt qua được hoàn cảnh và đứng đầu lớp học, tôi vẫn ôm tập đến nhà bác Mười mỗi tối như thời khoá biểu thầy đã vạch. Những buổi tối cuối năm học, tiếng đàn vọng cổ của thầy vang ra đón tôi bằng điệu Xuân tình rộn rả.

Mãi đến mấy năm sau tôi lên học ở Sài Gòn. Nghe nói thầy Nguyên trước đây có dạy ở trường Hoàng Nguyên, tôi đến đó tìm thầy. Hỏi mãi, chẳng ai biết thầy đang sống nơi nào. Tôi đứng thẩn thờ trong con hẻm nhỏ gần trường, radio nhà ai vọng lại tiếng guitar độc tấu bài Dạ cổ hoài lang nghe buồn da diết.

Ngọc Hiệp 
Vĩnh Long

Ô Y Hạng 烏衣巷 - Lưu Tích Vũ

Một thời danh vọng, nhưng rồi cũng chẳng mãi cùng năm tháng.
Ô Y Hạng là con đường nhỏ ở phía nam sông Tần Hoài thuộc thành phố Nam Kinh. Con đường này vốn chẳng tên tuổi gì, nhưng kể từ khi có bài thơ của Lưu Tích Vũ, con đường nhỏ trở nên nổi tiếng. Từ đó, người đời sau có các cách giải thích khác nhau về ý nghĩa, xuất xứ tên gọi Ô Y Hạng:

- Theo sách "Trung Quốc Lịch Đại Danh Thi Phân Loại Đại Điển" do Hồ Quang Chu và Chu Mãn Giang chủ biên đã viết như sau: Con đường nhỏ phía Nam sông Tần Hoài, thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô. Thời Tam Quốc, là nơi Đông Ngô từng lập doanh trại quân đội tại đấy, binh sĩ đều mặc áo đen nên gọi ngõ hẻm đó mới có tên là Ô Y Hạng. 

- Cũng theo cách giải thích của người Tàu, có truyền thuyết rằng: vào thời Tấn, đây là nơi ở của hai danh gia vọng tộc Vượng Đạo, Tạ An. Con cháu những nhà này thường mặc áo đen, từ đó có tên gọi ngõ Ô Y.

- Theo Hán Việt Tự Điển của Đào Duy Anh (trang 88), Ô Y là tên gọi riêng của Chim Én . Nếu ta đối chiếu với ý nghĩa trong bài thơ của Lưu Tích Vũ thì quả thật vẫn không sai.

(tham khảo: Bài viết của An Chi và "Hán Việt Tự Điển" Đào Duy Anh)

Người Tàu có hai cách giải thích, trong khi đó theo giải nghĩa của Đào Duy Anh cũng hợp lý.

Như vậy Ô Y Hạng ( 烏衣巷 ) có hai nghĩa: Hẻm Áo Đen và Hẻm Chim Én.

Và Ô Y (烏衣) cũng sẽ có hai nghĩa là Áo Đen; Chim Én 


Bản Hán Tự Phiên Âm Hán Việt

烏衣巷                         Ô Y Hạng

朱雀橋邊野草花        Chu Tước kiều biên dã thảo hoa 

烏衣巷口夕陽斜       Ô Y hạng khẩu tịch dương tà. 

舊時王謝堂前燕       Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến 

飛入尋常百姓家      Phi nhập tầm thường bách tính gia.
               劉禹錫                                          Lưu Tích Vũ

Dịch Nghĩa Nôm: Ngõ Hẻm Ô Y

Bên cầu Chu Tước đầy những hoa cỏ hoang dại 
Nơi hẻm Ô Y trời đã về chiều
Thuở trước, chim én thường xuất hiện trước nhà Vương Đạo, Tạ An
Nay bay vào những nhà bình thường của trăm họ.

Dịch Thơ:

Hẻm Ô Y

1/
Chu Tước cầu cỏ hoa bít lối 
Hẻm Ô Y bóng tối dần lan 
Lầu Vương Tạ én từng đàn 
Giờ tìm đến chốn dân gian tầm thường

2/
Chu Tước bên cầu hoa cỏ hoang
Ô Y ngõ hẻm ánh chiều vàng
Một thời én lượn lầu Vương Tạ
Nay dẫu nhà thường cũng phải sang.

Quên Đi

***
Đỗ Chiêu Đức tham gia với các phần sau đây :


1.Nguyên bản chữ Hán của bài thơ:

烏衣巷                      Ô Y Hạng 

朱雀橋邊野草花, Chu tước kiều biên dã thảo hoa,
烏衣巷口夕陽斜。 Ô y hạng khẩu tịch dương tà.
舊時王謝堂前燕, Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến,
飛入尋常百姓家。 Phi nhập tầm thường bách tính gia.

                 劉禹錫                                      Lưu Vũ Tích
2.Chú Thích:

Ô Y HẠNG 烏衣巷 : Ô là Màu đen, Y là Áo, Hạng là Con Hẻm. Ô Y Hạng là Con hẻm áo đen. Có tích như sau :
Ô Y Hạng là một con hẽm của TP Nam Kinh nằm ở phía nam của sông Tần Hoài, con hẽm nầy có từ đời Tam Quốc, thuộc nước Đông Ngô, nơi độì Cấm quân Áo Đen trú đóng mà thành tên. ( Một điều thú vị mà văn nhân thi sĩ không biết tới, đội Cấm quân Áo Đen chính là đội Thuỷ quân Người Nhái được huấn luyện bên bờ sông Tần Hoài và Trường Giang chuyên đục lủng thuyền của quân địch. Chiếu theo ngũ hành, Thuỷ thuộc màu Đen, nên đội Người Nhái nầy toàn mặc quân phục màu đen là vì thế !).
Sau, vào đời Đông Tấn, là nơi ở của 2 danh gia vọng tộc Vương Đạo và Tạ An. Gia nhân, ngưòi ăn kẻ ở của 2 nhà nầy đều mặc đồ đen, ra vào nườm nượp trong con hẻm nầy, nên Ô Y Hạng càng nổi tiếng " Ô Y " hơn. Con em của 2 nhà nầy được gọi là " Ô Y Lang ", có nghĩa là : Các Chàng của hẽm Áo Đen ( Ý chỉ là con em của hẽm nhà giàu, chớ chưa chắc là họ thích mặc màu đen đâu !). Nhưng đến đời Đường thì Ô Y Hạng bị bỏ phế, và cho đến hiện nay, thì ....Ô Y Hạng là khu tập trung sản xuất công nghệ phẩm của dân gian.
CHU TƯỚC KIỀU 朱雀橋 : CHU là Màu đỏ, TƯỚC là Chim sẻ, KIỀU là Cầu. CHU TƯỚC KIỀU là Cây cầu bắt ngang sông Tần Hoài qua Thành phố Nam Kinh đưa đến Ô Y Hạng, giữa cầu có lầu canh được trang trí bằng 2 con chim sẻ bằng đồng là kiến trúc của Tạ An xây nên.
DÃ THẢO HOA : DÃ 野 là Hoang dã. DÃ THẢO HOA là Hoa cỏ mọc một cách hoang dã, không được trồng trot, chăm sóc.
3. Nghĩa Bài Thơ:

Bên cầu Chu Tước ( lẽ ra rất phồn vinh tấp nập người qua kẻ lại, thì nay...) cỏ hoang hoa dại phủ đầy, và ở đầu con hẽm Ô Y ( không còn nườm nượp gia nhân ra vào như xưa, mà nay ...) chỉ thấy nắng chiều nghiêng nghiêng buồn bã. Những con én ngày xưa chít chiu ríu rít trên rường nhà cuả Vương Đạo và Tạ An, nay đã bay hết ra nhà của bá tánh thường dân rồi !
Chim én là biểu tượng của mùa xuân, của ấm êm hạnh phúc. Theo tập tính thì chim én chỉ làm tổ trên những rường nhà có người ở, còn nhà bỏ hoang thì chim én cũng... bay luôn !
Lưu Vũ Tích đã khéo dùng hình ảnh hoang dại cuả cỏ hoa, cái nghiêng nghiêng sắp tắt của nắng chiều, và sự vắng lặng trơ vơ không một bóng chim lai vãng để gợi nên sự tiêu điều hoang phế của các danh gia vọng tộc đã từng vang bóng một thời, nay thì ..." thời oanh liệt nay còn đău !!!"
Qủa là một bài thơ hoài cổ não lòng, làm ta chợt nhớ đến 4 câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan:

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương! 
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương!!!

4. Dịch Thơ:
Hẻm Ô 
1/ 
Bên cầu Chu Tước cỏ hoa hoang,
Trước hẻm Ô Y ánh nắng tàn.
Chim én trên rường Vương Tạ trước,
Nay đà bay đến với dân gian!

2/ 
Cỏ hoang hoa dại bên cầu,
Chiều nghiêng nắng xế thêm sầu Ô Y.
Én xưa cũng hết rù rì,
Bỏ nhà Vương Tạ bay đi dân thường!

Đỗ Chiêu Đức
***
Các Bài Dịch Thơ:
Hẻm Ô Y

Cỏ hoa ngập lối cầu Chu Tước
Trước ngỏ Ô Y nắng sắp tàn
Vương Tạ lầu cao thời én lượn
Chim đàn sang ở chốn dân gian

Kim Phượng
***
Hẻm Ô Y

Cầu Chu Tước cỏ dại hoa hoang
Hẻm vắng Ô Y bóng xế tàn.
Soái phủ Tạ, Vương chim én tựu,
Nay bay hòa nhập cửa dân làng.

Mai Xuân Thanh
Ngày 17 tháng 11 năm 2015
***
Hẻm Ô Y

Chu Tước - cạnh cầu ngập cỏ hoang
Ô Y - trước hẻm nắng phai tàn
Nhạn xưa ríu rít nhà VươngTạ
Rã đám bay vào chốn thế gian

Phương Hà

Cổ Tích


Ừ ! Có lẽ ...
Em nên là cổ tích
Để lòng ta ôm ấp trọn niềm mơ
Bốn mùa qua luôn gối mộng mong chờ
Ngày nắng mới vần thơ hoa mỹ dệt

Ừ ! Cứ thế ...
Ta trải lòng tha thiết
Đợi ngày vui đón tiếp ánh xuân sang
Lá hoa tươi vươn khí sắc rộn ràng
Như lòng mẹ thơm ngon từng giọt sữa

Ừ ! Vẫn thế ...
Ta chắc lòng để hứa
Buổi hạ về nắng táp những màu hoa
Tiếng ve kêu nhắc nhở nỗi buồn xa
Dìm ký ức chuỗi ngày đau xót ấy.

Ừ ! Dẫu thế ...
Ta sẵn lòng nếm trải
Buổi sang mùa lay chuyển ngọn thu phong
Giọt mưa ngâu canh cánh nỗi hoài mong
Cơn bão nổi ngầm mang mầm xanh mới.

Ừ ! Cứ mặc...
Ta bền lòng chờ đợi
Đông răn đe không khuất phục con người
Gió bạo cuồng tan tác lá vàng rơi
Bón phân đất cây đời thêm sức sống!

Nguyễn Đắc Thắng
20151103

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

Giáo Già Nhớ Trường Xưa

Trường tôi tỉnh lẻ đơn sơ
Nghèo nàn heo hút trơ vơ giữa đồng
Cổng truờng ọp ẹp gỗ thông

Truớc sân ao nhỏ, cong cong lối mòn
Phiá sau đồng ruộng hãy còn
Tình quê lai láng ôm tròn trường tôi
Mùa mưa nước nổi ôi thôi
Cả trường ngập nước thuyền trôi ra vào
Biết bao đàn cá vẫy chào
Tung tăng trong lớp phóng vào lội ra
Rồi thì mùa nước cũng qua,
Nhường cho mùa lúa,bao la cánh đồng
Mạ non gợn sóng bềnh bồng
Hương thơm lúa mới thoảng nồng bay xa
Không lâu lại đến Tết ta
Tiệc xuân cung chúc đàn ca khắp trường
Nào hay tình cũng vô thường
Mới vui xuân đó lên đường tùng chinh
Ngôi trường vẫn đứng lặng thinh
Chẳng hề xúc động như khinh tình người
Hè về cái nắng nung người
Thầy trò về hết tiếng cười bặt tăm
Hành lang heo hút xa-xăm
Những hàng cột đứng âm thầm đợi ai
Tư bề vắng lặng nào hay
Lâu lâu cơn gió tung bay lá cờ
Nào đâu những lúc tan giờ
Thướt tha áo trắng phất phơ gió chiều
Bồi hồi truớc cảnh tiêu điều
Xa xa vẳng lại sáo diều cuối thôn

Nắng chiều thoi thóp hoàng hôn
Cảnh trường hư ảo ru hồn trong ta
Thời gian nào có phôi pha
Sắt se nỗi nhớ mình ta ôm sầu

NHL ( Mailoc )
(Tặng các thầy cô và các học sinh
thân mến của ngôi truờng Kiến Phong những năm truớc 1975)

Ngày Nhà Giáo Nhớ Trường Xưa


Hai Mươi tháng Mười Một về
Mừng Ngày Nhà Giáo tràn trề niềm vui
Tay cầm thương bó hoa tươi
Học trò kính tặng trao lời biết ơn

Nhớ về trường cũ bồn chồn
Thương lời chim hót sân trường líu lo
Thương màu áo trắng học trò
Trắng trong ánh mắt ngây thơ nụ cười

Nhớ bục giảng nhớ chỗ ngồi
Nhớ đường phấn trắng nhớ lời giảng xanh
Nhớ trò ánh mắt long lanh
Những dòng mực tím dỗ dành tập trang

Nhớ bàn tay viết nhẹ nhàng
Tiếng cười dưới lớp ghế bàn xôn xao
Nhớ lời thưa thốt ngọt ngào
Thưa thầy quí mến em chào kính thương

Nhớ ngay cả lúc ngồi buồn
Rầy trò nghịch phá sầu tuôn trong lòng
Mong trò học giỏi, rất mong
Mai sau thành đạt cha trông mẹ chờ

Nhớ khai trường sáng mùa thu
Bao tà áo trắng lượn lờ gió mây
Tóc dài cột tuổi thơ ngây
Giấu trong ngăn cặp tháng ngày mến yêu

Nhớ giờ chơi tiếng đùa reo
Chiếc cầu lông lượn bay vèo nắng qua
Thương sao ánh mắt thật thà
Tiếng cười dòn dã trổ hoa thắm hồng...

Xa trường gửi nhớ chia mong
Ngày Nhà Giáo đến bềnh bồng thưở xưa
Xanh lên làn gió đong đưa
Tóc lòa xòa bạc như vừa xanh ra

( 20 tháng 11. 2015 )
Trầm Vân

Kỷ Niệm Ngày Nhớ Ơn Thầy Cô 20 Tháng 11

Tinh thần Tôn Sư Trọng Đạo của những Người Học Trò Kỹ Thuật Vĩnh Long năm xưa, vẫn được gìn giữ...

Vĩnh Long Kỹ Thuật trường xưa
Bao năm xa cách vẫn chưa nhạt nhòa
     (Cô Lê Thị Kim Phượng)

 Trình Bày: Nguyễn Phước Hiền
(Cựu Học Sinh Trường Kỹ Thuật Vĩnh Long - NK 1966-1971)
                

Lời Thầy Còn Vọng




Tưởng nhớ công ơn chẳng kể ngày
Ngàn xưa tỏa rạng đức còn đây
Mỗi lời mỗi chữ trao niềm đạo
Tâm niệm con ơi nhớ nghĩa thầy
Dù có ngày nay đời mạt kiếp
Trở về học lại thảo cùng ngay
Thầy ơi xa vắng càng thương nhớ
Tiếng giảng đạo đời vọng tới nay

Chân Diện Mục


Dấu Hằn



Hôm nay là Tết Thầy
Chả biết buồn hay vui
Mười mấy năm đèn sách
Đã là bụi phấn bay

Suốt quãng đời xuân trẻ
Kinh sử vẫn miệt mài
Hy vọng một ngày mai
Góp đời thêm chút sức
Trước mắt như bài thơ
Ngày ra trường hăm hở
Những học trò hiền ngoan
Ông giáo trẻ mơ màng...

Đây quận lỵ xa xôi
Tương lai dần mở lối
Chợt thấy lòng e ngại
Nhịp tim đến liên hồi
Trước ngôi trường xinh xắn
Thơ mộng dòng Chắc Băng
Đây vùng trời yêu dấu
Cuộc sống mới bắt đầu...

Sông Trẹm vẫn yên lành
Mây trời vẫn trong xanh
Nhưng cuộc đời thay đổi
Bởi thế sự giựt giành
Trong một ngày cô quạnh
Mây xám phủ bóng chiều
Lòng hoang vắng đìu hiu
Đành rời trường rời lớp
Rời học trò thân yêu
Nào phải kẻ bất tài
Sao trở nên thừa thải
Bị gạt bỏ bên lề...

Mấy mươi năm lặng lẽ
Với kiếp người ngoại cuộc
Mỗi khi nhìn bọn trẻ
Xôn xao ngày lễ Thầy
Như nghe gì nhoi nhói
Từ sâu thẳm tâm hồn...

Quên Đi

Chiếc Gương Soi


Niên học 1973 thầy phụ trách môn Anh văn sinh ngữ II, thầy chẳng những dạy chữ, thầy cũng chú trọng về nhân cách của con người, thầy chứng tỏ cho học sinh hiểu về cái đẹp của Tây và truyền đạt cho cái Ta thêm cao quý nhất là thiếu nữ Việt Nam.

Huỳnh Hoa là cô bạn học cùng lớp, Hoa đẹp từ gương mặt, mái tóc, dáng người duy mỗi một cái tật luôn bỏ đôi guốc sang một bên để chân trần, bị giấu guốc hòai vẫn không chừa, nhỏ lại ngồi bàn nhất nữa kia.
Giờ học nào thầy cũng nhắc:
- Em mang guốc vào, trông không đẹp
- Đi chân cho mát mà thầy.
Thầy nói rất nhiều lần vẫn chứng nào tật nấy. Một lần thầy triệt để bảo:
- Nếu em không nghe lời, thầy mời em xuống bàn dưới ngồi.
Nhỏ vẫn cứng đầu lờ đi. Một hôm thầy nói rỏ hơn, một cách tế nhị.
- Đối với Tây Phương, khi người phụ nữ đi biển họ mặc đồ tắm, đi chân trần không có gì là lạ. Nhưng khi dự một buổi dạ tiệc, họ ăn mặc chỉnh tề ,và bàn chân cũng là một phần của thân thể, phải được trân trọng. Đấy là nét quý phái, theo thầy nét đẹp kín đáo này đối với bất cứ người phụ nữ nào dù Tây hay Ta.
Thế là Huỳnh Hoa mỉm cười nói riu ríu nhưng cũng đủ cho cã thầy và bạn bè nghe:
- Em xin lỗi thầy, và đôi chân nhanh chóng tìm đôi guốc mang vào.
Tiếc là thầy chỉ dạy chúng tôi một học kỳ . Tuy nhiên chúng tôi được học hỏi bao điều bổ ích. Sau này sống ở nước ngoài tôi mới hiểu nhiều hơn những gì thầy dạy bảo, và cảm nhận ở thầy một sự kính mến sâu xa.
Một vùng trời xa xôi khác, khi tôi hay tin thầy định cư tại Paris,thầy trò liên lạc và cũng không quên “nhờ ngày xưa phá phách chăng!?” Đúng thế! Biết vậy hồi xưa chúng tôi phá hết thầy cô hay xiết bao!!!
Sau khi tôi trình“sơ yếu lý lịch” rõ ràng, thầy hỏi tôi
- Có phải em là cô học trò có cái răng khểnh, chuyên môn ngồi bàn nhất, và là học trò ngoan nhất trong đám luôn cúi đầu chào thầy không?
- Trời ơi, thầy nhớ hay thật. Mà thầy biết lý do vì sao có mình em chào thầy không?
- Tại sao, em kể xem.
- Tại vì hồi xưa bọn của em, tụi nó ra luật mổi khi gặp thầy cấm cúi đầu chào, mà phải nhìn thẳng vào mắt thầy cho “ ổng đỏ mặt và run chơi”. Đứa nào phá lệ sẽ bị thua một chầu cà rem, riêng em vừa sợ bị phá luật của nhóm lại vừa sợ thầy “ đì trả bài” em đành lùi lại phía sau và cúi đầu chào thầy .
- À thì ra thế, thầy cười ha.. hả…
- Thầy ơi, phải chi hồi xưa thầy đừng nghiêm khắc, cho chúng em trò chuyện tâm sự như hôm nay, thì thầy trò hiểu nhau và vui biết mấy hở thầy?
- Trời…trời …nghiêm khắc như vậy mà bọn thầy còn muốn nín thở.Tại mấy em không biết mới ra trường tuổi tác đâu lớn hơn các em bao nhiêu. Không nghiêm làm sao khiến được các em.
- Hồi xưa ấy mổi lần bị chọc phá, mặt thầy đỏ bừng, chắc thầy giận chúng em lắm?
- Em lầm rồi, thầy đâu có giận, mà thầy đang.. run đó thôi. Cố gắng trang nghiêm để không bị phá nữa.Làm thầy cô không dể đâu em.
Tôi cười thích thú :
- Trời... trời vậy là thầy cũng run như chúng em?
- Thầy có thể cho em biết vì sao thầy về dạy trường nữ Tống Phước Hiệp không? Thầy gan ghê!.
- Thầy biết không dể gì khi về dạy trường nữ, nhưng vì lý tưởng của nhà giáo.
- Khi thầy ra trường, đi chọn nhiệm sở, ba tỉnh thầy đến là Long An , Mỹ Tho và Vĩnh Long. Tuy Vĩnh Long xa nhà nhưng thầy quyết định chọn vì nhiều lý do.


Khi đi xem các nơi, quan tâm tiên là nơi ăn chốn ở, nhưng khi đến Long An và Mỹ Tho thầy hỏ,i thì các ông Hiệu trưởng nơi ấy không ai quan tâm, xem như việc mình phải tự mình lo . Khi thầy đến Vĩnh Long, vừa đề cập việc nơi ăn chốn ở, thầy Hiệu Trưởng Đào Khánh Thọ và thầy Giám Học Võ Thanh Bai rất ân cần đã cho thầy yên tâm, hai vị bảo sẽ giới thiệu nhà trọ và nơi ăn cơm tháng cho thầy. “An cư thì lạc nghiệp” mà em.

Nhưng điểm chính yếu mà thầy quyết định do lần diện kiến đầu tiên với Thầy Đào Khánh Thọ và Thầy Võ Thanh Bai, hai thầy rất vui vẽ, nhiệt tình tiếp đón,Về mặt cải tổ thầy rất thích vì lòng nhiệt quyết thiết tha của ban điều hành cho thế hệ trẻ, thầy chọn con đuờng này cũng vì lý tưởng như nhau.
Hôm nay tôi rầt vui khám phá được những suy tư và cũng không khỏi cảm động khi nghe những hoài bảo của những bậc thầy dâng trái tim mình cho thế hệ đi sau.Thầy tiếp;
- Hiệu trưởng Đào Khánh Thọ và Thầy Võ Thanh Bai rất vui vẽ, hòa nhã cho thầy một ấn tượng sâu sắc.
- Trường Tống Phước Hiệp uy nghi cổ kính, phong cảnh đẹp, phòng ốc khang trang. Học trò lễ phép, nhu mì.
Sau này thầy nhận xét thêm,Vĩnh Long là tỉnh lỵ hiền hòa, sông nước êm đềm, dân Vĩnh Long đầy tình người, phong cảnh nên thơ.
- Uí chà, thầy có lầm không thầy? Chúng em nhu mì sao?
- Tuỳ em, cũng không lầm đâu, ngổ ngáo nhưng ngoan, học giỏi.
- Em có biết sinh viên Sàigòn sắp ra trường, ai cũng sợ khi nghe tên ông Đào Khánh Thọ?
- Sao lại sợ hở thầy?
- Sợ vì Ông nổi tiếng nghiêm khắc và kỷ luật.
- Vậy thầy không sợ sao?
- Thầy là dân Tabert đã được đào luyện trong khuông khổ để trở thành một người học sinh gương mẫu trong tương lai.Chính vì thế mà thầy quyết định chọn dạy trường Tống Phước Hiệp. Có nghiêm khắc có kỷ luật mới đào tạo một người hữu dụng cho xã hội cho quốc gia phải không nào.

Em biết nghề thầy giáo theo quan niệm Đông phương rất khó,Thầy trên Cha Mẹ mà, truyền đạt kiến thức chưa đủ phải có đạo đức nữa, phải có tác phong xứng đáng. Ngành Sư Phạm cũng dạy nhiều môn, ví dụ như :cách cư xử của nhà giáo, nhu cương hòa họp,
- Cho ăn khổ qua rồi uống nước đường hở thầy.
Thầy vui cười kể tiếp:
- Tư cách, tác phong phải được kính trọng, phải làm gương cho học trò không đi dạy trể, ăn mặc chỉnh tề thì được học trò lễ phép, Khi học cũng có những buổi cũng thực tập. Nếu bị học trò phá thì mình làm thế nào v.v…
- Vậy thầy làm thế nào khi bị phá?
- Lúc đó học khác, ra trường khác, làm sao phản ứng kịp các em.
- Thế lúc không kịp phản ứng thầy làm sao?
- Thì cười trừ…!!!
Hai thầy trò chúng tôi cười vui say, nhất là tôi.Tôi cố gắng lắng nghe từng lời từng câu quý báu của thầy.
- Em có biết trong phòng giáo sư trường mình có gì đặc biệt không?
- Hồi xưa em có vào phòng ấy nhưng chỉ thấy, thầy cô chưa lên lớp ngồi soạn bài hay chấm bài thôi, em đâu dám nhúc nhích, run muốn chết luôn.Thầy nói em nghe đi.
- Đấy là tấm gương soi to do thầy Đào Khánh Thọ treo nơi ấy.
- Để làm gì vậy thầy?
- Mục đích của ông Hiệu Trưởng là muốn tất cả thầy cô soi gương cho chỉnh tề trước khi lên lớp.Thầy cô phải tự soi mình khi đối diện với các em sao cho xứng đáng là một nhà mô phạm.Ngụ ý ấy thầy rất kính phục và nhớ mãi đến hôm nay.

Em còn nhớ câu “ Một Tổng Thống làm sai thì hại một quốc gia, một người thầy làm sai là hại cả một thế hệ”. Bởi vậy vì sao thầy quý mến và tôn trọng ông Hiệu Trưởng.Ông Đào Khánh Thọ là một vị thầy đáng kính của trường Tống Phước Hiệp chúng ta.
Muốn xây dựng một đất nước, con người phải được tín nhiệm, em biết không!
Thầy ơi! em rất cảm ơn thầy đã cho em biết những điều em chưa bao giờ nghe và hiểu tường tận. Một hình ảnh quá đẹp và đáng kính của một vị Hiểu Trưởng, một vị Giám Học, và Thấy là một trong những vị thầy cô có hoài bảo tạo dựng những mầm non, một nhân tài trong xã hội nói chung và cho Trường Nữ Trung Học Tống Phước Hiệp nói riêng
Tôi năn nỉ thầy viết cho Đặc San để mọi người được đọc. Để tất cả được nghe những điều cao quý và kỷ niệm tình thầy trò ngày xưa, nhưng thầy cười thật giòn …
- Thôi để học trò viết hay hơn.
- Em viết không hay nhưng em không thể im lặng phải không thầy!

( Giáo sư Lê Thượng Hiền)

Còn biết bao nhiêu thầy cô khác mà đáng tiếc tôi chưa được tâm tình.
Những thầy cô tôi đã từng học qua hay chưa bao giờ dạy tôi dưới mái trường Tống Phước Hiệp. Các vị có những tài năng và đức độ. Theo thuyết nhà Phật là một nhân duyên và trong suy nghĩ của tôi phúc cho những đưá học trò nào được gặp gỡ thầy cô đó trong cuộc đời này.
Người thầy kính mến ấy, chính là Giáo sư dạy Anh Văn và Pháp Văn Lê Thượng Hiền.
Em xin mạn phép ghi lại những mẫu đối thoại va ý nghĩ của thầy, kính gửi đến thầy Hiệu Trưởng Đào Khánh Thọ và thầy Giám Học Võ Thanh Bai, cũng như tất cả những ai chưa nghe được tâm tư tình cảm của thầy xưa

Kim Oanh
Úc Châu 2009