Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2015

Cây Phong - Cô Ba *


(Bonsai của Lê Kim Thành)
Cây Phong - Cô Ba(*)

Mới vừa ra ngõ gặp Cô Ba,
Chẳng lẽ là cô ghé lộn nhà
Tà áo phập phòng hương xứ lạ
Gió nào đưa đẩy khách đường xa?

Lê Kim Thành

(*)2 cây phong này là giống của Nhật.Cây trong chậu lớn thì chỉ biết mặt mà chưa biết tên,cây trong chậu nhỏ là Sango Kaku - Coral Bark Maple .Chữ Cô Ba được gợi ý từ chữ Coral.
***
Anh Tư ơi,

Hôm nào anh Tư rảnh, viết về cách Bonsai cây cho em nối gót anh. Hồi còn đi học em thần tượng anh quá trời, nên ảnh hưởng ít nhiều.
Bây giờ cho em ảnh hưởng về cây cảnh để em điền viên tuổi già.
Hôm nay anh vừa gặp Cô Ba, em sẽ họa Chị Ba cho anh xem thử nghe.

Chị Ba

Sắc nước hương trời ấy Chị Ba
Như hoa mỹ quyến điểm tô nhà
Nâng niu chăm sóc người quân tử
Lụy khách đa tình nức tiếng xa

Kim Phượng
***
Anh Tư ơi, em thì lí lắc hạng nhì sau cậu em Út nhà mình. Em thích chọc cười trong gia đình lắm. 
Ngày xưa bên cạnh nhà mình có Bà Ba. Để nhớ về ngày xửa cho em làm vài câu thơ vui nha anh Tư.

Bà Ba

Hôm xưa ra ngõ gặp Bà Ba  

Nức tiếng nhỏng nhẻo cạnh bên nhà

Mỗi lần ông Sáu mời sang quán (*)  
" Dạ có em " vang vọng tự đàng xa

Hi...hi...hi....Nhớ Bà Ba thiệt nhe.....
Kim Oanh
(*) Quán càfé của Bác Tám đối diện nhà mình



Bắt Chước Trương Vô Kỵ


Bắt Chước Trương Vô Kỵ

Gã Trương* cầm cọ nói yêu nàng
Ta cũng xin từ bỏ kiếp hoang
Điểm một đường cong thon dáng liễu
Tô hình mắt sáng đậm môi chàng
Đao Đồ* gợn sóng tràn bờ mộng
Kiếm Ỷ* ngang mày bước nữ lang
Kết sự diễm tình qua mạng ảo
Say lòng Quận chúa* giấc mơ vàng.

Nguyễn Đắc Thắng

20150724
* Giáo chủ Minh giáo Trương Vô Kỵ và Quận chúa nhà Minh Triệu Mẫn. Hai nhân vật chính trong truyện Đao Đồ Long – Kiếm Ỷ Thiên

***


Tuấn tú họ Trương có khối nàng,
Ai thương Vô Kỵ giỏi đi hoang.
Kẻ mày mặt ngọc đào tơ liễu,
Đậm nét son môi đẹp thiếp chàng.
Sắt lạnh Đồ Long đao, vỡ mộng,
Ỹ Thiên kiếm báu phái nữ lang.
Hơn thua tài sắc tình hư ảo,
Quận chúa Triệu Minh, giấc mộng vàng...

Mai Xuân Thanh
Ngày 29 tháng 07 năm 2015

Cư Xử Thế Nào Với Những Kẻ Ghét Mình Cay Đắng?


Trong một ngôi chùa cũ nát, sau khi tiểu đệ tử cứ phàn nàn than vãn hoài không ngớt, vị lão hòa thượng hỏi một câu đã giúp cậu bừng tỉnh: “Chăn bông sưởi ấm cho người hay là người sưởi ấm cho chăn bông?”…

Trong một ngôi chùa cũ nát, tiểu hòa thượng chán nản thất vọng nói với lão hòa thượng:“Trong cái chùa nhỏ bé này chỉ có hai hòa thượng chúng ta, lúc con đi xuống núi hóa duyên, mọi người đều là nói những lời ác với chúng ta, còn thường xuyên gọi con là hòa thượng hoang. Họ cho chúng ta tiền hương khói càng ngày càng ít đến thê thảm”.

Tiểu hòa thượng nói tiếp: “Hôm nay con đi khất thực, trời lạnh như vậy mà không có một ai mở cửa cho con, đến cơm bố thí cũng được ít. Chùa Bồ Đề chúng ta muốn thành một ngôi chùa ngàn gian, tiếng chuông vang xa không ngớt như Sư Phụ nói, con e là không thể”.

Lão hòa thượng khoác lên mình chiếc áo cà sa không nói lời nào, chỉ nhắm mắt lại lẳng lặng nghe, tiểu hòa thượng cứ nói và cằn nhằn liên miên…

Cuối cùng lão hòa thượng mở mắt to hỏi: “Bây giờ bên ngoài gió bấc thổi mạnh, lại có băng tuyết ngập trời, con có thấy lạnh không?”.

Tiểu hòa thượng toàn thân run rẩy nói: “Con lạnh, hai chân con đều tê cóng cả rồi!”.
Lão hòa thượng nói: “Vậy chi bằng chúng ta đi ngủ sớm đi”.

Lão hòa thượng và tiểu hòa thượng tắt đèn chui vào trong chăn ngủ.
Một giờ sau, lão hòa thượng hỏi: “Bây giờ con có thấy ấm không?”.
Tiểu hòa thượng trả lời: “Đương nhiên là con thấy ấm rồi, giống như ngủ dưới ánh mặt trời vậy!”.
Lão hòa thượng nói:
“Khi nãy, chăn bông để ở trên giường là lạnh, thế nhưng khi có người nằm vào lại trở nên ấm áp. Con thử nói xem, là chăn bông sưởi ấm cho người hay là người sưởi ấm cho chăn bông đây?”.

Tiểu hòa thượng nghe xong liền nở một nụ cười nói: “Sư phụ, người thật là hồ đồ đó, chăn bông làm sao có thể sưởi ấm cho người được, phải là do con người làm chăn bông ấm lên mới đúng chứ!”.

Lão hòa thượng hỏi: “Chăn bông đã không cho chúng ta sự ấm áp lại còn cần chúng ta đi sưởi ấm nó, như thế thì chúng ta còn đắp chăn bông làm gì?”.

Tiểu hòa thượng nghĩ nghĩ một lát rồi nói: “Mặc dù chăn bông không sưởi ấm cho chúng ta, nhưng chăn bông dày lại có thể giữ hơi ấm cho chúng ta, khiến cho chúng ta ngủ được thoải mái”.

Trong bóng tối, lão hòa thượng hiểu ý cười cười: “Chúng ta là hòa thượng tụng kinh rung chuông, chẳng phải là giống người nằm dưới chăn bông? Còn những chúng sinh kia chẳng phải họ là một cái chăn bông dày đó sao? Chỉ cần chúng ta một lòng hướng thiện, thì chiếc chăn bông lạnh như băng kia cuối cùng cũng sẽ được chúng ta sưởi ấm. Lúc đó “cái chăn bông” dày kia cũng sẽ biết giữ ấm cho chúng ta. Chúng ta ngủ trong “cái chăn bông” như vậy, chẳng phải rất ấm áp sao? Ngôi chùa ngàn gian, tiếng chuông chùa ngân vang không ngớt, còn có thể là trong mơ được sao?”

Tiểu hòa thượng nghe xong liền bừng tỉnh mà hiểu ra hết.

Bắt đầu từ ngày hôm sau, tiểu hòa thượng đều dậy rất sớm đi xuống núi hóa duyên. Tiểu hòa thượng cũng vẫn gặp phải những lời ác như trước đây. Thế nhưng tiểu hòa thượng trước sau gì đều giữ vững thái độ nho nhã và lễ độ đối xử với mọi người.

Mười năm sau…

Chùa Bồ Đề đã trở thành ngôi chùa có diện tích hơn 10km, có rất nhiều hòa thượng, khách hành hương tới không ngớt. Tiểu hòa thượng cũng đã trở thành vị sư trụ trì.

Kỳ thực trên thế giới này, chúng ta đều là đang nằm trong chăn bông, người khác chính là chăn bông của chúng ta. Khi chúng ta dụng tâm đi sưởi ấm chăn bông thì chăn bông cũng sẽ giữ ấm cho chúng ta.
Ngủ…đắp…cả một đời, vậy mà hôm nay mới biết…
Hóa ra mối quan hệ giữa người và chăn bông là như vậy, thật là có đạo lý phải không?

Mailoc Sưu tầm

Mùa Thu Này


Mùa hè đã hết
Những đoá hoa phượng tím
Lần lượt rơi rụng hết
Vườn nhà tôi
Cây maple lá cũng đổi mầu
Em thương à,
Ở nơi này...
Tôi cũng có một góc nhỏ mùa thu

Ở Cali không có thu vàng
Nhớ, nhớ quá đỗi mùa thu trời Đông Bắc
Muốn nhìn lại dẫy núi đầy mầu sắc
Lá đủ mầu tím,hồng, vàng, cam, đỏ
Có những chú thỏ nhẩy nhót chạy tung tăng
Tối mùa thu mình cùng ngắm nhìn trăng
Trăng thu đẹp, em ơi trăng đẹp lắm!

Muốn nghe lại tiếng lá khô gẫy vụn
Chân dẫm lên thảm lá đã khô vàng
Tôi và em mình dạo bước lang thang
Đời sống đẹp mơ màng, tình lãng đãng

Mùa thu….
Mùa lá vàng rơi rớt!

Mùa thu này, tôi muốn đến thăm em
Gặp lại em -rừng lá vàng- khả ái
Tôi ra đi nhiều năm, giờ trở lại
Lỗi tại ai sao xa cách nghìn trùng?
Phút tương phùng chắc mình vui ghê lắm
Em bảo rằng em vẫn đợi chờ tôi

Tôi quen em mùa thu xưa năm ấy
Em thẹn thùng còn bé bỏng ngây thơ
Muốn tỏ tình nhưng sao lòng không nỡ
Để em ngoan, thần tiên tuổi ngù ngờ

Mùa thu này tôi đến thăm em nhé
Mình ngồi ôn, nhắc lại chuyện ngày xưa
Có một người yêu em mà chẳng nói
Mùa thu này tôi sẽ nói em nghe

Hãy chờ tôi, mùa thu này em nhé!
Lâu lắm rồi, tôi mới gặp lại em!
Ngày hội ngộ, chắc là vui ghê lắm
Lá vỗ tay, mừng hạnh phúc êm đềm

Như Nguyệt

Thứ Năm, 5 tháng 11, 2015

Vết Trăng Trên Cỏ


Thơ & Thơ Tranh: Kim Oanh

Hương Xưa


Tôi về tìm lại hương xưa
Một cành hoa tím thời chưa biết buồn
Về đâu ánh mắt hoàng hôn
Về đâu suối tóc gió luồn bờ vai
Thướt tha màu tím trang đài
Áo xưa dao động hồn ai dại khờ
Giọt tình nhỏ xuống thành thơ
Suối mơ róc rách tôi chờ cố nhân.

Biện Công Danh
*Hình phụ bản của chính tác giả chụp

Trách Ai - Cái Nhìn Nồng Ấm


Bài Xướng:
Trách Ai


Mười sáu tròn trăng chẳng biết buồn
Hoa chưa hẹn bướm để yêu đương
Một ngày bắt gặp tia lưu luyến
Tron buổi mơ màng nỗi vấn vương
Rồi sáu khắc mong...ngong ngóng đợi
Và năm canh nhớ...ngẩn ngơ hờn
Trách ai hờ hững không quay lại
Để trái tim này ngập nhớ thương.

Phương Hà
***
Bài Hoạ:
Cái Nhìn Nồng Ấm


Năm lên mười sáu chẳng lo buồn,
Nhảy nhót vui đùa tính đảm đương.
Chơn chất thơ ngây còn bắt bướm,
Hồn nhiên ánh mắt chút tơ vương.
Năm canh mộng tưởng quên buồn ngủ,
Sáu khắc chờ mong tự dỗi hờn.
Thương nhớ ơ hờ thương nhớ mãi,
Cái nhìn nồng ấm bạn thân thương.

Mai Xuân Thanh

Thứ Tư, 4 tháng 11, 2015

Tình Sầu

Tình sầu tôi hái dâng người

Thơ & Thơ tranh: An Nguyen

Milly Ou La Terre Natale - Alphonse De Lamartine(1790 - 1869)


Milly Ou La Terre Natale  

( Trích 2 câu cuối của bài thơ)

Objets inanimés!
Avez-vous donc une âme?
Qui s ‘attache à mon âme,
Et la force d’ aimer.

Alphonse De Lamartine
***
Các Bài dịch:

Hỡi những vật vô tri kia đó 
Nói cho ta mi có hồn không?
Nào hay cái vẽ lạnh lùng 
Mà tình mi cột tận cùng hồn ta!

Mailoc 
Santa Fe Srings 22-10-15
***
Có hồn chăng vật vô tri kia hỡi?
Tâm linh này lụy bỡi tình yêu mi!

Kim Oanh 
Melbourne23-10-2015

***
Có hồn không vật vô tri???
Nói cho ta biết.Sao mi lạnh lùng!
Lòng ta lưu luyến vô cùng
Tình mi đã côt bóng hình với ta

Song Quang
***
Vật Vô Tri

Ôi những vật vô tri vô hận
Phải linh hồn đang ẩn bên trong
Khiến ta xao xuyến nơi lòng
Một tình sâu đậm mãi không phai nhoà.

Quên Đi
***
Hỡi vật vô tri, ta muốn hỏi
Có hay chăng một cõi linh hồn?
Cùng ta chia sẻ vui buồn
Tâm tư vương vấn bồn chồn nỗi yêu.

Phương Hà 
***
Vật thể vô tri mi có biết ?
Không ai hiểu rõ có hồn không
Làm thinh tưởng bở rằng thân thiết
Sao nỡ đan tâm buộc chặt lòng

Mai Xuân Thanh

Ngày 07/08/2017

Có Hôm Như Thế


Có Hôm Như Thế.

Một bửa lang thang đón nắng mai
Mặt trời đỏ ối ở chân mây
Nhẩn nhơ đếm bước chân quanh quẩn
Thơ thẩn viết bài thơ tỉnh say
Ngắm chiếc lá vàng rơi xuống suối
Nghe con chim nhỏ hót trên cây
Cố vui trọn kiếp đời phiêu bạt
Trả nợ trần gian lắm đọa đày!

Anh Tú
October 20, 2015
***
Đừng Buồn

(Từ Có Hôm Như Thế của Anh Tú)

Đừng buồn chào đón buổi ban mai
Hạnh phúc đi về như đám mây
Ngày mới hãy vui cho sức khỏe
Đêm đen chợp mắt tỉnh đừng say.
Đừng lo rau mác vươn hồ rộng
Chằn nghịch ốc cao đứng đọt cây
Có lúc bão về …không chỗ đáp
Thê lương thể xác bị lưu đày!

Dương hồng Thủy


Những Ý Nguyện Cuối Cùng Của Alexander Đại Đế


Những ý nguyện cuối cùng của Alexander Đại Đế khi sắp chết. Ngài Alexander Đại Đế cho triệu tập các quan trong triều đình đến để truyền đạt ba ý nguyện cuối cùng của mình. Ngài phán rằng:
1- Quan tài của ngài phải được khiêng đi bởi chính các vị ngự y (bác sĩ)giỏi nhất của thời đó.
2- Tất cả các báu vật của ngài (vàng, bạc, châu báu, …) phải được rải dọc theo con đường dẫn đến ngôi mộ của ngài, và…
3- Đôi bàn tay của ngài phải được để đong đưa ra khỏi quan tài để cho mọi người đều thấy.

Một vị cận thần của ngài, rất đổi ngạc nhiên về những điều yêu cầu kỳ lạ này, và đã hỏi ngài Alexander lý do tại sao ngài lại muốn như thế.

Ngài Alexander đã giải thích như sau:

#1. “Ta muốn chính các vị ngự y (bác sĩ) giỏi nhất phải khiêng quan tài của ta để cho mọi người thấy rằng khi phải đối mặt với cái chết, thì kể cả bác sĩ tài giỏi nhất trần gian cũng không có khả năng cứu chữa được.”

#2. “Ta muốn kho báu của ta rải đầy mặt đất trên đường tới mộ ta để cho mọi người thấy rằng của cải, tài sản mà ta gom góp được ở trên thế gian này, sẽ mãi mãi ở lại trên thế gian này...”

#3. “Ta muốn bàn tay của ta đong đưa cùng gió, để cho mọi người thấy rằng chúng ta đến với thế giới này, với hai bàn tay trắng và khi rời khỏi thế giới này, chúng ta cũng chỉ có hai bàn tay trắng sau khi tài sản quý báu nhất của chúng ta cạn kiệt, và nó là THỜI GIAN!

Chúng ta không đem xuống mồ được bất kì thứ của cải vật chất nào được. Thời gian là tài sản quý báu nhất bởi vì nó có giới hạn. Chúng ta có thể tạo ra nhiều của cải vật chất, nhiều kho báu nhưng chúng ta không thể tạo ra thêm thời gian!

Khi chúng ta dành thời gian cho một ai đó, thực ra chúng ta cho đi một phần cuộc sống của ta mà chúng ta không thể nào lấy lại được.

Phạm Khắc Trí sưu tầm

Tư Tưởng Của Triết Học Phật Giáo


Đạo Phật có phải là một tôn giáo hay không? Đó là một câu hỏi chưa ai có lời giải đáp cụ thể khi đạo Phật ngày nay được xem là một trong những tôn giáo lớn nhất thế giới; và đã đóng vai trò vô cùng quan trọng cũng như chịu sự ảnh hưởng trong bối cảnh lịch sử và văn hóa của truyền thống tôn giáo và triết học Đông phương.

Do nhà hiền triết Shakyamuni (Thích Ca Mâu Ni) 566-480 trước Công nguyên sáng lập. Từ khởi nguyên, Phật Giáo là một tôn giáo chủ trương không có Thượng Đế, không có một linh hồn bất tử, không có giáo điều, không có ai ngự trị trong cái gọi là định mệnh của mỗi con người, cũng như không có một nguyên động lực nào làm chủ dòng vận hành của đời sống, ngoại trừ nguyên lý Duyên khởi. Trong quan điểm của đạo Phật, không ai khác hơn là con người cá thể, con người chính nó phải chịu trách nhiệm về những hậu quả tất yếu của tư duy và hành động của chính mình!

Trên căn bản này, cái gọi là “tôn giáo” đối với Phật Giáo thật ra chỉ là một lớp áo tín ngưỡng được sáng tác bởi người đời sau, dựa trên căn bản của niềm tin về luân hồi, nhân quả, nghiệp báo…; cũng như sự bất khả tri về những vấn đề vượt ngoài tầm nhận thức của con người! Song yếu tính tôn giáo của đạo Phật được biểu hiện chính là ở chỗ sự tôn thờ, lòng thành tín và cầu nguyện của tín đồ đối với đức Phật, những lời dạy cùng với những đồ đệ thánh thiện của Ngài, nhằm xây dựng niềm phúc lạc vững bền cho tự thân và tha nhân.

Phật Giáo không phải là một tôn giáo nếu như người ta cho rằng tôn giáo là một sự tuân phục một cách mù quáng vào một giáo điều mà không cần xem xét lại sự chân xác của giáo điều đó! Nhưng nếu người ta xét đến ngữ nguyên của từ “tôn giáo” có ý nghĩa là “cầu nối”, thì Phật Giáo có liên quan đến những nguyên lý siêu hình cao nhất! Phật Giáo cũng không loại bỏ niềm tin, nếu như ta hiểu niềm tin như là một sự tin mộ sâu xa và không gì lay chuyển được sự nảy sinh từ sự khám phá ra chân lý nội tại. Và sau cùng, Phật Giáo cũng không phải là một giáo điều, bởi vì khi còn tại thế, đức Phật đã luôn luôn nói rằng mọi người cần phải xem xét lại lời dạy của Ngài, phải tư duy về nó và không bao giờ chấp nhận nó do lòng kính trọng Ngài!

Đạo Phật là đạo giác ngộ. Nếu như Đạo được định nghĩa là con đường và Phật là giác ngộ, thì đạo Phật là con đường đưa đến giác ngộ. Do đó, tư tưởng triết lý của Phật Giáo không gì khác hơn là kinh nghiệm chứng ngộ, một loại kinh nghiệm không ai có thể trao truyền cho ai, mà mỗi người phải tự mình thể hiện. Nói cách khác, thay vì người ta phải dùng đức tin, hoặc là bất khả tri, hoặc là vào một ngôi vị Thượng Đế để đổi lấy tư tưởng của một tôn giáo nào đó, thì đạo Phật đã chủ trương dùng trí tuệ, sự nỗ lực và kinh nghiệm cá nhân (hay kinh nghiệm chứng ngộ) để đạt đến mục tiêu: ánh sáng của sự giác ngộ!

Hà Nguyên
12/6/2013

Thứ Ba, 3 tháng 11, 2015

Mưa Trên Phố Huế - Minh Kỳ - Tô Thị Thu Cúc

Đây là giọng hát của người bạn thân,không thể tin được dù ở tuổi U 60 giọng ca nghe như là người hát còn rất trẻ như là ca sĩ nhiều người đã nghe và cảm nhận như vậy với giọng hát U 60 này

Sáng Tác: Minh Kỳ
Tiếng Hát: Tô Thị Thu Cúc
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Cám Ơn


Hạnh Phúc…

Đêm đêm thương Má nhớ Ba
Ghì trăng ôm ấp bóng sa thật gần
Ngỡ ngàng vời áng phù vân
Với theo nguyệt lặn mắt lần luyến lưu
Hạnh phúc thoáng chốc phù du
Lan nhanh trong lớp sương mù bao quanh

Kim Oanh   
30-10-2015     
***                             
Bài Họa: Cám Ơn

(19-tháng 9 Âm Lịch – Năm Ất Mùi)

Cám ơn Em nhớ giỗ Ba
Trăng non mười chín tưởng xa mà gần
Đời người như áng phù vân
Ân Cha nghĩa Mẹ ngàn lần luyến lưu
Ba về một thoáng phù du
Ba đi để lại sương mù phủ quanh.

Dương Hồng Thủy
(02/11/2015)

Ánh Mắt


Bài Xướng: Ánh Mắt

Tròn trăng mười sáu chẳng vấn vương
Không thèm nói đến chuyện yêu đương
Giờ đây em thấy tim rung động
Ánh mắt ai kia ngắm bên đường

Đêm về tim cất lời thổn thức
Thấy ghét chao ôi ánh mắt nhìn
Ngày lại ngày qua lòng ray rức
Len lén tìm xem ánh mắt đâu

Miệng nhủ không nhưng lòng mong đợi
Ánh mắt ai kia đến mỗi ngày
Chả ai bảo sao lòng nhơ nhớ
Ánh mắt ơi mười sáu đợi chờ...

Quên Đi
***
Bài Họa:

Năm Em Mười Sáu

Năm em mười sáu sợ tơ vương,
Trinh trắng khoan thai tính đảm đương.
Má ngọc dịu dàng xinh vóc dáng,
Dọc dừa chiếc mũi, bước ra đường.

Gặp nhau chẳng nói sao thầm nhớ,
Ánh mắt " người ta " vẫn cứ nhìn.
Thấm thoát thời gian trôi lặng lẽ,
Êm đềm để ý " cái nhìn " đâu !

Thiếu nữ chân tâm mơ " ánh mắt " !
Bâng khuâng gặp gở " ảnh " bao ngày.
Sao ta lại nhớ thương " ai " đó,
Đồng cảm giao thoai " ánh mắt " chờ ...

Mai Xuân Thanh
Ngày 23 tháng 10 năm 2015
***
 Xin cho mượn Ý mượn Lời để viết lại bài " Ánh Mắt của Quên Đi" cho vui nhé!

Ánh Mắt Ai

Mười sáu chửa vấn vương,
Chưa biết chuyện yêu đương.
Bỗng ngày kia rung động...
Ánh mắt ai bên đường !
Đêm về nghe thổn thức,
Chập chờn ánh mắt nâu.
Ngày ngày lòng thấp thỏm,
Lén tìm... ánh mắt đâu ?!
Dửng dưng, lòng mong đợi,
Ánh mắt kia mỗi ngày.
Chợt vắng, lòng nghe nhớ...
Đợi chờ... ánh mắt ai !!!

Đỗ Chiêu Đức
***
Ánh Mắt

Khi tuổi tròn trăng chửa vấn vương
Lòng tôi nào biết chuyện yêu đương
Cùng em đi học bằng xe đạp
Ánh mắt lo toan choán nẻo đường!

Chẳng ai phạt vạ chẳng ai nhìn
Hai đứa ngang tàng lại nín thinh
Ánh mắt liếc nhìn qua vũng nước
Xe đò bắn mạnh mới hồn kinh!

Chẳng ai hò hẹn để chờ mong
Lại thấy bâng khuâng rộn cõi lòng
Ánh mắt can giờ cùng tới lớp
Gọi là trùng hợp … thế là xong!

Nguyễn Đắc Thắng
20151026

Thứ Hai, 2 tháng 11, 2015

Không Lẽ - Thơ Nguyện Hạ & Ân Nguyễn - Ân Nguyễn Phổ Nhạc



Thơ An Nguyen & Nguyệt Hạ
Phổ nhạc & trình bày: An Nguyen

Nâng Niu Cánh Mộng


Ta mơ một thoáng gió heo may
Giọt nắng tơ vương ngọn liễu gầy
Một cánh hoa vàng trên cỏ biếc
Một mùa thu muộn trở về đây


Một đóa tin yêu ngày hội ngộ
Một trời hy vọng buổi chia tay
Hiệp khách dừng chân bên gác trọ
Cùng ta đối ẩm mái hiên ngoài


Tiếng mưa có não lòng tri kỷ
Thì xin một chén cũng là say
Bước khẽ cho mùa không trở giấc
Nâng niu cánh mộng kẻo mù bay


Hỡi ơi một thoáng dư hương cũ
Bỗng chập chùng xô động tháng ngày

( Trích trong tuyển tập Quê Hương Ngàn Dặm II -  Anh Vân thực hiện)
Thụy Khanh
3-6-1989


Ngồi Quán Ở Milton


(Gởi anh chị em văn nghệ, đêm café ở Brisbane)

Như một góc đời thu nhỏ lại
Một góc cà phê quán mở khuya
Mời nhau nhắp thử buồn năm cũ
Nghe gió bao la biển bốn bề

Vàng những trang đời nay giở lại
Chỉ thấy bên sông sóng chập chùng
Mùa đi để hẹn mùa chưa đến
Mây cứ bay hoài núi đứng trông

Khi biết yêu người câu lục bát
Trái tim đặt dưới lá trầu, cau
Tình đem mưa mới về sân nắng
Mát nụ duyên đời má lúm sâu

Như một góc đời thu nhỏ lại
Buồn vui đất lạ hết đêm này
Ai cũng có dòng sông trong đáy tách
Uống mỗi lần mỗi thấy bóng ta say

Đêm chưa cạn hết ngàn trang cũ
Quán khách khuya về ta với nhau
Mỗi một trang đời như mưa nặng
Hạt trước rơi buồn nhớ hạt sau..


Lâm Hảo Khôi

Bệnh Gây Mù Mắt


image
Đôi mắt là cửa sổ của linh hồn, mù mắt là điều đáng sợ nhất. Có 3 căn bệnh đưa đến sự mù mắt là bệnh cườm khô (cataract), bệnh cườm nước (glaucoma) và bệnh suy thoái võng mạc (A.M.D: age related macular degeneration)
Lutein và zeaxanthin - nhóm các carotenoids, là 2 chất chống oxy hóa (antioxidants) đối với các gốc tự do (free radicals) tàn phá các tế bào, giúp chống lại các bệnh về mắt khi ta về già. Ngoài sự bảo vệ đôi mắt, 2 chất này còn giúp trợ tim và bộ não khỏe mạnh. 
Hai chất này không có ở trong cơ thể mà phải do thức ăn và dinh dưỡng đem đến, có nhiều trong rau và trái cây. Chất lutein tạo thành màu vàng của trái bắp và lòng đỏ trứng gà.


1. Bệnh cườm khô (cataract)


Mắt cườm khô là khi thủy tinh thể của con mắt bị mờ dần cho đến khi trắng xóa, gây mù mắt. Cũng giống như lòng trắng trứng gà, nếu đun sôi thì từ từ sẽ biến từ thể lỏng sang thể đặc, ánh sáng không xuyên qua được.
Thủy tinh thể được cấu tạo bằng chất đạm (protein) trong đó chứa lutein và zeaxanthin, tuy rằng không nhiều bằng ở trong võng mạc. Những ai thường xuyên hấp thụ 2 chất này sẽ giảm được bệnh mắt cườm khô.

Bệnh mắt cườm là so sự hấp thụ tia hồng ngoại tuyến (ultra violet) của ánh mặt trời, do đó nên đeo kính mát là cách để ngăn chận sự hấp thụ này.
Bệnh mắt cườm còn là bệnh của tuổi già, nhưng nguyên nhân chính là do “free radicals” mà ra. Người ta khám phá ra rằng có từ 40 đến 50 căn bệnh con người đều do free radicals gây nên. Người tuổi già từ 65-74 thì 23% sẽ bị mắt cườm và nếu từ 75 trở lên, con số là 50%. Người bị bệnh tiểu đường có cơ nguy bị bệnh cườm khô sớm hơn là người thường

Phòng chống:
Nên cữ hút thuốc, uống rượu, tránh tia X rays khi chiếu điện.

Sau đây là những sinh tố giúp chống bệnh cườm khô:
Sinh tố A (cần từ 25.000 đến 50.000 U) mỗi ngày, 
Sinh tố B1, B2, B5 tức B complex 50mg mỗi ngày, 
Sinh tố C 3000mg uống 4 lần một ngày, 
Sinh tố E 400 I.U mỗi ngày, 
Zinc 50mg không quá 100mg mỗi ngày.

Ngoài công hiệu bảo vệ đôi mắt, chất lutein còn ngăn lượng LDL tức là chất cholesterol xấu tăng và bám vào thành mạch máu, giảm sự lưu thông của máu dẫn đến bệnh tim và stroke. Lượng lutein còn giúp tăng sự hoạt động của não bộ, chống được sự tàn phá của ánh nắng mặt trời trên làn da và ung thư da. 
Chữa trị: Bác sĩ nhãn khoa sẽ làm lỏng thủy tinh thể bằng lutein vibration, sau đó hút hết ra và thay thế bằng một contact lens. 

2. Bệnh suy thoái võng mạc (A.M.D age related macular degeneration)

Trên võng mạc có một điểm giúp ta nhìn thật rõ chi tiết đó là điểm macula. Điểm này khi ta về già thường bị suy thoái dẫn đến mù mắt do gốc tự do. Điểm macula cần rất nhiều 2 chất lutein và zeaxanthin, nên càng về già phải cung cấp 2 chất này cho đầy đủ.
Thí nghiệm cho thấy những người già dùng 10mg lutein mỗi ngày giảm bệnh này rất nhiều. Ngoài ra nên ăn nhiều rau xanh như rau bó xôi (spinach), broccoli, rau cải (bok choy).

3. Bệnh cườm nước (glaucoma)

Bệnh này do áp suất trong mắt từ từ tăng lên làm hư hại dây thần kinh mắt gây sự mù lòa, nếu không chữa kịp thời. Bệnh có thể xảy ra từ từ (kinh niên) hoặc nhanh chóng (cấp tính). Bệnh xảy ra sau tuổi 60 có thể sớm hơn từ 40 tuổi, do thiếu dinh dưỡng, stress và bệnh tiểu đường.

Áp suất trong mắt khác với áp suất trong mạch máu. Triệu chứng gồm có mắt mờ, mắt nhìn hạn hẹp (tunnel vision), nhức mắt, buồn nôn, mắt đỏ.

Chỉ có BS nhãn khoa mới định được bệnh này. Cách chữa dùng thuốc nhỏ mắt như timolol maleate làm giảm áp suất, có người phải nhỏ suốt đời. Nếu không thuyên giảm, một ngày nào đó bệnh trở thành cấp tính, áp suất tăng quá cao, nước trong mắt không có lối thoát phải đưa đi cấp cứu để chữa trị bằng tia laser nếu không sẽ bị mù tức khắc.

Cách ngăn ngừa:




Nên ăn rau trái, ăn nhiều hạt nguyên chất, ít dùng chất béo, tránh uống cà phê, rượu, thuốc lá.
Dùng thêm sinh tố A, B1, C, alpha lipoid acid, khoáng chất như chromium, magnesium, zinc, lecithin fatty acids, ginkgo biloba, bilberry chống quáng gà lúc chập tối (các phi công thời đệ nhị thế chiến hay dùng bilberry để nhìn rõ lúc bay phi vụ ban đêm).
Ngoài ra có chất pycnogenol lấy từ vỏ cây thông giúp mạch máu nuôi con mắt là một chất chống oxy hóa các gốc tự do.

Tóm lại, phòng bệnh hơn trị bệnh, các cụ có thể ngăn ngừa các bệnh về mắt nếu dùng thêm lutein và zeazanthin cùng các sinh tố kể trên. Tất cả đều tìm thấy ở trong bột gạo lức mà giờ đây chưa có thức ăn thiên nhiên nào sánh bằng.

Tran Ngoc sưu tầm

Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

Thơ Tranh: Tìm Về


Thơ: Quên Đi
Thơ Tranh: Huỳnh Hữu Đức

Cát Bụi Hư Không


Thân già, cát bụi trôi xuôi
Sống như tầm gởi ngậm ngùi lưu vong.
Hợp tan cõi mộng đèo bòng,
Sắc không trần tục dặm hồng Đông phương.
Nhìn quanh số kiếp vô thường,
Cũng đành đi hết đoạn trường cô đơn.
Chiều Thu sóng biển giận hờn,
Nước buồn cau mặt quyện tròn vô minh.
Cát bồi trơ bãi tội tình,
Ta như cằn cỗi vận hành hư không.
Chín tầng ngũ sắc cửu trùng,
Dương gian bất hạnh ước mong thành người!

Mai Xuân Thanh
Ngày 25 tháng 08 năm 2015

Lãm Thúy Tìm Kiều


Vườn Thúy sang thăm thấy cảnh nhà
Lau thưa rèm nát ngõ then hoa
Chung quanh lặng ngắt không ai tới
May có làng giềng rảo bước qua
Tự sự tỏ tường ngành ngọn hết
Não lòng thảm cảnh nói không ra..
Tỏ đường tìm đến nơi cư ngụ
Mới biết nàng Kiều chuộc tội Cha

Thái Hanh Viên Ngoại

Sài Gòn Ơi Tôi Còn Em Đó - Trường Sa -Thùy Dương

Bài hát là nỗi lòng của những ai đã bỏ Sài Gòn ra đi, bỏ lại người yêu. Sống xứ người mà lúc nào cũng nhớ về quê hương, nhớ đến nao lòng, nhất là nhớ đến người con gái mình đã từng yêu thương, và ước có một ngày sẽ về lại Sài Gòn để gặp lại người yêu, để cùng dạo bước trên những con đường khuya lạnh vắng, con đường của kỷ niệm ...


Sáng Tác: Trường Sa
Ca Sĩ: Thùy Dương
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

Happy Halloween 2015 - Gordon Bell High Shool - Canada

Phượng Trắng và hai học trò Jaren,Sheldon, hóa trang vui đón Ngày Halloween tại Trường Gordon Bell High Shool - Canada




Phượng Trắng

Halloween


Halloween cuối tháng mười chơi,
Tục lệ Hoa Kỳ mới lạ đời...
Địa ngục, nhện giăng màng, bí đỏ,
Trần gian mồ mả, cú chim dơi...
Trẻ thơ quần áo đen ma quỉ,
Người lớn làm trò khỉ chọc cười.
Giả cảnh sa tăng đi dạo phố,
Khắp nơi huyền ảo kẹo ngon mời...

Mai Xuân Thanh
Ngày 26 tháng 10 năm 2015

Đêm Mơ Halloween


Đêm mơ Halloween
Ta dự lễ hội đêm
Anh hóa trang quỉ dữ
Em hóa trang nàng tiên

Anh nhe răng hù dọa
Đôi mắt ngó dữ dằn
Em vẫn điềm nhiên hát
Giang đôi cánh thiên thần

Lời ca ngát yêu thương
Vòng qua ngõ thiên đường
Xua tan lòng bão tố
Trời sực nức hương thơm

Răng nanh anh bỗng rụng
Lòng anh bỗng hiền hòa
Ta cầm tay trìu mến
Hát những lời tình ca

Giấc mơ về lối cũ
Có bóng em đứng chờ
Tóc dài bay theo gió
Tiếng chim hót ngu ngơ

Giấc mơ về góc phố
Ta chia chung ly kem
Nhâm nhi bờ môi ngọt
Ngọt biết bao giờ quên

Giấc mơ chiều lỗi hẹn
Em nũng nịu bắt đền
Anh nghiêng vai ghé xuống
Nụ hôn ngất ngây tim

Mơ dồi dập phong ba
Bỗng anh chợt tỉnh ra
Chăn đơn xô gối lẻ
Đêm lạnh lẽo sương nhòa

Nằm hoài mong mơ tiếp
Mà có mơ thế đâu
Chỉ đầy trời bão tố
Mưa rưng rức bờ ngâu

Halloween em ơi
Anh hóa ánh trăng trôi
Em là con sông nhé
Ru thương nhớ một đời

Trầm Vân

Đông Dạ Văn Trùng - 冬夜聞蟲 Bạch Cư Dị


Đông Dạ Văn Trùng - Bạch Cư Dị

Trùng thanh đông tứ khổ ư thu 
Bất giải sầu nhân văn diệc sầu 
Ngã thị lão nhân thính bất úy 
Thiếu niên mạc thính bạc đầu quân 

Dịch nghĩa:

Đêm đông nghe tiếng côn trùng
Tiếng dế đêm đông ý tứ não nùng hơn mùa thu
Kẻ không biết buồn nghe cũng phải buồn
Ta già rồi nên nghe chẳng sợ gì 
Tuổi trẻ đừng nghe ( vì nghe thì sẽ ) bạc đầu

Dịch Thơ:
( 1 )
Buồn hơn thu tiếng dế mùa đông 
Se thắt dù ai sắt đá lòng 
Ta lão có nghe đâu ngán sợ 
Trẻ nghe đầu bạc dễ như không 

Mailoc
( 2 )
Buồn hơn thu dế đông tê tái 
Người không buồn nghe mãi cũng sầu 
Ta già nghe chẳng sợ đâu 
Tuổi xanh chớ lắng, bạc đầu như chơi 
Mailoc
***
Đỗ Chiêu Đức tham gia với các phần sau đây :
1. Nguyên bản chữ Hán cuả bài thơ Đông Dạ Văn Trùng:

冬夜聞蟲                      Đông Dạ Văn Trùng

蟲聲冬思苦於秋,      Trùng thanh đông tứ khổ ư thu,
不解愁人聞亦愁。      Bất giải sầu nhân văn diệc sầu.
我是老翁聽不畏          Ngã thị lão ông thính bất úy,
少年莫聽白君頭。      Thiếu niên mạc thính bạch quân đầu!

白居易                          Bạch Cư Dị


CHÚ THÍCH:

TỨ 思: là Danh từ, có nghĩa là : Sự Suy Nghĩ, Nỗi Nhớ Nhung, như: Lao Tâm khổ TỨ . Khi là TƯ, Động từ, thì có nghiã là NHỚ, như : Tương Tư là Nhớ Nhau .
BẤT GIẢI: Không Cởi ra được, có nghĩa là Không Hiểu .
DIỆC: là Càng, cũng như chữ Ư ở trên có nghĩa là NHƯ.
ÚY: là Kỵ, là Sợ. Bất Úy là Không Sợ, Không nhằm nhò gì! Không sao!

MẠC: là Đừng, là Chớ.

2. DỊCH NGHĨA:
Đêm Đông Nghe Tiếng Côn Trùng



Lòng ưu tư mà nghe tiếng côn trùng ri rỉ trong đêm đông thì cũng buồn khổ như là đêm thu vậy. Đâu có biết rằng người càng sầu thì nghe lại càng sầu thêm! Ta là một lão gìa nên nghe không sao, còn anh bạn trẻ thì đừng nghe, vì nghe sẽ làm cho đầu của bạn dễ bạc lắm đấy!

3. DIỄN NÔM:

Đông Dạ Văn Trùng

Côn trùng đông cũng tựa đêm thu,
Đâu biết càng nghe những gợi sầu.
Ta lão nên chi nghe chẳng ngại,
Trẻ đừng lắng tiếng dễ bạc đầu!

Lục bát:
Côn trùng ri rỉ thu đông,
Càng sầu càng thấy cỏi lòng xót xa.
Già đầu chẳng ngại thân ta,
Trẻ thôi nghe mãi dễ ra bạc đầu!

Đỗ Chiêu Đức


Vội Gì



Vội Gì


Sứ trời sớm muộn cũng kêu tên
Vội vã làm chi, cứ tự nhiên
Dạo bước, mắt nhìn phong cảnh đẹp
Gặp người, môi nở nụ cười duyên
Bạn bè gắn bó trong giao tiếp
Thơ phú vui vầy với luật niêm
Ngày tháng ung dung đầy hạnh phúc
Nam Tào có đến, đợi ngoài hiên!

Phương Hà
***
Bài họa:
Mặc Kệ

Vốn dĩ chung nguồn chẳng tuổi tên
Đầu sanh tá mẫu thuận thiên nhiên
Thân tình gầy dựng từ vô ảnh
Trọng nghĩa giao hòa tất hữu duyên
Sau trước khổ đề riêng đã mở
Vui buồn nghịch cảnh biệt còn niêm
Muộn màng sum họp Vườn Thơ Thẩn
Mặc kệ Nam Tào đợi dưới hiên.

Cao Linh Tử
3/10/2015
***
An Nhiên

Ta hả, sách trời đã có tên
Dài lâu sinh-sống cứ an nhiên
Chớ lo phú quí, lo không bạc
Đâu sợ vô duyên, sợ hết duyên
Bởi thế tấm lòng cần cởi mở
Cũng như thơ phú tháo phong niêm
Để cho sảng khoái hương thu quyện…
Với ánh trăng mơ rọi trước hiên.

Thái Huy
10-02-15
***
Đừng Vội

Đừng vội, thế nào gọi đến tên
Trăm năm rồi cũng tới đương nhiên
An nhiên tự tại mà "dzui" sống
Thiên lý hữu tình sẽ gặp duyên
Cứ mặc "vườn thơ" ta xướng họa
Cho dù "dở ẹt" viết sai niêm
Khi nào Thượng Đế cho mời gọi
Cứ để Nam Tào chực ở hiên!

Song Quang

***
Vội Gì


Trăm tuổi đến ngày cũng gọi tên
Còn vui còn hưởng tự an nhiên.

Mặc tình Thần Chết toan đòi mạng,
Kệ quỷ Vô Thường muốn dứt duyên
Xướng họa cứ vui thơ lại thẩn,
Thi ca mặc sức luật rồi niêm.
Ngày qua ngày cứ hồn nhiên sống,
Phớt tỉnh "Ăng-Lê", nhậu trước hiên!!!

Đỗ Chiêu Đức