Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015

Thơ Tranh: Chiều Quê



Thơ:Lê Kim Thành

Thơ Tranh: Kim Oanh

Sợi Tóc Ươm Tình


(Cảm tác từ bức tranh thơ - Riêng tặng Cô gái láng giềng dễ mến)

Đêm khuya thao thức bởi tranh thơ
Giấc ngủ chập chờn cõi mộng mơ
"Sợi tóc vô tình"....kia của bé
Láng giềng ngày trước, chẳng phai mờ

Có phải em là cô Giáng Tiên??
Trong tranh xuất hiện dáng ngoan hiền
Làm anh ngây ngất khi nhìn thấy!
Một trái tim nồng khó ngủ yên

Có lẽ, đây là sợi tóc mai?
Buông dài óng ả phủ bờ vai
Bâng khuâng tay vịn bên vành nón
Để lại hồn ta chút cảm hoài

Lối cũ trường xưa em có qua?
Nơi anh trả nón trước hiên nhà
Tóc hương xin giữ vào tim nhé
Kỷ niệm một thời....thuở chia xa

Song Quang

Nông Phụ 農父 - Trương Bích


農父 - 張碧

運 鋤 耕 斸 侵 星 起
隴 畝 豐 盈 滿 家 喜
到 頭 禾 黍 屬 他 人
不 知 何 處 拋 妻 子

Dịch Hán Việt:

Nông Phụ - Trương Bích

Vận sừ canh chúc xâm tinh khởi
Lũng mẫu phong doanh mãn gia hỷ
Đáo đầu hoà thử thuộc tha nhân
Bất tri hà xứ phao thê tử.

父: có hai cách đọc Phụ và Phủ. Có nghĩa là Cha, người đàn ông lớn tuổi, ông lão. Thí dụ như ngư phủ (ông, lão đánh cá), tiều phu (ông, lão đốn củi)...

Dịch Nghĩa: Người Nông Dân 

Sao còn đầy trời đã vội vác cuốc ra đồng canh tác
Miếng ruộng cho thu hoạch lớn cả nhà đều vui vẻ
Rốt cuộc tất cả giao hết cho kẻ khác
Để rồi không biết đưa vợ con đến nơi nào

Dịch Thơ: 

Ra đồng sáng sớm lúc còn sao
Đồng ruộng được mùa vui xiết bao
Nhưng lúa cuối cùng giao kẻ khác
Vợ con giờ biết gởi phương nao

Quên Đi
***
Trương Bích 張碧 tự Thái Bích 太碧, thi nhân đời Đường Mạt, năm sinh mất không rõ. Ông từng thi tiến sĩ không đỗ, gửi tình vào thơ và rượu, học chí theo Lý Bạch. Phong cách thơ ông tiếp thu và chịu ảnh hưởng của Lý Bạch 李白, Lý Hạ 李賀, Quán Hưu 貫休. Ông giỏi thơ cổ phong, đa phần viết về hiện thực u ám, đồng tình với nỗi khổ của nhân dân, có "Trương Bích ca thi tập" 張碧歌詩集 một quyển. Con của ông là Trương Doanh 張瀛 cũng giỏi thơ, làm quan cho Nam Hán đời Ngũ Đại đến chức Tào lang. Có nơi nói Trương Bích sống vào năm Trinh Nguyên đời Đường Đức Tông, có Mạnh Giao mộ thơ của ông.
***
Dịch Thơ: Nông Phu

Nông tang chưa sáng vẫn mờ sao,
Thời vụ được mùa khỏe biết bao.
Thu hoạch hoa màu ai thủ đắc?
Gia đình, con cái, vợ nơi nao!


Mai Xuân Thanh

Ngày 25 tháng 06 năm 2015
***

Bài cảm tác:Tình Quê

Chày đôi từng giã gạo Nàng Tây
Gõ nhịp cùm cum tiếng cũng hay
Trăng sáng tàu cau lơi lả gọi
Hương thơm gốc rạ ngập ngừng bay
Quê nghèo giản dị nuôi từng bữa
Tuổi trẻ hồn nhiên lớn mỗi ngày
Sương nắng đi qua gần cuối ngõ
Thương sao ký ức thuở xưa nầy


Cao Linh Tử

***
Giả Gạo Được Mùa

Bà con giã gạo trắng miền Tây,
Thời vụ trúng mùa lúa mới hay.
Trai tráng làng quê vui mở hội,
Thiếu niên trẻ nít thả diều bay.
Hoa đồng cỏ nội hương thơm ngát,
Phụ lão nông phu trãi tháng ngày.
Mưa nắng bốn mùa xin thuận lợi,
An cư lạc nghiệp ước mơ này...


Mai Xuân Thanh
Ngày 25 tháng 06 năm 2015

Giáo Dục, Dưỡng Dục

Bây giờ xin được trở lại với các từ mà thầy thắc mắc thêm Thầy nhé !
"....Nếu tiện, xin Anh cho thêm các chữ 'giáo dục' và 'dưỡng dục', ,tiết dục', diệt dục. "
Trước tiên là chữ GIÁO 教 thuộc dạng chữ Hội Ý, theo diễn tiến sau đây:


Theo Giáp Cốt Văn, ta thấy chữ GIÁO bên trái là hình một thằng người, có lẽ là nô lệ, bên trên có 2 dấu chéo, bên phải có một người cầm cây roi đưa lên dá dá, nên chữ Giáo có nghĩa là Dạy bảo, Răn đe. Những nghĩa phát sinh của chữ GIÁO như sau:
GIÁO 教 là DẠY, là Truyền thụ kiến thức hoặc kĩ năng cho người khác, như : Giáo Sư, Giáo Thụ, Giáo Sinh...
GIÁO là Đạo Giáo, Tôn Giáo, như: Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo...
GIÁO là Nơi truyền thụ hoặc Tập luyện, như: Giáo Đường, Giáo Trường...
GIÁO khi là Phó Từ có nghĩa là: Làm Cho... Như trong Tì Bà Hành của Bạch Cư Dị có câu :
" Khúc bãi thường GIÁO thiện tài phục " 
Có nghĩa: 
Mỗi lần đàn xong một khúc thường LÀM CHO những người tài giỏi về đàn khâm phục.
Chữ DỤC 育: Thuộc chữ Hội Ý, gồm có chữ TỬ 子 là Con, được viết ngược ở bên trên, và chữ NHỤC 肉 là Thịt ở bên dưới, Hàm Ý: đút miếng thịt vào miệng đứa nhỏ, nên chữ DỤC là Cho Ăn, là Nuôi. Theo diễn tiến chữ viết như sau


Các nghĩa của chữ DỤC:

DỤC là Nuôi Nấng, như: Dưỡng Dục.
DỤC là dạy dỗ, như Giáo Dục.
DỤC là Nuôi dạy, Huấn luyện theo một mục tiêu mục đích nào đó , như : Thể Dục, Đức Dục, Trí Dục, MỸ Dục...
DỤC còn có nghĩa là Sinh Đẻ, như Bất Dục là những người không sinh sản được. TIẾT DỤC là Hạn chế sinh đẻ....
Cho nên...
GIÁO DỤC : nghĩa đen là Cho ăn bằng cách dạy dỗ, tức là Nuôi bằng phẩm chất, tinh thần. Nên, GIÁO DỤC có nghĩa là Dạy Bảo, Rèn Luyện là thế.
Về chữ DƯỠNG 養 : Thuộc chữ Hình Thanh ( Hài Thanh ). Phần trên chữ DƯƠNG 羊 chỉ ÂM, Phần dưới chữ THỰC 食 là ĂN chỉ Ý, theo diễn tiến chữ viết như sau:


Các ý nghĩa của chữ DƯỠNG:

DƯỠNG là cung cấp thục phẩm để nuôi sống, như : DƯỠNG GIA là Nuôi Gia Đình, DƯỠNG DỤC là Nuôi Nấng...
DƯỠNG là Nuôi trồng cây cối, như DƯỠNG HOA là Trồng Bông, DƯƠNG THỌ là Trồng Cây....
DƯỠNG là NUÔI khác với RUỘT, như : DƯỠNG TỬ là Con Nuôi, DƯỠNG PHỤ là Cha Nuôi....
DƯỠNG là Giáo dục huấn luyện, như BỒI DƯỠNG là Đào tạo vun đắp cho giỏi, GIÁO DƯỠNG là Dạy dỗ...
DƯỠNG là Nghỉ ngơi, thư giản, như: DƯỠNG LÃO, DƯỠNG BỆNH.....
Nên...
DƯỠNG DỤC là cung cấp thực phẩm để Nuôi cho lớn lên, nên có nghĩa là NUÔI NẤNG mà thôi.
DƯỠNG DỤC là Nuôi về mặt Vật Chất, Thể Chất. Còn GIÁO DỤC là Nuôi về mặt Phẩm Chất, Tinh Thần.

Ta lại có thêm 2 chữ DỤC nữa...

* DỤC 欲: là HAM MUỐN, như trong câu " KỶ sở bất DỤC, Vật thi ư nhân ", nghĩa là : " Cái gì mà mình không MUỐN, thì đừng có Làm ( hoặc Ban ) cho người khác.
* DỤC 慾: Chữ Dục nầy giống như chữ Dục trên, nhưng có thêm bộ TÂM 心 ở bên dưới, nên có nghĩa: Chỉ sự Ham Muốn ở Trong Lòng, Ham Muốn về THỂ XÁC. Ta có từ : NHỤC DỤC, DỤC HỎA là Lửa Dục ở trong lòng....

Từ 2 chữ DỤC trên, nên ta có đến 3 từ TIẾT DỤC như sau:

* TIẾT DỤC 節育: là Hạn chế Sinh Đẻ, là Sinh đẻ có kế hoạch.
* TIẾT DỤC 節欲: là Hạn chế Lòng Tham, là tiết chế, đè nén sự ham muốn.
* TIẾT DỤC 節慾: là Đè nén sự Ham muốn về Thể Xác, là Tiết chế Tình Dục.

Còn DIỆT 滅: là làm cho Mất Đi, như Tiêu Diệt, Tận Diệt... Ta có 2 từ DIỆT DỤC...
* DIỆT DỤC 滅欲 : là Tiêu Diệt sự Ham Muốn, làm cho sự Ham Muốn Mất đi.
* DIỆT DỤC 滅慾 : là Tiêu Diệt Tình Dục, làm cho mất đi sự Ham Muốn về Thể Xác.


Đỗ Chiêu Đức

Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Thơ Tranh: Phương Lan Đề Thơ


Thơ: Phương Lan 
Thơ Tranh:Kim Oanh


Tuổi Hồng


Thời niên thiếu nắng cài hoa trên tóc,
Sợi tơ mây lơ lửng mắt thu tròn,
Miệng hoàng oanh nắc nẻ tiếng cười ròn,
Ngón tay ngọc nâng niu tà áo tím.

Thời con gái tim hồng run rẩy nhịp,
Bước chân dồn trốn chạy bọn con trai.
Những lời khen theo gió đuổi bên tai,
Lén quay mặt nhìn xem ai đã gởi!

Lời ngỏ ý khơi giòng trang sách mở,
Rồi bướm khô ép giữa cánh thư xanh,
Rồi vần thơ, nét hoạ nụ môi xinh,
Bay tới tấp bên bờ khung cửa sổ.

Lời tình tự ru tâm hồn trinh nữ,
Qua thời gian tô đẹp sắc hương đời.
Những đợi chờ bẽn lẽn buổi chiều rơi,
Những hò hẹn ánh trăng thề diễm tuyệt.

Trải năm tháng chung xây lời ước nguyện,
Pháo vu qui bừng nổ trước hiên nhà.
Gót hài thêu bối rối cửa xe hoa,
Bỏ lại đằng sau tuổi hồng kỷ niệm.

ChinhNguyên/H.N.T.
 June 12.2015

Hàn Đông


Em nửa đời hoang phế, 
 Ta một kiếp lưu đày. 
 Gặp nhau nơi xứ lạ, 
 Nối cuộc tình hôm nay...

Hai mảnh đời rách nát 
 Ấp ủ nhau từng ngày... 
 Hai tâm hồn bão loạn 
 Cùng dắt dìu hôm mai.

Ta khinh đời bội bạc 
 Ta ghét cảnh kiêu sa. 
 Ta cho nhau tất cả 
 Trọn cuộc tình đơm hoa.

Ta sống đời chân thật 
 Cùng xẻ chia ngọt bùi... 
 Tuyết trời bay lất phất, 
 Giá lạnh đời vẫn vui!!!

Dodge City, Kansas 1990
Mặc Thái Thủy

Nhẫn Nhục Luồn Trôn Giữa Chợ : Hàn Tín


Câu "Sĩ khả sát bất khả nhục" đã nói lên tiết tháo của kẻ sĩ ngày xưa. Tuy nhiên vẫn còn đó những tấm gương nhẫn nhục lưu danh hậu thế.
  Chúng ta cùng đến với Hàn Tín 韓信 Hoài Âm Hầu (淮陰候), Thuở hàn vi, người đã từng luồn trôn giữa chợ.


Hàn Tín 韓信 Hoài Âm hầu (淮陰候), là một danh tướng bách chiến bách thắng, thiên hạ vô địch, được vua Hán Cao Tổ ca ngợi là "Nắm trong tay trăm vạn quân đã đánh là thắng, tiến công là nhất định lấy thì ta không bằng Hoài Âm Hầu" thời Hán Sở tranh hùng, là 1 trong "Tam kiệt nhà Hán" có công rất lớn giúp Hán Cao Tổ Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ lập nên nhà Hán kéo dài 400 năm.

Theo sách Tây Hán chí thì Hàn Tín, người ở Hoài Âm, nước Sở. Cha mẹ mất sớm phải sống côi cút từ bé, nhà nghèo phải làm nghề câu cá. Khi mẹ mất, vì muốn xây cất cho mẹ ngôi mộ ở nơi đẹp đẽ trên núi cao mà bán cả nhà cửa, xách kiếm đi lang thang ngoài chợ.

Hàn Tín là một thống soái quân sự nổi tiếng cổ đại Trung Quốc. Trước khi lập nên chiến công, Hàn Tín vừa không biết buôn bán, vừa không muốn làm ruộng, ở nhà cũng không có tài sản gì, ông sống cuộc sống bần cùng và bị kỳ thị, thường đứng trước tình hình có bữa này không có bữa kia. Hàn Tín quen biết một quan chức nhỏ địa phương, nên ông thường đến nhà quan chức này ăn nhờ, thấy vậy, vợ viên quan rất ghét Hàn Tín, bèn cố tình ăn cơm sớm, khi Hàn Tín đến, không còn cơm cho ông ăn, Hàn Tín bực tức lắm, không đi lại với viên quan này nữa.

    Ở chợ Hoài Âm, thấy Hàn Tín gầy gò yếu đuối nhưng lại vác kiếm trông như võ tướng, có gã bán thịt lợn muốn làm nhục, nói với Tín : “Nếu mày gan dạ, thì dùng gươm đánh tao; nếu mày là kẻ hèn nhát, thì chui qua háng tao.” Mọi người xung quanh đều biết thanh niên đó cố tình tìm cớ làm nhục Hàn Tín, họ không biết Hàn Tín sẽ đối xử thế nào. Hàn Tín nghĩ một lát, không nói gì, chui qua háng tay thanh niên đó. Mọi người có mặt cười ầm lên, cho rằng Hàn Tín là một kẻ hèn nhát, không dũng cảm. Từ đó, câu chuyện “Cái nhục dưới háng” lưu truyền đến đời sau.

Vì cuộc sống, Hàn Tín phải đi câu cá ở sông Hoài, một bà già giặt quần áo ở bờ sông Hoài nhìn thấy Hàn Tín không có cơm ăn, bèn chia thức ăn mang theo cho ông ăn. Như vậy mấy chục ngày liền, Hàn Tín rất cảm động, nói với bà già rằng: “Sau này cháu nhất định sẽ báo đáp bác.” Bà già tức giận mà nói: “Cháu là người đàn ông, không nuôi sống nổi mình, thì làm sao làm nên sự nghiệp, bác thấy cháu đáng thương mới cho cháu cơm ăn, chưa bao giờ mong cháu báo đáp bác.” Hàn Tín lấy làm xấu hổ, và quyết chí phải làm nên sự nghiệp.

Thực ra, Hàn Tín là một con người mưu lược. Ông thấy xã hội đang lúc tranh tối tranh sáng chưa ngã ngũ, nên chỉ chăm lo nghiên cứu binh pháp và luyện tập võ nghệ để sau này gặp thời sẽ sử dụng.

Năm 209 TCN, Trần Thắng khởi nghĩa chống nhà Tần, Hàn Tín đã ra bờ sông Vị Thủy cầm kiếm xin tham gia nghĩa quân. Ông đã được Hạng Lương là thế tộc nước Sở cho gia nhập nghĩa quân. Tuy nhiên, Hạng Lương và cháu là Hạng Vũ xem thường Hàn Tín thân phận thấp hèn, chỉ cho làm quân cầm kích đứng hầu. Nhiều lần ông bày mưu cho Hạng Vũ, nhưng Hạng Vũ không dùng.
Nhà Tần sụp đổ, Hạng Vũ đứng đầu chư hầu, phân phong cho các tướng và vua chư hầu. Lưu Bang bị Hạng Vũ tranh công vào Quan Trung, đẩy vào đất Thục xa xôi hiểm trở, phong làm Hán Vương.
Khi Hán Vương lên đường vào đất Thục, ở Sở Hàn Tín bất mãn vì vẫn không được trọng dụng, bèn bỏ Sở theo về Hán dưới sự tiến cử của Trương Lương.

Lúc đầu, Hàn Tín chỉ giữ một chức quan nhỏ vận tải lương thực cho Lưu Bang. Sau đó nhờ quen biết Tiêu Hà, một mưu sĩ của Lưu Bang, Hàn Tín thường thảo luận về thời thế quân sự với người này. Tiêu Hà biết Hàn Tín là một người có tài, nên giới thiệu với Lưu Bang, nhưng vẫn không được trọng dụng. Về sau Hàn Tín chán nản bỏ Lưu Bang ra đi. Được tin, Tiêu Hà tức tốc cưỡi ngựa chạy theo Hàn Tín và hai ngày sau đưa được Hàn Tín trở về. Lưu Bang hỏi Tiêu Hà: “Trước kia có mấy chục tướng lĩnh chạy trốn mà nhà ngươi chưa bao giờ đuổi theo, tại sao bây giờ lại đuổi theo Hàn Tín?” Tiêu Hà nói: “Thưa ông, các tướng lĩnh bỏ trốn trước kia đều là những kẻ tầm thường, còn Hàn Tín tài ba lỗi lạc. Nếu ngài muốn tranh thiên hạ, ngoài Hàn Tín ra, ngài không thể tìm được ai khác”. Lưu Bang nghe lời cho Hàn Tín từ một viên quan nhỏ phụ trách lương thực trở thành một vị tướng cầm quân ra trận. Từ đó, Hàn Tín đã giúp Lưu Bang bách chiến bách thắng, lập nên nhiều chiến công hiển hách, Qua những kế sách mưu lượ lưu truyền hậu thế:

- Minh tu sạn đạo, ám độ Trần Thương ( mượn tiếng sửa chữa sạn đạo, đường vào Tây Thục, âm thầm đưa quân theo ngã Trần Thương tiến đánh Tam Tần là Tắc Vương Hân, Địch vương Ế, và  Hà Nam vương Thân Dương.
- Diệt Nguỵ: dương đông kích tây (dàn nghi binh, bày thuyền bè như muốn vượt qua sông Lâm Tấn; nhưng trái lại dùng phục binh đi đường đất Hạ Dương, lấy thùng gỗ để cho quân vượt qua sông, đánh úp đất An Ấp)
- Lấy Triệu, bày trận tựa sông (bày trận quay lưng ra sông. Đó là phép tối kỵ trong binh pháp vì theo binh pháp, phải dựa vào núi và nhìn ra sông, nếu tựa vào sông sẽ bị kẻ địch đánh dồn tới hết đường chạy, "Hãm vào đất chết thì sau nó mới sống, dắt vào chỗ mất thì sau nó mới còn")
- Ngăn sông Tuy Thuỷ giết Long Thư (Long Thư bày trận hai bên sông Tuy Thủy. Hàn Tín đang đêm sai người làm hơn một vạn cái đẫy đổ đầy cát chặn lấy thượng lưu dòng sông rồi đem quân qua nửa chừng đánh Long Thư, giả vờ thua, quay lưng bỏ chạy về. Long Thư dẫn quân đuổi theo, qua sông. Lúc đó Hàn Tín cho người phá các bao đựng cát, nước sông chảy ào ào, đại quân của Long Thư quá nửa không qua được. Hàn Tín mới thúc quân đánh gấp, giết được Long Thư. Bộ phận quân của Long Thư phía đông dòng sông bỏ chạy tán loạn.)
....
Lúc thung dung Lưu Bang nói chuyện với Hàn Tín về tài năng của các tướng, xem tài năng họ như thế nào, Lưu Bang hỏi ông:
Như ta thì có thể cầm được bao nhiêu quân?
Hàn Tín nói:
Bệ hạ chẳng qua chỉ cầm được mười vạn.
Lưu Bang lại hỏi:
Thế còn nhà ngươi thì cầm được bao nhiêu?
Hán Tín trả lời:
Thần thì càng nhiều càng tốt.
Lưu Bang cười nói:
Càng nhiều càng tốt thì sao lại bị ta bắt?
Hán Tín đáp:
Bệ hạ không có tài cầm quân, nhưng có tài cầm tướng, vì vậy cho nên Tín mới bị bệ hạ bắt.
Sau lần đó, Lưu Bang càng sợ tài của Tín và quyết trừ khử cho được.

Có thể nói không ngoa rằng về mặt quân sự trong tranh chấp giữa Hán và Sở, gần như một mình Hàn Tín quyết định cán cân nghiêng về phía nào.Ông theo Sở thì Sở thắng,theo Hán thì Hán thắng. Ông rất giỏi về quân sự nhưng về chính trị, ông không phải là đối thủ của Lưu Bang. Dù sao đi nữa, hậu thế vẫn luôn nhìn nhận ông là một trong các đại tướng cầm quân xuất sắc nhất. Đền ơn bà giặt lụa, lại không báo oán anh hàng thịt chứng tỏ ông là người trung hậu, đạo đức,

Huỳnh Hữu Đức biên soạn

theo: wikipedia.org - vietnamese.cri.cn

A-tu-la




Gửi Hàn Song Tường

Tâm ta, triều sóng xô hùng vĩ 
 Ý dựng non cao, lún hố sâu 
 Bởi đó miệt mài ta bước tới 
 Thăng trầm từng chặng bước lao đao.

Từ tâm lửa cháy ra trăm hướng T
rong óc tiếng cuồng nộ thét gào 
 Chát chúa gươm đao, rền hỏa pháo 
 Bao tầng trời ướt lệ thương đau.

Ánh gươm sáng lóa ta soi mặt 
Mắt rực than hồng, miệng vuốt nanh 
 Hơi thở ùn ùn tuôn cuộn khói 
 Sặc mùi tử khí, máu nồng tanh.

Ta lấy chiến tranh xây cuộc sống 
 Điểm tô xương máu nẻo ta đi
Trái cây hạnh phúc không tìm gặp N
hìn lại đời không sáng nghĩa gì!

Phút giây nhìn lại ta lần lửa 
Vào cõi tâm giăng lưới mịt mùng 
Tay chĩu thanh gươm, thân nặng giáp
Lòng im tro lạnh, khói mông lung.

Tĩnh lặng, ta nhìn ta thấu suốt 
Dắt dìu từng thế kỷ trôi qua 
Tâm nguôi giông bão, ta bừng mắt. 
Xuân đến khắp trời hôn thiết tha.

Thanh kiếm thoắt thành cây tích trượng 
Ô hay, áo giáp biến cà sa! 
Gương hồ phẳng lặng, ta soi bóng                                         
Mặt sáng dịu hiền, miệng nở hoa.

Hồ Trường An

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

Thơ Tranh: Đường Về


Thơ Cảm Tác:  Kim Oanh
Hình Ảnh: Nguyễn Cao Khải

Chiêm Bao - Giấc Ngủ Mê


Chiêm Bao

Đêm qua trong giấc ngủ mê
Ý nghĩ thầm kín lại về
Chiêm bao!
Thời gian vun vút.. bóng câu
Tóc huyền óng ả đổi màu thủy chung.
Người đi
Xa…
Cõi muôn trùng
Tóc thề xưa đã..
Dạ thủy chung mãi tròn
Vọng phu tượng đá sắt son
Ý nghĩ thầm kín mãi còn..
Chiêm bao!

Kim Phượng
(23/06/2015)
***
Giấc Ngủ Mê
(Từ Chiêm Bao của Kim Phượng
Úc Châu)

Từng đêm trong giấc ngủ mê
Hồn anh gối mộng vỗ về
Chiêm bao!
Xa nhau vùn vụt bóng câu
Giận cơn gió thoảng phai màu thủy chung.
Em đi
Xa…
Tít muôn trùng
Anh buồn gói khối
Tình chung vo tròn.
Thương người hiền phụ sắt son
Anh mơ trong cõi mỏi mòn
Chiêm bao!

Dương Hồng Thủy
(25/06/2015)

Theo Anh Về Quê


Theo anh về viếng miền đồng nội
Thơm ngát hương quê mỗi tấc đường
Thoang thoảng tình anh theo gió mát
Trao tim em vị ngọt yêu thương.

Đường đất lượn ven con rạch nhỏ
Hai lề cỏ dại mượt mà tươi
Cầu tre lắc lẻo năm ba chiếc
Chào đón gót hoa… kẽo kẹt cười.

Vườn tược nhà anh đang héo hắt
Cần người chăm sóc để xanh tươi
Em xin tình nguyện làm thôn nữ
Để tháng ngày trôi vang tiếng cười.

Anh Tú
6/26/15

Tập Thở Và Vận Động Để Trị Bệnh Đau Nhức


Một tờ báo Mỹ có kể một câu chuyện về một người đi ăn trộm, đang mò mẫm trong bóng tối bỗng đụng chạm làm rơi một món đồ gì đó, khiến ông chủ nhà thức giấc. Anh ăn trộm hoảng quá, đứng chết trân tại chỗ, chờ chủ nhà kêu 911. Nhưng bất ngờ, ông chủ nhà chỉ rên rẩm và nói: -Ăn trộm hả? Muốn lấy gì thì lấy đi. Nhưng, trước khi đi, đưa giùm tôi lọ thuốc phong thấp ở trên bàn đó và một ly nước nữa. Tôi đang đau quá, không dậy nổi.
Anh trộm chưng hửng một lúc, nhưng rồi cũng đưa lọ thuốc và nước cho chủ nhà xong, rồi chậm rãi nói:
-Ông bị đau nhức đầu gối phải không? Tôi cũng bị.. Nhưng uống thuốc này không hết đâu. Tôi dùng thuốc khác.
Chủ nhà vừa rên vừa hỏi:
-Thuốc gì vậy? Viết tên thuốc được không?
Anh trộm viết tên thuốc rồi vừa đưa cho ông chủ vừa nói:
-Tôi dùng thuốc này mới hết. Nhưng vì trước đây, đau quá, mất ngủ ban đêm quen rồi, nên bây giờ, hết bệnh, không biết làm gì cho hết đêm, đành đi ăn trộm ....Ông tha cho tôi. Tôi đi về nhé!
Nói xong, anh trộm ra mở cửa, đi về. Ông chủ nhà gọi với theo:
-Cám ơn nghe. Đêm nào mất ngủ, cứ tới đây, nói chuyện chơi.
Bài báo nói lên được một thực trạng về bệnh tật mà bao người Mỹ đang mắc phải: bệnh Đau nhức các khớp xương, hay còn gọi là Phong thấp, mà tiếng Mỹ gọi là Arthritis. Có hai loại Đau nhức: Osteoarthristis, tạm gọi là loại Một (cho các vị cao niên dễ nhớ) và Rheumatoid Arthritis mà ta tạm gọi là loại Hai.

Loại Một gây ra những đau nhức ở cổ, vai, bàn tay, ngón tay, đầu gối, xương chậu... Nguyên nhân thường là do tuổi tác (phụ nữ trên 45 tuổi có thể mắc bệnh này), thoái hóa xương, di truyền, bệnh mập phì, hay do những động tác không ngay ngắn được lập đi lập lại lâu ngày như ngồi ghế cong lưng, ngồi lái xe mà thắt lưng bị bẻ cong, nghiêng đầu sang một bên, tay đánh máy suốt ngày không thư dãn, đứng một vị thế cong trong nhiều giờ, nhiều ngày.... Trên nước Mỹ có tới 21 triệu người bị đau loại Một.

Loại Hai cũng đau ở các đốt xương, có thể sưng lên, làm biến dạng xương, khó đi đứng, cử động. Loại này có trên 2 triệu nguời mắc bệnh. Nguyên nhân có thể do hệ thống miễn nhiễm không làm việc tốt, bị di truyền, hay vì thời tiết thay đổi đột ngột.
Nói chung cả hai loại đều gây đau nhức, nhiều người cảm thấy “khốn khổ, khốn nạn” khi bị các cơn đau hành hạ. Hoặc đi một lúc thì cảm thấy nhức chân, rồi đi lệch lạc. Hoặc ngủ không nổi vì khớp xương đầu gối buốt quá. Hoặc ngồi lâu thì tê hai bả vai...
Thường thì có ba (3) cách điều trị các bệnh đau nhức : 
Thuốc uống (Medication), giải phẫu (Surgery) và Không dùng thuốc (Non-medication). Hai phương pháp đầu tiên, dĩ nhiên, là phải qua Bác sĩ.

Phương pháp thứ Ba: Không dùng thuốc lại gồm ba cách: châm cứu, vật lý trị liệu, và tập luyện (exercise). Trong ba cách này, Tập Luyện (Exercise) dễ hơn cả và tác dụng lâu bền hơn cả. Châm cứu có tác dụng tức khắc, nhưng cũng hết tác dụng nhanh lắm. Vật Lý trị liệu cũng thế. Khi được Mát xa, thì thấy rất “đã”, nhưng chỉ một ngày sau là lại đau như cũ. Vậy chỉ còn các TẬP LUYỆN lấy một mình, không tốn tiền, không phải giải phẫu, cũng không phiền ai, nhưng chỉ cần Ý CHÍ tự thắng mà thôi.
Người viết bài này, chỉ còn một ít chỗ khớp xương nào còn nguyên vẹn mà chưa lần ...gẫy. Tuổi trẻ, đi tập đủ loại võ nghệ: Nhu Đạo, Thái cực Đạo, Hapkido, Aikido, Thiếu Lâm.. không môn nào mà không mang cho thân thể một lần trật xương, gẫy vỡ. Đấu vật thì cắm đầu xuống đất, lọi cổ tưởng chết. Rồi chống tay xuống đất, vỡ xương cổ tay, lọi cùi chỏ.. Nhẩy qua chướng ngại vật: gẫy vai (2 lần). Đá người thì bị lọi ngón chân. Vật người thì bị gẫy thắt lưng... Bó bột liên miên, hết tay lại chân. Vào nhà thương chích thuốc rồi qua Thầy Cự Thất bó gà, qua Thầy Tầu điểm huyệt, có lần nhờ thầy Cao Miên thổi bùa cho lành vai... Tất cả những lần gẫy vỡ ấy, tuổi thanh niên sung sức chẳng coi nhằm nhò gì, giờ này, mới thấy thấm thía: đau nhức khắp người. Muốn hết đau nhức mà không muốn uống thuốc, không chích Cortisone, không đi Bác sĩ chỉnh xương, thì phải tập luyện hoài hoài, ngưng tập là .. đau! Cho nên, viết bài này để chia xẻ những ai đau đớn vì bệnh phong thấp, nhức xương, mong mọi nguời cùng khỏe.

Nguyên lý:
Hệ thống thần kinh của con người chạy cùng khắp thân thể, chỗ nào cũng có, từ đầu cho tới ngón tay, ngón chân. Tuy nhiên, theo hình vẽ về hệ thần kinh được treo tại các phòng mạch Tây, Đông Y, ta thấy chùm dây thần kinh đi từ sau ót tỏa ra cánh tay, xuống lưng, qua xương sống, tới hông, đùi, rồi chân (trông như một bó dây điện) là chùm quan trọng nhất. Nếu bị “kẹt” đâu đó, thì đau. “Kẹt” trên cổ có thể gây đau ra cánh tay, bàn tay. “Kẹt” thấp xuống dưới thì đau bắp thịt lưng, đau thắt lưng, “kẹt” ở chỗ thắt lưng lại gây đau ở đùi, chân... Cho nên, khi bị đau quá vì xương thoái hóa hay vì đụng xe, mà phải giải phẫu, bác sĩ sẽ cân nhắc rất kỹ. Mổ ở thắt lưng, nếu “xui”chạm giây thần kinh, có thể bị liệt chân mà thôi, nếu mổ ở cổ mà bị “xui”, có thể liệt cả người! Vì thế, chỉ những trường hợp đau cổ chịu hết nổi, bắt buộc phải giải phẫu thì phải ký giấy chấp nhận 50/50, một là khỏi, hai là đời xe lăn. Hên thì cũng có thể phải ghép một cây sắt vào trong cổ. Đôi khi phải mổ lại.. Chỉ còn cách Tập Luyện, cho thư giãn thần kinh chỗ gây đau, cho mạnh bắp thịt chỗ đau, cho khớp xương được chuyển động dịu dàng trở lại, kích thích chất nhờn đầu khớp xương phục hoạt, điều chỉnh lại những chỗ lệch lạc xương cốt, thì sẽ .. bớt đau (không phải HẾT đau, vì hễ ngưng tập một thời gian, có thể đau lại).

A-CHỮA ĐAU CỔ, ĐAU VAI, ĐAU TAY:

1-Xoay cổ trái phải: nhìn thẳng trước mặt, xoay cổ từ trái sang phải chầm chậm, mắt vẫn nhìn ra đằng trước, từ từ hít vào. Từ từ trả cổ trở lại phía trước, rồi xoay sang bên phải, mắt vẫn nhìn ra đằng trước, thở ra. Nhớ xoay cho hết cỡ, tới khi không xoay được nữa thì thôi. Làm 10 lần.
2-Gập cổ: ngửa cổ lên chầm chậm cho tới hết cỡ, từ từ hít vào. Chầm chậm gập cổ xuống ngực, hết cỡ, thở ra. Làm 10 lần.
3-Bẻ cổ: Mắt nhìn thẳng đằng trước, bẻ cổ nghiêng xuống đầu vai trái, hít vào. Từ từ thở ra, bẻ cổ qua đầu vai bên kia. (Khác với xoay cổ trái phải: ở đây, khi bẻ đầu xuống vai thì đầu vai có hơi nhô lên cho chạm với đầu, còn xoay cổ trái phải thì chỉ quay đầu vào khoảng trống sau vai mà thôi). Làm 10 lần.
4-Xoay cổ vòng tròn: Dùng điểm tựa là cổ, xoay vòng đầu chung quanh cổ, từ phải sang trái 10 lần rồi từ trái qua mặt 10 lần.

B-CHỮA ĐAU CÁNH TAY, BÀN TAY:

1-Xoay vai: hai tay buông thỏng, dùng đầu vai làm điểm tựa, xoay vai theo một vòng tròn chạy chung quanh đầu vai ( không phải nhô lên, hụp xuống) từ sau ra trước, rồi từ trước ra sau. 10 lần. Trong khi xoay vai, vẫn hít thở đều đặn.
2-Lắc bàn tay: giơ cánh tay ra trước mặt, cùi chỏ ép hai bên thân mình, giữ nguyên cổ tay và cánh tay, hai bàn tay để trước mặt, lòng bàn tay hướng vào phía ngực. Lắc từ trên xuống dưới (như giũ giũ bàn tay) thật mạnh 10 lần. Đổi hướng, cho mu bàn tay lên trên, lòng bàn tay hướng về mặt đất, giũ mạnh bàn tay từ trên xuống dưới. 10 lần. Đổi hướng, hai lòng bàn tay quay vào nhau, giũ mạnh bàn tay từ trái qua phải, từ phải qua trái. Những người thư ký đánh máy, làm “neo”, thợ may.... phải tập bàn tay thường xuyên, nếu không, có thể bị mổ cổ tay vì khớp xương cổ tay bị cứng khô lại.
3-Vẽ vòng trên đất: đứng rộng chân ra, một tay vịn vào mặt bàn, nguời nghiêng xuống cho song song với mặt đất, cánh tay buông thỏng, tưởng tượng như đang cầm một cái que, vẽ một vòng tròn tưởng tượng thật to trên mặt đất . Vẽ nhanh 10 lần rồi đổi tay. Hít thở đều hòa.

C-CHỮA ĐAU THẮT LƯNG, ĐÙI, CHÂN:

1-Xoay thắt lưng theo vòng tròn: hai tay chống hông, ngón tay để ra sau lưng, ngón cái phía trước, các ngón tay ấn mạnh vào thắt lưng, dùng thắt lưng làm điểm tựa, xoay vòng bụng ra trước rồi vòng qua bên phải (bên trái) ra sau, rồi vòng tới trước. Làm liên tục không ngừng, khi ra tới trước, thì bụng phải ưỡn ra hết cỡ. Khi ra sau thì thắt lưng cong lại cũng hết cỡ. Hít thở chầm chậm theo vòng.
2-Gập lưng: cũng như gập cổ, ngửa lưng ra, hít vào, gập thắt lưng xuống, thở ra. Khi ngửa lên, ngửa hết cỡ, khi gập xuống, cũng gập hết cỡ.
3-Xoay hông: hai tay buông thõng bên sườn, vặn người qua bên trái thì hai cánh tay cũng “văng” theo bên trái, nghĩa là không dùng sức tay, chỉ để cho hai cánh tay “văng” theo mà thôi. Xong, vặn người qua bên phải. Hai cánh tay lại “văng” theo bên phải. Nhớ khi xoay sang bên nào thì xoay gót chân bên đó, và bàn chân bên đó nhấc lên, nghĩa là xoay trên gót chân mà thôi. Mục đích làm cho vòng xoay rộng thêm, nếu giữ nguyên bàn chân trên mặt đất, vòng xoay sẽ ngắn lại. Hít thở chầm chậm.

D-CHỮA ĐAU ĐẦU GỐI:

1-Xoay gối trái phải: đứng vừa phải, hai bàn tay đặt trên đầu gối, thấp người xuống, xoay đầu gối theo một vòng tròn về phía phải (theo vòng kim đồng hồ) 10 lần rồi đổi hướng quay theo bên trái.
2-Xoay gối trong ngoài: đứng rộng chân ra, hai tay đặt trên đầu gối, thấp người xuống, xoay đầu gối từ ngoài vào trong rồi từ trong ra ngoài.
Các thế đầu gối này, mới đầu thì chỉ thấp người xuống một chút, sau đó, mỗi ngày càng thấp người xuống hơn, công lực sẽ mạnh hơn. Chỉ cần làm 10 phút, là đã thở mạnh, toát mồ hôi rồi. Người nhức đầu gối ban đêm phải tập trước khi lên giường ngủ.

Lưu ý:
-Những thế tập này chỉ được áp dụng với người chưa giải phẫu xương lần nào. Nếu đã giải phẫu cổ thì không được tập cổ. Nếu giải phẫu lưng rồi mà muốn tập lưng, phải hỏi bác sĩ, xem phim X-ray có trở ngại gì không..
-Phối hợp vừa châm cứu, vừa mát xa, vừa tập luyện thì rất tốt.
-Trường hợp đau kinh niên vì xương rồi, có thể uống thêm Glucosamine có bán tại các tiệm thuốc Tây để kích thích chất nhờn đầu xương và xương.
-Mua một cái máy mát-xa nhỏ cầm tay để chà xát chung quanh chỗ bắp thịt đau sẽ hiệu nghiệm nhanh hơn.
-------------
Vài hàng trao đổi những kinh nghiệm trong suốt mấy chục năm qua, nếu có chi sai sót, mong cao nhân chỉ điểm thêm. Chúc quý vị sống lâu, sống khỏe mạnh, và hạnh phúc.

Chu Tất Tiến
Sưu tầm: Hanh Nghiêm
( Theo http://hoathuctuvien.blogspot.com/)

Thử Tưởng Tượng


Thử tưởng tượng anh không đang hiện hữu
Em bước vào vùng trống rổng mông mênh
Em dám chứ vì không thêm chẳng bớt
Sẽ yêu anh dù tim có bồng bềnh

Thử tưởng tượng thời gian quay ngược lại
Em gặp anh ở một cõi mơ hồ
Em dám chứ cùng ngửa tay hứng mộng
Mộng, thật - thơ, người; người mộng trong thơ

Thử tưởng tượng anh chẳng là thi sĩ
Nhưng ôm thơ chạy khắp quả địa cầu
Thử tưởng tượng em làm sao đuổi kịp
Sao níu cùng run rẫy một chiêm bao

Thử tưởng tượng nếu anh sa địa ngục
Sao biết em đang ở chốn thiên đường?
Em tội lỗi tầng sâu hơn một bực
Vĩnh viễn mình chẳng thể gặp nhau đâu 

Quách Như Nguyệt

Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

Anh Đã Quên Mùa Thu - Tùng Giang Và Nam Lộc

Bây giờ là mùa thu,trời giăng khói sương mù,hàng cây khô lặng lẽ,như em đứng một mình mà hoài niệm về cuộc tình của chúng ta.Anh đã đi xa thật rồi, đã quên mùa thu xưa,và đã quên cả em nữa.Bây giờ em chỉ biết mong chờ ngày anh trở lại để mùa thu không còn buồn thảm với em như mùa thu năm nay,nhé anh!


Sáng Tác: Tùng Giang và Nam Lộc 
Tiếng Hát: Mai Khôi
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Tiên Du Tự - Nguyễn Trãi




 仙遊寺 Tiên Du Tự

阮廌 Nguyễn Trãi

短棹繫斜陽,Đoản trạo hệ tà dương
匆匆謁上方。Thông thông yết thượng phương.
雲歸禪榻冷,Vân quy Thiền sáp lãnh,
花落澗流香。Hoa lạc giản lưu hương.
日暮猿聲急,Nhật mộ viên thanh cấp
山空竹影長。Sơn không trúc ảnh trường
箇中真有意,Cá trung chân hữu ý,
欲語忽還忘。Dục ngữ hốt hoàn vương (vong)

Dịch nghĩa:
Chùa Tiên Du

Mái chèo ngắn buộc trong bóng xế
Vội vàng lên chùa lễ Phật
Mây kéo về làm lạnh giường Thiền
Hoa rụng xuống khiến dòng suối thơm.
Chiều hôm tiếng vượn kêu rộn
Núi trống và bóng trúc dài ra
Trong cảnh ấy thật có ý
Ta muốn nói ra bỗng lại quên lời.

(1) Còn có tên là chùa Vạn Phúc, chùa Phật Tích; nay thuộc tỉnh Bắc Ninh

Các Bài Dịch:

Chùa Tiên Du


Buộc con thuyền trời đà bóng xế 
Bước vội vàng lên lễ Phật đường 
Giường sư lạnh lẽo mây vương 
Hoa trôi trên suối đưa hương khắp vùng 
Chiều dần tối vượn rừng lanh lảnh 
Bóng trúc dài quang tạnh núi trong 
Dường như cảnh cũng ý lòng 
Lời đâu quên mất nên không tỏ bày 

Mailoc
***
Chùa Tiên Du 

Buộc mái chèo trong bóng xế tà
Lên chùa vội vã một mình ta
Giường Thiền mây phủ màn vương lạnh
Suối mát hoa rơi hương thoảng xa
Vượn hót rộn vang chiều tối muộn
Núi in dài trải bóng tre già
Cành tình ẩn chứa muôn ngàn ý
Muốn nói mà sao khó thốt ra 

Phương Hà phỏng dịch
***
Chùa Tiên Du 

Bóng chiều buộc chiếc thuyền con
Vội lên lễ Phật thả buông muộn phiền
Mây về kéo lạnh giường thiền
Suối trôi hoa rụng hương mềm cánh trôi
Vượn kêu trời đã tối rồi
Núi xanh bóng trúc dài khơi nỗi niềm
Cảnh dường muốn tỏ niềm riêng
Lòng ta muốn nói lại quên mất lời 

Trầm Vân 
***
Chùa Tiên Du


Thuyền ghé bóng chiều sang
Lên chùa bước vội vàng
Mây về giường ngấm lạnh
Hoa rụng suối thơm tràn
Tiếng vượn vang chiều vắng
Bóng tre dài núi hoang
Cảnh như khêu gợi ý
Muốn nói lời quên ngang 

Quên Đi 
***
Chùa Tiên Du
 

Neo thuyền gác mái hoàng hôn
Vội vàng viếng cảnh chân dồn bước nhanh
Vườn thiền mây ám lạnh tanh
Thoảng hương hoa rụng uốn quanh suối nguồn
Chiều hôm tiếng vượn hú luôn
Núi hoang bóng trúc ngả buông thêm dài
Tình trong cảm ý cảnh ngoài
Muôn điều muốn ngỏ đã ngay quên lời 
 
Kim Phượng

Kỷ Niệm Không Vui


Cũng là kỷ niệm nhưng sao buồn quá
Hoàng hôn về lại tím cả không gian
Chiều dần đêm thấm lạnh giấc mơ vàng
Người yêu vắng....gió mây ngàn cô đơn

Nơi đây không cảnh chiều ra biển lớn
Không ngắm sóng về đùa giỡn tình yêu
Chỉ có rừng thiêng chứa đựng bao điều
Thầm kín thét kêu gào vang núi động

Pleiku giờ nghe lạnh tưởng chừng Đông
Tình yêu xưa lạc lõng chốn phương nào
Sao chôn chặt khép đường vào chiêm bao
Vùng cao nguyên lội gian lao nhuộm sầu

Ước thầm hoa mai nở mối tình Ngâu
Vườn xưa bắt lại nhịp cầu dỡ dang
Chuộc lỗi lầm thời trai trẻ ngang tàng
Thoát cơn mê lạc....dạo đàn nghĩa ân

Tiếc thay người em gái nhỏ trắng ngần
Rơi vào nước đục một lần biệt tăm!

Pleiku 22-9-2012
Lê Kim Hiệp

Có Ba Thứ Trong Đời Không Bao Giờ Nên Nuối Tiếc


- Cái gì đã cũ là cũ, Có cố đánh bóng cũng không thể mới.

- Cái gì đã qua là qua. Có quay trở lại cũng chẳng như xưa.

- Cái gì đã vỡ là vỡ. Có hàn gắn lại cũng còn vết rạn nứt.

- Cái gì đã đứt là đứt. Có ráng nối lại cũng chẳng tồn tại dài lâu.

- Cái gì đã đi là đi. Có níu kéo nó về cũng chẳng còn là của mình nữa.

- Cái gì phải quên là quên. Có nhớ nhung mãi cũng chỉ là hoài niệm.

- Sự tin tưởng giống như một tờ giấy, một lần bị vò nát nó sẽ không thể toàn hảo như xưa.

- Khi ai đó rời bỏ ta, hãy để họ ra đi . Số phận của ta không bao giờ kết chặt với những ai quyết tâm rời bỏ ta. Họ không phải là người xấu, họ chỉ là nhân vật kết thúc vai trò trong câu chuyện của cuộc đời ta mà thôi.

- Có ba thứ trong đời không bao giờ nên tiếc nuối. Đó là:
* Tình yêu đã ra đi.
* Người bạn không xứng đáng.
* Ngày hôm qua.

Bởi vì đó là những điều đã không còn có thực, không còn có ý nghĩa và không còn tồn tại trong ngày hôm nay và ngày mai của ta. Vì thế, là những điều không nên làm vướng bận lòng ta, không nên làm u sầu trái tim ta và làm rơi nước mắt ta thêm nữa.

Một sớm mai kia thức dậy, bạn có thể sẽ thấy người bạn yêu không còn là người đàn ông/đàn bà bạn đã yêu nữa. Bạn sẽ buồn vì họ? Sẽ đau vì không thể yêu người đó nữa? Sẽ tiếc nuối tình yêu đã có? Nhưng, hãy nghĩ: Khi bạn yêu họ, họ là người bạn yêu, với những gì bạn yêu. Khi họ không còn như thế nữa, hoặc khi bạn nhận ra họ chưa bao giờ như bạn nghĩ, cũng đừng cảm thấy đau buồn hay nuối tiếc. Bởi vì tình yêu đó, trước giây phút đổi thay đó đã là một tình yêu trọn vẹn, người yêu đó trước giây phút nhận ra đó đã là một người yêu trọn vẹn. Chỉ có điều, đó là một tình yêu đã qua, một người yêu đã ra đi. Và nên để gió cuốn bay đi…

Một người bạn không xứng đáng với những gì ta dành cho họ càng không bao giờ nên hối tiếc, cho dù có thể là một nỗi buồn trong thoáng chốc. Buồn không phải vì ta đã dành cho họ nhiều yêu thương mà họ không xứng đáng được nhận, cho đi là không bao giờ nên hối tiếc. Mà buồn vì cuộc sống không nên như thế, con người không nên như thế, vậy thôi. Dù sao, cũng nên sống hết mình, yêu thương hết mình. Đâu đó trong cuộc đời vẫn là những vòng tay rộng mở, còn những cái quay mặt đã ở sau lưng…

Và ngày hôm qua. Ngày hôm qua luôn là một cái bóng rất lớn, đôi khi là quá lớn lên hiện tại. Cho dù là cái bóng của hạnh phúc hay bất hạnh. Có những người không bao giờ thoát nổi ra khỏi cái bóng đó để bước đi về phía ngày mai. Nhưng bạn biết không, chỉ những người không nhìn thấy bóng mình vì bận rộn ngẩng cao đầu bước mới không luẩn quẩn ở cái bóng của mình mãi. Ngày hôm qua chỉ là một cái bóng. Mà chúng ta thì cần điều gì đó rõ rệt, mang dáng dấp, hơi thở, sự sống. Đừng đuổi theo cái bóng đó, bạn nhé. Nó cũng giống như ngồi thở than vọng tưởng những cánh bướm mùa trăng tròn thuở xưa. Hãy cứ thương nhớ nhưng đừng bao giờ tiếc ngày hôm qua. Ngày hôm qua đã qua rồi…

Đôi khi, đúng hơn là rất nhiều khi tôi cũng thấy buồn. Nhưng tuyệt nhiên không bao giờ cho phép mình nuối tiếc. Tôi tin, rất tin cuộc sống cần dựa trên những nỗ lực không mệt mỏi để vươn lên, để cho đi và để biết trân trọng hiện tại, hướng tới ngày mai. Những gì đã cho đi là những điều quý giá. Những hạnh phúc đã mang đến cho người là những món quà tự tặng mình. Những yêu thương đã trao là những yêu thương được nhận. Ngay cả những nỗi buồn cũng là một trải nghiệm ý nghĩa. Những cho nhận ấy ngày hôm nay và ngày mai nhìn lại ta mới có thể thấy hết giá trị của đời mình.

Những người luôn bận lòng với những đố kỵ, day dứt với những đau khổ, trầm mình trong nước mắt, giam mình trong những ám ảnh về quá khứ và dằn vặt mình với những đòi hỏi yêu thương là những người không bao giờ có thể hạnh phúc, không bao giờ biết giá trị đích thực của cuộc sống.

Một sớm mai kia khi tất cả sẽ thành hư vô trong đời, tôi mong bạn sẽ mỉm cười. Vì mình đã sống những ngày trọn vẹn.

Nguồn trên mạng
Mailoc sưu tầm

Vọng Nguyệt



Trăng non lơ lửng mái lầu
Tình chưa đủ tuổi nhuốm màu phong sương
Một thời còn lại vấn vương
Mơ hồ tuổi ngọc sắc hương phai tàn
Nửa đêm tỉnh mộng ngỡ ngàng
Nhìn quanh bóng tối võ vàng giấc mơ
Âm thầm ngồi nghĩ ngu ngơ
Nửa vầng trăng khuyết bơ vơ nơi nào?

Thương ai môi đỏ má đào
Mượt mà mái tóc rối vào canh thâu
Thuyền tình nay lạc về đâu
Sóng gờn gợn sóng chìm sâu bóng hình
Dòng sông ủ rũ ru tình
Bến mê uốn khúc nằm nhìn ánh trăng
Gió run rẩy nước lăn tăn
Sương mờ nhân ảnh sầu dâng ngập hồn

Trăng non chờ ánh trăng tròn
Tình chưa đủ tuổi héo mòn chờ ai
Mong manh như giọt sương mai
Sầu rơi nặng trĩu tàn phai tuổi hồng
Người ơi ! bỏ cuộc phiêu bồng
Về đây khơi lại mặn nồng năm nao
Mái lầu còn dịp xôn xao
Tình ta đủ tuổi khát khao trăng tròn

Đỗ Hữu Tài 
 (June 9/2015 )

Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

Thơ Tranh: Đời Kịch


Thơ & Thơ Tranh: Kim Quang

Nhớ Về Trường Cũ


Vẫn nhớ và thương chuyện thuở qua
Sân trường bóng mát vấn vương mà
Bông hồng xinh lá, lao xao nụ
Phượng đỏ tươi cành, rực rỡ hoa
Lớp học thân yêu chừ đã vắng
Bạn bè quý mến thoáng nay xa
Ngồi đây đếm lại bao hương cũ
Kỷ niệm chợt về nhắc nhở ta...

Hoàng Dũng

Trăng Lạc


Người còn nhớ ánh trăng mùa cũ
Mình sẻ chia ấp ủ mộng lòng
Buồn vui kỷ niệm mênh mông
Giữ trong miền nhớ theo dòng thời gian

Bờ bến xưa miên man sóng vỗ
Gió hương chiều lay dỗ cành xuân
Hạ mơ, phượng đỏ bâng khuâng
Thu vàng nhuộm lá, tím vần chờ mong

Người tặng tôi nụ hồng thắm mộng
Tôi trao người ước vọng tình xanh
Dù là mỏng mỏng manh manh
Như trăng chìm khuất trong mành sương khuya

Một bầu trời người chia đôi ngả
Bên sáng xuân, bên hạ thắp đèn
Một ngồi buồn nhớ không tên
Một tìm trăng lạc dường quên đường về...

Yên Dạ Thảo

28/05/2015

***

(Từ bài thơ Trăng Lạc của Yên Dạ Thảo)
 
Biển Cạn
 
Tôi tìm đến biển xanh xưa cũ
Bãi cát hoang ủ rủ ngập lòng
Quanh đây ghềnh đá mênh mông
Hải âu vỗ cánh chập chùng không gian

Nghe vội vã từng nhịp sóng vỗ
Như đời mình đã đổ tuổi xuân
Nhìn trời chạnh thấy bâng khuâng
Biết người không đến vẫn còn đợi mong

Bước lặng lẽ âm thầm nuôi mộng
Gió vỗ về rung động biển xanh
Sóng gào giọt nước mong manh
Hoàng hôn khuất bóng chìm vào đêm khuya

Thế là hết cát vàng nghiêng ngã
Cánh sao đêm như thả ánh đèn
Một mình ta nhớ gọi tên
Nơi vùng biển cạn chênh vênh lối về

 
Đỗ Hữu Tài  

09/06/2015

***

Trăn Trở Mộng

(Cảm tác từ bài thơ Biển Cạn của Đỗ Hữu Tài)

Vùng biển cạn thưa dòng sóng bạc
Chiếc thuyền xưa khuất dạt phương nào
Xa xa một bóng hải âu
Oải đôi cánh mỏng trên bầu trời xanh

Bờ cát trắng long lanh dưới nắng
Bóng chiều buông, lặng lặng mây trôi
Gió ru giấc ngủ mồ côi
Hoàng hôn biển hát ... bồi hồi tình quê!

Thu lạc mất trăng thề hẹn ước
Đông buồn sang lạnh buốt cành sương
Xuân về hoa trổ thơm hương
Cơn mưa đầu hạ tràn tuôn biển lòng

Đường quê nhỏ phượng hồng khoe sắc
Ve gọi sầu thầm nhắc nhở ai
Người xa, tim vẫn tình đầy   
Đêm trăn trở mộng, rạng ngày bâng khuâng!


Yên Dạ Thảo
12/06/2015


Đâu Phải Tự Nhiên Ta Nhớ Muội


Ta không phải giang hồ kiếm khách
Mài gươm thiêng bên suối ngắm trăng
Muội chẳng là con cưng sư phụ
Nuôi chí ta tình nghĩa đá vàng

Chưa múa kiếm, chém vang ghềnh đá
Gió biển gào tóc áo Muội bay
Dừng tay kiếm, mồ hôi lã chã
Muội kề, âu yếm tặng khăn tay

Ta với muội chưa từng đối ẩm
Nâng chung trà ngọt lịm mời nhau
Chưa ngắm Muội mắt nai, mặt nguyệt
Ôm tỳ bà tấu khúc ly tao

Ta đâu ở đầu sông thương nhớ
Muội chẳng cùng uống nước Tương giang
Chưa có phút ban đầu gặp gỡ
Thì làm sao cách cảm giao thần

Ta chỉ biết đề thơ trên lá
Thả hồn bay theo áng mây trôi
Vượt định mệnh, chưa mòn chí cả
Thiện, mỹ, chân đội đá vá trời

Ta như bướm, muội là hoa tươi thắm
Nhụy đài trang ướp mật ngọt môi ta
Họa thơ muội buông thả dòng xúc cảm
Hồn say sưa ru nắng gió chan hoà

Nét thư họa là đường gươm bén ngót
Cắm vào tim những rung động tuyệt trần
Ý của chữ nghĩa tình cao chót vót
Khiến thời gian đồng điệu với không gian

Vần điệu đẹp, văn thơ đâu biết tuổi
Nét thơ tranh giao cảm gợi tình người
Nên đâu phải tự nhiên ta nhớ Muội
Hởi nàng thơ! Ta yêu Muội trọn đời!

Phạm Tương Như

Những Chuyện Về Ma

Vào thế kỷ này mà nói MA chắc không ai tin, nhưng ngẫm lại mà xem, thường thì trên thế gian bao giờ cũng có 2 cái đối nghịch nhau, có rộng thì có hẹp, có dài thì có ngắn, có xa thì có gần, có cao thì có thấp, có hữu hình thì tất phải có cái vô hình. Hữu hình là cái thấy được, sờ được, nắn được, còn cái vô hình thì không thể thấy, không thể nắn, không thể sờ, do đó người ta không tin. Niềm tin có thể có được ở cái vô hình là niềm tin tôn giáo. Mặc dù không thấy Phật, không thấy Chúa, không thấy Đức Mẹ, nhưng người ta vẫn tin, tin một cách điên cuồng đến mức có thề oánh nhau, choảng nhau, giết nhau như xưa Âu châu đã có cuộc Thánh chiến, vác thập tự giá mà đi đánh nhau và mới đầu năm nay tại Paris có cuộc bắn giết hàng chục người phi lý tại tòa soạn tờ Charlie Hebdo đường Nicolas-Appert.

Thực tế, ma là một hiện tượng có thật, có người nói rằng phải có ''duyên'' thì mới nhìn thấy ''nó'' được chứ không phải bất kỳ ai muốn thấy thì thấy. ''Duyên'' là gì ? Một từ ngữ nghe trừu tượng quá, nhưng có thể hiểu một cách khoa học rằng mọi sự vật đều có phát ra những làn sóng vô hình ở những dải tần suất (frequencies band) khác nhau, nếu ta ''bắt'' được nó thì ta sẽ nhìn thấy nó, tương tự như khi ta bắt sóng truyền hình ở dải tần vài trăm Mega-hertz, băng VHF hay UHF.
                    

Tôi sẽ kể ra đây một số chuyện và các chuyện này hoặc do người khác kể lại hoặc do chính mắt tôi nhìn thấy.

1.- CHUYỆN MA TRONG VƯỜN NHÀ NGOẠI TÔI, QUẬN GÒ VẤP

Nhà ngoại tôi và cũng là nhà mẹ tôi thời còn bé nằm ở gần cuối đường Lê Quang Định, Gò Vấp, vào thời đó còn là một vùng khá hoang vu, ngay trước mặt nhà ngoại tôi, trừ các khóm nhà có người ở, đi vào sâu là rừng tre, tre gai rậm rạp, chạy dài lên đến tận Thủ Đức, Biên Hòa. Khung cảnh âm u đó khìến người ta sợ ma, những bóng dáng vô hình nhưng có thể hiện ra, giơ tay, lè lưỡi nhát những người yếu bóng vía.
Thời đó con người cũng hơi ác, đã sợ ma lại còn hay nhát ma. Ông ngoại tôi kể rằng chính ông khi còn trẻ cũng theo chúng bạn đi nhát ma đàn bà con gái đi đêm. Cách nhát thường nhất là leo núp trên cây, khi có đàn bà con gái đi qua thì rung cây ào ào và khè khè như ma quái hoặc dùng lon có đục hình mặt người, trong bỏ than hồng quạt đỏ, dòng dây thả xuống, kéo lên...
Tại hông quận lỵ Gò Vấp ngày xưa có một con đường nhỏ đâm sâu vào khu nghĩa địa đất Thánh Tây, vào ban đêm thì tối om, không có đèn đuốc gì cả. Trên đường này có một cây điệp tây thuộc hàng cổ thụ, phía dưới bị bộng do côn trùng đục khoét nên tạo thành lổ hổng to, người có thể chun vào đó nấp được. Một tối, ông tôi cũng chơi trò nhát ma theo kiểu ''ma rờ đầu'', nghĩa là khi có ai đi qua thì thò tay ra mà xát xát lên đầu người đó cho họ sợ chơi.
Không may, hôm ấy người bị chiếu cố lại là ông cố tôi, một người có võ nghệ và tánh tình rất hung dữ. Hôm ấy, ông đi ăn đám giỗ nhà ai đó về ngang, trong bóng tối, ông tôi đâu biết là ai, thấy mặc áo dài khăn đống thì nghĩ là đàn bà, bèn giơ tay ra sờ gáy...
Vô phúc, người ''đàn bà'' ấy lại có xách ba-toong, bị rờ thì biết ngay là tụi con trai chứ không ai khác. Chả nói chả rằng, ông cố tôi giơ ba-toong lên và chọc ngay vào lổ bộng mấy cái, hét: ''Ma nào ở trong đó ló đầu ra coi !'' 
Nghe tiếng ông già, ông tôi hoảng hồn nhảy ra và lạy lấy lạy để. Nhưng ông cố tôi đâu có tha ? Điệu về nhà, ông bắt trói ngoài sân suốt đêm cho muỗi cắn để từ đó tởn, hết dám nghịch đùa.

Nhiều năm sau, ông tôi có vợ và có con, lúc ấy má tôi còn nhỏ lắm. Một đêm, đang ngồi chơi trước thềm, ông tôi bỗng khều bà tôi, nói nhỏ ''Nó đó..'' Bà tôi không hiểu ''nó'' là ai, nhưng nhìn theo tay chỉ của ông tôi thì thấy ở sân nhà bên cạnh có một thiếu phụ đội nón lá, tay xách giỏ như mới đi chợ về. Bà tôi thắc mắc hỏi: ''Con Hai không biết đi đâu mà về khuya vậy héng ?''
''Con Hai'' mà bà tôi nói là con gái lớn của bà cô tôi ở kế bên, nhưng ''nó'' không đi vào nhà mà lại lừng lững đi về phía nhà ngoại tôi và ung dung băng xuyên hàng rào ắc ó khá dầy, không gây một tiếng động rồi tiến lại phía bồn hoa, dạo quanh một vòng. Bà tôi hãi quá, ngó trân trân, biết đó là ma chứ không phải người. Bóng đó sau khi dạo quanh thì đi thẳng về phía bụi tre bên hông nhà và biến mất.

Câu chuyện mà tôi vừa kể được ngoại tôi kể đi kể lại đến mấy lần nên tôi nhớ lâu lắm, chuyện ấy khiến thời còn bé tôi đâm ra sợ ma vào ban đêm, không dám đi ra sau nhà tiểu một mình, dù cho có cầm đèn dầu hay đèn pin đi nữa cũng phải có bà tôi đi theo, tình trạng ấy kéo dài cho đến năm 1959 thì tôi hết sợ, không những thế còn tò mò, muốn biết hình thể con ma ra sao và tôi mong cho ma hiện.

2.- MA Ở CƯ XÁ THANH ĐA, PHƯỜNG 27 QUẬN BÌNH THẠNH


Năm ấy là 1979, tôi đang cặp bồ với một cô bạn đồng nghiệp tên Minh Hằng, nhà ở Lô VI, cư xá Thanh Đa và tối nào cũng vậy, chúng tôi hẹn hò nhau bên bờ sông cư xá. 
Hôm ấy, tôi ngồi đợi Hằng bên khóm dương trồng ở đầu Lô IV khá lâu, trời hơi có trăng nhưng trăng có quầng nên không sáng lắm. Khi nàng từ nhà đi ra, tôi dẫn xe đạp và bách bộ cùng nàng về phía Lô I, định sẽ cùng nhau đi vòng qua phía bờ sông bên kia, ngồi ngắm về phía cầu xa lộ và Sài Gòn. 
Tuy nhiên, đi được vài bước, tôi để ý thấy trước mặt mình không xa có một thiếu nữ mặc đồ bộ trắng, tóc dài, đang đi cùng một hướng. Chẳng nhìn được mặt, tôi không biết là ai nhưng cái làm tôi để ý nhứt là nàng ta hình như đi hỗng trên không, vì nơi này lúc ấy có rất nhiều lá buông do tổ đan mây tre lá ban ngày bỏ vương bừa bãi, nếu chân chạm đất thì sẽ gây ra những tiếng lào xào, loạt soạt.
Bỗng tôi dừng lại, níu tay Hằng, hỏi: ''Nãy giờ em có để ý thấy gì không ?''
Hằng: ''Thấy gì ?''
Tôi trỏ về phía trước, bảo: ''Đàng trước mình có một cô gái mặc áo trắng đang đi và cô ta vừa rẽ ra phía bờ sông, nơi có cái chòi lá...''
Hằng: ''Vậy hả ? Mình đi lại đó xem sao...''
Tôi bảo: ''Không sợ thì đi thử coi...''
Chúng tôi đi nhanh hơn và tiến ngay về phía cái chòi lá, không biết người ta cất lên để làm gì, nhưng khi đến đó thì chúng tôi thấy nó hoàn toàn hoang vắng, bên trong đầy những cọng lá buông và không đèn, không một bóng ai. Tôi bảo: ''Đúng là ma hiện rồi chứ không phải người ta đâu em !''
Hằng bảo: ''Nhưng tại sao anh thấy mà em không thấy ?''
Tôi cười, bảo: ''Vì em không cùng tần số với nó, cô giáo dạy vật lý hiểu chưa ?''

3.- MA PHÁ NGƯỜI Ở CƯ XÁ THANH ĐA

Tôi và Minh Hằng thành hôn với nhau vào đúng ngày sinh nhật thứ 30 của tôi, sau ngày cưới khoảng 10 ngày, chị cả của vợ tôi, chủ nhân căn 1.25 Lô VI, kêu chúng tôi lại, bảo: ''Chị sắp vượt biên rồi, hai em ráng chạy lo việc ghi tên vào hộ khẩu để giữ căn nhà, vì mất nó thì uổng lắm, chị đã trả hết ba phần tư.'' 
Nhờ mẹ vợ tôi lúc đó hoạt động mạnh trong tổ phụ nữ phường 27 và tình hình lúc ấy cũng rối nhăng, chúng tôi vào hộ khẩu nhà không khó lắm.
Tự nhiên có được một căn nhà thuộc loại lớn của cư xá, chúng tôi rất mừng, vì nhà này ngày trước Tổng cục gia cư chỉ bán cho công chức hạng A và sĩ quan trong quân đội từ cấp tá trở lên. Bố vợ tôi thời ấy là giám đốc hỏa xa nên mua được 3 căn 0.25, 1.25 và 4.25, căn 1.25 thì nhượng lại cho bà chị cả tốt nghiệp kỹ sư hóa ở Canada về và lại lấy chồng là bác sĩ quân y, căn lầu 4 thì để cho 3 cô con gái ở, tức Tống Kim Linh, Tống Ngọc Nga và Tống Minh Hằng, bà xã tôi. Sau khi ổn định mọi thứ, ông bán căn lầu 4 và căn lầu 1 thì có vợ chồng chị Kim Linh, vợ chồng tôi và cậu Tống văn Ân (em vợ) cùng nhau chia sẻ.

Đời sống êm ả trôi qua, mọi sự bình yên, không có gì đáng nói. Chị Linh có lớp dạy cắt may ở Tân Định, ban ngày làm việc ở đó, tối lại về ngủ, khi thì với chồng, khi thì với cô đệ tử ruột, vợ tôi thì ban ngày đi dạy ở trường trong cư xá, tôi dạy ở quận Nhất, cuối buổi cũng trở về, ăn rồi ngủ, riêng cậu em vợ thì làm nghề chụp hình, ăn cơm bên dưới nhà với ông bà già vợ nhưng tối lại lên lầu, qua đêm trên một chiếc giường nhà binh nơi phòng khách.

Thế rồi đến một ngày kia, cuộc sống yên lành bắt đầu bị quấy động và tác nhân của sự quấy động không phải là người.


Một đêm nọ vào khoảng 2 giờ sáng, tôi đang ngủ ngon thì vợ tôi vực tôi dậy, hỏi: ''Bộ trời nực lắm sao mà cởi hết quần ra ?'' Tôi càu nhàu: ''Bà này lạ, ai cởi hồi nào đâu ?'' Vợ tôi: ''Không cởi thì tại sao cái quần lại nằm dưới đất ?'' Tôi nhìn lại thì đúng thật, nó không còn dính trên người tôi. Biết là bị oan nhưng tôi không làm sao biện bạch được. Vài ngày sau, chuyện hôm trước lại xảy ra thêm 2 lần nữa, tôi bảo Hằng: ''Em còn nhớ vụ gặp một người con gái áo trắng đi rồi biến mất bên bờ sông Lô I không ? Anh nghi là nhà này có ma, bây giờ nó hiện ra và giở trò phá phách.''
Hằng yên lặng, bán tín bán nghi. Thế rồi một hôm, khoảng gần 1 giờ sáng, tôi buồn đái nên mở cửa bước ra toilette nằm kế bên. Tuy nhiên, thấy bên trong đèn sáng, biết là đang có người, tôi trở vào và ngồi đợi. Năm phút, rồi mười phút, thấy lâu quá mà không nghe tiếng mở cửa, tôi bước ra. Bị động, vợ tôi cũng thức dậy theo. Nàng cũng bước ra và gõ cộc cộc vào cửa buồng tắm. Không có tiếng trả lời, nàng bước vào. Tôi nằm xuống bên cạnh, nói nhỏ: ''Không biết người nào anh Hoành, chị Linh hay con Minh ? Dù gì, nghe gõ thì cũng phải lên tiếng chứ !''

Tôi vừa nói dứt thì nghe vọng ra tiếng xối nước và tiếng kéo rê dưới sàn của một cái thau. Vợ tôi sốt ruột, chạy ra, lên tiếng: ''Ai đang ở trong đó cho biết giùm ?''
Im lặng, không một tiếng trả lời.
Vợ tôi nắm ngay tay nắm cửa và đẩy mạnh vào (cửa mở bên trong). Bên trong đèn sáng nhưng không có một ai! 
Tôi bảo: ''Thế này thì đã rõ chưa ? Anh đã bảo là ma mà!''
Và tôi lớn tiếng: ''Ma nào đến viếng đó, xin hiện ra giùm xem?''
Im lặng, nhưng sự to tiếng của tôi làm tất cả người trong nhà giật mình, thức dậy. Vợ tôi kể lại tỉ mỉ mọi điều. Vợ chồng chị Kim Linh và cô học trò thì có vẻ tin nhưng thằng em vợ tôi thì cười khẩy: ''Làm gì có chuyện ma ở thế kỷ này ?'' Nói xong thì đi ngủ tiếp, chỉ có bọn chúng tôi còn ngồi bàn tán ở ghế salon. 
Sáng hôm sau, chuyện ban đêm lại được đem ra kể ở nhà ông bà mẹ vợ tôi bên dưới, lúc đó là quán bán cà phê nên có nhiều khách tham gia nghe và bàn tán. Một bà lớn tuổi nói: ''Chuyên ma là có đó, cư xá này xưa là bãi bắn của tụi Pháp, bắt được Việt Minh là chúng đem ra xử bắn ở đây, cả mấy trăm người, nhiều lắm...'' Thằng em vợ tôi vẫn cười khẩy, tỏ vẻ không tin.

Không lâu, chỉ hai hôm sau thôi, người bị ma lột trần truồng không phải là tôi mà là thằng em vợ đó. Nó tức lắm, tối ngủ, nó mặc quần jean, thắt dây nịt thật chặt để xem ma sẽ giở trò gì. Buổi sáng, khi chúng tôi thức dậy, nó lắc đầu bảo: ''Thôi, tối nay em không dám ngủ trên này nữa đâu.'' Tôi hỏi: ''Biết sợ ma phá rồi à ?'' Và nó kể lại cho chúng tôi tất cả mọi chuyện, trỏ tay vào sợi dây nịt đang máng tòn teng nơi đầu giường sắt: ''Nó quá tài, lột ra mà em không hay chút nào, thể như là mình bị thổi bùa mê.''

Sau vụ đó, một anh tên Hoàng, võ sĩ Vovinam đai đen ngụ cùng Lô cho biết anh cũng bị ma phá kiểu đó, đến nỗi anh phải mua đồ, thắp nhang cúng để nó để cho yên, và một anh khác tên Hòa, tu sĩ phái thiền tông, còn cho biết rõ hơn: đó là một con ma nữ tóc dài, chuyên mặc đồ trắng, hay lởn vởn ở khu này, có lẽ trước kia đã chết oan nghiệt hay sao đó, không đầu thai được nên hiện về phá khuấy trần gian, hễ mua đồ cúng vái thì nó để yên, càng không tin, nó càng phá tợn.

Và tôi chấm dứt câu chuyện đây, mặc dù cũng còn nhiều chuyện khác về ma ở cư xá Thanh Đa, chuyện có thật và có đăng trên báo Công An xuất bản ở Sài Gòn.

Montréal, đêm 17 tháng 6 năm 2015
Nguyễn Đức Tuấn