Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

Giọt Ngâu


Giọt lệ đến từ đâu
Gieo buồn trong thanh vắng
Có phải vợ chồng Ngâu
Gặp trên cầu ô thước.

Bảy tháng bảy đêm thâu
Thời gian chẳng bao lâu
Thương chàng Ngưu ả Chức
Nhân thế động lòng sầu.

Quên Đi

Chào Mừng Bạn Đỗ chiêu Đức Về Cần Thơ

Nhân dịp gia đình bạn Đỗ chiêu Đức về Cái Răng (Cần Thơ), chúng tôi những chs Phan Thanh Giản quê nhà tổ chức buổi họp mặt tại nhà hàng Hợp Phố đường 30/4 (gần cầu Tham Tướng cũ).

Vì gấp quá chúng tôi chỉ gom tụ được các bạn sau đây:

- Chs/Gs Đỗ chiêu Đức Houston – TX (gs Tân Hưng +gs ĐHKHNV/Sg)
- Gs Lê minh Phán (Gs TH Cái Tắc-Ng.việt Hồng)
- Chs Nguyễn lương Sinh
- Chs/Gs Nguyễn kim Quang (HT Trung học Tân Hưng)
- Chs Lý nhạn Dung
- Chs/cựu HT/ ĐTĐ Nguyễn mỹ Linh
- Chs/Gs Thái xuân Tuyết (Gs trường Đồng Tâm)
- Chs/Gs Vương cao Biền (gs Anh Văn Châu văn Liêm)
- Gs Trần bá Kiễm ( Gs Anh Văn ĐTĐ)
- Chs Vương thủy Tùng
- Chs Đào thanh Tòng
- Chs Trần thị Thu Ba
- Chs Nguyễn thị Tư Bé
- Chs Lê thị Thảo
- Hia La Quốc Sydney - Úc Châu
- Anh Thái...

Đúng 8 giờ 30 sáng ngày Chủ Nhật 16/08/2015, chị Kim Quang đứng lên giới thiệu các bạn với nhau và tuyên bố buổi họp mặt : » Lâu lắm 2 năm một lần Cái răng có dịp đón ông đồ Đỗ chiêu Đức về thăm quê nhà. Lần trước chào đón tại nhà hàng Ngọc Lan Cái Răng. Lần nầy để thuận tiện đi lại cho các bạn Cần Thơ tổ chức tại nhà hàng Hợp Phố gần cầu Tham Tướng. Đây cũng là sinh hoạt thường lệ của nhóm Cái răng...

Từ trái: Thái-Tuyết-Biền-Phán-Sinh-Kiễm-K.Quang-Tùng-Đức-Quốc-Tòng- Dung- Tư Bé-Mỹ Linh-Thảo
Cô cựu Hiệu Trưởng trường Trung học Tân Hưng dài dòng lu bu một chút với giọng nói ấm áp dễ... thương, nhắc lại những kỷ niệm thời học trò. Sau cùng, chị đọc bài thơ Còn Mất để riêng tặng ông đồ Đỗ chiêu Đức , rất hay và thâm thúy:

Còn Mất

Gởi tới anh chút mặt trời về xứ lạnh
Choàng vai anh nắng ấm của quê nhà
Đừng hững hờ dù chấp cánh bay xa
Hương đất mẹ nồng nàn mùi yêu dấu.

Nơi xứ người an lành chim cứ đậu
Đừng thả lòng vọng ngoại bỏ cội nguồn
Sương trên cành rưng rức giọt lệ tuôn
Tiếng chim quốc xót quê nghèo tăm tối.

Dù biển có động, bão không ngừng thổi
Thương vầng trăng, về lối cũ đường xưa
Giữ đôi bờ xanh mát rợp bóng dừa
Ấm dòng máu nối liền chung khúc ruột.

Xin đừng để trái tim thêm đau buốt
Mất bạn hiền ngăn cách ngõ hèn sang
Mất đứa con quê hương thấy bàng hoàng
Nghe tức tưởi với …nỗi đau còn mất.

Kim Quang

Sau đó, người đưa tin, viết tay tại chỗ bài thơ: Mừng bạn Đỗ chiêu Đức về Cần Thơ, trao cho bạn Đức bỏ túi (không đọc) như sau:

Mừng Bạn Đỗ Chiêu Đức Về Cần Thơ


Tạm biệt Houston một buổi chiều
Bạn về quê cũ với… người yêu
Thầy đồ Chiêu Đức tài thi phú
Nội tướng Tố Quyên sắc mỹ miều
Ông Một chuông chùa: ngân khắp xóm (1)
Vàm sông Ba Láng: đẹp như thêu (2)
Chung vui họp mặt Phan thanh Giản
Ấm áp tình quê ngập cánh diều.

Dương Hồng Thủy
(16/08/2015)
Ghi chú (1) và (2): Chùa ông Một và Vàm sông Ba Láng cạnh nhà ông đồ Đỗ chiêu Đức).

Từ trái : Hia La Quốc-Tòng-Dung-Tư Bé- Thu Ba-Mỹ Linh- Thảo

Sau gần một giờ hàn huyên tay bắt mặt mừng, tất cả chúng tôi gọi món ăn và thức uông. Sau đó đổi ghế chia từng nhóm chuyện trò rất xôm tụ.
Cuộc họp mặt tan hàng lúc 10 giờ 30 cùng ngày…

Dương Hồng Thủy
***
Chúng tôi vừa nhận bài họa của ông đồ Đỗ chiêu Đức (từ Houston TX về Cần Thơ) bài thơ Họa Vận lại bài "Mừng Bạn Đỗ chiêu Đức về Cần Thơ".
Xin cảm ơn bạn.
Kính chúc bạn và gia đình có chuyến về quê vui vẻ.
Tình thân
Từ trái : Ngủ hổ tướng : Gs Kiễm - La Quốc (Úc) – Sinh - Gs Đức (Mỹ) + Tòng
Họa Vận: Đáp Từ

Về quê khi nắng đã nghiêng chiều,
Sông nước Cần Thơ vẫn đáng yêu.
Lắp loáng mái chèo thuyền như nước,
Bâng khuâng cô lái mỹ ơi miều.
Cầu cao lắm vẻ như thiên bẩm,
Chợ nổi đủ màu tựa gấm thêu.
Họp mặt cố tri mừng bạn hữu,
Tình Phan Thanh Giản vút như diều!

Đỗ Chiêu Đức
(19/08/2015)

EM Huyền Thoại


EM lặng lẽ rời đi không ngoảnh lại
Để nơi nầy hoang vắng mãi buồn thêm
Gió vi vu ru lá ngủ êm đềm
Vùi dưới nắng góc vườn thơ hoang lạnh

EM huyền thoại tan dần theo ảo ảnh
Còn lại đây một góc mảnh vườn hoa
Nhớ bâng khuâng bao dấu ái hiền hòa
Gom mưa nắng vấn vương vào nét chữ

EM có thấy những đêm trăng chiếm ngự
Soi sáng đường cho lữ khách yêu thơ
Để đêm buồn sót lại chút vần mơ
Ru cuộc sống nhạt nhòa trên xứ lạ

EM chợt đến, rồi đi không từ giã
Góc trọ buồn nay vắng cả tiếng cười
Giọt mưa khuya như nốt nhạc không lời
Đang gậm nhấm nỗi sầu buồn hoang vắng

EM tan biến như sương mờ dưới nắng
Tháng ngày qua còn trĩu nặng bâng khuâng
Kỷ niệm hồng rạng rỡ tựa mùa xuân
Chừ thấp thoáng trong lời thơ dấu ái

Tay gom vội những vần mơ sót lại
Chắt chiu lòng để có mãi chút say
Đếm nỗi sầu trong nét chữ hôm nay
Đêm tĩnh lặng giọt mưa buồn chợt đến


Hoàng Dũng

Chiều Về Trên Sông Ô Môn

Sông Ô Môn là một nhánh sông nhỏ ở hữu ngạn sông Hậu, Ô Môn bây giờ thuộc TP Cần Thơ cách chừng hơn 20 km hướng về Long Xuyên. Con sông này cũng như bao con sông khác ở đồng bằng sông Cửu Long, đó là vùng quê với bao cánh đồng lúa và cây trái,và đang từng bước phát triển để mong làm giàu thay đổi cuộc sống cho người dân nơi đây.


Sáng tác: Triều Dâng,
Tiếng Hát: Ngọc Ánh
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


Thơ Tứ Tuyệt: Nguyễn Đắc Thắng


1. Hoa Nguyệt Quế

Càng trải canh dài hương dậy thơm
Cho vầng nguyệt tỏ ngẩn ngơ dòm
Thanh thanh dáng dứng hồn nhiên thế
Ngẫng mặt nhìn trời chẳng cúi khom

2. Chào Em Gái

Ơi này em gái của tôi ơi!
Mặt sáng như trăng, miệng mỉm cười
Hãy giữ lòng son hồn thiếu nữ
Nụ cười sảng khoái nét yêu đời!


3. Anh Sẽ Về

Anh sẽ quay về em gái ơi!
Đường xa chân mỏi bước dần lơi
Bên em đốt lửa hong tình mới
Đón gió giao mùa đếm lá rơi!

4. Bâng Khuâng

Đã có vườn xuân có sắc xuân
Lòng ta thêm cảm những bâng khuâng
Hoa xuân vẫn thắm không e ấp
Chỉ tự lòng ta cảm ngập ngừng!

5. Hai Nửa Trái Tim

Trả hết hoàng hôn bóng tuổi cao 
Ta đem hai nửa mảnh tim mầu
Nửa treo hun nóng màn đêm lạnh
Nửa gửi vào em theo ánh sao!

6. Ly Nước Mía

Ừ nhỉ! … vừa nghe môi đã khô
Thôi thì ghé lại … chút duyên hờ
Uống ly nước mía vàng chanh ngọt
Cay đắng tạm rơi góc cuối bờ!

7. Hồn Sen Ra Phố

Đường phố xứ mình đang ngập sen
Lá xanh bông trắng đã bon chen
Hồn quê sông nước tràn ra phố
Cùng đứng hiên ngang dưới ánh đèn!

8. Thiền & Fây

Tôi thích đem còm(puter) ra mái hiên
Ngồi fây cứ tưởng được ngồi thiền
Thiền tụng nam mô fây bấm thích
Đủ đầy cảnh giới lắm cung thiên!

9. Tặng Em Một Đóa Hoa Hồng

Đây một đóa hồng anh tặng em!
Màu xanh tươi thắm cánh nhung êm
Màu xanh hy vọng tình chung thủy
Lấp lánh sương đêm ủ nhụy mềm!

Nguyễn Đắc Thắng
2015-T06

Thứ Tư, 19 tháng 8, 2015

Mưa Ngâu - Thanh Tùng - Ý Lan


Cảm Tác Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh


Sáng Tác: Thanh Tùng 
Tiếng Hát: Ý Lan

Mưa Ngâu



Một bài haiku, một đêm tháng 7 nghe mưa, trong lữ quán, bên một khu chùa cổ ở Kyoto (Japan).

Dòng đời đâu trôi ngược
Một lần xa nhau là mãi mãi
Sao lại trách mưa ngâu


Chú Thích:

1 - Theo Luận Ngữ - Nguyễn Hiến Lê, Tử tại xuyên thượng viết " Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ". Khổng Tử đứng trên bờ sông nói:"Dòng nước chảy hoài, ngày đêm không ngừng".
2 - Theo truyền thuyết, hàng năm, vào đêm mồng 7 tháng 7, đàn quạ bắc cầu qua sông Ngân ở trên trời, để Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau, mỗi năm một lần.
3 - Ngưu Lang và Chức Nữ, tiên đồng ngọc nữ mắc đọa, ít nhất mỗi năm còn được gặp nhau một lần, vào đêm mồng 7 tháng 7 mưa ngâu. Còn như ai kia, chỉ xa nhau một lần sao lại là ngàn thu vĩnh biệt?

Trí Khắc Phạm
***
Vô Vọng


Đời người như con nước
Xuôi một dòng xa cách trăm năm
Vô vọng sao mãi chờ


Kim Phượng

Bóng Nắng - Đuổi Nắng...(Ngưu Lang Chức Nữ)


Bóng Nắng

Ai chia bóng nắng làm đôi
Bóng rơi dưới đất nắng trôi trên trời
Nắng lên rực rỡ dòng đời
Bóng chìm trong tối nghẹn lời xót xa

Ai chia bóng nắng làm ba
Nắng nghiêng bóng ngã ta qua lối sầu
Ước mơ chung một nhịp cầu
Dầu cho mưa gió dãi dầu không hư 

Ai chia bóng nắng làm tư
Ta tìm bóng nắng xe như bồi hồi
Nắng ru bóng ngủ trên đồi
Xe buồn ngừng bánh ta ngồi trầm ngâm

Ai chia bóng nắng làm năm
Bóng , ta , xe , nắng lặng câm ngỡ ngàng
Một mai duyên nợ lỡ làng
Én bay lẻ bạn lạc đàn về đâu ?

Ai gây chi cuộc bể dâu
Nắng tàn hiu hắt đêm sâu bóng mờ
Con đường cát bụi chực chờ
Ta như thầm hỏi bao giờ xe lăn ?

Đỗ Hữu Tài
***
Đuổi Nắng...

Tâm đầu ý hợp song đôi
Hồn lâng lâng thả mây trôi lưng trời
Lòng tơ tưởng chuyện chung đời
Mong đường dài mãi tỏ lời gần xa

Đêm đêm thơ thẩn hàng ba
Ánh trăng xuyên lá bóng ta vương sầu
Uớc sao tháng bảy bắt cầu
Chàng Ngưu Chức Nữ ví dầu thực hư

Sẻ chia cảm xúc riêng tư
Bên đầy bên lở dường như đấp bồi
Tung tăng đuổi nắng lên đồi
Chiều rơi êm lắng cùng ngồi thơ ngâm

Ước mơ tình nghĩa trăm năm
Dù chưa cạn tỏ tình câm ngút ngàn
Người đi khuất bóng cuối làng
Luyến lưu giây phút tơ đàn tìm đâu

Sang ngang nhà cạnh làm dâu
Khuê phòng lẻ bóng nhốt sâu trăng mờ
Hoài mong viễn khách hẹn chờ
Bánh xe lãng tử biết giờ nào lăn


Kim Oanh
 
***
Bóng Trăng

Trách ai gom nắng chẻ đôi
Nhuộm mây chiều tím buồn trôi góc trời
Trút mưa thu xuống sông đời
Bến sương hiu quạnh, vắng lời ru xa

Mỏi mòn chờ hết tháng Ba
Đón xuân vào ngỏ, bước qua đông sầu
Dõi tìm bảy sắc vòng cầu
Ươm tình hoa nắng cho dầu mộng hư

Lung linh sợi nắng tháng Tư
Đưa tay ra hứng! Lòng như bồi hồi!
Gió lay cây lá triền đồi
Thềm trưa một bóng lặng ngồi trầm ngâm

Bước vào ngưỡng cửa tháng Năm
Nắng đi đâu vắng, bạc câm gió ngàn
Nợ duyên cá nước lỡ làng
Én xuân lả mộng, bỏ đàn về đâu?

Xin đừng gợn sóng biển dâu
Trăng thơ trôi lạc canh sâu biệt mờ
Vần mơ tháng Sáu đợi chờ
Những dòng thương nhớ từng giờ xoay lăn!


Yên Dạ Thảo
05/06/2015

Đêm Mưa


Vẫn tiếng mưa rơi
Nỗi sầu chưa vơi
Sao em im lời
Càng buồn em ơi

Em ở miền xa
Kiếp nầy không gặp
Mai sông Nhị Hà
Mình sẽ cùng qua

Tình không chung lối
Mòn mỏi đêm dài
Ta cùng chung mộng
Lòng vơi đơn côi

Mai còn gặp nhau
Cúi mặt không chào
Tình kia em giấu
Lòng nầy anh đau...

Biện Công Danh

Thơ Tranh: Mưa Rơi

Melbourne mưa nhiều nhớ đất Thần Kinh và.....


Thơ & Thơ Tranh: Nguyễn Đức Tri Ân


Bài Thơ Mẹo Vặt Để Chữa Bệnh


Để có được kinh nghiệm chữa nhiều bệnh nặng hay nhẹ đòi hỏi con người phải trải qua nhiều thời gian để có được kinh nghiệm rồi đúc kết và mách cho người khác. Sau đây là 1 bài thơ mang tính chất như vậy mà bạn nên biết vì rất có thể sẽ dùng đến trong cuộc sống.Mấy hôm nay, cư dân mạng đang "dậy sóng" vì một bài thơ đúc kết kinh nghiệm chữa những bệnh hay gặp nhất trong cuộc sống thường ngày.
Thực ra, trong những tình huống "khẩn cấp" về tình trạng sức khỏe, không phải ai cũng đủ bình tĩnh để nhớ ra cần phải làm gì. Vì thế một bài thơ dễ thuộc, dễ nhớ thế này có thể là "cứu cánh" cho bạn.

Chẳng may bị bỏng nước sôi
Ngâm vào nước lạnh một hồi khỏi ngay.
Chẳng may dầm đâm vào tay
Xà phòng đắp lại ra ngay vài giờ.
Vôi bắn vào mắt bất ngờ
Nước đường hãy nhỏ không chờ một ai.
Nhức răng cắn ngậm gừng tươi
Hoặc múi tỏi nướng ở nơi đau nhiều.
Khi bị xương hóc chớ kêu
Ngậm viên C, xương sẽ tiêu dần dần.
Viêm họng uống nước rau cần
Bỏ thêm tí muối vài lần hết đau.
Máu cam chảy, bày cho nhau
Cục bông tẩm giấm nhét vào hết ngay.
Trái nhàu chín vị thuốc hay
Đắp vào mụn cóc ít ngày sẽ thôi.
Nếu bị ong đốt nhớ bôi
Một viên aspirin vào vết đau.
Muốn lạc rang dầu giòn lâu
Phun ít rượu trắng bắt đầu trộn lên
Đợi cho khi lạc nguội thêm
Rắc một chút muối đã rang khô vào.
Cá nướng không muốn tróc ít da nào
Trước khi nướng, hãy xoa vào mặt da
Một lớp mỡ mỏng, nhớ nha
Lúc đầu đun lửa lớn, sau là lửa nhỏ hơn.
Cách khử mùi tanh của tôm
Khi luộc, cần nhớ thêm vào miếng quế thơm.
Muốn cho cá hấp, béo ngậy hơn
Để lên mình cá miếng mỡ gà, vậy thôi.
Nếu muốn Nách mình đỡ hôi
Rau Ngò hãy nhớ ăn nhiều nghe không?
Hạn chế căn bệnh tăng xông (Cao huyết áp)
Thường xuyên nhớ đến cái ông rau cần.
Nhai sống, hoặc uống trà gừng
Nôn mửa sẽ hết, bạn đừng có quên.
Ngó sen xào, không muốn thâm đen
Trong khi xào, nhớ cho thêm nước vào.
Bị côn trùng đốt thì sao?
Tinh dầu Tràm hãy bôi vào thật nhanh.
Nếu muốn bảo quản quả Chanh
Cắt đôi úp nửa còn vào dấm chua.
Gan muốn giải độc thì mua
Mỗi tuần 2 – 3 quả trứng (ăn vừa vậy thôi)
Rau cải, không thiếu được rồi
Uống thật nhiều nước, giúp hồi lại gan.
Muốn da trắng trẻo, mịn màng
Rửa, nước vo gạo đầu tiên, hàng ngày.
Nếu bị mồ hôi chân, tay
Kiên trì ngâm nước muối mỗi ngày, bạn ơi.
Mồm ăn hành, tỏi bị hôi
Cứ nhai một ít bã chè sẽ thơm.
Khi ngủ nhớ ôm gối ôm
Hoặc nằm nghiêng trái, sẽ hết mồm ngáy ò ó o.
Để miếng sườn rán không co
Trước khi rán chúng, hãy tìm thớ gân
Tìm thấy chớ có tần ngần
Khía 2,3 phát 1 lần là ngon.
Muốn bóc hoa quả dễ hơn
Nhúng vào nước nóng, đồng thời vớt ngay
Thế rồi cứ lấy móng tay
Bảo đảm sẽ được chén ngay dễ dàng.

Mailoc Sưu tầm

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

Em! Xoài Mỹ Tho Sống Nơi Mỹ Quốc

( Cây xoài vườn nhà chị Dung)

Em! Xoài Mỹ Tho Sống Nơi Mỹ Quốc

(Cảm tác cây xoài của chị Dung)

Em rời quê sống nơi đất mới
Vẫn đươm hoa trổ trái xanh tươi
Mang ngọt ngon dâng hiến cho đời
Niềm hạnh phúc thảnh thơi vươn mãi.

Kim Oanh
***
Để Thân Tặng Ông Chủ Vườn:

Khen ai chăm sóc mảnh vườn
Nhìn cây xoài tưởng quê hương vẫn còn
Nhánh sai oằn trái no tròn
Chua chua ngọt ngọt dòn dòn thơm ngon

Để thân tặng bà chủ vườn, xin đổi lại câu đầu thôi:
Ngày ngày dạo bước ra vườn

Khánh Hà
***
(Tặng Kim Oanh)

Xoài Mỹ Tho trong vườn Mỹ quốc
Cất vào đây một góc vườn nhà
Dẫu mai này ngày tháng phôi pha
Còn đẹp mãi một lần hội ngộ

Khánh Hà


Ngày Mai Là Em Tựu Trường




Ngày mai là ngày khai trường
Ve sầu thôi hát khúc thương ca hè
Hạ tàn Thu đến lạnh se
Hàng phượng xanh lá vươn che hiên trường

Sông quê vắng vẻ buồn vương
Nông thôn đổi mới lộ đường mở mang
Nhiều nhà xây,sửa rộn ràng
Lò gạch bận gấp tay ngang cũng cần

Bưng phơi,đẩy,vác...trần thân
Đựơc thêm chút đỉnh đở đần má tôi
Ngày mai đi học lại rồi
Nay làm việc chót lôi thôi bị rầy

Chuồn chuồn bay thấp từng bầy
Mây đen,gió thổi,mưa đầy ... khổ em
Đừng sợ em hãy nhìn xem
Sau mưa trời sáng chồi thèm lớn mau

Đừng quên nguyện ước hôm nào
Chuyên tâm học giỏi đậu cao đổi đời
Ba theo kiếp thợ nghèo tơi
Mẹ hiền tần tảo không lời thở than

Đường quen hoa cúc rực vàng
Em vui đến lớp vào hàng tự tin
"Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh"
Ngày mai trường đón học sinh hiếu tài...

Phượng Trắng

Thác Niagara Và Tháp Toronto

(Tùy bút Ký sự) 

Vào giữa mùa Hạ 2004, tôi đã thực hiện một chuyến đi xa bằng xe hơi. Mục tiêu quan trọng là đến thành phố Stamford ở tiểu bang Connecticut, để cho đưá con trai được thăm ông nội nó đang ở trong một trung tâm phục hồi sức khoẻ. Vì chuyến đi đường bộ này quá dài nên tôi phải vạch ra một lộ trình để nhân tiện vừa thăm người thân vừa ngoạn cảnh Hoa Kỳ và Gia Nã Đại. Bằng chiếc Toyota Corolla 2000 nho nhỏ, đủ tiện nghi cho 3 người, chúng tôi đi theo lộ trình sau: 
-Lượt đi từ GA qua: SC,NC,VA,WV,OH,PA,NY, tới Niagara và Toronto 
-Lượt về từ Niagara qua: NY,PA,CT,NY(New York City),PA,MD,Washington DC,VA,NC,SC và về lại GA. 
Tổng cộng lộ trình cả đi lẫn về giữa Atlanta/USA và Toronto/Canada vào khoảng 3,000 miles. 

Năm ấy tôi chưa có GPS nên tất cả lộ trình đều theo bản đồ lấy trên Internet và sách hướng dẫn du lịch. Bài viết này chỉ là tuỳ-bút về kí-sự diễn tả nhận xét và tâm trạng mình trong chuyến đi xa xuyên quốc gia đầu tiên kể từ khi lập nghiệp tại Hoa-Kỳ. Vì xử dụng máy ảnh chưa quen nên tôi chỉ góp một nửa số ảnh chụp tại chỗ còn hầu hết tôi copy (courtesy of) từ quảng cáo (brochure), hoặc từ Internet (Google,Wikipedia) mà bất cứ ai chỉ cần search trên computer bằng mấy chữ đơn giản như Winchester, Niagara, Toronto…là có thể được xem nhiều ảnh tuyệt đẹp chỉ trong vài giây đồng hồ. 

Khởi hành từ Atlanta (GA) vào một buổi sáng sớm, khi trời còn tối. Con tuấn mã xinh xắn đưa chúng tôi lên đường hướng về phía Bắc.


Chặng dừng chân đầu tiên là thành phố WINCHESTER (VA), nơi cư ngụ của gia đình tôi trong thời gian đầu ở Mỹ. Đến thăm xã giao mấy người bạn Mỹ, Việt đã từng giúp đỡ chúng tôi trong giai đoạn mới định cư. Winchester City là một thành phố cổ kính nằm trên thung lũng Shenandoah. Khung cảnh nơi đây đẹp, thơ mộng và an bình, thật lý tưởng cho những người về hưu vì vị trí ở vùng tĩnh lặng nhưng từ đó muốn đi đến đô thị lớn như thủ đô HK chỉ xa chừng 100 miles, qua thành phố FairFax đang phát triển mạnh về điện tử, hay qua Fall Church là thủ phủ của người Việt tị nạn vùng Washington DC.. Con phố chính của downtown Winchester rất đẹp, (đẹp hơn cả cái thị trấn gì đó làm bối cảnh trong phim Big Fish) đã có hơn 200 năm lich sử. Thành phố có 2 toà nhà với lối kiến trúc cổ điển trông vẻ bề thế: Thư viện thành phô và Handley High School (mà sau này tôi nhận thấy đó là một trường trung học có mặt tiền đẹp nhất nước). Ngoài ra có trường đại học Shenandoah khá nổi tiếng về Văn chương, Mỹ thuât, Âm nhạc và một công viên lớn ở trên một khu đồi cao. Hàng năm, lễ hội Táo (Apple Blossom Festival) vào cuối tháng Tư tập trung nhiều ban nhạc từ các trường của tiểu bang khác đển diễn hành. Trong 4 năm cư ngụ, từ thành phố này, tôi đã có nhiều dịp đi thăm thủ đô Washington, rồi Atlantic City, Ocean City, New York City, Hang động Luray, con đường ngoạn cảnh Blue Ridge Parkway…và khoảng 8 lần đi Stamford (CT) ghé qua NewYork City. 

Qua 1 đêm nghỉ lại Winchester, sáng sớm hôm sau tiếp tục lên đường đi CHARLESTON, thủ đô của WV.Cấu trúc downtown là một quần thể vuông vắn với công trường có tượng đài đẹp và đồ xộ, đặc biệt là bức tường Vietnam War. Thành phố nằm bên một con sông mà bên kia bờ là giãy đồi cao thấp thoáng những ngôi biệt thự ẩn hiện trong các lùm cây khiến cảnh đẹp như mơ. 

Ngày thứ ba cũng khởi hành vào sáng sớm, chúng tôi đi vào một vùng sương mù dầy đặc của miền đất cao nguyên West Virginia.Thật là đáng sợ, nhưng chỉ vì không muốn cuộc hành trình bằng đường bộ này phải thay đổi trái với dự tính ban đầu nên chúng tôi vẫn tiếp tục đi. Xe chạy trên cả một đoạn dài chục miles không thể nhìn thấy rõ mặt đường mà hai bên đều là thung lũng. Để yên tâm chúng tôi đành phải chầm chậm bám sát sau một chiếc xe kiểm tra đường lộ chạy phía trước, trong tầm nhìn thấy được chỉ chừng vài chục thước. Thôi thì số mạng mình chỉ còn trông chờ nơi tay lái. Chừng 1 tiếng sau, xe mới vượt qua chặng đường nguy hiểm, vào đúng lúc mặt trời lên. Táp vào một plaza để mừng vui vừa thoát cảnh hú hồn ! 

Rồi chúng tôi vào lãnh địa của tiểu bang Ohio, chạy trên xa lộ bên ngoài thành phố Cleveland, dọc theo hồ Erie, qua tiểu bang Pensylvania, vào tiểu bang New York để cuối cùng thẳng tới thành phố BUFFALO, thủ phủ của 1 trong 2 thành phố NIAGARA, phía bên bờ sông Niagara River thuộc lãnh thổ Hoa Kỳ. 

Buffalo là một thành phố tương đối nhỏ, nhưng skyline của nó khá đẹp cũng có vài toà nhà cao mấy chục tầng, được mệnh danh là The Queen City Of The Empire State,NY. Sau khi ghé Visitor Center để mua vé tour du lịch, chúng tôi về nghỉ tại quán trọ (Holiday Inn). Tour tổng quát vùng Niagara bắt đầu khoảng 4 giờ chiều. Chiếc Tour Bus đưa chúng tôi vượt biên giới sang bên kia bờ Niagara thuộc Canada, qua cầu Rainbow Bridge có 2 trạm kiểm tra biên giới ở 2 đầu. Là dân có quốc tịch Mỹ nên thủ tục qua biên giới rất giản dị.


Trước tiên xe chạy dọc theo bờ sông Niagara tới Whirl Pool. Đây là vùng nước xoáy do thác Niagara đổ dồn đến khúc sông này. Xuống xe, đứng trên bờ cao, ngắm cảnh giòng nước chảy xiết thành hình vòng tròn xoay như muốn dội ngược giòng sông. Trong khoảnh khắc, tôi chợt so sánh với làn sóng đời người: 

Sóng đời cuốn trôi xác thân ta vào vòng xoáy thời gian bất tận. Hình như bạn và tôi cùng những người thân quen đang chới với trên con sóng này. Ước mong lớp sóng cuồn cuộn không đưa đẩy chúng ta trôi giạt tứ phương để những tâm hồn đồng điệu vẫn còn được bơi bơi trên cùng một con sóng về một cõi duy nhất: vô thuỷ vô chung. 

Rồi xe quay ngược đường, chạy từ từ, khách vừa ngắm cảnh vừa ghé vào những cửa hàng bên đường, mua đồ kỷ niệm. Đối với khách muốn trả tiền bằng dolar, giá hàng được tính thêm cước phí đặc biệt. Tôi mua 2 cái đồng hồ đo thời tiết gắn trên 2 tấm bảng gỗ màu gụ có chữ đồng óng ánh Niagara Falls. Khi xe về tới khu trung tâm thành phố Niagara, vẫn thuộc phần đất Canada, thì trời vừa tối. Ai cũng ngạc nhiên trước cảnh đường phố quá đông người, xe cộ bị kẹt cứng. Hàng trăm ngàn người không chừng. Hỏi ra mới biết là ngày hội lớn hàng năm, và đây cũng có mấy cái casino. Cũng may xe Tour được phép vào khu Festival nhưng vẫn phải len lỏi tìm đường tắt mãi sau mới đến được khu trung tâm, đúng bên bờ thác. 

Vì chưa đến giờ tham dự một tour hấp dẫn nhất, tôi vào xem tháp Skylon Tower, đúng lúc cuộc đốt pháo bông ở ven bờ Niagara Falls bắt đầu. Từ trên Observation Deck cao 775ft hay 236m, có thể ngắm khung cảnh huyền ảo của toàn diện 3 thác nước hiện ra rất gần rực sáng ánh đèn pha cực mạnh chiếu đủ màu sắc trong khi pháo bông nở rực rỡ trên bàu trời Niagara.


Có rất nhiều loại Tours: American Falls, Horse Shoe Falls, Briden Weil Falls, Maid of the Mist, Journey behind the Falls, Jet Boat, Devil’s Hole Rapids, Aero Car, Helicopter Tour…không kể cái Balloon thật lớn và những nơi tôi đã được ngắm trên đường đi lúc ban chiều. Muốn ngắm toàn cảnh 3 cái thác với tất cả vẻ đẹp hùng vĩ của nó, tôi đi dọc bờ sông ở phía Canada. Đến giờ đi tour Maid of the Mist, tôi đi xuống bến cruise, mất 20 phút chuẩn bị, mặc áo mưa thì tour khởi hành. Không thể tả hết được cảm xúc hồi hộp, ngạc nhiên, thích thú khi đáp con tàu từ từ rẽ sóng đến tận chân thác Niagara. Từ mặt sông dưới chân thác, cả một bức tường nước cao 167ft hay 51m ầm ầm đổ xuống với tốc độ 8,750ft hay 2,400m/giây hoặc với khối lượng 84,760ft3 hay 2,400m3 nước như đổ rơi sát trên đầu mình, xục sôi, bọt tung trắng xoá. Sức nước tự tạo ra làn gió mạnh như trận cuồng phong bụi nước tung bay mịt mù. Chiếc áo mưa bị hơi nước tạt bay phầm phập và ướt sũng đến nỗi thật khó để mở ống kính chụp lấy khung cảnh độc đáo này. (Nhưng có một cách để giữ làm kỉ niệm rõ rệt nhất cũng quí báu không kém là chiếc áo mưa nhựa màu xanh mỏng dính in mấy chữ Maid Of The Mist mà mình đã mặc nếu muốn thì cứ mang về chẳng ai đòi lấy lại)

Ngày thứ tư, chúng tôi lái xe qua Rainbow Bridge lần nữa để đi sâu một chút vào đất nước Canada. khoảng 100 miles. Xe theo con lộ 420 tiến vào Queen Elizabeth Way cũng là xa lộ 403, rồi chạy trên Gardiner Expy vòng bên bờ vịnh hồ đến downtown TORONTO. 

Toronto là một thành phố lớn nằm bên hồ Ontario. Cảnh chụp về đêm của nó đẹp không kém New York City. Trọng điểm để chúng tôi tới xem là tháp CN Tower, đã nhận thấy rõ từ xa. Tháp được xây năm 1973, gốc tên Canada’s National Tower, cao 1,815ft/553m. Dưới cột antena cao 334ft là mấy tầng cho khách thăm: -Skypot/Space Deck 1,465ft/446m -360 Restaurant 1,151ft/351m tự động quay 72 phút/vòng, -The Horizon Café and the Lookout level 1,135ft/346m, -The Glass Floor 1,122ft/342m có lớp kính dày 2.5in/64mm. 

Trong bài tuỳ bút Chicago Windy City 2013, tôi đã mở đầu bằng mấy câu thơ khi đến thăm tháp Willis Tower: Từ trên Skydeck tháp Sears/ Đứng trong cái Ledge kính dày mấy phân/Nhớ thời thơ ấu xa xăm/Trèo cao để hái ngọc lan trong vườn/…Nhưng việc đó sẽ thuộc về 9 năm sau chuyến đi Toronto 2004 bây giờ. Từ xa đã dễ dàng nhận ra ngôi tháp CN vọt cao lên lưng chừng trời Toronto. Lần đầu tiên trong đời, tôi đã hồi hộp dẵm đôi bàn chân e dè sợ sệt lên cái sàn kính dày để theo đường thẳng đứng ngắm cảnh những toà nhà, vận động trường, Ga hoả xa, phố xá…ngay dưới chân mình và 2 phi trường mà một nằm trên cái đảo thuộc hồ Ontario gần đó. 

Ngập ngừng bước lên sàn kính
Hun hút chiều sâu dưới chân
Nhà cửa nhấp nhô hiển hiện
Ta như Tiên nữ giáng trần
Từ cao ngắm nhìn nhân thế
Cảnh đời có khác Thiên-tiên?
Về nghỉ trưa tại nhà trọ, vào buổi chiều, theo một cái cầu thấp, tôi băng qua vùng ghềnh đá phía trên của thác American Falls vẫn thuộc phạm vi công viên Niagara Falls State Park, đi vòng ra sát bờ thác. Tại đây, khá đông người đang chuẩn bị dự tour đi xem Hang Gió= Cave Of The Winds, đó là đường hang ở mé bờ gầm thác. Khách có cảm tưởng giống như bước trên một cái hiên nhà, nhìn nước thác đổ từ mái hiên xuống. Buổi tối, tôi tản bộ trong khu vực vẫn thuộc Hoa Kỳ. Tôi ra tận chỗ có một cái tháp ngoạn cảnh gọi là Observation Tower cao 230ft có chân cắm xuống lòng sông. Hơi xa về phía tay phải là cây cầu Rainbow Bridge với giàn sắt thép chống đỡ là một vành cung như một cái lược thưa ngà ngọc cài ngang sông. Rồi, khi trời đã tối khuya, tôi đi lang thang, đến đứng sau một hàng rào thép kiên cố chắn ngay góc bờ thác, say mê ngắm nhìn sát ngay phía tay trái mình là cận cảnh giòng thác Niagara hiện ra hùng vĩ, huy hoàng trong ánh đèn pha nhiều màu thật sáng. Từng chùm ánh sáng màu khác nhau làm nổi bật từng vùng thác hình cong cong giống như màn ảnh đại vĩ tuyến 3D, thật có khác gì một cảnh thần tiên. Còn lúc ban sáng, dưới ánh mặt trời, khối bụi nước giống như đám mây lớn đã tạo nên một chiếc cầu vồng ngũ sắc bắc qua lòng thác. Cả trời lẫn đất thật vĩ đại làm sao! _trong khi…con người cảm thấy bé nhỏ lạ thường! 

Rồi trong đêm huyền ảo/ Những âm thanh bản trường ca vĩ đại/ Ru hồn ta vào vũ khúc Nghê-thường…. 

Thực vậy đêm cũng như ngày, từ thiên niên vạn kỷ, giòng thác Niagara luôn luôn đổ xuống ầm ầm. Ở gần thì nghe như cơn cuồng nộ bất tận. Nhưng ở xa hơn, thanh âm vang vọng đều đều thành một cung trầm êm ái. Tưởng như đâu đây luôn luôn vang lên lời ca thủ thỉ, dịu dàng, tha thiết qua hình bóng thấp thoáng của cô đào Marilyn Monroe trong cuốn phim Niagara (Tình bên thác vắng, chiếu tại SG vào giữa thập niên 50) hát bài Niagara Kiss, có hậu cảnh là thác Niagara về đêm: 

Kiss, kiss me/ Say you miss, miss me/ 
Kiss, kiss me darling/ Then, kiss me once again/ Make my dreams come true… 

Và cứ như thế tiếng thác Niagara đã tiễn bước chân lưu luyến của tôi, theo mãi tâm trí tôi cho tới lúc đóng kín cửa kính con tuấn mã để lên đường trở về, thầm mong có ngày tái ngộ.


Thế là cuộc du lịch Niagara và Toronto được coi như kết thúc phần chính.. Chỉ còn một mục tiêu quan trọng nhất trên lượt về. Vào sáng ngày thứ tư, chúng tôi theo lộ trình thứ nhì như đã định. Đến gần tối thì đển thành phố Stamford ở tiểu bang Connecticut. Đã hàng chục lần tôi đến thành phố ấy để thăm mấy người thân trong gia đình. Cũng có vài toà nhà cao hơn 2 chục tầng đẹp mắt, một nhà ga Amstrack đồ xộ ngay sát xa lộ I.95, được mệnh danh là một trung tâm bên lề về tài chánh và ngân hàng quốc tế của NY City. Chúng tôi nghỉ lại đêm để sáng hôm sau vào thăm nhà dưỡng lão, một điểm đến rất cần thiết của cuộc hành trình. 

Rồi vào buổi sáng thật sớm ngày thứ sáu lại tiếp tục lên đường, không lang thang ngắm cảnh ở những thành phố sẽ đi qua. Hầu như chẳng còn nơi nào khác nữa lôi cuốn tôi, ngay cả khi lái xe theo đường I.95 qua New York City hay Washington DC... Ngay cả đối với toà Empire State Building ở NY hay tháp-đài tưởng niệm Washington Monument ở DC, đôi chân vốn thích trèo cao từ thời thơ ấu của tôi đã có lần lên đến tận đỉnh ngay từ mấy năm đầu tiên mới tới Hoa Kỳ. Cho nên có lẽ chỉ còn một thắng cảnh, giống như tháp CN ở Toronto vì cũng có sàn kính quan sát từ trên cao là Skywalk ở thung lũng Canyon mới đủ hấp dẫn tôi nhất, nhưng đó là chuyện tương lai. 

Con tuấn mã Toyota Corolla 2000 màu bạc xinh xắn đã hoàn tất nhiệm vụ đưa chúng tôi đi suốt cuộc hành trình dài 3,000 miles không gặp một trở ngại nào, khi về tới Atlanta đã được chúng tôi âu yếm gọi là Chú-Ngựa-Con-Dễ-Thương. Và tất cả những chuyến du lịch gần xa trên giải đất Hoa Kỳ rộng mênh mông này, kể cả Niagara và Toronto, đều để lại trong tôi một ấn tượng sâu xa: 

Ngoài quê hương VN yêu dấu, đất nước mà tôi đã chọn là quê hương thứ hai có rất nhiều cảnh đẹp tuyệt vời và thật đáng yêu. 

HồngNguyên/H.N.T. 
 Aug.1.2015 

Anh Mang Cơn Bão Đến


Anh mang cơn bão đến
Ào ạt ngọn sóng thần
Đến rồi anh đi mất
Để lại buồn trầm luân

Vài giờ ghé thăm em
Chỉ vài giờ ngắn ngủi
Đủ ngập lụt hồn em
Cảm động lắm, ngậm ngùi!

Khuấy phá cõi yên bình
Khơi lại tình bao năm
Cảm ơn anh đã đến
Từ nghìn dặm xa xăm

Ôm chào anh giã biệt
Biết chừng nào gặp nhau?
Dẫu tình anh tha thiết
Xin hẹn lại kiếp sau

Tình bây giờ hiu hắt
Người bây giờ xót xa
Tình ngày xưa chiu chắt
Nhìn nhau, rồi chia xa…

Quách Như Nguyệt
August 11th, 2015

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Bốn Mươi Mốt Năm Sau Nơi Xứ Người 1974-2015

Bốn Mươi Mốt năm hẳn khá dài
Nhưng tình Hướng Đạo chẳng hề phai
Gặp lại một chiều nơi đất khách
Vui mừng tương ngộ! Hạnh phúc thay (Kim Oanh)

Ảnh lưu niệm của các Huynh Trưởng Liên Đoàn Bạch Mã: Gồm các Ấu trưởng, Thiếu trưởng, Kha trưởng và Tráng trưởng.
Từ trái qua:
Hàng ngồi:Quên tên, Cha Dương Bá Hoạt và Cha Trương Tấn Lực,Quên tên
H. Thứ 2:Phương Thanh, Thu Cúc, Kim Oanh, Akêla Mai, không nhớ tên, Đặng Đỉnh Nghiệp
H Thứ 3:Quên tên, Giêng, Nguyễn Văn Bá, Cha Bùi Văn Đằng, Quên tên
H Tứ 4: Quên tên,Quên tên, Nguyễn Văn Đạt, Quên tên
----0----
Năm 1974 trong khuôn viên trường Tống Phước Hiệp, Vĩnh Long. Nơi  đây đã đánh dấu một ngày rất quan trọng của tôi, ngày tôi được tuyên hứa  trở thành Kaa(Trăn Vàng), để dìu dắt, hướng dẫn các Sói con(các bé trai).
Đêm ấy, lần đầu được chung một vòng tay với Liên Đoàn Hướng Đạo Vĩnh Long, hát ca quanh ngọn lửa bập bùng.  Một niềm vui, hạnh phúc nhất của Hướng Đạo Sinh Việt Nam.

Trước khi kết thúc buổi cắm trại, các huynh trưởng đề nghị chụp tấm ảnh kỷ niệm.
Tấm ảnh trên được Thầy Peter Dương Bá Hoạt học Triết ở Đại Chủng Viện Vĩnh Long cất giữ, thầy nhờ anh Tâm Lê đăng vào trang Cánh Đồng Truyền Giáo.
Thời gian 35 năm sau tình cờ trên Net, tôi tìm được chính tôi trong bức ảnh, điều vui vui là tôi đứng sau lưng Thầy. Điều mừng mừng, anh Tâm cho biết Thầy Dương Bá Hoạt nay đã là một Vị Linh Mục đang ở Giáo Phận Gia Nghĩa Đài Loan. Nhờ anh Tâm Lê giúp từ đó Cha và tôi thường xuyên liên lạc.

Cha trước nhà Kim Oanh - 27/7/2015
Trung tâm City 28/7/2015
Arts Centre Melbourne
Từ trái: Kim Diệp, Kim Oanh, Cha Dương Bá Hoạt, Kim Phượng - 28/7/2015

Ngày 26/7/2015 Cha về thăm người em trai ở Sydney, Cha có dịp ghé Melbourne, Năm  ngày Cha lưu lại thành phố này, toàn thể gia đình tôi có những buổi họp mặt thân tình, trò chuyện vui vẻ, cùng nhắc những kỷ niệm xa xưa về Vĩnh Long,những sinh hoạt Hướng Đạo, trong buổi cơm thân mật, ngon miệng và ấm cúng. Trời Melbourne đang vào đông nhưng sự hiện diện của Cha đã đem lại nắng ấm cho thành phố này. Cũng nhờ thế Cha đã có những hình ảnh kỷ niệm rất đẹp nơi đây.
Tạ ơn Chúa, đã gìn giữ chở che ban cho Cha cùng chúng con được niềm hạnh ngộ hiếm có này sau  41 năm lưu lạc nơi xứ người.
Nguyện cầu cho Cha được dồi dào sức khoẻ, an bình. Cảm ơn Cha và mong ngày gặp lại Cha lần nữa.

Con Lê Thị Kim Oanh
Mùa Đông Úc Châu 2015

Kính Tặng Cha những hình ảnh Cha viếng Melbourne 7/2015


Hình Ảnh & Thực Hiện: Kim Oanh

Hỏi Em


Dẫu mai hoa nở thiên đường mới
Ta vẫn trần ai một nỗi lòng
Trời xanh dẩu nắng soi muôn lối
Ta vẫn mưa buồn một nhánh sông

Hỏi em đôi mắt chiều tan vỡ
Đôi mắt chiều có chút mưa sa
Chia ta một nửa đời cô quạnh
Một nửa đời chung cũng mặn mà

Hỏi em mộng phải là nhung nhớ
Hay chỉ vô tình dể lãng quên
Mà em lãng mạn như là lá
Rơi xuống sông buồn ta nửa đêm

Hỏi em phong kín đời đen bạc
Là những đêm dài dư chiếu chăn
Nổi đau đã ngấm tan thành rượu
Ta muốn say cùng chén mỹ nhân

Hỏi em dâu bể làm sao biết
Ai tối ba mươi chẳng nhớ nhà
Trời thấy ta buồn nên mới bắt
Mùa xuân vườn phải nở thêm hoa.

Lâm Hảo Khôi

Tháng Bảy Buồn


Tháng Bảy Buồn

Tháng bảy lững lờ mây trắng bay
Ngoài hiên cánh gió nhẹ nhàng lay
Có người cô lữ bên thềm vắng
Rưng rức trong lòng giọt đắng cay!

Tháng bảy buồn vui đến bất thường
Hạ về gợi nhớ Vĩnh Long thương
Dòng sông kỷ niệm, hoa tim tím
Xóm nhỏ, người xưa lẫn phố phường

Tháng bảy chiều rơi nhạt nắng hồng
Sông Tiền bờ vắng có hoài trông
Bóng thuyền viễn xứ mùa thương trước
Về lại bến xưa ... vơi nhớ mong!

Tháng bảy vô thường chuyện nắng mưa
Từ đâu xa vắng gió sầu đưa
Bỗng nghe man mác tiếng lòng khẽ
Từ đóa hoa mai nở sái mùa!!!


Yên Dạ Thảo
23/07/2015
 ***
( Gửi chút tâm ý đến YDT )

Tháng Bảy Buồn Theo ..


Tháng Bảy.. mùa xưa mưa vẫn bay
Thềm xưa hiu hắt cánh hoa lay
Ngỡ bước ai về bên hiên vắng
Không đợi mà sao ..mắt vẫn cay ..

Tháng Bảy ..ô hay ..nắng không thường
Hoa nắng vương màu mắt em thương
Nhớ dòng tóc chảy bờ áo tím
Ngày ấy em đi quạnh phố phường ..

Tháng Bảy , mùa đi.. nhạt tuổi hồng
Xứ người.. thấm lạnh cõi chờ mong
Bước chân mê mỏi mùa thu trước
Theo bóng thời gian hụt hẫng lòng ..

Tháng Bảy đi về những đám mưa
Trôi về ký ức ..buồn đong đưa..
Tiếng lá xạc xào rung khe khẽ
Sợ cánh Mai nghiêng giữa cuối mùa ..

Hương Chiều
25/07/2015
***
(Từ bài thơ Tháng Bảy Buồn của Yên Dạ Thảo)

Tháng Bảy Tìm Đâu

Tháng bảy chim chiều vỗ cánh bay
Dường như bỏ lại cảnh buồn lay
Nắng tàn hiu hắt con đường vắng
Rơi nhẹ vào hồn ngỡ men cay

Tháng bảy chiều nay bỗng lạ thường
Nhìn làn mây trắng thấy mà thương
Quanh đây hạ thắm giàn hoa tím
Sao nhớ ngày xưa một góc vườn

Tháng bảy tìm đâu cây phượng hồng
Con đường bóng mát lúc ngóng trông
Một người con gái không hẹn trước
Ngớ ngẫn nhìn trời vẫn đợi mong

Tháng bảy nơi này thiếu cơn mưa
Chỉ còn nắng vội gió đẩy đưa
Nỗi lòng cô lữ rung khe khẻ
Nhớ mái nhà xưa mấy mươi mùa

Đỗ Hữu Tài
27/07/2015
***
(Từ Bảy Buồn của Yên Dạ Thảo)

Về Thăm Quê Cũ

Lối ấy hàng me lá vẫn bay
Rơi theo từng đợt gió vờn lay?
Em về nôn nả thăm quê cũ
Tìm lại dư hương ngọt lẫn cay.

Cái Cá còn đâu nếp sống thường
Ngày xưa êm ả đậm yêu thương
Con sông nước ngọt tình sông Cửu
Thẩm thấu từng phân đất ấp, phường.

Sáng đến chiều về nắng vẫn hồng
Người xưa cảnh cũ luống tìm/ trông
Sao dời vật đổi theo ngày tháng
Tất cả mất rồi… giết ước mong.

Đã biết chuyện đời như nắng mưa
Đổi thay là con tạo đong đưa
Buồn chi hãy để lòng thanh thản
Vui với luân phiên năm bốn mùa.

Anh Tú
27/07/2015

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

Người Đàn Ông Quan Trọng Nhất Đời Tôi

Bố tôi là 1 người đàn ông rất đỗi hiền lành. Hiền đến độ có nhiều người trong họ hàng thân tộc nhà tôi đều nói là bố tôi hiền như Bụt. Hồi nhỏ, tôi không hiểu rõ nghĩa của chữ Bụt là gì. Khi lớn lên, đọc sách của thầy Nhất Hạnh, tôi mới biết Bụt là Phật. Được ví hiền như Phật, quả thật là 1 vinh dự lớn cho bố của tôi. Bao nhiêu năm làm con của bố, tôi chưa hề nghe ông chỉ trích, nói xấu 1 người nào. Ông không tham lam của ai, dù 1 cắc. Làm công chức ở quan thuế nhưng ông rất thanh liêm. Vì mẹ của tôi buôn bán giỏi, làm ra nhiều tiền, bận rộn; ông không màng giúp đỡ mẹ việc nhà, support tinh thần, bàn bạc, giúp ý với mẹ tôi, phụ mẹ tôi săn sóc, dạy dỗ con cái.


 Đó là những điều mà tôi thấy đàn ông Việt Nam -thời bố tôi- ít chịu làm. Bố rất “ga lăng” và chìu chuộng mẹ. Tôi thấy ông hay âu yếm choàng vai, vuốt má, hay nịnh đầm mẹ, lúc nào cũng nói chuyện thật nhẹ nhàng với mẹ. Mẹ tôi thì lo cho ông từng miếng ăn, giấc ngủ. Mẹ là người đàn bà khéo ngoại giao, ăn nói hay, tiếu lâm, vui vẻ. Mỗi lần mẹ tôi cười là có hai “đồng điếu” (hai dimples nhỏ xíu, giống Shirley Temple) nhìn rất có duyên, dáng người mẹ ngon lành-cao ráo, mẹ đảm đang, nấu ăn giỏi, đối đãi với bạn bè, hàng xóm láng giềng, họ hàng bên chồng không có chỗ nào chê. Thuở hai người mới quen nhau, bố tán mẹ bằng hai câu thơ: “Ai bảo em làm anh ngơ ngẩn. Buổi ban đầu anh có mộng gì đâu”.

 Lúc đó, bố học hành khá, biết cởi ngựa, đánh bốc (boxing), chơi ping pong, bắn cung tên, bơi lội (mẹ khoe là bố bơi từ bờ sông bên nầy đến bờ bên kia mấy vòng, bố bơi rất giỏi, có hạng trong vùng). Bố cao ráo, khỏe mạnh, đô con lại tán tỉnh hay nên mẹ phải lòng. Mẹ tôi đẹp lắm, mẹ khoe mẹ là hoa… hôi (hì hì) trong tỉnh. Mẹ bảo mẹ và bà Mười là hai người đẹp nhất trong vùng, em gái tôi hay chọc mẹ, nó nói chắc ở tỉnh đó chỉ có ….hai người con gái?! Hi hi… Ông ngoại không cho mẹ lấy bố vì lo lắng bố là con trai độc nhất (bà nội tôi chỉ có bố tôi và cô em của bố); ông ngoại thương mẹ tôi lắm vì ông cũng chỉ có mình mẹ tôi là con gái, ông đã nghĩ mẹ mà về làm dâu nhà bố (Bắc kỳ thời đó mà!) chắc sẽ không được khá! Bị ngăn cấm, mẹ tôi đã …runaway, trốn ông ngoại đến nhà dì của mẹ để làm áp lực (thời xửa thời xưa mà mẹ tui dám làm như vậy thì thiệt đúng là quá xá chời! Tui thấy bà rất can đảm, dám làm chuyện kinh thiên động địa như thế với ông ngoại, tất cả cũng chỉ vì …tình?! Mẹ tui quả thiệt là chịu chơi, là một người có làm có chịu nhỉ, hihi..). 

Khi mẹ tôi mất năm 1994, bố lủi thủi một mình, bố nói với tôi bố nhớ mẹ lắm. Mẹ tôi hay ngao du bạn bè, thích đi du lịch, hay ra ngoài chơi; bố lại không thích đi chơi cứ quanh quẩn ở trong nhà. Bố tâm sự bảo là bố rất buồn, bây giờ thì không còn mẹ tôi đi chơi về nói chuyện huyên thuyên như trước nữa. Mẹ có duyên ghê lắm! Có máu tiếu lâm nữa, tính tình rộng rãi, khoáng đại lại hiểu biết, dễ hòa đồng, rất “friendly” nên mẹ có rất là nhiều bạn. Mẹ thường kể lể đủ mọi thứ chuyện, vui có, buồn có, những tin tức thật là sốt dẽo cho bố của tôi nghe. Sẽ chẳng có một ai thay thế nổi mẹ của tôi với bố được đâu! Mất đi một người bạn đời tháo vát, lo lắng thương yêu, hy sinh cả một đời cho bố, chắc bố tôi buồn và cảm thấy cô đơn ghê lắm! Tội nghiệp ông!

Đối với bà nội, bố là một người con chí hiếu. Lúc bà nội bệnh, khi gần mất, năm 1972, đàm dãi của bà đầy cổ họng, ông đã không ngần ngại dùng ống hút, lấy miệng, hút đàm ra cho bà (gớm quá! Bạn có dám làm như thế không?) Thuở xa xưa lâu lắm rồi, hồi đó, làm gì mà có máy móc như bây giờ? Cô em tôi, nó có một trí nhớ siêu phàm, nó lại hay để ý nữa… thỉnh thoảng nó vẫn nhắc lại gương hiếu để này của bố. 

Ông nội của tôi mất sớm, hồi bố mới có 7 tuổi nên bố đã cáng đáng thay cha, săn sóc cho em gái mình từng chút. Tôi chưa thấy có người nào thương em gái như bố của tôi. Khi cô tôi đang tuổi mới lớn, chính ông là người chỉ dẫn cho cô từng ly từng tí, chính ông là người đã nhổ lông mày cho em, chỉ dẫn cô tôi cách ăn mặc đi đứng, dạy cho cô tôi biết về tâm lý của đàn ông. Chính bố tôi là người chọn chồng cho em mình, ông bảo chú là người hoạt động trong hướng đạo, tính tình tốt, tương lai tươi sáng. Mà đúng thật, cô chú tôi là một cặp vợ chồng hiếm thấy, cô không phải đi làm một ngày nào cho dù học rất giỏi. Tính tình chú rất dễ chịu , một lòng một dạ và thương chìu vợ con hết mực. 

Khi còn ở V.N., sau khi bà tôi mất, cứ cách mỗi hai tuần, là bố nói Hảo (cô em) hoặc là tôi chở bố đến thăm cô. Đến khi gia đình cô qua bên Mỹ cũng thế, không bao giờ bố tôi “expect” em mình, phận làm em phải đến thăm mình; ông bảo anh tôi chở ông đi thăm cô đều đặn. Lúc bệnh già của bố trở nặng, thời gian ông gần mất, đi đứng phải có người dìu, vậy mà khi cô tôi đến thăm, không biết có một động lực vô hình nào đã thúc đẩy ông, vừa nghe tiếng cô tôi ở ngoài phòng khách; ông vội vàng đi phon phon từ trong phòng ngủ ra để gặp cô! Ông đã chẳng cần chờ ai phải đỡ đần, dìu cho ông đi cả khiến chúng tôi quá sức ngạc nhiên! Em tôi và tôi trố mắt ra nhìn, đúng là… miracle! Tình thương khiến cho người ta làm những chuyện phi thường không thể nào có thể giải thích, không thể nào tưởng tượng nổi, phải không các bạn? 

Đối với con cái, ông chăm sóc chúng tôi kỹ lưỡng, rất kiên nhẫn, thông cảm và hiểu các con. Lúc còn nhỏ xíu, chúng tôi xếp hàng chờ ông đánh răng cho từng đứa. Ngày nào ông cũng phát cho chúng tôi uống một viên sinh tố (vitamin). Bố tôi rất… Tây, không thiên vị thương con trai hơn như bà nội tôi và mẹ. Đứa nào ngoan, học giỏi , mang bảng danh dự về đều được thưởng tiền. Ông khuyến khích các con để dành tiền. Bốn đứa con gái có 4 hộp đựng tiền, bố viết tên từng đứa. (Chúng tôi có 4 ông anh trai nhưng mấy ổng xài dữ lắm chẳng ông nào có dư tiền mà để dành!) Chúng tôi gửi tiền, cuối tháng, bố tính tiền lời rồi bỏ vào trong mỗi hộp. Bố dậy chúng tôi nên làm những việc thiện lành, theo bố, không phải để cầu mình sẽ gặp được nhiều may mắn, hạnh phúc ở đời mà ông bảo chỉ mong rằng những việc xấu nếu có đến, may ra sẽ giảm bớt đi.


Ai cũng bảo tôi nhìn giống bố nhất nhà. Tôi nhớ, hồi còn bé bỏng, bố hay ôm tôi vào lòng, hôn vào má tôi, râu của ông cạ vào má tôi nhột nhột, ngưa ngứa và tôi ngửi thấy mùi kem đánh răng, mùi aftershave từ bố, thoang thoảng, phảng phất hương thơm nhè nhẹ. Vào dịp Giáng Sinh, tôi mong bố đi làm về còn hơn trẻ con mong mẹ về chợ vì bố hay mang về cho em tôi và tôi những món đồ chơi nho nhỏ.

Khổ nhất của chúng tôi hồi còn nhỏ là bị bắt buộc phải ngủ trưa, tôi còn đỡ, đối với em gái tôi, đó là cả một cực hình, ngủ hay không ngủ, chúng tôi đều phải nằm từ 1:00 trưa đến 2:00 giờ. Bố rất kỹ về vấn đề ăn uống, không cho chúng tôi ăn vặt (!); không cho ăn dầu mỡ, gia vị tiêu cay, đồ ăn ngọt (sợ mấy cô con gái bị nổi mụn). Chúng tôi nhớ hoài cái cảnh chị người làm vác từ quê lên một trái mít khổng lồ, bổ ra nhìn thật ngon lành, vàng óng, thơm phưng phứt, thế mà bố của chúng tôi -vì sợ chúng tôi ăn vào nóng, mọc mụn- đã bảo chị Hai người làm cắt từng khúc nhỏ mang đi cho hàng xóm sạch, không chừa lại miếng nào! Làm chúng tôi tiếc ngẩn tiếc ngơ….

Ngày nào ăn cơm xong, bố cũng dẫn tôi đi bộ với bố đến công viên. Cứ hai hoặc ba tuần thì chúng tôi lại được đi xem xi nê với bố (nhà tôi người nào cũng mê movie là vì vậy). Tôi mê nhạc, nghe nhạc cả ngày, bố không la, còn nói: “Muốn cho con thành một bậc vĩ nhân thì cho con được ru ngủ bằng âm nhạc, được đánh thức dậy bằng âm nhạc”. Khi tôi tỏ ý muốn đi học đàn guitar, bố cũng đồng ý ngay và vui vẻ cho tôi tiền mua đàn và trả tiền học phí. Bố tôi còn khuyến khích chúng tôi học nhẩy đầm, bảo rằng con cái của giới thượng lưu đều biết nhẩy đầm cả nếu các con thích thì cứ việc. Ông đọc ở đâu nói đổ đen tốt, thế là chính tay ông nấu chè đậu đen (bỏ rất ít đường) hằng ngày, chỉ có một mình tôi với ông ăn (thảo nào ông thương tôi nhất nhà, hí hí..), vì “ngon” quá nên không có người nào khác trong gia đình tôi chịu … thưởng thức món ăn này cả!

Đến giờ này, ngồi nghĩ lại, tôi thấy “appreciate” bố tôi ghê lắm. Thuở mới lớn của tôi, ông đã để cho tôi rất tự do (không như tôi đối với thằng con của mình). Khi gia đình tôi từ trại tị nạn dọn đến New Hamshire, mỗi ngày tôi “sống nhờ thư” của bạn bè từ xa gửi đến và cũng viết rất nhiều thư gửi đi. Ông đã không cấm tôi đừng tốn mất nhiều thì giờ cho việc viết thơ mà còn lặng lẽ đi mua thật nhiều tem, ông đã để sẵn đó cho tôi tha hồ viết, tha hồ gửi thư đi. Mấy anh chàng trồng cây si, gọi điện thoại đến, tôi nói chuyện hàng giờ, bố cũng không la. Khi tôi quyết định lấy chồng năm gần 18 tuổi, bố thấy tôi còn trẻ quá, bố không thích cho tôi đi lấy chồng thời gian đó nhưng cũng chỉ nói ôn tồn, khuyên nhủ nhẹ nhàng chứ không cấm cản. Chồng tôi nghèo, không giỏi bằng những người rễ khác (bác sĩ), bố vẫn quí và thương bằng hoặc còn hơn nữa. Bố rất hiểu và cảm kích những tính tốt của chồng tôi, cứ khen hoài. Lúc đó, anh C. đang phải đi học lại, ông an ủi tôi: “Học xong trung học là đủ rồi, học lên đại học là học thêm ngành chuyên môn thôi, kiến thức và đức độ thì chỉ xong bậc trung học là đủ rồi, ngang ngửa với những người khác rồi, anh C. tư cách, tính tình còn hay hơn rất nhiều người, tư cách là bậc tiến sĩ, thạc sĩ; bố thấy có những người tài giỏi thật đấy, bằng cấp cao, đầy nhưng đôi khi kiêu ngạo ta đây, ích kỹ, tính tình nhỏ mọn, hay ganh tị, chẳng bao giờ nghĩ đến người khác, tư cách chỉ là bậc tiểu học, thế cho nên con không cần phải mặc cảm mà phải biết quí chồng của con. Bố thấy anh ấy là một người rất tốt!” 

Khi tôi muốn ly dị chồng, bố cũng chẳng nói năng gì, mặc dù ông rất buồn nhưng ông đã tôn trọng quyết định của tôi. Ông chỉ nhắc nhở tôi nhớ đối xử tốt, công bình với anh C. và cho dù có chia tay, chúng tôi cũng nên giữ gìn những tình cảm đẹp đẻ cho nhau. Anh C. thương bố mẹ tôi như bố mẹ ruột của anh. Mặc dù anh và tôi đã ly dị, anh thỉnh thoảng vẫn đến thăm bố của tôi. Mười năm sau, khi bố của tôi qua đời, anh đã đến phụ giúp và chịu tang bố tôi trong những ngày tang lễ.

Bố hay khuyến khích chúng tôi đọc sách, nhất là các loại sách học làm người. Quyển sách mà bố thích nhất là cuốn “Đắc nhân tâm” của Dale Carnegie, ông Nguyễn Hiến Lê dịch. Bố đọc đi, đọc lại. Mỗi lần tôi nói câu nào khéo léo, khôn ngoan, biết khen người khác đúng lúc, thật thà; bố thường hay khen: “Nguyệt biết Carnegie. Giỏi lắm!” hay: ” Carnegie giỏi quá hả!”, “Carnegie khá lắm! hay quá!”. Em tôi thì mỗi lần tôi “hắc ám” , nó lại nhắc nhở: “Sao chị không biết Carnegie gì hết! Carnegie của chị đâu rồi?” hoặc chị tôi: “Nguyệt quên Carnegie rồi à?”. Tên của ông Carnegie (bố đọc theo âm tiếng Pháp, cát nê ji) trở thành động từ của gia đình họ Quách chúng tôi tự lúc nào…. 

Bố thương và quý con dâu, con rễ, đối xử với người làm rất tử tế. Vì chúng tôi lười biếng, mỗi lần chị người làm về quê là cả một khổ sở, cực hình cho cả nhà nên ông rất quí trọng chị người làm. Ông sợ chị Hai mà xin nghĩ việc là cả nhà sẽ rất là chật vật và vất vả. Bữa ăn nào, chúng tôi cũng đều có đét se (dessert), một quả chuối, trái cam, táo, xoài… Bố lựa theo thứ tự, ngon lành nhất dành cho bà nội, kế đến là mẹ của tôi, kế đến … chị người làm, sau cùng mới đến chúng tôi. Chị mà méc với bố mẹ nếu chúng tôi làm gì cho chị phiền lòng là kể như …. tiêu tùng hoa lá, chúng tôi sẽ bị mắng ngay. Thỉnh thoảng thấy chị người làm vất vả quá, ông còn đi mắc mùng giùm cho chị. Mẹ tôi cười cười bảo: “May mà em hiểu anh, nhưng nếu người ngoài mà họ nhìn thấy cái cảnh này, họ lại tưởng anh muốn cua, yêu thích con nhỏ Hai, mang tiếng chết!…” 

Bố của tôi sống rất giản dị, chẳng xa hoa cầu kỳ; bao nhiêu tiền có được, sau khi để dành một ít, là bỏ vào - rất thích- làm việc thiện. Hồi còn ở Việt nam, lúc nào bố tôi cũng để sẵn 1 túi tiền, ăn mày hể đến nhà, dù khoẻ mạnh hay tàn tật, bố bảo chúng tôi cứ tự động mang ra cho họ. Vì biết chắc chắn bất cứ lúc nào họ cũng được cho tiền, có nhiều ông ăn mày đi thẳng một mạch đến nhà tôi mỗi ngày mà không đến xin những nhà hàng xóm khác. Có đứa bạn nào mà tôi thấy gia đình của nó nghèo khổ, tôi đều nói với bố tôi. Con nít nghèo của những xóm kế bên cũng thế , ông bố tôi hay mua sách vở, bút mực hoặc đưa tiền (chính tay ông hoặc ông bảo các con) cho họ. Qua đến Mỹ, mỗi năm ông đều dành dụm gởi nhiều tiền về Việt Nam giúp đỡ người nghèo khó. 

Về tình cảm của con cái, thấy em tôi đánh tennis giỏi, lúc nào cũng thắng mấy anh, ông khuyên em tôi thỉnh thoảng nên giả vờ thua, để tự ái mấy chàng được thỏa mản mới thích em tôi (?!). Chị tôi vì đào huê quá không biết ông bồ nào nên lấy ông nào không; “chỉ” cứ ngần ngừ hoài, chắc bố hơi lo cho chị nên khi chị 34 tuổi, bố khuyên chị cứ đi lấy chồng cho biết ….mùi đời (hi hi…), nếu không thích thì … ly dị (ông bố tui chịu chơi quá phải không ạ?). Khi chị quyết định lấy chồng lớn tuổi hơn, mặc dù ông anh rễ của tôi sáng sủa, cao ráo, chưa bao giờ có vợ và lại là bác sĩ nội khoa ngon lành, bố tôi vẫn rất thực tế “bring up concern”, cố vấn cho chị tôi về vấn đề tuổi tác. Ông bố chỉ sợ cô con gái cưng tương lai thiếu hạnh phúc …gối chăn, hoặc nếu có cũng không còn được bao lâu; ông muốn chị tôi lấy chồng bằng tuổi hoặc chỉ hơn chị vài tuổi thôi à…chiện có thiệt đó mờ, hì hì ….(bố tui hơi… lo xa đó quí zị ui, lúc đó ông anh rễ tui mới có bốn mươi mí tuổi à , vào làm rễ gia đình này tuy dễ như lại đòi hỏi những tiêu chuẩn hơi … khó khó hỉ …hi hi hi…) 

Đối với các cháu nội, cháu ngoại, ông thương rất đồng đều. Khi tôi gửi thằng con lớn cho mẹ tôi để đi học, bố đã phụ mẹ, trông giúp hộ nó cho tôi. Lúc nào ông cũng mua sẵn một lô kẹo chewing gum, đứa nào đến, cũng phát cho vài cái. Khi lũ cháu chào ông, lúc nào ông cũng vui vẻ nói lại: “Chào cháu”. Ông rất chịu khó tập thể dục, lúc nào ông cũng vui vẻ, yêu đời. Ông hay nhắc chúng tôi: “Vui lên thiên hạ đồng tình, khóc than bạn chỉ một mình khóc than”. Hoặc: “Chỉ có tôi cho phép tôi buồn ngoài ra không có ai có thể làm cho tôi buồn được!” 

Bố của chúng tôi rất mê đọc sách. Mặc dù theo đạo Phật, thờ cúng tổ tiên nhưng ông đã đọc, nghiên cứu hết hai quyển kinh thánh Tân ước và Cựu ước. Ông khuyến khích tôi đọc, nói là có rất nhiều điều hay. (Tôi có thử nhưng thấy …. boring quá! Không sao đọc tiếp cho hết được). Ông còn khen đạo Tin lành là đạo của những người văn minh. Ông có 1 quyển sổ nhỏ, với nét chữ gọn gàng đều đặn, ông chép những câu danh ngôn, những bài thơ nói về tình yêu (lãng mạng nhỉ, hihi..) Một quyển sổ khác, ông chép những câu nổi tiếng, nói về cách sống, cách cư xử, đạo đức, hạnh làm người.

Bố của con ơi… bố mất được gần 2 tuần rồi mà con vẫn cảm thấy là con chưa mất bố! Mỗi sáng thức dậy, con lại nghĩ đến bố. Con thương và nhớ bố lắm, bố ơi! Con thấy mình hụt hẫng, bơ vơ, mất mát nhiều ghê lắm! Trên cõi đời này, sẽ chẳng có một ai khác, thương con, tình thương vô điều kiện, như bố đã. Con sẽ chẳng bao giờ thấy được gương mặt hiền lành -cặp mắt lúc nào cũng nhìn con dịu dàng, thương yêu- của bố. Bố dễ thương, dễ chịu ghê lắm! Chẳng bao giờ bố đòi hỏi chúng con làm điều gì cho bố hêt. Chẳng bao giờ con thấy bố than phiền là sao chúng con không đến thăm bố thường hơn. Bố chỉ tỏ vẻ rất vui mừng khi chúng con đến thăm bố mà thôi. Con đã không có mặt, ở cạnh bố, trong những giờ phút cuối cùng. Xin bố tha cho tội bất hiếu của con, bố nhé. Khi đang đi chơi ở Canada, nghe Annie nói là ông ngoại passed away, con đã khóc suốt mấy tiếng đồng hồ và đòi về ngay nhưng Hảo nói là chỉ còn một ngày nữa là về, đằng nào bố cũng đã mất rồi. 

Bố của chúng tôi không gặt hái được nhiều thành quả để đời, không phải là 1 người tài ba xuất chúng, lổi lạc thế gian. Ông chỉ là một người rất bình thường. Một người rất tử tế, sợ tội, tính tình hòa nhã, tin vào bố thí, làm lành tránh dữ, hiếu thảo, ăn ngay nói thật, chẳng bao giờ muốn phiền hà ai, không thích nợ nần ai. Ông đã cố gắng đóng trọn vai trò của mình trong màn kịch đời người. Một người công dân tốt trong xã hội. Một người biết tự lo thân, take good care cho bản thân mình. Một người bạn tốt, biết cảm thông, chia xẻ. Một người con, anh, chồng, cha, ông trọn vẹn. Vì thế, từ những điều rất bình thường đó, với tôi, ông đã trở nên một người rất đỗi phi thường!


Bây giờ, một năm rưởi sau khi bố mất, ngồi viết thêm, sửa lại một lần nữa, bài mà con đã đọc trong ngày đưa tiễn bố. Con khóc nghẹn ngào. Bố ơi! vẫn biết đời sống này là vô thường, chẳng có gì là vĩnh cửu. Vẫn biết chính bản thân con, một ngày nào đó, rồi cũng phải ra đi. Vẫn biết một người - tốt bụng, hiền lành- như bố; thì sự ra đi của bố, có nghĩa là một nơi chốn tốt đẹp hơn. Nhưng con vẫn không khỏi đau lòng và buồn bã. Con vẫn thấy nhớ bố, nhớ bố thật nhiều. Con cứ phải tự an ủi mình, tự nhắc mình là may mắn vì đã được làm con của bố. Con phải nói với mình, nhiều lần, là con phải mừng cho sự ra đi của bố. Bố giờ này chắc không còn ở cõi ta bà, hỗn độn này nữa đâu, phải không bố? Bố yêu của con ơi! Con cố gắng không buồn nhiều, vì con tin chắc rằng, bố đã được về 1 cõi êm ái, bình an, hạnh phúc hơn cõi đời này.

Quách Như Nguyệt
August 2008; Editted Feb. 27th, 2010

Bonsai - Cây Lựu

( Bonsai của anh Lê Kim Thành)
Gái Một Con!

Thân em xuất xứ Lựu Tàu*
Tuy hoa khoe sắc, phép nào đậu đông
Qua rồi lứa tuổi xuân hồng
Vẫn "mòn con mắt" mõi trong đợi chờ...!!!

Lê Kim Hiệp
* Ở bên Tàu mỗi gia đình chỉ được sinh 1 đứa con
***
Tình Lựu

Hoa xinh mộng thắm đẹp màu
Trái vừa đơm quả ngọt ngào đưa duyên
Dẫu đời chẳng trọn hương nguyền
Nhưng tình cô Lựu thuyền quyên vững bền

Kim Oanh
***
Một Mùa Hoa

Mùa hạ chưa tàn trong sắc hoa
Như tình lưu luyến gởi quê nhà
Gầy guộc vươn lên từ sỏi đá
Lòng còn nguyên vẹn một mùa hoa

Khánh Hà
***
Lựu Phun Lửa Hạ


Trời hạ kia hòa lòng Lựu Lửa
Thuận mưa về gọi nắng đong đưa
Trải thời e ấp hoa phong nhụy
Độc quả lay cành trĩu dáng thưa

Kim Phượng

Một Khúc Thơ


Tháng sáu.
Tháng sáu mưa về anh trở lại Buôn Mê.
Không còn phải nhìn trông...mưa nguồn chớp bể.
Ngắm cơn mưa rừng đầu mùa đến trễ.
Sao vẫn còn đây lo nghĩ bộn bề....

Tháng Bảy.
Trở lại Đà Lạt quen sao lòng thấy ngập ngừng.
Trên đỉnh LangBiang, tìm đâu dấu chân em năm cũ.
Chỉ còn đêm mưa, cùng hàng thông đứng lặng ven rừng.
Và khoảng không nào, năm đó em đi...

SaiGon, tháng tám.
Những cơn mưa chiều chạy ào trên từng con phố.
Thoáng kỷ niệm xưa,
trong chiếc ô em đang gấp dở.
Gió đuổi từng cơn, trên mặt đường xám cũ.
Không thấy lá vàng rơi. mà hình như đã vào thu....

Hhai
*Hình hai người bạn thân từ xa trở về thăm lại cố hương.

Chiều Trên Bến Sông



Mưa Thu rơi nhẹ mạch sầu
Chập chờn con sóng về đâu hững hờ
Lá vàng phờ phạc ngu ngơ
Nhớ người năm cũ ngây thơ kiếp người.

Sương chiều như giọt lệ rơi
Ai mang con sáo xa rời bến sông
Gió chiều trải rộng cánh đồng
Mơn man da thịt gợn buồn tái tê.

Đêm về canh vắng bốn bề
Tiếng con nhạn lạc não nề cô miên
Đêm tàn tràn ngập niềm riêng
Quơ tay vuốt giọt ưu phiền tóc mai.

Đâu rồi ảo vọng xa bay
Đường trần muôn nẻo cỏ mây nát nhầu
Tương tư bạc trắng mái đầu
Người đi kẻ đợi từ lâu mõi mòn.

Quay đầu trở lại cô thôn
Chừng đem giông tố dỗi hờn về đây
Sân sau sương trắng phủ dầy
Mặt sông phiền muộn khói bay ngập tràn...

Dương Hồng Thủy

Quen Rồi


Vớt Mảnh Nửa Vời

Sông khuya vớt nửa vầng trăng
Bình minh hứng lại nửa ngăn mặt trời
Loanh quanh hớt mảnh nửa vời
Lênh đênh níu giữ hoa đời nổi trôi
Mịt mờ bóng ngả chiều rơi
Hoàng hôn nhặt nỗi tàn hơi bàng hoàng.


Kim Oanh
***
Quen Rồi

Nơi Nàng chìm khuất bóng trăng
Dõi Ta nửa mảnh cách ngăn góc trời
Thì thôi... chuyện cũ xa vời
Như làn gió thoảng nốt đời lặng trôi
Quen rồi - bao cánh mùa rơi
Ngô Đồng rũ rượi, nhạt hơi Phượng Hoàng


TiCa Nguyễn Xuân Hòa
8.6.2015


Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2015

Còn Tiếc Dư Âm

Anh Cao Linh Tử
Một mảng trời thu phố Vĩnh Long
Qua ngày tương ngộ khách chờ mong
Bằng huynh Huỳnh Đỗ tình luôn hảo
Đại tỷ Phương Hà dáng vẫn phong
Cữ rượu người thơ không thiếu ý
Mời thi ngọn bút chửa xuôi dòng
Cao Linh Đắc Thắng lui còn tiếc
Tái hợp thêm lần biết được không!

Cao Linh Tử
14/8/2015
Chị Phương Hà
Đại Tỷ Phương Hà

(Kính tặng chị Phương Hà)

Vừa qua cột mốc cổ lai hi
Thục nữ nhân gian ít kẻ bì
Trông thoáng dung nhan,ồ! Đại tỷ
Nhìn sơ sắc diện, á ! thanh mi
Ngôn từ nhỏ nhẹ cung đàn vĩ
Thi tứ dạt dào vị trái si
Gặp gỡ lần đầu nhanh mến quý
Bài thơ tặng chị chắc không kỳ?

Cao Linh Tử
14/8/2015
***
Phương Hà nức lòng hoạ tiếp Cao Linh Tử sau đây:
Gặp Gỡ Tại Vĩnh Long

Linh Tử ra bài vướng vận Hi
Phương Hà lúng túng hoạ sao bì
Xét trong buổi họp đà lên tỉ

Nhưng giữa vườn thơ phải hạ mi (*)
Đàm đạo văn chương tìm nghĩa chữ
Viếng thăm Thánh Miếu ngắm đa, si (**)
Chia tay lòng mãi còn lưu luyến
Hẹn gặp đông vui đúng hạn kỳ.


Phương Hà
(*) Nhìn xuống vì còn kém tuổi nhiều thi huynh không có mặt hôm ấy
(**) Cây đa và cây si
***
Đại Tỷ Mai Lộc Mai

Thất thập giai nhân nhất cổ hi,
Quan thư yểu điệu ít ai bì .
Gót hài khép nép luôn hàm tiếu,
Xuất khẩu thành chương đạm tảo mi .

Sắc nọ bao nhiêu chàng mê mẫn,
Tài nầy biết mấy kẻ trồng si.
Ước gì gặp gỡ năm mươi trước ...

Hội ngộ giai nhân ắt hữu kỳ !

Đỗ Chiêu Đức
Chú Thích:
* Câu 2 lấy ý trong Kinh Thi, chương Quan Thư như sau : Quan quan thư cưu,
Tại hà chi châu. 
Yểu điệu thục nữ,
Quân tử hảo cầu!
* Câu 4: Xuất khẩu thành chương hay Xuất khẩu thành thi, nghĩa cũng giống nhau đều chỉ văn tài giỏi giang .
Đạm tảo mi: là quét nhẹ đôi mài, lấy ý trong câu " Đạm tảo nga mi triều chí tôn ", mà trong Cung Oán Ôn Như Hầu đã viết như thế nầy:
Đóa lê ngon mắt cửu trùng, 

Tuy mài điểm nhạt nhưng lòng cũng xiêu!
* Hữu Kỳ: là có kỳ vọng, có hy vọng. Trái với Hữu kỳ là Vô Kỳ là Không có hy vọng gì cả !

***
 Dung Mạo Tươi Trẻ 

Nghe chị thơ hay họa hiếm hi!
Tuổi qua thất thập chị em bì ...
Dung quang thanh tú trông còn khỏe,
Ánh mắt như cười lá liễu mi.
Tú khẩu duyên may ai cũng mến,
Cẩm tâm thiếu nữ lắm chàng si!
Thi tài ít có ai theo kịp...
Hội ngộ "Vườn ta" sẽ hẹn kỳ!

Mai Xuân Thanh
Ngày 19 tháng 08 năm 2015
***
Nhắn Chị Phương Hà

Tuổi quá bảy mươi chưa hẳn hi
Nhưng trông thật trẻ khó ai bì
Mịn màng tươi tắn từ khuôn nguyệt
Thanh tú rỡ ràng lộ nét mi
Xin hỏi ngày xưa bao kẻ mộng
Chắc rằng lúc đó lắm người si
Vĩnh Long họp mặt khai tên tuổi
Chị báo bảy ba cảm thấy kỳ!

Quên Đi

Chị Phương Hà, Chị Chiêu Đức,Các anh: Chiêu Đức, Linh Tử, Đắc Thắng, Hữu Đức, Văn Phú

Quên Đi giới thiệu cùng Vườn Thơ những khuôn mặt ngày 13/8/2015
 Đến giờ vẫn còn đọng lại trong tôi quá nhiều cảm xúc...

Những Nhân Vật Chính 13/8/2015

Phương Hà đứng nhất khỉ cầm tinh
Anh Phú xếp hai thích chụp hình
Chiêu Đức hàng ba cười phúc hậu
Quên Đi thứ bốn đứng làm thinh
Trước Lâm (*) kế tiếp người chân thật
Đắc Thắng cuối cùng dáng lại xinh
Nếu được có thêm nhiều bạn nữa
Niềm vui gấp bội với "Vườn" mình.

Quên Đi
(*) Tên thật của Cao Linh Tử
***
Dư Âm Ngày Hội Ngộ

Ô hay! vui quá hội tương phùng
"Thơ thẩn " vườn ta gặp mặt chung
Giản dị nhưng tình đầy thắm thiết
Đơn sơ lại nghĩa đậm đà nồng
Bút nghiên liên kết tình thơ lại
Trang "net" nối liền chút nghĩa nhân
Rộn rã tơ lòng Quang góp nhặt
Một mùa Hạ nhớ đáng hoài mong!

Hội ngộ tương phùng cũng đã xong
Anh em hoan hỷ khoái trong lòng
Phương Hà đúng hẹn về tham dự
Chiêu Đức dù xa vẫn đợi trông
Đức Thắng đâu già người đỉnh đạc
Cao Linh (Tử) vẫn trẻ tuổi xuân nồng
Quên Đi, Anh Phú lo tươm tất
Thầm ước mơ nhiều buổi hơp chung!

Song Quang

***
Họp Mặt Vườn Thơ Thẩn

Vĩnh Long một sáng nắng ươm vàng
Họp mặt bạn thơ vui chứa chan
Hải ngoại - quê nhà mừng hội ngộ
Văn chương, chuyện vãn cứ râm ran
Linh Cao ( * ), Đắc Thắng nom hiền hậu
Chiêu Đức, Quên đi ngó rộn ràng
Văn Phú chụp hình luôn tất bật
Phương Hà, chị Đức ( ** ) nói râm ran

Phương Hà
( Nhân buồi họp mặt tại nhà anh Hữu Đức - Vĩnh Long ngày 13/08/2015 )
( * ) Cao Linh Tử
( ** ) Hiền thê anh Chiêu Đức
*** 
Úc Châu 15/8/2015
Qúy Thầy và các Anh Chị thân mến,

Dù không được họp mặt, nhưng hôm 13 tháng 8, Kim Phượng thức từ 5 giờ sáng để nôn nao, đi làm mà cứ ngỡ mình đi họp bạn, dù cách một đại dương.
Hôm nay tịệc tàn, nhưng dư hương, dư âm và "dư nước mắt"...vẫn còn và mãi...mãi.

Nghe khách phương xa kể về sự việc quê mình, làm nhớ nhà muốn chết. Đã vậy, hình ảnh lưu niệm của các Anh Chị nơi đền Văn Thánh, nhìn mà bắt khóc, vì đó là nơi đầy kỷ niệm của thời thơ dại...

Chị Phương Hà ơi, dù Kim Phượng không tận mắt, nhưng qua lời kể và với tài kể chuyện của các anh khiến Kim Phượng thả bút mà mơ đây, các Anh Chị họp mặt ơi.

Vẫn Mơ

Đinh Lăng không uống thế mà say
Vì sắc lẫn tài chuyện kể hay
Mồi ngóng rượu nhìn mơ bắt chết
Cho người xa xứ thả hồn bay

Kim Phượng
Úc Châu 15/8/2015
*** 
Hãy Về

(Họa Vẫn Mơ của  Kim Phượng)

Hãy về để được một lần say
Bạn hữu vườn thơ thật quá hay
Đàm luận văn chương xen chuyện vãn
Chia tay, hồn mãi ngẩn ngơ bay...

Phương Hà
*** 
Muốn Về...

Hợp bạn muốn về...để được say
Đăng Linh nhập tữu lại càng hay
Nhưng mà...mua vé không tiền trả
Nên chẳng ai cho ghế máy bay!

Song Quang
*** 
Như Mơ
Được gặp như vầy cũng đủ say
Có thơ thêm rượu lại càng hay
Chia tay lòng vẫn còn ngây ngất
Hồn mộng dật dờ cứ ngỡ bay.

Quên Đi

Ô Kê
(Tặng anh Quên Đi)

Thiên Thai lạc bước chốn trời mê
Trần ấm tường êm hết chỗ chê
Đèn ảo đèn mờ như nguyệt điện
Cung Vườn Thơ Thẩn … thiệt ô kê!

Nguyễn Đắc Thắng
***
Ô ké chẳng ô kê
Nghĩa tình cũng đủ mê
Tự chân trời góc bể
Thịnh soạn tỏ tình quê.

Cao Linh Tử
***
Tình quê ao ước bấy lâu nay,
Họp mặt Vườn Thơ cũng có ngày...
Tay bắt mặt mừng như kiếp trước
Đã từng thân thiết... bấy lâu nay !!!...

Đỗ Chiêu Đức
***
Thấy tỷ huynh chung Thái phát mê
Lại thêm hảo tửu hỏi sao chê
Tui đây,bạn đó xin vui ké
Chiếu thiếu nơi ngồi kéo ghế kê.

Qua hình hội ngộ, nghĩ tui nay
Xó bếp quẩn quanh ấy tối ngày
Chén bát không xong liền bị liếc
Vẫn vui được ngắm tỷ huynh nay.

Thái Huy


***
Tiếc Thật!

"Nhìn người" mà lại thiếu " ta ",
Nghe vui vẻ thế thật là đáng mê...
Gặp nhau Ka-ra-ô-kê,
Như Quán Nghệ Sĩ tỉ tê tấc lòng!
Tương phùng chén rượu đợi mong,
Vườn ta " Thơ Thẩn " đục trong chung tình.
Vĩnh Long, thành phố đẹp xinh,
Bạn bè "Nội, Ngoại" chúng mình hợp nhau( * )
Đề huề kẻ Trước người Sau,
Anh em chào đón đủ màu sắc hay...
Xa xôi cách mấy dặm dài,
Nhớ nhau kỷ niệm ngày mai... lại về...


Mai Xuân Thanh 
Ngày 14 tháng 08 năm 2015
* Nội, Ngoại : người ở " trong nước " sinh sống, kẻ ra " hải ngoại " định cư...