Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

Bọt Biển - Sáng Tác Tín Đức



Sáng Tác: Tín Đức
Tiếng Hát: Bảo Vân

Chào


Xin chào ngày mới tinh khôi
Chào năm tháng rộng
Chào thời gian qua
Chào làn gió - thoáng mây xa
Chào hoa Bất Tử - nở ra mỗi lần

Xin chào tia nắng trong ngần
Chào bình minh đã góp phần lung linh
Chào ai kia với cuộc tình
Chào Tôi - gói lại tuổi mình rất xưa.

Xin chào
Ngày nắng
Đêm mưa
Chào dương gian lắm hư thừa ruổi giong
Chào mùa…
Xuân
Hạ
Thu
Đông
Chào nguyên sơ…

Biển mênh mông - bạc đầu.

TiCa
(7.20.15)

Giang Thụ Viễn Hàm Tình

Đường đời như đò dọc. Thân phận nổi trôi. Dặm trường mưa gió. Gặp rồi xa. Chút tình mây nước cuối đời.Tiễn người hay tiễn mình. Mấy vần thơ vụng tiễn nhau.



Tống Đỗ Thẩm Ngôn
Tống Chi Vấn - Sơ Đường


Ngọa bệnh nhân sự tuyệt
Ta quân vạn lý hành
Hà kiều bất tương tống
Giang thụ viễn hàm tình

Tạm Dịch : Tiễn Đỗ Thẩm Ngôn
Bệnh nằm không đi ra ngoài được
Thương người nỗi mưa gió đường dài
Không đưa tiễn nhau ở bên cầu sông được
Tình tôi gửi hàng cây dọc ven sông theo ai đi vạn dặm xa

PKT 07/07/2015

Tiễn Nhau

Nằm bệnh đành buông hết
Dặm trường nghĩ tội ai
Bên cầu người lỗi hẹn
Cây tiễn dọc sông dài 


Phạm Khắc Trí
***
Tiễn Đỗ Thẩm Ngôn


Ngã bịnh rồi việc đời đành gác
Đường dặm xa thương bác ra đi
Trên cầu chẳng được biệt ly
Tình tôi cây bến sầu bi tiễn người


Mailoc phỏng dịch
***
Xin chuyển bài nguyên tác Hán Tự và bài dịch Hán Việt:

送杜審言  - 宋之問,

臥病人事絕,
嗟君萬里行。
河橋不相送,
江樹遠含情。
別路追孫楚,
維舟吊屈平。
可惜龍泉劍,
流落在豐城。

Tống Đỗ Thẩm Ngôn - Tống Chi Vấn

Ngoạ bệnh nhân sự tuyệt,
Ta quân vạn lý hành.
Hà kiều bất tương tống,
Giang thụ viễn hàm tình.
Biệt lộ truy Tôn Sở,
Duy chu điếu Khuất Bình.
Khả tích Long Tuyền kiếm,
Lưu lạc tại Phong Thành.
***
Dịch Thơ: 
1/ Tiễn Thẩm Ngôn

Bệnh nằm đành gác việc
Thương bạn dậm đường dài
Cầu vắng ai đưa tiễn
Bên sông cây cảm hoài


Quên Đi
2/
Cảm Tác: Cảm Đề


Bệnh buồn nhớ Bạn Thơ
Ray rức mấy ai ngờ
Lòng chứa bao tâm sự
Ôm vào trong giấc mơ.


Quên Đi
***
Giọt Buồn Tiễn Đưa

(Theo bản phỏng dịch của thầy Trí Khắc Phạm - Tống Đỗ Thẫm Ngôn-Tống Chi Văn - Sơ Đường)

Ốm đau trở bịnh ở trong phòng,
Mưa gió dặm dài bạn nhớ mong.
Sóng nước bên cầu ai tiễn bạn,
Ven sông cây cối gởi tâm lòng...

Mai Xuân Thanh
Ngày 10 tháng 07 năm 2015
***
Tiễn Đỗ Thẩm Ngôn


Ngã bệnh đành thôi chẳng bước ngoài
Đường xa mưa gió nghĩ thương ai
Trên cầu vắng bóng người đưa tiễn
Cây dọc ven sông giữ cảm hoài


Kim Phượng
***
Tiễn Bạn


Bạn ra đi xứ lạ
Ta yếu lại tay không
Ngại dăm đường , ga vắng
Không thơ tiễn , tiệc tùng
Nào phải lạnh sông Dịch
Mà nhìn lại Tiêu Tương
Nháy mắt đà ngàn dặm
Rồi nhớ lại rồi thương


Chân Diện Mục
***
Tiễn Đưa Đỗ Thẩm Ngôn


Bệnh nên chẳng trọn tình đời,
Thương người ngàn dặm sớm rời xa nhau!
Nước trôi cầu chẳng biết nào,
Cây ven sông ấy nao nao gợi tình!


Đỗ Chiêu Đức
***
Tiễn Đỗ Thẩm Ngôn


Thôi đã bệnh rồi kể dứt luôn
Con đường vạn lý gió mưa tuôn
Khúc hát bên cầu đành nín lại
Gửi hàng cây tiễn chạy bên đường


Nguyễn Đắc Thắng
20150714

Đại Diện Tang Gia Trần Việt Hải Chân Thành Cảm Tạ


Toàn thể tang gia Trần/Lâm xin chân thành tri ân và cảm tạ:
Hòa Thượng Thích Chơn Thành, cùng ban tụng niệm Chùa Liên Hoa, Garden Grove, California
Hòa Thượng Thích Trí Lãng, cùng ban tụng niệm Đạo tràng Thích Ca Đa Bảo, Reseda, California
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm, chủ tịch Hội Lê Văn Duyệt Foundation
Tiến sĩ Nguyễn Hải Bình, cựu khoa trưởng, cùng quí giáo sư và đồng môn Đại học Kinh Thương Minh Đức

Giáo sư Trần Mạnh Chi, hội trưởng và thân hữu Nhóm Nhân Ảnh Tân Văn
Ông Ngô Thiện Đức, hội trưởng cùng bà con đồng hương Tây Ninh Đồng Hương Hội
Ông Lâm Mỹ Hoàng Anh, hội trưởng, cùng quí giáo sư và đồng môn Hội Ái Hữu Petrus Ký Nam Cali
Bà Nguyễn Thị Quế Hương, Ngọc Long, Nhóm Áo Trắng Gia Long và Thân Hữu
Bà Võ Thị Thơ, Lương Thanh Hồng cùng Thân Hữu Cư Xá HQ Bạch Đằng
Nha sĩ Cao Minh Hưng, hội trưởng Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ

Quí bà con đồng hương San Fernando Valley, Simi Valley, San Gabriel Valley
Ông bà bác sĩ Nguyễn Đức Hoàng, West Hills, California
Quí cơ quan truyền thông báo chí: Báo Thằng Mõ Nam Cali, An Nguyễn Kiều Mỹ Duyên, Nhóm Truyền thông Từ Cánh Đồng Mây, Như Hảo đài Mẹ Việt Nam, Saigon Times, Người Việt Tây Bắc Seattle, Việt Báo Florida, Tinh Hoa Minnesota, Cỏ Thơm Maryland, Ninh-Hoa Online, SaigonOcean Online, Lê Dinh Online, Thanh Thúy Online, Hồ Ngọc Cẩn Online và Long Hồ Vĩnh Long Online.
Cùng tất cả quí bà con, đồng hương, bạn hữu, văn nghệ sĩ Âu châu, Úc châu và Bắc Mỹ đã điện thoại, gửi điện thư chia buồn, thăm viếng, giúp đỡ, hộ niệm, tham dự tang lễ và tiễn đưa linh cữu của Em, Chị, Mẹ, Bà của chúng tôi là:

Bà quả phụ Trần Phước Dũ
Khuê danh Lâm Thị Bích
Pháp danh Phổ Liên Trì
Mệnh chung ngày 5 tháng 7 năm 2015 (Nhằm ngày 20 tháng 5 năm Ất Mùi)
Hưởng thọ 84 tuổi

Trong lúc tang gia bối rối, nếu có điều chi sơ suất, kính xin quí vị niệm tình hoan hỉ bỏ qua cho.

Đại diện tang gia: 
Trần Việt Hải - Chân Thành Cảm Tạ


Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

Tìm Quên Lãng - Thơ Kim Phượng- Hương Nam Diễn Ngâm



Thơ: Kim Phượng
Diễn Ngâm: Hương Nam 

Chợt Nắng Chợt Mưa


Quê hương tôi chỉ hai mùa khô ướt
Vào hè thường khi chợt nắng chợt mưa
Mưa vừa dứt nắng lên ngôi chói lọi
Hơi đất nồng theo gió thoảng đong đưa.
Mưa lại đến rào rào dòng nhạc hạ
Nắng chưa kịp đi còn đậu trên cây
Đôi tình nhân nép mình bên hè phố
Âu yếm nhìn nhau ánh mắt ngất ngây.
Bà Ngoại phơi trước sân đôi gịa lúa
Chiếc đệm vuông trải mỏng lớp thóc vàng
Mưa ào đến bà kéo nhanh vào cửa
Đem lúa ra khi nắng lại chứa chan.
Thời tiết xứ người hôm nay nhắc nhở
Nhớ Sài Gòn và quê ngoại thuở xưa
Chút quay quắt, chút bâng khuâng xen lẩn
Dĩ vãng đùn lên theo nắng cùng mưa.
Anh Tú
July 18, 2015

Cảnh Báo Về Địa Chấn Vẫn Còn Mù Tịt

Đừng xem thường kinh nghiệm lưu truyền trong dân gian

Từ ngàn xưa tới nay, trong dân gian thường lưu truyền những huyền thoại, những mẩu chuyện và tin đồn về các loài động vật hay côn trùng nói chung, đôi khi chúng biểu lộ những hành vi lạ thường một thời gian trước khi thiên tai xảy đến.

Đây là những tin rất khó kiểm chứng được về mặt khoa học, nhưng ngược lại hầu như dân gian, đặc biệt là tầng lớp người có tuổi thì cả quyết đó là những dấu hiệu chúng ta không nên xem thường được! 

Một số trường hợp hành vi khác thường của thú vật 

Trận Tsunami ngày 25/12/2004 đã giết hại trong khoảnh khắc cả trăm ngàn người tại Indonesia, Thái Lan, và Sri Lanka.
Sau trận Tsunami, có nhiều nguồn tin giựt gân dược lưu truyền như tại một vườn thú nọ hay lâm viên ở SriLanka các thú lớn như cọp, beo và voi đều cảm nhận được tai họa sắp đến nên đều bộc lộ ra những hành vi khác thường, như la róng thảm thiết, chạy nhảy lung tung và có vẻ hốt hoảng. 
Voi không ngớt quất vòi vào các thanh sắt quanh chuồng, rồi bức xiềng và tông phá rào chạy thoát thân về những vùng cao. Thậm chí có tin đồn rằng, nhiều trẻ em nhờ bám vào lưng voi nên đã sống sót được... 
Rồi báo chí, internet hè nhau tung tin là các toán cấp cứu chỉ thấy toàn là xác người mà rất ít thấy xác thú vật. Những tin đại loại như thế chỉ trong 1-2 ngày là phổ biến đi khắp thế giới.
Người ta nghĩ rằng thú vật thoát chết được là nhờ chúng có giác quan thứ sáu.

Các nhà khoa học thì không tin việc thú vật có giác quan thứ sáu. Họ nói, các thú lớn như voi, đều biết lội một cách tự nhiên nên thoát chết thì cũng dễ hiểu mà thôi!
Ngày 4 tháng giêng 2005, Associated Press cho biết có vô số xác thú vật trôi dạt theo bờ biển Sri Lanka và đoán là toàn bộ thú vật sống trong lâm viên Calimere Wildlife Sanctuary có thể đã chết đuối hết?
Ngày 3 tháng 3/2005, Tổng giám đốc Daily New Sri Lanka đã bác bỏ các tin đồn ban đầu do phụ tá của ông loan truyền trước kia về vụ không có thú vật chết trong trận Tsunami. 
Theo ông Tổng giám đốc, thì Tsunami đã giết đi hầu hết toàn bộ các loài thú nhỏ trong vùng như rắn rết, chuột, thỏ, v.v...
Còn thú lớn như voi, cọp, vân vân...có thể thoát được nhờ có sức chịu đựng lớn với sóng nước.
Theo tài liệu, thì trận động đất xưa nhất đã thấy xảy ra vào năm 373 trước Công nguyên tại Hy Lạp.Trong biến cố nầy các thú nhỏ như chồn, chuột, rắn rết biết trước động đất sắp xảy ra nên chúng đều bỏ hang, bỏ ổ chạy thoát thân trước khi thiên tai giáng xuống... 

Chắc các bạn, cũng như người gõ đều thường có nghe nói về những câu chuyện đại loại như trên.
Vài năm trước đây, có rất nhiều huyền thoại, tin đồn liên quan đến trận động đất khốc liệt ở tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan)Trung Quốc chỉ vài tháng trước ngày khai mạc Thế Vận Hội 2008.
Đây là một trận động đất lớn cấp 7.9 theo thang Richter... Có 70.000 chết và trên 18.000 người mất tích.
Đầu tiên hồ nước tại thành phố Enshi thuộc tỉnh Hồ Bắc (Hubei) cách trung tâm địa chấn (epicentre) 500km đột nhiên cạn queo 3 tuần trước ngày động đất.
Ba ngày trước khi xảy ra động đất, hàng trăm ngàn cóc phải vọt lên đường phố sầm uất của thành phố Miên Châu (Mianzhu) để tìm đường lánh nạn. 
Các cụ già thì cho rẳng đây là điềm dữ, báo hiệu sắp có thiên tai gì đó sẽ xảy ra? 
Giới trẻ thì cười khoái chí, và nói là cóc diễn hành để đón rước đuốc Thế Vận, vậy chuyện gì mà phải lo? 

Các giới chức chuyên môn về động đất Trung Quốc cũng chẳng màng phải quan tâm đến các hiện tượng trên, vì họ cho rằng đó là dị đoan mê tín và phản khoa học!
Và giới trách nhiệm về lâm vụ địa phương của nhà nước thì cả quyết hiện tượng cóc nhảy là chuyện bình thường mà thôi!
Sau đó chỉ ba giờ trước khi động đất, thú vật tại sở thú Vũ Hán (Wuhan) cách tâm điểm động đất lối 1.000 km về phía Đông bắt đầu biểu lộ những hành vi khác thường. Chúng có vẻ rất lo âu, hoảng hốt cùng cực về một chuyện gì ghê gớm sắp xảy ra... Ngựa rằn đập đầu liên hồi vào chuồng... Voi quất vòi loạn xạ tứ phía... Hai mươi con cọp và sư tử đúng ra là giờ ngủ trưa của chúng, nhưng có vẻ bồn chồn đi rảo không ngơi nghỉ quanh chuồng…Vài phút trước khi xảy ra động đất, cả chục con công đều đồng loạt ré lên kêu thất thanh.

Theo Roger Musson, một nhà nghiên cứu quốc tế của Anh Quốc về địa chấn học thì tất cả nhận xét về các hành vi lạ bên trên có thể là do tác động thay đổi vị trí của các lớp đá trong lòng địa cầu, đã làm sản sinh ra sóng điện từ mà một số thú vật có thể cảm nhận được dễ dàng.
Cũng có giả thuyết khác cho rằng, một vài loài vật có khả năng thiên bẩm cảm nhận được những luồng sóng có tầng số rất nhỏ ngoài sự cảm nhận của loài người.
Mùa Đông 1975, căn cứ trên hành vi lạ thường của thú vật, giới chức Trung Quốc cho di tản khẩn cấp cư dân thành phố Haicheng thuộc Đông Bắc tỉnh Liêu Ninh (Liaoning) chỉ một ngày trước khi có trận động đất cấp độ rất mạnh 7.3 theo thang Richter. Thiên tai nầy đã giết hại 2.000 người thay gì 200.000 người như dự đoán trong trường hợp không có di tản.
Thay đổi trong môi sinh chẳng hạn như mực nước giếng, nước ao hồ cạn đi lạ thường cũng được ghi nhận trong trận động đất mực độ 7.6, xảy ra vào ngày 28 tháng 7 năm 1976 tại Tangshan nằm về phía Đông BắcTrung Quốc và đã làm thiệt mạng 240.000 người.
Điểm trớ trêu là vài ngày trước đó chánh phủ trung ương có gởi chuyên viên về địa chấn đến thẩm định tình hình động đất vùng nói trên, nhưng họ không ghi nhận được dấu hiệu gì khác thường hết. Trên đường về, phái đoàn ghé ngủ đêm tạiTangshan nhưng chẳng may chính đêm hôm đó một trận động đất lớn xảy ra làm toán chuyên viên phải bỏ mạng.
Dân chúng Nhật Bản cho biết vài ba ngày trước trận động đất Nemuro Oki xảy ra vào năm 1973, họ nhận thấy có rất nhiều chó hoang hơn thường lệ đi thơ thẩn trên các đường phố.


Thú vật có giác quan thứ sáu không?

Khoa học không bao giờ tin rằng thú vật có giác quan thứ sáu để dự đoán thiên tai.
Nhưng thú vật có những khả năng và những giác quan đặc biệt mà con người không có.
Và cũng chính nhờ vào những giác quan đặc biệt nầy mà các thú như voi, hươu cao cổ, cá voi, trâu nước, tê giác, cá sấu, vân vân...có thể cảm nhận được hạ âm infrasounds tức là những âm thanh thật thấp dưới 20 Hz (mức âm thanh thấp nhứt mà con người chỉ có thể nghe được là 20Hz). 
Đó là chưa nói đến việc thú vật có thể cảm nhận được sự thay đổi điện từ trong lòng đất. Bồ câu bay được nhờ biết định hướng vào từ trường.
Chắc chắn là thú vật như voi chẳng hạn cảm nhận được sóng P waves (đi rất nhanh trong lòng đất) vài giây trước sóng S waves tiếp nối theo sau làm xụp đổ nhà cửa.
Sóng hạ âm infrasounds di chuyển trong đất, trong nước và trong không gian.
Voi có thể dậm chân để liên lạc với đồng loại ở cách xa hằng chục km. Tiếng rống của voi cao vút trên 117 Decibels và được các voi khác nghe dù chúng ở rất xa nhau cả nhiều cây số. Đây là cách voi liên lạc với nhau để tập hợp đàn trong lúc di chuyển cũng như để tìm “ý trung vật” để làm tình.
Các đàn chim trời cũng thế. Tại Canada, vào đầu mùa Xuân hay cuối Thu, vịt trời thường bay thành đội hình tháp chữ ^ hay đội hình thẳng rất có kỷ luật và rất đẹp mắt. Lúc bay chúng thuờng phát ra những hạ âm infrasounds để thay đổi đội hình mỗi khi gặp chướng ngại, như núi non hay luồng gió bất ngờ phía trước.
Dơi bay bằng sonar nghĩa là phát ra những vi âm đặc biệt để xác định chướng ngại vật hoặc con mồi.

*Thú hoang dại

Thú trốn ra khỏi khu vực, xáp nhập thành nhóm hay chạy vào khu vực có người ở trước khi thiên tai xảy ra. Thú rừng bình thường hay tránh chúng ta nhưng giờ thì có khuynh hướng lân la gần người. Đôi khi chúng chui vào khu nhà ở hay trốn trong các nhà kho chứa. Thú vật nhốt trong vườn bách thú và cá giam trong ao hồ và bể đều tìm cách thoát thân. Nên nhớ là các hành vi bất thường vừa kể có thể thấy xuất hiện ra trong rất nhiều tình huống khác nhau nữa.

*Mèo

Mèo có thể nhảy dựng lên, trốn, bỏ chạy lòng vòng một cách điên loạn và tìm các ra khỏi khu vực. Bám vào cửa lưới, kêu meo meo kèm theo có hành vi bất thường. Đôi khi nó tỏ ra rất dữ thường hay xáp lại gần chúng ta hoặc trèo trên đầu của chúng ta. Đi tới đi lui không ngơi nghỉ, phát ra tiếng la nho nhỏ. Đa số mèo thường hay bỏ trốn. Vậy nên kiểm soát kỷ những nơi, những hốc mèo hay quen trốn vào đó chẳng hạn như sau tủ lạnh, duới gầm giường hoạc sofa và trên các kệ. Mèo thích trốn vào những hốc kẹt nhỏ, vào những nơi tâm tối và chật hẹp. 

*Chó

Thường thì chó ít khi trốn đi.Trước khi động đất xảy ra, chó có thể tru, sủa, tỏ ra lăng xăng bối rối, có thể dữ dằn, tấn công hay tỏ ra rất quyến luyến với người chủ. Chó có thể chạy vòng vòng, tong cửa cái, cửa sổ hoặc dính sát vào chúng ta. Có con thì dữ dằn muốn tấn công, có con thì có vẻ sợ sệt, té kít ra. Các trung tâm bảo vệ súc vật báo cáo có sự gia tăng số chó lạc một cách khác thường trước khi động đất xảy ra tại một vùng nhất định nào đó.

*Ngựa và gia súc

Ngựa và thú có móng không chịu vào chuồng, vào ô cũng như không để cho cột lại như ngày thường. Chúng co khuynh hướng tụ lại với nhau tại nơi trống trải và rộng lớn. Thường có dấu hiệu bấn loạn tinh thần, đi tới di lui không ngơi nghỉ.
Hoofed animals often refuse to enter their barns or pens and often refuse to tie. They tend to group together in open areas, act nervous, or pace. 


*Các thú nhỏ nuôi trong nhà

Chim đeo bám vào quanh lồng, đôi khi bay loạn xạ tứ tung, đôi khi cũng có thể tỏ ra rất bình tỉnh lạ thường. Chim đang ấp liền bỏ tổ hoặc đùa bỏ trứng chổ khác.
Có con thì có những hành động khác thường: rắn hay gấu chấm dứt thời gian miêng trạng hibernate và bò ra ngoài. Kiến, nhện trốn vào nhà.Chuột chạy vô nhà, và nếu chúng đã ở trong nhà từ trước thì chúng sẽ bỏ trốn đi mất.Chim hoang, chim rừng trở nên im lặng hay không còn thấy chúng ở đâu cả.

Khoa học phương Tây còn nghi ngờ

Họ nghi ngờ vì không thể thực hiện các thí nghiệm kiểm chứng theo lối khoa học được. Tuy vậy họ nhìn nhận thú vật có thể có những giác quan đặc biệt để cảm nhận các sự thay đổi trong thiên nhiên.
Lúc động đất xảy ra chúng ta cần phải làm gì?(theo báo chí Hoa Kỳ)

1) Nếu đang ở bên trong nhà

- Cứ ở yên bên trong nhà
- Lập tức nhảy chui ẩn núp dưới những nơi vững chắc, như dưới gầm bàn hay đứng tựa sát các tường bên trong. Cứ ở trong nhà và chờ cho đất yên rồi mới chạy ra ngoài.Tránh xa các cửa và cửa sổ
-Tuyệt đối không sử dụng thang máy
-Nếu đang nằm trên giường, cứ ở yên nơi đó, dùng gối che đậy đầu.

2) Nếu đang ở bên ngoài

- Tìm ngay nơi trống trải, xa nhà cửa, cây cối và cột điện
- Nằm xuống cho đến lúc đất hết còn rung nữa.

3) Nếu đang ở trong xe

-Chạy chậm lại và lâp tức hướng đến một nơi trống trải.
-Bật đèn emergency chốp tắt và từ từ ngưng xe lại. Không đậu xe trên hay phía dưới cầu nổi (overpass) hoặc cầu sông (bridge). Coi chừng đồ vật, mảnh vỡ, dây điện rơi từ phía trên xuống trúng đầu.
- Tắt máy xe, và gài thắng tay.
- Cứ ngồi yên trong xe đến khi yên. 


Kết luận

Tạo hóa đã phú cho thú vật những giác quan đặc biệt để tự vệ và sinh tồn.
Chúng ta không nên xem thường những hành vi bất thường của thú vật được! 
Một số quốc gia như Trung Quốc và Nhật Bản đã bắt đầu quan tâm tới các hành vi của động vật trong việc dự đoán thiên tai. Chuyện không phải dễ, nhưng đây là một khởi đầu đáng khích lệ.
Khoa học nhìn nhận động đất là một hiện tượng thiên nhiên từ thuở khai thiên lập địa, và có thể xảy ra bất kỳ nơi đâu và bất cứ lúc nào.
Có người thì cho rằng đây là một sự trừng phạt, sự nguyền rủa malediction của thần linh và của Trời đất.
Phật giáo thì cho rằng đây là lẽ vô thường của vạn vật (thành, trụ, hoại, diệt), một sự cộng nghiệp mà các nạn nhân phải gánh chịu.
Có nhiều người đặt nghi vấn vào việc thử bom nguyên tử trong lòng đất, và kỹ nghệ khai thác dầu hỏa có thể ảnh hưởng ít nhiều trong vấn đề động đất, nhưng đều bị các nhà khoa học cực lực bác bỏ hết. 
Tùy theo nhận thức và tín ngưỡng của mỗi người, mà cái nhìn về hiện tượng động đất có thể khác nhau./.

Hoàng Trần sưu tầm

Khánh Thành Thánh Thất Cao Đài Houston,Texas


Đại Lễ Khánh Thành ngôi Thánh Thất,
Cao Đài Hải Ngoại tại Houston.
Cơ ngơi hội tu qui Tam Giáo
Rực rỡ Tam Kỳ Phổ Độ ơn...

Tín hữu đồng môn mong đến dự,
Đông vui gặp gở thấy nhiều hơn...
Bằng hữu đệ huynh cùng tỹ muội
Về đây họp mặt rõ nguyên nhơn

Texas công đồng gốc Việt Nam...
Tham gia góp sức mấy còn kham.
Miễn sao phát triển niềm tin Đạo,
Đạo hữu vững tâm khó cũng cam...

Kết quả đơm bông cây trĩu trái,
Chia bùi xẻ ngọt khối ưu đàm...
Huy hoàng tô điểm ngôi thờ tự...
Thế giới bình an có Đạo tâm...

Mai Xuân Thanh
Ngày 18 tháng 07 năm 2015
Chủ Nhật 06/09/2015 @ 10:00AM tại 8415 S. Breeze Ln. Houston TX 77071
***

An Vị Thánh Tượng Tại Thánh Thất Mới SanN Jose

Cơ ngơi Thánh Thất mới hoàn thành,
Địa chỉ South White tạo dựng nhanh...
Thánh Tượng, nguyện cầu An Vị Lễ,
Ngày hai tháng Tám ánh dương lành...

Đệ huynh tỷ muội mừng hăng hái,
Nối gót tiền nhân bước khúc quanh.
Bồi đắp điểm tô thêm Đại Đạo,
Tương lai sáng chói phép tu hành...

Học hỏi trau dồi, ơn Phật Mẫu,
Điện Thờ, Thánh Thất cũng kề bên.
Đồng môn dự lễ cùng chung lối,
Đàn cúng trang nghiêm chẳng dám quên...

Thờ Cha kính Mẹ đông huynh đệ,
Tỹ muội, đồng nhi lễ sĩ bền...
Gánh vác Đạo đời yêu quý chuộng,
Công tư minh bạch nghĩa nhơn đền...

Mai Xuân Thanh
Ngày 19 tháng 07 năm 2015
* 12 giờ trưa ngày Chủ Nhật : 02 / 08 / 2015 Dương Lịch (nhằm ngày 18 tháng 06 năm Ất Mùi Âm Lịch)Tại số 1479 S. White Road, San Jose, CA 95127

Thứ Hai, 20 tháng 7, 2015

Thơ Tranh: Đề Thơ "Thi Tập Ngất Ngưởng Một Đời Mây"


Thơ & Thơ Tranh: Kim Oanh

Trăng Lặng Nghiêm


Lung linh trầm đáy nước
Tha thướt một bóng trăng
Trăng Lăng Nghiêm vằng vặc
Soi sáng cả từ tâm

Ánh trăng tròn vành vạnh
Soi bóng liễu cành trâm
Đêm nay trăng vẫn đến
Tôn đất trời cao thâm

Trăng nghiêng ôm vách núi
Sóng sánh đổ tuôn tràn
Muôn ngàn tia sáng chiếu
Lấp lánh cả thế gian

Trăng rơi trên tóc em
Ve vuốt những sợi mềm
Em hay trăng huyền hoặc
Giữa một bầu trời đêm

Trăng mãi đẹp muôn đời
Cho nhân thế vui tươi
Đêm nay rằm tháng tám
Trăng thêm đẹp tuyệt vời...

Hoàng Kim Mimosa

Bài Hổng Có Tên Số 1 (Ái Hữu 72)

Những người thân yêu của tôi ơi! Giờ đây mình thật sự xa nhau rồi đấy nhé, còn rất ít dịp để chúng mình ngồi chung nhau mà phá phách, mà đùa nghịch, chọc nhau, để rồi giận hờn, tức tối.

Đến giờ này mình mới cảm thấy thương thật thương con đường mà hằng ngày cả bọn mình cắp sách đến trường, mặc dù đầy ổ gà lầy lội, nhớ những phút giây nhảy cửa sổ lang thang ngoài đường chẳng biết để làm gì? Nhiều và rất nhiều nhớ không hết những hình ảnh đã ăn sâu thật sâu vào tiềm thức của bọn mình nó chỉ chợt xuất hiện lại vào những khi tâm hồn trống rỗng, ngồi một mình trong những khung cảnh buồn thật buồn. Nếu, nếu, nếu….bọn mình (Tôi và Lộc) nghe mấy lời trách móc của mấy chị thì giờ đây đâu đến nổi thê thảm như vầy. Lộc à, khi những giòng chữ này đến tay mầy thì có lẽ mầy đã thụ huấn ở quân trường rồi, thân thể đen mun và hy vọng sâu thêm vài cái răng nữa. Những hình ảnh yêu dấu của lớp học cũ, của bọn mình và nhất là trong những giây ứng chiến gần những thành phố xa lạ mầy thoáng nghe qua những nhạc phẩm viết về Noel về Tết, trái tim này sẽ như đứt ra từng đoạn và từng giọt, từng giọt nước mắt lăn dài lăn dài trên mặt lúc nào không hay (nhờ tài nhắm độn của Ích mủ truyền cho). 

Tương lai sao mà tối thui, thôi thì đừng nói đến hay hơn, quá khứ êm đẹp quá nhưng cũng đừng hồi tưởng lại vì hồi tưởng lại để mà làm gì, để khóc à, thôi thì (lần thứ 2) quên đi, quên và quên tất cả những gì liên quan đến mình để chỉ sống và cố sống cho hiện tại mà hiện tại thì cũng chẳng vui gì mấy, thôi thì (lần thứ 3) cố gắng vậy./. 

…., Hòa,……,A.H.8 Quang,A.H 6 Hùng,A.H 9 Tùng ,Khanh ,….., Bửu Hội (Hội chợ Bến Xuân)
Vui quá món nào của Bến Xuân cũng bán sạch, làm tụi này đói muốn chết nè.

Nguyễn Văn Tùng
(Trích Từ Nội San 2 - Hội Ái Hữu 72)

Trăng Thu


Trăng của mùa thu, trăng của em
Vì sao trăng đến muộn bên thềm
Thoáng nghe tiếng lá rơi ngoài cửa
Thấp thỏm mơ màng bước chân quen

Gặp em trăng sáng mùa thu trước
Đêm về ngơ ngẩn mối tương tư
Hình như ta đã từng hẹn ước
Mà cũng chưa khi nói tạ từ...

Biện Công Danh

Nỗi Sầu Riêng


Em đi bỏ lại bến đò
Mái chèo lở nhịp câu hò bặt tăm
Mưa đêm hạ rớt âm thầm
Nghe như lá đổ trên tầng mộ xưa.

Từ khi nhặt chút hương thừa
Nắng phai màu tóc bốn mùa buồn tênh
Tôi về tìm chút lãng quên
Em đi còn nhớ gọi tên trong lòng ?

Thôi đành nhặt lá trầu không
Quết chung với tép cau hồng màu vôi
Quấn tròn thân phận đơn côi
Tội cho màu nắng ngăn đôi não nề.

Phương trời cười nói vui ghê
Chừng nào trở gót dặm về hàn huyên?
Sợ người năm cũ ưu phiền
Nên tôi nép gốc sầu riêng bên đường.


Dương hồng Thủy
(Tháng 06/2015)

Thu Tịch - Đỗ Mục

  ...... Thu năm nay, tôi lại đi trên con đường vắng nầy nghe từng chiếc lá rơi trên bờ cỏ, những cây liễu xanh đứng buồn như những nàng cung nữ thời xưa, và thấp thoáng trong vườn nhà ai hoa phù dung buổi sáng nở trắng như một tâm hồn con trẻ. Nắng ở đây vẫn là nắng ngày xưa và tâm hồn tôi vẫn là tâm hồn tôi năm trước...

Đó là đoản văn của Thanh Tịnh nhớ về một buổi sáng mùa Thu, viết theo văn phong của văn học Âu Tây đầu thế kỷ 20. Bây giờ thì ta hãy đọc bài Đêm Thu của Đỗ Mục làm ở thế kỷ thứ 10 , mang đầy đủ tính chất dân gian và truyèn thống của văn hóa Á Đông....

杜牧《秋夕》            Thu Tịch - Đỗ Mục

銀燭秋光冷畫屏, Ngân chúc thu quang lãnh họa bình
輕羅小扇撲流螢。 Khinh la tiểu phiến phốc lưu huỳnh
天街夜色涼如水, Thiên giai dạ sắc lương như thủy
臥看牽牛織女星。 Ngọa khán Khiên ngưu Chức nữ tinh .

Chú Thích:
1. Ngân Chúc: Ngân là Bạc, ở đây là màu Bạc, màu trắng bạc. Chúc là đuốc. Hoa Chúc là Đuốc hoa, ở đây Chúc là cây Đèn Cầy, Cây Nến. Ngân chúc : là Cây Đèn sáp màu trắng bạc.
2. Họa Bình: là Bức bình phong có vẽ tranh của các nhà quyền quý thời xưa.
3. Khinh La : Khinh là nhẹ, La là Là, Lụa là, là Vải The. Khinh La : là loại vải the nhẹ để làm quạt. Trong bài " Khinh La Tiểu Phiến " : Là chiếc quạt con làm bằng lụa là của các tiểu thơ xưa thường cầm trên tay.
4. Phốc: Là chụp bắt.
5. Lưu Huỳnh: Lưu là Lưu động, là xẹt. Lưu Tinh : là Sao xẹt. Huỳnh : là con Đom đóm.
6. Thiên Giai: Giai là con đường. Thiên Giai : không phải là đường ở trên trời, mà là đường trong kinh thành, trong cung vua.
7. Lương Như Thủy: là Mát như nước.

Dịch Nghĩa:
Ánh sáng lung linh từ ngọn bạch lạp tỏa ra hòa với hơi thu làm cho tấm bình phong đẹp rực rỡ cũng nhuốm hơi lạnh lẽo, nàng phe phẩy chiếc quạt the để chụp bắt những con đom đóm đang lặp lòe bay lượn trong đêm. Đêm đang xuống trong những con đường của Kinh thành, hơi thu mát lạnh như nước trong đêm thanh vắng lặng, nàng ngữa nhìn sao trời để tìm ngắm hai sao Chức Nữ và Ngưu Lang.

Diễn Nôm:
Lung linh nến trắng bình phong lạnh,
Quạt lụa vờn theo đóm lượn thu.
Lấp lánh sao trời trong như nước,
Nằm xem sao Chức gặp sao Ngưu .
Lục bát :
Bình phong thu lạnh se se,
Quạt là nến trắng lặp lòe đóm bay
Trời thu như nước mát thay,
Ngưu Lang Chức Nữ đêm nay tương phùng!

Đỗ Chiêu Đức.


Đêm thu với khí trời trong mát, với đom đóm bay lượn lặp lòe, rồi nằm mà ngắm sao Ngưu Lang Chức Nữ.... Rất bình dị và rất nên thơ ! . Có ai ngờ được đây lại là một bài thơ Cung Oán !... Này nhé
... Ngọn bạch lạp đặt trên giá bằng bạc, bình phong có tranh họa rực rỡ, rõ ràng là cuộc sống của nhà quyền quý vương hầu, ta càng xác định hơn với từ Thiên Giai : là đường trong Kinh thành , trong Cung Vua, và ai mới rảnh rổi mà nằm ngắm sao trời ?. Chỉ có những nàng cung nữ nhàn nhã, tội nghiệp trong lãnh cung mới rảnh rổi như thế mà thôi, và... một điểm tâm lý rất quan trọng nữa là, chỉ có những nàng cung nữ với tình xuân phơi phới, với nhựa sống tràn trề, mà phải giam mình trong chốn lãnh cung cô thân chiếc bóng, mới hâm mộ và ước ao được như Ngưu Lang Chức Nữ, mặc dù mỗi năm chỉ hội ngộ có một lần. Một lần, có còn hơn không !. Một số cung nhân may mắn... suốt đời mới gặp được vua một lần ! Lắm cô suôt cả cuộc đời, hết cả thanh xuân, cũng chưa được nhà vua một lần triều kiến... So với Ngưu Lang Chức Nữ thì còn đắng cay chua xót hơn nhiều ! Nên chi, mới ngưỡng mộ và ước ao được như Ả Chức và Chàng Ngưu, chớ còn đối với cuộc sống bình thường, thì có ai lại hâm mộ chuyện tình của Ngưu Lang Chức Nữ bao giờ ? ! ... Duy chỉ có nàng cung nữ trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều mới ...
Mượn điều Thất Tịch mà thề bách niên .... mà thôi !
" Bách niên " mà chỉ gặp nhau vào đêm " Thất Tịch " hằng năm, thì có ai ao ước mà làm gì !!!
Phải tinh ý lắm, ta mới cảm nhận được cái " Oán " trong bài thơ nầy, vì nó quá nhẹ nhàng và bình dị. Phải chăng cái oán đeo đẳng dai dẵng miên man lâu dần nên đã hòa vào cuộc sống và được chấp nhận như một sự tự nhiên tội nghiệp ! Nhưng ... nàng cung nữ của Ôn Như Hầu đã :
..... Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra !...

Khi ..... Cái oán đã lên đến cực điểm và trở thành bạo động ! 

Đỗ Chiêu Đức.
***
Đêm Thu
(1)
Đêm thu nến chiếu lung linh mành
Quạt lụa xua bầy đóm liệng quanh
Đêm mát sắc trời dường nước lạnh
Nằm nhìn Ngưu-Chức khóc thương mang
Mailoc
(2)
Nến thu soi bình phong lạnh ngắt
Quạt lụa mềm xua bắt đóm bay
Trời trong như nước đêm dài
Nằm nhìn Ngưu-Chức thương thay cuộc tình 

Mailoc
Cali 8-27-15
***
Đêm Thu

(1 )
Hơi thu, ánh nến lạnh bình phong
Quạt lụa xua đom đóm lượn vòng
Đường vắng cung thành sương ướt đẫm
Nhìn sao Ngưu Chức quặn đau lòng!

( 2 )
Bình phong lạnh, ánh nến vàng hiu hắt
Quạt ơ hờ xua bắt đóm bay quanh
Đường cung thành sương đẫm, sáng long lanh
Ngắm Ngưu Chức, thương thân mình phận bạc.

Phương Hà phỏng dịch

Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2015

Thành Kính Phân Ưu Cùng Hồng Điệp Và Tang Quyến

 THÀNH KÍNH PHÂN ƯU


Chúng tôi được tin trể  Cụ Bà Phạm Thị Huỳnh là Thân Mẫu của Hồng Điệp,
Cựu học sinh Tống Phước Hiệp, niên khoá 1962-1969 đã mãn phần tại Sài Gòn Việt Nam,
hưởng thọ 87 tuổi

Chúng tôi xin Thành Kính chia buồn cùng bạn Hồng Điệp và Tang quyến. 
Nguyện cầu cho Hương Linh Cụ Bà Phạm Thị Huỳnh sớm về Cõi Vĩnh  Hằng.

Đồng Kính Phân Ưu

Giản Kim Dung
Lê Thị Tuyết
Mạc Tích Đức



Thơ Tranh: Em Xưa

Trời mưa dầm dề. Nhớ và nhớ!

Thơ: Yến Hồng & An Nguyen
Thơ Tranh: An Nguyen

Rừng Thu



Vô rừng hái nấm cùng con
Bước đi trên những lối mòn rêu xanh
Lá thu xao xác lìa cành
Trời cao vời vợi long lanh nắng vàng
Rêu xanh trải thảm mịn màng
Nấm xúm xít đứng xếp hàng đợi ai
Rừng thu xoải bước chân dài
Ở đây một góc thiên thai giữa đời
Người dạo rừng với nụ cười
Chào nhau như thể là người quen thân
Theo con tìm lại dấu chân
Thời con thơ ấu những lần qua đây
Một mai giữa cánh rừng này
Gọi nhau chỉ thấy cỏ cây đáp lời

Khánh Hà

Càn-thát-bà


Gửi bạn hiền Mỹ Hòa

Đàn hát, ta ru nhạc cõi trời
Nhưng lòng hoài vọng diệu âm thôi
Mười phương vũ trụ ta đi mãi
Tìm kiếm không ra, chân rã rời.Ngày kia ta lắng tâm sâu thẳm
Tự đáy lòng vang khúc tuyệt vời
Mới hiểu diệu âm ta có sẵn
Thôi đừng phiêu bạt kiếm bên ngoài.

Hồ Trường An


Nhẫn Nhục Nếm Phân: Việt Câu Tiễn

Câu "Sĩ khả sát bất khả nhục" đã nói lên tiết tháo của kẻ sĩ ngày xưa. Tuy nhiên vẫn còn đó những tấm gương nhẫn nhục lưu danh hậu thế.
Chúng ta cùng đến với Việt Vương Câu Tiễn, một trong ngũ bá vào cuối thời Xuân Thu.

Việt Vương Câu Tiễn

Vào thời Xuân Thu, nước Việt một nước láng giềng và luôn có bất hòa với nước Ngô cũng dần dần trở nên lớn mạnh, đã tạo thành mối uy hiếp đối với nước Ngô. Năm 496 trước công nguyên, Vương Doãn vua nước Việt bị bệnh qua đời, vua Ngô nhân lúc nước Việt bận việc tang, bèn phát động tấn công, hai bên mở trận kịch chiến ở Huề Lý, rút cuộc quân Ngô bị thất bại thảm hại, Ngô vương Hạp Lư do bị thương, lại vì tuổi già sức yếu nên khi trở về đến nửa đường thì mất, con là Phù Sai lên nối ngôi. Phù Sai luôn luôn ghi nhớ lời cha dặn trước lúc qua đời. Nhằm tự răn mình, nhà vua đã cử một người đứng trước cửa cung, mỗi khi mình ra vào thì người này đều hô to lên rằng; " Phù Sai, người đã quên mối thù nước Việt giết cha rồi ư ?". Phù Sai liền khóc nói: "Không, không dám quên, ba năm sau nhất định báo thù". Nhà vua ra lệnh cho Ngũ Tử Tư và Bá Hi khẩn trương thao luyện binh mã, để chuẩn bị tấn công nước Việt.

Hai năm sau, Ngô vương Phù Sai vì nóng lòng muốn báo thù, liền thống lĩnh đại quân tiến đánh nước Việt. Đại phu Phạm Lãi nói với Việt vương Câu Tiễn rằng: " Nước Ngô đã luyện tập binh mã trong hai năm, họ nóng lòng muốn báo thù, nên khí thế rất lớn mạnh, chúng ta chỉ nên giữ thành, chứ không ra nghênh chiến". Câu  Tiễn không chịu nghe theo, liền dẫn quân ra Tiêu Sơn mở một trận kịch chiến với quân Ngô, rút cuộc quân Việt bị thất bại, Câu Tiễn chạy trốn lên núi Cối Kê, quân Ngô thừa thắng đuổi riết rồi bao vây chặt núi Cối Kê. Câu Tiễn cuống cuồng liền cùng Phạm Lãi bàn cách đối phó, Phạm Lãi nói: "Đã đến nước này, chúng ta chỉ còn cách cầu hòa mà thôi". Câu Tiễn nghe theo, liền cử đại thần Văn Chủng sang dinh trại quân Ngô cầu hòa.

Vua Ngô sắp xếp cho hai vợ chồng Câu Tiễn đến ở trong một ngôi nhà đá bên cạnh mộ Hạp Lư, họ hàng ngày chăn ngựa, quần áo lam  lũ, ăn toàn cám và rau dại. Câu Tiễn ngày ngày đi chăn ngựa, vợ ở nhà giặt giũ nấu cơm, còn Phạm Lãi thì kiếm củi, họ tỏ ra rất an phận, nền nếp, một lòng một dạ cung kính đối với vua Ngô.
Mỗi khi Phù Sai đi chơi hay đi đâu, đều bắt Câu Tiễn cầm roi ngựa đi chân đất trước đầu xe. Người nước Ngô đều trỏ mà bảo nhau:
- Đấy là vua nước Việt.
Câu Tiễn chỉ lặng lẽ cúi đầu mà đi.
Một hôm, được tin Phù Sai bệnh, Phạm Lãi bàn với Câu Tiễn xin vào thăm bệnh, vừa lúc Phù Sai vừa đi ngoài, theo lời Phạm Lãi khuyên, Câu Tiễn nếm phân của Phù Sai để phán đoán bệnh tình, nhằm tỏ lòng trung.
Sau khi nếm phân xong, Câu Tiễn thưa với Phù Sai những gì Phạm Lãi đã căn dặn:
- Chúc mừng Đại Vương, bệnh Đại Vương đến ngày kỷ tỵ thì bớt, sang tháng ba ngày nhâm thân thì khỏi hẳn.
- Sao ngươi biết?
- Tôi nghe y sư nói phân là cốc vị, hể thuận thời khí thì sống, trái thời khí thì chết. Nay kẻ tù này nếm phân của Đại Vương, thấy vị đắng và chua, chính hợp cái thời khí phát sinh, bởi thế mà biết.

Chính việc làm này khiến Phù Sai rất cảm động và cho rằng Câu Tiễn đã thực lòng quy thuận mình, nên ba năm sau phóng thích vợ chồng Câu Tiễn về nước.

Sau khi về đến nước Việt, Câu Tiễn liền gắng công xây dựng đất nước, chờ đợi thời cơ để rửa hận, nhà vua lo mình thỏa mãn với hiện trạng, mà làm nhụt ý chí báo thù rửa hận của mình, nên đã tự sắp xếp cho mình một môi trường sống rất gian khổ, ông treo một chiếc mật ở giữa nhà ăn, trước khi ăn cơm đều nếm vị đắng của mật và tự nhắc nhở mình "Chớ quên nỗi nhục ở Cối Kê", còn ban đêm thì ngủ trên đống củi rơm. Đây chính là xuất xứ của câu thành ngữ "Nếm mật nằm gai".
Câu Tiễn hàng ngày đi làm ruộng, vợ ở nhà dệt vải, khuyến khích nông dân ra sức phát triển sản xuất, tăng thêm của cải cho nước, quy định trong 7 năm không thu thuế, giảm gánh nặng cho nông dân. Đồng thời còn đặt ra chính sách dân số, người già không được lấy vợ trẻ, thanh niên không được lấy vợ già, sinh đẻ được nhà nước chiếu cố, sinh con trai từ một đứa trở lên đều do nhà nước nuôi dưỡng. Do đó, chỉ trong mấy năm mà dân số nước Việt tăng lên nhanh chóng, nước cũng từ yếu chuyển sang mạnh. Câu Tiễn lại ra lệnh cho Phạm Lãi huấn luyện binh mã, Văn Chủng quản lý việc lớn và không ngừng tiến cống cho nước Ngô, loại trừ được sự hoài nghi của Phù Sai, buông lỏng việc phòng bị đối với nước Việt, tình hình vẫn trong trạng thái hòa bình, nhưng nước Việt đã nhân cơ hội này trở nên ngày càng lớn mạnh.

Sau 10 năm phục hưng và cải cách chính trị, Việt Quốc đã trở nên hùng mạnh. Câu Tiễn được sự tin tưởng của Phù Sai, không chú ý tới sự phục hồi của nước Việt mà mang quân lên trung nguyên giao tranh với nước Tề, nước Tấn.
Đầu năm 483 TCN, Phù Sai họp chư hầu ở Hoằng Trì, muốn tranh ngôi bá chủ của nước Tấn . Trong khi hội chư hầu chưa xong thì tháng 6 năm đó, Câu Tiễn mang quân đánh úp nước Ngô. Thế tử nước Ngô là Hữu ra cự bị quân Việt bắt sống và tự sát. Quân Việt tiến vào nước Ngô.
Phù Sai mang quân về nước. Quân Ngô theo Phù Sai đi đường xa mỏi mệt, bị quân Việt đánh bại. Phù Sai phải mang nhiều của cải sai sứ sang giảng hòa với nước Việt. Câu Tiễn cho giảng hòa.
Năm 478 TCN, Câu Tiễn lại mang quân đánh Ngô. Hai bên giáp trận ở Lập Trạch. Quân Ngô đại bại. Năm 476 TCN, Câu Tiễn lại tấn công đánh bại Ngô lần thứ ba. Năm 475 TCN, Câu Tiễn lại mang quân đánh, vây nước Ngô. Đến tháng 11 năm 473 TCN, quân Việt đại phá quân Ngô. Ngô Phù Sai sau nhiều lần bại trận không còn khả năng kháng cự, xin quy phục như nước Việt trước đây. Câu Tiễn định chấp nhận nhưng Phạm Lãi can không nên. Vì vậy Phù Sai phải đâm cổ tự sát.
Cuối cùng Câu Tiễn đã tiêu diệt được Ngô Phù Sai, rửa được cái nhục ở Cối kê. Phù Sai tự vẫn không đầu hàng, Câu Tiễn sai chôn Ngô vương tử tế và giết thái tể Bá Hi phản chủ.
Sau khi Câu Tiễn đã bình định được nước Ngô, bèn đem quân về hướng bắc, vượt sông Hoài cùng các nước chư hầu là Tề Tấn, họp ở Từ Châu, nộp cống cho nhà Chu. Vua Bguye6n Vương nhà Chu ban thịt đến Câu Tiễn, cho ông làm bá.

Sau khi đã vượt qua phía nam sông Hoài, Câu Tiễn bèn lấy đất trên sông Hoài cho nước Sở, trả cho nước Tống đất Ngô đã lấy của nước Tống, trả cho nước Lỗ dải đất một trăm dặm ở phía đông sông Tứ. Bấy giờ quân của Việt làm bá chủ ở phía đông sông Giang, sông Hoài. Chư hầu đều mừng gọi Câu Tiễn là bá vương.

Sự nhẫn nhục phi thường của Việt Câu Tiễn đã giúp ông trả được mối thù, đồng thời đạt được danh hiệu Bá Vương, đứng trong Ngũ Bá thời bấy giờ.

Huỳnh Hữu Đức biên soạn
(Theo: Đông Châu Liệt Quốc - vikipedia.org - maxreading.com).

Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015

Thơ Tranh: Người Dưng



Thơ: Lâm Hảo Khôi
Thơ Tranh: Kim Oanh

Bài Thơ Haiku Nhật Bản


Ghi vội cảm xúc một chiều ở Kyoto (Japan) trước một cảnh chùa xưa

Lưng núi xanh cổ tích
Bóng chiều đá trắng lối chùa xưa
Suối tiễn nước về đâu


Phạm Khắc Trí
4-7-2015
***
Phù Du


Đường đời dâu bể
Nhân sinh ba vạn ngắn hay dài?
Có còn chăng?

Quên Đi
***
Quê hương còn khó nhọc
Thời gian ba vạn đang sắp hết
Làm gì không?


Nguyễn Đắc Thắng
20150713

***
 Chùa Xưa Thắng Cảnh

Núi xanh vươn vách đứng,
Tà dương thắng cảnh chứng chùa xưa.
Tri kỷ nữa tìm đâu ...


Mai Xuân Thanh
***
 Chim Chiều

Lẻ bạn mỏi cánh bay
Chập chùng đồi núi sương mờ ảo
Tổ ấm nào biết đâu

Kim Phượng

Đôi Điều Về Đại Hội XIX Tại Toronto, Canada


Sau Đại Hội Thế Giới XVIII tại thành phố Phượng Hoàng ở Arizona gần một năm, Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trường Trung Học Phan Thanh Giản & Đoàn Thị Điểm Cần Thơ Vùng New England của chúng tôi chuẩn bị một số anh chị em đi tham dự Đại Hội XIX tại thành phố Toronto, Canada vào dịp lễ Độc Lập Hoa Kỳ năm 2015. Toronto là thành phố đông dân nhất tại Canada và là tỉnh lỵ của Ontario với dân số ngót nghét 2 triệu 7 trăm ngàn. Tuy thuộc nước Canada nhưng Toronto rất gần tiểu bang Massachusetts thuộc vùng New England của chúng tôi vì từ Springfield hay Boston, MA qua Toronto chỉ mất tối đa khoảng 9 giờ lái xe hơi. Vì khá gần như vậy nên anh CHS/Bác sĩ Thái ngọc Ẩn và phu nhân là CHS/Dược sĩ Nguyễn thị Gấm đề nghị mướn xe minivan để nhóm cựu học sinh chúng tôi đi phó hội bắt đầu từ sáng ngày Thứ Năm, 2 tháng 7 năm 2015 (và trở về Massachusetts vào Chủ Nhật, ngày 5 tháng 7 năm 2015) hầu có dịp ngắm cảnh dọc đường và nghỉ đêm gần thác Niagara (Niagara Falls) trước khi vượt biên…giới qua Canada sáng sớm ngày hôm sau. Tham dự đại hội lần này, Hội chúng tôi có 14 người, riêng toán đi minivan gồm 9 người, cộng thêm 4 người dùng phương tiện riêng bằng đường bộ và một CHS bằng đường hàng không). 

Đến thác Niagara trên lãnh thổ Hoa Kỳ vào khoảng 3 giờ trưa nên chúng tôi cùng nhau đi thăm ngọn thác nổi tiếng chung của cả nước Mỹ và Canada, dĩ nhiên không thiếu việc đi tàu để có cái cảm giác thích thú khi mặc cái áo mưa màu xanh dương, trong khi ở phía bên kia du khách Canada mặc áo mưa màu đỏ để dễ phân biệt. Thật thú vị khi nghe âm thanh những giọt nước nhỏ li ti như hơi sương nhỏ tí tách trên đầu chúng tôi qua chiếc áo mưa mỏng dính, tuy thế hai nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp trong đoàn là cặp uyên ương CHS Ánh và Liên vẫn không quên ghi lại những hình ảnh đẹp trong khoảnh khắc tuyệt vời này. 

Thác Niagara 

Sáng sớm hôm sau, Thứ Sáu, 3 tháng 7 năm 2015, chúng tôi “vượt biên” sang lãnh thổ nước Canada láng giềng trên cây cầu biên giới không quên mang theo hộ chiếu kẽo bị cho quay về cố hương thì phiền phức. Thời gian qua cầu cũng khá lâu nhưng cuối cùng chúng tôi cũng đến Canada bình an vô sự. Để tự tưởng thưởng, nhóm chúng tôi dùng điểm tâm tại một tiệm Dim Sum khá lớn trong vùng, thường được gọi nôm na là Điểm Sấm, do người Hoa quản lý trong khi chờ đợi đáo nhậm đơn vị mới, ủa quên, trong khi chờ đợi đến khách sạn Sandman Signature Missisauga Hotel ở Toronto để nghỉ ngơi.

Năm nay, Đại Hội Thế Giới XIX được luân lưu tổ chức tại Toronto, Canada trong 3 ngày: 

· Thứ Sáu, 3 tháng 7 năm 2015 (Tiền Hội), 
· Thứ Bảy, 4 tháng 7 năm 2015 (Đại Hội) và
· Chủ Nhật, 5 tháng 7 năm 2015 (Du Ngoạn).

Ngoài chương trình chánh thức 3 ngày kể trên còn có thêm chương trình Hậu Đại Hội (không bắt buộc) từ ngày Thứ Hai, 6/7/2015 đến ngày Thứ Sáu, 10/7/2015 trong đó có thăm viếng thủ đô Ottawa, Montreal và trở về Toronto, Canada. Montreal (hay tiếng Pháp là Montréal) là thành phố lớn nhất của tỉnh bang Québec, một thành phố đông dân thứ nhì của Canada và là thành phố nói tiếng Pháp đứng thứ nhì trên thế giới sau thủ đô Paris của Pháp, đặc biệt tọa lạc ngay giữa thành phố là ngọn núi nhỏ Mont Réal, từ đó tên Montréal được ra đời.

Đại Hội lần thứ 19 năm 2015 được quy tụ khoảng hơn 300 cựu học sinh đồng môn/thân hữu và trên 20 giáo sư từ Âu Châu, Úc Châu, Hoa Kỳ và Canada.

Chương trình đêm Tiền Hội (Thứ Sáu, 3/7/2015) được long trọng bắt đầu từ 7 giờ tối đến 12 giờ đêm tại Applewood Hill Auditorium gồm thành phần MC rất sáng giá và hùng hậu với CHS/GS rất hùng biện Nguyễn Công Danh đến từ Houston, TX nắng ấm tình nồng cùng sự hiện diện của vị GS đẹp trai, trẻ trung, nói năng lưu loát như thác Niagara và có vẻ “điệu dễ sợ” đến từ thành phố nóng lạnh bất thường với con “kangourou kềnh càng” là GS Bùi Hữu Việt. Ngoài hai cây cổ thụ MC đực rựa này cò một nữ MC rất duyên dáng phụ trách phần văn nghệ là phu nhân của vị giáo sư Nguyễn văn Lễ vừa qua đời tại Canada. Ngoài ra sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến anh CHS Trưởng Ban Tổ Chức Nguyễn Văn Phép đã phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng với hai MC, nhất là với người đồng môn tài ba Nguyễn Công Danh, nên đã đem đến kết quả tuyệt vời cho đêm Tiền Hội. Điều đặc biệt trong đêm Tiền Hội là thầy trò ngồi chung lẫn lộn để tâm sự với nhau chứ không xếp chỗ ngồi theo thứ tự giáo sư và đồng môn/thân hữu..

Toronto Harbour Front

Qua ngày thứ hai vào Thứ Hai, 4/7/2015, ngày Đại Hội và cũng là ngày Lễ Độc Lập Hoa Kỳ, chương trình được bắt đầu từ 9 giờ sáng đến 2 giờ trưa với cuộc thăm viếng Toronto Harbour Front và Central Island nên phải qua phà để đến điểm hẹn. Tại đây, quý vị giáo sư và các đồng môn/thân hữu tự do lựa chọn hoặc đi xe đạp hai chỗ ngồi (như anh chị Bùi Hữu Trạng), đi tàu thuyền (boat), đi tàu hỏa mini (không có ống khói) hay đi bách bộ cho giản gân cốt (như thầy Nguyễn Trung Quân và tôi). Rời bến phà lúc 2 giờ trưa, các thầy trò quay về khách sạn để chuẩn bị ăn mặc chỉnh tề cho đêm Đại Hội sẽ dự trù bắt đầu từ 6 giờ chiều đến 10 giờ đêm tại nhà hàng Kinsley Restaurant.

Đêm Đại Hội chính thức được diễn tiến một cách tỉ mỉ và long trọng qua 12 tiết mục từ phần Giới Thiệu Thành Phần Tham Dự, Nghi Lễ Khai Mạc (chào cờ, niệm và dâng hương, cung nghinh linh ảnh cụ Lương Khê Phan Thanh Giản và linh vị Hồng Hà Nữ Sĩ Đoàn Thị Điểm) với việc trao plaque luân lưu Đại Hội cho CHS Nguyễn Văn Phép, Trưởng Ban Tổ Chức cho đến phần cuối cùng chương trình là Chụp Ảnh Lưu Niệm. 

Sau phần tuyên bố khai mạc ĐH XIX của đồng môn Trưởng Ban Tổ Chức là phần trao quà cho từng GS được kết nối qua lời phát biểu của GS Nguyễn Như Hùng, đại diện quý vị giáo sư và phần phát biểu của các phái đoàn tham dự Đại Hội. 

Tiếp theo phần phát biểu của đại diến các phái đoàn Úc Châu, Pháp là phần phát biểu của CHS//BS Thái ngọc Ẩn, đại diện Hội Ái Hữu Vùng New England: sau lời chào mừng, đồng môn Ẩn trình bày dự kiến (đã được GS Nguyễn trung Quân cùng vài vị GS khác khởi xướng trong ĐH XVIII tại Arizona) về việc thành lập Hội Văn Hóa Giáo Dục Phan Thanh Giản (Phan Thanh Gian Foundation/ Culture & Education) nhằm trở thành một tổ chức bất vụ lợi (non-profit organization) được hưởng quy chế miễn thuế (tax-exempt). Ý kiến này sẽ được tham khảo sâu rộng trước khi đem ra áp dụng.

Sau lời phát biểu của các phái đoàn khác là phần văn nghệ (với phần họat cảnh Hòn Vọng Phu và cải lương thật xuất sắc) được tiến hành đồng thời với việc dùng cơm tối. 

(Ảnh của Phượng Trắng ghi lại)

Ngoài phần ngâm thơ rất truyền nhiễm, ủa quên, là truyền cảm chớ bộ, của GS Bùi Hữu Việt cùng lời phát biểu của các phái đoàn khác là một tiết mục rất độc đáo do các chị trong Gia Đình PTGĐTĐ HOUSTON, TX thực hiện áo dài khi tham dự Đại Hội mà năm nay CHS/MC Nguyễn Công Danh đã mời các anh chị ra trình diễn lại những mẫu áo dài đủ màu sắc từ những năm 1997, 1998, 1999 đến các năm 2000, 2007, 2011, 2012, 2014 và 2015 trông thật đẹp mắt không chê vào đâu được.

Chương trình được tiếp nối với phần bán đấu giá tranh “Tình Hoài Hương” của ĐTĐ Họa sĩ Nhã Phương để giúp các thầy cô và đồng môn già yếu trong hoàn cảnh ngặt nghèo tại quê nhà và nghi thức Phát Hành Đặc San 20 cùng với phần tường trình của thủ quỹ về chi, thu cho Đại Hội.

Phần tuyên bố về Đại Hội XX vào năm 2016 đã được chuyển hướng về Châu Đại Dương (Brisbane, Queensland, Úc Châu) sau khi Nam, Bắc Cali khước từ tổ chức.

Đại Hội chính thức bế mạc sau lời Cảm Tạ của Ban Tổ Chức cùng với việc thông báo cho chuyến Du Ngoạn Hậu Đại Hội (Niagara Fall cùng Montreal/Québec), việc phân phối Đạc San 20 và tiển đưa quan khách.

Để thay lời kết, người viết xin chân thành cám ơn đồng môn niên đệ Trưởng Ban Tổ Chức Nguyễn văn Phép và niên đệ Nguyễn công Danh đã cung cấp những thông tin cần thiết đồng thời xin mạn phépbắt chước quý thầy cô và đồng môn/thân hữu được ghi nhận cảm nghĩ của mình về Đại Hội XX trong chữ ngắn gọn “TUYỆT VỜI”.

CHS Trần Bá Xử
Springfield, MA, mùa hè 2015

Chuyện Sau Vườn

Con chó nhà tôi được đặt tên là Vẹm. Tôi không nhớ là cha mẹ tôi có lý do gì trước khi đặt tên cho nó hay không. Nhưng tôi chỉ biết và quen gọi nó là Vẹm. Bộ lông nó ngắn và đen từ đầu xuống đến ngực, còn lại thì nơi trắng nơi đen. Thường thì nó rất hăng sủa. Cứ mỗi khi đàn gà của chúng tôi ồn ào thì nó sủa ồn lên từ trong nhà vì bị nhốt . Có một điều lạ là khi nó sủa thì con chó bên hàng xóm cũng ngầu ngầu sủa theo. Mà khi con chó hàng xóm sủa thì con Vẹm tôi lại nín bặt và xuôi lơ không còn hứng thú để sủa. Đối với thằng con nít như tôi thì chuyện chó mèo chả đâu mà tìm hiểu tại sao.

Nhà tôi ở một tỉnh nhỏ, một mảnh sân trước mở rộng ra con lộ chính, liên tỉnh, còn mảnh sân sau có hàng rào tre rất khít khao bao bọc chung quanh mà chúng tôi gọi là vườn. Tuy chẳng phải nhà tôi kín cỗng cao tường chi, mà chỉ để phòng ăn trộm và giữ bầy xúc vật mẹ tôi nuôi khỏi đi lạc. Cũng vì thế tôi hay ra sau vườn nhìn đàn gà và ném thóc cho chúng ăn . Những buổi trưa hè oi ả, tôi thường hay ra đung đưa trên chiếc võng cột giữa hai gốc cây mận mà lim dim theo gió nhẹ .

Hôm đó tôi cũng ra ngồi và con Vẹm cũng quanh quẩn bên tôi. Trong lúc đang lim dim vì gió hiu hiu thì tiếng kêu quang quác của mấy con gà làm tôi bừng tỉnh. Ôi thôi! Con gà nòi cưng của ông anh đã bay lên đậu tận đỉnh cây chùm ruột ở cuối vườn, còn đám gà mái, gà con thì chạy tán loạn tránh sự đuổi bắt của con Vẹm .

- Vẹm! Vẹm! Hê Vẹm!

Cũng may là con chó của tôi còn biết nghe lời và tôi bắt nó vào nhà đóng then cửa lại rồi trở ra tìm cách dụ con gà nòi của ông anh xuống. Tôi cứ thấp thỏm lo sợ là lỡ nó nhảy ra khỏi rào đi mất là ông anh sẽ mắng cho tôi một trận. Rải mấy hạt thóc và gọi cái đám gà mái, gà con lại ăn để con gà nòi thấy mà nhảy xuống. Thấy bọn gà gom lại ăn có vẻ bình yên, con gà nòi cũng nhảy vèo xuống . Gà nòi là loại gà đá nó không bay cao, chỉ vì sợ con chó mà bay cao đến thế. Còn con Vẹm thì ít khi thấy nó hung hăng với mấy con gà như vậy.

Tôi chỉ là một đứa con nít nên chuyện rồi cũng quên đi vì mọi sự đã trở về nề nếp cũ . Nhưng ba tuần sau đó, một chú gà con vừa thay lông đã bị xé xác nằm trong bụi sã . Mẹ tôi nói .

- Con gì nó vào vườn nhà mình mà giết chú gà kia, không biết. Hay là diều hâu?! Nhưng diều hâu chỉ sớt gà con ăn chứ đâu có giết chú gà đã lớn thay lông . Mà nó giết thì nó đã mang xác đi ăn chứ đâu bỏ nguyên lại đó.

Tôi đâm ra tò mò như một nhà trinh thám trong mớ truyện tôi đọc . Tôi bắt đầu điều tra dấu vết . Tìm vết máu loang . Tìm lông rơi rụng . Tìm vết cỏ bị dẫm . Tuy cỏ hơi xây sát và chút lông chút máu gần đó nhưng tôi chẳng tìm ra được gì khác hơn . Tuần sau một con gà trổ mã nữa cũng bị phanh xác nơi cuối góc vườn, sau cây chùm ruột . Và nhà thám tử bé con tôi cũng chả tìm được thủ phạm nào .

Một hôm ngồi trong nhà nhìn cái khe cửa mà nghĩ ngợi lung tung và nhớ bạn bè ở trường học. Lúc đi học thì muốn được nghỉ nhưng nghỉ hè thì lại nhớ trường. Tôi lẩn thẩn thế. Đang lơ đãng nhìn, thì cái khe cửa bỗng phụt tối đi rồi sáng lại. À! Thì ra, khi chòm mây đi ngang. Tôi lại muốn đóng cái tuồng làm thám tử tí hon của tôi. Tôi nhón nhén như đóng vai một tay trinh thám đang tiến đến cửa để chỉa súng vào một địch thủ đang đi tới, địch thủ đó là bóng mây. Tôi đến sát bên cửa rồi chờ. Bóng mây vừa che khuất mặt trời thì khe cửa cũng tối lại. Tôi giả vờ như giương súng, rồi ghé mắt nhìn qua. Nắng cũng vừa trở lại. Thế là tôi định ngưng cuộc đóng tuồng của mình nhưng qua khe cửa tôi thấy con Vẹm ở đàng sau vườn. Nó không hùng hổ đuổi bầy gà thì tôi yên tâm. Bầy gà tìm ăn đến bên cái tô thức ăn còn thừa vài hạt cơm của nó mà tranh nhau mỗ lia. Con Vẹm dường như đang ngủ. Nhưng xoạt. Cái mõm nó đã cắn nát một chú gà không kịp kêu. Những con khác chỉ kêu quác một tiếng rồi chạy ra xa. Yên lặng trở về như chẳng có chuyện chi xảy ra. Con Vẹm lần vào đám môn ngọt, bạc hà rồi trở ra như chẳng có chuyện gì. Mõm nó không còn chú gà chết nữa.

Tôi kéo then cửa chạy vọt ra, kéo mõm con Vẹm vẫn còn dính máu. Thì ra thủ phạm là nó mà tôi có bao giờ ngờ được. Vì thế cái tài thám tử của tôi vẫn còn con nít. Tôi rẽ những lá môn và bạc hà vào gần sát hàng rào và lôi ra xác con gà đã chết. Tôi báo cho mẹ hay là đừng thả con Vẹm ra ngoài.

Từ đó mỗi lần thả con Vẹm ra cho tiểu tiện là chúng tôi phải lùa đàn gà vào chuồng để tránh tổn thất . Con Vẹm thì như biết thân cũng ngoan ngoản và vẩy đuôi tíu tít khi được chạy rong bên ngoài .

Một hôm cũng như thường lệ, con Vẹm đòi đi làm chuyện của nó mà kêu i ỉ. Tôi gom đàn gà vào chuồng rồi thả nó ra . Nó chạy loắn xoắn quanh chân tôi và liếm liếm như cảm ơn . Rồi chạy vụt ra góc vườn, ngứi ngửi rồi giỡ chân sau lên làm chuyện của nó . Tôi vẫn chờ cho nó làm xong chuyện kia mới bắt nó vào . Nó thì tung tắng chạy từ trái qua phải, từ cuối vườn trở lại tôi . Bỗng nhiên nó chui vào bụi mồng tơi rồi không thấy trở ra . Con chó bên nhà hàng xóm cất tiếng gừ gừ sủa và giống như cắn nhau . Xen lẩn trong tiếng con chó hàng xóm, tựa như có tiếng của con Vẹm . Chó nhà hàng xóm gầm gừ, ồn ào như thế là thường, mà rào nhà tôi kín bưng thì con Vẹm làm sao qua bên kia, nên tôi chẳng để ý chuyện bên hàng xóm . Chờ thêm mươi phút cũng chẳng thấy con Vẹm trở ra . Tôi ngạc nhiên và lần mò đến tìm nó .

Thì ra dưới đám mồng tơi rậm rạp kia, có một lỗ hỏng. Hàng rào đã bị gãy mấy thanh phía gần mặt đất . Tôi nghĩ chẳng lẻ con Vẹm nó chui qua hàng rào. Nếu không thì sao không thấy nó nữa . Tôi dán mắt qua khe rào. Ô kìa! Con Vẹm đang liếm liếm vào ngực con chó nhà hàng xóm . Trong lúc con chó hàng xóm thì gừ gừ như còn chút tức bực, cũng như chút được ve vãn . Tôi kiễng chân lên gọi con Vẹm trở về. Nó nghe tiếng tôi cụp đuôi chạy thoắt về hàng rào và chui tuột qua lỗ hỏng . Con chó nhà hàng xóm thì sủa lồng lộn, chạy sát lại hàng rào để sủa với theo .

Kéo con Vẹm ra để dẩn vào nhà. Máu. Máu rướm một bên hàm dưới của nó. Tôi lật lên xem cho kỷ thì ra nó bị con chó nhà hàng xóm cắn. Thế mà tại sao lúc tôi nhìn qua thì con chó kia đứng im cho nó liếm. Lạ thật. Có lẻ nhờ vậy mà nó chưa chết vì con chó kia to hơn nó gấp ba lần .

Đó là câu chuyện sau vườn của nhà tôi, thời còn nhỏ . Bây giờ nghĩ lại thì câu chuyện cũng chẳng khác nào chuyện cuộc đời tôi đã đi qua .

Hoài Tử  

Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2015

Ngập Ngừng Bước Xuân- Trăng Ơi! - Bâng Khuâng - Hương Chiều Diễn Ngâm


Mời nhấp vào Link thưởng thức:


Thơ: Ngập Ngừng Bước Xuân - Yên Dạ Thảo
Thơ: Trăng Ơi - Phong Tâm
Thơ:  Bâng Khuâng - Đỗ Hữu Tài
Diễn ngâm: Hương Chiều

Thơ Tranh: Tuyệt Cú Đỗ Phủ - Kim Phượng Dịch Thơ


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Tình Hồng Vụt Bay


Chiều tàn tắt nắng
Lòng vắng mênh mông
Tình hồng vụt bay
Hoang phế lưu đày

Lần về trường cũ
Bàn ghế bụi mù
Trắng phủ bảng đen
Xoá dấu chân quen

Nhìn về quá khứ
Tìm chút dư hương
Áo trắng vấn vương
Lao xao cuối đường

Lục tìm ký ức
Môi mắt ai ngoan
Nụ hôn ngỡ ngàng
Hạnh phúc miên man

Giật mình đánh mất
Bóng dáng hương xưa
Tình cuốn theo mưa
Ngọn cỏ gió lùa

Gục đầu tiếc nhớ
Một thuở ngây thơ
Tình trần bơ vơ
Áo trắng phai mờ.

Kim Oanh
2-5-2010