Thứ Ba, 3 tháng 3, 2015

Thơ Tranh: Cung Chúc Tân Xuân


Thơ & Hình: Đỗ Chiêu Đức
Trình Bày: Kim Oanh
***
Các Bài Họa:

Thơ: Quên Đi
Trình Bày: Kim Oanh
*** 

Thơ:Mai Xuân Thanh
Trình Bày: Kim Oanh

Xướng Họa: Tượng Đá Ngắm Hoa



Tượng Đá Ngắm Hoa

Thơ thẩn vườn khuya tóc ẩm sương
Mình anh thu bóng suốt đêm trường
Nhìn sao thăm thẳm niềm da diết
Ngắm cảnh trăng gần dạ vấn vương
Linh cảm hồn về thăm cảnh nhớ
Đinh ninh khách đến viếng người thương
Đêm nay hoa nở hoa biền biệt
Nở để mình anh độc ẩm sương

GS Lê Minh Thuận
***
Hoạ: Bóng Trăng


Dật dờ bóng nguyệt ẩn đêm sương
Chạnh nhớ Người Xưa mấy đoạn trường
Giá buốt lạnh lùng vầng nguyệt úa
Lặng buồn quạnh quẽ khối tơ vương
Người đi cảnh cũ càng đau xót
Kẻ ở trăng xưa nặng nhớ thương
Tỉnh giấc mộng tình tình đã khuất
Mộng đành chợt tắt giữa đêm sương 

 Quên Đi
***
Hoài vọng
(hoạ: Thủ vĩ ngâm, Ngũ độ thanh)

Kê vàng tỉnh giấc giữa mù sương
Uổng cánh mùa bay, nhỡ dặm trường
Trĩu nặng duyên trần chân mỏi bước
Đong đầy ước vọng nỗi buồn vương
Cơ cầu, rũ rượi chân trời luyến
Nghiệt ngã, u hoài góc bể thương
Mệt lử bên đời, xa quãng vắng
Kê vàng tỉnh giấc giữa mù sương


TiCa (KTS Nguyễn Xuân Hoà)
Mười hai Têt Ất Mùi

Các Dạng Thơ Đường Luật


Trước đây, mọi người đều cho rằng Quách Tấn là nhà thơ lớn cuối cùng của Đường Luật Thi. Có thể đúng mà cũng có thể sai. Những tưởng thơ Đường Luật sẽ lụn tàn theo Quách Tấn. Nhưng thực tế, Thơ Đường Luật phát triển khá mạnh, các thế hệ 30 - 40 tuổi cũng tìm tòi học hỏi và gia nhập các thi đàn Đường Luật Thi. Không chỉ sáng tác, các Thi nhân ngày nay còn cho ra rất nhiều biến dạng hay, mới lạ.
Chúng ta cùng nhau tìm hiểu Các Dạng Của Thơ Đường Luật trước đây và ngày nay.

***
Dương Quảng Hàm (1898-1946)
Theo Thầy Dương Quảng Hàm, Thơ Đường Luật có 8 dạng chính thức vừa của Tàu vừa của Việt Nam. Có lẽ vì thế mà 8 dạng này rất quen thuộc với giới làm thơ Đường Luật.

1- Thủ Vỹ Ngâm
Dạng thơ này có câu đầu cũng là câu cuối.
                Tết
Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo

Tiền bạc trong kho chửa lĩnh tiêu.
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy
Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu.
Bánh chưng sắp gói e nồm chảy
Giò lụa toan làm sợ nắng thiu.
Thôi thế thì thôi đành tết khác,
Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo.
                 Trần Tế Xương

2- Liên Hoàn
Liên Hoàn là lối thơ lấy câu cuối của bài trên làm câu đầu của bài dưới:

     Hủ Nho Tự Trào
I
Ngán nỗi nhà nho bọn hủ ta,
Hủ sao hủ gớm hủ ghê mà ! 
Thơ suông nước ốc còn ngấm váng; 
Rượu bự non chai vẫn chén khà. 
Múa mép rõ ra văn chú chiệc; 
Dài lưng quen những thói con nhà. 
Phen này cái hủ xua đi hết. 
Cứ để cười nhau hủ mãi a? 

II 
Cứ để cười nhau hủ mãi a ? 
Cười ta, ta cũng biết rằng ta. 
Trót quen nho nhã đầu khăn lượt. 
Hóa kém văn minh cổ áo là. 
Khó vậy làm em, giàu đã chị; 
No thì nên bụt, đói ra ma, 
Nay được buổi học ganh đua mới. 
Còn giữ lề xưa mãi thế là! 

(Bài Hủ Nho Tự Trào của Tình Si Tử, có tất cả 4 bài Liên hoàn, ở đây chỉ đưa ra hai làm thí dụ)

3- Thuận Nghịch Độc
Thuận nghịch độc (thuận: xuôi; nghịch: ngược) là lối thơ đọc xuôi đọc ngược cũng thành câu có nghĩa cả; có khi đọc xuôi thành thơ quốc âm mà đọc ngược thành thơ chữ Hán.

       Đền Ngọc Sơn 

(Bài đọc xuôi) 
Linh uy tiếng nổi thật là đây: 
Nước chắn, hoa rào, một khoá mây. 
Xanh biếc nước soi, hồ lộn bóng: 
Tim bầm rêu mọc, đá tròn xoay. 
Canh tàn lúc đánh chuông ầm tiếng; 
Khách văng khi đưa xạ ngát bay. 
Thành thị tiếng vang đồn cảnh thắng: 
Rành rành nọ bút với nghiên này. 

(Bài đọc ngược) 
Này nghiên với bút nọ rành rành: 
Thắng cảnh đồn vang tiếng thị thành 
Bay ngát xa đưa khi vắng khách; 
Tiếng ầm chuông đánh lúc tàn canh . 
Xoay tròn đá mọc rêu bầm tím, 
Bóng lộn hồ soi nước biếc xanh. 
Mây khóa một rào hoa chắn nước, 
Đây là thật nổi tiếng uy linh 
                        Vô danh

4- Yết hậu
Yết hậu (yết: nghỉ; hậu; sau) là lối thơ có bốn câu trên đủ chữ, còn bốn câu dưới chỉ có một chữ. Thí dụ:
          Lươn 
Cứ nghĩ rằng mình ngắn,
Ai ngờ cũng dài đườn. 
Thế mà còn chê trạch: 
Lươn!
            Vô danh
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585)
5- Lục ngôn thể 
Lục ngôn thể là lối thơ thất ngôn xen vào hai câu chỉ có 6 chữ. Lối thơ này ở nước ta về đời Trần, Lê hay dùng. Thí dụ : 
        Cảnh nhàn 
Lọ là thành thị, lọ lâm toàn, 
Được thứ thì hơn miễn phận nhàn.
Vụng, bất tài nên kém bạn (lục ngôn thể) 
Già, vô sự ấy là tiên (lục ngôn thể) 
Đồ thư một quyển nhà làm của; 
Phong nguyệt năm hồ khách nổi thuyền. 
Dù nhẫn chê khen, dù miệng thế, 
Cơ mầu tạo hóa mặc tự nhiên.
             Nguyễn Bỉnh Khiêm. 

6- Tiệt hạ
Tiệt hạ (tiệt: ngắt, hạ: dưới) là lối thơ nào cũng bỏ lửng như bị ngắt, bớt ở cuối, nhưng ý nghĩa rõ rệt, người đọc đoán mà hiểu được. 
Thí dụ:

Thác bức rèm châu chợt thấy mà …! 
Chẳng hay người ngọc có hay đà …! 
Nét thu dợn sóng hình như thể … 
Cung nguyệt quang mây nhác ngỡ là …
Khuôn khổ ra chiều người ở chốn .. 
Nết na xem phải thói con nhà .. 
Dở dang nhắn gửi xin thời hãy … 
Tình ngắn tình dài chút nữa ta … 
                           Vô danh 

7- Vĩ tam thanh- 
Vĩ tham thanh (vĩ: đuôi; tam: ba, thanh: tiếng ) là lối thơ ba tiếng cuối cùng, câu nào cũng phát âm giống nhau. Thí dụ: 

Ta nghe gà gáy tẻ tè te, 
Bóng ác vừa lên hé hẻ hè.
Non một chồng cao von vót vót, 
Hoa năm sắc nở loẻ loè loe. 
Chim tình bầu bạn kia kìa kỉa, 
Ong nghĩa vua tôi nhẹ nhẻ nhè. 
Danh lợi mặt người ti tí tỉ 
Ngủ trưa chưa dậy khoẻ khoè khoe 
                             Vô danh. 

8- Song điệp
Song điệp (song: đôi; điệp: trùng nhau) là lối thơ mỗi câu hoặc ở đâu hoặc ở cuối có đặt hai cặp điệp tự (chữ lắp lại) Thí dụ: 

Vất vất vơ vơ cũng nực cười! 
Căm căm cúi cúi có hơn ai? 
Nay còn chị chị anh anh đó,
Mai đã ông ông mụ mụ rồi. 
Có có không không, lo hết kiếp 
Khôn khôn, dại dại chết xong đời. 
Chi bằng láo láo lơ lơ vậy, 
Ngủ ngủ, ăn ăn, nói chuyện chơi 
                           Vô danh
(Theo Việt Nam Văn Học Sử Yếu của Dương Quảng Hàm).

***
Như thế tất cả các dạng thơ Đường Luật bên dưới đây xuất hiện theo thú chơi thơ của các thi nhân mà thôi:
- Nhất Thủ Thanh: Các chữ đầu của các cây trong bài thơ giống nhau.
- Nghi Vấn: Câu thơ nào cũng có dấu hỏi ở cuối câu.
- Bát Điệp: Tất cả các câu đều có một từ giống nhau.
- Ô Thước Kiều: Tương tự như thơ Liên Hoàn, nhưng chỉ lấy hai chữ cuối của bài trên làm hai chữ đầu của bài dưới.
- Dĩ Đề Vi Thủ: Lấy các chữ ở tựa bài thơ làm chữ đầu tiên của các câu thơ.
- Dĩ Đề Vi Vận: Lấy các chữ ở tựa bài thơ làm vần để gieo.
- Áp Cú: Lấy chữ cuối của câu trên làm chữ đầu của câu dưới.
- Khoán Thủ: Ghép các chữ đầu các câu thơ  thành một câu văn có ý nghĩa.
- Ngũ Độ Thanh: Dựa theo Ngũ Độ Thanh từ xưa bên Tàu áp dụng vào thơ Đường Luật ở Việt Nam. Các câu thơ phải hội đúng 5 dấu thanh trong 6 dấu thanh của tiếng Việt: Không dấu, Sắc, Huyền, Hỏi, Ngã, Nặng.

Ngoài ra còn rất nhiều biến dạng khác tuỳ theo sở thích của Tác giả nhưng vẫn theo 5 quy tắc căn bản của Đường Luật Thi là Vần, Niêm, Luật, Đối và Bố cục.

Huỳnh Hữu Đức Biên Soạn.

Hoa Xuân - Phạm Duy - Nguyễn Đức Tri Ân



Sáng Tác: Phạm Duy
Tiếng Hát: Nguyễn Đức Tri Ân

Hương Trầm Trăng Thanh


Bình minh mở cửa mặt trời
Rạng ngời sương loáng hoa lơi đón ngày
Rót đầy khoé mắt giọt say
Long lanh màu lá nắng mai xanh tình

Hoàng hôn ẩn bóng lung linh
Bên thềm tuổi mới mơ hình bóng xưa
Thèm trời đổ một trận mưa
Tắm mát tuổi trẻ như vừa hôm qua

Rộn ràng dâng trọn tình ca
Niềm vui đằm thắm làm quà tri âm
Tuổi đời lót gối lụa nằm
Thong dong thư
ng thức hương trầm trăng thanh

Kim Oanh

Xuân Xa


Hôm nay chợt nhớ hôm nào
Cười ai lẫn khuất mắt chào quên đưa
Mùa xuân tôi có về chưa?
Một ngày hiện thực đã chờ trăm năm
Đi xa lại nhớ về gần
Chỉ cuồng nút rối phân vân đứng ngồi
Giếng xưa bùn vẫn còn hôi ?
Cánh sen đong đẩy tuổi đời thanh xuân
Chùa đưa hương khói ân cần
Đâu hay cảm xúc chia phần đau thương
Thẩn thơ thơ thẩn trời buồn
Xót cơn mưa rớt chiều xuân nắng tàn…

Lâm Hảo Dũng
Xuân Ất Mùi 2015

Xuân Nơi Cửa Thiền - Thích Tánh Tuệ


CUNG kính mời nhau một tách trà
CHÚC mừng Xuân mới, tiễn năm qua
TÂN niên hạnh phúc và như nguyện
XUÂN đến bình an khắp mọi nhà.
VẠN nỗi ưu phiền buông xả hết
SỰ đời trăm mối được hanh thông
NHƯ Lai, Đạo Pháp đồng quy hướng
Ý nguyện vẹn toàn đẹp ước mong.


Thích Tánh Tuệ
(Trước thềm Xuân Ất Mùi 2015)
Suối Dâu sưu tầm

Thứ Hai, 2 tháng 3, 2015

Thơ Tranh: Xuân Hiểu, Mạnh Hạo Nhiên - Sáng Xuân, Chân Diện Mục Dịch


Thơ: Mạnh Hạo Nhiên
Thơ Dịch: Chân Diện Mục

Thơ Tranh: Kim Oanh

Tĩnh Lặng


Lặng yên giây phút này
Ngồi xuống cùng cỏ cây.
Nắng về reo trên lá
Ngủ trên đầu ngón tay.

- Lặng yên từng phút giây
Nghe tim mình gõ nhịp
Ba vạn sáu ngàn ngày
Có khi nào mỏi mệt !?

- Lặng yên và Nhận biết
Hoa kia cũng là người.
Chẳng vì ai tươi nở
Mà hoa cũng biết cười.

Lặng yên nghe mưa nhỏ
Tí tách ngoài mái hiên
Mưa nghìn năm vẫn thế
Vui, buồn... cảm nhận riêng.

Lặng yên nghe gió thoảng
Mang theo hương trần gian.
Đến, đi không hò hẹn
Cánh gió đời thênh thang..

Lặng yên và thư thái
Nhìn mây bay cuối trời
Buông cái tôi nằng nặng
Thấy mình thành.. muôn nơi..



Vĩnh Trinh

Phiếu Hữu Mai 摽有梅 - Mai Rụng

Mỗi người, ai cũng có một thời trẻ tuổi, nhất là nữ giới, đẹp nhất chính là thời xuân sắc tràn đầy mộng mơ.
Kính gởi đến "Vườn Thơ Thẩn" bài thơ cổ "Phiếu Hữu Mai".
Phiếu hữu mai (摽有梅 mai rụng) trong Kinh Thi; nói về sự hôn nhân phải đúng thời đúng lúc. Không vì kén chọn mà để lỡ xuân thì.
Trong Kiều có câu:


Quả mai ba bảy đương vừa
Đào non sớm liệu xe tơ kịp thì

摽有梅 (*)Phiếu Hữu Mai


摽有梅       Phiếu Hữu Mai
其實七兮   Kỳ thực thất hề
求我庶士   Cầu ngã thứ sĩ,
迨其吉兮   Đãi kỳ cát hề.
摽有梅       Phiếu Hữu Mai
其實三兮    Kỳ thực tam hề
求我庶士    Cầu ngã thứ sĩ
迨其今兮    Đãi kỳ kim hề.
摽有梅        Phiếu Hữu Mai
頃筐塈之    Khuynh khuông k‎ý chi
求我庶士    Cầu ngã thứ sĩ,
迨其謂之     Đãi kỳ vị chi.

 詩經           Kinh Thi

(*) 梅 Mai: một loại cây bên Tàu, hoa có hai màu trắng và đỏ. trái có vị chua. Chịu được giá lạnh, thường nở hoa vào tiết xuân.

Dịch Nghĩa: Mai Rụng

Mai đã rụng rơi 
Nhưng còn đến bảy phần 
Các chàng có muốn cưới ta 
Phải chọn ngày tháng tốt
Mai đã rụng nhiều 
Chỉ còn có ba phần thôi 
Các chàng có muốn cưới ta 
Đem lễ cưới liền hôm nay
Mai đã rụng hết 
Nghiêng giỏ mà lượm thôi 
Chàng nào còn muốn cưới ta 
Chỉ cần lời nói là được rồi.

Dịch Thơ: Mai Rụng

Mai em đã bắt đầu rơi 
 Mười phần hương sắc chỉ vơi ba phần
Ai người quân tử cầu thân 
 Trầu cau ngày tốt Tấn Tần kề vai 
 Thời gian lả tả cánh mai 
 Bảy phần đã rụng chỉ hai ba còn
Ai từng muốn kết phụng loan 
 Mau đem ít lễ kiệu son chẳng màng 
 Mai nay đến lúc xuân tàn
Nghiêng nghiêng tay giỏ lượm mang về nhà 
 Giờ anh nào muốn cưới ta 
 Một lời ướm hỏi vậy là xong ngay.

Quên Đi
***
Các Bài Dịch Khác:

Mai rụng

Gió lùa mai chợt rụng rơi
Sắc hương còn bảy, yêu đời vẫn xuân
Nếu chàng lòng rộn bâng khuâng
Chọn ngày tháng tốt cỗ dâng hỏi về
Xuân sang mai rụng tư bề
Ba phần còn lại vẫn đê mê người
Này chàng quân tử kia ơi
Sính lễ nhanh nhé kẻo thời xuân trôi
Xuân tàn mai úa cả rồi
Nhuốm tình nghiêng giỏ lượm vơi hoa mùa
Tiếc thương chàng muốn cưới thưa
Một lời ướm mật hương thừa.. Xin vâng!

Kim Oanh
Mồng Năm 2015
***
Xin tiếp họa " Mai Rụng" - Kim Oanh:

Bông mai nở rộ, rụng rơi,
Mười phần còn bảy yêu đời tiết xuân.
Yêu em anh chớ bâng khuâng,
Bén duyên mau cưới nhanh chân rước về.

Thời gian xuân muộn bộn bề,
Ba phần hưng phấn cũng mê mẫn người.
Chần chờ chi nữa bạn ơi,
Xuân xanh âu cũng một thời sẽ trôi.

Bóng câu thấp thoáng kia rồi,
Xuân tàn mai rụng rớt rơi cuối mùa.
Anh ơi gấp gáp cưới thưa,
Chỉ cần ngỏ ý ... thẹn vừa xin vâng!

Mai Xuân Thanh
Mùng 4 Tết Ất Mùi - 2015
***
Mai Rụng

Mai đang rụng …
Nhành mai đang sắc bảy phần
Nhắc người quân tử cầu thân chọn ngày
Vẫn còn xanh thắm sắc mai
Hương hoa lôi cuốn bướm say dập dồn!
Mai vẫn còn rụng …
Nhành mai còn lại ba phần
Nhắc người quân tử cầu thân đến liền
Chỉ cần chàng muốn gá duyên
Là lòng thiếp sẽ kết nguyền hôm nay!
Mai rụng hết rồi …
Giờ đây mai đã tàn phai
Nếu chàng còn nghĩ tình hoài ngày qua
Chỉ cần một tiếng nói ra
Thiếp xin dâng trọn đời hoa cho chàng!

Nguyễn Đắc Thắng
20150224
***
Mai Rụng

Sắc phai hương nhạt lìa đài
Bảy phần hoa thắm lắc lay trên cành
Luyến lưu chăng hỡi tình anh
Se tơ kết tóc ngày lành nên duyên

Thêm vài cánh rụng ngoài hiên
Ba phần sót lại lòng riêng hỏi chàng
Hỏi rằng bên ấy muốn sang
Giòng sông tình ái bắc ngang cầu kiều

Giờ đây hoa rụng tiêu điều
Dang tay quân tử ấp yêu đời đời
Trong mơ chưa phút nghỉ ngơi
Thì đây xin đấy một lời trọn trao

Kim Phượng

Anh Cho Em Mùa Xuân - Nguyễn Hiền&Kim Tuấn - Elvis Phương

Mùa Xuân là mùa của yêu thương của sum vầy, con người trước cỏ cây hoa lá cùng đua nhau khoe sắc. Thì tình yêu đôi lứa dường như cũng được nhân lên gấp bội lần, để tân hưởng sắc tuyệt vời của mùa Xuân họ đã chia sẽ những gì tốt đẹp nhất cho nhau để tình yêu là vĩnh cửu như ước mong của họ ...


Sáng tác: Nguyễn Hiền&Kim Tuấn
Tiếng Hát:Elvis Phương
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Thơ Tuế: Lại Một Tết Ta


Ta tức tốc tìm tới Tết Ta
Chờ cho chếnh choáng cha cha cha
Hân hoan hớn hở hùng hục hát
Cắm cổ cùng cười cất câu ca

Ta tới tiệc tàn từ Tết Ta
Quanh quẩn quơ quào quay quắt qua
Bạn bè bận bịu bê bết bỏ
Riu ríu rầu rì rón rén ra

Ta tiếc tiệc tùng tại Tết ta
Ngớ ngẩn ngượng ngùng ngưng ngân nga
Khéo khen khờ khạo không khao khát
Thất thoát thiệt thà thôi thiết tha

Ta tính tìm tòi tài Tết Ta
Mùi mê mất mát mượn mùi ma
Líu lưỡi lăm le lòng lây lất
Dê dứt dịu dàng dưỡng dê da

Ta thấy được gì ở Tết Ta
Nắng chiều lạc lõng nơi xứ xa
Đêm đông lạnh lẻo nhìn bông tuyết
Gió rũ bụi mờ ru hồn ta

Ta mặc mọi người đón Tết Ta
Đời ta, ta giữ cho riêng ta
Ô hay, náo nức chi thêm mệt
Tết của người ta, có phải ta

Năm nay đón Tết như năm ngoái
Tiếng pháo giao thừa xa tít xa...

Đỗ Hữu Tài
Ất Mùi 19 - 2 - 2015

CHS Tống Phước Hiệp NK 62-69 Mừng Sinh Nhật Huỳnh Hữu Đức 13-02



Thơ, Duyên, Điệp Bùi, Liên.


Khai, Xuân, Khải (Hoàng), Thơ, Duyên, Điệp Bùi, Liên.


Chí Thanh, hai Cháu Nội của Thanh, Liên


Liên, Điệp Lê, Khải (Dương).


Hết
Hình Ảnh: Huỳnh Hữu Đức

Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015

Câu Đối: Xuân Vĩnh Long - Tết Pleiku


Câu Đối: Kim Phượng
Trình Bày: Kim Oanh


Nhớ Em


Nhớ em quay quắt quá em ơi
Nhớ em anh trông đứng trông ngồi
Một ngày không gọi làm sao ấy
Tình đã duyên chưa số tại trời

Ngày cũ xuân nào ta có nhau
Nhưng anh để mất phút ban đầu
Giờ đây hai mái đầu đã bạc
Thời gian còn lại có là bao?

Nuối tiếc thời xuân đi biền biệt
Đêm về môi ấy nhớ môi kia
Mới biết tình là giây oan trái
Gặp gỡ, chưa chi đã phải lìa.

Biện Công Danh

Níu


Mỗi năm có một lần 
 Ba tháng đầu là Xuân
Ai chả biết như thế
Nàng Xuân đẹp vô ngần

Thiều quang đài chín chục
Vẫn ngắn Nàng Xuân ơi
Hãy gắng lên chút nữa
Thoả lòng trời cùng người

Xuân đến thì hoa nở
Xuân đi thì hoa tàn
Bạn ta chỉ chim sẻ
Bé nhỏ thế mà ngoan

Hôm nay ta nhớ Xuân
Cố níu nàng lại gần
Thơ rượu cùng ta hoạ
Giọng ngâm vang vô ngần

Viên Ngoại Thái Hanh

Tứ Tuyệt Giao Mùa


Anh ở trời xa lảng đảng xuân.
Đông em heo hắt ấm chưa gần.
Mới nghe xao xác bung mầm lá.
Thảng thốt giao mùa tiếng vọng ngân.

(Pleiku 31- 12-2014)
Hương Ngọc

Đầu Năm Đi Lễ -Thơ: Như Nguyệt - Nhạc: Mai Phạm


Thơ: Như Nguyệt  
Nhạc: Mai Phạm 
Trình Bày: Huỳnh Lợi
Hát Bè: Hợp Ca Nắng Mới


Đầu năm đi lễ
Đầu năm đi lễ
Nắng ấm mây xanh
Chim vui chuyền cành
Vỗ cánh bay nhanh
Sáng nay đi chùa
Nghe thầy giảng pháp
Giảng về từ bi
Chợt thấy nhu mì

Bài pháp thật hay
Từ bi hỉ xả
Xin người thứ tha
Tội lỗi con đầy

Đầu năm dâng hương
Kính cẩn cúng dường
Nguyện chẳng sát sanh
Tránh dữ làm lành

Đầu năm đi chùa
Sao thấy thanh tao
Phật ngồi trên cao
Phật quá nhân từ
Đầu năm lễ chùa
Nhàn nhã thảnh thơi
Cuộc đời rong chơi
Thoải mái yêu đời

Sáng nay đi chùa
Hớn hở vui tươi
Phật ở trên cao
Nhìn xuống mĩm cười

Như Nguyệt
Feb. 12nd, 2011

Cảm Ơn Đóa Mai Vàng


Em chọn tặng tôi một đóa mai
Cắt xén mùa xuân ba phân dài
Cầm bức hình lên dán cửa sTuyết 
trắng rơi rơi đọng bên ngoài

Thế đó! Là xuân tôi đang treo
Như ngựa che mắt cũng mừng reo
Bỏ mặc chung quanh là vực thẳm
Tôi cứ vui đi giữa cheo leo

Bỏ quên băng lạnh của giòng đời
Bỏ quên tuyết trắng còn đang rơi
Bỏ tôi vào củi cùm năm mới
Bỏ em trong ảnh hoa còn tươi

Dù sao tôi cũng tạ ơn em
Vài phân bức ảnh đóa mai mềm
Mùa xuân vàng trứ nằm vỏn vẹn
Không bánh, không trà, chẳng thịt nem

Giữa khung cửa đời đầy tuyết giăng
Dường như tôi thấy chút xuân vàng
Năm cánh bung xòa tìm quá khứ
Một tờ giấy mỏng trọn mùa xuân

Hoài Tử


Viếng Chùa Sơn An -23 Tháng Chạp Năm Giáp Ngọ

Vào ngày đưa ông Táo về Trời 23 tháng Chạp (11-02-2015), 9 giờ sáng chúng tôi những Cựu Học Sinh Trường Nguyễn Trường Tộ, Tống Phước Hiệp đến chùa Sơn An, thuộc xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long dự buổi Lễ Tổng Kết Phòng Thuốc Nam Phước Thiện của Chùa.
Ngôi chùa, với cổng tam quan thanh lịch, nhưng không kém vẻ trang nghiêm. Nơi đây, chúng tôi chụp vài kiểu hình làm kỷ niệm.


Chùa Sơn An nhìn tổng thể có dáng dấp hơi giống những đình làng của miền sông nước Miền Tây. Không nguy nga đồ sộ, không cầu kỳ phô trương, nhưng không kém vẻ trang nghiêm, khiến cho khách viếng có cảm giác thật gần gũi, thanh thản, quên đi những lo toan trong cuộc sống.
Đến nơi, chúng tôi được sư trụ trì Đại Đức Thích Tịnh Hoà hãy còn tương đối trẻ, tiếp đón thật nồng hậu.
Dự buổi tổng kết này, có nhiều thành phần tham dự, nhưng đặc biệt là những bệnh nhân, từng mang những chứng bệnh hiểm nghèo, tây y đã không thể trị dứt, nay đã lành bệnh sau thời gian được các lương y của chùa điều trị.

Chúng tôi thật sự thán phục chùa Sơn An. Một ngôi chùa không lớn, nhưng việc làm không nhỏ.

Trong năm qua, tổng số người được chùa khám và trị bệnh lên đến con số hơn 12 000 lượt, tính trung bình mỗi ngày trên 300 bệnh nhân, đa số là dân nghèo. Đồng thời, trong năm rồi, Chùa đã gởi tặng tất cả hơn 300 phần quà, mỗi phần quà trị giá 1000 000 $ VN cho những gia đình nghèo.
Cảm xúc từ những kết quả trên, ngay trong buổi lễ, tôi đã viết liền câu đối:

Sơn An y thuật vì trăm họ
Phật Pháp thiền môn độ chúng sinh

Lễ Tổng Kết chấm dứt, tất cả mọi người được nhà chùa mời dùng bữa cơm chay thật thịnh soạn và ngon miệng.
Sau khi có vài ảnh lưu niệm, chúng tôi từ giả ra về, Sư trụ trì mời ở lại để thưởng thức nghệ thuật pha cũng như hương vị trà do chính Sư thực hiện. Thật là đáng tiếc, vì thấy mọi người trong chùa bận rộn, nên chúng tôi hẹn vào dịp khác, và ra về lúc 13 giờ cùng ngày.

Huỳnh Hữu Đức
Mời xem vài hình ảnh qua ống kính của anh Trương Văn Phú






Tặng anh chị Huỳnh Hữu Đức, tấm hình độc nhất vô nhị. :):)

Trương Văn Phú

Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

Cựu Giáo Sư Trường Tống Phước Hiệp Dương Vương Thị Tùng, Thầy Cai & Ái Hữu 72 - Xuân Ất Mùi 2015

Hy vọng một ngày nào đó gia đình 72 sẽ  có tấm hình đầy đủ mọi người trong nhóm giống như tấm hình cách đây hơn 40 năm lúc cả lớp đi bắt hến trên cồn cát Cái Tàu

 Cuối năm nay anh Tánh-Ái Hữu 16 đã đến thăm cô Tùng tại nhà cô ở Mỹ

Nhóm Ái Hữu 72 ngày Tết 2015 ở Vĩnh Long

Thầy Cai và nhóm Ái Hữu 72


Gia đình Tâm Hồng Ái Hữu 7 và 11
Sương, Tâm


Phan Thị Sương

Họp Lớp Và Tình Sư Đệ - Cao Lãnh

      Mồng 5 Tết, lớp đệ Nhị B2 chúng tôi họp lớp thường niên, có thỉnh được mấy thầy cũ còn ở lại Cao Lãnh đến chung vui và cũng để cho môn sinh chúc Tết; trong lúc rượu ngà ngà tôi có cảm tác được 1 bài xin gởi đến Thầy và mấy anh chị 

Tình thâm chẳng đợi ngày nhà giáo
Thầy cũ trò xưa trân trọng đạo

Họp lớp đầu năm chén chúc xuân
Nâng ly trọn nghĩa lời thay pháo
Vui mừng gặp lại bạn còn đông
Cảm động sẻ chia đời vẫn hảo
Mãn tiệc bàn tay xiết hẹn nhau
Mong mỏi đệ sư thêm dịp đáo.


Cao Linh Tử

23/2/2015

Đứng:Cao Linh Tử và Trần Minh Chiến(trưởng ban báo chí lớp xưa) 
Ngồi:Thầy Võ dạy Vạn Vật và Thầy Trân dạy Anh Văn 

Xuân Vấn Vương


Đúng hẹn mùa xuân chim gọi đàn
Tin rằng thềm cũ trở mùa sang
Mai vàng trước ngõ thầm mong đợi
Cánh én lượn lời trao thế nhân

Người cận bên hoa vóc lụa là
Nụ cười bẽn lẽn dáng trêu hoa
Nhún nhường đua sắc khoe hàm tiếu
Lộc biếc xuân thì gây vấn vương

Tơ tưởng duyên đưa tròn mắt môi
Đêm nay trừ tịch dạ bồi hồi
Ngoài kia tiếng pháo giao thừa đã
Rộn rã xuân lòng nỗi nhớ mong

Kim Phượng

Xuân Hoang


Xuân về từ độ không em
Hoa không muốn nở lãng quên sắc màu
Bướm vàng bay lạc nơi đâu
Gió đưa cành trúc xanh xao nhạt nhòa

Hạ về từ độ tình xa
Vỡ òa sóng nhớ đôi tà áo áo bay
Mưa rơi rát cánh phượng gầy
Tiếng ve thảng thốt chiều lay lắc buồn

Thu về úp mặt hoàng hôn
Lá rơi từng chiếc dỗi hờn qua vai
Con đường nắng úa cỏ phai
Chỉ nghe tiếng gió thở dài hàng cây

Đông về giá buốt heo may
Thèm hơi thở ấm vòng tay nồng nàn
Mãi chờ em bóng xuân sang
Chiều qua lối cũ lang thang mệt nhừ

Bốn mùa từ độ tương tư
Mây giăng thương nhớ che dù hư không
Tàn đông rồi đến tàn đông
Bàn tay mòn đợi bế bồng xuân hoang

Trầm Vân