Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2015

Hội Tất Niên Năm Giáp Ngọ2014 - Xuân Ất Mùi 2015

Anh chị Ngô Đình Thuận, Khải Ng (đứng), anh Trần Bá Xử, anh chị Lê Cần Thơ và Diễm Phượng. Anh Lê Cần Thơ gốc Cần Thơ nhưng lúc tiểu hoc có mấy năm học Sađéc.
Người đứng kế anh là anh Phạm Bá Hoa, cưụ Tỉnh Trưởng Cần Thơ, gốc Nha Mân

Nguyễn Cao Khải

Gió


Gió là người bạn đồng hành thân thiết cho những ai đang trong cuộc hành trình dưới ánh nắng mặt trời.
Gió cũng rất gần gũi làm cho người ta quên đi dù mệt nhọc, xua tan những mồ hôi nhễ nhại đang lăn tròn trên thân thể vì công việc nặng nhọc.

"Ngọn gió nào đưa bạn đến đây" ? 
Đó là một câu nói rất bình thường của một lần gặp mặt dù tình cờ hay là có hẹn trước, nhưng cũng làm cho mọi người được vui vẻ tay bắt mặt mừng.

Gió đưa bụi chuối sau hè
Anh theo vợ bé bỏ bè con thơ

Hãy lắng nghe những tiếng than thở của một người mẹ đang ru con ...sau một cuộc hạnh phúc đã đổ vỡ.
Gió mùa xuân phơi phới, mùa hè người ta cũng mong có một cơn gió để làm thoải mái với cái nóng bức. 
Mùa thu gió rơi những chiếc lá vàng, gió làm cho lòng người se se lạnh, không ai không chắt lưỡi khi đón gió mùa đông.

Bốn mùa thiên nhiên đến , trông rất là bình thường nhưng đối với tôi ngọn gió rất hiếm hoi.
Mùa xuân không thể mở cánh cửa sổ rộng hơn vì phấn hoa làm cho mình sổ mũi, khọt khẹt. 
Mùa hè thì lại ngán cái nắng gay gắt lùa vào cửa sổ vì bên trong đã có máy lạnh.
Khi đến mùa thu thì chỉ mở cánh cửa sổ lúc ban đêm để hưởng thụ làn gió nhè nhẹ vì ban ngày tôi không muốn bị ho hen vì ngọn gió mùa thu. 
Dĩ nhiên khi mùa đông về thì cánh cửa sổ không thể nào mở ra được vì cái lạnh nó sẽ làm buốt da và vì vậy cái máy sưởi được dịp làm việc.
Những điều bình thường nó đến, nó đi cho cõi lòng được bình thản thì tôi chỉ có mỗi việc để gió cuốn đi ...

Nhưng đối với tôi, cả cuộc đời chắc chắn không thể nào quên được mùa gió chướng với một đêm đã cho tôi trở thành thủy thủ bất đắc dĩ, nhưng con tầu vượt biên nghe sóng vỗ ầm ĩ lẫn tiếng gió hòa trong cơn mưa, đã làm anh chàng thủy thủ bất đắc dĩ phải choáng váng vì không thể nhìn được mỹ nhân ngư vì con tầu cứ lắc lư theo từng ngọn sóng. Rất may là con thuyền đã đến được bến bờ tự do, đón ngọn gió lạnh, hít thở không khí êm dịu sau những ngày lênh đênh trên mặt biển.
Từ đó tôi có một kỷ niệm đã ăn sâu trong ký ức của mình mà không thể nào rời bỏ được, vì kỷ niệm là một hành trang đeo đuổi tôi khi mạch máu còn luân lưu trong cơ thể, trái tim còn đập, trí nhớ chưa lụn tàn. 
Người ta có thể quên kỷ niệm, nhưng kỷ niệm không thể nào rời bỏ khi con người vẫn còn hiện hữu trên trái đất, vẫn biết vui, vẫn biết buồn. 


Kỷ niệm đã cho tôi rất đậm đà trên hòn đảo Bi Đông, đã đẩy lùi bóng tối của một tên cô độc mỗi đêm đi trên bãi cát vàng nghe sóng biển rì rào, gió biển làm lòng se se lạnh.
Bi Đông hỡi!!! Ta yêu mi nhiều lắm. Có người tình, có những buổi đón đưa. 
Kỷ niệm dù không trọn vẹn, dù đã gẫy đoạn. Từ khi gió biển không còn run rẩy trái tim cô độc, nhưng kỷ niệm đó mãi mãi là một làn gió để con tim , buồng phổi của tôi còn trọn vẹn trong thân thể mà chưa có ngọn gió độc nào đưa tôi vào một cõi ...
Vì vậy, để nửa cuộc đời còn lại này vẫn vui với hiện tại, vẫn có ngọn gió lành ru mãi từng kỷ niệm...do đó tôi không để gió cuốn đi.

Đỗ Hữu Tài ( Virginia ngày 10/06/15 )

Chiều Hàm Rồng


Con đường ấy vẫn hoen màu bụi đỏ
Gió lơ thơ nghe nắng mới ngập ngừng
Anh sống thở trong tâm hồn trai trẻ
Nghe nỗi buồn đâu đó đến bâng khuâng
Hoa cúc dại thắm trên đường xa tắp
Và quê hương tha thướt lá xanh trà
Em có thả những chòm mây nhung nhớ
Cho rừng hoang im lắng tiếng chim ca
Đời viễn khách mơ hồ không biết được
Bước chân vang rộn rã buổi quay về
Em mắt biếc hồn nhiên bên cánh cửa
Gửi hương nồng quay quắt bóng người đi...

Lâm Hảo Dũng

Mất Nhau Thật Rồi


"Sóng gió cuộc đời nuôi ta lớn,
Bao lần thất bại dạy ta khôn" (sưu tầm)

* * *
Chiều lên nắng nhạt nhánh gầy,
Thương ai nhớ mãi những ngày tháng xưa.
Sương mờ khuất nẻo gió mưa,
Tương tư rớt giọt lưa thưa điệu buồn!

Chiều sao trống trải sân trường,
Tìm em mấy thuở vấn vương cả đời.
Còn đâu lối cũ rong chơi,
Kẻ còn người mất lở thời chẳng quên.

Ngàn dâu xanh ngắt mông mênh,
Dòng sông uốn khúc lục bình êm trôi.
Ở đây vật đổi sao dời,
Nghĩa trang cỏ mọc biết nơi mô tìm...

"Tìm em như thể tìm chim,
Chim bay cõi Bắc, anh tìm hướng Nam"
Chùn chân lạc bước cũng cam,
Bạn già lận đận khói lam xóm nghèo !

Mai Xuân Thanh
Ngày 30 tháng 05 năm 2015

Thứ Năm, 11 tháng 6, 2015

Bài Thơ Thương Nhớ ...1


Đêm qua mưa đến, ghẹo đùa chơi
Tí tách reo vui tựa tiếng cười
Phố vắng lặng chìm, ru giấc ngủ
Ta ngồi dõi mắt ngắm mưa rơi

Lại nhớ về EM, nắn nót thơ
Bài thơ thương nhớ, chép trong mơ
Ru từng kỷ niệm hòa trong chữ
Bao nét hài hòa đậm tiếng tơ

Mùa HẠ đã tàn, EM nhớ không ???
Vui đùa ba tháng thỏa thuê lòng
Thăm bao thắng cảnh cùng bè bạn
Đan ước tình hồng những đợi trông

Ngồi đây viết nốt những vu vơ
Đêm vắng mưa buồn nhớ ngẩn ngơ
Ly rượu ru hoài sao chẳng ngủ ..???
Bài thơ thương nhớ chép trong mơ .....

Hoàng Dũng

Hoàng Hạc Lâu - Thôi Hiệu

Nói đến nỗi quê nơi đất khách , không thể không nhắc đến bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, một danh tác đời Đường . Bài này, tôi không còn nhớ là đã chuyển dịch bao nhiêu lần rồi kể từ lúc nghỉ hưu từ năm 2000 , mười mấy năm trước . Sáng nay , chép lại bài thơ , những mong chia xẻ được phần nào với mọi người thân quí ,cái đẹp của chữ nghĩa để thấy đời vẫn còn vui . Thế thôi . 

Hoàng Hạc Lâu -Thôi Hiệu ( ? - 756)



Tạm Dịch : Lầu Hạc Vàng

Người xưa đã cỡi hạc vàng bay đi mất / Nơi này chỉ còn trơ lại một ngôi lầu trống / Hạc vàng một lần bay đi là không trở lại / Mây trắng vẫn còn bồng bềnh thiên cổ nổi trôi / Dưới bến Hán Dương, bờ cây lung linh soi nước trong trời quang mây tạnh / Ngoài xa, trên cồn Anh Vũ, cỏ hương một thảm rậm rạp ngút ngàn / Trời chiếu sắp tối, quê nhà nơi đâu / Khói sóng vật vờ trên sông khôn ngăn được nỗi ngậm ngùi. 
Phạm Khắc Trí
9/6/2015

Bài Dịch: Hoàng Hạc Lâu

Xưa hạc chở tiên đi mất rồi 
Lầu thơ còn đó gió rong chơi 
Hạc vàng một thuở đâu quay lại 
Mây trắng ngàn năm vẫn nổi trôi 
Nắng bến Hán Dương vàng đáy nước 
Cỏ cồn Anh Vũ tím chân trời 
Chiều sa, quê cũ nơi nào nhỉ 
Khói sóng trên sông não dạ người 

Phạm Khắc Trí
* * *
Các Bài dịch:
Dịch thơ 1 

Hạc vàng Người cỡi về đâu 
Còn trơ lầu đứng dãi dầu nắng mưa 
Hạc vàng theo bóng người xưa
Ngàn năm mây trắng vẫn chưa bến về
Trời trong cây Hán sông mê 
Cỏ tươi Anh Vũ chẳng hề đổi thay
Chiều buông dần khuất quê ai 
Trên sông khói toả lòng đầy nhớ nhung.

Quên Đi

Dịch thơ 2 


Hạc vàng người cỡi mất từ lâu
Trơ trọi giờ đây một bóng lầu
Hạc đã một đi không trở lại
Ngàn năm mây trắng biết về đâu
Trời trong sông Hán cây soi bóng
Anh Vũ bãi xanh cỏ đậm màu
Ngày hết quê nhà đâu chẳng thấy
Trên sông khói sóng dạ thêm sầu

Quên Đi
* * *
Lầu Hoàng Hạc 

Người xưa cỡi hạc đã xa vời 
Lầu Hạc bơ vơ đứng giữa trời 
Heo hút hạc vàng không trở lại 
Lang thang mây trắng vẫn ngàn đời 
Hán Dương sông tạnh cây lồng bóng 
Anh Vũ bãi xanh cỏ rạng ngời 
Chiều xuống mơ hồ, quê chẳng thấy 
Trên sông khói sóng, nỗi sầu khơi!

Mailoc
* * *
Hoàng Hạc Lâu

Người cùng hạc khuất chân trời
Mái lầu trơ bóng thơm rơi vướng lòng
Hạc vàng đâu nữa mà mong
Ngàn năm mây trắng bềnh bồng phương nao
Hán Dương sông lộng tàng cao
Cỏ cồn Anh Vũ dạt dào gió đưa
Cố hương tìm mãi vẫn chưa
Vật vờ khói sóng sa mưa lệ sầu

Kim Phượng
* * *
Lầu Hoàng Hạc 

Hạc vàng tích cũ đã xưa rồi,
Lầu vắng còn lưu dấu ngắm chơi.
Chim quý vàng bay vèo mất hút,
Mây bay tỏa trắng lạnh lùng trôi. 
Bờ dâu bến Hán Dương xanh ngắt,
Thảm cỏ cồn Anh Vũ ngát trời.
Bóng ngã chiều tà quê quán nhớ,
Ngậm ngùi khói sóng xót xa người!

Mai Xuân Thanh

Ngày 11 tháng 06 năm 2015

Tiếng Vọng Tình Quê


Việt Nam ơi!
Bốn ngàn năm vẫn đủ
Giống Lạc Hồng làm chủ nước Nam ta

Dẫu đi xa
Vẫn mãi nhớ quê nhà
Nơi thôn xóm có lũy tre ngà lả lướt
Nơi có đàn em nhỏ đùa vui với sân trường thuở trước
Cho Ta luôn vọng hoài thời vơ vẩn như mây.

Dẫu đi xa
Mà dạ lại cứ dâng đầy
Nỗi nhớ quắt quay
Cho hồn nhọc nhằn như thể ...

Việt Nam ơi!
Bốn nghìn năm luôn thế
Hồn nước
Tình nhà
Lời để...tại Thiên thư

Thời gian trôi

Và thế sự
thực_hư
Dẫu xa xót.
Cũng chỉ là
...mất_được ?!

Quê hương đấy

Có đồng lúa xanh óng mượt
Sóng lá rì rào như nhịp thở miên man
Ruộng làng quê
Cánh đồng chín rực vàng
Là mảnh đất hiền ngoan...
Với tình Cha_nghĩa Mẹ.

Một thuở xưa xa - một thời son trẻ

Biết mấy êm đềm là những tiếng ầu ơ

Đêm dịu huyền nên ngọt lịm cả vần thơ
Gom nhớ
Gom thương
Ta trải lòng chờ đợi...

Một góc quê hương
Có đôi bờ tre mới
Cây nẩy mầm xanh cho măng lại đâm chồi.

Tiếng vọng tình quê
Ngọt ngất cả bờ môi
Ta đợi mãi đấy thôi
Người ơi!
Về nhé!

TiCa Nguyễn Xuân Hòa


Lỡ Một Ngày


Nếu lỡ một ngày mây biếng trôi
Vì em nhốt gió tận phương trời
Làm sao mưa được về thăm đất
Như có bao giờ em nhớ tôi

Nếu lỡ một ngày nước cạn hơi
Còn đâu đáy cốc bóng em cười
Là xuân thu khép đời chưa cạn
Nhưng cạn bên lòng mộng lứa đôi

Nếu lỡ ta về chẳng thấy em
Cũng đừng ép nắng trốn vào đêm
Vì trong lớp áo em thay mới
Có cả tình ta đã rũ mềm ..

Nếu lỡ bên trời lẩn khuất nhau
Thì xin che giấu nỗi niềm đau
Ngày xưa vì chửa lần em khóc
Xin hãy cười thêm dẫu nghẹn ngào ..

Nếu lỡ em về chưa kẻ đưa
Dù thơ còn đọng chút hương thừa
Cũng xin gom mắt môi ngày cũ
Gởi gió theo người khép lối xưa ...

Nhược Thu12/11/2003

Vẫn Là Mưa Nắng Thất Thường


Em ơi sáng nay mưa,
chắc vì trăng đã khuất
những tàng cây nghiêng ngửa
giữa gió lồng đong đưa

Anh sợ ngày nguyệt lặn
chìm sâu trong lòng đau
anh sợ mưa và nắng
làm hoa lá đổi màu

Em ơi đêm nay lạnh
ta không còn bên nhau
lúc cận kề sao lại
như xa cách hai đầu

Mùi thơm còn quấn quít
chỗ em ngồi hôm qua
bàn tay anh quá nhỏ
không đong đầy hương xa

Em ơi anh trở bệnh
vì mưa nắng hay là
trong đáy lòng hiu quạnh
không ánh sáng nguyệt tà

Ngăn tim riêng đã mở
cũng chỉ là trống không
như vực sâu vô hạn
như đất trời mênh mông

Em ơi đêm ngạt thở
ngày u uất gió gào
đời xôn xao ai nhớ
chút riêng mình lao đao

Rất gần sao lạ quá
vẫn giang vĩ giang đầu
khoảng cách không thâu ngắn
vẫn dài như từ lâu

Anh một mình vấn lệ
tự hỏi thầm trong đêm
là ai mà lạ nhỉ
tiếng thở dài sâu thêm

Ơi đêm tàn nguyệt lặn
mai nắng gió về đâu
thêm một lần hứng chịu
vết cắt ngọt và sâu

Dù sao thì… cũng vẫn
ơn em tận ngàn sau
Đến đi như gió thoảng
Qua đời anh ngất đau

Túy Hà
14-9-14



Thứ Tư, 10 tháng 6, 2015

Tháng Sáu Trời Mưa!


Tháng sáu trời sắp mưa nhưng dè dặt
Mùa cuối thu cành trơ chiếc lá buồn
Nhớ quê xưa những chiều mưa nặng hạt
Ai có về gữi hộ giọt sầu tuôn

Tháng sáu hè vui những ngày nhộn nhịp
Chiều ven sông đùa giởn tắm bên nhau
Hè vội qua ngày vui chưa bắt kịp
Mưa thu buồn gợi nhớ biết là bao

Tháng sáu đi về ta chưa gặp lại
Con đường xưa còn đợi đến bao giờ
Quê hương xa với nỗi buồn khắc khoải
Kỷ niệm nào cũng chỉ ở trong mơ.

Biện Công Danh
June 2014
Ảnh phụ bản của tác giả chụp.

Nhơ Danh Muôn Thuở

Là người Dân Việt, chúng ta có quyền hãnh diện tự hào: đất nước ta có hơn 4.000 năm văn hiến. Tiền Nhân luôn nêu gương sáng  cho hậu thế, giữ vững truyền thống bảo vệ tổ quốc, bảo vệ giang san, không làm tay sai cho giặc  như câu nói của Vua Lê Thánh Tông:
“Một thước núi, một tấc sông của ta không nên vất bỏ... Nếu ngươi dám lấy một thước, một tấc đất của Thái Tổ (Vua Lê Lợi) mà đút mồi cho giặc thì tội phải tru di...”
                                                                     
(Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)


Lịch sử đã ghi chép lại không biết bao tấm gương anh hùng liệt nữ, đã vì Quốc Gia Dân Tộc quên cả lợi ích cá nhân. Nhưng vẫn còn đó những vết nhơ thiên cổ, có những kẻ vốn là người quyền thế cao sang, chỉ vì quyền lợi cá nhân hay thân thuộc mà mãi quốc cầu  vinh, hoặc cõng rắn cắn gà nhà.

A - Mãi Quốc Cầu Vinh (Đời Trần)

1) Trần Di Ái
Trước đây, nhà Nguyên nhiều lần sai sứ sang dụ vua Nhà Trần vào chầu, nhà vua đều không theo. Sau nhà Nguyên lại sai Thượng thư là Lương Tăng sang dụ rằng: Nếu thật vua không thân sang chầu được thì phải đem đủ vàng ngọc sang để thay mình. Thêm vào đấy phải nộp người hiền tài, người làm thợ và người phương kỹ , mỗi hạng hai người.
Vì thế nhà vua mới cho chú họ là Di Ái và bọn Lê Tuân, Lê Mục đi thay mình. Lúc ấy nhà Nguyên lại lập ti tuyên phủ ở nước ta, cho Bốc Nhan Thiếp Mộc Nhi giữ sứ mạng, đặt liêu thuộc riêng; nhà vua cũng không nhận. Nhà Nguyên lấy làm căm giận, bèn lập Di Ái làm vua, phong Lê Mục làm Hàn lâm học sĩ, Lê Tuân làm Trung thư lệnh, rồi sai Sài Thung đem một nghìn quân hộ tống về nước.
Trần di Ái thấy Nguyên-chủ phong cho cũng nhận, đưa về cũng về; chắc trong bụng đồ là chuyến này nhờ sức Mông-cổ, may việc xong, thì được làm vua, nhược bằng không xong, thì đổ cho là Nguyên-chủ bắt-ép; vì thế mới theo Sài Thung về.
Sài Thung đưa bọn Trần di Ái đến gần ải Nam-quan, có tin phi-báo về Kinh-đô. Nhân-tông liền sai tướng dẫn mộ
Nhà vua sai người đón đường giết chết. Bọn Di Ái trốn về nước; nhà vua hạ chiếu trị tội, bắt chịu tội đồ làm lính.

2) Trần Kiện(*)

Quân của Toa Đô kéo về đến Nghệ An, đi đến đâu đánh tan đến đấy, quân của Quang Khải không thể chống lại được. Trần Kiện cùng với thuộc hạ là Lê Trắc đem gia quyến đón đường đầu hàng; Toa Đô sai người đưa bọn Trần Kiện về Yên Kinh. Khi đến Lạng Giang, thổ hào ở đấy là Nguyễn Thế Lộc và Nguyễn Lĩnh đánh bọn Trần Kiện ở trại Ma Lục. Người gia nô của Hưng Đạo vương là Nguyễn Địa Lô bắn chết Trần Kiện. Lê Trắc, phải cõng xác Trần Kiện, ở trên mình ngựa, đương đêm chạy trốn, chạy được vài mươi dặm, đến Kheo Ôn, Trắc mới chôn xác Trần Kiện ở đấy.

*Trần Kiện: Con vợ lẽ của Tĩnh Quốc vương Quốc Khang, trước kia Quốc Khang cai trị Nghệ An, nên con cháu đều ở đấy.

3) Trần Ích Tắc

Trong trận chiến chống Nguyên Mông lần 2. Khi Thăng Long thất thủ, Hưng Đạo Vương đưa Vua và Thái Thượng Hoàng về Thanh Hoá . Bấy giờ quân Nguyên to thế lắm, đóng khắp các nơi, từ vùng Bắc-ninh, Thăng-long, Thiên-trường, chỗ nào cũng có quân đóng. Ở vùng Nghệ-an lại có Toa Đô, Đường ngột Ngải, Ô mã Nhi đánh ra. Nhân-tông kinh-hãi, Thượng-hoàng đêm ngày lo sợ. Nhà nước ngất-ngưởng nguy như trứng chồng. Bọn hoàng-tộc là Trần ích Tắc Trần tú Viên đều ra hàng Thoát Hoan cả.
Ích Tắc là con thứ của Thượng hoàng, thông minh, chăm học, am hiểu kinh truyện và lục nghệ, lại có tài làm văn chương; những nghệ thuật nhỏ như đá cầu, đánh cờ, không việc gì là không tinh hiểu. Thường mở trường học ở bên hữu chỗ nhà riêng, họp tập những người văn sĩ bốn phương, cấp cho cơm áo để cùng nhau giảng tập, như các ông Mạc Đĩnh Chi, Bùi Phóng, đến 20 người, đều là những người sau này có giúp ích cho đời cả.
Lời phê của vua Tự Đức - Người ta có tài văn học mà như thế, thì văn học làm gì ! Ích Tắc tự phụ là người thông minh mà không được thỏa mãn nguyện vọng, thường đem thư riêng gửi khách buôn ở Vân Đồn xin nhà Nguyên đem quân sang nước Nam. Nay quân Nguyên sang xâm lấn, Tắc đầu hàng ngay, cốt mong cho mình được làm vua trong nước. Muốn cơ mi Ích Tắc, nhà Nguyên phong cho hắn tước An Nam quốc vương. Lúc ấy Văn Chiêu hầu là Văn Lộng, Văn Nghĩa hầu là Tú Hoãn và bọn Phạm Cự Địa, Lê Diễn, Trịnh Long cũng đều đem cả gia quyến đầu hàng nhà Nguyên.
  B - Cõng Rắn Cắn Gà Nhà (Hậu Lê)


 

Lê Chiêu Thống tên thật là Lê Duy Khiêm, khi lên ngôi lại đổi tên là Lê Duy Kỳ , là vị vua thứ 16 và là cuối cùng của Nhà Hậu Lê thực ở ngôi từ cuối tháng 7 âm lịch năm 1786 tới đầu tháng giêng năm 1789. Chiêu Thống đã sang cầu viện Nhà Thanh  đem quân sang đánh Quang Trung với hy vọng trở lại ngai vàng. Việc làm đó của ông bị một số nhà sử học trong nước sau này chỉ trích dữ dội, coi đó là hành vi "bán nước", "cõng rắn cắn gà nhà".
Tháng Bảy năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Huệ với chiêu bài phù Lê diệt Trịnh đã mang quân ra Bắc Hà đánh đổ Trịnh Khải. Quyền bính khi đó ở cả trong tay Nguyễn Huệ. Vua Hiển Tông phong cho Nguyễn Huệ là Nguyên soái phù chính dực vận Uy Quốc Công, sau đó gả con gái thứ 21 là c6ng chúa Lê Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ. Khi đó Bắc Hà rối loạn, lòng người tản mát, vua Lê yếu hèn nhu nhược,Chúa Trịnh  thì đã bị đánh đổ, tạo ra khoảng trống quyền lực. Tuy nhiên, Nguyễn Huệ ra Bắc Hà lần này là lần đầu, giới sĩ phu Bắc Hà, do tư tưởng chính thống nên còn rất nghi kỵ và nhìn chung có thái độ chống đối với quân Tây Sơn. Phía nam quân Nguyễn Ánh vẫn còn quấy rối, không có Nguyễn Huệ thì không ai đảm đương được. Nguyễn Huệ thấy chưa thể củng cố được vững chắc quyền lực của mình ở Bắc Hà, nên đã quyết định không xưng đế mà để nhà Lê tiếp tục giữ ngôi vua. Quyền phế lập ở cả trong tay Nguyễn Huệ là điều cả ông lẫn nhà Lê đều ý thức được. Hiển Tông trước khi chết dặn lại Duy Khiêm:
"Ta chỉ sớm tối sẽ trút bỏ gánh nặng, bây giờ lo lắng việc nước là ở mình cháu, cháu phải nghĩ lấy. Binh lính xứ khác còn đóng ở đây, về việc truyền nối ngôi vua là việc trọng đại, cần phải thượng lượng bàn bạc với nguyên soái (tức Nguyễn Huệ), chớ nên làm tắt".
Về việc chọn người nối ngôi, Nguyễn Huệ đầu tiên tham khảo ý kiến vợ là công chúa Ngọc Hân, công chúa Ngọc Hân khen Duy Cận là người hiền, nhưng sau đó do ý kiến từ các hoàng tộc Nhà Hậu Lê, Ngọc Hân xin lại với Nguyễn Huệ lập Duy Khiêm. Nguyễn Huệ đồng ý, đưa Duy Khiêm lên ngôi vua. Vua mới đổi tên là Duy Kỳ, đặt niên hiệu là Chiêu Thống. Năm đó, Chiêu Thống 21 tuổi.
Thế nhưng, khi quân Tây Sơn ra Bắc lần thứ hai diệt Nguyễn Hữu Chỉnh, chỉ vì muốn bảo vệ quyền lợi của họ Lê, Vua Chiêu Thống cùng Hoàng Thái Hậu sang cầu cứu Nhà Thanh, cõng rắn cắn gà nhà.

Thời đại nào cũng thế, không thiếu kẻ chỉ nghĩ đến tư lợi mà đi ngược lại quyền lợi quốc gia dân tộc.  Đi theo ngoại bang phản bội Tổ Quốc. Chắc chắn rồi đây danh nhơ sẽ mãi truyền tụng cho hậu thế như các Sử  Gia Tiền Nhân đã ghi lại.
(Tham Khảo: Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục do Phan Thanh Giản Chủ Biên và Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, Wikipedia...)


Huỳnh Hữu Đức

Cà Phê Vĩnh Long


(Tặng Lê Kim Hiệp)

Cà phê Thảo Nguyên rưng rưng giọt nhớ
Gió đâu đây ngỡ gió bụi phi trường
Từ Vĩnh Long lên đồn trú núi rừng
Hai thằng Không Quân một thời trôi dạt

Ừ ! Vĩnh Long sao đầy hơi nắng gắt
Phượng đỏ môi ai, đâu phấn thông vàng?
Áo bay ngang tàng vượt mấy đường mây
Cánh gãy dù rơi... chân trời góc biển

Nghe Khánh Ly ru hời thơ nhạc Trịnh
Vị đắng, hồn đen tựa café Dinh Điền

Ta quá giang đời như những người điên
Núi dựng, đồi nghiêng Pleiku chót đỉnh

Ta trở về đây hồn già hỏa tuyến
Chào Khúc Thụy Du, Nguyễn Vĩnh Long Hồ
Huynh Muội chung trường, phố dựng lầu thơ
Nhớ Kim Oanh, nhăm nhi thơ Kim Hiệp!!!


Phạm Tương Như
VL, 11/05/ 2015

Đừng Em Nói Tiếng Tạ Từ



Tình như ánh nến lung linh
Mùi hương diễm ảo như quỳnh hoa đêm
Một ngày tình đến gọi tên
Sáng bừng ngọn lửa soi tim mù lòa
Thế rồi một buổi tình xa
Nỗi đau vò xé chiều tà bão giông
Vòng tay ôm mối tình không
Sầu trong tim nhói sầu trong ra ngoài
Thời gian giũ áo tình phai
Vò sao cho hết miệt mài dấu yêu

Như tình em đến một chiều
Hương bay quấn quít liêu xiêu cõi lòng
Nụ cười chớp nhẹ mi cong
Mà như sét đánh bật vùng cỏ hoang
Trái tim cằn bật mơ màng
Đôi bờ đông mọc đôi hàng cỏ non
Giấc mơ tình đẹp vuông tròn
Thắp lên tháng nhớ ngày son tuyệt vời...

Thế rồi đôi ngả xa xôi
Nhớ nhau qua những tiếng cười vọng âm
Dẫu cho ngàn nhát dao đâm
Trái tim rỉ máu vẫn trầm luân thương
Tình em là đóa vô thường
Hương bay cuốn cuộc tình buồn phiêu du
Đừng em nói tiếng tạ từ
Chiêm bao anh mãi biếc bờ liêu trai

Trầm Vân



Thứ Ba, 9 tháng 6, 2015

Buồn Vào Thu


Không gian tĩnh lặng chiều nay
sương thu lất phất, lá bay muôn chiều
đó đây cảnh vật đìu hiu
chim vang tiếng gọi, hồn phiêu hốt buồn

Xót mình một gã tha hương
tóc xanh bỗng chốc thành sương muối rồi
gục đầu thầm gọi quê tôi
dư âm mặn chát giọt rơi não nùng

Đêm mơ giấc mộng tao phùng
nhưng sao sông núi quay lưng ngậm ngùi
bâng khuâng trả lại ngọt bùi
trả luôn nỗi nhớ niềm vui… ra về

Giật mình cùng nỗi tái tê
nghe chăn chiếu lạnh, bốn bề tịch liêu
thời gian gõ nhịp buồn thiu
thương quê nhớ nước buồn hiu hắt buồn

Yên Sơn
16.09.2012

Bóng Nắng - Bóng Trăng


Xướng:Bóng Nắng

Ai chia bóng nắng làm đôi
Bóng rơi dưới đất nắng trôi trên trời
Nắng lên rực rỡ dòng đời
Bóng chìm trong tối nghẹn lời xót xa

Ai chia bóng nắng làm ba
Nắng nghiêng bóng ngã ta qua lối sầu
Ước mơ chung một nhịp cầu
Dầu cho mưa gió dãi dầu không hư

Ai chia bóng nắng làm tư
Ta tìm bóng nắng xe như bồi hồi
Nắng ru bóng ngủ trên đồi
Xe buồn ngừng bánh ta ngồi trầm ngâm

Ai chia bóng nắng làm năm
Bóng, ta, xe, nắng lặng câm ngỡ ngàng
Một mai duyên nợ lỡ làng
Én bay lẻ bạn lạc đàn về đâu?

Ai gây chi cuộc bể dâu
Nắng tàn hiu hắt đêm sâu bóng mờ
Con đường cát bụi chực chờ
Ta như thầm hỏi bao giờ xe lăn?

Đỗ Hữu Tài

6 - 6 - 2015
* * *
Họa: Bóng Trăng

Trách ai gom nắng chẻ đôi
Nhuộm mây chiều tím thả trôi góc trời
Mưa thu trút xuống sông đời
Bến sương hiu hắt, vắng lời ru xa

Mỏi mòn chờ hết tháng Ba
Đón xuân vào ngõ, bước qua đông sầu
Dõi tìm bảy sắc vòng cầu
Ươm tình hoa nắng cho dầu mộng hư

Lung linh giọt nắng tháng Tư
Buồn, vui đi đến dường như từng hồi
Gió lay cành lá triền đồi
Thềm trưa thi sĩ còn ngồi vịnh ngâm!

Bước vào ngưỡng cửa tháng Năm
Nắng đi đâu vắng, bạc câm gió ngàn
Nợ duyên cá nước lỡ làng
Én xuân đuổi mộng... xa đàn nơi đâu?

Xin đừng gợn sóng biển dâu
Thuyền thơ trôi dạt canh sâu biệt mờ
Trăng mơ tháng Sáu đợi chờ
Vòng xoay Lục Bát từng giờ quay lăn...!

Yên Dạ Thảo

05/06/2015

Những Trái Thanh Long Cuối Mùa - Melbourne Úc Châu

Đây là thành quả trồng Thanh Long của bạn Phong Điền, tại Victoria Melbourne, với những trái cuối mùa, trĩu nặng. 
"Thanh Long nhà năm nay ra trái làm 3 đợt. Mỗi đợt cách nhau khoảng một tháng. Hai đợt đầu, lúc trời chưa mưa, Thanh Long rất ngọt. Đợt cuối cùng, có nhiều mưa,Thanh Long bớt ngọt và dễ bị nứt. Đây là trụ Thanh Long hơn hai tuổi, có trái lần đầu tiên và là trái Thanh Long đợt cuối."



Phong Điền

Bóng &Ta


ta đứng bóng nằm
ta ngồi bóng khóc
ta đi bóng mệt
ta nằm bóng tan
ta ngủ bóng tàn

Trần Phù Thế
(Trích từ Thi Tập Cõi Tình Mong Manh)

Bi Kịch Của Một Gia Đình Chính Trị Gia


Hai Cha Con Phó Tổng Thống Joe Biden Và Con Trai Beau

Phó Tổng Thống Hoa Kỳ là ông Joe Biden vừa mất một người con trai là anh Beau Biden, 46 tuổi. Anh bị bịnh ung thư óc và qua đời ngày 30/5/2015 vừa qua. Anh là một Luật sư, một Bộ Trưởng Tư Pháp của tiểu bang, một Chính trị gia sáng giá và một tín hữu Công giáo ngoan đạo. Anh để lại người vợ trẻ và hai người con nhỏ, một trai, một gái.

Tổng Thống Obama đã nói rằng:
“Anh Beau là một người Công giáo tốt lành và bác ái, một người ngoan đạo và trung thành. Anh đã làm cho cuộc sống của những người khác được tốt hơn. Anh sẽ sống lại trong trái tim của mọi người.”
Thật sự gia đình anh Beau và cha anh là Phó Tổng Thống Joe Biden trải qua một thảm kịch quá bi thương.

Vào ngày 17 tháng 5 năm 2015, khi đến nói chuyện trong buổi lễ tốt nghiệp của Đại Học Yale University, Ông Joe Biden đã tiết lộ rằng:
“Năm 1972, vợ tôi là Neilia, và đứa con gái 1 tuổi của tôi là Naomi đã bị tai nạn xe và chết ngay, còn hai con trai tôi là Beau, 3 tuổi, và Hunter, 2 tuổi thì bị thương nặng và nằm bịnh viện."
"Lúc đó, tôi mới có 30 tuổi và vửa mới được bầu làm Thượng Nghị Sĩ của Hoa Kỳ. Lúc đó tôi là người trẻ tuổi thứ hai trong lịch sử của Thượng Viện Hoa Kỳ. Điều ấy làm cho tôi có nhiều tham vọng. Trong cuộc đời nếu bạn không cẩn thận thì bạn cứ nghĩ rằng mình thành công. Tuy nhiên, mọi sự có thể thay đổi hoàn toàn trong một nhịp đập của trái tim."

“Sau khi trúng cử Thượng Viện được 6 tuần thì cả thế giới của tôi thay đổi mãi mãi. Trong lúc tôi đang ở tại thủ đô Washington, D.C. để thuê nhân viên cho văn phòng thì tôi nhận được một cú điện thoại. Vợ tôi và ba con của chúng tôi đang đi mua sắm quà cho mùa Giáng Sinh. Một cái xe tractor-trailer đụng vào xe vợ tôi và làm cho vợ tôi và con gái tôi chết ngay lập tức. Và họ nói rằng không biết hai con trai tôi có thể sống sót được không?”

"Từ đó, tôi phải lái xe 4 tiếng đồng hồ mỗi ngày từ Washington, DC về lại Wilmington, Delaware suốt nhiều tuần lễ để thăm nom hai con trai tôi ở bịnh viện. Sở dĩ tôi phải vất vả đi lại vì tôi muốn ôm hôn các con tôi mỗi buổi tối và ôm hôn chúng mỗi buổi sáng của ngày hôm sau. Tôi muốn ở bên giường bịnh viện của các con tôi. Bởi vì tôi nhận nhức rằng một đứa trẻ có thể giữ những ấn tượng quan trọng trong tâm hồn. Có những điều quan trọng mà chúng muốn nói với cha mẹ, có thể trong suốt 12 hay 24 tiếng đồng hồ, rồi chúng sẽ quên đi. Và khi chúng quên là quên luôn."
"Sau tai nạn đau thương ấy, tôi không còn muốn tuyên thệ nhận chức Thượng Nghị Sĩ nữa. Lẽ ra tôi phải tuyên thệ chung với các đồng nghiệp vào năm 1973 nhưng tôi không muốn đến Washington, D.C. nữa. Tôi chỉ muốn ở lại với Beau và con trai khác của tôi. Cuối cùng thì tôi vẫn tuyên thệ nhưng ngay tại giường bịnh của Beau.”

Ông Biden nói chuyện được 2 tuần sau thì con trai của ông là Beau Biden chết. Beau là con đầu lòng của ông, mới có 46 tuổi.
Ông Joe Biden lại vừa phát biểu:
“Tôi có một mối liên hệ mật thiết với các con của tôi, đó là một hồng ân vì nếu không có sự mật thiết ấy thì tôi không biết mình có thể sống sót vượt qua khỏi những sự đau khổ mà tôi đã trải qua hay không? Ai biết được liệu mình có thể trân quý những giây phút đẹp đẽ và quý báu trong cuộc đời hay không?"
Khi còn sống, anh Beau Biden đã từng nói:
“Một trong những ký ức sớm nhất và đẹp nhất ở bịnh viện là ba tôi luôn ở bên cạnh tôi. Ba tôi chăm sóc cho anh em tôi. Ba không muốn tuyên thệ nhận chức. Ba bảo:

‘Tiểu bang Delaware có thể có một thượng nghị sĩ khác nhưng các con của tôi không thể có một người cha khác.’

Tuy nhiên, những chính trị gia nổi tiếng khác cũng đã trải qua những bi kịch trong cuộc đời như Thượng Nghị Sĩ Ted Kennedy, Mike Mansfield, Hubert Humphrey... đã khuyên can ba tôi là hãy phục vụ tổ quốc. Vì thế ba tôi đã tuyên thệ ngay tại giường bịnh của tôi.

Joe Biden (complet đen, giữa) trong lễ tuyên thệ nhậm chức. Cậu bé trong bức ảnh chính là Beau Biden.

Là một người cha độc thân, ba quyết định luôn ở cạnh chúng tôi để cho chúng tôi lên giường ngủ vào buổi tối, luôn ở bên cạnh chúng tôi khi chúng tôi thức dậy sau khi có một giấc mơ hãi hùng. Ba làm các món ăn điểm tâm cho chúng tôi. Ba hy sinh lái xe 4 tiếng đồng hồ từ Washington, D.C về nhà trong 4 tiếng đồng hồ mỗi ngày.”
Phó Tổng Thống Joe Biden nói rằng:

“Con trai tôi, Beau đã chiến đấu với bịnh ung thư óc với lòng chân thành, can đảm và sức mạnh. Bây giờ nhìn lại, tôi thấy sự thật, lý do thật là sở dĩ tôi lái xe đi về mỗi tối là vì tôi cần các con tôi hơn là chúng cần tôi."
"Có những người đã viết và nói rằng về tôi rằng:
'Joe Biden không thể là một nhân vật chính trị nghiêm túc. Nếu ông ta nghiêm chỉnh thì ông phải ở lại thủ đô Washington nhiều hơn, tham dự các biến cố chính trị nhiều hơn. Ông ta không thể là một chính trị gia nghiêm túc được vì ông ta vội vã về nhà ngay sau khi bầu bán.'
"Tuy nhiên tôi thấy mình không thiếu gì cả.”

Suy niệm:

Mỗi gia đình đều có những bi kịch riêng. Nếu không hiểu thì dễ phán xét. Ông Joe Biden đã chịu cực khổ để vừa trở nên một người cha cô đơn tốt lành trong một tình huống đau buồn và khó khăn như thế, vừa chu toàn nhiệm vụ phục vụ tổ quốc. Xin Chúa chúc phúc cho gia đình ông!

Xin Chúa chúc phúc cho linh hồn anh Beau Biden! Xin Chúa an ủi và cứu giúp gia đình anh Beau. Amen. RIP!

Kim Hà
Mailoc Sưu Tầm

Thứ Hai, 8 tháng 6, 2015

Bài Thơ Tháng 6


Gởi tặng em bài thơ tháng Sáu
Cơn mưa buồn tháng Sáu ngập hồn ai

Tháng Sáu đến đến cùng cơn mưa lạnh
Lạnh ngoài trời và lạnh cả lòng Em
Ta nhắm mắt hình dung em run rẩy
Melbourne buồn lòng ta cũng buồn lây.

Mưa tháng Sáu mưa sâu vào nỗi nhớ
Trời cũng buồn như nhắc lại đau thương
Ta lặng lẽ tưởng chừng tim ngưng động
Muốn cùng em chịu đựng khối buồn vương.

Mưa tháng Sáu khắc trong em nỗi nhớ
Làm sao quên hình bóng kẻ đi xa
Đoạn đường qua đầy kỷ niệm vui buồn
Nhưng phía trước em ơi luôn tươi đẹp

Mưa tháng Sáu Em ơi vơi sầu thảm
Phong ba nào rồi vẫn phải trôi qua
Đoạn đường kia đời ai cũng một lần
Em có thấy bình minh dần ló dạng?

Quên Đi

8 Bài Lục Bát Ngắn Về Bóng & Hình


1-
đưa tay níu bóng níu hình
đừng cho cái bóng cái tình lìa nhau
bởi hình là bóng mai sau
2-
tay nào ve vuốt bóng tình
thịt da nào cũng của mình của ta
em đừng bỏ bóng hình nha
3-
em đừng mong mỏi nơi tôi
từ lâu hình đã phai phôi lâu rồi
bóng hình xa cách hai nơi
tôi em cũng vậy lắm lời càng đau
4-
trăm năm bóng chẳng thấy hình
ngàn năm bóng vẫn một mình cô đơn
đời còn chiếc bóng nào hơn
khi hình xa bóng bóng còn một thân

5-
hình mong bóng trở lại nhà như xưa
dù trời bão tố nắng mưa
thì hình vẫn đợi vẫn chờ trăm năm

6-
bóng hình một bữa cách xa
hình ôm chiếc bóng khóc òa trong mê
bao năm bóng chưa thấy về

7-
bóng đi khuất bóng chân trời
còn hình ở lại một đời hắt hiu
bóng hình là ảo ảnh thôi

8-
đêm còn giết bóng hoàng hôn
như em từng giết linh hồn của ta
dù rằng tình cũ cách xa
ái ân ngày trước hôm qua vẫn còn
vẫn còn hơi ấm nụ hôn
dù trăm năm nữa mùi son vẫn nồng

Trần Phù Thế
(Trích từ Thi Tập Cõi Tình Mong Manh)

Thơ Tranh: Cảnh Giới Hoa Nghiêm

Tặng Đặng Thị Quế Phượng


Thơ:Hồ Trường An 
Thơ Tranh: Kim Oanh


Tình Yêu Xây Dựng


Tôi có tình yêu yêu thiết tha
Yêu ngôi nhà nhỏ dáng hiền hòa
Bên khu cao ốc đầy kiêu hãnh
Sau cổng rào thưa điểm sắc hoa.

Yêu mảng tường lam bóng đổ thềm
Nương nhờ hàng cột đứng uy nghiêm
Sê nô thẳng tắp che bờ mái
Lam chạy song song cắn mặt diềm.

Yêu màu xám mịn của xi măng
Gắn bó keo sơn em cát vàng
Ôm ấp lòng son cô gạch đỏ
Vì con người bền sức thi gan.

Yêu hòn đá nhỏ dáng thân thương
Đeo bám nâng niu chú sắt tròn
Đứng với trời cao đầy thử thách
Chí con người tuế nguyệt phong sương

Yêu bác thợ hồ đứng múa bay
Bên chàng thợ phụ dựng dàn xây
Cùng cô thợ sắt bàn tay khỏe
Em gái trộn hồ lưng dẻo dai

Tôi yêu từ những vật thô sơ
Đan kết sức người tạo ước mơ
Hạnh phúc phát ra từ mái ấm
Tâm hồn nhân bản dệt trời thơ!

Nguyễn Đắc Thắng
20140323

Đường Về Quê Cũ - Lối Về Xóm Cũ


Đường Về Quê Cũ

Sau ly loạn một chiều về thăm lại 
Quê nhà xưa lòng mãi nhớ thương đầy 
Con đường mòn vắng vẽ nắng chiều rây 
Hồn lắng đọng ngất ngây hương đồng nội 

Cây đa cổ bao năm mưa nắng gội 
Chùa Linh Sơn u tối ngóng ai về 
Bến đò xưa quán cóc chợ đồng quê 
Tiếng bìm bịp lê thê chiều nước lớn 

Sân đình rộng trẻ trong thôn đùa giởn 
Mái tranh nghèo mơn mởn mấy liếp rau 
Những nhà xưa gạch gổ mái phai màu 
Trong hoang phế điêu tàn sầu ôm mộng 

Dừa xõa tóc mơn man theo gió lộng 
Ngôi trường làng vắng bóng gốc phượng xưa 
Lòng bùi ngùi hồi tưởng những hè trưa 
Xác phượng đỏ như mưa trên sân vắng 

Chiều dần xuống hàng cây còn vương nắng 
Mùi phân trâu cỏ mục bốc nặc nồng 
Hương hoa cau hoa bưởi thoảng trên không 
Lúa vàng ối mênh mông cò vạc múa 

Nhà Bác Tám vang vang tiếng chó sủa 
Vài trẻ con đen đúa tủa ra xem 
Bên bờ kia ai đó lạ hay quen ?
Rồi hối hả thuyền sang người vừa tới 

Tiếng ếch nhái côn trùng trời sắp tối 
Ngọn đèn dầu hiu hắt đuổi bóng đêm 
Người hàn huyên sum hợp phút êm đềm 
Ôi kỷ niệm ! một trời xưa thân ái 

Mailoc
5-25-15
( Trở về Cao Lãnh sau Hiệp Định Genève 1954 )
***

Lối Về Xóm Cũ

Lối về xóm cũ mãi không quên
Bến nước đò xưa máy nổ rền
Gốc phượng sân trường nay đã cỗi
Hàng dừa mép ruộng đứng chênh vênh
Cây đa cổ thụ đâu còn nữa !
Lộ đá quanh co hết gập ghềnh
Xa xứ lâu ngày nay trở lại
Quê hương còn nhớ: lạ hay quen ??/

Song Quang

Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2015

Vĩnh Long Một Thời Để Nhớ


( Sa Đéc)
      Tôi được ra đời và lớn lên tại Sa Đéc, một địa danh có liên hệ gần gặn với danh từ đa âm của người Kmer như Ông Nguyễn Hữu Hiếu của Hội Sử Học tỉnh Đồng Tháp từng nhận xét nhưng tôi vẫn muốn được nhận mình là người Sa Đéc một cách thân thương và vẫn thích được xem như là người của sông Sa hiền hòa, nói cách khác là người Sa Giang cho có vẻ nên thơ vậy mà?

      Tuy chủ đề được tản mạn xoay quanh thành phố Vĩnh Long, nơi đã từng cưu mang tên nhóc con như tôi suốt cả chiều dài bốn năm từ khi chập chững bước vào ngưỡng cửa Trung học nhưng tôi vẫn miên man nghĩ đến tỉnh Sa Đéc luôn gắn liền với tỉnh Vĩnh Long như anh em một nhà vì ngay từ ngày còn bé tí tẹo, lúc tôi vừa khoảng trên mười tuổi thôi, tôi vẫn thường nghe danh xưng ba tỉnh của đồng bằng sông Cửu thường được ghép chung với nhau, dĩ nhiên có cả tỉnh Sa Đéc của tui nữa, là Sa Đéc- Vĩnh Long- Trà Vinh mà hệ thống giáo dục được đặt dưới quyển kiểm soát của vị Thanh Tra Học Chính Liên Tỉnh, lúc bấy giờ gọi là Inspecteur Inter-Provincial trong đó gồm có Sa Đéc, Vĩnh Long và Trà Vinh nên tôi cũng cảm thấy hãnh diện vì Sa Đéc của tui được đứng ở hàng đầu (cái hãnh diện rất ngây thơ của tuổi con nít lú bấy giờ. Đến khi tôi nhận được quyển Đặc san Phù Sa Sông Cửu Xuân Quý Tỵ 2013 của Hội Ái Hữu Vĩnh Long-Vĩnh Bình-Sađéc do anh Lê Tấn Lộc, người bạn đồng môn cùng lớp với tôi từ ngày mới thành lập Collège de Vĩnh Long năm 1949 gởi tặng thì tôi thấy cái tỉnh Sa Đéc của tui nhảy xuống hạng “bét dèm”, tôi chỉ nói đùa chớ thứ hạng nào cũng vậy thôi có ăn nhậu gì đâu mà âu với sầu, cũng tương tự như cái tên Vĩnh Bình hay Trà Vinh thì cũng na ná như thế. Nói vậy chớ khi nhắc đến tỉnh Trà Vinh thì tôi rất tâm đắc với tựa đề “Một Thoáng Trà Vinh” mà người tiểu muội đa tài trường Đoàn Thị Điểm Nguyên Nhung đã phỗng tay trên” trong Đặc san Xuân Ất Mùi 2015 mất rùi nên tui làm sao bắt chước được nữa?

 (Collège de Vĩnh Long) 
      Như đã nói ở trên, hồi ở bậc Cao Đẳng Tiểu Học (Trung Học Đệ Nhất Cấp), tôi học ở Trường Cao Tiểu Vĩnh Long (Collège de Vĩnh Long) trong bốn năm từ 1949, một thời gian không quá dài nhưng cũng đủ lưu lại trong trong tôi nhiều kỷ niệm thật trẻ con, thật êm đềm và thú vị về tỉnh Vĩnh Long vì đang ở trong giai đọan mới phát triển của tuổi học trò.

      Ngày ấy, chỉ riêng tỉnh Trà Vinh là tôi ít có dịp ghé thăm nhiều lần vì không có bà con thân thích cư ngụ tại đây, mãi đến khi tôi vào quân đội và phải trầy da tróc vảy leo lên đến cấp đại úy (sau gần 8 năm mang cấp Trung úy thời Đệ Nhứt Cộng Hòa) vào đầu năm 1966 mới có cô cháu con bà chị ruột tốt nghiệp kỹ sư Công Chánh được bổ nhiệm về làm Trưởng Ty Công Chánh tỉnh Vĩnh Bình thì lúc bấy giờ thỉnh thoảng tôi cùng Nhà Tôi tôi mới có dịp ghé thăm tỉnh này. 

      Riêng hai tỉnh Vĩnh Long và Sa Đéc có nhiều quan hệ mật thiết dây mơ rễ má với nhau qua một thời gian dài xem như hai tỉnh anh em. Ngược dòng thời gian, vào thời Đệ Nhứt Cộng Hòa, Sa Đéc là một tỉnh riêng biệt cũng ngon lành lắm chớ có thua ai đâu, nhưng đến ngày 8/10/1957, khi khổng khi không tỉnh Vĩnh Long được tái tổ chức thành 6 quận trong đó lại có sự sát nhập của tỉnh Sa Đéc của tui nữa, sau đó vào ngày 2/8/1969, tỉnh Vĩnh Long lại tăng lên thành 7 quận với quận Châu Thành và các quận Chợ Lách, Tam Bình, Bình Minh, Minh Đức,Trà Ôn, và Vũng Liêm, gạt bỏ chàng nhóc tì Sa Đéc “ra rìa” để Sa Đéc trở thành một tỉnh như trước đây.


(Ngã Ba Cần Thơ- Vĩnh Long)
      Vĩnh Long chỉ cách Sa Đéc có 24 cây số nên việc qua lại giữa hai tỉnh rất nhanh chóng, đôi khi chỉ đi bằng xe đạp cũng rất dễ dàng, nhứt là vào dịp cuối tuần hay ngày lễ mà tôi đã có dịp mô tả khi tôi cùng anh bạn cùng lớp hớn hở chạy u từ Vĩnh Long về Sa Đéc bằng xe đạp qua các nẻo đường từ cầu Cái Cam, Cái Côn, chạy ngang qua ngã ba cầu Bắc Mỹ Thuận, rồi qua Cái Tàu Hạ, v.v. Khi đên Nha Mân chỉ còn cách Sa Đéc có 8 cây số, nơi có chợ Nha Mân khang trang và một địa danh gọi là Chuồng Dê (có tiếng là nguy hiểm vào Tết Mậu Thân 1968) là chúng tôi bắt đầu tăng tốc độ như những cu-rơ nhà nghề vậy. Chúng tôi càng háo hức chạy nhanh hơn khi đến khu Xẽo Vạc, Cái Xếp với một dãy lò gạch nối tiếp nhau, khi ấy chúng tôi đã thấy khu chợ Sa Đécthấp thoáng ở phía xa xa dọc theo dòng sông Sa thì chúng tôi gò lưng chạy thật nhanh để mong sớm về đến nhà gặp mặt cha mẹ thân yêu mà tôi biết chắc mẹ tôi sẽ mừng rỡ vô cùng khi thấy bóng dáng cậu con trai út của mình.

      Ngày trở lại Vĩnh Long không vui nhộn như bận đi nên tốc độ chạy xe có phần chậm hơn nhưng cuối cùng chúng tôi cũng về đến nơi trọ để chuẩn bị cho ngày học mới. 

     Nhắc đến Vĩnh Long chắc hẵn chúng tôi không thể nào quên những địa danh rất quen thuộc như Cầu Lộ khi vừa vừa qua Ngã Ba Cần Thơ rồi quẹo trái đến Cầu Cái Cá mà tôi có rất nhiều kỷ niệm với xóm chài vì ở đây có vài anh bạn cùng quê đang trọ học, đặc biệt có anh Hoàng người bé tí tẹo nhưng lại là là một tay bơi cự phách khi anh dám bơi một lèo qua Sông Cái rộng mênh mông không cần phải nhờ đến chiếc ghe mà chúng tôi thường mướn chở thức ăn để qua bên kia sông. Cũng trên chiều dài con sông này tôi có một kỷ niệm thật êm đềm, trước hết là tạo cơ hội cho tôi thực hành bơi đường trường với lý do đơn giản là trên đoạn sông dài này thường có một cô bạn học cùng trường chuyên ngồi học bài trên căn nhà sàn mỗi buổi chiều, và đó là dịp may để tôi tung tăng thực tập bơi ngang qua chỉ để vẫy tay chào “người đẹp” một hai cái rồi tiếp tục bơi luôn như trong phim “The River of No Return”, cũng nhờ vậy mà sau này tôi cũng lượm được một vài huy chương về bơi đường dài? Nhưng eo ơi, cũng chính tại con sông này, gần bên nhà thờ Vĩnh Long, có một lần khi vừa bơi ra khỏi bờ khoảng 10 thước thì tôi thấy một vật gì nổi lềnh bềnh phía trước, bất giác khi định thần nhìn kỹ thì đó là “thằng chổng chết trôi” (thây ma đó mà) nên tôi lính quýnh vội vã bơi vô bờ nhưng có lẽ vì tôi ráng bơi nhanh nên nước cuốn cái thây ma làm như nó muốn rượt theo tôi, cũng may tôi không bị vọp bẻ nên đã may mắn vô được bờ bình an vô sự thì sau đó cái thây ma cũng tấp vào bờ luôn nên tôi mừng hú vía và không dám tiếp tục bơi để chiêm ngưỡng cô bạn học nữa trong một thời gian dài. Trên giữa khoảng đường từ Cầu Cái Cá đến nhà thờ có một nhà in tên Long Hồ Ấn Quán cạnh nơi đó có hai chị em học cùng trường, người chị tên Huỳnh Mai và người em tên Điểu học ngang lớp với tôi mà thuở ấy tôi rất thích nhìn cặp mắt to và đen láy của cô chị, để làm gì có trời mà biết?

(Nhà Thờ Chính Tòa Vĩnh Long)
      Vĩnh Long có khá nhiều cầu, không chỉ có Cầu Lộ, Cầu Cái Cá mà còn có Cầu Thiền Đức cạnh nhà giáo sư Phạm Văn Thàn, thân phụ của cô nữ sinh Henriette ngày xưa (sau này là giáo sư Phạm Thị Kim Chi, hiệu trưởng trường nữ trung học Đoàn Thị Điểm Cần Thơ) và Cầu Lầu (gần nhà thầy Lê Văn Sĩ, giáo sư hội họa, bác của anh bạn học phá như quỹ của tui là Lê Tấn Hội và cũng là cậu của cô Kim Chi) trên đường đi Trà Vinh.

      Lúc mới nhập học Collège de Vĩnh Long, tôi ở trọ nhà cô giáo Nam dạy học ở Ecole Francaise de Vĩnh Long. Nhà cô ở ngang đất thánh Tây mà người địa phương thường gọi là cimetìère. Nơi đây đã gieo rắc trong tôi tính đa cảm đa sầu vì lâu lâu tại đây có đám tang mấy quân nhân Pháp với tiếng kèn đồng buồn não nuột khiến tôi lâu lâu lại nằm khóc một mình giữa đêm vắng do buồn và nhớ nhà vì mới ở lứa tuổi 12, 13. Lúc bấy giờ, ở nhà trọ, ngoài cô hiệu trưởng Nam còn có người em gái là cô Tám, tốt nghiệp trường Sorbonne, Pháp cùng người cháu gái rất dễ mến là chị Sáu và cô Châu là phu nhân của Đại tá Điềm (Pháo Binh) sau này. Tôi vẫn còn nhớ rõ như in là vào mỗi buổi sáng có ông “cò-mi” tên Phép ỏ cùng đường thường đi ngang qua nhà chúng tôi và cất tiếng chào các cô rõ to “Mes hommages, Mesdames”. Ngoài ra, cô Châu có người em ruột tên Bảng cũng ở trọ chung với chúng tôi cùng với bạn Trực học sau tôi một lớp. Bạn Trực là con của thầy ruột tôi là ông Đốc Nguyễn Văn Lãnh ở Sa Đéc, anh hiền lành nhự cục bột trong khi bạn Bảng rất lém lỉnh, bạn Trực và tôi thường bị anh ấy ăn hiếp, sau này anh theo học khóa 10 Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, cuối cùng mang cấp bậc Trung tá của Bô TTM. Kế nhà trọ của chúng tôi còn có anh bạn học cùng lớp tên Nguyễn thế Hưởng rất hài hước và vui tính là một hảo thủ đánh bi-da nổi tiếng của Vĩnh Long mà thân phụ anh ấy là kỹ sư chuyên sản xuất dầu thơm cho tỉnh nhà.
(Cầu Lộ)
      Nhắc đến quý thầy cô và quý đồng môn, như tôi đã có lần nhắc đến khi trường mới thành lập, trước tiên phải nhắc đến giáo sư Nguyễn Văn Kính với biệt danh thân thương là Mơ-xừ Te (Inspecteur Interprovincial/Thanh Tra Liên Tỉnh Sa Đéc-Vĩnh Long-Trà Vinh) kiêm Ông Đìa (Directeur/Hiệu Trưởng). Phần nữ giáo sư chỉ độc nhứt có mỗi một cô là giáo sư Nguyễn Thị Sương rất trẻ đẹp là phu nhân của giáo sư âm nhạc khét tiếng Trần Văn Khê với hai người con trai mà ông dùng biệt danh này để gọi tên ông (Hải Minh) khi nói đến âm nhạc. Như bạn Lê tấn Lộc đã mô tả,, trước 1975, cô dạy học ở trường Gia Long, sau sang Pháp đoàn tụ với chồng rồi trở về Việt-Nam sống với hai con Quang Hải và Quang Minh. Trước ngày sang Mỹ tị nạn chính trị, bạn Lê tấn Hội và tôi có đến từ giả Cô tại cư xá Ngân Hàng bên kia cầu Xa Lộ khiến Cô mừng rỡ vô hạn, lúc ấy Cô vẫn còn nét đẹp cao quý ngày nào. Cách đây khoảng hai năm, chúng tôi nghe tin Cô vừa qua đời ở lứa tuổi gần 90 (?) Về phía nam giáo sư thì phải kể Giáo sư Phạm Văn Thàn, ông thầy ruột của tôi và cũng là thân phụ của cô Henriette học rất giỏi, nay là giáo sư Phạm Thị Kim Chi, hiệu trưởng trưởng nữ trung học Đoàn Thị Điểm Cần Thơ.
      Kế đó phải nhắc đến vị giáo sư dạy Pháp văn tuyệt vời là thầy Phạm Văn Tệt, thân phụ của bạn Triều học cùng lớp với tôi sau này sang du học bên Pháp. Ngoài ra còn có giáo sư Phạm Văn Thiết (gia đình họ Phạm hơi nhiều?) tốt nghiệp trường Sorbonne (Pháp) dạy Sử Địa mà tôi còn nhớ lúc bấy giờ thầy giao trọng trách cho chi Khiêm (bị cận thị nặng) lớp con gái và tôi vẽ một bàn đồ thế giới “pự tổ chảng” ngay tại tư gia của chị để thày dạy học mà tôi không nhớ nó mất tiêu lúc nào hổng biết, có lẽ nó quá đẹp hay quá xấu chăng? Thuở ấy còn có vị giáo sư trẻ tên Khiêm dạy tóan thật xuất sắc, sau đó cả hai thầy Thiết và Khiêm đều vào Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức, trước 30.4,1975 thầy Thiết là trung tá Quân Cụ còn thầy Khiêm là dại tá Pháo Binh. Ngoài ra còn có giáo sư dạy Việt văn là thầy Dương văn Tường và thầy Tư Hón dạy Thể dục với sự hỗ trợ tận tâm của thầy Tổng giám thị Nguyễn văn Kỹ Mậu và thầy Giám thị Nguyễn văn Mẫn (?).
(Trà Vinh 1962)

      Về phía nữ học sinh (suýt tí nữa tôi phải nhảy qua lớp nữ nếu không nhờ thầy Phạn văn Thàn cứu “trò” cho trở về lớp “đực rựa”) tôi chỉ còn nhớ loáng thoáng mấy “cô nương” gốc Vĩnh Long như chị Liễu, Gấm, Henriette/giáo sư hiệu trưởng “Kim Chi”, Lê thị Cẩm Hồng, Lê thị Cẩm Vân, chị Nhơn, Tương, Điểu, Xuân Lan, Nguyễn thị Trưởng Nhi, Lê thị Lý (bác sĩ), Nguyễn thị Lý (Cán sự Điều dưỡng) chị Điểu, Khiêm, Xuân Lan, Oanh, Loan, Thường, Nguyệt, Trương thị Cẩm, Cam thị Mỹ, Lê thị Bửu, v.v., phía Sa Đéc có các chị Trịnh thị Mai, Trần thị Hường, Lê thị Bằng, Trương thị Lan Anh (vừa mới mất cách đây mấy hôm (tháng 5/2015) tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ), v.v.

     Về phe các đực rựa, ngoài hai cây cổ thụ đứng đầu lớp Nguyễn văn Vẹn và Lương ngọc Ẩn chuyên môn học nhảy lớp, sau này trở thành giáo sư Toán và Pháp văn của trường mẹ được cải danh thành Nguyễn Thông-Tống Phước Hiệp, có các nam học sinh quê ở Vĩnh Long gồm những bạn Lễ (Petit Lễ), Lê tấn Lộc, Thục, Bếp, Bảy (Phi Vấn), Nguyễn thế Hưởng, Võ ngọc Các, Võ trung Thứ, Giáo, Giác, Lê an Lòng, Lê hoàng Tông,Võ minh Kiểng, Bùi thế Xương, Tiết, Ba (gà cồ), Hòa, Triều, v.v. Về phần học sinh quê ở Sa Đéc của tui gồm có các bạn Giêng, Thoại, Phẩm, Trọng, Hội, Cang, Dẫu, Dược, Thiết, Thiện, Phước, và tui là Trần bá Xử mà bạn Lê Tấn Lộc cùng một số bạn ưu ái tặng thêm hỗn danh là Hà Bá Xử cho có vẻ oai hùng và dữ tợn. Không riêng gì tôi mà một vài bạn khác trong lớp tôi cũng được sửa đổi tên như bạn Bùi thế Xương thành Bò Té Sông, Trần văn Giêng thành Trần văn Điên, Lê an Lòng thành Lê ăn…., “Sáu” Trọng, “Các dùi đục”, “Bảy Bùi”, “Thoại tiệm vàng”, “Ba Tàu Tông”, “Hưởng-dầu thơm hay bi-da”, Nhựt “thòi lòi”, chị N. “hột mít”…cùng một dọc tên vui nhộn như “Các-Thứ-Lòng-Tông-Giáo Giác. Đặc biệt tỉnh Trà Vinh chỉ có một “ngoe” là bạn Lê văn Lộc để phân biệt với Lê tấn Lộc, bạn Lộc (Trà Vinh) sau này theo học khóa 10 Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt như một số bạn cùng lớp và tử trận ở Sa Đéc với cấp bậc Trung tá.

(Cần Thơ)
      Ngày xa xưa ấy, đã hơn sáu mươi năm rồi còn gì, trong những ngày cuối tuấn, tôi thường đi rong chơi bằng xe đạp qua khỏi ngả ba Cần Thơ gần một cây số trên đường đi Cần Thơ thì có những mảnh vườn hay ruộng dọc đường có trồng dưa gan mà tôi rất thích ăn với đường thẻ. Tôi thường tạt qua để mua một hai trái để ăn, nếu dưa chưa chin tới thì tôi đem về ngâm vào lu nước để hôm sau lấy ra thì mùi thơm lừng làm tôi thèm nhỏ dãi. Đôi khi tôi có thú vui tiếp tục đạp xe mải miết rong chơi gần đến Ba Càng thì mới quay về, không dám thách quá giá để chạy tới Cái Vồn, Cần Thơ sợ đôi giò làm reo hổng chịu đi nữa thì mệt!

      Cũng trong những ngày ấy, có khi ba tôi xuống Vĩnh Long thăm tôi thì tôi có dịp đi ăn tiệm ở gần bến xe mà cạnh bên trường Ecole Francaise của cô Nam có một nơi (gần tòa án) chuyên bán món “civet lapin/xi-vê thỏ” mà thuở ấy tôi chưa bao giờ được nếm qua, nhưng tôi chú ý thấy ông chủ người Ấn Độ lột da con thỏ rất lành nghề chỉ trong giây lát thôi, bấy giờ tôi chỉ biết phục tài ông chủ nhưng chưa hề nghĩ đến việc tội nghiệp chú thỏ đáng thương!

      Thời gian qua nhanh quá, từ một cậu bé học sinh 12, 13 tuổi nay đã ngót ngét bát tuần, tôi bùi ngùi nhớ lại một thời đã qua mà chiều dài vượt quá ba phần tư đời người, hình dung lại những gương mặt thân thương ngày nào, hồi tưởng xem ai còn ai mất mà lòng thấy rưng rưng khi đặt dấu chấm hết ở đây.

Miền Đông Bắc Hoa Kỳ vào cuối Hạ 2015
Trần Bá Xử