Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

Les Feuilles Mortes - Lá Chết

  
Oh! je voudrais tant que tu te souviennes
Des jours heureux où nous étions amis
En ce temps-là la vie était plus belle,
Et le soleil plus brûlant qu’aujourd’hui.

Les feuilles mortes se ramassent à la pelle
Tu vois, je n’ai pas oublié...
Les feuilles mortes se ramassent à la pelle,
Les souvenirs et les regrets aussi.

Et le vent du nord les emporte
Dans la nuit froide de l’oubli.
Tu vois, je n’ai pas oublié
La chanson que tu me chantais.

C’est une chanson qui nous rassemble
Toi, tu m’aimais et je t’aimais
Et nous vivions tous deux ensemble
Toi qui m’aimais, moi qui t’aimais.

Mais la vie sépare ceux qui s’aiment
Tout doucement, sans faire de bruit
Et la mer efface sur le sable
Les pas des amants désunis.

Les feuilles mortes se ramassent à la pelle,
Les souvenirs et les regrets aussi
Mais mon amour silencieux et fidèle
Sourit toujours et remercie la vie.

Je t’aimais tant, tu étais si jolie,
Comment veux-tu que je t’oublie?
En ce temps-là, la vie était plus belle
Et le soleil plus brûlant qu’aujourd’hui

Tu étais ma plus douce amie
Mais je n’ai que faire des regrets
Et la chanson que tu chantais
Toujours, toujours je l’entendrai!

Jacque PréVert
***
Lá Chết


Chuyện chúng mình chắc em còn nhớ
Đôi bạn tình từ thuở thiếu thời
Tháng năm thật đẹp trong đời
Nay vầng dương ấm đã rời còn đâu


Lá vàng úa nát nhầu từng đống
Anh còn mê ôm mộng ngày nao
Lá khô lại cứ gom vào
Mơ về kỷ niệm ngọt ngào luyến thương


Gió cuốn trôi gió phương bắc thổi
Đêm rét về lạnh mỗi riêng ta
Nhớ lần em đã ngân nga
Làm sao quên được bài ca gieo tình


Lời ca ấy đưa mình gần lại
Chuyện lứa đôi ước mãi kề bên
Cầu cho hạnh phúc vững bền
Đôi ta đắm đuối bỏ quên tháng ngày


Làm sao biết đời này suôn sẻ
Luôn chia lìa những kẻ đang yêu
Ví như biển cả sớm chiều
Âm thầm xoá hết bao điều cát lưu


Từng bước mỏi sầu ưu đeo nặng
Lá úa vàng lại lặng lẽ rơi
Tiếc thương kỷ niệm chẳng rời
Yêu nhau thầm hứa một lời thuỷ chung


Ôi cuộc sống vô cùng hạnh phúc
Nàng diễm kiều cuốn hút hồn ta
Sao em lại muốn anh xa
Thời gian tươi đẹp mặn mà bên nhau


Nắng sáng hồng mai sau khó thể
Em dịu hiền anh để vào tim
Tình ca đâu đã dễ tìm
Như bài hát cũ nào im trong lòng


Quên Đi phỏng dịch

Tiếc Nuối - Thơ Hồng Thúy - Phổ Nhạc: Nguyễn Tuấn



Thơ Hồng Thúy 
Phổ Nhạc: Nguyễn Tuấn
Tiếng Hát: Lâm Dung
Trình Bày: Nguyệt Nga

Gửi Về Em


Tôi nhớ về em dáng nụ cười
Từ ngàn xa cách ủ bờ môi
Đêm trao kỷ niệm đầy nhung nhớ
Mơ phút tương phùng bước sánh đôi!

Cho dẫu trao nhau vạn triệu lời
Vẫn dành chân thật - một lời thôi
Từ trong sâu thẳm còn phong kín
Để phút thiêng liêng gặp mặt người!

Ta vẫn đi chung giữa cuộc đời
Hai phương cùng ngắm áng mây trôi
Hai chân cùng bước đường thu hẹn
Hòa nhịp tim rung sóng vượt trời!


Nhìn ráng chiều vương sắc rạng ngời
Từ miền xa thẳm vạn trùng khơi
Gửi vần thơ cảm nương làn sóng
Để tiếng lòng hòa mãi chẳng thôi!


Nguyễn Đắc Thắng
20150921

Hỏi Elm*


Hỏi Elm*(Em)

Hỏi Elm*,em có thuận tình
Anh về nổi trận trống đình báo tin
Trống rền, tre trúc rung-rinh
Bà con lối xóm nói mình xứng đôi!

Lê Kim Thành
*Cây Elm này giống của Mỹ và Nhật
***
Elm Thưa!

Hỏi Elm em chửa đồng tình
Mà anh chiên trồng linh đình loan tin
Nhưng lòng ước võng đến rinh
Quay quần hai họ ta mình sánh đôi!

Lê Thị Kim Oanh 
***
Một thân đứng giữa cõi đời
Cội già lá vẫn như thời xuân xanh
Bao năm tỉa ngọn uốn cành
Vẽ Elm thành một bức tranh tuyệt vời

Khánh Hà
***
Duyên Elm

Niềm đau chẳng nói nên lời
Chim lồng cây chậu một đời dỡ dang
Đành thôi ý thiếp tình chàng
Đành thôi phận bạc lỡ làng duyên Elm

Lê Thị Kim Phượng 
***
Duyên Phận Không Thành

Không trỗ hoa lấy gì khoe sắc
Dẫu xuân thời nhặt gió lá lay
Uốn mình! Elm chăm chút men say
Mới hay lạt lẽo...suốt đêm dài....!!!

Lê Kim Hiệp




Bonsai: Lê Kim Thành
Thơ Cảm Tác Từ Ảnh: Lê Kim Thành, Khánh Hà, Kim Phượng, Lê Kim Hiệp, Kim Oanh

Vào Thu

Một hôm bổng bắt gặp trên con đường hằng ngày thả bộ có nhiều chiếc lá còn tí màu xanh lăn lốc dưới chân, thời tiết dịu hơn và bầu trời hình như thấp xuống. Cuối nhặt một chiếc lá màu đẹp nhất, lá rơi mà vẫn đẹp làm sao, nâng niu trong tay, ngắm nghía với những ý nghĩ lan man sinh diệt của vạn vật …

Biến đổi không ngừng, nhiều hay ít. Có những biến đổi li ti mắt mình không thấy ngay nhưng trải qua một thời hạn nhất định nào đó một sự vật ta thấy khác xưa. Xấu hơn, đẹp hơn là một sự đánh giá tương đối tùy thuộc từng người.
Kìa những hàng cây xanh lá bây giờ lác đác điểm xuyết sắc màu…

Mùa thu trở lại. Mùa thu buồn. Mùa thu lãng mạn nên thơ. Bốn mùa tôi thích hết, "ba phải" chăng? Cũng chẳng sao! Dỉ nhiên tôi …mê thu! Tôi thấy hao hức trong lòng, ham sống để mỗi năm còn được ngắm thu, cả xuân, hạ và đông.

So sánh đời người như tứ thời, nếu vậy thì tôi bước đến ngưởng cửa …chờ trở về cát bụi như vào thu để rồi đến đông giáp vòng tuần hoàn, sợ hải chăng? Không sợ ... vì sau đông là mùa xuân sẽ đến. Kiếp người là những chuyến viển du.
Và có những sự việc ngoài tầm quyết định của mình thì tại sao lo lắng? Cứ vui và sống tới.

Khi phượng rụng tàn hết bông
Ve đà im tiếng nắng hồng nhạt phai
Mặt trời lặng sớm từng ngày
Lá chờ thu đến đổi thay sắc màu.

Vòng quay trời đất ngọt ngào
Nghe quanh có tiếng thì thào cỏ cây
Đôi khi mây xám tầng mây
Mưa thu rơi nhẹ ngất ngây cõi lòng.

Đồng hồ gỏ nhịp thong dong
Đời người trôi nổi theo dòng thời gian
Ngại chi sinh diệt lo toan
Ngoài tầm …hãy để bình an tâm hồn.

Đợi thu từng phút bồn chồn
Chờ từng chiếc lá màu … xôn xao lòng.
Ưu phiền trước nếm đã xong
Tuổi vàng vui …chớ bỏ công đất trời!

Anh Tú
September 17, 2015

Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Thủy Điệu Ca Đầu - Bính Thìn Trung Thu Tô Đông Pha (1037 - 1101)

Trung Thu Bính Thìn năm 1076, nhà thơ Tô Đông Pha, ở nơi lưu đầy ,một mình ngồi uống rượu đến sáng, nhớ đến Tử Do, người em ruột và còn là người bạn thơ, mà làm ra bài từ này. Gần 1000 năm sau, một đêm trước Trung Thu Ất Mùi 2015, một nhà giáo không còn học trò, ngắm trăng suông, ở nơi đất khách, cũng gần suốt đêm, ngồi chuyển dịch thành lời Việt, rồi gửi đi, kèm theo bản nhạc Thủy Điệu Ca Đầu, lời Hoa, do Đặng Lệ Quân hát, để mọi người thân quý thưởng trăng trung thu năm nay, đọc và nghe cho vui. Và, nếu còn có thể, chia sẻ được với người xưa, phút giây "kim tịch thị hà niên", đêm nay có phải cũng chính là một đêm của năm nào,với ai, cùng ngắm một vầng trăng thiên cổ, không tuổi . PKT 09/25/2015


Thủy Điệu Ca Đầu - Bính Thìn Trung Thu
Tô Đông Pha (1037 - 1101)


Minh nguyệt kỷ thời hữu
Bả tửu vấn thanh thiên
Bất tri thiên thượng cung khuyết
Kim tịch thị hà niên
Ngã dục thừa phong phong quy khứ
Hựu khủng quỳnh lâu ngọc vũ
Cao xứ bất thăng hàn
Khởi vũ lộng thanh ảnh
Hà tự tại nhân gian

Chuyển chu các
Đê khỉ hộ
Chiếu vô miên
Bất ưng hữu hận
Hà sự trường hướng biệt thời viên
Nhân hữu bi hoan ly hợp
Nguyệt hữu âm tình viên khuyết
Thử sự cổ nan toàn
Đản nguyện nhân trường cửu
Thiên lý cộng thuyền quyên

Trung Thu Ất Mùi 2015
PKT 09/25/2015

Trăng có tự bao thuở
Mượn rượu hỏi trời xanh
Chẳng hay cung khuyết vời vợi
Năm tháng đêm nào đây
Những muốn theo gió bay đến
Lại ngại lầu quỳnh điện ngọc
Cao lạnh tội nỗi hàn
Đứng múa dưới trăng sáng
Đâu tưởng ở trần gian


Chiếu gác tía
Luồn cửa gấm
Thức đêm trường
Mắc chi oán hận
Sao cách xa nhau lại trăng tròn
Người có buồn vui tan hợp
Trăng có tỏ mờ đầy khuyết
Tự cổ như mong đâu
Chỉ ước lâu dài mãi
Ngàn dặm với trăng thâu


Phạm Khắc Trí

Cây Đàn Bỏ Quên -Phạm Duy - Anh Tú

Ngày xưa tình yêu trai gái nó êm dịu, nên thơ, thi vị...Vào thời xưa của nửa bán thế kỹ trước, chỉ có con gái tiểu thư con nhà giàu mới được học đàn, học hát, học họa. . .Được chàng trai đến dạy đàn rồi ra về, cây đàn quên để lại. Hôm sau chàng đến nhà chỉ cây đàn còn đó nhưng em đâu rồi? Trên cây đàn nàng chỉ gởi tặng chàng một cành hoa tươi thắm. Chỉ có thế thôi mà chàng trai đem về nhà rồi mơ ước đến tình yêu với nàng, dù đó chỉ là một cành hoa để lai. Chàng mơ tưởng và thầm hỏi tại sao nàng lại tặng cho chàng cành hoa mà chàng không giải thích được vì sao. Chàng mơ tưởng và mơ mộng và tự hỏi lại chính mình: nàng yêu hoa hay yêu đàn,có yêu mình không? Cho đến cành hoa đã tàn chàng trai vẫn nâng niu giữ lấy và ước mơ cứ kéo dài theo thời gian mà không có hồi kết. Thuở xưa sự việc chỉ vậy thôi mà tình yêu đơn phương nó đẹp đến như vậy !


Sáng Tác: Phạm Duy
Ca Sĩ: Anh Tú
Thực hiện: Thế Bình

Viện Bảo Tàng J. Paul Getty

Đường vào JP Getty Museum, Los Angeles. 

Nếu nước Pháp có Viện Bảo Tàng Nghệ thuật Louvre, thì California của nước Hoa Kỳ có Viện Bảo tàng Nghệ thuật J.Paul Getty, là một kiến trúc của J. Paul Getty Trust. Ở kích thước nhỏ hơn Louvre, nhưng Viện Bảo tàng Nghệ thuật JP Getty mang tầm cở một trong những viện bảo tàng lớn của xứ Mỹ, nhất là của những tiểu bang miền tây Hoa Kỳ. Getty lưu trữ các tác phẩm nghệ thuật Miền Tây có từ thời kỳ Trung Cổ cho đến giai đoạn Hiện Đại. Khoảng 1,3 triệu du khách thăm viếng mỗi năm khiến cho Getty trở thành một trong những viện bảo tàng được du khách thập phương đổ về đây xem tranh nghệ thuật nhiều nhất tại Hoa Kỳ.

Bảo tàng Getty rộng lớn, gồm 9 tòa nhà.

Nếu so với các viện bảo tàng khác trên thế giới thì Getty Center thuộc về loại nhỏ về phương diện các bộ sưu tầm, tuổi tác, và kích thước. Nhưng về nghệ thuật kiến trúc của tòa nhà thì kiến trúc sư Richard Meier đã tạo nên một kiệt tác nhân loại khi sử dụng đá travertine, kính và nhôm trong 13 năm để tạo nên một công trình xây cất rất mỹ thuật. Bảo Tàng Viện J. Paul Getty hay còn gọi tắt là Viện Bảo Tàng Getty, hay ngắn hơn "Getty", ở thuở ban đầu chỉ là một ngôi biệt thự mang phong cách La Mã ở vùng biển yên bình Malibu, nơi trưng bày bộ sưu tập sở hữu cá nhân của nhà tỉ phú trong ngành dầu. Getty là, theo đúng nghĩa, một bảo tàng nghệ thuật ở California nằm trên hai cơ sở: Trung tâm Getty (tọa lạc ờ vùng Santa Monica có trường đại học UCLA, vùng Beverly Hills, Brentwood, Westwood, Mulholland Drive,...) và Getty Villa (Malibu), J. Paul Getty là một không gian lý tưởng cho các bộ sưu tập (collection of arts) đặc trưng nghệ thuật phương Tây từ thời Trung cổ cho đến nay. Vị trí thứ hai của hệ thống Bảo tàng, Getty Villa, nằm trong khu Pacific Palisades, vùng biển hữu tình Malibu, cũng là một nơi đáng chú ý với các tác phẩm trưng bày nghệ thuật có từ thời cổ đại Hy Lạp, La Mã, và Etruria. Hai cơ sở của hệ thống JP Getty, Santa Monica và Malibu sách nhau khoảng 20 miles, lái xe men theo Pacific Coast Highway dọc hai bờ biển trứ danh của Nam Cali mát rượi tâm tư vào mùa thu tháng mười, thời gian không lâu chừng khoảng 15 phút phóng xe ô tô con.

Anh Phạm Lưu Đạt vốn mê âm nhạc cổ điển, anh xử dụng guitar và violon, anh thích thú với kịch nghệ opera, và nhất là có đam mê xem tranh hội họa nghệ thuật. Getty có nhiều khi mượn hay mua tranh từ các nơi khác về, như từ Âu châu,... Nếu chúng ta xem tranh online, thì không thỏa tính hiếu kỳ, do đó nhiều du khách muốn xem tận mắt tranh của những họa sĩ như Monet, Manet, Degas, Renoir, Cézanne, Seurat, Sisley, Gauguin hay Van Gogh,... Nhà văn sinh hoạt trong nhóm NATV, Karen Trịnh Thanh Thủy, khi học major business tại đại học, nhưng cô lấy thêm các lớp hội họa, bởi vì cô muốn viết chuyên đề về phê bình hay tham luận về tranh hội họa, cô vốn mê xem tranh nghệ thuật. Trong Hội NATV còn có họa sĩ Lưu Anh Tuấn, người mê tranh hơn xơi cơm, khi vẽ tranh chị phu nhân Mindy Lưu cho biết anh sút vài pounds là chuyện thuờng, bởi vì anh bỏ ăn trưa, hay quên luôn cử ăn chiều. Hội trưởng Chris Chi thì mê bộ môn nhiếp ảnh, anh đề nghị tháng 10 mùa thu Hội NATV sẽ tổ chức thăm viếng Bảo Tàng Viện JP Getty vùng Santa Monica trước, cơ sở Getty Villa ở Malibu sẽ thăm bận sau, sang năm 2016. Bên ngoài xem tranh nghệ thuật, hội viên NATV có thể chụp ảnh ở các vườn hoa mỹ miều xung quanh Bảo tàng viện, rồi ăn trưa ở picnic areas. Getty không thu vé vô cửa nhưng lại thu lệ phí đậu xe, 10 đô Obama cho mỗi xe. Họa sĩ Lưu Anh Tuấn, NAG Lý Thanh Tùng và NAG Chris Trần vác 3 chiếc van chờ lối "sardine pack" khoảng 20 người vừa vui, vừa đỡ lái xe. Các xe khác nên "fully packed up". Nhà người viết đến Getty Center có lẽ gần nhất, 15 phút lái xe. Anh nghệ sĩ web designer Lưu Đạt hẹn pick up cho hitchhike. Ở điểm hẹn OC các xe địa phương nên pick up thân hữu lên xe cùng đi. Hy vọng quý anh chị Lê Văn Khoa và chị Ngọc Hà, NV. Trịnh Thanh Thủy, Nguyễn Huy Quang + NV. MĐHT, Nguyễn Bá Thảo và chị Hảo, Nguyễn Đình Hải và chị Liên, Hồng Tước, Peter Morita, Dương Viết Điền, Nghiêm Tú Lan, Quế Hương, Jadou Nguyễn, Ngọc Long, Như Nguyệt, Băng Tâm, Khánh Lan, Mạnh Bổng, ThụyVy,... sẽ tham gia du ngoạn JP Getty mùa thu tháng 10 này. Phạm Lưu Đạt là người du lịch Âu châu, Bắc Mỹ và Á châu thật nhiều lần. Từ khi anh gia nhập Hội NATV, anh đề nghị nên tổ chức chung vui đi du ngoạn nhóm và đi thăm bạn bè đau yếu như NS. Lam Phương, chị Lê Trọng Nguyễn Nga, NV. MĐHT,... và chuyền cruise Sóng Phương Nam có GS. Lưu Trung Khảo và cô Kim Anh hiện diện. GS. Khảo trải qua những lúc đau yếu, để thay đổi gió Ensenada hay phong thủy Riviera Maya (Yucatán coastlines) biết đâu chả mấy chốc thầy như ông Arnold Schwarzenegger thì sao nhỉ?

Trở lại chủ đề, trụ sở Getty Center được thiết kế bởi kiến trúc sư Richard Meier là khuôn viên rộng 750 mẫu ở sườn đồi núi Santa Monica. Getty Center là nơi trưng bày bộ sưu tập nghệ thuật khổng lồ trong 4 gian phòng triển lãm nhưng cũng chỉ chiếm một phần nhỏ của diện tích chính. Tổng cộng khu vực này gồm cả thẩy 9 tòa nhà. Công trình được hoàn tất năm 1997 với chi phí lên đến 1,3 tỉ mỹ kim hoàn toàn do quỹ từ thiện của cố tỉ phú J. Paul Getty tài trợ. Vị trí thứ hai Getty Villa cũng là nơi nên chúng ta ghé mắt qua xem, nó là một Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật theo phong cách cổ La Mã ở Malibu, California. 
Trung tâm Getty

Vị trí đầu là Trung tâm Getty vốn có một lịch sử thật đáng khâm phục về lòng từ thiện của một danh nhân thế giới. Trung tâm được sáng lập do lòng say mê và yêu mến nghệ thuật của ông Jean Paul Getty, một tỉ phú về ngành dầu kỹ nghệ. Theo ông, nghệ thuật có ảnh hưởng rầt nhiều đến đời sống nhân loại, hay đến nền văn minh của xã hội, nên để giúp xã hội phát triển, theo hướng cao đẹp chân thiện mỹ, do đó ông quyết tâm đem nghệ thuật giúp cho quần chúng dù là người giàu cũng như nghèo đều có cơ hội đồng đều chiêm ngưỡng, học hỏi từ các kiệt tác nghệ thuật của thế giới. Do vậy các cơ sở Getty không thu vé vô cửa của du khách, mà chỉ thu lệ phí chỗ đậu xe, cho phần nào trang trải những phí tổn điều hành cơ sở. Ông bắt đầu sáng lập Bảo Tàng Viện J. Paul Getty Museum vào năm 1953, một bảo tàng ban sơ rất nhỏ bé, nằm trong lâu đài của ông tại Malibu. Vào những năm đầu bảo tàng viện là những sưu tập những thứ đồ cổ của Hy Lạp và La Mã (Hy La), các đồ trang trí nội thất của xứ Pháp từ thế kỷ 18, và những bức tranh hội họa nổi tiếng thế giới thời Trung Cổ. Sau này bên cạnh các đồ sưu tầm là lối kiến trúc kiểu Hy La thời Trung cổ cùng với khu vườn trang trí đầy tính nghệ thuật cỗ đìển của các vua chúa thời xa xưa, ông J. Paul Getty đã xây dựng được một một công trình đóng góp rất lớn về lãnh vực nghệ thuật phục vụ cho nhân loại.

Khi ông Getty qua đời, tài sản ông được thực hiện theo di chúc của ông để lại, tức được sung vào công quỹ Getty, sau đó Nhóm quản trị Getty tìm cách để cống hiến thêm vào nghệ thuật bằng cách xây dựng và phát triển bảo tàng viện và đưa ra thêm hàng loạt các chương trình mới mẻ khác. Trung tâm Getty được đưa vào kế hoạch xây dựng vào thời kỳ thập niên 1980, khi một phần bất động sản tại vùng Brentwood thuộc thành phố Los Angeles được nhóm quản trị quỹ JP Getty mua lại và giao cho công ty kiến trúc của Richard Meier & Partners xây cất. Năm 1997, Trung tâm Getty mở rộng cửa đón chào khách thập phương và khách địa phương, giá vào cửa, hihi... như đã nói hoàn toàn miễn phí. Nên nhớ Bảo tàng viện Louvre Paris của Pháp thu vé vào cửa là 15 €uros cho mỗi du khách hay xấp xỉ 18 đô xanh Obama. Có lẽ vì lý do này mà theo các bảng thống kê, cơ sở bảo tàng Getty tại Los Angeles, tiểu bang nắng ấm quanh năm Callifornia có hơn một triệu du khách tìm đến để viếng thăm hằng năm và là một trong những viện bảo tàng thu hút du khách nhiều nhất tại Hoa Kỳ, cũng như ở Bắc Mỹ châu. Nhóm anh chị em Hội NATV Nam Cali lại ở gần hệ thống Bảo Tàng Viện JP Getty, mà hong đi thăm viếng 2 cơ ngơi có những kiệt tác nghệ thuật quý báu này, thì uổng phí của giời quá sá!
 

Văn hóa Hy La cổ đại thuở 40 TCN

Viện bảo tàng J. Paul Getty là một trong những viện chuyên về nghiên cứu hàng đầu trong lãnh vực nghệ thuật (có sách ghi nhận tên Viện Nghiên cứu Getty). Viện bảo tàng này được khai trương vào ngày 16/12/1997, do Hội J.Paul Getty làm chủ và quản trị. Getty là một bảo tàng viện có nhiều họa phẩm đặc biệt nhất trong các viện bảo tàng nghệ thuật trên hoàn vũ, bao gồm các tác phẩm của các danh họa Van Gogh, Monet, Manet, Renoir, Cézanne,... nhờ vào ban quản trị JP Getty bỏ tiền ra mua lại các họa phẩm giá trị làm nổi bật tên tuổi của Viện J. Paul Getty. Nói về cấu trúc của viện bảo tàng thì chính nó phản ảnh như một công trình nghệ thuật mang nét đẹp trong và ngoài thực sự. Thật vậy, Trung tâm Getty được thiết kế theo phong cách cấu trúc nổi tiếng của thế giới. Có lẽ yếu tố quan trọng nhất của các Trung Tâm Getty là địa thế trên đỉnh cao của dãy núi hùng vĩ Santa Monica hay bờ biển núí đồi Malibu xinh đẹp. Từ các khu này, du khách có thể ngắm nhìn bức tranh toàn diện của thành phố Los Angeles, đưa mắt hướng về bờ biển Thái Bình Dương nơi có nước Việt Nam ta, xoay lại hướng tây bắc là cả một thung lũng vĩ đại San Fernando Valley, phía bờ đông là các dãy núi San Gabriel của thiên nhiên đẹp mắt, hãy kể thêm chạy xe hóng mát ban chiều trên con lộ hữu tình PCH men theo hai bờ biển Santa Monica và biển Malibu, những bờ biển California đẹp tuyệt vời. Chưa hết, đệm thêm tí ti văn chương tả cảnh trí nhé, nào những căn biệt thự với lối kiến trúc độc đáo thời đại Hy La làm nổi bật nét tranh sơn dã thiên nhiên của vùng núi cùng với sự tinh xảo, đặc sắc của nghệ thuật và văn hóa cổ đại thuở Hy La, đã chìm vào dĩ vãng xa xăm đối với thiên niên kỷ 21 của chúng ta. Ôn lại ngày trước với văn hóa Hy La cổ đại thuở 40 TCN, có các đế chế hay những danh nhân như vua Julius Caesar, nữ hoàng Cleopartra, vua Pharaoh, vua Ptolemy,... nay còn đâu hay chỉ còn "dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo" trên đỉnh cao Jean Paul Getty?


Nhìn chung trên hoàn vũ, chúng ta có thể kể ra 9 viện bảo tàng nghệ thuật hàng đầu trên thế giới như sau: 
1/ Viện bảo tàng Louvre, Paris, Pháp
2/ Bảo tàng Vatican, Rome, Ý
3/ Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ 
4/ Trung tâm J.Paul Getty, Los Angles, California, Mỹ
5/ Viện bảo tàng D'orsay, Paris, Pháp
6/ Phòng trưng bày nghệ thuật Uffizi, Florence, Ý
7/ Viện nghiên cứu nghệ thuật Chicago, Illinois, Mỹ 
8/ Thánh địa Mecca đương đại: Viện bảo tàng Tate, London, Anh
9/ Viện bảo tàng Prado, Madrid, Tây Ba Nha.

Xét qua 9 viện bảo tàng nghệ thuật hàng đầu trên thế giới, xứ Pháp chiếm 2, Ý chiếm 2, nước Mỹ sinh sau đẻ muộn màng, the youngest baby, nhưng chiếm 3, có lẽ "mạnh nhờ gạo bạo vì tiền", có tiền mua tiên, mua tranh đâu phải là khó nhỉ? Trung tâm J. Paul Getty, Los Angles, California, của xứ Mỹ do tổ hợp JP Getty luôn luôn vươn lên trong phạm vi tranh nghệ thuật như ước mơ của vị tổ sáng lập tên Jean Paul Getty (sinh ngày 15 tháng 12, 1892 – mất ngày 6 tháng 6, 1976). Theo Sách Kỷ Lục Thế Giới Guinness năm 1966 thì ông là người (cá nhân) giàu nhất thế giới. Năm ấy tài sản của ông trị giá $1.2 tỉ mỹ kim, đến năm vừa qua (2014) thì tài sản của quỹ JP Getty lên đến $8.7 tỉ mỹ kim. Từ công ty chính Getty Oil Company, qua nhiều doanh vụ mua bán công ty Lukoil mua lại và cho ra nhãn hiệu dầu xe GPM (Getty Petroleum Marketing), rồi lại qua tay công ty Veedol chủ thương hiệu dầu xe Castrol. Rồi Texaco mua cả Getty Oil (Los Angeles, California), Texaco cho ra thương hiệu Pennzoil. Bạn đã từng đổ nhớt xe, bóng hình ông JP Getty lãng vãng quanh xe mình đấy, hihi… à, thì ra vậy.


Hẹn nhau mùa thu tiết tháng 10 mát mẻ man mác tâm tư khi lá rụng nhiều ngoài đường và trên không có những đám mây bàng bạc, xin hẹn gặp gỡ buổi lunch dịp Autumn picnic của Hội NATV trên đỉnh cao Jean Paul Getty nhé ! Bye-bye...

Trần Việt Hải

Xem link JP Getty Museum, Los Angeles:

Bảo Tàng Viện J. Paul Getty Museum được thánh lập vào năm 1953, một bảo tàng bé nhỏ, nằm trong lâu đài của ông Paul Gett tại Malibu.

Thương Tiếc Anh Đỗ Hữu Tài


Hỡi ơi mới đọc thơ anh
Giờ đây lá đã xa cành đau thương
Đời qua bao bước đoạn trường
Bao năm vò xé đau buồn xác thân

Tài đi dứt gánh nợ trần
Vần thơ bỏ lại xa gần xót đau
Thương người thi sĩ tài cao
Thu vàng lá đổ bạc đầu bóng thu

Nén nhang thắp vội khói mờ
Xám câu thơ điếu tạ từ Tài ơi
Tang gia buốt giọt lệ rơi
Thân bằng quyến thuộc nghẹn lời đưa tang

Tài về nước Chúa hân hoan
Mong hồn diện kiến thánh nhan an hòa
Về thiên đường rực ngàn hoa
Quên đi trần thế ngày qua muộn phiền


Trầm Vân

Trăng Quên Về Bến Cũ Đêm Nay


Trăng quên về bến cũ đêm nay
Đèn hoa đăng rực rỡ phương này
Tim ta buốt lạnh hồn băng giá
Nhớ ánh trăng vàng theo gió lay

Trăng u hoài thênh thang bến sông
Màu trăng xưa huyền ảo vô cùng
Lung linh bóng nước chìm cơn mộng
Sương khói chập chùng ai nhớ mong

Trăng thưở tự tình trăng mến thương
Hôm nao ngây ngất khúc nghê thường
Trăng nghiêng tha thướt chìm trong gió
Giữa muôn trùng trăng gieo vấn vương 


Trăng khuất xa rồi đêm ước ao
Ta ngủ say dưới cội hoa đào
Thuyền ai lặng lẽ trôi trên sóng
Người đợi trăng về trong khát khao …..

Khiếu Long

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

Ban Tuổi Xanh Hát Rước Đèn Tháng Tám của Vân Thanh

Ban Tuổi Xanh do Kịch sĩ Kiều Hạnh phụ trách là chương trình ca nhạc thiều nhi trên đài phát thanh và truyền hình truớc năm 1975 tại Sài Gòn. Trong video clip này, toàn ban Tuổi Xanh hợp ca bài Rước Đèn Tháng Tám của Vân Thanh


Ban Tuổi Xanh 
Thực Hiện: Vanchus

Tết Trung Thu Thời Hà Nội Xưa - (École Francaise d’ Extrême - Orient)

Trung thu của con em một gia đình giàu có (đầu thế kỷ 20)

Trung thu thời xưa ở Hà Nội
bộ sưu tập của Viện Viễn Đông Bác cổ của Pháp (École Francaise d’ Extrême - Orient)



Đèn lồng, đèn kéo quân xưa kia


Đèn hình con cua, một trong những món đồ chơi khiến trẻ con thời xưa háo hức đến cả tháng trời trước Tết Trung thu
Đèn lồng cá chép, tiến sĩ giấy, lồng đèn hình quả trám
Những món đồ chơi dịp Trung thu xưa của trẻ con

Những món đồ chơi này chỉ còn là dĩ vãng



Múa lân Trung thu xưa
Ngày xưa, bàn cỗ Trung thu phải đầy ắp bánh trái, hoa quả 

Một cửa hàng làm bánh trung thu xưa

Bộ sưu tập của :Viện Viễn Đông Bác Cổ Của Pháp

Canada ĐêmTrung Thu 2015


Phượng Trắng
Trung ThuCanada 2015

Trung Thu Nhắc Chuyện Đường Minh Hoàng

Khi nhắc đến vị vua lãng mạn đa tình Đường Minh Hoàng, mọi người đều không thể không nói đến Vũ Khúc Nghê Thường. 
Nhân mùa trung thu, chúng ta cùng tìm hiểu về vị vua này cùng Khúc Nghê Thường Vũ Y được trích từ "Điển Hay Tích Lạ" của Nguyễn Tử Quang.

                    Khúc Nghê Thường Vũ Y 

Theo truyền thuyết (sách "Dị văn lục") thì khúc vũ này do Đường Minh Hoàng (*) du Nguyệt điện về chế ra cho những người cung nữ múa hát.
Nguyên một đêm Trung Thu, niên hiệu Khai Nguyên đời nhà Đường (713-741), vua Minh Hoàng thấy trăng sáng, mơ ước được đặt chân đến đấy xem chơi. Có đạo sĩ tên La Công Viễn (có sách chép là Diệp Pháp Thiện), người có phép tiên mới dùng giải lụa trắng, hóa thành một chiếc cầu đưa nhà vua đến Nguyệt điện.
Trong điện bấy giờ sáng rực. Tiếng nhạc du dương. Những nàng tiên trong những xiêm y xinh tươi, lộng lẫy, uyển chuyển múa hát như đàn bướm đủ màu tha thướt, bay lượn bên hoa.
Đường Minh Hoàng càng nhìn càng thấy say mê, quên cả trời gần sáng, nếu không có La Công Viễn nhắc thì quên trở về.
Nhờ ghi nhớ các điệu nên khi trở về triều, Đường Minh Hoàng chế thành khúc "Nghê Thường vũ y" để tập cung nữ múa hát. Rồi cứ đến đêm rằm tháng tám, Đường Minh Hoàng cùng với Dương Quý Phi uống rượu dưới trăng, ngắm đoàn cung nữ xiêm y rực rỡ, uyển chuyển múa khúc Nghê Thường để tưởng như sống trong cung Quảng Hàn, điện Nguyệt.
Truyền thuyết này có tính cách thần thoại.
"Đường thư" chép: Đường Minh Hoàng lên chơi Nguyệt điện, thấy các tiên nữ mặc áo cánh chim, xiêm y ngũ sắc, hát bài "Tây Thiên điệu khúc", đến khi trở về trần, còn nhớ mang máng. Nhằm lúc có Tiết độ sứ là Trương Kính Thuật từ Tây Lương, đem khúc hát Bà La Môn đến biếu, Minh Hoàng truyền đem san định lại và đổi tên là khúc "Nghê Thường vũ y".
Tài liệu này có phần thực tế.
"Nghê" là cầu vồng. Tiếng miền Nam gọi là cái mống, do ánh nắng xuyên qua hơi nước trong mây nên phân thành bảy màu. Sách Tàu ngày xưa chỉ nhận có năm màu.
"Thường" là xiêm, để che phần hạ thân của người. "Nghê Thường" có nghĩa là xiêm cắt bằng năm màu. "Vũ y" là áo dệt bằng lông chim. Hay có nghĩa là kiểu áo theo hình cách chim.
"Nghê Thường vũ y", ta có thể cho đó là những vũ nữ mặc áo theo hình cánh chim, còn quần thì bằng lụa phất phới ngũ sắc.
Những nhà sử học và khảo cổ học đã cho biết: đời Đường (và trước đời Đường), người Tàu đã có một khái niệm rõ rệt về địa dư vùng Tân Cương mà họ thường đến để mua bán và... chinh tây. Mặc dù người Tàu chưa từng chinh phục Ấn Độ nhưng sự bang giao về thương mại và chính trị đã có từ đời Hán (206-196 trước D.L.). Ấn Độ là nơi mà đạo Bà La Môn rất phồn thịnh. Lắm khi người Tàu và người Tân Cương lúc bấy giờ gọi phần đất Ấn Độ là Bà La Môn quốc. Bằng cớ là vào năm 629, lúc nhà sư Trần Huyền Trang (thường gọi là Đường Tam Tạng) đi thỉnh kinh ở Ấn Độ, ghé nước Cao Xương. Vua nước này có viết một bức thư cho vị Khả Hãn Tây Đột Quyết, yêu cầu Khả Hãn hết sức ủng hộ Huyền Trang đi dễ dàng đến "Bà La Môn quốc".
Vậy, ta có thể cho khúc "Nghê thường vũ y" là hình thức biến chuyển của khúc hát "Bà La Môn" đã có trước tiên ở phần đất Ấn Độ ngày xưa. Nó truyền sang Tàu ở đất Tây Lương do Tiết độ sứ Trương Kính Thuật đem dâng cho Đường Minh Hoàng.
Đất Tây Lương chính là huyện Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc ngày nay của nước Tàu. Trước đời nhà Đường, Đôn Hoàng đóng một vai trò quan trọng về phương diện văn hóa và thương mại.
Về mặt văn hóa, Đôn Hoàng chính là nơi các pháp sư Ấn Độ đến nghỉ ngơi, giảng đạo trước khi đi sâu vào đất Tàu. Về mặt thương mại, Đôn Hoàng là đầu cầu nối liền đường chở tơ lụa từ Tàu sang Ấn Độ, Ba Tư đến Địa Trung Hải. Ở đây là nơi tập trung các đoàn thương gia quốc tế chuyên chở hàng hóa trên lưng lạc đà tấp nập để trao đổi sản phẩm. Các nhà sử học gọi là "Đường tơ lụa" (Route de la soie). Con đường dài xa thẳm ấy phải trải qua nhiều nước nhỏ với những vùng nông nghiệp rải rác phì nhiêu. Những nước nhỏ này nay đã bị diệt vong. Nhưng từ đầu công nguyên, những nước này có một nền văn hóa khá cao, chịu ảnh hưởng Ba Tư, Ấn Độ và Trung Hoa. Nước đáng chú ý nhứt là nước Qui Tư. Nước này giỏi về âm nhạc và vũ khúc. Nhạc công đội khăn đen, mặc y phục bằng lụa đỏ, tay áo thêu. Bản nhạc của họ có nhiều tên thơi mộng "Trò chơi giấu kim thoa", "Người ngọc chuyền ly rượu", v.v... Khi hòa tấu, có bốn người biểu diễn ca vũ. Ở vùng núi nước Qui Tư có những ngọn suối đàn. Nước nhỏ xuống đá từng giọt phát âm bổng trầm. Mỗi năm một lần các nhạc sĩ đến lắng nghe để phổ thành nhạc. Phụ nữ nước Qui Tư rất đẹp. Gương mặt tròn, đều đặn. Y phục đặc biệt là nhiều kiểu, nhiều màu, thêu thùa khéo léo. Đàn ông mặc áo trắng viền xanh hoặc xanh viền trắng. Đàn bà mặc hai kiểu áo: tay rộng và tay chật. Áo trắng bâu xanh. Áo đen có thêu hình màu xanh trắng. Áo dài xanh viền vàng hoặc có sọc vàng. Phải chăng đó là những màu "nghê thường"?
Vậy, căn cứ vào khoa khảo cổ và sử học, ta có thể cho khúc "Nghê Thường vũ y" là một ca vũ khúc Ấn Độ truyền sang. Trên con đường phiêu lưu bằng "con đường tơ lụa" trước khi truyền sang Trung Hoa, khúc ca vũ này đã bị các sắc tộc dọc đường biến cải ít nhiều. Và khi đến Trung Hoa thì nó được chấn chỉnh lại cho hợp với dân tộc tính Trung Hoa do một nhà vua phong lưu tài tử, ăn chơi rất mực. Trong "Cung oán ngâm khúc" của Nguyễn Gia Thiều, có câu:
             Dẫu mà tay múa, miệng xang,
Thiên tiên cũng ngoảnh Nghê Thường trong trăng.
 
 
Trong "Bích Câu kỳ ngộ" cũng có câu:
 

       Đong đưa khoe thắm, đưa vàng,
Vũ y thấp thoáng, Nghê Thường thiết tha.

Huỳnh Hữu Đức Biên Soạn

*****
(*)
Đường Huyền Tông (chữ Hán: 唐玄宗, bính âm: Tang Xuanzong, 8 tháng 9 năm 685 - 3 tháng 5 năm 762), hay thường gọi là Đường Minh Hoàng (唐明皇, bính âm: Tang Ming Huang), tên thật là Lý Long Cơ (chữ Hán: 李隆基, bính âm: Li Lung chi), thụy đầy đủ là Chí Đạo Đại Thánh Đại Minh Hiếu Hoàng đế (玄宗至道大聖大明孝皇帝), là vị hoàng đế thứ bảy hoặc thứ chín[5] của triều đại nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc.
Lý Long Cơ xuất thân là con trai thứ ba của Đường Duệ Tông, vị hoàng đế thứ năm (hay thứ bảy) của nhà Đường. Thời niên thiếu của ông chứng kiến những biến động to lớn của triều đại, từ việc nữ chúa hưng khởi cho đến Vi hậu mưu đoạt đế vị... Hoàng tử trẻ tuổi Lý Long Cơ trưởng thành từ hoàn cảnh đó, nên từ nhỏ đã nuôi chí chấn hưng xã tắc Đường triều. Năm 710, sau khi bác ruột là Đường Trung Tông bị mẹ con Vi hoàng hậuCông chúa An Lạc ám hại, ông liên kết với cô là Công chúa Thái Bình, tiến hành chánh biến Đường Long, phế truất họ Vi, tôn Duệ Tông Lý Đán trở lại ngôi vua. Sau đó, Lý Long Cơ được phong làm Bình vương rồi Hoàng Thái tử. Năm 712, Long Cơ được vua cha nhường ngôi, trở thành Đường Huyền Tông. Sau khi đăng cơ, Huyền Tông thanh trừng các phe cánh chống đối của Công chúa Thái Bình, chấm dứt gần 30 năm biến động của nhà Đường. Sau đó, ông bắt tay vào việc xây dựng đất nước, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, trọng dụng nhân tài, ngăn chặn quan liêu lãng phí, mở ra thời kì Khai Nguyên thịnh trị kéo dài hơn 30 năm.
Tuy nhiên về cuối đời, Đường Huyền Tông sinh ra mê đắm trong tửu sắc, không chú ý đến nền chính trị ngày càng bại hoại suy vi, bên trong sủng ái Dương Quý Phi, bỏ bê việc nước, bên ngoài trọng dụng gian thần Lý Lâm Phủ, khiến cho nền thống trị ngày càng xuống dốc. Các phiên trấn do người Hồ cai quản được trọng dụng quá mức, trong đó có mạnh nhất là tặc thần An Lộc Sơn. Năm 755, An Lộc Sơn chính thức phát động loạn An Sử sau đó nhanh chóng tiến về kinh đô. Tình thế nhà Đường lâm vào bờ vực của sự diệt vong, Huyền Tông và triều đình phải bỏ chạy khỏi kinh thành Lạc Dương, đi đến Thành Đô. Cùng năm 756, con trai ông là thái tử Lý Hanh xưng đế, tức là Đường Túc Tông, Huyền Tông buộc phải thừa nhận ngôi vị của Túc Tông, lên làm Thái thượng hoàng.
Cuối năm 757, khi quân Đường giành lại được Trường An, Thái thượng hoàng Huyền Tông mới được đón về kinh đô nhưng không còn quyền lực và bị gian thần Lý Phụ Quốc ức hiếp. Những ngày cuối cùng của ông sống trong u uất và thất vọng cho đến lúc qua đời vào ngày 3 tháng 5 năm 762, ở tuổi 79.

Theo  vi.wikipedia.org

Huỳnh Hữu Đức sưu tầm

Lồng Đèn Trung Thu



Lồng đèn đủ loại sáng trăng rằm,
Nam nữ nhi đồng đợi cả năm...
Hội Yến Diêu Trì hoa quả phẩm,
Kim Bàn Phật Mẫu bóng quang âm.
Về đây lễ Mẹ xin cầu nguyện ,
Đến đó Cửu Huyền Thất Tổ, thăm.
Tạo hóa thiên huyền vi cửa Đạo
Cùng chung một gốc chẳng xa xăm!

Mai Xuân Thanh
Ngày 16 tháng 09 năm 2015


Những Ánh Đèn


Theo đêm quá khứ về quê Ngoại
gặp giữa đường trăng những ánh đèn
ôi chao thương quá, ngày xưa ấy
rộn giữa lòng vui, tiếng hát quen:

(... tết trung thu xách đèn đi chơi
em xách đèn đi khắp phố phường
đèn ông sao hay đèn cá chép
em hát ca trong ánh trăng rằm ...)
Những lời hát từ thời tuổi ngọc
còn rộn âm trên đất quê người
bỗng dưng buồn, lòng ta muốn khóc
Quê nhà ơi! Ngoại của con ơi!
Vẫn trăng ấy, và bầu trời ấy
sao đời mình sống ở hai nơi
một nửa nhớ tiếng gà báo thức
một nửa nghe chuông gọi bồi hồi!
Mùa Thu ơi! giữ giùm ta nhé
những ánh đèn dành dụm một thời
mai sẽ tặng cho người bạn trẻ
biết thương ta, máu lệ một đời!

Cao Nguyên

Chữ Việt


Đua nhau sửa chữ loạn xà ngầu
Thử hỏi dùng nguyên tắc ở đâu?
Gõ phiếm vô tư không dấu giọng
Ghép vần tự tiện chả đuôi đầu
Vô duyên tự phịa thêm từ mới
Trơ trẻn cùng chia tưởng ý “sâu”!
Nhắm mắt thấy gì thôi mặc kệ
Văn chương rẻ mạt cũng hơi rầu !

Cao Linh Tử
15/9/2015
***
Đừng Lo Cho Chữ Việt

Chớ vội bi quan chữ loạn ngầu
Buồn chi bởi mấy chuyện đâu đâu
Bao điều xưa đã dần tan biến
Những lệ mới đây cũng bắt đầu
Tốt đẹp hợp tình thì sống mãi
Xấu xa lỗi đạo ắt vùi sâu
Văn chương chữ nghĩa làm sao tránh
Sinh biến tự nhiên chớ có rầu.

Quên Đi

Xin Pha Thêm Sắc Màu Buồn


Em ngồi đó vẽ vầng trăng
Nét buồn xa cách ánh rằm thu xưa
Lòng tôi buồn hắt hiu mưa
Sương giăng khắp lối cho vừa quạnh hiu

Em ngồi đó vẽ bóng chiều
Nghẹn lời chim hót gió xiêu cánh tình
Lòng tôi úp mặt lặng thinh
Xế chiều bóng ngả một mình bơ vơ

Em ngồi đó vẽ trung thu
Vầng trăng huyền ảo đèn cù nhẹ xoay
Tồi ngồi nghe lá rơi đầy
Buồn hôm qua với hôm nay lào xào

Em ngồi đó vẽ ngôi sao
Ngôi nào hy vọng ngôi nào nhớ thương
Lòng tôi địu ánh sao vương
Rớt vào hồn lạnh nỗi buồn long đong

Em ngồi đó vẽ dòng sông
Gió bay hay bão cuồng phong ba đời
Con đò run rẩy lạnh trôi
Chèo khua vọng tiếng thơ tôi nhạt nhòa

Trầm Vân

Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015

Vấn Vương - Xót Xa - Thư Cho Người Đã Vĩnh Viễn Ra Đi


Tài thương,

Đây là lá thư em đã viết cho các bạn và chị. Lúc nào cũng là "thơ mới ra lò", mời cả nhà đọc.
Chị thường hay than thở
- Tài ơi, thơ em dài quá, chị họa bắt chết.
Nói thì nói thế, nhưng chị thường hay họa hoặc cảm tác thơ, từ những bài thơ của em. Bởi, hầu như bài nào cũng dễ lay động con tim người đọc
Bài thơ Xót Xa, hôm thứ Sáu, 25 tháng 9, cảm tác từ bài Vấn Vương. Giờ đây chị tự hỏi, duyên cớ gì chị hoàn tất bài thơ vào ngày em vĩnh viễn từ giã cõi đời!? Và duyên cớ gì Xót Xa!? Lúc đó chị chưa biết tin buồn này. Em đã từ giã cõi đời ngày 25 tháng 9 năm 2015.
Bây giờ em hãy an bình ra đi và mãi mãi được ấp yêu trong vòng tay Chúa. Nguyện cầu cho em.
Còn lại đây, chị một mình...
Một mình đời đời Vấn Vương
Một mình đời đời Xót Xa.

Thương
Chị Phượng
***

On Thursday, 3 September 2015, 3:23, Tai Do <taihh@aol.com> wrote:

Xin moi ca nha doc tho moi ra lo...hom qua..:)
Than menTai
Tai Dotaihh@aol.com


Vấn Vương

Gió lay những sợi tóc bồng
Ngây thơ cầm cánh hoa hồng trên tay
Lênh đênh mấy cụm mây bay
Đứng nhìn cảnh sắc hồn say nhẹ nhàng
Em mơ là đóa mai vàng
Gặp người trong mộng dịu dàng nâng niu
Cho lòng tuổi mới vào yêu
Đừng như ánh nguyệt cô liêu giữa trời

Nắng lung linh sáng dòng đời
Thắm trên đôi mắt ấm lời môi ngoan
Một mình đi giữa vườn lan
Mân mê mười ngón tay đan nõn nà
Em mong bên áo lụa là
Có người sánh bước thật thà chung vai
Để đôi vai nhỏ mảnh mai
Không lo nặng gánh bi ai, u sầu

Trăng treo lơ lửng mái lầu
Nét hoa tươi thắm đậm mầu sắc hương
Đêm về chải tóc soi gương
Trái tim thổn thức vấn vương lạ kỳ
Em đang tuổi độ xuân thì
Say sưa theo mãi điều gì ấm êm
Ước ao trăng sáng mỗi đêm
Bên lầu thưởng nguyệt có em với người

Đỗ Hữu Tài
( Aug.31,2015)
***
Xót Xa

Trôi trôi mây trắng bềnh bồng
Mắt môi mười sáu nụ hồng trên tay
Gió thu tà vạt bay bay
Vang vang guốc mộc gõ say hồn chàng
Những hôm cài điểm cúc vàng
Hương trinh vương tóc tuôn tràn bờ vai
Lựa lần ngày một ngày hai
Tình đây ý đó biết ai thuận lòng

Cớ gì im lặng ngó mong
Mịt mù khói thuốc thả vòng tương tư?
Hình như tim đã hình như
Ngẩn ngơ sái nhịp kể từ biết nhau
Buồn buồn gọi nắng lên mau
Nắng ơi nắng hỡi thấu đau chăng cùng
Kêu sương tiếng nhạn cành rung
Cung thương réo rắc não nùng đêm thâu

Làm sao nhắn gửi đôi câu
Lòng ta hiu hắt u sầu khôn nguôi
Vòng tay mơ ước buông xuôi
Nhìn thu vào úa ngậm ngùi nhớ thương
Chìm trong dĩ vãng con đường
Chân theo chân bước vấn vương một đời
Mắt môi mười sáu một thời
Vang vang guốc mộc âm lời xót xa

Kim Phượng




Hai Mươi Tám Năm Hoài Hương Ơi - Thơ Đỗ Hữu Tài - Văn Sơn Trường Phổ Nhạc



Thơ:  Đỗ Hữu Tài  
Phổ Nhạc: Văn Sơn Trường 
Tiếng Hát: Ngọc Quy

Em Đi Rồi...

  


(Tiễn Em Đỗ Hữu Tài)


Người bên ấy đã không còn chờ đợi
Giọt nắng rơi hay sương rụng bên thềm
Dù* “Đôi Lúc” chỉ là ngồi bó gối
Khóc một mình ..trên thân xác mòn phai

Người nơi đó đã buông rời ước hẹn
Một cuộc tình theo huyễn sắc phù vân
“*Em đã đến ..lại đi.. Em không đến”
Đời thơ buồn vỡ lỡ cuộc trăm năm ..

Người đã sống trong bao điều khốn khó
Vẫn đường hoàng vượt thắng những thương đau
Khi thân xác đã từng giờ mục rữa
Bức tranh thơ Em muôn sắc muôn màu ..

Người đã đến với trần đời ô trược
Trái tim yêu vẫn đằm thắm diệu kỳ
Ba mươi hai năm.. vuông phòng sau trước
Tiếng thơ người xao động một phương tây

Người vội vã một lần về nơi khác
Thơ tôi về tắt nghẹn giữa vần thơ
Gỏ nhịp khóc cùng em âm điệu nhạt
Em đi rồi ..trời đất cũng bơ vơ

Thôi em nhé ..một khoảng trời phiêu lãng
Em hãy cùng trăng ngủ đỉnh mây cao
Em sẽ thức khi vầng dương chiếu sáng
Thả xuống đời những hoa nắng xôn xao …

Hương Chiều

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Tiểu Thu Góp Lời Cầu Nguyện Cho Hương Linh Đỗ Hữu Tài


Trước tin buồn Nhà thơ ĐỖ HỮU TÀI thân mến của chúng ta vừa qua đời sáng ngày 25/9/2015 tại Hoa Kỳ.
Tiểu Thu cùng gia đình xin cùng góp lời cầu nguyện cho linh hồn anh sớm về cõi Vĩnh Hằng.
Vô cùng thương tiếc anh.

Tiểu Thu

Thành Kính Phân Ưu Nhà Thơ Đỗ Hữu Tài Của Blog Tiếng Thời Gian



Toàn thể bạn hữu trang Theo Tiếng Thời Gian thành thật chia buồn cùng tang quyến về sự ra đi của nhà thơ Đỗ Hữu Tài lúc 9 giờ 37 phút, sáng ngày 25 tháng 9, 2015 tại Mount Vermont Hospital Alexandria Virginia Hoa Kỳ  -  Hưởng dương 58 tuổi  và xin chia buồn sự ra đi của Thân Mẫu anh cùng trong ngày tại tư gia Saigon, Việt Nam

Nguyện cầu hương linh của thi sĩ Đỗ Hữu Tài và Thân Mẫu được an lành nơi đất Chúa.

Yên Dạ Thảo & Bạn Hữu

Thi Sĩ Đỗ Hữu Tài, Thế Thôi Và Thân Mẫu Anh Qua Đời Cùng Ngày - Blog Long Hồ Thành Kính Phân ƯU


Trang Bolg Long Hồ Vĩnh Long rất thương tiếc khi hay tin buồn từ bạn hữu.

Thi Sĩ Barnabe Đỗ Hữu Tài, Bút Hiệu Thế Thôi. 

Là Người chúng ta rất thương mến, anh  mang niềm vui chia sẻ cùng mọi người trong những bài thơ chứa chan tình yêu thương.sống trong hoàn cảnh thể chất khó khăn mà vẫn yêu đời, sống đạo với  tinh thần mạnh mẻ. 
Anh Barnabe Đỗ Hữu Tài vừa được Chúa gọi về
- Sinh 1957
Mất Ngày: 25 - 09 - 2015
- Lúc 9g37 sáng
- Tại: Mount Vermont hospital Alexandria Virginia - Hoa Kỳ
- Hưởng dương 58 tuổi

Tin buồn tiếp đến từ gia đình anh Tài ở Sài Gòn, là sau khi hay tin anh mất thì Thân Mẫu anh Tài cũng ra đi cùng ngày.

Cụ Bà Maria Lê Thị Kính,
- Sinh năm 1929
Qua đời lúc 12g ngày 25-9-2015
Tại quận 8, Sài Gòn.
- Hưởng thọ 86 tuổi 
Vô cùng xúc động và thương tiếc Thân Mẫu và anh...

Toàn thể Biên tập viên Long Hồ Vĩnh Long thành thật chia buồn cùng tang quyến của  anh Đỗ Hữu Tài, Tất cả anh chị em bạn trong các Thi Đàn anh cộng tác, đã một thời chung vai chia sẻ nỗi đau và niềm vui cùng anh bớt đau buồn
Niềm vui của anh là mong được nằm bên cạnh Mẹ nay anh đã toại nguyện.
Nguyện cầu Hương Linh Thân Mẫu anh và anh Đỗ Hữu Tài được an lành sớm hưởng Nhan Thánh Chúa.

Hiệp lời cầu nguyện

Ban Biên Tập longhovinhlong.blogspot.com