Thứ Năm, 12 tháng 2, 2015

Câu Đối:Sáng Xuân Ất Mùi 2015 - Phương Hà


Câu Đối: Phương Hà
Trình Bày: Kim Oanh

Tháng Chạp Quê Nhà


Ước chi em được làm chim nhỏ
Bay về đậu dưới mái hiên xưa
Gọi anh. Buổi sáng trời xanh lắm
Nắng trải lụa vàng. Anh thức chưa?

Thức dậy cùng em, thuở ấu thơ
Tiếng con tu hú gọi vang bờ
Dòng sông tuổi nhỏ trôi đi mất
Còn bãi sông buồn đứng ngẩn ngơ.

Tháng chạp về đây, mùa gió bấc
So đũa trong vườn trổ trắng bông
Hoa xoài, hoa bưởi thơm ngan ngát
Trời đất se mình dưới gió đông.

Ta ra thăm lại bụi tre già,
Tiếng cu gù đầm ấm, thiết tha
Vẫn đôi chim của ngày xưa đó
Hay là tiếng vọng tự thời xa?

Ta đi tìm lại một thời vui
Cỏ với cây cùng đứng ngậm ngùi
Vườn mai năm cũ ai lảy lá
Đợi xuân về mở cánh vàng tươi.

Quê nhà tháng chạp xa lăng lắc
Mai một đây xuân có về không?
Bởi em chẳng được làm chim nhỏ
Ở đây dài lắm những mùa đông...

Khánh Hà

Xuân Sẽ Về


Cứ Xuân đến là thêm lần lỗi hẹn
Đưa em về trọn vẹn buổi ban sơ
Bầu trời cao đàn én liệng như chờ
Xuân chung thủy sao thờ ơ xa vắng

Tiếp một năm tàn....suy tư trầm lắng
Cuộc đời buồn nghe văng vẳng niềm đau
Bảo Xuân về vui sao giọt tuôn trào
Dòng mật ngọt đã đi vào dĩ vãng

Xuân về chưa! Sao mây còn lãng đãng
Bóng chiều buông chuyện vãng khóc đêm thâu
Nhắc lại xưa nàng Xuân lắm dãi dầu
Không cứu nổi đồng dâu mùa tan tác

Xuân về chưa! Sao người còn ngơ ngác
Kỷ niêm buồn còn lạc nẻo trần gian
Dàn hoa tươi vắng trải khắp địa đàng
Gian nan quá! Xuân nàng ta dựng lại

Ngại ngùng gì cùng chung đụng bàn tay
Thay buổi sáng ngày mai mùa Xuân mới!

Vĩnh Long 8-1-2012
Lê Kim Hiệp

​Đại Hạ Giá​


Thời buổi này còn cái gì không hạ giá nhỉ? Sách vở, quần áo, đồ điện tử v...v... hạ giá! Tôi cầm mảnh bằng đại học cạ cục mãi chưa tìm ra việc làm, cũng nhào ra vỉa hè bán sách đại hạ giá. Từ Victor Hugo, Leon Tolstoy, Tagore, Dostoievski... đến Khái Hưng, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng... cả thảy đều bị “hạ” nằm la liệt. Lắm lúc ngồi chồm hổm nhìn xuống các tên tuổi từng “vang bóng một thời”, tôi thầm hỏi:
- Nên cười hay nên khóc, thưa chư liệt vị?
Cách đây ít lâu, một ông lão hình dáng tiều tụy mang đến bán hai pho sách dày. Một cuốn là “Hán Việt Từ Ðiển” của Ðào Duy Anh do Khai Trí tái bản. Cuốn kia là “Petit Larousse Illustré” in tại Paris năm 1973. Sách còn tinh tươm lắm, hẳn chủ nhân đã xài rất kỹ. Thấy giá rẻ, tôi mua. Loại ấn bản này đây, gặp loại khách biên biết, bán cũng được lời.

Ngoài bìa và một số trang ruột của mỗi cuốn, đều có ấn dấu son hình ellipse: “Bibliothèque - Ðô Bi - Professeur”. À, té ra ông lão vốn từng là giáo chức. Thảo nào! Cất tiền vào ví rồi mà ông cứ dùng dằng nuối tiếc, ngoảnh lại nhìn những tài liệu - tài sản phải đứt ruột bán đi. Ngoái mãi mấy lần rồi ông mới dắt chiếc xe đạp cà tàng đạp về. Mắt ông đỏ hoe. Lòng tôi chợt se lại!

Chiều 25 Tết. Ngồi cạnh các danh tác tôi vẫn lim dim, thấp thỏm, chồm hổm ra đấy. Qua đường không ai thấy, lá vàng rơi trên giấy. Sài Gòn chả có mưa bụi cho đủ khổ thơ Vũ Ðình Liên. Nhưng bụi đường thì tha hồ, đủ khổ thứ dân lê lết vệ đường như tôi.
- Anh mua bánh bò, bánh tiêu?
Một chị hàng rong đến mời. Tôi lắc đầu. Bỗng chị sững người chăm chú nhìn vào hai bộ từ điển. Chị ngồi thụp xuống, đặt sề bánh bên cạnh, cầm hết cuốn này đến cuốn kia lật lật. Rồi chị hỏi giá cả hai. Ngần ngừ lúc lâu, chị nói:
- Anh có bán... trả góp không?
- Trời đất ơi! Người ta bán trả góp đủ thứ, chứ sách vở, sách đại hạ giá ai đời bán trả góp? Vả lại, tôi nào biết chị là ai, ở đâu?
- Tôi cần mua cả hai - chị nói tiếp - xin anh giữ, đừng bán cho người khác. Khi nào góp đủ, tôi sẽ lấy trọn. Anh thông cảm làm ơn giúp tôi.

Thấy lạ, tôi hỏi chuyện mới vỡ lẽ. Ðô Bi chính là thầy cũ của chị hàng rong. Chị Tám (tên chị) bất ngờ thấy có dấu son quen, hiểu ra hoàn cảnh của thầy, bèn nảy ý chuộc lại cho người mình từng thọ ơn giáo dục. Song, bán bánh bò bánh tiêu nào được bao nhiêu, lại còn nuôi con nhỏ, không đủ tiền mua một lần nên chị xin trả góp.
Tôi cảm động quá, trao ngay hai bộ từ điển cho chị Tám:
- Chị hãy cầm lấy, kịp làm quà Tết cho thầy. Tôi cũng xin lại đúng số vốn mà thôi, chị à.
- Nhưng...
- Ðừng ngại, chị trả góp dần sau này cũng được.
Chị lấy làm mừng rỡ, cuống quít trả tôi một ít tiền.
- Chao ôi, quý hóa quá! Cảm ơn... cảm ơn... anh nhá!
Mai lại, chị Tám trả góp tiếp. Chị kể :
- Thầy bi thảm lắm... Gần Tết, cô lại ngã bệnh... Thầy nhận sách, mừng mừng tủi tủi tội ghê, anh à!... Thầy cũ trò xưa khóc, khóc mãi!
Tôi vụt muốn nhảy cỡn lên và thét to: 
“Hỡi ông Victor, ông Lev, ông Dostoievski... ơi! Ông Khái, ông Vũ, ông Ngô... ơi! Có những thứ không bao giờ hạ giá được! Có những người bình thường, vô danh tiểu tốt nhưng có những kiệt tác không hạ giá nổi, đó là:
" TẤM LÒNG " !!!

Nam Chi Sưu Tầm

Trước Thềm Xuân


Anh có nghe
Gió hát khúc chiều đông
Buồn lửng lơ
Giữa màu nắng nhạt.
Có hay xuân vỗ về man mác
Bâng khuâng vui trong mỗi nụ cười.

Có nụ đào
Chúm chím xinh tươi
Sương đỏng đảnh
Khỏa giọt mềm mầm lá.
Khô rát, hanh hao-qua rồi người ạ
Lượn tầng xanh con én mới bay về.

Phố xá rộn ràng
Mà thương nhớ làng quê
Hương vị Tết
Nuôi lớn hồn trẻ dại.
Nhớ Mẹ xưa, tảo tần bươn chải
Ngất nghểu cười-manh áo mới em mang.

Đông qua đi,
Thôi mai xuân sang
Em bối rối
Đón tình yêu mới mẻ
Có nụ hôn dịu dàng thật khẻ
Em giật mình-ờ nhỉ ! Tình xuân.


( Pleiku trước thềm xuân mới 25-1 -2015).
Hương Ngọc

Tháng Chạp


Ta ở đây, Tết rất chậm về
ghét cái lạnh làm da khô ửng
đã mười năm, chín năm dị ứng
đất trời nầy đâu phải của ta.

Thời tiết gì như phỏng thịt da
hồn tê cứng đau cơn buồn bã
thân của ta đất khách đầy xa lạ
máu về tim máu chảy chậm dần

Tuyết đầy trời tuyết đông cứng ngoài sân
ta vốn sinh ra ở gần xích đạo
ngày ở trần đêm không bận áo
ngủ phơi lưng, xoa bụng rịn mồ hôi.

Tay quạt mo phe phẩy thảnh thơi
cơn gió nhẹ ru hời hồn nhiệt đới
sáng thức dậy vươn vai đời thoải mái
nghe tiếng gà gù mái rộn ngoài hiên.

Còn ở đây thật quá đổi phiền
đã mười năm chưa một lần ăn Tết
ngày mồng một vẫn đi cày trối chết
tám tiếng dài mỏi mắt ù tai.

Đêm ở đây, đêm thật là dài
nghe gió hú tưởng đời man rợ
sáng thức dậy thấy bill thấy nợ
nợ trả hoài trả mãi không xong.

đã mười năm như nước lớn nước ròng
ta, về lục bình trôi lên trôi xuống
qua đây mười năm cứ ngỡ làm vương làm tướng
ai ngờ, ai ngờ bắt phải job cu-li

Đã mười năm ngôn ngữ cứ phân ly
tiếng Mỹ với ta như kẻ thù truyền kiếp
học một chữ ngày hôm sau quên biệt
ở mười năm không hiểu nổi Yes, No

Tháng chạp buồn, tháng chạp buồn xo
ngồi tính sổ cuộn đời hỏng bét
ăn làm sao, nói làm sao khi chết,

với cha ta, ông chỉ một thằng con.

Trần Phù Thế

Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015

Câu Đối: Ông Táo Về Trời - Viên Ngoại Thái Hanh


Câu Đối: Viên Ngoại Thái Hanh
Trình Bày: Kim Oanh

Táo Tự Sự - Quên Đi


Hăm ba tháng Chạp
Lo đáp cá chép
Bay đến thiên đình
Để kịp tấu trình
Những điều nghe ngóng
Dạ dạ... dạ... dạ
Bẩm cùng Bệ Hạ
Thần táo Quên Đi
Sợ bà xã đì
Sẵn cớ dọt lẹ
Giờ thấy nhẹ te

Thần thiệt lôi thôi
Để cho chép đói
Không thể đi nhanh
Liệu thế phải đành
Vác cá chạy bộ
Cứ tưởng trễ chầu
Nhưng có ngờ đâu
Thánh Thần còn ngủ
Quả là khó coi
Làm ăn bê bối

Thăng triều chưa thể
Đường về diệu vợi
Chậm giờ về tới
Bà Táo phạt quì
Thần sao chịu nỗi
Thôi các bạn Táo
Trình láo dùm cho
Đến Tết mình lo
Quà xuân biếu tặng
Bây giờ thần lặn
Thần lặn cái mà thần lặn

Táo Quên Đi

Sớ Táo Ất Mùi 2015 - Kim Oanh


Dạ ...dạ....dạ....dạ.....
Muôn tâu Ngọc Hoàng
Kim Oanh thần Táo
Không dám bẫm láo
Năm nay Ất Mùi
Ắt tiến không lùi
Tối ngày lui cui
Đăng bài mệt nghỉ
Mệt nghỉ cái mà mệt nghỉ....

Thông thái quý thầy
Học trò vui vầy
Xướng Họa tưng bừng
Tác giả vui Xuân
Gửi bài tới tấp
Bẫm trình khẩn cấp
Ngọc Hoàng xét soi
Từ già đến trẻ
Một Năm Mới mẻ
Được nhiều sức khoẻ
Sức khoẻ cái mà sức khoẻ.....

Táo Kim Oanh 

Táo Bằng Hữu - Mai Xuân Thanh


Năm cùng tháng tận,
Thời khắc trôi qua.
Khắp chốn gần xa,
Đến ngày hăm ba,
Mọi nhà tiễn Táo,
Trình diện Thiên Đình
Báo cáo tình hình
Từng nơi trần thế.
Nay Táo Thanh Mai,
Tham gia xướng họa,
Bạn bè không lạ,
Ngó qua Đắc Thắng,
Nhìn lại Quên Đi
Đem chuyện trần gian,
Tâu lên Ngọc Hoàng.
Ơn Trên xét duyệt,
Rồi thưởng công đầu
Long Hồ Vĩnh Long.
Blogger Thơ Tranh.
Văn hay chữ tốt
Cô giáo, nhà thơ,
Kim Oanh bằng hữu,
Trong năm Ngọ cũ
Trang nhà Nghệ Sĩ,
Hình ảnh xưa, nay
Biên khảo đủ đầy
Thơ văn thật hay
Cổ thi Câu đối
Mặc dầu xa xôi
Úc châu liên kết
Bốn phương thầy, bạn
Từ lạ thành quen
Tình thân thắm thiết,
Tinh thần hiểu biết,
Xây dựng nên Thơ
Bận rộn đợi chờ
Xin gởi Bằng Khen
Trang nhà Vĩnh Long
Kim Oanh Lê Thị
Đáng khen cái mà đáng khen
Xin phép kính bái
Thần chào cáo lui
Bye - bye.  Goodbye!

Táo Mai Xuân Thanh
Ngày 08 tháng 02 năm 2015

Sớ Táo Cao Lãnh - Nguyễn Đắc Thắng



Ngọc Hoàng Thượng Đế
Việt Nam trần thế
Đồng Tháp tỉnh thành
Cao Lãnh đất linh
Miền quê nước lũ
Nghèo muôn năm cũ
Nương sóng wai fai
Hôm nay là ngày
23 tháng chạp
Thần mượn cái lap (top)
Trực chỉ thiên đình
Mọi việc tấu trình
Một năm Giáp Ngọ
Cầm tinh con ngựa
Chuyện blog Long Hồ
Thêm vị Vườn Thơ (Thẩn)
Cảm tác Xướng họa

Coi ra khấm khá
Lục lạo Cổ thi
Phỏng dịch nhiều kỳ
Sưu khảo giai thoại
Tìm thêm Câu đối
Thơ ngâm Thơ tranh 

Dòng nhạc trử tình

Ngày càng xôm tụ
Mũm mĩm cười nụ 

Đón tết vui tươi
Nói được mấy lời
Năm sau nói tiếp
Cho thần xách dép
Để tránh Quên Đi
Nét mặt hầm hì
Chuẩn bị hay lạ
Kế bên vội vã 

Người đẹp Kim Oanh
Mặt tươi thơ tranh
Đang chờ tới lượt
Cho thần xin dzọt
Xin dzọt cái mà xin dzọt


Táo Nguyễn Đắc Thắng
922015

Táo Tự Khai - Kim Phượng

Dạ! Dạ!
Táo thần Kim Phượng
Xoài tượng thích ăn
Môn Văn đội sổ
Từ thuở mười lăm
Số điểm hàng năm
Đội sổ cái mà đội sổ

Âu là duyên số
Từ tề lê phôn
Thúy Diệp làm quen
Cần người lắng nghe
Sẻ chia tâm sự
Đời cô câm lặng
Giữa tường vôi trắng
Xe lăn làm bạn
Mượn thơ trải lòng

Bỗng đâu một chiều
Cô liều tự vẫn
Nói lời chia tay
Thần nghe tin dữ
 Bủn rủn tứ chi
" Hãy nghe thơ chị
chết cũng chưa muộn"
Chưa muộn cái mà chưa muộn

Từ đó cô chờ
" Đợi nghe thơ chị"
Mỗi ngày chèo chẹo
"Thơ chị! Thơ chị"
Thần đành đuối lý
Đi học làm thơ
Bằng bằng trắc trắc
" Chết chắc Phượng ơi!"

Nhưng trời còn thương
Bài thơ thứ nhất
Lục bát cầm hơi
Khơi mào song thất
Trắc trắc bằng bằng
May mắn nào hơn
Quới nhơn phù hộ
Gặp quý Thầy Cô
Anh Chị cùng nhóm
Họa Dịch Thơ Đường
Thả hồn thần nương
Dõi bước chân theo
Chăm lo học hỏi
Học hỏi cái mà học hỏi

Lần đầu xuất chiêu
Thần ra bài xướng
Hương Xuân Ngày Cũ
Hồn phách ủ ê
Niêm luật bằng trắc
Khiến thần muốn xỉu
Thấu hiểu cảm thông
Đôi dòng họa lại
Đọc qua thần khóc
Thần khóc cái mà thần khóc
Được như hôm nay
Nhớ hoài Thúy Diệp
Lẫn nhóm tình thân
Diễn Đàn Thơ Thẩn
Ân cần khuyến khích

Dạ! Dạ!
Một ít trà mứt
Ngọc Hoàng cho xin
Rời khỏi Thiên đình
Thần về Hạ giới
Gởi tặng Thầy Cô
Anh Chị cùng nhóm
Làm quà đầu năm
Nhâm nhi ngày Tết
Táo thần chấm hết
Xin phép cáo lui
Kính chúc Ngọc Hoàng
Dồi dào sức khỏe
Trẻ mãi không già
Để mà sang năm
Thần lên tâu tiếp
Tâu tiếp cái mà tâu tiếp

Táo Kim Phượng
9/2/2015

Táo Lẽo Sự - Song Quang


Hai ba tháng Chạp
Kính tâu Ngọc Hoàng
Thần Táo Song Quang
Trong "Vườn Thơ Thẩn"
Cuối năm dù bận
Cũng ráng về chầu
Sớ tâu các khâu
Trình lên mọi sự
Mọi sự cái là mọi sự .......

Có Thầy Khắc Trí
Tuy đã tám hai
Vẫn thích lai rai
Với bạn bè cũ
Học trò đầy đủ
Cùng Thầy giải khuây
Dịch thơ tiền bối.

Hậu duệ tiếp nối
Lê thị Kim Oanh
Lồng vẻ thơ tranh
Đẹp ơi là tuyệt

Dùng thư pháp viết
Thầy Đồ Đức Chiêu
Viết liễn thật nhiều
Quyên tiền tặng hội
"PTG & ĐTĐ (1)

Ở trong Quốc nội
Có chị Phương Hà
Thi phú tài ba
Xướng họa nhanh nhất

Một người mẫu mực
Thầy giáo Quên Đi
Thơ văn khó bì
Có trong trang blog

Không nề khó nhọc
Là " Người giữ vườn" (2)
Góp bài bốn phương
Trang nhà điểm hẹn

Tham gia tuy chậm
Thi hữu Thanh Mai
Nhưng thật lắm tài
Nhiều bài xướng họa

Không ai thấy lạ
Thắng Nguyễn đưa bài
Táo tự sự hài
Mọi người tham dự

Cô nàng hay chữ
Lại chậm chân hoài
Kim Phượng tỏ bài
Vì hay cân nhắc.....

Còn Thầy Quang Tuấn
Mai Lộc Cali
Đạo mạo uy nghi
Cửa Thiền Phật Đạo

Rất nhiều người nữa...
Sớ cũng quá dài
Thần xin bái bai..
Lên chầu năm tới
Năm tới cái mà năm tới.....

Táo Song Quang
Ghi chú:
(1) Phan Thanh Giản & Đoàn Thị Điểm
(2) Trần Bang Thạch

Lá Sớ Táo Quân - Ngô Quang Diệp


Giáp Ngọ mãn nhiệm hồi hương
Chuẩn bị lên đường nhường chỗ dê non
Táo tôi kính tấu Ngọc Hoàng
Năm qua đầy rẫy bất an dưới trần
Bởi lòng không đáy tham sân
Gây nỗi bất bình dậy sóng Biển Đông
Trên Trời bát ngát đường không
Phi công ngớ ngẫn đáp nhầm sân bay
Như đùa rõ hiếm xưa nay
Sân bay mất điện trên đài không lưu
Dù buồn cũng phải nực cười
Sân bay quốc tế dễ ngươi quá chừng!
Đó đây lâm tặc phá rừng
Năm ba phách gỗ dễ chừng thoát thân
Luật rừng, luật nước dưới trần
Nghe không thì bảo! đừng đùa kiểm lâm
Rủi ro thủy điện sập hầm
Mười hai sinh mạng thót tim bốn ngày
Sáu bảy trăm người nhanh tay
Suốt cả đêm ngày cứu hộ thành công
Ra đường tai nạn giao thông
Khủng khiếp kinh hoàng hậu quả đau thương
Giang hồ cướp giật trên đường
Côn đồ đâm chém coi thường phép vua
Quan tham ô lại bú xua
Nhà nước chống mãi vẫn chưa được mà!
Tham ô căn bệnh trầm kha
Hết phương thuốc chữa bó tay chịu sầu
Tham ô vốn dĩ từ lâu
Nói đi nói lại điên đầu thối tai
Tham ô ta cứ lai rai
Chống thì cứ chống cho ta vững nào!
Chính trường thế giới lao đao
Đông Tây hai phía cứ kèn cựa nhau
Khủng bố man rợ ghê thay!
Lo lắng đêm ngày các nước Tây Phương
An ninh chính phủ khẩn trương
Bảo vệ cơ sở chính quyền khắp nơi
Hàng không mấy vụ tơi bời
Phi cơ gặp nạn tả tơi mạng người
Trần gian lắm chuyện ngược đời
Khi vui muốn khóc buồn tênh lại cười
Giá dầu giảm xuống tin vui
Dầu thô tuột dốc lắm người âu lo
Riêng cánh kinh doanh xe đò
Giá xăng đã giảm cứ bo đầu vào
Giá cước vận chuyển vẫn cao
Cúi xin Ngọc Đế cho Tào phán quan
Xuống trần ổn định giá hàng
Khi Tết âm lịch xuân sang cận kề
Trần gian lắm cảnh não nề
Kẻ ăn không hết người lê ngoài đường
Dù trời giá rét thê lương
Vất vã ngoài đường chạy bữa nuôi con
Bình yên quả đất xoay tròn
Cầu Trời khấn Phật không còn bão giông
Cuối năm dâng sớ Táo công
Cúi xin Ngọc Hoàng soi xét trần gian

Pleiku 2/2015 
Ngô Quang Diệp

Tống Táo Thi - 送 竈 詩

Hằng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp, thì dân Việt Nam ta có tục lệ cúng tiễn đưa Ông Táo về trời, người Hoa thì cúng vào đêm 24. Theo câu nói của dân gian là " Quan tam, dân tứ, thuyền gia ngũ ", có nghĩa là : Làm quan thì đưa ông Táo ngày 23, dân thì đưa ngày 24, còn những người đi ghe theo cuộc sống thương hồ thì đưa ông Táo ngày 25.
Bỏ qua về xuất xứ của tục lệ nầy, chỉ xét về phần cúng tế. Người Việt và người Hoa ở Việt Nam thường cúng tiễn Táo Quân bằng " thèo lèo ", bánh mức, chè Ỷ... hương hoa trà nước... và giấy tiền vàng bạc kèm theo các hình cò bay ngựa chạy. Ý là để cho ông Táo cởi ngựa cởi cò về trời ( trong văn học thì cho là cởi cá Chép ), còn " thèo lèo " bánh mức... là để ăn cho ngọt miệng đặng báo cáo cho ngọt cho tốt với Ngọc Hoàng Thượng Đế về tình trạng gia đình nơi mà ông Táo đang cư ngụ....
Nhớ lúc nhỏ, khi gần Tết , tôi đã đọc được một bài thơ " Tống Táo Thi " 送 竈 詩 trên báo để tiễn đưa ông Táo như sau:

送 竈 詩                  TỐNG TÁO THI 

麥芽糖餅餞行蹤, Mạch nha đường bỉnh tiễn hành tung,
拜祝佯癡且作聾。 Bái chúc dương si thả tác lung.
只有一般應開口, Chỉ hữu nhất ban ưng khai khẩu,
煩君報我一年窮。 Phiền quân báo ngã nhất niên cùng !

CHÚ THÍCH :
1. Đường Bỉnh : là Kẹo bánh. Đường là Đường, mà cũng là Kẹo nữa.
2. Dương : là Giả đò. Tác : là Làm, ở đây có nghĩa là Làm bộ.
3. Si : là Ngây, là Dại. Lung : là Điếc.
4. Nhất ban : là Mạo từ ( Article )chỉ : Một Điều, Một Cái.
5. Nhất niên : là Cả năm, suốt năm, chớ không phải MỘT NĂM.

DỊCH NGHĨA :
Mạch nha, Kẹo, bánh... đưa tiễn bước chân ông đi. Khi bái kiến và chúc tụng Thượng Đế xin ông giả ngây giả điếc dùm cho ( đừng nói lung tung những chuyện không tốt của tôi ). Chỉ có một điều ông nên mở miệng nói là.... Cảm phiền ông báo với Ngọc Hoàng là sao tôi lại nghèo suốt cả năm vậy ?!

DIỄN NÔM:

THƠ TIỄN ÔNG TÁO
Mạch nha kẹo bánh tiễn chân ông,
Lên đó giả ngây giả điếc dùm.
Chỉ có một điều nên mở miệng,
Rằng ta nghèo suốt một năm ròng!
Đỗ Chiêu Đức.

TÁI BÚT:
Xin được nói thêm về 2 chữ THÈO LÈO.


THÈO LÈO là phát theo âm Triều Châu của 2 chữ TRÀ LIỆU 茶料 : là Những Vật Liệu dùng để Uống Trà. VẬT LIỆU ở đây là chỉ những món đồ ngọt như : Kẹo Đậu Phọng, Kẹo mè đen, mè trắng, cốm, và những viên đậu phọng được áo một lớp đường màu trắng mà ta quen gọi là " Cứt Chuột ".
" Thèo Lèo Cứt Chuột " là món ngon dùng để uống trà và là món không thể thiếu khi cúng ông Táo ở quê tôi : Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xán, Phong Điền...

Nhân nói đến thơ đưa Ông Táo, ta không thể không nhắc đến bài " Tống Táo Thi " của Lữ Mông Chính, người mà trong " Hàn Nho Phong Vị Phú " Nguyễn Công Trứ đã viết như thế nầy:
.... Khó ai bằng Mãi Thần, Mông Chính, cũng có khi ngựa cởi dù che. ...

Sau đây, ta thử tìm hiểu cuộc đời nghèo khó và bài thơ đưa ông Táo nổi tiếng của ông nhé !...

呂蒙正(944或946-1011,字聖功,河南洛陽人,977年宋太宗丁丑科狀元。呂蒙正中狀元後,曾任將作監丞、通判、著作郎、左補闕、參知政事等官銜。988年,呂蒙正出任宰相,病逝於大中祥符四年(1011年,享年67歲.

LỮ MÔNG CHÍNH ( 944 & 946- 1011 ), Tự là Thánh Công, người đất Lạc Dương tỉnh Hà Nam, đậu Trạng Nguyên năm Đinh Sửu đời Tống Thế Tôn năm 977. Sau khi đỗ Trạng, Lữ Mông Chính đã từng giữ các chức vụ Giám Thừa, Thông Phán, Trứ Tác Lang, Tả Bổ Khuyết, Tham Tri Chính Sự. Năm 988, Lữ nhậm chức Tể Tướng. Bệnh mất năm Đại Trung Tường Phù thứ 4 ( 1011 ), hưởng thọ 67 tuổi.
Sau khi cha mất, gia cảnh ngày một suy vi . Lữ Mông Chính cùng mẹ phải tạm trú ngụ trong một lò gạch cũ, làm nghề ăn xin độ nhật.
Một hôm, thấy trước cửa quan Tể Tướng đông nghịt những người, chen chút nhau rất náo nhiệt. Lữ cũng chen vào để xem, tình cờ một vật gì đó từ trên trời bay xuống rớt đúng vào lòng. Thì ra, thiên kim tiểu thơ của quan Tể Tướng là Lưu Nguyệt Nga đang gieo tú cầu để tìm người hôn phối. Vật bay vào lòng Lữ là trái tú cầu được Lưu tiểu thơ ném từ trên lầu xuống....
Dĩ nhiên là ông bà Tể Tướng không chịu chấp nhận hôn sự nầy, nhưng tiểu thơ Nguyệt Nga thì lại kiên trì chấp nhận từ bỏ tất cả để đi theo Lữ về sống ở lò gạch bể, vì nàng cho đây là duyên trời định và hơn nữa không thể bội tín được.

Cuối năm đó, đến ngày đưa ông Táo, không hiểu là Lữ Mông Chính đã năn nỉ như thế nào mà ông hàng thịt bán chịu cho một miếng thịt đem về luộc để cúng ông Táo. Nhưng khi bà hàng thịt biết được việc nầy bèn mắng cho ông chồng một trận nên thân : " Nó nghèo kiết xác, làm sao có tiền trả mà bán chịu ?!". Bà ta tức tốc chạy đến lò gạch, thấy miếng thịt đang luộc dở dang trên bếp, bèn hứ một tiếng rồi vớt lấy miếng thịt đem về !. Đến nước nầy, Lữ chỉ còn biết đổ nước luộc thịt vào tô mà đưa tiễn ông Táo về trời thôi. 
Trong khi thắp hương để cúng ông Táo, vì cảm khái trước cái nghèo khó của mình và cũng cảm khái trước cái nhân tình thế thái, Lữ Mông Chính đã làm bài thơ tiễn Ông Táo sau đây :

一柱清香一縷煙, Nhất trụ thanh hương nhất lũ yên,
灶君今日上朝天; Táo Quân kim nhật thướng triều thiên.
玉皇若問人間事, Ngọc Hoàng nhược vấn nhân gian sự,
為道文章不值錢。 Vị đạo văn chương bất trị tiền ! 

DỊCH NGHĨA:
Một nén nhang thanh thanh tỏa ra một làn khói nhẹ, hôm nay ta đưa tiễn Táo Quân về để chầu Trời. Nếu như Ngọc Hoàng có hỏi đến chuyện của dân gian, thì xin ông hãy vì ta mà đáp rằng, văn chương không đáng giá đồng xu cắc bạc nào cả !

DIỄN NÔM:
Một nén nhang thanh làn khói nhẹ,
Chầu Trời tiễn Táo đến cửa thiên.
Ngọc Hoàng nếu hỏi nhơn gian sự,
Hãy đáp văn chương chẳng đáng tiền!

Đỗ Chiêu Đức. 

Thơ Tranh: Tống Táo Thi


Nguyên Tác Khuyết Danh
Dịch Thơ: Quên Đi
Tranh Thơ: Hữu Đức

Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

Câu Đối: Thỉnh Phước Đêm Xuân Ất Mùi - Song Quang


Câu Đối: Song Quang
Trình Bày: Kim Oanh


Cầu Lễ Đầu Năm


Lên chùa xin lễ đầu năm
Cầu ni sư phụ Diệu Âm điểm tình
Làm sao có được bóng hình
Được lời kinh tỏa còn in môi người
Đốt nhang thầm gọi . Em ôi!
Khói như cởi áo sòng rơi thất thần
Tôi không là quỷ sa tăng
Móc tim dâng lễ niết bàn là em
Hồn này tịnh độ hằng đêm
Tâm này kinh tự nhũn mềm từng câu
Cõi thiền là bóng em sâu
Thiên đàng là chiếc áo nâu bồng bềnh
Đầu năm cầu lễ làm hên
Diệu Âm ơi hỡi! Tình duyên cuộc đời

Hoài Tử

Xướng Họa: Mừng Xuân Mới


Xuân mới hân hoan phúc lại về,
Xuân tươi hoa thắm mấy ai chê ?
Xuân hồng hai đứa nên duyên thắm,
Xuân thắm đôi ta vẹn ước thề.
Xuân mộng ước mơ toàn của quí,
Xuân mơ ươm mộng suốt đời phê.
Xuân sang chúc hết đồng hương khỏe,
Xuân đến muôn nơi đẹp vạn bề!

Vạn bề xuân đẹp kháo xuân tươi,
Vạn sự như xuân mãi rạng ngời.
Vạn tượng canh tân vui khắp chốn,
Vạn điều như Ý thỏa muôn nơi
Vạn ban hạ phẩm duy thi phú,
Vạn chủng bất như chỉ giống nòi.
Vạn kiếp quyết gìn nền độc lập,
Vạn lòng như một hỡi ai ơi !.

Đỗ Chiêu Đức

CHÚ THÍCH : 
 * VẠN TƯỢNG CANH TÂN : Mọi cảnh tượng mọi hiện tượng đều đổi mới. 
 ** VẠN BAN HẠ PHẨM DUY THI PHÚ : Mọi thứ mọi ngành đều kém cỏi, duy chỉ có thi phú là cao nhã nhất. 
 *** VẠN CHỦNG BẤT NHƯ CHỈ GIỐNG NÒI: Mọi chủng tộc đều không bằng nòi giống của ta.
* * *
Họa Vận:
Mừng Xuân Mới

Mừng đón mùa xuân đã trở về
Mừng bài thơ mới chẳng ai chêMừng đôi tri kỷ vui đoàn tụ
Mừng cặp uyên ương trọn ước thề
Mừng bé chăm ngoan theo mẹ dặn
Mừng lời khen ngợi được thầy phê
Mừng Vườn Thơ Thẩn đầy hoa trái
Mừng cuộc đời ta đẹp mọi bề.

Mọi bề tốt đẹp ánh hồng tươi
Mọi việc hanh thông sáng rạng ngời
Mọi  chốn an vui đều bốn bể
Mọi  người hạnh phúc khắp muôn nơi
Mọi niềm hy vọng cho ngày mới
Mọi  nỗi thương yêu gởi giống nòi
Mọi  nét tinh hoa luu giữ mãi
Mọi  lòng luôn nhớ, nước non ơi! 

 Phương Hà
* * *
Lời Cầu Chúc đầu Năm

Cầu nguyện ơn Trên Hạnh Phúc về,
Cầu cho Tết lớn khỏi ai chê.
Cầu người khỏe mạnh yêu đời sống,
Cầu vợ an vui giữ vẹn thề.
Cầu chúc bà con tiền đầy túi,
Cầu mong bỏ hút chỉ cà phê.
Cầu tài lợi lộc không còn nợ,
Cầu chúc trọn năm đạt mọi bề...

Mọi bề ổn cả mới vui tươi,
Mọi chốn sinh viên Việt sáng ngời,
Mọi việc hanh thông mừng Tết mới,
Mọi nhà phát đạt đến muôn nơi,
Mọi đời con cháu luôn truyền tụng,
Mọi cảnh tang thương nhớ giống nòi.
Mọi lúc không quên mình tị nạn,
Mọi người như một nhớ ai ơi!

Mai Xuân Thanh


Tứ Thời Thi

Cùng Bạn
Tôi thật sự rung cảm với bài Tứ Thời Thi của cổ nhân để lại.Ngày xưa thú vui của thi nhân rất thâm thúy rất giản dị nhưng cũng rất trang trọng cao sang,thi nhân biết vui hưởng cái đẹp nho nhỏ hiện có trước mắt không cần tìm cảnh đẹp hùng vĩ xa xôi, thi nhân luôn thả hồn mình lâng lâng với thiên nhiên với từng mùa để tâm hồn hoà cùng vũ trụ càn khôn.
Bài thơ Tứ Thời Thi thật tuyệt vời,đối ý, đối chử từng cập thật tài tình ,đọc lên chúng ta thấy ngay cảnh vật bốn mùa trước mắt cùng cái phong thái an nhàn của người xưa.
Nhân đây cũng gởỉ đến thi hữu chia sẻ hai bài tứ tuyệt của Thiền Sư Tuệ Khải và Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm để tìm lại vài giây phút an nhiên vui hưởng cuối tuần.
Quý mến

Tứ Thời Thi

( Cổ nhân )
Xuân du phương thảo địa
Hạ thưởng lục hà trì
Thu ẩm hoàng hoa tửu
Đông ngâm bạch tuyết thi 


Bài Thơ Bốn Mùa 
(1)
Dạo bước trời xuân cỏ sắc hương 
Trầm mình sen hạ nước hồ gương 
Thu về nhấp chén hoàng hoa tửu 
Đông đến ngâm thơ tuyết trắng đường 
Mailoc

(2)
Xuân du đồng cỏ ngát hương trời
Hạ tắm sen hồ lá biếc phơi
Thu nhấp hoàng hoa men chếnh choáng
Đông ngâm thi phú tuyết tơi bời 

(3)
Xuân dạo cỏ đồng hương bát ngát 
Hạ tắm sen hồ nước biếc trong 
Thu nâng rượu cúc ấm lòng 
Đông ngâm thi phú mênh mông tuyết trời 
Mailoc
(4)
Xuân dạo cỏ hương nồng
Hạ ngắm sen hồ trong 
Thu về rượu cúc nhấp 
Đông tới tuyết thi ngâm 
Mailoc
--------------Binh Thường Tâm Thị Đạo

( Thiền Sư Tuệ Khải )
Xuân hữu bách hoa, thu hữu nguyệt
Hạ hữu lương phong , đông hữu tuyết
Nhược vô nhân sự quái tâm đầu 
Tiện thị nhân gian hảo thời tiết

Dịch Thơ:

Xuân có trăm hoa thu có trăng
Hạ về gió mát , tuyết đông giăng 
Ví lòng thanh thản không lo nghĩ 
Ấy buổi êm đềm chốn thế gian 
(Thiền Sư Thích Nhất Hạnh)

Xuân ngắm trăm hoa, thu thưởng nguyệt 
Gió lành nắng hạ, tuyết đông rơi 
Ví lòng vô sự tâm ngơi 
Tiết trời rõ nét tuyệt vời trần gian 
Mailoc
------------Cảnh Nhàn
( Nguyễn Bỉnh Khiêm )
Thu ăn măng trúc đông ăn giá 
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao
Rượu đến gốc cây ta sẽ nhấp
Nhìn xem phú qúi tựa chiêm bao 
Rượu ngon chẳng nệ ly sành

Thú Vui Bốn Mùa

Xuân đi Vegas " thắp đèn " chơi ,
Hạ ngắm sò nghêu biển tuyệt vời!
Dắt cháu thu sang trường học tựu,
Giáng Sinh đông tới bạn bè mời 

Mailoc

Chú thích " thắp đèn " ý muốn đi Las Vegas thì sạch túi như bỏ tiền thắp thêm đèn cho
các casino vậy

I- Phỏng dịch bài Tứ Thời Thi

Bài Thơ Bốn Mùa

(1) Thể ngũ ngôn:

Xuân dạo miền cỏ thơm
Hạ ngắm hồ sen biếc
Thu nhấp rượu cúc vàng
Đông ngâm vần thơ tuyết
Phương Hà

(2) Thể lục ngôn:

Xuân đến dạo miền cỏ thơm
Hè về ngắm hồ sen biếc
Thu sang nhấp rượu cúc vàng
Đông lại ngâm vần thơ tuyết

Phương Hà


II- Phỏng dịch bài:  Bình Thường Tâm Thị Đạo

GẶP ĐẠO GIỮA ĐỜI THƯỜNG

Xuân nở trăm hoa, thu ngập trăng
Hạ đem gió mát, đông sương giăng
Khi lòng buông xả không sân hận
Mọi việc yên bình, tâm ổn an.


Phương Hà

III- Cảm tác bài Cảnh Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm

Hưởng Nhàn

Mùa nào thức ấy, há lo chi
Đông: giá, thu: măng có thiếu gì !
Mật ngọt đầu xuân, sen cuối hạ
Rượu nồng luôn sẵn cứ nhâm nhi....

Phương Hà
--------------
Nhân Thầy Mai Lộc nhắc đến bài Tứ Thời Thi, Đỗ Chiêu Đức xin đựoc gởi lại bài viết nầy để Quí Thầy Cô, Thân Hữu đọc lại cho vui...

1.Ăn Chơi Bốn Mùa

Kính thưa Quý Thầy Cô và Các Bạn,
Nhân hãy còn là mùa Xuân, xin kính gởi đến quý Thầy Cô và Các Bạn bài thơ " Ăn chơi bốn mùa, Bốn mùa ăn chơi " của các Cụ ta ngày xưa, mà hồi còn bé, tôi đã chép được " nó " ở nhà của Ông Ba Hương Sư ở Ấp Yên Thượng ( Ba Láng ) như sau:

Xuân du phương thảo địa   春 逰 芳 草 地
 Hạ thưởng lục hà trì          夏 賞 绿 荷 池
Thu ẩm hoàng hoa tửu       秋 飲 黄 花 酒
Đông ngâm bạch tuyết thi 冬 吟 白 雪 詩

Thích nghĩa:
Bài thơ nầy có xuất xứ từ " THẦN ĐỒNG THI " 神童诗 của Uông Châu thời Bắc Tống biên soạn (出自北宋汪洙所编《神童诗)
Mùa xuân thì đi dạo chơi trên các thảm cỏ non. Mùa hè nóng nực thì ngồi ngắm hoa sen nở trong ao. Mùa thu mát mẻ thì nhâm nhi rượu cúc đào. Mùa đông lạnh lẽo tuyết rơi thì ngâm thơ vịnh tuyết trắng.( Đây chắc phải là các Cụ ở miến Bắc, chớ Miền Nam làm sao có tuyết trắng để.... ngâm. ).

Chú thích:
1.- PHƯƠNG 芳: Thơm, thuộc bộ Thảo 艸, nên chỉ mùi thơm nhè nhẹ, dịu dàng của cỏ cây hoa lá. Thường được dùng đặt tên cho phái nữ. Xin lạm bàn một chút về chữ Phương nầy để thấy được rằng đàn ông Châu Á khi xưa cũng " Ga Lăng " đáo để ". Này nhé , tất cả những thứ gì thuộc về phái nữ đều có chữ PHƯƠNG liền theo bên cạnh :
* Phương danh: Tên thơm, để chỉ tên của phái nữ. Ta thường hỏi : Xin
cho biết " quý tánh phương danh ".
* Phương tâm: Trái tim thơm, chỉ trái tim và lòng dạ của phái nữ.
* Phương ý: Chỉ ý kiến hoặc tình ý của phái nữ
* Phương lân: Cô hàng xóm thơm phức, chỉ người hàng xóm là phái nữ.
.... và một từ nữa mà cả đàn ông Tây phương " ga lăng " nhất cũng phải chào thua là : Hương hạn 香汗: Mồ HÔI thơm. Ở đây không xài chữ Phương nữa mà sử dụng thẳng từ HƯƠNG để chỉ mồ HÔI của các bà các cô cũng... thơm phức làm... " mê mệt người qua lại " (thơ Nguyễn Bính).
2.- Hoàng Hoa 黄花 : Hoa vàng, một cách riêng để gọi hoa Cúc.

Diễn nôm:
Xuân chơi trên thảm cỏ non
Hè thì thưởng ngoạn sen còn trên ao
Thu nhâm nhi rượu cúc đào
Đông ngâm thơ tuyết, thú nào hơn ta?

Kính thưa Quý thầy Cô và Các Bạn,
Chúng ta có thể mỗi người cùng làm một bài thơ theo bất cứ hình thức ( Năm chữ, bảy chữ, Nôm hay Hán.... ) thể nào cũng được để diễn tả lại cái " ăn chơi " hoặc " tiêu khiển " của bốn mùa nơi mà ta đang cư ngụ, có được chăng ?. Dĩ nhiên, tôi là người bày đặt cho nên phải đi đầu, xin trình làng bài thơ của tôi như sau :

Xuân cuồng du viên hội   春 逛 游 園 會
Hạ nhập thủy công viên   夏 入 水 公 園
Thu khánh hàm ân tiết     秋 慶 含 恩 節
Thánh Đản tại nhởn tiền. 聖 誕 在 眼 前

Nghĩa:
Mùa xuân thì đi vòng quanh các Hội Chợ ( Houston có rất nhiều Hội Chợ các Chùa ). Mùa hè thì vào Công viên Nước. Mùa thu thì đón lễ Tạ ơn ( học trò nghỉ suốt tuần chót của tháng 11 ). Mùa đông thì mừng Chúa Giáng sinh đến liền trước mắt sau Lễ Tạ Ơn.
Chú thích:
Chữ CUỒNG 逛 : Động từ có nghĩa là nhàn du, là đi vòng vòng. Ta hay lầm chữ Cuồng nầy với chữ Cuồng không có bộ Xước 狂 : Cuồng nầy là Tính từ có nghĩa là mạnh bạo, là điên .Ví dụ : Cuồng Phong là Gió Xoáy mạnh, và thường thì ta hay hiểu lầm nghĩa của Câu " Tửu nhập tâm như cẩu CUỒNG tại thị ". Rượu vào bụng rồi thì như con chó chạy vòng vòng ngoài chợ.( Chớ không phải CHÓ ĐIÊN, vì nếu là chó điên thì sẽ nói là CUỒNG CẨU ).

Bài thơ nôm:
Ngày xuân ăn Tết ở Chùa
Hè Công viên Nước vui đùa cháu con
Thu sang đón Lễ Tạ Ơn
Giáng Sinh năm hết, chỉ còn khao đao ( count-down )

Đỗ Chiêu Đức
--------------
2. Bài Kệ:Tâm Bình Thường Là Đạo

(Bình thường thị đạo)平常是道
Vô Môn Huệ Khai
Xuân hữu bách hoa thu hữu nguyệt,
Hạ hữu lương phong đông hữu tuyết.
Nhược vô nhàn sự quải tâm đầu,
Tiện thị nhân gian hảo thời tiết.

春 有 百 花 秋 有 月
夏 有 涼 風 冬 有 雪
若 無 閑 事 掛 心 頭
便 是 人 間 好 時 節

Chú Thích:
Nhược 若 : là Nếu, Nếu Như.
Nhàn Sự 閑 事 : Không phải là Chuyện nhàn hạ, mà là Chuyện lặc vặc quanh cuộc sống SỐNG.
Quải Tâm Đầu 掛 心 頭 : Quải là Treo, ở đây có nghĩa là Lo lắng quan tâm. Tâm Đầu là Trong lòng, chứ không phải Đầu Tim. nên...
Quải Tâm Đầu là Lo lắng ở trong lòng.

Nghĩa Bài Kệ:
Giữ được lòng bình thường thì là Đạo đó.

Mùa xuân thì có trăm hoa đua nở, mùa thu thì có trăng sáng. Mùa hè thì có gió mát hây hây, mùa đông thì có tuyết rơi lả tả. ( Đó là chuyện bình thường của bốn mùa !).
Nếu giữ được lòng bình thản không vướng bận vì sự nóng lạnh đẹp xấu của 4 mùa (NHÀN SỰ 閑 事), thì đó mới là cái THỜI TIẾT TỐT nhất của nhân gian !

Diễn Nôm:

Xuân nở trăm hoa, thu sáng trăng,
Hè thì gió mát, đông thì tuyết.
Nếu lòng bình thản chẳng băn khoăn,
Đó chính nhân gian hảo thời tiết!

Đỗ Chiêu Đức.
---------------
3. CảnhNhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm

Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chỗ lao xao
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Rượu đến gốc cây, ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú quí, tựa chiêm bao. 

***
Bốn Mùa

Xuân sang mây trắng bềnh bồng
Lá hoa khoe sắc nắng hồng reo vui
Gió lay rạo rực nắng chiều
Hạ về phượng nở buồn hiu tan trường.

Mùa Thu trời tím vấn vương
Cây phơi màu úa trên đường lá rơi
Tuyết về phủ kín bên đồi
Đông sang gió bấc mình ngồi nhớ nhau.


Dương hồng Thủy
***
Bốn Mùa Hạnh Phúc

Bốn mùa hạnh phúc lứa đôi,
Xuân vui khởi sắc núi đồi xanh tươi.
Học sinh nhảy nhót khỏe cười,
Nghỉ Hè bơi lội có người nhớ quê.
Thu sang lá rụng ủ ê,
Sợi bay đen nhánh tóc thề Đông phong.
Vì em, anh chỉ ước mong,
Thờ cha kính mẹ một lòng đồng tâm.
Đôi ta vàng đá tình thâm...
Đưa nhau xuất cảnh có lầm người không!
Chuyện đời đổi dạ thay lòng,
Ôm cầm lạc điệu, nước trong đánh phèn!

Mai Xuân Thanh
Ngày 27 tháng 07 năm 2015

Bốn Mùa


Cầu đủ dừa xoài một dĩa dâng
Hái hoa phượng ép tặng ai gần
Chung trà bánh dẻo trăng đầu trúc
Đốt lửa rơm hơ ấm áp dần


Cao Linh Tử
28/7/2015
***
Đời Người Qua Bốn Mùa

Xuân tròn rạng rỡ sắc hương khoe
Hừng hực tương lai tựa nắng hè
Đến lúc vào thu lòng khắc khoải
Mơ tàn bóng ngã gió đông se

Nhàn

Sáng với ly cà phê sữa nóng
Du dương tiếng nhạc với Website
Mail Thầy Mail Bạn, tin thời sự
Thơ thẩn Vườn Thơ cũng hết ngày


Quên Đi
***
Bốn Mùa Khởi Sắc

Xuân thiên khởi sắc khỏe đi chùa,
Hạ nắng vàng tươi cháu chắt đùa.
Lá rụng Thu buồn nghe xao xuyến,
Mưa bay Đông rét mướt thêu thùa !

Đón Xuân hớn hở mừng năm mới,
Lửa Hạ như thiêu hạn hán mùa...
Chuẩn bị khai trường Thu tiễn bạn,
Ngày Đông tháng giá lạnh te tua !

Ngày Xuân chén rượu chúc cho nhau,
Tháng Hạ về quê hưởng thú câu.
Khai giảng cô thầy Thu họp mặt,
Đông sang tuyết lạnh khổ âu sầu!

Khoe sắc trăm hoa báo tiết Xuân,
Nghỉ Hè phượng vĩ nhảy tưng bừng.
Thu sang mẹ hát ru con ngủ,
Gió lạnh ngày Đông ẩm ướt chân.


Mai Xuân Thanh  
Ngày 27 tháng 07 năm 2015

Em Và Mùa Xuân - Nhạc & Lời Lâm Kim Cương - Tiếng Hát Thúy Uyên


Sáng Tác & Hoà Âm: Lâm Kim Cương
Tiếng Hát: Thúy Uyên


Câu Đối Kén Chồng


      Xưa ở làng Cổ Am thuộc huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương có cụ tú mở trường dạy học. Trong số học trò có Văn Quế là người xuất sắc, văn bài bao giờ cũng được thầy khen bạn phục. Quế không những hay chữ Hán mà còn có tài Nôm.
       Một hôm thầy ra một câu rằng: Trai Cổ Am học trường Cổ Am

      Văn Quế ứng khẩu đối ngay một câu thật chọi: "Gái Hà Nội bán hàng Hà Nội"

      Gần trường có ông phủ về hưu, có một tiểu thư kiều diễm đã đến tuổi lấy chồng. Học trò bên cụ tú thường vẫn ngấp nghé. Quế ta vẫn thầm yêu trộm nhớ, ngặt vì thân phận hàn sĩ nên "đũa mốc"chẳng dám chòi "mâm son"vẫn rụt rè chưa dám gì.

      Tình cờ một buổi tối nọ, quan phủ sang chơi. Cụ tú liền đem bài của học trò ra khoe. Quan xem xong, quay ra đám học trò nói: "Con bé Sen nhà tôi cũng đã theo đòi được ít nhiều nghiên bút đang muốn kén bạn trăm năm. Nó có ra một vế đối, nếu ai đối được thì nó xin nâng khăn sửa túi".
      Cả bọn học trò đều nhao nhao xin đối. Ông phủ liền đọc:
      "Cô Sen mặc yếm hoa sen, đứng ở hồ sen chờ người quân tử"
      Các trò khác đều ngẩn người, kẻ tính bằng, người nhẩm trắc còn đang bí thì Văn Quế đã mau lẹ đáp:"Cậu Quế mặc đồ cánh quế, trèo lên cung quế bế chị hằng nga"

      Ðối xong, cả trường đều cười ầm, quan phủ cũng cười rồi tấm tắc khen và hứa nếu Quế học thành tài thì sẽ gả con gái cho.

Quên Đi Sưu tầm

Thưa Thầy và các bạn,

Lâu lâu đọc một câu đối hay thật thú vị. Thấy câu Đối, Quên Đi cũng đèo bồng, ngứa tay, xin múa rìu đối lại. Câu Đối không được chỉnh lắm, Quý Thầy và Anh Chị bỏ qua cũng vì ham vui thôi

- Người sông Cửu uống nước sông Cửu
- Anh Ba khoác áo bà ba, đi tới ngã ba đón cô thôn nữ

Quên Đi

Hương Xuân Tình Cũ


Đông tàn trời chuyển Xuân sang,
Đêm dài trở giấc mơ màng quạnh hiu.
Mấy chục năm Tết cô liêu,
Được gì ngã bóng xế chiều nhớ thương.
Một thời vụng dại vấn vương,
Ngây thơ tà áo mái trường thân quen...
Tuổi đời từng trãi bon chen,
Nhìn về dĩ vãng khó khăn qua rồi.
Cám ơn tình nghĩa, xa xôi,
Thân đơn lưu lạc một thời ruổi dong.
Ly hương ấm lạnh nỗi lòng,
Chiến tranh tàn cuộc ước mong thái bình.
Rượu bia say khướt, an ninh ?
Em than nghèo túng một mình đảm đang ?
Tuổi thơ duyên dáng đài trang,
Nhiều anh ngấp nghé đến nàng thầm thương.
Còn tôi ôm gối đoạn trường,
Phú cho số phận, khiêm nhường cố nhân.
Uổng công một mối tình gần,
Cách nhau dậu tím trước sân chung giàn.
Vườn hoa, thiên lý đầu làng
Đôi ta lận đận, sang ngang em buồn.
Tối trời oi bức màn buông,
Xa quê hương nhớ cội nguồn tổ tiên.
Mẹ già bếp lửa mái hiên,
Tét, chưng, bánh ú, ngủ yên giấc nồng.
Bao năm xa cách chờ trông,
Mong ngày sum họp thỏa lòng ước mơ.
Thái Bình biển rộng đôi bờ,
Bên kia pháo Tết, đây mơ Giao Thừa.
Đông - Tây cách biệt sớm trưa,
Cảm thông hoàn cảnh cho vừa ý nhau.
Xuân về trắng bạc mái đầu,
Biết bao kỷ niệm in sâu trong lòng.


Mai Xuân Thanh
Ngày 28 tháng 01 năm 2015

Thứ Hai, 9 tháng 2, 2015

Câu Đối: Giao Xuân 2015 - Nguyễn Đắc Thắng


Câu Đối: Nguyễn Đắc Thắng
Trình Bày: Kim Oanh

Xuân Đẹp Làm Sao - Thanh Sơn - Hoài Lam

      Mùa Xuân không cần nói gì hết ai cũng biết không khí Tết như thế nào rồi, Ngoài đường thì nhộn nhịp múa lân pháo nổ,trong nhà thì trang hoàng nhà cửa, bàn thờ thì đủ hết bánh trái thịt dưa mai đào...
      Mọi người vui vẻ chúc nhau,gái trai thì rộn ràng du xụân khi Tết đến. Xuân là mùa của những hy vong cho những điều tốt lành trong năm mới.


Sáng Tác: Thanh Sơn 
Tiếng Hát: Hoài Lam
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Anh Về Mùa Xuân


Xuân này anh đến bên em
Em không còn tựa bên rèm trông anh
Anh về! Có mắt long lanh
Có chén rượu ngọt tình xanh má hồng.

Anh về đem khối tình nồng
Như dòng hơi ấm sưởi lòng em yêu
Chân trời rực áng mây chiều
Như bình minh đến mang nhiều ước mơ.

Xuân này thỏa dạ mong chờ
Bao năm mòn mỏi mịt mờ bóng anh
Trên trời có áng mây xanh
Dưới đất em có tình anh tuyệt vời!

Anh Tú
January 30, 2012
* * *
Xuân Ứớc

Xuân này anh lại xa em
Để em giấu lệ sau rèm nhớ anh
Ân tình vương mối tơ lanh
Phận tằm suốt kiếp ươm xanh nụ hồng

Thời gian phấn nhạt hương nồng
Phôi pha nỗi nhớ nén lòng thương yêu
Cuối đời bóng đổ sương chiều
Hoàng hôn chìm khuất ít nhiều mộng mơ

Ngày xuân khắc khoải đợi chờ
Bóng chim tăm cá phai mờ dáng anh
Ước cây đời mãi tươi xanh
Cho tình em mãi trong anh cao vời

02/2015

Thiên Thu

Thất Phủ Miếu Vĩnh An Cung - Chùa Ông - Vĩnh Long 2015














Trương Văn Phú

Nhắc Chuyện Tết Với Thơ Vũ Đình Liên

Mỗi năm Tết đến lòng chúng ta nôn nao mơ tưởng mùa Xuân cũ năm nào những bài thơ của thi sĩ Vũ Đình Liên, thơ cho ta nỗi lâng lâng rộn ràng, ví dụ bài Ông đồ chẳng hạBuồn nhỉ?n. Hãy nói sơ qua về tiểu sử của nhà thơ.
Vũ Đình Liên sáng tác bài thơ Ông đồ, một tác phẩm bất hủ và bất tử trong vườn thơ Việt Nam. Thực ra ông sáng tác nhiều bài thơ nữa, nhưng công chúng chỉ biết mỗi một bài Ông đồ mà thôi. Ông sinh ngày 12-11-1913, quê gốc Hải Dương, mất ngày 18-1-1996 tại Hà Nội, Vũ Đình Liên là một trong những người mở đầu và góp phần cho phong trào Thơ mới, nổi tiếng với những vần thơ ca ngợi tình yêu, tuổi trẻ.

Vũ Đình Liên là nhà thơ kiêm nhà giáo tận tụy với công việc sư phạm, ông dạy học (môn Pháp văn) và dịch thơ, mà hầu như chỉ dịch thơ đại thi hào Pháp Charles Beaudelaire.
Vũ Đình Liên thích thơ Beaudelaire, nên bạn bè gọi ông là Baud Liên, một "Baudelaire Vietnamien". Về những tác phẩm chính: 
Một số bài thơ: Ông đồ, Lòng ta là những hàng thành quách cũ, Lũy tre xanh, Người kỹ nữ Cầu Trò (1973), Người đàn bà điên ga Lưu Xá (1977), Gặp lại người đàn bà điên (1987), Người điên - Nàng Tiên (1992),...
Sách đã xuất bản: Đôi mắt (thơ - 1957); Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam (cùng Nhóm Lê Quý Đôn -1957) ; Nguyễn Đình Chiểu - Nhà chí sĩ yêu nước (1957); Thơ Baudelaire (2) (dịch-1995); Thơ Vũ Đình Liên (NXB Văn hóa, 1996).

Tập thơ Les fleurs du Mal (Những bông hoa ác) của Baudelaire, một công trình nghiên cứu và dịch trong gần 40 năm sáng tác, đến khi CS cai trị miền Bắc, sức sáng tác của ông suy giảm. Bây giờ hãy xét qua bài thơ nổi tiếng Abel và Caïn của Baudelaire, qua sự chuyển ngữ của nhà thơ Vũ Đình Liên.
- Pháp ngữ phân đoạn 1:

"Race d'Abel, dors, bois et mange;
Dieu te sourit complaisamment.
Race de Caïn, dans la fange
Rampe et meurs misérablement.
Race d'Abel, ton sacrifice
Flatte le nez du Séraphin!
Race de Caïn, ton supplice
Aura-t-il jamais une fin?
Race d'Abel, vois tes semailles
Et ton bétail venir à bien;
Race de Caïn, tes entrailles
Hurlent la faim comme un vieux chien.
Race d'Abel, chauffe ton ventre
À ton foyer patriarcal;
Race de Caïn, dans ton antre
Tremble de froid, pauvre chacal!
Race d'Abel, aime et pullule!
Ton or fait aussi des petits.
Race de Caïn, coeur qui brûle,
Prends garde à ces grands appétits.
Race d'Abel, tu croîs et broutes
Comme les punaises des bois!
Race de Caïn, sur les routes
Traîne ta famille aux abois."

- Việt ngữ phân đoạn 1:
“Nòi giống Abel hãy ngủ ngon và ăn uống no say
Chúa trời đầy cảm tình cười với chúng bay
Nòi giống Caïn trong bùn lầy nước bẩn
Hãy lê la và chết dần chết mòn khốn nạn
Nòi giống Abel, rượu ngon thịt sống bày dâng
Hương vị thơm tho làm nở mùi thiên thần
Nòi giống Caïn hình tội các ngươi chịu đựng
Có ngày nào hết chăng hay vô cùng vô tận
Nòi giống Abel hãy xem đó mùa màng
Và bò ngựa của bay béo tốt, chín vàng
Nòi giống Caïn, gan ruột ngươi la thét
Gào đói như con chó già sắp chết
Nòi giống Abel hãy sưởi cái bụng phệ của bay
Bên lò sưởi gia đình, con cháu sum vầy
Nòi giống Caïn trong hang sâu gió rít
Hãy run lên, con chó ngao ăn thịt chết
Nòi giống Abel hãy lấy nhau và nảy nở sinh sôi
Vàng của bay cũng sinh con đẻ cái như người
Nòi giống Caïn, trái tim cháy bỏng
Các ngươi hãy phòng ngừa ước ao khát vọng
Nòi giống Abel hãy ngốn cỏ và lớn nhanh
Như những đàn rận rệp của rừng xanh
Nòi giống Caïn lang thang trên đường cái
Hãy tha vợ, tha con ngươi, đói nghèo, kinh hãi."

- Pháp ngữ phân đoạn 2:
"Ah! race d'Abel, ta charogne
Engraissera le sol fumant!
Race de Caïn, ta besogne
N'est pas faite suffisamment;
Race d'Abel, voici ta honte:
Le fer est vaincu par l'épieu!
Race de Caïn, au ciel monte,
Et sur la terre jette Dieu!"

- Việt ngữ phân đoạn 2:
"Nhưng mà ôi! Nòi giống Abel xác thời chẳng bay
Sẽ làm phân bón cho ruộng đất một ngày

Nòi giống Caïn, bàn tay lao động
Của các người chưa làm vừa, làm đúng

Nòi giống Abel, đây là cái nhục chúng bay
Cái gậy đi săn đã đánh bại lưỡi cày
Nòi giống Caïn hãy chiếm cả bầu trời cao ngất
Hãy lên trời và vất chúa trời xuống đất." 

Dù đã nổi danh trong phong trào Thơ mới nhưng cho đến khi được Hoài Thanh - Hoài Chân chọn thơ viết giới thiệu trên cuốn Thi nhân Việt Nam, Vũ Đình Liên chưa xuất bản một tập thơ nào cả, một đặc cách rộng rãi cho Vũ thi nhân. Đầu năm 1941, trong một bức thư gửi Hoài Thanh, lúc Hoài Thanh thực hiện tác phẩm Thi nhân Việt Nam.
Vũ Đình Liên vốn khiêm tốn, nên có những bài thơ hiếm hoi của ông được biết đến đều mang tâm trạng u buồn, những nỗi niềm hoài cổ, về lũy tre xanh xưa, về thành quách rêu rong nét cũ mà vẻ ảm đạm của “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” hay "Những người muôn năm cũ, Hồn ở đâu bây giờ?". Hoài niệm của ông cũng là nỗi niềm của nhiều người và bức tranh bằng thơ về Ông Đồ vẫn sẽ còn ngậm ngùi vang vọng mãi với thời gian: "Ông đồ vẫn ngồi đấy, Qua đường không ai hay, Lá vàng rơi trên, giấy, Ngoài trời mưa bụi bay", (*).

Vũ Đình Liên đã tự nhận mình là nhà thơ của giới lao khổ của xã hội.
Trên báo Phong Hóa, số ngày 18-8-1934, ông ao ước:

"Tôi muốn hát những bài ca thảm thiết
Như những tiếng kêu than của người đói rét...
Tôi muốn ru những trẻ con côi cút
Không chốn nương thân, không người chăm chút...
Tôi muốn an ủi những người nghèo khổ
Thiểu não bơ vơ, không họ hàng nhà cửa...
Tôi sẽ gọi bạn lầm than đói khát
Đến xung quanh để nghe tôi đàn hát...
Rồi hết thảy bầy rách rưới đui mù
Từ ông lão già cho đến đứa trẻ thơ
Dứt tiếng hát đều kêu lên cảm khái:
- Anh là thi sỹ của những người thân tàn ma dại."

Bốn mươi ba năm sau, từ 1944-1977, khi ngoài đời đã bao nhiêu đổi thay, người CS làm chủ đất nước, Vũ Đình Liên vẫn giữ nguyên vẹn lòng thương xót, nỗi chia sẻ tê tái với những người thua thiệt trong xã hội.
Bài thơ Người đàn bà điên ga Lưu Xá là một thí dụ điển hình. Xuân đang về hãy xem bài thơ bi ai này. Ông tả cảnh người đàn bà điên trong chuyến tàu Tết như sau: 

"Người đàn bà điên ga Lưu Xá
Ngồi ngay trước mặt dưới chân tôi
Ai vẽ được thiên tài hội họa
Chân dung kia kinh tởm tuyệt vời
Công chúa điên rồ và rách rưới
Hình ảnh lạ lùng chửa có hai
Cảnh tượng Đông Tây cộng lại
Khôn dựng nên dù một phần mười..." 

Chân dung người đàn bà điên xơ xác cho thấy Vũ Đình Liên hướng thi ca của ông thiên về nếp sống dân sinh xã hội. 

"Bao tải xơ ni lông nát vụn
Sợi dây thừng buộc mũ rách bông ...
Tôi ngồi ngắm mắt không hề mỏi
Đống rác kia xưa đã là hoa...
Ai dun dủi và ai sắp đặt
Một nhà thơ với một người điên
Tôi bắt gặp ba lần cặp mắt
Nhẹ căm thù như muốn làm duyên..."

Đoạn thơ cuối, Vũ Đình Liên mong mỏi cho người đàn bà điên có được đời sống vui tươi hơn: 

"Tôi đi tìm đến những người thân
Bè bạn cháu con xa với gần
Ngày Tết cổ truyền vui thiếu đủ
Nhìn mặt người như nắm hoa xuân
Còn tôi biết cuộc đời đã trút
Lên hoa kia sương tuyết nặng dày
Đời độc ác lòng người bội bạc
Làm hoa kia thành đống rác này
Đời sẽ đổi lòng người sẽ đổi
Sẽ trở về tình xót nghĩa thương...
Người em Lưu Xá ở đâu đây
Có thấy ấm lòng xuân nắng hây
Một đóa hoa tàn nay nở lại
Thắm hồng trong buổi mới xuân nay..." 

Bài thơ trên nói về Xuân mới sang, bài thơ kế đề cập về mùa Tết đến, trong tưởng người viết bài sắp xếp chuyện Tết với thi nhân Vũ Đình Liên:

"Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua"

Tôi đọc bài viết "Đầu Năm Nhắc Chuyện Tết" của tác giả Trần Đình Thông như sau:

"Bài thơ xưa nhắc tôi nhớ nhiều về những ngày tết xa xưa khi mà ở các chợ hay trên hè phố lớn hay các nơi đông người, các di tích có nghi lễ tết như chùa hay các miếu, đình hay lăng, ví dụ Lăng Ông Bà Chiểu hay Sở Thú có sự hiện của cụ đồ trong quần trắng, áo dài màu đen như y phục truyền thống của các cu. Khi cụ đồ tung bút phết bằng cọ những chữ phóng họa thật bay bướm có nét rồng bay phượng múa thì thật là đẹp mắt trên các bản vẽ chúc xuân hay chúc tết đầu năm. Viết về kỷ niệm tết thì tôi có cả một ký ức dầy đặc để kể ra đây... 

Rồi giao thừa đến. Chuông trống đền chùa khua vang. Giữa giờ phút thiêng liêng của đất Kinh kỳ vào xuân, nhà nào cũng đốt đèn nến, thắp tuân hương mới, khấn vái tổ tiên phù hộ cho khỏe mạnh buôn bán phát tài, con cái học hành tấn tới. Rất nhiều nhà còn đặt mâm lễ ngoài trời để cúng vái tạ ơn quan cũ về trời, đón mừng quan mới vừa tới. Nhìn vào hai cốc pha lê đặt thủy tiên, hôm qua hoa còn hàm tiếu, giờ đã nở đúng giao thừa, tỏa hương thơm ngát, coi như thế là điềm lành cho cả năm. 

Chúc Mừng Năm Mới."

Thơ của Vũ Đình Liên mang nét hoài cổ khiến đọc tác phẩm của ông cho ta cảm nhận cảm giác bâng khuâng tiếc nuối những truyền thống văn hóa xưa đã mờ nhạt dần, bốn câu nhập đề của bài viết Trần Đình Thông viết bên trên. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, người Việt xưa thường có thói quen xin chữ để gửi gắm những mong ước, khát vọng cho năm mới như tác giả bài viết chuyện Tết ghi nhận.

Trần Văn Lưu - Vũ Đình Liên - Bùi Xuân Phái
Mùa hoa đào nở cũng là thời khắc giao mùa, sự thiêng liêng giữa năm cũ và năm mới đang đến. Mỗi khi hoa đào nở là lại thấy ông đồ già xuất hiện bên cạnh đĩa mực tàu, giấy đỏ bên phố nhộn nhịp người đi lại du XU Xuân mới, mua sắm cho Tết nhất. Lời thơ chứa chan sự thổn thức, bồi hồi dáng ông đồ xưa. Bài thơ dài (20), hai mươi chữ (*) giới thiệu được trọn vẹn không gian, thời gian, nhân vật, tạo tiền đề cho câu chuyện xin được tiếp tục trình bày như trong các câu thơ sau:

"Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay."

Hai câu tiếp theo, nhà thơ mô tả tài năng của ông đồ, bán chữ nghệ thuật vẽ, nét bút mát tay tài hoa của ông đồ:

"Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay"

Câu thơ trên của Vũ Đình Liên diễn tả nét chuyên nhiệp, nghệ thuật hái ra tiền khi Xuân về, kỹ năng vẽ chữ phượng múa rồng bay với niềm hân hoan trong thời buổi hoàng kim của ông đồ. Đến hai câu thơ thứ 9 và 10 lại thơ cho vẻ ê chề, não nuột:

"Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?"

Dùng hai từ ngữ điệp vận "mỗi" trong một thơ diễn tả sự kiện cụ đồ của văn hóa thuở nho thịnh nay đã hoàng hôn, vắng thưa khách thuê viết theo thời gian.

"Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay"

Đoạn đầu bài thơ tô điểm mỗi năm hoa đào nở biểu tượng cho không gian Tết đến, khung trời sang Xuân, sự xuất hiện của ông đồ già cong lưng vẽ chữ làm cảnh vật xung quanh và lòng người thêm náo nức, rộn rã. Quần chúng đón nhận ông bằng tất cả sự trang trọng cần thiết. Nay thì giờ đây ông vẫn ngồi đấy, trên con phố dông người lại du xuân sắm tết. Ông chờ đợi sự đoái hoài, hương Tết xưa của khách hàng qua lại mà sao như sự thờ ơ công việc nghệ thuật của ông. 

Một khi nếp sống xã hội theo tây hóa, hình ảnh của ông đồ biểu hiện cho văn hóa xưa nho học đã bị đào thải, như thơ của thơ Tú Xương mô tả sự kiện đổi thay xã hội:

"Nào có ra gì cái chữ nho
Ông nghè ông cống cũng nằm co"

Tết lại đến để ông đồ hình như bị im lìm chìm sâu khuất lấp hình bóng đáng yêu xưa, mờ nhạt dần trong phong tục đầu năm khi xuân về. Để rồi phong tục cũ thật sự mai một tịch liêu:

"Năm nay hoa đào nở
Không thấy ông đồ xưa"

Bài thơ kết thúc bằng hai câu thơ buồn bã mà nhiều chúng ta thuộc làu trong tâm thức xót thương cho dĩ vãng một thời nhuốm văn hóa xưa phong tục cũ khi thi nhân “gọi hồn” của sự kiện nay đã mất...

"Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?".

“Những người muôn năm cũ” ấy có thể là ông đồ, có thể là khách du xuân mua họa phẩm nghệ thuật của ông đồ. Nhưng cái mất mát trong thơ của Vũ thi nhân là sự tiếc nuối, thơ mang âm hưởng xót xa, bởi vì kỷ niệm đã phôi phai, tàn lụi của những nét đẹp trong văn hóa cổ truyền như dịp Tết đến Xuân về của dân tộc. Buồn nhỉ?

Việt Hải LA.