Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2015

Tết Đoan Ngọ

Khuất Nguyên (chữ Hán: 屈原; qū yúan), tên Bình, biệt hiệu Linh Quân (340 TCN - 278 TCN) là một chính trị gia, một nhà thơ yêu nước nổi tiếng của Trung Quốc. Ông là người trong hoàng tộc nước Sở, làm chức Tả Đồ cho Sở Hoài Vương. Ông học rộng, nhớ dai, giỏi về chính trị, lại có tài văn chương. Lúc đầu ông được vua yêu quý, sau có quan lại ganh tài ông, tìm cách hãm hại. Vua Sở nghe lời gièm pha nên ghét ông. Ông âu sầu, ưu tư viết thiên Ly Tao để tả nỗi buồn bị vua bỏ.
Ngoài tập Ly Tao là tập thơ bất hủ của ông để lại, ông còn có nhiều sáng tác thơ khác như Sở từ, Thiên Vấn (Hỏi trời).v.v.
Đến cuối đời ông bị vua Tương Vương (người nối ngôi Sở Hoài Vương) đày ra Giang Nam (phía nam sông Dương Tử). Ông thất chí, tự cho mình là người trong sống trong thời đục, suốt ngày ca hát như người điên, làm bài phú "Hoài Sa" rồi ôm một phiến đá, gieo mình xuống sông Mịch La tự tử.
Ông cũng chính là nhân vật trong sự tích tết Đoan Ngọ (Đoan Dương). Theo truyền thuyết này, để tưởng nhớ về con người và cái chết bi ai của ông, hàng năm người ta tổ chức vào ngày mồng năm tháng năm là ngày tết Đoan Dương ở Trung Quốc và một số nước khác ở Châu A .
Mời tất cả các em cùng đọc bài thơ sau đây : Bài thơ của Thi Thánh Đỗ Phủ làm để tưởng nhớ đến Thi Tiên Lý Bạch, nhưng lại có liên quan đến ngày mùng 5 tháng 5 và Khuất Nguyên. bài thơ có tựa đề là : " Thiên mạt hoài Lý Bạch " ( Bên trời nhớ Lý Bạch ).....


天末懷李白      THIÊN MẠC HOÀI LÝ BẠCH

涼風起天末, Lương phong khởi thiên mạt,
君子意如何。 Quân tử ý như hà?
鴻雁幾時到, Hồng nhạn kỷ thời đáo,
江湖秋水多。 Giang hồ thu thủy đa.
文章憎命達, Văn chương tăng mệnh đạt,
魑魅喜人過。 Si mị hỉ nhân qua.
應共冤魂語, Ưng cộng oan hồn ngữ,
投詩贈汨羅。 Đầu thi tặng Mịch La.

(杜甫)              Đỗ Phủ 

【作者簡介】
杜甫(公元712─770)字子美,唐代最有名的大詩人之一,與李白合稱“李杜”。他的詩風格多樣,而以沉鬱為主,最擅長古體詩和律詩。
Tiểu Sử Tác Giả : 
Đỗ Phủ ( 712-770 ), tự là Tử Mỹ, là một trong các thi nhân lớn nổi tiếng của đời Đường, cùng với Lý Bạch hợp thành một cặp Lý Đỗ thời sơ Đường . Thơ của ông rất đa dạng, phong cách lấy trầm uất làm chủ, giỏi về thơ cổ thể và thơ luật.

【字句淺釋】
題解:李白於公元758年流放夜郎,次年途中遇赦而還;杜甫於759年寫此詩懷念他(不知他已經遇赦)。天末:天邊。鴻雁:即大雁,古有“鴻雁傳書”的傳說。命達:命運好,有顯達的社會地位。魑魅:山林、澤地裡能害人的妖精。汨羅:汨羅江,發源於江西,流入湖南,大詩人屈原曾經自投此江而死。

Chú Thích :
1. Năm 758 Lý Bạch bị đày đi Dạ Lang, năm sau gặp đại xá được tha mà về. Năm 759 Đỗ Phủ làm bài thơ nầy để tưởng nhớ đến ông ( không biết ông đã được tha ).
2. Thiên mạt : là bên trời, góc trời, chân trời.
3. Hồng Nhạn : là loài chim nhạn lớn, Xưa có truyền thuyết " Hồng nhạn truyền thư ", nên Hồng nhạn là chỉ tin thơ.
4. Mệnh Đạt : là Vận mệnh tốt, hiển đạt, có địa vị trong xã hội
5. Si Mị : là 2 loài yêu tinh quỷ quái ở trong núi rừng, ao đầm, chuyên hãm hại người lành.
6. Mịch La : là con sông tên Mịch La, phát nguyên ở tỉnh Giang Tây, chảy vào tỉnh Hồ Nam. Đại thi nhân Khuất Nguyên đã nhảy xuống đây để tự trầm.

【全詩串講】
天際秋風乍起,冷颼颼使人覺得悲涼。
遙望雲天,向朋友問一聲近來怎麼樣?
不知何時能看到捎來你書信的鴻雁,
江湖上風波險惡啊,你可要小心點。
文才出眾的人,命運中總是多磨難。
鬼怪喜歡害人,只要你走過它面前。
料想你會同屈原的冤魂互相訴委屈,
把你的詩歌投入汨羅江,贈送屈原。

Bên trời chợt nổi trận gió thu hiu hắt, xin hỏi người quân tử gần đây như thế nào ? Không biết bao giờ mới có tin của bạn do hồng nhạn đưa sang. Người có văn tài xuất chúng thường hay gặp vận không may, những loài yêu ma quỉ quái thường hay bức hại những người qua lại. Nghĩ rằng bạn có thể cùng với oan hồn của Khuất Nguyên bày giải nỗi niềm, nên mới bỏ thơ nầy xuống sông Mịch La mà tặng cho Khuất Nguyên.

【言外之意】
殷切的思念,細微的關注,發自內心的真摯情感,以及替友人作的聯想,一一道來,使讀者猶如展讀一封朋友的來信,倍感親切。

Thương nhớ thiết tha, quan tâm chu đáo từng chút một, là tình cảm chân thành phát xuất từ nội tâm quan tâm tới bè bạn, mỗi một lời một chữ đều thân thiết như một bức thơ của bạn bè mở ra trước mắt.

DIỄN NÔM:

Gió thu nổi ven trời,
Bạn hiền đã sao rồi?
Tin nhạn bao giờ tới,
Sông hồ nước vẫn trôi.
Văn chương bất đắc chí,
Yêu quái mặc rong chơi.
Oan hồn cùng yên ủi,
Mịch La thơ tặng người!

Lục bát:

Gió thu hiu hắt bên trời,
Hỏi người quân tử độ rày ra sao?
Trông tin hồng nhạn biết bao,
Sông hồ giờ đã dâng trào nước thu.
Văn chương ghét kẻ ôn nhu,
Đầy đường ma quái như thù ghét ghen,
Oan hồn cùng tỏ nỗi niềm,
Mịch La thơ trút niềm riêng tặng người!

Đỗ Chiêu Đức.
* * *
Khuất Nguyên

Chiến Quốc thi hào có Khuất Nguyên
Quan trường thất chí tựa người điên
Tự trầm mất xác không tha hóa
Chả thiết nghe lời lắm xỏ xiên
Thiên Vấn lạ lùng vang mấy thuở
Ly Tao bi thiết động thiên niên
Mồng năm Đoan Ngọ người thương tiếc
Tục Việt ai bày cúng tổ tiên?

Cao Linh Tử
29/10/1011
* * *

Bài Học Khuất Nguyên

Ngậm ngùi thân phận một người điên! 
Bộ óc siêu phàm nơi Khuất Nguyên 
Trí giả lược thao lòng chính trực 
Ngu trung bám víu lũ quàng xiên 
“Ta trong…” gây thảm sầu vong quốc 
“Đời đục…” lưu hờn đến vạn niên 
Đoan Ngọ nhắc chừng bài học thức 
Oan hồn kẻ sĩ ... mộng thần tiên!

Nguyễn Đắc Thắng
20150619
* * *
Khuất Nguyên

Mùng Năm Đoan Ngọ với Khuất Nguyên,
Trẻ nít thôn quê tưởng giả điên,
Lề thói xưa nay thành nếp cũ,
Lễ nghi tục lệ chớ quàng xiên.
Nhiều nơi hái lá phơi khô cất,
Lắm chỗ nhìn trời tuổi thiếu niên.
Mắt chớp như sao đời vẫn đẹp,
Hàn huyên xôm tụ khỏe như tiên

Mai Xuân Thanh 
Ngày 20 tháng 06 năm 2015
* * *
Uống Nước Lá Mồng Năm

Hái thuốc trên non Điếu Khuất Nguyên,
Mồng Năm mất tích đã lưu truyền...
Dân gian theo lệ lên rừng núi,
Đoan Ngọ đúng giờ hái lá liền...
Phơi nắng hương thơm chờ nấu uống,
Đầy nong mùi vị " ú tro " tiên...
Xôi chè trẻ nít mừng như Tết,
Chế biến ăn thêm cũng rẻ tiền...


Mai Xuân Thanh 
* Lúc nhỏ ở thôn quê ghi nhận theo lời kể của bà ngoại:
Lá mùng năm có thể nấu nước cho sản phụ uống lúc xưa ở nơi thôn giả, nhà nghèo phải nghe theo sự chỉ bảo của các bà mụ đỡ đẻ ở trong quê...
Ngày Mùng Năm Tháng Năm Ất Mùi nhằm ngày 20 tháng 06 năm 2015

Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

Dòng Sông Trôi


Chiều chiều ra ngắm dòng sông
Nhìn con nước lớn, nước ròng đầy vơi
Mơ em, nước đổ ra khơi
Nhớ em, nước thẩn thờ trôi về nguồn
Yêu em, nước xoáy cuộn tròn
Thương em sóng vỗ dâp dồn không nguôi
Nước đầy tình rộng lòng côi
Bên dòng sông chuyển tôi ngồi đợi em

Lê KimThành

Thơ Bay Trong Gió


Hương xuân trong gió mênh mang
Bước em khe khẻ dịu dàng bên anh
Bên cầu giòng nước uốn quanh
Trên trời mây trắng xây thành ươm mơ

Đêm nay trăng sáng lầu thơ
Soi chung bóng nguyệt ngẩn ngơ đôi lòng
Thơ tình cùng họa chung vần
Thả tung theo gió mộng gần bay xa

Trăm năm tình đẹp như hoa
Nở thơm một cõi như là thiên thai
Hoàng hôn tím ngát chân mây
Ta mơ hạnh phúc sum vầy bên nhau.

Hoàng Kim Mimosa


Thấy Bóng Chẳng Hình


Nhớ em thấy bóng chẳng hình
Thấy trăng trước ngõ thấy mình bơ vơ
Bỏ đi từ đó đến giờ
Khi nào em nghĩ thằng khờ năm xưa
Thằng khờ đợi gió đội mưa
Đợi bao nhiêu khổ ngóng chờ ánh trăng
Gió lay mờ tỏ bóng hằng
Mà anh cứ ngỡ bước chân ai về
Nhớ mòn giấc ngủ cơn mê
Thấy hình chẳng bóng nằm kề song song
Đời anh mộng thực quay mòng
Như con cá nược lội vòng theo ghe

Trần Phù Thế
(Trích từ Thi Tập Cõi Tình Mong Manh)

Khi Em...Thì Anh


Khi em đang ngủ giấc say nồng
Anh sẽ làm trăng chếch khoảng song
Khoác mảnh tơ vàng lên vóc ngọc
Đường cong, nét lượn...đẹp vô cùng!

Khi em dạo bước ở trong vườn
Trên thảm cỏ mềm lấm tấm sương
Anh : ánh nắng mai xuyên tán lá
Tô môi đỏ thắm...một trời thương!

Khi em tà lụa bước qua cầu
Anh sẽ làm cơn gió thoảng mau
Vạt áo lật tung, tay luống cuống
Đỏ bừng đôi má...dị chưa nào!

Khi em sầu mộng, mắt mơ màng
Mây trắng- anh mời em bước sang
Cỡi gió đôi ta vào vũ trụ
Tâm hồn phơi phới, dạ miên man!

Phương Hà
* * *
Cảm Tác: Nếu Anh Là Em Sẽ Là

Nếu anh là...gió thổi mơn man
Em sẽ là..hoa sắc chẳng tàn
Gió thoảng hương bay tình trổ nhụy
Ngọt ngào,triều mến khó ly tan

Nếu anh là...mưa tưới mỗi chiều
Em sẽ ...đồng xanh thật đáng yêu
Chồi nụ bừng lên cho sức sống
Cho đời ta đở bớt cô lieu

Nếu anh là...sóng biển lênh đênh
Em chiếc thuyền con nổi dập dềnh
Sóng đẩy đưa thuyền vào cỏi mộng
Chúng mình vui sống chẳng buồn tênh

Nếu anh ...giòng nướcchảy êm xuôi
Em cánh bèo trôi khắp nẽo đời
Nước sẽ đưa bèo đi vạn lối
Cho tình mãi đẹp giữa trùng khơi

Song Quang
* * *
Bài Cảm Tác: Anh Và Em

Đồng thanh tương ứng, bạn mình vui,
Đồng khí tương cầu, xẻ ngọt bùi...
Có bạn tâm giao tình biết mấy,
Không ai thù tạc nhớ khôn nguôi...
Cánh bằng đôi bạn cùng bay mạnh,
Ngựa chiến song phi nước đại rồi.
Một kiếp trọn tình luôn gắn bó,
Muôn đời mãn nguyện được chung đôi!

Mai Xuân Thanh
Ngày 10 tháng 06 năm 2015
* * *
Anh Và Em

Anh là ngọn gió đồng sâu ẩm
Say đắm hôn nhàu những đóa hoa
Em ngã đài son tô điểm phấn
Khơi vòi nhụy mở cánh vương xòa

Anh là cơn lốc đem mưa đổ
Tưới nụ chồi non hé mắt nhìn
Hoa lá nở tươi bừng sức sống
Chào em lơi lả nụ cười xinh

Anh là con sóng từ xa tắp
Đón cánh buồm em thả gió yêu
Sóng nước say tình buồm ngã ngớn
Trôi vào cõi mộng dáng liêu xiêu

Anh là khung cảnh trời cao rộng
Đón cánh diều em lạc cõi ru
Vun vút lên cao bay thỏa thích
Dặt dìu tiếng sáo rợp trời thu

Anh là trăng bạc đêm soi sáng
Em đóa quỳnh hương tỏa ngạt ngào
Vũ điệu nghê thường say bất tận
Nguyệt-hoa âu yếm giữa trời sao.

Anh là dòng nước phương vô định
Hướng cánh bèo em đã định làn
Hò hẹn một đời rồi ấp ủ
Lênh đênh khắp nẻo ánh chiều tan.
***
Dù đóa hoa xưa giờ đã héo
Vẫn còn tình mộng buổi mưa chan
Dù cánh diều xa xa tít tắp
Vẫn còn sợi gió bước lang thang

Dù cánh buồm xưa trôi lạc lối
Vẫn còn sóng biếc vẳng rì rào
Dù cánh quỳnh xưa nằm lặng lẽ
Vẫn còn trăng tỏa bóng hanh hao

Tình ta ngàn thuở không phai nhạt
Nghĩa mãi mặn nồng những tấc hơi
Một kiếp nhân sinh dài mấy quãng
Thủy chung một quãng quyện khôn rời.


Nguyễn Đắc Thắng
20150618

Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

Chúc Mừng Sinh Nhật Lương Minh Điều 17/6


Huỳnh Hữu Đức, Suối Dâu, Kim Phượng, Kim Oanh

Nửa Giấc Mộng Đời - Thơ Yên Dạ Thảo - Hương Chiều Ngâm


Xin nhấp vào Link: Nửa Giấc Mộng Đời 

Thơ: Yên Dạ Thảo

Diễn Ngâm: Hương Chiều

Không Gian Xanh


Núi rừng xưa giờ đây cằn cỗi!
Mưa đầu mùa nổi Bấc lạnh run
Phong ba bão táp cơn khùng ập
Vần vũ trời dồn dập phương Nam

Hư danh hám lợi quên lời hẹn
Vùi dập núi rừng chẳng vẹn nguyên
Dử đem khí độc hả hơi truyền
Hiền lành rừng núi còn đâu nữa!

Ta về đây hồn giữa bâng khuâng
Lỗi thề tao ngộ đã bao lần
Trong mơ áo trận rừng năm cũ
Trót phũ phàng đổ tội tha phương

Đêm rừng núi phố phường hương nhạt
Bóng Hè còn phiêu bạt về đâu
Từ độ đi vẫn mãi Hè rầu
Pha chút lạnh mưa đầu mùa nhớ!

Mây gió bạc, núi rừng bỡ ngỡ
Bao Thu qua không chở Hè về
Để lâu sợ hương Hè loạn nhịp
Có dịp nào giúp đỡ Hè đau

Mau qua đêm trời vừa hừng sáng
Mang thiên nhiên về lại núi rừng
Con núi rừng vui mừng ở lại
Chờ đợi ngày xanh thẳm không gian!

Vĩnh Long 19-6-2010
Lê Kim Hiệp

Tư Mã Thiên Nhẫn Nhục Viết" Sử Ký"

Câu "Sĩ khả sát bất khả nhục" đã nói lên tiết tháo của kẻ sĩ ngày xưa. Tuy nhiên vẫn còn đó những tấm gương nhẫn nhục lưu danh hậu thế. Chúng ta cùng đến với Sử gia Tư Mã Thiên.
***
Ngày xưa, một người bị tội xử cung hình coi như không còn là con người nữa, đó là một nỗi nhuc không gì so sánh.Thế nhưng Tư Mã Thiên đã nén và bước qua nỗi nhục này để lưu cho đời sau bộ danh sử "Sử Ký Tư Mã Thiên".

Tư Mã Thiên Nhẫn Nhục Viết" Sử Ký"


Tư Mã Thiên (145 TCN-86TCN) tên tự là Tử Trường, là tác giả bộ Sử Ký (史記); với bộ sử đó, ông được tôn là Sử thánh, một trong10 vị Thánh trong lịch sử Trung Quốc.
Ông làm chức Thái sử lệnh (太史令) rồi Trung thư lệnh, đời nhà Hán. Sử Ký là công trình sử học lớn nhất của Trung Quốc và là một trong những quyển sử có tiếng nhất của thế giới. Đặc biệt bộ sử này còn là một trong những tác phẩm văn học ưu tú của nhân loại. Bộ sử vĩ đại này miêu tả tổng quát vềlịch sử Trung Quốc bao trùm 2.000 năm từ Hoàng Đế đến đời Hán Vũ Đế Công trình này là nền tảng cho các phát triển sau này trong sử học Trung Hoa.Với tác phẩm bất hủ “Sử Ký” hay còn gọi là “Ghi chép của ômg Thái sử” (Thái sử công thư), ông được coi là nhà chép sử đầu tiên và vĩ đại nhất Trung Hoa. Tư Mã Thiên lớn lên trong một gia đình có truyền thống viết sử. Cha ông, Tư Mã Đàm, làm Thái sử lệnh của nhà Hán.

Tư Mã Đàm chịu trách nhiệm theo dõi các hiện tượng thiên văn và xem ngày cho các buổi lễ, cũng như ghi chép lại những sự kiện hàng ngày ở trong triều. Khi còn nhỏ, dưới sự dìu dắt của cha, Tư Mã Thiên rất chịu khó nghiên cứu lịch sử và các tác phẩm kinh điển.
Năm 126 trước CN, Tư Mã Đàm sắp xếp một chuyến chu du thiên hạ cho đứa con 20 tuổi của ông. Trong chuyến đi, Tư Mã Thiên đã thăm các công trình cổ xưa và lăng mộ của các vị Hoàng Đế vĩ đại trong quá khứ. Ông ham mê nghiên cứu các bộ sưu tập lịch sử phong phú của những tác giả đời trước, trong đó có Khổng Tử và đã thu hoạch được rất nhiều lợi ích từ cuộc hành trình này.
Sau khi quay trở về kinh đô, Tư Mã Thiên được cử làm vị trí Lang trung tham dự vào triều chính và có nhiệm vụ đi cùng Hán Vũ Đế kiểm tra từng khu vực. Dù đi đến đâu, ông luôn thu thập và biên soạn lại những câu chuyện lịch sử ở các địa phương

Khoảng năm 110 trước CN, Tư Mã Đàm đổ bệnh. Trước đó ông đã bắt đầu một kế hoạch đầy hoài bão của mình, đó là viết bộ Sử ký đầy đủ đầu tiên về Trung Hoa, bao trùm 2000 năm lịch sử từ triều đại Hoàng Đế đến triều đại Hán Vũ Đế.
Biết mình không thể qua khỏi, Tư Mã Đàm vội bảo người con trai tiếp tục sứ mệnh quan trọng này. Tư Mã Thiên đã thề nguyện sẽ hoàn thành tác phẩm của cha ông.
Tư Mã Thiên sau đó kế thừa vị trí Thái sử lệnh của cha.
Ông tin rằng một nhà viết sử cần phải công bằng và độc lập, hơn là phục vụ cho sự yêu cầu của riêng Hoàng đế.
Để ghi chép về các nhân vật và sự kiện lịch sử một cách khách quan và công bằng, ông đã cống hiến phần lớn thời gian và nỗ lực để thu thập và chứng thực các chi tiết lịch sử. Ông đã luôn trung thực, làm tốt nhất để đảm bảo rằng những ghi chép là toàn diện và không có thiên kiến.
Một thử thách mà Tư Mã Thiên phải trải qua là làm thế nào để ghi lại việc làm của các Hoàng Đế hiện tại và trong quá khứ. Cuối cùng, ông quyết định ghi lại tất cả sự việc, cả việc tốt lẫn việc xấu. Tuy nhiên, điều này không hợp với ý của Hán Vũ Đế.

Tư Mã Thiên 司马迁 bắt đầu viết bộ Sử kí 史记 là vào năm 42 tuổi, vừa mới viết được 5 năm thì đại hoạ giáng xuống đầu. Lí Lăng 李陵, người đảm nhiệm chức Đô uý, thống lĩnh 5000 nhân mã đi đánh Hung Nô, kết quả bị 3 vạn kị binh của Thiền vu vây chặt. Mặc dù Lí Lăng và sĩ binh ra sức chiến đấu, nhưng vì quả bất địch chúng nên đã bại trận, chỉ có hơn 400 binh sĩ thoát được trở về. Lí Lăng bị Hung Nô bắt đầu hàng. Sự kiện này chấn động triều đình trên dưới, quần thần khiển trách Lí Lăng không nên tham sống sợ chết đầu hàng Hung Nô. Khi hoàng đế hỏi ý kiến của Tư Mã Thiên, Tư Mã Thiên dựa vào sự hiểu biết của mình về Lí Lăng, cho rằng Lí Lăng không phải là người tham sống sợ chết, bộ binh mà Lí Lăng thống lĩnh chưa đến 5000 người, thâm nhập vào đất địch đánh với mấy vạn quân Hung Nô, tuy nói là bại trận, nhưng cũng là trong tình lí. Lí Lăng không chịu chết ngay lúc đó chắc có lí do riêng, nhất định muốn đem công chuộc tội báo đáp hoàng thượng. Hoàng đế lại cho rằng Tư Mã Thiên vì việc Lí Lăng đầu hàng nói đỡ để thoát tội nên lấy tội danh đối kháng triều đình bắt Tư Mã Thiên giam vào ngục. Sau khi bị giam vào ngục, Tư Mã Thiên đã bị một hình phạt tàn khốc, đó là cung hình.

Tư Mã Thiên nghĩ rằng: không có nỗi nhục nào hơn nỗi nhục cung hình. Người bị cung hình không thể xem là con người. Nỗi đau khổ trong lòng Tư Mã Thiên đã vượt hơn nỗi đau thể xác cả ngàn vạn lần. Lại thêm mọi người chê cười, bạn bè thân thích xa lánh, Tư Mã Thiên đau buồn đến mức không thiết sống. Giữa vấn đề sống và chết, Tư Mã Thiên phải nhẫn nhịn chịu sỉ nhục, chịu sự chê cười của mọi người, sống một cuộc sống không phải nam không phải nữ. Tư Mã Thiên nghĩ đến Khổng Tử gặp hoạn nạn mà viết nên bộ Xuân Thu 春秋, Tôn Tử bị cắt gót chân mà viết nên bộ Binh pháp 兵法, Khuất Nguyên bị đuổi mà viết nên Li Tao 离骚. Những vĩ nhân này sau khi gặp đại nạn đều nhẫn chịu nỗi giằn vặt mà viết sách. Bộ Sử kí của mình vừa mới bắt đầu, sao không nhẫn nhục để hoàn thành? Như vậy, để hoàn thành bộ Sử kí, một công trình vĩ đại, Tư Mã Thiên đã lấy tinh thần kiên cường ẩn nhẫn và dũng khí quên mình để viết. Nỗi xấu hổ, sỉ nhục, phẫn nộ, tất cả ngưng tụ vào ngọn bút, Tư Mã thiên bắt đầu giai đoạn từ thời đại Hoàng Đế 黄帝 trong truyền thuyết đến năm Thái Thuỷ 太始 (1) thứ 2 đời Hán Vũ Đế (năm 95 trước công nguyên), biên soạn nên bộ trứ tác đồ sộ, được Lỗ Tấn 鲁迅 đánh giá là:

Sử gia chi tuyệt xướng, vô vận chi Li tao
史家之绝唱, 无韵之离骚

Sử ký dài 526.000 chữ, chia làm ba mươi chương. Nó không những là pho sử chính trị, xã hội, kinh tế mà còn là lịch sử đầy đủ về học thuật, văn hóa, các gương mặt danh nhân đất nước từ vua chúa, triết gia, chính trị gia, nhà văn, thương gia, hiệp khách… Nó là một kho tư liệu vô giá và chính xác được làm bởi một năng lực tổng hợp cao những tư tưởng vĩ đại, những hình tượng chân thật và sống động, những tâm sự đau đáu mang sức mạnh thi ca. Tư Mã Thiên là người tổng kết văn hóa Trung Quốc lần thứ hai sau Khổng Tử với công lao không kém gì vị sư biểu này. Tác phẩm không nhằm viết ra để cầu lợi cầu danh. Nó được công bố sau khi ông qua đời khá lâu, do người cháu ngoại Dương Vận thời Tuyên đế thực hiện.
Sử ký là một kiệt tác về lịch sử, đồng thời là một kiệt tác về văn học cổ điển mang tầm nhân loại, một tập “Ly tao không vần” ( Lỗ Tấn). Về sau, suốt 2.000 năm các sử gia khác của Trung Quốc đã theo gương ông để viết Nhị thập tứ sử (24 bộ chính sử).
Nghị lực sống chiến thắng tất cả, Tư Mã Thiên đã nêu cho đời một tấm gương sáng: hy sinh cái nhỏ để phụng sự mục đích lớn.

***
Theo : vietdailynguyen.com - vikypedia.com - vanhoanghean.com - "Tư Mã Thiên Nhẫn Nhục Tả Sử Ký" (Người dịch Huỳnh Chương Hưng)

Huỳnh Hữu Đức biên soạn

Còn Nhớ Hay Quên?



Dòng sông Hậu
Bên bồi_bên lở
Áo lụa Hà Đông thơm vương nụ Tầm Xuân
Ai về nơi ấy - quên hay nhớ ?
Nắng miền Nam_Mưa xứ Bắc - có gần?

Đường dịu vợi lòng nào luôn trăn trở?
Có chút buồn bay theo gió tháng mười
Mái chèo khua vẫn mang đầy nỗi nhớ
Những dành riêng - để cho ta hay người?

Ký ức nào đong đầy qua năm tháng
Của một thời mắt biếc mãi xa xôi
Cơn mưa bão giăng ngang ngoài khung cửa
Ta thả hồn theo từng giọt nước trôi.

Dòng sông Hậu vẫn bên bồi_bên lở
Còn nhớ hay quên - một thoáng bên người?

Tú_Yên

Thứ Ba, 16 tháng 6, 2015

Thơ Tranh: Buồn

Pleiku còn đó nỗi buồn


Thơ & Thơ tranh: An Nguyen

Hương Thu Mấy Độ



( tặng Linda Đ.)

Thu về, chiều tím lối đi
Lá xanh chợt úa, làn mi khép hờ
Phượng tàn phai sắc hồng mơ
Nửa buồn chợt đến, nửa mờ hồn tan..

Thu vừa sang, lá nhuốm vàng
Tóc em xõa lấp.. nắng tàn chân mây
Dấu tình réo gọi ngàn cây
Lá vàng giẫy giụa, cuộn đầy sân em..

Làm sao tỏ được nỗi niềm
Làm sao em hiểu niềm riêng lạnh lùng..?
Nhớ em, ôi, nhớ tận cùng!
Hương thu yên ắng, ngập ngừng gót chân..

Ngại ngùng vàng rụng bâng khuâng
Thu về mấy độ,..hanh hanh dịu dàng
Đêm thu khơi mối thương tràn
Đợt mưa thu cũng vội vàng.. cuốn qua…

VA, 30 tháng 10, 11
Bùi Thanh Tiên 

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

Souvenir Inoubliable - Kỷ Niệm Khó Quên


Les voici ces hauts pins! 
Où es-tu ce matin? 
Sans toi, tout devient vide, 
Je me sens très triste.
Souviens-tu ces précieux
Moments du temps passé, de l’autômne adorée dans la colline silencieuse.
Suis seule avec nature, ramassée souvenirs. 
Le doux vent qui murmure Viendra pour te dire:
Suis avec toi toujours... 
Mon coeur et mon amour!!

Nguyễn Thị Phương Lan

*** 
 Kỷ Niệm Khó Quên

Trông kia sừng sững ngàn thông
Sáng mai trời ngập nắng hồng, anh đâu? 
Thiếu anh khoảng trống càng sâu 
Lòng em hoang vắng nỗi sầu dâng cao. 
Nhớ chăng anh, ngày tháng nào? 
Mùa Thu rực rỡ lũng sâu im lìm 
Đơn côi nhặt kỷ niệm buồn 
Hắt hiu gió nhẹ như tuồng thở than. 
Theo anh cuối bãi đầu ngàn, 
Yêu thương với tấm lòng nầy trao anh.

Liberal, Kansas 1988
Mặc Thái Thủy

Xin Cô Tha Lỗi

Trong quãng đời đi học, cô cậu học trò nào cũng có ít nhất một lần làm lỗi và đôi khi có những lỗi khiến người đó ân hận suốt đời. Tôi sẽ kể cho các bạn nghe một chuyện làm lỗi của tôi thời tiểu học.
Năm ấy là 1958, tôi vừa học xong lớp tư ở chi nhánh 2 trường tiểu học Gò Vấp thì được chuyển sang chi nhánh 1 ở ngay bên hông tòa hành chánh quận, lớp 3F, do cô Phạm Kim Ngọc làm giáo viên hướng dẫn.
Lớp 3F, do cô Phạm Kim Ngọc làm giáo viên hướng dẫn 1958-1959.

Cô Ngọc, một giáo viên trẻ, người miền Bắc, có vóc dáng thanh thanh và mái tóc chải tém trông rất dễ thương, vừa nhìn thấy cô là tôi có cảm tình lền.
Năm học ấy của tôi là một năm học rất thành công, tôi đạt điểm tối đa cả về học và hạnh, đứng đầu lớp, do đó rất được cô cưng, đàng khác năm 1959 cha tôi lại bị bệnh mất, việc đó lại càng làm tăng tình ưu ái cô dành cho tôi.
Hè năm ấy, cô cùng 3 cô giáo lớp khác tổ chức một cuộc du ngoạn ở Vũng Tàu và Phước Hải, mỗi học sinh muốn tham dự phải đóng lệ phí 40 đồng nhưng tôi thì cô miễn, vì là học trò giỏi và con mồ côi.

Đoàn xe đò 2 chiếc khởi hành từ trường chánh phía trên đầu chợ lúc gần 8 giờ và đưa chúng tôi ra xa lộ Biên hòa, nhắm Vũng Tàu trực chỉ. Vui lắm, vì đó là lần đầu tiên đi chơi xa của tôi, tôi sắp sửa thấy núi, thấy biển và sẽ được tắm biển, leo núi, làm một chuyến "phiêu lưu" nho nhỏ...
Xe tới Bà Rịa lúc 10 giờ và chỉ chừng nửa giờ sau là đã vào thành phố Vũng Tàu, một nơi thật là mới lạ đối với tôi.
Xe tấp vào Bãi Trước và Bãi Sau cho chúng tôi xuống tham quan, đồng thời xuống biển tắm táp rồi lên bờ để ăn trưa, nghỉ ngơi một tiếng để bù lại mấy tiếng ngồi mệt mỏi trên xe. Tuy nhiên, chúng tôi nào có ngủ nghỉ gì được, vì trời nắng nóng quá, ăn xong là chúng tôi lại chạy ào ra bãi biển để... bới cát bắt sò. Bắt sò, vâng, vào thời ấy bãi biển Vũng Tàu nhiều sò lắm, dân địa phương dùng một dụng cụ đơn giản là ống lăn có cánh để bới cát lên, hầu như bới tới đâu, sò hiện ra tới đó. Chúng tôi không có dụng cụ ấy nên bới bằng tay, vậy mà cũng được rất nhiều, có bạn bắt được cả sò huyết to bằng nắm tay.


Vào lúc 1 giờ trưa thì trời bỗng kéo mây vần vũ, các cô giáo ơi ới gọi học sinh trở lên xe vì mưa sắp tới. ào... ào... ào..., mưa từ ngoài biển đổ vào thấy rõ, nó chạy rất nhanh, mới thấy còn ở xa thì nước đã đổ lên đầu, cả bọn con trai, con gái chạy như ma đuổi nhưng quần áo cũng ướt hết trơn, hơi đất bốc lên mù mịt, khét lẹt.
Mưa rơi nặng hạt một lúc lâu thì bắt đầu dịu lại nhưng không ngừng, nó tiếp tục rơi cho đến 3 giờ rưỡi chiều khi đoàn xe chúng tôi qua tới Phước Hải, địa điểm cắm trại, một biệt thự bỏ hoang, nghe nói là vì có ma.
Bao nhiêu năm qua rồi nhưng tôi còn nhớ như in cái hàng rào xây bằng gạch quét vôi trắng có vài chỗ đã sụp đổ, len vào giữa đó là những lá dứa gai có lẽ là cây mọc hoang, bởi căn nhà hoàn toàn không ai ở, trong khoảng sân rộng, cỏ dại mọc đầy, ngọn thấp ngọn cao, ba hướng đạo sinh trong đó có anh cô là huynh trưởng nhảy xuống, dùng rìu phát quang những bụi rậm để có chỗ cho chúng tôi vào sinh hoạt, ăn uống và cắm trại đêm.

Bấy giờ, người chỉ huy chúng tôi không còn là các cô giáo mà là các anh hướng đạo, các anh bảo chúng tôi đem hành lý cất hết vào trong căn nhà cho gọn rồi ra sân sinh hoạt, lối sinh hoạt truyền thống của hướng đạo sinh.
Sau màn sinh hoạt, các anh phân công: con trai thì xách thùng đi xách nước, con gái thì chuẩn bị lo nấu ăn. Lũ con trai chúng tôi hí hởn, vì chỗ lấy nước khá xa, chúng tôi tha hồ lang thang đùa giỡn, miễn sao có nước mang về. Tôi đi chỉ đúng có hai chuyến thì mỏi dừ cả cánh tay, đành nhường cho mấy anh khỏe mạnh (thời ấy tôi là một trong hai đứa nhỏ con nhứt lớp, trong lớp tôi có mấy người đã gần đủ tuổi để lấy vợ). Không đi xách nước, tôi đi lang thang hết ngoài bãi biển lại đến trong căn nhà, để xem... ma nấp ở đâu.
Phải nói là thời đó tuy tôi bé loắt choắt nhưng rất bạo gan, nghe nói nhà có ma, tôi đi hết phòng nọ lại phòng kia, xong còn chui cả xuống tầng hầm tối đen như mực.
Cũng ghê rợn đó, vì nó lạnh lẽo âm u và trên vách có đủ thứ hình ma quái do các đoàn người đi trước để lại, nhiều nhất là hình xương người bắt tréo, ở giữa có cái đầu lâu. Như trong một truyện đăng năm nào trên Phù sa sông Cửu tôi có nói, chui xuống đó một hồi, tôi trở lên với một vỏ dừa khô và khoe với các bạn rằng mình đã gặp được ma và đây là "chiến lợi phẩm": cái đầu lâu gõ nghe cóc cóc...


Trời sụp tối nhanh vì vừa qua một trận mưa, trong sân, các anh hướng đạo đã căng bạt, dựng lều, làm chỗ cho đám nữ sinh ngủ, riêng bọn nam sinh thì phải ngủ trong căn nhà ma (ngủ trên lầu, vì trên lầu tương đối sạch sẽ hơn bên dưới).
Có tiếng bát đũa gõ leng keng và tiếng hát của vài ba anh "Giờ cơm tới rồi, giờ cơm tới rồi...", tiếng Bắc kỳ của một cô giáo "Các em ra xơi cơm đi nào", sau tôi mới biết đó là tiếng của cô Nhiệm, bạn thân của cô giáo tôi và là chị của cô Hà, cô sẽ dạy tôi năm kế tiếp.
Tôi còn đang xớ rớ xa xa thì thấy cô Ngọc từ trong đám đông đi lại. Âu yếm như một người chị đối với đứa em, cô dắt tôi ra chỗ để nước và bảo tôi rửa tay, xong, cô tự tay bới cho tôi một bát và đưa cho tôi đôi đũa.
- Cơm nếp đấy, đã có rắc muối vừng, nếu thấy chưa đủ thì vào lấy nhé.
Tôi bưng chén cơm và đi tìm một chỗ để ngồi ăn. Tuy nhiên, chỉ ăn chừng ba đũa là tôi thấy nhạt nhẽo làm sao, bởi món rau ghém với cơm này là bắp chuối bào và rau muống bào, những thứ đi với muối mè thì không hợp, tôi nghe xam xảm trong miệng, chẳng ra hương vị gì.
Phải nói thật lòng, tôi không phải là đứa kén ăn, song một vị như thế thì tôi không thể nào nuốt nổi. Giá mớ nếp này nấu thành xôi thì dễ ăn hơn. Biết làm sao bây giờ?

Tôi đứng dậy, giả vờ vừa đi vừa ăn, tiến dần ra phía sau nhà, nơi ấy giáp ranh với bìa rừng, có nhiều bụi rậm. đi tới đi lui, thấy không có ai nhìn, tôi chọn một bụi cây kín đáo và trút cả vào trong đó.
Nhẹ nhõm, tôi bước trở ra, miệng giả vờ còn nhai nhóp nhép. Tôi cầm chiếc chén đã vơi đi về phía thau nước để bỏ vào trong đó cho bọn con gái rửa. Trông thấy tôi, cô Ngọc hỏi: "Em ăn đã no chưa ?" Tôi đáp: "Thưa cô, đã no rồi ạ."
Lần đầu tiên trong đời, tôi nói dối! để lấp đầy khoảng trống trong bụng, tôi đi tìm nước uống rồi đi lang thang ra bãi biển, nơi sóng đánh ầm ầm. Trên bãi biển chiều hôm, tôi bắt được mấy con dã tràng nho nhỏ, nghĩ bụng giá có lửa, nướng nó ăn, tiện đó, nướng luôn mớ sò bắt được hồi trưa, ăn cho đỡ đói, nhưng chỉ nghĩ thế thôi chứ nào làm được gì.

Tôi không bao giờ nghĩ được đêm đó tôi đói như thế nào, bởi vì sau một ngày đi đường xa, trong người nghe mệt lã, buổi trưa trên xe, tôi lôi cả 3 ổ bánh mì mà mẹ tôi đã xắt lát và nướng cho tôi ăn lúc đi đường, đem chia hết cho các bạn.
Tội nghiệp cô giáo tôi lắm, lúc khoảng 9 giờ, cô dẫn tôi lên lầu, lấy chổi quét sạch một khoảng sàn phía balcon và trải bạt ra đó, đưa cho tôi một cái mền mỏng của chính cô, bảo tôi ngủ ở đó, xong còn dặn anh trưởng lớp nằm chặn phía ngoài kẻo tôi ngủ mê rồi lăn té xuống lầu.
Sự ân cần chăm sóc của cô quá vô ích, bởi vì đêm đó tôi không ngủ được, thứ nhất là vì lạ giường lạ chiếu, thứ hai là vì nhớ nhà và thứ ba là vì đói, cái đói bắt đầu hành hạ vào lúc khoảng ba giờ khuya, khi tôi nghe từ bên dưới bay lên một mùi thơm của chè, các cô giáo thức đêm cùng đám nữ sinh chơi lửa trại.

Vũng Tàu Bãi Trước
Tất nhiên với tư cách một đứa học trò cưng, tôi có quyền chạy xuống xin cô cho một, hai chén, nhưng làm như vậy tôi sẽ để lòi ra tội nói dối buổi chiều. Cái tự ái của tôi lớn lắm, thà chết chứ chẳng thèm xin! đến khoảng 4 giờ rưỡi sáng thì tiếng nói chuyện ồn ào bên dưới nhỏ dần, tôi biết là lửa đã tàn và mọi người đã đi ngủ. Gần về sáng, tiết trời mỗi lúc một lạnh vì sương xuống và gió từ ngoài biển thổi vào, tôi nằm khoanh mình như con tôm, nghe cái tái tê thấm sâu vào từng sớ thịt. Tôi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ em. Chưa bao giờ tôi xa gia đình như vậy, từ trong rừng sâu núi thẳm, tiếng khỉ khè khè khẹt khẹt, tiếng vượn hú suốt đêm, còn ở ngoài xa kia, sóng vẫn triền miên tấp ầm ầm vào các gộp đá.
Khi ở đàng đông hơi rực lên ánh sáng, tôi bắt đầu ngủ được, nhưng nhắm mắt chỉ được chừng hai mươi phút thì bên dưới có tiếng còi, anh huynh trưởng đánh thức mọi người dậy để tập thể dục buổi sáng.

Tôi lồm cồm bò dậy, xếp lại chiếc mền và đem xuống, trả lại cho cô. Cô hỏi tôi ngủ được không, tôi gật gật đầu, nhưng thấy vẻ dã dượi của tôi, chắc chắn là cô biết tôi nói dối.
Trong khi bọn học sinh chúng tôi ra sân tập các động tác hít thở, các cô giáo thi nhau làm thức ăn sáng. Khẩu phần của chúng tôi là mỗi người một ly sữa và một cái bánh bao, bánh bao mua từ trưa hôm qua ngoài chợ Vũng Tàu và sữa là do Mỹ viện trợ. Khẩu phần này thật không đủ để nhét kẽ răng tôi!
Cái tệ hại là ngày hôm ấy đoàn tôi sẽ đi chơi núi, thăm viếng một ngôi chùa. Chúng tôi lên đường lúc 9 giờ 30, có người mang theo thuốc và bông băng cấp cứu.
Tùng, dân Sa đéc, bạn thân của tôi năm ấy, đi cạnh tôi, bạn có lẽ rất ngạc nhiên vì sao tôi bỗng dưng ít nói, khác với mọi khi. Tuy nhiên, chuyện này tôi giữ một mình, không cho ai biết hết...
Trên đường đi lên núi, các bạn tôi hái được một số quả gì đó ăn rất ngon, tôi cũng được chia cho vài quả, tôi hái được một chùm nhưng quả quá chua, đành liệng bỏ, vì ăn vào chỉ tổ bào xót ruột gan.


Đường lên núi cũng gian nan lắm, vì chúng tôi phải vạch cành lá mà đi, trèo qua những gộp đá, có lúc phải đu dây rừng như thể Tarzan. Tuy nhiên, đến lưng chừng núi thì tôi quá mệt và đuối sức, lúc trèo lên một gộp đá, tôi bị hụt chân và té ào xuống, không tài nào thắng lại. Tôi lăn giống như một con vụ, đập mình vào đá và rễ cây, đó đây bật máu, áo tôi bị rách một mảng. Khi không còn lăn nữa, tôi nằm bất tỉnh, ai nấy đều hết hồn.
Mọi người chạy lại đỡ tôi lên, một anh hướng đạo sinh đè tôi và làm hô hấp nhân tạo, lát sau tôi tỉnh thì thấy cô Ngọc ngồi bên, nét mặt âu lo, một cô giáo đang bôi thuốc sát trùng và băng bó cho tôi, mặt tôi có dán một miếng băng keo hình chữ thập. Cô Ngọc ngồi sát bên tôi cùng vài bạn khác, cô lấy dầu măng bôi lên những chỗ bầm nhưng không chảy máu, sau đó bảo Tùng và Khuê (phó lớp) dìu tôi đi.
Rất gian nan, đến 11 giờ 30 tôi mới leo lên đến đỉnh núi trong khi những người khác đã đến lâu rồi và tản ra đi tham quan Phật tự.
Tôi chọn một tảng đá bằng và ngồi phịch xuống, Tùng cũng ngồi xuống cạnh tôi. Tôi bảo "Tùng ơi, đi chơi với họ đi, để tui ngồi lại đây một mình cũng được" nhưng Tùng không chịu, nhất định ngồi lại bên tôi. Nơi đây có lẽ tôi phải nói thêm: Tùng là người đã bênh vực tôi khi tôi bị bạn bè ăn hiếp hay nói rõ ra là hăm dọa đón đường, lý do: tôi được cô giao ghi tên những người nghịch và nói chuyện trong lớp. Từ chiều hôm ấy, Tùng luôn đi về chung đường với tôi và chúng tôi dần trở thành đôi bạn thân, sóng bước bên nhau trên đường đi và về học mỗi ngày. Tùng thương tôi đến mức muốn về sau tôi sẽ lấy Mai, em gái của Tùng, để biến tôi thành thằng em rể. Năm đó, chúng tôi mới học lớp nhì thôi!
. . . . . . . . .
Thời gian đằng đẵng trôi qua, tôi dần xa ghế nhà trường để lên trung học rồi đại học. Trong thời gian đó, thỉnh thoảng mẹ con tôi vẫn đến thăm cô tôi. Nhà tôi thì có vườn cây, quanh năm lúc nào cũng có vài ba thứ trái. Mỗi lần đi thăm cô, tôi đều hái một giỏ trái cây để làm quà, có khi nguyên một trái mít chín, và một lần nọ, tôi đẵn tặng cô một nhánh mai thật to.
Khi cả hai mẹ con cùng đi thăm, trong khi người lớn nói chuyện với nhau, tôi đi ra một góc chơi với đứa em trai của cô tên là Huấn, một cậu bé rất dễ thương, hơi nhỏ tuổi hơn tôi.
Từ năm lên đại học, tôi quên cô giáo của mình, không còn tới viếng thăm nữa. Nói phải tội, nguyên do chỉ vì có bồ, mê cô bồ hơn mê cô giáo !
Xa Lộ Biên Hòa 28/4/1961

Ba mươi mốt năm sau kể từ ngày học với cô, tôi trở thành một anh thầy giáo và kết hôn với một cô giáo. Năm ấy là 1990, vợ chồng tôi có giấy tờ xuất cảnh, chỉ còn chờ ngày lên máy bay. Một hôm, trên đường đi từ Sài gòn về nhà, khi đi ngang ngã tư xa lộ, đột nhiên tôi nhớ lại cô giáo năm xưa và hè năm ấy cô cho tôi đi chơi Vũng Tàu hoàn toàn miễn phí, chiếc xe đã chạy qua ngã tư này, con đường còn xấu lắm... (xa lộ Biên hòa chỉ tốt từ thập niên 60).
Tôi về nhà và kể chuyện ngày xưa cho vợ tôi nghe, bảo rằng muốn dẫn vợ tôi đi tìm cô để thăm, nhân đó nói lời xin lỗi về câu nói dối. Vợ tôi hài lòng.
Vào một buổi trưa, sau khi sắp xếp công chuyện ở nhà, tôi chở vợ tôi đi tìm nơi con hẻm cũ. Sau bao nhiêu năm trời, tiệm phở Tiến Lợi (*) nơi đầu hẻm vẫn còn, nhưng khi đi vào thì tôi nghệch mặt vì khung cảnh quá đổi thay, không còn nhìn ra nhà nào là nhà cô nữa.
Hai vợ chồng hỏi thăm nhiều người trong xóm nhưng họ đều trả lời rằng không ai biết cô Ngọc là ai. Chúng tôi không nản chí, đi tới đi lui rất nhiều lần, gặp ai cũng hỏi.

Thế rồi trong lúc sắp tuyệt vọng, tôi chợt nhìn thấy một bà cụ mái tóc bạc phơ đang ngồi chải tóc. Một linh cảm thoáng vụt trong lòng, tôi dừng xe lại và nhìn kỹ. Theo dáng vẻ thì rõ đây là người miền Bắc, một chi tiết đáng lưu ý. Vì hơi chói nắng, tôi không nhìn rõ những đồ vật trong nhà, nhưng nhìn một hồi, tôi thấy lờ mờ dạng một chiếc tủ gụ đen, đóng theo lối miền Bắc, đặt ngay sau cánh cửa sổ. Tôi bảo vợ tôi "Chắc là nhà này, anh thấy có cái tủ đó có vẻ quen quen... để xem còn cái gì quen nữa không..."
Tôi vụt hô lên: "Có, cái ghế xích đu nằm sau giàn trầu bà, bao nhiêu năm rồi vẫn y như ngày xưa !"
Ngay lúc ấy, từ trong nhà một người đàn ông trung niên đẩy một chiếc xe gắn máy đi ra. Tôi nhớ ngay đến Huấn, nhưng Huấn bây giờ sao trông lạ quá...
Không ngại ngùng gì cả, tôi gọi ngay:
- Ới này anh ấy ơi, cho tôi hỏi thăm chút xíu.
Người đàn ông chậm chạp bước ra.
- Vâng, ông muốn hỏi gì ạ ?
- Thưa, anh có phải là Huấn, em của cô giáo Ngọc không?
- Vâng, tôi là Huấn, nhưng ông là ai mà biết chị tôi?
Tôi sung sướng quá, bảo rằng:
- Không nhận ra học trò cũ của cô Ngọc à? Ngày xưa tôi và mẹ tôi hay ra đây thăm cô nhưng bây giờ thì đi với vợ tôi.
- Ồ, bao nhiêu năm rồi, làm sao nhớ nổi, nhưng nói vậy thì liền nhớ ra. Mời anh chị vào nhà chơi, chị Ngọc tôi đã có chồng, không còn ở đây nữa.
- Không sao cả, vấn đề là tôi muốn hỏi địa chỉ của cô Ngọc để đến thăm. Bà cụ kia có phải là mẹ anh không, bây giờ trông cụ già quá.

Vợ chồng tôi vào nhà và lễ phép chào bà cụ. Không như tôi tưởng, bà cụ nhận ra tôi ngay.
- Hơn ba mươi năm rồi đó bác, cháu không nhận ra Huấn mà Huấn cũng không nhận ra cháu, còn bác nhận ra, quả là tài. Cháu tìm nhà nãy giờ đã có hơn một tiếng, hết vòng tới lại vòng lui, cháu nhớ ngày xưa từ đầu hẻm vào đây là 11 căn mà bây giờ con số lại khác, nhưng nhà bác vẫn còn một số món cũ. Này, chiếc ghế xích đu sơn xanh, cái tủ chén bằng gụ, chỉ khác là hồi đó nó nằm ở góc này, bây giờ nằm sang góc khác.
- Thì với thời gian nó phải thay đổi chứ sao. Huấn nó đã có vợ và có hai con, cái Ngọc cũng thế, vợ chồng nó bây giờ ở đường Trương Minh Giảng buôn bán đồ gỗ, nó đã nghỉ dạy lâu rồi.
- Cháu vẫn nhớ cô và thương cô như thời còn đi học. Hôm nay vợ chồng cháu ghé đây là để thăm cô vì sắp tới vợ chồng cháu không còn sống ở đất này. Có thể nào bác cho cháu xin địa chỉ ?
- Tôi không nhớ số, để bảo Huấn nó lấy bì thư ra xem, lâu lâu Ngọc nó lại biên thư về nhà vì bận việc bán buôn nên nó ít khi về lắm.
Hôm ấy, chúng tôi ngồi chơi cũng khá lâu, bẵng đi bao nhiêu năm, biết bao là chuyện.
Tuy nhiên, điều ân hận của tôi là cuối cùng lại không đi thăm cô giáo được, bởi tôi muốn cả hai vợ chồng cùng đi, để tôi xin lỗi cô tôi trước mặt vợ tôi, song trong thời gian sắp ly hương chúng tôi có quá nhiều chuyện để giải quyết, chứ nếu tôi đừng khăng khăng như vậy, cứ một mình đi thăm thì cũng đưọc rồi.


Vì không còn cơ hội nào để chuộc lại lỗi ngày xưa, tôi mãi mãi sẽ ôm thắc mắc này, với một cô giáo hiền lành và dễ thương như cô, sao tôi lại đành lòng đi nói dối? Cái đáng nguyền rủa nhứt là chén cơm cô bới cho tôi, tôi đem đổ hết vào bụi cây, nghĩ về tình thương và sự ân cần săn sóc của cô, tôi thật là mắc cở.
Năm nay thay vì viết những truyện bình thường, tôi viết lại lời tạ tội, dù những lời này không chắc gì thấu đến tai cô.
Phạm Kim Ngọc, cô giáo mà tôi thương nhứt thời còn nhỏ, mong rằng kiếp sau tôi sẽ là học trò nữa, và là học trò của cô.

Montreal, đêm 15/03/2012
Nguyễn Đức Tuấn

(*) Từ Bà Chiểu đi vào, trước khi đụng ngã tư Bình hòa (tức Lê Quang định và Nguyễn văn Học), có một cái hẻm, phở Tiến Lợi nằm ngay đầu hẻm.





Một Đời... - Nợ Duyên



Một Đời

Chiều đi chầm chậm trên không
Hoàng hôn như cũng chờ mong một người
Chia tay giây phút ngậm ngùi
Gặp nhau chi để một đời xa nhau...

Biện Công Danh
***
Nợ Duyên

Nợ duyên có có không không
Tình trong giây phút hoài mong nhớ người
Thiếu ai bóng đổ bùi ngùi
Phố đêm hiu hắt mảnh đời lẻ loi

Kim Oanh
***
Một Đời Nợ Duyên

Một đời duyên nợ nên không???
Mà sao cứ phải chờ mong một người!
Cách xa lòng mãi ngùi ngùi
Phải chi...đừng gặp đâu thời nhớ nhau.
 
Song Quang

* Hình Phụ bản của Biện Công Danh chụp

Kim Trọng Tìm Kiều



Năng lời thề bể chi non xưa
Nên quyết tìm tòi chẳng quản trưa
Góc bể cũng dò cho đến chỗ
Chân trời nào giám ngại mau thưa
Pha sương mái tóc đành cam chịu
Nhem nhuốc hình hài cũng vẫn ưa
Tái ngộ những mong ngày ấy có
Thỏa lòng hả dạ truyện mây mưa

Thái Hanh Viên Ngoại

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2015

Thơ Tranh: Bỏ Lại Dòng Sông


Thơ& Thơ Tranh: Kim Quang


Dòng Sông Cuộc Đời


Đời người chẳng khác một dòng sông
Đỉnh núi, băng tan, suối lượn vòng
Qua cánh rừng già, thêm xác lá
Vào hang thạch nhũ, nhận vôi nồng
Lũ tràn dữ dội trên triền dốc
Nước chảy miên man giữa cánh đồng
Bồi đắp phù sa nơi cửa biển

Cuối cùng hòa nhập với mênh mông...

 Phương Hà

Nghỉ Hè


Thấm thoát qua đi một năm,
Mãn khóa đưa xe rước nằm đợi chờ...
Học trò tạm biệt bơ vơ,
Chia tay tản mát ai ngờ xa nhau.
Nghỉ Hè kẻ trước người sau,
Tâm tư lặng lẻ với màu thời gian!
Nào khi bài tập hỏi han,
Học hành tấn tới mọi đàng hanh thông.
Hè sang lưu bút, tấm lòng
Hẹn nhau gặp lại ước mong tựu trường.
Ông bà cha mẹ vui thương,
Theo chân giúp đỡ bình thường cháu con.
Một năm học hỏi mõi mòn,
Về quê vui thú nước non sông hồ...
Xả hơi nhìn ngắm cơ đồ, 
Giang sơn hoa gấm cố đô quê nhà.

Mai Xuân Thanh
Ngày 10 tháng 06 năm 2015

Lối Cũ, Người Xưa …

Chi Lăng Trước 1975

Nhân dịp đi Sài Gòn ăn mừng Sinh nhật cho đứa cháu gái, tôi mượn xe hai bánh của con gái, để đi tìm con đường Hoàng hoa Thám Gia Định ngày xưa.
Đến trường Mỹ Thuật cũ, đi theo đường Chi Lăng (bây giờ là Phan đăng Lưu) chỉ khoảng 200 mét, bên phải là đường Hoàng hoa Thám. Vẫn là con đường thân quen ngày nào… chưa đổi tên. Đi độ 300 mét có một con hẽm rộng bên phải, đi hơn 50 mét là chùa Quảng Tám. Đây là một ngôi chùa cỗ đã lâu đời. Chung quanh chùa là những hàng sao cổ thụ…Nhà cô tôi cất phía sau chùa. Tôi đã ở đó đi học ngành điều dưỡng ở bệnh viện Chợ Rấy từ năm 1962.

Lúc lên SaiGon tôi mang theo xe đạp. Nhớ ngày đầu tiên nhập học, từ mờ sáng thằng ngố nhà quê ở Tỉnh lên đã ra bến xe buýt tại trường Mỹ thuật Gia Định để chạy theo xe buýt ra Sài Gòn. Từ Sài Gòn chạy theo xe buýt vô Chợ Lớn.

Lê văn Duyệt trước1975

Khi xe buýt khởi hành, chạy theo đường Lê văn Duyệt, qua Cầu Bông, qua rạp ciné Casino DaKao quẹo phải qua Hiền Vương. Chỉ một đoạn ngắn quẹo nó trái là đường Phan Liêm, băng ngang Phan thanh Giản rồi ra Mạc đỉnh Chi. Chạy thẳng đến đại lộ Thống Nhất ra Sài Gòn. Hành trình này khổ nhất là đoạn Mạc đỉnh Chi không có trạm dừng, đường vắng, xe buýt chạy nhanh, tôi đạp xe theo muốn hộc xì dầu.
Đến Sài Gòn chạy theo xe buýt tuyến Sài Gòn- Chợ Lớn theo đường Trần Hưng Đạo…

Rất may khi tôi đậu vào ngành Điều Dưỡng lại đổ đầu nên vào lớp ai cũng muốn làm quen. Có rất nhiều bạn là dân thổ địa Sài Gòn chính hiệu chỉ đường cho tôi đi rất gần. Đó là : đi đường Lê văn Duyệt, qua cầu Bông rẽ phải là Trần quang Khải (đi ngang rạp ciné Văn Hoa), băng ngang hông chợ Tân Định theo đường Yên Đỗ ra bùng binh đường Trần quốc Toản. Đi thẳng theo đường Trần quốc Toản gặp Nguyễn tri Phương quẹo trái đi thẳng, rồi quẹo qua đường Thuận Kiều. Dễ ợt. Rất gần.

Lối cũ buồn tênh
Đường Hoàng Hoa Thám bây giờ rộng rãi chứ không phải như ngày xưa. Ngõ hẽm vào chùa Quảng Tám cũng nới rộng thênh thang có trải nhựa… Căn nhà xưa tôi ở cô tôi đã bán lại cho người khác và được xây lại dạng biệt thự kiểu Pháp. Toàn cảnh chung quanh rất xa lạ. Cạnh nhà người cô, có cô bạn gái tên Nguyệt mà tôi đang muốn tìm.

Tôi tần ngần bấm chuông. Đây là lần đầu tiên tôi tìm nhà một người bạn gái cũ. Một bà cụ lạ hoắc ra mở cổng. Bà hỏi ông tìm ai. Tôi nói tìm cô bạn tên Nguyệt. Bà bảo nhà nầy tôi mua lại sau năm 1975. Không biết ai là Nguyệt cả.

Tôi chợt nhận ra tìm một người bạn cũ trên 50 năm thật là khó khăn. Hơn nữa, nó ý nghĩa hơn người bạn cũ rất nhiều. Phải gọi là người yêu cũ mới đúng. Ôi ! người yêu cũ khiến tim tôi dậy sóng. Bất chợt thấy vị giác đắng chằn và tâm hồn nghe bồi hồi rung động, ngất ngây.

Tôi không thể viết rằng đi tìm Nguyệt là tìm người bạn cũ. Bỡi vì Nguyệt chưa bao giờ là bạn của tôi. Phải là cái gì… hơn tình bạn kia. Nên tôi phải gọi là người yêu cũ. Gọi người yêu cũ nghe lòng quặn đau vừa bâng khuâng lẫnchua xót.
Đến bây giờ tôi cũng không phán đoán được ai là người phạm sai lầm tình cãm của nhau. Thuở đó, vẫn còn hồn nhiên lắm. Tình yêu trong sáng, vô tư. Để rồi xa nhau cho nỗi buồn hằn lên kỷ niệm. Để bây giờ tôi phải chấp nhận dù muốn hay không : em là người yêu cũ của tôi.
Hôm nay, can đãm lắm tôi mới đánh thức một cuộc tình mà tôi đã cố quên đi…

Tôi đã đứng trước nhà “ người yêu cũ “ như đang chờ ai, như đang đợi ai, dẫu biết rằng hình bóng cũ đã tắt lịm từ lâu theo thời gian. Phía trước chùa Quảng Tám là mấy gốc sao cỗ thụ. Nơi đó, nhiều đêm tôi hò hẹn với nàng. Nhà nàng đã cất mới nhưng vuông sân vẫn còn. Chỉ tiếc rằng theo thời gian cây sứ gốc to bông trắng không còn nữa. Cây sứ không còn cũng như hình bóng Nguyệt biệt dạng bị lớp bụi thời gian chôn kín.

Đại lộ Chi Lăng với Ty Công Chánh nằm ở góc đường Chi Lăng-Hoàng Hoa Thám.1965

Tôi đã trở lại chốn cũ ngày xưa, nơi mà một thời sục sôi con tim lúc còn trai trẻ. Con đường đã thay áo mới nhưng tiếc rằng diện mạo người xưa đã chìm trong dĩ vãng xa mờ.
Con đường Hoàng hoa Thám chưa bao giờ xưa cũ. Theo thời gian nó càng ngày càng rộng mở, mới hơn. Tôi cứ do dự mãi hôm nay mới trở về lối cũ tìm người xưa. Đường xưa không cũ dù rằng tôi đã hơn 50 năm vẫn tràn đầy nhận thức được lối đi về.

Tôi bước chậm chậm ra đầu hẽm. Nơi mà ngày xưa căn nhà lợp tôn là tiệm tạp hóa. Tiệm tạp hóa cũng không còn. Chỉ có căn phố lầu đang phát ra bàn nhạc đường xưa lối cũ của Hoàng thi Thơ. Bản nhạc đã đến đoạn kết thúc:

Chạnh lòng thương nhớ những phút xưa, phút xưa qua qua rồi
Lạnh lùng tưởng nhớ bóng dáng ai in sâu trong lòng tôi
Đường xưa còn đó, nắng vẫn lên, vẫn trăng treo ven đồi
Mà hình bóng cũ, thiếu trong tôi mỗi khi nghe chiều rơi…

Bài ca như chạm vào ký ức một thời hoang dại của tôi. Nhưng nơi đây không có núi đồi để thi vị hóa bài ca. Phải chi tác giả viết rằng :”nắng vẫn lên, vẫn trăng treo sáng ngời “… thì vừa không lạc vận vừa hợp với tình cảnh tôi biết mấy. Nhưng bài ca vẫn có tác dụng hâm nóng tim tôi để nhớ lại “ bóng dáng ai in sâu trong lòng tôi “.

Dù sao, đến từng tuổi nầy, vẫn còn có dịp nhắc lại kỷ niệm xưa yêu một người con gái gần nơi quán trọ… cũng làm cho tôi nhẹ nhõm cõi lòng. Tôi vẫn biết rằng những kỷ niệm nầy chắc nó vẫn còn đeo đuổi tôi đến hơi thở cuối của cuộc đời còn lại…

Dương Hồng Thủy (31/01/2015)

Nhà Xưa Đã Khép


Em đi rồi nhà xưa đã khép
Đêm về nghe tiếng bước chân ai
Có phài em về thăm chốn cũ
Không thấy anh buông tiếng thở dài 

Em đi rồi anh vào gác trọ
Sống âm thầm…nỗi nhớ mênh mông
Nhớ em…nhớ nụ cười duyên dáng
Thèm hơi em ướm thiếu chăn tình nồng 

Em đi rồi nhà xưa đóng cửa
Ôi nhớ lắm căn lều tình ái
Không nguy nga hay giàu sang cả
Ta yêu nhau như mộng ban đầu 

Em đi rồi anh vào gác trọ
Nhìn phố thị đèn khuya lấp lánh
Ánh trăng vàng chiếu qua song cửa
Soi hàng liễu rũ lá lung linh 

Em đi rồi phố cũ buồn hiu
Anh nơi lầu nhỏ đời cô quạnh
Nỗi buồn gác trọ ôi thấm thiết
Đêm lặng lẽ tiếng than than nấc lòng 
xxx
Nỗi Buồn Gác Trọ ngày xưa em hát
Em đi rồi nay tạm gởi thân anh 


Nguyễn Minh Châu TĐ3 Soibien
Kỷ niệm ngày vào Trọ xá Belmont Assisted Living
28 August 2010

Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015


Có bữa ta mơ làm trẻ con
Vô tư mới khóc lại cười dòn
Ăn cơm bỏ mứa đòi món khác
Dầu sợ biết đâu mẹ đánh đòn.

Có lúc ta mơ về xóm xưa
Ao đìa ruộng rẫy nắng cùng mưa
Thương cô thôn nữ thơm hương đất
Bình dị đời vui sống đủ vừa.

Có bữa ta mơ làm lục bình
Dạt dào tắm nắng ấm bình minh
Thả hồn theo bóng tà dương xuống
Gác bỏ ngoài tai chuyện nhục vinh.

Có lúc ta mơ làm hải âu
Đại dương sải cánh giũ buồn rầu
Từ cao nheo mắt nhìn nhân thế
Vui giận ghét thương lắm khổ sầu!

Anh Tú
May 31, 2015

Mưa Chiều Tháng 6 - Chiều Mưa Tháng Sáu


Mưa Chiều Tháng 6

(từ Vẫn Hoài Mưa Tháng Sáu của Kim Phượng - Úc Châu)

Cuối Hạ mưa về chợt nhớ ai
Gió đưa hạt nước trắng u hoài
Tâm tư đánh thức người năm cũ
Hò hẹn bên hồ vai nối vai…

Bây giờ ngồi đây chiều bơ vơ
Mưa rì rào sóng sánh con đò
Bóng ai thấp thoáng trong làn gió
Tưởng chừng hò hẹn cõi hư vô.

Mưa chiều tháng 6 thật là buồn
Cần Thơ còn nhắc nhớ người thương
Hoa Cau quán - hẹn đêm về sáng
Đưa đón người quen mấy đoạn đường.

Mưa đến rồi đi rực nắng tà
Nhớ em e ấp chiều qua phà
Bến xưa mua rớt trôi hình bóng
Yễu điệu đi về tận cõi xa.

Tháng 6 chiều mưa cũng … qua mau
Tương tư rồi cũng nhạt, phai màu
Chỉ còn vương vấn hương thừa cũ
Mỗi độ mưa về nghe xót đau !

Dương hồng Thủy
(04/06/2015)
***
Chiều Mưa Tháng Sáu

(Cảm tác Mưa Chiều Tháng 6 của Dương Hồng Thủy)
Buồn mãi buồn theo mưa tháng Sáu
Không gian u ám một màu mây
Ngày xa tình đã thôi không đợi
Cớ lẽ gì đời lại mất nhau

Cám cảnh sầu bóng cây trụi lá
In tường loang dưới ánh đèn đêm
Hỏi thềm tin nhạn chờ tao ngộ
Mỏi cánh quay về ấm tổ xưa

Lất phất ngoài trời mưa tháng Sáu
Thấm đời cô phụ những hằn đau
Đếm trăng nhẩm lại bao đầy khuyết
Chỉ biết nhìn mưa tận cuối trời

Kim Phượng


Ông Giáo Già, Và Nỗi Quê Nơi Đất Khách



Sông dài buồn ứ đọng
Muôn dặm nhớ về nhà
Chiều lộng gió ngàn thổi
Lá rơi vàng núi xa

Chim bay trắng sóng lặng
Hoa rộ đỏ non xa
Xuân lại qua rồi đó
Năm nao trở lại nhà

Sông ơi ra biển cả
Có chảy ngang quê ta
Xin gửi theo dòng lệ
Cho vưòn xưa nở hoa

Đầu giường ánh nguyệt chiếu
Ngỡ đất trời buông sương
Vời vợi vầng trăng bạc
Nao nao tình cố hương

Chú Thích: Mấy Vần Thơ Xưa, Ông Giáo Già, Và Nỗi Quê Nơi Đất Khách được cảm tác trong xúc động từ các bài tứ tuyệt xưa của các Thi Nhân Đời Đường : Tư Quy của Vương Bột , Tuyệt Cú của Đỗ Phủ, Kiến Vị Thuỷ Tư Tần Xuyên của Sầm Than , và Tĩnh Dạ Tư của Lý Bạch
* * *
Tư Quy 

Trường Giang bi dĩ trệ
Vạn lý niệm tương quy
Huống phục cao phong vãn
Sơn sơn hoàng diệp phi
Vương Bột (648 - 675)

Phạm Khắc Trí Tạm Dịch: Trường Giang buồn ứ đọng / Muôn dặm nhớ về nhà / Lại thêm gió ngàn thổi lồng lộng / Lá vàng bay khắp núi non
* * *
Tuyệt Cú  

Giang bích điểu du bạch
Sơn thanh hoa dục nhiên
Kim xuân khán hựu quá
Hà nhật thị quy niên
Đỗ Phủ (717 - 770)

Phạm Khắc Trí Tạm Dịch: Chim trắng bay qua sông biếc trông càng thêm trắng / Hoa đỏ nở rộ núi xanh trông càng thêm đỏ /
Xuân này lại đang qua rồi đó / Ngày nào năm nao trở về nhà

* * *
Kiến Vị Thuỷ Tư Tần Xuyên  
Vị Thuỷ đông lưu khứ
Hà thời đáo Ung châu
Bằng thiềm lưỡng hàng lệ
Ký hướng cố viên lưu
Sầm Than 9715 - 770)

Phạm Khắc Trí Tạm Dịch: Sông Vị chảy ra biển đông / Khi nào tới Ung Châu / Xin trôi theo đôi dòng lệ / Gửi về vườn xưa dùm nhau

* * *
Tĩnh Dạ Tư - Lý Bạch ( 701 - 762)

Sàng tiền khán nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương

Phạm Khắc Trí Tạm Dịch:  Trước giường ngắm ánh trăng / Ngỡ là đất bốc sương / Ngẩng đầu nhìn trăng sáng / Cúi đầu nhớ quê xưa.

Phạm Khắc Trí

* * *
Những  Bài Dịch của Mailoc:




Tư Quy (Vương Bột)

Man mác Trường Giang nước lạnh lùng
Ngày về quê cũ nỗi hoài mong
Phương chi gió lộng hoàng hôn xuống
Tan tác vàng bay núi chập chùng 

Mailoc 
* * *
Tuyệt Cú ( Đỗ Phủ )
Sông xanh chim trắng rợp khung trời
Hoa nở non xanh rợp khắp nơi
Có biết chúa Xuân rồi mất hút?
Ngày về xa lắc nhớ tơi bời!

Mailoc 
* * *
Kiến Vị Thuỷ Tư Tần Xuyên (Sầm Tham)

Dòng sông Vị xuôi đông chảy mãi
Nước bao giờ tới bãi Châu Ung?
Cho ta gởi lệ nhớ nhung
Về nơi quê cũ vô cùng luyến thương! 

Mailoc 
* * *
Tĩnh Dạ Tư. ( Lý Bạch )

Trong vắt như gương nguyệt trước giường
Lờ mờ mặt đất ngỡ hơi sương
Ngước trông thăm thẳm trăng vằng vặc
Buồn rượi gục đầu chạnh cố hương 

Mailoc 
Cali 6-8 15
* * *
Những Bài Dịch của Quên Đi:





Tư Quy (Vương Bột)


Sông dài sầu lắng đọng

Vạn dậm muốn quay về
Gió cuối mùa đang đến
Lá vàng núi ủ ê.

Quên Đi
* * *
Tuyệt Cú 2 (Đỗ Phù)

Sông xanh chim trắng lượn
Núi biếc hoa thêm hồng
Lần lựa xuân qua nữa
Ngày về mòn mỏi trông

Quên Đi
* * *
Kiến Vị Thuỷ Tư Tần Xuyên(Sầm Tham)

Sông Vị chảy về đông
Ung xứ ngày về mong
Cho gởi đôi dòng lệ
Nhớ quê cũ chạnh lòng.

Quên Đi
* * *
Tĩnh Dạ Tứ(Lý Bạch)

Trước giường trăng chiếu rọi
Ngỡ đất phủ đầy sương
Ngẩng mặt nhìn trăng sáng
Gục đầu nhớ cố hương

Quên Đi
***
Những Bài Dịch của Kim Phượng:


Tư Quy ( Vương Bột)

Sông dài lắng đọng nỗi bi ai
Canh cánh quê xa lụy cảm hoài
Xào xạc tiếng thu mùa gió lộng
Núi non cùng khắp lá vàng bay

Kim Phượng
***
Tuyệt Cú ( Đỗ Phủ)


Sông biếc chim kia điểm trắng trời
Núi xanh hoa thắm rộ nơi nơi
Xuân này lần lựa qua rồi đấy
Mong mỏi ngày về dạ chẳng vơi

Kim Phượng
***
Kiến Vị Thủy Tư Tần Xuyên ( Sầm Tham)


Vị thủy xuôi đông chảy một dòng
Ung Châu bến đợi mãi chờ mong
Nước ơi mang hộ ta dư lệ
Gửi đến vườn xưa một tấc lòng

Kim Phượng
***
Tĩnh Dạ Tứ ( Lý Bạch)


Đầu giường lơ lững ánh trăng trong
Cứ ngỡ sương giăng khắp cả phòng
Dõi mắt trông lên vầng sáng bạc
Gục đầu quê cũ dạ hằng mong

Kim Phượng