Thứ Năm, 16 tháng 7, 2015

Thơ Tranh: Bịn Rịn


Thơ Quên Đi
Tranh Thơ Hữu Đức

Người Dưng


Khi không nhắm mắt thương người
Lên cao nhặt lá đốt trời buồn xưa
Khi không nắng lại làm mưa
Ai đi bỏ lại sương mờ áo phai
Khi không ngày ngắn đêm dài
Ai đi bỏ lại cơn say âm thầm
Khi không làm khuyết trăng rằm
Ai đi bỏ lại chổ nằm mình ên...

Lâm Hảo Khôi

Tản Mạn Về Ngôi Trường Khuất Dạng


 alt
         Rốp!     “bénissez nous seigneur, benissez nos parents, nos maitres et notre patrie”
     “Ngồi xuống!”
      Cả lớp cùng ngồi và bắt đầu vào tiết học. Buổi sáng cũng như buổi chiều, đầu giờ thì đọc lời nguyện. Bên lớp Anh văn thì đọc bằng tiếng Anh.

      Cả hai mùa mưa nắng, cho đến hết năm học, rồi lại sang năm lên lớp, bạn cũ vơi đi, bạn mới lại vào, luân chuyển như thời tiết. Cây me trước lớp cũng thả lá từng đám nhảy múa khi có cơn gió dẩu nhẹ thoảng đủ làm đám học trò đang ngồi học thấy mát. Rồi trái bắt đầu lớn dần, khoe thân đầy tán lá, không biết tụi bạn hái trái hồi nào, mà khi giờ ra chơi cầm trái me nhai rào rạo. Trời đất ơi, tui đứng gần, dầu nghe tiếng nhai đã cảm thấy ê răng rồi, mà tuyến nước bọt của tôi bỗng thức giấc bơm nước thả ga, có muốn ngưng nó cứng đầu không chịu ngưng, ôi ngượng.

      Chung quanh trường chúng tôi trồng khá nhiều me, trước lớp đệ lục đệ ngũ là hai cây me khá to chẳng biết được trồng từ bao giờ, sau nhà thờ lại có một cây vú sữa, có điều tôi chưa thấy được trái nào. Khi đến trường bằng xe đạp, bọn học sinh chúng tôi dựng xe quanh gốc cây, hoặc bên hông cửa lớp. Có lần tan học, các cô túa ra dắt xe, một cô bạn hai tay cầm gi-đông nâng xe cao lên để qua bậc thềm. Trời đất! Cái bánh trước lại chạy trước thân xe, cô nàng đứng bối rối, hai tay vẫn cầm cái gi-đông trống lỏng... phía dưới! Rồi một bạn nam đến, lấp lại giùm. Tôi độ chắc tay này muốn người đẹp khắc cốt ghi tâm (anh hùng cứu mỹ nhân), và rằng thủ phạm chính là đây... Cũng chợt nhớ chuyện tay Tiến nhà mình. Một hôm, tan trường về, Tuấn Tiến chơi rất thân nhau, hai cụ ôm cặp đi bộ về, gần đến ngã ba trước cửa trường, thì cô Nhi của Tiến bị ngã xe (bấy giờ còn là bạn chớ chưa phải sau nầy là nội tướng của Tiến), Tiến chạy vội đến galant đáo để, mau mau đở nàng Nhi lên, phủi tay chân áo sóng, rất ư quan tâm an ủi hỏi thăm (chỉ lo có bao nhiêu đó, mà không thèm thấy các việc khác mới ghê chớ!). Tui đi sau phải lo dựng xe lên, lại còn nhắc Tuấn nhặt cặp cầm giùm, rồi hai vị tướng tiếp tục phò cô Nhi đi tà tà về, khà...khà..
***
      Trước mặt nhà thờ là quãng sân, giờ nghỉ giải lao các học sinh tụ tập rất đông nơi đây, chiếm cả trước cửa và bên hành lang nhà thờ. Riêng tôi thích đứng nhìn qua hàng rào kẻm gai được căng rất thẳng, nhìn say mê bờ sông. Không biết kiếp xưa tôi có chơi thân với cụ Hà Bá không, mà khoái nhìn sông, nắng cũng như mưa, bất kể sáng hay chiều, vẻ đẹp luôn biến đổi. Mãi đến giờ tôi vẫn mê sức cuốn hút, cuối đầu sông nối cuối chân trời, cùng hàng cây xanh mờ xa xôi diệu vợi. Những ngày tàn xuân sang hạ, mây trắng từng đám nhỏ rong chơi đuổi nhau về hướng tây, nhìn lên tháp giáo đường, ngọn tháp giáo đường trôi ngược lại, (mây trôi hay giáo đường trôi nhỉ). TUYỆT!
      Bên trái nhà thờ, giữa hai cây me cùng cây vú sữa là lạch nước làm bến đậu cho hai chiếc canô dành cho Cha đi làm lễ ở họ đạo nhỏ (Cái Mơn và những nơi khác). Đến nay, quãng trường Vĩnh Long vẫn còn hai cây me đó (không tin các bạn có thể đến hỏi hai cây me đang đong đưa trái)
Trường có một kiosque bán thức uống cho học sinh phía bên trái nhà thờ, do một bà trung niên đứng bán, gọi là dì Bảy, trong giờ tạm nghỉ, các nữ sinh hay túm tụm nơi nầy, vừa uống đá bào si rộp, vừa (tám) inh ỏi, âm thanh vang đến nỗi gác chuông cạnh bên cũng muốn góp chuyện.
      Các nữ sinh xưa với áo dài truyền thống, trông nhu mì thướt tha, dịu dàng vô cùng, gọi là tiên nữ chắc cũng không quá cường điệu.
      Nói đến tiên thì cũng nên mông lung một chút: Bình sinh tôi chỉ thấy hình tiên qua hộp bánh trung thu, sau đó là tiên trong phim bộ (Tây du ký) của Tàu với áo nhiều lớp dài nhằng ẻo lã, có lẽ ai cũng khoái hình ảnh tiên nữ. Nhưng nếu chẳng may đêm có việc về khuya, đường vắng chỉ mình ta, đang rảo bước dưới hàng cổ thụ già, chợt nhìn lên ngọn cây, thấy tiên nữ áo trắng thướt tha tà tà trên đầu… Ôi thôi, co giò vọt cùng với sức phản lực phần hạ chi để (chạy trối chết). Nói hơi nhảm, song thắc mắc của tui thế nầy: Chuyện Tàu hay cáp đôi: tiên ông - tiên bà / tiên đồng - ngọc nữ / tiên cô (nhưng lại thiếu tiên cậu). Phải chăng là hiểu ngầm quý tiên ông muốn độc quyền luôn tiên cô?

***

      
      Trường mỗi năm có thông lệ làm Lễ Bổn Mạng (tựa như Ngày Truyền Thống).
      Trước đó vài hôm, mỗi chiều chúng tôi tập thánh ca để đến hôm lễ, vào nhà thờ cùng hát. Bài tập hát do thầy Ẩn hướng dẫn. Buổi sáng ngày lễ Bổn mạng trường, một dãy bàn dài đặt trước chính diện của nhà thờ. Ngồi giữa là cha Quang Hiệu Trưởng, bên trái là quí Cô, bên phải là quí Thầy. Thầy Ẩn dùng micro hướng dẫn buổi lễ cùng các trò vui sau đó: kéo co, đập nồi, xỏ kim, trèo cột thoa mỡ bò, nhảy bao bố, v..v..Tất cả học sinh của trường cùng tham dự. Môn đập nồi mới khổ cho tay tham dự, nồi treo lũng lẵng cách hàng năm người tham dự khoảng 5m, mắt bịt kín, lò mò đi dưới sự ó ré ủng hộ hướng dẫn từ xa, bên trái, rồi bên phải, năm ông tham gia không biết hướng nào mà đập, tay nào đập trúng nồi, vật thưởng văng tứ tung, bên ngoái quần hùng ào vào lượm sạch. Người chơi tháo vải mắt ra, tẻn tò chẳng thấy món quà của mình!

      Vui nhất là mục đọc thơ, mà tôi còn nhớ mãi đến giờ… Gồm bốn hàng, mỗi hàng có bốn bạn xếp đứng dọc cách nhau khoảng hai mét, bốn bạn cuối chụm đầu chú ý nghe thầy Sản đọc bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, thơ hán nôm mới ác liệt. Giọng của thầy là giọng rặc một địa phương miền Bắc, chứ không phải nhẹ như âm ngữ của Hà Nội, có lẽ thầy cố ý đọc khó nghe. Thầy đọc ba lần, các bạn vội đi nhanh đến người đứng trước mình, kề mỏ vô lỗ tai bạn nhóp nhép (sợ kẻ địch copy), đến phiên bạn cuối cùng thì bước lên bàn chủ tọa, viết vào giấy trình thầy. Sau đó bài thơ của mỗi hàng được tuần tư đọc lên. Sai tùm lum, mới đó đã tam sao thất bổn, sai lời mà cũng sai ý, khiến cứ mỗi bài đều có tiếng cười rộn rã.
      Riêng một bài tôi còn nhớ loáng thoáng, mà khi gặp chị Trân cũng có nhắc lại, đại ý như sau:
“ Bà Hạnh thì thầm gọi Ông Đức,
Chiều nay đúng bảy giờ tại Ngã Ba Ông Cảnh
Bà Nhan lãi bãi kêu dì Bảy đi bắt ghen ”
(Tuấn ơi chớ giận nghe, nhắc lại chuyện vui của trường mình thôi)

***
 
      Xem trên hình các Thầy Cô, thấy có cô Hương khiến tôi nhớ lại một chuyện không hay: Khi cô Hương mới vào dạy lớp Đệ ngũ, trong giờ cô dạy Hóa, cô gọi một bạn tên BH lên bảng viết phản ứng hóa học. Có lẽ trong lòng bạn này chê cô mới dạy, nên có phản ứng bằng cách viết công thức với nét chữ thiệt to trên bảng. Bạn nào cùng lớp còn trên đời này hoặc tình cờ đọc được chuyện này, nên thông cảm và tha thứ cho bạn BH, bởi sau đó cô Hương đã khóc, và cuối năm đó không thấy bạn BH nữa.
      Tôi đọc lại một câu cuối bài thơ lục bát, học từ những năm lớp Đồng Ấu:
      Những phường bội bạc sau nầy ra chi?
      Hiện giờ tôi cũng chẳng ra chi trong cuộc sống, có lẽ tôi cũng phạm điều bội bạc nào đó mà tôi không biết?
      Thỉnh cầu ơn trên cho chúng tôi được rõ những điều bội bạc mà tôi vô tình gây khổ cho người khác..........

Trương Văn Phú 

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720 - 1791)

Lê Hữu Trác hiệu là Hải Thượng Lãn ông (1). Sinh ngày 12 tháng 11 năm Canh Tý (11-12-1720) tại thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương. Nay là xã Hoàng Hữu Nam huyện Yên Mỹ, tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, ông sống nhiều (từ năm 26 tuổi đến lúc mất) ở quê mẹ xứ Bầu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn và cũng qua đời ở đây vào ngày rằm tháng giêng năm Tân Hợi (1791) thọ 71 tuổi. Mộ ông nay còn nằm ở Khe nước cạn chân núi Minh Từ thuộc huyện Hương Sơn (cách phố Châu huyện lỵ Hương Sơn 4 cây số).

Lê Hữu Trác là con thứ bảy của Lê Hữu Mưu và bà Bùi Thị Thưởng.

Dòng họ của ông có truyền thống khoa bảng; ông nội, bác, chú (Lê Hữu Kiều), anh và em họ đều đỗ tiến sĩ và làm quan to. Cha Lê Hữu Trác đỗ đệ tam giáp tiến sĩ làm Thị lang Bộ Công triều Lê Dụ Tông, gia phong chức ngự sử, tước bá, khi mất được truy tặng Thượng thư.

Năm Kỷ Mùi (1739) Lê Hữu Trác 20 tuổi thì cha qua đời, ông rời kinh thành về nhà, vừa trông nom gia đình vừa chăm chỉ đèn sách, thi vào tam trường, sau đó không thi nữa.

Năm 1739 cũng là năm mở ra quy mô lớn của phong trào nông dân nổi dậy chống phong kiến, chỉ một năm sau (1740) nghĩa quân của Hoàng Công Chất đánh sát huyện ông. Chàng thư sinh trẻ tuổi Lê Hữu Trác đang mê mải đèn sách phải lánh đi nơi khác đọc sách. Có người thấy thế đã bảo ông "Binh lửa khắp nơi, con trai thời loạn há chịu già đời ở trong phòng sách mãi sao?" và khuyên ông nên theo nghề võ. Từ đó ông vừa dùi mài kinh sử vừa nghiên cứu binh thư. Sau nhờ ẩn sĩ họ Vũ ở Đặng Xá dạy vũ thuật âm dương (phép bói toán độn số), ông "nghiên cứu trong vài năm cũng biết được đại khái, mới đeo gươm tòng quân để thí nghiệm sức học của mình" (Tựa "Tâm lĩnh").

Chiến tranh phong kiến đã gây đau thương chết chóc cho biết bao nhiêu gia đình làng xóm, nó không đem lại gì cho nhân dân, cho đất nước; đã làm cho Lê Hữu Trác chán nản muốn ra khỏi quân đội, nên ông đã nhiều lần từ chối sự đề bạt của tướng nhà Trịnh. Ông nhận ra theo Lê hay Trịnh cũng là chí theo đuổi chiến tranh "cốt nhục tương tàn"; cái chí mạnh "xung Ngưu Đẩu" của ông cũng hóa "ngông cuồng" mà thôi. (Đọc bài thơ trong lời tựa bộ "Tâm lĩnh"). Cho nên năm 1746 khi người anh ở Hương Sơn mất, ông liền viện cớ về nuôi mẹ già, cháu nhỏ thay anh, để xin ra khỏi quân đội, thực sự "bẻ tên cởi giáp" theo đuổi chí hướng mới.

Lê Hữu Trác bị bệnh từ lúc ở trong quân đội, giải ngũ về phải gánh vác công việc vất vả "trăm việc đổ dồn vào mình, sức ngày một yếu" (Lời tựa "Tâm lĩnh"), lại sớm khuya đèn sách không chịu nghỉ ngơi, sau mắc cảm nặng, chạy chữa tới hai năm mà không khỏi. Sau nhờ lương y Trần Độc, người Nghệ An là bậc lão nho, học rộng biết nhiều nhưng thi không đỗ, trở về học thuốc, nhiệt tình chữa khỏi.

Trong hơn một năm chữa bệnh, nhân khi rảnh rỗi ông đọc sách thuốc "Phùng thị cẩm nang" hiểu được chỗ sâu xa của sách thuốc. Ông Trần Độc thấy lạ, muốn đem hết cái hiểu thấu về y học truyền cho ông. Vốn là người thông minh học rộng, ông mau chóng hiểu sâu y lý, tìm thấy sự say mê ở sách y học, nhận ra nghề y không chỉ lợi ích cho mình mà có thể giúp người đời, nên ông quyết chí học thuốc.

ở Hương Sơn, ông làm nhà cạnh rừng đặt tên hiệu Lãn ông (ông lười) ý nói lười biếng, chán ghét công danh, tự giải phóng mình khỏi sự ràng buộc của danh lợi, của quyền thế, tự do nghiên cứu y học, thực hiện chí hướng mà mình yêu thích gắn bó.

Giữa cảnh thiên nhiên tĩnh mịch của núi rừng Hương Sơn, sớm khuya mê mải đọc các sách thuốc: Y học nhập môn, Cảnh nhạc toàn thư, Nam dược thần hiệu (của Tuệ Tĩnh), Bảo sinh diệu toản yếu... thật là:

Sá chi vinh nhục việc đời,
Đem thân đạo nghĩa vào nơi lâm tuyền.

(Bất can vinh nhục sự
Bảo đao nhập cùng lâm.
An bần - Y lý thâu nhàn)

Hải Thượng Lãn ông muốn tìm thầy, tìm bạn để học thêm nhưng nơi núi rừng hẻo lánh "trên không có thầy giỏi để học, dưới không có bạn hiền giúp, chỉ một mình nói với mình, tự hỏi tự đáp mò mẫm tưởng tượng đủ thứ" (Lời tựa "Tâm lĩnh") để tìm ra chân lý. Sau ông nhờ một ông lang ở làng bên đi lại thân mật, giúp ông giải đáp những mắc mớ, vài ba năm sau ông đã chữa được một số bệnh thông thường trong gia đình và làng xóm.

Mùa thu năm Bính Tý (1754) Lê Hữu Trác ra kinh đô mong tìm thầy để học thêm vì ông thấy y lý mênh mông nhưng không gặp được thầy giỏi, ông đành bỏ tiền mua một số phương thuốc gia truyền, trở về Hương Sơn "từ khước sự giao du, đóng cửa để đọc sách" (Tựa "Tâm lĩnh"), vừa học tập và chữa bệnh. Mười năm sau tiếng tăm của ông đã nổi ở vùng Hoan Châu (Nghệ An).

Sau mấy chục năm tận tụy với nghề nghiệp, Hải Thượng Lãn ông đã nghiên cứu rất sâu lý luận Trung y qua các sách kinh điển: Nội kinh, Nam kinh, Thương hàn, Kim quỹ; tìm hiểu nền y học cổ truyền của dân tộc; kết hợp với thực tế chữa bệnh phong phú của mình, ông hệ thống hóa tinh hoa của lý luận Đông y cùng với những sáng tạo đặc biệt qua việc áp dụng lý luận cổ điển vào điều kiện Việt Nam, đúc kết nền y học cổ truyền của dân tộc. Sau hơn chục năm viết nên bộ "Lãn ông tâm lĩnh" gồm 28 tập, 66 quyển bao gồm đủ các mặt về y học: Y đức - Y lý, Y thuật, Dược, Di dưỡng. Phần quan trọng nữa của bộ sách phản ảnh sự nghiệp văn học và tư tưởng của Hải thượng Lãn ông.

Ngày 12 tháng giêng năm Cảnh Hưng 43 (1782) Lãn ông nhận được lệnh chúa triệu về kinh. Lúc này ông đã 62 tuổi, sức cũng yếu lại là người chăm lo chữa bệnh cho trăm họ, nhất là ông đã quyết chí xa lánh công danh, theo đuổi nghiệp y đã mấy chục năm nên ông nhận chiếu chỉ của chúa Trịnh với tâm trạng vừa lo lắng, vừa chán nản; mãi sau nghĩ đến bộ "Tâm lĩnh" chưa in được, mà ông "không dám truyền thụ riêng ai, chỉ muốn đem ra công bố cho mọi người cùng biết, nhưng việc thì nặng sức lại mỏng, khó mà làm được" (Thượng kinh ký sự), nên ông hy vọng lần đi ra kinh đô có thể thực hiện việc in bộ sách, phần "con cái trong nhà cũng hết sức van nài", ông tạm làm vui từ giã gia đình, học trò rời Hương Sơn lên đường.

Ra kinh vào phủ chúa xem mạch và kê đơn cho thế tử Trịnh Cán, ông được Trịnh Sâm khen "hiểu sâu y lý" ban thưởng cho ông 20 xuất lính hầu, và bổng lộc ngang với chức quan kiểm soát bộ Hộ để giữ ông lại. Nhưng Lãn ông thấy nếu nhận thưởng chịu ơn thì khó lòng rời kinh đô trở lại Hương Sơn được, nên ông giả ốm không vào chầu, sau lại viện cớ tuổi già mắt hoa, tai điếc thường ốm yếu để được trọ ở ngoài.

Bọn ngự y ghen tỵ với Lãn ông không chịu chữa theo đơn của ông, nên thế tử không khỏi, ông biết thế nhưng không hề thắc mắc với bọn thầy thuốc thiếu lương tâm này, mặt nữa ông không thật nhiệt tình chữa, kết quả để sớm thoát khỏi vòng cương tỏa của quyền thần, danh lợi.

Thời gian ở kinh đô, Lãn ông muốn về thăm cố hương Hải Dương của mình, nhưng mãi đến tháng 9 năm 1782, sau chúa Trịnh mới cho phép ông về. Sau hơn 20 năm xa cách, được trở về mảnh đất "chôn nhau cắt rốn".

Đang sống giữa quê hương, ông lại có lệnh triệu về kinh vì Trịnh Sâm ốm nặng. Nhận được lệnh triệu, ông đành phải rời quê hương.

Về kinh ông chữa cho Trịnh Sâm khỏi và cũng miễn cưỡng chữa tiếp cho Trịnh Cán. Trịnh Sâm lại trọng thưởng cho ông. Ông bắt buộc phải nhận nhưng bụng nghĩ: "Mình tuy không phải đã bỏ quên việc ẩn cư, nhưng nay hãy tạm nhận phần thưởng rồi sau vứt đi cũng được" (Thượng kinh ký sự).

Trịnh Sâm chết vì bệnh lâu ngày sức yếu, Trịnh Cán lên thay, nhưng Trịnh Cán cũng ốm dai dẳng nên "khí lực khô kiệt", khó lòng khỏe được, lại nóng lòng trở về Hương Sơn, Lãn ông đang tìm kế thoái lui, thì may có người tiến cử một lương y mới, ông liền lấy cớ người nhà ốm nặng rời kinh.

Hải Thượng Lãn ông trở về Hương Sơn bằng đường thủy, nhưng sợ triều đình bắt trở lại ông phao tin đi đường bộ. Thoát khỏi kinh đô ông sung sướng như "chim sổ lồng, cá thoát lưới", lòng chỉ muốn "bay nhanh" về quê nhà:

Lên đường từ giã long lâu
Gươm đàn nửa gánh ra ngay đô thành,
Ngựa quen đường cũ về nhanh,
Quay thuyền khó lúc lênh đênh giữa dòng.
Mây qua đường để bớt nồng
Núi non mở mặt như lòng vì ai
Xanh xanh một dải non đoài
Giống non ta cũ chỉ vài hòn thôi.

(Thượng kinh ký sự).

Ngày 2 tháng 11 (năm 1782) Lãn ông về đến Hương Sơn.

Gần một năm sống giữa kinh đô phong kiến biết bao công danh phú quý lôi kéo, nhưng ông "thung dung" ra đi lại "ngất ngưởng" trở về, lòng trong không hề đục, chí lớn không hề sờn.

Năm 1783 ông viết xong tập "Thượng kinh ký sự" ghi lại tỉ mỉ chuyến đi kinh, tập ký ấy là một tác phẩm văn học vô cùng quý giá. Mặc dầu tuổi già, công việc lại nhiều: chữa bệnh, dạy học, nhưng ông vẫn tiếp tục chỉnh lý, bổ sung, viết thêm (tập Vân khi bí điển, năm 1786) để hoàn chỉnh bộ "Tâm lĩnh". Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác không chỉ là danh y có cống hiến to lớn cho nền y học dân tộc, ông còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng lớn của thời đại.
---------------------

(1) Hải Thượng Lãn ông: Hải Thượng là hai chữ đầu của tỉnh Hải Dương và phủ Thượng Hồng quê cha và cũng là xã Bầu Thượng quê mẹ. Lãn ông nghĩa là "ông lười", ngụ ý lười biếng với danh lợi.
Kết luận:
Ông là nhà y học có học vấn uyên bác, nhà dược học nổi tiếng, nhà thơ, nhà văn xuất sắc, nhà tư tưởng tiến bộ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân đạo, có ý chí độc lập sáng tạo trong nghiên cứu.
Phát huy truyền thống của Tuệ Tĩnh, ông đã sưu tầm phát hiện thêm 300 vị thuốc nam (Lĩnh Nam bản thảo) đồng thời tổng hợp thêm 2854 phương thuốc kinh nghiệm phổ biến cho nhân dân áp dụng "Hành giản trân nhu và Bách gia trân tàng". Ông cũng đã có những sáng tạo đặc sắc trong việc vận dụng lý luận y học vào thực tiễn Việt Nam.
Cái quý nhất trong việc đào tạo lớp lương y mới, Lãn Ông chú trọng xây dựng y đức người thầy thuốc, ông thường nói 
"Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình không nên cầu lợi kể công"
Những lời răn của Hải Thượng Lãn Ông
"Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình không nên cầu lợi kể công...
"Thường thấy kẻ làm thuốc, hoặc nhân bệnh cha mẹ người ta ngặt nghèo, hoặc bắt bí người ta lúc đêm tối, trời mưa, có bệnh nguy cấp; bệnh dễ chữa bảo là khó chữa, bệnh khó chữa bảo là không chữa được, giở lối quỉ quyệt ấy nhằm thoả mãn yêu cầu, rắp tâm như thế là bất lương. Chữa cho nhà giàu sang, thì tỏ tính sốt sắng, mong được lợi nhiều, chữa cho nhà nghèo hèn thì ra ý lạnh nhạt, sống chết mặc bay. Than ôi, đem nhân thuật làm chước dối lừa, đem lòng nhân đổi ra lòng buôn bán. Như thế thì người sống trách móc, người chết oán hờn không thể tha thứ được...
"Nghề làm thuốc là nhân thuật, thầy thuốc hẳn phải lấy việc giúp người làm điều hay. Cứu được một người thì khoa chân, múa tay cho mọi người biết) nhỡ có thất bại thì giấu đi. Thường người ta hay giấu các điều xấu của mình mà không đem sự thực nói với người khác. Riêng tôi dám nói là thoát khỏi những thói đó chăng, là vì tôi không theo con đường khoa cử nối dõi nghiệp nhà, chuyển hướng ra làm thuốc nên chỉ muốn hết sức làm những việc đáng làm, may ra khỏi hổ thẹn với đất trời, đâu dám e ngại sự chê khen, để phải hối hận với bổn phận...
"Nghĩ thật sâu xa, tôi hiểu rằng thầy thuốc là người bảo vệ sinh mạng con người. sống chết trong tay mình nắm, họa phúc trong tay mình giữ. Thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành động không thận trọng mà làm liều lĩnh học đòi cái nghề cao quí đó chăng".
8 tội người thầy thuốc cần tránh:
- Có bệnh xem xét đã rồi mới cho thuốc, vì ngại đêm mưa vất vả không chịu thăm mà đã cho phương, đó là tội lười.
- Có bệnh cần dùng thứ thuốc nào đó mới cứu được nhưng sợ con bệnh nghèo túng không trả được vốn nên chỉ cho thuốc rẻ tiền, đó là tội bủn xỉn.
- Khi thấy bệnh chết đã rõ, không bảo thực lại nói lơ mơ để làm tiền, đó là tội tham lam.
- Thấy bệnh dễ chữa nói dối là khó chữa, dọa người ta sợ để lấy nhiều tiền, đó là tội lừa dối.
- Thấy bệnh khó đáng lẽ nói thực rồi hết lòng cứu chữa nhưng lại sợ mang tiếng không biết thuốc, vả lại chưa chắc chắn đã thành công, không được hậu lời nên không chịu chữa đến nỗi người ta bó tay chịu chết, đó là tội bất nhân.
- Có trường hợp người bệnh ngày thường có bất bình với mình khi mắc bệnh phải nhờ đến mình liền nghĩ ra ý nghĩ oán thù không chịu chữa hết lòng, đó là tội hẹp hòi.
- Thấy kẻ mồ côi goá bụa, người hiền, con hiếm mà nghèo đói ốm đau cho là chữa mất công vô ích không chịu hết lòng, đó là tội thất đức.
- Lại như xét bệnh còn lơ mơ, sức học còn non đã cho thuốc chữa bệnh, đó là tội dốt nát.
Hải Thượng Lãn ông đã đề ra 9 điều dạy trong "Y huấn cách ngôn" để rănn dạy người thây thuốc mà hiện nay vẫn còn nguyên giá trị, thí dụ:
- Phàm người mời đi thăm bệnh, nên tùy bệnh kíp hay không mà sắp đặt thăm trước hay sau. Chớ nên vì giàu sang hay nghèo hèn mà nơi đến trước, chỗ tới sau hoặc bốc thuốc lại phân biệt nơi hơn kém.
- Khi đến xem bệnh ở nhà nghèo túng, hay những người mồ côi, goá bụa hiếm hoi, càng nên chǎm sóc đặc biệt; vì những người giàu sang không lo không có người chữa; còn người nghèo hèn, thì không đủ sức đón được thày giỏi, vậy ta để tâm một chút, họ sẽ được sống một đời, còn những người con thảo, vợ hiền, nghèo mà mắc bệnh, ngoài việc cho thuốc mà không có ăn, thì vẫn đi đến chỗ chết.

- Khi chữa bệnh cho ai khỏi rồi, chớ có mưu cầu quà cáp, vì những người nhận của người khác cho thường hay sinh ra nể nang, huống chi đối với những kẻ giàu sang, tính khí thất thường mà mình cầu cạnh thường hay bị khinh rẻ. Còn việc tâng bốc người ta để cầu lợi thường hay sinh chuyện. Cho nên nghề thuốc là nghề thanh cao, ta càng phải giữ khí tiết cho trong sạch

(theo vietsciences.free.f/vietnam/vanhoa/)

Huỳnh Hữu Đức Sưu Tầm

Vẫn Là Mưa Nắng Thất Thường


Em ơi sáng nay mưa,
chắc vì trăng đã khuất
những tàng cây nghiêng ngửa
giữa gió lồng đong đưa

Anh sợ ngày nguyệt lặn
chìm sâu trong lòng đau
anh sợ mưa và nắng
làm hoa lá đổi màu

Em ơi đêm nay lạnh
ta không còn bên nhau
lúc cận kề sao lại
như xa cách hai đầu

mùi thơm còn quấn quít
chỗ em ngồi hôm qua
bàn tay anh quá nhỏ
không đong đầy hương xa

Em ơi anh trở bệnh
vì mưa nắng hay là
trong đáy lòng hiu quạnh
không ánh sáng nguyệt tà

ngăn tim riêng đã mở
cũng chỉ là trống không
như vực sâu vô hạn
như đất trời mênh mông

em ơi đêm ngạt thở
ngày u uất gió gào
đời xôn xao ai nhớ
chút riêng mình lao đao

Rất gần sao lạ quá
vẫn giang vĩ giang đầu
khoảng cách không thâu ngắn
vẫn dài như từ lâu

Anh một mình vấn lệ
tự hỏi thầm trong đêm
là ai mà lạ nhỉ
tiếng thở dài sâu thêm

Ơi đêm tàn nguyệt lặn
mai nắng gió về đâu
thêm một lần hứng chịu
vết cắt ngọt và sâu

Dù sao thì… cũng vẫn
ơn em tận ngàn sau
đến đi như gió thoảng
qua đời anh ngất đau

Túy Hà
14-9-14

Thứ Tư, 15 tháng 7, 2015

Thơ Tranh: Trăng Và Nỗi Nhớ


Thơ & Thơ Tranh: Kim Oanh

Mưa



Trời hôm nay mưa hoài!
Suốt từ sớm ban mai
Kéo đến chiều đến tối
Mưa như dại như ngây.

Buồn quá! … làm gì đây?
Tâm sự khó giãi bày
Trở lăn không ngủ được
Mưa rót đều bên tai!

Ngày vẫn bước qua ngày
Năm tháng khó phôi phai
Tiếng mưa đêm buồn quá
Như cuộc đời không may.

Trái đất vẫn còn quay
Tiết khí sẽ đổi thay
Ngày mai trời nắng ráo
Đâu mưa mãi thế này!

20141020
Nguyễn Đắc Thắng

Đành Vậy Thôi



Ta ở nơi này nhớ người ta 
Chợt giông gió qua cuốn bóng người 
Nên tình thi hữu chưa thắt chặt 
Cho mối thâm giao tắt tiếng cười

Ai vẫn âm thầm gọi tên ai 
Nhưng cánh sao mai lạc giữa trời 
Màn đêm phong kín mờ nhân ảnh 
Còn lại bên đời dấu tàn phai

Ta ước ao ngày gặp người ta 
Dù biết cách xa tận muôn trùng 
Vẫn muôn mong đợi lần hội ngộ 
Hát khúc tình ca lúc tương phùng

Ai nỡ hững hờ quên mất ai 
Để giọt sương mai rơi lạnh lùng 
Để trăng nửa mảnh nằm lơ lửng 
Để nhánh sông dài mãi chia hai

Ngôi ấy vẫn chờ ai lên ngôi 
Dù cánh hoa trôi lạc giữa đời 
Nhưng tấm nhung đỏ luôn trải rộng 
Vì lỡ hẹn hò đành vậy thôi 

Đỗ Hữu Tài 
(June 28-2015)

Đại Hội 19 Trường Phan Thanh Giản Tại Torronto 3/7/2015

Phi trường Winnipeg











Phượng Trắng
 

 

Thứ Ba, 14 tháng 7, 2015

Thơ Tranh: Trời Mưa Cali


Thơ: Phạm Tín An Ninh
Thơ Tranh: Kim Oanh

Cuộc Rong Chơi


Xin giấu chua cay, xẻ ngọt bùi
Đường đời còn được mấy ngày vui?
Dẫu sa lệ tủi, đừng ôm hận
Lỡ nhận tình phai, chớ trách người!
Lòng tựa lá vàng trong bão tố
Thân như thuyền nhỏ giữa trùng khơi
Thảng hoặc gió yên và biển lặng
Êm đềm tận hưởng cuộc rong chơi.

Phương Hà

Em Dáng Xưa




Ai vẫn âm thầm mơ dáng xưa!?
Chiều thu lối cũ gió giao mùa
Phương trời cách biệt hồn thu chết
Từ độ thu về một nỗi riêng

Lỗi hẹn đôi tim chuyện chúng mình
Chôn vùi hồi ức bụi thời gian
Ngổn ngang nhung nhớ dần phai nhạt
Tiếng khóc bạc lòng vơi đớn đau

Bước vội tìm nhau để mất nhau
Bài thơ dĩ vãng của hôm nào
Hương thu áo não tình thu chết
Mộng dệt khung sầu những tái tê

Mỗi độ thu về một nỗi riêng
Làm sao chôn chặt lấp ưu phiền
Chiều thu lối cũ còn mong mỏi!?
Thầm hỏi ai chờ em dáng xưa

Kim Phượng


Ai Trộm Xâu Chuỗi




Có một ngôi chùa, nhân vì thờ một sợi chuỗi Phật Tổ từng đeo mà nổi tiếng.
Nơi thờ phụng sợi chuỗi chỉ có thầy trụ trì và 7 đệ tử biết.

Bảy người đệ tử đều rất có ngộ tính, thầy trụ trì cảm thấy tương lai đem y bát truyền cho bất kỳ người nào trong bọn họ, đều có thể làm rạng rỡ Phật Pháp. Không ngờ, sợi chuỗi đột nhiên biến mất.
Thầy trụ trì bèn hỏi 7 đệ tử: “Các ngươi ai đã lấy sợi chuỗi, chỉ cần trả về vị trí cũ, ta sẽ không truy cứu,
Phật tổ cũng không trách tội.” Các đệ tử đều lắc đầu.

Bảy ngày trôi qua, sợi chuỗi vẫn không được trả về. Thầy trụ trì lại nói: ”Chỉ cần ai đó thừa nhận,
sợi chuỗi sẽ thuộc về người đó.“ Lại trải qua 7 ngày, vẫn không ai thừa nhận.
Thầy trụ trì rất thất vọng: “Ngày mai các người hãy rời khỏi chùa xuống núi hết đi, riêng kẻ đã lấy sợi chuỗi ta cho phép ở lại đây.“
Qua ngày hôm sau, 6 đệ tử thu dọn xong hành lý, thở nhẹ một hơi dài, nhẹ nhàng ra đi. Chỉ có một người ở lại.
Thầy trụ trì hỏi đệ tử ở lại :
– Sợi chuỗi đâu ?
– Con không lấy.
– Vậy tại sao chịu mang lấy tiếng trộm cắp?
– Mấy ngày nay các huynh đệ đều nghi ngờ lẫn nhau, nếu có người đứng ra, mới giải thoát cho chuyện này.
Lại nói:
– Sợi chuỗi tuy mất , Phật vẫn còn đây.
Thầy trụ trì cười, lấy sợi chuỗi từ tay áo mình ra, đeo vào tay người đệ tử.

Đây là câu chuyện làm tôi cảm ngộ rất lâu.
Không phải mọi việc đều cần nói rõ ràng, cái quan trọng hơn nói rõ ràng đó là: có thể gánh vác, có thể hành động,có thể hóa giải, có thể sắp xếp, có thể thay đổi, nghĩ về mình, càng phải nghĩ cho người khác, đây chính là Pháp.
Người hiểu bạn, không cần phải giải thích, người không hiểu bạn, giải thích cũng vô ích.
Đây không chỉ là một loại cảnh giới mà hơn hết là một loại đại trí huệ.

Yên Đỗ sưu tầm


Tháng Sáu Trời Mưa



Tháng Sáu trời mưa chẳng suốt ngày
Mà ly rượu cạn vẫn tràn say
Cơn mưa bất chợt đi rồi đến
Giấc ngủ không dài những phút ngây.

Mưa cứ rứt ray tận cõi lòng
Hết còn đợi đếm hoặc chờ đong
Mưa rơi mưa vẫn rơi từng hạt
Phương ấy môi xưa có nhạt hồng?

Canh lụn dần tàn hạt vắng rơi
Im lìm thức giấc mắt ngơ rồi
Tiếng gió giao mùa lùa qua cửa
Nỗi buồn ngấm lạnh nỗi đơn côi.

Còn lại gì không những sắc mầu
Một đời thất bại xót niềm đau
Lời thơ khắc khoải từng con chữ
Từng khối vận lòng tiếp nối nhau.

Nguyễn Đắc Thắng
20150622

Thứ Hai, 13 tháng 7, 2015

Thơ Tranh: Tình Quê


Thơ: Cao Linh Tử
Thơ Tranh: Kim Oanh

Tôn Nữ


Cành vàng lá ngọc ánh trân châu
Hồng phấn, xiêm y, vọng nguyệt lầu
Tôn nữ mơ màng vườn thượng uyển
Âm thầm đãi hến bến Vân Lâu

Lê Kim Thành

Mộng Đường Thi


Mộng Đường Thi
(Xướng - NĐT)

Gom từ, góp vận - ngỡ là thơ
Lụy cả đò xưa lẫn bến chờ
Những tưởng ươm nồng câu ước thệ
Hay còn sưởi ấm chuyện hoài mơ
Vô tình khổ độc càng áo não
Ngộ nhỡ thanh trùng luống ngẩn ngơ
Nhọc lử chân trần tơ vẫn rối
Đường Thi - cõi mộng, tít xa bờ


TiCa Nguyễn Xuân Hòa
July 4th, 2015
***
Mộng Đường Thi
(Họa - NĐT)

Lạc cả cung đàn trĩu ý thơ
Sầu dâng quãng vắng, thẹn sông chờ
Chừng như nét chữ se hoài vọng
Hoặc giã câu vần tủi ước mơ
Giục kẻ quan hà tim mãi luyến
Xui người lữ thứ dạ càng ngơ
Nghìn năm dễ mấy lần tương ngộ
Chợt tỉnh, Đường Thi đã khuất bờ

Tú_Yên
(10.7.2015)

Nắng Đồng Quê


"Chiều đi bán nắng xong tay
Chợ về đủng đỉnh sum vầy hoàng hôn"
(Hoa Đất)

Có một cơn mưa giữa lòng phố thị
Từ lưng chừng trời phơi phới rụng êm
Nhưng dạt dào như hóa đá trái tim
Để u uất đi tìm ngày tháng cũ.

Nghe tiếng gió thét gào như dã thú
Luồng qua song xâm chiếm mảnh hồn đơn
Giọt sương nào còn đọng lại đầu non
Khi nắng chiều chứa chan niềm u uất.

Em dấu mình từ mịt mùng xa khuất
Rừng lá ẩn mình chờ dịp hồi sinh
Ta xa nhau đã mấy chục mùa Xuân
Dấu tâm sự bần thần trong nỗi nhớ.

Sáng hôm nay anh về qua phố chợ
Nắng lung linh hong hơi thở nặng nề
Em ở đâu ? Bao giờ em trở về ?
Cho mùa xuân - nắng đồng quê ngập lối.


Dương Hồng Thủy 


Hai Giòng Sông Lạ



Giòng sông như mạch con tim
Của em bình thản chảy êm hài hoà
Của tôi sóng cuộn bình sa
In người xõa bóng một tà dương say
Mạch tim dồn dập tháng ngày
Giòng sông hừng hực dấu ai chợt về
Xin ôm chiếc bóng đam mê
Tưởng chừng cọ sát bốn bề giác quan
Chiều rơi . Mặc kệ! Chiều tàn
Sóng xô xát tim bàng hoàng phù sa
Hương em bồi lấp trời ngà
Vòng tay cuồng đỗ chảy oà mênh mông

Hoài Tử

Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015

Thành Kính Phân Ưu Cùng Gia Đình Anh Trần Việt Hải & Tang Quyến




Trang Blog Long Hồ Vĩnh Long, vừa được tin buồn Cụ Bà Trần Phước Dũ, Pháp Danh Phổ Liên Trì là Thân Mẫu của anh Trần Việt Hải, đã mãn phần tại West Hills Cali, Hoa Kỳ.
Toàn thể anh chị em Long Hồ Vĩnh Long Thành Kính Phân Ưu cùng anh Việt Hải, Chị Hoa và tang quyến.
Thiết tha nguyện cầu Hương Linh cụ bà Trần Phước Dũ, Nhũ danh Lâm Thị Bích, Pháp danh Phổ Liên Trì được an nghỉ thảnh thơi và sớm về Cõi Niết Bàn.

Thành Kính 

Anh chị em Blog Long Hồ Vĩnh Long 

Thơ Tranh: Tình Thu


Thơ: Quên Đi
Thơ Tranh: Kim Oanh

Nga


Nga nầy, Chúng mình yêu nhau rồi phải không? 
Sao mỗi lần vắng em, anh lại hiu hắt lòng, 
Và mỗi lần vắng anh, em thấy buồn mênh mông... 
Chúng mình yêu nhau từ ngày tháng mấy? 
Có phải từ một đêm mùa Xuân trở mình thức dậy? 
Có phải từ một trưa mùa Đông nghe gió heo may? 
Có phải từ một sáng mùa Thu mây giăng đầu ngỏ? 
Có phải từ một tối mùa Hè đom đóm thi nhau bay?
Chúng mình gọi tên nhau Từng ngày, từng buổi... 
Đi bên nhau mà lạnh hơn trời Đông... 
Có phải tình mình không đủ ấm? 
Hay còn những gì cách ngăn???

Lincoln, Nebraska 1986 

Mặc Thái Thủy

Mời Em Về - Việt Dzũng

Ở xứ người ai cũng nhớ quê hương, nhớ ruộng đồng làng quê, nơi ấy có bà mẹ già mái tóc đã bạc, luôn trông chờ bước chân con mình trở về trong vòng tay yêu thương. Tất cả hình ảnh ấy, tôi muốn cùng em về chốn đó để trải lòng yêu thương quê mẹ. Thời gian có lúc tưởng không bao giờ về lại được quê hương yêu.


Sáng Tác: Việt Dzũng
Ca Sĩ: Khánh Hà
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


Dòng Sông


Con người triết lý với dòng sông,
Thác đổ non cao nước trắng vòng.
Thạch nhũ nước nguồn qua núi thẳm,
Tro bùn  ngòi lạch độ vôi nồng.
Lá vàng lũ cuốn theo dòng suối,
Lụt lội phù sa chảy thẳng đồng.
Đất lở bên bồi thêm cửa biển,
Ai ơi! Gẫm lại thấy mênh mông...


Mai Xuân Thanh
Ngày 07 tháng 06 năm 2015

Đành Vậy Thôi


      Sau hai mùa hè "Bỏ Lửa" tôi không được mặc áo long bào để ra trước sân ngồi, nghe chim hót, hít thở không khí trong lành vào buổi sáng sớm mỗi Chủ Nhật như thường lệ. Tôi phải giải thích về hai chữ "Bỏ Lửa", bởi vì chỉ có ba tháng mùa hè tôi mới được ra ngoài để tìm lại những giọt nắng như lửa đốt của cái thời lăng xăng không sợ nắng.
Bây giờ thì trốn lạnh, tránh mưa. Cho nên đối với tôi ánh nắng rất là hiếm hoi mà bây giờ tôi đã có dịp để hưởng thụ nó.
     Vậy mà "Lực Bất Tòng Tâm". Sau hai mùa hè tôi lặng lẽ bùi ngùi trong cung điện , âm thầm hát bài "Hai Năm Tình Lận Đận" không thể ra ngoài chỉ vì "Long Thể Bất An". Sáng nay mới thấy bầu trời rộng hơn, tươi mát hơn và dĩ nhiên ánh mắt của tôi được nhìn xa hơn.

     Đang miên man nhìn những làn mây trắng lơ lửng trên trời, tôi thả hồn lan man để nhớ về cái thuở rong chơi ngày nào. Tuy nhiên, tôi vẫn phải gật đầu bật cười trả lễ khi có người hỏi han. Dầu sao thì cũng đã hai năm mới trở lại trước sân nhà ... cũng có bạn mới, bạn cũ chào hỏi mình.
     Tôi thấy xa xa chiếc xe hơi thân quen của người bạn đến để giúp đỡ tôi đi nhà thờ. Gặp nhau thật là vui mừng, tôi phải vận dụng hết tất cả vốn liếng để trả lời và nói chuyện với người bạn không cùng ngôn ngữ này. Có lẽ vì đã thân quen từ lâu cho nên rất hiểu ý nhau , nếu tôi có một vài câu (thiếu chữ) thì người bạn cũng gật đầu. Sau một lúc hàn huyên tâm sự thì chiếc xe Express Metro Bus đến đậu trước cổng , thế là tôi lái chiếc xe của mình ra ngoài đường để lên xe bus đi đến nhà thờ . Vẫn thường lệ như những năm về trước tôi gài số de để lên (ram bus) nâng xe tôi vào trong xe bus.
     Tài xế mới, cho nên ông muốn giúp tôi đưa chiếc xe đến chỗ an toàn để buộc dây nhưng với tôi sau 15 năm kinh nghiệm ...Tôi xoay vòng chiếc xe rất là ngoạn mục dễ dàng. Người tài xế xít xoa khen mãi và người bạn của tôi cũng nói "Amazing!!! ".
     Sau một hồi cột dây an toàn, chiếc xe bus lăn bánh đưa tôi đi trên con đường quen thuộc mà hai năm qua tôi đã lỡ bỏ quên .

    Nhìn hai hàng cây bên đường dường như đang rung lá đón chào tôi. Trên mặt đường cũng có lúc gập ghềnh nên thân mình tôi có dịp chao qua chao lại.
Chiếc xe ngừng đã đến nhà thờ. Tôi lại một lần nữa biểu diễn xuống ram bus rất là điệu nghệ, không một chút sơ sót .
      Ông tài xế chào tôi. Tôi cũng cám ơn & chúc lành đến ông và hẹn gặp lại ông ngày khác.
Tôi đến nhà thờ trước giờ lễ 15' để gặp lại những người đã quen, mới quen. Họ đến chào hỏi với những nụ cười thân thiện. Tôi cũng lấy hết sức mình để gật đầu chào hỏi như mọi lần. Sau khi tan lễ, tôi trở về nhà ...lúc này mới chính là giây phút ngọt ngào của tôi.

      Vừa về tới nhà ...cái nóng mùa hè nó nóng hừng hực, gió thổi mà tôi phải chịu đựng hít vào muốn nghẹt thở luôn . Người bạn và người tài xế khác cũng phải lắc đầu "too hot !!!". Tôi chào tạm biệt người bạn đã đồng hành với tôi buổi sáng đi nhà thờ rồi lái xe vào qua 3 cánh cửa kiên cố.
      Bây giờ tôi phải chờ tới giờ ăn trưa, ăn xong rồi cũng phải chờ "Mỹ Nữ" đưa trở về long sàn.
     Đây mới là những giờ phút thê thảm nhất của ông vua không ngai này, bởi vì những ngày thường tôi thức dậy lên ghế ngồi khoảng 11:00 sáng cho đến 2:00 trưa. Sáng Chủ Nhật hôm nay tôi phải thức từ 8:00 sáng, có nghiã là ngồi trên ghế gấp đôi giờ qui định và buổi sáng lúc ngồi trên xe bus còn phải chịu đựng đong đưa khi chiếc xe quẹo trái, quẹo phải là cả một khối thịt của tôi phải nghiêng theo chiều gió.

     Các bạn của tôi ơi, không phải tôi viết ra để đánh động lòng trắc ẩn hay lo lắng của các bạn mà tôi viết cũng như là đang tâm sự với chính mình, gửi cho những người bạn thân quen để tường trình một buổi sáng Chủ Nhật tôi đi đến nhà thờ như thế nào, bằng cách nào vì tôi biết có những người bạn chỉ hiểu là tôi đi nhà thờ nhưng không hiểu làm sao để được đi.
     Dù lắm mệt mỏi hay có nhiều vấn đề khó khăn, nhiêu khê trong đó... nhưng trong tâm hồn tôi đã có một mùa hè đỏ lửa (không bỏ lửa) để hơ ấm lại ba mùa Xuân Thu Đông mà tôi cũng tìm lại được bản thân mình trong lúc ngồi xem lễ nghe cha giảng, được rước Mình Thánh Chúa ...
     Bao nhiêu đó đã làm tan biến được những điều mà tôi đã nghĩ "không có thể" giờ đã được thành "có thể".

      Một vài hàng tâm sự đến với những người bạn thân thương lúc nào cũng lo nghĩ, quan tâm.
Nếu tôi có gặp phải những điều gì không như ý trong cuộc sống thì buổi sáng sau khi đi nhà thờ về ... tôi cảm thấy an bình trong tâm linh.
     Còn nếu tôi không được: "Mỹ Nữ" săn sóc kỹ lưỡng , giúp đỡ hay trễ giờ ngự long sàn. Có mệt mỏi đôi chút thì ... cũng đành thôi.

Virginia, Chủ Nhật ngày 14/06/2015
Đỗ Hữu Tài

Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

Thành Kính Phân Ưu Cùng Gia Đình Bân Hồng Điệp Và Tang Quyến


Chúng tôi vừa được tin buồn Cụ Bà Phạm Thị Huỳnh-Pháp danh Diệu Niệm, là Thân Mẫu của Hồng Điệp, Cựu học sinh Tống Phước Hiệp, niên khoá 1962-1969 đã mãn phần.

- Bà sinh năm 1929
- Mất ngày 07-07-2015 nhằm ngày 22-05 năm Ất Mùi.
- Lúc 7g45
- Tại 439 Phan Văn Trị, Phường 7, Quận 5, Sài Gòn
- Hưởng thọ 87 tuổi.

Tang lễ cử hành tại Chùa Ấn Quang, đường Sư Vạn Hạnh, Sài Gòn
- Động quan lúc 2h ngày 09-07.
- Hỏa táng tại Bình Hưng Hoà, Sài Gòn
Chúng tôi xin Thành Kính chia buồn cùng bạn Hồng Điệp và Tang quyến. 
Nguyện cầu cho Hương Linh Cụ Bà Phạm Thị Huỳnh-Pháp danh Diệu Niệm sớm về Cõi Vĩnh  Hằng.
Đồng Kính Phân Ưu

Bùi Thị Ngọc Điệp
Lê Ngọc Điệp
Hoàng Thị Thơ
Lê Thị Kim Phượng
Hoàng Xuân Khải
Huỳnh Hữu Đức

Thơ Tranh: Bến Đỗ - Cầu Ơn Trên - Đò Ngang Trở Về

1/ Bến Đỗ - Kim Phượng


2/ Cầu Ơn Trên - Dương Hồng Thủy


3/Đò Ngang Trở Về - Kim Oanh


Thơ Tranh: An Nguyen