Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

Chiều Xuân Xưa

Cùng Bạn,
Buồn buồn đọc lại vài trang sách Giáo Khoa Thư năm xưa, từng bài từng hình ảnh đơn sơ trong sách gợi trong tôi bao nỗi nhớ thương thời thơ ấu .Bây giờ trọng tuổi mình càng thấm thía những bài học trong sách . Đọc bài " Chổ Quê Hương Đẹp Hơn Cả " mình cảm thấy bùi ngùi nhớ quê xưa vô cùng . Quê tôi có đẹp gì đâu ,chỉ là đồng ruộng sông nước bình dị phẳng lặng quanh năm , không đồi núi hùng vĩ, không rừng cây hay lăng tẩm uy nghiêm , không nhà cao cửa đẹp hay phố xá sang trọng , nhưng dân cư quê tôi mộc mạc chân quê , học trò hiền lành trọng lễ giáo , chỉ vậy thôi nên nghĩ lại mà thương , mà nhớ những ngày xưa thân ái. Suy ra cho cùng tôi thấy chỉ có cái tình mói làm mình cảm động quyến luyến khó quên.

Tôi xin chép lại bài " Chỗ Quê Hương Đẹp Hơn Cả " mời các bạn đọc chơi và một bài thơ cảm tác của tôi nhân khi đọc bài nầy:
Một người đi du lịch đã nhiều nơi. Hôm về nhà, kẻ quen người thuộc ,hàng xóm, láng giềng đến chơi đông lắm.Một người bạn hỏi: "Ông đi du sơn du thủy, thế tất đã trông thấy nhiều cảnh đẹp. Vậy Ông cho ở đâu là thú hơn cả? " Người du lịch đáp lại rằng: " Cảnh đẹp mắt tôi trông thấy đã nhiều, nhưng không đâu làm cho tôi cảm động, vui thú bằng lúc trở về chốn quê hương, trông thấy cái hàng rào, cái tường đất cũ kỹ của nhà cha mẹ tôi. Từ cái bụi tre ở xó vườn, cho đến con đường khúc khuỷu trong làng, cái gì cũng gợi ra cho tôi những cảm tình chứa chan, kể không sao xiết được "
Xin chào Bạn , chúc cuối tuần an vui.

Thân kính 
Mailoc

Chiều Xuân Xưa

Thời gian chồng chất mãi
Quê cũ tình không phai 
Trả tôi thời trẻ dại 
Hồn lắng tháng năm dài 

Những chiều tan học hay thơ thẩn  
Bên gốc trâm bầu man mác sông 
Duyên dáng nhịp cầu tà áo trắng  
Thuyền ai chầm chậm nước xuôi dòng 

Bần , tràm rủ bóng đan chiều mọng  
Lau lách đìu hiu ngọn gió bồng 
Rải rác ven bờ chà lố nhố 
Thằng chài trên cọc , nước đang ròng 

Sau Tết quê tôi êm ái lắm 
Trời cao gió thoảng điểm mây hồng.
Lúa vàng đã gặt còn trơ rạ 
Ngất ngưởng lưng trâu những mục đồng 

Thấp thoáng cây rơm vờn nắng nhạt 
Hương thơm lúa chín vẫn còn nồng 
Là là cò trắng từng đôi xuống 
Nhún nhẩy tre già mấy ngọn cong 

Ơi ới ! từ xa văng vẳng tiếng 
Cơm chiều khói tỏa giữa trời trong 
Mái chùa ẩn hiện hàng sao rậm ,
Chuông mõ trầm buồn gợi sắc không 

Thoi thóp hôn hoàng chiều sắp tắt 
Màn đêm chầm chậm tối mênh mông
Hồn quê lai láng còn ôm ấp ,
Cảnh ấy chiều xưa khắc mãi lòng...

Mailoc
***
Các Bài Cảm Tác:
Tình Quê Lai Láng 

Chiều xuân xưa, nhớ quê hương
Thuở còn cắp sách tới trường thât vui
Thuyền chài sông nước chảy xuôi,
Cầu tre lắt lẻo ngọt bùi vấn vương.
Nữ sinh duyên dáng khiêm nhường,
Thướt tha tà áo dễ thương trắng ngần.
Đâm đà tình nghĩa thôn lân,
Chùa chiền ẩn hiên xa gần vọng chuông.
Bên đồng lúa chín chân bùn,
Hương thơm ngào ngạt gió luồn heo may.
Trời xuân mát mẻ đẹp thay,
Bên lòng canh cánh những ngày tuổi xanh...
Tình quê lai láng như tranh,
Ghi lòng hoài niêm trưởng thành chẳng quên.
Tha hương lữ thứ lênh đênh,
Tuổi đời chồng chất chông chênh điu buồn....!

Mai Xuân Thanh
Ngày 29 tháng 03 năm 2015
***
Quê Hương Đẹp Hơn Cả

Dù có chu du khắp thế gian
Đâu bằng đất Mẹ đẹp,giàu sang
Rừng vàng rộng lớn dài vô tận
Biển bạc bao la trải ngút ngàn
Thắng cảnh mơ màng:tranh cổ tích
Thôn trang bình dị :ảnh thiên đàng
Quê hương mình đẹp hơn đâu cả
Dù có chu du khắp thế gian.

Song Quang
***
Cánh Đồng Quê Tôi

Quê tôi vùng đất hạ Mê-kông
Bát ngát mênh mông cảnh ruộng đồng
Bông lúa trổ vàng niềm khát vọng
Cánh cò bay lả nỗi hoài mong
Hai mùa mưa nắng đời gian khổ
Những hạt phù sa sắc đẫm hồng
Giấc mộng trôi theo dòng thế sự
Chuỗi ngày lạc hậu chửa khơi thông!

Nguyễn Đắc Thắng
20150104

Lúc Xuân Vừa Về - Ngập Ngừng Bước Chân



Xướng: Lúc Xuân Vừa Về

Mưa phùn khắc khoải bâng khuâng
Giọt chia ly rớt lúc xuân vừa về
Người đi cởi bỏ muội mê
Vào miền thanh tịnh tràn trề khói hương

Bỏ sau lưng vùng trời thương

Những đôi mắt lệ đẫm vương nỗi sầu
Từng cơn đau thắt đậm sâu
Con đường sinh tử cơ cầu lòng rưng

Lâm râm lời nguyện xin đừng

Rời xa! Người hỡi! Hãy ngừng dời chân!

Anh Tú (March 13, 2015)
***
Họa: Ngập Ngừng Bước Chân

Mưa Xuân rơi nhẹ bâng khuâng
Giọt dài giọt ngắn ngàn phương kéo về
Em đi vương vấn bến mê
Anh về gói lại ê chề mùi hương


Mưa về chợt nhớ người thương
Nhớ đôi mắt lệ vấn vương bụi sầu
Nhớ em tình nặng thâm sâu
Chiều nay mưa ướt mái đầu rưng rưng

Em đi ngoảnh lại – thôi đừng
Kẻo anh hy vọng ngập ngừng bước chân.

Dương Hồng Thủy (March 26, 2015)

Tìm Hiểu Về Âm Nhạc Chăm-Pa

      Vừa qua, tôi là một trong số các thành viên của nhóm Văn-Nghệ sĩ Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long đi thực tế sáng tác trong gần 10 ngày tại một số tỉnh miền Trung và Tây nguyên, mà trạm dừng chân cuối cùng là cố đô Huế.

      Trong quá trình đi thực tế để tìm nguồn cảm hứng sáng tác, tôi đã ký họa được một số tranh bằng chất liệu màu nước và bút sắt về cảnh vật và con người dọc đường thiên lý. Song song đó, tôi cũng đã có dịp khảo sát và thu thập được một số tư liệu về dân nhạc Chăm-pa.


      Theo sự nhận định chung của các nhà nghiên cứu, nền văn hóa Chăm-pa có ảnh hưởng rất lớn lao từ văn hóa Ấn Độ: lấy tiếng Phạn làm tiếng bác học, lấy mỹ thuật Ấn làm gốc để đắp tượng và căn bản nhạc thuật cũng bắt nguồn từ đó! Tuy sống trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, nhưng người Chăm vẫn theo hai tôn giáo cổ là Bà la môn giáo và Hồi giáo, có văn tự và ngữ ngôn riêng. Đa số dân chúng vẫn theo chế độ mẫu hệ.

      Đối với người Chăm cổ, âm nhạc là một nghệ thuật mang nhiều thần tính. Tính chất căn bản của nhạc Chăm là mối dây nối liền con người vào thần thánh. Cũng như các tượng Apsara Ấn Độ, những tượng Chăm chúng ta thấy trên các tháp cổ đã ghi lại cử chỉ của các nàng tiên đang múa hát trong cõi thượng giới. Và có lẽ vì quan niệm là của thần thánh nên người Chăm đã không có những mạnh mẽ, oai hùng, mà trái lại, đều mang tính chất buồn!

      Cũng giống như âm nhạc của dân tộc Kinh và các dân tộc thiểu số khác trên đất nước Việt Nam của chúng ta là chỉ truyền lại bằng đường lối truyền khẩu, người Chăm cổ chỉ ghi chép lại các sự kiện của âm nhạc của dỉ vãng mà không hề nghĩ đến chuyện ký âm các điệu thức âm nhạc. Vì thế, ngày nay phần lớn các điệu thức âm nhạc đều đã thất truyền. Hiện tại, chúng ta chỉ còn biết vớt vát được một số cung điệu Chăm hiện nay còn sót lại tại một số tỉnh ở cực Nam Trung bộ, mà nhiều nhất là Ninh Thuận, là nơi có đông đảo người dân tộc Chăm sinh sống và giữ nguyên phong tục, tập quán xưa.

      Âm nhạc dân tộc Chăm-pa có một số điểm tương đồng và có một số điểm khác biệt với âm nhạc của dân tộc Kinh. Trong âm nhạc Chăm cổ, dàn nhạc Chăm gồm có đàn Kuni Kara, kèn hay sáo Sanarai, trống, tù và, kèn đồng và mõ. Dàn nhạc Chăm hiện nay gồm có một hoặc hai nhạc sĩ thổi kèn dăm 7 lỗ gọi là Sarinai (kèn này có họ hàng với kèn Sonah của Trung Quốc và kèn Sahnai của Ấn Độ). Đàn Nhị của người Chăm gọi là Kanhi có điểm đặc biệt là hộp đàn không phải bằng gỗ hay vỏ dừa mà bằng một cái mu rùa.

Trống đôi Ganâng
      Trống Chăm có nhiều loại: trống đôi Ganâng là ai chiếc trống dài buộc vào nhau, do hai người ngồi đối diện đánh trống bằng cùi tay và dùi gõ. Trống một mặt da Barinưng thì có dây chằng để căng mặt trống do nhạc sĩ đánh một mình, ôm trống vào lòng, dùng hai tay vỗ vào vành tang trống và ít khi gõ vào giữa mặt trống. Còn trống lớn thì gọi là Hagar, chuyên để dùng trong loại nhạc lễ. Một chiếc thanh la gọi là Chêng giống như cái chiêng của người Kinh, dùng để đệm theo nhịp trống.

       Một cây đàn rất thông dụng của người Kinh cũng được dùng trong âm nhạc Chăm là cây đàn độc huyền (còn có tên là đàn bầu), người Chăm gọi nó là Rabap Katoh (đọc là ra-bạp ca-tọa), thường được dùng khi hát những bản tình ca.

      Về thể nhạc, loại nhạc phổ thông nhất trong xã hội Chăm là nhạc lễ. Lễ nhạc được dùng trong trong những cuộc lễ kỷ niệm các vị thần thánh. Người Chăm rất chú trọng đến việc tín ngưỡng. Đời sống hàng ngày của họ dường như là một cuộc lễ bái không ngừng. Bất cứ một việc vui mừng, u buồn hay lo sợ nào cũng là cái cớ để người Chăm lễ bái. Bởi vậy, lễ nhạc của họ rất phong phú, mỗi vị thánh hay mỗi loại cúng lễ đều có nhạc điệu riêng.

      Mừng thánh trong gia đình, người Chăm có điệu Patra Thagai (điệu trống một cây) hay điệu Ragâm Tagoh Chang (điệu trống vỗ nhiều hơn là đánh dùi) và điệu Tapơ là điệu trống khi xưa mừng tướng thắng trận, nay được dùng để nhớ lại vị anh hùng hiển thánh đó! Điệu Dân bôi (đọc là tần-bồi), nghĩa đen là "chôn đu", được người Chăm gốc Mã Lai sử dụng trong ngày lễ Java. Vào dịp này, họ thường hay dựng những cây đu và đánh trống thổi kèn điệu Dân bôi để giúp vui cho người chơi đu.

      Nhạc lễ của người Chăm dễ dàng biến thành nhạc hội với điệu trống Padit (đọc là pa-tịt) có nghĩa là con bướm, phụ họa cho các cô gái Chăm cầm quạt bắt chước bướm bay trong những ngày giỗ các bà hoàng, các công chúa. Điệu Jalitai (đọc là chà-li-tai) thì được dùng trong cuộc lễ kỷ niệm một vị thần người Java, khi xưa vượt biển đến cứu nguy cho người Chăm, nhưng chẳng may bị chết chìm dưới biển.

      Theo sử sách ghi chép lại, trong âm nhạc Chăm có hơn 100 điệu trống để dùng trong các điệu nhạc lễ. Ngoài những lễ kỷ niệm các thần thánh và anh hùng liệt sĩ, người Chăm còn có nhiều lễ khác như Pơ Pahâng Yang (lễ mở cửa tháp), Yuông Yang (lễ khai mương, cầu đảo), Trung Li Ua (lễ hạ điền), Pakap Hlâu Krong (lễ xin đừng mưa trong mùa gặt)... Mỗi lễ đều có một điệu nhạc riêng.

      Xét chung, nhạc lễ của người Chăm là một loại nhạc tôn nghiêm nhưng vương vấn nhiều nhạc tính buồn. Có lẽ họ đã mượn dịp lễ bái để tưởng nhớ thời oanh liệt xa xưa của tổ tiên họ. Nỗi nhớ nhung đó được phô bày trong các loại truyện ca, anh hùng ca của người Chăm. Họ có nhiều nhân vật lịch sử để đưa vào huyền sử ca, như Chây Talim là một vị tướng khi còn trẻ nhà nghèo, sống nhờ một cây lựu, rồi ra cứu nước phò vua và lập chiến công hiển hách. Khi chết đi, người dân nhớ ơn gọi là “cậu Lựu” (Chây Talim). Cậu (Chây) có nghĩa là thần thánh.

      Chây Axit, Chây Prông là truyện hai anh em nhà nọ, sinh ra trong thời tao loạn, quyết tâm cứu nước và chết tại xứ Ra Đê.

Trống Barinưng
      Truyện ca Chăm thường được các cụ già ôm trống Barinưng hát cho con cháu nghe về chuyện xưa, tích cũ.

      Tình ca Chăm là loại hát đối mang tên là Doh Dam Dara (đọc là tọ-tâm tà-rà) có nghĩa là bài hát ân tình. Nó thường được hát với sự phụ họa của đàn bầu Rabap Katoh, được trai gái hát đối đáp nhau trong ngày hội hay lúc nghỉ ngơi. Lời ca phần nhiều là thơ bình dân của người Chăm, nội dung rất trữ tình, hình thức là là thể thơ lục bát gieo vận lục tứ (6-4) và bát lục (8-6):

      Thây mai mưng dêh thây ô
      Drơh phik kâu lô yom thau rang
      Chek tian mưng asit dih đang
      Mai hu ka urang oan lô nghk…

      (Ai đến từ đàng kia ai đó
      Giống mật (lòng) ta dường như một người
      Để bụng yêu từ nhỏ còn nằm ngửa
      Bây giờ cho người khác tiếc quá trời ơi…)

      Qua bài Doh Dam Dara này, ta thấy thể thơ bình dân Chăm giống như ca dao của người Kinh, theo thể lục bát gieo vận lục tứ (6-4):

Cô kia má đỏ hồng hồng
Cô chửa lấy chồng còn đợi chờ ai?

So với lễ nhạc và truyện ca mang tính chất hoài cổ và bi lụy, tình ca (Doh Dam Dara) là những bài thơ trữ tình gắn liền con người vào công việc hàng ngày:

Dun tian gơp biak atah
Loh mai talah oan tian lô lingik
Lingik halây pajơng klong mai
Urang yâu padai klong yâu râlang
Ai râu min hu urang dok taphia
Adây râu mưjua doh tha dray.

(Chiều lòng nhau quá thật lâu
Bây giờ chia ly đau lòng trời ơi
Trời nào sinh tôi ra
Người ta như hột lúa chắc
Tôi như hột lúa lép
Anh buồn nhưng có người ở gần
Em buồn em sống lẻ loi một mình).

Đàn Kanhi
      Táng ca cũng đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người Chăm. Người chết, trước khi đem hỏa thiêu, được các thầy cả coi việc lễ trong làng tới ru hồn bằng những điệu Doh Dam Mưtai được hát với sự phụ họa của đàn nhị mu rùa Kanhi. Lời hát thường nói rằng:

Sống trên đời là sống tạm
Coi như đi buôn bán về tinh thần
Trời cho sống thử thách ai gian ai ngay
Sinh ra trần truồng hai bàn tay không
Chết đi hai bàn tay trắng
Sống có đức thì lên thiên đàng
Sống không có đức thì xuống địa ngục.

      Tóm lại, qua một số điệu nhạc lễ, điệu hát kể truyện, điệu tình ca, điệu táng ca… chúng ta thấy trong nhạc ngữ Chăm, có hai hệ thống ngũ cung được họ thường sử dụng là hệ thống DO, RÊ, MI, FA,SOL, SI(b), DO, RE giống như âm giai Bắc của người Kinh và hệ thống DO, MI, FA, SOL, LA rất gần gũi với hơi điệu của hát bài chòi Bình Định và hơi Nam giọng Oán của dân ca Nam Bộ. Trong nhạc Chăm không thể có hơi Nam giọng Ai của nhạc Huế, vì ngũ cung nhạc Chăm là hệ thống DO, MI, FA, SOL, LA, trong khi loại nhạc Nam của Huế lại được xây dựng trên hệ thống DO, MI, FA, SOL, LA(non). Có thể trong dỉ vãng, người Kinh ở miền Bắc, vốn quen dùng ngũ cung đúng (DO, RÊ, FA, SOL, LA), khi vào phương Nam đã bị nhạc Chăm với ngũ cung oán (DO, MI, FA, SOL, LA) quyến rũ, rồi sáng tạo ra ngũ cung ai (DO, RE non, FA già, SOL, LA non) chăng?

Tín Đức 

*Tài liệu tham khảo:

- Thái Văn Kiểm: Loạt bài viết về dân tộc Chăm
- Trần Văn Khê: La Musique Vietnamiene Traditionelle.

Xuân Mai


Ngoài sân rực rỡ chậu hoàng mai
Đứng giữa thinh không dáng tượng đài
Dưới nắng bung xòe năm cánh mỏng
Trên cây kết chặt mấy nhành sai
Gọi duyên thục nữ nơi khuê các
Nhắc khách tha hương buổi thái lai
Thanh khiết hồn hoa màu sáng đẹp
Sắc xuân muôn thuở chẳng mờ phai.

Nguyễn Đắc Thắng
20150326

Hương Lan CHS Tống Phước Hiệp Gặp Gỡ Bạn Xưa - Vĩnh Long2015







Trương Văn Phú

Viết Mãi...Dòng Thơ


Không gian lặng
Cho cuộc đời tĩnh lặng
Ta hoài mong một khoảng trắng tâm hồn
Chiều yên ả mà nhân sinh rối rắm
Mộng an bình để ngồi ngắm hoàng hôn

Ta dệt mãi giấc mơ ngày xưa cũ
Đêm buông mành cho liễu rũ bờ ao
Cành tha thướt lao xao cười với gió
Trăng ưu tư từ cái thuở xa nào ?

Không gian lặng
Như thầm ru phiến đá
Trơ vơ buồn và xa lạ miên man
Đời vất vả giữa dòng quay tất bật
Biết tìm đâu ?
Ôi! Góc nhỏ địa đàng

Và cứ thế
Ta đếm ngày lặng lẽ
Đêm trầm tư cùng quạnh quẽ thâu canh
Tháng năm cũng...qua dần
Và cứ thế
Một dòng thơ
Viết mãi vẫn không thành.

TiCa Nguyễn Xuân Hòa

Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

Thơ Tranh: Chút Tình Xuân...


Bonsai: Lê Kim Thành
Thơ: Khánh Hà & Lê Kim Thành
Trình Bày: Kim Oanh

Huế Đón Anh Về


Huế sẽ vui khi nào anh trở lại
Giòng Hương Giang nhẹ soi bóng đôi mình
Ngôi nhà xưa tràn ngập ánh bình minh
Câu thơ cũ reo vang lời say đắm

Tình năm nao giờ lại càng nồng thắm
Con đò xưa giờ nhớ bến quay về
Tô đậm tình hồng hai chử phu thê
Cuộc đời ngắn tình ta dài muôn thuở

Đây Đập Đá vẫn nụ cười rạng rỡ
Tóc mây bay thơm ngát nhánh sông dài
Cầu Tràng Tiền tay lại nắm bàn tay
Nối nhịp bước đời không còn cô lẻ

Đôi vai thon trong tay anh mạnh mẽ
Đưa em đi qua năm tháng cuộc đời
Tình ngọt ngào tình vẫn mãi đầy vơi
Qua Thượng Tứ Kim Long đầy hoa nở

Cửa Hoàng thành tim vẫn hoài rộng mở
Câu Nam Ai tha thiết đón người về
Hoa phượng hồng nở ngập nẻo đường quê
Áo dài trắng mơn man vờn trong gió

Thanh Long vang tiếng cười đùa trong nắng
Chiều ta về hương lúa ngát tình xưa
Giọt nắng hồng rơi rớt xoá tan mưa
Cầu Bạch Hổ vai kề vai sánh bước

Trăng Vỹ Dạ tựa vai anh đằm thắm
Tình ngọt ngào xoá hết nỗi thương đau
Đôi mắt em là cả một trời sao
Nhìn tha thiết như ngàn lời muốn nói

Huế hôm nay cũng vui mừng hớn hở
Đón anh về ca lại khúc tình quê
Dẫu đời còn đầy dẫy những đam mê
Quên anh nhé, bên em tràn hạnh phúc...

Hoàng Kim Mimosa
AL 3/20/2015 

Tiếng Thu Nhè Nhẹ


Em từ mộng ước mới ra
Bước đi một bước, xa xa lại dừng
Người quen bỗng ngỡ người dưng
Em ơi, em hỡi, thôi đừng nhìn nhau!

Nhìn chi mà nát lòng đau
Đường tình giờ đã thay sầu xót xa
Trăng gầy tàn rụng cánh hoa
Yêu đương tình tự.. như là phù vân..

Em đi .. đi mãi biệt tâm
Lá mùa thu vẫn.. thì thầm bên thu
Thu sang tan lớp sương mù
Gió thu vàng lá.. cho dù ai mong..

Một đêm thức dậy dòng sông
Bước khua hè phố.. chợt lòng quặn đau
Con tim.. nghe những thì thào
Bờ môi rồi đã.. đổi màu hồn nhiên..

Rừng thu cây lá ngủ yên
Bầy chim thôi hót.. ưu phiền bay cao
Nắng thu lên, gió rì rào
Tiếng thu nhè nhẹ ngõ vào hư vô…

VA, trời sang thu
Ngày 1-10-13
Bùi Thanh Tiên

Hỏi Nhỏ


Hỏi Nhỏ Gió ơi hỏi nhỏ chút thôi
Có bao giờ gió xa rời làn mây ?
" Ồ không, mây vẫn phiêu bay
Yêu thương cùng với gió này phiêu du "

Hỏi đôi cánh bướm, bao thu
Có xa xôi để hoa chờ nhớ thương ?
" Ồ không, hoa bướm vấn vương
Tình nồng sao thể gieo buồn cho nhau "

Hỏi con sóng xoáy chân cầu
Có bao giờ xoáy mòn mau nghĩa tình
" Ồ không, tình mãi lung linh
Sóng bên cầu lượn nép mình lứa đôi "

Hỏi người, người đối với người
Sao đem thù hận gieo đời lầm than
" Ồ ta, cũng bởi lòng tham
Sân si quên hết lòng vàng từ tâm... "

Yêu thương từ ấy xa dần
Cái ta lớn quá, trầm luân từng ngày
Túi tham vét mãi chẳng đầy
Chiến tranh máu lửa hận gây hoang tàn

Hỏi tình sao mãi đa đoan
Nỗi đau vò xé lỡ làng chia xa ?
" Thôi người, đừng hỏi nữa mà
Trót yêu, thương nhớ đậm đà sao quên ! "


Trầm Vân
***
Hỏi

Hỏi gió bao giờ xa áng mây
Tạm ngưng quấn quít suốt đêm ngày?
- Ồ không ! Nào dễ chia lìa được
Đã hẹn một đời chắp cánh bay!

Hỏi bướm khi nào chê chán hoa
Cánh tàn, nhụy rã, sắc phôi pha ?
- Ồ không ! Trái đẹp vừa mây mẩy
Hạnh phúc tình yêu đâu dễ xa ! ( * )

Hỏi sóng khi nao bỏ mạn cầu
Để dòng sông cạn, bãi hoang vu ?
- Ồ không ! Nước với cây cầu gỗ
Sẽ mãi bên nhau đến bạc đầu !
            
Hỏi thác khi nào bỏ núi cao
Xuống nơi vườn ruộng, nước tuôn trào ?
- Ồ không, xa dốc sao còn thác
Lờ lững chỉ là lạch nước sâu !

Hỡi cánh chim xanh hãy bỏ rừng
Về đây, trái ngọt trĩu trong vườn
- Ồ không ! Khoảng hẹp sao tung cánh
Đành đổi trời xanh lấy đáy lồng ?!

Hỡi ánh trăng vàng trong bóng đêm
Hãy ra ngày sáng sẽ vui thêm
- Ồ không ! Khi ấy màn tăm tối
Ập xuống trần gian suốt mỗi đêm !

Hỡi kẻ hoài mong một bóng xa
Hãy vui duyên mới, dến cùng ta
- Ồ không ! Lời hẹn còn trăng đó
Kỷ niệm trong tim chửa nhạt nhòa !...

Phương Hà

( Tháng 3/ 2015 )
( * ) Trái cây là kết quả sự giao hòa giữa bướm và hoa

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

Duyên Với Thi Văn

      Đến với thơ văn ở mỗi người mỗi khác, đều có một nét riêng, tuỳ vào hoàn cảnh, môi trường đưa đẩy. Cho dù thế nào, người tìm đến thơ văn vẫn có những điểm chung, trước hết là yêu thích thơ văn, tiếp theo có đôi chút lãng mạn, có trí tưởng tượng phong phú... Riêng tôi, con đường đi đến thi văn do ảnh hưởng từ những người mà tôi có dịp thân cận, gần gũi.                

     Vào năm học Đệ Ngũ, tôi đã say mê tìm hiểu về thơ Đường Luật. Có lẽ do ảnh hưởng của Ông Nội lúc ông còn sinh thời, khi tôi còn  học ở bậc Tiểu Học.
      Tôi không hề biết Bà Nội, chỉ nghe ba tả lại thôi, vì Bà mất lúc Ba chưa lập gia đình. Còn với ông Nội thì tôi nhớ rất rõ. Tướng ông cao ráo, dáng gầy gầy, thường mặc bộ đồ bà ba màu trắng, chân mang đôi guốc vông, với cây dù đen, không hề rời mỗi khi ông ra khỏi nhà. Tuy đã gần 80, nhưng nội tôi còn rất khỏe, tóc của Nội chỉ mới lấm tấm trắng, riêng bộ râu thì bạc hoàn toàn.

      Quê Nội tôi ở Cầu Dừa, Chợ Lách, Vĩnh Long (tên ngày xưa của Phú Phụng), hiện tại mồ mã ông bà, ba má, các cô cùng đứa em trai thứ bảy của tôi đều an nghỉ nơi đây. 
       Lúc sinh thời, Nội cũng đúng góp ít nhiều công sức cho đình làng địa phương, nên được bà con chợ Cầu Dừa đề cử chức danh Kế Hiền.  Tôi nhớ mãi hình ảnh Ông, nhất là trong những ngày gần Tết, từ dưới vườn lên chơi với cháu nội, Ông thường viết câu đối để dán trong nhà, hay đọc thơ Đường và giải thích ý thơ cho cháu nội nghe. Thú thật tôi chẳng hiểu gì, nhưng lại chăm chú nghe. Thấy cháu nghe có vẻ say mê, ông càng hứng khởi mặc dầu đứa cháu nội mới có 8 tuổi.

      Thông thường, nếu một vấn đề nào mà mình đã yêu thích, say mê nhưng không có người để đàm đạo, thảo luận, các điều đó như bị đè nén trong lòng, khi có dịp thì không thể nào chặn lại được.
       Nội tôi cũng vào hoàn cảnh này, ở dưới quê, những người lớn tuổi thường thất học, thì lấy ai nghe, cũng không ai kiên nhẫn để nghe những điều Nội nói. Là một người theo Nho Học, sau chuyển sang Tây Học, Nội tôi vừa có quan niệm của một nhà nho, vừa có những tư tưởng phóng khoáng. Mỗi khi lên chơi cùng cháu nội, Người thường nói thật nhiều về đạo làm người... nhất là về những nhà thơ Đường... đến sau này, tôi cố moi lại trong ký ức những điều Ông nói, nhưng chỉ còn rời rạc những mảnh vụn. 

       Có lẽ từ những mảnh vụn này đã khiến cho Thơ Đường chiếm một vị trí quan trọng trong tôi. Cũng như đến giờ, tôi mới hiểu được, vì sao Nội đem một loại thơ mà ông thường cho rằng "Đường Luật Thi Vi Tiên", nói với một đứa con nít, trong khi chữ Quốc ngữ vẫn chưa rành.
       Khi bước vào năm học đầu tiên, lớp Đệ Thất ở trường Trung Học Tống Phước Hiệp. Lần đầu tiên, tôi được học thơ qua những bài ca dao Lục Bát với cô Từ Tiểu Linh. Cô người Bắc, tuổi khoảng 30 ngoài, có giọng nói thật ngọt ngào, dáng người mảnh khảnh. Tôi rất thích Cô và thích tất cả những gì Cô dạy. Từ nơi Cô, tôi cảm thấy say mê những vầng thơ Lục Bát. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ đến vóc dáng và tên họ của Cô, trong khi ở lớp Đệ Lục tôi không còn nhớ ai đã dạy Văn lớp mình và mình đã học được những gì.
       Đến những năm học kế tiếp, tôi mới thật sự làm quen với thơ Đường và Hán Tự qua sự dìu dắt của Thầy Ngôn. Thầy cũng là người miền Bắc. Dường như Thầy cũng đam mê thơ Đường và các thi nhân Lý Bạch, Đỗ Phủ..như Nội tôi. Mỗi khi dạy những bài thơ Đường của các Thi Nhân này, Thầy giảng giảng, nói nói thật say sưa, đến nước bọt đọng hai bên khóe miệng mà Thầy cũng không biết hay quan tâm. Nhiều lúc tôi cứ ngỡ không phải Thầy đang giảng bài, mà Thầy đang diễn tả cảm xúc của bản thân, Thầy và bài thơ như hoà quyện như Lý Bạch trong bài thơ "Độc Toạ Kính Đình Sơn"

..."Tương khan lưỡng bất yếm"...  

(Cả hai nhìn nhau mà không thấy chán )
       Một hình ảnh giông giống như Nội tôi ngày trước.
...
      Nơi trường, thời gian dạy về thơ Đường luật không nhiều và rất khái quát, không đi sâu vào chi tiết, không thể thỏa mãn, tôi thường tìm tòi học hỏi thêm từ các sách của Phan Kế Bính, Quách Tấn, Dương Qung Hàm... Tìm đọc và sưu tầm thơ Đường Luật, tôi vẫn thường xuyên đọc các quyển Luận Đề về Tú Xương, Tản Đà, Nguyễn Khuyến...hay các tác phẩm Kiều, Bích câu Kỳ Ngộ, hay Chinh Phụ Ngâm... với thể thơ Lục Bát và Song Thất Lục Bát...Từ việc đi tìm các sách về thơ Đường, tôi được làm quen với Thơ Mới trước khi học về loại này ở Đệ Nhị Cấp, qua các bài Tình Già của Phan Khôi, Hổ Nhớ Rừng của Thế Lữ, Ông Đồ của Vũ Đình Liên...

      Thật cũng nực cười, tuy yêu thơ, khi chọn Ban vào lớp Đệ Tam, tôi lại chọn Ban B là ban Toán Lý, mà không chọn Ban C Văn. Đến đổi sau này có người bạn thắc mắc:
- Sao Đức không chọn Ban C mà lại chọn Ban B?
Tôi cười và giải thích
- Đi Thi khi giải đề Toán, đúng sai rất rõ ràng. Còn với một đề văn khi mình phân tích và bình luận, 
đúng ý Giám Khảo thì không gì phải nói. Nếu không hợp ý, dầu hay cách mấy thì cầm chắc đi đời hết 50% điểm cho môn chính. Mình không dám đánh cuộc, thời buổi bấy giờ, thi rớt là đi lính. Trong khi Ba và anh đang là lính nên Ba không muốn mình cũng lính.


      Có những chuyện không thể tin nổi. Khi đi dạy, dư thời gian, tôi xin dạy thêm giờ bên Trung Học, vì tôi vốn là một giáo viên Tiểu Học. Được sắp xếp dạy môn toán lớp 9, đúng với văn bằng Ban Toán của tôi, nhưng sau đó nghịch lý xuất hiện, được Hiệu Trưởng của trường giao dạy thêm môn Văn, cũng lớp 9. Nhà Trường tiếp tục giao cho tôi dạy Văn lớp 10. Tôi thật sự ngạc nhiên, trong những Môn chính của tôi học ở trường sau khi phân Ban, chỉ là Toán Lý Hóa, cũng như Chứng Chỉ Văn Bằng không hề có môn văn chương, thế mà Hiệu Trưởng vẫn tin tưởng và đề nghị tôi dạy Văn lớp 10. 
       Cơ duyên lạ lùng này đến với tôi là kết quả của sự yêu thích thi văn.
      Giờ nghĩ lại, có lẽ Nội, Cô Linh, Thầy Ngôn, chính là những người đem đến cho tôi tình yêu thơ văn, khai thông con đường đi đến thi văn của tôi. Ông Nội, người đầu tiên gieo vào đầu óc non nớt của tôi một thể thơ khắc khe nhất. Cô Từ Tiểu Linh đem đến cho tôi sự thích thú với thơ của dân tộc qua ca dao. Thầy Ngôn tiếp bước Nội khơi dậy trong tôi niềm say mê Thơ Đường Luật. Tôi đã yêu thích thơ từ đó và chắc chắn là mãi mãi..   

     Học Thơ Đường Luật
Mười ba đã thích học thơ Đường
Hán Tự làm quen cũng ở trường 
"Độc Toạ Kính Đình Sơn" Lý Bạch
"Tranh Hai Tố Nữ" Hồ Xuân Hương   
Vừa Bằng lại Trắc sao kỳ quá
Đã Đối thêm Niêm thiệt khó đương
Kiên nhẫn mài mò giờ đã thấu
Trắc Bằng Niêm Đối cũng bình thường
                                                Quên Đi

Huỳnh Hữu Đức

Thu Dạ Tức Sự - Phạm Tông Ngộ

Tiểu sử tác giả

Phạm Ngộ 范悟 cũng thường gọi là Phạm Tông Ngộ 范宗悟 hiệu Liêu Khê, sinh và mất năm nào chưa rõ. Người hương Kính Chủ huyện Giáp Sơn, phủ Tân Hưng, nay thuộc tỉnh Hải Hưng, là anh em ruột của Phạm Mại. Ông nguyên họ Chúc tên Kiên sau vì vua Trần Nhân Tông cho rằng họ Chúc không phải là họ lớn nên đổi làm họ Phạm. Còn Kiên thì lại trùng với tên của Phán thủ Huệ Nghĩa nên đổi làm Ngộ. 

Pham Ngộ tính tình ngay thẳng, làm quan nổi tiếng thanh liêm. Bắt đầu vào triều với chức Thị nội học sinh, dưới triều Trần Minh Tông (1314-1329) ông giữ chức Tri thẩm hình viện sự, sau được thăng Tả ty lang trung rồi lại thăng Tri chính sự, đồng tri thượng thư tả ty sự.

Về thơ văn, sáng tác của Phạm Ngộ hiện còn rất ít, tuy vậy cũng có thể nhận ra ở ông một ngòi bút tả cảnh và trữ tình tinh tế, một thi vị man mác của người hiểu rõ ý nghĩa cuộc đời. Thơ ông rất cô đọng, nhiều ý ít lời. 

Tác phẩm: hiện còn 8 bài thơ, chép trong các bộ hợp tuyển.


 Thu Dạ Tức Sự 

Phá ốc khan tinh dạ vị ương
Tiêu tiêu tứ bích nhiễu hàn tương
Thanh đăng đối ảnh song bồng mấn,
Hoàng quyển luân tâm nhất chú hương
Phong tống thu thanh tuỳ thụ viễn,
Nguyệt phân dạ khí nhập song lương.
Ky hoài lãnh khước hồn vô sự
Thời thính đình ngô lạc hiểu sương
Phạm Tông Ngộ
***
Dịch xuôi: Ðêm Thu Tức Cảnh

Nhà dột trông sao, đêm vấn vương
Nỉ non dế lạnh khóc quanh tường.
Ðèn xanh đối bóng hai màu tóc,
Sách cũ nao lòng một nén hương
Gió quyện tiếng thu luồn khóm lá
Trăng chia hơi mát tỏa bên giường,
Tha hương lạnh cả lòng chăn gối,
Sân vắng cành ngô lác đác sương

Phỏng Dịch: Đêm Thu Tức Cảnh

Đêm khuya vắng nhìn sao mái rách
Dế tỉ tê than trách bên tường
Cùng đèn đối bóng tóc sương
Bên chồng sách cũ nhan hương nao lòng
Tiếng thu vẳng reo trong rừng thẩm
Trăng mơ màng , hơi lẩn vào song
Tha hương buốt giá tâm hồn
Cành ngô sương điểm mênh mông sân ngoài 


Mailoc phỏng dịch

Muộn


Vạn vật dường như cũng ngỡ ngàng
Bởi xuân vắng bóng dẫu mùa sang
Thu tàn, mưa gió còn vương vất
Đông mãn, tiết hàn mãi quẩn quanh
Gió lộng, mưa dầm, đêm rũ rượi
Sương mù, nắng nhạt, ngày băn khoăn
Xuân chưa khởi sắc vì sầu muộn?
Con Tạo già nua ắt lẫn, nhầm?

Khúc Giang

Tranh Vẽ của Tín Đức (3)









Hoạ Sĩ Tín Đức

Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015

Xuân Qua



Ba bốn ngày Xuân
Cũng chóng qua
Cây vẫn tươi nguyên
Lá mượt mà
Trời xanh trong vắt - làn mây trắng
theo gió ngàn bay
Xa - rất xa.

Xuân vẫn còn đây
Có phải không?
Đôi bướm xinh xinh cứ lượn vòng
theo hoa. Ánh nắng vàng đang đượm
soi rọi bờ quê. Sáng cánh đồng

Lạc bước phù du
Lạc bóng Xuân
Nhớ lắm xưa_xa - khóm Cúc Tần
mùa Thu. Năm ấy còn đâu nữa
Xuân đến rồi đi?
Xuân
Ới Xuân!

TiCa Nguyễn Xuân Hòa

Hội Ngộ Cựu Giáo Sinh Sư Phạm Vĩnh Long Tại Trà Vinh - 24/3/2015




 






 Trương Văn Phú

Thơ Tranh: Mê Muội


Thơ & Thơ Tranh: Kim Quang

Giả Sử ...


Giả sử mình đừng tự ái lâu
Anh EM hai đứa chẳng âu sầu
Đường chia hai ngã chừ xa vắng
Nỗi nhớ không tên đến nghẹn ngào

Giả sử mỗi ngày cứ họa thơ
Niềm tin trong sáng đẹp vô bờ
Nụ cười theo đó vui đời sống
Xóa những muộn phiền bên dốc mơ

Giả sử chúng mình đừng lặng thinh
Biết đâu hai đứa thắm duyên tình
Nắng hồng buổi sáng cùng chào đón
Hạnh phúc dễ chừng đến đẹp xinh

Giả sử EM đừng dọa bỏ đi
Trách anh hờ hững đã nhiều khi
Làm anh bối rối rồi lầm lẫn
Từng bước một xa chẳng hiểu gì

Gỉa sử chúng mình đừng có thân
Thì đâu có nhớ đến trăm lần
Nào ai cay đắng và chê trách
Giờ mãi tiếc hoài một bóng Xuân

Gỉa sử ngày kia không gặp nhau
Thì đâu lưu luyến đến hoen sầu
Đâu ngồi nắn nót vần thơ mộng
Để kể cho người những xuyến xao

Giả sử gặp nhau chẳng mỉm cười
Thì đâu có nhớ đến buồn vơi
Đâu thèm thao thức vì ... vơ vẩn
Và chẳng nhìn quanh kiếm bóng người

Giả sử mình cười, chẳng nói năng
Thì đâu ngơ ngẩn hẹn cùng trăng
Từng đêm tâm sự hòa mây gió
Cho thấm sương mềm đến lạnh băng

Giả sử chuyện trò chút xíu thôi
Cũng đâu ấm lẹ trái tim côi
Tại mình lýnh quýnh khi từ biệt
Đã lỡ trao rồi, một đóa môi ..

Hoàng Dũng

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2015

Bài Thơ Cho Sinh Nhật Cháu Nam Phương

Tuổi già sống bằng tình thương của con cháu. Ngày xuân, xin được chia xẻ với mọi người thân quí chút tình giữa hai ông cháu tôi.

Happy Birthday To Nam Phuong


A flashback to 7 years ago
My granddaughter was 10 year old
And i was 76 year young
Our home was full of joyful noises

Then came one quiet night
While i was reading in my room
My granddaughter entered in silence
With tears in her eyes
Grandpa, how old are you?
I don't want you getting old !

I was taken aback in a moment
Then i remembered over tonight dinner with her mom and grandma
I accidentally mentioned about some aging problems
Such as hearing, seeing, talking difficulties
(getting old means people will gradually become deaf, blind,stupid, talking non sense, day dreamer...)

I was speechless
I didn't know how to say
I wish that i could to tell her that her tears falling down tonight that are able to raise me up
That really make me feel warm deep down in my heart and that really help me to
Regain my strength lost due to my old age depression

Since , seven years have passed by peacefully
Now my granddaughter becomes a seventeen year old girl
And i am entering the age of 83
She has really grown up and become the most ever lovely young girl in this world to me
and, i, her grandpa is ...still not that old 

Spring is coming in full bloom
And seems to say together with me today
Happy birthday to you Nam Phuong!

Phạm Khắc Trí
***
Bài Thơ Cho Sinh Nhật Cháu Nam Phương

Nhớ bảy năm về trước
Cháu tôi mới lên mười
Tôi mới vừa bảy sáu
Nhà vang rộn tiếng cười

Một buổi tối êm ả
Thơ thẩn trong thư phòng
Cháu bước vào lặng lẽ
Nước mắt đầy mắt trong
Ngước nhìn ông cháu hỏi
How old are you, nội?
Ông đừng già nghe ông

Tôi bàng hoàng xúc động
Rồi mới chợt nhớ ra
Bữa cơm chiều vừa qua
Vô tình tôi đã nói
Những bệnh về tuổi già


Rồi tai sẽ nghễng ngãng
Rồi mắt sẽ mù mờ
Rồi nói năng lẩm cẩm
Rồi sống như trong mơ
(Hạc vàng đâu trở lại
Để mây trời bơ vơ ...)

Nói gì đây với cháu
Nghẹn ngào chẳng thành lời
Nước mắt đã chảy ngược
Đã làm ấm lòng tôi

Kể từ đó, mưa nắng
Đã bảy năm trôi qua
Nay cháu đã mười bảy
Ông giờ đã tám ba 

Cháu trở thành thiếu nữ
Và, ông ...vẫn chưa già
Chúc mừng sinh nhật cháu
Một trời xuân nở ho
a

Phạm Khắc Trí