Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2015

Lời Ghi Trên Ảnh Mẹ


(Nhân dịp Mother's Day 2015)

Con đứng kề bên mẹ,
Tay đặt trên bờ vai.
Mắt đăm đăm nhìn núi rừng biển cả,
Hay trông vời viễn ảnh một ngày mai.

Mẹ ơi!, từ trái tim thốt lên ngàn tiếng gọi.
Tiếng "Mẹ" cho người đã cất những lời ru,
" À ơi",mẹ êm ái đưa con vào giấc ngủ,
Với bàn tay nhè nhẹ đẩy vành nôi,
Với nụ cười tươi nở hiện trên môi,
Với ánh mắt dịu dàng và nụ hôn nồng ấm.

Từ lúc ra đời đến khi khôn lớn,
Cả đời ta luôn được mẹ nâng niu,
Mẹ vỗ về trong những lần bú mớm,
Hay đêm dài thao thức lúc con đau.

Nhưng giờ đây mẹ đã người thiên cổ,
Ảnh hình xưa gợi nhớ những ngày qua.
Bàn tay con đặt trên bờ vai mẹ,
Có ngờ đâu viễn ảnh thật u buồn.
Tim tê tái,mắt tuôn gìòng suối lệ,
Nghĩ về nơi gửi trọn nắm xương khô.

Từ xứ sở xa vời, xa đất mẹ,
Mong trở về thăm lại chốn quê cha,
Sẽ ngồi bên di cốt mẹ hiền hoà,
Để tưởng nhớ công ơn người mẹ Việt.
Ôi mẹ Việt Nam! ngàn thu con hãnh diện.

ChinhNguyen/H.N.T. 
 GA, Apr.2011
  *Hì nh phụ bản của tác gỉa phát họa
       

Đêm Mưa Nhớ Mẹ


(Kính dâng lên hương hồn Mẹ nhân ngày Hiền Mẫu)

Đêm khuya mưa gió lạnh về
Con buồn nhớ Mẹ,bốn bề quanh hiu
Mẹ ơi thương lắm Mẹ yêu!
Suốt đời Mẹ đã chịu nhiều khổ đau
Tóc xanh cho đến bạc đầu
Thân cò lam lủ dải dầu gió sương
Non cao biển rộng tình thương
Chăm lo cho trẻ trăm đường chông gai
Gian truân lòng Mẹ không nài
Bao nhiêu khó nhọc đôi vai Mẹ oằn
Giờ đây con quá ăn năn
Vì chưa đền đáp công ơn Mẹ hiền
Ngoài hiên mưa mãi triền mien
Cầu xin Mẹ được bình yên cỏi Trời
Mẹ là sao sáng nhất đời
Dẫn đường chỉ lối con nào dám quên.

Song Quang

Ngày Của Mẹ Không Quên Được Ba


"Màu hoa trắng, ngày xưa anh đã trao ân tình lần cưới em. Em còn nhớ…”*. Tiếng hát Mỹ Thể như từ hồi ức của tôi trở về trong những cuối tuần thứ hai của tháng Năm. Lời ca và tiếng hát của người ca sĩ đã theo ba tôi trong những tháng năm dài, ngày mà ba mẹ gắn bó yêu thương.

Hôm nay, Ngày Nhớ Ơn Mẹ, tôi lại không quên được ba. Hai hình ảnh của ba và mẹ, như một cuộc đời đã từ lâu hằn sâu trong tôi. Hôm nay trong tấp nập của phố phường, tại các cửa hàng một dòng người dài, đứng đợi chờ…người mua món quà cho mẹ hay kẻ chọn quà cho vợ thay con.
Đó! Những hình ảnh thương yêu, cảm xúc, cảm nghĩ tột cùng cho Ngày Từ Mẫu. Tôi cũng đợi…, nhưng chỉ chọn một đóa Cúc trắng… “Màu hoa trắng, ngày xưa anh đã trao ân tình lần cưới em. Em còn nhớ…”*, như thay ba chọn hoa trắng, gửi tình người dành cho mẹ, dù rằng cả hai đã qua đời. Ba đã mất trên 10 năm. Bốn năm sau đó mẹ…như lời người đã nói: “Má mơ thấy ba cất nhà mới đón má về” và mẹ đã trở về căn nhà mới đó.

Cái gì… như thể khó quên! Vậy mà kể từ ngày 4 tháng Tư năm nay 2009, hình ảnh ba mẹ cứ mờ …khuất dần trong tâm tưởng tôi. Đó! Một nỗi đau. Không phải tôi hết thương mẹ ba, nhưng cảm xúc về tình, không thể bắt con tim yêu hay bảo nó ghét. Thật lạ quá, hình ảnh ba mẹ cứ mờ dần!?
Ngày Nhớ Ơn Mẹ!, biết bao văn nhân, thi sĩ, nhạc sĩ với ngòi bút, tiếng đàn đã làm nên Thơ, Văn, Tình ca muôn thuở về mẹ, về công lao nuôi dưỡng, ẵm bồng. Những ngày này còn có… “Tôi xin cài lên áo anh cánh hoa màu đỏ, cài lên áo chị cánh hoa màu trắng…”**. Còn tôi, tôi sẽ làm gì? Con cảm ơn mẹ đã cho con một món quà vô giá là trước bàn thờ gia tiên, ngày con thành gia thất, mẹ đã cho con… “có đủ mặt mẹ ba”. Mẹ ơi! Trong ngày hôm nay, nếu con nói lên lời cảm ơn này chắc mẹ chưa được vui trọn vẹn. Con sẽ kể cho mẹ nghe về ba, cái hôm…còn một ngày nữa là ba rời xa cuộc đời, ba đã hỏi con một câu, một câu của lần thứ hai là: “Ba chết ai sẽ lo cho má con?”, “Màu hoa trắng, ngày xưa anh đã trao ân tình…”* Đó là tình ba dành cho mẹ. Con cám ơn ba đã cho con “ hạnh phúc đời đời” mà ba giữ gìn cho mẹ. Còn ba, Ba ơi! Con sẽ kể cho ba nghe về mẹ, di ngôn trong những ngày cuối đời mẹ để lại là, nếu có chôn thì để ba má chôn chung một nấm mồ, đó là tấm lòng chung thủy sắt son của mẹ đối với ba. Ba có nghe không?

“Cám ơn cuộc đời đã ban tặng cho chúng ta món quà cụ bà Võ thị Thoại. Cảm ơn cụ bà đã ban tặng cho chúng ta món quà của một tấm lòng độ lượng. Cảm ơn cụ bà đã để lại cho cuộc đời những người con, dâu, rể, cháu, chắt. Họ sẽ là nhân chứng đích thực của cuộc sống độ lượng Võ Thị Thoại, để người khác khi nhìn vào hoa trái đời sau sẽ biết cội nguồn đời trước.”***

Lời này dành cho tôi, lời trong bài điếu văn được đọc vẫn còn đây, như mới hôm nào, trong ngày mẹ mất. Mẹ bình an ra đi lúc 8 giờ 30 tối ngày 24 tháng 9 năm 2002. Đến đúng 9 giờ sáng ngày 30 tháng 9 lễ động quan, tiếng hát của ca sĩ Thái Thanh đã thay con chuyên chở hết tình con gửi cho mẹ…“Lòng mẹ bao la như biển Thái bình rạt rào …”, với tiếng hát vượt thời gian đã đưa mẹ vào không gian, vào cõi vĩnh hằng.

Mẹ ngồi ru con trên sợi tóc buồn
Gục đầu rưng rưng cha ứa lệ tuôn 

Mẹ đã vào cõi vĩnh hằng rồi hở mẹ? Ba đã ở cạnh mẹ hở ba? Còn con, một mình nơi này, con sẽ ghi khắc vào tim lời Người đọc điếu văn đưa tiễn mẹ: “…để người khác khi nhìn vào hoa trái đời sau sẽ biết côi nguồn đời trước.”*** Một ngày…và đến một ngày, con tim con sẽ là nhân chứng, cho biết lời này còn hay đã bị con đánh mất. 
Con tim con sẽ trả lời cho mẹ biết nhe mẹ!
Mẹ sẽ là người thay con nói với ba nhe ba! 

Kim Phượng
Ngày Từ Mẫu 2009

* Nhạc phẩm Màu Hoa Trắng của Y Vũ
** Trích trong Bông Hồng Cài Áo của Thiền Sư Nhất Hạnh
*** Bài Điếu Văn của Linh Mục Đinh Thanh Bình

Mới Trên Cũ Dưới


Nải chuối buồng cau mẹ chắt chiu
Bán gom từng cắc ít thành nhiều
Để mua áo mới ngày xuân đến
Cho trẻ mừng vui thỏa dạ yêu.

Quần cũ vá đùm vui đón xuân
Vô tư trong lúc mẹ buâng khuâng
Mới trên cũ dưới con nào biết
Túng quẩn cơ hàn nghĩ tủi thân.

Một kiếp hồng nhan mẹ của con
Với cha phận nước cố làm tròn
Sánh vai bền chí cùng vượt khốn
Rốt ráo suốt đời nhận héo hon.

Từ giã đời bằng ánh mắt sầu
(Sầu là bạn thiết vốn từ lâu)
Phút chia ly khổ khô giòng lệ
Mẫu tử tình... ngàn năm đậm sâu!

Anh Tú
6-5-2015
*Cho Ngày Hiền Mẫu 10-5- 2015
**Ý từ bài Chiếc Áo Tết Vải Vàng của NHA.
* Hình phụ bản của tác giả

Mừng Lễ Mẹ


Kim cổ Đông Tây nghĩa mẹ dày,
Không ai sánh được mẹ hôm nay.
Sơ sinh dưỡng dục ôi tình mẹ...
Bồng ẳm nâng niu vạn sự hay

Lồng lộng trời cao sao lấp lánh
Mênh mông biển rộng sóng vui say
Chưa hề báo đáp trong muôn một,
Bất hiếu mẹ cha, kiếp đọa đày!

Mẹ luôn nghĩ cách đặng vuông tròn,
Tất cả vì con, gánh nước non.
Hoàn cảnh khó khăn không quản ngại,
Gia đình sa sút dạ bồn chồn...


Những mong khôn lớn bằng anh chị,
Mơ ước tương lai mẹ mỏi mòn.

Phụ mẫu thương con luôn bảo bọc,
Tre già măng mọc vẫn yêu con...


Mai Xuân Thanh
Ngày 05 tháng 05 năm 2015

Mẹ Là Vầng Trăng Quê Hương


Kính tặng MẸ của chúng ta
với tất cả tình yêu thương

Mẹ hiền là ánh trăng quê
Ầu ơ... mẹ hát chưa hề con quên
Ngày thơ có má kề bên
Dạy từng bước đứng đi trên đường dài

Bơi lội, chèo chống mạnh tay
Nhẹ nhàng chải tóc, khoan thai dáng ngồi
Ăn mặc sạch không lôi thôi
Thêu may, nấu nướng kèm tôi mỗi ngày

Học hành bền chí hăng say
Lời hay, ý tốt, thẳng ngay tánh tình
Công dung ngôn hạnh trung trinh
Làm thân con gái giữ mình trắng trong

Lời mẹ dạy vẫn thuộc lòng
Con truyền lại cháu ngoại mong ước chờ
Vầng trăng vẫn sáng mộng mơ
Mà người má ở Cần Thơ xa rời.

Làm sao kể hết mẹ ơi!
Ơn sinh dưỡng dục mẹ thời cho con
Tình mạ cao cả hơn non
Dịu dàng soi hướng đàn con trưởng thành

Đêm nay bên trời xứ lạnh
Nhìn về Việt Nam nhớ ánh trăng xưa
Nguyện cầu Trời Phật và Chúa
"Mẹ hiền luôn sống đẹp tựa Hằng Nga"

Phượng Trắng 
Canada, Mother's Day 10/5/2015

Mẹ Tôi Và Ông Ăn Mày


Một ông ăn mày đến trước cửa nhà tôi, hỏi xin mẹ tôi. Ông ăn mày rất đáng thương. Cả cánh tay phải của ông đều cụt, chiếc ống tay áo lép kẹp buông thõng cứ đung đa đung đưa, ai trông thấy cũng đau lòng. Tôi cứ tưởng mẹ mình nhất định sẽ khảng khái bố thí, nhưng mẹ tôi lại xếp một đống gạch ở cửa, nói với người ăn mày:
- Ông hãy giúp tôi chuyển đống gạch ra sau nhà.

Người ăn mày bực tức nói.
- Tôi chỉ có một tay, bà còn nhẫn tâm sai tôi bê gạch, không muốn cho thì thôi, việc gì bà phải giễu cợt tôi!
Mẹ tôi không bực, cúi xuống dọn gạch. Bà cố ý chỉ dùng một tay bê gạch. Dọn xong một chuyến bà mới nói, ông xem một tay cũng làm được. Tôi làm được sao ông không làm được?

Ông ăn mày ngẩn người, nhìn mẹ tôi bằng ánh mắt khác thường. Cái cục bướu ở cổ lồi lên như quả trám cứ trượt lên trượt xuống, cuối cùng ông cũng cúi người, dùng cánh tay còn lại duy nhất của mình chuyển gạch, mỗi lần chỉ chuyển hai viên. Ông làm suốt hai tiếng hồ, mới chuyển hết đống gạch, mệt tới mức thở hồng hộc như trâu. Trên mặt bám toàn bụi là bụi, mấy sợi tóc bị mồ hôi thấm ướt dính chéo trên trán.

Mẹ tôi đưa cho công một chiếc khăn mặt trắng như tuyết. Ông cầm khăn lau cẩn thận khắp lượt trên mặt, trên cổ. Chiếc khăn mặt màu trắng biến thành chiếc khăn màu đen. 
Mẹ tôi đưa cho ông ăn mày hai mươi đồng? Nhận tiền rất cảm động, ông nói 
- Cám ơn bà.
Mẹ tôi bảo
- Ông khỏi cần cảm ơn tôi, đây là tiền công của ông kiếm được bằng sức lao động ông bỏ ra .
Ông ăn mày nói.
- Tôi sẽ không quên bà.
Ông ăn mày cúi gập lưng chào mẹ tôi rồi lên đường.

Qua đi rất lâu ngày, lại có một người ăn mày đến trước cửa nhà tôi, xin mẹ tôi cho ăn. Mẹ tôi sai người ăn mày lại dọn gạch từ sau nhà ra trước nhà, cũng đưa hai mươi đồng.
Tôi thắc mắc hỏi mẹ.
- Lần trước mẹ bảo người ăn mày chuyển gạch từ trước nhà ra sau nhà, lần này mẹ lại sai người ăn mày dọn gạch từ sau nhà ra trước nhà, xét cho cùng mẹ định xếp gạch ở sau nhà, hay để gạch ở trước nhà?
Mẹ tôi bảo.
- Đống gạch này xếp ở trước nhà hay sau nhà đều như nhau
- Thế thì cần gì phải dọn. Tôi nói.
Mẹ xoa trán tôi bảo.
- Đối với người ăn mày, dọn gạch và không dọn gạch lại khác hẳn nhau.

Mấy năm sau, có một người ăn mặc rất diện đến nhà tôi. Ông mặc complê đi giầy da, phong thái phi phàm, y hệt như các ông chủ trên vô tuyến truyền hình, chỉ khác ở chỗ là ông chủ này chỉ có một tay trái, ống tay phải lép kẹp buông thõng, đung đa đung đưa. Ông chủ này đưa bàn tay độc nhất nắm tay mẹ tôi, cúi người nói.
- Nếu không có bà, hiện giờ tôi vẫn là kẻ ăn xin. Bởi vì ngày đó chính bà đã dạy tôi dọn gạch, nên hôm nay tôi mới trở thành ông chủ của một công ty.
Mẹ tôi nói
- Đấy là do chính ông làm nên.
Ông chủ cụt tay muốn mẹ tôi và cả gia đình chúng tôi chuyển ra thành phố sinh sống, trở thành người thành phố .
Mẹ tôi đáp:
- Chúng tôi không thể tiếp nhận sự quan tâm chiếu cố của ông.
- Tại sao?
- Bởi vì cả gia đình chúng tôi người nào cũng có hai bàn tay
Ông chủ kiên trì nói:
- Tôi đã mua cho gia đình bà một căn hộ đâu vào đấy.
Mẹ tôi cười trả lời:
- Vậy ông hãy biếu ngôi nhà ấy cho người nào ngay đến một cánh tay cũng không còn.

(Truyện nước ngoài do Vũ Công Hoan chuyển dịch).

***
Sáng tác Người Mẹ Việt Nam


Việt Hải Sưu tầm


Mẹ, Một Kỳ Quan Thế Giới


Là mẹ một kỳ quan thế giới
Đưa vào đời tiếng khóc ban sơ
Trong vòng tay chiếc nôi mầu nhiệm
Ru tiếng lời con giấc ngủ yên

Là mẹ cây đời nghiêng bóng mát
Chở che nắng hạ lúc mưa sa
Đơm hoa hương thắm tươi hồn trẻ
Trổ quả hiền nuôi sẽ lớn khôn

Biên giới suối nguồn nào dễ sánh
Đạo tâm lành dưỡng dục đàn con
Bằng quên đi tuổi son môi má
Vất vả đời không tiếng thở than

Là mẹ một kỳ quan thế giới
Tình cao vời nguyện khắc trong tim
Đường con đi những thác cùng ghềnh
Luôn vững tin kề bên có mẹ

Là mẹ một kỳ quan thế giới!

Kim Phượng

Có Thể Em Chưa Hề Nghĩ



Có thể em không hề nhớ đến
Những trưa hè lúc hãy còn thơ
Kẽo kẹt võng đưa hoà tiếng ầu ơ
Giọng của Má ru em vào giấc ngũ.
Có đêm vần vũ
gió bấc về
Ôm con vào lòng sưởi ấm với âu lo
Hay trái gió trở trời những khi em bịnh
Mòn mỏi sớm hôm Má chẳng thiết đến mình
Chỉ mong sao con được bình yên
Là tất cả những gì Má nguyện

Có thể em chưa hề để ý
Khi em dần lớn với thời gian
Má thêm vàng võ cùng năm tháng
Em vui khoẻ trưởng thành
Má cằn cỗi mong manh
Nhưng từ tận đáy lòng
Má tràn đầy hạnh phúc
Tình Má thật mênh mông
Biết lấy gì đong đếm
Biết lấy gì so đo...

Có thể em chưa hề nghĩ
Một ngày kia Má vĩnh viễn ra đi
Em sẽ thế nào
Khi cứ vùi đầu vào chén cơm manh áo
Khi cứ mãi tất bật bôn chen
Để rồi mỗi đêm về bóng đen phủ kín
Chỉ còn em trong yên tịnh
Sẽ nghe lòng ray rức nhớ khôn ngơi
Ôn lại khoảng thời gian thuở thiếu thời
Thật sung sướng trong vầng quang của Má.

Sao không nhân lúc Má còn tại thế
Dành thật nhiều mỗi khi em có thể

Khoảng thời gian bên Má thường xuyên
Để Người vui trong hạnh phúc triền miên
Được như thế
Má vô cùng mãn nguyện.
Quên Đi

Mother In The Dream. Uudam - Mẹ Trong Mơ

 Cảm xúc từ lời ước mơ đầy tình yêu dân tộc của Uudam, Cậu Bé Mông Cổ mồ côi!
Qua bài hát "Mẹ Trong Mơ"


 Thơ & Thơ Tranh: Kim Oanh

Nhớ Mẹ


Nhớ Mẹ

Ngày Hiền Mẫu con cài hoa trên áo

Màu trắng buồn tưởng nhớ Mẹ kính yêu
Mãi trong con hình bóng mẹ xế chiều

Mái tóc dài đã điểm nhiều sợi bạc

Nhớ Mẹ hiền lòng trĩu buồn man mác
Ơn sinh thành dưỡng dục tháng năm dài

Chưa đáp đền Mẫu Tử đã chia tay
Lòng ray rức chưa vẹn toàn hiếu nữ

Nơi quê nhà ... Mẹ an lành giấc ngủ
Khói trầm hương con tiễn mẹ cuối đời

Chiều Thu sầu hoa lá héo rụng rơi
Mưa nặng hạt... cảm buồn trời viễn xứ


Như Mai
***
Đọc Ngược: Từ bài Nhớ Mẹ của Như Mai

Mưa nặng hạt... cảm buồn trời viễn xứ
Chiều Thu sầu hoa lá héo rụng rơi
Khói trầm hương con tiễn mẹ cuối đời
Nơi quê nhà ... Mẹ an lành giấc ngủ

Lòng ray rức chưa vẹn toàn hiếu nữ
Chưa đáp đền Mẫu Tử đã chia tay
Ơn sinh thành dưỡng dục tháng năm dài
Nhớ Mẹ hiền lòng trĩu buồn man mác

Mái tóc dài đã điểm nhiều sợi bạc
Mãi trong con hình bóng mẹ xế chiều
Màu trắng buồn tưởng nhớ Mẹ kính yêu
Ngày Hiền Mẫu con cài hoa trên áo

Lê Kim Hiệp

Mừng Tuổi Mẹ

















Trương Văn Phú

Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2015

Mẹ Của Tôi


Lúc con sinh ra đời
nhìn quanh chỉ có Mẹ
khi con đói
mẹ cho con bú
trong đôi mắt con
mắt Mẹ mõi mòn vời vợi…

Mẹ thường vịn con - khi tay con với
dìu bước con đi quanh trái đất tròn
mẹ hiện diện trong con
trên cõi đời - không ai bằng Mẹ.

Con tập đi
rồi biết cười nắc nẻ
khi Mẹ trêu hay thọt lét bụng con
hạnh phúc tràn đầy không thể đổi vàng son
lúc con khóc bật lên tiếng : Mẹ !

Những trưa hè Mẹ thường ru khe khẻ
hoặc ầu ơ dịu ngọt dưới vầng trăng
Mẹ của con ngày tháng hằn nếp nhăn
và mái tóc rối - thêm nhiều sợi bạc.

Mẹ thật đẹp khi cất lên tiếng hát
mẹ thật hiền thắp sáng trái tim non
mẹ của con giờ mãi mãi không còn
con mất Mẹ từ khi người đi vắng.

Lễ Mẹ năm nay hoa hồng hóa trắng
tuổi cuối đời càng trống vắng Mẹ yêu
nguyện cầu nơi xa Mẹ vẫn yêu kiều
cho con mơ. Gặp Mẹ hiền. Mẹ nhé !

Dương hồng Thủy
(Sunday- May10, 2015)

Chưa Nguôi



Từ cái thuở mới lên mười tuổi
Con phải lâm cảnh mồ côi cha.
Mẹ một mình lo sống chết cả nhà
Con dại khờ chỉ ăn, chơi với học

Tuổi con ngày ấy còn quá nhóc
Chẳng giúp gì chỉ vòi vỉnh để mẹ lo
Gánh trong ngoài, thân mẹ thật gầy gò
Cơm áo gạo tiền, đè trên vai nặng

Con không hiểu sao mẹ lo đủ sẳn
Tiền ăn, tiền học quanh quẩn tháng năm
Lúc đau yếu mẹ không dám nằm
Mẹ vất vả dành cho con sung sướng

Cả đời mẹ, đâu một lần được hưởng
Từ manh áo lành cho đến miếng ngon
Dành cho Ngoại, cho con đủ mỏi mòn
Mẹ cam phận thứ nào cũng phải nhịn

Bởi nhà nghèo việc gì cũng phải tính
Mong cho con đi học để đổi đời
Để mai sau no ấm được thảnh thơi
Không vất vả một đời như cha mẹ

Khi khôn lớn muốn làm sao mẹ khỏe
Khỏi lo toan cảnh thiếu trước hụt sau
Chưa dám mơ có lúc được sang giàu
Sống thực tế giữ trong ngoài ấm áp

Lòng hiếu thảo đã tới ngày đền đáp
Nhưng đâu ngờ.. một sáng ập mưa giông
Mẹ ra đi vội vả thật nát lòng
Con đau đớn trong cảnh đời cô độc

Con chết lặng, im lìm không tiếng khóc
Thương mẹ hiền một đời trót hy sinh
Chưa được vui trọn vẹn với thâm tình
Mà định mệnh dành phận con hiu quạnh

Công đức mẹ chẳng lấy gì để sánh
Mẹ nắn nót tâm con nét từ hòa
Giữ đạo nhân phải biết sống vị tha.
Con tâm niệm… chưa vơi khô dòng lệ

Kim Quang

3/5/15

Thơ Tranh: Khóc Mẹ



Nguyễn Đắc Thắng 
 2012


Tháng Năm Tìm Mẹ Cõi Xa


Con về tìm lại bóng xưa
Vật vờ bước mẹ nắng mưa dãi dầu
Âu lo đôi mắt lõm sâu
Áo con sờn rách tay khâu dịu dàng

Ai người phú quí giàu sang
Mẹ ngồi ôm cảnh nghèo nàn ru con
À ơi ru bé đỏ hon
Tấm thân mỏng mảnh nhìn mòn mắt thương

À ơi tiếng mẹ ru buồn
Một đời con gái môi son phai rồi
Gió sương thấm bạc bờ môi
Nợ chồng con trả một đời lao đao

À ơi khúc hát ca dao
Ngàn gian khổ cũng ngọt ngào lời ru
Tan trường bóng mẹ đứng chờ
Dắt con về ngõ ấu thơ vui đùa

Dài đôi cánh bướm thấp thưa
Con bay về phía đong đưa võng chiều
Vòng tay mẹ ấm thương yêu
Lời ru kẽo kẹt nắng xiêu bên nhà...

Con về giữa ký ức xa
Thắt khăn tang trắng mắt nhòa lệ đau
Buồn lăn lóc dưới mộ sâu
Mẹ đi lệ xót bạc đầu cút côi

Mẹ về Tiên Cảnh cõi trời
Sông con chìm nổi ngụp bơi một mình
Sóng đưa ơn mẹ bập bềnh
Vầng trăng lòng mẹ lung linh bầu trời

Nghẹn ngào hai tiếng mẹ ơi
Tai thèm nghe tiếng ru hời mẹ xưa

Trầm Vân

Tình Mẫu Tử


Bây giờ muốn gặp chỉ chiêm bao
Nhớ lắm nhiều khi ngấn lệ trào
Vú sữa ngọt ngào bao sức sống
Tâm hồn chơn chất chính người trao
Nắng sương nhằn nhọc công không quản
Thân thể hao gầy dạ chẳng nao
Thấm thía như lời than Tử Lộ
Nguyện cầu an lạc mẹ trên cao.

Cao Linh Tử
18/3/2015
* Bức phù điêu do tôi phóng tác theo hình 1 tạp chí bằng tiếng Thái cách đây hơn 20 năm.
***
Nhớ Mẹ

Mẹ hỡi, con thương mẹ biết bao!
Nhiều đêm trằn trọc lệ tuôn trào
Xa nghe trong gió lời căn dặn
Thoáng vọng bên mình tiếng gởi trao
Thăm thẳm ngày đông tim nhói buốt...
Mênh mông tháng hạ dạ cồn nao...
Làm sao mãi được như Lai Tử?
Phụng dưỡng song đường tuổi đã cao.

Ngày 18/3/2015
 ĐGD (Điều Giản Dị)
 ***
Nhớ Song Thân

Mẹ ơi, cha hỡi nhớ dường bao
Sao bỏ con đi lệ muốn trào.
Răng yếu dành xương chừa lại thịt,
Chân đau vẫn gánh gắng không trao.
Rao chè đêm lạnh lòng sao buốt
Gọi bánh trưa hè dạ bỗng nao.
Vì điếc cứ đi triêng gióng nặng,
Nay con thầm khóc vái trời cao.

Nhatthuyh(Hoành Trần)

Túi Gạo Của Mẹ


Cái nghèo cái đói thường trực trong ngôi nhà nhỏ này, nhưng dường như, nỗi cơ cực bần hàn ấy không buông tha họ. Cậu con trai bắt đầu cắp sách đến trường cũng là lúc nỗi mất mát lớn bỗng nhiên đổ ập xuống đầu họ. Cha qua đời vì cơn bạo bệnh. Hai mẹ con tự tay mình mai táng cho người chồng, người cha vắn số.

Người mẹ góa bụa ở vậy, chị quyết không đi bước nữa. Chị biết, bây giờ chị là chỗ dựa duy nhất cho con trai mình. Chị cặm cụi, chăm chỉ gieo trồng trên thửa ruộng chật hẹp, tài sản quý giá nhất của hai mẹ con chị. Ngày qua ngày, năm nối năm, những tấm giấy khen của cậu con trai hiếu học dán kín cả bức tường vôi nham nhở. Nhìn con trai ngày một lớn lên, ngoan ngoãn, học hành giỏi giang, nước mắt bỗng lăn trên gò má chị.

Học hết cấp hai, cậu thi đậu vào trường cấp ba trọng điểm của thành phố. Gánh nặng lại oằn lên vai người mẹ. Thế nhưng không may thay, khi giấy báo trúng tuyển về đến tay cậu cũng là lúc mẹ cậu ngã bệnh. Căn bệnh quái ác làm chị liệt nửa chi dưới. Vốn là lao động chính của gia đình, giờ chị chẳng thể đi lại bình thường như xưa nữa nói chi đến chuyện làm nông. Cậu bé vốn hiểu chuyện, thương mẹ vất vả, cậu xin nghỉ học:

- Mẹ này, con nghỉ học thôi, ở nhà làm ruộng thay mẹ. Đi học, tiền đâu mà đóng học phí, tiền sinh hoạt phí, lại còn một tháng nộp 15 cân gạo nữa, nhà mình biết lấy đâu ra.

- Có thế nào con cũng không được bỏ học. Con là niềm tự hào của mẹ. Chỉ cần con chăm chỉ học hành, còn những việc khác, con không phải bận tâm.

Hai mẹ con tranh luận rất lâu, cậu kiên quyết không đi học nữa vì không muốn mẹ mình khổ. Cậu trở nên ngang bướng và lì lợm. Phải đến khi nóng nảy quá không kiềm chế được, mẹ cậu giơ tay tát cậu một cái vào má, cậu mới sững người lại. Đây là cái tát đầu tiên trong đời cậu con trai mười sáu tuổi. Mẹ cậu ngồi thụp xuống đất và khóc nức nở…

Nghe mẹ, cậu khăn gói vào trường nhập học. Lòng cậu nặng trĩu. Người mẹ đứng lặng hồi lâu, nhìn bóng con trai khuất dần…

Ít lâu sau, có một người mẹ lặc lè vác bao tải dứa, chân thấp chân cao đến phòng giáo vụ. Chị nộp gạo cho con trai. Chị là người đến muộn nhất. Đặt bao gạo xuống đất, chị đứng thở hổn hển một hồi lâu rồi nem nép đi vào.

Thầy Hùng phòng giáo vụ nhìn chị, nói:

- Chị đặt lên cân đi. Mở túi gạo ra cho tôi kiểm tra.

Chị cẩn thận tháo túi.

Liếc qua túi gạo, hàng lông mày của thầy khẽ cau lại, giọng lạnh băng:




- Thật chẳng biết nên nói thế nào. Tôi không hiểu sao các vị phụ huynh cứ thích mua thứ gạo rẻ tiền đến thế cho con mình ăn. Đấy, chị xem. Gạo của chị lẫn lộn đủ thứ, vừa có gạo trắng vừa có gạo lức lẫn gạo mốc xanh đỏ, cả cám gạo nữa, đây còn có cả ngô nữa… Thử hỏi, gạo thế này, chúng tôi làm sao mà nấu cho các em ăn được. Thầy vừa nói vừa lắc đầu.

- Nhận vào.

Thầy nói, không ngẩng đầu lên, đánh dấu vào bảng tên của học sinh.

Mặt người mẹ đỏ ửng lên. Chị khẽ khàng đến bên thầy nói:

-Tôi có 50.000 đồng, thầy có thể bổ sung vào thêm cho cháu để phụ tiền sinh hoạt phí được không thưa thầy?

-Thôi, chị cầm lấy để đi đường uống nước.

Thầy nói và vẫn không ngẩng đầu lên nhìn người phụ nữ tội nghiệp đang loay hoay, khổ sở, mặt đỏ ửng lên, chân tay thừa thải vì chẳng biết làm thế nào. Chị chào thầy rồi lại bước thấp bước cao ra về.
~*~
Đầu tháng sau, chị lại đến nộp gạo cho con trai. Thầy lại mở túi gạo ra kiểm tra rồi lại cau mày, lắc đầu. Thầy có vẻ lạnh lùng, ác cảm:

- Chị lại nộp loại gạo như thế này sao? Tôi đã nói phụ huynh nộp gạo gì, chúng tôi cũng nhận, nhưng làm ơn phân loại ra, đừng trộn chung như thế này. Chúng tôi làm sao mà nấu cơm cho ngon để các em ăn được? Chị nghĩ thử xem, với loại gạo hổ lốn thế này, liệu chúng tôi có thể nấu cơm chín được không? Phụ huynh như các chị không thấy thương con mình sao?

- Thầy thông cảm. Thầy nhận cho, ruộng nhà tôi trồng được chỉ có thế ! Người phụ nữ bối rối.

- Thật buồn cười cái nhà chị này! Một mảnh ruộng nhà chị có thể trồng đến hàng trăm thứ lúa thế sao? Nhận vào! Giọng thầy gằn từng tiếng và vẫn không ngẩng đầu lên nhìn chị.

Người mẹ im bặt, mặt chị trở nên trắng bệch, nhợt nhạt. Chị lí nhí cảm ơn thầy rồi lại lặng lẽ bước thấp, bước cao ra về. Dáng chị liêu xiêu, đổ vẹo trong cái nắng trưa hầm hập như đổ lửa.
~*~
Lại sang đầu tháng thứ ba của kỳ nộp gạo. Chị lại đến. Vẫn dáng đi xiêu vẹo, mồ hôi mướt mải trên trán, ướt đẫm lưng áo của người mẹ trẻ. Bao gạo nặng dường như quá sức với chị.

Thầy lại đích thân mở túi gạo ra kiểm tra. Lần này, nét giận dữ in hằn trên mặt thầy. Thầy rành rọt từng tiếng một như nhắc để người phụ nữ ấy nhớ:

- Tôi đã nói với chị thế nào. Lần này tôi quyết không nhân nhượng chị nữa. Chị làm mẹ mà sao ngoan cố không thay đổi thế này. Chị mang về đi. Tôi không nhận !

Người mẹ thả phịch bao gạo xuống đất. Dường như bao nỗi ấm ức, đau khổ và bất lực bị dồn nén bao ngày đột nhiên bừng phát. Chị khóc. Hai hàng nước mắt nóng hổi, chan chứa trên gương mặt sớm hằn lên nét cam chịu và cùng quẫn. Có lẽ, chị khóc vì tủi thân và xấu hổ. Khóc vì lực bất tòng tâm.

Thầy Hùng kinh ngạc, không hiểu đã nói gì quá lời khiến cho người phụ nữ trẻ khóc tấm tức đến thế.

Chị kéo ống quần lên để lộ ra đôi chân dị dạng. Một bên chân quắt queo lại.

- Thưa với thầy, gạo này là do tôi… Tôi đi ăn xin, gom góp lại bao ngày mới có được. Chẳng giấu gì thầy, chân cẳng tôi thế này, tôi làm ruộng thế nào được nữa. Cháu nó sớm hiểu chuyện, đòi bỏ học ở nhà giúp mẹ làm ruộng. Thế nhưng tôi kiên quyết không cho, kiên quyết không để con tôi thất học. Có học mới mong thoát khỏi cảnh cơ cực này. Nhà chỉ có hai mẹ con, cha cháu mất sớm… Thầy thương tình, thầy nhận giúp cho. Không nộp gạo, con tôi thất học mất !

Người mẹ trẻ này đều đặn ngày nào cũng thế. Trời còn tờ mờ, khi xóm làng còn chưa thức giấc, chị lặng lẽ chống gậy, lê mình rời khỏi thôn. Chị đi khắp hang cùng, ngõ hẻm xóm khác xin gạo. Đi mãi đến tối mịt mới âm thầm trở về. Chị không muốn cho mọi người trong thôn biết.

Lần này người bị xúc động mạnh lại là thầy Hùng. Thầy đứng lặng hồi lâu rôi nhẹ nhàng đỡ chị đứng lên. Giọng thầy nhỏ nhẹ :

- Chị đứng lên đi, người mẹ trẻ ! Chị làm tôi thực sự bất ngờ. Tôi đã có lời không phải với chị. Thôi thế này, tôi nhận. Tôi sẽ thông báo với trường về hoàn cảnh của em học sinh này, để trường có chế độ học bổng hỗ trợ cho học sinh vượt khó.

Người mẹ trẻ đột nhiên trở nên cuống quýt và hoảng hốt. Chị gần như chắp tay lạy thầy. Giọng chị van lơn:

- Xin thầy. Tôi có thể lo cho cháu, dù không đủ đầy như các bạn nhưng tôi lo được. Khổ mấy, vất vả mấy tôi cũng chịu được. Chỉ xin thầy đừng cho cháu hay chuyện này. Đây là bí mật của tôi, mong thầy giữ kín giùm cho.

Chị kính cẩn cúi đầu chào thầy như người mà chị mang một hàm ơn lớn, đưa tay quệt mắt rồi lại nặng nhọc, liêu xiêu ra về.

Lòng thầy xót xa.

Thầy Hùng đem câu chuyện cảm động này báo với hiệu trưởng. Ban giám hiệu trường giữ bí mật này tuyệt đối. Nhà trường miễn phí toàn bộ học phí và sinh hoạt phí cho cậu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt này. Ngoài ra, học lực của cậu rất khá, đủ tiêu chuẩn nhận được học bổng của trường.

Cuối cấp, cậu dẫn đầu trong danh sách những học sinh xuất sắc của trường. Cậu thi đậu vào trường đại học danh tiếng nhất của Thủ Đô. Trong buổi lễ vinh danh những học sinh ưu tú, khi tên cậu được xướng lên đầu tiên, mẹ cậu lặng lẽ đứng ở một góc khuất, mỉm cười sung sướng.

Có một điều rất lạ rằng trên sân khấu hôm ấy, có ba bao tải dứa sù sì được đặt trang trọng ở một góc phía ngoài cùng, nơi mọi người có thể dể dàng nhìn thấy nhất. Ai cũng thắc mắc, không hiểu bên trong ấy chứa thứ gì.

Trong buổi lễ trang nghiêm ấy, thầy hiệu trưởng rất xúc động và kể lại câu chuyện người mẹ trẻ đi ăn xin nuôi con học thành tài.

Cả trường lặng đi vì xúc động. Thầy hiệu trưởng ra dấu cho thầy Hùng phòng giáo vụ đến mở ba bao tải ấy ra. Đó là ba bao gạo mà người mẹ với đôi chân tật nguyền lặn lội khắp nơi xin về.

Thầy nói:

- Đây là những hạt gạo mang nặng mồ hôi và nặng tình của người mẹ yêu con hết mực. Những hạt gạo đáng quý này, tiền, vàng cũng không thể mua nổi. Sau đây, chúng tôi kính mời người mẹ vĩ đại ấy lên sân khấu.

Cả trường lại một lần nữa lặng người đi vì kinh ngạc. Cả trường dồn mắt về phía người phụ nữ chân chất, quê mùa đang được thầy Hùng dìu từng bước khó nhọc bước lên sân khấu.

Cậu con trai cũng quay đầu nhìn lại. Cậu há hốc miệng kinh ngạc. Cậu không thể ngờ rằng người mẹ vĩ đại ấy không ai khác chính là người mẹ thân yêu của cậu.

- Chúng tôi biết, kể ra câu chuyện này sẽ khiến cậu học sinh ưu tú nhất trường bị chấn động rất mạnh về tâm lý. Thế nhưng, chúng tôi cũng mạn phép được nói ra vì đó là tấm gương sáng, tấm lòng yêu thương con vô bờ bến của người mẹ. Điều đó hết sức đáng quý và đáng được trân trọng vô cùng. Chúng tôi muốn thông qua câu chuyện cảm động này, giáo dục các em học sinh thân yêu của chúng ta về đạo đức và lối sống, về tình người và những nghĩa cử cao đẹp. Hôm nay, một lần nữa chúng ta vinh danh những người cha, người mẹ đã cống hiến, hy sinh cả đời mình vì tương lai con em…
Giọng thầy hiệu trưởng đều đều, ấm áp và hết sức xúc động. Tai cậu ù đi, cậu chẳng nghe thấy gì nữa cả, mắt cậu nhòe nước. Mẹ cậu đứng đó, gầy gò, khắc khổ, mái tóc đã sớm điểm bạc, mắt bà cũng chan chứa niềm hạnh phúc và ánh mắt ấm áp, yêu thương ấy đang hướng về phía cậu với cái nhìn trìu mến.

Người phụ nữ ấy run run vì chưa bao giờ đứng trước đám đông. Run run vì những lời tốt đẹp mà thầy hiệu trưởng đã giành cho mình. Với chị, đơn giản, tất cả chỉ xuất phát từ tình yêu bao la mà chị giành cho con trai. Chị không nghĩ được thế nào là sự hy sinh hay đạo lý lớn lao ấy.

Cậu con trai cao lớn đứng vụt dậy, chạy lên ôm chầm lấy mẹ mà mếu máo khóc thành tiếng:

- Mẹ ơi ! Mẹ của con…

Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc,
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không…

(TIN BLOG – Trích 2 câu thơ trong một bài thuyết giảng Phật Pháp)
Trích  từ: TIN BLOG sưu tầm

Hồng Điệp sưu tầm
Theo hoathuctuvien.blogslot.com

Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2015

Có Nhớ Tôi?

 


Từ đó dáng người trong tôi
Ngày đêm đeo đẳng không rời phút giây.
Ở phương nào? Tôi nơi đây
Tình em luôn mãi đong đầy như xưa.

Dòng sông quê soi bóng dừa
Xuồng xưa xuôi ngược đón đưa đến trường
Mái tóc thề xõa vai thương
Môi son mắt ngọc đưa đường ước mơ.

Lớp em dọc hướng Pasteur
Bên Hùng Vương ngóng chờ giờ ra chơi
Có người nhung nhớ đầy vơi
Ngẩn ngơ đôi phút, suốt đời nao nao.

Sài Gòn một dịp hỏi chào
Bốn mươi năm trước mà sao nhớ hoài
Giận mình không thể nguôi ngoai
Hỏi em giờ chốn phương đoài nhớ tôi?
Anh Tú
May 1, 2015


Buồn Rơi Chiều Vắng


Vậy đó, mình xa thật bất ngờ
Những dòng thơ họa lạc bơ vơ
Loay hoay chốn cũ tìm hương vị
Một thuở chúng mình dạo khúc tơ

EM đã xa rồi, chẳng nói chi
Không lời từ biệt bước chân đi
Nơi kia có lẽ đầy hoa sắc
Kẻ đón người đưa chẳng thiếu gì

Tôi về tìm lại những lời say
Một thuở ngu ngơ, mộng giữa ngày
Gom góp từng lời xưa dấu ái
Buồn rơi chiều vắng ngắm mây bay

Nâng niu kỷ niệm tháng ngày qua
Vẫn nhớ về EM thuở mộng hoa
Cái gã rể khờ luôn mãi nhớ
Nàng thơ dấu ái đã đi xa ...

Hoàng Dũng

Biển Chiều


Chiều trông mặt biển thấy mông mênh
Tiếng sóng âm vang vỗ bập bềnh
Gió thổi rì rào hàng liểu rũ
Thuyền câu thả lưới dáng buồn tênh
Hải âu chớp cánh tìm mồi đớp
Dãi núi quanh co đá gập ghềnh
Có đến một lần lòng nhớ mãi
Nước trời cảnh sắc dạ nào quên!

Song Quang
***
Biển Vắng
Sóng tràn bờ cát trắng mông mênh
Một chiếc thuyền con nổi bập bềnh
Lồng lộng gió mây, niềm khắc khoải
Bao la trời biển, nỗi buồn tênh
Vài cây dừa cỗi thân nghiêng ngả
Một mòm đồi hoang đá gập ghềnh
Cảnh cũ còn đây, người khuất bóng
Bao nhiêu kỷ niệm dễ nào quên!

Phương Hà 
***
Biển Thái Bình nghe gió lộng mênh,
Âm vang sóng cả cuộn bồng bềnh.
Thông reo vi vút như ru ngủ,
Gió hú ngoài khơi cảnh vắng tênh.
Ánh chớp trên trời xanh thủy mặc,
Hải âu vẳng tiếng vọng qua ghềnh.
Quanh co đá dựng đây bờ cõi,
Gan đất tấc vàng dạ chớ quên...

Mai Xuân Thanh