Thứ Hai, 9 tháng 2, 2015

Câu Đối: Giao Xuân 2015 - Nguyễn Đắc Thắng


Câu Đối: Nguyễn Đắc Thắng
Trình Bày: Kim Oanh

Xuân Đẹp Làm Sao - Thanh Sơn - Hoài Lam

      Mùa Xuân không cần nói gì hết ai cũng biết không khí Tết như thế nào rồi, Ngoài đường thì nhộn nhịp múa lân pháo nổ,trong nhà thì trang hoàng nhà cửa, bàn thờ thì đủ hết bánh trái thịt dưa mai đào...
      Mọi người vui vẻ chúc nhau,gái trai thì rộn ràng du xụân khi Tết đến. Xuân là mùa của những hy vong cho những điều tốt lành trong năm mới.


Sáng Tác: Thanh Sơn 
Tiếng Hát: Hoài Lam
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Anh Về Mùa Xuân


Xuân này anh đến bên em
Em không còn tựa bên rèm trông anh
Anh về! Có mắt long lanh
Có chén rượu ngọt tình xanh má hồng.

Anh về đem khối tình nồng
Như dòng hơi ấm sưởi lòng em yêu
Chân trời rực áng mây chiều
Như bình minh đến mang nhiều ước mơ.

Xuân này thỏa dạ mong chờ
Bao năm mòn mỏi mịt mờ bóng anh
Trên trời có áng mây xanh
Dưới đất em có tình anh tuyệt vời!

Anh Tú
January 30, 2012
* * *
Xuân Ứớc

Xuân này anh lại xa em
Để em giấu lệ sau rèm nhớ anh
Ân tình vương mối tơ lanh
Phận tằm suốt kiếp ươm xanh nụ hồng

Thời gian phấn nhạt hương nồng
Phôi pha nỗi nhớ nén lòng thương yêu
Cuối đời bóng đổ sương chiều
Hoàng hôn chìm khuất ít nhiều mộng mơ

Ngày xuân khắc khoải đợi chờ
Bóng chim tăm cá phai mờ dáng anh
Ước cây đời mãi tươi xanh
Cho tình em mãi trong anh cao vời

02/2015

Thiên Thu

Thất Phủ Miếu Vĩnh An Cung - Chùa Ông - Vĩnh Long 2015














Trương Văn Phú

Nhắc Chuyện Tết Với Thơ Vũ Đình Liên

Mỗi năm Tết đến lòng chúng ta nôn nao mơ tưởng mùa Xuân cũ năm nào những bài thơ của thi sĩ Vũ Đình Liên, thơ cho ta nỗi lâng lâng rộn ràng, ví dụ bài Ông đồ chẳng hạBuồn nhỉ?n. Hãy nói sơ qua về tiểu sử của nhà thơ.
Vũ Đình Liên sáng tác bài thơ Ông đồ, một tác phẩm bất hủ và bất tử trong vườn thơ Việt Nam. Thực ra ông sáng tác nhiều bài thơ nữa, nhưng công chúng chỉ biết mỗi một bài Ông đồ mà thôi. Ông sinh ngày 12-11-1913, quê gốc Hải Dương, mất ngày 18-1-1996 tại Hà Nội, Vũ Đình Liên là một trong những người mở đầu và góp phần cho phong trào Thơ mới, nổi tiếng với những vần thơ ca ngợi tình yêu, tuổi trẻ.

Vũ Đình Liên là nhà thơ kiêm nhà giáo tận tụy với công việc sư phạm, ông dạy học (môn Pháp văn) và dịch thơ, mà hầu như chỉ dịch thơ đại thi hào Pháp Charles Beaudelaire.
Vũ Đình Liên thích thơ Beaudelaire, nên bạn bè gọi ông là Baud Liên, một "Baudelaire Vietnamien". Về những tác phẩm chính: 
Một số bài thơ: Ông đồ, Lòng ta là những hàng thành quách cũ, Lũy tre xanh, Người kỹ nữ Cầu Trò (1973), Người đàn bà điên ga Lưu Xá (1977), Gặp lại người đàn bà điên (1987), Người điên - Nàng Tiên (1992),...
Sách đã xuất bản: Đôi mắt (thơ - 1957); Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam (cùng Nhóm Lê Quý Đôn -1957) ; Nguyễn Đình Chiểu - Nhà chí sĩ yêu nước (1957); Thơ Baudelaire (2) (dịch-1995); Thơ Vũ Đình Liên (NXB Văn hóa, 1996).

Tập thơ Les fleurs du Mal (Những bông hoa ác) của Baudelaire, một công trình nghiên cứu và dịch trong gần 40 năm sáng tác, đến khi CS cai trị miền Bắc, sức sáng tác của ông suy giảm. Bây giờ hãy xét qua bài thơ nổi tiếng Abel và Caïn của Baudelaire, qua sự chuyển ngữ của nhà thơ Vũ Đình Liên.
- Pháp ngữ phân đoạn 1:

"Race d'Abel, dors, bois et mange;
Dieu te sourit complaisamment.
Race de Caïn, dans la fange
Rampe et meurs misérablement.
Race d'Abel, ton sacrifice
Flatte le nez du Séraphin!
Race de Caïn, ton supplice
Aura-t-il jamais une fin?
Race d'Abel, vois tes semailles
Et ton bétail venir à bien;
Race de Caïn, tes entrailles
Hurlent la faim comme un vieux chien.
Race d'Abel, chauffe ton ventre
À ton foyer patriarcal;
Race de Caïn, dans ton antre
Tremble de froid, pauvre chacal!
Race d'Abel, aime et pullule!
Ton or fait aussi des petits.
Race de Caïn, coeur qui brûle,
Prends garde à ces grands appétits.
Race d'Abel, tu croîs et broutes
Comme les punaises des bois!
Race de Caïn, sur les routes
Traîne ta famille aux abois."

- Việt ngữ phân đoạn 1:
“Nòi giống Abel hãy ngủ ngon và ăn uống no say
Chúa trời đầy cảm tình cười với chúng bay
Nòi giống Caïn trong bùn lầy nước bẩn
Hãy lê la và chết dần chết mòn khốn nạn
Nòi giống Abel, rượu ngon thịt sống bày dâng
Hương vị thơm tho làm nở mùi thiên thần
Nòi giống Caïn hình tội các ngươi chịu đựng
Có ngày nào hết chăng hay vô cùng vô tận
Nòi giống Abel hãy xem đó mùa màng
Và bò ngựa của bay béo tốt, chín vàng
Nòi giống Caïn, gan ruột ngươi la thét
Gào đói như con chó già sắp chết
Nòi giống Abel hãy sưởi cái bụng phệ của bay
Bên lò sưởi gia đình, con cháu sum vầy
Nòi giống Caïn trong hang sâu gió rít
Hãy run lên, con chó ngao ăn thịt chết
Nòi giống Abel hãy lấy nhau và nảy nở sinh sôi
Vàng của bay cũng sinh con đẻ cái như người
Nòi giống Caïn, trái tim cháy bỏng
Các ngươi hãy phòng ngừa ước ao khát vọng
Nòi giống Abel hãy ngốn cỏ và lớn nhanh
Như những đàn rận rệp của rừng xanh
Nòi giống Caïn lang thang trên đường cái
Hãy tha vợ, tha con ngươi, đói nghèo, kinh hãi."

- Pháp ngữ phân đoạn 2:
"Ah! race d'Abel, ta charogne
Engraissera le sol fumant!
Race de Caïn, ta besogne
N'est pas faite suffisamment;
Race d'Abel, voici ta honte:
Le fer est vaincu par l'épieu!
Race de Caïn, au ciel monte,
Et sur la terre jette Dieu!"

- Việt ngữ phân đoạn 2:
"Nhưng mà ôi! Nòi giống Abel xác thời chẳng bay
Sẽ làm phân bón cho ruộng đất một ngày

Nòi giống Caïn, bàn tay lao động
Của các người chưa làm vừa, làm đúng

Nòi giống Abel, đây là cái nhục chúng bay
Cái gậy đi săn đã đánh bại lưỡi cày
Nòi giống Caïn hãy chiếm cả bầu trời cao ngất
Hãy lên trời và vất chúa trời xuống đất." 

Dù đã nổi danh trong phong trào Thơ mới nhưng cho đến khi được Hoài Thanh - Hoài Chân chọn thơ viết giới thiệu trên cuốn Thi nhân Việt Nam, Vũ Đình Liên chưa xuất bản một tập thơ nào cả, một đặc cách rộng rãi cho Vũ thi nhân. Đầu năm 1941, trong một bức thư gửi Hoài Thanh, lúc Hoài Thanh thực hiện tác phẩm Thi nhân Việt Nam.
Vũ Đình Liên vốn khiêm tốn, nên có những bài thơ hiếm hoi của ông được biết đến đều mang tâm trạng u buồn, những nỗi niềm hoài cổ, về lũy tre xanh xưa, về thành quách rêu rong nét cũ mà vẻ ảm đạm của “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” hay "Những người muôn năm cũ, Hồn ở đâu bây giờ?". Hoài niệm của ông cũng là nỗi niềm của nhiều người và bức tranh bằng thơ về Ông Đồ vẫn sẽ còn ngậm ngùi vang vọng mãi với thời gian: "Ông đồ vẫn ngồi đấy, Qua đường không ai hay, Lá vàng rơi trên, giấy, Ngoài trời mưa bụi bay", (*).

Vũ Đình Liên đã tự nhận mình là nhà thơ của giới lao khổ của xã hội.
Trên báo Phong Hóa, số ngày 18-8-1934, ông ao ước:

"Tôi muốn hát những bài ca thảm thiết
Như những tiếng kêu than của người đói rét...
Tôi muốn ru những trẻ con côi cút
Không chốn nương thân, không người chăm chút...
Tôi muốn an ủi những người nghèo khổ
Thiểu não bơ vơ, không họ hàng nhà cửa...
Tôi sẽ gọi bạn lầm than đói khát
Đến xung quanh để nghe tôi đàn hát...
Rồi hết thảy bầy rách rưới đui mù
Từ ông lão già cho đến đứa trẻ thơ
Dứt tiếng hát đều kêu lên cảm khái:
- Anh là thi sỹ của những người thân tàn ma dại."

Bốn mươi ba năm sau, từ 1944-1977, khi ngoài đời đã bao nhiêu đổi thay, người CS làm chủ đất nước, Vũ Đình Liên vẫn giữ nguyên vẹn lòng thương xót, nỗi chia sẻ tê tái với những người thua thiệt trong xã hội.
Bài thơ Người đàn bà điên ga Lưu Xá là một thí dụ điển hình. Xuân đang về hãy xem bài thơ bi ai này. Ông tả cảnh người đàn bà điên trong chuyến tàu Tết như sau: 

"Người đàn bà điên ga Lưu Xá
Ngồi ngay trước mặt dưới chân tôi
Ai vẽ được thiên tài hội họa
Chân dung kia kinh tởm tuyệt vời
Công chúa điên rồ và rách rưới
Hình ảnh lạ lùng chửa có hai
Cảnh tượng Đông Tây cộng lại
Khôn dựng nên dù một phần mười..." 

Chân dung người đàn bà điên xơ xác cho thấy Vũ Đình Liên hướng thi ca của ông thiên về nếp sống dân sinh xã hội. 

"Bao tải xơ ni lông nát vụn
Sợi dây thừng buộc mũ rách bông ...
Tôi ngồi ngắm mắt không hề mỏi
Đống rác kia xưa đã là hoa...
Ai dun dủi và ai sắp đặt
Một nhà thơ với một người điên
Tôi bắt gặp ba lần cặp mắt
Nhẹ căm thù như muốn làm duyên..."

Đoạn thơ cuối, Vũ Đình Liên mong mỏi cho người đàn bà điên có được đời sống vui tươi hơn: 

"Tôi đi tìm đến những người thân
Bè bạn cháu con xa với gần
Ngày Tết cổ truyền vui thiếu đủ
Nhìn mặt người như nắm hoa xuân
Còn tôi biết cuộc đời đã trút
Lên hoa kia sương tuyết nặng dày
Đời độc ác lòng người bội bạc
Làm hoa kia thành đống rác này
Đời sẽ đổi lòng người sẽ đổi
Sẽ trở về tình xót nghĩa thương...
Người em Lưu Xá ở đâu đây
Có thấy ấm lòng xuân nắng hây
Một đóa hoa tàn nay nở lại
Thắm hồng trong buổi mới xuân nay..." 

Bài thơ trên nói về Xuân mới sang, bài thơ kế đề cập về mùa Tết đến, trong tưởng người viết bài sắp xếp chuyện Tết với thi nhân Vũ Đình Liên:

"Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua"

Tôi đọc bài viết "Đầu Năm Nhắc Chuyện Tết" của tác giả Trần Đình Thông như sau:

"Bài thơ xưa nhắc tôi nhớ nhiều về những ngày tết xa xưa khi mà ở các chợ hay trên hè phố lớn hay các nơi đông người, các di tích có nghi lễ tết như chùa hay các miếu, đình hay lăng, ví dụ Lăng Ông Bà Chiểu hay Sở Thú có sự hiện của cụ đồ trong quần trắng, áo dài màu đen như y phục truyền thống của các cu. Khi cụ đồ tung bút phết bằng cọ những chữ phóng họa thật bay bướm có nét rồng bay phượng múa thì thật là đẹp mắt trên các bản vẽ chúc xuân hay chúc tết đầu năm. Viết về kỷ niệm tết thì tôi có cả một ký ức dầy đặc để kể ra đây... 

Rồi giao thừa đến. Chuông trống đền chùa khua vang. Giữa giờ phút thiêng liêng của đất Kinh kỳ vào xuân, nhà nào cũng đốt đèn nến, thắp tuân hương mới, khấn vái tổ tiên phù hộ cho khỏe mạnh buôn bán phát tài, con cái học hành tấn tới. Rất nhiều nhà còn đặt mâm lễ ngoài trời để cúng vái tạ ơn quan cũ về trời, đón mừng quan mới vừa tới. Nhìn vào hai cốc pha lê đặt thủy tiên, hôm qua hoa còn hàm tiếu, giờ đã nở đúng giao thừa, tỏa hương thơm ngát, coi như thế là điềm lành cho cả năm. 

Chúc Mừng Năm Mới."

Thơ của Vũ Đình Liên mang nét hoài cổ khiến đọc tác phẩm của ông cho ta cảm nhận cảm giác bâng khuâng tiếc nuối những truyền thống văn hóa xưa đã mờ nhạt dần, bốn câu nhập đề của bài viết Trần Đình Thông viết bên trên. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, người Việt xưa thường có thói quen xin chữ để gửi gắm những mong ước, khát vọng cho năm mới như tác giả bài viết chuyện Tết ghi nhận.

Trần Văn Lưu - Vũ Đình Liên - Bùi Xuân Phái
Mùa hoa đào nở cũng là thời khắc giao mùa, sự thiêng liêng giữa năm cũ và năm mới đang đến. Mỗi khi hoa đào nở là lại thấy ông đồ già xuất hiện bên cạnh đĩa mực tàu, giấy đỏ bên phố nhộn nhịp người đi lại du XU Xuân mới, mua sắm cho Tết nhất. Lời thơ chứa chan sự thổn thức, bồi hồi dáng ông đồ xưa. Bài thơ dài (20), hai mươi chữ (*) giới thiệu được trọn vẹn không gian, thời gian, nhân vật, tạo tiền đề cho câu chuyện xin được tiếp tục trình bày như trong các câu thơ sau:

"Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay."

Hai câu tiếp theo, nhà thơ mô tả tài năng của ông đồ, bán chữ nghệ thuật vẽ, nét bút mát tay tài hoa của ông đồ:

"Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay"

Câu thơ trên của Vũ Đình Liên diễn tả nét chuyên nhiệp, nghệ thuật hái ra tiền khi Xuân về, kỹ năng vẽ chữ phượng múa rồng bay với niềm hân hoan trong thời buổi hoàng kim của ông đồ. Đến hai câu thơ thứ 9 và 10 lại thơ cho vẻ ê chề, não nuột:

"Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?"

Dùng hai từ ngữ điệp vận "mỗi" trong một thơ diễn tả sự kiện cụ đồ của văn hóa thuở nho thịnh nay đã hoàng hôn, vắng thưa khách thuê viết theo thời gian.

"Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay"

Đoạn đầu bài thơ tô điểm mỗi năm hoa đào nở biểu tượng cho không gian Tết đến, khung trời sang Xuân, sự xuất hiện của ông đồ già cong lưng vẽ chữ làm cảnh vật xung quanh và lòng người thêm náo nức, rộn rã. Quần chúng đón nhận ông bằng tất cả sự trang trọng cần thiết. Nay thì giờ đây ông vẫn ngồi đấy, trên con phố dông người lại du xuân sắm tết. Ông chờ đợi sự đoái hoài, hương Tết xưa của khách hàng qua lại mà sao như sự thờ ơ công việc nghệ thuật của ông. 

Một khi nếp sống xã hội theo tây hóa, hình ảnh của ông đồ biểu hiện cho văn hóa xưa nho học đã bị đào thải, như thơ của thơ Tú Xương mô tả sự kiện đổi thay xã hội:

"Nào có ra gì cái chữ nho
Ông nghè ông cống cũng nằm co"

Tết lại đến để ông đồ hình như bị im lìm chìm sâu khuất lấp hình bóng đáng yêu xưa, mờ nhạt dần trong phong tục đầu năm khi xuân về. Để rồi phong tục cũ thật sự mai một tịch liêu:

"Năm nay hoa đào nở
Không thấy ông đồ xưa"

Bài thơ kết thúc bằng hai câu thơ buồn bã mà nhiều chúng ta thuộc làu trong tâm thức xót thương cho dĩ vãng một thời nhuốm văn hóa xưa phong tục cũ khi thi nhân “gọi hồn” của sự kiện nay đã mất...

"Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?".

“Những người muôn năm cũ” ấy có thể là ông đồ, có thể là khách du xuân mua họa phẩm nghệ thuật của ông đồ. Nhưng cái mất mát trong thơ của Vũ thi nhân là sự tiếc nuối, thơ mang âm hưởng xót xa, bởi vì kỷ niệm đã phôi phai, tàn lụi của những nét đẹp trong văn hóa cổ truyền như dịp Tết đến Xuân về của dân tộc. Buồn nhỉ?

Việt Hải LA.

Chủ Nhật, 8 tháng 2, 2015

Câu Đối: Xuân Ất Mùi 2015 - Mai Xuân Thanh


Câu Đối: Mai Xuân Thanh
Trình Bày: Kim Oanh

Xướng Họa: Xuân Hiu Quạnh


Tết đến đến thêm một tuổi già
Đêm dài lặng lẽ đếm ngày qua
Lời ca xuân đáo vui vơ vẩn
Giai điệu đông tàn cảm xót xa
Mòn mỏi đợi chờ vầng nắng sớm
Bâng khuâng đối diện bóng trăng tà
Lửa hồng nhen nhóm tìm hơi ấm
Tâm sự lan man với tách trà!

Nguyễn Đắc Thắng
2015012
* * *
Bài Họa:

Đông tàn lại Tết tuổi thêm già,

Tháng Chạp thoai đưa cũng sắp qua.
Khúc hát nhạc xuân nghe rộn rã,
Bài ca nhịp điệu cũng vang xa.
Quê hương đón Tết hồn dân tộc,
Hải ngoại mừng xuân bóng xế tà.
Thương nhớ đầy vơi tình bạn cũ,
Hàn huyên tâm sự uống chung trà.

Mai Xuân Thanh 

Ngày 21 tháng 01 năm 2015
* * *
Xuân Đến Mặc Xuân

Vượt qua giáp tý vẫn chưa già

Thất thập đâu rằng xuân đã qua
Thi phú văn chương thêm gắn bó
Bạn bè thân hữu chẳng rời xa
Đêm thơ thẩn tiễn vầng trăng xế
Ngày ngẩn ngơ đưa ánh nắng tà
Tháng hết năm tàn ta cứ mặc
Nhăm nhi thế sự mấy chung trà

Quên Đi
* * *
Tuổi Già

Mỗi năm Tết đến lại thêm già
Theo pháo giao thừa, một tuổi qua
Ngắm nụ hoa cười, mơ thuở trẻ
Nghe lời chim hót, tiếc ngày xa
Đăm đăm mắt dõi vầng trăng muộn
Run rẩy tay đưa ngọn bút tà
Nhớ bạn, chân đau, không tới được
Đành ngồi độc ẩm với chung trà.

Phương Hà
* * *
Xuân Về Mấy Độ

Tim yêu nào biết trẻ hay già
Phó mặc đông tàn hay sắp qua
Nhìn én lượn bay về đúng hẹn
Ngắm hoa đua nở rợp gần xa
Ngỡ rằng đang độ trăng tròn lẻ
Ngẫm lại bước sang tuổi xế tà
Nắng sớm mưa chiều phai má thắm
Đêm xuân độc ẩm quyện hương trà

Kim Phượng
* * *
Xuân Với Tuổi Già


Xuân đến ,Xuân đi thấy chẳng già
Còn mình,thêm Tết tuổi dần qua
Da mồi, cái lão đà kề tới
Tóc bạc, ngày thơ cứ tách xa
Đêm ngó,trăng tàn đưa bóng xế
Ngày nhìn ,nắng tắt tiển chiều tà
Quanh ta,hoa nở người vui vẻ
Đối ẩm quạnh hiu với chén trà.

Song Quang
* * *
Nỗi Niềm

Ra ngoài gậy nón biết mình già
Bỗng thấy đời người vó ngựa qua
Anh chị bạn xưa thân thiết lạ
Mẹ cha thầy cũ mịt mù xa
Vầng hồng rực rỡ xua sương sớm
Gió tối se se ngắm nguyệt tà
Lững thững đường dài đà mỏi gối
Trở về ngây ngất với men trà

Mailoc
* * *
Tâm Sự Đầu Xuân
 
Thảnh thơi ngồi ngắm cội mai già
Năm tháng dần trôi cũng sắp qua
Hoa thắm hương bay thơm bát ngát
Yến oanh vui hót líu lo xa
Mai đào nở rộ trên cành biếc
Lan huệ đua chen dưới nắng tà
Mong đợi bạn bè về họp mặt
Đầu xuân tâm sự cạn bình trà

02/2015
Thiên Thu

Xuân Về Nhớ Mẹ



Xuân này con vẫn chưa về
Ngày qua Tết đến xa quê thật buồn
Năm nào còn mẹ phone luôn
Mẹ dạy cúng Tết y khuôn quê nhà

Giao thừa tiễn, rước ông bà
Nhang cong, má nói:"Được bà ông thăm
độ cho khỏe mạnh một năm
bình an, hạnh phúc,tình thâm vững bền "

Năm nay xuân đến gần bên

Con bày cúng Tết không quên lời người
Từ ngày vắng tiếng mẹ cười
Hoa xuân, áo mới đẹp tươi chẳng màng

Lung linh trong khói hương nhang

Con như thấy dáng mẹ đang mong chờ
Mẹ ơi! con đã thờ ơ
Trông cháu ngoại lớn, mẹ giờ đi xa...

...Xuân về nhắc kẻ xa nhà

Mừng xuân họp mặt thật là quí thương
Dù cho xa cách ngàn phương
Trao nhau lời chúc yêu thương chân tình

. Như mà thuận cuộc hành trình

Về thăm cha mẹ trọn tình đạo con
Mai sau ba má về non
Dư âm kỹ niệm làm con ấm lòng

Người ơi! có biết hay không?
Xuân đi lại đến, mẹ hông trở về
Xin xuân hãy trả tôi về
Năm xưa còn mẹ cận kề bên tôi

Bên mẹ xuân thật là vui

Đời còn có mẹ xuân tươi bốn mùa...

Phượng Trắng
Canada, Xuân Nhâm Thìn 2012

Đông Tuần Quá An Lão


東巡過安老 
黎聖宗 

窅窅關河路幾千, 
北風有力送歸船。 
江含落日搖孤影, 
心逐飛雲息萬緣。 
霜露霝時無綠樹, 
桑蔴深處起青煙。 
海山離異窮逾目, 
只見雄雄亙碧天。 

Đông tuần quá An Lão 
Lê Thánh Tông 

Diểu diểu quan hà lộ kỷ thiên, 
Bắc phong hữu lực tống quy thuyền. 
Giang hàm lạc nhật dao cô ảnh, 
Tâm trục phi vân tức vạn duyên. 
Sương lộ linh thì vô lục thụ, 
Tang ma (1) thâm xứ khởi thanh yên. 
Hải sơn ly dị cùng du mục, 
Chỉ kiến hùng hùng cắng bích thiên. 

 Dịch nghĩa:  


Đi tuần phía đông qua xứ An Lão (2) 

Man mác quan hà, đường xa mấy ngàn dặm, 
Gió bắc thổi riết đưa thuyền quay về. 
Mặt trời in đáy sông, chập chờn chiếc bóng, 
Tấm lòng theo mây nổi, tắt mọi ưu phiền. 
Gặp buổi sương lạnh, không còn cây nào xanh tốt, 
Giữa ruộng dâu, vừng, những làn khói biếc bốc lên. 
Bao núi và bể chạy dài từng dải, mắt nhìn khôn dứt, 
Chỉ thấy cả một cảnh hùng vĩ, kéo ngang qua nền trời xanh. 

(1) Ma: có hai nghĩa:



- Đại ma cây gai, đay. § Có khi gọi là hỏa ma hay hoàng ma . Có hai giống đực và cái, giống đực gọi là mẫu ma , giống cái gọi là tử ma . Sang tiết xuân phân mới gieo hạt, trước sau tiết hạ chí mới nở hoa, sắc trắng xanh xanh. Hạt nó ăn được.

Hồ ma cây vừng, có khi gọi là chi ma hay du ma . § Hạt nó có hai thứ đen và trắng. Tương truyền Trương Khiên đem giống ở Tây Vực 西 về, nên gọi là hồ ma.


(2) An Lão: tên một huyện thuộc Hải Dương, nay thuộc 
ngoại thành Hải Phòng.

                  *** 
Dịch Thơ :


Đi tuần phía đông qua xứ An Lão

Dặm ngàn non nước, ôi xa vời 
Gió bấc xuôi thuyền thổi chẳng ngơi 
Bóng xế chập chờn làn sóng nước 
Ưu phiền lắng sạch áng mây trôi 
Sương lam thời tiết cây xơ xác 
Khói biếc vừng dâu, ruộng mịt mờ 
Núi biển chập chùng dài mút mắt 
Vắt ngang hùng vĩ ngát xanh trời 

 Mailoc
***

Đi Tuần Phía Đông Qua An Lão

Mịt mịt dậm ngàn cảnh núi sông
Thuyền đi ngược gió khó xuôi dòng
Mặt trời in bóng lung linh nước
Tâm sự nương mây thắc thỏm lòng
Sương móc giăng mờ cây nhạt sắc
Dâu mè trải rộng biếc mây trong
Chập chùng núi biển xa tầm mắt
Hùng vĩ nằm ngang nối khoảng không

Quên Đi
***
Tuần Du Phía Đông Ngang Qua Xứ An Lão  

Diệu vợi quan hà đường vạn dặm,
Bắc phong vi vút thổi thuyền về.
Lung linh chiếc bóng sông vờn nắng,
Lơ lửng riêng lòng gởi áng mây.
Sương móc cây xanh vương trắng xóa,
Dâu đay rừng phủ khói mờ bay,
Chập chùng hùng vĩ dôi tầm mắt,
Chỉ thấy trời xanh núi biển bày !

Đỗ Chiêu Đức
***

      Tuần Du Qua An Lão

Quan hà ngàn dặm xa vời vợi
Lối cũ thuyền về theo gió đưa
Nắng xuống, lung linh in bóng chiếc
Mây bay lờ lững gợi hồn thơ
Sương buông trắng xóa rừng xa thẳm
Khói tỏa xanh lam bãi mịt mờ
Núi biển, chân trời xa mút mắt
Nguy nga hùng vĩ cành chiều mơ.

Phương Hà phỏng dịch
***
    Nhà Vua Du An Lão

Núi non trùng điệp xa vời vợi,
Rẻ nước thuyền vua lướt sóng đưa.
Gió nhẹ dòng sông, bơi tách bến,
Mưa bay bãi cát, thả hồn thơ.
Danh lam sương khói đây An Lão,
Thắng cảnh mây ngàn đó mịt mờ.
Rừng thẳm quan quân  lo hộ giá,
Giang sơn cẩm tú đẹp như mơ !

Mai Xuân Thanh 
Ngày 28 tháng 01 năm 2015


Thơ Tranh: Xuân Nhớ Mẹ


Trích Thơ; Phạn Hồng Ân
Thơ Tranh; Kim Oanh

Ông GiàTứ Cang


Các bạn thân mến!

Như tôi đã trình bày ở những hồi kí trước, ở trên Ba Láng, tức là ấp Yên Thượng của Thị Trấn Cái Răng, nơi mà tôi lớn lên từ nhỏ. Nơi đây còn những vị tiền bối chức sắc của tổ chức xã hội trước kia, như : Hương Quản, Hương Sư... Đặc biệt nhất là ông Ba Hương Sư, tác phong nghiêm chỉnh, đạo mạo. Theo nghĩa của chữ Sư, thì chắc hồi xưa ông Ba là Thầy dạy chữ Nho trong làng. 
Khi tôi khoảng 11, 12 tuổi thì ông Ba làm nghề thầy thuốc, bắt mạch cho toa rất nổi tiếng, có thể là lúc bấy giờ đã không còn có người học chữ Nho nữa, nên ông xoay sang nghề làm thầy thuốc chăng ?! Bây giờ thì không nói về những vị Hương Thân đạo mạo khả kính nữa, tôi sẽ kể về một ông Hương Thân rất vui tính ở trong làng để các bạn nghe chơi tiêu khiển trong những ngày cuối năm chờ Tết đến !...
Không biết xưa kia giữ chức vụ gì trong Hương Chức Hội Tề, Ông Sáu rất được mọi người trong xóm kính trọng, giỏi chữ Nho, am tường về phong tục tập quán cổ truyền, tính tình vui vẻ thích nói chơi, nên rất được thanh thiếu niên trong xóm yêu mến...
Cũng không biết ưu thời mẫn thế như thế nào, Ông Sáu hay nói ngược lại những câu chữ Nho của người xưa. Ví dụ như câu:

Tiền tài như phân thổ, 錢 財 如 糞 土,
Nhơn nghĩa trị thiên kim. 仁 義 值 千 金。
Nghĩa là : 
Tiền của tài sản thì như là đất là phân, không đáng quí trọng. Nhân nghĩa ở đời mới đáng giá ngàn vàng !
Thì ông Sáu cũng nhại lại cái âm của câu nói mà nói ngược lại là:
Tiền tài như ...ông Tiên Tổ,
Nhân nghĩa tợ... cục cức khô!
để mĩa mai thói đời xem trọng kim tiền mà coi nhẹ nghĩa nhân. Hoặc như câu:
Nhất ngôn kí xuất, 一 言 既 出,
Tứ mã nan truy. 駟 馬 難 追。
Nghĩa là: 
Một lời đã nói ra thì Xe bốn ngựa ( phương tiện giao thông nhanh nhất ngày xưa ) cũng không thể rượt theo mà lấy lại lời nói đó 
cho được!
Thì ông nói thành:
Nhất ngôn kí xuất, 一 言 既 出,
TỬ ... mã nan truy . 死 ...馬 難 追。
Hàm Ý con ngựa chết thì làm sao rượt theo mà lấy lại lời nói cho được, cho nên cứ nói càn !...

Nhiều khi Ông chỉ sửa những câu Nho để nói chơi cho vui mà thôi. Ví dụ như câu:
Bần cư náo thị vô nhân vấn 貧 居 鬧 市 無 人 問。(Nghèo mà ở nơi chợ búa náo nhiệt cũng không có ai thèm hỏi tới), thì Ông nói thành:
Bần cưa ván ngựa đen như sắn!
hoặc câu:
Đạo cao long hổ phục, 道 高 龍 虎 伏,
Đức trọng quỉ thần kinh. 德 重 鬼 神 驚。
Nghĩa là:
Đạo pháp mà cao cường thì rồng cọp cũng phải phủ phục mà chịu phép. Cái đức của con người mà cao trọng thì quỉ thần cũng phải kinh sợ ( không dám làm hại ).
Thì Ông nói lại cho vui là:
Đào ao lên đất cục,
Đứt họng cổ lòi gân!

Nghe Ông nói, lúc đó tôi bèn quay sang nói nhỏ với thằng bạn là : " Đạo cao long hổ phục, mà ổng nói thành Đào ao lên đất cục kìa !". Nhè đâu ông ta nghe được, mới quay lại nói với tôi là:" Cái thằng nầy, Đào ao không lên đất cục thì lên cái gì mậy ? Mà nầy, mầy học chữ Nho mà có biết " TAM CANG " là gì không? ". Tôi bèn đáp một cách hãnh diện:
- Thưa Ông Sáu, TAM CANG là Quân thần cang, Phụ tử cang và Phu thê cang. Nói tắt TAM CANG là: Quân thần, Phụ Tử, Phu Phụ. Ông Sáu cười cười gằn giọng:
- Mầy giỏi quá há ! Vậy tao hỏi mầy, mầy có biết TỨ CANG không?
Tôi há hốc, ngạc nhiên quá hỏi lại :
- Sao có Tứ Cang nữa ông Sáu?. Ông Sáu cười lớn nói :
- Cái thằng nầy không biết gì hết, TỨ CANG là cái lớn nhất không thể CAN được!. Tôi càng ngạc nhiên hơn, hỏi:
- Cái gì mà hổng CAN được ông Sáu? 
Ông Sáu nghiêm mặt lại nói:
- TAM CANG là Quân thần Cang, Vua đánh tôi, có người CAN được. Phụ Tử Cang, Cha đánh con, cũng CAN được. Phu Thê Cang, Chồng đánh Vợ, cũng còn CAN được. Nhưng, Ông đánh thì vô phương CAN... Tôi nhanh nhẩu chen vào:
- Ông đánh thì cũng CAN được chớ sao không ?. Ông Sáu phá lên cười lớn:
- Thằng nầy, Ong Vò Vẻ đánh làm sao ai dám CAN. Ong đánh là TỨ CANG đó biết không ?!... 
Vừa lúc đó anh Ba từ ngoài vườn chạy vào, hai tay che đầu miệng la oai oái, có mấy con ONG bay theo phía sau... Ông Sáu cười ngất nói :
- Đó, đó ! Thằng Ba nó bị TỨ CANG đó, mầy giỏi mầy vô CAN đi !
Gần Tết, anh Ba ra vườn sửa sang lại vườn tược cho gọn ghẽ sáng sủa để Ăn Tết, kéo nhằm ổ ONG BẦN, nên bị rượt chạy vào... 
Thì ra, ONG ĐÁNH là TỨ CANG. Ong đánh thì không ai dám CAN cả !!!
Từ đó, tôi và các bạn trong xóm gọi ông Sáu là ÔNG GIÀ TỨ CANG!

Bây giờ, đã hơn 50 năm qua, ông Sáu đã không còn nữa. Gần Tết, tha hương đất khách, ngồi đây nhớ lại chuyện xưa, lòng bồi hồi xúc động. Đâu rồi thời gian thơ ấu, đâu rồi những phong hóa cũ, đâu rồi những tập tục của ngàn xưa, đâu rồi ÔNG SÁU của dạo nào ?!... đành ngậm ngùi đọc lại 2 câu thơ cuối của Vũ Đình Liên trong bài thơ Ông Đồ là:

Những người muôn năm cũ,
Hồn ở đâu bây giờ ?! ..........

Đỗ Chiêu Đức 
Cuối năm Giáp Ngọ 2014. 

Nói Thêm:
Đây là chuyện có thật, tên cúng cơm của Ông Sáu là ĐỰC. Mọi người trong xóm đều gọi là Ông Sáu Đực. Bà con bên ngoại của Má tôi, nên Má tôi gọi ông là Cậu Sáu. Ông Sáu còn sống đến mấy năm sau 1975 mới mất.
Vì là dân Nam Kỳ Lục Tỉnh, nên nói chuyện phát âm không có phân biệt giữa CAN và CANG hay ONG và ÔNG gì cả!

Năm Lại Năm Qua


Một gánh nợ đời chưa trả xong
Vai mỏi, lưng cong vẫn yêu đời
Dù chân không được đất mời
Vòng tay ôm mãi góc trời rêu phong

Hai vầng Nhật - Nguyệt, đâu quá xa
Nắng mới vừa qua đêm lại gần
Đời chưa phủi sạch bụi trần
Lòng mơ tiếng hát thiên thần bên ta

Ba trăm ngày lẻ có là bao
Vẫn những vì sao sáng âm thầm
Vẫn mây theo gió thăng trầm
Vẫn là một ánh trăng rằm trên cao

Bốn mùa khoe sắc lòng ngất ngây
Xuân đến cỏ, cây, hoa nồng nàn
Hạ sang mưa, nắng rộn ràng
Thu vàng lá úa đông ngàn tuyết bay

Năm ngón tay gầy vẽ mộng mơ
Lòng nghĩ vu vơ những bóng hình
Mượn thơ ta tỏ tâm tình
Ước mong ai đó nhớ mình đọc thơ


Đỗ Hữu Tài (Nov.29-2014)

Chùa Hương - Nguyễn Nhược Pháp


(Thiên ký sự của một cô bé ngày xưa)

Hôm nay đi chùa Hương. 
Hoa cỏ mờ hơi sương 
Cùng thầy me em dậy . 
Em vấn đầu soi gương. 

Khăn nhỏ, đuôi gà cao; 
Lưng đeo dải yếm đào; 
Quần lĩnh, áo the mới ; 
Tay cầm nón quai thao . 

Mẹ cười: "Thầy nó trông ! 
Chưn đi đôi dép cong 
Con tôi xinh xinh quá ! 
Bao giờ cô lấy chồng ?" 

-- Em tuy mới mười lăm 
Mà đã lắm người thăm 
Nhờ mối mai đưa tiếng , 
Khen tươi như trăng rằm. 

Nhưng em chưa lấy ai, 
Vì thầy bảo người mai 
Rằng em còn bé lắm, 
Ý đợi người tài traị 

Em đi cùng với mẹ 
Me em ngồi cáng trẹ 
Thầy theo sau cưỡi ngựa, 
Thắt lưng dài đỏ hoẹ 

Thầy me ra đi đò, 
Thuyền mấp mênh bên bờ . 
Em nhìn sông nước chảy, 
Đưa cánh buồm lô nhô . 

Mơ xa lại nghĩ gần. 
Đời mấy kẻ tri âm ? 
Thuyền nan vừa lẹ bước, 
Em thấy một văn nhân... 

Người đâu thanh lạ thường ! 
Tướng mạo trông phi thường. 
Lưng cao dài, trán rộng. 
Hỏi ai nhìn không thương ? 

Chàng ngồi bên me em 
Me hỏi chuyện làm quen: 
"Thưa thầy đi chùa ạ ? 
Thuyền đông giời ôi chen !" 

Chàng thưa vâng thuyền đông 
Rồi ngắm giời mênh mông, 
Xa xa mờ núi biếc, 
Phơn phớt áng mây hồng. 

Giòng sông nước đục lờ. 
Ngâm nga chàng đọc thơ ! 
Thầy khen hay, hay quá ! 
Em nghe ngồi ngẩn ngơ . 

Thuyền đi, bến Đục qua, 
Mỗi lúc gặp người ra, 
Thẹn thùng em không nói : 
"Nam vô Ađi-đà !" 

Réo rắt suối đưa quanh. 
Ven bờ, ngọn núi xanh, 
Nhịp cầu xa nho nhỏ. 
Cảnh đẹp gần như tranh. 

Sau núi Oản, Gà, Xôi, 
Bao nhiêu là khỉ ngồị 
Tới núi con voi phục, 
Có đủ cả đầu đuôị 

Chùa lấp sau rừng cây, 
(Thuyền ta đi một ngày) 
Lên cửa chùa em thấy 
Hơn một trăm ăn màỵ 

Em đi, chàng theo sau, 
Em không dám đi mau, 
Ngại chàng chê hấp tấp, 
Số gian nan không giàụ 

Thầy me đến điện thờ, 
Trầm hương khói toả mờ 
Hương như là sao lạc 
Lớp sóng người lô nhô. 

Chen vào thật lắm công. 
Thầy me em lễ xong 
Quay về nhà ngang bảo: 
"Mai mới vào chùa trong" 

Chàng hai má đỏ hồng 
Kêu với thằng tiểu đồng 
Mang túi thơ bầu rượu: 
"Mai ta vào chùa trong" 

Đêm hôm ấy em mừng ! 
Mùi trầm hương bay lừng. 
Em nằm nghe tiếng mõ, 
Rồi chim kêu trong rừng. 

Em mơ, em yêu đời 
Mơ nhiều... Viết thế thôi 
Kẻo ai mà xem thấy, 
Nhìn em đến nực cườị 

Em chưa tỉnh giấc nồng, 
Mây núi đã pha hồng. 
Thầy me em sắp sửa 
Vàng hương vào chùa trong. 

Đường mây đá cheo veo, 
Hoa đỏ, tím, vàng leo 
Vì thương me quá mệt, 
Săn sóc chàng đi theọ 

Mẹ bảo :"Đường còn lâu 
Cứ vừa đi ta cầu 
Quan- thế- âm Bồ-tát 
Là tha hồ đi maụ" 

Em ư ? Em không cầu, 
Đường vẫn thấy đi maụ 
Chàng cũng cho như thế. 
(Ra ta hợp tâm đầu) 

Khi qua chùa Giải Oan 
Trông thấy bức tường ngang, 
Chàng đưa tay lẹ bút 
Thảo bài thơ liên hoàn. 

Tấm tắc thầy khen hay 
Chữ đẹp như rồng baỵ 
(Bài thơ này em nhớ 
Nên chả chép vào đây) 

Ôi ! Chùa trong đây rồi ! 
Động thẳm bóng xanh ngờị 
Gấm thêu trần thạch nhũ, 
Ngọc nhuốm hương trầm rơị 

Mẹ vui mừng hả hê: 
"Tặc ! con đường mà ghê !" 
Thầy kêu mau lên nhé, 
Chiều hôm nay ta về. 

Em nghe bỗng rụng rời ! 
Nhìn ai luống nghẹn lời ! 
Giờ vui đời có vậy, 
Thoáng ngày vui qua rồi ! 

Làn gió thổi hây hâỵ 
Em nghe tà áo bay, 
Em tìm hơi chàng thở ! 
Chàng ôi, chàng có hay ? 

Đường đây kia lên giời 
Ta bước tựa vai cười, 
Yêu nhau, yêu nhau mãi ! 
Đi, ta đi, chàng ôi ! 

Ngun ngút khói hương vàng, 
Say trong giấc mơ màng, 
Em cầu xin Giời Phật 
Sao cho em lấy chàng. 

(Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin hai người lấy nhau, vì không lấy nhau thì cô bé còn viết nhiều . Lấy nhau rồi là hết chuyện).

Nguyễn Nhược Pháp
Suối Dâu sưu tầm