Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

Một Buổi Sinh Hoạt Hướng Đạo


Hồn quê đặt ở trên môi
Tưởng nghìn cây số xa xôi vọng về
(Lê Minh Quốc)

Một góc hội trường. Một chiếc bàn hình chữ nhật bày khay, nĩa, bột làm bánh, các loại nhân mặn & ngọt rồi trái thơm, cà chua, hành tây, ớt Đà lạt, tương ớt…Bầy Sói con đứng quanh bàn. Đó là một trong rất nhiều buổi sinh hoạt hướng đạo của người Việt ở Úc châu.

Trước mặt mỗi sói lúc này là một chiếc khay, một cái nĩa. Trưởng bầy sói- bạn Thu Hương năm xưa của chúng tôi- đưa hai chiếc bánh mẫu lên hỏi: “ Các em có biết đây là loại bánh gì không?” Các sói im lặng tròn xoe mắt. Bạn  dùng song ngữ Việt- Anh giảng giải: “ Đây là loại bánh có vỏ ngoài như vỏ bánh Pate’chaud, nhân có thể mặn hay ngọt. Hôm nay chị sẽ bày các em làm bánh nhân ngọt nhé!”. Các sói háo hức nhìn theo tay bạn. Vỏ bánh được tách ra từng miếng phát đến tay mỗi em. Sau đó bạn cho nhân confiture vào giữa một vỏ bánh và tươi cười yêu cầu các em tự làm nhân cho chiếc bánh của mình. Sói con nô nức làm theo. Rồi  bạn lại khéo léo gấp đôi  thành hình chiếc gối chữ nhật xinh xắn và ân cần hướng dẫn các em dùng những chiếc nĩa làm viền cho bốn cạnh của bánh. Cuối cùng là công đoạn nướng. Từng em, từng em nâng niu đặt chiếc bánh vừa làm lên giấy lót, tự tay bỏ vào lò rồi thích thú dõi tìm quan sát...

Trong khi chờ bánh chín, bạn khéo léo dạy Tiếng Việt cho bầy sói qua bài hát. Thật không ngờ mấy chục năm rồi mà  giọng người hát solo trong bản hợp ca: “ Đợi anh về” dưới mái trường TH Pleime vẫn thật hay. Bạn bắt giọng “ Ngon là ngon quá. Ngon là ngon ghê. Ngon không chê chỗ nào. Ngon không chỗ nào chê”. Rồi: “ Vui là vui quá. Vui là vui ghê. Vui không chỗ nào chê…”Những câu hát bắt đầu vang lên với các tone thật thấp rồi cao hơn, cao hơn và cao vút theo nhịp tay của bạn. Những khuôn mặt ngây thơ. Những ánh mắt trong veo. Những đôi môi xinh xắn say mê hát.
Mùi thơm phưng phức của bánh lan tỏa khắp phòng. Từng em, từng em háo hức nhận chiếc bánh mình làm và thích thú thưởng thức. Tiếng reo, tiếng cười nói vui vẻ  không ngớt vang lên. Mỗi bé cảm nhận bánh một vẻ. Có bé ăn hết vèo, tưởng như nếu có cái thứ hai cũng xơi sạch; có bé ăn từ tốn; có bé lại vui sướng đưa bánh lên khoe với các huynh trưởng trước khi nhâm nhi; có bé chỉ ăn một phần, phần còn lại  gói mang về nhà( hẳn là để khoe với mẹ về món bánh handmade đầu tiên của mình).

Thời gian còn lại bạn giới thiệu cách làm bánh Pizza. Bạn đưa từng mẫu vật lên để dạy các sói trái thơm, cà chua, hành tây, ớt Đà Lạt…Khi dạy từ trái thơm, ngoài việc mở rộng các từ đồng nghĩa: thơm/ dứa/ khóm; lúc  gọt thơm bạn còn nêu lên một câu hỏi: “ Đây là mắt thơm. Vì sao thơm có mắt, hôm sau chị Hương sẽ kể nhé!”. Chà! Bạn nêu vấn đề hấp dẫn qúa. Sao thơm lại có mắt? Hẳn là chưa bé nào cắt nghĩa được. Buổi sinh hoạt sắp tới sẽ thu hút được nhiều sói hơn đây…
 Xong việc cho các sói luyện phát âm từ ngữ mới và tập nhận dạng mặt chữ- bạn đã cất công viết sẵn những từ này trên giấy- thì đến khâu  chuẩn bị làm bánh. Bạn vùa lột hành tây vừa giảng giải cho các sói biết hành tây có vị cay, lột & cắt không khéo mắt sẽ cay xè và nước mắt sẽ chảy giàn giụa. Ít phút sau, thơm, hành tây, ớt, cà chua đã được bạn thoăn thoắt thái hạt lựu. Xong đâu vào đấy, bạn bắt đầu bày các sói làm bánh Pizza. Công đoạn nào bạn cũng làm mẫu xíu xiu rồi để các sói lần lượt tự làm. Từ việc rưới đều tương cà chua, tương ớt lên mặt bánh đến việc rải đều hành tây, thơm, cà chua, ớt Đà Lạt và cuối cùng là đặt những sợi phô mai thành hình thoi lên mặt bánh. Phô mai gặp nhiệt sẽ chảy ra kết dính các loại nhân với nhau, làm bánh thơm ngon hơn,  hấp dẫn hơn, bắt mắt hơn.
Vậy là buổi sinh hoạt hôm nay các sói được thưởng thức, được tự tay mình làm  hai loại bánh. Lại được hát những bài hát Việt ngữ rất vui rất dễ nhớ và làm quen với các từ trái thơm, hành tây, cà chua, ớt Đà Lạt…


Không bảng đen phấn trắng, không bàn ghế, không sách vở bút thước, không phải chép bài, không làm bài tập, không trả bài. Học mà chơi- Chơi mà học! Từng buổi, từng buổi nhóm hướng đạo Úc châu đã tiến hành sinh hoạt thật nhẹ nhàng nhưng giúp bầy sói gốc Việt có thể nói viết được tiếng Việt, bắc được một nhịp cầu để các em phần nào hiểu được văn hóa truyền thống của ông cha. Ngoài ra với phương châm: Học vui- Vui học, hướng đạo Úc châu còn rèn luyện cho các sói những kỹ năng cần có trong cuộc sống như biết quan tâm đến cha mẹ và người xung quanh, biết chia sẻ việc nhà với mẹ, biết tự phục vụ mình: tự làm bánh, tự thu dọn khay nĩa sau khi ăn, có ý thức về làm việc theo nhóm…
Bao niềm vui, bao điều bổ ích từ những buổi sinh hoạt hướng đạo  thời Sói- Thiếu- Kha-Tráng. Làm sao mà quên được…

Nguyễn Thị Đức

Lục Bát Thu


1.

Hiu hiu ngọn gió Thu về
Vàng bay ngập lối lê thê bóng chiều
Biết còn được mấy mùa yêu
Rượu đào chưa rót, bóng chiều đã phai
Chợp mơ đã thấy đêm dài
Chưa say đã thấy đền đài ngã nghiên
Ai người gởi được niềm riêng
Cất giùm tôi mớ ưu phiền chiều Thu?

2.

Vàng bay nhuộm nẻo tà dương
Hồn ta xác lá ngập đường chiều Thu
Chờ người vàng giấc chiêm bao
Lòng tơ tình mãi xanh xao nỗi niềm
Biết người còn nhớ hay quên
Mà nghe ký ức chòng chềnh dòng thơ
Hồn Thu mây phủ sương mờ
Hồn ta chừ cũng bơ vơ cõi người

3.

Chiều Thu ra đứng nhìn trời
Đón heo may lại gởi lời nhớ thương
Người đi xa tít dặm trường
Còn nghe vương vấn mùi hương Thu về
Bên trời liễu khuất sương che
Ngóng theo tin nhạn, chẳng hề nhạn tin
Biết người còn nhớ hay quên!
Có hay nắng sắp tắt bên kia đồi?

Vĩnh Trinh

Dâng Hoa Cho Đức Mẹ - tháng Năm 2015

Học trò của cô chụp hình gởi cho cô nữa nè, em và các chị bạn múa Dâng Hoa cho Đức Mẹ


Ảnh: Vũ Thị Bạch Hằng

Một Thoáng


Dòng thơ nhỏ với nỗi lòng bỏ ngõ
Vẫn âm thầm theo gió vẩn vơ bay
Theo mây trôi về nơi chẳng còn ai
Và lan tỏa cùng tháng ngày quạnh vắng

Cũng là thế...ở nơi nào xa lắm
Có một người thầm lặng với bâng khuâng
Mãi ưu tư và câu hỏi bao lần
Yêu hay nhớ ?
Mà lòng nhiều cay đắng.

Ừ !
Thì cứ gửi một chút tình trong nắng
Để rồi theo gió cuốn với mây trôi
Về nơi ai ở tận cuối chân trời.
Tình thơ hỡi
Có chăng người đón nhận ?

Cuộc nhân thế vẫn luôn hoài lận đận
Những tình duyên - trăn trở - những yêu thương
Bao ước mơ luôn cứ mãi sầu vương
Ừ !
Thì thế
Cũng chỉ là một thoáng...

Tú_Yên

Nghe Đồn Rằng - Thơ Quách Như Nguyệt - Nhạc Văn Sơn Trường


Thơ: Quách Như Nguyệt
Nhạc: Văn Sơn Trường
Hòa âm: Quang Đạt
Trình bày: Thúy Huyền
Karafun by: Dĩ Vãng Buồn


Thứ Năm, 4 tháng 6, 2015

Mưa Tháng Sáu


Mưa tháng Sáu mưa rơi vào nỗi nhớ
Từng hạt buồn tan vỡ bản tình ca
Làn nước mắt chia xa lần hạnh ngộ
Tiễn đưa người hồi cố mảnh trời quê

Biển mênh mông vẹn thề lời nguyện ước
Hạt hóa thân ngược nước bám mạn thuyền
Sóng bạc đầu vỗ nhịp giấc cô miên
Cõi yên bình men đường tìm một chuyến

Lời mộng thực như tình còn lưu luyến
Hương khói thơm trầm quyện vẽ vòng bay
Màn mưa bụi u hoài giăng giăng lối
Người khuất rồi riêng mỗi khoảng trời xa

Mưa tháng Sáu mưa nhạt nhòa mong đợi
Vòng tay xuôi tầm gửi kiếp phù sinh
Trời vào đông biển hát khúc u tình
Mưa tháng Sáu mưa rơi vào kỷ niệm

Kim Phượng

Nối Tình Xưa


Tình em neo bến sông tương
Thuyền anh chở nặng yêu đương tìm về
Sông trăng dẫn lối câu thề
Lần vào cõi mộng chẳng hề lìa đôi
Mấy chục năm đua đòi vật chất
Khiến cuộc đời lạc mất tình thương
Trúc mai ly biệt hai đường
Duyên chẳng trọn sầu đương nỗi nhớ
Để mỗi đêm cùng trăng than thở
Rồi từng ngày lệ đẫm lưng tròng
Ôi xuân thì với những ước mong
Giờ gặp lại chờ chi người hỡi
Hồn như đang lạc lỏng chơi vơi
Tim đang rung động như thời mới yêu
Cuộc đời mình đã nhiều dâu bể
Vẫn say mê ta nối khúc nhạc xưa
Yêu nhau biết mấy cho vừa...

Quên Đi

Xướng Họa: Hoài Niệm Bốn Mùa


Anh hẹn đầu xuân đi chọn mai
Cành tơ, nụ khỏe, nhánh vươn dài
Bao nhiêu may mắn trong năm mới
Tụ đến nhà ta, hạnh phúc thay !

Hái phượng mùa hè, nhớ thuở xưa
Mối tình vừa chớm đẹp như thơ
Chung trường, chung lớp và chung lối
Chung cả cuộc đời, trọn ước mơ.

Thu ngắm lá vàng chấp chới bay
Sắc vàng hoa cúc, một trời say
Nhớ tà áo lụa em ngày ấy
Quấn quít hồn anh trong ngất ngây.

Đêm đông đối ẩm chén trà nồng
Bảo Lộc ngày xưa...nhớ ngập lòng
Thơm ngát xanh trong, trà Đỗ Hữu
Ánh trăng bàng bạc khắp không trung.
...........................................................
Bây giờ xuân hạ lẫn thu đông
Nào có còn ai để ngắm cùng
Hoa nở đầy trời...thôi, cũng mặc
Quanh năm sương giá ngập trong lòng

Mỗi mùa ép một nhánh hoa khô
Nhật ký từng trang đẫm lệ mờ
Trà cúc - hai ly - ngồi độc ẩm
Trong đêm trăng sáng suốt bao mùa...

Phương Hà
 * * *
( Riêng tặng Phương Hà với lòng thương cảm qúi mến)

Nai vàng Xuân ấy bỏ rừng Mai
Trăng úa sương khuya gió thở dài
Tí tách giọt sầu trăn trở mãi
Xuân tàn Hạ đến lạnh lùng thay!

Hè về Phượng vĩ vẫn như xưa
Nhặt xác hoa tàn dệt ý thơ
Run rẩy cánh hồng trên mặt đất
Tiếc thời lộng lẫy giữa trời mơ

Nàng Thu lửng thửng lá vàng bay
Sương xuống mơ màng Cúc đắm say
Gió thoảng hồn ai xào xạc lá
Đêm tàn hương cũ vẫn còn ngây

Ngày ấy đêm Đông phút ấm nồng
Trong ta réo rắt tiếng đàn lòng
Đêm nay gió ghẹo hôn làn tóc
Cho mắt môi nầy mãi nhớ nhung

Thắm thoát Xuân tàn Hạ đến Đông
Ba sinh hương lửa nhớ vô cùng
Vô thường sinh tử ai gieo rắc?
Một kiếp phù sinh nát cõi lòng

Qúa khứ giờ đây chiếc lá khô
Như mây như khói đã phai mờ
Năm châu được có bao thi hữu
Xướng hoạ niềm vui trải bốn mùa 

Mailoc
5-12-15

Chân Trần Ta Đi Mỏi

 

Sydney ơi! Em là cụm mây mềm mại
Ta một thời giữ lại ở trên tay
Chợt gió bay mây rụng xuống góc trời
Ta tê tái ngỡ đời như băng hoại. 

Ta khờ dại yêu rồi không ngần ngại
Kéo tơ buồn quằn quại những đêm thâu
Mắt hoằn sâu tơ tưởng một bóng hình
Ôm sợi nhớ một mình nghe đau nhói. 

Em đừng nói dù là lời ly biệt
Kẻo nơi này oan nghiệt lấp đời ta
Hãy giăng hoa như tình vẫn đượm nồng
Để ta tưởng mây hồng còn ươm nắng. 

Cho tóc trắng bạc dần cùng hiu quạnh
Tim khô cằn, môi lạnh, thân héo hon
Giấc ngủ ngon... thèm lắm... nhưng chẳng về
Bởi đuổi bắt lời thề trên trên gió. 

Sydny ơi! Dáng em còn tha thướt
Tóc lưng mềm, mắt biếc, vành môi cong
Nhớ gì không kỷ niệm của hôm nào
Ngày gặp gỡ má đào em ửng đỏ. 

Con lộ nhỏ phơi mình nơi phố lạ
Đã mấy mùa nắng hạ rớt trên tay
Ta mê say một giấc mộng bình thường
Qua bên ấy... phố phường thêm nhộn nhịp. 

Nhưng không kịp... em ơi không còn kịp
Tiếng tơ lòng lỡ nhịp từ bấy lâu
Những vết khâu rướm máu vẫn chưa lành
Mong manh quá sau đành khơi tình dậy. 

Sydney ơi! Chân trần nay đi mỏi
Âm thầm về đá sỏi cũng băn khoăn
Chiếc xe lăn lặng lẻ đứng ngại ngần
Sydney hỡi! chân trần ta đi mỏi.

Đỗ Hữu Tài
(Trong tập thơ Có Những Đêm)

Thứ Tư, 3 tháng 6, 2015

Bốn Mùa Nghiệt Ngã!


Tôi đến thành phố Melbourne một ngày nắng ấm, mùa của yêu thương và rộn rã tiếng cười..khi người người nhộn nhịp đón xuân tươi.

Mùa hạ đến sao hắt hiu lạnh cóng, tháng mười hai chẳng giống quê tôi, sao dư vị mặn đắng trên môi, mặt lã chã đầm đìa nước mắt, bao hy vọng...ngọn đèn vụt tắt.

Bao mươi thu lòng thêm quặn thắt, biết phải bắt đầu từ bước nào đây, nỗi muộn phiền như lưới bủa vây, ụp xuống không thể nào vùng vẫy.

Cuộc đời ơi! Xin đừng phụ rẩy, hãy lắng nghe từ đáy con tim. tiếng yêu xưa vẫn mãi đi tìm, đừng tàn ác nhận chìm ký ức.

Mùa đông ơi! Vì ta hãy thức, soi nắng lên đừng bức tử đời, lùa gió sang một chút lã lơi, khơi mầm sống cuối đời ... oan nghiệt.

Thành phố sáng nay buồn da diết, chiếc lá rơi tháng sáu rã rời, tiếng yêu đầu từng nhịp nhặt lơi... bay ... bay ...hết ... theo chân người ....mất dấu!!!!
Kim Oanh

10/6/2011

Hoài Niệm Bốn Mùa


Anh hẹn đầu xuân đi chọn mai
Cành tơ, nụ khỏe, nhánh vươn dài
Bao nhiêu may mắn trong năm mới
Tụ đến nhà ta, hạnh phúc thay !

Hái phượng mùa hè, nhớ thuở xưa
Mối tình vừa chớm đẹp như thơ
Chung trường, chung lớp và chung lối
Chung cả cuộc đời, trọn ước mơ.

Thu ngắm lá vàng chấp chới bay
Sắc vàng hoa cúc, một trời say
Nhớ tà áo lụa em ngày ấy
Quấn quít hồn anh trong ngất ngây.

Đêm đông đối ẩm chén trà nồng
Bảo Lộc ngày xưa...nhớ ngập lòng
Thơm ngát xanh trong, trà Đỗ Hữu
Ánh trăng bàng bạc khắp không trung.
...........................................................
Bây giờ xuân hạ lẫn thu đông
Nào có còn ai để ngắm cùng
Hoa nở đầy trời...thôi, cũng mặc
Quanh năm sương giá ngập trong lòng

Mỗi mùa ép một nhánh hoa khô
Nhật ký từng trang đẫm lệ mờ
Trà cúc - hai ly - ngồi độc ẩm
Trong đêm trăng sáng suốt bao mùa...

Phương Hà
 * * *
 Các bài cảm tác:Hoài Niệm Bốn Mùa

Trời có bốn mùa cứ đổi thay
Còn ta,một chổ chẳng hề xoay!
Vào Xuân, khi thấy đào ra nụ
Đến Hạ ,vừa trông Phượng đỏ đầy
Lá rụng Thu vàng xao xác cánh
Tuyết rơi Đông xám lạnh lùng bay
Đong đưa nuối tiếc lòng ngơ ngẩn
Ngày tháng âm thầm nuốt đắng cay!

Song Quang
 * * *
Đổi Thay Theo Mùa

Xuân nghe phơi phới nước xanh trong,
Rực rỡ ngàn hoa thỏa ước mong...
Nắng Hạ rộn ràng vui tuổi trẻ,
Ve sầu tấu khúc nhạc ven sông.
Thu buồn man mát sương bay trắng,
Chợt nhớ quê hương chạnh cõi lòng...
Gió lạnh mùa Đông ôi giá buốt,
Mưa dầm gió bấc cuối năm xong...

Mai Xuân Thanh
* * *
Hương Sắc Bốn Mùa


Nếu nghĩ xuân về không có mai
Cuộc đời buồn thảm chẳng ai hay
Vạn thọ vẫn vàng tươi sắc thắm
Âm thầm nuôi mộng dệt tương lai!

Nếu nghĩ hạ về thiếu vắng lan
Như cơn nắng tắt tự xa ngàn
Chí nguyện hướng dương tràn sức sống
Hãy nghe rạo rực tiếng mùa sang!

Nếu nghĩ thu về phai dáng cúc
Giọt mưa ngâu đổ tuôn sùi sụt
Cho lòng thương nhớ mãi về nhau
Đêm đốt lửa hồng mơ hạnh phúc!

Nếu nghĩ đông về thui lạnh trúc
Giá băng thấm suốt mà không gục
Giấc mơ màu nắng bước phiêu du
Xuân ấm trời nam đầy thuyết phục!

Nguyễn Đắc Thắng
20150603***
Hoa Nở Bốn Mùa


Nụ xuân tươi vừa hé
Từ lòng mẹ ấm êm
Tuổi thơ hoa rạng rỡ
Thân tầm gửi dây leo

Theo tháng ngày dần trôi
Ve inh ỏi tiếng lời
Ới ời hoa sắc thắm
Rực trời hạ mùa sang

Thướt tha gầy dáng mỏng
Dập vùi trước bão giông
Nỗi lòng hoa sương phụ
Thu đất người hắt hiu

Mơ nhiều lắm sầu đau
Nặng nợ hoa u sầu
Cành yêu trơ trụi lá
Tình đã chết vào đông

Qua một thời để sống
Làm sao hoa chẳng tàn
Vẫn âm thầm hương tỏa
Cùng khắp cả muôn phương

Vườn vô ưu tặng đời
Một đóa hoa từ tâm
Bốn mùa hoài trộm nở
Chan chứa tấm chân tình

Kim Phượng


U Cư - Vi Ứng Vật


U cư 

Quý tiện tuy dị đẳng, 
Xuất môn giai hữu dinh. 
Độc vô ngoại vật khiên, 
Toại thử u cư tình. 
Vi vũ dạ lai quá, 
Bất tri xuân thảo sinh. 
Thanh sơn hốt dĩ thự, 
Điểu tước nhiễu xá minh. 
Thời dữ đạo nhân ngẫu, 
Hoặc tùy tiều giả hành. 
Tự đương an kiển liệt, 
Thùy vị bạc thế vinh. 

Vi Ứng Vật

Chú thích: Năm 779 tác giả Vi Ứng Vật đang làm huyện lệnh huyện Hộ, bị đổi đi làm huyện lệnh huyện Lịch Dương. Ông cáo bệnh không đi và từ quan luôn, ở ẩn. Ông làm bài này trong giai đoạn đó. 
 Dịch nghĩa:  

Ở Ẩn 

Quý phái và bần tiện tuy hai đẳng cấp khác nhau, 
nhưng đã ra khỏi cửa đều phải mưu cầu dinh dưỡng. 
Chỉ mình ta không bị ngoại vật trói buộc, 
nên thỏa tình sống nơi vắng vẻ an nhàn. 
Đêm qua vừa có trận mưa phùn, 
chẳng cần biết cỏ xuân tươi tốt. 
Nắng bỗng bừng trên núi xanh, 
chim chóc bay quanh nhà đua hót. 
Đôi khi bạn cùng đạo sĩ, 
hoặc đi theo tiều phu [vào rừng]. 
Tự yên lòng làm thân thấp kém; 
[vì coi ] đạm bạc, vinh hoa trên đời có là cái gì đâu. 

 Bản dịch của Mai Lộc 

Ở Ần

Tuy khác biệt nghèo hèn – sang trọng 
Ra khỏi nhà cái sống lo toan 
Riêng ta ngoại vật chẳng màng 
Sống nơi thanh vắng an nhàn lòng ưa 

Đêm vừa qua cơn mưa lất phất 
Đâu cần hay cỏ ngát xuân tươi 
Núi xanh bỗng rực sáng ngời 
Chim muông lảnh lót đến chơi quanh nhà 

Có khi đến lân la đạo sĩ 
Khi cùng tiều thủ thỉ rừng sâu 
Yên lòng thấp kém bản thân 
Giàu sang-đạm bạc để tâm làm gì?

Mailoc

Thứ Ba, 2 tháng 6, 2015

Biển: Sóng Và Bờ Cát


1Theo nhip điệu thiên nhiên từ khai-thiên-lập-địa
Từng đợt sóng xô bờ liên tục suốt ngày đêm
Cát e ấp uốn thân mình yểu điệu
Nước trong xanh thoáng phủ lớp môi mềm.
 
2- Lời tình tự thì thầm hương gió ngát
Hồn Tiên-Dung, Chử-đồng-Tử giao hòa
Sóng ra khơi, sóng trở vào trong khoảnh khắc
Điệp khúc ru tình vĩnh cửu lại hoan ca.
Nhịp điệu chậm, nhạc êm đềm biển lặng
Khi tình yêu lướt nhẹ mặt trùng dương 
Nhịp điệu mạnh, nhạc sóng thần trỗi dạy  
Khi tình yêu nổi bão tố điên cuồng. 
Vang tiếng vọng từ không gian vô tận
Những thanh âm huyền bí của thời qua
Kiếp luân hồi ẩn hiện chốn Ta-bà
Tồn tại khoảng trăm năm rồi biến mất!
Một thời điểm: có và không  cùng hiện hữu
Một sát-na: không thành có, có thành không
Vô số thiên hà trong vũ trụ mênh mông
Đang chuyển dịch không ngừng theo nhịp điệu. 
Nhịp điệu thiên nhiên vô hình nhưng có thực
Thời gian hiện tại là ảo giác, hư vô
Quá khứ, tương lai trôi về hai đối cực
Biển vẫn dạt dào vỗ nhịp bản tình ca. 

3- Biển vũ trụ ngợi ca tình yêu miên viễn.
Như đợt sóng xô bờ tồn tại thiên thu
Như vòng môi cát nước cất lời ru
Theo nhip điệu thiên nhiên từ khai-thiên-lập-địa.

ChinhNguyên/H.N.T.   
Apr.2015

Bâng Khuâng - Vòng Bâng Khuâng - Mơ



Bâng Khuâng

Giọt sầu được kéo xuôi dòng
Tim nay lại thắt thêm vòng bâng khuâng
Tình xa mà ngỡ như gần
Người thương lại chẳng nợ nần chi nhau
Yêu cuồng trong giấc chiêm bao
Trở về thực tại mà ngao ngán lòng
Cành cao trổ muộn nụ hồng
Tim nay lại thắt thêm vòng bâng khuâng


Kim Phượng
***
Vòng Bâng Khuâng

Thân tặng 2 cô KP và KO đã cho SQ biết được 2 câu thơ:
" Cành cao trổ muộn nụ hồng
Tim nay lại thắt thêm vòng bâng khuâng"
Kim Phượng

Vòng bâng khuâng ai giăng ai kéo?
Để bây giờ tim héo lại tươi
Phải chăng tim có dấu người
Nụ hồng nở muộn ngắt rồi phải không ??

Vòng bâng khuâng càng đong càng lắc
Sẽ có ngày tim ắt nở hoa
Nụ hồng thơm ngát mặn mà
Dù hoa nở muộn chan hòa tình thương

Vòng bâng khuâng còn vươn nút thắt
Mở ra rồi vẫn ngát mùi hương
Thắp lên ngọn lửa yêu thương
Đốt lò hương cũ ,tình vương vấn nhiều !

Vòng bâng khuâng đáng yêu đến thế !
Sao lắm người đổ lệ thì sao ??
Nhớ người khiến dạ nao nao
Hương thừa còn giữ xin trao trả người .

Song Quang
***

Có người lặng lẽ trong mơ
Nụ hồng mãi ngắm thẩn thờ mê say
Tình trong tim ủ bao ngày
Lòng luôn thổn thức dáng ngoài gượng tươi
Hoa còn chưa chịu hé cười
Lời yêu chưa trọn nên người vẫn mơ

Quên Đi


Tang Lễ CHS Tống Phước Hiệp Nguyễn Trí Hiếu NK 62-69









Hoàng Xuân Khải

Ông Giáo Già, Ngôi Trường Cũ Và Khoảng Cách 60 Năm

Riêng gửi các em học trò cũ 1955-1962.


Một trưa nắng hạ, trời im gió , tôi về thăm lại ngôi trường xưa. Bước vào lớp ,giờ dạy toán đầu tiên,60 năm về trước, tôi thật sự ngỡ ngàng. Lớp trống vắng, nhưng quang cảnh vẫn y như ngày nào. Bảng đen, bục giảng, bàn giáo sư, và từng dãy bàn ghế gỗ mộc sơn đen. Tưởng như trước mắt, các em học trò yêu quí đã ngồi ngay ngắn, náo nức chờ đón bài giảng đầu tiên của thầy. Sáu chục năm qua rồi thật sao. Tôi chìm vào trong hồi tưởng.

Thuở mới vào đời, nổi trôi đến một tỉnh nhỏ, tôi đã tin là đã tìm được chốn giữ thân cho qua thời khói lửa. Ngày ngày an phận, dạy học, tình nguyện làm ông giáo làng ,đưa trẻ qua sông, bỏ mộng khoa bảng, không luyến tiếc cử nhân, tiến sĩ, kỹ sư hay bác sĩ. Thật sự, khoảng thờI gian đầu, tôi đã tìm thấy ở nơi đây một không gian còn giữ được ít nhiều "quân sư phụ", ngày tháng miệt mài lo dạy học, hết dạy cho lớp các anh các chi. rồi lai lo đến lớp các em của mấy đứa học trò, cứ ngỡ là nếu không có mình thì tội nghiệp, chắc chúng nó không thể có được một ông thày dạy toán nào " hay" như vậy. Lại thêm, được sự quí mến của phụ huynh học sinh, ban giám hiệu, và các bạn đồng nghiệp, ông giáo tôi làm sao nghĩ đến chuyện thay đổi ,bỏ đi nơi khác được. Ôi chao tuổi trẻ, hồn nhiên ,giản dị, ngây thơ thật dễ thương đến tội nghiệp của tôi!

"Bố ạ, thôi ta về, bố bước lên bục giảng cho con chụp tấm hình làm kỷ niệm ". Tiếng nói của người con trưởng kéo tôi về với thực tại. Ông giáo già, ngôi trường cũ, và khoảng cách 60 năm. 

Ông Giáo Già, Ngôi Trường Cũ Và Khoảng Cách 60 Năm
Một trưa nắng hạ,trời im gió 
Tôi về thăm lại ngôi trường xưa 
ThờI gian như đọng từng viên gạch
Trên lối đi mòn dấu nắng mưa 

Chân bước ngỡ ngàng vào lớp học 
Ô hay , bụi phấn vẫn còn bay 
Bảng đen, bục giảng, y như cũ 
Sáu chục năm rồi, đâu có hay 

Dãy ghế, dãy bàn đầy vết mực 
Gái trai cùng lớp học chung nhau 
Ngày xanh lưu bút còn đây đó 
Đám học trò xưa nay ở đâu?

Ngơ ngẩn nhìn ra ngoài cửa vắng 
Tưởng như lũ trẻ còn ham chơi 
Chuông reo đã báo, chưa vào lớp 
Phải phạt "công xin" mấy đứa thôi 

Đang đứng mơ màng con bướm trắng 
Tiếng người con trưởng vẳng bên tai 
Ta đi bố ạ, kẻo về tối 
Ông giáo tôi xưa, những cảm hoài 

Phạm Khắc Trí
20/5/2015

Chú Thích:

1 - "Công xin" , từ tiếng Pháp "consigne", ở đây có nghĩa là "cấm túc",
phạt học trò vài giờ ở lại trường, ngoài giờ học.

2 - "Mơ màng con bướm trắng" ý nói tâm trạng lẫn lộn giữa thực 
và mộng . Từ câu chuyện Trang Tử nằm mơ hoá bướm, khi tỉnh dậy 
lơ mơ,lại tự hỏi mình là bướm đang mơ thành người hay sao đây.
                           
* * *
Nhớ Thầy

Một buổi trưa hè trời lặng gió
Bần thần nhớ lại ông thầy xưa
Áo quần chửng chạc đầu láng mướt
Lầm lũi hành lang dẫu gió mưa.

Thầy bước nhẹ nhàng vào lớp học
Bụi mưa vai áo vẫn còn vương
Bảng đen mừng rỡ, tay thoăn thoắt
Nhả ngọc phun châu như khói sương.

Xưa lắm bàn cây còn dấu mực
Học trò nam nữ ngồi gần nhau
Thầy quên gần hết hàng trăm đứa
Nhưng nhớ từng tên, giờ ở đâu ?

Thầy đứng thẩn thờ ngoài hiên vắng
Chuông reo đã báo, còn ham chơi
Trò còn mãi miết ngoài sân bóng
Chắc bị phạt rồi – cũng phải thôi!

Thầy bận mơ màng ngoài cửa lớp
Người con nhắc nhở bố bên tai
Người con lừng lẫy oai danh lớn
Vẫn bước theo cha nặng cãm hoài.

Đất khách - thầy đi lâu biết mấy
Quê nhà - trò cũ ngắm mây bay
Đứng bên trường vắng nhiều nhung nhớ
Vóc dáng thầy xưa – thầy có hay?!

Dương Hồng Thủy

(24/05/2015)

Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

Ngang Lưng Tóc Kẹp


Nhà tôi ở đầu vàm sông
Bên kia sông – cạnh hàng vông – nhà nàng
Em thường dạo bước lang thang
Ngang lưng tóc kẹp dịu dàng dáng đi.

Tết về sương đọng bờ mi
Em cho tôi dáng xuân thì ước mơ
Có lần mưa rớt bất ngờ
Em cầm lược chải ngẩn ngơ suối mềm.

Hai tay tôi mãi ưu phiền
Cầu mong hứng cọng tóc tiên cho mình
Đem về ủ một chút tình
Đến người trong mộng tay xinh búp dài.

Đò đưa qua lại tháng ngày
Tôi mơ khoảnh khắc trúc mai hẹn hò
Từng đêm tôi dệt vần thơ
Tả người con gái ơ hờ áo hoa.

Từ em giã biệt quê nhà
Gió lùa bến vắng ngân nga mỗi chiều
Em đi có kẻ đăm chiêu
Nhớ người tóc kẹp buồn hiu một mình.

Dương Hồng Thủy

Tây Bắc



Đường đèo hun hút uốn quanh co
Thung lũng sương lam tỏa mịt mờ
Rải rác nhà sàn lưng dựa núi
Bạt ngàn ruộng bắp ngọn tung cờ
Lưng chừng vách đá, mây giăng lưới
Thấp thoáng sườn non, suối thả tơ
Rừng thẳm điệp trùng xanh ngút mắt
Đất trời Tây Bắc đẹp như thơ.

Phương Hà
* * *
Núi Rừng Tây Bắc


Tây Bắc đèo heo uốn khúc co
Non xanh cẩm tú khói sương mờ.
Nhà gian sơn cước lưng chừng núi,
Chái bếp, nương khoai, bắp trổ cờ.
Dốc đứng truông mây rừng lá thấp
Chập chùng thoai thoải gió đưa tơ.
Đại ngàn suối chảy reo vi vút,
Diều sáo hoang vu nhớ tuổi thơ...

Mai Xuân Thanh 
Ngày 26 tháng 05 năm 2015

Thuở Ban Đầu - Phạm Đình Chương - Duy Trác

    "Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy - ngàn năm chưa dễ mất ai quên".Câu thơ nhiều thế hệ ai cũng biết và đó là một thực tế không chối cải của những người đã yêu với mối tình đầu thời còn trẻ của mình,Với những nhớ nhung và chờ đợi của những buổi hẹn hò.
    Cái thuở ấy bây giờ xa lắm rồi chỉ còn trong ký ức,một lúc nào đó lắng lòng mình về kỷ niệm mới thấy tiếc nuối cho cái thuở ban đầu ấy, nó đẹp biết dường nào!

 Sáng tác: Phạm Đình Chương
 Ca sĩ: Duy Trác

Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Ta Về


Ta về tìm lại tuổi thơ
Tóc xanh xoa dịu lơ ngơ bạc đầu
Mắt nai ném bỏ khổ sầu
Nụ cười xoá bớt dãi dầu trần gian.

Ta về đồng ruộng thênh thang
Mạ xanh nở trổ lúa vàng yêu thương
Mùi rạ mùa gặt ngát hương
Lồng tim đầy ấp thiện lương quê mình.

Ta về tìm lại bóng hình
Bà ba tóc kẹp ân tình nặng sâu
Vì đời rẽ lối đã lâu
Tôi đây, người đấy ở đâu bây giờ?

Ta về tìm lại tuổi thơ
Níu thời gian lại, dại khờ đừng đi!

Anh Tú
May 14, 2015

Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

Một Giấc Mơ Hoa


Tiếc nhớ xa xôi cũng muộn rồi
Dòng sông định mệnh đã chia đôi
Tình xưa xin giữ làm kỹ niệm
Như giấc mơ hoa của cuộc đời

Người đến rồi đi như bóng mây
Tình yêu chợt mất mấy ai hay
Có khi nào mây xưa dừng lại
Có khi nào trái đất ngừng quay

Cho ta về bên cánh hoa xưa
Cho hoa cười trong nắng đong đưa
Ôi những tháng năm thời thơ mộng
Nuối tiếc ngày qua nói sao vừa!

Biện Công Danh
20/5/2015
* Hình phụ bản của tác giả chụp

Tìm Đâu - Thơ Đỗ Hữu Tài - Hương Chiều Diễn Ngâm


Nhấp vào Link: Tìm Đâu - Thơ Đỗ Hữu Tài - Hương Chiều Diễn Ngâm

Thơ: Đỗ Hữu Tài  
Diễn Ngâm:Hương Chiều

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015

Mai Tôi Đi



Mai tôi đi...đời còn ai trọng vọng
Chỉ là giọt sương rớt xuống ngoài hiên
Lá thu bay theo làn gió bên thềm
Hoa rơi nhẹ trong sóng đời mê loạn

Nẻo sinh tử biệt ly về thấp thoáng
Đi nhẹ nhàng lòng thanh thản bình an
Tiếc mà chi còn một chút hơi tàn
Thì thôi hãy cứ an lòng vĩnh biệt

Giờ đã đến còn gì mà tha thiết
Chuyện vui buồn xin trả lại nhân gian
Dù giàu sang danh lợi cũng không màng
Rồi tất cả cũng hoá thành tro bụi

Vậy mới biết cuộc đời này ngắn ngủi
Xuôi tay rồi hết cả những yêu thương
Cõi âm dương đã cách trở đôi đường
Thoát trần tục vui về nơi cõi lạ...

Khi ra đi mong bình yên thư thả
Đôi tay trần rũ sạch nợ cho nhanh
Mặc ai kia còn mê mõi tranh dành
Cứ ôm giữ mãi lợi danh quyền thế

Khi tôi đi xin đừng ai rơi lệ
Đừng lễ nghi đừng đưa tiễn u sầu
Những đau buồn không nên chất chứa lâu
Nếu thương tôi hãy thương khi còn sống

Đời trôi qua nhanh như là cơn mộng
Cuộc trầm luân không sắc sắc không
Hãy quên đi bao đau khổ chất chồng
Thuyền Bát Nhã sẽ đưa về đến bến

Nghĩ đến tôi xin âm thầm cầu nguyện
Cho tôi lên Thiên giới sống đời đời
Trần gian này chỉ thoáng chốc vui chơi
Thì cuộc sống có chi là tiếc nuối...

Hoàng Kim Mimosa



Thăm Bạn - Tình Bạn


Bài Xướng: Thăm Bạn

Cao Lãnh, Vĩnh Long mắy chặng đường 
Xót xa thi hữu ngập tình thương 
Quên Đi thống khổ, ôi vận nước!
Thơ Thẩn vườn nhà gió bốn phương 

Mailoc
***
Bài Họa: Tình Bạn

Người nơi cố quận kẻ tha phương
Quý mến dù xa vạn dặm đường
Nan bắc đông tây nào cách biệt
Vườn nhà thơ thẩn một trời thương

Quên Đi

* * *
Bài họa Tình Bạn

Chung Vườn Thơ Thẩn một trời thương
Há cách gian lao mấy chặng đường
Chỉ ngại trời mây không với được
Tấc lòng trải rộng chốn ngàn phương!

Nguyễn Đắc Thắng
* * *
Vài Lời Thăm Hỏi
(Thân tặng 2 bệnh nhân QĐ và KO và chúc mau bình phục)

Vài lời thăm hỏi chút thân thương
Mỹ - Á xa nhau vạn dặm đường
Dù có muộn màng xin mến chúc
Mail nầy gởi net dẫu xa phương

Song Quang
* * *
Đôi Lời Cảm Kích


Một câu thăm hỏi vạn lần thương
Dù xa xôi cách mọi ngã đường
Vẫn không ngăn được Vườn Thơ Thẩn
Ý tình trải rộng dẫu muôn phương

Kim Oanh

Ân Tình Cho Thơ Lãng Mạn


Tôi xin ghi nhận những ân tình cho các nhà thơ đã đóng góp những áng thơ yêu đương và lãng mạn qua bài viết cục bộ này. Mang nghiệp dĩ thi ca chất chứa khuynh hướng lãng mạn hay một tâm hồn văn thơ lai láng đắm say, bất cứ thi nhân nào cũng trải qua các giai đoạn tâm tư bị dằn vật vì yêu đương, vì tương tư hay vì nhớ nhung, vì vậy thế gian mới có những Chopin, Beethoven, Paul Verlaine, Jacques Prévert, Félix Avers, hay Việt Nam ta có những Đỗ Lễ, Hàn Mặc Tử, TTKH, Nguyên Sa, Nguyễn Bính hay Xuân Diệu, Hồng Vũ Lan Nhi,... Tất cả những nghệ sĩ này sống với hồn nhạc hay hồn thơ như cái nghiệp chướng mà họ mang. Tôi thích họ bởi cái đặc tính là họ đã nói lên những yêu đương đắm đuối, biết than vãn và họ nếm thú yêu thương hành hạ cho đêm dài thêm trăn trở, cho thổn thức chín đỏ tim yêu và đó là yếu tố làm cho những tác phẩm mà họ gây dựng thêm thăng hoa khi người đời còn nghĩ về họ và văn học sử hay âm nhạc sử liệt kê họ vào khuynh hướng lãng mạn, và âu đó là chủ đề của tôi muốn ghi nhận ra đây. Tôi thích thơ của những thi sĩ thuộc nhóm thi ca lãng mạn này, trong đó có Nguyên Sa nói về người em gái tuổi 13 chìa tay đón mưa rơi như bong bóng vỡ đầy tay, Nguyên Sa trong khung nhạc bất hủ của Ngô Thụy Miên, Nguyên Sa của màu vàng hoa cúc như màu áo em, Nguyên Sa của mực tím đề tình thơ, Nguyên Sa của tháng 6 trời mưa, mưa rơi mãi không dứt, Nguyên Sa của mùa thu Paris và Nguyên Sa của sự lãng mạn khi nhìn tóc em mà lòng ngỡ như từng áng mây bay trong tâm thức.


Đó là thi nhân làm tôi nhớ mãi từng câu ví von, từng lời thơ tâm sự dâng nỗi lòng mà ông bộc lộ thật hồn nhiên, thật thiết tha. Vì yêu là phải nói, mà nói là lời tâm sự khi yêu. Yêu là tâm trạng tự nhiên mà thượng đế ban cho con người. Một khi nhịp đập con tim dâng lên nỗi rung cảm, cái tần số rung động đó đã khiến các thi nhân biến nguồn cảm hứng đó thành những áng thơ bất tử cho vườn thi ca âm nhạc thêm phong phú hơn. Hãy nghe Nguyên Sa tâm sự trong bài "Tương Tư" như sau:
"Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi, một phần bay
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay ?"
Khi ta yêu, con tim ngân dài theo phím đàn, tâm tưởng kéo dài theo yếu tố thời gian qua đi. Từng nhịp tim, từng hơi thở, từng cung đàn, từng phút giây đều cho em, nét dịu dàng hiện trên ánh mắt đầy nhớ nhung:
"Có phải rằng tôi chưa được quen
Làm sao buổi sáng chờ đợi em
Hay từng hơi thở ra âm nhạc
Đàn xuống cung trầm, mắt nhớ thương"
(Thơ Nguyên Sa, 1958)
Trong nỗi niềm nhung nhớ cô liêu dâng tràn hồn thơ, Nguyên Sa sáng tác bài tình thơ "Ngừơi Em Sáng Trong Cô Độc" với lời thơ chờ đợi người em gái để rồi hao mòn tâm tư:
“Có thơ sáng thắp trong từng ánh nguyệt
Những lời êm bày biện với linh hồn
Có mùa thu thay áo ở đầu non
Cho dịu lối em về mai lá rụng”
Nhớ em như nỗi hôn mê phủ lấp chân trời tương lai trước mặt. Cả cuộc đời vắng em như ngàn sao đêm vắng lặng trên nền trời tâm tối. Tình yêu ôi, tình yêu !
“Em đã đến chưa ? Sao đêm chợt vắng
Cả cuộc đời xáo động chợt hao đi
Những ngón tay dần chuyển xuống hôn mê
Và tà áo phủ chân trời trước mặt”
(Thơ Nguyên Sa, 1958)
Nguyên Sa có những xao xuyến về mùa thu. Mùa thu trong thơ nguyên Sa chứa đựng hồn thơ vui tươi như trong bài "Áo Lụa Hà Đông", anh quen em vào mùa thu tóc ngắn, em duyên dáng trong tà áo lụa Hà Đông để nhà thơ mãi dâng hồn thơ ấp ủ:
“Em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng,
Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng.”
Mùa thu của Nguyên Sa có nét chờ mong tích cực thì mùa thu nhớ cố nhân của nhà thơ HVLN nghe như hồn đau buốt, chỉ là mùa thu tưởng nhớ cô liêu, tâm tư khắc sâu hình bóng cũ cố nhân:
“Giờ đây, tưởng nhớ người xưa,
Hồn đau, lòng lạnh, tâm tư lắng chìm.
Trong tim còn một chút tình,
Bởi chưng còn dấu vết hình cố nhân.”
(Nhớ Mùa Thu Xưa, HVLN)
Trong bài “Gửi Cố Nhân” nhà thơ Nguyễn Bính chia xẻ tâm tư thao thức tựa như HVLN. Ý thơ Nguyễn Bính ray rứt trong cơn mưa dầm gió bấc rét lạnh khi mơ tưởng bóng cũ của cố nhân:
“Mưa dầm gió bấc cố nhân ơi!
Áo rét nàng đan lỡ hẹn rồi
Sông lạnh khi nàng ra giũ lụa
Vớt giùm trong nước lấy hồn tôi.”
Ghi chú: HVLN: Hồng Vũ Lan Nhi.
Trong một bài thơ khác, bóng cố nhân lại hiện về khi mà Nguyễn Bính mơ trong nỗi nhớ dịu dàng của bướm say hương sắc, hoa cười hé môi về người mà ông yêu:
“Tôi chỉ thèm yêu lấy một lần
Có người di giữa xứ mùa xuân
Thấy con bướm bay thơ thẩn
Ý hẳn đi tìm Hương cố nhân”
(Bài "Hương Cố Nhân", NB)
Một bài thơ bướm hoa khác, ông thố lộ tâm tình khi dòng đời đen bạc vì bị phụ tình như:
“Ai đem rắc bướm lên hoa
Rắc bèo xuống giếng, rắc ta vào nàng ?
Ai đem nhuộm lá cho vàng ?
Nhuộm đời cho bạc, cho nàng phụ ta.”
Nguyễn Bính vốn là thi sĩ của sự lãng mạn, tôi thích bài thơ “Tương Tư” của ông khi tôi học đệ tam, cái thời gian cho tôi chớm yêu và say thơ lãng mạn của Xuân Diệu và Nguyễn Bính. Và câu thơ dưới đây đã dính chặc hồn tôi từ dạo ấy:
“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người
Gió mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.”



Trong khi đó Nguyễn Bính còn bài tương lòng khác mà tôi thích là “Người Hàng Xóm”. Hai người ở cạnh nhà, nhưng oái oăm thay cái giậu mồng tơi lại chia cắt, cách trở hai tâm hồn yêu trong cô đơn:
“Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn
Hai người sống giữa cô đơn
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi.”
Trong bài “Lòng Yêu Thương”, Nguyễn Bính tỏa tâm sự lòng như sau:
“Yêu yêu yêu mãi thế này !
Tôi như một kẻ sa lầy trong yêu”
Rồi nhà thơ lại tôn vinh, thờ phượng người mình yêu chính là vị nữ thần linh thiêng trong tâm hồn. Ngược về quá khứ 1940 khi Nguyễn Bính làm bài thơ này, khuynh hướng xã hội tại Việt Nam thời ấy vẫn còn khép kín chuyện tình yêu lứa đôi ngoài công cộng thì dư luận phải đồng ý là Nguyễn Bính thuộc lớp nhà thơ mới, vô cùng táo bạo và sự phóng khoáng của ông đã đi ra ngoài khuôn khổ thuận lợi của xóm làng hay xã hội cũ:
“Ai yêu như tôi yêu nàng
Họp nhau lại, họp thành làng cho xinh
Chung nhau dựng một trường đình
Thờ riêng một vị thần linh là Nàng.”
Đó là thi ca của Nguyễn Bính. Còn sự lãng mạn của Xuân Diệu trong thi ca như thế nào ? Ngày cũ của lớp đệ tam tôi thích bài “Vì Sao” của Xuân Diệu, chỉ mấy dòng thơ cho tôi say sưa ngâm nga, đã ru kỷ niệm cũ vào thuở biết mộng mơ vì khi đã yêu thì mơ mộng nhiều:
“Làm sao cắt nghiã được tình yêu
Có nghiã gì đâu một buổi chiều
Nó đến hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhè, gió hiu hiu...”
  
Nói về thơ tiền chiến về yêu, người ta không thể không nghĩ đến bài thơ "Yêu" của Xuân Diệu, nó vốn đã thịnh hành, phổ quát trong dân gian, ít ra là câu đầu:
“Yêu là chết trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu
Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết.”
Nói về thơ hôn, Xuân Diệu là một trong các nhà thơ khá táo bạo đề cao nụ hôn trong thi ca. Ông sáng tác bài "Hôn" như sau:
“Trời ơi ôm lấy say sưa
Mặt khao khát mặt, lòng mơ ước lòng
Hôn em nước mắt chảy ròng
Em ơi ! Như ngọc đèn chong vẫn chờ.”
Trong niềm khát khao, sung sướng khi yêu nhau và rồi hôn nhau đến lệ tuôn trào. Đó là biểu hiện cho tình yêu đích thật khi con tim rung động dâng cao quá bờ xúc cảm. Nói đến đây tôi bổng nhớ đến bài "Nụ Hôn Đầu" của nhà thơ nữ Hồng Vũ Lan Nhi, chị sáng tác bài này năm 1960 trong cùng nhịp điệu thổn thức tràn dâng, khi con tim xao xuyến đến rơi lệ vì được hôn như sau:
"Nụ hôn đầu, ôi, sao đắm say
Em úp mặt vào đôi bàn tay
Chẳng biết vì sao Em lại khóc
Cho môi hồng thấm lệ tràn đầy"
Xuân Diệu lại tiếp bài thơ “Hôn” khi diễn tả về người yêu của mình:
“Em hôn anh suốt một giờ
Anh hôn em mấy cho vừa lòng đau
Sao mà xa cách giữa nhau
Để cho tháng thảm ngày sầu thế em ?”
Nhà thơ HVLN là một trong những nhà thơ nữ có thơ hôn thặng dư phong phú, tôi đọc nhiều áng thơ của chị, thơ chị làm mượt mà, trau chuốt chan chứa nỗi lòng, nhất là những xúc cảm từ con tim. Bài thơ hôn khác mà tôi ghi nhận là "Nụ Hôn Trinh Nguyên", nó cũng tượng trưng cho kỷ niệm dấu yêu đầu đời khi con tim chớm yêu của thuở thiếu thời:
“Nụ hôn theo gió bay đi
Còn trên môi ấm chút gì nồng say
Hương trinh nguyên vẫn ngất ngây
Trọn đời vẫn nhớ phút giây bão tình”
Khi cơn bão tình đến cho nụ hôn thêm say đắm, cuồng nhiệt, hãy tận hưởng giấc nồng cuồng si vì yêu đương ngất ngây, khi tâm hồn tràn dâng ngàn sao lấp lánh của mùa ái ân đến trong bờ mắt em:
“Mắt em lấp lánh sao rơi
Môi em như đoá mộng đời ngất ngây
Hằn trên môi vị cay cay
Hồn anh ngơ ngẩn, đắm say một đời.”
(“Nụ Hôn Trinh Nguyên“, HVLN)

Đó là sự gợi nhớ ánh mắt đắm đuối khi người nữ được hôn. Xuân Diệu mô tả trong thơ ông về nụ hôn mà ông trao cho người yêu trong bài “Hôn Cái Nhìn” như sau:
“Không phải anh hôn nơi mắt
Anh hôn cái nhìn của em
Mắt em một vùng yêu mến
Thắt anh trong lưới êm đềm”
Xuân Diệu đắm say trong cái nhìn của người yêu đượm không gian chứa chan sự dịu vợi vì ánh mắt biểu lộ sự đồng loã khi được hôn:
“Xin em cho phép anh hôn
Cái nhìn em, gương tâm hồn
Cái nhìn em trong không gian
Trong hồn anh giữ chứa chan.”
Trong cái nhớ nhung, mãi vương vấn hình bóng người yêu, Xuân Diệu sáng tác bài “Vấn Vương”:
“Anh chả hiểu vì sao vấn vương
Năm năm, như mấy chục năm trường
Vẫn làn mắt ấy, làn môi ấy
Anh hãy còn thương, chẳng hết thương”
Khi người mình yêu thương nhiều mà tình không đến như ý muốn thì màn đêm trăn trở chỉ là nỗi niềm của nước mắt nhớ nhung:
 “Nằm đêm anh cứ thương em
Rơi nghiêng nước mắt một bên gối nằm
Thế này cho hết trăm năm
Đến muôn năm vẫn âm thầm thương em.”
(Nằm Đêm Anh Cứ Thương Em, XD)
Nhà thơ Xuân Diệu có nhiều áng thơ tự tình tiêu biểu cho mối tương lòng, những mối tình không trọn vẹn để cái hương thơ của ông trở nên lãng mạn vô cùng và nó như loài hoa bất tử trong vườn thơ Việt Nam:
“Bữa nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm
Anh nhớ em, em hỡi ! Anh nhớ em...
Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh
Anh nhớ em, anh nhớ lắm ! Em ơi !...” 

Trong thi ca lãng mạn của những tác giả và tác phẩm trên khi mà chiều dài của nỗi nhớ nhung chạy vào màn đêm vô tận, thì nhịp tim dâng tiếng lòng mãnh liệt và giấc ngủ bị chôn vùi trong lãng quên để thay thế bằng những áng thi ca bất hủ. Cuộc đời theo luật tương đối, nên không có nguyên tắc lý tưởng trong tình yêu, vì bản sắc tình yêu vốn trắc trở và nhiêu khê mới nẩy sinh ra những tác giả hay tác phẩm bất hủ cho đời vây. Vâng, chính những cái nhiêu khê trắc trở hay những cái dở dang không trọn ven đó trong tình trường mới là nguồn cảm tác được quần chúng ái mộ, tán thưởng trong các lãnh vực thuộc bộ môn nghệ thuật như thơ, văn, nhạc, kịch, phim ảnh và hội họa.

Trong sự ái mộ văn chương và cho tôi nỗi niềm ân tình gợi nhớ thi ca lãng mạn của những Nguyên Sa, Nguyễn Bính, Xuân Diệu và Hồng Vũ Lan Nhi, VH muốn trình bày cái thầm kín riêng tư mà các tác giả đã bày biện nỗi lòng mình lên trên nhiều trang giấy. Và chiều dài cho những tình yêu mà họ đã trải qua, những nhớ mong của nhịp đập con tim dù xao xuyến dấu yêu hay dù thất vọng dở dang vẫn là những chuỗi suy tư dài như thời gian và định mệnh đưa đẩy họ vào cái không gian bất tận của nghiệp thi ca hay những mối tình đã vào dĩ vãng yêu thương chỉ còn lắng đọng lại trong văn chương sau này.

Việt Hải Los Angel