Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

Thơ Tranh: Đảo Điên


Thơ & Thơ Tranh: Nguyễn Đức Tri Ân

Lời của Đá


Đá là...đá cuội lang thang
Đầu ghềnh
Cuối bãi
Bạt ngàn trăng treo
Khi thì đứng giữa - cheo leo
Cùng mây với gió...hút heo
Đầu ghềnh!

Đá là...đá cuội buồn tênh
Một mình giữa cõi mông mênh - ta bà
Nghìn năm
Đá vẫn cứ là...
Trơ trơ cùng ánh trăng ngà
...hút heo.

TiCa Nguyễn Xuân Hòa

Xin Đừng Rời Xa Huế


Anh yêu ơi, xin đừng rời xa Huế
Bỏ lại em năm tháng tiếng...ơ...hờ...
Cửa Thuận An đam mê triền sóng vỗ
Gọi anh về dệt lại mấy vần thơ...

Anh yêu ơi, xin hãy về với Huế
Đừng xa em trăng Vỹ Dạ hoen mờ
Tình em đầy say đắm những giấc mơ
Chuông Thiên Mụ vọng về mơn nỗi nhớ

Anh yêu ơi, xin đừng đi bỏ Huế
Mưa dầm dề nỗi nhớ gọi tên anh
Sông Hương buồn dòng nước chảy quẩn quanh
Sầu rơi xuống như cung đàn đứt đoạn

Anh yêu ơi, mau trở về với Huế
Kẻo tình xuân giờ đã chín rụng rồi
Huế bây giờ chỉ chờ đợi anh thôi
Anh không đến Huế sẽ buồn muôn thuở!

Hoàng Kim Mimosa
AL 3/20/2015

Tranh Vẽ Của Họa Sĩ Tín Đức (2)









Họa Sĩ Tín Đức

Thầy Tôi

    

      Lặng người đi thật lâu, ký ức tôi lại quay về với thời gian cũ và bóng dáng ngôi trường thân yêu Phan Sào Nam nằm gần cuối góc đường Phan Thanh Giản và Ngã Bảy Sài Gòn. Bạn bè cũ và các thầy của tôi nơi đây ít nhiều làm tôi vẫn còn nhớ đến, tôi nhớ vài đứa bạn như Lê thị Bế ở cư xá Phú Thọ, Nguyễn Thị Hoà ở chung cư Nguyễn Thiện Thuật gần phía nhà tôi, Châu Thị Mười cô bạn ngồi cạnh tôi, Trần Thị Bích Phượng rất xinh gái, Nguyễn Thị Phụng, Lâm Hoàng Hoa nổi tiếng với mái tóc dài liêu trai, Nguyễn thị Đào, Nguyễn Thị Lượm, Nguyễn Thị Hải, Thái Thị Phương thì hơi lai chà vì có làm da ngâm đen nhưng có duyên, về bạn trai tôi chỉ nhớ mỗi tên Ngô Công Đức . Riêng Hải và Bế có biệt tài viết kiểu chữ Gotich và trang trí bài vở đẹp nhất lớp v...v .. Còn thì thầy dạy môn sử địa là thầy Lâm, tôi mến thầy nhất và vì thế nên tôi rất ư là chịu gạo bài để lấy điểm cao cho môn này. Mà thầy giảng về sử thì cả lớp đều thích lắng nghe và mong tiếng chuông báo hiệu hết giờ đừng chấm dứt. Rồi thì thầy Đức dạy môn Hoá dáng rất thư sinh, người cao dong dỏng ,thầy có biệt tài đánh đàn Guitar và hát hay. Thường mỗi cuối khóa chấm dứt niên học để nghĩ hè, chúng tôi thường yêu cầu thầy mang đàn vào hát hò hay đàn cho chúng tôi nghe .Rồi thầy dạy môn vạn vật và vật lý là thầy Tạ Chí Đông Hải, thầy Phuớc dạy môn hình học, thầy Phước đặc biệt là nghiện thuốc lá, thầy hút thiếu điều cháy phổi mà vẫn không bỏ nhưng thầy dạy nổi tiếng về giảng bài rất hay và dễ hiểu. Còn những môn khác thì tôi cũng quen béng mất tên thầy tôi và cũng không nhớ nỗi đến gương mặt hay dáng nét của các thầy nữa ...

       Tôi nhớ là tôi thường hay giữ sổ điểm cho lớp và giúp thầy giám thị cộng điểm cuối tháng, tôi có tài tính nhẫm và cộng điểm rất nhanh nên thường được tín nhiệm và nhận lãnh công việc của lớp. Tôi còn nhớ truờng thường cấp phát bảng danh dự từ hạng nhất cho tới hạng chín riêng cho các em có số điểm cao trong tháng về tất cả các môn học. Chưa bao giờ tôi nhất lớp mà chỉ từ hạng năm sáu trở đi, những tấm danh dự đó tôi cất kỷ cho đến ngày 30 tháng tư mới hủy bỏ . 

       Vào những năm học lớp đệ ngũ, đệ tứ (lớp 8 &9), thời gian này tôi theo nhóm bạn xuống đường chống tăng học phí, nhưng kết quả thì một đưá trong nhóm tôi bị bắt và nhốt mấy tháng. Sau đó tôi tham gia vào đoàn Công tác Xã Hội trực thuộc bên Tổng Hội Sinh Viên Học Sinh Sàigon..Nhưng rồi tôi cũng phải từ giã ngôi trường để chuyển sang trường khác thời gian sau đó ...
***
        Bây giờ ngồi đây nhớ lại một thời đã qua với từng ấy kỷ niệm thời cắp sách chưa quên trong tôi , lại biết thêm được thầy cũ của tôi cùng dưới mái trường năm xưa đó mà bao lâu nay tôi vẫn còn liên lạc và nhận báo đều do thầy gửi, làm tôi lại thấy nhớ đầy thêm những kỷ niệm. Tôi đâu ngờ trái đất vẫn tròn, để cho tôi tìm lại thầy tôi, thế mà cũng đã lâu tôi nhớ ngày còn góp mặt trong trang web Trinh Nữ, nhiều bài thơ quê hương viết về tâm sự người lính và cuộc chiến của nhà thơ Song Nhị đã làm tôi cảm động vì có những đoạn anh viết tôi đọc mà nước mắt rưng rưng, tôi nhớ sau mỗi bài thơ nào mà tôi cảm nhận được trong trang thơ anh, tôi thường viết vào đấy chia sẽ. Lúc ấy chưa biết anh ra sao nhưng từ những cảm nhận trong mỗi bài thơ hay đoạn văn anh viết, tôi như gần gủi với anh về cái tên Song Nhị chính bút hiệu của anh. Từ đó tôi vẫn giữ mối dây liên lạc cho đến ngày tôi sang Cali năm ngoái và lần ghé thăm anh Hai Mạc Phương Đình tại San Jose, lần ấy chị Sương Mai đến thăm tôi khi biết tin tôi qua chơi. Chị Sương Mai có hẹn tôi tạt qua thăm anh Song Nhị vì chị cũng quen biết và thường đóng góp bài vỡ cho trang báo này. Và buổi chiều hôm ấy, tôi cùng chị Sương Mai có ghé thăm anh , lúc đó tôi mới thật sự biết anh ngoài đời, nhìn mái tóc anh và cơ sở ấn loát tờ báo Nguồn mà tôi chỉ nghe và biết đến qua trang Net mà thôi. Anh rất bận bịu với tạp chí Nguồn hiện nay của anh và cầu mong tạp chí Nguồn sẽ còn tiếp tục ấn loát và đến tay đọc giả khắp mọi nơi... Tạp chí Nguồn cũng đã giữ uy tín trong nhiều năm qua về sự phát hành đúng thời hạn và những cây viết đã cộng tác cho tạp chí này rất được tín nhiệm.

       Riêng tôi, vẫn ước mong và chúc sức khoẻ đến Thầy tôi, để thầy còn tiếp tục làm tròn trách nhiệm đã được giao phó. Và tờ báo Nguồn sẽ sống mãi và là món ăn tinh thần trong lòng Người Việt Tha Phương. Và Thầy ơi, nhìn lại thầy mới biết thời gian làm thầy già đi nhiều với mái tóc pha sương trắng, nhưng vẫn diễm phúc cho tôi khi tôi còn nhìn thấy và biết thầy của tôi vẫn còn đây....

Miên Thụy
16Mei2008

Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

Thành Kính Chia Buồn Anh Trần Kim Hoàng & Gia Đình Cô Trần Thị Ngọc Phượng


Một Nhóm Cựu học sinh Tống Phước Hiệp vừa được tin buồn cô Trần Thị Ngọc Phượng, là em gái anh Trần Kim Hoàng .Trước ở Thiềng Đức, Vĩnh Long. Cô đã mãn phần.
Sinh năm 1949 tại Vĩnh Long, Việt Nam
Qua đời ngày 10/4/2015, nhằm ngày 22/2 Năm Ất Mùi âm lịch
Lúc 7giờ, tại Houston TX, Hoa Kỳ
Hưởng thọ 67 tuổi
Lễ nhập quan và phát tang tại nhà quàn Vĩnh Phước 8514 Tybor Dr - Houston TX, Hoa Kỳ
Lễ di quan và an táng lúc 2giờ chiều ngày 14/4/2015

Thành kính phân ưu cùng anh Hoàng và Gia đình Cô Trần Thị Ngọc Phượng,
Nguyện cầu Ơn Trên Đức Phật từ bi cứu độ vong linh Cô Trần Thị Ngọc Phượng, được thoát chốn mê đồ, vãng sanh miền cưc lạc.

Đồng Kính Phân Ưu

1/Nhóm : Bạn cùng Lớp Đệ Thất Trung Học Tống Phước Hiệp - Niên Khóa từ 1956 - 1963
Nguyễn Phạm Phuơng Lan
Nguyễn Thị Khánh Hà
Hồ Ngọc Dung
Lê Thị Kim Oanh - Cựu Học sinh Tống Phước Hiệp - Niên khoá 1969-1976

2/Nhóm 2; Nhóm Cựu Học sinh Tống Phước Hiệp - Lớp Tứ B 
Nguyễn Cao Khải 
Cảnh Võ
Tân Thị Tuyển Thục
Phước Nguyễn
Nguyễn Hồng Ẩn
Trần Văn Hoàng
Lê Bửu Trân
Nguyễn Duy Đồng

Thơ Tranh: Cảm Đề Tấm Ảnh 82

Lê Minh Thuận, Giáo sư Đoàn Thị Điểm&Phan Thanh Giản - Cần Thơ 1955-59 
Phạm Khắc Trí Giáo sư Đoàn Thị Điểm&Phan Thanh Giản - Cần Thơ 1968-75 
Hai ông giáo già cùng 82 tuổi, là bạn từ kiếp trước, đã gặp lại được nhau ngày 10/4 /2015
Xin được chia vui cùng chúng tôi
( PhạmKhắcTrí 04/10/2015)

Thơ & Hình Ảnh: Phạm Khắc Trí
Trình Bày: Kim Oanh

Huyễn Mộng Kinh Kha


(Tặng Cao Vị Khanh)

Tôi đến thăm em một chiều thứ bảy,
Chiều cuối tuần, lâu không thấy người qua.
Tôi không giận vì câu em nói lẫy:
"Mấy năm rồi không ngó đến người ta !"

Tôi biết chứ, xa xôi thì nhớ lắm.
Xưa bảo rằng nhất nhật tự tam thu.
Trong mắt biếc tôi chừng nghe lắng đọng
Tiếng thu không, trống gọi những canh thâu.

Tôi lững chững bước mang đời cô lữ,
Đã lâu rồi xa vắng những tình thư.
Xin em chút lòng bao dung tha thứ,
Dẫu hoa tàn còn nhớ tuổi ngây thơ.

Tôi đến thăm em một chiều thứ bảy,
Hoa nở hoa tàn, tôi chẳng biết sao ?
Trong xuân sắc, tôi làm sao không thấy
Một ngày kia rụng rã cánh hoa đào ?

Đã biết yêu hoa thì thương hoa,
Cho tôi gói ghém mộng sơn hà.
Cho tôi gởi lại dòng di chúc
Cho mối tình si em với ta.

Tôi mang máng nhớ người bên Dịch thủy
Đứng bên bờ, sáo trúc nhẹ trên tay.
Miên man thổi, giang sơn lời van vỉ,
Gánh sơn hà sao trĩu nặng trên vai.

Tôi đến thăm em một chiều thứ bảy,
Đã qua mùa nhung nhớ nở đơm hoa.
Tôi nắm chặt tay em, hồn run rẩy,
Miệng Tô Tần sao tỏ mộng Kinh Kha?

Thì thôi nhé, em ơi, tình chỉ vậy,
Trách mà chi cho xâu xé lòng nhau ?
Xin em nhớ xa xôi còn đâu đấy,
Xác tim ai nằm cạnh xác hoa đào.

Montreal, March-1999
(PSSC Houston, xuân 2000)
Nguyễn Đức Tuấn

Chút Tình Pleiku


Sương mờ bụi đỏ đường xưa
Tiễn đưa thương nhớ cho vừa nỗi đau
Mai kia rũ áo qua cầu
Xin em giữ lại trong nhau chút tình

Nguyễn Đức Tri Ân
10/04/2015

Coi Thử Gì Đây?

Thoạt đầu nhìn sẽ nhầm tưởng đây là con tắc kè hoa.
Những hình ảnh chuyển động thật đẹp ....
Thì ra ... được tạo từ hai người thiếu nữ nằm chồng lên nhau.

Mặc Thái Thủy sưu tầm

Giặt Áo Chiều Quê


Vầng trăng soi bóng con sông
Soi trong ký ức bềnh bồng cơn mơ
Soi nghiêng mái tóc lửng lờ
Vầng trăng con gái tròn bờ môi ngoan

Soi trong sâu thẳm giếng làng
Gàu ai múc ánh trăng vàng đổ đâu?
Đổ vào góc nhớ đêm thâu
Tình ai theo gió qua cầu áo bay

Nồng mùi rơm rạ ngấn say
Em ngồi giặt áo vò ngày nhớ thương
Áo bà ba tím mùi hương
Vò sao cho hết dấu buồn tình se

Tiếng chim líu ríu cành tre
Chờ ai thắc thỏm bên hè ngoài hiên
Em ngồi giặt áo lụa mềm
Dậy thì từng ngón búp nhen xuân hồng

Soi vào đôi mắt huyền nhung
Cỏ hoa ngây ngất nhớ mong theo về
Em ngồi giặt áo chiều quê
Vò đi vò lại đam mê rối nhàu

Trầm Vân

Hàm Dương Thành Đông Lâu 咸陽城東樓 - Hứa Hồn

Cuối tuần, lật quyển Đường Thi Tam Bá Thủ, tình cờ đọc được bài thơ luật " Hàm Dương Thành Đông Lâu " của Hứa Hồn, thấy âm điệu và phong cách cũng mang chút gì hơi hám của Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, kể cả vần được gieo cũng làm cho người đọc cảm thấy như đang đọc lại câu " Yên ba giang thượng sử nhân sầu! ". Xin trích dịch sau đây để mọi người cùng thưởng lãm!


咸陽城東樓             Hàm Dương Thành Đồng Lâu

一上高城萬里愁, Nhất thượng cao thành vạn lý sầu,
蒹葭楊柳似汀洲, Kiêm hà dương liễu tự Thinh Châu, 
溪雲初起日沉閣, Khê vân sơ khởi nhật trầm các,
山雨欲來風滿樓。 Sơn vũ dục lai phong mãn lâu. 
鳥下綠蕪秦苑夕, Điểu hạ lục vu Tần uyển tịch,
蟬鳴黃葉漢宮秋, Thiền minh hoàng diệp Hán cung thu,
行人莫問當年事, Hành nhân mạc vấn đương niên sự,
故國東來渭水流。 Cố quốc đông lai Vị Thủy lưu. 
許渾                         Hứa Hồn.

許渾,字用晦(一曰仲晦),唐丹陽人也(一曰睦州)。太和六年進士,為太平縣令,大中三年任監察御史,以疾乞東歸,終郢、睦二州刺史,所至有善政。渾長於詩,有《丁卯集》行於世。
《宣和書譜》曰:「許渾正書雖非專門,而灑落可愛,想見其風度,渾作詩似杜牧,俊逸不及而美麗過之。古今學詩者,無不喜誦,故渾之名益著,而字畫因之而並行也。」

HỨA HỒN, tự là Dụng Hối( Có sách cho là Trọng Hối ), người đất Đơn Dương( Mục Châu ) đời Đường. Đậu Tiến Sĩ năm Thái Hòa thứ sáu, làm Huyện Lệnh Huyện Thái Bình, năm Đại Trung thứ ba làm Giám Sát Ngự Sử, vì bệnh nên xin chuyển về miền đông, sau cùng làm Thứ Sử ở 2 Châu Sính và Mục, ở mọi nơi đều có tiếng là vị quan tốt. Ông giỏi về thơ, còn lưu lại đời sau 2 tập thơ " Đinh Mão Tập ".
Theo " Tuyên Hòa Thư phổ " ghi : Hứa Hồn tuy không chuyên về thư pháp, nhưng chữ viết bay bướm dễ nhìn, có phong cách riêng. Hồn làm thơ giống như Đỗ Mục,tuy không phóng đạt bằng Đỗ, nhưng hoa lệ thì có thừa, người học thơ xưa nay đều rất thích đọc, nên Hồn càng nổi tiếng song song cả thơ lẫn thư pháp. ".

Chú Thích:
1. Kiêm Hà: Là Lau sậy, theo tiếng gọi của ngày xưa. Trong Kinh Thi có câu: Kiêm Hà thương thương, có nghĩa là Lau sậy xanh xanh.
2. TỰ 似: là TƯƠNG TỰ, có nghĩa Giống như là. Thinh Châu : Thuộc tỉnh Phước Kiến, nay là Huyện Trường Thinh. Thinh châu còn có nghĩa là những cồn đất nổi lên ở giữa sông lớn, lau sậy mọc um tùm. Ở đây, vì muốn ăn khớp với cái " VẠN LÝ SẦU " của câu trên, nên ta hiểu THINH CHÂU là một địa danh của tỉnh Phước Kiến ở tận miền Nam, trong khi Tác Giả lên tận lầu HÀM DƯƠNG của miền Bắc để trông ngóng về quê hương xa xôi vạn dặm ở miền Nam.
3. Khê Vân : Hơi nước từ trong khe suối bốc lên thành mây.
4. Lục Vu: Vu là Rậm rạp, hoang vắng. Lục Vu là Bãi xanh hoang vu của cây cỏ bỏ hoang xanh um rậm rạp!
5. Vị Thủy: Tên con sông phát nguyên từ tỉnh Cam Túc, chảy qua tỉnh Thiểm Tây đổ vào sông Hoàng Hà rồi chảy ra biển Đông...

Dịch Nghĩa:
Trên Lầu Đông Của Thành Hàm Dương
Lên đến tận trên lầu cao của đông thành thì nỗi sầu lại dài thêm vạn dặm. Trước mắt, lau sậy hòa vào màu xanh của dương liễu mường tượng như màu xanh của đất Thinh Châu. Những làn hơi nước trong khe suối vừa bốc lên thành những làn mây mỏng thì mặt trời cũng đã chìm xuống phía sau lầu rồi ! Và cơn mưa núi chưa kịp đổ xuống thì gió đã ào ạt đầy cả lầu!. Lũ chim bay xà xuống bãi xanh hoang vu của vườn thượng uyển đời Tần ngày xưa trong buổi chiều tà. Và lũ ve cuối mùa cố cất tiếng ngâm trong đám lá vàng của cung viên nhà Hán vào buổi chiều thu se lạnh. Ôi thôi! Người qua đường xin đừng hỏi đến chuyện của năm xưa nữa, Cố quốc từ hướng đông mà đến cũng như dòng Vị Thủy theo hướng của tất cả những dòng sông đổ vào Hoàng Hà rồi cũng đều chảy về với biển Đông thuận theo lý tự nhiên...

Hai câu:
溪雲初起日沉閣, Khê vân sơ khởi nhật trầm các,
山雨欲來風滿樓。 Sơn vũ dục lai phong mãn lâu. 
đã trở thành thành ngữ trong văn chương khi dùng để diễn tả hiện tượng hoặc cái điềm báo trước của một sự kiện trọng đại, hay một tình thế thay đổi lớn của thời cuộc! " Sơn vũ dục lai " thì " phong đã mãn lâu " rồi! Trước khi " mưa núi ập tới ", thì " gió đã thỏi đầy cả lầu " rồi! Trước khi Miền Nam thất thủ thì dư luận thế giới, Quốc Hội MỸ, đài BBC và nhất là "Chiến thuật di tản" đã làm xáo trộn hoang mang cả Sài Gòn và Đồng bằng sông Cửu Long rồi!

Diễn Nôm:
Vòi vọi thành cao vạn dặm sầu,
Lau xanh liễu rũ ngỡ Thinh Châu.
Mây vờn khe suối vầng ô khuất,
Mưa chửa thành cơn gió ngập lầu.
Chim lượn xập xòe Tần thượng uyển,
Ve sầu rả rít Hán cung thâu.
Nào người chớ hỏi đời xưa cũ,
Sông Vị về đông vẫn chảy mau!

Lục Bát:
Thành cao cho vạn lý sầu,
Vi lô tơ liễu tựa màu Thinh Châu.
Mây lên mặt nhựt khuất lầu,
Mưa chưa thành hạt gió sầu đầy song.
Chim xà Tần uyển vườn không,
Ve ngâm rả rít Hán cung thu sầu.
Nào ai chớ hỏi vì đâu ?!
Về đông sông Vị chảy mau, lệ thường !!!...

Đỗ Chiêu Đức Biên Soạn

Thứ Hai, 13 tháng 4, 2015

Thơ Tranh: Pleiku


Thơ: Dương Hồng Thủy
Thơ Tranh: Kim Oanh

Người Về Nhang Khói Tình Ta


Biết người về sẽ ngấm cơn đau
Tôi cạn hết chén say người bỏ lại
Sao ấm được mái đời nhau trống trải
Bởi đêm dài bóng ngã áo người đi

Biết người về tay gối cơn mưa
Nghiêng nước mắt ướt bài kinh cứu khổ
Đêm tan vở nến run lời tế độ
Cháy bên nhau tàn những nén nhang đời

Người có về chân hỏi đá đồi cao
Tay hỏi ngực áo hoa cài vội
Đêm hỏi lại tiếng chim chiều mệt mỏi
Khi mùa đi là lá biếc xa cành

Tôi theo về tiếng núi gọi ngàn xanh
Câu kinh cũ phai mờ vách đá
Đêm bóng ngã, đốt đời nhau vội vãCháy như mơ ngọn lửa biếc vô thường
 
Lâm Hảo Khôi

Phù Dung Lâu Tống Tân Tiệm - Vương Xương Linh (698 - 756)


Phù Dung Lâu Tống Tân Tiệm


Hàn vũ liên giang dạ nhập Ngô
Bình minh tống khách Sở sơn cô
Lạc Dương thân hữu như tương vấn
Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ

Vương Xương Linh (698 - 756)
***
Dịch Xuôi : Tiễn Tân Tiệm Trên Lầu Phù Dung

Đêm đến đất Ngô vào lúc mưa lạnh sông lũ
Sáng ngày núi Sở chơ vơ lại chứng kiến cảnh tiễn khách đi
Bạn xưa ỏ Lạc Dương nếu có ai thăm hỏi
Xin thưa vẫn nguyên vẹn một tấm lòng trong sáng như băng tuyết trong bình ngọc

Nhất Phiến Băng Tâm (Bài 1)

Đêm Ngô sông lũ mưa chào đón
Sáng Sở núi buồn nắng tiễn đưa
Phố cũ bạn xưa ai hỏi đến
Lòng tôi băng tuyết vẫn như xưa 


Nhất Phiến Băng Tâm (Bài 2)

Đêm Ngô mưa lạnh đón
Sáng Sở núi buồn đưa
Bạn cũ còn thăm hỏi
Lòng quê vẫn tuyết xưa 


Lời Thêm: Một đời gốc bật , đêm Ngô sáng Sở , nghĩ mình nhờ phúc đức cha ông , vẫn còn giữ được tấm lòng quê chơn chất để lại cho con cháu ,nghĩ cũng đã là may mắn lắm rồi . Cầu chúc an lành cho mọi người thân quí và, cho các con các cháu yêu dấu. PKT 04/05/2014 (Kỷ niệm ngày giỗ Ông Nội lần thứ 40)

Phạm Khắc Trí
5/4/2015
***
芙蓉樓送辛漸 
               
寒雨連江夜入吳
平明送客楚山孤
洛陽親友如相問

一片冰心在玉壺

王昌齡

Dịch Thơ:

Phù Dung Lầu Tiễn Tân Tiệm

Sông Ngô đêm đến giăng mưa lạnh
Núi Sở sáng buồn tiễn bạn Tân
Như đến Lạc Dương ai có hỏi
Rằng đây quạnh quẽ chỉ đơn thân.

Quên Đi
***
 Lầu Phù Dung Tiễn Tân Tiệm

Mưa lạnh tràn sông đêm tới Ngô
Sớm đưa khách đến núi đơn côi
Đô thành bạn hữu có hỏi tới
Tuyết sạch lòng trong vẫn giữ thôi

Chân Diện Mục
.***
Đưa Tân Tiệm Ở Lầu Phù Dung

Đến Ngô lúc đêm mưa sông lạnh,
Núi Sở buồn tiễn bạn sớm mai,
Lạc Dương thân hữu đoái hoài,
Tấm lòng băng tuyết rượu cay một bình!

Đỗ Chiêu Đức
***
Tiễn Bạn Tân Tiệm Trên Lầu Phù dung

Mưa lạnh đầy sông, tối đến Ngô;
Sáng ra, tiễn khách Sở non cô.
Lạc Dương, bạn hữu như thăm hỏi :
Một mảnh lòng trinh dưới ngọc hồ. 

Danh Hữu 
***
Lầu Phù Dung Tiễn Tân Tiệm

Đêm tới Ngô mưa sông giá lạnh
Núi Sở buồn tiễn khách , bình minh
Lạc Dương bạn hỏi về mình
Lòng ta băng tuyết gương trinh ngọc hồ

Mailoc
***
Nhất Phiến Băng Tâm

Đêm Ngô chào đón cảnh mưa dầm
Sáng Sở tiễn đưa lệ khóc thầm
Bè bạn Lạc Dương ai có hỏi
Lòng ta giữ vẹn phiến băng tâm.

Nguyễn Đắc Thắng
20150411
***
Phù Dung Lầu Tiễn Tân Tiệm

Đến Ngô sông lũ đêm mưa lạnh
Rời Sở núi buồn sáng tiễn chân
Bạc cũ Lạc Dương ai mấy hỏi
Lòng đây băng tuyết vẹn tâm thân

Kim Phượng
***

Người Đàn Bà Nhặt Lá


      Đã quá nửa đêm, trời mưa rả rích dai dẳng, bà Sáu vẫn còn lang thang dọc theo hè phố vắng tanh cùng với xấp vé số ế trên tay. Ròng rã từ đầu hôm đến giờ, bà chỉ mới bán vỏn vẹn chừng mươi, mười lăm tờ vé số, cho dù đã rảo qua không biết mấy vòng khu phố chợ. Bà rầu đến nẫu ruột, than thầm trong bụng:” Buôn bán ế ẩm kiểu này, ngày mai còn nguyên cả xấp làm sao tranh nổi với đám con nít đông ken hay những người trẻ tuổi nhanh tay lẹ mắt hơn mình !”

Dù đôi chân đã mõi nhừ cộng với cổ họng khô đắng vì rao mời, bà Sáu vẫn cố gắng đánh vòng trở lại một lần nữa về phía đầu chợ, nơi quán cháo trắng của cô Mai với hy vọng sẽ gặp được vị khách sộp nào đó đi ăn cháo khuya, để nếu may mắn trúng mối, bà sẽ bán được nhiều! Đã có nhiều bận, bà Sáu vô mánh đậm nhờ đám công tử con nhà giàu từ trong hộp đêm dưới Bungalow ra,hào phóng mua mão hết cả cọc vé số của bà. Thế nhưng, khi đến nơi, bà hết sức thất vọng vì quán vắng teo, chỉ có mấy tay trong băng vác mướn mình trần trùng trục đang cùng với cánh xe ôm vừa ngồi nhậu lai rai, vừa chờ khách hoặc đón các mối hàng khuya!

      Đang đứng co ro sát hàng ba của khu bách hóa mới, bà Sáu mừng quýnh khi bóng dáng chiếc xe du lịch đời mới đổ xịch trước quán cháo. Một đám choai choai nam có, nữ có nhảy ào ra khỏi xe cười nói huyên thuyên, làm huyên náo cả khu phố đêm đang tĩnh lặng. ( Có thể bọn họ vừa tàn một cuộc chơi, nhưng cũng có khi đây chỉ là thời khắc khởi điểm trước khi bọn họ “over night”(qua đêm) ở một xó xỉnh nào đó trong cái thành phố Vĩnh Long nhỏ bé này!

      Sau khi đợi cho bọn họ yên vị, bà Sáu tiến lại gần rồi móc vé số ra mời. Bà ta chìa từng cùi vé ra theo hình nan quạt, cốt cho họ thấy rõ những con số đẹp, gồm cả số gánh, số bầy …. Thế nhưng, đám nam thanh nữ tú này vẫn nói cười vang rân, chẳng hề lưu tâm hay đếm xỉa gì đến tiếng chào mời hết sức tha thiết của bà!
      Không bán thêm được tờ vé số nào, bà Sáu chán chường nhìn mông lung vào làn mưa bụi, lòng phân vân nửa muốn về nhà nghỉ, nửa muốn ở nán lại để kiếm khách. Nhưng khi liên tưởng đến viễn cảnh khổ ải của ngày mai, bà quyết định băng xuyên qua khu vực Ủy Ban tỉnh để đến quán “Bảy nàng Tiên” ở đường Trưng Nữ Vương, quán nhậu nổi tiếng nhờ đóng cửa muộn nhất thành phố. Rồi bà lại thất vọng thêm lần nữa khi thấy trong quán chỉ có duy nhất một bàn khách với hai người đàn ông, một còn trẻ, một cỡ trung niên đang ngồi đối ẩm. Vô số vỏ chai bia nằm lăn lóc dưới gầm bàn. 
Với tính cách “hú họa, cầu may” của đa phần dân bán vé số, bà Sáu bước vào quán sau khi đã cởi ra cái nón lá và chiếc áo tơi mưa ướt đẫm. 
- Mời ông và em mua giúp dùm vài tờ vé số. Bà Sáu cất giọng rụt rè.
      Hai người khách khuya có vẻ đã say lướt khướt, hầu như không chú ý đến sự hiện diện của bà. Còn bà Sáu đã quá dày dạn với nghề vé số nên vẫn kiên nhẫn đứng chờ.
Chờ mãi một lúc mà vẫn không thấy có sự phản hồi, bà Sáu quay lưng lại định bước ra nhưng bất ngờ ngã ịch ra sàn nhà do vướng phải vỏ chai bia. Nghe tiếng động, cả hai người khách đều giật mình ngoái cổ nhìn. 

      Bỗng nhiên, người đàn ông trung niên sững người, nhìn bà trân trối! Hai khoé môi ông ta run run, hệt như ông ta muốn nói điều gì đó mà chẳng thể thốt ra lời. Phần bà Sáu, người từng lăn lộn với nghề vé số không biết bao nhiêu năm lại như mở cờ trong bụng vì biết rằng nếu như người khách nào chú ý tới mình, ắt hẳn họ sẽ mua vé số dùm bà!
- Nhờ ông mua ủng hộ dùm vài tờ. Trời mưa dầm dề hoài bán ế quá! Bà Sáu cất tiếng rao mời sau khi vừa đứng dậy.
      Người khách trung niên nọ vẫn dán mắt nhìn chằm chằm như thôi miên vào bà Sáu, Điều đó, khiến cho thanh niên ngồi chung bàn với ông ta phải ngạc nhiên. Anh ta lên tiếng:
- Có chuyện gì thế, chú Ba?
Nghe tiếng gọi, người đàn ông trung niên được gọi là “chú Ba” như người vừa xuất ra khỏi trạng thái lên đồng. Cơn say chếnh choáng như đã tan biến đâu mất. Ông ta vội đứng lên, tay kéo ghế mời bà Sáu:
- Bà… à chị có thể ngồi xuống cho tôi hỏi thăm một chút được không?
- Dạ được, nếu ông cho phép …
      Nảy giờ, bà Sáu cũng rất ngạc nhiên về thái độ của người đàn ông nọ. Bà cố lục lọi trong ký ức nhỏ nhoi rối mù như mớ bòng bong của mình để dò tìm xem giữa bà và người đàn ông sang trọng này có mối quan hệ dây mơ rễ má nào hay không, nhưng cuối cùng thì đành phải chịu thua!
- Chị muốn dùng món nào? Người đàn ông trung niên hỏi một cách ân cần.
- Dạ cám ơn ông, tôi không đói. Bà Sáu trả lời.
- Cho một phần beefsteak và một coke. Người đàn ông trung niên nọ lệnh cho chủ quán dọn thức ăn cho bà Sáu.

      Đến lúc này, bà Sáu không còn e ngại hay khách sáo gì nữa, bởi vì bà nghĩ rằng ngừơi đàn ông kia cũng giống như một số người có lòng hảo tâm khác đãi bà một bữa ăn chỉ vì lòng thương hại mà thôi! Rồi trong lúc bà Sáu đang ăn ngấu nghiến, người đàn ông trung niên quan sát kỹ bà. Ý thức của ông nhận thức rõ rằng, đây chỉ là một người đàn bà hoàn toàn xa lạ, thậm chí chỉ là người mà ông mới gặp lần đầu tiên trong đời! Thế nhưng, tận thẳm sâu trong vô thức của ông lại hiển hiện ra hình bóng của một thiếu nữ có nét mặt hao hao giống như bà. Người thiếu nữ ấy đã che dù trời nắng, đội mưa rơi, đã hy sinh thời thanh xuân hoa mộng của mình cho dù nhan sắc đã từng làm điên đảo nhiều người -mà trong đó có cả viên thiếu tá Quận trưởng- để thay thế mẹ cha đưa ông vượt qua những cơn bão giông của cuộc đời …
- Chị còn tất cả bao nhiêu vé?
- Dạ đúng 134 vé. Bà Sáu trả lời sau khi đã nhẫm tính sẵn trong đầu.
- Tôi sẽ mua hết cho chị. Mà này, mỗi ngày chị lời được khoảng bao nhiêu ?
- Cỡ hai chục ngàn.
- Thế chị có muốn mỗi ngày kiếm được gấp mười lần số tiền đó hay không?

      Bà Sáu chỉ cười cười chứ không trả lời vì nghĩ rằng ông khách nói đùa với mình. Đến nỗi khi nhìn thấy nét mặt nghiêm trang cùng với giọng nói ấm áp như toát ra vẻ gì thật gần gũi, bà vẫn chưa tin là ông ta nói thật!
- Tôi chỉ ở lại thành phố này vỏn vẹn chỉ bốn hôm thôi! Trong bốn hôm ngắn ngủi này, tôi sẽ làm một số việc và sẽ có cần đến một số người. Chị là một trong số người mà tôi chọn.
- Nhưng việc đó … Bà Sáu dừng lại ở giữa câu nói của mình.
- Tôi hiểu … tôi hiểu ý chị muốn nói gì! Thật ra việc này rất đơn giản và không có gì phạm pháp cả, chị hãy yên tâm. Cụ thể là mỗi ngày chị nhặt cho tôi một bao lá vàng và chị sẽ làm liên tục như vậy trong ba hôm. Ngày cuối cùng chị sẽ làm việc khác. Công việc này dễ dàng hơn việc bán vé số rất nhiều, phải không?
- Nhưng ông cần lá để làm gì. Ông không đùa dai với tôi đấy chứ? Bà Sáu thắc mắc.
- Chị không cần phải quan tâm đến chuyện đó, chỉ cần biết là tôi đang nói chuyện tử tế với chị, muốn tạo điều kiện để giúp cho chị. Tiền thù lao mỗi ngày là hai trăm ngàn. Chị đồng ý chứ?
- Hai trăm ngàn ư? Bà Sáu hỏi lại lần nữa vì sợ mình nghe nhầm.
- Vâng, đúng hai trăm ngàn cho mỗi ngày. Vị chi là bốn ngày tất cả. Những điều tôi nói tự nãy giờ đều là thật cả. Bà chị hãy yên tâm. Sở dĩ tôi giúp chị vì chị có nét mặt rất giống chị ruột của tôi, giờ đã vĩnh viễn rời xa cuộc đời…

       Nói đến đây, giọng nói của ông như chùng xuống. Ông ta quay mặt ra ngoài đường nhìn mông lung vào màn đêm mịt mùng .
- Tình cờ gặp chị, tôi rất có cảm tình. Thôi đã khuya quá rồi, chị về nhà nghỉ để mai có sức đi nhặt lá. Đây là tiền vé số lúc nãy và hai trăm ngàn tiền tạm ứng cho công việc sắp tới của chị. Chị đừng ngại chi cả, nếu như chị không muốn làm việc đó thì kể như số tiền tạm ứng này tôi biếu không cho chị. Tên của tôi là Kiên, ba Kiên, hiện ở khách sạn “Đồi Sao”, phòng số 13. Chiều mai, tôi sẽ chờ chị ở đó! Tạm biệt …
      …. Phố khuya vắng lặng. Con “tám trăm” của vị khách từ trên trời rơi xuống kia cứ lởn vởn nhảy múa trong đầu của bà Sáu làm bà cứ ngỡ mình như vừa trải qua một giấc chiêm bao tuyệt đẹp!
***
      Sáng nay, trên vỉa hè đại lộ thênh thang với hai hàng cây rợp bóng xuất hiện một người đàn bà vác chiếc bao cà ròn trên vai rảo bước chầm chậm đi tới đi lui. Đôi lúc, bà ta dừng lại ngóng từng cơn gió rồi mải miết đuổi theo nhặt từng chiếc lá vàng .
Đám xe ôm đậu ở vỉa hè thấy lạ nên chú ý nhìn. Trong đám, có kẻ vọt miệng triết lý bâng quơ:
- Trời ạ! Giữa thời buổi kinh tế thị trường mà còn có người đuổi theo lá thu rơi lượm về vô bao làm kỷ vật. Chắc con mẹ này là bạn chí cốt của nhà thơ điên Bàng Giúi quá, nên mới ngỡ lá là tiền rồi! Rồi gã nhại thơ thi sĩ Kiên Giang ngâm nga:
“ Tiền không là lá bà ơi,
Tiền là giấy bạc do người in ra…”
Giọng một người khác cay độc chêm vào:
- Con mẻ có biệt danh là “Sáu cô đơn” bán vé số dạo chứ ai. Hàng ngày hay đi qua đi lại chỗ này. Mẹ nó, già ngắt rồi mà vẫn còn đi bán vé số hoài, nhiều khi nửa đêm còn thấy đi cà bơi, cà bơi ngoài đường. Chắc khổ sở quá riết nên hoá khùng rồi chớ gì!
Nghe vậy, ông lão bán nước sâm gần đó bất nhẫn lớn tiếng:
- Tụi bây đừng có tọc mạch chuyện của người ta mà hãy lo cho cái bổn mạng của mình kìa. Thời buổi bây giờ ai cũng có xế nổ cả, xe ôm chúng mầy ế ẩm riết rồi có ngày cũng phát điên, đâm đầu hết vô xe tải rối sắp hàng làm ngừơi cõi trên ráo trọi hết bây giờ. Mồ tổ cha nó, đời sao dị hụ kỳ đang quá chừng hè!
      Sau khi bị ông lão bán nước sâm mắng át, những tiếng thị phi bỗng dưng im bặt …

       … Nắng chiều trượt những vệt dài trên khoảng sân rộng trước khách sạn “Đồi Sao”. Thấp thoáng trong ánh sáng nhợt nhạt đang dần dần tắt lịm của hoàng hôn là bóng dáng của một người đàn bà vai quảy bao tải lá từ ngoài cổng đi vào. Ông Kiên đã chờ sẵn từ trước, tỏ vẻ rất vui khi gặp lại bà Sáu.
…Bà Sáu ra về đã lâu, ông Kiên vẫn còn ngồi ở chỗ cũ. Ông cảm thấy quặn thắt cả ruột gan khi chợt nhớ đến hình ảnh người ruột thịt thân yêu duy nhất của mình. Ngày xưa, mỗi lần về quận lỵ thăm nhà, thấy vắng chị, ông liền vội vã đạp xe đi tìm đón chị về. Hình ảnh người chị dầu dãi một nắng hai sương chắt chiu từng đồng bạc lẻ – những tờ tiền được gấp lại rất nhỏ rồi cuộn tròn, cuộn tròn … in hằn những dấu vết gẫy góc quăn queo được gởi từ quê nhà lên Sài Gòn giúp cho ông trang trải tiền ăn học. Từng tờ, từng tờ giấy bạc mỏng dính được gói kỹ trong mấy lớp nhật trình để trong chiếc bịch nylon nhỏ xíu do một người đồng hương đi buôn chuyến chuyển đến, mà mỗi lần mở ra, ông thấy như hiển hiện mùi mồ hôi và những giọt nước mắt của chị mình! – cùng với những tháng năm khốn khó mãi mãi là dấu ấn ông không thể nào quên ! Hình ảnh ấy cho mãi đến bây giờ ông vẫn còn đa mang, đến nỗi mỗi lần thấy ai đó xòe ra những tờ tiền bị gấp nếp chồng chéo, ông vẫn cứ giật mình thon thót! Đã mấy mươi năm rồi mà như mới xảy đến hôm qua… Bóng dáng thanh thoát của chị ông với mái tóc thề thoang thoảng mùi hương trinh nữ thoắt ẩn, thoắt hiện ở đâu đó qua hình bóng khác trên một con đường, một bến sông hay một địa danh nào thật lạ xa … Những hình ảnh ấy tràn đầy sự dữ dội của khung trời bão tố, nó cuộn lên từng áng mây buồn, nó nhuốm chàm lên từng đoạn đời ông đã trải qua và cứ mỗi lần như thế, ông nghe như nặng trĩu trong tim! Không gian như co rút thắt đau, như một cú đập, một vết cắt nghiệt ngã. Nó làm tắt lịm những cơn vui đời của ông …
***
      Buổi sáng ngày thứ tư, ngày cuối cùng của hợp đồng kỳ lạ, bà Sáu đến khách sạn “Đồi Sao” rất sớm. Ông Kiên lại có mặt ở đó trước cả bà và có vẻ rất bận rộn. Có mấy chiếc xe lớn nhỏ đủ loại cùng với rất nhiều người đang khiêng vác các thứ máy móc, dụng cụ mà hầu như bà chỉ mới trông thấy lần đầu.
      Hình như ông Kiên là nhân vật quan trọng nhất trong nhóm. (Bà Sáu nghĩ vậy khi thấy ông liên tục ra lệnh cho người khác). Ông thân thiện vỗ vai bà Sáu, rồi đẩy bà lên một chiếc xe Ford đã có sẵn người ngồi. Họ mỉm cười với bà và bà cũng gật đầu đáp trả. Bà Sáu xem chừng họ có vẻ quen thuộc, cố vắt óc nhớ mãi nhưng vẫn không ra. Hình như bà đã gặp họ ở đâu đó, nhiều lần nữa thì phải! Trông họ giông giống một vài diễn viên nào đó trên mấy tờ lịch quảng cáo hàng năm…

      Đoàn xe càng lúc càng tiến dần về phía ngoại ô xa. Hai bên vệ đường trùng trùng những dãy đồi cỏ biếc. Sau cùng, chúng dừng lại bên cánh rừng thưa cạnh con suối nhỏ chảy róc rách với những tảng đá lớn phủ đầy rêu xanh. Khung cảnh ở đây trông rất hoang sơ. Ở đó, người ta đã dựng sẵn một cái đài cao chừng dăm bảy mét bên trảng cỏ, trên có một cái sàn gỗ nối liền với cầu thang có tay vịn.
…. Ông Kiên đưa bà Sáu đến bên cái đài cao, trên ấy xếp sẵn mấy bao lá – thành quả ba ngày lao động ròng rả của bà -. Đoạn, ông ta dặn dò bà một cách cẩn trọng:
- Bây giờ là công việc phải làm hôm nay của chị: hãy bước lên cái sàn gỗ kia rồi ngồi xuống chiếc ghế đã có sẵn và chờ hiệu lệnh của tôi. Khi nào tôi nói “lá rơi’, chị sẽ liên tục dùng hai tay hốt lá rồi rãi tung lên trời. Nhớ nhé!

      Bà Sáu bắt đầu làm theo sự hướng dẫn của ông Kiên. Hiện giờ, bà đang ngồi ở trên cao, chờ đợi công việc tiến hành. Bà nghiêng người đảo mắt nhìn bao quát khoảng không gian chung quanh. Phía xa xa, rập rờn trong nắng mai, lẫn trong cỏ dại là những bông hoa cát đằng màu tim tím có hình cánh chuông đang lúng liếng nhảy múa theo tiếng rì rào của gió các khúc hoan ca. Từng đợt, từng đợt sắc màu rực rở lượn lờ theo các làn sóng hoa long lanh kia!
      Một khẩu lệnh vang lên, lan xa trong tịch liêu, rồi giữa trảng cỏ xanh biêng biếc xuất hiện hai bóng người, một nam, một nữ. (Đó chính là hai người trẻ tuổi cùng ngồi chung băng ghế với bà trên chuyến xe vừa rồi). Người con trai mặc áo chiến binh, vai khoác ba lô giắt đầy lá ngụy trang, còn người con gái tóc dài thướt tha, áo bà ba màu hoa cà, đẹp đến tím cả lòng người…
      Người con trai giơ tay lên vẫy gọi. Có tiếng còi tàu rúc lên thê thiết. Rồi tiếng chuông đổ, từng hồi chuông vọng về tận khuất nẽo xa xăm. Hình như là sương, sương vật vờ bay… Sương mù từ đâu không biết tụ về phủ mờ nhân ảnh hai người… Theo tầm tay với của người con trai, người thiếu nữ đang run rẫy cố níu lại và nép chặt vào người yêu. Rồi những nụ hôn nồng cháy rực lửa, hai hình bóng nhỏ bé giữa trảng cỏ kia như quấn chặt lấy nhau, hoà quyện lại thành một chủ thể bất khả phân ly…
- Lá rơi! Hiệu lệnh của ông Kiên vang lên.
      Bà Sáu chồm tới, chụp vội vàng từng nắm lá rồi rải tung lên. Từng chiếc lá bung xoè ra trong khoảng trời nhiều gió rồi lắt lay bay. Từng chiếc lá bay lả tả, lấp lánh trong nắng sớm, đồng loạt bừng lên, đồng loạt chìm xuống, rải muôn ngàn hạt vàng phủ trùm lên hai bóng người kia trong làn sương mờ mịt.
      Cuồn cuộn một dòng hồi ức tận trong huyệt mộ linh hồn tưởng chừng như đã mất hút theo dòng dỉ vãng chợt rùng rùng kéo về! Làn sóng hồi ức ấy trào dâng trong từng mạch máu của bà Sáu. Bà như phục sinh lại thời kỳ của tuổi đôi mươi. Bà vụt đứng dậy, hai tay chấp chới ra ngoài khoảng không vô tận.
      Trời ơi, kia kìa, ở phía dưới kia, giữa muôn trùng những cánh lá cuối thu, chính người ấy, người đàn ông đầu đời của bà mấy mươi năm về trước, của thuở tóc bà hãy còn xanh, của thuở họ đã từng nhắn gởi cho nhau câu ước hẹn “muối mặn, gừng cay”:
“ Tay bưng dĩa muối chấm gừng, 
Gừng cay, muối mặn xin đừng quên nhau … “

      Rất rõ ràng, hình bóng người đàn ông ấy đang hiển lộ. Ôi, nhưng sao ông lại buồn đến thế và hình như đang vẫy gọi bà! Bà rướn người tới cố đuổi theo ông … Bà như thấy lại một tình yêu hiến tế, thấy lại niềm hạnh phúc xa xưa của một thuở yêu người mà từ lâu đã vượt ra khỏi tầm tay. Một đoạn phim quá khứ ập về như những đợt sóng, lớp nọ chồng lấp lên lớp kia trùng trùng duyên khởi… Nhưng sao ông cứ lùi mãi, lùi mãi rồi mờ nhạt dần …
      Bà thét gào gọi tên ông, cố níu kéo lại cái hình ảnh quá đỗi thân yêu kia vừa vụt mất. Nỗi hụt hẫng dâng trào làm bà nấc nghẹn, không thốt nên lời! Bà bật khóc nức nở, khóc như chưa từng được khóc bao giờ … Những giọt nước mắt uất nghẹn, ràn rụa trên gương mặt người đàn bà mà cuộc đời đang đi dần về phía cuối hoàng hôn!
-Lá rơi! Lá rơi! Tiếng của ông Kiên vang lên như từ cõi xa nào vọng về.
      Bà Sáu như kẻ mộng du, điên cuồng hốt từng nắm lá vàng vung vãi. Từng nắm lá bỗng biến thành những đám lửa, rừng rực cuộn tròn trong gió lốc, rồi loạn cuồng đuổi bắt nhau làm bà hoa cả mắt. Đám lửa ấy thoắt vụt biến thành đám gai sắt nhọn, cuồng nộ tỏa ra xé toạc khoảng trời xanh thăm thẳm kia, rồi quay đầu lại ghim vào da thịt bà từng vết, từng dấu khằn đớn đau!
-Cắt!
      Mảng hồi ức hoang mê đột ngột chấm dứt bởi một khẩu lệnh khô khốc như tiếng sét, vang dội cả một vạt rừng. Bà Sáu như người bị đẩy xuống một dốc trượt không gượng nổi, ngã xuống rồi chạm tới đáy hiện thực phũ phàng - cái hiện thực hèn mọn nhỏ nhoi của loài cỏ dại vừa tỉnh thức sau giấc mộng hoa hồng!-

      …. Dưới chân câu thang, ông Kiên đã đứng chờ sẵn, dang tay ra cho bà Sáu vin vào cho khỏi ngã.
- Tốt lắm, chị làm rất đạt. – Ông Kiên cất tiếng ngợi khen bà Sáu và dúi vào tay bà một phong bì nhỏ -. Tôi là đạo diễn chính, thay mặt cho đoàn làm phim “Những mùa thu qua” xin chân thành cám ơn chị. Còn đây là số tiền thù lao còn lại cộng với món tiền nhỏ của tôi tặng chị, người có gương mặt giống tợ như người chị yêu quý đã khuất của tôi. Thôi tạm biệt chị nhé, không biết đến bao giờ ta mới gặp lại nhau …
      Bà Sáu ngẩng mặt lên, bất chợt bắt gặp tia nhìn ấm áp của ông Kiên. Bà cụp mắt lại rồi lặng lẽ đi về phía cuối con dốc, rời xa đoàn làm phim …
      Một cơn gió lốc tung thốc tháo đám bụi lá vàng phủ nhạt nhòa ảnh hình người đàn bà khốn khổ kia. Rồi, hình như có một chiếc lá rất nhỏ, nó không rơi xuống, cũng không vút bay lên được, cứ lắt lay mãi rồi mất hút trong gió loạn...

Hà Nguyên

Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2015

Thơ Tranh: Ru Em Tình Nồng


Thơ: Việt Hải
Thơ Tranh: Kim Oanh

Vô Đề


Từ em ngỏ ý sang sông, 
Lòng anh bỗng những cơn giông tràn về. 
Anh nghe đau đớn ê chề, 
Anh nghe như quá não nề xác thân. 

Cuộc tình vừa trọn ba năm, 
Ba năm ân ái, ba năm khổ sầu. 
Dấu yêu giờ đã hằn sâu, 
Cơn đau vừa đủ bạc đầu nhớ thương. 

Dù em xa cách ngàn phương, 
Trong anh em vẫn như thường đâu đây. 
Cuộc đời xế bóng về Tây, 
Đường đời đơn độc, ai hay nỗi buồn! 

Ngày mai lưu lạc tha phương,
Hỏi em có chút nhớ thương một người? 
Riêng anh đời mất nụ cười, 
Riêng anh chỉ có ngậm ngùi mà thôi...

Dodge City, Kansas 1991
Mặc Thái Thủy

Về Lại Chốn Xưa



Xuôi tàu chuyến cuối đến sân ga
Chiều tím dần buông, nắng nhạt nhòa
Sương núi hoen mờ đôi kính lão
Gió rừng lật ngược giải khăn hoa
Quạnh hiu dốc sỏi, mây lam phủ
Trầm mặc hồ trăng, cỏ úa pha
Lặng lẽ mình ta ôn kỷ niệm
Lệ rưng khóe mắt, ướt mi già.

Phương Hà

Người Tình Muôn Thuở

     Năm tôi học lớp đệ nhị, một hôm thầy giáo giảng văn Nguyễn Ðăng Dị nổi hứng cho đề luận: "Hãy diễn tả người bạn trăm năm trong tương lai của trò và phân tích vì sao trò chọn người hôn phối có những đặc tính đó" . Học sinh đọc đề rồi nhìn nhau ngơ ngác . Câu hỏi thật bất ngờ, thật táo bạo đối với một trường trung học vốn rất bảo thủ như ngôi trường công giáo của tôi do linh mục Vũ Ngọc Tấn làm hiệu trưởng . Ðề tài ấy chưa bao giờ được đưa ra bàn cãi trong hay ngoài lớp, vì dưới mắt các thầy cô và phụ huynh, chúng tôi chỉ là lũ con nít, không nên để tâm đến chuyện lứa đôi vì sẽ làm xao nhãng việc học. Việc chọn người bạn đời là việc của người lớn, trẻ con thì biết cái gì ? Bằng cái mắt muỗi mà đã tấp tểnh trai gái! là câu mắng quen thuộc cha mẹ hay dành cho con cái nếu thấy chúng bắt đầu bước vào tuổi lãng mạn. Ngay cả giữa bạn bè con trai với nhau, chúng tôi cũng không bao giờ bàn luận về vấn đề mẫu người lý tưởng vì cảm thấy thiếu tự nhiên .


      Nhưng với riêng tôi, bài luận ấy mở ra một cánh cửa đầy thú vị. Tôi không hề bị đề tài cấp tiến đó làm mình ngại ngùng phơi bầy ý tưởng; mà trái lại còn thấy đó là một cơ hội tốt để viết ra những gì mình đã nhiều lần nghĩ đến nhưng không dám nói ra . Vợ mình sẽ ra sao ư ? Dễ lắm . Nàng sẽ phải là người nhan sắc nguyệt thẹn hoa nhường, giọng nói dịu dàng với một tâm hồn đôn hậu nhưng mơ mộng, tài sắc vẹn toàn, công dung ngôn hạnh v .v . . . Tôi hùng hục gom lại tất cả những mỹ từ để nói về các nhân vật nữ trong những tiểu thuyết mà tôi đã đọc được, từ Loan của Nhất Linh, Mai của Khái Hưng đến Vương Ngọc Yến và Doanh Doanh của Kim Dung rồi đúc kết thành một người mẫu tả trong bài bình giảng rồi nộp lên, những tưởng như thế là đúng ý nhà mô phạm, chắc chắn thế nào cũng kiếm điểm cao . Nhưng thày tôi, nhà văn Nguyễn Ðăng Dị quả thật là . . . dị . Sau khi xem xong bài luận của tôi ông phê: "Tư tưởng quá tầm thường và ước lệ, thiếu phong phú, thiếu óc sáng tạo!" và cho tôi mười một điểm trên hai mươi . Hôm nhận lại bài nhìn số điểm tôi bàng hoàng tự hỏi đáng lẽ ra phải viết thế nào thì mới là có óc sáng tạo ? Khi phê bình bài của tôi trong lớp thầy Dị giải thích điều này như sau:

- Viết như anh Trường thì trẻ con lớp nhất nó cũng viết được . Anh dùng toàn sáo ngữ, lập lại những lời đã đọc được trong các sách tiểu thuyết . Ðó là lối văn từ chương ngày xưa . Văn mới bây giờ nhân vật không cần phải hoàn toàn mà cần phải có bản sắc, tiếng tây gọi là ca-rắc-te . Không có ca-rắc-te thì nhân vật chỉ là một bức tranh đẹp nhưng vô hồn, gây nhàm chán cho người đọc.
Ngừng một chút thầy tiếp:

- Tranh cổ xưa của người họa sĩ từ thời phục hưng trở về trước chỉ lấy những đề tài cao sang hoặc mỹ lệ . Nhưng sau khi trường phái ấn tượng ra đời rồi đến các khuynh hướng sau này sản xuất ra biết bao nhiêu họa phẩm tuyệt tác, các đề tài chỉ là những vật tầm thường đầy những khuyết điểm, nhưng chỉ cần có bản sắc.

     Tôi nghiền ngẫm lời thầy, và cảm thấy thật chí lý. Những lời khuôn vàng thước ngọc ấy từ từ thấm vào vô thức tôi trong nhiều năm sau với một mãnh lực âm thầm thế nào mà đến lúc hai mươi ba tuổi tôi đã gặp Ly - người vợ yêu của tôi sau này - người hội đủ những tính chất mà thầy Dị cho là cần thiết để làm nhân vật chính cho một bài luận văn có giá trị và không ước lệ . Quả thật, nếu thầy Dị còn ở lại Việt Nam sau bảy lăm ắt sẽ hãnh diện vì thằng học trò ruột của mình đã thực hiện đúng lời thầy dạy . Chỉ hơi khác một điều là thay vì lời thày dạy chỉ để áp dụng trong văn chương, tôi lại đem vào để áp dụng cho chính cuộc đời của mình. Thế mới là chết dở!

      Nàng tên là Bùi thị Cao Ly . Nghe nội cái tên không, cũng đủ ngộ . Tương truyền nàng được sinh ra ở Ðà Lạt gần thác Cam Ly, nên bố nàng định lấy tên giòng thác nên thơ đặt cho con gái, nhưng mẹ nàng không thích chữ Cam vì nó vừa mang âm hưởng một loại trái cây vừa có nghĩa là cam chịu, nên bắt phải đổi đi đôi chút . Riêng tôi, một chiều đẹp trời mùa hạ năm xưa ở Sài Gòn, khi được biết tên nàng lần đầu tiên liền rất đỗi là ngạc nhiên . Tôi buột miệng hỏi :
- Bộ ba cô người Ðại Hàn?
      Ðây chỉ là một trong những thí dụ về những câu nói lãng nhách không đúng lúc của tôi . Tuy vẫn biết rằng mình vốn cực kỳ vô duyên, nhưng thông thường tôi không bao giờ hãm phanh kịp khi gặp sự gì có vẻ interesting. Như mọi lần khác, mới há miệng hỏi xong là tôi biết mình vừa phun ra something stupid . Hỏi như thế có khác nào bảo mẹ nàng là me Mỹ?
Nhưng đã quá muộn. Ly lừ mắt nhìn tôi:
- Anh chắc hay nói nhảm lắm phải không ?
Nói xong nàng nguýt tôi thêm một cái nữa rồi quày quả bỏ đi sang nhóm bạn gái .

      Ngày hôm đó là ngày định mệnh của đời tôi. Trường Ðại Học Tổng Hợp, khoa Sinh Vật vừa trở về từ nông trường Nhị Xuân sau hai tuần lễ lao động. Buổi văn nghệ hôm đó được chi đoàn tổ chức để đón mừng chúng tôi, các nhà trí thức trẻ của thế hệ mai sau đã thấm nhuần tình yêu lao động để đào tạo thành một đội ngũ vừa hồng vừa chuyên. Các tiết mục tham gia gồm có một màn vũ dân tộc ít người, ba bốn bản đơn ca và hai bản hợp ca. Văn nghệ vốn là nghề của tôi. Ngoài phần tham dự vào hai bản hợp ca là Sông Lô và Anh Em Ơi Tấc Ðất Tấc Vàng, tôi còn phục vụ thêm một bài đơn ca Ðời Gọi Em Biết Bao Lần, một sáng tác đang ăn khách của Trịnh Công Sơn. Nhạc cụ chỉ có hai cây đàn ghi ta, hệ thống ăm-pli khi thì ọc ạch phều phào như giọng ông lão tám mươi, khi thì ré lên như trẻ con thiếu sữa. Nhưng như thế cũng chẳng sao, vì những trái tim non đầy nhiệt huyết của chúng tôi rất dễ tìm thấy nguồn vui. Dưới ánh đèn lòe loẹt chiếu qua từ cái carrousel quay hì hục bằng tay có dán những miếng giấy bóng kính tròn đủ màu, chúng tôi gân cổ hát.

       Ðám khán giả sinh viên, đã quá quen với các tiết mục nghèo nàn và trình độ yếu kém của các buổi văn nghệ đại học, tỏ ra rất khoan hồng trong sự thưởng ngoạn . Họ không bao giờ la ó khi màn trình diễn có dở đến đâu chăng nữa . Ví dụ điển hình là màn đơn ca của tôi, Lê Trường, ca sĩ chính của lớp C ban sinh vật . Bản nhạc đó tôi thuộc nằm lòng từng gam một . Khổ nỗi cây ghi ta của ban văn nghệ lớp mà tôi phải sử dụng hôm nay tên nào đã vặn cao lên cả hai ba tông so với cây đàn của tôi ở nhà . Do đó khi hát tới những nốt cao của bản nhạc, giọng ca ngày thường rất trầm ấm của tôi đã trở thành the thé như âm thanh của Nhạc Bất Quần sau khi luyện xong Tịch Tà Kiếm Phổ, tiếng chuyên nghiệp gọi là bể dĩa . Nhưng cử tọa không hề phàn nàn và vẫn dành cho người hát những tràng pháo tay dòn dã khi tôi cúi đầu chào để chấm dứt phần trình diễn .

      Xuống sân khấu, tôi bước nhanh về dãy bàn của đám bạn con trai. Khi đi ngang mấy bàn đầu của giảng đường bỗng tôi nghe có một giọng nữ:
- Lê Trường hát hay qua !
Nghe tiếng quen tôi quay lại, nhìn ra người gọi . Ðó là Bùi thị Báu, cô bạn cùng tổ học tập với tôi, sắp thôi học để lập gia đình vào tháng tới . Báu vẫy tôi lại gần, vỗ tay khích lệ màn đơn ca của tôi rồi nói tiếp:
- Bữa đám cưới mình tháng tới, Trường hát dùm vài bản được không ?

      Tôi mỉm cười gật đầu, hãnh diện nhìn các bạn cùng lớp ngồi gần đó, nhưng mọi người đang chăm chú nghe xướng ngôn viên giới thiệu tiết mục kế tiếp chẳng ai thèm để ý tới chàng ca sĩ đầy triển vọng . Ðang định quay bước bỗng mắt tôi ngừng lại ở bên cạnh Báu . Một người con gái mặc chiếc áo xanh lam viền ren trắng, tóc thề xõa ngang vai, hao hao giống Báu cũng đang nhìn tôi với đôi mắt ngây thơ đen huyền thật đẹp . Người con gái còn quá trẻ, chắc chắn không học lớp tôi vì tôi chưa gặp bao giờ . Thấy tôi đứng nhìn không chớp mắt Báu vội vàng xua tay:

- Thôi đi đi ông tướng, đừng có lộn xộn . Ðây là em gái của mình đó, còn nhỏ lắm, mới học lớp mười hai .

Tôi vẫn còn nhớ mãi cái phút ban đầu lưu luyến ấy . Nếu ngày xưa một thi nhân đã nói vì yêu em anh trở thành thi sĩ thì thật đúng với trường hợp của tôi bây giờ biết bao, vì khi trở về chỗ ngồi tôi đã hí hoáy sáng tác được một bài thơ bốn câu :


Gặp em một chiều khuôn viên rợp mát
Tuổi em hồng tựa từng phiến mây trôi
Ta ngỡ mình như cánh nhạn lưng trời
Xin em giữ hộ ta niềm xao xuyến


      Sau này mỗi lần đọc lại bốn câu thơ đó tôi vẫn còn phục cho tuyệt kỹ Thiết Diện Bì của mình . Rõ thơ con cóc đến thế mà vẫn can đảm mang đi tán gái thì lì thật !
      Nhưng cuối cùng thì bài thơ đó đã làm nên lịch sử . Cao Ly đọc xong cảm động vì những lời thơ ướt át, và sau đó, nàng đã chịu liếc mắt ngó qua tờ đơn xin "một chỗ ngồi trong trái tim" của nhà thi sĩ mầm non . Từ đó, tôi đến chơi nhà chị Báu luôn, mối tình chúng tôi ngày một nở hoa và tôi định năm sau ra trường sẽ xin phép gia đình cưới nàng . Nhưng một trở ngại khiến cho cuộc nhân duyên của chúng tôi suýt nữa tan theo bọt nước: một ông thầy bói, tên là Tổng Dần, cựu chánh tổng quen thân với gia đình nàng từ ngoài Hải Dương sau khi biết tôi tuổi Dậu nàng tuổi Mẹo đã phán rằng Tý Ngọ Mẹo Dậu bất khả phối ngẫu . Nghe qua thì có lý, nhưng theo tiếng Tàu thì con giáp mẹo thực ra là con thỏ, chứ không phải là con mèo . Tôi đem lý luận này để cãi với ông thầy bói, thì ông ta đâm tức và nói xấu tôi với mẹ nàng :
- Tôi xem cậu này chẳng những số không hạp với cô Ly mà lại còn mang tánh hay lý sự . Gả hay không là tùy ý bà, tôi hoàn toàn không chịu trách nhiệm . Ở đây chỗ đồng hương tôi chỉ nói theo sách vở thánh hiền để lại . Vả lại, cô Ly là con mèo, cậu đó con gà . Bà có nghe người ta bảo “mèo mả gà đồng” hay không ?

Lời phán thâm độc này từ miệng một tiên tri thử hỏi làm sao mà mẹ Ly dám mạo hiểm gả ái nữ cho tôi ? Sau này tôi còn được biết là ông thầy bói đó có một thằng con trai tuổi Sửu, thấy Cao Ly xinh đẹp muốn ngấm nghé nên ông ngoài việc phá đám tôi còn ra sức ca ngợi sự tương hợp giữa tuổi con ông ta và Ly :
- Con trâu dương cương mạnh khỏe, con mèo âm nhu yếu ớt, như thế là bổ túc cho nhau, hợp với nhau hết chỗ chê !

      Mẹ nàng tuy tin lý luận ông thầy bói nhưng khi nghe đến con trai ông ta, thì bà quyết định rằng thà để con gái mình ở vậy còn hơn. Thằng con ông lêu lổng từ nhỏ, lớn lên theo bọn cách mạng ba mươi chẳng chịu học hành gì cả, hằng ngày vác AK47 ngồi ở trụ sở phường hoặc ra chợ An Ðông để đuổi các hàng quà bánh họp bán dọc theo các lối vào chợ . Tuy nhiên ông rất hãnh diện vì nhờ có thằng con này mà ông ta không bị đi cải tạo về tội hành nghề thầy bói . Mẹ Ly lo lắng ra về và phân vân cho đường chồng con của đứa con gái yêu, không biết làm thế nào để cung phu của nàng được toàn vẹn đôi đường . Hôm gia đình tôi đến để đánh tiếng, bà trả lời:
- Cậu Trường thì chúng tôi không có điều gì chê bai . Nhưng mà các cụ thường nói, Tý Ngọ Mẹo Dậu . . .

      Tôi đã chuẩn bị từ trước nên chõ miệng đáp ngay: 
- Bác đừng lo, cháu quen một ông thầy Tàu chuyên môn cải tuổi . Ổng chỉ cần lập đàn cúng là cháu biến thành tuổi khác ngay lập tức .
Nghe vậy mẹ Ly mừng lắm . Bà hỏi dồn :
- Vậy hả ? Ông ấy cải số được hay sao ? Tên là ông gì ?

Tình hình thuận lợi thấy rõ, tôi nói tiếp :
- Thày Gia Cát Phương đường Khổng Tử chuyên cứu nhân độ thế, đã từng cải số cho bao nhiêu cặp vợ chồng ở Sài Gòn Chợ Lớn đó bác .

      Thực ra cái thằng pháp sư ba tầu đó đã nhận mấy trăm bạc để đổi tuổi của tôi, chứ chẳng cứu nhân độ thế gì ráo . Ðể tiết kiệm thời giờ và tiền bạc, hắn lập đàn tập thể cho mười mấy thân chủ cùng một lúc, nên chỉ phải mua có một lần heo quay và tiền vàng mã . Chuyện đó không sao, miễn có lập đàn là được . Tôi xem trong mười hai con giáp, chỉ có con rồng là oai phong lẫm liệt hơn cả, nên tỏ ý được biến ra tuổi thìn . Ðược đổi cầm tinh, mất tiền dại gì mà không lựa ? Nhưng không biết quyển bí kíp thằng cha này tham khảo là loại gì mà hắn nằng nặc bắt tôi phải đổi thành tuổi tuất . Hắn bảo :
- Chó mèo đều là giống vật nuôi trong nhà . Chó giữ nhà, mèo bắt chuột, nghĩa là vợ chồng cùng có một chí hướng . Cung thê rất quan trọng, nếu trắc trở cần phải được bổ túc bằng phép hoán vị ( ? ) mới được toàn vẹn .

      Ðúng là bói ra ma quét nhà ra rác, tôi nghĩ thầm . Mèo với chó thì hợp nhau cái . . . chó gì ? Thế còn câu nói dân gian “cắn nhau như chó với mèo” đâu sao không nhắc tới ? Nhưng cãi làm sao đặng, lạng quạng hắn không thèm nhận lễ để mặc tôi ở tuổi gà thì khốn, đừng hòng mà lấy được Ly . Thế là sau hôm đó, tôi bỗng mang cầm tinh của loài người ta gọi là "chẳng phải voi mà chẳng phải trâu". Âu cũng là số mệnh cả !

      Lấy nhau xong được vài năm chúng tôi từ giã quê hương xuống ghe lên đường ra biển . Sau khi nằm ở các trại tỵ nạn hơn một năm, chúng tôi đến định cư trong một tỉnh nhỏ ở Arkansas . Tôi xin được chân chạy bàn cho Kentucky Fried Chicken, lương ít nhưng cũng tạm đủ sống . Ly làm phụ giảng cho những người Việt Nam mới đến học lớp ESL của YMCA . Thành phố nhỏ bé này quá hiu quạnh chỉ chạy xe chừng mươi phút đã hết phố nên chỉ ở đó có hơn hai năm tôi đã muốn dọn đi .    Những người cùng xóm đều đã move xuống Houston, thỉnh thoảng trở lại thăm tôi để khoe về những cái vĩ đại của thành phố văn minh tráng lệ đó, y như sau 75 bộ đội miền Bắc về quê kể cho làng xóm nghe những sự lạ của Sài Gòn . Tôi bàn với Cao Ly ý định về Houston nhưng nàng bảo:
- Anh nhớ là bây giờ anh mang tuổi tuất . Con chó phải giữ nhà, phải ở một chỗ cố định. Nếu hay di chuyển, hay đi thì không tốt, thành ra chó chạy rông rồi còn gì ?

       Nghe nhắc tới chuyện bị đổi thành tuổi chó năm xưa, nỗi uất ức cả hai cái thằng cha thầy bói Tổng Dần lẫn Gia Cát Phương tưởng đã quên bỗng chút xíu nữa bừng bừng quay lại . Vì vụ này mà hôm sinh nhật năm trước, tôi tức cảnh sinh tình sáng tác bài thơ lấy tựa là Hóa Thân:


Xưa ta mang đời kim kê oai dũng
Tuổi trời cho đã được định rành đây
Nhưng yêu em nên đành phải lưu đầy
Ðành giam mãi số phần trong mạng cẩu
Tuổi thât ta chính ra là tuổi dậu
Sao thế gian bày lắm chuyện ngu ngơ
Làm tao nhân luống hận tới bây giờ
Hờn ôm trọn trong nỗi buồn tuổi chó


      Tôi cố gắng bắt chước vẻ hào khí trong bài thơ Nhớ Rừng của Thế Lữ, nhưng không thành công lắm vì giọng khuyển làm sao oai được như giọng hùm ? Cao Ly đọc thơ tôi, cười hinh hích rất là đắc chí. Với nàng, chuyện đổi tuổi của tôi là một chiến tích hào hùng mà nàng thường hãnh diện khoe với bạn bè rằng tôi đã yêu vợ đến nỗi đành đoạn hoán vị số mạng . Nhưng tôi không để nỗi buồn năm xưa nung nấu phá hỏng mưu đồ vĩ đại trong việc thoát ra khỏi cái thành phố buồn tênh này . Tôi bèn đổi chiến thuật, đánh đúng yếu điểm kẻ địch :
- Trên này phố xá nhỏ xíu . Ở dưới Houston có shopping nhiều lắm, tha hồ cho em đi mua sắm . Anh nghe nói nguyên cái Sharptown Mall không đã bự bằng năm lần cái mall lớn nhất trên này . Lại còn phố Việt phố Tầu đầy tiệm vàng của người Việt, vô số tiệm ăn ngon . Món bánh canh Trảng Bàng trên đó nghe nói còn ngon hơn tiệm bánh canh đường Lý Thái Tổ nữa !

      Vừa nói tôi vừa liếc nhìn Ly dò phản ứng . Quả nhiên đôi mắt đẹp của nàng trông mơ màng hẳn ra, cơ hồ như đang hình dung nàng đứng trước những khung cửa kính sáng rực bên trong đầy những trang phục lộng lẫy; hoặc dán mũi vào những quầy nữ trang trong các tiệm vàng để ngắm nghía các đôi bông tai vàng chóe nằm lẫn lộn giữa những chiếc vòng cẩm thạch màu xanh biếc . Nhưng sau cùng, có lẽ bốn chữ bánh canh Trảng Bàng đã có mãnh lực lôi cuốn hơn cả vì nàng nuốt nước bọt rồi cãi lại một cách yếu ớt :
- Em đang làm át xít tăng ở đây, lên đó biết tìm việc được không mà đòi có tiền đi phố ăn tiệm . . .

      Tôi hơi tự ái vì xem chừng nàng chẳng coi khả năng kiếm tiền của tôi ra ký lô nào . Cái nghề busboy của tôi tuy ít lương nhưng dễ kiếm việc, chẳng lẽ không tìm nổi một chỗ trên Houston thì còn giời đất nào nữa ? Ông bà phò hộ mà cho tôi cầy hai job rửa chén tuần xỉu xỉu sáu bảy chục tiếng, thì Ly có môn tha hồ sắm vàng mệt nghỉ chứ đừng nói tới ba cái vụ ăn tiệm lẻ tẻ! Tôi hùng hồn tuyên bố:
- Anh hứa danh dự lên đó mỗi tuần anh sẽ đưa em đi ăn một lần . Chịu chưa !

       Nghe tới đó thì kẻ địch chịu hết nổi sự cám dỗ của hình ảnh tô bánh canh giò heo thơm mỡ hành nổi trên mặt nước lèo vàng óng . Biết tính Ly tham ăn nên tôi thường mang các món khoái khẩu để dụ dỗ cho nàng đồng ý với những hoạch định của tôi . Như thường lệ, tôi thành công một cách dễ dàng sau khi tung ngón đòn bánh canh sát thủ . Thế là chỉ hơn tháng sau, chúng tôi đã khăn gói quả mướp thuê một chiếc U-Haul chạy lên Houston, thuê một căn apartment ở vùng southwest . Quả nhiên trong hai tuần tôi tìm được một chân chạy bàn ở quán phở Việt Hương . Vốn chăm chỉ nên tôi nhận làm nguyên ngày mười tiếng, chỉ nghỉ có ngày chủ nhật . Còn Ly tìm mãi không ra một chân teacher assistant vì nơi nào cũng đòi ít nhất mười hai credit hours của sophomore English . Thế là Ly phải ghi danh ở Texas Southern University để lấy đủ số credit cần thiết . Nàng học rất chăm, có khi chong đèn thức đến hai ba giờ sáng để học bài, những bài học cao siêu trong những quyển sách dày cộm mà hễ mỗi lần tôi nhìn vào lại thấy nhức đầu vì không hiểu gì cả . Tra tự điển năm lần bẩy lượt, tôi mới biết rằng cái tựa của quyển sách có tên là Văn Chương Mỹ Thế Kỷ Thứ Mười Chín . Chao ôi ! Chỉ nội nghe cái tựa đó không, tôi cũng đủ nể nang cho trình độ học vấn uyên bác của người vợ yêu dấu. 

      Càng nghĩ tôi càng phục tài nàng . Sao Ly lại giỏi đến thế ? Không bao giờ tôi mơ là có ngày mình được diễm phúc là phu quân một nhà nữ học giả, dám nghiên cứu cả đến nền văn chương của một quốc gia văn minh nhất trên thế giới . Do đó, tôi càng chăm chỉ rửa chén bát ở tiệm phở để Ly yên tâm trong công cuộc vĩ đại đó . Những chồng bát cao có ngọn, cái góc buồng rửa chén tối tăm ẩm thấp nhiều gián chạy tứ tung sớm muộn gì cũng lãnh giấy phạt thiếu vệ sinh của city và được lên TV trong chương trình Marvin Zindler cũng chẳng làm cho tôi nản chí . Ly cũng thông cảm với anh chồng ít lương và không đòi thực hiện lời hứa ăn tiệm hằng tuần, mặc dù tôi biết trong thâm tâm nàng hình ảnh những tô bún riêu ốc, bún bò huế và nhất là tô bánh canh Trảng Bàng vẫn chưa phai nhạt . Ðể bù lại thỉnh thoảng tôi mang từ tiệm phở về nhà một cà-mèn nước xí quách, hai vợ chồng trộn vào cơm nguội ăn ngon lành, nhìn nhau âu yếm và nghĩ tới cái ngày huy hoàng nàng lấy đủ số credit và đi làm át xít tăng trở lại, sáu đồng một giờ gấp đôi lương tôi hiện nay mà thấy lòng rộn rã khôn tả.

      Tối thứ bảy tuần trước nhân kỷ niệm tám năm từ ngày hai đứa quen nhau, tôi xem báo thấy chợ Fiesta quảng cáo roses on sale - half price, bèn mua về nửa chục tặng vợ, và long trọng mời Ly đi ăn món favorite của nàng ở quán Trảng Bàng . Ly cảm động ra mặt, tung tăng ôm bó hồng ngắm nghía mãi rồi nói thầm vào tai tôi :
- Ly thương anh .

      Rồi nàng phá lệ, cắm điện ủi dùm tôi một bộ quần áo, thêm chiếc cà-vạt mà tôi chưa dùng bao giờ từ ngày sắm . Có bao giờ tôi cần dùng tới nó đâu ? Loay hoay mãi tôi mới thắt xong, tuy vẫn hơi lệch . Tôi cẩn thận xin Ly tí nước hoa bôi lên người, để quyết đánh tan mùi báng bò cố hữu còn phảng phất trên thân thể . Còn nàng mặc áo nhung vàng đậm với chiếc jupe đen, bộ đồ tôi thích nhất . Xuống xe trước quán, Ly ôm chiếc sắc trông thật sang trọng khoác tay tôi yểu điệu bước vào . Tôi cũng nghiêm trang sửa lại cà-vạt khuỳnh tay ra cho nàng như một người điệu nghệ thứ thiệt, mặc dù mắt vẫn dáo dác nhìn quanh lo ngại gặp người quen nhận ra sẽ ngạc nhiên thấy tôi không giống anh Lê văn Trường đầu bù tóc rối quần áo luộm thuộm như hàng ngày . Cũng may trong quán chẳng ai để ý đến tôi . Quán Trảng Bàng này đông khách vào bậc nhất khu southwest, nhưng rồi chúng tôi cũng tìm được một bàn gần cửa, và gọi đồ ăn . Hai tô bánh canh giò heo tỏa khói thật hấp dẫn được bưng ra . Ly vắt chanh, bỏ ớt rồi tấn công mục tiêu ngay . Nhìn nàng say sưa thưởng thức tô bánh canh với chóp mũi lấm tấm mồ hôi vì ớt cay, cái miệng thoa son đỏ chót bóng nhẫy vì mỡ hành thỉnh thoảng ngừng nhai ngẩng lên mỉm cười với tôi, mấy sợi tóc mai được vén lên qua tai để khỏi chấm vào bát súp, tôi cảm thương người thiếu nữ có nhan sắc mặn mòi kia lại vớ phải anh chồng ví lép nên đành phải nhịn bớt thú ăn quà . Tôi tự nhủ sẽ cố gắng rửa bát overtime để dắt nàng đi ăn tiệm thường xuyên hơn.

       Bỗng nhiên, nỗi lo gặp người quen bỗng biến thành sự thực . Cánh cửa mở ra, một người bạn xuất hiện với giọng cười oang oang khi vừa trông thấy tôi :
- Bữa nay tao được nghỉ bếp . Còn mày Trường bộ không phải rửa chén ngoài tiệm hay sao mà ngồi đây ? Tôi quay lại trông thấy Ðôn, thằng bạn thân đã giới thiệu tôi vào làm trong quán phở . Hắn bây giờ đã lên chức phụ bếp, bổn phận mới gồm có nhặt rau và rửa xương . Ðôn vui tính hay nghịch phá, chúng tôi thường lẻn ra sau tiệm phở để hút thuốc lá và tán gẫu . Nhưng hôm nay sao hắn thật vô duyên . Cái miệng bô bô của hắn khai rõ lý lịch tôi giữa công chúng là một điều không thể tha thứ được . Bộ đui hay sao mà hắn không thấy tôi đang ăn mặc chỉnh tề ngồi bên người đẹp ? Không thấy hai bàn tay tôi đã cắt sạch mười móng tay đầy cáu ghét hàng ngày ? Thật là bực với những tên phát ngôn bừa bãi nơi công cộng! Tôi lờ quay đi như không trông thấy hắn . Nhưng Ðôn vốn máu đùa dai, cố tình làm như chưa nhận ra điều đó, hắn tiến sát trước mặt tôi ngắm nghía :
- Sao hôm nay mày mượn đâu ra bộ đồ trông bảnh quá vậy ? Bộ đi ăn cưới hả ? Máy rửa chén hư thì rửa tay chớ ai cho mày nghỉ ?

Tôi đẩy vào vai hắn nói nhỏ :
- Có im ngay cái miệng tươm tướp không thì bảo !

      Ðôn khoái trá, giả vờ le lưỡi sợ hãi, đưa tay chào Ly rồi đi vào phía trong . Ly trông theo rồi nhìn tôi, thấy chồng không vui nàng an ủi :
- Anh Ðôn chỉ hay giỡn . Rửa bát thì đã sao . Nhưng nếu anh chán nghề này, chờ mai mốt em có việc, anh thử đi học làm móng tay lương khá hơn, bây giờ lại đang dễ kiếm việc . Anh khéo tay thế nào cũng học được .

      Tôi nghe vậy lấy làm quan tâm lắm . Nghề làm móng tay, tôi đã nghe từ lâu mà không hiểu sao chưa bao giờ nghĩ đến ? Người có hoa tay như tôi sẽ thành công là cái chắc ! Kế hoạch tương lai của nàng như ánh nắng rọi vào trí óc hạn hẹp của tôi . Cơn giận thằng bạn hồi nãy từ từ tan biến . Tôi thấy mở ra trước mắt một con đường móng tay đầy hy vọng . Vợ mình thông minh thật !

      Hôm qua, sau khi đi hỏi dùm tôi về chương trình tháng rưỡi khóa học manicurist ở đường Fannin, Ly dắt về nhà một con chó mà không biết của ai đi lạc lang thang ở parking lot . Nàng bảo nó cứ lẽo đẽo theo nàng suốt buổi sáng, không nỡ bỏ rơi nên vừa mở cửa xe, nó nhẩy tót ngay vào và quấn quít Ly một cách lạ lùng như chủ thật của nó . Tôi thấy con chó này chẳng có gì đẹp, bộ lông xơ xác, cặp mắt láo liên, bộ dạng ốm yếu . Tôi đem ý nghĩ này nói cho Ly nghe . Nàng im lặng một giây nhìn tôi rồi ngập ngừng khẽ bảo :
- Nó xấu mã nhưng mà tốt nết, giống như anh vậy . Anh còn nhớ ông Gia Cát Phương nói không ? Số em nuôi chó rất hợp

Nguyên Cương Andy
(Vĩnh Trinh chuyển)

Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2015

Các Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp Thành Kính Phân Ưu Cùng Khánh Hà Và Tang Quyến


Một Nhóm Cựu Học Sinh cùng Lớp, Trường Tống Phước Hiệp Vĩnh Long(với Nguyễn Thị Khánh Hà), vừa hay tin buồn Anh Giuse NGÔ THANH TÂM, là Phu quân của bạn Nguyễn Thị Khánh Hà. Anh Sinh ngày 25 tháng tám năm 1939 tại Nam Định Việt- Nam,đã được Chúa gọi về vào ngày 09 tháng Tư năm 2015.
- Lúc 18 giờ tại Oslo- Na Uy. 
- Hưởng thọ 76 tuổi

Xin chân thành gởi lời chia buồn đến bạn và các cháu cùng toàn thể tang quyến. Xin Chúa nâng đỡ gia đình Khánh Hà, trong lúc đau buồn này.
Xin Chúa nhân từ đón nhận Linh Hồn Giuse Ngô Thanh Tâm về hưởng ánh sáng ngàn thu trên quê trời.

Hiệp Nguyện:
Nhóm 1: Bạn cùng Lớp Đệ Thất Trung Học Tống Phước Hiệp - Niên Khóa từ 1956 - 1963
Trần Minh Triết
Nguyễn Phạm Phuơng Lan
Trần thị Hồng Lựu
Nguyễn Thị Kim Châu
Nguyễn Thị Kim
Võ thị Kim Hoa
Nguyễn Thị Liễu
Lưu thị Hoàng
Nguyễn thị Thủy
Hồ Ngọc Dung

Nhóm 2; Nhóm Cựu Học sinh Tống Phước Hiệp  
Nguyễn Cao Khải 
Cảnh Võ
Tân Thị Tuyển Thục
Phước Nguyễn
Nguyễn Hồng Ẩn
Trần Văn Hoàng
Trần Kim Hoàng
Lê Bửu Trân
Nguyễn Duy Đồng