Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2015

Bến Đỗ


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Tiếng Đàn Xưa

(Thân kính tặng Thầy Nguyễn Bá Nguyên )


Năm học ấy tất cả học sinh lớp Đệ Tứ được miễn thi Trung học đệ nhất cấp (Tốt nghiệp PTCS), chỉ cần đủ điểm được lên lớp Đệ Tam và có quyền chọn ban. Vừa đủ điểm lên lớp, lại do ngán cảnh nhai chữ hàng đêm nên không theo khoa học xã hội, tôi vội quyết định chọn ban B (Ban Toán Lý). Khổ nỗi năm qua, tôi là học sinh kém nên rất vất vả mới theo kịp bạn cùng lớp. Còn thời khoá biểu tôi vạch ra cho mình chẳng có gì thay đổi, từ bảy đến chín giờ đêm học bài cho ngày mai, bốn giờ sáng phải nhồi bột làm bún và bánh lọt, khi thay đồ đi học, phải chở hai thúng bún ra chơ cho mẹï. Lúc ấy tôi mắc cỡ với bạn bè (nhất là bạn gái). Mình chẳng giống ai, mặc áo nhốt vạt vào quần mà chạy chiếc xe đòn dông cũ kỹ và đèo hàng như xe thồ, trong lúc bạn gái tôi đến trường đỏng đảnh trên chiếc xe gắn máy hiệu Velo Solex. Nhưng riết rồi cũng quen, bất chấp bạn bè xa lánh, tôi cứ sống trong nỗi cô đơn vì thiếu bạn.

Một buổi chiều bán ế ẩm như vài buổi chiều tôi đã gặp, mẹ mang về nhà gần mười ký bún. Hôm ấy, chúng tôi không ăn cơm. Mẹ nấu canh chua tép rong ăn với bún thay cơm. Mẹ bảo tôi mang một bọc bún đến trường cho bác Mười bảo vệ. Tôi chạy vào trường trước khi bác Mười ăn bữa cơm chiều. Khi tôi đến, thầy Nguyên đang ngồi uống trà đối ẩm vơi bác Mười. Thầy gọi tôi lại bảo:
- Em học yếu lắm, cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Bác Mười vừa nhận bọc bún vừa nói đỡ lời tôi:
- Gia đình nó nghèo khó lắm, thầy giúp đỡ cho nó.

Năm nay, thầy Nguyên làm Giáo sư hướng dẫn (GV chủ nhiệm) lớp tôi. Bác Mười bảo tôi ngồi chơi một chút rồi khuấy cho tôi một ly nước chanh. Nếm một chút nước chanh tươi, nó vừa chua vừa ngọt như cuộc đời mình. Bác Mười quay lại nói chuyện với thầy Nguyên:
- Hồi đó, bà ngoại nó mất sớm, ông ngoại nó đi lưu lạc giang hồ, má nó phải đi ở cho nhà ông giáo Thìn. Bà giáo thấy thương quá mới làm đám cưới cho má nó lấy cháu bà giáo, cha nó bây giờ đó! Má nó đâu có nhà để tổ chức đám cưới. Còn tôi cũng là dân lang bạt sống kiếp thương hồ trên sông nước. Má nó mới mượn chiếc ghe của tôi làm “nhà” đàng gái để có chỗ cho đàng trai tới rước dâu. Đám cưới đó do bà giáo làm mai mối cũng làm chủ hôn luôn. Vậy mà hai đứa nó sống với nhau đã tám chín mặt con vẫn ngọt như nồi canh bầu nấu với râu tôm. Bây giờ ba má nó học được cái nghề làm bún nên sắm khuôn, sắm cối xay, mua gạo tự làm mang ra chợ bán kiếm sống cũng tạm được. Nó là con trai cả, đỡ đần cho má nó cũng tốt. Bữa nào bán ế nó mang bún qua cho tôi ăn trừ cơm. Bỏ hư tội chết thầy ơi!...
Thầy Nguyên ngồi gật gù phụ hoạ theo bác Mười:
- Ừ! Bỏ hư tội chết…

Từ lâu nay, tôi không hề nghe ba mẹ nói chuyện mình, chỉ thấy hai người lao vào việc buôn bán kiếm tiền nuôi một bầy con ăn học. Không ngờ ba mẹ tôi gặp gỡ nhau trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt đó. Tôi lén nhìn thầy Nguyên dò xét. Thầy cứ ngồi trầm ngâm lặng lẽ. Còn tôi phải quay mặt đi nơi khác để giấu những giọt nước mắt thương cảm cho cảnh đời ba mẹ tôi phải đi qua. Không gian chung quanh chìm xuống nặng nề. Bổng thầy nói với tôi:
- Em chịu khó chạy ra phố mua cho thầy nửa lít rượu trắng và nem nướng về ăn với bún. Bác Mười có trồng mấy liếp rau sau trường em khỏi phải mua rau…


Thầy Nguyên với tay lên vách lấy cây guitar phím lõm dạo lên một khúc nam ai buồn da diết. Tôi chẳng thạo nhạc lý nhưng nghe tiếng đàn của thầy khi trầm khi bổng như bày tỏ một nỗi niềm thương cảm. Không ngờ thầy Nguyên đàn cổ nhạc hay như vậy. Bác Mười bảo:
- Cây đờn nầy nó theo tôi lang thang nữa đời trên sông nước đó thầy. Nhờ nó mình cũng đỡ buồn trong những ngày tha phương cầu thực.

Sau hôm ấy, thời khoá biểu của tôi đổi khác theo đề nghị của thầy. Từ sáu đến tám giờ tối, tôi mang tập đến nhà bác Mười ngồi học bài cho ngày mai. Thầy Nguyên từ Sài Gòn về tỉnh dạy học nên ở nội trú trong trường với bác Mười. Những ngày ấy, thầy dạy tôi cách học bài theo đề cương, cách nhớ bài theo những câu thiệu không cần ngồi nhai chữ. Vách nhà tôi bắt đầu xuất hiện chi chít những công thức toán. Không ngờ bức vách tầm thường của một lò bún trở thành nơi chứa đựng quá nhiều công trình trí tuệ của những nhà toán học. Khuya, tôi vừa nhồi bột vừa nhìn lên vách nghiền ngẫm những công thức toán.

Mỗi tuần, thầy Nguyên có hai buổi tối đi dạy luyện thi Tú Tài cho các anh chị lớp Đệ Nhị A (Ban sinh vật), thầy bảo tôi theo học dự thính không cần đóng học phí. Ban đầu, tôi sợ mình không theo nổi lớp trên nên rất e dè. Nhưng khi thầy giảng có chút pha trò, tôi hoàn toàn nắm được bài. Những ngày học ở lớp luyện thi, thầy chẳng hề kiểm tra hoặc thăm hỏi gì , chỉ bỏ mặc tôi ngồi lặng lẽ ở cuối lớp giống như một người cha dẫn con theo khi ở nhà không ai chăm sóc. Tôi nghe trong tôi bừng lên tình thầy hoà với tình cha vô cùng hạnh phúc. Nhưng có một niềm hạnh phúc tôi không thể quên trong suốt cuộc đời mình.

Đêm ấy, thầy dạy đến bài Tam Thức bậc hai. Sau khi giảng bài xong, thầy cho thử một bài kiểm tra tại lớp và yêu cầu tất cả xét dấu phân tách một Tam thức bậc hai có tham số m trong một thời gian giới hạn. Mặc dù tôi không bị kiểm tra nhưng vẫn làm thử khả năng mình. Hết giờ, tôi và cả lớp chưa làm xong, chưa kể một số anh chị còn ngồi cắn bút trước trang giấy trắng. Thầy nói với cả lớp:
- Bài nầy trình độ một học sinh lớp Đệ Tam có thể giải được. Tôi tin mình chứng minh được điều vừa nói.

Vừa dứt lời, thầy vẫy gọi tôi lên bảng. Trước quyết định quá đột ngột của thầy, trống ngực tôi đập liên hồi. Vừa mừng vì được tín nhiệm, vừa lo sợ làm mất uy tín của thầy, tôi ngập ngừng đứng lên theo lời động viên của thầy:
- Khỏi lấy tập, thầy tin em giải được bài nầy.

Câu nói ấy như ra lệnh tôi phải bình tĩnh giải quyết bài toán thật chính xác để không phụ lòng thầy dạy dỗ lâu nay. Tôi tự tin hơn và thong thả bước lên bảng giải hết bài toán. Lúc ấy, thầy đứng sau lưng tôi quan sát thỉnh thoảng gật đầu. Mọi hành động của thầy bây giờ trở thành niềm động viên an ủi tôi rất lớn. Cuối cùng, thầy quay lại nói cùng cả lớp:
- Bài giải nầy hoàn toàn chính xác và mạch lạc. Chỉ có trình bày chưa đẹp vì thiếu thước kẻ bảng xét dấu. Các em có thể chép về tham khảo.

Tôi thở phào sung sướng vì chứng minh được lời nói của thầy trước lớp.

Năm học ấy, dù vượt qua được hoàn cảnh và đứng đầu lớp học, tôi vẫn ôm tập đến nhà bác Mười mỗi tối như thời khoá biểu thầy đã vạch. Những buổi tối cuối năm học, tiếng đàn vọng cổ của thầy vang ra đón tôi bằng điệu Xuân tình rộn rả.

Mãi đến mấy năm sau tôi lên học ở Sài Gòn. Nghe nói thầy Nguyên trước đây có dạy ở trường Hoàng Nguyên, tôi đến đó tìm thầy. Hỏi mãi, chẳng ai biết thầy đang sống nơi nào. Tôi đứng thẩn thờ trong con hẻm nhỏ gần trường, radio nhà ai vọng lại tiếng guitar độc tấu bài Dạ cổ hoài lang nghe buồn da diết.

Ngọc Hiệp 
Vĩnh Long

Ô Y Hạng 烏衣巷 - Lưu Tích Vũ

Một thời danh vọng, nhưng rồi cũng chẳng mãi cùng năm tháng.
Ô Y Hạng là con đường nhỏ ở phía nam sông Tần Hoài thuộc thành phố Nam Kinh. Con đường này vốn chẳng tên tuổi gì, nhưng kể từ khi có bài thơ của Lưu Tích Vũ, con đường nhỏ trở nên nổi tiếng. Từ đó, người đời sau có các cách giải thích khác nhau về ý nghĩa, xuất xứ tên gọi Ô Y Hạng:

- Theo sách "Trung Quốc Lịch Đại Danh Thi Phân Loại Đại Điển" do Hồ Quang Chu và Chu Mãn Giang chủ biên đã viết như sau: Con đường nhỏ phía Nam sông Tần Hoài, thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô. Thời Tam Quốc, là nơi Đông Ngô từng lập doanh trại quân đội tại đấy, binh sĩ đều mặc áo đen nên gọi ngõ hẻm đó mới có tên là Ô Y Hạng. 

- Cũng theo cách giải thích của người Tàu, có truyền thuyết rằng: vào thời Tấn, đây là nơi ở của hai danh gia vọng tộc Vượng Đạo, Tạ An. Con cháu những nhà này thường mặc áo đen, từ đó có tên gọi ngõ Ô Y.

- Theo Hán Việt Tự Điển của Đào Duy Anh (trang 88), Ô Y là tên gọi riêng của Chim Én . Nếu ta đối chiếu với ý nghĩa trong bài thơ của Lưu Tích Vũ thì quả thật vẫn không sai.

(tham khảo: Bài viết của An Chi và "Hán Việt Tự Điển" Đào Duy Anh)

Người Tàu có hai cách giải thích, trong khi đó theo giải nghĩa của Đào Duy Anh cũng hợp lý.

Như vậy Ô Y Hạng ( 烏衣巷 ) có hai nghĩa: Hẻm Áo Đen và Hẻm Chim Én.

Và Ô Y (烏衣) cũng sẽ có hai nghĩa là Áo Đen; Chim Én 


Bản Hán Tự Phiên Âm Hán Việt

烏衣巷                         Ô Y Hạng

朱雀橋邊野草花        Chu Tước kiều biên dã thảo hoa 

烏衣巷口夕陽斜       Ô Y hạng khẩu tịch dương tà. 

舊時王謝堂前燕       Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến 

飛入尋常百姓家      Phi nhập tầm thường bách tính gia.
               劉禹錫                                          Lưu Tích Vũ

Dịch Nghĩa Nôm: Ngõ Hẻm Ô Y

Bên cầu Chu Tước đầy những hoa cỏ hoang dại 
Nơi hẻm Ô Y trời đã về chiều
Thuở trước, chim én thường xuất hiện trước nhà Vương Đạo, Tạ An
Nay bay vào những nhà bình thường của trăm họ.

Dịch Thơ:

Hẻm Ô Y

1/
Chu Tước cầu cỏ hoa bít lối 
Hẻm Ô Y bóng tối dần lan 
Lầu Vương Tạ én từng đàn 
Giờ tìm đến chốn dân gian tầm thường

2/
Chu Tước bên cầu hoa cỏ hoang
Ô Y ngõ hẻm ánh chiều vàng
Một thời én lượn lầu Vương Tạ
Nay dẫu nhà thường cũng phải sang.

Quên Đi

***
Đỗ Chiêu Đức tham gia với các phần sau đây :


1.Nguyên bản chữ Hán của bài thơ:

烏衣巷                      Ô Y Hạng 

朱雀橋邊野草花, Chu tước kiều biên dã thảo hoa,
烏衣巷口夕陽斜。 Ô y hạng khẩu tịch dương tà.
舊時王謝堂前燕, Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến,
飛入尋常百姓家。 Phi nhập tầm thường bách tính gia.

                 劉禹錫                                      Lưu Vũ Tích
2.Chú Thích:

Ô Y HẠNG 烏衣巷 : Ô là Màu đen, Y là Áo, Hạng là Con Hẻm. Ô Y Hạng là Con hẻm áo đen. Có tích như sau :
Ô Y Hạng là một con hẽm của TP Nam Kinh nằm ở phía nam của sông Tần Hoài, con hẽm nầy có từ đời Tam Quốc, thuộc nước Đông Ngô, nơi độì Cấm quân Áo Đen trú đóng mà thành tên. ( Một điều thú vị mà văn nhân thi sĩ không biết tới, đội Cấm quân Áo Đen chính là đội Thuỷ quân Người Nhái được huấn luyện bên bờ sông Tần Hoài và Trường Giang chuyên đục lủng thuyền của quân địch. Chiếu theo ngũ hành, Thuỷ thuộc màu Đen, nên đội Người Nhái nầy toàn mặc quân phục màu đen là vì thế !).
Sau, vào đời Đông Tấn, là nơi ở của 2 danh gia vọng tộc Vương Đạo và Tạ An. Gia nhân, ngưòi ăn kẻ ở của 2 nhà nầy đều mặc đồ đen, ra vào nườm nượp trong con hẻm nầy, nên Ô Y Hạng càng nổi tiếng " Ô Y " hơn. Con em của 2 nhà nầy được gọi là " Ô Y Lang ", có nghĩa là : Các Chàng của hẽm Áo Đen ( Ý chỉ là con em của hẽm nhà giàu, chớ chưa chắc là họ thích mặc màu đen đâu !). Nhưng đến đời Đường thì Ô Y Hạng bị bỏ phế, và cho đến hiện nay, thì ....Ô Y Hạng là khu tập trung sản xuất công nghệ phẩm của dân gian.
CHU TƯỚC KIỀU 朱雀橋 : CHU là Màu đỏ, TƯỚC là Chim sẻ, KIỀU là Cầu. CHU TƯỚC KIỀU là Cây cầu bắt ngang sông Tần Hoài qua Thành phố Nam Kinh đưa đến Ô Y Hạng, giữa cầu có lầu canh được trang trí bằng 2 con chim sẻ bằng đồng là kiến trúc của Tạ An xây nên.
DÃ THẢO HOA : DÃ 野 là Hoang dã. DÃ THẢO HOA là Hoa cỏ mọc một cách hoang dã, không được trồng trot, chăm sóc.
3. Nghĩa Bài Thơ:

Bên cầu Chu Tước ( lẽ ra rất phồn vinh tấp nập người qua kẻ lại, thì nay...) cỏ hoang hoa dại phủ đầy, và ở đầu con hẽm Ô Y ( không còn nườm nượp gia nhân ra vào như xưa, mà nay ...) chỉ thấy nắng chiều nghiêng nghiêng buồn bã. Những con én ngày xưa chít chiu ríu rít trên rường nhà cuả Vương Đạo và Tạ An, nay đã bay hết ra nhà của bá tánh thường dân rồi !
Chim én là biểu tượng của mùa xuân, của ấm êm hạnh phúc. Theo tập tính thì chim én chỉ làm tổ trên những rường nhà có người ở, còn nhà bỏ hoang thì chim én cũng... bay luôn !
Lưu Vũ Tích đã khéo dùng hình ảnh hoang dại cuả cỏ hoa, cái nghiêng nghiêng sắp tắt của nắng chiều, và sự vắng lặng trơ vơ không một bóng chim lai vãng để gợi nên sự tiêu điều hoang phế của các danh gia vọng tộc đã từng vang bóng một thời, nay thì ..." thời oanh liệt nay còn đău !!!"
Qủa là một bài thơ hoài cổ não lòng, làm ta chợt nhớ đến 4 câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan:

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương! 
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương!!!

4. Dịch Thơ:
Hẻm Ô 
1/ 
Bên cầu Chu Tước cỏ hoa hoang,
Trước hẻm Ô Y ánh nắng tàn.
Chim én trên rường Vương Tạ trước,
Nay đà bay đến với dân gian!

2/ 
Cỏ hoang hoa dại bên cầu,
Chiều nghiêng nắng xế thêm sầu Ô Y.
Én xưa cũng hết rù rì,
Bỏ nhà Vương Tạ bay đi dân thường!

Đỗ Chiêu Đức
***
Các Bài Dịch Thơ:
Hẻm Ô Y

Cỏ hoa ngập lối cầu Chu Tước
Trước ngỏ Ô Y nắng sắp tàn
Vương Tạ lầu cao thời én lượn
Chim đàn sang ở chốn dân gian

Kim Phượng
***
Hẻm Ô Y

Cầu Chu Tước cỏ dại hoa hoang
Hẻm vắng Ô Y bóng xế tàn.
Soái phủ Tạ, Vương chim én tựu,
Nay bay hòa nhập cửa dân làng.

Mai Xuân Thanh
Ngày 17 tháng 11 năm 2015
***
Hẻm Ô Y

Chu Tước - cạnh cầu ngập cỏ hoang
Ô Y - trước hẻm nắng phai tàn
Nhạn xưa ríu rít nhà VươngTạ
Rã đám bay vào chốn thế gian

Phương Hà

Cổ Tích


Ừ ! Có lẽ ...
Em nên là cổ tích
Để lòng ta ôm ấp trọn niềm mơ
Bốn mùa qua luôn gối mộng mong chờ
Ngày nắng mới vần thơ hoa mỹ dệt

Ừ ! Cứ thế ...
Ta trải lòng tha thiết
Đợi ngày vui đón tiếp ánh xuân sang
Lá hoa tươi vươn khí sắc rộn ràng
Như lòng mẹ thơm ngon từng giọt sữa

Ừ ! Vẫn thế ...
Ta chắc lòng để hứa
Buổi hạ về nắng táp những màu hoa
Tiếng ve kêu nhắc nhở nỗi buồn xa
Dìm ký ức chuỗi ngày đau xót ấy.

Ừ ! Dẫu thế ...
Ta sẵn lòng nếm trải
Buổi sang mùa lay chuyển ngọn thu phong
Giọt mưa ngâu canh cánh nỗi hoài mong
Cơn bão nổi ngầm mang mầm xanh mới.

Ừ ! Cứ mặc...
Ta bền lòng chờ đợi
Đông răn đe không khuất phục con người
Gió bạo cuồng tan tác lá vàng rơi
Bón phân đất cây đời thêm sức sống!

Nguyễn Đắc Thắng
20151103

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

Giáo Già Nhớ Trường Xưa

Trường tôi tỉnh lẻ đơn sơ
Nghèo nàn heo hút trơ vơ giữa đồng
Cổng truờng ọp ẹp gỗ thông

Truớc sân ao nhỏ, cong cong lối mòn
Phiá sau đồng ruộng hãy còn
Tình quê lai láng ôm tròn trường tôi
Mùa mưa nước nổi ôi thôi
Cả trường ngập nước thuyền trôi ra vào
Biết bao đàn cá vẫy chào
Tung tăng trong lớp phóng vào lội ra
Rồi thì mùa nước cũng qua,
Nhường cho mùa lúa,bao la cánh đồng
Mạ non gợn sóng bềnh bồng
Hương thơm lúa mới thoảng nồng bay xa
Không lâu lại đến Tết ta
Tiệc xuân cung chúc đàn ca khắp trường
Nào hay tình cũng vô thường
Mới vui xuân đó lên đường tùng chinh
Ngôi trường vẫn đứng lặng thinh
Chẳng hề xúc động như khinh tình người
Hè về cái nắng nung người
Thầy trò về hết tiếng cười bặt tăm
Hành lang heo hút xa-xăm
Những hàng cột đứng âm thầm đợi ai
Tư bề vắng lặng nào hay
Lâu lâu cơn gió tung bay lá cờ
Nào đâu những lúc tan giờ
Thướt tha áo trắng phất phơ gió chiều
Bồi hồi truớc cảnh tiêu điều
Xa xa vẳng lại sáo diều cuối thôn

Nắng chiều thoi thóp hoàng hôn
Cảnh trường hư ảo ru hồn trong ta
Thời gian nào có phôi pha
Sắt se nỗi nhớ mình ta ôm sầu

NHL ( Mailoc )
(Tặng các thầy cô và các học sinh
thân mến của ngôi truờng Kiến Phong những năm truớc 1975)

Ngày Nhà Giáo Nhớ Trường Xưa


Hai Mươi tháng Mười Một về
Mừng Ngày Nhà Giáo tràn trề niềm vui
Tay cầm thương bó hoa tươi
Học trò kính tặng trao lời biết ơn

Nhớ về trường cũ bồn chồn
Thương lời chim hót sân trường líu lo
Thương màu áo trắng học trò
Trắng trong ánh mắt ngây thơ nụ cười

Nhớ bục giảng nhớ chỗ ngồi
Nhớ đường phấn trắng nhớ lời giảng xanh
Nhớ trò ánh mắt long lanh
Những dòng mực tím dỗ dành tập trang

Nhớ bàn tay viết nhẹ nhàng
Tiếng cười dưới lớp ghế bàn xôn xao
Nhớ lời thưa thốt ngọt ngào
Thưa thầy quí mến em chào kính thương

Nhớ ngay cả lúc ngồi buồn
Rầy trò nghịch phá sầu tuôn trong lòng
Mong trò học giỏi, rất mong
Mai sau thành đạt cha trông mẹ chờ

Nhớ khai trường sáng mùa thu
Bao tà áo trắng lượn lờ gió mây
Tóc dài cột tuổi thơ ngây
Giấu trong ngăn cặp tháng ngày mến yêu

Nhớ giờ chơi tiếng đùa reo
Chiếc cầu lông lượn bay vèo nắng qua
Thương sao ánh mắt thật thà
Tiếng cười dòn dã trổ hoa thắm hồng...

Xa trường gửi nhớ chia mong
Ngày Nhà Giáo đến bềnh bồng thưở xưa
Xanh lên làn gió đong đưa
Tóc lòa xòa bạc như vừa xanh ra

( 20 tháng 11. 2015 )
Trầm Vân

Kỷ Niệm Ngày Nhớ Ơn Thầy Cô 20 Tháng 11

Tinh thần Tôn Sư Trọng Đạo của những Người Học Trò Kỹ Thuật Vĩnh Long năm xưa, vẫn được gìn giữ...

Vĩnh Long Kỹ Thuật trường xưa
Bao năm xa cách vẫn chưa nhạt nhòa
     (Cô Lê Thị Kim Phượng)

 Trình Bày: Nguyễn Phước Hiền
(Cựu Học Sinh Trường Kỹ Thuật Vĩnh Long - NK 1966-1971)
                

Lời Thầy Còn Vọng




Tưởng nhớ công ơn chẳng kể ngày
Ngàn xưa tỏa rạng đức còn đây
Mỗi lời mỗi chữ trao niềm đạo
Tâm niệm con ơi nhớ nghĩa thầy
Dù có ngày nay đời mạt kiếp
Trở về học lại thảo cùng ngay
Thầy ơi xa vắng càng thương nhớ
Tiếng giảng đạo đời vọng tới nay

Chân Diện Mục


Dấu Hằn



Hôm nay là Tết Thầy
Chả biết buồn hay vui
Mười mấy năm đèn sách
Đã là bụi phấn bay

Suốt quãng đời xuân trẻ
Kinh sử vẫn miệt mài
Hy vọng một ngày mai
Góp đời thêm chút sức
Trước mắt như bài thơ
Ngày ra trường hăm hở
Những học trò hiền ngoan
Ông giáo trẻ mơ màng...

Đây quận lỵ xa xôi
Tương lai dần mở lối
Chợt thấy lòng e ngại
Nhịp tim đến liên hồi
Trước ngôi trường xinh xắn
Thơ mộng dòng Chắc Băng
Đây vùng trời yêu dấu
Cuộc sống mới bắt đầu...

Sông Trẹm vẫn yên lành
Mây trời vẫn trong xanh
Nhưng cuộc đời thay đổi
Bởi thế sự giựt giành
Trong một ngày cô quạnh
Mây xám phủ bóng chiều
Lòng hoang vắng đìu hiu
Đành rời trường rời lớp
Rời học trò thân yêu
Nào phải kẻ bất tài
Sao trở nên thừa thải
Bị gạt bỏ bên lề...

Mấy mươi năm lặng lẽ
Với kiếp người ngoại cuộc
Mỗi khi nhìn bọn trẻ
Xôn xao ngày lễ Thầy
Như nghe gì nhoi nhói
Từ sâu thẳm tâm hồn...

Quên Đi

Chiếc Gương Soi


Niên học 1973 thầy phụ trách môn Anh văn sinh ngữ II, thầy chẳng những dạy chữ, thầy cũng chú trọng về nhân cách của con người, thầy chứng tỏ cho học sinh hiểu về cái đẹp của Tây và truyền đạt cho cái Ta thêm cao quý nhất là thiếu nữ Việt Nam.

Huỳnh Hoa là cô bạn học cùng lớp, Hoa đẹp từ gương mặt, mái tóc, dáng người duy mỗi một cái tật luôn bỏ đôi guốc sang một bên để chân trần, bị giấu guốc hòai vẫn không chừa, nhỏ lại ngồi bàn nhất nữa kia.
Giờ học nào thầy cũng nhắc:
- Em mang guốc vào, trông không đẹp
- Đi chân cho mát mà thầy.
Thầy nói rất nhiều lần vẫn chứng nào tật nấy. Một lần thầy triệt để bảo:
- Nếu em không nghe lời, thầy mời em xuống bàn dưới ngồi.
Nhỏ vẫn cứng đầu lờ đi. Một hôm thầy nói rỏ hơn, một cách tế nhị.
- Đối với Tây Phương, khi người phụ nữ đi biển họ mặc đồ tắm, đi chân trần không có gì là lạ. Nhưng khi dự một buổi dạ tiệc, họ ăn mặc chỉnh tề ,và bàn chân cũng là một phần của thân thể, phải được trân trọng. Đấy là nét quý phái, theo thầy nét đẹp kín đáo này đối với bất cứ người phụ nữ nào dù Tây hay Ta.
Thế là Huỳnh Hoa mỉm cười nói riu ríu nhưng cũng đủ cho cã thầy và bạn bè nghe:
- Em xin lỗi thầy, và đôi chân nhanh chóng tìm đôi guốc mang vào.
Tiếc là thầy chỉ dạy chúng tôi một học kỳ . Tuy nhiên chúng tôi được học hỏi bao điều bổ ích. Sau này sống ở nước ngoài tôi mới hiểu nhiều hơn những gì thầy dạy bảo, và cảm nhận ở thầy một sự kính mến sâu xa.
Một vùng trời xa xôi khác, khi tôi hay tin thầy định cư tại Paris,thầy trò liên lạc và cũng không quên “nhờ ngày xưa phá phách chăng!?” Đúng thế! Biết vậy hồi xưa chúng tôi phá hết thầy cô hay xiết bao!!!
Sau khi tôi trình“sơ yếu lý lịch” rõ ràng, thầy hỏi tôi
- Có phải em là cô học trò có cái răng khểnh, chuyên môn ngồi bàn nhất, và là học trò ngoan nhất trong đám luôn cúi đầu chào thầy không?
- Trời ơi, thầy nhớ hay thật. Mà thầy biết lý do vì sao có mình em chào thầy không?
- Tại sao, em kể xem.
- Tại vì hồi xưa bọn của em, tụi nó ra luật mổi khi gặp thầy cấm cúi đầu chào, mà phải nhìn thẳng vào mắt thầy cho “ ổng đỏ mặt và run chơi”. Đứa nào phá lệ sẽ bị thua một chầu cà rem, riêng em vừa sợ bị phá luật của nhóm lại vừa sợ thầy “ đì trả bài” em đành lùi lại phía sau và cúi đầu chào thầy .
- À thì ra thế, thầy cười ha.. hả…
- Thầy ơi, phải chi hồi xưa thầy đừng nghiêm khắc, cho chúng em trò chuyện tâm sự như hôm nay, thì thầy trò hiểu nhau và vui biết mấy hở thầy?
- Trời…trời …nghiêm khắc như vậy mà bọn thầy còn muốn nín thở.Tại mấy em không biết mới ra trường tuổi tác đâu lớn hơn các em bao nhiêu. Không nghiêm làm sao khiến được các em.
- Hồi xưa ấy mổi lần bị chọc phá, mặt thầy đỏ bừng, chắc thầy giận chúng em lắm?
- Em lầm rồi, thầy đâu có giận, mà thầy đang.. run đó thôi. Cố gắng trang nghiêm để không bị phá nữa.Làm thầy cô không dể đâu em.
Tôi cười thích thú :
- Trời... trời vậy là thầy cũng run như chúng em?
- Thầy có thể cho em biết vì sao thầy về dạy trường nữ Tống Phước Hiệp không? Thầy gan ghê!.
- Thầy biết không dể gì khi về dạy trường nữ, nhưng vì lý tưởng của nhà giáo.
- Khi thầy ra trường, đi chọn nhiệm sở, ba tỉnh thầy đến là Long An , Mỹ Tho và Vĩnh Long. Tuy Vĩnh Long xa nhà nhưng thầy quyết định chọn vì nhiều lý do.


Khi đi xem các nơi, quan tâm tiên là nơi ăn chốn ở, nhưng khi đến Long An và Mỹ Tho thầy hỏ,i thì các ông Hiệu trưởng nơi ấy không ai quan tâm, xem như việc mình phải tự mình lo . Khi thầy đến Vĩnh Long, vừa đề cập việc nơi ăn chốn ở, thầy Hiệu Trưởng Đào Khánh Thọ và thầy Giám Học Võ Thanh Bai rất ân cần đã cho thầy yên tâm, hai vị bảo sẽ giới thiệu nhà trọ và nơi ăn cơm tháng cho thầy. “An cư thì lạc nghiệp” mà em.

Nhưng điểm chính yếu mà thầy quyết định do lần diện kiến đầu tiên với Thầy Đào Khánh Thọ và Thầy Võ Thanh Bai, hai thầy rất vui vẽ, nhiệt tình tiếp đón,Về mặt cải tổ thầy rất thích vì lòng nhiệt quyết thiết tha của ban điều hành cho thế hệ trẻ, thầy chọn con đuờng này cũng vì lý tưởng như nhau.
Hôm nay tôi rầt vui khám phá được những suy tư và cũng không khỏi cảm động khi nghe những hoài bảo của những bậc thầy dâng trái tim mình cho thế hệ đi sau.Thầy tiếp;
- Hiệu trưởng Đào Khánh Thọ và Thầy Võ Thanh Bai rất vui vẽ, hòa nhã cho thầy một ấn tượng sâu sắc.
- Trường Tống Phước Hiệp uy nghi cổ kính, phong cảnh đẹp, phòng ốc khang trang. Học trò lễ phép, nhu mì.
Sau này thầy nhận xét thêm,Vĩnh Long là tỉnh lỵ hiền hòa, sông nước êm đềm, dân Vĩnh Long đầy tình người, phong cảnh nên thơ.
- Uí chà, thầy có lầm không thầy? Chúng em nhu mì sao?
- Tuỳ em, cũng không lầm đâu, ngổ ngáo nhưng ngoan, học giỏi.
- Em có biết sinh viên Sàigòn sắp ra trường, ai cũng sợ khi nghe tên ông Đào Khánh Thọ?
- Sao lại sợ hở thầy?
- Sợ vì Ông nổi tiếng nghiêm khắc và kỷ luật.
- Vậy thầy không sợ sao?
- Thầy là dân Tabert đã được đào luyện trong khuông khổ để trở thành một người học sinh gương mẫu trong tương lai.Chính vì thế mà thầy quyết định chọn dạy trường Tống Phước Hiệp. Có nghiêm khắc có kỷ luật mới đào tạo một người hữu dụng cho xã hội cho quốc gia phải không nào.

Em biết nghề thầy giáo theo quan niệm Đông phương rất khó,Thầy trên Cha Mẹ mà, truyền đạt kiến thức chưa đủ phải có đạo đức nữa, phải có tác phong xứng đáng. Ngành Sư Phạm cũng dạy nhiều môn, ví dụ như :cách cư xử của nhà giáo, nhu cương hòa họp,
- Cho ăn khổ qua rồi uống nước đường hở thầy.
Thầy vui cười kể tiếp:
- Tư cách, tác phong phải được kính trọng, phải làm gương cho học trò không đi dạy trể, ăn mặc chỉnh tề thì được học trò lễ phép, Khi học cũng có những buổi cũng thực tập. Nếu bị học trò phá thì mình làm thế nào v.v…
- Vậy thầy làm thế nào khi bị phá?
- Lúc đó học khác, ra trường khác, làm sao phản ứng kịp các em.
- Thế lúc không kịp phản ứng thầy làm sao?
- Thì cười trừ…!!!
Hai thầy trò chúng tôi cười vui say, nhất là tôi.Tôi cố gắng lắng nghe từng lời từng câu quý báu của thầy.
- Em có biết trong phòng giáo sư trường mình có gì đặc biệt không?
- Hồi xưa em có vào phòng ấy nhưng chỉ thấy, thầy cô chưa lên lớp ngồi soạn bài hay chấm bài thôi, em đâu dám nhúc nhích, run muốn chết luôn.Thầy nói em nghe đi.
- Đấy là tấm gương soi to do thầy Đào Khánh Thọ treo nơi ấy.
- Để làm gì vậy thầy?
- Mục đích của ông Hiệu Trưởng là muốn tất cả thầy cô soi gương cho chỉnh tề trước khi lên lớp.Thầy cô phải tự soi mình khi đối diện với các em sao cho xứng đáng là một nhà mô phạm.Ngụ ý ấy thầy rất kính phục và nhớ mãi đến hôm nay.

Em còn nhớ câu “ Một Tổng Thống làm sai thì hại một quốc gia, một người thầy làm sai là hại cả một thế hệ”. Bởi vậy vì sao thầy quý mến và tôn trọng ông Hiệu Trưởng.Ông Đào Khánh Thọ là một vị thầy đáng kính của trường Tống Phước Hiệp chúng ta.
Muốn xây dựng một đất nước, con người phải được tín nhiệm, em biết không!
Thầy ơi! em rất cảm ơn thầy đã cho em biết những điều em chưa bao giờ nghe và hiểu tường tận. Một hình ảnh quá đẹp và đáng kính của một vị Hiểu Trưởng, một vị Giám Học, và Thấy là một trong những vị thầy cô có hoài bảo tạo dựng những mầm non, một nhân tài trong xã hội nói chung và cho Trường Nữ Trung Học Tống Phước Hiệp nói riêng
Tôi năn nỉ thầy viết cho Đặc San để mọi người được đọc. Để tất cả được nghe những điều cao quý và kỷ niệm tình thầy trò ngày xưa, nhưng thầy cười thật giòn …
- Thôi để học trò viết hay hơn.
- Em viết không hay nhưng em không thể im lặng phải không thầy!

( Giáo sư Lê Thượng Hiền)

Còn biết bao nhiêu thầy cô khác mà đáng tiếc tôi chưa được tâm tình.
Những thầy cô tôi đã từng học qua hay chưa bao giờ dạy tôi dưới mái trường Tống Phước Hiệp. Các vị có những tài năng và đức độ. Theo thuyết nhà Phật là một nhân duyên và trong suy nghĩ của tôi phúc cho những đưá học trò nào được gặp gỡ thầy cô đó trong cuộc đời này.
Người thầy kính mến ấy, chính là Giáo sư dạy Anh Văn và Pháp Văn Lê Thượng Hiền.
Em xin mạn phép ghi lại những mẫu đối thoại va ý nghĩ của thầy, kính gửi đến thầy Hiệu Trưởng Đào Khánh Thọ và thầy Giám Học Võ Thanh Bai, cũng như tất cả những ai chưa nghe được tâm tư tình cảm của thầy xưa

Kim Oanh
Úc Châu 2009

Ơn Thầy Nhân Ngày Nhà Giáo Việt Nam



Mới đó mà nay lại nhớ Thầy,
Tôn Sư Trọng đạo chữ xưa nay.
Trước tiên học Lễ rèn tâm tánh,
Sau sẽ trau dồi toán hóa hay.

Chữ nghĩa từng câu ai dạy bảo?
Văn chương sử địa học đêm ngày
Tôn ti trật tự là chân lý,
Bình đẵng vợ chồng giáo dục hay.


Mai Xuân Thanh
Ngày 20 tháng 11 năm 2015

Thăm Thầy


Thăm Thầy

Am mây một tối ghé thămThầy 
Mờ mịt lưng đồi khói trắng vây
Chuông mõ ngân nga hồn
lắng đọng,Sóng lòng xao xuyến phútvơi đầy

Giường thiền sư cụ đà an giấc 
Tràng kỉ khách trần cứ trở xoay 
U tịch tư bề ngoài tiếng suối 
Qua song len lén mảnh trăng gầy 

Trăng gầy lặng lẽ ngả về tây ,
Chuông sớm công phu tỉnh mộng nầy 
Sương giá trắng ngần xoa mặt đất 
Vầng hồng le lói vén màn mây 
Lây quây chú tiểu trà cùng bánh 
Thoang thoảng trầm hương khách với Thầy 
Xuống núi còn vương đêm thú vị 
Mai rừng  trên áo xác hoa rây 
               
Mailoc       
Cali  11-18-15
***


Họa Nương Vận:Thất Lễ

Cơ hội nào đây đuợc ghé thấy?
Đường xa vạn dặm cách trùng vây
Thu tàn trăng lẻ sương rơi ngập
Đông lạnh cây trơ tuyết đổ đầy
Do đó cụ đồ xin miễn chấp
Bởi chưng kẻ hạ chẳng sao xoay
Đàng dùng dăm vận nương thơ họa
Chúc khỏe ngài nhe ,dẫu sức gầy

Sức gầy nhưng sống ở trời tây
Chẳng dễ à nha thời buồi nầy
Sảng khoái sáng ra đi dạo phố
An bình chiều lại hướng trông mây
Một ly rượu chát vui bên mợ
Một tách trà thơm để cạnh thầy
Thi vị xiết bao tình chấp cánh
Áo xưa xóa sạch phấn không rây.

Thái Huy
11-19-15
***
Kính Thầy,        
Thầy nhớ Thầy Chùa, còn em, em nhớ Thầy học và nghề dạy học của mình
Thầy ơi, Mong Thầy thông cảm!

Họa Vận: Nhớ Thầy

Hai mươi mười một ghé thăm thầy,               
Lũ bạn ai ngờ đã bủa vây.               
Sư đệ xưa nay luôn giữ đúng,               
Thầy trò tình nghĩathật đong đầy.               
Một ngày cũng đạo tôn sư kính,              
 Suốt kiếp không quên mặc thế xoay.               
Trọng đạo tôn sư nên nhớ lấy,               
Kẻ nào phụ bạc phước hao gầy!  
                          
Tháng ngày lặng lẽ tựa trời tây,               
 Thoáng chốc gìa nua đến nổi nầy.               
Thầy đã ra người thiên cổ sớm,               
Trò đà đổi tóc trắng như mây.               
Trò trông thầy cũ thêm hồi tưởng,              
 Thầy thấy trò xưa chợt nhớ thầy.               
Ngày ấy thao thao trên bục giảng,               
Đầu đà bạc bởi phấn bay rây!   
                                                 
Đỗ Chiêu Đức                                  
Ngày Nhà Giáo 20-11-15
***
Tâm Sự

Tập tánh không không giữ đạo Thầy
Bốn phương chướng ngại bũa vòng vây
Công phu tự biết còn non kém
Phước huệ hằng thu chửa đủ đầy
Lục tặc thừa cơ thường phá khuấy
Tam bành được dịp mãi vần xoay
Vô vô minh tận nghe thì dễ
Bát Nhã thuyến nan chỉ mới gầy


Mới gầy nên tuổi sắp về tây
Vẫn nặng lòng nơi cõi tạm nầy
Oan trái bao đời chưa xóa sổ
Thiên Đàn nửa bước khó lên mây
Ưu tư héo hắt mòn năm tháng
Học cách bình an chỗ bạn thầy
Lạc lõng trong phù hoa cám dỗ
Ráng gìn cho khỏi trật đường rây.


Cao Linh Tử
21.11.2015
***
Tự Sự

Sao vẫn còn mơ khoát áo thầy
Nhớ thời bọn trẻ đứng quanh vây
"Thầy ơi" tiếng gọi nghe êm ái
"Nghiệp giáo" rời xa vận đổi xoay
Phấn trắng bảng đen chưa vẹn chữ
Nghề thanh đời bạc nghĩa chưa đầy
Hoàng hôn dần đến còn chi nữa
Tâm trí tàn phai với dáng gầy

Dáng gầy ấp ủ nỗi riêng tây
Thao thức bao đêm kỷ niệm nầy
Cửa Khổng đã rồi khoa bút mực
Sân Trình đâu nữa hội rồng mây
Ngôi trường thuở trước in tâm trí
Bục giảng năm nao bặt bóng thầy
Cuộc sống êm đềm sao vội tắt
Trăng tàn chênh chếch đẫm sương rây


Quên Đi
***
Tôn Sư Trọng Đạo

Một người ngoan Đạo thọ ơn Thầy,
Buông thả có ngày cám dỗ vây...
"Có Chí Thì Nên " lòng tự trọng,
Tham lam thâm thủng hám không đầy!
An nhiên tự tại tâm hoan hỉ,
Nóng nảy sân si chuyển động xoay.
Sắc đẹp vô thường đâu giữ mãi,
Trần gian hổn độn cũng hao gầy!

Hao gầy xế bóng ngã non tây,
Độ lượng khoan dung cũng chốn này.
Trả nợ tình xa còn lận đận,
Kim hoàn chủ cũ ngắm trời mây...
Đêm nằm tỉnh giấc hay mình sống,
Sáng dậy nhanh chân vội lễ Thầy...
Hiếu hạnh làm gương cho lũ trẻ,
Sương rơi xuống lá giọt như rây...


Mai Xuân Thanh
Ngày 20 tháng 11 năm 2015


Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

Khi Ta Về - Thơ Lâm Hảo Khôi - Hương Chiều Diễn Ngâm



Thơ: Lâm Hảo Khôi 
Diễn Ngâm: Hương Chiều  

Đi Giữa Phố Xưa


Rồi ngày vui nào cũng sẽ tàn
và mình vẫn chẳng gặp được nhau
Em đi rồi....
bỏ lại đây tháng ngày buồn bối rối

Từng chiếc lá úa vàng
giữa mùa thu hấp hối
Trong lạnh lùng
tim cảm nhận niềm đau
Và này em !!!
Hạnh phúc đến từ đâu
Có phải hạnh phúc chính là điều ta còn nhớ

Những buổi chiều cuối tuần
mình cùng nhau trên phố
Con đường về
tràn ngập lá me xưa
Chút nắng mùa thu theo cơn gió đong đưa
Hoà tiếng cười em
loang loang theo bóng nắng

Dù có thể bây giờ
điếu thuốc buồn thật đắng
Nhưng cũng có lần
hương thuốc ngọt môi em....

Mọi chuyện .....
rồi sẽ qua như giấc ngủ dịu êm
Đi giữa phố xưa ...
để thấy yêu em nhiều hơn nữa ....

Khiếu Long

Phụ Nhân Chi Ngôn, Thận Bất Khả Thính - Lưu Linh(221 - 300)

Chuyện kể, Lưu Linh (221 - 300), ngườI Tàu, cuối đời Ngụy (Tào Tháo), trong nhóm Trúc Lâm Thất Hiền (Bảy Người Hiền Trong Rừng Trúc), có tài nhưng thất chí, không chịu ra làm quan, tối ngày thơ rượu. Người vợ ,sợ chồng uống rượu quá độ , có thể chết sớm , khóc lóc can ngăn. Ông xin được làm một lễ cúng thần linh trước khi nghe lời. Mấy câu thơ sau đây ,cho là của ông đã làm. 


Phụ Nhân Chi Ngôn, Thận Bất Khả Thính - Lưu Linh(221 - 300)

Thiên sinh Lưu Linh
Dĩ tửu vi danh
Nhất ẩm nhất hộc
Ngũ đẩu giải tỉnh
Phụ nhân chi ngôn
Thận bất khả thính 

Tạm dịch: Trời sinh Lưu Linh / Lấy rượu làm danh / Uống mỗi lần một hộc/ Uống hết năm đấu mới tỉnh / Vợ có nói chi / Cẩn thận không thể nghe (?)

Lưu Linh Trời sanh
Uống rượu nổi danh
Mỗi lần một hộc
Năm đấu mới đã.
Vợ khóc can ngăn
Không nghe sao đành!

Thật tình, đến câu cuối, "thận bất khả thính", với vốn liếng chữ nghĩa hán-việt ăn đong, có giới hạn, tôi đã lúng túng không biết chuyển dịch thế nào cho đúng ý nguyên tác. Tìm hiểu nghĩa từng chữ một: "thận" là cẩn thận ,nên suy nghĩ trước sau, "bất khả" là không thể, "thính" là nghe , như vậy ghép lại toàn câu,trong ý nghĩa của toàn bài, dịch xuôi theo nghĩa đen là: "cẩn thận không thể nghe". Cẩn thận không thể nghe là nghĩa làm sao? Là nên cẩn thận suy nghĩ trước sau về chuyện không thể nghe? Như vậy,có thể kết luận(1) là không nên nghe mà cũng có thể kết luận(2) là nên nghe. Còn nghe hay không nghe mà có làm theo hay không thì chưa nói tới. Ôi chao,lối nói nước đôi bỏ lửng này ý thực là gì? 

Nhàn lão vô sự, đôi dòng tản mạn luộm thuộm, trước là để đọc cho vui và sau là, nếu có thể, xin được lĩnh ý của mọi người về : kết luận (1)"không nên nghe" là đúng, hay kết luận (2) "nên nghe" là đúng ,hay cả hai kết luận(1) và(2) đều không đúng và ở trường hợp này nên được hiểu ra sao. 

Lời Thêm: Hôm nay, có một nhà giáo, ngồi bên án thư ,ngẫm nghĩ xa gần về câu "phụ nhân chi ngôn, thận bất khả thính", không hiểu nghĩ sao, lại mỉm cười một mình, bị bà giáo nhà bất chợt ngang qua thấy hỏi. "Không có gì đâu , bà ạ". Vâng, quả thực là không có gì đâu, cái tình vợ chồng là trời cho, ở ngoài lời nói, có nói gì thêm cũng chỉ là cho vui thôi mà.

Phạm Khắc Trí
 10/13/2015

Phố Núi Cô Đơn



Anh thường đùa khi em hờn dỗi
Ngoảnh đi – bỏ lại bờ vai ngoan
Anh mơn nhẹ lên từng sợi tóc
Em quay nhìn ánh mắt rưng rưng.

Anh dìu em từng con dốc ngắn
Đi bên nhau xóm vắng không nhà
Chim trong bụi reo đùa gọi bạn
Cúc bên đường vừa chớm đơm hoa.

Anh đưa em đến hàng quán cũ
Chọn góc nhìn con phố thân quen
Từ lâu lắm nơi miền viễn xứ
Anh mơ về xum họp cùng em !

Đi cho lắm chồn chân gối mỏi
Nhớ em hoài kỷ niệm ngày xưa
Từng dạo bước trên đường đá sỏi
Chiều tàn Thu khi gió sang mùa…

Hôm nay chớm Đông - trời trở lạnh
Anh quay về phố núi bơ vơ
Không người thương bốn bề thanh vắng
Anh cô đơn cho đến bao giờ ?!

Dương hồng Thủy
15/11/2015

Thi Hào Rabindranath Tagore Viếng Saigon – 1929



Năm 1929, một sự kiện có ý nghĩa trong đời sống văn hoá chính trị Saigon lúc bấy giờ là nhà thơ, thi hào lớn của Ấn Độ Rabindranath Tagore viếng Saigon trong 3 ngày. Sự kiện này rơi vào quên lãng và ít có ai biết đến cho đến gần đây. Năm 2011, Hội thảo quốc tế ở Hà Nội về Tagore lần đầu tiên đã có nhắc lại chuyến viếng thăm của Tagore ở Saigon.
Báo chí thời bấy giờ viết nhiều về chuyến viếng thăm của Tagore. Các truyện, thơ của Tagore cũng đã được dịch và đăng trong cuối thập niên 1920 và thập niên 1930. Năm 1943, một sách về Tagore được xuất bản “Thi hào Tagore: Nhà đại biểu văn hoá Á đông” của tác giả Nguyễn Văn Hải. Năm 1961, Cao Huy Đỉnh và La Côn viết về Tagore trong quyển “Tagorơ, thơ truyện ngắn, kịch” do Nhà xuất bản Văn học in. Sau đó có rất nhiều thơ, truyện ngắn của Tagore được dịch và in. Gần đây nhất, năm 2004 là tuyển tập “ R. Tagore, tuyển tập tác phẩm” do Lưu Đức Trung tuyển chọn và giới thiệu, do NXB Lao Động – Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây.

Từ giữa thế kỷ 19, với sự ưu việt của văn minh vật chất và kỹ thuật, châu Âu đánh chiếm nhiều nước và thiết lập thuộc địa ở Á châu. Nhiều người Á châu cảm thấy thua kém và cho rằng văn hoá văn minh Á châu của mình không xứng đáng so với văn minh Âu châu. Thi hào Rabindranath Tagore, giải Nobel văn chương năm 1913, được coi như nhà triết học thâm thúy với đời sống tinh thần và tôn giáo sâu xa tượng trưng cho văn minh Á châu cổ đại của nhân loại. 
Ông cổ võ những giá trị tinh thần cao quý, nhân bản, của phương Đông và kêu gọi người Á châu bình tâm, tự tin và cố gắng gìn giữ không để đánh mất giá trị truyền thống văn hoá trước khi lòng người phân hoá; vì đây chính là sức mạnh tinh thần của mình so với sự khiếm khuyết về đời sống tinh thần của văn minh phương Tây mà các nhà trí thức ở phương Tây đã chỉ ra và cho thấy sự phong phú của văn hoá Á Đông. Đạo Phật ở Việt Nam và các chùa vẫn còn giữ được truyền thống văn hoá tâm linh vì thế cần được chấn hung và bảo vệ. Trong các thập niên 1920 và 1930, ở Việt Nam từ Bắc đến Nam cũng là lúc đạo Phật được nghiên cứu và phát triển mạnh như một sự hồi sinh trở lại.

Tagore cho rằng sự nối kết giữa nên văn minh vật chất kỹ thuật đang vươn lên của Tây phương và nền văn minh tinh thần cổ truyền có giá trị hoàn vũ của Á Đông là sự hỗ tương cần thiết cho nhân loại. Khi viếng Nhật Bản năm 1929 trước khi đến Saigon, Tagore đã bày tỏ sự ngạc nhiên và thán phục khi thấy Nhật, một nước Á Đông, đã canh tân nhanh chóng qua kỹ thuật công nghệ Tây phương, bắt kịp các nước Âu châu và vẫn giữ được văn hoá truyền thống, tâm linh của nước mình.
Tư tưởng này của Tagore đã có ảnh hưởng và được nhiều người chấp nhận trong giới trí thức từ Trung Hoa, Nhật Bản cho đến Việt Nam qua tầm vóc tiếng tăm của Tagore sau khi là người Á châu đầu tiên được giải văn chương Nobel.

Rabindranath Tagore và Mahatma Ghandi

Tháng 10 năm 1923, ngày 15, Nguyễn An Ninh trong bài diễn văn “L’idéal de la jeunesse Annamite” (Lý tưởng thanh niên An Nam) tại trụ sở Société d'Enseignement Mutuel de la Cochinchine (Hội khuyến học Nam kỳ) gợi cho thanh niên Việt Nam phải có hoài bão, ước mơ, tự hào về lịch sử, văn hoá dân tộc; ông đánh thức lòng yêu nước và văn hoá, tâm hồn dân tộc, ông nhắc đến Tagore như một thí dụ điển hình.
Trong các số báo La Cloche fêlée (Chuông rè) đầu năm 1924, Nguyễn An Ninh đã viết về những hoạt động yêu nước của Tagore ở Ấn Độ và trích dẫn những lời của ông đánh động đến lương tâm của những kẻ đi cai trị và thực dân. Ông viết về chuyến đi thăm Trung Hoa của Tagore nói chuyện với sinh viên, trí thức cải cách, canh tân đất nước người Hoa và sự kiện Tagore từ chối chấp nhận phong danh “Sir” của người Anh (6). Báo Chuông rè cũng có dịch ra tiếng Pháp bài tham luận “My School” của Tagore và nói về những trí thức Pháp như André Gide, Roman Rolland, những người ủng hộ tinh thần yêu nước của dân Ấn độ và là bạn của Tagore. 

Cộng đồng người Ấn ở Saigon cũng rất mong một ngày gần sẽ đón tiếp thi hào Tagore thăm viếng Nam Kỳ. Tháng 4 năm 1924, có tin là thi hào Tagore có thể viếng thăm Saigon trên đường thăm Trung Hoa trở về, cộng đồng người Ấn Độ ở Saigon đã loan tin hăng hái sửa soạn tổ chức cho chuyến viếng thăm này. Các báo như La Cloche fêlée, Écho Annamite đã đăng tin về Tagore viếng Saigon trong đó tờ Écho Annamite (2/7/1924) đặt câu hỏi là người Việt sẽ làm gì khi được biết là Ủy ban tiếp đón Tagore của người Ấn do ông Savary thư ký và thủ quỹ đã viết cho chủ tịch Liên minh báo chí Nam Kỳ (Syndicat de la Presse Cochinchinoise) báo tin là Tagore đang ở Kobe và sẽ đến Saigon trong những ngày đầu của tháng 7/1924. Theo ông Savary thì cộng đồng người Ấn gồm nhiều giáo phái đã đóng góp vào quỹ tiếp đón gồm có người Ấn độ theo khổ hạnh (Hindous renonçants) 1.308$00, Ấn độ Chettys (từ Tamil Nadu). 1.500$ , Ấn Hồi giáo 1.000$, Ấn độ không khổ hạnh ở Saigon (Hindous non renonçants). 361 00 và Chợ Lớn 250$. Ấn thương gia Bombay (Commerçants Bombay) 300$

Họ dự định sẽ tiếp đón Tagore từ bến tàu đến nơi tạm trú ở đường Catinat, với nhạc công đi đầu, 2 con voi được trang trí và cờ xí. Một chuyến đi viếng thăm Angkor cũng được dự định, nơi mà thi hào Tagore muốn xem di tích mà nền văn minh xưa Ấn độ đã ảnh hưởng. Tuy vậy chương trình dự định như trên đều phải có tham khảo trước với chính Tagore để được chấp thuận.
Nhưng sau đó chuyến viếng thăm bị hoãn vì sức khỏe của Tagore sau khi diễn thuyết ở Hồng Kông.
Nói về cộng đồng người Ấn ở Saigon, thì họ đã có mặt ở Saigon sau khi Pháp đặt chân đến không lâu. Theo thống kê dân số Saigon-Chợ Lớn năm 1870 (1) thì địa phận Saigon gồm có 3 huyện (Bình Dương, Bình Long, Ngai An), 14 tổng (canton) và 196 làng với dân số 604 người Âu, 6743 người Hoa, 796 người Ấn và 104534 người Việt bản xứ. Như vậy tỉ lệ người Ấn ở Saigon khá cao trong dân số, bằng khoảng 10% người Hoa. Ở Saigon, người Ấn có thế lực lúc này là ông Mohamed-Ben-Abou-Bakar làm nghề nhà bank (banquier) cho vay mượn ở đường số 5 (Rue n° 5) (Ngô Thời Nhiệm ngày nay) và có chi nhánh ở Châu Đốc. Ở Chợ Lớn có 5 tổng và 83 làng với dân số 8 người Âu, 20000 người Hoa, 102 người Ấn và 50412 người Việt bản xứ.

Đến năm 1897 thì số người Ấn làm ăn phát đạt ở Saigon tăng vọt, có đến 19 tiệm buôn bán đổi tiền ở các đường Catinat, rue Vannier (Ngô Đức Kế) và chợ Cũ trong trung tâm Saigon và 29 làm dịch vụ nhà bank (escompteur, banquier) (2) ở đường rue d’Adran (Hồ Tùng Mậu). Và một nghề thông dụng của người Ấn là cung cấp sữa bò, dê (laitier). Họ chiếm đa số nghề này, có đến 9 nhà cung cấp sữa ở Saigon, Khánh Hội và 6 người ở vùng Chợ rẫy, Chợ lớn ở gần các chợ. Ngoài ra có rất nhiều người người Ấn cho mướn và là tài xế nài đánh xe ngựa (charrettes & voitures).
Người Ấn thường được người Pháp gọi là Malabar hay Chettys (người Việt gọi là chà và hay chệt ty hay chệt). Vì đa số đến từ Pondichery, miền Nam Ấn nên có nước da ngăm đen. Người Việt nhiều khi không phân biệt rõ nên các người có nước da ngăm đen, như người Chăm, người Mã Lai, cũng được kêu chung là chà và. 

Đầu thế kỷ 20, người Ấn đã trở thành một cộng đồng có thế lực về kinh tế chính trị không thua kém nhiều so với người Hoa ở Saigon. Đa số có quốc tịch Pháp vì đến từ thuộc địa Pondichery, một nhượng địa Pháp ở Ấn Độ, nên lá phiếu của họ trong bầu cử vào Hội đồng thành phố rất quan trọng. Các chính trị gia người Pháp, như ông thị trưởng Paul Blanchy, đều muốn sự ủng hộ của họ. 
Mặc dù chuyến viếng thăm Saigon bị hoãn lại nhưng sự chú ý đến Tagore vẫn còn nóng. Ông Eugène DeJean de la Batie, một người Pháp lai Việt, chủ bút có viết trên Écho Annamite (23/7/1924) ngày 22/7/1924, buổi nói chuyện của giáo sư Kalidas Nag tại Société Philharmonique ở Saigon về thơ của Tagore và ý tưởng mục đích thành lập đại học quốc tế ở quê hương Tagore. Rất đông người Pháp, Việt và Ấn Độ đến nghe.
Nhưng có lẽ đặc biệt nhất là bài đăng trên Écho Annamite ngày 2/8/1927 tựa đề “L’Interview de Rabindranath Tagore, à bord de “l’Amboise” par M. Hoang Tich Chu” của ký giả Hoàng Tích Chu nói về sự hội kiến và phỏng vấn thi hào Tagore trên tàu “Amboise” trên đường ông Hoàng Tích Chu trở về quê hương sau khi đi Pháp dự các buổi nói chuyện và học hỏi từ giới trí thức Pháp ở khu Latin, Paris. Tình cờ khi tàu ghé Colombo, cũng đón Tagore và 5 người tùy tùng đi Java viếng thăm các di tích cổ xưa theo lời mời của chính phủ Hoà Lan, nên Hoàng Tích Chu đã có dịp đến hội kiến và phỏng vấn Tagore. Hoàng Tích Chu sau này là một nhà báo có tiếng ở Bắc Kỳ và là chủ bút tờ Hà thành ngọ báo (1929) và tờ báo tiến bộ Đông Tây tuần báo (1929-1932). Sau khi đến buồng cabin của Tagore và đưa danh thiếp carte visite, ông Hoàng Tích Chu được mời vào nói chuyện với Tagore. 

Ông Chu không biết tiếng Anh, nhưng may mắn có một người đi theo Tagore là giáo sư Sutini Kumar Chatterji ở Đại học Calcutta làm thông dịch. Sau khi ông Chu nói với Tagore là những đồng hương tầng lớp trí thức ưu tú của ông ở Việt Nam rất kính trọng Tagore và các tác phẩm của ông được đánh giá cao và chính bản thân Hoàng Tích Chu cũng định dịch quyển sách “Chủ nghĩa dân tộc” (Naltionalism) của Tagore, Hoàng Tích Chu đi thẳng ngay vào vấn đề về chủ nghĩa thực dân, một hiện thân của chủ nghĩa đế quốc, hoàn toàn trái nghịch với lý tưởng của cách mạng Pháp 1789, quang vinh của nền cộng hoà Pháp. Ông nói với Tagore là người Việt Nam không có tự do nào trong đất nước họ. 

Tagore có hỏi Hoàng Tích Chu là bản thân ông Chu có tự do được đi lại không và ông Chu trả lời là ở Marseiile, trên đường đi về Việt Nam, ông chủ tàu cấm ông không được nói chuyện với các bạn ông đến đưa ông, nói là có lệnh trên và trên tàu cấm ông đến các nơi những người bồi người An Nam cư ngụ trên tàu, chắc là sợ ông kêu gọi đình công mặc dầu ông không hề có ý nghĩ đó.
Hoàng Tích Chu viết tiếp:
“Khi tôi về đến Saigon, chắc chắn là tôi sẽ bị theo dõi cặn kẽ (1)…
Ba tôi, một công chức đã bị cho về hưu không viện dẫn lý do gì; vì tôi đã đi qua Pháp trái với ý muốn của chính phủ…
Khi thốt ra những lời này, tôi ứa nước mắt và qua giọt nước mắt tôi nhận thấy ông Tagore hơi co người lại và hai mặt ông mở to hơn như thường lệ.
“Tôi là một thi sĩ”, Tagore nghe lời nói với tôi giản dị vậy thôi, mà tôi cảm thấy là ông cố gắng tự trấn tĩnh lại.
Ông Tagore nói tiếp nhanh để rõ ý của ông
“Về chính trị, hay anh quen gọi là chính trị không có lạ gì trong thơ của tôi, nhưng tôi muốn nói là hoạt động chính hiện nay của tôi không phải là chính trị.
Về phương diện quyền tự do, như ở các dân tộc yếu kém, tôi đồng cảm qua tình yêu anh em và nhân bản. Tình yêu này càng sôi nổi hơn với các nước đang bị trị, đau khổ cần giúp đỡ, như là đất nước của anh”.
Tagore sau đó bày tỏ mong muốn sẽ viếng thăm Đông Dương nơi có lịch sử ngàn năm và vết tích văn minh cổ xưa. Cuộc nói chuyện kéo dài một tiếng đồng hồ.
Ta có thể thấy Tagore cũng như Einstein, khác với Ghandi, chỉ là một nhà hiền triết trong lãnh vực văn học hay khoa học. Ông không phải là một nhà hoạt động chính trị nhưng ông đồng cảm và hiểu được sự đau khổ của một nước bị trị.

Rabindranath Tagore (Nobel văn học) và Albert Einstein (Nobel vật lý) ở Berlin

Hoàng Tích Chu sau cuộc hội kiến với Tagore đã trao đổi với giáo sư Suniti. Ông Suniti có kể là ông đã có ở Paris trong một thời gian nhưng không có cơ hội để quen biết với những sinh viên người Việt Nam. Ông có đọc bản dịch truyện thơ Kim Vân Kiều và theo khả năng của ông đã thưởng thức được cái đẹp và hay trong văn chương truyện Kiều. Khi ông Suniti được biết là trên tàu có 300 lính người Việt trở về Saigon từ Maroc, ông đề nghị với Hoàng Tích Chu là cùng đến gặp họ trên bong tàu.
“Tôi chấp thuận. Và đó cũng là lúc tôi trở thành thông dịch viên với những người lính cho ông Suniti, cũng như ông ta vừa rồi là thông dịch viên cho tôi với ông Tagore.
Tất cả mọi người trao đổi rất vui vẻ.
Chúng tôi gần như đã là bạn hữu với nhau“
Hoàng Tích Chu
(dưới bài báo có chú thích (1) đúng là lời tiên tri vì khi đến Saigon, cảnh sát đã khám và tịch thu cuốn sổ viết trên tàu của ông).

Cuối cùng đầu tháng 6 năm 1929, khi nghe tin chính thức là Tagore trên đường từ Nhật trở về nước sẽ viếng thăm Saigon, các báo chí Pháp Việt ở Saigon đều đăng tin và bàn luận sôi nổi về cuộc viếng thăm của Tagore. Các báo như Saigon Dimanche, Courrier Saigonnais, Écho Annamite, Tribune Indochinois, Phụ Nữ Tân Văn, La Cloche fêlée, Saigon Republican, Impartial, Thần Chung, Công giáo đồng thịnh, Đuốc Nhà Nam, Merle mandarin, Ère Nouvelle, La voix libre… đều đăng tin về Tagore.

Tagore viếng Saigon từ ngày 21/6/1929, khi tàu Angers của hảng tàu Compagnie des Messageries Maritimes đến từ Nhật Bản cặp bến, cho đến hết ngày 23/6/1929. Thị trưởng Saigon, ông Béziat và chủ tịch nội các thống đốc lên tàu chào đón Tagore. 
Vài ngày trước khi Tagore đến Saigon, báo Écho Annamite (15/6/1929) có đăng tin những người Việt Nam trong ủy ban đón tiếp Tagore đã họp lại để bầu ra một ủy ban bản xứ để thảo ra chương trình như sau
“Để đón tiếp Tagore
Qua ý kiến của một trong các đồng nghiệp của chúng tôi, ông Lê Trung Nghĩa báo Diễn đàn Đông Dương, những nhân sĩ người An Nam, bao gồm các thành viên của báo chí địa phương, đã họp chiều tối hôm qua lúc 18 giờ tại đường La Grandière (Lý Tự Trọng ngày nay) để bầu ra một ủy ban người bản xứ tiếp đón thi sĩ Ấn Độ Tagore, đang trên đường đến Saigon, ngày 20 tháng này, từ Nhật, trên tàu André Lebon, để hoàn tất chương trình lễ hội, chào mừng người khách danh dự nổi tiếng của chúng ta.
Chương trình này, bao gồm đặc biệt, tiệc chiêu đãi và du ngoạn. Ủy ban cũng chịu trách nhiệm cho việc tìm kiếm một ngôi nhà xứng đáng để Rabindranath Tagore cư ngụ trong suốt thời gian thăm viếng ngắn của ông ở Nam Kỳ.
Chúng tôi nồng nhiệt chúc mừng ông Nghĩa có ý kiến tuyệt vời này, nó sẽ làm được rất nhiều cho sự tiếp cận giữa các chủng tộc, mà đấy luôn là lý tưởng vĩ đại của thì hào Tagore”
(chú thích: tác giả dịch từ nguyên bản tiếng Pháp. Ủy ban họp tại đường La Grandière tức Lý Tự Trọng ngày nay, ở số 72 trụ sở của báo “Tribune Indochinoise”)
Sau cùng chương trình được thống nhất với các hội đoàn người Ấn và Pháp và ban tổ chức tiếp đón và chương trình cho thi hào Tagore viếng Saigon được ghi lại trên số báo Écho Annamite ngày 20/6/1929 như sau

“...Chủ tịch danh dự, ông Béziat.
Chủ tịch: ông Bùi Quang Chiêu,
Phó chủ tịch (Pháp): M. Monribot,
Phó chủ tịch (người Ấn): M. Xavier.
Thủ quỹ: ông Nguyễn Văn Của.
Thư ký: ông Lê Trung Nghĩa.

Phái đoàn tiếp đón (Délégation de réception); 6 hội viên kể trên và các ông Nguyễn Phan Long, Lê quang Liêm tự là Bảy, bác sĩ Trần văn Đôn và Nguyễn Văn Thinh, Trương văn Bền, Nguyễn Tấn Dược, Nguyễn Văn Huê, Trần Văn Kha, Nguyễn Văn Sâm, Diệp văn Giáp, Huỳnh Ngọc Bình, kỹ sư Lưu Văn Lang, và bà Palard.
Các nghị viên hội đồng thành phố Saigon và Chợ Lớn (conseillers municipaux de Saigon et de Cholon), các hội viên bản xứ của Phòng thường mại (Chambre de commerce) và phòng Canh nông (Chambre d'agriculture).
Hai đại diện báo chí Pháp ông Haag và ông Darrigade, và tất cả những giám đốc hay đại diện các tờ báo: các ông Blanché, Dépêche. E. Marquis, Réveil - Saigonnais, Mésoniat Impartial, A. Paul l'Homme déchainé, Bathélemi Œuvre indochinoise, Monribot, Presse indochinoise, Danguy Courrier Saigonnais, Dejean de la Bâtie Écho annamite, Jules Dubois Saigon Dimanche, H. Ardin Saigon Républicain, Ganofsky La Voix libre, Madame Biéiri Công giáo đồng Thịnh, Nguyễn khắc Nông Đuốc Nhà Nam, Hồ văn Nguôn Điền xã tạp chí, Nguyễn văn Ba và Diệp văn Kỳ Thần chung, Lê thanh Lư và Huỳnh phục Yên Thanh niên tân tiến, Cao hải Đề Ère nouvelle, Trần văn Trí Tribune indochinoise, Bernadoni Merle mandarin, Paul Marchet Phare Indochinois, Lê chân Tâm Kịch Trường etc. etc.
Các hội viên người Ấn: các ông Madet, Xavier, Thiagou, Samou, Tamby.
Ủy ban tổ chức hội thảo: các ông Nuong, Barthélemi, Tamby, Haag, Lê trung Nghĩa và Huỳnh phúc Yên.
Phái đoàn Nhà Bè (Délégation à Nhà-Bè): các ông Barthélemi, Dương Văn Giáo, Thiagou và Jacques Lê văn Đắc.
Nói tóm lại, ủy ban tiếp đón gồm tất cả những nghị viên dân cử, tất cả ký giả và trí thức Pháp, Việt, Ấn Độ

Chương trình tiếp đón 
Tàu hơi nước Angers đến Saigon, thứ sáu, vào khoảng trưa.
Chiều thứ sáu, lúc 16 giờ, ăn trưa ở toà thị sảnh thành phố Saigon. Vào cửa lệ phí 1.50 piastres.
Tối thứ sáu, lúc 21 giờ, tiếp đón trọng thể ở nhà hát thành phố, ông Bùi quang Chiêu sẽ giới thiệu nhà thơ nổi tiếng. Ông Tagore sẽ cho một bài diễn văn. Nhiều bài nói chuyện sẽ được công bố. Giá vào nhà hát là 1 piastre cho tất cả các loại chỗ ngồi và 0,5 piastre vào hành lang.

Sáng thứ bảy, đi dạo trong thành phố Saigon; Vườn bách thảo, viện bảo tàng, trường nữ tiểu học cho người An Nam và Pháp, trung học Pétrus Ký, trường dạy nghề cơ khí (école des mécaniciens), một chùa người Hoa và một chùa người Việt ở Chợ Lớn.
Trưa thứ bảy: ngoại vi Saigon; viếng các trường nghệ thuật, mỹ thuật Biên Hoà và Thủ Dầu Một, mộ của Lê Văn Duyệt, nơi đây sẽ có bữa ăn trưa, do hội thờ Lê Văn Duyệt, trường của ông Huỳnh khương Ninh và công ty nhà in của ông Nguyễn văn Của, ở Saigon, đường rue Lucien Mossard (Nguyễn Du ngày nay) khoản đãi.
Tối thứ bảy lúc 21 giờ, buổi chiếu phim ở rạp Eden, sẽ chiếu những phim quảng cáo du ngoạn thắng cảnh và tư liệu Đông Dương. Tất cả khách vào trả tiền cho chỗ ngồi trừ ủy ban tiếp đón và đoàn của ông Tagore.
Ông Tagore sẽ ở nhà của hội viện Hội đồng quản hạt (conseiller colonial) Diệp văn Giáp, toạ lạc tại góc đường Legrand de la Liraye (Điện Biên Phủ ngày nay) và rue Barbet (Lê Quý Đôn).
Khi từ giã Saigon, ủy ban sẽ đi theo thi sĩ lên tàu. Ông chủ tịch nội các (chef de cabinet) của Thống đốc và thị trưởng thành phố sẽ đón thi hào lên tàu ở Nhà Bè.“

Chương trình tiếp đón thi hào Tagore như vậy rất trọng thể với nhiều sự kiện thể hiện tầm quan trọng của chuyến thi hào Tagore viếng thăm Saigon đối với chính quyền, cộng đồng người Pháp, Việt Nam và Ấn Độ. Đặc biệt ông Diệp Văn Giáp đã để riêng biệt thự của ông ở số 33 rue Barbet cho thi hào Tagore khi ở Saigon. Trước khi đến Saigon, Tagore cũng được định đến viếng Angkor Wat nhưng điều này không thể thực hiện được vì thời gian, tốn kém và an toàn.
Trên báo Écho annamite 22/6/1929 tựa đề “Rabiudranatb Tagore à Saigon” có viết về buổi nói chuyện ra mắt công chúng của Tagore ở Nhà hát lớn. Tagore cho bài nói chuyện sau khi ông Bùi Quang Chiêu, thị trưởng Béziat và ông Dương Văn Giáo đọc diễn văn giới thiệu. 
Ông Bùi Quang Chiêu nói:
“Đó là một ngày trong tháng giêng; khi mà mùa đông phủ trên đồng bằng Bolpour một bầu không khí xám lạnh, tôi có may mắn, sau một đêm ở Đại học Santinikétan với một giáo sư trẻ tuổi, từ Khoa Luật Đại học Lyon, và một người bạn và người đồng hành chuyến đi của tôi, ông Dương Văn Giáo, đã tham dự ngày thứ Tư hôm đó, một buổi cầu nguyện, do chính nhà thơ chủ trì.

Mặc dù giờ sáng sớm và cái lạnh của mùa đông, chúng tôi thấy một ông già đẹp lão đi đến, chống dựa vào một cây gậy và trân trọng theo sau là hai người Ấn Độ giúp việc, vào một toà nhà nhỏ hình chữ nhật, được bao quanh bởi một lan can gạch, gần lối ra vào của trường Đại học. Đó là ông Rabindranath Tagore, đến mỗi tháng một lần, chủ trì một buổi lễ thật đơn giản mà các học sinh, gồm thiếu nữ và thanh niên đọc theo các bài thơ thánh ca tụng mà nhà thơ hát và nhận xét các khổ thơ.
Trên tất cả người của nhà thơ toát ra cái tâm linh này, cái thanh thản không thể định nghĩa được của hương thơm tư tưởng Ấn Độ.
Hiền triết phương đông đã cho thế giới rất nhiều người sáng lập các tôn giáo, và người sứ giả của hiền triết phương đông ngày nay, ông Rabindranath Tagore mơ là lý tưởng châu Á một ngày sắp tới sẽ đến giải cứu châu Âu có nguy cơ bị xói mòn tan rã của chủ nghĩa vật chất. Nhà thơ này, mà các nhịp thơ đầy hình ảnh tạo ra cho người đọc những ước vọng tinh thần cao cả, đã nhận được một trong những phần thưởng lớn nhất: Giải thưởng văn chương Nobel năm 1913, đã tiết lộ cho chúng ta thấy "một Ấn Độ mà ánh sáng của nó chiếu sáng niềm vui lên mắt của những người con Ấn độ, mà các nguồn của nó làm họ trong sạch, và những trái kết tinh của nó giúp cho họ sống.
Nhưng thi hào Rabindranath Tagore không phải cấy trồng một chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi: ông muốn đoàn kết Ấn giáo, Hồi giáo, Phật giáo và Ki tô giáo trong sự hoà thuận của một sự hợp tác tích cực tiến đến một tình thương vị tha giữa con người và vạn vật, đến thờ phụng cái đẹp, cái tốt và sự thật chân lý.
Không chống đối ác cảm với văn minh phương tây, thi hào ở Santinikétan mong với tất cả linh hồn của ông: một sự phối hợp của hai nền văn minh phương Đông và phương Tây để hiến tặng cho nhân loại giá trị đầy sáng tạo của cái đẹp và tốt lành của chúng...“
(dịch từ nguyên bản tiếng Pháp. Chú thích: Santiniketan là một thành phố đại học do Tagore sáng lập, gần Bopur, tiểu bang Tây Bengal, hiện nay vẫn còn hoạt động)

Rabindranath Tagore giảng dạy ở đại học Santiniketan

Thật ra chương trình cũng có những thay đổi do hoàn cảnh xảy ra lúc đó, như lúc viếng mộ Lê Văn Duyệt, sau khi được chào đón với nhạc Việt Nam và viếng mộ, ông không ở lâu vì sau khi viếng trường mỹ thuật Biên Hoà, đường xa và xấu làm ông mệt (6). Chiều thứ bảy hôm đó, ông đến nhà in của ông Nguyễn Văn Của dự buổi tiệc rượu champagne. Ông Nguyễn Văn Của, các nhân viên và ủy ban tiếp đón đứng xếp hàng chào ông vào, Tagore nói chuyện với hai người thợ người tỉnh Bengal ở Ấn Độ như ông. Thay vì uống champagne, Tagore xin được uống nước dừa và ông rất tò mò xem bộ sưu tập đồ cổ của ông Nguyễn Văn Của. Nhà nhiếp ảnh Khánh Ký có chụp hai bức ảnh của Tagore với ông Nguyễn Văn Của.

Trong số báo Phụ Nữ Tân Văn ngày 4 tháng 7 1929, bà Nguyễn Đức Nhuận có viết về buổi viếng thăm của thi hào Tagore đến toà soạn báo sáng chủ nhật ngày 23 tháng sáu 1929. Trong bài có ảnh của Tagore được nhà nhiếp ảnh Khánh Ký chụp Tagore ở Saigon có chữ ký của Tagore. Ông có mua cái áo gấm bông bạc và được toà soạn tặng một cây lãnh do hãng dệt Lê Phát Vĩnh ở Cầu Kho dệt. Chiều ông có gởi người đến mua hai cái khăn đóng và vì trước đó ông đã có đặt may áo dài An Nam ở tiệm may của một người Việt trên đường rue d’Espagne (Lê Thánh Tôn). Bà Nguyễn Đức Nhuận viết:
“Mới xem qua cái lối ăn mặc, thì ông Tagore mường tượng một bực lão thành đạo-mạo Annam. Trên đội cái mũ nhung đen ; dưới mặc cái áo trắng dài và rộng ; kiến kẹp mũi, râu trắng dài ; ảnh của ông chụp ngồi chung với các nhà thân-hào Annam thật là hợp-cách lắm !”

Phụ nữ Tân Văn (4/7/1929) – Nguồn Thư viện Quốc gia
Việt Nam. Ảnh Tagore do Khánh Ký chụp ở Saigon.

Sau đó Tagore dự buổi tiếp tân của Phòng thương mại người Hoa ở chùa Bà người Quảng Đông ở Chợ Lớn trên đường Cây Mai (nay là Nguyễn Trãi). Từ nơi đó cộng đồng người Ấn đã đến rước thi hào Tagore trên xe hơi đi đến đền thờ Ấn Độ ở đường rue Ohier (Tôn Thất Thiệp Saigon) để dự lễ khai trương Viện tàng thơ Murugananda Vasagasala (Institute of Poetry Murugananda Vasagasala). Tại đây, các ông Tagore, Bùi Quang Chiêu và Lefèbre trong ủy ban tiếp đón đã được mời làm chủ lễ và một cô gái Ấn tên là Kathéappa Thévarnin đã hát một bài hát của thi sĩ Passecarne để tặng Tagore.
Ngày cuối trước khi lên đường, Tagore được mời dự buổi đàm đạo uống trà với thống đốc Pierre Pasquier cùng với tất cả ủy viên trong ủy ban Pháp, Việt và Ấn Độ tiếp đón thi hào Tagore ở Saigon (Écho Annamite 24/6/1929). Tại đây, Tagore đã có nói chuyện với Pasquier về thi văn và cảnh thanh tịnh ở các chùa đạo Phật. 
Sau đó ông trở lại nhà nghỉ ở đường Barbet (Lê Quý Đôn), các đại diện đảng Lao Động (Parti Travailliste) do ông Cao Hải Đề, chủ bút tờ Ère Nouvelle (Nhật Tân báo) lãnh đạo đến và chỉ trích ông đã không đến rạp hát Thành Xương nói chuyện với công nông dân người An Nam như đã hứa (6). Ông Tambor, đại diện cho Tagore có nói với đại biểu đảng Lao động là ông không muốn đến rạp Thành Xương lúc ấy nhưng sẵn sàng cho một buổi nói chuyện ở nhà ông nếu đảng Lao Động đến nghe. Ông ăn tối tại nhà nghỉ và rời Saigon lúc 9:30 tối.

Dư âm về chuyến viếng thăm Saigon của Tagore
Sau khi Tagore rời Saigon không lâu báo Écho Annamite (2/7/1929) có bài xã luận dưới tựa diễn đàn tự do (Tribune libre) so sánh Tagore với Phan Bội Châu (Le poète et le martyr – Tagore et Phan Bôi Châu) cho là Phan Bội Châu là tử đạo cho lý tưởng của Tagore và ngầm chỉ trích chính quyền Pháp.
Báo Phụ Nữ Tân Văn (27/6/1929) có bài viết về thơ của Tagore và so sánh thơ ông với thơ của các thi hào lớn Việt Nam Nguyễn Du và Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đặc biệt có bài viết trên Phụ Nữ Tân Văn (30/10/1930) về thành phố đại học Santiniketan và phương pháp triết lý giáo dục khai phóng tự do không ràng buộc, nhồi sọ thường thấy ở Việt Nam. Các báo khác như Đuốc Nhà Nam cũng đăng các bài thơ của Tagore dịch ra chữ quốc ngữ trong các năm 1929 và 1930. Đông Dương tạp chí các số tháng 7 năm 1937 cũng có đăng các truyện ngắn của Tagore như “Cô láng giềng xinh đẹp của tôi” (“My fair lady”), “Su-ba” (Suba, a short story).
Chuyến đi thăm Saigon của Tagore sau này hầu như bị lãng quên cho đến gần đây mới được các học giả để ý và đề cập tại hội thảo quốc tế về Tagore năm 2011 ở Hà Nội. Một phần có thể là do thời đó thập niên 1930, 1940 Việt Nam đang tìm đường giải phóng dân tộc, Tagore chỉ là nhà hiền triết hoà bình và là nhà thơ nhân bản như ông nói với Hoàng Tích Chu và vì thế không thể đưa ra giải pháp mà Việt Nam đang cần thời đó. Khác với Gandhi vừa là một nhà hiền triết và là một nhà tranh đấu giải phóng dân tộc dùng phương pháp bất bạo động, bất hợp tác và tự chủ. 
Nhưng ảnh hưởng lớn nhất của Tagore sau này là phong trào thơ mới. Pham P. Chi cho rằng những ý tưởng lãng mạn trong phong trào Thơ mới sau này một phần là do ảnh hưởng của triết lý nhân bản lý tưởng của Tagore (6).

Hình Tagore trong đền thờ Ấn giáo Sri Thendayutthapani (chùa Ông)
trên đường Tôn Thất Thiệp, Quận 1. Nơi đây Tagore đã đến dự lễ 
khai mạc Viện tàng thơ Murugananda Vasagasala (Ảnh tác giả)

Nguyễn Đức Hiệp
( Khiếu Long sưu tầm)

Tham khảo
Annuaire de la Cochinchine française 1870, Saigon,
Annuaire de l'Indo-Chine française... 1re partie : Cochinchine et Cambodge, Saigon, 1897.
Nasir Abdoul-Carime, Réimpression de l’article d’G. Vidy: “La communauté indienne en Indochine”, Association d’ Echanges et de Formation pour les Etudes Khmères (AEFEK), in Sud-Est, Paris, Novembre 1949: no. 6: 1-8
Annuaire complet (européen et indigène) de toute l'Indochine, commerce, industrie, plantations, mines, adresses particulières... : Indochine, adresses, 1ère année 1933-1934 / éditeurs madame L. Lacroix-Sommé, messieurs R. J. Dickson et A. J. Burtschy, Publisher : impr. A. Portail (Saigon), Date of publication : 1933
Guide pratique, renseignements et adresses. Saïgon, J. Aspar (24 rue Catinat, Saïgon), 1934.
Pham P. Chi, The rise and fall of Rabindranath Tagore in Vietnam, Master of Arts thesis, 2012, University of California, Riverside, http://escholarship.org/uc/item/7sm4q65v