Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2015

Thơ Tranh: Bỏ Lại Dòng Sông


Thơ& Thơ Tranh: Kim Quang


Dòng Sông Cuộc Đời


Đời người chẳng khác một dòng sông
Đỉnh núi, băng tan, suối lượn vòng
Qua cánh rừng già, thêm xác lá
Vào hang thạch nhũ, nhận vôi nồng
Lũ tràn dữ dội trên triền dốc
Nước chảy miên man giữa cánh đồng
Bồi đắp phù sa nơi cửa biển

Cuối cùng hòa nhập với mênh mông...

 Phương Hà

Nghỉ Hè


Thấm thoát qua đi một năm,
Mãn khóa đưa xe rước nằm đợi chờ...
Học trò tạm biệt bơ vơ,
Chia tay tản mát ai ngờ xa nhau.
Nghỉ Hè kẻ trước người sau,
Tâm tư lặng lẻ với màu thời gian!
Nào khi bài tập hỏi han,
Học hành tấn tới mọi đàng hanh thông.
Hè sang lưu bút, tấm lòng
Hẹn nhau gặp lại ước mong tựu trường.
Ông bà cha mẹ vui thương,
Theo chân giúp đỡ bình thường cháu con.
Một năm học hỏi mõi mòn,
Về quê vui thú nước non sông hồ...
Xả hơi nhìn ngắm cơ đồ, 
Giang sơn hoa gấm cố đô quê nhà.

Mai Xuân Thanh
Ngày 10 tháng 06 năm 2015

Lối Cũ, Người Xưa …

Chi Lăng Trước 1975

Nhân dịp đi Sài Gòn ăn mừng Sinh nhật cho đứa cháu gái, tôi mượn xe hai bánh của con gái, để đi tìm con đường Hoàng hoa Thám Gia Định ngày xưa.
Đến trường Mỹ Thuật cũ, đi theo đường Chi Lăng (bây giờ là Phan đăng Lưu) chỉ khoảng 200 mét, bên phải là đường Hoàng hoa Thám. Vẫn là con đường thân quen ngày nào… chưa đổi tên. Đi độ 300 mét có một con hẽm rộng bên phải, đi hơn 50 mét là chùa Quảng Tám. Đây là một ngôi chùa cỗ đã lâu đời. Chung quanh chùa là những hàng sao cổ thụ…Nhà cô tôi cất phía sau chùa. Tôi đã ở đó đi học ngành điều dưỡng ở bệnh viện Chợ Rấy từ năm 1962.

Lúc lên SaiGon tôi mang theo xe đạp. Nhớ ngày đầu tiên nhập học, từ mờ sáng thằng ngố nhà quê ở Tỉnh lên đã ra bến xe buýt tại trường Mỹ thuật Gia Định để chạy theo xe buýt ra Sài Gòn. Từ Sài Gòn chạy theo xe buýt vô Chợ Lớn.

Lê văn Duyệt trước1975

Khi xe buýt khởi hành, chạy theo đường Lê văn Duyệt, qua Cầu Bông, qua rạp ciné Casino DaKao quẹo phải qua Hiền Vương. Chỉ một đoạn ngắn quẹo nó trái là đường Phan Liêm, băng ngang Phan thanh Giản rồi ra Mạc đỉnh Chi. Chạy thẳng đến đại lộ Thống Nhất ra Sài Gòn. Hành trình này khổ nhất là đoạn Mạc đỉnh Chi không có trạm dừng, đường vắng, xe buýt chạy nhanh, tôi đạp xe theo muốn hộc xì dầu.
Đến Sài Gòn chạy theo xe buýt tuyến Sài Gòn- Chợ Lớn theo đường Trần Hưng Đạo…

Rất may khi tôi đậu vào ngành Điều Dưỡng lại đổ đầu nên vào lớp ai cũng muốn làm quen. Có rất nhiều bạn là dân thổ địa Sài Gòn chính hiệu chỉ đường cho tôi đi rất gần. Đó là : đi đường Lê văn Duyệt, qua cầu Bông rẽ phải là Trần quang Khải (đi ngang rạp ciné Văn Hoa), băng ngang hông chợ Tân Định theo đường Yên Đỗ ra bùng binh đường Trần quốc Toản. Đi thẳng theo đường Trần quốc Toản gặp Nguyễn tri Phương quẹo trái đi thẳng, rồi quẹo qua đường Thuận Kiều. Dễ ợt. Rất gần.

Lối cũ buồn tênh
Đường Hoàng Hoa Thám bây giờ rộng rãi chứ không phải như ngày xưa. Ngõ hẽm vào chùa Quảng Tám cũng nới rộng thênh thang có trải nhựa… Căn nhà xưa tôi ở cô tôi đã bán lại cho người khác và được xây lại dạng biệt thự kiểu Pháp. Toàn cảnh chung quanh rất xa lạ. Cạnh nhà người cô, có cô bạn gái tên Nguyệt mà tôi đang muốn tìm.

Tôi tần ngần bấm chuông. Đây là lần đầu tiên tôi tìm nhà một người bạn gái cũ. Một bà cụ lạ hoắc ra mở cổng. Bà hỏi ông tìm ai. Tôi nói tìm cô bạn tên Nguyệt. Bà bảo nhà nầy tôi mua lại sau năm 1975. Không biết ai là Nguyệt cả.

Tôi chợt nhận ra tìm một người bạn cũ trên 50 năm thật là khó khăn. Hơn nữa, nó ý nghĩa hơn người bạn cũ rất nhiều. Phải gọi là người yêu cũ mới đúng. Ôi ! người yêu cũ khiến tim tôi dậy sóng. Bất chợt thấy vị giác đắng chằn và tâm hồn nghe bồi hồi rung động, ngất ngây.

Tôi không thể viết rằng đi tìm Nguyệt là tìm người bạn cũ. Bỡi vì Nguyệt chưa bao giờ là bạn của tôi. Phải là cái gì… hơn tình bạn kia. Nên tôi phải gọi là người yêu cũ. Gọi người yêu cũ nghe lòng quặn đau vừa bâng khuâng lẫnchua xót.
Đến bây giờ tôi cũng không phán đoán được ai là người phạm sai lầm tình cãm của nhau. Thuở đó, vẫn còn hồn nhiên lắm. Tình yêu trong sáng, vô tư. Để rồi xa nhau cho nỗi buồn hằn lên kỷ niệm. Để bây giờ tôi phải chấp nhận dù muốn hay không : em là người yêu cũ của tôi.
Hôm nay, can đãm lắm tôi mới đánh thức một cuộc tình mà tôi đã cố quên đi…

Tôi đã đứng trước nhà “ người yêu cũ “ như đang chờ ai, như đang đợi ai, dẫu biết rằng hình bóng cũ đã tắt lịm từ lâu theo thời gian. Phía trước chùa Quảng Tám là mấy gốc sao cỗ thụ. Nơi đó, nhiều đêm tôi hò hẹn với nàng. Nhà nàng đã cất mới nhưng vuông sân vẫn còn. Chỉ tiếc rằng theo thời gian cây sứ gốc to bông trắng không còn nữa. Cây sứ không còn cũng như hình bóng Nguyệt biệt dạng bị lớp bụi thời gian chôn kín.

Đại lộ Chi Lăng với Ty Công Chánh nằm ở góc đường Chi Lăng-Hoàng Hoa Thám.1965

Tôi đã trở lại chốn cũ ngày xưa, nơi mà một thời sục sôi con tim lúc còn trai trẻ. Con đường đã thay áo mới nhưng tiếc rằng diện mạo người xưa đã chìm trong dĩ vãng xa mờ.
Con đường Hoàng hoa Thám chưa bao giờ xưa cũ. Theo thời gian nó càng ngày càng rộng mở, mới hơn. Tôi cứ do dự mãi hôm nay mới trở về lối cũ tìm người xưa. Đường xưa không cũ dù rằng tôi đã hơn 50 năm vẫn tràn đầy nhận thức được lối đi về.

Tôi bước chậm chậm ra đầu hẽm. Nơi mà ngày xưa căn nhà lợp tôn là tiệm tạp hóa. Tiệm tạp hóa cũng không còn. Chỉ có căn phố lầu đang phát ra bàn nhạc đường xưa lối cũ của Hoàng thi Thơ. Bản nhạc đã đến đoạn kết thúc:

Chạnh lòng thương nhớ những phút xưa, phút xưa qua qua rồi
Lạnh lùng tưởng nhớ bóng dáng ai in sâu trong lòng tôi
Đường xưa còn đó, nắng vẫn lên, vẫn trăng treo ven đồi
Mà hình bóng cũ, thiếu trong tôi mỗi khi nghe chiều rơi…

Bài ca như chạm vào ký ức một thời hoang dại của tôi. Nhưng nơi đây không có núi đồi để thi vị hóa bài ca. Phải chi tác giả viết rằng :”nắng vẫn lên, vẫn trăng treo sáng ngời “… thì vừa không lạc vận vừa hợp với tình cảnh tôi biết mấy. Nhưng bài ca vẫn có tác dụng hâm nóng tim tôi để nhớ lại “ bóng dáng ai in sâu trong lòng tôi “.

Dù sao, đến từng tuổi nầy, vẫn còn có dịp nhắc lại kỷ niệm xưa yêu một người con gái gần nơi quán trọ… cũng làm cho tôi nhẹ nhõm cõi lòng. Tôi vẫn biết rằng những kỷ niệm nầy chắc nó vẫn còn đeo đuổi tôi đến hơi thở cuối của cuộc đời còn lại…

Dương Hồng Thủy (31/01/2015)

Nhà Xưa Đã Khép


Em đi rồi nhà xưa đã khép
Đêm về nghe tiếng bước chân ai
Có phài em về thăm chốn cũ
Không thấy anh buông tiếng thở dài 

Em đi rồi anh vào gác trọ
Sống âm thầm…nỗi nhớ mênh mông
Nhớ em…nhớ nụ cười duyên dáng
Thèm hơi em ướm thiếu chăn tình nồng 

Em đi rồi nhà xưa đóng cửa
Ôi nhớ lắm căn lều tình ái
Không nguy nga hay giàu sang cả
Ta yêu nhau như mộng ban đầu 

Em đi rồi anh vào gác trọ
Nhìn phố thị đèn khuya lấp lánh
Ánh trăng vàng chiếu qua song cửa
Soi hàng liễu rũ lá lung linh 

Em đi rồi phố cũ buồn hiu
Anh nơi lầu nhỏ đời cô quạnh
Nỗi buồn gác trọ ôi thấm thiết
Đêm lặng lẽ tiếng than than nấc lòng 
xxx
Nỗi Buồn Gác Trọ ngày xưa em hát
Em đi rồi nay tạm gởi thân anh 


Nguyễn Minh Châu TĐ3 Soibien
Kỷ niệm ngày vào Trọ xá Belmont Assisted Living
28 August 2010

Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015


Có bữa ta mơ làm trẻ con
Vô tư mới khóc lại cười dòn
Ăn cơm bỏ mứa đòi món khác
Dầu sợ biết đâu mẹ đánh đòn.

Có lúc ta mơ về xóm xưa
Ao đìa ruộng rẫy nắng cùng mưa
Thương cô thôn nữ thơm hương đất
Bình dị đời vui sống đủ vừa.

Có bữa ta mơ làm lục bình
Dạt dào tắm nắng ấm bình minh
Thả hồn theo bóng tà dương xuống
Gác bỏ ngoài tai chuyện nhục vinh.

Có lúc ta mơ làm hải âu
Đại dương sải cánh giũ buồn rầu
Từ cao nheo mắt nhìn nhân thế
Vui giận ghét thương lắm khổ sầu!

Anh Tú
May 31, 2015

Mưa Chiều Tháng 6 - Chiều Mưa Tháng Sáu


Mưa Chiều Tháng 6

(từ Vẫn Hoài Mưa Tháng Sáu của Kim Phượng - Úc Châu)

Cuối Hạ mưa về chợt nhớ ai
Gió đưa hạt nước trắng u hoài
Tâm tư đánh thức người năm cũ
Hò hẹn bên hồ vai nối vai…

Bây giờ ngồi đây chiều bơ vơ
Mưa rì rào sóng sánh con đò
Bóng ai thấp thoáng trong làn gió
Tưởng chừng hò hẹn cõi hư vô.

Mưa chiều tháng 6 thật là buồn
Cần Thơ còn nhắc nhớ người thương
Hoa Cau quán - hẹn đêm về sáng
Đưa đón người quen mấy đoạn đường.

Mưa đến rồi đi rực nắng tà
Nhớ em e ấp chiều qua phà
Bến xưa mua rớt trôi hình bóng
Yễu điệu đi về tận cõi xa.

Tháng 6 chiều mưa cũng … qua mau
Tương tư rồi cũng nhạt, phai màu
Chỉ còn vương vấn hương thừa cũ
Mỗi độ mưa về nghe xót đau !

Dương hồng Thủy
(04/06/2015)
***
Chiều Mưa Tháng Sáu

(Cảm tác Mưa Chiều Tháng 6 của Dương Hồng Thủy)
Buồn mãi buồn theo mưa tháng Sáu
Không gian u ám một màu mây
Ngày xa tình đã thôi không đợi
Cớ lẽ gì đời lại mất nhau

Cám cảnh sầu bóng cây trụi lá
In tường loang dưới ánh đèn đêm
Hỏi thềm tin nhạn chờ tao ngộ
Mỏi cánh quay về ấm tổ xưa

Lất phất ngoài trời mưa tháng Sáu
Thấm đời cô phụ những hằn đau
Đếm trăng nhẩm lại bao đầy khuyết
Chỉ biết nhìn mưa tận cuối trời

Kim Phượng


Ông Giáo Già, Và Nỗi Quê Nơi Đất Khách



Sông dài buồn ứ đọng
Muôn dặm nhớ về nhà
Chiều lộng gió ngàn thổi
Lá rơi vàng núi xa

Chim bay trắng sóng lặng
Hoa rộ đỏ non xa
Xuân lại qua rồi đó
Năm nao trở lại nhà

Sông ơi ra biển cả
Có chảy ngang quê ta
Xin gửi theo dòng lệ
Cho vưòn xưa nở hoa

Đầu giường ánh nguyệt chiếu
Ngỡ đất trời buông sương
Vời vợi vầng trăng bạc
Nao nao tình cố hương

Chú Thích: Mấy Vần Thơ Xưa, Ông Giáo Già, Và Nỗi Quê Nơi Đất Khách được cảm tác trong xúc động từ các bài tứ tuyệt xưa của các Thi Nhân Đời Đường : Tư Quy của Vương Bột , Tuyệt Cú của Đỗ Phủ, Kiến Vị Thuỷ Tư Tần Xuyên của Sầm Than , và Tĩnh Dạ Tư của Lý Bạch
* * *
Tư Quy 

Trường Giang bi dĩ trệ
Vạn lý niệm tương quy
Huống phục cao phong vãn
Sơn sơn hoàng diệp phi
Vương Bột (648 - 675)

Phạm Khắc Trí Tạm Dịch: Trường Giang buồn ứ đọng / Muôn dặm nhớ về nhà / Lại thêm gió ngàn thổi lồng lộng / Lá vàng bay khắp núi non
* * *
Tuyệt Cú  

Giang bích điểu du bạch
Sơn thanh hoa dục nhiên
Kim xuân khán hựu quá
Hà nhật thị quy niên
Đỗ Phủ (717 - 770)

Phạm Khắc Trí Tạm Dịch: Chim trắng bay qua sông biếc trông càng thêm trắng / Hoa đỏ nở rộ núi xanh trông càng thêm đỏ /
Xuân này lại đang qua rồi đó / Ngày nào năm nao trở về nhà

* * *
Kiến Vị Thuỷ Tư Tần Xuyên  
Vị Thuỷ đông lưu khứ
Hà thời đáo Ung châu
Bằng thiềm lưỡng hàng lệ
Ký hướng cố viên lưu
Sầm Than 9715 - 770)

Phạm Khắc Trí Tạm Dịch: Sông Vị chảy ra biển đông / Khi nào tới Ung Châu / Xin trôi theo đôi dòng lệ / Gửi về vườn xưa dùm nhau

* * *
Tĩnh Dạ Tư - Lý Bạch ( 701 - 762)

Sàng tiền khán nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương

Phạm Khắc Trí Tạm Dịch:  Trước giường ngắm ánh trăng / Ngỡ là đất bốc sương / Ngẩng đầu nhìn trăng sáng / Cúi đầu nhớ quê xưa.

Phạm Khắc Trí

* * *
Những  Bài Dịch của Mailoc:




Tư Quy (Vương Bột)

Man mác Trường Giang nước lạnh lùng
Ngày về quê cũ nỗi hoài mong
Phương chi gió lộng hoàng hôn xuống
Tan tác vàng bay núi chập chùng 

Mailoc 
* * *
Tuyệt Cú ( Đỗ Phủ )
Sông xanh chim trắng rợp khung trời
Hoa nở non xanh rợp khắp nơi
Có biết chúa Xuân rồi mất hút?
Ngày về xa lắc nhớ tơi bời!

Mailoc 
* * *
Kiến Vị Thuỷ Tư Tần Xuyên (Sầm Tham)

Dòng sông Vị xuôi đông chảy mãi
Nước bao giờ tới bãi Châu Ung?
Cho ta gởi lệ nhớ nhung
Về nơi quê cũ vô cùng luyến thương! 

Mailoc 
* * *
Tĩnh Dạ Tư. ( Lý Bạch )

Trong vắt như gương nguyệt trước giường
Lờ mờ mặt đất ngỡ hơi sương
Ngước trông thăm thẳm trăng vằng vặc
Buồn rượi gục đầu chạnh cố hương 

Mailoc 
Cali 6-8 15
* * *
Những Bài Dịch của Quên Đi:





Tư Quy (Vương Bột)


Sông dài sầu lắng đọng

Vạn dậm muốn quay về
Gió cuối mùa đang đến
Lá vàng núi ủ ê.

Quên Đi
* * *
Tuyệt Cú 2 (Đỗ Phù)

Sông xanh chim trắng lượn
Núi biếc hoa thêm hồng
Lần lựa xuân qua nữa
Ngày về mòn mỏi trông

Quên Đi
* * *
Kiến Vị Thuỷ Tư Tần Xuyên(Sầm Tham)

Sông Vị chảy về đông
Ung xứ ngày về mong
Cho gởi đôi dòng lệ
Nhớ quê cũ chạnh lòng.

Quên Đi
* * *
Tĩnh Dạ Tứ(Lý Bạch)

Trước giường trăng chiếu rọi
Ngỡ đất phủ đầy sương
Ngẩng mặt nhìn trăng sáng
Gục đầu nhớ cố hương

Quên Đi
***
Những Bài Dịch của Kim Phượng:


Tư Quy ( Vương Bột)

Sông dài lắng đọng nỗi bi ai
Canh cánh quê xa lụy cảm hoài
Xào xạc tiếng thu mùa gió lộng
Núi non cùng khắp lá vàng bay

Kim Phượng
***
Tuyệt Cú ( Đỗ Phủ)


Sông biếc chim kia điểm trắng trời
Núi xanh hoa thắm rộ nơi nơi
Xuân này lần lựa qua rồi đấy
Mong mỏi ngày về dạ chẳng vơi

Kim Phượng
***
Kiến Vị Thủy Tư Tần Xuyên ( Sầm Tham)


Vị thủy xuôi đông chảy một dòng
Ung Châu bến đợi mãi chờ mong
Nước ơi mang hộ ta dư lệ
Gửi đến vườn xưa một tấc lòng

Kim Phượng
***
Tĩnh Dạ Tứ ( Lý Bạch)


Đầu giường lơ lững ánh trăng trong
Cứ ngỡ sương giăng khắp cả phòng
Dõi mắt trông lên vầng sáng bạc
Gục đầu quê cũ dạ hằng mong

Kim Phượng


Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2015

Hội Tất Niên Năm Giáp Ngọ2014 - Xuân Ất Mùi 2015

Anh chị Ngô Đình Thuận, Khải Ng (đứng), anh Trần Bá Xử, anh chị Lê Cần Thơ và Diễm Phượng. Anh Lê Cần Thơ gốc Cần Thơ nhưng lúc tiểu hoc có mấy năm học Sađéc.
Người đứng kế anh là anh Phạm Bá Hoa, cưụ Tỉnh Trưởng Cần Thơ, gốc Nha Mân

Nguyễn Cao Khải

Gió


Gió là người bạn đồng hành thân thiết cho những ai đang trong cuộc hành trình dưới ánh nắng mặt trời.
Gió cũng rất gần gũi làm cho người ta quên đi dù mệt nhọc, xua tan những mồ hôi nhễ nhại đang lăn tròn trên thân thể vì công việc nặng nhọc.

"Ngọn gió nào đưa bạn đến đây" ? 
Đó là một câu nói rất bình thường của một lần gặp mặt dù tình cờ hay là có hẹn trước, nhưng cũng làm cho mọi người được vui vẻ tay bắt mặt mừng.

Gió đưa bụi chuối sau hè
Anh theo vợ bé bỏ bè con thơ

Hãy lắng nghe những tiếng than thở của một người mẹ đang ru con ...sau một cuộc hạnh phúc đã đổ vỡ.
Gió mùa xuân phơi phới, mùa hè người ta cũng mong có một cơn gió để làm thoải mái với cái nóng bức. 
Mùa thu gió rơi những chiếc lá vàng, gió làm cho lòng người se se lạnh, không ai không chắt lưỡi khi đón gió mùa đông.

Bốn mùa thiên nhiên đến , trông rất là bình thường nhưng đối với tôi ngọn gió rất hiếm hoi.
Mùa xuân không thể mở cánh cửa sổ rộng hơn vì phấn hoa làm cho mình sổ mũi, khọt khẹt. 
Mùa hè thì lại ngán cái nắng gay gắt lùa vào cửa sổ vì bên trong đã có máy lạnh.
Khi đến mùa thu thì chỉ mở cánh cửa sổ lúc ban đêm để hưởng thụ làn gió nhè nhẹ vì ban ngày tôi không muốn bị ho hen vì ngọn gió mùa thu. 
Dĩ nhiên khi mùa đông về thì cánh cửa sổ không thể nào mở ra được vì cái lạnh nó sẽ làm buốt da và vì vậy cái máy sưởi được dịp làm việc.
Những điều bình thường nó đến, nó đi cho cõi lòng được bình thản thì tôi chỉ có mỗi việc để gió cuốn đi ...

Nhưng đối với tôi, cả cuộc đời chắc chắn không thể nào quên được mùa gió chướng với một đêm đã cho tôi trở thành thủy thủ bất đắc dĩ, nhưng con tầu vượt biên nghe sóng vỗ ầm ĩ lẫn tiếng gió hòa trong cơn mưa, đã làm anh chàng thủy thủ bất đắc dĩ phải choáng váng vì không thể nhìn được mỹ nhân ngư vì con tầu cứ lắc lư theo từng ngọn sóng. Rất may là con thuyền đã đến được bến bờ tự do, đón ngọn gió lạnh, hít thở không khí êm dịu sau những ngày lênh đênh trên mặt biển.
Từ đó tôi có một kỷ niệm đã ăn sâu trong ký ức của mình mà không thể nào rời bỏ được, vì kỷ niệm là một hành trang đeo đuổi tôi khi mạch máu còn luân lưu trong cơ thể, trái tim còn đập, trí nhớ chưa lụn tàn. 
Người ta có thể quên kỷ niệm, nhưng kỷ niệm không thể nào rời bỏ khi con người vẫn còn hiện hữu trên trái đất, vẫn biết vui, vẫn biết buồn. 


Kỷ niệm đã cho tôi rất đậm đà trên hòn đảo Bi Đông, đã đẩy lùi bóng tối của một tên cô độc mỗi đêm đi trên bãi cát vàng nghe sóng biển rì rào, gió biển làm lòng se se lạnh.
Bi Đông hỡi!!! Ta yêu mi nhiều lắm. Có người tình, có những buổi đón đưa. 
Kỷ niệm dù không trọn vẹn, dù đã gẫy đoạn. Từ khi gió biển không còn run rẩy trái tim cô độc, nhưng kỷ niệm đó mãi mãi là một làn gió để con tim , buồng phổi của tôi còn trọn vẹn trong thân thể mà chưa có ngọn gió độc nào đưa tôi vào một cõi ...
Vì vậy, để nửa cuộc đời còn lại này vẫn vui với hiện tại, vẫn có ngọn gió lành ru mãi từng kỷ niệm...do đó tôi không để gió cuốn đi.

Đỗ Hữu Tài ( Virginia ngày 10/06/15 )

Chiều Hàm Rồng


Con đường ấy vẫn hoen màu bụi đỏ
Gió lơ thơ nghe nắng mới ngập ngừng
Anh sống thở trong tâm hồn trai trẻ
Nghe nỗi buồn đâu đó đến bâng khuâng
Hoa cúc dại thắm trên đường xa tắp
Và quê hương tha thướt lá xanh trà
Em có thả những chòm mây nhung nhớ
Cho rừng hoang im lắng tiếng chim ca
Đời viễn khách mơ hồ không biết được
Bước chân vang rộn rã buổi quay về
Em mắt biếc hồn nhiên bên cánh cửa
Gửi hương nồng quay quắt bóng người đi...

Lâm Hảo Dũng

Mất Nhau Thật Rồi


"Sóng gió cuộc đời nuôi ta lớn,
Bao lần thất bại dạy ta khôn" (sưu tầm)

* * *
Chiều lên nắng nhạt nhánh gầy,
Thương ai nhớ mãi những ngày tháng xưa.
Sương mờ khuất nẻo gió mưa,
Tương tư rớt giọt lưa thưa điệu buồn!

Chiều sao trống trải sân trường,
Tìm em mấy thuở vấn vương cả đời.
Còn đâu lối cũ rong chơi,
Kẻ còn người mất lở thời chẳng quên.

Ngàn dâu xanh ngắt mông mênh,
Dòng sông uốn khúc lục bình êm trôi.
Ở đây vật đổi sao dời,
Nghĩa trang cỏ mọc biết nơi mô tìm...

"Tìm em như thể tìm chim,
Chim bay cõi Bắc, anh tìm hướng Nam"
Chùn chân lạc bước cũng cam,
Bạn già lận đận khói lam xóm nghèo !

Mai Xuân Thanh
Ngày 30 tháng 05 năm 2015

Thứ Năm, 11 tháng 6, 2015

Bài Thơ Thương Nhớ ...1


Đêm qua mưa đến, ghẹo đùa chơi
Tí tách reo vui tựa tiếng cười
Phố vắng lặng chìm, ru giấc ngủ
Ta ngồi dõi mắt ngắm mưa rơi

Lại nhớ về EM, nắn nót thơ
Bài thơ thương nhớ, chép trong mơ
Ru từng kỷ niệm hòa trong chữ
Bao nét hài hòa đậm tiếng tơ

Mùa HẠ đã tàn, EM nhớ không ???
Vui đùa ba tháng thỏa thuê lòng
Thăm bao thắng cảnh cùng bè bạn
Đan ước tình hồng những đợi trông

Ngồi đây viết nốt những vu vơ
Đêm vắng mưa buồn nhớ ngẩn ngơ
Ly rượu ru hoài sao chẳng ngủ ..???
Bài thơ thương nhớ chép trong mơ .....

Hoàng Dũng

Hoàng Hạc Lâu - Thôi Hiệu

Nói đến nỗi quê nơi đất khách , không thể không nhắc đến bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, một danh tác đời Đường . Bài này, tôi không còn nhớ là đã chuyển dịch bao nhiêu lần rồi kể từ lúc nghỉ hưu từ năm 2000 , mười mấy năm trước . Sáng nay , chép lại bài thơ , những mong chia xẻ được phần nào với mọi người thân quí ,cái đẹp của chữ nghĩa để thấy đời vẫn còn vui . Thế thôi . 

Hoàng Hạc Lâu -Thôi Hiệu ( ? - 756)



Tạm Dịch : Lầu Hạc Vàng

Người xưa đã cỡi hạc vàng bay đi mất / Nơi này chỉ còn trơ lại một ngôi lầu trống / Hạc vàng một lần bay đi là không trở lại / Mây trắng vẫn còn bồng bềnh thiên cổ nổi trôi / Dưới bến Hán Dương, bờ cây lung linh soi nước trong trời quang mây tạnh / Ngoài xa, trên cồn Anh Vũ, cỏ hương một thảm rậm rạp ngút ngàn / Trời chiếu sắp tối, quê nhà nơi đâu / Khói sóng vật vờ trên sông khôn ngăn được nỗi ngậm ngùi. 
Phạm Khắc Trí
9/6/2015

Bài Dịch: Hoàng Hạc Lâu

Xưa hạc chở tiên đi mất rồi 
Lầu thơ còn đó gió rong chơi 
Hạc vàng một thuở đâu quay lại 
Mây trắng ngàn năm vẫn nổi trôi 
Nắng bến Hán Dương vàng đáy nước 
Cỏ cồn Anh Vũ tím chân trời 
Chiều sa, quê cũ nơi nào nhỉ 
Khói sóng trên sông não dạ người 

Phạm Khắc Trí
* * *
Các Bài dịch:
Dịch thơ 1 

Hạc vàng Người cỡi về đâu 
Còn trơ lầu đứng dãi dầu nắng mưa 
Hạc vàng theo bóng người xưa
Ngàn năm mây trắng vẫn chưa bến về
Trời trong cây Hán sông mê 
Cỏ tươi Anh Vũ chẳng hề đổi thay
Chiều buông dần khuất quê ai 
Trên sông khói toả lòng đầy nhớ nhung.

Quên Đi

Dịch thơ 2 


Hạc vàng người cỡi mất từ lâu
Trơ trọi giờ đây một bóng lầu
Hạc đã một đi không trở lại
Ngàn năm mây trắng biết về đâu
Trời trong sông Hán cây soi bóng
Anh Vũ bãi xanh cỏ đậm màu
Ngày hết quê nhà đâu chẳng thấy
Trên sông khói sóng dạ thêm sầu

Quên Đi
* * *
Lầu Hoàng Hạc 

Người xưa cỡi hạc đã xa vời 
Lầu Hạc bơ vơ đứng giữa trời 
Heo hút hạc vàng không trở lại 
Lang thang mây trắng vẫn ngàn đời 
Hán Dương sông tạnh cây lồng bóng 
Anh Vũ bãi xanh cỏ rạng ngời 
Chiều xuống mơ hồ, quê chẳng thấy 
Trên sông khói sóng, nỗi sầu khơi!

Mailoc
* * *
Hoàng Hạc Lâu

Người cùng hạc khuất chân trời
Mái lầu trơ bóng thơm rơi vướng lòng
Hạc vàng đâu nữa mà mong
Ngàn năm mây trắng bềnh bồng phương nao
Hán Dương sông lộng tàng cao
Cỏ cồn Anh Vũ dạt dào gió đưa
Cố hương tìm mãi vẫn chưa
Vật vờ khói sóng sa mưa lệ sầu

Kim Phượng
* * *
Lầu Hoàng Hạc 

Hạc vàng tích cũ đã xưa rồi,
Lầu vắng còn lưu dấu ngắm chơi.
Chim quý vàng bay vèo mất hút,
Mây bay tỏa trắng lạnh lùng trôi. 
Bờ dâu bến Hán Dương xanh ngắt,
Thảm cỏ cồn Anh Vũ ngát trời.
Bóng ngã chiều tà quê quán nhớ,
Ngậm ngùi khói sóng xót xa người!

Mai Xuân Thanh

Ngày 11 tháng 06 năm 2015

Tiếng Vọng Tình Quê


Việt Nam ơi!
Bốn ngàn năm vẫn đủ
Giống Lạc Hồng làm chủ nước Nam ta

Dẫu đi xa
Vẫn mãi nhớ quê nhà
Nơi thôn xóm có lũy tre ngà lả lướt
Nơi có đàn em nhỏ đùa vui với sân trường thuở trước
Cho Ta luôn vọng hoài thời vơ vẩn như mây.

Dẫu đi xa
Mà dạ lại cứ dâng đầy
Nỗi nhớ quắt quay
Cho hồn nhọc nhằn như thể ...

Việt Nam ơi!
Bốn nghìn năm luôn thế
Hồn nước
Tình nhà
Lời để...tại Thiên thư

Thời gian trôi

Và thế sự
thực_hư
Dẫu xa xót.
Cũng chỉ là
...mất_được ?!

Quê hương đấy

Có đồng lúa xanh óng mượt
Sóng lá rì rào như nhịp thở miên man
Ruộng làng quê
Cánh đồng chín rực vàng
Là mảnh đất hiền ngoan...
Với tình Cha_nghĩa Mẹ.

Một thuở xưa xa - một thời son trẻ

Biết mấy êm đềm là những tiếng ầu ơ

Đêm dịu huyền nên ngọt lịm cả vần thơ
Gom nhớ
Gom thương
Ta trải lòng chờ đợi...

Một góc quê hương
Có đôi bờ tre mới
Cây nẩy mầm xanh cho măng lại đâm chồi.

Tiếng vọng tình quê
Ngọt ngất cả bờ môi
Ta đợi mãi đấy thôi
Người ơi!
Về nhé!

TiCa Nguyễn Xuân Hòa


Lỡ Một Ngày


Nếu lỡ một ngày mây biếng trôi
Vì em nhốt gió tận phương trời
Làm sao mưa được về thăm đất
Như có bao giờ em nhớ tôi

Nếu lỡ một ngày nước cạn hơi
Còn đâu đáy cốc bóng em cười
Là xuân thu khép đời chưa cạn
Nhưng cạn bên lòng mộng lứa đôi

Nếu lỡ ta về chẳng thấy em
Cũng đừng ép nắng trốn vào đêm
Vì trong lớp áo em thay mới
Có cả tình ta đã rũ mềm ..

Nếu lỡ bên trời lẩn khuất nhau
Thì xin che giấu nỗi niềm đau
Ngày xưa vì chửa lần em khóc
Xin hãy cười thêm dẫu nghẹn ngào ..

Nếu lỡ em về chưa kẻ đưa
Dù thơ còn đọng chút hương thừa
Cũng xin gom mắt môi ngày cũ
Gởi gió theo người khép lối xưa ...

Nhược Thu12/11/2003

Vẫn Là Mưa Nắng Thất Thường


Em ơi sáng nay mưa,
chắc vì trăng đã khuất
những tàng cây nghiêng ngửa
giữa gió lồng đong đưa

Anh sợ ngày nguyệt lặn
chìm sâu trong lòng đau
anh sợ mưa và nắng
làm hoa lá đổi màu

Em ơi đêm nay lạnh
ta không còn bên nhau
lúc cận kề sao lại
như xa cách hai đầu

Mùi thơm còn quấn quít
chỗ em ngồi hôm qua
bàn tay anh quá nhỏ
không đong đầy hương xa

Em ơi anh trở bệnh
vì mưa nắng hay là
trong đáy lòng hiu quạnh
không ánh sáng nguyệt tà

Ngăn tim riêng đã mở
cũng chỉ là trống không
như vực sâu vô hạn
như đất trời mênh mông

Em ơi đêm ngạt thở
ngày u uất gió gào
đời xôn xao ai nhớ
chút riêng mình lao đao

Rất gần sao lạ quá
vẫn giang vĩ giang đầu
khoảng cách không thâu ngắn
vẫn dài như từ lâu

Anh một mình vấn lệ
tự hỏi thầm trong đêm
là ai mà lạ nhỉ
tiếng thở dài sâu thêm

Ơi đêm tàn nguyệt lặn
mai nắng gió về đâu
thêm một lần hứng chịu
vết cắt ngọt và sâu

Dù sao thì… cũng vẫn
ơn em tận ngàn sau
Đến đi như gió thoảng
Qua đời anh ngất đau

Túy Hà
14-9-14



Thứ Tư, 10 tháng 6, 2015

Tháng Sáu Trời Mưa!


Tháng sáu trời sắp mưa nhưng dè dặt
Mùa cuối thu cành trơ chiếc lá buồn
Nhớ quê xưa những chiều mưa nặng hạt
Ai có về gữi hộ giọt sầu tuôn

Tháng sáu hè vui những ngày nhộn nhịp
Chiều ven sông đùa giởn tắm bên nhau
Hè vội qua ngày vui chưa bắt kịp
Mưa thu buồn gợi nhớ biết là bao

Tháng sáu đi về ta chưa gặp lại
Con đường xưa còn đợi đến bao giờ
Quê hương xa với nỗi buồn khắc khoải
Kỷ niệm nào cũng chỉ ở trong mơ.

Biện Công Danh
June 2014
Ảnh phụ bản của tác giả chụp.

Nhơ Danh Muôn Thuở

Là người Dân Việt, chúng ta có quyền hãnh diện tự hào: đất nước ta có hơn 4.000 năm văn hiến. Tiền Nhân luôn nêu gương sáng  cho hậu thế, giữ vững truyền thống bảo vệ tổ quốc, bảo vệ giang san, không làm tay sai cho giặc  như câu nói của Vua Lê Thánh Tông:
“Một thước núi, một tấc sông của ta không nên vất bỏ... Nếu ngươi dám lấy một thước, một tấc đất của Thái Tổ (Vua Lê Lợi) mà đút mồi cho giặc thì tội phải tru di...”
                                                                     
(Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)


Lịch sử đã ghi chép lại không biết bao tấm gương anh hùng liệt nữ, đã vì Quốc Gia Dân Tộc quên cả lợi ích cá nhân. Nhưng vẫn còn đó những vết nhơ thiên cổ, có những kẻ vốn là người quyền thế cao sang, chỉ vì quyền lợi cá nhân hay thân thuộc mà mãi quốc cầu  vinh, hoặc cõng rắn cắn gà nhà.

A - Mãi Quốc Cầu Vinh (Đời Trần)

1) Trần Di Ái
Trước đây, nhà Nguyên nhiều lần sai sứ sang dụ vua Nhà Trần vào chầu, nhà vua đều không theo. Sau nhà Nguyên lại sai Thượng thư là Lương Tăng sang dụ rằng: Nếu thật vua không thân sang chầu được thì phải đem đủ vàng ngọc sang để thay mình. Thêm vào đấy phải nộp người hiền tài, người làm thợ và người phương kỹ , mỗi hạng hai người.
Vì thế nhà vua mới cho chú họ là Di Ái và bọn Lê Tuân, Lê Mục đi thay mình. Lúc ấy nhà Nguyên lại lập ti tuyên phủ ở nước ta, cho Bốc Nhan Thiếp Mộc Nhi giữ sứ mạng, đặt liêu thuộc riêng; nhà vua cũng không nhận. Nhà Nguyên lấy làm căm giận, bèn lập Di Ái làm vua, phong Lê Mục làm Hàn lâm học sĩ, Lê Tuân làm Trung thư lệnh, rồi sai Sài Thung đem một nghìn quân hộ tống về nước.
Trần di Ái thấy Nguyên-chủ phong cho cũng nhận, đưa về cũng về; chắc trong bụng đồ là chuyến này nhờ sức Mông-cổ, may việc xong, thì được làm vua, nhược bằng không xong, thì đổ cho là Nguyên-chủ bắt-ép; vì thế mới theo Sài Thung về.
Sài Thung đưa bọn Trần di Ái đến gần ải Nam-quan, có tin phi-báo về Kinh-đô. Nhân-tông liền sai tướng dẫn mộ
Nhà vua sai người đón đường giết chết. Bọn Di Ái trốn về nước; nhà vua hạ chiếu trị tội, bắt chịu tội đồ làm lính.

2) Trần Kiện(*)

Quân của Toa Đô kéo về đến Nghệ An, đi đến đâu đánh tan đến đấy, quân của Quang Khải không thể chống lại được. Trần Kiện cùng với thuộc hạ là Lê Trắc đem gia quyến đón đường đầu hàng; Toa Đô sai người đưa bọn Trần Kiện về Yên Kinh. Khi đến Lạng Giang, thổ hào ở đấy là Nguyễn Thế Lộc và Nguyễn Lĩnh đánh bọn Trần Kiện ở trại Ma Lục. Người gia nô của Hưng Đạo vương là Nguyễn Địa Lô bắn chết Trần Kiện. Lê Trắc, phải cõng xác Trần Kiện, ở trên mình ngựa, đương đêm chạy trốn, chạy được vài mươi dặm, đến Kheo Ôn, Trắc mới chôn xác Trần Kiện ở đấy.

*Trần Kiện: Con vợ lẽ của Tĩnh Quốc vương Quốc Khang, trước kia Quốc Khang cai trị Nghệ An, nên con cháu đều ở đấy.

3) Trần Ích Tắc

Trong trận chiến chống Nguyên Mông lần 2. Khi Thăng Long thất thủ, Hưng Đạo Vương đưa Vua và Thái Thượng Hoàng về Thanh Hoá . Bấy giờ quân Nguyên to thế lắm, đóng khắp các nơi, từ vùng Bắc-ninh, Thăng-long, Thiên-trường, chỗ nào cũng có quân đóng. Ở vùng Nghệ-an lại có Toa Đô, Đường ngột Ngải, Ô mã Nhi đánh ra. Nhân-tông kinh-hãi, Thượng-hoàng đêm ngày lo sợ. Nhà nước ngất-ngưởng nguy như trứng chồng. Bọn hoàng-tộc là Trần ích Tắc Trần tú Viên đều ra hàng Thoát Hoan cả.
Ích Tắc là con thứ của Thượng hoàng, thông minh, chăm học, am hiểu kinh truyện và lục nghệ, lại có tài làm văn chương; những nghệ thuật nhỏ như đá cầu, đánh cờ, không việc gì là không tinh hiểu. Thường mở trường học ở bên hữu chỗ nhà riêng, họp tập những người văn sĩ bốn phương, cấp cho cơm áo để cùng nhau giảng tập, như các ông Mạc Đĩnh Chi, Bùi Phóng, đến 20 người, đều là những người sau này có giúp ích cho đời cả.
Lời phê của vua Tự Đức - Người ta có tài văn học mà như thế, thì văn học làm gì ! Ích Tắc tự phụ là người thông minh mà không được thỏa mãn nguyện vọng, thường đem thư riêng gửi khách buôn ở Vân Đồn xin nhà Nguyên đem quân sang nước Nam. Nay quân Nguyên sang xâm lấn, Tắc đầu hàng ngay, cốt mong cho mình được làm vua trong nước. Muốn cơ mi Ích Tắc, nhà Nguyên phong cho hắn tước An Nam quốc vương. Lúc ấy Văn Chiêu hầu là Văn Lộng, Văn Nghĩa hầu là Tú Hoãn và bọn Phạm Cự Địa, Lê Diễn, Trịnh Long cũng đều đem cả gia quyến đầu hàng nhà Nguyên.
  B - Cõng Rắn Cắn Gà Nhà (Hậu Lê)


 

Lê Chiêu Thống tên thật là Lê Duy Khiêm, khi lên ngôi lại đổi tên là Lê Duy Kỳ , là vị vua thứ 16 và là cuối cùng của Nhà Hậu Lê thực ở ngôi từ cuối tháng 7 âm lịch năm 1786 tới đầu tháng giêng năm 1789. Chiêu Thống đã sang cầu viện Nhà Thanh  đem quân sang đánh Quang Trung với hy vọng trở lại ngai vàng. Việc làm đó của ông bị một số nhà sử học trong nước sau này chỉ trích dữ dội, coi đó là hành vi "bán nước", "cõng rắn cắn gà nhà".
Tháng Bảy năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Huệ với chiêu bài phù Lê diệt Trịnh đã mang quân ra Bắc Hà đánh đổ Trịnh Khải. Quyền bính khi đó ở cả trong tay Nguyễn Huệ. Vua Hiển Tông phong cho Nguyễn Huệ là Nguyên soái phù chính dực vận Uy Quốc Công, sau đó gả con gái thứ 21 là c6ng chúa Lê Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ. Khi đó Bắc Hà rối loạn, lòng người tản mát, vua Lê yếu hèn nhu nhược,Chúa Trịnh  thì đã bị đánh đổ, tạo ra khoảng trống quyền lực. Tuy nhiên, Nguyễn Huệ ra Bắc Hà lần này là lần đầu, giới sĩ phu Bắc Hà, do tư tưởng chính thống nên còn rất nghi kỵ và nhìn chung có thái độ chống đối với quân Tây Sơn. Phía nam quân Nguyễn Ánh vẫn còn quấy rối, không có Nguyễn Huệ thì không ai đảm đương được. Nguyễn Huệ thấy chưa thể củng cố được vững chắc quyền lực của mình ở Bắc Hà, nên đã quyết định không xưng đế mà để nhà Lê tiếp tục giữ ngôi vua. Quyền phế lập ở cả trong tay Nguyễn Huệ là điều cả ông lẫn nhà Lê đều ý thức được. Hiển Tông trước khi chết dặn lại Duy Khiêm:
"Ta chỉ sớm tối sẽ trút bỏ gánh nặng, bây giờ lo lắng việc nước là ở mình cháu, cháu phải nghĩ lấy. Binh lính xứ khác còn đóng ở đây, về việc truyền nối ngôi vua là việc trọng đại, cần phải thượng lượng bàn bạc với nguyên soái (tức Nguyễn Huệ), chớ nên làm tắt".
Về việc chọn người nối ngôi, Nguyễn Huệ đầu tiên tham khảo ý kiến vợ là công chúa Ngọc Hân, công chúa Ngọc Hân khen Duy Cận là người hiền, nhưng sau đó do ý kiến từ các hoàng tộc Nhà Hậu Lê, Ngọc Hân xin lại với Nguyễn Huệ lập Duy Khiêm. Nguyễn Huệ đồng ý, đưa Duy Khiêm lên ngôi vua. Vua mới đổi tên là Duy Kỳ, đặt niên hiệu là Chiêu Thống. Năm đó, Chiêu Thống 21 tuổi.
Thế nhưng, khi quân Tây Sơn ra Bắc lần thứ hai diệt Nguyễn Hữu Chỉnh, chỉ vì muốn bảo vệ quyền lợi của họ Lê, Vua Chiêu Thống cùng Hoàng Thái Hậu sang cầu cứu Nhà Thanh, cõng rắn cắn gà nhà.

Thời đại nào cũng thế, không thiếu kẻ chỉ nghĩ đến tư lợi mà đi ngược lại quyền lợi quốc gia dân tộc.  Đi theo ngoại bang phản bội Tổ Quốc. Chắc chắn rồi đây danh nhơ sẽ mãi truyền tụng cho hậu thế như các Sử  Gia Tiền Nhân đã ghi lại.
(Tham Khảo: Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục do Phan Thanh Giản Chủ Biên và Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, Wikipedia...)


Huỳnh Hữu Đức

Cà Phê Vĩnh Long


(Tặng Lê Kim Hiệp)

Cà phê Thảo Nguyên rưng rưng giọt nhớ
Gió đâu đây ngỡ gió bụi phi trường
Từ Vĩnh Long lên đồn trú núi rừng
Hai thằng Không Quân một thời trôi dạt

Ừ ! Vĩnh Long sao đầy hơi nắng gắt
Phượng đỏ môi ai, đâu phấn thông vàng?
Áo bay ngang tàng vượt mấy đường mây
Cánh gãy dù rơi... chân trời góc biển

Nghe Khánh Ly ru hời thơ nhạc Trịnh
Vị đắng, hồn đen tựa café Dinh Điền

Ta quá giang đời như những người điên
Núi dựng, đồi nghiêng Pleiku chót đỉnh

Ta trở về đây hồn già hỏa tuyến
Chào Khúc Thụy Du, Nguyễn Vĩnh Long Hồ
Huynh Muội chung trường, phố dựng lầu thơ
Nhớ Kim Oanh, nhăm nhi thơ Kim Hiệp!!!


Phạm Tương Như
VL, 11/05/ 2015

Đừng Em Nói Tiếng Tạ Từ



Tình như ánh nến lung linh
Mùi hương diễm ảo như quỳnh hoa đêm
Một ngày tình đến gọi tên
Sáng bừng ngọn lửa soi tim mù lòa
Thế rồi một buổi tình xa
Nỗi đau vò xé chiều tà bão giông
Vòng tay ôm mối tình không
Sầu trong tim nhói sầu trong ra ngoài
Thời gian giũ áo tình phai
Vò sao cho hết miệt mài dấu yêu

Như tình em đến một chiều
Hương bay quấn quít liêu xiêu cõi lòng
Nụ cười chớp nhẹ mi cong
Mà như sét đánh bật vùng cỏ hoang
Trái tim cằn bật mơ màng
Đôi bờ đông mọc đôi hàng cỏ non
Giấc mơ tình đẹp vuông tròn
Thắp lên tháng nhớ ngày son tuyệt vời...

Thế rồi đôi ngả xa xôi
Nhớ nhau qua những tiếng cười vọng âm
Dẫu cho ngàn nhát dao đâm
Trái tim rỉ máu vẫn trầm luân thương
Tình em là đóa vô thường
Hương bay cuốn cuộc tình buồn phiêu du
Đừng em nói tiếng tạ từ
Chiêm bao anh mãi biếc bờ liêu trai

Trầm Vân



Thứ Ba, 9 tháng 6, 2015

Buồn Vào Thu


Không gian tĩnh lặng chiều nay
sương thu lất phất, lá bay muôn chiều
đó đây cảnh vật đìu hiu
chim vang tiếng gọi, hồn phiêu hốt buồn

Xót mình một gã tha hương
tóc xanh bỗng chốc thành sương muối rồi
gục đầu thầm gọi quê tôi
dư âm mặn chát giọt rơi não nùng

Đêm mơ giấc mộng tao phùng
nhưng sao sông núi quay lưng ngậm ngùi
bâng khuâng trả lại ngọt bùi
trả luôn nỗi nhớ niềm vui… ra về

Giật mình cùng nỗi tái tê
nghe chăn chiếu lạnh, bốn bề tịch liêu
thời gian gõ nhịp buồn thiu
thương quê nhớ nước buồn hiu hắt buồn

Yên Sơn
16.09.2012

Bóng Nắng - Bóng Trăng


Xướng:Bóng Nắng

Ai chia bóng nắng làm đôi
Bóng rơi dưới đất nắng trôi trên trời
Nắng lên rực rỡ dòng đời
Bóng chìm trong tối nghẹn lời xót xa

Ai chia bóng nắng làm ba
Nắng nghiêng bóng ngã ta qua lối sầu
Ước mơ chung một nhịp cầu
Dầu cho mưa gió dãi dầu không hư

Ai chia bóng nắng làm tư
Ta tìm bóng nắng xe như bồi hồi
Nắng ru bóng ngủ trên đồi
Xe buồn ngừng bánh ta ngồi trầm ngâm

Ai chia bóng nắng làm năm
Bóng, ta, xe, nắng lặng câm ngỡ ngàng
Một mai duyên nợ lỡ làng
Én bay lẻ bạn lạc đàn về đâu?

Ai gây chi cuộc bể dâu
Nắng tàn hiu hắt đêm sâu bóng mờ
Con đường cát bụi chực chờ
Ta như thầm hỏi bao giờ xe lăn?

Đỗ Hữu Tài

6 - 6 - 2015
* * *
Họa: Bóng Trăng

Trách ai gom nắng chẻ đôi
Nhuộm mây chiều tím thả trôi góc trời
Mưa thu trút xuống sông đời
Bến sương hiu hắt, vắng lời ru xa

Mỏi mòn chờ hết tháng Ba
Đón xuân vào ngõ, bước qua đông sầu
Dõi tìm bảy sắc vòng cầu
Ươm tình hoa nắng cho dầu mộng hư

Lung linh giọt nắng tháng Tư
Buồn, vui đi đến dường như từng hồi
Gió lay cành lá triền đồi
Thềm trưa thi sĩ còn ngồi vịnh ngâm!

Bước vào ngưỡng cửa tháng Năm
Nắng đi đâu vắng, bạc câm gió ngàn
Nợ duyên cá nước lỡ làng
Én xuân đuổi mộng... xa đàn nơi đâu?

Xin đừng gợn sóng biển dâu
Thuyền thơ trôi dạt canh sâu biệt mờ
Trăng mơ tháng Sáu đợi chờ
Vòng xoay Lục Bát từng giờ quay lăn...!

Yên Dạ Thảo

05/06/2015