Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

Những Tình Khúc Anh Bằng - Tưởng Nhớ Nhạc Sĩ Anh Bằng

Thay nén nhang lòng kính dâng Người Nhạc Sĩ tài hoa của nền âm nhạc Việt Nam vừa được Chúa gọi về ngày 12-11-2015. Tại California Hoa Kỳ - Hưởng thọ 89 tuổi.
Nguyện cầu Hương Linh Nhạc Sĩ Anh Bằng sớm hưởng Nhan Thánh Chúa.


Thơ & Thơ Tranh: Kim Oanh


Thơ: Nguyễn Tất Nhiên
Nhạc: Anh Bằng
Thực Hiện: Asia

Kim Chỉ Vá Buồng Tim


Tim tôi rạn vỡ từ lâu
Hỏi em có thể vá khâu được lành ??
Em ơi ! đừng dụng chỉ mành
Kim khâu chỉ mảnh vá quanh đường viền
Khâu lànhvá lặn qua đêm
Anh xin đền đáp...nợ tình dù xa
Sương khuya che bóng trăng tà
Điểm thêm mây trắng nhạt nhòa buồng tim
Vầng trăng chênh chếch đổ nghiêng
Đường kim mũi chỉ tay tiên ngọc ngà
Làn đan nõn nuột như hoa
Như mùa Xuân đến mượt mà áo bay
Nhặt buồn gởi gió đong đầy
Theo thời gian bước tháng ngày tìm vui
Hôm nay tim vỡ vá rồi
Hỏi em kết chặt tình tôi thêm vào....được không??

Song Quang

Dạ Điệp


Tiếng điện thoại nửa đêm ám ảnh Vĩnh cả tuần nay. Lần đầu nghe tiếng chuông đổ lúc nửa đêm anh bực bội lẫn ngạc nhiên khi nhìn dãy số lạ hoắc. Vĩnh a lô …, tiếng nhạc dịu dịu của bài Magic Boulevard vang lên. Vĩnh kiên nhẫn chờ để xem ai gọi cho mình vào giờ này. Nhưng tiếng nhạc dứt thì bên kia cũng tắt máy, Vĩnh bấm gọi lại nhưng tín hiệu báo không trả lời. 
Đêm sau và đêm sau nữa cũng vậy, mỗi đêm một số điện thoại và bản nhạc bất di bất dịch. Vĩnh vừa tò mò, vừa thắc mắc nhưng bó tay không tìm ra người gởi bản nhạc cho mình là ai? Từng đêm và từng đêm như thế, Vĩnh bỗng phát hiện mình tương tư tiếng nhạc nửa đêm. Không biết từ bao giờ, anh thu xếp công việc nhanh chóng gọn gàng và bồn chồn chờ nghe tiếng nhạc và nặn đầu vắt óc cố nghĩ, tìm người đứng sau tiếng nhạc là ai. 
Dần dần trong mớ ký ức lẫn lộn hình thành khuôn mặt của một cô gái “Tịnh An”, đúng rồi, chỉ có cô. Người con gái đã ám ảnh anh gần suốt cuộc đời. Lúc anh nghĩ tìm được sự tĩnh lặng cho tâm hồn thì bỗng dưng cô lại xuất hiện mờ nhạt và bí ẩn như năm nào cô biến mất khỏi đời anh một cách lặng lẽ.
Vĩnh được cấp trên báo đã phân về trường Vĩnh một giáo viên mới ra trường. Vĩnh đón nhận tin này với một vẻ hờ hững và ngao ngán, giáo viên mới ra trường lại là nữ. Thôi thì đủ thứ phiền toái, kiêu kỳ, uốn éo, nhỏng nhẻo.


Họp xong anh vội vả về xã cho kịp sợ chiều tối đến mau. Trời vừa tắt nắng thì Vĩnh cũng đã kịp về gần trường. Anh rảo bước, lười biếng qua cổng chính, anh vòng ngã sau. Chợt thấy đám khói mỏng vươn lên dưới cây hoa Pơlang trước cổng trường. Vĩnh đổi hướng lại gần. Cô gái dựa lưng vào cây Pơlang đăm đắm nhìn đám khói vươn lên mệt mỏi, uốn éo, miệng hát khe khẽ bài Magic Boulevard. 
Vĩnh tiến đến, cô gái ngừng hát. Đôi mắt nâu mở lớn nhìn anh lạ lẫm. Vĩnh cười nói : 
- Ở đây làm gì có “Đại lộ” hở cô giáo. 
- “Hoàng hôn” thì ở đâu chả có, rừng sâu biên giới hay hải đảo xa xôi “hoàng hôn” ở khắp nơi và nhất là trong lòng mỗi người thì cần gì phải có “Đại lộ” hở anh ? 
- A ! Cô bé đáo để gớm, giáo viên mới hả ? Tôi là Vĩnh Hiệu Trưởng của trường. 
- Ui ! Anh trẻ thế ! Em tưởng Hiệu Trưởng phải là người đứng tuổi chứ. 
- Cô nhìn nhầm không, tôi đứng tuổi rồi đấy.

Buổi sơ giao kết thúc thân mật nhưng Vĩnh vẫn đề phòng, anh sợ quá những phiền toái mà anh đã vấp ở những cô giáo trước. 

Trường chính ở xã đủ lớp, đủ giáo viên lại ưu tiên những giáo viên lớn tuổi có gia đình. Đội ngũ trẻ khỏe, mới ra trường được phân về những trường xung quanh xã (những bản làng đơn lẻ), giáo viên sợ buồn thì ở khu tập thể trường xã, ngày hai buổi cuốc bộ, 3, 4 cây số vào làng dạy. Giáo viên nam thì không sao nhưng nữ lại là vấn đề. Xa, mệt, mưa, đường đất dính, trơn trợt, té ngã ì xèo, khóc lóc, hờn dỗi, cuối cùng là bỏ dạy. Vĩnh nhìn An nghĩ không khác gì những cô giáo trước. 

Buổi họp đầu tiên Vĩnh phân An về trường làng, cách xã 3 km. Phương tiện chính là đi bộ vì toàn là đồi dốc quanh co, khúc khuỷu. Thấy An vui vẻ thu xếp cặp vở xuống làng, Vĩnh nghĩ thầm (tướng tiểu thư kia, chắc cũng chỉ được vài hôm). Anh đích thân đưa An đi. Xuống làng, nhìn trường học tranh tre, lá nứa, chưa được chuẩn bị dọn dẹp. bàn ghế ngã nghiêng, cái gãy chân, cái long đinh, bảng cũng chỉ còn một chân. Phân xúc vật vương vãi, rơm rạ ngỗn ngang. Vĩnh liếc nhìn An, cô chả tỏ vẻ gì chán nản hay nhăn nhó, cô hỏi anh sỉ số học sinh của lớp, cách tập trung. Vĩnh chỉ mảnh bom vỡ treo cuối lớp, An tìm khúc cây đánh lên. 

Một lúc, lác đác vài đứa trẻ đeo cặp tới, có đứa địu cả em sau lưng. Vĩnh nói một tràng tiếng dân tộc, những đứa trẻ tỏa đi các ngã, rồi kéo tới gần hai chục em, nhếch nhác và nhớp nhúa. Vĩnh chờ nhìn thấy vẻ thất vọng trong mắt An, nhưng cô thản nhiên nhờ anh giới thiệu cô giáo mới và các em sẽ cùng cô dọn dẹp lớp học. An nhanh nhẹn mượn dao của dân làng, đi chặt cây cổi, cô phân công vài em đi gùi nước để rẩy cho đỡ bụi. Cô trò cùng bắt tay vào dọn dẹp. Vĩnh cũng vào làng mượn búa, xin đinh và nhờ bà con ủng hộ tranh tre, lá nứa để làm lại lớp học. Khi anh trở lại lớp đã gọn gàng sạch sẽ, An hồn nhiên khoe : - Có một số em biết tiếng kinh anh à ! Chúng dễ thương ghê.

Bữa cơm trưa, chắc là bữa đầu tiên của An ở làng dân tộc. Vĩnh chờ tiếng than phiền, nhưng thấy An có vẻ ngon miệng với cơm trắng, muối hột giả với ớt xanh. Vĩnh tủm tỉm cười nghĩ : “không biết được bao lâu, vẻ bề ngoài che dấu kia sẽ rơi xuống”. 

Lớp học sửa sang xong, thì đã chiều muộn. Vĩnh và An hấp tấp về, An hối hả : 
- Mau lên anh, em nghiện gom lá đốt mỗi buổi chiều rồi. 
Vĩnh tò mò hỏi : 
- Vì sao An lại có ý thích lạ lùng đó ? 
- Hồi ở nhà, những chiều cuối năm lúc gần tối, An thích đi lang thang khắp các con đường, lúc này đã vắng, ở góc ngã ba, ngã tư đường. Thường, người ta gom rác lại đốt. Nhìn khói trắng vươn lên, em cảm nhận được cái hiu hắt của buổi chiều cuối năm, làm nao lòng người. Cứ như thế, năm nào cũng vậy, cái ý thích gom lá đốt ngắm khói thắm đẩm vào em. Có lúc thì đăm chiêu suy nghĩ, có lúc thì trống rỗng, chẳng nghĩ gì. Mà mỗi lần ngắm khói em lại thích hát bài Magic Boulevard anh ạ !

Vĩnh tưởng chỉ được mấy buổi đầu, vì nhìn cái dáng yểu điệu và đôi bàn tay thon thon, trắng muốt. Anh nghĩ một lúc nào đó sẽ bỏ cuộc thôi. Nhưng không ngờ An thích nghi mau đến thế. 

Từ buổi đưa An vào, rồi bận công việc trường lớp, kiểm tra, họp hành. Một tháng sau anh vào làng kiểm tra đột xuất. Anh ngạc nhiên đến bất ngờ. Cái lớp học năm ngoái trống tuềnh toàng, tan học là chó, gà, lợn ra vào thoải mái. Nhưng giờ, chả biết An vận động bà con thế nào mà đã có hàng rào, có cổng tre. Trong sân còn đào hố trồng cây làm bóng mát. Anh vào lớp học sinh đã biết đứng dậy chào. Hai chục em là hai chục gương mặt sạch sẽ, tóc tai gọn gàng. Nghe Vĩnh khen An cười: 
- Đó là kết quả những buổi trưa em không về trường chính đó. 
Vì có hai làng cách nhau một cây số, nên An xin dạy luôn cả hai buổi. Trưa cô ở lại, nấu cơm nhờ nhà dân và tranh thủ lúc nghỉ trưa, để cắt tóc và móng tay cho các em. Qua một học kỳ, Vĩnh an tâm hẵn. An vẫn đi về ngày hai buổi, mưa gió trơn trợt, không hề nghe cô kêu ca gì. Tuy dạy trường làng nhưng ở trường xã, mấy giáo viên nữ vẫn để dành việc gom lá mỗi chiều cho An. Trường xã xa làng, nguồn thực phẩm rau xanh rất khan hiếm. Những chiều đi dạy về, nhìn An mồ hôi ròng ròng. Gùi về nào là rau rừng, măng, bí đỏ, sắn cho mọi người cùng ăn. Ai cũng cảm nhận được tình cảm của Cô và rất quí cô. Những buổi chiều mưa, không đốt lá được. Cô đốt nhang cho có khói rồi đứng thừ bên cửa sổ, mọi người hỏi An ngóng gì? Cô nói : 
- Em ngắm mây núi lang thang thôi! 

Khu tập thể, cách phòng họp chính là hai căn phòng nhỏ nằm hai bên (gọi là phòng cho sang chứ cũng chỉ là tranh tre, lá nứa), mọi người ưu tiên cho những người độc thân. An một bên, còn bên kia là của Vĩnh và Khương. Vĩnh đàn rất hay, lại thường đàn về khuya, lúc mọi người đã ngủ. Tiếng đàn anh vang lên trong đêm u tịch, cô đơn và lặng lẽ. Có trưa chủ nhật, nhìn nắng vàng tươi trải dài trên sân trường. An hát khẽ : “Đôi khi nắng qua mái hiên làm tôi nhớ …“. Bên kia bất chợt tiếng Vĩnh cũng vang lên giai điệu đó, cả hai nhìn nhau cười vu vơ. 
Khương có vẻ ưu ái An hơn, thích qua phòng An ngồi uống trà, tán dóc. Phòng con gái nhưng An bài trí đơn giản. bên cạnh những cuốn sách ưa thích, An để chậu hoa nhỏ. Khương hỏi hoa gì ? An bảo : “ Đó là loài bướm đêm”, cánh lá màu nâu tím, xòe ra, rung rinh như cánh bướm. Hoa màu tím nhạt mỏng manh vươn lên thẳng đứng. An nói : “An thích nó vì nó mỏng manh nhưng không yếu đuối”.

Trường tổ chức lao động gây quỹ cho học sinh. Vĩnh xin được rừng sắn bỏ lại sau chiến tranh. Mọi người ưu tiên cho An ở lại trực trường. Vĩnh - Khương và một số giáo viên nam ở các làng xa dẫn học sinh về tập trung rồi vào rừng nhổ sắn. An nằng nặc xin đi nhường cho người lớn tuổi ở lại giữ trường. 

Vào đến rừng, mọi người mãi mong phát quang dọn chỗ để treo võng và chỗ ở cho học sinh. An cũng đi tìm củi khô nhờ Vĩnh kê đá để kịp nấu ăn. Cô thích thú cười, nói như được đi dã ngoại chứ không phải đi lao động. 
Đêm ở rừng, được nằm võng, ngắm sao, Vĩnh và An thích thú đàn hát suốt đêm lửa bập bùng tiếng hát chơi vơi chơi vơi. 

Gần sáng sương xuống lạnh, không ngủ được mọi người lục đục kéo nhau dậy xúm quanh bếp lửa. An vừa thêm củi để nấu nước pha trà. Khương ngáp ngắn, ngáp dài rên rỉ thèm thuốc (ở cửa hàng thường bán thuốc cho giáo viên vào đầu tháng theo tiêu chuẩn). Thế là các chàng hút vung vít. Đường về thị xã thì xa, nắng còn đỡ, mưa thì trơn trợt, xe một cầu cũng nghiêng ngã quay vòng, nên ai cũng ngại về. Đến cuối tháng ít ai còn thuốc, anh nào dè xẻn thì cuối cùng cũng chia năm xẻ bảy, còn lại thì là nhịn thèm. Khương hít hà . 
- Trời ơi thèm thuốc quá, giờ mà có “dế” cũng quý (dế là đuôi thuốc còn thừa vứt đi). 
Nhìn Vĩnh, Khương và các giáo viên nam thảm hại thế. An cười hấp háy. 
- Ai gọi An bằng chị An cho. 
Khương chồm lên. 
- Gì thế An ? Thuốc hả ? Thiệt không ? Để Khương gọi cho : Chị An, chị An. 
An cười vang rừng, chạy tới ba lô cầm ra một gói nhỏ và xấp pơ luya mỏng. Khương chụp lấy và hét toáng. 
- “Dế” - “Dế muôn năm”, “An muôn năm”. An ơi ! Khương muốn hôn... 
Khương khựng lại. An dang tay cung nấm đấm chờ sẵn. Vĩnh hỏi : 
- “An tìm đâu ra thế ?” 
- An đâu có tìm, mấy ngày đầu tháng, mấy anh hút có khi gần hết, có khi nửa điếu vứt lung tung. Cứ sáng sáng quét phòng họp là an nhặt cất. Thỉnh thoảng phơi nắng cho khỏi mốc, bây giờ mấy anh mới có hút đó. 
Đám giáo viên nam cùng reo lên : “An tuyệt vời” 
An cười to hai má hồng lên, mắt long lanh. 
Mọi người bắt đầu cặp đôi An và Vĩnh, hai người chỉ cười. 



Đêm bên ánh lửa bập bùng. An ngồi đan áo len cho học trò nhỏ nhất lớp mà An yêu quý, lúc ở trường thấy An tháo len nhờ Vĩnh quấn vòng quanh lưng ghế rồi cột lại đem giặt. Vĩnh hỏi : “Sao áo đang mặc lại tháo ra”. 
An bảo : - “Lớp em có con MLõ không biết là bị bệnh gì, da vàng ệt, bụng chướng to nhưng khuôn mặt đẹp như thiên thần. Nhất là đôi mắt cô bé lạ lùng. Nhìn mình cứ như có điều gì muốn hỏi. Em thương nó lắm, sắp lạnh rồi nó phong phanh quá. 
Thấy An ngồi đan, Khương cũng lại nhìn An cắm cúi, ánh lửa chập chờn, khuôn mặt An như ẩn như hiện. Khương kêu lên. 
- Bây giờ Khương thấy An như hóa thân thành loài “bướm đêm” lung linh chập chờn như cánh lá màu nâu đỏ, thôi gọi là “Dạ Điệp” đi. 
Vĩnh reo lên : 
- Ừ “Dạ Điệp’ “Bướm Đêm” “Dạ Điệp”, gọi An là Dạ Điệp của Vĩnh và Khương nhé.

Từ đó thành thói quen, thấy An ôm giỏ len đến bên đống lửa là hai anh xà tới, nhìn An thoăn thoắt đan. Vĩnh hỏi : 
- An biết bài thơ “Tiễn đưa” của Tôn Nhan Duật không ? Anh thích mấy câu : 

Chàng mặc áo nhung này: 
Thiếp vì chàng mới may 
Thiếp dù xa chân ngựa 
Tơ lòng theo chàng bay.

Khương kêu lên : 
- Lạc đề rồi mày ơi! An cho học trò, đâu phải cho mày mà “tơ lòng theo chàng bay”. 
Vĩnh tủm tỉm: 
- Thì cũng phải có lúc chứ. 
An nhìn nhanh Vĩnh rồi cúi xuống, hai má đỏ hồng.

Về lại trường, An vẫn đốt lá mỗi chiều, nhặt “dế” mỗi sáng nhưng đã có thứ tình cảm là lạ len lỏi vào trong cô. Mỗi lần Vĩnh đi họp lâu, An thấy nhớ... 

Cũng từ lúc yêu Vĩnh, An phát hiện ra một Vĩnh thứ hai, làm cô thẩn thờ. Một lần thấy sếp từ trên về. Vĩnh vồn vã, giục An và mấy chị giáo viên làm gà đãi khách. Cùng lúc có hai giáo viên của xã khác, đi từ làng biên giới ra mồ hôi nhễ nhại. Vĩnh thờ ơ, lạnh nhạt chào hỏi qua loa, rồi quay vào trò chuyện rôm rả với sếp. An thấy bất nhẫn, mời hai giáo viên vào cùng, nhưng có lẽ nhận biết. Họ từ chối đi tiếp, mà từ chỗ An đến nơi có xe thì chẳng còn làng nào có thể để họ dừng chân. 
An áy náy mãi, cô phàn nàn thì Vĩnh nghiêm khắc bảo cô còn dại lắm. 

Dần dần những tính toán thực dụng của Vĩnh làm An thất vọng. Những buổi chiều đứng nhìn làn khói trắng vươn lên An đau đáu : “Sao lại có con người sống hai mặt tài tình đến thế. Một con người lúc ôm cây đàn thì toát lên vẻ xuất thần nghệ sĩ. Một con người trong đời sống thì vụ lợi tính toán “ . 
An bắt đầu tránh né Vĩnh, cô sợ cái vẻ ân cần với cấp trên, dửng dưng với đồng nghiệp, ẩn bên trong sự trìu mến và dịu dàng, với An cô thấy Vĩnh có cái gì đó giả dối! An đau khổ dằn vặt cô biết mình yêu Vĩnh (mà người ta nói yêu là phải yêu cả cái xấu lẫn cái tốt, nhưng nếu yêu cả cái xấu tức là đồng lõa, chấp nhận?) 

Cô yêu cái dáng ngồi ôm đàn trong đêm, lập lòe điếu thuốc trên môi, còn với con người của công việc như Vĩnh, cô không thể thích nghi và chấp nhận được. Như lần dựa vào quan hệ bạn bè của An với cô cửa hàng trưởng cửa hàng biên giới, Vĩnh bảo An qua xin mua tiêu chuẩn đường, sữa, gấp đôi {dựa vào những sổ không mua tiêu chuẩn}. Tưởng sẽ mua giúp anh chị em trong trường, An vui vẻ đi mua, nhưng khi An mua về Vĩnh chỉ chia cho mọi người một số ít .Còn lại anh rủ An đem về thị xã bán kiếm lời, An nhìn Vĩnh chết lặng sững sờ. 
Từ đó trong An hình thành sự chống đối. Một lần trong cuộc họp, An phản đối Vĩnh về vấn đề quỹ học sinh, Vĩnh không muốn dùng để tu sửa trường lớp mà muốn dùng tiền đó để quà cáp liên hoan , An nói : 
- Đó là mồ hôi của học sinh, các em phải được hưởng thành quả lao động của mình, không thể lạm dụng để làm những việc vô bổ. 
Thế là xảy ra tranh cãi ầm ỹ, An nhất định bảo vệ lập luận của mình, Vĩnh đuối lý đập bàn quát tháo. Tan họp mọi người kéo nhau về, An ngồi ngây ra thất vọng đau đớn. 
Cuối hè cô học sinh bé bỏng MLõ qua đời. An như hoá đá câm lặng tuyệt vọng, đôi mắt trống rỗng vô hồn, cô nói với Khương : 
- Nếu còn chút gì níu kéo An ở lại đây là MLõ đó thôi, giờ thì hết ... 
Mùa hè qua An không trở lại trường nữa. Vĩnh thảng thốt, tìm kiếm, ân hận nhưng mãi anh không tìm thấy cô. Anh hiểu mình đã để vuột mất làn khói trắng trong hoàng hôn buổi chiều rồi, cô trong anh luôn luôn là một niềm hối tiếc! 
Rồi Vĩnh cũng có gia đình, tất cả lùi lại phía sau. Vĩnh tưởng mình đã quên.

Khương bất ngờ tìm đến. Vĩnh hơi ngạc nhiên nhưng vẫn tay bắt mặt mừng, hai người kéo nhau ra quán café gần nhà để hàn huyên. Khương cũng đã có gia đình, không hạnh phúc, chia tay, con còn nhỏ ở với mẹ. Khương bỏ dạy theo nghề nghiệp lang thang đây đó. 


Anh cũng để ý tìm An nhưng không gặp, có lần thoáng thấy bóng An chạy mưa ở cuối đường, hai bên cánh áo mưa phất phới như cánh bướm. Khương đuổi theo nhưng không kịp, cô đã mất hút, nghe Vĩnh nhắc tới An, Khương cười. 
- Dạ Điệp chứ ! lẽ ra cô ấy nên yêu tôi, tôi mới là người hợp với cô ấy, nhưng An yêu ông dù không thích nghi được với cái “Tôi” của ông, buồn thay ! 
Vĩnh cười buồn bã xót xa : 
- Ừ Dạ Điệp, cả tháng nay tối nào cô ấy cũng cho tôi nghe bài Magic Boulevard, ông có biết gì về cô ấy không ? 
- Không gặp được, nhưng biết, An không lấy chồng, vẫn yêu ông và vẫn thất vọng về ông. 
- Dạ Điệp của ông ung thư dạ dày giai đoạn cuối rồi, chắc là muốn vĩnh biệt ông đó thôi. 
- Gìờ cô ấy ở đâu ? 
- Ở đây ! trong thành phố này, An không chịu gặp ai hết. Nghe em của An nói cô ấy rất đau đớn và tiều tuỵ. An tránh né hết, nhất là ông, cô ấy bảo : “để mãi trong ông, An vẫn là cô bé Dạ Điệp của những chiều đốt lá”. 
Vĩnh im lặng, Khương cũng trầm ngâm rít thuốc. Trong họ hình như cùng vang lên giai điệu buồn dìu dịu của bài Magic Boulevard.

Hoàng Thị Viễn Du
(Cựu Học Sinh Trung Học Pleime - Pleiku)

Uống Rượu Giải Buồn



Bài Xướng: Uống Rượu Giải Buồn

Đối diện cơn buồn rót nửa ly
Lặng lờ trông khói thuốc nhâm nhi
Mở thư lười lĩnh thôi không đọc
Nhớ bậu lâu lơ chả muốn lì
tục ngữ có đi thì có lại
Thói đời cố tưởng vướng rồi phi
Cạn dòng lá thắm chưa từ biệt
Hết rượu cuối bài mắt sụp mi.


Cao Linh Tử
12.11.2015
***
Các Bài Họa:
Xin Can Bợm Nhậu
(Họa hoán vận)

Thách thức luân phiên uống cạn ly
Rượu ngon rót mãi, trổ gan lì
Khởi đầu thủ thỉ câu tâm sự
Kế đến khề khà chuyện thị phi
Đế sẵn, mồi thêm - tê buốt lưỡi
Mắt cay, đầu váng - nhạt nhòa mi
Xin can chớ có say sưa mãi
Gương xấu dành cho bọn thiếu nhi!

Phương Hà
***
Đừng Ai Cản


Thất tình rượu cứ rót đầy ly
Nốc chỉ một hơi mới thiệt lì
Bậu đã coi thường không đáng mặt
Qua đây mới thật đúng nam nhi
Chai đầy chai nữa thôi đừng cản
Chén cạn chén thêm dẹp thị phi
Uống đến khi nào quên hết thảy
Té bờ té bụi cũng vì mi.

Quên Đi
***
Tiến Tửu Tiêu Sầu


Chùn chân mỏi gối uống vài ly,
Cấm rượu con em tuổi thiếu nhi.
Chớ nhậu lai rai còn quá trẻ,
Lỡ say đổ bể chẳng nên lì.
Người đâu góc biển chân trời lạ,
Kẻ lại biệt tăm quất ngựa phi.
Tệ bạc như vôi tình lận đận,
Buồn ơi vĩnh biệt hãy chào mi!

Mai Xuân Thanh
Ngày 13 tháng 11 năm 2015
***
Uống Rượu Vì Ai???

Không là...bợm nhậu cũng cầm ly !
Gặp lại tri âm cố ráng lỳ
Mấy thuở chung bàn cùng bạn quý
Đôi khi bận bịu cảnh thê nhi
Trông mong dịp gặp người tri kỷ
Chẳng muồn cầu mơ kẻ thị phi
"Có quắc cần câu" men lúy tuý
Say tình say nghĩa bởi vì m !

Song Quang
11/15/15
***
Giải Sầu

Sầu nghiêng bình cạn rót tràn ly
Men rượu say hồng má nữ nhi
Giấc mộng tàn phai thôi vướng víu
Trái tim tan nát đã chai lì
Tình yêu chén mật bao cay đắng
Nhân thế miệng đời chuốt thị phi
Những tưởng sầu vơi sầu chất ngất
Bao giờ mắt lệ hết hoen mi

Kim Phượng

Thứ Ba, 17 tháng 11, 2015

Bài Ca Dao Về Mẹ - Thơ Lý Thừa Nghiệp - La Tuấn Dzũng Phổ Nhạc



Thơ: Lý Thừa Nghiệp 
Phổ Nhạc:La Tuấn Dzũng 
Tiếng Hát: Hương Chiều
Thực Hiện: Khúc Giang


Mùa Thu Đã Vào Thành Phố


Có lẽ ! Thu đã vào thành phố
Sao lá vàng lay nhẹ cành khô
Ong bướm hoa không chỗ nương nhờ
Nghe chút lạnh mộng mơ chờ đợi

Mùa của những buồn rơi khơi dậy
Bao lệ sầu kết đọng thành mây
Tang thương lắm nhưng gầy guộc nhớ
Tiếng tơ lòng lã lướt ngàn Thu

Vào rừng yêu rối trận sương mù
Lời thỏ thẽ mùa Thu huyền hoặc
Lắng tâm hồn mặc khải Thu xưa
Ôi đẹp quá ! Thu vừa vào phố

Vô tình cơn gió thơm vàng lá
Xào xạc lòng bóng ngã vầng trăng
Mặn nồng rơi âm thanh lá rụng
Chỉ có Thu tiếng vọng vun tình

Xin người hãy dừng tay gom lá
Để Thu vàng trãi khắp đường xa
Cả không gian cảnh quả trời yêu
Kiêu hãnh lắm mùa Thu còn đó

Vĩnh Long 19-5-2010
Lê Kim Hiệp

Đôi Hài Lá


Ta lượm lá kết hài tặng em đó
Kim nắng vàng vá víu chỉ mù sương
Ta đính thêm dấu triện của mộng thường
Khi gót ngọc làm chao rừng thu vắng

Ta đan lên cọng lá bằng sợi nắng
Nên rất vàng và ấm những đơn sơ
Sợ rừng thu dụ dỗ bóng dại khờ
Hài lá sẽ quay về dù vạn lý

Ta lén thêu một chút lòng ích kỷ
Cho đậm màu thi vị mỗi thu sang
Để thấy ta ôm ấp gót dịu dàng
Mà cứ tưởng thuôn gầy vai êm ái

Em hãy mang đôi hài bằng lá ấy
Dù rừng tàn cạn lá, hết mù sương
Dù đời mai mốt mất tên đường
Cũng một chút nồng nàn đôi chân nhỏ

Chừng rồi thu cũng cạn theo thiên cỗ
Đôi hài xưa còn chỉ nắng ngây ngô
Đã sờn đi những mũi kim dại khờ
Ta muốn vá mà buồn theo hơi thở

Hôm nay thu, lá chất đầy trên cỏ
Dấu chân người còn đọng giữa bơ vơ
Chiếc giày xưa trên năm ngón ơ thờ
Thu ngã chết lối rừng không tống biệt

Hoài Tử

Thương Nhớ Ngày Qua


Thời gian tuy biết chẳng quay về
Để có thêm lần lạc bến mê
Cái thuở dại khờ ngơ ngẩn đó
Một đời vương vấn đất hương quê

Tuy biết thời gian qua đã lâu
Mà lòng luyết nhớ đến âu sầu
Dư âm kỷ niệm hoài tha thiết
Thương quá tuổi hoa, bạc mái đầu

Thời gian ơi hỡi trở về đây
Ta sẽ nâng niu với tỏ bày
Ôm trọn vào lòng bao chất ngất
Từng ngày tô đẹp đến mê say

Thương tiếc thời gian bao ước mơ
Ngu ngơ vá vội những dòng thơ
Trao về ngày cũ ngàn dấu ái
Nhớ quá một thời tuổi ngu ngơ

Hoàng Dũng

Sáu Bước Đơn Giản Để Giữ (Đầu) Óc Minh Mẫn...

Chỉ có một bộ phận nên gìn giữ cho to lớn. Đó chính là não bộ của bạn.
Michael Roizen (left) and Mehmet Oz 

Khám phá mới nhất bây giờ để ngăn ngừa bệnh Alzheimer là vitamine D3, mỗi ngày uống 2000IU, uống liên tục tới lúc chết. 
Khám phá này đã được phổ biến rộng rãi trên thế giới. Dĩ nhiên là cách ăn uống của Mehmet Oz và BS Michael Roizen rất tốt, nhưng vitamine D3 vẫn là chính. 
Phòng bệnh Alzheimer Bài viết của hai bác sĩ Mehmet Oz và Michael Roizen

Cơ thể thiếu Vitamin D sẽ gây những bệnh...


Phòng bệnh Alzheimer ngay bây giờ 
Ăn nhiều rau và hoa quả: Rau tươi, trái cây tươi là thức ăn chính cho bộ óc 

Phúc trình mới nhất của chính phủ cho biết rằng thuốc bổ (supplements), hay thuốc chữa bệnh không giúp gì được cả trong việc ngăn ngừa bệnh Alzheimer, tức là bệnh mất dần trí nhớ, bệnh lú lẫn. Đây là căn bệnh nhiều người già bị vướng phải, như trường hợp của cựu Tổng thống Ronald Reagan. 

Nhưng, phúc trình đó lại đưa ra những bằng chứng là nếu chúng ta chịu khó tập thể dục, tỏ ra năng động, ăn uống lành mạnh, giữ cho áp huyết thấp để máu có thể đưa lên não dễ dàng, chúng ta sẽ ngăn ngừa được bệnh mất trí nhớ. 

Bản phúc trình không gỉải thích vì sao. Nhưng chúng tôi sẽ phân tích cho độc giả biết rõ: trí nhớ của chúng ta trở nên yếu kém, sự suy nghĩ trở nên loạng quạng (fuzzy) khi lớn tuổi là do ảnh hưởng gộp của nhiều yếu tố khác nhau, yếu tố chính là óc của chúng ta không nhận đủ máu đưa lên đầu, vì mạch máu bị tắc nghẽn, hay bị hở, gọi chung là vascular dementia. 
Trong cả hai trường hợp, óc của chúng ta không nhận đủ dưỡng khí (oxygen) và đường (blood sugar). 

Chúng ta có thể ngăn ngừa những rắc rối này, hay sửa chữa những trục trặc đó bằng cách giữ cho mạch máu dẫn máu lưu thông lên não bộ đuợc thông tuông dễ dàng. Điều này có nghĩa là chúng ta cần làm những gì để giúp máu bơm lên đầu dễ dàng. Phòng bệnh là biện pháp chúng ta nên làm sớm. 

1. Hoạt động thể lực giúp máu chạy đều lên óc... 


Các nghiên cứu khoa học cho thấy các cụ già trên 65 tuổi chịu khó tập thể dục ít nhất ba lần một tuầntránh được một phần ba rủi ro vướng bệnh Alzheimer. Bạn có thể làm một trong những hoạt động sau đây tùy theo sở thích của mình: đi bộ (mỗi ngày đi bộ, ít nhất 10,000 bước đi), làm vườn, hay khiêu vũ. 

2. Ăn nhiều rau và hoa quả: 
Rau tươi, trái cây tươi là thức ăn chính cho bộ óc. Trong hoa quả và rau có chứa chất “flovonoids” giúp tăng cường hệ thống ngăn ngừa độc tố. Trong một cuộc nghiên cứu, nhóm người thích ăn rau quả tươi, uống trà, cà phê, hay rượu nho, có nhiều chất “flovonoids” thường có não bộ hoạt động tốt hơn người không dùng rau quả tươi, và sự suy sụp cuả não bộ tránh được tới 10 năm. Ngoài ra, nhiều cuộc nghiên cứu khác cho thấy mỗi tuần uống vài lần nước ép từ rau quả, sẽ giúp ngừa được 76% bệnh lú lẫn. 

3. Hay ăn thực đơn của dân Địa Trung Hải: 


Gồm có rau tươi, hạt đậu (grain), dầu olive, cá, và các loại hạt (nuts) sẽ giúp áp huyết giữ ở mức tốt. 
Ăn thực đơn của dân Điạ Trung Hải sẽ giúp tránh được bệnh Alzheimer khoảng 48% . Người hút thuốc lá có nhiều rủi ro bị Alzheimer hơn người không hút thuốc đến 80%. 

4. Đừng uống rượu mạnh quá độ. 

(Tốt hơn là không nên uống dù là một giọtcũng không thấm vào môi) Uống một chút rượu có lợi cho việc gìn giữ tế bào chất xám. Nhưng uống nhiều quá lại gây ngu không thấm vào môi) Uống một chút rượu có lợi cho việc gìn giữ tế bào chất xám. Nhưng uống nhiều quá lại gây nguy hại cho đầu óc, 25% người bị bệnh mất trí nhớ dính líu đến nghiện rượu. Đàn bà chỉ nên uống rượu mỗi ngày một ly. Đàn ông đuợc uống tới hai ly.


5. Duy trì huyết áp ổn định ở mức thấp: 

Huyết áp cao có thể làm cho mạch máu trên đầu bị hở hay đứt. Chính vì vậy, các chuyên gia y tế nói rằng huyết áp cao là nguyên nhân của 50% trường hợp gây ra lú lẫn. Chúng ta hãy ráng duy trì huyết áp ở mức thấp – lý tưởng là 115/75 – bằng cách ăn uống lành mạnh, tập thể dục hàng ngày, đừng để lên cân, béo mập.Nên theo dõi mức đường trong máu. Bệnh tiểu đường là dấu hiệu báo trước có thể bị hở mạch máu đầu, chảy máu trong não, gây ra bệnh lú lẫn. 

6. Tránh đừng để bụng phệ: 

Cuộc nghiên cứu theo dõi 6,000 người đưa ra kết quả cho thấy cái bụng phệ rất hại cho động mạch chính dẫn máu về tim, và máu lên đầu. Vì thế chúng ta nên duy trì vòng bụng dưới 35 inches cho các bà, và dưới 40 inches cho các ông.

Nguyễn Minh Tâm dịch theo S.F Examiner 
Trần Ngọc sưu tầm

Thứ Hai, 16 tháng 11, 2015

Hoa Quỳnh



Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Nàng Tiên Huế


Nàng Tiên Huế ngủ say dưới ánh trăng ngà ngọc,
Giòng sông Hương: giải lụa bạc vắt ngang thân,
Cầu Tràng-tiền: mảnh lược thưa cài trên tóc,
Núi Ngự-bình: ôi vòm ngực giai nhân.


Mặt trời lên, Huế hiện hình trang lịch sử,
Nguyễn triều xưa thống nhất cả giang san,
Hoàng-thành uy nghi sừng sững dọc Hương-giang,
Lăng tẩm trang nghiêm nổi trên rừng xanh thẳm.

Huế trầm mặc, mưa rầm như bất tận,
Nhìn mưa rơi sầu lắng vọng thiên thu,
Những thành quách, đền đài, lăng mộ âm u,
Ẩn hiện cảnh huy hoàng của thời dĩ vãng.

Huế điêu tàn, Mậu-Thân tràn biển máu,
Những mồ chôn tập thể xác dân lành,
Huế vươn mình cho cuộc sống hồi sinh,
Nhưng dấu ấn kinh hoàng chưa mất hẳn.

Huế ngày nào, tung bay tà áo trắng,
Của bày tiên Đồng-Khánh tóc thề,
Giữa những chàng trai Quốc-học si mê,
Tay sách cặp nhưng hồn theo gió cuốn.

Huế mùa Thu, ngô đồng hồng tím nở,
Màu nhớ nhung lưu luyến lúc chia tay,
Trời hoàng hôn lơ lửng áng mây bay,
Chuông Thiên-mụ du hồn xa cõi tục.


Màn đêm xuống, thuyền trăng rời bến mộng,
Êm đềm trôi trên làn nước lăn tăn,
Huế ngàn năm ấp ủ giấc thiên thần,
Cho Từ-Thức quên đường về dương thế.


ChinhNguyen/H.N.T. 

 June 3/2013



Thói Quen Thường Nhật

Từ lâu lắm rồi tôi có thói quen có chi dùng nấy, ai cho cứ dùng, từ thực phẩm đến y phục..nói chung mọi thứ mọi sự, ai hỏi nói gì cũng ừ cả, cành hoa hồng tôi thích trong nắng sớm, tôi nói đẹp quá, chụp hình, người bạn kế bên bảo hoa hồng xấu quá, rằng tui nói xạo. Tôi bằng lòng ừ có lẽ vậy…Cũng như thói quen chiều tối thắp hương niệm danh hiệu Phật cùng Bồ Tát, chiều tối ra sao thì sớm mai bước khỏi mùng làm vệ sinh xong là cũng y vậy, song có thêm hồ sơ đính kèm là cà phê, trà, uống ngồi xếp bằng dưới nền nhà. Tôi thắp hương thì chỉ hai bộ pyjama thay nhau, thắp hương xong thì cởi ra. Hôm rồi con gái út hỏi tôi .

- Con muốn mua cho ba bộ đồ để thắp nhang cho đàng hoàng (hai bộ pijama cũng nó mua cho tôi), ba thích màu nào

- Trắng, đen, lam, nâu cũng được, thôi thì màu lam đi, nhớ bằng vải cô tông cho chậm hôi vì như con biết ba mặc 1 bộ cả tuần mới thay (mặc dù hai ngày giặt một lần)

Quả tình xế sáng hôm sau nó mua cho tôi 1 bộ bảo ba mặc thử xem vừa không, nếu không vừa con đem đổi lại.
Vậy là tôi có được 3 bộ chỉ để thắp hương sáng chiều, bộ sau theo phong cách cư sĩ cho nên hơi khó cài nút, mặc cũng tiện lắm, mời em cháu trong nhà cùng các bạn xem buổi dùng cà phê sáng của tôi và vài động tác tạm gọi thể dục sau thời cà phê.















Trương Văn Phú

Bạn Cũ


Bạn Cũ

Gặp người xưa góc phố
Ô hay! sao quá già
Người nhìn ta mắt trố
Cũng lộ vẽ xót xa!

Mailoc
CaLi hè 2015
***
Bạn Cũ

Tiếng đàn nơi cuối phố
Giọng hát hành khất già
Người Lính cũ hôm qua
Đau xót bạn trời xa…

Kim Oanh
***Bạn Cũ

Lạ bước chân quen về phố cũ
Gặp người hồi ức quậy trời xưa
Bốn mươi năm đã trông biền biệt
Tay bắt mặt mừng sa lệ mưa

Kim Phượng

Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2015

Rừng Thu


Thơ: Khánh Hà
Thơ Tranh: Kim Oanh

Tờ Nội San Năm Cũ


Được quyết định làm thành viên trong Hội đồng giám khảo, tôi về Sở Giáo Dục để chấm thi. Suốt thời gian chấm thi, cô Tuyết Vân bận rộn công việc nơi Phòng Khảo thí nên không nhìn thấy tôi gật đầu chào. Buổi chấm thi cuối cùng, cô vẫn còn bận rộn công việc, tôi đành ngồi ngoài băng ghế đá đợi chờ.

Hơn ba mươi năm trước, cô Vân là giáo sư hướng dẫn (Giáo viên chủ nhiệm) của lớp tôi. Lúc đó, cô dạy môn Văn học. Trong những giờ ngoại khoá, cô thường mang những tác phẩm hay ra phân tách và chỉ bảo cách hành văn. Chúng tôi rất thích sáng tác. Trong sổ tay, nhật ký hoặc lưu bút đều ngập tràn những vần thơ hoặc tuỳ bút. Đó là những áng thơ văn ngây ngô chân chất của tuổi học trò. Lớp tôi rất tích cực tham gia làm tờ Nội san của trường và có rất nhiều bút danh cầu kỳ mà lãng mạn: Nguyên Thuỷ, Thương Hoài Phương, Kha Trường An, Thuỷ Cúc… Bạn bè trong trường thường gọi đùa lớp Đệ Tứ Ba (Lớp chín ba) là lớp của những nhà văn tương lai. Trong cuộc thi Bích báo toàn trường năm ấy, lớp tôi chiếm giải nhất. Cuối năm học, chúng tôi bịn rịn chia tay và chuyền nhau lưu bút. Quyển sổ bìa cứng hai trăm trang cũng chi chít chữ. Có vài đứa nước mắt chảy ngọt ngào khi đọc dòng lưu bút của nhau. Chứng kiến cảnh ấy, cô cứ lặng im cho tình bạn chúng tôi dâng đầy lớp học. Khi biết cô nhìn, những bạn đang khóc mắc cỡ quay mặt, vội lau nước mắt. Cô không khóc, nhưng ánh nhìn long lanh ngấn nước. Lúc ấy, cô đẹp lạ thường, ý nghĩ non nớt của một đứa học trò lớp Đệ Tứ cho rằng ai xây dựng gia đình với cô sẽ hạnh phúc lắm vì cô là một người có tình cảm hết sức bao la. Ý nghĩ đó được giấu kín trong tôi. Sau một phút lắng lại, cô nói:
- Người viết văn hay phải có một tình cảm chân thật. Tình cảm ấy sẽ làm cho cái tâm của nhà văn chấp cánh… Cô hết sức cảm động trước tình bạn chân thật của các em.

Bất ngờ, cô đưa ra một đề nghị:
- Tại sao các em không làm một tờ nội san cho lớp mình trước khi chia tay mùa hạ? Những gì các em viết trong lưu bút, cô thấy rất hay. Nếu câu cú chưa hoàn chỉnh hay thiếu mượt mà thì cô sẽ tiếp sức biên tập cho các em, có sao đâu?

Các bạn quay lại nhìn tôi thăm dò ý kiến. Làm tờ nội san không dễ dàng đâu, nào là tiền giấy, tiền mực, công in ấn… Thay mặt lớp, tôi đứng lên thưa:
- Thưa cô, chúng em …không có tiền.

Cô Vân tươi cười :
- Mỗi em bỏ ra một ít. Ai có nhiều bỏ ra nhiều, ai nghèo quá thì “miễn phí”. Cô và các em cùng bỏ công ra thực hiện tờ nội san. Sau cùng, nếu còn thiếu tiền, cô sẽ cho…

Cô vừa dứt lời, tiếng pháo tay nổ giòn trong lớp học. Ngày hôm sau, tôi và vài bạn giỏi văn của lớp ôm một xấp bài đến nhà cô để được chỉ cách biên tập. Trong những ngày ấy, chúng tôi học rất nhiều phương pháp hành văn, biết thêm cách phát triển một ý tưởng trở thành tứ thơ như thế nào. Cô cho biết người làm thơ, viết văn hay phải biết bộc lộ những tình cảm chân thành trong sáng nhất của mình vì thơ văn là tiếng nói của trái tim nhân ái…
***
Trong lúc miên man nhớ lại những ngày còn đi học, ánh mắt tôi không rời khỏi cửa Phòng Khảo thí. Như đáp lại nỗi đợi chờ của tôi, cô bước ra. Tôi vội vã đến bên cô:
- Thưa cô! Cô vẫn khoẻ?

Cô ngước nhìn tôi, ánh mắt vẫn long lanh như ngày ấy:
- À…Hiệp! Sao lâu nay các em không đến nhà cô chơi?

Hơn ba mươi năm trời tôi mới nghe lại được giọng nói thân thương và đầm ấm ấy. Cô hỏi, làm tôi lúng túng. Lẽ ra chúng tôi nhớ và đến nhà cô như những ngày làm tờ nội san. Mười năm đi dạy, tôi không nhớ tên của một đứa học trò, không tạo được một không khí ấm tình thầy trò như cô đã tạo. Giống một đứa trẻ phạm tội bị bắt gặp, tôi chỉ biết cúi đầu nói lí nhí trong miệng:
- Xin cô tha lỗi…

Cô nhìn tôi mỉm cười:
- Các em không có lỗi.(Cô nhìn xa xôi, và nói như đang độc thoại) Hiện nay con người phải vật lộn với cuộc sống để lo cơm, áo, gạo, tiền… những kỷ niệm đẹp thường bị bỏ quên trong ký ức.

Sợ khó gặp lại cô, tôi vội hỏi thăm chỗ ở, mới hay trong ngôi nhà của ba mươi năm trước, có một người phụ nữ chưa lập gia đình khi mái tóc đã nhuốm màu bụi phấn vì còn nặng nợ cưu mang những đứa cháu mồ côi.

Ngày đầu tiên tôi được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cho góp phần vào tuyển tâp thơcủa tỉnh, tôi nhớ quyển đặc san năm ấy, cảm thấy ngày xưa mình làm thơ quá đỗi ngu ngơ, rồi mắc cỡ cho những bài viết của thuở học trò. Tôi mang tuyển tập thơ vừa xuất bản đến nhà tặng cô, cô rất vui khi đón nhận. Cô bảo tôi ngồi chờ một chút, rồi lặng lẽ đi vào trong mở chồng sách cũ. Cô đưa tôi xem một tập giấy quay Ronéo rất quen thuộc, đó là Nội san lớp Đệ tứ 3. Cô nói:
- Có lẽ quyển Nội san nầy đã mở đường cho em có tác phẩm hôm nay.

Tôi lặng người vì mình không còn giữ được quyển nội san năm cũ.

Ngoc Hiệp

Sáng Chủ Nhật


Bài Thơ Xướng:
Sáng Chủ Nhật


Sáng nay à chủ nhật
Thu rớt lại màu thương
Chim hót ngoài cành mận
Người đi lễ giáo đường
Hoa ngâu vàng ánh nắng
Nguyệt quế nhẹ làn hương
Độc ẩm trầm tư nhớ
Chung trà khói vấn vương.

Cao Linh Tử
***
Bài thơ Hoạ:

Giấc Ngủ Sáng Chủ Nhật


Đạp xe sáng chủ nhật
Phố vắng thấy mà thương
Bao người say giấc điệp
Lười biếng chẳng ra đường
Một tuần làm vất vả
Cuộc đời chưa lên hương
Thì thôi, nhờ cõi mộng
Quên hết mọi sầu vương.

Phương Hà
***
Hoạ Liên Hoàn Đảo Vận

Tiễn Em
Chung trà khói vấn vương
Thoang thoảng nhẹ mùi hương
Tiễn bạn về ban sớm
Đưa em đến cuối đường
Vắng rồi sao thấy nhớ
Còn lại nỗi thân thương
Chợt giật mình nghe lạnh
Cô đơn giữa màn sương

Quên Đi
***
Biết Bao Ngày Chủ Nhật


Cô đơn giữa màn sương,
Khôn ngăn nỗi cảm thương
.Nhòa bóng người cuối nẻo,
Vẳng tiếng chuông giáo đường.
Tiếng cầu kinh nho nhỏ,
Bóng khuất dáng thoảng hương
Biết bao ngày Chúa Nhật,
Biết bao nỗi vấn vương!!!

Đỗ Chiêu Đức

Lấp Lánh Hạt Sương Mai


Làm quen khách khí nói khiêm nhường,
Thăm hỏi ân cần cũng dễ thương.
Đồng khí tương cầu luôn giữ lễ,
Đồng thanh tương ứng họa thơ thường.
Anh em bốn biển thân bằng hữu,
Bè bạn năm châu cũng vấn vương...
Ví phỏng thâm giao tình gắn bó,
Nhược bằng lấp lánh giọt như sương !

Mai Xuân Thanh
Ngày 29 tháng 07 năm 2015

Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2015

Cáo Phó Của Gia Đình Nhạc Sĩ Anh Bằng

Cáo Phó 


Gia đình chúng tôi vô cùng đau buồn kính báo tin cùng thân bằng quyến thuộc và bạn hữu:
Chồng, Em, Anh, Cha, Ông của chúng tôi:
Ông Giuse Trần An Bường ( Nhạc Sĩ Anh Bằng)
Sinh ngày 5/5/1926, tại Nga Sơn Thanh Hoá
Đã an nghỉ trong Chúa vào lúc 8:55 tối Thứ Năm ngày 12/11/2015 
(nhằm ngày 1 tháng 10 năm Ất Mùi) tại tư gia, thành phố Orange Hill, California
Hưởng thọ 90 tuổi

Linh cửu được quàn tại: Westminster Memorial Park (Lakeside Chapel)
14801 Beach Blvd Westminster, CA 92683

Chương trình tang lễ:
Thứ Năm 19/11/2015
9:00- 9:45 AM: lễ phát tang tại nhà thờ t. Barbara
Chương trình thăm viếng tại Westminster Memorial Park:
Thứ Năm 19/11/2015:
10:00 – 10:30 AM: nghi thức làm phép xác
10:30 Am- 8:00 PM: thăm viếng và cầu nguyện
Thứ Sáu 20/11/2015
10:00 Am- 8:00PM: thăm viếng và cầu nguyện
Thứ Bảy 21/11/2015:
1:30PM: thánh lễ an táng tại nhà thờ St.Barbara (730 S Euclid st. Santa Ana CA 92704)
Sau thánh lễ linh cửu được đưa về nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa Trang Chúa Chiên Lành 
(8301 Talbert Ave. Huntington Beach CA 92646)

Tang gia đồng kính báo

Vợ: bà quả phụ Trần Thị Khiết
Chị: bà quả phụ Trần Tấn Mùi và con, cháu, chắt
Em: Ông Bà Trần Văn Luật và con cháu
Trưởng Nam Trần An Thanh, vợ Nguyễn thị Cẩm Linh và các con: 
Trần An Peter (cháu đích tôn), Trần Brittany, Trần Carolyn
Thứ nữ Trần Thy Vân và các con Trần David, Jonny Bạch, James Bạch
Con dâu: bà quả phụ Trần Ngọc Sơn nhũ danh Ngô thị Thuỳ Mỹ và con Trần Tuấn Kiệt
Cáo phó này thay thế thiệp tang (xin miễn phúng điếu)

Điện thoại liên lạc: Asia: 714 636 6594, SBTN: 714 636 1121, Trúc Hồ: 714 713 4825
Xin kính Đức Hồng Y, Quí Đức Cha, Quí Cha, Quí Sơ, Quí tu sĩ nam nữ, quí hội đoàn
và thân bằng quyến thuộc hợp ý cầu nguyện cho linh hồn Giuse Trần An Bường sớm hưởng Nhan Thánh Chúa

(Khiếu Long chuyển tin)

Thương Tiếc Nhạc Sĩ Anh Bằng - Trầm Vân


Thơ:Trầm Vân 
Thơ Tranh: Đỗ Công Luận


Thơ: Du Tử Lê 
Phổ Nhạc:Anh Bằng 
Tiếng Hát:Tuấn Ngọc

Mùa Xuân Trở Lại



Bài Xướng: Mùa Xuân Trở Lại

Ta muốn nhuộm xanh chiếc lá vàng
Cho mùa trở lại tiết xuân sang
Chồi non mơn mởn trong sương sớm
Hạt phấn bay bay giữa gió ngàn
Ríu rít tiếng chim như điệu hát
Bổng trầm lời gió tựa cung đàn
Tâm hồn tươi trẻ, lòng xao xuyến
Bắt gặp từ em... tia liếc ngang

Phương Hà
( Mùa thu 2015 )
***
Bài Họa: Mơ Xuân Dịu Dàng

Thu - Đông cúc trổ cánh bông vàng,
Mơ ước trời Xuân thấp thoáng sang.
Lá biếc hồng dơm hoa búp nụ,
Cành xanh đào mận gió mây ngàn.
Chim muông oanh én vờn quanh hót,
Gà vịt trâu bò tiếng gọi đàn.
Mục tử sáo diều nghe sảng khoái,
Liếc nhìn thục nữ chuyến đò ngang.

Mai Xuân Thanh
Ngày 07 tháng 11 năm 2015
***
Mùa Xuân Không Trở Lại

Còn đâu màu nắng tóc hong vàng
Mỗi sáng rộn lòng ta liếc sang
Bỡ ngỡ chiều kia nơi Phật tự
Nao nao dáng cũ bóng mây ngàn
Từ khi phượng thắm thôi hoa rụng
Cũng lúc cung thương bặt tiếng đàn
Xuân lỡ nâu sòng thay áo cưới
Hững hờ đuôi mắt niệm xen ngang

Cao Linh Tử
8.11.2015
***
Bởi Thu

Hôm qua cúc nở sắc phơi vàng
Ngơ ngác thì ra thu đã sang
Cảnh mới văn nhân thêm ý lạ
Chủ đề thi phú với cây ngàn
Rồi đây có kẻ thêm mơ mộng
Thả lỏng hồn theo mấy phím đàn
Cô gái tôi yêu giờ chẳng biết
Mừng vui hay tiếc lỡ sang ngang.

Quên Đi
***
Mùa Thu Boston - Montreal


Rừng phong hiu hắt lá thu vàng 
Ai khoác đủ màu áo đẹp sang 
Ven núi chập chùng đèo dốc thẳm 
Trong mây rã rượi cánh chim ngàn 
Từng không lơ lững như sương khói 
Tiếng suối trong veo ngỡ tiếng đàn 
Chiều xuống tuyết rơi đường trắng xoá 
Trước đèn nai đứng bỗng băng ngang 

Mailoc
Cali 11- 7 - 15
***
Tiếc Xuân


Tìm đâu trở lại ánh xuân vàng
Ngắm bóng hoàng hôn lặng lẽ sang
Dõi cánh chim chiều bay khuất dáng
Nhìn vầng mây bạc tản xa ngàn
Khúc tiêu ai oán sầu ly khách
Điệu nhạc mênh mang xoáy tiếng đàn
Nhớ mảnh tình côi phiêu vất vưởng
Thương đời lẻ phận chuyến đò ngang!

Nguyễn Đắc Thắng
2015.11.09
***
Mơ Xuân


Dạo phố khoe xuân áo lụa vàng
Nhìn em tha thướt dáng kiêu sang
Đưa tay anh vẫy-xiêu chân hạc
Liếc mắt bậu nghinh-đổ lá ngàn
Năm tháng khuất sâu người lạc lối
Hằng đêm thao thức kẻ xa đàn
Mơ xuân ngày ấy đâu như mộng…
Thu sắc nhuộm thêm cảnh trái ngang

Thái Huy
11-09-15
***
Mơ Xuân Xưa

Không thể nhuộm xanh lá đã vàng,
Vào đông sao lại muốn xuân sang?!
Tiêu điều cây cỏ cành trơ trụi,
Vắng vẻ chim muông tuyết ngút ngàn.
Cám cảnh đông nay sầu cách biệt,
Nhớ xuân năm ấy khóc lìa đàn .
Còn đâu cảnh sắc xuân xưa cũ?
Con mắt đuôi dài, ai... liếc ngang!!!

Đỗ Chiêu Đức
***
Mơ Một Trời Xuân


Hơi Thu lạnh lẽo lá phong vàng
Mơ ước ngày Xuân sớm bước sang
Để thấy trời xanh chim én liệng
Rồi nhìn mây trắng giữ non ngàn
Mai Đào khoe sắc bên rừng vắng
Nước suối reo vui tợ tiếng đàn
Thôi ráng chờ Xuân vài tháng nữa
Hết Thu rồi lại đến Đông tàn

Song Quang
***
Cánh Hoa Vàng


Dòng xưa bến cũ cánh hoa vàng
Tiếc nuối một đời lỡ bước sang
Phận mỏng dập vùi theo sóng nước
Duyên hờ chôn chặt gửi mây ngàn
Quê nhà đất khách không chung lối
Én bắc nhạn nam chẳng họp đàn
Một chút tình riêng trời cố xứ
Má hồng tủi phận chuyến đò ngang

Kim Phượng
***
Xuân Tha Hương


Nhác thấy cây xanh trổ lá vàng
Thế là Thu đến đón Xuân sang
Quên sao đất nước còn xa tít
Chợt nhớ quê hương mãi ngút ngàn
Lửa hận vui gì còn hát xướng
Lòng buồn oán hận cả cung đàn
Mùa Xuân đến với em yêu dấu
Thoáng thấy thương rồi sao bỏ ngang

Lý Tòng Tôn
Lancaster mùa đông 2015
***
Bài Cảm Tác: Cung Thương Nhịp Lệch Xuân Tàn

Chiều phai gom nắng hoen vàng
Nghe buồn lặng lẽ mùa sang cuối trời
Con thuyền lạc bến chơi vơi
Hồn chênh vênh giữa trùng khơi bạc ngàn
Hải âu cất tiếng gọi vang
Sóng hờn âm oán khảy đàn thở than
Cung thương nhịp lệch xuân tàn
Thuyền neo bến lạ rẽ ngang dòng đời

Kim Oanh

Nửa Đêm Nhớ Bạn


Bỗng nhiên nhớ thằng bạn thân
Nửa chừng bỏ cuộc mãn phần đi xa
Từ khi mái dột sau nhà
Chôn chân tuổi trẻ ngọc ngà oằn vai.

Tủi hờn gởi gió ngàn bay
Mộng chinh nhân lụi, tàn phai cuộc đời
Bốn mươi năm sống cầm hơi
Mõi mòn gãy cánh rong chơi một mình.

Bạn đi gió cũng lặng im
Trùng khơi cánh nhạn, bóng chim cũng ngừng
Ngày xưa đạp núi băng rừng
Bây giờ hồn phách chập chùng chân mây.

Bạn ơi nâng chén rượu đầy
Tâm tình chưa cạn trăng gầy bóng nghiêng
Bỏ qua thế sự lụy phiền
Cùng nhau gói trọn niềm riêng mưa nguồn.

Đêm nay mưa nhẹ thật buồn
Mong người bạn cũ linh hồn siêu thăng!

Dương Hồng Thủy

Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2015

Mời Họp Mặt Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp NK 62-69



Anh Chị thân mến,

Theo thường lệ, năm nay ngày họp mặt Khối lớp của chúng ta lần thứ 7, sẽ được tổ chức vào lúc 10 giờ 30 phút, Chủ nhật ngày 06-12-2015, tại nhà hàng Thiên Tân (gần Đài Phát Thanh&Truyền Hình Vĩnh Long), đường Phạm Thái Bường, phường 4 thành phố Vĩnh Long. 
Trân trọng kính mời Anh, Chị đến dự tại địa điểm và ngày giờ nêu trên. Sự hiện diện của Anh, Chị sẽ làm tăng thêm niềm vui trong buổi gặp gỡ này.

Thay Mặt Nhóm Tổ Chức, chúc Anh, Chị cùng Quý quyến dồi dào sức khoẻ.
    Thân Chào
Huỳnh Hữu Đức

* Mọi thắc mắc xin liên hệ:

- Hoàng Thị Thơ : số điện thoại 01244662424

- Lê Ngọc Điệp : Số điện thoại 0918066445

- Hoàng Xuân Khải : số điện thoại 01247589015
                               Email : hxkhai@gmail.com

- Huỳnh Hữu Đức : số điện thoại 0942332776
                           Email : namvat@yahoo.com