Thứ Năm, 2 tháng 7, 2015

Trách Ai?


Sao anh nghĩ chia tay là tốt nhất
Khi lòng mình vẫn hướng mãi về nhau
Sao nỡ nghiền vụn nát trái tim đau
Để quay gót khi tàu vừa chuyển bánh?

Sao anh khoác cho mình đôi mắt lạnh
Dửng dưng nhìn em cô quạnh rời ga
Với hành trang: kỷ niệm của đôi ta
Tàu chuyển bánh, nhạt nhoà trong bóng tối

Em đi mãi vào bóng đêm, lạc lối
Khi ngoài trời sương gió phủ vây quanh
Lạnh bên ngoài đâu bằng lạnh trong tim
Anh nỡ để em về nơi bến lạ

Thôi muộn rồi, đời cách chia đôi ngã
Anh có gào thét nữa cũng bằng không
Lúc còn nhau, chưa sống trọn tấm lòng
Nay ân hận thì muộn rồi, anh hỡi !

Tàu vẫn chạy miệt mài xuyên bóng tối
Cuộc đời em trôi nổi, quá mong manh
Em làm quen ý nghĩ chẳng còn anh
Cho kỷ niệm chôn vùi trong quá khứ

Một mai đây khi tuổi thu tàn úa
Có tình cờ gặp gỡ tại sân ga
Tay run run gỡ cặp kính hoen nhoà
Lòng tự hỏi sao ta dường nhớ lại ...

Phương Hà
Tháng 9/2014 


Thơ Tranh: Thương Ghế


Thơ & Hình Ảnh: Biện Công Danh
Thơ Tranh: Kim Oanh

Trao EM Biển Mộng


Bởi nắng ghẹo đùa trên tóc ai
Sợ chân buồn bước nẻo đường dài
Hàng me lá rụng vờn trong gió
Nên mới ... vu vơ theo tháng ngày

Cứ hoài giả ngộ .... chẳng vờ thân
Dẫu biết chờ nhau chân bước gần
Ánh mắt thầm thì như đã nói
Đường về hoa nở tựa mùa xuân

Vậy đó, mình quen thật dễ thương
Nắng mưa hai buổi mến con đường
Phượng hồng ghi đậm từng chân bước
Áo trắng ru đời bao vấn vương

Thu đã về đây nơi đất xa
Nhớ ơi là nhớ kỷ niệm hoa
Xin gởi vần thơ đầy dấu ái
Trao EM biển mộng chẳng phai nhòa ...

Hoàng Dũng


Cách Ăn Gói Và Cuốn

Hồi nhỏ mỗi khi đạp xe dạo Sài Gòn chúng ta không quên tạt vào đường Nguyễn Huệ, ăn bò bía và uống ly nước mía “ép uống ngay tại chỗ”.
Ăn uống lặt vặt bên lề đường, quán cóc, là nét văn hóa đặc biệt của người mình, tạo nhiều ấn tượng khó quên trong chúng ta.
Cái bánh tráng cắt làm tư, cuốn với vài ngọn rau thơm, một lát lạp xưởng, một con tôm luộc. chấm với tương ngọt cay chua; Đó là món bò bía của tuổi học trò.

 Bò Bía
Bò bía là một phần của phong cách ăn “gói và cuốn” của miền Nam và nhứt là miệt quê. Qua Mỹ ta thấy người ở đây cũng có cách ăn cuốn như món Tacos, món Borito, Tortilla...
Nhưng có lẽ duy chỉ người Việt mình mới bày ra nhiều cách ăn gói và cuốn phong phú và tuyệt diệu vô cùng.

Gỏi cuốn là món ăn tiêu biểu cho cách ăn gói và cuốn.
Cái để gói mà ai cũng biết là bánh tráng. Cái bánh tráng trắng là sản phẩm làm từ bột gạo, được làm ra hình như chỉ để phục vụ cho người ăn gói và cuốn mà thôi. Quê hương sản sanh ra bánh tráng nổi tiếng là miệt Hóc Môn, Bà Điểm ngoại ô Sài Gòn.
Bà con ngoài Trung, ngoài Bắc có vùng gọi bánh tráng là bánh đa và có cách ăn gói và cuốn khác miền Nam.
Cái phần ruột, cái nhân bên trong mà cái bánh tráng cần gói và cuốn có nhiều loại; tùy cái mà ta có, cái mà ta muốn gói.
Có thể là tôm, là cá, là thịt, cũng có thể là bì, là đậu hủ. Rồi phụ thêm vào đó là rau thơm cuối cùng là món nước chấm. Chính cái phần phụ này làm cho món ăn gói và cuốn mang tên riêng và người ăn nó phải ghiền.
Cũng có món gói và cuốn không dùng bánh tráng mà dùng “nó gói với nó” mà thôi. Nghe thì kỳ lạ quá. Nhưng là thiệt đó.

Nầy nhé ! Mời bạn lần lượt thưởng thức qua các món gói và cuốn. Nếu đã ăn rồi thì ăn nữa, còn nếu chưa ăn bao giờ thì cũng ăn cho biết vậy.
Trước hết là món bánh tráng gói tôm thịt, mà tên khai sanh là “gỏi cuốn”. Món này là món phổ quát nhứt và có ghi vào “bộ phong thần” dạy nấu ăn của các bà, các cô.

Cái bánh tráng nhúng nước sơ sơ, trải ra trên dĩa bàn lớn, xấp lên đó ít rau thơm, cải xà lách, tính làm sao cho vừa gói, không lỏng, mà cũng không chặt quá. Nếu muốn gói với tôm thì phải là tôm bạc trắng, hấp hoặc luộc với nước me hay nước dấm pha một ít nước dừa xiêm.

Gỏi Cuốn
Con tôm luộc như thế rất ngon. Nếu là con tôm đất thì phải lột bỏ đuôi, bỏ đầu, bỏ vỏ trước khi gói. Đừng quên cho vài tép hẹ, để nguyên cọng, sao cho bề dài đủ ló ra sau khi bạn cuốn xong, và nhớ tìm loại hẹ hương, loại nhỏ mới thơm.

Trước khi ăn bạn còn đủ thì giờ nhìn tác phẩm mà bạn vừa cuốn: Màu xanh của rau, màu đỏ của tôm, ẩn hiện bên trong lớp bánh tráng trắng nỏn nà, khêu gợi lòng ham muốn trần tục chúng ta.

Bạn từ từ chấm gỏi cuốn sâu ngập vào chén nước chấm, tương bầm xào chua cay ngọt hoặc nước mắm chua-cay–ngọt.
Miếng gỏi cuốn cắn làm bốn lần là hết, trước khi ăn phần chót, nhìn ngọn hẹ ló ra, lòng bạn ngập ngừng như không nỡ vậy.
Ăn gỏi cuốn điệu nghệ, ngon nhứt là ta phải “tự biên tự diễn”. Cái kiểu ăn có người cuốn sẵn, hoặc đem trong tủ lạnh ra thì chán chết! Dỡ ẹt!

Gỏi cuốn muốn ngon và hấp dẫn thì phải gói với cá. Tùy loại cá mà ta sẽ phải nướng hay phải hấp.
Bà con nông dân miệt vườn ưa chuộng món cá nướng và cho rằng cá lóc nướng là ngon nhứt!

Cá lóc làm sạch, để nguyên con, xỏ lụi hoặc để trên vỉ dùng lửa than nướng áp sát làm cho con cá nứt da, hơi khét bên ngoài mà bên trong còn máu. Rồi cho thêm ít mỡ hành, bớt lửa cho mỡ thấm vào bên trong thịt cá lóc.

Cá Lóc Nướng
Gỏi cuốn cá lóc nướng phải ăn với rau thơm, khế, chuối chát chấm nước mắm nêm. Ở Mỹ, người ta dùng cá ba sa nướng, gói bánh tráng thay cá lóc cũng rất ngon và có một hương vị không bằng với cá lóc quê nhà.

Ăn gỏi cuốn với cá thì không uống bia mà là rượu đế. Ruợu mạnh sẽ làm tan mùi cá, mất mùi nồng của mấm nêm và làm cho món gỏi cuốn đậm đà hơn.
Hấp cá ở quê, thường thấy bà con cho vào nồi nước lá xả, lá chanh, rồi mới xếp cá lên trên vỉ. Mùi xả, mùi lá chanh sẽ thấm vào thịt cá, làm tăng thêm hương vị và kích thích vị giác chúng ta. Cá hấp lá chanh, lá xả gói bánh tráng rất thơm, ăn không tanh, ngon không thua cá nướng.

Những người không thích ăn tôm, ăn cá thì có món bì. Bì thì có loại làm bằng da heo, trộn với thính và cũng có loại bì chay. Có người dùng xác đậu hủ xào với nước cốt dừa và giá, gói bánh tráng ăn cũng không kém ngon và hấp dẫn lắm.

Bì Cuốn
Bì cuốn chay hay mặn không chấm mắm nêm, mà phải chấm nước tương hoặc nước mấm chua ngọt cay.
Có món gói và cuốn nữa rất ư Nam Bộ, vừa dân dã vừa quý phái là món thịt kho tàu gói bánh tráng.

Từ lâu món thịt kho dưa giá đã đi sâu vào tâm can của người Nam Bộ rồi và đã trở thành quốc hồn quốc túy như bánh Tét, dưa hấu ngày Tết.

Rồi ai đó dùng thịt kho tàu gói bánh tráng như một bước đột phá làm cho món nầy trở thành quen thuộc với mọi người Nam Bộ. Thịt kho tàu là thịt cá lóc kho với nước dừa xiêm, với trứng vịt rồi nay với trứng gà.
Người miệt vườn gọi là “thịt kho rệu”, nước trong veo, màu sậm, trông xuyên qua từng xớ thịt ba rọi, nửa nạc nửa mỡ, hấp dẫn làm sao. Nước chấm là nước thịt, dầm với tròng đỏ trứng thêm ít tương ớt, ít nước tương ngon, nêm với nước chanh cho vừa ăn.

Bánh tráng nhúng sơ, gói với rau thơm, một ít cải chua, hoặc giá chua, thịt xé nhỏ, trải đều trên rau, rồi nhẹ tay gói lại không quá chặt cũng không quá lỏng (ngày Tết người ta còn kèm thêm củ kiệu nữa). Đoạn từ từ chấm vào chén nước chấm, cho vào miệng, vừa nhai vừa thưởng thức!

Cắn miếng ớt hiểm, và tiếp theo là một ngụm ruợu bia thì còn gì bằng.
Tất cả các món ăn gói và cuốn đều là món ăn chơi và cũng là món ăn thiệt, vì chỉ có với món gỏi cuốn tôm thịt, hoặc gỏi cá nướng, cá hấp hay thịt kho tàu, bạn cũng đủ no rồi.
Ăn gói và cuốn là cách ăn của người ở quê, rồi nó trở thành phổ thông, thành nhu cầu đối với người tiêu dùng, nên được các nhà hàng đưa vào thực đơn.
Ăn gỏi cuốn phải dùng chén nước chấm riêng, phá bỏ cái truyền thống chén nước chấm dùng chung đã có từ lâu của người mình. Dầu bạn ăn ở nhà hay vào tiệm, vào quán, mỗi thực khách đều có chén nước chấm riêng khi ăn các món gói và cuốn.
Bạn làm chủ chén nước chấm của mình, toàn quyền thêm bớt chua cay mặn ngọt mà không sợ “làm phiền người chòm xóm”.


Có một món ăn gói và cuốn phải nói ngay kẻo quên. Đó là món bánh xèo.
Đây là món độc đáo ở miền Nam. Bánh cống ở ngoài Trung ngoài Bắc khác bánh xèo.
Cái tên bánh xèo nghe rất gợi âm thanh và đủ nói lên cái tên bánh xèo cha mẹ sanh đã đặt cho nó rồi.
Làm bánh xèo thì cả xóm đều biết vì cái mùi thơm và cái âm vang “xèo xèo” của nó.

Nội dung cái bánh xèo: Từ bột đến nhân bên trong không khác gỏi cuốn, chỉ khác là do cách làm. Ăn bánh xèo thì không dùng bánh tráng để gói. Người ta dùng lá cải bẹ xanh để gói bánh xèo, có người dùng cải xà lách để gói cũng ngon. Một cuốn vừa một miếng ăn.

Ăn bánh xèo gói cải bẹ xanh rất ngon, vì cái mùi cay, mùi đắng của cải, hợp với hương vị bánh xèo, và làm dễ tiêu hóa.
Ở miệt vườn bà con mình còn dùng thêm đọt xoài, đọt lá chua như lá lụa làm tăng thêm giá trị bánh xèo.
Nước chấm bánh xèo rất quan trọng và có tánh quyết định ngon dỡ. Đó là nước chấm chua cay ngọt, dầm với củ cải đỏ, củ cải trắng bào nhỏ như sợi bún.
Có người “ăn tạp” không chịu gói và cuốn mà cho bánh xèo vào tô vào chén, chan ngập nước mắm, lua vào miệng. Xem rất bạo ! Nhưng ăn như thế mới đã.
Làm sao kể cho biết cách ăn gói và cuốn của miền Nam. Nó biến hóa, đổi mới không ngừng, và đưa cách ăn gói và cuốn trở thành phong thái riêng.

Nếu có về thăm Bến Tre, Gò Công vào tận miệt sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, vớt con tôm nuôi dưới sông, làm gỏi cuốn thì thú vị biết bao.
Tôi chắc bạn sẽ bị mê muội, bị hớp hồn trong bữa ăn, bữa tiệc không phải vì nó ngon không đâu, mà mê muội vì cái hồn quê, hồn nước vậy.

Nam Sơn Trần Văn Chi


Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015

Thơ Tranh: Chiều Quê



Thơ:Lê Kim Thành

Thơ Tranh: Kim Oanh

Sợi Tóc Ươm Tình


(Cảm tác từ bức tranh thơ - Riêng tặng Cô gái láng giềng dễ mến)

Đêm khuya thao thức bởi tranh thơ
Giấc ngủ chập chờn cõi mộng mơ
"Sợi tóc vô tình"....kia của bé
Láng giềng ngày trước, chẳng phai mờ

Có phải em là cô Giáng Tiên??
Trong tranh xuất hiện dáng ngoan hiền
Làm anh ngây ngất khi nhìn thấy!
Một trái tim nồng khó ngủ yên

Có lẽ, đây là sợi tóc mai?
Buông dài óng ả phủ bờ vai
Bâng khuâng tay vịn bên vành nón
Để lại hồn ta chút cảm hoài

Lối cũ trường xưa em có qua?
Nơi anh trả nón trước hiên nhà
Tóc hương xin giữ vào tim nhé
Kỷ niệm một thời....thuở chia xa

Song Quang

Nông Phụ 農父 - Trương Bích


農父 - 張碧

運 鋤 耕 斸 侵 星 起
隴 畝 豐 盈 滿 家 喜
到 頭 禾 黍 屬 他 人
不 知 何 處 拋 妻 子

Dịch Hán Việt:

Nông Phụ - Trương Bích

Vận sừ canh chúc xâm tinh khởi
Lũng mẫu phong doanh mãn gia hỷ
Đáo đầu hoà thử thuộc tha nhân
Bất tri hà xứ phao thê tử.

父: có hai cách đọc Phụ và Phủ. Có nghĩa là Cha, người đàn ông lớn tuổi, ông lão. Thí dụ như ngư phủ (ông, lão đánh cá), tiều phu (ông, lão đốn củi)...

Dịch Nghĩa: Người Nông Dân 

Sao còn đầy trời đã vội vác cuốc ra đồng canh tác
Miếng ruộng cho thu hoạch lớn cả nhà đều vui vẻ
Rốt cuộc tất cả giao hết cho kẻ khác
Để rồi không biết đưa vợ con đến nơi nào

Dịch Thơ: 

Ra đồng sáng sớm lúc còn sao
Đồng ruộng được mùa vui xiết bao
Nhưng lúa cuối cùng giao kẻ khác
Vợ con giờ biết gởi phương nao

Quên Đi
***
Trương Bích 張碧 tự Thái Bích 太碧, thi nhân đời Đường Mạt, năm sinh mất không rõ. Ông từng thi tiến sĩ không đỗ, gửi tình vào thơ và rượu, học chí theo Lý Bạch. Phong cách thơ ông tiếp thu và chịu ảnh hưởng của Lý Bạch 李白, Lý Hạ 李賀, Quán Hưu 貫休. Ông giỏi thơ cổ phong, đa phần viết về hiện thực u ám, đồng tình với nỗi khổ của nhân dân, có "Trương Bích ca thi tập" 張碧歌詩集 một quyển. Con của ông là Trương Doanh 張瀛 cũng giỏi thơ, làm quan cho Nam Hán đời Ngũ Đại đến chức Tào lang. Có nơi nói Trương Bích sống vào năm Trinh Nguyên đời Đường Đức Tông, có Mạnh Giao mộ thơ của ông.
***
Dịch Thơ: Nông Phu

Nông tang chưa sáng vẫn mờ sao,
Thời vụ được mùa khỏe biết bao.
Thu hoạch hoa màu ai thủ đắc?
Gia đình, con cái, vợ nơi nao!


Mai Xuân Thanh

Ngày 25 tháng 06 năm 2015
***

Bài cảm tác:Tình Quê

Chày đôi từng giã gạo Nàng Tây
Gõ nhịp cùm cum tiếng cũng hay
Trăng sáng tàu cau lơi lả gọi
Hương thơm gốc rạ ngập ngừng bay
Quê nghèo giản dị nuôi từng bữa
Tuổi trẻ hồn nhiên lớn mỗi ngày
Sương nắng đi qua gần cuối ngõ
Thương sao ký ức thuở xưa nầy


Cao Linh Tử

***
Giả Gạo Được Mùa

Bà con giã gạo trắng miền Tây,
Thời vụ trúng mùa lúa mới hay.
Trai tráng làng quê vui mở hội,
Thiếu niên trẻ nít thả diều bay.
Hoa đồng cỏ nội hương thơm ngát,
Phụ lão nông phu trãi tháng ngày.
Mưa nắng bốn mùa xin thuận lợi,
An cư lạc nghiệp ước mơ này...


Mai Xuân Thanh
Ngày 25 tháng 06 năm 2015

Giáo Dục, Dưỡng Dục

Bây giờ xin được trở lại với các từ mà thầy thắc mắc thêm Thầy nhé !
"....Nếu tiện, xin Anh cho thêm các chữ 'giáo dục' và 'dưỡng dục', ,tiết dục', diệt dục. "
Trước tiên là chữ GIÁO 教 thuộc dạng chữ Hội Ý, theo diễn tiến sau đây:


Theo Giáp Cốt Văn, ta thấy chữ GIÁO bên trái là hình một thằng người, có lẽ là nô lệ, bên trên có 2 dấu chéo, bên phải có một người cầm cây roi đưa lên dá dá, nên chữ Giáo có nghĩa là Dạy bảo, Răn đe. Những nghĩa phát sinh của chữ GIÁO như sau:
GIÁO 教 là DẠY, là Truyền thụ kiến thức hoặc kĩ năng cho người khác, như : Giáo Sư, Giáo Thụ, Giáo Sinh...
GIÁO là Đạo Giáo, Tôn Giáo, như: Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo...
GIÁO là Nơi truyền thụ hoặc Tập luyện, như: Giáo Đường, Giáo Trường...
GIÁO khi là Phó Từ có nghĩa là: Làm Cho... Như trong Tì Bà Hành của Bạch Cư Dị có câu :
" Khúc bãi thường GIÁO thiện tài phục " 
Có nghĩa: 
Mỗi lần đàn xong một khúc thường LÀM CHO những người tài giỏi về đàn khâm phục.
Chữ DỤC 育: Thuộc chữ Hội Ý, gồm có chữ TỬ 子 là Con, được viết ngược ở bên trên, và chữ NHỤC 肉 là Thịt ở bên dưới, Hàm Ý: đút miếng thịt vào miệng đứa nhỏ, nên chữ DỤC là Cho Ăn, là Nuôi. Theo diễn tiến chữ viết như sau


Các nghĩa của chữ DỤC:

DỤC là Nuôi Nấng, như: Dưỡng Dục.
DỤC là dạy dỗ, như Giáo Dục.
DỤC là Nuôi dạy, Huấn luyện theo một mục tiêu mục đích nào đó , như : Thể Dục, Đức Dục, Trí Dục, MỸ Dục...
DỤC còn có nghĩa là Sinh Đẻ, như Bất Dục là những người không sinh sản được. TIẾT DỤC là Hạn chế sinh đẻ....
Cho nên...
GIÁO DỤC : nghĩa đen là Cho ăn bằng cách dạy dỗ, tức là Nuôi bằng phẩm chất, tinh thần. Nên, GIÁO DỤC có nghĩa là Dạy Bảo, Rèn Luyện là thế.
Về chữ DƯỠNG 養 : Thuộc chữ Hình Thanh ( Hài Thanh ). Phần trên chữ DƯƠNG 羊 chỉ ÂM, Phần dưới chữ THỰC 食 là ĂN chỉ Ý, theo diễn tiến chữ viết như sau:


Các ý nghĩa của chữ DƯỠNG:

DƯỠNG là cung cấp thục phẩm để nuôi sống, như : DƯỠNG GIA là Nuôi Gia Đình, DƯỠNG DỤC là Nuôi Nấng...
DƯỠNG là Nuôi trồng cây cối, như DƯỠNG HOA là Trồng Bông, DƯƠNG THỌ là Trồng Cây....
DƯỠNG là NUÔI khác với RUỘT, như : DƯỠNG TỬ là Con Nuôi, DƯỠNG PHỤ là Cha Nuôi....
DƯỠNG là Giáo dục huấn luyện, như BỒI DƯỠNG là Đào tạo vun đắp cho giỏi, GIÁO DƯỠNG là Dạy dỗ...
DƯỠNG là Nghỉ ngơi, thư giản, như: DƯỠNG LÃO, DƯỠNG BỆNH.....
Nên...
DƯỠNG DỤC là cung cấp thực phẩm để Nuôi cho lớn lên, nên có nghĩa là NUÔI NẤNG mà thôi.
DƯỠNG DỤC là Nuôi về mặt Vật Chất, Thể Chất. Còn GIÁO DỤC là Nuôi về mặt Phẩm Chất, Tinh Thần.

Ta lại có thêm 2 chữ DỤC nữa...

* DỤC 欲: là HAM MUỐN, như trong câu " KỶ sở bất DỤC, Vật thi ư nhân ", nghĩa là : " Cái gì mà mình không MUỐN, thì đừng có Làm ( hoặc Ban ) cho người khác.
* DỤC 慾: Chữ Dục nầy giống như chữ Dục trên, nhưng có thêm bộ TÂM 心 ở bên dưới, nên có nghĩa: Chỉ sự Ham Muốn ở Trong Lòng, Ham Muốn về THỂ XÁC. Ta có từ : NHỤC DỤC, DỤC HỎA là Lửa Dục ở trong lòng....

Từ 2 chữ DỤC trên, nên ta có đến 3 từ TIẾT DỤC như sau:

* TIẾT DỤC 節育: là Hạn chế Sinh Đẻ, là Sinh đẻ có kế hoạch.
* TIẾT DỤC 節欲: là Hạn chế Lòng Tham, là tiết chế, đè nén sự ham muốn.
* TIẾT DỤC 節慾: là Đè nén sự Ham muốn về Thể Xác, là Tiết chế Tình Dục.

Còn DIỆT 滅: là làm cho Mất Đi, như Tiêu Diệt, Tận Diệt... Ta có 2 từ DIỆT DỤC...
* DIỆT DỤC 滅欲 : là Tiêu Diệt sự Ham Muốn, làm cho sự Ham Muốn Mất đi.
* DIỆT DỤC 滅慾 : là Tiêu Diệt Tình Dục, làm cho mất đi sự Ham Muốn về Thể Xác.


Đỗ Chiêu Đức

Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Thơ Tranh: Phương Lan Đề Thơ


Thơ: Phương Lan 
Thơ Tranh:Kim Oanh


Tuổi Hồng


Thời niên thiếu nắng cài hoa trên tóc,
Sợi tơ mây lơ lửng mắt thu tròn,
Miệng hoàng oanh nắc nẻ tiếng cười ròn,
Ngón tay ngọc nâng niu tà áo tím.

Thời con gái tim hồng run rẩy nhịp,
Bước chân dồn trốn chạy bọn con trai.
Những lời khen theo gió đuổi bên tai,
Lén quay mặt nhìn xem ai đã gởi!

Lời ngỏ ý khơi giòng trang sách mở,
Rồi bướm khô ép giữa cánh thư xanh,
Rồi vần thơ, nét hoạ nụ môi xinh,
Bay tới tấp bên bờ khung cửa sổ.

Lời tình tự ru tâm hồn trinh nữ,
Qua thời gian tô đẹp sắc hương đời.
Những đợi chờ bẽn lẽn buổi chiều rơi,
Những hò hẹn ánh trăng thề diễm tuyệt.

Trải năm tháng chung xây lời ước nguyện,
Pháo vu qui bừng nổ trước hiên nhà.
Gót hài thêu bối rối cửa xe hoa,
Bỏ lại đằng sau tuổi hồng kỷ niệm.

ChinhNguyên/H.N.T.
 June 12.2015

Hàn Đông


Em nửa đời hoang phế, 
 Ta một kiếp lưu đày. 
 Gặp nhau nơi xứ lạ, 
 Nối cuộc tình hôm nay...

Hai mảnh đời rách nát 
 Ấp ủ nhau từng ngày... 
 Hai tâm hồn bão loạn 
 Cùng dắt dìu hôm mai.

Ta khinh đời bội bạc 
 Ta ghét cảnh kiêu sa. 
 Ta cho nhau tất cả 
 Trọn cuộc tình đơm hoa.

Ta sống đời chân thật 
 Cùng xẻ chia ngọt bùi... 
 Tuyết trời bay lất phất, 
 Giá lạnh đời vẫn vui!!!

Dodge City, Kansas 1990
Mặc Thái Thủy

Nhẫn Nhục Luồn Trôn Giữa Chợ : Hàn Tín


Câu "Sĩ khả sát bất khả nhục" đã nói lên tiết tháo của kẻ sĩ ngày xưa. Tuy nhiên vẫn còn đó những tấm gương nhẫn nhục lưu danh hậu thế.
  Chúng ta cùng đến với Hàn Tín 韓信 Hoài Âm Hầu (淮陰候), Thuở hàn vi, người đã từng luồn trôn giữa chợ.


Hàn Tín 韓信 Hoài Âm hầu (淮陰候), là một danh tướng bách chiến bách thắng, thiên hạ vô địch, được vua Hán Cao Tổ ca ngợi là "Nắm trong tay trăm vạn quân đã đánh là thắng, tiến công là nhất định lấy thì ta không bằng Hoài Âm Hầu" thời Hán Sở tranh hùng, là 1 trong "Tam kiệt nhà Hán" có công rất lớn giúp Hán Cao Tổ Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ lập nên nhà Hán kéo dài 400 năm.

Theo sách Tây Hán chí thì Hàn Tín, người ở Hoài Âm, nước Sở. Cha mẹ mất sớm phải sống côi cút từ bé, nhà nghèo phải làm nghề câu cá. Khi mẹ mất, vì muốn xây cất cho mẹ ngôi mộ ở nơi đẹp đẽ trên núi cao mà bán cả nhà cửa, xách kiếm đi lang thang ngoài chợ.

Hàn Tín là một thống soái quân sự nổi tiếng cổ đại Trung Quốc. Trước khi lập nên chiến công, Hàn Tín vừa không biết buôn bán, vừa không muốn làm ruộng, ở nhà cũng không có tài sản gì, ông sống cuộc sống bần cùng và bị kỳ thị, thường đứng trước tình hình có bữa này không có bữa kia. Hàn Tín quen biết một quan chức nhỏ địa phương, nên ông thường đến nhà quan chức này ăn nhờ, thấy vậy, vợ viên quan rất ghét Hàn Tín, bèn cố tình ăn cơm sớm, khi Hàn Tín đến, không còn cơm cho ông ăn, Hàn Tín bực tức lắm, không đi lại với viên quan này nữa.

    Ở chợ Hoài Âm, thấy Hàn Tín gầy gò yếu đuối nhưng lại vác kiếm trông như võ tướng, có gã bán thịt lợn muốn làm nhục, nói với Tín : “Nếu mày gan dạ, thì dùng gươm đánh tao; nếu mày là kẻ hèn nhát, thì chui qua háng tao.” Mọi người xung quanh đều biết thanh niên đó cố tình tìm cớ làm nhục Hàn Tín, họ không biết Hàn Tín sẽ đối xử thế nào. Hàn Tín nghĩ một lát, không nói gì, chui qua háng tay thanh niên đó. Mọi người có mặt cười ầm lên, cho rằng Hàn Tín là một kẻ hèn nhát, không dũng cảm. Từ đó, câu chuyện “Cái nhục dưới háng” lưu truyền đến đời sau.

Vì cuộc sống, Hàn Tín phải đi câu cá ở sông Hoài, một bà già giặt quần áo ở bờ sông Hoài nhìn thấy Hàn Tín không có cơm ăn, bèn chia thức ăn mang theo cho ông ăn. Như vậy mấy chục ngày liền, Hàn Tín rất cảm động, nói với bà già rằng: “Sau này cháu nhất định sẽ báo đáp bác.” Bà già tức giận mà nói: “Cháu là người đàn ông, không nuôi sống nổi mình, thì làm sao làm nên sự nghiệp, bác thấy cháu đáng thương mới cho cháu cơm ăn, chưa bao giờ mong cháu báo đáp bác.” Hàn Tín lấy làm xấu hổ, và quyết chí phải làm nên sự nghiệp.

Thực ra, Hàn Tín là một con người mưu lược. Ông thấy xã hội đang lúc tranh tối tranh sáng chưa ngã ngũ, nên chỉ chăm lo nghiên cứu binh pháp và luyện tập võ nghệ để sau này gặp thời sẽ sử dụng.

Năm 209 TCN, Trần Thắng khởi nghĩa chống nhà Tần, Hàn Tín đã ra bờ sông Vị Thủy cầm kiếm xin tham gia nghĩa quân. Ông đã được Hạng Lương là thế tộc nước Sở cho gia nhập nghĩa quân. Tuy nhiên, Hạng Lương và cháu là Hạng Vũ xem thường Hàn Tín thân phận thấp hèn, chỉ cho làm quân cầm kích đứng hầu. Nhiều lần ông bày mưu cho Hạng Vũ, nhưng Hạng Vũ không dùng.
Nhà Tần sụp đổ, Hạng Vũ đứng đầu chư hầu, phân phong cho các tướng và vua chư hầu. Lưu Bang bị Hạng Vũ tranh công vào Quan Trung, đẩy vào đất Thục xa xôi hiểm trở, phong làm Hán Vương.
Khi Hán Vương lên đường vào đất Thục, ở Sở Hàn Tín bất mãn vì vẫn không được trọng dụng, bèn bỏ Sở theo về Hán dưới sự tiến cử của Trương Lương.

Lúc đầu, Hàn Tín chỉ giữ một chức quan nhỏ vận tải lương thực cho Lưu Bang. Sau đó nhờ quen biết Tiêu Hà, một mưu sĩ của Lưu Bang, Hàn Tín thường thảo luận về thời thế quân sự với người này. Tiêu Hà biết Hàn Tín là một người có tài, nên giới thiệu với Lưu Bang, nhưng vẫn không được trọng dụng. Về sau Hàn Tín chán nản bỏ Lưu Bang ra đi. Được tin, Tiêu Hà tức tốc cưỡi ngựa chạy theo Hàn Tín và hai ngày sau đưa được Hàn Tín trở về. Lưu Bang hỏi Tiêu Hà: “Trước kia có mấy chục tướng lĩnh chạy trốn mà nhà ngươi chưa bao giờ đuổi theo, tại sao bây giờ lại đuổi theo Hàn Tín?” Tiêu Hà nói: “Thưa ông, các tướng lĩnh bỏ trốn trước kia đều là những kẻ tầm thường, còn Hàn Tín tài ba lỗi lạc. Nếu ngài muốn tranh thiên hạ, ngoài Hàn Tín ra, ngài không thể tìm được ai khác”. Lưu Bang nghe lời cho Hàn Tín từ một viên quan nhỏ phụ trách lương thực trở thành một vị tướng cầm quân ra trận. Từ đó, Hàn Tín đã giúp Lưu Bang bách chiến bách thắng, lập nên nhiều chiến công hiển hách, Qua những kế sách mưu lượ lưu truyền hậu thế:

- Minh tu sạn đạo, ám độ Trần Thương ( mượn tiếng sửa chữa sạn đạo, đường vào Tây Thục, âm thầm đưa quân theo ngã Trần Thương tiến đánh Tam Tần là Tắc Vương Hân, Địch vương Ế, và  Hà Nam vương Thân Dương.
- Diệt Nguỵ: dương đông kích tây (dàn nghi binh, bày thuyền bè như muốn vượt qua sông Lâm Tấn; nhưng trái lại dùng phục binh đi đường đất Hạ Dương, lấy thùng gỗ để cho quân vượt qua sông, đánh úp đất An Ấp)
- Lấy Triệu, bày trận tựa sông (bày trận quay lưng ra sông. Đó là phép tối kỵ trong binh pháp vì theo binh pháp, phải dựa vào núi và nhìn ra sông, nếu tựa vào sông sẽ bị kẻ địch đánh dồn tới hết đường chạy, "Hãm vào đất chết thì sau nó mới sống, dắt vào chỗ mất thì sau nó mới còn")
- Ngăn sông Tuy Thuỷ giết Long Thư (Long Thư bày trận hai bên sông Tuy Thủy. Hàn Tín đang đêm sai người làm hơn một vạn cái đẫy đổ đầy cát chặn lấy thượng lưu dòng sông rồi đem quân qua nửa chừng đánh Long Thư, giả vờ thua, quay lưng bỏ chạy về. Long Thư dẫn quân đuổi theo, qua sông. Lúc đó Hàn Tín cho người phá các bao đựng cát, nước sông chảy ào ào, đại quân của Long Thư quá nửa không qua được. Hàn Tín mới thúc quân đánh gấp, giết được Long Thư. Bộ phận quân của Long Thư phía đông dòng sông bỏ chạy tán loạn.)
....
Lúc thung dung Lưu Bang nói chuyện với Hàn Tín về tài năng của các tướng, xem tài năng họ như thế nào, Lưu Bang hỏi ông:
Như ta thì có thể cầm được bao nhiêu quân?
Hàn Tín nói:
Bệ hạ chẳng qua chỉ cầm được mười vạn.
Lưu Bang lại hỏi:
Thế còn nhà ngươi thì cầm được bao nhiêu?
Hán Tín trả lời:
Thần thì càng nhiều càng tốt.
Lưu Bang cười nói:
Càng nhiều càng tốt thì sao lại bị ta bắt?
Hán Tín đáp:
Bệ hạ không có tài cầm quân, nhưng có tài cầm tướng, vì vậy cho nên Tín mới bị bệ hạ bắt.
Sau lần đó, Lưu Bang càng sợ tài của Tín và quyết trừ khử cho được.

Có thể nói không ngoa rằng về mặt quân sự trong tranh chấp giữa Hán và Sở, gần như một mình Hàn Tín quyết định cán cân nghiêng về phía nào.Ông theo Sở thì Sở thắng,theo Hán thì Hán thắng. Ông rất giỏi về quân sự nhưng về chính trị, ông không phải là đối thủ của Lưu Bang. Dù sao đi nữa, hậu thế vẫn luôn nhìn nhận ông là một trong các đại tướng cầm quân xuất sắc nhất. Đền ơn bà giặt lụa, lại không báo oán anh hàng thịt chứng tỏ ông là người trung hậu, đạo đức,

Huỳnh Hữu Đức biên soạn

theo: wikipedia.org - vietnamese.cri.cn

A-tu-la




Gửi Hàn Song Tường

Tâm ta, triều sóng xô hùng vĩ 
 Ý dựng non cao, lún hố sâu 
 Bởi đó miệt mài ta bước tới 
 Thăng trầm từng chặng bước lao đao.

Từ tâm lửa cháy ra trăm hướng T
rong óc tiếng cuồng nộ thét gào 
 Chát chúa gươm đao, rền hỏa pháo 
 Bao tầng trời ướt lệ thương đau.

Ánh gươm sáng lóa ta soi mặt 
Mắt rực than hồng, miệng vuốt nanh 
 Hơi thở ùn ùn tuôn cuộn khói 
 Sặc mùi tử khí, máu nồng tanh.

Ta lấy chiến tranh xây cuộc sống 
 Điểm tô xương máu nẻo ta đi
Trái cây hạnh phúc không tìm gặp N
hìn lại đời không sáng nghĩa gì!

Phút giây nhìn lại ta lần lửa 
Vào cõi tâm giăng lưới mịt mùng 
Tay chĩu thanh gươm, thân nặng giáp
Lòng im tro lạnh, khói mông lung.

Tĩnh lặng, ta nhìn ta thấu suốt 
Dắt dìu từng thế kỷ trôi qua 
Tâm nguôi giông bão, ta bừng mắt. 
Xuân đến khắp trời hôn thiết tha.

Thanh kiếm thoắt thành cây tích trượng 
Ô hay, áo giáp biến cà sa! 
Gương hồ phẳng lặng, ta soi bóng                                         
Mặt sáng dịu hiền, miệng nở hoa.

Hồ Trường An

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

Thơ Tranh: Đường Về


Thơ Cảm Tác:  Kim Oanh
Hình Ảnh: Nguyễn Cao Khải

Chiêm Bao - Giấc Ngủ Mê


Chiêm Bao

Đêm qua trong giấc ngủ mê
Ý nghĩ thầm kín lại về
Chiêm bao!
Thời gian vun vút.. bóng câu
Tóc huyền óng ả đổi màu thủy chung.
Người đi
Xa…
Cõi muôn trùng
Tóc thề xưa đã..
Dạ thủy chung mãi tròn
Vọng phu tượng đá sắt son
Ý nghĩ thầm kín mãi còn..
Chiêm bao!

Kim Phượng
(23/06/2015)
***
Giấc Ngủ Mê
(Từ Chiêm Bao của Kim Phượng
Úc Châu)

Từng đêm trong giấc ngủ mê
Hồn anh gối mộng vỗ về
Chiêm bao!
Xa nhau vùn vụt bóng câu
Giận cơn gió thoảng phai màu thủy chung.
Em đi
Xa…
Tít muôn trùng
Anh buồn gói khối
Tình chung vo tròn.
Thương người hiền phụ sắt son
Anh mơ trong cõi mỏi mòn
Chiêm bao!

Dương Hồng Thủy
(25/06/2015)

Theo Anh Về Quê


Theo anh về viếng miền đồng nội
Thơm ngát hương quê mỗi tấc đường
Thoang thoảng tình anh theo gió mát
Trao tim em vị ngọt yêu thương.

Đường đất lượn ven con rạch nhỏ
Hai lề cỏ dại mượt mà tươi
Cầu tre lắc lẻo năm ba chiếc
Chào đón gót hoa… kẽo kẹt cười.

Vườn tược nhà anh đang héo hắt
Cần người chăm sóc để xanh tươi
Em xin tình nguyện làm thôn nữ
Để tháng ngày trôi vang tiếng cười.

Anh Tú
6/26/15

Tập Thở Và Vận Động Để Trị Bệnh Đau Nhức


Một tờ báo Mỹ có kể một câu chuyện về một người đi ăn trộm, đang mò mẫm trong bóng tối bỗng đụng chạm làm rơi một món đồ gì đó, khiến ông chủ nhà thức giấc. Anh ăn trộm hoảng quá, đứng chết trân tại chỗ, chờ chủ nhà kêu 911. Nhưng bất ngờ, ông chủ nhà chỉ rên rẩm và nói: -Ăn trộm hả? Muốn lấy gì thì lấy đi. Nhưng, trước khi đi, đưa giùm tôi lọ thuốc phong thấp ở trên bàn đó và một ly nước nữa. Tôi đang đau quá, không dậy nổi.
Anh trộm chưng hửng một lúc, nhưng rồi cũng đưa lọ thuốc và nước cho chủ nhà xong, rồi chậm rãi nói:
-Ông bị đau nhức đầu gối phải không? Tôi cũng bị.. Nhưng uống thuốc này không hết đâu. Tôi dùng thuốc khác.
Chủ nhà vừa rên vừa hỏi:
-Thuốc gì vậy? Viết tên thuốc được không?
Anh trộm viết tên thuốc rồi vừa đưa cho ông chủ vừa nói:
-Tôi dùng thuốc này mới hết. Nhưng vì trước đây, đau quá, mất ngủ ban đêm quen rồi, nên bây giờ, hết bệnh, không biết làm gì cho hết đêm, đành đi ăn trộm ....Ông tha cho tôi. Tôi đi về nhé!
Nói xong, anh trộm ra mở cửa, đi về. Ông chủ nhà gọi với theo:
-Cám ơn nghe. Đêm nào mất ngủ, cứ tới đây, nói chuyện chơi.
Bài báo nói lên được một thực trạng về bệnh tật mà bao người Mỹ đang mắc phải: bệnh Đau nhức các khớp xương, hay còn gọi là Phong thấp, mà tiếng Mỹ gọi là Arthritis. Có hai loại Đau nhức: Osteoarthristis, tạm gọi là loại Một (cho các vị cao niên dễ nhớ) và Rheumatoid Arthritis mà ta tạm gọi là loại Hai.

Loại Một gây ra những đau nhức ở cổ, vai, bàn tay, ngón tay, đầu gối, xương chậu... Nguyên nhân thường là do tuổi tác (phụ nữ trên 45 tuổi có thể mắc bệnh này), thoái hóa xương, di truyền, bệnh mập phì, hay do những động tác không ngay ngắn được lập đi lập lại lâu ngày như ngồi ghế cong lưng, ngồi lái xe mà thắt lưng bị bẻ cong, nghiêng đầu sang một bên, tay đánh máy suốt ngày không thư dãn, đứng một vị thế cong trong nhiều giờ, nhiều ngày.... Trên nước Mỹ có tới 21 triệu người bị đau loại Một.

Loại Hai cũng đau ở các đốt xương, có thể sưng lên, làm biến dạng xương, khó đi đứng, cử động. Loại này có trên 2 triệu nguời mắc bệnh. Nguyên nhân có thể do hệ thống miễn nhiễm không làm việc tốt, bị di truyền, hay vì thời tiết thay đổi đột ngột.
Nói chung cả hai loại đều gây đau nhức, nhiều người cảm thấy “khốn khổ, khốn nạn” khi bị các cơn đau hành hạ. Hoặc đi một lúc thì cảm thấy nhức chân, rồi đi lệch lạc. Hoặc ngủ không nổi vì khớp xương đầu gối buốt quá. Hoặc ngồi lâu thì tê hai bả vai...
Thường thì có ba (3) cách điều trị các bệnh đau nhức : 
Thuốc uống (Medication), giải phẫu (Surgery) và Không dùng thuốc (Non-medication). Hai phương pháp đầu tiên, dĩ nhiên, là phải qua Bác sĩ.

Phương pháp thứ Ba: Không dùng thuốc lại gồm ba cách: châm cứu, vật lý trị liệu, và tập luyện (exercise). Trong ba cách này, Tập Luyện (Exercise) dễ hơn cả và tác dụng lâu bền hơn cả. Châm cứu có tác dụng tức khắc, nhưng cũng hết tác dụng nhanh lắm. Vật Lý trị liệu cũng thế. Khi được Mát xa, thì thấy rất “đã”, nhưng chỉ một ngày sau là lại đau như cũ. Vậy chỉ còn các TẬP LUYỆN lấy một mình, không tốn tiền, không phải giải phẫu, cũng không phiền ai, nhưng chỉ cần Ý CHÍ tự thắng mà thôi.
Người viết bài này, chỉ còn một ít chỗ khớp xương nào còn nguyên vẹn mà chưa lần ...gẫy. Tuổi trẻ, đi tập đủ loại võ nghệ: Nhu Đạo, Thái cực Đạo, Hapkido, Aikido, Thiếu Lâm.. không môn nào mà không mang cho thân thể một lần trật xương, gẫy vỡ. Đấu vật thì cắm đầu xuống đất, lọi cổ tưởng chết. Rồi chống tay xuống đất, vỡ xương cổ tay, lọi cùi chỏ.. Nhẩy qua chướng ngại vật: gẫy vai (2 lần). Đá người thì bị lọi ngón chân. Vật người thì bị gẫy thắt lưng... Bó bột liên miên, hết tay lại chân. Vào nhà thương chích thuốc rồi qua Thầy Cự Thất bó gà, qua Thầy Tầu điểm huyệt, có lần nhờ thầy Cao Miên thổi bùa cho lành vai... Tất cả những lần gẫy vỡ ấy, tuổi thanh niên sung sức chẳng coi nhằm nhò gì, giờ này, mới thấy thấm thía: đau nhức khắp người. Muốn hết đau nhức mà không muốn uống thuốc, không chích Cortisone, không đi Bác sĩ chỉnh xương, thì phải tập luyện hoài hoài, ngưng tập là .. đau! Cho nên, viết bài này để chia xẻ những ai đau đớn vì bệnh phong thấp, nhức xương, mong mọi nguời cùng khỏe.

Nguyên lý:
Hệ thống thần kinh của con người chạy cùng khắp thân thể, chỗ nào cũng có, từ đầu cho tới ngón tay, ngón chân. Tuy nhiên, theo hình vẽ về hệ thần kinh được treo tại các phòng mạch Tây, Đông Y, ta thấy chùm dây thần kinh đi từ sau ót tỏa ra cánh tay, xuống lưng, qua xương sống, tới hông, đùi, rồi chân (trông như một bó dây điện) là chùm quan trọng nhất. Nếu bị “kẹt” đâu đó, thì đau. “Kẹt” trên cổ có thể gây đau ra cánh tay, bàn tay. “Kẹt” thấp xuống dưới thì đau bắp thịt lưng, đau thắt lưng, “kẹt” ở chỗ thắt lưng lại gây đau ở đùi, chân... Cho nên, khi bị đau quá vì xương thoái hóa hay vì đụng xe, mà phải giải phẫu, bác sĩ sẽ cân nhắc rất kỹ. Mổ ở thắt lưng, nếu “xui”chạm giây thần kinh, có thể bị liệt chân mà thôi, nếu mổ ở cổ mà bị “xui”, có thể liệt cả người! Vì thế, chỉ những trường hợp đau cổ chịu hết nổi, bắt buộc phải giải phẫu thì phải ký giấy chấp nhận 50/50, một là khỏi, hai là đời xe lăn. Hên thì cũng có thể phải ghép một cây sắt vào trong cổ. Đôi khi phải mổ lại.. Chỉ còn cách Tập Luyện, cho thư giãn thần kinh chỗ gây đau, cho mạnh bắp thịt chỗ đau, cho khớp xương được chuyển động dịu dàng trở lại, kích thích chất nhờn đầu khớp xương phục hoạt, điều chỉnh lại những chỗ lệch lạc xương cốt, thì sẽ .. bớt đau (không phải HẾT đau, vì hễ ngưng tập một thời gian, có thể đau lại).

A-CHỮA ĐAU CỔ, ĐAU VAI, ĐAU TAY:

1-Xoay cổ trái phải: nhìn thẳng trước mặt, xoay cổ từ trái sang phải chầm chậm, mắt vẫn nhìn ra đằng trước, từ từ hít vào. Từ từ trả cổ trở lại phía trước, rồi xoay sang bên phải, mắt vẫn nhìn ra đằng trước, thở ra. Nhớ xoay cho hết cỡ, tới khi không xoay được nữa thì thôi. Làm 10 lần.
2-Gập cổ: ngửa cổ lên chầm chậm cho tới hết cỡ, từ từ hít vào. Chầm chậm gập cổ xuống ngực, hết cỡ, thở ra. Làm 10 lần.
3-Bẻ cổ: Mắt nhìn thẳng đằng trước, bẻ cổ nghiêng xuống đầu vai trái, hít vào. Từ từ thở ra, bẻ cổ qua đầu vai bên kia. (Khác với xoay cổ trái phải: ở đây, khi bẻ đầu xuống vai thì đầu vai có hơi nhô lên cho chạm với đầu, còn xoay cổ trái phải thì chỉ quay đầu vào khoảng trống sau vai mà thôi). Làm 10 lần.
4-Xoay cổ vòng tròn: Dùng điểm tựa là cổ, xoay vòng đầu chung quanh cổ, từ phải sang trái 10 lần rồi từ trái qua mặt 10 lần.

B-CHỮA ĐAU CÁNH TAY, BÀN TAY:

1-Xoay vai: hai tay buông thỏng, dùng đầu vai làm điểm tựa, xoay vai theo một vòng tròn chạy chung quanh đầu vai ( không phải nhô lên, hụp xuống) từ sau ra trước, rồi từ trước ra sau. 10 lần. Trong khi xoay vai, vẫn hít thở đều đặn.
2-Lắc bàn tay: giơ cánh tay ra trước mặt, cùi chỏ ép hai bên thân mình, giữ nguyên cổ tay và cánh tay, hai bàn tay để trước mặt, lòng bàn tay hướng vào phía ngực. Lắc từ trên xuống dưới (như giũ giũ bàn tay) thật mạnh 10 lần. Đổi hướng, cho mu bàn tay lên trên, lòng bàn tay hướng về mặt đất, giũ mạnh bàn tay từ trên xuống dưới. 10 lần. Đổi hướng, hai lòng bàn tay quay vào nhau, giũ mạnh bàn tay từ trái qua phải, từ phải qua trái. Những người thư ký đánh máy, làm “neo”, thợ may.... phải tập bàn tay thường xuyên, nếu không, có thể bị mổ cổ tay vì khớp xương cổ tay bị cứng khô lại.
3-Vẽ vòng trên đất: đứng rộng chân ra, một tay vịn vào mặt bàn, nguời nghiêng xuống cho song song với mặt đất, cánh tay buông thỏng, tưởng tượng như đang cầm một cái que, vẽ một vòng tròn tưởng tượng thật to trên mặt đất . Vẽ nhanh 10 lần rồi đổi tay. Hít thở đều hòa.

C-CHỮA ĐAU THẮT LƯNG, ĐÙI, CHÂN:

1-Xoay thắt lưng theo vòng tròn: hai tay chống hông, ngón tay để ra sau lưng, ngón cái phía trước, các ngón tay ấn mạnh vào thắt lưng, dùng thắt lưng làm điểm tựa, xoay vòng bụng ra trước rồi vòng qua bên phải (bên trái) ra sau, rồi vòng tới trước. Làm liên tục không ngừng, khi ra tới trước, thì bụng phải ưỡn ra hết cỡ. Khi ra sau thì thắt lưng cong lại cũng hết cỡ. Hít thở chầm chậm theo vòng.
2-Gập lưng: cũng như gập cổ, ngửa lưng ra, hít vào, gập thắt lưng xuống, thở ra. Khi ngửa lên, ngửa hết cỡ, khi gập xuống, cũng gập hết cỡ.
3-Xoay hông: hai tay buông thõng bên sườn, vặn người qua bên trái thì hai cánh tay cũng “văng” theo bên trái, nghĩa là không dùng sức tay, chỉ để cho hai cánh tay “văng” theo mà thôi. Xong, vặn người qua bên phải. Hai cánh tay lại “văng” theo bên phải. Nhớ khi xoay sang bên nào thì xoay gót chân bên đó, và bàn chân bên đó nhấc lên, nghĩa là xoay trên gót chân mà thôi. Mục đích làm cho vòng xoay rộng thêm, nếu giữ nguyên bàn chân trên mặt đất, vòng xoay sẽ ngắn lại. Hít thở chầm chậm.

D-CHỮA ĐAU ĐẦU GỐI:

1-Xoay gối trái phải: đứng vừa phải, hai bàn tay đặt trên đầu gối, thấp người xuống, xoay đầu gối theo một vòng tròn về phía phải (theo vòng kim đồng hồ) 10 lần rồi đổi hướng quay theo bên trái.
2-Xoay gối trong ngoài: đứng rộng chân ra, hai tay đặt trên đầu gối, thấp người xuống, xoay đầu gối từ ngoài vào trong rồi từ trong ra ngoài.
Các thế đầu gối này, mới đầu thì chỉ thấp người xuống một chút, sau đó, mỗi ngày càng thấp người xuống hơn, công lực sẽ mạnh hơn. Chỉ cần làm 10 phút, là đã thở mạnh, toát mồ hôi rồi. Người nhức đầu gối ban đêm phải tập trước khi lên giường ngủ.

Lưu ý:
-Những thế tập này chỉ được áp dụng với người chưa giải phẫu xương lần nào. Nếu đã giải phẫu cổ thì không được tập cổ. Nếu giải phẫu lưng rồi mà muốn tập lưng, phải hỏi bác sĩ, xem phim X-ray có trở ngại gì không..
-Phối hợp vừa châm cứu, vừa mát xa, vừa tập luyện thì rất tốt.
-Trường hợp đau kinh niên vì xương rồi, có thể uống thêm Glucosamine có bán tại các tiệm thuốc Tây để kích thích chất nhờn đầu xương và xương.
-Mua một cái máy mát-xa nhỏ cầm tay để chà xát chung quanh chỗ bắp thịt đau sẽ hiệu nghiệm nhanh hơn.
-------------
Vài hàng trao đổi những kinh nghiệm trong suốt mấy chục năm qua, nếu có chi sai sót, mong cao nhân chỉ điểm thêm. Chúc quý vị sống lâu, sống khỏe mạnh, và hạnh phúc.

Chu Tất Tiến
Sưu tầm: Hanh Nghiêm
( Theo http://hoathuctuvien.blogspot.com/)

Thử Tưởng Tượng


Thử tưởng tượng anh không đang hiện hữu
Em bước vào vùng trống rổng mông mênh
Em dám chứ vì không thêm chẳng bớt
Sẽ yêu anh dù tim có bồng bềnh

Thử tưởng tượng thời gian quay ngược lại
Em gặp anh ở một cõi mơ hồ
Em dám chứ cùng ngửa tay hứng mộng
Mộng, thật - thơ, người; người mộng trong thơ

Thử tưởng tượng anh chẳng là thi sĩ
Nhưng ôm thơ chạy khắp quả địa cầu
Thử tưởng tượng em làm sao đuổi kịp
Sao níu cùng run rẫy một chiêm bao

Thử tưởng tượng nếu anh sa địa ngục
Sao biết em đang ở chốn thiên đường?
Em tội lỗi tầng sâu hơn một bực
Vĩnh viễn mình chẳng thể gặp nhau đâu 

Quách Như Nguyệt

Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

Anh Đã Quên Mùa Thu - Tùng Giang Và Nam Lộc

Bây giờ là mùa thu,trời giăng khói sương mù,hàng cây khô lặng lẽ,như em đứng một mình mà hoài niệm về cuộc tình của chúng ta.Anh đã đi xa thật rồi, đã quên mùa thu xưa,và đã quên cả em nữa.Bây giờ em chỉ biết mong chờ ngày anh trở lại để mùa thu không còn buồn thảm với em như mùa thu năm nay,nhé anh!


Sáng Tác: Tùng Giang và Nam Lộc 
Tiếng Hát: Mai Khôi
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Tiên Du Tự - Nguyễn Trãi




 仙遊寺 Tiên Du Tự

阮廌 Nguyễn Trãi

短棹繫斜陽,Đoản trạo hệ tà dương
匆匆謁上方。Thông thông yết thượng phương.
雲歸禪榻冷,Vân quy Thiền sáp lãnh,
花落澗流香。Hoa lạc giản lưu hương.
日暮猿聲急,Nhật mộ viên thanh cấp
山空竹影長。Sơn không trúc ảnh trường
箇中真有意,Cá trung chân hữu ý,
欲語忽還忘。Dục ngữ hốt hoàn vương (vong)

Dịch nghĩa:
Chùa Tiên Du

Mái chèo ngắn buộc trong bóng xế
Vội vàng lên chùa lễ Phật
Mây kéo về làm lạnh giường Thiền
Hoa rụng xuống khiến dòng suối thơm.
Chiều hôm tiếng vượn kêu rộn
Núi trống và bóng trúc dài ra
Trong cảnh ấy thật có ý
Ta muốn nói ra bỗng lại quên lời.

(1) Còn có tên là chùa Vạn Phúc, chùa Phật Tích; nay thuộc tỉnh Bắc Ninh

Các Bài Dịch:

Chùa Tiên Du


Buộc con thuyền trời đà bóng xế 
Bước vội vàng lên lễ Phật đường 
Giường sư lạnh lẽo mây vương 
Hoa trôi trên suối đưa hương khắp vùng 
Chiều dần tối vượn rừng lanh lảnh 
Bóng trúc dài quang tạnh núi trong 
Dường như cảnh cũng ý lòng 
Lời đâu quên mất nên không tỏ bày 

Mailoc
***
Chùa Tiên Du 

Buộc mái chèo trong bóng xế tà
Lên chùa vội vã một mình ta
Giường Thiền mây phủ màn vương lạnh
Suối mát hoa rơi hương thoảng xa
Vượn hót rộn vang chiều tối muộn
Núi in dài trải bóng tre già
Cành tình ẩn chứa muôn ngàn ý
Muốn nói mà sao khó thốt ra 

Phương Hà phỏng dịch
***
Chùa Tiên Du 

Bóng chiều buộc chiếc thuyền con
Vội lên lễ Phật thả buông muộn phiền
Mây về kéo lạnh giường thiền
Suối trôi hoa rụng hương mềm cánh trôi
Vượn kêu trời đã tối rồi
Núi xanh bóng trúc dài khơi nỗi niềm
Cảnh dường muốn tỏ niềm riêng
Lòng ta muốn nói lại quên mất lời 

Trầm Vân 
***
Chùa Tiên Du


Thuyền ghé bóng chiều sang
Lên chùa bước vội vàng
Mây về giường ngấm lạnh
Hoa rụng suối thơm tràn
Tiếng vượn vang chiều vắng
Bóng tre dài núi hoang
Cảnh như khêu gợi ý
Muốn nói lời quên ngang 

Quên Đi 
***
Chùa Tiên Du
 

Neo thuyền gác mái hoàng hôn
Vội vàng viếng cảnh chân dồn bước nhanh
Vườn thiền mây ám lạnh tanh
Thoảng hương hoa rụng uốn quanh suối nguồn
Chiều hôm tiếng vượn hú luôn
Núi hoang bóng trúc ngả buông thêm dài
Tình trong cảm ý cảnh ngoài
Muôn điều muốn ngỏ đã ngay quên lời 
 
Kim Phượng

Kỷ Niệm Không Vui


Cũng là kỷ niệm nhưng sao buồn quá
Hoàng hôn về lại tím cả không gian
Chiều dần đêm thấm lạnh giấc mơ vàng
Người yêu vắng....gió mây ngàn cô đơn

Nơi đây không cảnh chiều ra biển lớn
Không ngắm sóng về đùa giỡn tình yêu
Chỉ có rừng thiêng chứa đựng bao điều
Thầm kín thét kêu gào vang núi động

Pleiku giờ nghe lạnh tưởng chừng Đông
Tình yêu xưa lạc lõng chốn phương nào
Sao chôn chặt khép đường vào chiêm bao
Vùng cao nguyên lội gian lao nhuộm sầu

Ước thầm hoa mai nở mối tình Ngâu
Vườn xưa bắt lại nhịp cầu dỡ dang
Chuộc lỗi lầm thời trai trẻ ngang tàng
Thoát cơn mê lạc....dạo đàn nghĩa ân

Tiếc thay người em gái nhỏ trắng ngần
Rơi vào nước đục một lần biệt tăm!

Pleiku 22-9-2012
Lê Kim Hiệp

Có Ba Thứ Trong Đời Không Bao Giờ Nên Nuối Tiếc


- Cái gì đã cũ là cũ, Có cố đánh bóng cũng không thể mới.

- Cái gì đã qua là qua. Có quay trở lại cũng chẳng như xưa.

- Cái gì đã vỡ là vỡ. Có hàn gắn lại cũng còn vết rạn nứt.

- Cái gì đã đứt là đứt. Có ráng nối lại cũng chẳng tồn tại dài lâu.

- Cái gì đã đi là đi. Có níu kéo nó về cũng chẳng còn là của mình nữa.

- Cái gì phải quên là quên. Có nhớ nhung mãi cũng chỉ là hoài niệm.

- Sự tin tưởng giống như một tờ giấy, một lần bị vò nát nó sẽ không thể toàn hảo như xưa.

- Khi ai đó rời bỏ ta, hãy để họ ra đi . Số phận của ta không bao giờ kết chặt với những ai quyết tâm rời bỏ ta. Họ không phải là người xấu, họ chỉ là nhân vật kết thúc vai trò trong câu chuyện của cuộc đời ta mà thôi.

- Có ba thứ trong đời không bao giờ nên tiếc nuối. Đó là:
* Tình yêu đã ra đi.
* Người bạn không xứng đáng.
* Ngày hôm qua.

Bởi vì đó là những điều đã không còn có thực, không còn có ý nghĩa và không còn tồn tại trong ngày hôm nay và ngày mai của ta. Vì thế, là những điều không nên làm vướng bận lòng ta, không nên làm u sầu trái tim ta và làm rơi nước mắt ta thêm nữa.

Một sớm mai kia thức dậy, bạn có thể sẽ thấy người bạn yêu không còn là người đàn ông/đàn bà bạn đã yêu nữa. Bạn sẽ buồn vì họ? Sẽ đau vì không thể yêu người đó nữa? Sẽ tiếc nuối tình yêu đã có? Nhưng, hãy nghĩ: Khi bạn yêu họ, họ là người bạn yêu, với những gì bạn yêu. Khi họ không còn như thế nữa, hoặc khi bạn nhận ra họ chưa bao giờ như bạn nghĩ, cũng đừng cảm thấy đau buồn hay nuối tiếc. Bởi vì tình yêu đó, trước giây phút đổi thay đó đã là một tình yêu trọn vẹn, người yêu đó trước giây phút nhận ra đó đã là một người yêu trọn vẹn. Chỉ có điều, đó là một tình yêu đã qua, một người yêu đã ra đi. Và nên để gió cuốn bay đi…

Một người bạn không xứng đáng với những gì ta dành cho họ càng không bao giờ nên hối tiếc, cho dù có thể là một nỗi buồn trong thoáng chốc. Buồn không phải vì ta đã dành cho họ nhiều yêu thương mà họ không xứng đáng được nhận, cho đi là không bao giờ nên hối tiếc. Mà buồn vì cuộc sống không nên như thế, con người không nên như thế, vậy thôi. Dù sao, cũng nên sống hết mình, yêu thương hết mình. Đâu đó trong cuộc đời vẫn là những vòng tay rộng mở, còn những cái quay mặt đã ở sau lưng…

Và ngày hôm qua. Ngày hôm qua luôn là một cái bóng rất lớn, đôi khi là quá lớn lên hiện tại. Cho dù là cái bóng của hạnh phúc hay bất hạnh. Có những người không bao giờ thoát nổi ra khỏi cái bóng đó để bước đi về phía ngày mai. Nhưng bạn biết không, chỉ những người không nhìn thấy bóng mình vì bận rộn ngẩng cao đầu bước mới không luẩn quẩn ở cái bóng của mình mãi. Ngày hôm qua chỉ là một cái bóng. Mà chúng ta thì cần điều gì đó rõ rệt, mang dáng dấp, hơi thở, sự sống. Đừng đuổi theo cái bóng đó, bạn nhé. Nó cũng giống như ngồi thở than vọng tưởng những cánh bướm mùa trăng tròn thuở xưa. Hãy cứ thương nhớ nhưng đừng bao giờ tiếc ngày hôm qua. Ngày hôm qua đã qua rồi…

Đôi khi, đúng hơn là rất nhiều khi tôi cũng thấy buồn. Nhưng tuyệt nhiên không bao giờ cho phép mình nuối tiếc. Tôi tin, rất tin cuộc sống cần dựa trên những nỗ lực không mệt mỏi để vươn lên, để cho đi và để biết trân trọng hiện tại, hướng tới ngày mai. Những gì đã cho đi là những điều quý giá. Những hạnh phúc đã mang đến cho người là những món quà tự tặng mình. Những yêu thương đã trao là những yêu thương được nhận. Ngay cả những nỗi buồn cũng là một trải nghiệm ý nghĩa. Những cho nhận ấy ngày hôm nay và ngày mai nhìn lại ta mới có thể thấy hết giá trị của đời mình.

Những người luôn bận lòng với những đố kỵ, day dứt với những đau khổ, trầm mình trong nước mắt, giam mình trong những ám ảnh về quá khứ và dằn vặt mình với những đòi hỏi yêu thương là những người không bao giờ có thể hạnh phúc, không bao giờ biết giá trị đích thực của cuộc sống.

Một sớm mai kia khi tất cả sẽ thành hư vô trong đời, tôi mong bạn sẽ mỉm cười. Vì mình đã sống những ngày trọn vẹn.

Nguồn trên mạng
Mailoc sưu tầm