Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

Kính Mừng Phật Đản Sanh


Tháng Tư Âm Lịch ánh trăng thanh,
Rực rỡ huy hoàng Phật Đản sanh.
Hội tụ thế nhân lòng ngưỡng mộ,
Qui nguyên Tam Giáo tấm lòng thành*
Nguyện cầu nước Việt Nam yêu dấu :
Lạc nghiệp, an cư, chọn đất lành
Thế giới vui mừng sinh Thái Tử,
Đạt Đa đắc Đạo đuổi yêu tanh!

Mai Xuân Thanh
Ngày 28 tháng 05 năm 2015
(* Tam Giáo : Phật, Thánh, Tiên )

Thì Thôi, Cứ Ước...Cứ Chờ...


Vẫn biết như là...
Trang sử mới
Vì quê muôn thuở mãi là quê
Sông xa thao thức đôi dòng chảy
Lạc bước chênh chao một lối về.

Đêm say...
Ta ước đời thanh tịnh
Cho tấc lòng riêng khỏi nhọc nhằn
Trái tim chai đá như bừng sống
Có được quay về thuở ấy chăng?

Ngàn năm xin cứ là mây núi
Bay mãi muôn phương chẳng thể dừng
Như làn gió thoảng nơi hoang vắng
Mấy nẻo phong trần - lạc bước chân.

Trần gian trải quá nhiều mưa_nắng
Sông kiếp tha hương phủ bụi mờ
Cũng muốn quay về năm tháng cũ
Gom góp cho mình những nét thơ.

...
Biết rằng…
Mơ vẫn là mơ Thì thôi.
Cứ ước...cứ chờ...
Được chăng?

TiCa Nguyễn Xuân Hòa


Tình Dại




(Thân tặng CHS Nguyễn Trường Tộ)

1965
Nhớ chuyện tình si thời cắp sách
Mỗi ngày đi học liếc nhìn nhau
Làm thơ mấy chữ sai bình trắc
Gởi em, em bảo...dở làm sao

Nhà em đầu ngõ cao danh vọng
Ta nghèo học dở...điểm...thường không
Sáu năm mơ tưởng người trong mộng
Năm nầy thi rớt ..thế là xong

1970
Lơ thơ ...lẩn thẩn tàn năm học
Chữ nghĩa có chăng? Một bóng hình
Tú tài em đỗ....ta không đậu
Kinh phật từ nay bỏ chữ tình

1975
Thấm thoát năm năm tàn lửa đạn
Rời chùa trang trải nợ trần gian
Kinh kệ quên mau lời thầy giảng
Bóng hình ai ấy mãi còn mang

2000
Ta lại gặp nhau quá nửa đời
Em nghèo anh khổ cũng đành thôi
Còn duyên đọc lại bài thơ cũ
Chấp nối tình già như Phan Khôi

Phủ Hiền

Cô Vọng Ngôn Chi Cô Thính Chi

Đây là bài Thất ngôn Tứ Tuyệt của Hình Bộ Thượng Thơ lúc bấy giờ ( đời Thanh ) là Vương Sĩ Trinh 王士禎 , 4 câu thơ kết thúc cho bài Bình về quyển Liêu Trai Chí Dị 聊齋誌異 của Bồ Tùng Linh 蒲松齡 mà Vương rất thích, chỉ vỏn vẹn 4 câu thôi mà nêu hết được cái ý chính và chủ đích của tác giả về tác phẩm bất hủ " Liêu Trai Chí Dị 聊齋誌異 ". Toàn bài thơ như sau:


姑妄言之姑聽之 Cô vọng ngôn chi cô thính chi.
豆棚瓜架雨如絲 Đậu bằng qua giá vũ như ti.
料應厭作人間語 Liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ,
愛聽秋墳鬼唱詩 Ái thính thu phần quỷ xướng thi !

Chú Thích :
1. CÔ 姑 : Danh từ, có nghĩa là Chị Em gái của Cha. Nhưng ở đây CÔ là Phó Từ, nên có nghĩa là TẠM, CÔ là CÔ THẢ 姑且, có nghĩa là Tạm hãy...
2. VỌNG 妄 : là Bậy bạ, Quá lố, Ngông cuồng. VỌNG NGÔN : là Nói Láo, Nói Ngông, Nói quấy nói quá. VỌNG THÍNH : Nghe quấy nghe quá chơi !
3. BẰNG 棚 : là Cái Giàn. GIÁ 架 : cũng là Cái Giàn. QUA là Dưa. Nên ĐẬU BẰNG QUA GIÁ là Giàn Dưa Giàn Đậu.
4. LIỆU ƯNG : là Vì Chưng , Chắc là Vì...
5. YẾM TÁC : là Ghét làm việc gì đó...
6. THU PHẦN : là Những nấm mộ mùa thu với gió thu hiu hắt.
7. XƯỚNG THI : là Ê A Ngâm thơ.

Nghĩa Bài Thơ:

1. Nói quấy nói quá, nghe quấy nghe quá chơi mà thôi.
2. Trong cảnh mưa rơi lất phất như tơ trên giàn dưa giàn đậu.
3. Vì chưng chán ngán với ngôn ngữ của người đời.
4. Nên thích nghe ma quỷ ngâm thơ trong các nấm mộ thu hiu hắt.

Bản Diễn Nôm của Cụ Đào Trinh Nhất:

“Nói láo” mà chơi, nghe láo chơi 
Dàn dưa lún phún hạt mưa rơi 
Chuyện đời đã chán không buồn nhắc 
Thơ thẩn nghe ma kể mấy lời.

Câu đầu còn có dị bản như sau:
Cô vọng ngôn chi thính chi.
姑 妄 言 之 姑
hoặc...
Cô vọng ngôn chi VỌNG thính chi.
姑 妄 言 之 妄
Nghĩa cũng tương tự như nhau mà thôi !

Bài Diễn Nôm của Đỗ Chiêu Đức:

Nói quấy mà chơi nghe quá chơi!
Giàn dưa giàn đậu tiếng mưa rơi.
Chán lời nhân thế nghe ma quỉ,
Dưới mộ thu ngâm ngán ngẩm đời!

Lục bát:

Nói chơi quấy quá mà chơi,
Giàn dưa giàn đậu mưa rơi ơ hờ!
Chán lời nhân thế xô bồ ,
Thà nghe ma quỉ dưới mồ ngâm nga!

Đỗ Chiêu Đức

Thứ Năm, 28 tháng 5, 2015

Giỗ Ba


21 năm nhớ ngày Ba mất
Con nghẹn ngào se thắt lòng đau
Cùng nhà cầu nguyện với nhau
Ba trên Thiên Quốc đời sau an bình

21 năm một mình thương tưởng
Con xứ người vất vưỡng nơi đây
Cuộc đời như gió , như mây
Xin Ba che chở con đây an lành

21 năm mỗi mong ngày giỗ
Đường mỏi mòn loang lỗ lối đi
Một ngày Má khóc biệt ly
Đến nay con vẫn khắc ghi không về

21 năm âm thầm đất khách
Hai phương tròi khoãng cách vẫn xa
Hôm nay con nhớ giỗ Ba
Đọc kinh lần hạt ,lệ sa ngậm ngùi

21 năm lại thêm lần nữa
Con bồi hồi ngồi giữa đêm nay
Không cầm chuổi hạt trên tay
Chỉ lời cầu nguyện đọc thay Kính Mừng....

Đỗ Hữu Tài
25- 5 - 2015

Báo Tin Buồn CHS Tống Phước Hiệp Nguyễn Trí Hiếu NK 62-69 Đã Qua Đời



Vô cùng thương tiếc báo cùng các bạn Cựu Học Sinh trường Trung Học Tống Phước Hiệp Vĩnh Long NK 62 - 69:
Bạn Nguyễn Trí Hiếu
Đã trút hơi thở cuối cùng, sau thời gian điều trị tại bệnh viện Thống Nhất Sài Gòn.
Lúc 20 giờ ngày 26-05-2015 (nhằm ngày mùng 9 - 5 năm Ất Mùi)
Tại Vĩnh Long
Hưởng thọ 64 tuổi
Lễ động quan sẽ được cử hành lúc 06 giờ ngày 28-05-2015 tại Thành Phố Vĩnh Long. 


Sẽ được hỏa táng tại Sa Đéc.

Nay Kính Báo

Huỳnh Hữu Đức


CHS Tống Phước Hiệp NK 62-69 Chia Buồn Cùng Gia Đình Nguyễn Trí Hiếu



Cựu học sinh Tống Phước Hiệp, niên khóa 62-69 rất đau buồn khi hay tin
Bạn Nguyễn Trí Hiếu
Đã từ trần, sau thời gian trị liệu tại bịnh viện Thống Nhất Sài Gòn.
Lúc 20 giờ ngày 26 - 05 - 2015 (nhằm ngày mùng 9- 05 năm Ất Mùi)
Tại Vĩnh Long
Hưởng thọ 64 tuổi
Lễ động quan vào lúc 06 giờ ngày 28 - 05 - 2015.
Sẽ được hoả táng tại Sa Đéc.
Thành kính phân ưu cùng Gia đình bạn Nguyễn Trí Hiếu. Nguyện cầu Hương Linh bạn sớm vãng sanh miền cưc lạc.

Đồng Kính Phân Ưu

Lê Thị Kim Phượng
Huỳnh Hữu Đức

Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

Chim Gọi Đàn - Tưởng Nhớ 49 Ngày Anh Thanh Tâm

Anh Cao Khải, Kim Phượng, Kim Oanh thương gửi chị Khánh Hà


Thơ: Kim Phượng
Photo: Nguyễn Cao Khải
Thơ Tranh; Kim Oanh

Tâm Thanh - Thiên Nga Không Còn Giữa Cõi Người

(Để tưởng nhớ Tâm Thanh, nhân giỗ 49 ngày của anh)

Giữa tháng 7-2014, anh Nguyễn Đắc Điều, người bạn thân thiết của anh Tâm, từ San Diego, California sang Na Uy thăm anh. Có anh chị Phạm Kế Viêm -Trần Diệu Tâm tháp tùng từ Paris. Vợ chồng tôi nhận lãnh việc đưa đón khách đường xa, vì với chúng tôi, anh Điều cũng khá thân tình, xem chúng tôi như em út. Sau khi làm thủ tục nhận phòng trong khách sạn xong, tất cả chúng tôi đến thăm anh chị Tâm. Tình trạng ung thư của anh đã sang thời kỳ cuối. Mất sức qua các lần hóa trị và không ăn uống được, anh đã gầy đi nhiều, trông khá tiều tụy, mệt mỏi. Chí tình và cố gắng lắm anh mới tiếp chúng tôi, dù anh chỉ ngồi nhìn chúng tôi ăn, và nở những nụ cười. Đã khá lâu, từ ngày bệnh tình của anh trở nên trầm trọng, bạn bè rất hiếm khi được gặp hay nói chuyện với anh qua điện thoại. Ai cũng biết anh cần phải nghỉ ngơi, và tâm lý người ốm đau thường không muốn người khác, bạn bè phải nhìn mình với đôi mắt âu lo thương hại. Đặc biệt, anh Tâm lại là một người cẩn trọng, dễ xúc cảm và luôn sống chí tình với mọi người.

Tôi sống ở Na Uy, nhưng từ khi về hưu vợ chồng thường trốn lạnh, sang Mỹ ở với mấy cô con gái sáu tháng mùa đông. Những tháng hè về lại Na Uy. Lúc anh Tâm còn khỏe, và ngay cả khi anh bị ung thư đã được giải phẫu, nhưng sức khỏe chưa đến nỗi tệ lắm, đám bạn chúng tôi thường rủ anh ra quán cà phê Morten, nằm bên hóc núi trên con đường vắng đi về hướng Nittedal, để chuyện trò, tán gẫu. Những lần sau này, anh không còn tự lái xe được, chúng tôi ghé nhà đón anh đi, có khi anh nhờ cháu Như Thủy, cô con gái cưng của anh đưa anh đến. Ngoài tôi, có các anh Dương Kiền, Cung Vĩnh Viễn, Phí Ngọc Hải, Nguyễn Văn Lập, thi thoảng có anh Nguyễn Đình Lưu từ Tønsberg lên. Bọn chúng tôi thường chọn một cái bàn ngoài nắng, ngồi ôn chuyện cũ. Anh Dương Kiền kể thời anh viết văn, làm tờ Văn Học, điểm danh những khuôn mặt văn nghệ một thời. Anh cũng kể vài kỷ niệm vui lúc anh là Phó Ủy Viên Chánh Phủ của Tòa Án Quân Sự Mặt Trận Vùng 2. Anh Viễn thì nói về bạn bè Nguyễn Trãi, Chu Văn An, những tháng ngày sau 75 bất đắc dĩ làm thầy giáo “lưu dung”, và lắc đầu xua tay khi bọn tôi khen những bài thơ anh viết. Anh Lập và tôi thì kể chuyên lính, chuyện đánh đấm và chuyện tù đày. Đôi lúc anh Lập kể cả chuyện tu hành, con đường nào đã dẫn anh đến kinh kệ. Anh Lập nguyên là thiếu tá phi công trực thăng, sau 75 là bạn chí thân cùng tù với tôi, qua nhiều trại, ngoài Bắc. Vượt biển chung một chuyến và cùng đến định cư ở Na Uy. Anh cũng là bạn đồng nghiệp Bưu Điện cùng sở với chị Tâm. Ăn chay trường, tu tại gia gần mười năm nay. Anh Phí Ngọc Hải, đồng môn QGHC với anh chị Tâm. Hai anh đã thân quen khá lâu, từ khi mới đến định cư ở Nauy và họp sức thành lập Hội Thân Hữu Người Việt Tự Do. Những lần sau này, anh Tâm không uống được cà phê như trước nữa, anh chỉ uống nước lạnh hay một tách trà nhạt. Sau đó, sức khỏe anh yếu dần qua những lần hóa trị, và nhất là không ăn uống được, anh cáo lỗi, không đến nữa.

Vắng anh, chúng tôi cũng thưa dần những buổi họp mặt. Không có anh, chúng tôi thấy trống vắng quá, khoảng trời trên vách núi không còn trong xanh, những ngọn gió mùa hè Bắc Âu lạnh lẽo hơn, và những tách cà phê trở nên nhạt thếch, không còn hương vị nồng nàn.

Viễn, Tâm, Ninh, Kiền, Hải 

Chúng tôi gọi nhau để hỏi tin tức về anh. Thỉnh thoảng gọi tới nhà, được nghe chị Tâm nói vài điều về tình trạng sức khỏe và việc chữa trị. Dù chị Tâm cố gắng vui vẻ, bình thản, nhưng chúng tôi hiểu được điều gì sẽ đến. Chúng tôi chỉ còn biết cầu nguyện và ước mong có một phép nhiệm màu nơi Đấng Tối Cao mà anh đã một đời thờ phượng và phó thác số mệnh của mình.

Viễn, Hải, Lập, Ninh, Tâm

Nếu căn bệnh ung thư là một bất hạnh, thì bù lại anh Tâm đã có một diễm phúc rất lớn. Đó là người bạn đời Khánh Hà, cũng vừa là bạn đồng môn QGHC và vừa là người bạn văn tâm đắc nhất của anh. Anh viết văn còn chị làm thơ. Tôi cũng rất mê thơ của chị, nhiều bài, nhiều đoạn rất dễ thương, từ khá lâu tôi đã thuộc nằm lòng:
…..
Thức dậy cùng em thuở ấu thơ
tiếng con tu hú gọi vang bờ
dòng sông tuổi nhỏ trôi đi mất
còn bãi sông buồn đứng ngẩn ngơ.
(Tháng Chạp Quê Nhà)
….
Đêm nghe tiếng sóng trong lòng
thấy ta thức dậy trên dòng sông xưa
trường giang lớp lớp sóng đưa
một con đò chở nắng mưa sớm chiều
(Đêm Nghe Tiếng Sóng)

“Thơ Khánh Hà dễ hiểu, nhưng không tầm thường, sẽ đi vào lòng mọi người đọc, trí thức cũng như bình dân, một phẩm tính ít nhà thơ nào tạo được” (nhận xét của nhà văn Nguyễn Văn Thà). Anh Tâm, phu quân của chị, “đọc thơ người nhà” cũng đã viết: “Thơ đối với Hà là hơi thở. Nhưng nàng lại ngại ngùng chia sẻ; nàng thích chia sẻ đồ ăn, của cải, nhưng tâm sự và thơ thì dè dặt. Đối với bạn bè, và cả với tôi, nàng chỉ coi thơ (và chính sự hiện diện của nàng) như một nụ cười vu vơ gởi tới bạn hiền.” Chị luôn đồng hành cùng anh trên mọi nẻo đường đời, luôn được tất cả mọi người quí mến, nể nang. Chồng Bắc vợ Nam, nhưng có lẽ đây là đôi tình nhân hạnh phúc nhất, cặp vợ chồng tâm đầu ý hợp nhất mà tôi biết được.

Anh Điều, anh chị Phạm Kế Viêm và vợ chồng tôi đến thăm anh chị hai lần. Chúng tôi rất ái ngại khi chị Tâm phải vừa săn sóc cho anh vừa làm cơm đãi khách, nhưng chị Tâm, ngoài bản tính chân tình, hiếu khách, cũng muốn cho chồng vui, nhất là được gặp lại anh Điều. Dù vóc dáng tiều tụy nhưng lúc nào anh cũng cố nở nụ cười, vui vẻ. Anh xin lỗi vì không thể nói chuyện nhiều được. Anh chị kéo chúng tôi ra vườn sau, chụp vài tấm ảnh. Những năm sau này anh nghiên cứu về nghệ thuật nhiếp ảnh như là một hobby trong tuổi già, bên cạnh chuyện viết lách Anh cho chúng tôi xem những tấm hình cũ và cả những tấm hình anh vừa mới chụp, có đủ mặt mọi người. Nhìn trong ảnh, thấy anh cười mà lòng tôi xúc động, thoáng hình dung ngày tháng tới đây, trong chúng tôi sẽ thiếu mất một người.

Tâm, Điều, Viêm, Ninh
Khánh Hà- Diệu Tâm-Gia Thức

Được có hai buổi gặp gỡ ở nhà anh chị lần này là một may mắn đặc biệt. Nhờ cái tình anh dành cho anh Nguyễn Đắc Điều, người bạn quí, có thể nói là thâm tình nhất mà anh xem như người anh trong gia đình. Bởi anh Điều vừa là bạn cùng khóa 6 QGHC với người anh quá cố của anh, anh Ngô Đức Lưu, và sau này lại là người đồng sự của anh tại Viện Tu Nghiệp Quốc Gia, cùng đi du khảo ở Mỹ, Đài Loan. Hơn nữa, chị Tâm cũng tốt nghiệp Cao Học từ Học Viện QGHC, đồng môn của phu quân và của cả anh Điều. Dù ở xa, nhưng lúc nào anh Điều cũng hết lòng lo lắng, khích lệ bạn mình. Khi anh Tâm viết xong những truyện trong Thiên Hương Về Trời, anh Điều thúc hối layout để anh mang đi in cùng với thi tập Cuối Đường của chị Tâm, giới thiệu trong cuộc triển lãm các tác phẩm của cựu sinh viên QGHC ở Nam Cali và gởi biếu bạn bè. Khi bệnh tình trở nên trầm trọng, biết trước số phận của mình, anh Tâm viết “Lệnh Triệu Ban Rồi” gói ghém những tâm tình như thay cho lời từ biệt. Anh Điều luôn khuyến khích và cuối cùng đã lo việc in ấn và chuyển đến những bạn bè của anh Tâm ở khắp các nơi. Bản tính anh chị Tâm không bao giờ muốn làm phiền bạn bè, đã tìm đủ cách khéo léo hoàn trả cho anh Điều mọi phí tổn, mà anh Điều không có cách nào từ chối được.

Tôi may mắn được quen biết anh Tâm trong hơn 30 năm, sau này lại quen biết anh Điều trong trường hợp khá bất ngờ để rồi trở nên thân thiết. Cả hai anh đều là những người đáng kính, luôn sống với nhau bằng trọn tấm lòng. Tôi hiểu được vì sao mà anh Tâm và anh Điều thân quí nhau như thế.

Lần cùng với anh Điều và anh chị Phạm Kế Viêm đến thăm, cũng là lần cuối cùng tôi gặp anh Tâm. Tháng 9.2014, vợ chồng tôi sang Mỹ. Trước ngày đi, nhóm bạn chúng tôi lại hẹn gặp nhau ở quán cà phê Morten bên hóc núi. Đó là lần họp mặt buồn nhất. Bọn tôi bảo nhau, có lẽ sau này chúng mình không còn gặp lại anh Tâm. Tôi chỉ còn có một ước mong duy nhất là ngày anh Tâm ra đi, tôi có mặt ở Na Uy để được tiễn anh lần cuối và nói với anh vài lời mà không thể nói lúc anh còn sống. Tính của anh không thích nghe những lời khen, những lời cám ơn hay ngưỡng mộ mình.

Nhưng rồi điều ước mong nhỏ nhoi duy nhất đó cũng không thành. Sáng sớm ngày 9 tháng 4.2015, khi đang ở nhà cô con gái út trên đồi Hacienda Heights, mừng cháu vừa sinh đứa con thứ nhì, mới thức dậy thấy trong lòng như nôn nóng một điều gì, tôi vội vàng mở máy check mail, thấy bạn Đinh Ngọc Cần (nhà văn Đoàn Mai Tâm) từ Oslo báo tin buồn: “Anh em mình đã thực sự mất một người anh đáng kính. Anh Ngô Thanh Tâm vừa mới ra đi lúc 6giờ chiều hôm nay, ngày 9.4. Chúng mình hãy cùng cầu nguyện cho anh.” (Giờ Na Uy đi trước Cali 9 tiếng).Tôi lặng người. Đầu óc tự dưng không còn cảm giác và trong lòng dường như chỉ còn là khoảng trống bao la.

Tôi gặp anh Tâm lần đầu trong một buổi hội Tết, sau gần hai tháng gia đình tôi đến định cư ở Na Uy. Tôi ở khác thành phố nhưng cùng một thị xã với anh. Gọi là hội Tết nhưng thực ra chỉ quy tụ khoảng 80-90 đồng hương, tổ chức một ngày Tết chung để hoài niệm những cái tết ở quê nhà. Tôi mới đến, nên bị mấy cụ già “bắt cóc” làm trưởng ban tổ chức. Có lẽ mấy cụ nghĩ là những người mới từ trại tỵ nạn sang còn chút năng nổ, chưa bị ngấm cái lạnh Bắc Âu. Hội Tết cũng được sự tham dự đông đảo của những người Na Uy trong chính quyền và Sở Tỵ Nạn. Ngay sau khi kết thúc, được cho là thành công, anh Tâm tìm đến bắt tay tôi với nụ cười thân thiện. Tôi biết anh từ đó, nhưng chưa thân tình lắm.

Thời gian này tôi hoạt động rất tích cực trong Mặt Trận Hoàng Cơ Minh, mà tôi và nhiều bạn bè đã tham gia từ khi còn ở trại tỵ nạn Bataan, Phi Luật Tân. Lúc này Mặt Trận còn được nhiều người ủng hộ, và ngay tại Na Uy một vị linh mục Việt Nam đứng ra thành lập và làm Chủ Tịch Ủy Ban Yểm Trợ Kháng Chiến.

Một lần, tôi đứng ra tổ chức buổi nói chuyện cho giáo sư Tonaka từ Nhật sang, mà tôi được ông cựu Đại tá Phạm Văn Liễu, Tổng Vụ trưởng Hải Ngoại của Mặt Trận, giới thiệu là bạn thân của Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, đã từng vào chiến khu quốc nội(?), và là người đang vận động quốc tế ủng hộ Tướng Minh và Mặt Trận. Trước đó, trong vài lần tâm tình, tôi biết là anh Tâm không những không tin, không ủng hộ mà còn phản đối Mặt Trận, nhưng tôi vẫn mời anh đến nghe. Tôi bảo là tôi rất tôn trọng những suy nghĩ và quyết định của anh, nhưng vì đây là lần đầu tiên có một giáo sư ngoại quốc nói chuyện về Mặt Trận, nên tôi muốn anh đến nghe để tìm hiểu thêm và giúp tôi tìm một hướng đi đúng sau này. Anh nể tình tôi, nhận lời.

Buổi nói chuyện được tổ chức tại trung tâm thành phố Oslo, đông đảo bà con đồng hương tham dự. Khi giáo sư Tonaka kết thúc phần nói chuyện, đến phần trả lời các câu hỏi, thấy anh Tâm đưa tay hai lần, nhưng khi tôi mời thì anh im lặng, lắc đầu. Mặc dù trong vai trò điều hợp, tôi luôn lên tiếng mong muốn được nghe những ý kiến, phản biện về những tiêu cực của Mặt Trận để được cùng thảo luận, hầu tìm ra đáp số cho bài toán của niềm tin.Vài hôm sau anh ghé thăm, tôi nhắc lại việc anh đưa tay đến hai lần nhưng sao không hỏi. Anh cười, bảo là không muốn làm cho tôi buồn và thất vọng! (Và sau đó tôi đã thất vọng thật.)

Từ hôm đó anh thân tình với tôi hơn. Tôi nối gót anh vào ngành Bưu Điện, anh làm việc ở cấp quản trị cao hơn. Nhưng khi tôi học xong và đi làm được hai năm thì anh bỏ Bưu Điện sang làm ở Đài Truyền Hình NRK. Lúc này Hội Thân Hữu Người Việt Tự Do tai Na Uy do anh Phí Ngọc Hải, một người bạn thân của anh làm hội trưởng từ lúc các anh sáng lập, vì hoàn cảnh không thể tiếp tục, hội cũng đã không sinh hoạt một thời gian. Anh Tâm đã vận động tôi, và nhờ nhiều người uy tín khác, trong đó có một vị linh mục, khuyến khích tôi ra nhận lãnh trách nhiệm để gầy dựng lại. Ngày bầu cử, sợ tôi “trốn”, anh đích thân lái xe đến nhà thật sớm để chở tôi đi. Tôi làm hội trưởng, anh luôn ở bên cạnh như một người bạn đồng hành. Tôi mời, anh từ chối, không muốn nhận chức danh Cố Vấn hay Giám Sát, nhưng cam kết là luôn ở bên cạnh tôi. Và anh đã giữ lời hứa. Chúng tôi đã đổi danh xưng thành Hội Người Việt Tỵ Nạn Tại Na Uy, quy tụ thêm nhiều đồng hương, tạo được những thành công và sức mạnh. Hai anh em gắn bó với nhau trong sinh hoạt cộng đồng từ dạo ấy. Trong công việc, không phải là chúng tôi không có những bất đồng, nhưng tôi luôn tôn trọng, kính mến và biết ơn anh.

Giữa năm 1997, anh gởi cho tôi đọc một số truyện ngắn anh viết, đề tên tác giả Tâm Thanh. Truyện nào cũng rất hay, nhưng tôi mê nhất là truyện Trích Tiên. Tôi không ngạc nhiên về tài viết văn của anh, bởi tôi biết trước khi vào Cao Học QGHC anh đã tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Triết ở Đà Lạt và từng làm giáo sư môn Triết. Đúng như nhà văn quá cố Nguyễn Mộng Giác đã từng nhận định: “Người đọc bước vào truyện (Tâm Thanh) như lạc vào cõi mơ, và ra khỏi truyện thì ngơ ngẩn bàng hoàng vì băn khoăn không hiểu nổi những vấn nạn của nhân sinh. Có thể xem truyện ngắn của Tâm Thanh như những bài thơ triết lý.” Và sau này, người bạn văn của anh ở Na Uy, nhà văn Nguyễn Văn Thà, cũng đã có cái nhìn rất sắc bén về các tác phẩm của anh: “Tâm Thanh đã viết được nhiều truyện ngắn hay. Anh đã nâng truyện ngắn Việt Nam lên một bậc. Truyện ngắn anh có kỹ thuật cao, hóm hỉnh và đầy minh trí như thơ Nguyễn Khuyến, nhưng cũng lãng mạn một cách thâm trầm, ý vị.”

Từ khi mê tài viết của anh, tôi thường ghé lại anh hơn. Anh luôn bảo tôi kể cho anh nghe chuyện tình thời học trò và chuyện lính. Không ngờ những câu chuyện kể không đâu vào đâu ấy để chỉ vài hôm sau tôi bất ngờ đến ngỡ ngàng khi đọc truyện Cổ Thành, kèm thêm một bài thơ cùng tựa của chị Khánh Hà, anh chị viết gởi tặng tôi và “vầng trăng thơ ấu”(chữ của anh). Anh viết hay quá, đẹp quá, làm tôi cứ tưởng là chuyện của một chàng mục tử đa tình nào đó chứ không phải chuyện của mình. Tôi liên tưởng đến thằng bé chăn cừu trong truyện Les Étoiles của nhà văn Alphonse Daudet tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần lúc còn đi học. Tôi có cái diễm phúc được anh cho đọc nhiều truyện của anh trước khi in thành sách. Tác phẩm đầu tay Thiên Nga Giữa Cõi Người do Văn Học ấn hành mùa hè 1999 đã làm nên tên tuổi Tâm Thanh. Trong nền văn học hải ngoại có thêm một nhà văn đúng nghĩa, được độc giả ái mộ. Sau đó Gỗ Thức Trên Rừng, Thiên Hương Về Trời lần lượt ra đời. Tất cả đều là những tác phẩm giá trị, được bạn bè và độc giả khắp nơi đón nhận nồng nhiệt.

Ban đầu, anh bảo tôi kể chuyện cuộc đời cho anh nghe, để rồi anh âm thầm viết thành những truyện đẹp. Sau đó thì anh khuyến khích tôi viết, bảo tôi có sẵn cái vốn quý -những kỷ niệm đặc biệt thời ấu thơ, những thăng trầm trong cả một đời lính- vốn đã là những câu chuyện hay và cảm động. Anh muốn có người đồng hành cho vui. Vâng lời anh, tôi viết vội Nợ Đời Một Nửa, Một Nửa Nợ Ơn Em. Đây không phải là một truyện ngắn mà chỉ là một đoản văn, không đâu vào đâu. Tôi gởi đến anh với lời nửa đùa nửa thật: “Vâng lời ông thầy, gởi đến bài luận văn này nhờ ông thầy Triết xem qua và chấm điểm. Đủ điểm trung bình thì cố gắng viết, còn điểm dưới trung bình thì đành xin bẻ bút”. Ngay tối hôm ấy tôi nhận hồi âm: “Trả lại bài viết, vì ông thầy (bàn) không còn điểm để cho.”

Không ngờ lời nói đùa đó của anh lại là sự khởi đầu nghiệp viết lách của tôi. Anh rất xứng đáng là thầy tôi, nhưng không bao giờ chịu nhận. Đôi lúc tôi còn giận anh cái tính quá khiêm nhường.

Khi được anh và nhiều vị thầy cùng bạn bè khuyến khích tôi ấn hành tập truyện đầu tiên “Ở Cuối Hai Con Đường”, môt vài nhà văn tên tuổi thương tình, ngỏ ý viết tựa cho tập truyện. Tôi rất cảm kích tấm lòng của các bậc đàn anh, muốn nâng đỡ khích lệ một người tập tễnh cầm bút, nhưng tôi xin phép từ chối. Tôi muốn được anh Tâm Thanh làm điều ấy. Bởi ngoài việc tạo một cơ duyên, anh còn là người dẫn dắt tôi vào nghiệp viết. Bài tựa của anh, không những làm tăng thêm giá trị của tập truyện, mà với tôi, còn là một kỷ niệm đẹp đáng nhớ, nhất là sau khi anh không còn hiện hữu trên cõi đời này.

Thiên Nga Giữa Cõi Người, tên truyện ngắn mà anh dùng làm tựa cho tập truyện đầu tay. Tập truyên đã làm nên tên tuổi Tâm Thanh. Trong câu chuyện, anh kể về một đôi thiên nga đẹp nhất ở vùng sông hồ Telemark- Na Uy. Giống thiên nga vốn rất hiền lành và chung thủy, nhưng vì sống gần con người nên con thiên nga trống đã bị giết (oan), vì nó tấn công một chú bé đang bơi lội dưới hồ mà tưởng nhầm là con rái cá đã quấy phá ổ trứng của chúng. Cuối cùng, tác giả -người chứng kiến cái chết của con thiên nga và tìm ra lý do chết oan của nó- đã bộc bạch tâm sự của mình:

“Tôi có thể “tu luyện” để hưởng được hơi ấm của một giọt nắng trong vườn tuổi thơ ngay lúc còng người đi trong cơn bão tuyết. Nhưng lạ quá, tôi chưa bao giờ tránh được cơn gió bấc vô hình giữa những con người. Tôi biết hoàn toàn là lỗi tôi, buồn lòng lắm, nhưng không làm gì được”

Giờ thì tác giả không còn ưu tư, tự nhận lỗi về mình hay phải buồn lòng nữa, bởi Thiên nga Tâm Thanh đã ra đi, vĩnh viễn không còn giữa cõi người.

Phạm Tín An Ninh
Viết tại đồi Hacienda Heights
12.4,15

Thứ Ba, 26 tháng 5, 2015

Bên Thềm Bâng Khuâng


Líu lo chim hót trên cành
Vườn xanh, cỏ biếc, long lanh nắng vàng
Giao mùa gió chướng thổi sang
Sáng xuân êm ả, nhẹ nhàng mây bay...

Tháng Năm gợi nhớ chuỗi ngày
Đầu xuân viễn xứ buồn lay vào lòng
Đi trên phố lạ người đông
Hồn nghe trống vắng, mênh mông đường chiều!

Ai đan mây tím cô liêu
Rót sương lên lá cho đìu hiu đêm
Ai mang thương nhớ êm đềm
Gởi hương gió nhặt sang thềm bâng khuâng!

Yên Dạ Thảo
16/05/2015

Đường Em Đi - Phạm Duy - Trần Thái Hòa

Đã không còn yêu nhau nữa thì chia tay,dù có đau buồn nhưng cũng phải đành bỏ nhau.Em cứ đi theo đường em dù không biết con đường ấy sẽ ra sao,nhưng anh hy vong con đường em chọn sẽ có nhiều điều tốt đẹp cho em


Sáng Tác: Phạm Duy
Tiếng Hát: Trần Thái Hòa
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

Vấy Mực Vô Tình - Vết Mực Tỏ Tình - Lời Tình Mực Tím



Mực tím đậm màu pha lấy
Áo trắng ngày nào anh vấy lỡ tay
Vô tình tim nhảy nhịp sai
Làm em hồi hộp giữ hoài màu mơ

Rót tình thắm mực chép thơ
Từ đêm đến lúc tờ mờ hừng đông
Em nắn nót chữ tỏ lòng
Cánh thư lặng lẽ... vẫn trong hộc bàn.

Vì người pha mực chẳng màng ...
Áo trắng lỡ vấy vết loang ..... tím sầu

Kim Oanh
***
(Cảm tác qua bài thơ tranh"Vấy Mực vô tình" của Kim Oanh.*
Riêng tặng tác giả bài thơ Vấy Mực vô tình)

Lấy hạt mồng tơi làm mực tím
Để viết vần thơ tặng một người
Vô tình nghiêng đổ bình rơi
Làm nhòe trang giấy gởi người mình thương !

Mực mồng tơi anh thường pha lấy
Đã lở tay làm vấy áo em
Khi về thao thức thâu đêm
Ước gì...vết mực nối duyên chúng mình

Vạt áo dài điểm hoa....mực tím
Vết hoen làm xao xuyến hồn tôi
Nhớ hoài mực tím mồng tơi
Áo thời nhạt dấu.....tình tôi vẫn chờ

"Vấy mực vô tình" thờ ơ chẳng ngó ?
Để bây giờ thành chổ hương xưa
Tà dài theo gió đong đưa
Mực loang đã nhạt....người chưa tỏ tình


Song Quang
* * *
Lời Tình Mực Tím

Đàn lòng buông phím cung lơi
Mượn dòng mực tím mồng tơi tự tình
Đêm khuya lẻ bóng tường in
Gọi hồn lưu bút hương trinh học trò
Gom yêu con chữ nhỏ to
Trao câu luyến ái hẹn hò mai sau
Tràn tuôn mực tím xôn xao
Bồi hồi vương vấn rót vào vuông thơ
Thời gian nhạt tím xa mờ
Bên trời xứ lạ bơ vơ mộng về

Kim Phượng

Hóc xương cá


Hóc xương cá là "tai nạn" rất thường gặp. Không chỉ gây ra cảm giác khó chịu mà nó còn ảnh hưởng đến thực quản của bạn.
Những điều không được làm khi bị hóc xương cá:
- Không dùng tay móc họng để lấy xương. Vì có thể bạn không thể lấy xương ra được nhưng lại đẩy nó vào sâu hơn nữa. Đồng thời việc làm này còn có thể gây tổn thương thực quản.
- Không uống nước hay ăn cơm thành miếng to để mong xương chạy theo cơm hay nước vào trong. Vì làm như vậy sẽ có nguy cơ xương cá lớn đâm thủng mạch máu.
- Không khạc nhổ nhiều làm tăng cảm giác đau rát và ảnh hưởng đến thực quản của bạn.

Cẩn thận ăn cá
Mẹo chữa hóc xương cá hiệu quả: đơn giản mà hiệu quả.
Nhét tỏi vào lỗ mũi

Nếu là hóc bên phải thì dùng một nhánh tỏi bóc vỏ và nhét vào lỗ mũi bên trái, sau đó bịt lỗ mũi bên phải lại và thở bằng mồm.
Khoảng 1-2 phút sau bạn sẽ hắt hơi và nôn ra, khi đó xương cá sẽ theo đó mà ra ngoài. Bạn có thể làm điều ngược lại với lỗ mũi bên phải khi bị hóc xương bên trái.
Ngậm và nuốt vỏ cam
Khi bị hóc xương cá bạn chỉ cần lấy một miếng vỏ cam ngậm trong miệng một lúc, xương cá sẽ tự tan ra. Vỏ cam sẽ có hoạt chất khiến xương cá mềm và tan theo nước bọt.

Vỏ cam chữa hóc xương cá


Dùng một viên vitamin C
Ngậm một viên vitamin C vì Vitamin C có tác dụng y như vỏ cam. Ngoài ra, vitamin C còn có tác dụng giảm đau, kháng viêm rất tốt cho vùng thực quản bị hóc xương cá.
Uống nước quả trám
Dùng quả trám mài ra rồi hòa với nước uống để tiêu xương cá khi bị hóc xương.
Những trường hợp hóc xương lớn sẽ phải cần đến sự trợ giúp của bác sĩ.

Theo Trí Thức Trẻ
Yên Đỗ sưu tầm

Kim.Tháng Năm.Mười Sáu


Tuổi gọi ngày rơi xuống tháng năm
Chạm tay về lạnh chỗ ai nằm
Núi già thơ thẩn mây đầu bạc
Vườn nhỏ trăng em sắp sửa rằm

Quanh quẩn mười năm dài cố thủ
Cầm cự mùa qua đủ mỏi mòn
Café ngồi uống đời xuôi ngược
Khâu vá ngày vui có tủi thân

Mười năm chống chọi trên đồi thấp
Gió bụi già nua đã chất chồng
Mới thấy thời gian làm bão lớn
Ta nằm như xác kẻ thương vong

Lắng nghe sông núi đằng xa gọi
Bè bạn lang thang ở đất liền
Đêm mơ thấy bóng tiền nhân dậy
Phất ngọn cờ xưa của tổ tiên

Chiều gọi ngày rơi một tháng năm
Phong ba chừa lại mấy đêm rằm
Thổi bao nhiêu nến đời đen bạc
Còn cháy âm thầm ngọn nhớ mong

Tháng năm còn ấm thời xuân sắc
Về ôm mộng lớn những mùa hoa
Thổi bao nhiêu nến chiều sinh nhật
Nến tắt còn lay nỗi nhớ nhà

Lâm Hảo Khôi
(tháng 5/ 2015)

Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

Thơ Thay Quà Thăm Bệnh


(Mến tặng Kim Oanh)

Em bệnh nghe qua nẫu cả lòng
Ước gì mọc cánh vượt tầng không
Sẻ chia cái nhức làm thân khổ
Hun đúc niềm vui đến má hồng
Xe đạp biết mần sao vượt biển
Tàu bay đâu chịu chở cho không
Vần thơ hy vọng thay quà vậy
Mến tặng Kim Oanh viết mấy dòng.

Cao Linh Tử
23/5/2015

***
Thăm Kim Oanh

Nghe Kim Oanh bệnh xót xa lòng,
Chạy chửa Đông Tây, hết bệnh không.
Thánh Thất nguyện cầu mau khỏi bệnh
Chùa chiền khấn vái sớm tươi hồng
Xa xôi biết nói lời nào nhỉ !
Cách trở quan san vẫn ước mong...
Nhức mỏi đau lưng hy vọng khỏi,
An tâm, vô sự chúc đôi dòng

Mai Xuân Thanh
Ngày 22 tháng 05 năm 2015

***
Cười Sẽ Hết... Si


Si gì chẳng chọn, chọn si-cà 
Que đến bao giờ mới khỏe ra? 
Si mạ tốt ngoài nhưng xấu ruột, 
Si ngây rát rụột lại buồn da, 
Si tình có phải hồi xuân sắc? 
Si sắc nên còn nuối lạc hoa? 
Bỏ hết " Si " đi mau khỏe lại! 
Trông Vườn Thơ Thẩn chớ ...Si-cà!!!

Đỗ Chiêu Đức.

***
Thư Thăm Hỏi

( Gởi Kim Oanh )

Vài chữ nhưng mang cả tấm lòng
Hỏi Oanh đã đỡ chút nào không?
Băn khoăn, chỉ biết nhìn mây trắng
Cầu chúc, đành xin gởi nắng hồng:
Sức khỏe phục hồi, vui chẳng giảm
Lưng đau khỏi hẳn, mạnh như không
Trang Vườn Thơ Thẩn chờ tin bạn
Tươi tắn ngồi lên viết ít dòng...

Phương Hà

***
Đôi Vần Thăm Hỏi

(Riêng tặng Kim Oanh,chúc mau hồi phục)

Tin Kim Oanh bệnh,rất buồn lòng 
Có biết "Vườn thơ" nhớ lắm không?? 
Nước Úc xa vời sao đến viếng? 
Hoa Kỳ dịu vợi gởi cành hồng 
Anh em bút mực hồn xao xuyến 
"Long Vĩnh" đợi chờ dạ ngóng trông!
Cầu nguyện phục hồi mau hết bệnh 
Nhờ mail mang đến viết đôi dòng

Song Quang
***
An Lành Vườn Thơ Thẩn

Xin chúc Kim Oanh , Hữu Đức mau bình phục .

Mấy ngày lặng lẽ tiếng chim Oanh 
"Thơ Thẩn " trang vườn bỗng vắng tanh 
Hữu Đức tay đơ không nhúc nhích 
Kim Oanh lưng nhức khó di hành 
Tóc xanh thưở ấy đâu tìm được 
Sức trẻ ngày xưa cũng khó thành 
Thi hữu mừng cho tình thắm thiết 
Vườn thơ xin chúc mọi An Lành 

Mailoc
***
Nhiệm Vụ Chu Toàn

Nhiệm vụ trao ban sẽ hết lòng
Muốn chì muốn chiết cũng bằng không*
Vào ra nơi chốn chăm trang Blog
Lui tới Vườn Thơ thắp nến hồng
Thầy quý Bạn hiền chung xướng họa
Thơ hay chữ tốt cùng có không
Phen này chắc chết cô thư ký
Than thở ra đây chỉ tám dòng

Kim Phượng
* Tại Kim Phượng bị làm thư ký cho cà đơ Hữu Đức và xi cà que Kim Oanh
Lạy trời cho Kim Phượng đừng bị xi cà quẹo hì...hì
***
Chúc Kim Oanh Sớm Bình Phục

Chờ đợi bồn chồn để hóng tin
Bệnh cô em gái nhỏ Kim Oanh
Chỉ nghe đôi tiếng đau lưng chút
Rồi đã mấy ngày bổng bặt thinh
Đất khách buồn vui đang lẽ bóng
Sớm hôm nương tựa cậy thân tình
Nghiệp riêng thư ký đà trao lại
Bình phục nhanh nhanh chẳng một mình!

Nguyễn Đắc Thắng
20150525
***

Kính gửi quý Thầy và Anh Chị Vườn Thơ Thẩn
Kim Oanh rất xúc động với tình thương yêu, những dòng thơ trên giúp Kim Oanh vơi đi nỗi đau.
Kính chúc quý Thầy và Anh Chị luôn dồi dào sức khỏe.

Thơ Thay Lời Cảm Ơn....

Biết nói gì đây cảm tất lòng
Vạn lời ân tạ cũng bằng không
Món quà an ủi cơn đau nhức
Thắp sáng niềm tin ngọn nắng hồng
Lời thơ hy vọng tràn loang biển
Thân ái chan hòa vượt tầng không
Đậm tình chân chất “ Vườn Thơ Thẩn”
Bốn bể cùng nhau chảy xuôi dòng.

Kim Oanh
23/5/2015

Mãi Với Phượng Hồng

Tháng Tư vừa qua đi California, tôi được bạn giới thiệu những cây phượng tím đang độ khoe hoa rực rỡ vùng Los Angeles và San Jose. 


Lần đầu biết đến nhưng phượng tím không cho tôi một xúc cảm nào đặc biệt ngoài việc ghi vào bộ nhớ của mình một loài hoa mới biết. Liên nghĩ đến thuở học trò, qua tháng ngày dài bên bạn bên thầy, qua bao mùa hè bãi trường khi hoa phượng hồng là chứng nhân những chuyện vui buồn của học sinh, sinh viên chúng tôi, nên phượng vỹ đậm nét trong tim. Đã ghi vài dòng cho cảm xúc với bài:

    Ảnh: Ngọc Thu

Mãi Với Phượng Hồng

Phượng tím rực màu nơi xứ xa
Điểm thêm Xuân thắm nét mượt mà
Tình cờ như gặp người quen mới
Quý phái đài trang dáng ngọc ngà!

Chợt nhớ thiết tha bóng phượng hồng
Rung rinh trong gió nắng hè nồng.
Hoa rơi, em nhặt, cười ròn rã,
Hỏi trỏng rằng "Ai có thích không?"

Trót khắc vào tim một bóng hình
Trước sau gìn giữ chữ chung tình
Tím màu quyến rũ ...nhưng xa lạ
Hồng đỏ phượng yêu ... mãi đẹp xinh!

Anh Tú

Hoa Đào Xứ lạnh

"Double Flowing Plum"

Khi nàng hoa tuyết vừa tan
Mùa xuân đất khách rộn ràng chào sang
Sân nhà dọn sửa khang trang
Chồi xanh cây cỏ vươn tràn khắp nơi

Hừng đông trời ửng rạng ngời
Say sưa rọi áng mây mời về thăm
Ngọt ngào gió sớm thì thầm
Thẹn thùa nắng mới che ngầm nét duyên

Bên rào đôi sóc đua chuyền
Hàng thông reo hát ai quyền xanh lâu
Double Flowing Plum cũng khoe màu *
Tựa Đào nước Việt đẹp sao tuyệt vời

Hồng hồng đỏ nhụy vàng lơi
Hoa ơi!gợi nhớ Đào nơi quê mình
Xuân về cảnh sắc tươi xinh
Nhìn Đào xứ lạnh lòng mình thêm xuân...

Phượng Trắng
Canada, Spring 5/2015
* Double Flowing Plum thường nở vào mùa Xuân ở
Canada và màu hồng đẹp giống như hoa Đào của Việt Nam








Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015

Tháng Năm, Đứng Giữa Mùa Thơ


*Tặng các nhà thơ: Trần Huy Sao, Phan Diễm Châu, Lê thị Kim Oanh,
Sông Cửu, Lưu Xông Pha...
I
tháng năm leo núi chờ thời
bồng xuân lên đỉnh ngó trời mây bay
hơi đêm ngồn ngộn hơi ngày
mù sương trườn dưới gót giày viễn du
quấn thơ vòng đỉnh Tiểu Thư
lót tình trên ngọn dốc mù chờ nhau.
II
tháng năm tờ lịch nát nhầu
xé đôi cho trọn nỗi sầu núi sông
núi chia ta núi tang bồng
sông xa sông vẫn đầy dòng nhớ thương
về đây áo đá phơi sương
dốc treo từng cánh ngục rừng co ro.
III
tháng năm đứng giữa mùa thơ
chữ rưng rưng khúc hồn cờ truy phong
cuốn theo lòng gió tang bồng

là ta là những cơn giông cuối đời
và em vườn cũ mưa rơi
tạnh chưa từng giọt tình trôi đầu mùa?
IV
tháng năm giọc nắng ban trưa
chói trời xanh với mây lưa thưa về
đợi chiều phơi bóng dáng quê
khô ta nỗi nhớ cận kề nỗi đau
bốn mươi năm vẫn con tàu
nằm đây chờ sáng quay đầu hồi hương...

Phạm Hồng Ân

(núi Tiểu Thư, 17/05/2015)

Mẹ


Con sẽ không đợi một ngày kia…
Khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc
Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?
Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt
Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua
Mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ
Ai níu nổi thời gian?
Ai níu nổi bao giờ?

Con mỗi ngày một lớn lên
Mẹ mỗi ngày thêm già cỗi
Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn.
Con sẽ không đợi một ngày kia
Có người cài lên áo cho con một nụ bạch hồng
Mới thảng thốt nhận ra mình mất mẹ
Mỗi ngày đi qua đang cài cho con một bông hồng
Hoa đẹp đấy – cớ sao lòng hoảng sợ?
Giọt nước mắt kia bao lâu nữa của mình?

Ta ra đi mười năm xa vòng tay của mẹ
Sống tự do như một cánh chim bằng
Ta làm thơ cho đời và biết bao nhiêu người con gái
Có bao giờ thơ cho mẹ ta không?
Những bài thơ chất ngập cả tâm hồn
Đau khổ – chia lìa – buồn vui – hạnh phúc
Có những bàn chân đã giẫm xuống trái tim ta độc ác
Mà ta vẫn cứ đêm về thao thức làm thơ
Ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ
Giọt nước mắt già nua không ứa nổi
Ta mê mải trên bàn chân rong ruổi
Mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng

Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân
Mấy kẻ đi qua
Mấy người dừng lại?
Sao mẹ già ở cách xa đến vậy
Trái tim âu lo đã giục giã đi tìm
Ta vẫn vô tình
Ta vẫn thản nhiên?


Đỗ Trung Quân
(Nguyễn Đức Tri Ân sưu tầm)

Bùi Ngùi Tháng Năm



Hết xuân rồi chấp chới nắng hè sang
Rưng rưng gió, sa sầm oi nóng
Ta mơ về quê con sông xanh xa lắm
Mà thấy lòng vời vợi chốn bình yên.

Ta mơ về nhau môi học trò tươi duyên
Hoa phượng đỏ cắn nụ cười bè bạn
Ta thương đời nhọc nhằn trang giáo án
Chợt thấy mình, thôi thế cũng phù du.

Bạn cũ xa rồi đâu nữa ngày xưa
Cứ thưa vắng chiều hoang ngơ ngẩn nhớ
Bảo đừng khóc mà sao lòng nức nở
Giữa bao người ta vẫn thấy cô đơn.

Tháng năm về nghe thương nhớ sâu hơn
Mưa lơi lả phương nào chưa trở lại
Ta đợi nhau một lời chào xa ngái
Đủ ru lòng khao khát cháy hè ơi!



Hương Ngọc
17 tháng năm 2015

Chùa Giác Hoa - Bạc Liêu


           (Và một nhánh họ Huỳnh)
Chùa tọa lạc bên bờ kênh cầu Cái Dầy, cách tỉnh Bạc Liêu khoảng 6 Km về phía bắc (Hướng Cần Thơ – Sóc Trăng)
Tên dân gian gọi chùa Giác Hoa là chùa cô Hai Ngó “ 1885 – 1951 “

Chùa Gíác Hoa ngày xưa thuở thiếu vắng trụ trì 
  

LIÊN HỆ GIA TỘC

Ông Huỳnh giang Hiệp cùng vợ là bà Nguyễn thị Kiểu, sinh được bốn người con
- Bà Huỳnh thị Ngó cùng chồng là Ông Thái Kim Chiêu
- Ông Huỳnh như Gia “ Dù Kia “
- Ông Huỳnh như Phước “ Dù Hột “
- Bà Huỳnh thị Mùi

Nhân duyên tạo chùa
Ông Thái kim Chiêu là chồng bà Hai Ngó, ông bị đám cướp xông vào nhà khi đêm đã khuya, một mình chống trả, ông bị thương rất nặng và qua đời ngay trong đêm, tang chồng chưa nguôi ngoai, khoảng 6 tháng sau, đứa con trai duy nhất của gia đình lâm bệnh nặng rồi cũng rời bà mà đi. Tang chồng tang con liền trong năm, bà suy sụp nặng tưởng chừng khộng chịu đựng nổi. Bà tìm nguôi ngoai trong Phật Pháp, thấy cái khổ của dân tình chung quanh bà phát tâm trợ giúp, tài cũng như vật. gần cũng như xa.

Năm 1915 Bà quy-y với Hòa Thượng Chí Thành – Pháp danh là DIỆU NGỌC.
Khi vùng Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, bị lũ lụt, dân tình khốn khổ, đích thân bà chở hàng chục tấn gạo trợ giúp dân những vùng trên.
Tháng 03 năm 1919 Bà xin phép cất chùa
Vào ngày 10 tháng 3 năm 1919 chính quyền phê chuẩn cho phép bà cất chùa.
Bà tiến hành xây cất với kiến trúc Đông Tây phối hợp hài hòa, vừa cổ kính vừa hiện đại vào thời bấy giờ
Khoảng tháng 10 năm 1920 chùa hoàn thành sau 18 tháng thi công cật lực với tên CHÙA GIÁC HOA. Trong thời gian này,nhân thấy địa phương con em thất học nhiều, bà xây trường học, rồi rước thầy về dạy khuyến khích các bậc cha mẹ đưa con đến trường.
Trong khuôn viên chùa bà xây nhà chứa quan tài giúp người nghèo trong tang khó.
Hai ngôi chùa CHÂU VIÊN và CHÂU LONG cũng được bà thành lập ở hai địa phương là ấp Công Điền và ấp Bà Chăng thuộc xã Châu Thới.
Vào lệ rằm tháng bảy là lễ Vu Lan, bà phát gạo cho dân nghèo địa phương cùng các nơi khác, nơi nào mắc nạn bão lụt bà đều đến trợ giúp.

Năm 1929, bà mời Hòa thượng Chí Thành cùng Hòa thượng Khánh Anh chủ trì lễ mở khóa An Cư Kiết Hạ cho 100 vị tăng ni vân tập tại chùa Giác Hoa.
Cũng chính năm này Ni Bộ miền nam đầu tiên ra đời phát xuất từ chùa Giác Hoa do bà vận động thành lập và lưu truyền mở rộng đến nay.
Ngày 29 tháng 5 năm 1951 Sư Bà DIỆU NGỌC viên tịch, sư cô Hồng Dung thừa kế trụ trì.
Năm 1957 sư cô Hồng Dung giao lại cho Hòa Thượng THIỆN QUẢNG.
Năm 1959 Đại Đức HỒNG MINH
Năm 1967 Đại Đức viên tịch, chùa không ai trông coi.
Năm 1969 ông Lê văn Bông “ Chín Bông “ về giữ chùa.
Năm 1970 ông Chín Bông nhận lể xuất gia cùng Hòa Thương TRÍ ĐẠT, Pháp danh MINH KHAI.
Khoảng thời gian 2001, Thượng Tọa MINH KHAI tuổi cao, sức yếu, đi đứng hết sức khó khăn nên mời Sư Cô NGHIÊM THÀNH về phụ lo Phật sự. Tuy chưa là trụ trì song sư cô nhận thấy chùa xuống cấp nặng nên phát tâm vận động trùng tu ngôi tam bảo
Ông Huỳnh văn Bá, con cô tư Kim Sáu cũng là cháu của Bà cô Hai là Sư Bà DIỆU NGỌC, xuất hơn trăm triệu tu bổ chùa vào khoảng năm 2002-2003.
Năm 2005 Sư Cô NGHIÊM THÀNH chánh thức trụ trì chùa GIÁC HOA.
Năm 2006 xây dựng xong giãng đường và khai giảng lớp trung cấp Ni.
Từ tháng 11 năm 2006 chùa xây thêm Ni xá, dành cho ni sinh với khoảng hơn 60 vị
Cuối năm 2007 xây dựng xong Nhà Trù và Trai Đường, khoảng đất trống sau chùa dành làm nơi trồng rau cải, phụ sinh hoạt cho chùa, trong khuôn viên chùa tổ chức rất quy củ, nhiều phòng với chức năng hành chánh, có cả phòng vi tính…Ni chúng trong chùa hơn 50 vị và quy y hơn 500 tục gia đệ tử.
Ngày 29 tháng 11 năm 2010, lễ trùng tu chùa
Đầu năm 2013 chùa làm lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi chánh điện, vào thời gian này chùa được khoảng trăm Ni chúng và đang phát triển thêm…
22-05-2014 lễ giổ sư bà Diệu Ngọc cùng lễ mừng hoàn thành trùng tu ngôi chánh điện do Ni sư Nghiêm Thành chủ trì, chúng ta có thể kết luận, kể từ năm 2001 đến 2014 sư cô Nghiêm Thành đã tôn tạo lại từ một ngôi chùa xuống cấp nặng về vật chất nay trở thành ngôi tam bảo uy nghi, điều đặc biệt là vẫn giữ nguyên nét kiến trúc xưa, với lượng ni chúng tăng trưởng cùng Phật sự theo thời gian, chứng tỏ rằng giới luật và Phật Pháp được Ni Trưởng dẫn đắt nghiêm mật nên ni đoàn ngày càng vững chắc rạng danh chùa Giác Hoa.

Trong phần sau thuộc gia đình gánh ông Nội Huỳnh Như Phước ( Dù Hột)
Ông bà cố Huỳnh Giang Hiệp và Nguyễn thị Kiểu sanh được bốn người con đủ hai gái hai trai gồm :
· Con gái trưởng : Bà cô Huỳnh thị Ngó cùng chồng là Ông dượng Thái kim Chiêu, sanh được con trai duy nhất, ông dượng cùng con trai nhỏ mất, bà cô Hai xin con trai của người em thứ ba là Huỳnh Như Phước nhận làm con nuôi tên là Huỳnh Kim Lý ( Chú ba Kim Lý )
- *Con trai thứ nhì là Ông Huỳnh Như Gia ( Dù Kia )- Gia đình cư ngụ tại vùng Ông Kho ở Bạc Liêu , hiện nay không ai biết gánh ông bác này vì các cháu thế hệ này cũng trên 70 và không được liên lạc cùng nhau đã lâu.
- *Con trai thứ ba Huỳnh Như Phước ( Dù Hột ) , những tư liệu còn sót lại như một truyện kể do ông Huỳnh thượng Toàn nói những khi rỗi rảnh thuở còn sinh tiền, những dịp trò chuyện trong đám giổ ba cùng anh hai Emin, anh ba Etien và các em trong nhà..
- *Con gái thứ tư Bà Huỳnh thị Mùi , trước cư ngụ ở Bạc Liêu, khoảng năm 1973 bà cùng gia đình sang Pháp rồi mất luôn bên đó
· Ông Huỳnh như Phước ( ông nội theo thời xưa từng giữ chức vụ Tham Biện tại Bạc Liêu, người dân Bạc Liêu xưa goi là Công Tử Bạc Liêu ), thế hệ con gồm :
Huỳnh thượng Đức, Huỳnh kim Lý, cô tư Kim Sáu,, Huỳnh thượng Toàn ( Adouard Xant ), cô hai Marcell, cô tư Alice, cô năm Jeannette

Kể từ bài viết này ( 2014 ) các vị cao niên thuộc thế hệ thứ ba đã qua đời từ lâu, gồm :
Huỳnh thượng Đức, Huỳnh kim Lý, Cô tư Kim Sáu, Huỳnh thượng Toàn, cô hai Marcell, cô tư Alice, cô năm Jeannette. Cũng trong năm này, hài cốt của bà Sáu tu ở Cái Răng Cần Thơ, em dâu của ông nội, được mang về chùa đặt cùng nơi tộc họ ( Theo dự định của vị ni trưởng trong chùa Giác Hoa, tin anh ba etienne )
Anh Huỳnh văn Bá con cô Tư Kim Sáu, người xuất công của tu bổ chùa cũng đã qua đời
Vào thuở thím ba Kim Lý còn sống có lên nhà nói chuyện cùng ba má tại Mỹ Thuận có nói – Ngày xưa bà cô Hai có cho Việt Minh mượn 2.000 giạ lúa, nay thấy chùa xuống cấp nặng, thím ba có xin chánh quyền Bạc Liêu xin lại bằng tiền tương đương 2.000 giạ lúa để tu bổ chùa, song chánh quyền muốn giao lại cho chùa tu sửa chứ không giao trực tiếp cho thím ba, việc này tôi nghe mà không biết kết quả, bởi sau đó thím Ba lâm bệnh nên không ghé thăm ba má ở Mỹ Thuận nữa.

CHUYỆN KỂ THÊM

Thuở sinh tiền ba có kể đôi chuyện về ông nội Dù Hột, giờ kể lại cũng không được rõ ràng như ba nói trong lúc vui miệng. Chuyện như sau :
Ba kể thuở ông nội chưa lập gia đình, bà cố là Huỳnh thị Kiểu hướng dẫn ông nội là Dù Hột đi xem mặt dâu tương lai, bà cố đi một ghe hầu, ông nội ngồi riêng một ghe, không rõ lập vập sao đó, ông nội ra lệnh cho bạn chèo trong ghe quay trở lại, bạn ghe chịu lệnh hai phía, bà cố và ông nội, phân vân, vì lệnh nào cũng bự cả, ông nội dõng dạc bảo.
- Tụi bây quay lại ngay, đứa nào không nghe tao quơ chèo rớt sông ráng chịu.
Bạn ghe theo lệnh ông nội quay lui, bà cố hối bạn ghe bên bà ráng rượt the Cập được ghe ông nội
- Tao nói mầy không nghe lời, tao ăn nói sao với người ta đây, mầy quyết quay về thì mầy lấy dao cắt cổ tao đi. ( Ba kể đến đây, rồi thôi, tôi không dám hỏi thêm}
Cũng nói cho rõ lại là ông nội có phần thích đá gà, cho nên rất khoái có gà dáng phải đẹp, cựa vảy phải hay, xem như con gà phải hoàn chỉnh dáng và tướng, cho nên ông nội biết vùng bên cạnh có cặp gà rất danh tiếng đang đẻ trứng, ông đem con trâu cổ đổi lấy cặp trứng cho gà nhà ấp, ba kể lại mà không biết cặp gà con nở ra có như ý ông nội không nữa.
Chuyện kể tiếp về ông nội thì nhiều lắm, tôi nhớ, lại không nhiều. Ông nội đăng phòng năm của khách sạn ( Trả tiền trước nguyên năm ) để khi lên Sài Gòn có nơi ở vừa ý, vì ông lên thường xuyên nên đám xe kéo ở bến xe Lục Tỉnh biết mặt ông. Một lần ông vừa xuống xe, cả ba, bốn chiếc xe kéo bu lại mời, vì không muốn phụ lòng người mời, cũng muốn cho bạn kéo có tiền, ông đặt lên mỗi xe theo thứ tự những vật dụng mà ông đang dùng, như nón, gậy, cặp, giầy, xe kéo thành hàng dài đến khách sạn, vụ việc này trở thành giai thoại mà theo thời gian lại được thêm thắc ít nhiều.

Đến câu chuyện ăn uống trong nhà hàng thuở xưa ở Sài Gòn, dưòngnhư khoảng những thập niên 20 đến 30 của thế kỷ 20 như sau. Trong nhà hàng thuộc khu vực khách sạn vào đêm, ngày xưa quán ăn đốt đèn Manchon ( loại đèn dầu lửa, bơm tay áp suất ép dầu thành hơi, đốt sáng bao manchon treo phía trên, được cột vào đầu bec phun sương ) Ông cùng vài người bạn ngồi vừa chuyện vãn, vừa thưởng thức món ăn, một người trong bàn làm rớt vật gì đó và đang mò mẫm tìm, ông nội thấy rút tờ tiền, bật quẹt đốt đưa xuống phía dưới bàn, chuyện chỉ có vậy mà thời gian sau lại dài thêm ra… Kế sau chuyện ở Sài Gòn là chuyện nơi quê hương của ông, chuyện cưới xin ngày xưa, với những kiên kỵ, tranh hơn thua giữa đàng trai và đàng gái, đó là chưa nói đến trong họ hàng có những công khai bắt lỗi nhau để chứng tỏ người quan trọng, tệ hơn nữa là tự chứng tỏ mình là người hiểu biết lễ lộc nhất. Hai thông gia, người làm mai đều thông cảm, nhân vật không liên quan nhiều lại xeo nại bắt bẻ khiến, nhẹ thì dở khóc, dở cười, nặng hơn là chưa tới đã lui. chuyện đã xãy ra như sau.

Người bạn cũng hội đồng mời ông làm trưởng tộc rước dâu, cũng thuộc vùng Bạc Liêu.
Đàng gái thuộc hạng giàu có nổi tiếng, đàng trai phải chèo ghe từ buổi khuya nên đến hơi sớm hơn giờ làm lễ rước dâu, đoàn cập bến cũng hơi trưa nên nắng có phần gay gắt. Ngồi bó gối trong ghe hầu, cả hai ông người cưới dâu, kẻ làm trưởng tộc đều mệt mỏi bơ phờ, họ nhà gái không cho lên bờ vì chưa đến giờ rước dâu. Đàng trai bực tức định quay về, đàng gái sợ đàng trai bỏ về nên nhờ người bà con đang tiếp đám có nhà bên kia sông mời lên nhà tạm đở chân, trước xả giận cho đàng trai, sau chờ đúng giờ mới cho lên bờ rước dâu.
Vậy là cả bầu đoàn lủ khủ theo chân hai lảnh đạo vào sân nhà. Gia chủ nhà này là bà con với đàng gái đang chờ rước dâu, mời khách lên nghĩ chân ở nhà mình, vội kêu con cháu đang tiếp đám về phụ tiếp khách, đồ sính lễ được tạm để hết một bên bộ ngựa, đoàn rước dâu ngồi bên bộ ngựa đối diện, hai ộng ngồi bàn giữa, trong nhà lên lửa nấu nước đãi trà giải khát chờ đến giờ lành. Cô con gái chủ nhà rót trà khoanh tay mời khách, không biết dung mạo ra sao. Ông nội khều ông hội đồng.
- Con nhỏ này cũng vừa lứa với con nhỏ bên kia, trông cũng xinh, cũng phải phép, tụi bên kia lối quá, theo lẽ mời mình lên bờ ngồi tạm đâu đó chờ, nó ỷ giàu làm phách bắt tui với anh ngồi ngóng, nực nội mõi mê rêm mình mẩy, hay là sẳn lễ vật mình xin rước dâu đám này đi anh
Cùng là giàu có ngang nhau, ông hội đồng cũng đang tức khí, đồng ý cái rụp. Mời vợ chồng chủ nhà diện kiến cho đủ đôi rồi xin phép được làm thông gia, ông chủ nhà chết đứng không biết xử sự ra sao, vì bên kia là bà con. Ông nội nói ( - Trách nhiệm do đàng tôi chịu hết, lể vật rước dâu lỡ mang vào nhà ông rồi, nếu ông từ chối con gái ông lỡ thời luôn…), và rồi lễ vật được đặt lên bàn thờ, hành lễ xong rước dâu liền tay.

Khi đoàn trai rời bến mang theo cô dâu bất ngờ, đàn gái bên kia sông túa ra xem, chỉ trỏ. Đoàn ghe đi một đoạn, ông hội đồng vừa có dâu cảm thấy không an tâm bèn thắc mắc cùng ông nội.
- Nè anh, bên kia họ thưa mình rồi làm sao đây.
- Anh Quên tôi là Tham Biện à, họ thưa thì anh nói, tôi cưới chứ không bỏ nhưng phài làm thiếp chớ không được làm vợ chánh.
Ba kể đến đây là ngưng, thành thử tôi không biết hậu truyện, vì đâu dám hỏi.
Trong kỳ giổ ba, đâu vào năm 2011, anh hai Eminne cùng tôi ngồi trước nhà chờ tàn nhang, anh hai kể
- Ổng < ông nội > đem cầm nhà máy xay lúa của bà cô hai, bà đâu có hay, chừng chà và đến đòi nợ mới tá hỏa, bà cô bả chưởi một hồi rồi cũng lấy tiền chuộc lại nhà máy .
Phần bên trên là chuyện về ông nội Dù Hột, kế sau là chuyện của ba Huỳnh thượng Toàn những câu chuyện của ngày xưa, nghe sao kể vậy vì lịch sử câu chuyện có đó, mà thời gian thì không thể nhớ theo thứ tự trước sau.
Những năm tháng tôi ở Rạch Giá, tình cờ được gặp ông Mười Chơn, người Bạc Liêu sau về ở khu nhà thờ Rạch Giá, có hai người rễ cũng ở nơi này. – Một- là ông Hiển – hai- tên là Rớt ở cùng chung với tôi. Ông mười nhắn Rớt gặp tôi kể lại chuyện xưa gọi là cho tôi biết chút đỉnh về ba Toàn, ông Mười kể:
- Hồi ở Bạc Liêu tao là tá điền cho ba mầy, ruộng tao hai ngàn công ở chính giữa, ruộng ba mầy bao xung quanh, thằng chả ( ba tôi ) ai cũng ngán thằng chả, chớ tao đâu ngán, thằng chả nhào vô tao, tao chẹn ngay háng thằng chả, chịu thua tao thôi. Ba mầy mạng cũng lớn, ruộng của ổng bị một cây da to ba bốn người ôm không giáp, vì tàn cây quá lớn, nên lúa thất một vạt lớn, dưới cây da là một cái miễu, ổng kêu tá điền đốn, có hai người khi hươi búa được vài búa ngã ra hộc máu, ổng nghe báo tự ổng mang búa theo kêu thêm bốn năm người tá điền. Đến gốc da ổng nói lớn – Tao đốn cây đây, có bắt thì bắt tao chớ đừng bắt tá điền tao tội nghiệp người ta, hể tao đốn trước thì tụi bây theo tao đốn nghe chưa. Ổng đốn vài búa, không có gì các tá điền xúm nhau đốn ..
Tôi vội hỏi ông Mười – Rồi có ai có sao không ông Mười
- Đâu có gì đâu mậy, bởi vậy tao mới nói thằng chả mạng lớn lắm.
Hồi ở nhà, ba có nói ở Rạch Giá có hai dòng họ, họ Đỗ giàu về thương mãi, - họ Huỳnh thiện giàu về đất, tôi có nói cùng ông già.
- Chổ con làm con có người bạn tên Huỳnh thiện Biểu, trước làm thông dịch viên, sau về ở chung cùng con, con cũng nghe nói nhà ông bà nó đất nhiều lắm, hiện nó có gia đình ngụ tại Rạch Sỏi
- Chắc là con của anh Huỳnh thiện…( lâu quá quên tên ba nói rồi )
Nhân chuyện tôi sinh sống thời gian khá dài ở Rạch Giá, ba có hỏi tôi.
- Ở Rạch Giá mầy có biết Tri Tôn, Hòn Đất không?
- Dạ biết ba, dọc hai bên đường ở Tri Tôn, người dân họ làm nồi, ơ bằng đất nung non đỏ tươi bày đầy từ trước nhà ra mép lộ.
Ba vừa kể vừa như nhớ lại chuyện xưa với đôi mắt hơi nhíu lại sau cập kính lão rồi kể lại,
- Tao nhớ đâu khoảng năm mươi mấy, tao cùng người bạn lên Tri Tôn. hòn Đất. ( vùng Long Xuyên cũng có một địa danh Tri Tôn ), tao cùng anh bạn chơi giởn rượt đuổi nhau chạy vào vùng đang bày ơ nồi, cái nào bể mà còn lại miệng nồi, lấy trồng lên cổ nhau như đeo kiềng cùng chay giởn vui. Chủ nhà mếu máo - Mấy thầy giởn bể nồi hết rồi làm sao mà bán được tội nghiệp mấy thầy ôi !
Bạn của ba hỏi - Vậy chớ đám nồi này mấy chú bán được bao nhiêu.
Sau khi nói giá ông bạn ba trả tiền nguyên đám nồi. vụ này ông chủ nhà lời to nên mừng ra mặt vì bể chỉ trên đường chạy mà được tiền nguyên khu vực phơi.
Ba hỏi tôi tiếp, - Mầy có vô Hòn đất không ?
- Con đâu có vô đó làm chi. ở ngoài ngó vô núi trọc trắng vì không còn cây cối do đang chiến tranh ba à.

Ba kể tiếp. Thuở trung niên, tao cùng người bạn vô hòn đất săn bắn. Thuở đó rừng cây dầy đặc mọc sát chân hòn, trên các ngọn cây cao là dây rừng đan nhau khích rịch, tao cùng người bạn leo theo thân cây rồi vạch thành một lổ trên ngọn cây, chui lên, ngồi trên đám dây leo, hai chân thòng xuống, gió thổi như đưa võng. Bạn tao ngồi đầu này tao ngồi đầu kia, lưng về phía núi. Nơi này khỉ rất nhiều, dưới đất vài người địa phương được mượn giúp hè nhau la lớn rung cây, khỉ sợ leo tuốt lên ngọn. tao cùng người bạn bắn, lũ khỉ hoảng hồn chui xuống, phía dưới la, lại trồi lên. tao cùng người bạn bắn hết đạn, lũ khỉ a thần phù chạy hoảng phóng thẳng vào mình, tao cùng anh bạn quýnh quơ súng đập đại. Ba kể đến đây rồi thôi. Riêng tôi nghĩ bụng, chắc là không bắn được con nào vì lũ khỉ rất tinh mắt nhanh lẹ, mấy ổng xem đi săn là thể thao không cố ý bắn dùng làm thực phẩm hay bán buôn, bởi vậy tôi không nghe được kết quả có con khỉ nào được mang về làm bằng cho buổi thể thao này.

Chuyện ngày còn tuổi thơ của ba được biết chỉ đôi chuyện ngắn, mà nếu không kể ra có lẽ theo thời gian phai dần rồi quên hẳn đi.
Thuở ba còn nhỏ lắm, bà nội cho ba theo bạn ghe tập thu lúa ruộng, thu xong về nhà, tá điền thưa trình với bà nội về công việc xong, rồi nói thêm với bà nội.
-Thưa bà, tội nghiệp cậu ba lắm, ghe sương sáu chèo rao bán cậu ba nhìn theo dáng thèm lắm mà không dám kêu lại ăn vì không có tiền.
Bà nội cười ngất nói – Sao con dại quá vậy sau nầy con đi, muốn ăn dọc đường thì lấy lúa đổi mà ăn
Ba mới nói thêm.- Chưa có lịnh, tao đâu dám lấy lúa đổi, về đong lại thiếu thì sợ bị rầy.
Về chuyện muỗi mòng ngày xưa, dân cư ít, cây cỏ rậm mịch, tôi được nghe
Ba kể về ngày xưa, vùng đất phương nam với câu nói ( muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh như bánh canh ) tôi quên tên vùng ở Bạc Liêu giáp đất Cà mau, thì tiếng muỗi thuở ba theo ghe thu lúa không lãnh lót như sáo thổi, mà theo lời ba nói đang đi ba nghe tiếng hì..hì.. rền vang ngày một lớn, ba hỏi bạn ghe. – Tiếng gì nghe dử vậy chú.
- muỗi đó cậu ba ơi, mình sắp đến lung muỗi rồi.

Vào tháng 09-1990 ông Huỳnh thượng Toàn mất, ông là người ra đi cuối cùng của thế hệ thứ ba và những chuyện kể của ông mà tôi được nghe,do chính ông kể, cũng như câu chuyện của ông do người thân kể lại. Tôi thuật lại như một sử liệu nho nhỏ, trong một giai đoạn của một tộc họ ở Bạc Liêu.
Cảm ơn các bạn đã xem qua, nếu có sai sót là do sở đoản của tôi, còn nếu các bạn thấy hứng thú là do lòng mến thích với những câu chuyện ngày xưa của các bạn.
Viết theo nhiều nguồn tư liệu và lời kể những người thân trong gia đình. Xong vào trung tuần tháng 09 năm 2014 hoàn tất 13 tháng 05 năm 2015.

Trương Văn Phú

Xem tiếp vài hình ảnh của Chùa Giác Hoa

               Chùa Gíác Hoa được ni sư Nghiêm Thành chủ trì tu bổ lại ngôi chánh điện. Hoàn tất khánh thành cùng lể giỗ sư bà Diệu Ngọc tục gọi cô Hai Ngó (2014)
Di ảnh bà cô Hai cùng tượng ông dượng Hai Thái Kim Chiêu, bà cô Hai cũng có một tượng bằng đồng bán thân nhưng đã thất lạc từ lâu.
  Tượng bằng đồng, được làm từ tiền xu ngày xưa, thợ đúc tượng được rước từ bên Tàu sang. Ảnh tượng ông Huỳnh Như Phước (Dù Hột)

  Lược sử bà cô Hai Ngó, đặt đối diện với cửa chùa, phía bên ngoài.
6 Cố Thượng Tọa Minh Khai tiếp gia tộc họ Huỳnh viếng chùa ( ảnh phim trước đây được chụp lại năm 2013)
 Chánh điện năm 2015,