Thứ Hai, 2 tháng 2, 2015

Xuân Cảnh - Trần Nhân Tông (1258 - 1308)


Xuân Cảnh - Trần Nhân Tông (1258 - 1308)

Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì
Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi
Khách lai bất vấn nhân gian sự
Cộng ỷ lan can khán thúy vi

Dịch Xuôi : Xuân Cảnh

Chim hót từng tiếng một trong bụi hoa liễu rậm
Gian họa đường im lìm chìm trong bóng mây chiều bay
Khách vào không hỏi chuyện trần thế
Cùng dựa lan can thả mắt,lặng nhìn chân trời xanh biếc ngoài xa

Xuân Cảnh

Chim hót ngập ngừng trong bụi liễu
Mây chiều bay rợp bóng thềm hoa.
Khách vào không hỏi chuyện đời nhiễu
Cùng dựa lan can ngắm núi xa.


LỜI THÊM: Chủ và khách, cảnh và người trong tĩnh lặng vô ngôn , không còn thời gian , không gian ngăn cách. Thiên hà ngôn tai / tứ thời hành yên / bách vật sinh yên / thiên hà ngôn tai . Lời Khổng Tử trong Luận Ngữ. Trời có nói đâu / mà bốn mùa luân chuyển / trăm vật trồi sinh / trời vẫn làm thinh ,có nói gì đâu. Vâng , trời có nói gì đâu , mà một mùa xuân mới với hy vọng và yêu thương đang lặng lẽ trở về và dường như đã ở ngay ngoài đầu ngõ. Trước cánh này , tình này , ở độ tuổi quá 80 lúc này , còn cần lời nói nào cho nhau nữa sao?  

Phạm Khắc Trí
 01/13/2015
* * *
春 景                          Xuân cảnh 

楊柳 花 深 鳥 語 遲      Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì
畫 堂 簷 影 暮 雲 飛。 Hoạ đường thiềm ảnh mộ vân phi.
客 來 不 問 人 間 事     Khách lai bất vấn nhân gian sự
共 倚 欄 杆 看 翠 微。 Cộng ỷ lan can khán thuý vi.

Dịch Nghĩa : Cảnh Mùa Xuân

Tiếng chim hót chậm rãi từ bên trong đám hoa dương liễu
Bóng của đám mây bay qua in trên bậc thềm phòng
Khách đến chẳng hỏi gì đến chuyện đời
Lại cùng tựa lan can ngắm một màu xanh kỳ diệu 

Dịch Thơ: Nét Xuân 

Chim hót từ chùm hoa liễu đỏ
Mây bay hiện bóng dưới thềm am
Khách vào chẳng hỏi điều nhân thế
Cùng tựa ngoài hiên ngắm sắc lam

Quên Đi
* * *
Nét Xuân

Trong chùm liễu nở, tiếng chim ca
Rợp bóng hiên nhà, mây lướt qua
Khách tựa lan can, yên lặng ngắm
Một màu xanh biếc khắp gần xa.

Phương Hà
* * *
Dương liễu xanh xanh chim biếng ca
Mây bay rèm lướt ánh dương tà
Khách kia chẳng hỏi lời nhân thế
Dựa ngắm lan can sắc biếc xa!

Đỗ Chiêu Đức

Ánh Nguyệt


Sương khuya giăng kín bốn bề
Gió đưa ánh nguyệt trôi về nơi đâu
Chập chùng bóng tối chìm sâu
Lao xao cành lá từ lâu đợi chờ
Đêm đen cảnh vật mịt mờ
Cỏ hoa bám đất lặng lờ ngủ say
Sương mù nhỏ giọt trên cây
Lững lơ mấy cụm mây bay nhẹ nhàng

Tìm đâu ánh nguyệt dịu dàng
Cho đêm quyến rủ mộng vàng đam mê
Cho màn sương mỏng ngô nghê
Nghe lời của gió tỉ tê tỏ tình
Lao xao lá cũng lặng nhìn
Cỏ hoa thức giấc trở mình nằm nghe
Nhưng bầu trời vẫn vắng hoe
Sương rơi không đủ để che giọt sầu

Trăng chưa treo góc mái lầu
Ai rung từng tiếng đàn bầu thở than
Thả hồn vào cõi mênh mang
Tâm tư chùng xuống miên man nỗi lòng
Tim nghe nỗi nhớ chất chồng
Đàn rung lạc nhịp bềnh bồng đêm sâu
Mây trời trôi suốt canh thâu
Gió đưa ánh nguyệt bao lâu mới về ....?

Đỗ Hữu Tài
15 - 1 - 2015

Thơ Tranh: Hoa Đời

Cảm tác từ ảnh chụp của Daniel Biện

Ảnh Chụp: Daniel Biện  
Thơ&Thơ Tranh: Kim Oanh

Xuân Đầu Tiên - Hàn Mặc Tử


Mai sáng mai, trời cao rộng quá
Gió căng hơi và nhạc lên mây
Đôi lòng cũng ấm như xuân ấm
Chỉ có ao xuân trắng trẻo thay.

Mai này thiên địa mới tinh khôi
Gió căng hơi và nhạc lên trời
Chim khuyên hót tiếng đầu tiên hết
Hoa lá hồ nghi sự lạ đời.

Trái cây bằng ngọc vỏ bằng gấm
Còn mặt trời kia tợ khối vàng
Có người trai mới in như nguyệt
Gió căng hơi và nhạc lên ngàn.

Thuở ấy càn khôn mới dựng nên
Mùa thơ chưa gặt tốt tươi lên
Người thơ phong vận như thơ ấy
Nào đã ra đời ngọc biết tên.

Xuân gấm đầu tiên giữa cõi đời
Mùi thơm ngây dại sóng con người
Hãy hoan hô, lời cao như sấm
Vạn tuế, bay ơi! nắng rợp trời.

Hàn Mạc Tử
Suối Dâu sưu tầm


Đôi Đũa ...So Le


Năm nay nhà ông Cả Trọng sẽ ăn một cái Tết đặc biệt. Cả nhà chuẩn bị tưng bừng từ cả tháng nay. Hai mươi lăm tháng chạp này là đám cưới của cậu út Khanh, con trai ông bà Cả. Ông Cả người nhỏ thó, khô khan, nhưng bù lại bà Cả trắng trẻo, phốp pháp, mũi cao mắt sâu như một phụ nữ Tây phương. Sáu người con giống mẹ nên đều cao ráo đẹp đẻ. Chỉ tội cậu út, hồi nhỏ chạy giỡn rủi bị té vô nồi nước sôi, nguyên một bên chân phải bị phỏng nặng. Thời xưa chỉ trị bằng thuốc bắc hoặc thuốc ta nên hậu quả là cậu út  đi hơi cà thọt. Còn cái tật cà lăm thì không biết có phải do cú “sốc” vì bị phỏng nước sôi hay không nữa? Thôi thì bàn tay năm ngón cũng có ngón dài ngón vắn, ông bà Cả tự an ủi. Mấy người anh lớn học xong Tiểu học là lên Sài gòn tiếp tục dùi mài kinh sử. Ông Cả có một căn biệt thự ở gần chợ Bà Chiểu. Riêng cậu Út từ nhỏ đã  không được thông minh dĩnh ngộ như mấy anh, mấy chị. Cậu học trước quên sau, ít khi thuộc bài nên thường bị thầy giáo khẻ tay, phạt quỳ.  Sau khi xát xà bông ông thầy khó tánh này một trận, ông Cả cho cậu Út nghỉ học luôn. Ông vẫn thường nói của cải ông con cháu ăn ba đời cũng chưa hết. Cậu Út biết đọc biết viết là đủ rồi.

Năm nay tuy đã hăm ba nhưng cậu còn rất khờ khạo chuyện trai gái. Không như mấy ông anh lớn, mười sáu mười bảy đã liếc gái như chớp. Gặp cô nào cậu cũng ấp a ấp úng. Mà càng lúng túng cậu càng cà lăm dữ, rồi cuối cùng đành rút êm! Vì vậy tuy con nhà giàu mà mấy cô trong làng không cô nào chịu ưng cậu Út. Con gái nhà nghèo sẵn sàng nhảy vô nâng khăn sửa túi cho cậu thì ông bà Cả chê không xứng với gia đình ông bà. Mỗi lần thấy bạn bè cùng trang lứa cưới vợ là cậu Út lại cảm thấy buồn tê buồn tái. Cuối cùng túng thế ông bà Cả nhờ người em bà con lấy chồng về miệt Hồng Ngự  coi có chỗ nào được làm mai giùm.  Cô Sáu Sơn sốt sắng nhận lời và sau vài tháng tìm kiếm, cô về Cao Lãnh “ráp bo” với ông anh rằng cô đã tìm thấy viên ngọc quí cho thằng cháu thân mến rồi. Đó là con Hạnh, con gái của em chồng cô chớ ai đâu xa lạ. Theo lời cô kể thì con nhỏ mới tới tuổi cập kê, vừa được người lại vừa được nết. Tóm lại đủ cả công dung ngôn hạnh. Gia đình cũng thuộc loại khá giả, có ăn có để. Nghe tới cái mục này ông Cả gạt ngang nói miễn con nhỏ hiền hậu ...đừng ăn hiếp thằng Khanh là được rồi.

Nghe lời như cởi tấc lòng, cô Sáu hứng chí tiếp:
- Gì chớ cái đó anh khỏi lo. Tui biết con Hạnh  từ nào tới giờ. Ôi thôi con nhỏ trắng da dài tóc, khuôn mặt chữ điền, cặp mắt lá răm, lông mày lá liễu thiệt đáng trăm quan tiền đó anh Cả. Ăn nói lại mềm mỏng, nhỏ nhẹ hết biết luôn. Thằng Út nhà mình mà cưới được con nhỏ này thiệt là có phước.
Ông Cả còn lo lắng:
- Họ có hỏi gì về thằng Khanh không vậy cô?
Cô Sáu cười tươi đầy vẻ tự tin:
- Có chớ. Tui nói với họ là thằng cháu tui tuy không có bằng cấp cao như mấy anh nó nhưng tánh tình thiệt thà, ít nói. Mấy con chị gả chồng xa, mấy anh lớn có vợ con cũng ở hết trên Sàigòn. Một mình thằng Khanh có hiếu nhứt, ở nhà với cha mẹ để hầu hạ sớm hôm, lại còn giúp anh Cả trông nom ruộng đất. Nghe vậy bên kia họ chịu liền. Họ cũng hổng đòi hỏi sính lễ gì nhiều đâu anh Cả.
Ông Cả dẫy nẩy:
- Úy, tuy họ nói vậy chớ mình cũng phải làm sao coi cho được. Xong vụ này tui sẽ đền ơn cô hậu hỉ.
Cô Sáu nói mại hơi:
- Chỗ anh em, anh Cả nói vậy tui buồn. Dầu gì hai đứa cũng là cháu tui mà.
- Vậy cô ráng lo cho cháu yên bề gia thất, vợ chồng tui thiệt mang ơn.
Từ đó bà mai Sáu Sơn xách cây dù đầm lên xuống Cao Lãnh- Hồng Ngự như cơm bữa. Cuối cùng hai bên đồng ý ngày đám hỏi vào dịp Tết Ngươn Tiêu. Đường sá xa xôi nên hôm đám hỏi chỉ có ông bà Cả và Út Khanh lên Hồng ngự. Có vợ chồng cô Sáu Sơn là đủ lắm rồi. Bên đàng gái đã dành mọi sự dễ dàng nên cũng yên bụng. Bánh trái, trà rượu, mợ  Tư Tâm đã lo đâu đó đầy đủ. Nữ trang có cặp bông và đôi xuyến vàng. Chiếc cà rá nhận hột cẩm thạch xanh dờn. Nghe nói cô dâu tương lai da trắng như ngó sen nên mợ Tư chọn hai xấp cẩm nhung màu hồng cánh sen và màu hoàng yến. Hai xấp  lãnh Mỹ a dệt bông dâu láng mướt để may quần.

Gà gáy là mọi người đã thức dậy. Cữ trà tàu buổi sáng đối với ông Cả quan trọng bực nhứt, nên sáng nào mợ Tư cũng lo bắt ấm nước sôi lên bếp trước tiên, pha bình trà cho cha chồng rồi mới làm công chuyện khác.
Trong khi ông bà Cả và cậu Út ăn lót lòng, mợ Tư sai thằng Đức đem hết lễ vật xuống ghe. Chiếc ghe hầu là phương tiện di chuyển của ông bà Cả nên được sơn phết lộng lẫy.  Mui ghe khá cao, thoáng mát. Cửa sổ có rèm che nên người ngồi trong khoang có thể ngắm nhìn hai bêb bờ hoặc trên sông mà vẫn kín đáo. Trong khoang trải chiếu bông màu đỏ, cặp gối dựa thêu ngũ sắc để ông bà dựa lưng. Có bình trà và trái cây để giải lao trên con đường dài. Mợ Tư còn nấu sẵn một nồi cơm. Cá mè vinh muối chiên và rau luộc để khi mặt trời lên cao độ ba sào thì ghé vô bờ ăn cơm. Ông bà Cả không đói lắm, nhưng hai người bạn chèo ghe phải ăn để có sức chèo tiếp.
Gần đứng bóng mới tới Hồng Ngự. Mọi người lên nhà vợ chồng cô sáu Sơn. Bà Cả nhờ cô em chồng tiếp tay bày lễ vật vô mâm. Tất cả năm mâm được phủ nhiễu đỏ. Ông Cả và cậu Út thay áo dài gấm xanh, bông chữ thọ màu bạc, đầu bịt khăn đóng nhiễu đen. Bà Cả cũng thay áo dài gấm Thượng Hải màu lục, cổ choàng cái khăn lụa Bombay.

Trước khi tới nhà gái, ông Cả dặn dò thằng con cưng năm lần bảy lượt chỉ mở miệng trả lời lúc tối cần, còn thì cứ nín thinh. Lúc làm lễ trước bà thờ, ai biểu gì cứ làm nấy, đừng hỏi tới hỏi lui rồi lòi cái tật cà lăm. Đi đứng phải khoan thai thì cái chưn thọt mới không lộ liễu quá.
Đàng gái đã có cho biết trước, sau giờ ngọ bên đàng trai tới lúc nào cũng được. Bắt đầu giờ ngọ là họ đã sẵn sàng tiếp đón. Tới trước cổng nhà ông bà Ba Bang (sui gái), thấy căn nhà ngói ba căn hai chái khá khang trang, ông Cả cũng yên bụng. Ông bà Ba Bang khăn áo chỉnh tề, ra tận cửa rước đàng trai vô. Nhớ lời cha dặn, út Khanh cứ nhìn thẳng phía trước, mặt mũi nghiêm trang không dám liếc qua liếc lại. Nghe tiếng xì xào và tiếng cười khúc khích sau bức màn thêu, có lẽ là lối đi vô buồng. Cậu nghĩ thầm chắc có hàng chục cặp mắt đang lén quan sát mình đây nên bỗng đâm bối rối, mặt mũi đỏ bừng, mắt chớp lia lịa...
Bà mai đưa cô dâu từ trong buồng ra làm lễ. Cô mặc áo dài màu bông phấn. Mái tóc dầy, đen và hơi quăn tự nhiên. Nước da trắng mịn. Chính tay bà Cả đeo đôi bông cho cô Hạnh. Sau đó đôi trẻ đứng trước bàn thờ làm lễ gia tiên. Cậu Út bị khích động đến nỗi sau đám hỏi, cậu chẳng nhớ mình đã làm những gì nữa! Ai biểu sao cậu cứ thi hành như một cái máy.
Bữa tiệc do nhà gái khoản đãi có đủ mặt các Hương Chức Hội Tề xứ Hồng Ngự và khá linh đình cho xứng với tiếng tăm của nhà trai.

Sáng sớm hôm sau ông bà Cả và cậu Út lên ghe trở về Cao Lãnh. Trước khi giã từ, ông Cả có mời ông bà sui gái xuống nhà chơi một chuyến cho biết gia đình ông.
... Độ nửa tháng sau ông bà Ba Bang tháp tùng cô Sáu Sơn xuống Cao Lãnh với mục đích... thăm dân cho biết sự tình và không quên đem biếu ông bà sui mấy ký lô cá thiều, cá gộc là những món thủy sản đặc biệt của miệt Hồng Ngự. Thiệt là tai nghe không bằng mắt thấy! Căn nhà nền đúc đồ sộ của ông bà Cả không thua gì dinh ông Phủ, ông Huyện. Nền nhà đúc cao tới ngực, có căn nhà bánh ú mái cong nằm giữa vườn bông phía trước để ngồi uống trà thưởng trăng. Chung quanh trồng đủ loại cây ăn trái. Bước vô trong nhà, ôi thôi là tủ thờ, trường kỷ, hoành phi bằng gỗ mun cẩn xà cừ choáng lộn. Mặt bàn bằng đá cẩm thạch nổi vân xanh, vân đỏ. Bộ lư đồng sáng chói như gương. Không kể cặp lục bình cao cả thước. Ông bà Ba Bang có cảm giác như đi trên mây. Chắc mẻm con gái mình chuyến này sa vô hủ... vàng ròng!

Ông bà Cả đón tiếp anh chị suôi thiệt nồng hậu. Lúc ra về không quên “lại quả” một cặp vịt xiêm mập tròn, một quày dừa lửa trái màu đỏ rất hiếm quí. Giữa mấy trăm cây trong vườn dừa, ông chỉ trồng được có hai cây dừa lửa mà thôi. Một chục cam sành cũng thuộc loại quí. Thấy ông sui ghiền thuốc, ông Cả không quên tặng năm bánh thuốc rê  vô phân cá linh, ngon hạng nhứt, do nhà ông sản xuất. Ông bà Ba Bang ra về trong sự sung sướng tột cùng. Cái miệng cười hoài không khép lại được. Nói dại, bây giờ mà cô con gái rượu của ông bà trở chứng đòi lộn nài bẻ ống, chắc ổng dám đem ra giết cái một không chút gớm tay! Cũng nhân dịp này, ông Cả trình nhà gái là đã coi được ngày lành cho đám cưới đôi trẻ. Đó là ngày 25 tháng chạp tới đây. Ông Cả nói: 
- Tuy là hơi gấp gáp một chút, nhưng có câu cưới vợ thì cưới liền tay, chớ để lâu ngày... 
Không chờ ông Cả dứt lời, ông Ba Bang lật đật ngắt lời:
- Dạ không sao. Anh sui dạy như vậy thiệt chí lý. Trước sau gì cũng cưới...
Riêng cậu Út nghe cha nói vậy thì mừng như bắt được vàng. Cậu cứ mong mau tối mau sáng cho tới ngày cưới vợ lẹ lẹ.

Từ đầu tháng chạp bà Cả đã ra lịnh quét tước nhà cửa, sửa soạn phòng ngủ. Chuyến này chỉ còn một đám cưới cuối cùng nên ông bà yêu cầu tất cả các con phải về đông đủ. Trước ăn đám cưới, sau ăn Tết với ông bà cho vui. Con bò tơ lông vàng được thằng Đức chăm sóc đặc biệt. Ba con heo, con nào cũng gần một tạ nhốt sẵn trong chuồng. Gà vịt độ năm chục con. Tôm cá chờ gần tới đám cưới mới mua cho tươi.
Cậu Út không quên viết thơ lên Sài gòn nhờ người anh thứ năm mua giùm cậu một đôi giày da “đơ cu lơ” để cậu diện hôm đám cưới. Cậu đặt bàn chân lên tờ giấy, rồi dùng viết mực vẻ chung quanh, đoạn bỏ vô bì thơ gởi đi cho anh Năm biết ni chân của cậu.
Số là cách đây hai tháng, người anh thứ tư là cậu Tư Tâm, sau khi đậu “Đít lôm” khôn học tiếp mà đâm đơn xin làm công chức ở bộ Canh Nông. Bộ đổi cậu lên làm việc trên Nam Vang. Cậu lên trên đó một mình, để mợ Tư ở lại trông nom nhà cửa tiếp bà Cả. Thỉnh thảng cậu về thăm, ở chơi ít ngày rồi lại trở lên làm việc. Kỳ về thăm nhà vừa rồi, cậu Tư mang đôi giày hai màu trắng đen coi sang trọng kịch liệt. Út Khanh cứ theo rờ rẫm, trầm trồ. Ngặt nỗi mang không vừa, nên dầu ông anh có nhã ý thân tặng, cậu cũng đành từ chối. Vì vậy cậu viết thơ dặn anh Năm ráng mua cho được để cậu mang trong ngày trọng đại nhứt đời. Tức cái là ông già còn thủ cựu không cho mặc đồ tây. Chớ bộ đồ “vét” bằng vải tuýt xo màu mỡ gà anh Ba Đức mặc về chơi hôm hè cũng mê ly quá trời! Bởi vậy, dầu có bị bắt mặc áo dài khăn đóng, cậu cũng quyết “chơi” cho bằng được đôi giày “đơ cu lơ” mới thỏa chí bình sanh!

Hăm ba tháng Chạp, ông Cả huy động đám tá điền tới dựng rạp ngoài sân. Các ông tai to mặt lớn sẽ dự tiệc trong nhà. Những người ít quan trọng hơn  ngồi ngoài rạp. Ông bà Cả mời người em dâu thứ Bảy tới chỉ huy đám hỏa đầu quân. Bà Bảy Lân là con gái một ông Huyện Hàm bên Long Xuyên. Trước khi về nhà chồng đã học tất cả nghệ thuật nấu nướng với bếp Tây, bếp Ta, bếp Tàu. Một khi bà đã ra tay thì dầu người khó tánh cách mấy cũng không thể vạch lá tìm sâu, chê ở điểm nào được. Nhờ bà mà đám cháu chồng cô nào cũng khéo léo về nữ công nữ hạnh.

Chiều hăm ba thì mấy anh chị cậu Út về đông đủ. Cô Hai Bạch lấy chồng về Tân Châu, nơi nổi tiếng sản suất lãnh Mỹ a. Cô Bảy Sương lấy chồng về Nha mân. Cô Tám Ánh  theo chồng về Đốc Vàng. Cậu Ba Đạt, cậu Năm Tiến và cậu Sáu Tánh cưới vợ Sài gòn rồi đóng đô trên đó luôn. Nói cho ngay, mấy nàng dâu này cô nào cũng có ở với bà Cả một thời gian. Nhưng không quen nếp sống ở thôn quê, nên chỉ ít lâu họ nằng nặc đòi chồng phải trở lên Sài gòn. Vì lẽ đó bà Cả không được “mặn” lắm với mấy bà dâu văn minh quá thế này. Nhứt là bà dâu thứ năm. Gia đình bà này vốn còn giàu có sang trọng hơn gia đình chồng. Hôm đám cưới, cô dâu chỉ đeo nữ trang hột xoàn. Nhà trai đưa sính lễ một miếng mề đay, đôi bông và chiếc cà rá nhận hột xoàn lóng lánh. Lúc cô dâu ra chào hai họ, bên đàng trai rụng rời vì cô dâu đeo chồng lên trên bộ nữ trang bên nhà trai cho, một bộ khác hột lớn và chiếu hơn thấy rõ! Nội chuyện đó cũng làm cho bà Cả “ghim” trong bụng. Rồi về làm dâu, tuy trong nhà có kẻ ăn người ở, nhưng nàng dâu cũng phải làm “phận sự” thức khuya dậy sớm trông nom. Sau một tháng chịu đựng, bà dâu đài các này tuyên bố một câu xanh dờn:
- Trời đất ơi, nội cái chuyện má bắt tui dậy sớm là tui đủ chêêết rồi. Nói chi tới chuyện hầu hạ cơm nước ngày ba bữa. Thôi tui về Sài gòn, chớ ở đây trước sau gì có ngày tui cũng ...chêêết!!!
Trước lời buộc tội sặc mùi “sát khí” trắng trợn này, bà Cả đành...á khẩu luôn. Rồi không muốn mang tiếng là đao phủ thủ, bà đành ngậm hờn để cậu Năm xách gói theo vợ lên Sài gòn. Chỉ có mợ Tư Tâm quê bên Mỹ Hiệp, nên dễ thích nghi với nếp sống của gia đình chồng. Tuy đôi khi cũng gạt lệ khóc thầm, buồn nhứt là không có chồng bên cạnh để an ủi vỗ về lúc bị mẹ chồng tiếng bấc tiếng chì!
Trưa hăm bốn ông bà Cả cùng Út Khanh, thêm hai chị gái xuống ghe hầu trực chỉ Hồng Ngự. Hôm sau mới rước dâu. Chiếc ghe lần này được treo đèn kết hoa rực rỡ. Lễ vật cũng rình rang hơn hôm đám hỏi bội phần..

Trước cổng nhà cô dâu được trang hoàng bằng lá đũng đỉnh, có treo tấm bảng vẽ chữ  Vu Quy màu đỏ thiệt nổi. Đàng trai xin rước dâu sớm để còn về Cao Lãnh. Vì vậy mới chín giờ sáng buổi lễ đã bắt đầu. Rồi sau bữa tiệc đơn giản do nhà gái đãi, ông bà Cả, ông bà sui gái, tân lang và tân giai nhân, vợ chồng bà mai Sáu Sơn cùng hai người con gái ông bà Cả xuống ghe hầu. Những người đưa dâu đi một chiếc ghe khác cũng được kết bông hoa rực rỡ. Nhờ xuôi con nước nên mới quá ngọ đoàn rước dâu đã về tới. Đám con nít canh dưới bến lập tức chạy lên thông báo. Thằng Đức cầm sẵn cây nhang, đợi đoàn người từ dưới ghe lên tới cổng là châm ngòi, dây pháo hồng dài ba thước treo trên nhánh cây cam ngoài sân. Pháo nổ dòn tan văng xác đỏ cả sân. Đám nhỏ reo hò, tranh nhau lượm pháo lép.
Tội nghiệp Út Khanh, bữa nay diện đôi giày mới da còn cứng nên đau đớn quá chừng. Vậy mà cũng phải nghiến răng chịu đựng, không dám than một lời! Cô dâu mặc chiếc áo cưới bằng cẩm nhung màu cánh sen. Sáng nay bà Cả có cho thêm bộ dây chuyền nách và hai chiếc vòng chạm long phụng, thêm bộ cà rá cửu khúc liên hườn. Tất cả bằng vàng y. Cô dâu đeo hết nữ trang nhà chồng cho, cộng thêm một số bên đàng gái tặng, thành thử trên mình cô vàng chóe...vàng là vàng...

Trong thân tộc có ông bà Hương Chủ Nghi, ông bà Bảy Lân là em ông Cả. Ông bà Hội Đồng Danh là anh rể bà Cả. Tân lang và tân giai nhân đứng trước bàn thờ làm lễ. Đèn nến sáng choang, hương trầm nghi ngút, không khí trang nghiêm. Nhưng trong lòng mấy bà thím, bà dì giống như dầu sôi lửa bỏng. Từ lúc thấy cô dâu, mấy bà đột nhiên...thất sắc! Đợi nghi lễ xong xuôi, cô dâu được đưa vô phòng thay áo, mấy bà lập tức rút vô nhà sau. Bà Hội Đồng Danh ra lịnh:
- Con vợ thằng Tâm ra kêu cô Sáu Sơn vô đây cho tao. 
Mợ Tư lập tức chạy đi. Cô Sáu vừa mới ló đầu vô chưa kịp hỏi có chuyện gì thì đã nghe tiếng bà Hội rít lên:
- Trời đất ơi, thằng Khanh có đui què (cái này thì có chút chút, nhưng lòng thương cháu khiến bà... quên mất), sứt mẻ gì đâu mà cô Sáu nhẫn tâm (?!) đi làm mai cho nó một con vợ đầu đít có một tấc như vậy?
Bà Bảy Lân cũng phụ họa:
- Ứ hự, thấy con dâu rồi tui bủn rủn tay chưn, hết muốn nấu nướng gì nữa!
Cô Sáu đang cười tươi như hoa, bỗng dưng bị mấy bà tấn công tới tấp bèn phát sùng:
- Ủa, lúc anh chị Cả nhờ làm mai đâu có ra điều kiện cô dâu phải cao thấp bao nhiêu? Ảnh chỉ nói cần nhứt con nhỏ hiền thục...
Bà Hội ngắt ngang:
- Nhưng thằng Út cao nhòng. Con dâu đứng tới nách nó coi giống y đôi đũa bị so le, cô không thấy chướng mắt sao? Rồi nó còn sanh con để cháu cho nhà mình.
Cô Sáu đâu chịu thua:
- Mấy chị chê rậm rề sao hồi đó hổng ai làm ơn kiếm vợ dù cho thằng Út?
Bà Cả ở ngoài bước vô nghe mấy bà cãi lẫy liền can:
- Thôi, nó có thấp một chút cũng hổng sao, miễn mặt mũi dễ coi, tánh tình hiền hậu. Chị Hội à, thằng Khanh nhà mình hổng được lanh lợi. Kiếm mấy đứa đẹp quá e sau này...sanh chuyện.

Nghe phân tách cũng có lý, tuy vậy mấy bà vẫn hậm hực không vui. Bà Bảy tiếp tục chỉ huy đám thợ nấu và bà Hội vùng vằng trở lên nhà trên tiếp khách. Như thường lệ, khách khứa ai cũng tấm tắc khen tài nấu nướng của bà Bảy Lân.
Cô Hai Tú, con ông bà Bảy gả về Sa Đéc năm ngoái, đang mang bầu gần ngày sanh nên xin về nhà cha mẹ ruột. Tính ra khoảng rằm tháng giêng mới tới ngày, nhưng sẵn dịp đám cưới Út Khang cô về sớm để dự luôn thể.
Bụng dạ nặng nề, đi đứng khó khăn nên cô được giao nhiệm vụ ngồi một chỗ đơm rau sống ra dĩa. Quan khách vừa bắt đầu nhập tiệc thì cô bỗng thấy bụng đau lâm râm. Bà Bảy vội kêu con Na, người giúp việc của bà cũng tới phụ đám, dìu cô Hai về nhà nằm nghỉ. Bà nói chắc tại cô ngồi lâu quá nên đau bụng. Buổi tiệc vẫn tiếp tục vui vẻ tưng bừng. Độ nửa tiếng sau, con Na chạy trở lại mặt mày hớt hãi:
- Thưa bà Bảy, cô Hai bây giờ còn đau gắt hơn hồi nảy. Cổ kêu tức lưng dữ lắm. Ngồi cũng hổng được làm con sợ quá.
Bà Bảy Lân vội vàng lau tay vô cái khăn rằn rồi nó:
- Cha, điệu này chắc con Hai dám sanh sớm lắm à. Mấy bữa nay tui thấy nó đi tiểu thường hơn lúc trước. Thôi để tui dìa đẳng coi sao.
Nói rồi bà tất tả đi thẳng ra cửa hông. May mà hai nhà cách nhau chỉ độ trăm thước. Chưa tàn cây nhang, con Na lại tái xuất hiện, lần này mặt mày nó cắt không còn hột máu:
- Bẩm bà Cả, bà Bảy con nói cô Hai chuyển bụng. Bà Cả làm ơn sai anh Đức đi rước bà mụ giùm. Con phải dìa đẳng liền.
Nói rồi không đợi bà Cả trả lời trả vốn, nó vắt giò lên cổ chạy trở về nhà. Nghe tin đó mấy ba đều lo lắng. Bà Hội nói:
- Thôi tiệc cũng sắp tàn. Để con vợ thằng Tư coi được rồi. Để tui với con Hai Bạch lại đằng chị Bảy coi giúp được gì hông.
Lúc hai người bước vô buồng thì thấy cô Hai Tú đứng vịn cây cột mùng chịu trận, mặt mày nhăn nhó lộ vẻ đau đớn vô cùng. Bà Bảy đang lăng xăng sai con Na nấu nước sôi. Còn bà lo soạn khăn lông, tã lót, áo cho en bé... Cô Hai Bạch bước lại lấy tay xoa xoa bụng cô em họ, miệng cổ võ liên hồi:
- Ráng lên em, ráng lên. Đau càng nhiều thì sanh càng lẹ. 
Cô Hai Tú đau quá, mồ hôi nhỏ giọt trên trán, thều thào:
Chắc chết quá chị Hai ơi! Đau gì mà đau dữ thần vầy nè. Em chịu hết nổi rồi chị ơi. Biết vậy hồi đó hổng thèm có bầu!
Bà Hội vừa sờ bụng cô hai Tú vừa la:
- Ý, nói bậy nà. Chết đâu mà chết. Ráng chịu đau chút xíu, chừng đứa nhỏ ra là hết liền. Bây hổng nghe người ta nói đau như đau đẻ đó sao? Chèn đét ơi, cái thai nó sụt tuốt xuống rồi đây nè. Còn bà mụ làm cái giống gì mà lâu tới quá vậy hổng biết nữa. Coi chừng nó sanh rớt.
Bà Hội vừa dứt tiếng, cô Hai Tú kêu:
- Con mắc đi cầu quá má ơi.
Bà Bảy vội lấy cái bô để giữa buồng biểu con gái:
- Con đi đại vô đây đi.
Nhưng cô Hai Tú mắc cỡ không chịu ngồi xuống. Bà Hội dỗ dành:
- Đi đại vô bô đi con. Đây có ai lạ đâu mà mắc cỡ.
Khi mắc rặn quá cô Hai đành ngồi xuống bô rặn một hơi, mặt mày đỏ ke, mồ hôi nhỏ giọtù. Bà Bảy ngồi một bên đỡ con. Cô Hai Bạch cầm quạt quạt lia lịa. Cô Hai Tú rặn tới lần thứ ba thì bỗng có tiếng con nít ọ ẹ yếu ớt trong ...bô!
Bà Hội hoảng kinh la lớn:
- Chèn ơi, con Hai sanh rồi!
Hai bà lính quýnh nhấc cô Hai  lên để kéo cái bô ra. Trong khi đó cô Hai Bạch lôi đại cái mền trên giường xuống rồi trút đứa nhỏ ra đó. Đứa nhỏ là con gái, nhỏ xíu, đỏ hỏn, giống như con mèo ướt. Cả ba còn đang quýnh quáng chưa kịp cắt rún cho đứa nhỏ thì bà mụ vừa tới kịp, theo sau là dượng Hai. Mọi người thở phào, giao sản phụ lại cho bà này làm phận sự. Đứa nhỏ chưa tắm xong cô Hai bỗng la lên:
- Ui da, má ơi con còn muốn rặn nữa!
Mọi người kinh hãi nhìn nhau, không ngờ cô sanh song thai. Cô Hai nói rồi gồng mình rặn một hơi dài: thêm một đứa nữa chun ra. Bà mụ vừa kịp giao đứa đầu cho bà Bảy là quay qua đón liền đứa thứ nhì. Dượng Hai nghe xôn xao trong buồng, nóng ruột khoác tấm màn thêu thò đầu vô định hỏi, nhưng bị bà Hội đồng xô ra:
- Đàn ông hổng được xớ rớ vô mấy chỗ này, dơ lắm! Để chút nữa dọn dẹp sạch sẽ rồi thằng Hai mày mới được vô thăm. Hai đứa nhỏ ngộ lắm!
Dượng Hai Tú há hốc miệng:
 - Hai đứa?
Nhưng bà Hội đã quay lưng trở vô. Hai đứa nhỏ giống nhau như hai giọt nước được đặt nằm bên cạnh mẹ. Bà mụ cẩn thận dặn con Na nấu nước nóng, vô bốn cái chai thủy tinh đặt hai bên hông mấy đứa nhỏ cho ấm áp. Bà Bảy ở lại với con gái cho yên bụng. Dượng Hai sau khi vô thăm vợ và chiêm ngưỡng hai cái tác phẩm đầu tay (hơi bất ngờ)ø xong, bèn hớn hở theo bà Hội trở lại đám cưới.

Tin cô Hai Tú sanh song thai được đón tiếp nồng nhiệt. Đến chầu khui sâm banh, mọi người đồng loạt giơ ly thật cao để vừa chúc mừng cô dâu chú rể răng long tóc bạc, vừa mừng dượng Hai Tú mới được lên chức.
Trong sự vui mừng chung, mấy bà đâm ra quên mất sự... thiếu thước tấc của cô dâu và trước khi ra về mọi người không quên cầu chúc hai gia đình một cái Tết thật tưng bừng, náo nhiệt...
            
Tiểu Thu

Chủ Nhật, 1 tháng 2, 2015

Thương Tiếc MC & Ca Sĩ Bích Ngọc


Trở Về Cát Bụi


Con người trong cõi vô thường,
Bon chen cho lắm tai ương bất ngờ.
Đến khi họan nạn bơ vơ,
Vắng tanh những kẻ đợi chờ bấy lâu.

Một mình khắc khoải lo âu,
Nếu mai tôi lỡ đi đâu không về.
Tấm thân cát bụi bên lề,
Tách rời trần thế ủ ê ngậm ngùi.

Cuộc đời héo úa chẳng vui,

Buồn thiu ảm đạm, ngọt bùi đắng cay.
Giữa lằn sáng, tối đêm ngày,
Âm dương hai cõi chia tay lạnh lùng. 

Sanh thời tiền kiết hậu hung,

Xót nơi trần tục vô cùng tang thương.
Kinh hòang ngưỡng cửa biên cương,
Thế gian cõi tục tỏ tường bến mê.

Xót thương sống gởi xa quê,

Mẹ già núm ruột lê thê xứ người.
Bây giờ còn biết hổ ngươi,
Chiếc thân mệt mỏi héo, tươi cuối đời.

Quên đi tất cả chơi vơi,

Kinh qua một kiếp ở nơi dương trần.
Cuối đường trãi nghiệm phù vân,
Lệ trào vuốt mắt người thân nhà quàn.

Sinh lão bệnh tử trần gian,

Trở về cát bụi vội vàng tro bay.
Cuối cùng vĩnh biệt tháng ngày,
Trăm năm cũng lẹ, sau này đoàn viên

Mai Xuân Thanh
Ngày 17 tháng 01 năm 2015

Nguy Hại Chết Người Từ Trái Khổ Qua



Nguy hại “chết người” không ngờ từ trái khổ qua bạn phải biết
Mướp đắng tuy là món ăn được nhiều người ưa chuộng nhưng nếu sử dụng không đúng cách sẽ gây nên những nguy hại khôn lường cho sức khỏe.

Từ lâu trong lịch sử, mướp đắng đã được sử dụng như là một loại thực phẩm trong văn hóa ẩm thực Việt Nam. Mướp đắng được tìm thấy ở nhiều vùng nhiệt đới trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, mướp đắng chống chỉ định nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú. Hạt mướp đắng có thể gây ra độc tính đối với trẻ em.

Mướp đắng là món ăn ngon nhưng dùng không đúng cách sẽ nguy hại sức khỏe.

1/Mướp đắng chống thụ thai
Các nhà khoa học đã phát hiện ra một protein trong cây mướp đắng có hoạt tính chống sinh sản ở chuột đực. Uống cao quả mướp đắng 1,7 gam/ngày làm tinh hoàn chó đực bị thương tổn và giảm khả năng sinh tinh trùng.
Ở chuột cái, tác dụng chống khả năng thụ thai thuận nghịch. Chuột và thỏ có thai bị xuất huyết tử cung khi uống nước mướp đắng.

2/ Thiếu máu tan huyết
Đây cũng là một trong những ảnh hưởng tiêu cực mà mướp đắng có thể gây ra. Những triệu chứng thường gặp của bệnh này bao gồm hôn mê, đau bụng, đau đầu và sốt.
Bệnh thiếu máu tán huyết là kết quả của việc thiếu hụt máu do các enzyme không hoạt động được như bình thường.
Khi bạn tiêu thụ quá nhiều mướp đắng, lượng độc tố trong loại rau này sẽ tác động đến chức năng của các enzyme, gây hại cho sức khỏe.



3/Tăng men gan
Mướp đắng có thể độc hại cho tế bào gan ở thú vật, enzym gan tăng cao sau khi dùng mướp đắng. Các chất trong mướp đắng có khả năng thay đổi hình dáng tế bào gan.
Hạt mướp đắng chứa một chất tên vicine, là một độc tố có khả năng gây ngộ độc tầm đậu (favism), một hội chứng cấp tính gồm nhức đầu, đau thắt bụng và hôn mê.
Ngay cả khi cây mướp đắng trồng ở những vùng thổ nhưỡng khác nhau thì thành phần trong quả cũng có tỷ lệ và sự có mặt các vi chất khác nhau.
Do đó nếu cây trồng trên vùng đất có nhiễm kim loại nặng rất có thể trong quả mướp đắng trồng tại vùng này bị nhiễm kim loại nặng mà gây độc cho cơ thể khi chúng ta ăn nó.

4/ Ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ
Không chỉ gây khó tiêu, phần ruột và hạt bên trong trái mướp đắng còn chứa nhiều thành phần độc tố gây hại cho sức khỏe của trẻ em. Chính vì vậy, bạn không nên cho trẻ ăn những món được chế biến từ khổ qua.
Nếu muốn thay đổi khẩu vị cho bữa cơm thường ngày, cần trụng (chần) khổ qua trong nước sôi trước khi chế biến, nấu nướng.

Người không nên ăn mướp đắng

1/ Người bị bệnh gan, thận
Người bị bệnh về gan và thận cần tránh ăn mướp đắng vì chúng rất khó tiêu hóa, có thể gây đầy hơi.
Những người bị thiếu men G6PD (loại men có vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa của tế bào hồng cầu) nên tránh xa loại rau có vị đắng này.
Mướp đắng có thể độc hại cho tế bào gan ở thú vật, enzym gan tăng cao sau khi dùng mướp đắng. Các chất trong mướp đắng có khả năng thay đổi hình dáng tế bào gan.
Hạt mướp đắng chứa một chất tên vicine, là một độc tố có khả năng gây ngộ độc tầm đậu (favism), một hội chứng cấp tính gồm nhức đầu, đau thắt bụng và hôn mê.

2/Người mắc bệnh tiêu hóa
Việc ăn mướp đắng hàng ngày rất tốt cho sức khỏe nhưng nếu ăn quá nhiều có thể dẫn đến tiêu chảy và các vấn đề dạ dày.
Mướp đắng có thể độc hại cho tế bào gan ở thú vật, enzym gan tăng cao sau khi dùng mướp đắng. Các chất trong mướp đắng có khả năng thay đổi hình dáng tế bào gan.

Hạ Nam
Yên Đỗ sưu tầm

Thơ Tranh: Nhớ Nhung


Thơ & Ảnh Chụp: Biện Công Danh
Thơ Tranh: Kim Oanh

Xuân Sắc Vàng


Chiều
khoanh nắng
rót tay đêm
Soi xuân
rựng
nụ xuân thêm sắc vàng
Chữ
nằm
khua giấy
bàng hoàng
Sách còng lưng
vác
mệnh phần tồn sinh
Bụi và
rác
vẫn vô hình
Xoay quanh
thế đứng
rập rình ngữ ngôn
Quê người
trăng khói bạc hồn
Đường mây
chân ngựa
khuyết mòn núi sông.

Phạm Hồng Ân
(Escondido, 01/09/2013)

Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

Canh Chua



Người Việt Nam ai cũng thích ăn canh chua. Nay ra hải ngoại, món canh chua cũng được ưa chuộng, có mặt trong các nhà hàng Việt sang trọng, người ngoại quốc ăn khen ngon và ưa chuộng.
Tuy vậy, cách nấu, canh ăn mỗi miền, mỗi nơi mỗi khác. Nghe nói ở ngoài Bắc bà con ta nấu canh chua bằng quả sấu, quả dọc. Thiệt tình nghe vậy chớ người miệt Lục Tỉnh đâu có biết sấu, dọc gì đâu!
Còn miền Trung thì nấu với khế chua, măng chua, dưa chua; Các thứ này ở quê trong Nam cũng có người ăn nhưng không nhiều, không phổ biến lắm.

Còn người Lục Tỉnh thì sao?
Đất Lục Tỉnh là đất mới, đời sống sung túc, con người tứ chiếng nên nói chung là “cái gì” cũng khác ngoài Trung, ngoài Bắc :
“Ở Gia Định có khách đến nhà, đầu tiên gia chủ dâng trầu cau, sau dâng tiếp cơm bánh, tiếp đãi trọng hậu, không kể người thân sơ, quen la, tông tích ở đâu (Sơn Nam, Lịch Sử Khai Hoang Miền Nam –Trích Gia Định Thành Thông Chi của Trịnh Hoài Đức)
Nhìn tô canh chua của người Lục Tỉnh, bạn thấy ngay cái lối ăn uống của con người ở đây.
Nấu canh chua thì “có gì nấu nấy”, miễn sao ăn ngon, thấy vừa miệng, nhanh gọn để khỏi chờ lâu.
Bất kể mùa nào, nắng hay mưa, chúng ta cũng ăn được tô canh chua dễ dàng và ngon miệng cả.
Tại sao nói như vậy ?
Bởi lẽ, có cả một “ bản phong thần” các thứ để nấu canh chua.


Đầu tiên và cổ điển nhất là me. Nhưng me thì có me chín, me sống, lá me non. Mùa khô thì dùng me chín (đã cạy bỏ hột, muối chút muối, chứa trong hủ), làm cho hương vị canh đậm đà, ngọt dịu.
Trái khế, trái chùm ruột cũng được người địa phương dùng nấu canh chua, cho ta một mùi vị chua hơi chát, nước, ngã màu đen, ngọt dịu dễ ăn cơm và nhậu cũng hấp dẫn không kém.
Trái thơm, trái khóm, ngoài Bắc kêu là dứa, sắt thành sợi nấu canh chua cá lóc, cá rô cùng với cà chua, giá sống cho ta tô canh chua hương vị khác nữa. Nước canh vừa chua vừa ngọt, hợp khẩu những ai muốn ăn canh chua mà “không hảo chua”.
Trái thơm, trái khớm nấu canh chua chay với nấm rơm, đậu hủ, thì hết sẩy. Nói canh chua chay chớ đầu phải dành riêng cho chùa cho thầy tu đâu, bợm nhậu cũng mê canh chua chay vậy.
Có loại canh chua độc đáo ở Lục Tỉnh là canh chua “cơm mẻ ”. Không quen, thấy thì sợ, nhưng thử rồi sẽ mê. Không biết ai nghĩ và chế ra “con cơm mẻ” thì phải nói là kỳ tài. Có lẽ do “tình cờ” nào đó mà người miền quê phát hiện ra chăng?

Ra hải ngoại không thấy ai nấu canh chua bằng cơm mẻ, lâu ngày sợ rằng nó bị thất truyền. Tiếc quá! 
Có loại canh chua nấu với trái bần chín, xa lạ đối với nhiều người, kể cả người quê Lục Tỉnh nữa.
- Chèo ghe đi hái búp bần
Chèo lại gần gần bóp v___ chị xuôi.
- Cây bần ơi hỡi cây bần
Lá xanh bông trắng, lại gần không thơm


Cây bần là loại mọc dưới nước, bờ sông, có tác dụng giữ đất như loại cây đước, cây dẹt. Trái bần chín có vị chua, hồi nhỏ ai cũng thích ăn bần chấm muối ớt.
Vào mùa mưa già, bần chín rụng đầy sông, là mùa có con cá chốt trứng, nấu canh chua ngon đáo để. Chèo xuồng cặp bờ sông, lấy cây dầm đập nhẹ nhánh bần làm trái chín rớt lợp đợp trên ghe. Đem về bỏ vô cái tượng lớn, nấu nồi nước sôi chế vô, lấy đủa giầm nát trái bần ra, là ta có một dung dịch chua độc đáo.
Theo các bậc lão nông thì cá chốt nấu với bần mới ngon, và hình như không có gì thay thế được !
Cá chốt gặp bần chín thì mùi hết tanh, nước sôi làm nứt da con cá, bày ra cặp trứng vàng bóng “nỏn nà” thấy bắt thèm.
Nêm ít nước mấm ngon, vài ngọn rau thơm với ớt chín là bạn có nồi canh chua dã chiến toàn là cá chốt với nước bần mà thôi.
Món nầy là món đưa cay ngon độc đáo.
Nếu muốn nấu canh chua bần chín với cá chốt để ăn cơm thì phải cho thêm bông so đủa hoặc bạc hà.
Tháng 7 âm lịch trời cho người dân miền quê trái bần chín, bông so đủa và cá chốt trứng là đủ bộ cho nồi canh chua.
Về loại rau để nấu canh chua cũng đa dạng nữa.
Loại kinh điển theo”giáo khoa thư” là bạc hà và giá sống.
Và nếu chỉ có thế thì có gì để nói, và ăn thế thì chưa biết hết canh chua miền quê.

Nầy nhé!
Ta còn có canh chua bông súng, bông điên điển, cũng ngon đáo để. Canh chua bông súng, bông điên điển với cá linh, cá đối cho ta một hương vị khác của canh chua. Mùa nước nổi là mùa cá linh, mùa bông điên điển nở, cống hiến cho người ở đây món canh chua đậm đà, dân dã và độc đáo.
Có loại rau, không nói không được.
Đó là rau đắng nấu canh chua. Ta ngắt đọt non rau đắng, nấu với tôm, với me sống, ai ăn thử cũng tấm tắc khen ngon. Nhớ là “rau đắng mọc sau hè”.
Rồi rau ngỗ, rau nhút, rau lan, đậu bắp, đều được dùng nấu canh chua, tùy theo mùa, theo sở thích người ăn
Khi đồng bào miền Bắc di cư vào Nam mang theo sở thích ăn rau muống. Theo ông Nguyễn Hiến Lê kể loại trong cuốn “7 Ngày Trong Đồng Tháp Mười” thì dân miền Nam hồi đó không quen ăn rau muống vì sợ bị “đi ỉa”.
Nay rau muống được nhiều người dùng để nấu canh chua, đa phần với con cá đồng, cá sông, cá ở ruộng.

Canh chua Lục Tỉnh khẩu vị khác Trung và Bắc là vì có chất ngọt của đường.
Cái hương vị ngọt của đường làm cho tô canh chua Miền Nam mang phong cách riêng chưa kể đến nội dung rất phong phú, nhiều bổ dưỡng của nồi canh chua ở đây.
Đến vùng đồng bằng sông nước, và nhớ tìm ăn canh chua đồng ruộng chắc chắn bạn sẽ thú vị, không chỉ bởi tô canh chua mà thôi mà còn bởi vì sự chơn thật, đôn hậu của các cụ già ở đó nữa :
“Những bà cụ ấy, đều chất phát, không biết sử ký, địa lý, nước Việt mà đối với tôi – một người phương xa mới tới – thân mật nhu người trong nhà” (Nguyễn Hiền Lê, 7 Ngày Trong Đồng Tháp Mười)

Nam Sơn Trần Văn Chi

Quê Hương Tuổi Thơ


Trưa nắng gắt chang chang cồn cát
Vòm trời cao lác đác áng mây trôi
Miền quê hương Điện Ngọc xa xôi
Trong ký ức của một thời hoa đỏ

Tuổi thơ tôi- cậu học trò bé nhỏ
Sáng lên trường chiều cắp rổ lên nương
Mót khoai hái quả cuộc sống đời thường
Xuân ấm áp- đông về heo may lạnh

Tuổi thơ xưa một quãng đời bất hạnh
Gia đình nghèo hai bữa chỉ ngô khoai
Buổi lên trường quần áo chẳng ra sao
Tấm quần đùi áo cánh tay nhàu nát
Suốt bốn mùa quanh quẩn chỉ nhiêu thôi

Một năm trôi qua ngày Tết đến rồi
Đâu dễ có tấm quần manh áo mới?
Chợ Tết chiều quê tôi vẫn thầm mong đợi
Mẹ mua cho đôi dép nhựa xanh xanh
Ôi!... đẹp quá mẹ ơi đôi dép mới!

Thỏa ước mơ sau bao ngày mong đợi
Ba ngày xuân chạy nhãy khắp xóm làng
Khoe đôi dép dấu mùa xuân trong đó
Gói niềm vui vô hạn tuổi thơ ngây

Âú thơ đi qua bao kỷ niệm tràn đầy
Ngày khôn lớn vẫn nỗi lòng ray rức
Thương quê mình những tháng năm cơ cực
Đám dân nghèo- cái khổ chẳng buông tha!

Mảnh quê hương không màu mỡ phù sa
Cát cháy bỏng khô cằn như hoang mạc
Mảnh ruộng con,năm ba chân gàu tát
Lúa ươm đòng,ruộng khát những giọt mưa

Người quê tôi đâu quản ngại sớm trưa
Nắng dãi mưa dầu vẫn vui cày cuốc
Mùa hạn đi qua mưa về bão lụt
Khúc ruột miền trung sùi sụt héo hon

Bão lũ đi qua chẳng thứ gì còn
Của cải hoa màu cuốn theo dòng nước
Tan cơn bão ngó sau nhìn trước
Nước vây quanh nhà cửa đứng chênh vênh

Thảm cảnh quê hương miền khổ hạnh không tên
Ập lên đầu đám tay bùn chân lấm
Người quê tôi sau những ngày nắng lậm
Gói nhọc nhằn vạt áo đẫm mồ hôi

Điện Ngọc yêu thương trong ký ức xa xôi
Ghi dấu ấn thời tuổi thơ gian khổ

Vĩnh Long 11-2012
Ngô Quang Diệp

Thơ Tranh: Tình Xuân


Thơ: Ngọc Hải
Thơ Tranh: Suối Dâu

Xướng Họa: Nhập Thế Cuộc


Bài Xướng:
Nhập Thế Cuộc


Ta đến trần gian chỉ một mình
Tay không nhập thế lúc bình minh
Vay cơm cha mẹ làm thân thể
Mượn khí sanh quang tiếp Chí Linh
Khoa mục đa đoan bày thống khổ
Hào quang vô ảnh giữ an bình
Buồn vui mỗi bước đường chưa trọn
Thấp thoáng ngoài sân bóng tối in.


Cao Linh Tử
2/12/2014
* * *
Bài Họa:
Thân Phận Con Người


Ngồi soi sự thế ngẫm thân mình
Tiếng khóc vào đời đã xác minh
Dòng sữa mẹ nuôi hình khổ nhọc
Chén cơm cha tạo kiếp sinh linh
Trưởng thành bị ném vùng binh lửa
Tuổi lão gian truân buổi thái bình
Bóng ráng hoàng hôn buông vội vả
Màn đêm u tối nỗi buồn in.


Nguyễn Đắc Thắng
* * *
Tấm Thân Bé Nhỏ  

Mở mắt chào đời tự hiểu mình,
Nhờ ai mới biết buổi bình minh.
Tấm thân nhỏ bé công sinh nở,
Hình thể sơ nhi bổn tánh linh.
Trời đất bao dung ta góp mặt,
Mẹ cha rộng lượng trẽ an bình.
Sinh cơ lạc nghiệp đời đen bạc,
Lạc bước giang hồ ngã bóng in


Mai Xuân Thanh 
Ngày 3 tháng 12 năm 2014
* * *
Thiệt Giả

Trò chơi mua bán ở quê mình
Đủ kiểu lọc lừa rất bất minh
Nguồn gốc xuất ra từ Bắc Quốc
Danh xưng trồng ở tại Di Linh
Hàng đen hoá trắng người khôn tránh
Thứ "dỏm" thành "zin" dạ bất bình
Rau trái Miền Tây đều có đủ
Đồ nhà của thiệt nhớ như in.


Quên Đi

An Bình Những Ngày Cuối Đông



Ngựa chạy đường dài mệt đứt hơi
Cả năm làm việc, chẳng nghĩ ngơi
Chú dê hối thúc ngựa nhường bước
So đũa đầy nhà mặc sức xơi
Dê vẫn luôn yêu ngừơi chân thật
Một lòng chung thuỷ chẳng hề vơi
Xin chúc bạn hiền luôn thắng lợi
Tiếng thơm vang mãi bốn phương trời

24/12/2014

Hồ Nguyễn

Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

Chạnh Lòng


Có cảm tưởng như là chớp mắt, mới bình minh đã ngả hoàng hôn
Chân trời bàng bạc áng mây hồng; nhìn xuống, ngước lên đà biến mất.

Một thuở tháng ngày vui chất ngất, mới đây nay biết ở đâu tìm
Hình như còn đóm lửa trong tim, ầm ĩ ngún lay lòng ta nhức nhối.

Bạn bè có đôi thằng vừa rẽ lối.
Tuổi cha ông còn xót lại đôi người, gầy còm thân xác sắp buông xuôi.
Rưng nước mắt chờ giây ly biệt.

Bịnh lão tử sinh ta vốn biết, mất nhau chua xót vẫn không đành.
Ngậm ngùi ngửa mặt hỏi trời xanh: ban sự sống sao nở lòng lấy lại?

Anh Tú
Ghi dấu hôm nay.
January 11, 2015


Thơ Tranh: Ngậm Ngùi

Chia xa ngậm ngùi


Thơ & Thơ Tranh: Nguyễn Đức Tri Ân



Bóng Người Xưa


Con đường xưa có hàng lá me bay
Còn nguyên vẹn một mầu xanh lưu luyến
Nằm chứng kiến bao nhiêu lần biến chuyển
Chờ tôi về tâm sự chuyện ngày qua

Kể từ khi tà áo trắng phôi phai
Không còn chiếc xe đạp chiều gió ngược
Không còn gót son hồng khua nhịp guốc
Tất cả đều như ... quyển sách sang trang

Con sóng đời lúc sụp đổ tan hoang
Cuốn theo mối tình xanh đưa đi mất
Vùng kỷ niệm vương dấu buồn lây lất
Hy vọng ngày mai nối lại nhịp cầu

Đã lâu rồi ta chẳng gặp lại nhau
Dù vẫn biết mình cách xa ngàn dặm
Trong tâm tưởng còn khắc ghi sâu đậm
Bóng ngưòi xưa, giờ lạc bước về đâu?

Vĩnh Trinh

Xướng Họa: Cho Người-Tình Muộn


Xướng: Cho Người

Thương em nghiệt ngã trăm chiều,
Mà sao chẳng dứt được điều nghiệp duyên.
Biết yêu là khổ triền miên,
Mà sao chẳng nỡ để duyên hững hờ!
Thương em xứ lạ bơ vơ,
Gieo neo nuôi nấng con thơ nhọc nhằn.
Mong con khôn lớn danh thành,
Tàn phai xuân sắc cũng đành mà thôi!

Mặc Thái Thủy
* * *
Họa:Tình Muộn
Thương ai bóng đã về chiều
Mà tình còn đến gieo điều nợ duyên
Xót lòng ôm nỗi cô miên
Bỏ đi chẳng đặng vương duyên tình hờ
Trái ngang tình muộn vu vơ
Chờ nhau lạc cả hồn thơ khó nhằn
Vô thường ảo mộng chẳng thành
Phôi phai ước nguyện phải đành thế thôi!

01/2015
Thiên Thu

Cho Em Thôi Chòng Chành




Lang thang trong chiều đông
Em một đời hoang lạnh.
Xuân về bên thềm nắng
Cho em thôi chòng chành.

(Với Hoàng Viễn Phố19-01-2015)
Hương Ngọc

Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

May Mà Có Em

      Sau năm 1954 gia đình tôi từ vùng quê dọn về Qui Nhơn sinh sống. Ba tôi làm việc ở Khu Tạo Tác, má tôi nội trợ,nấu cơm tháng cho các học sinh cùng quê trọ học ở Qui Nhơn.Anh hai tôi lúc đó đã học lớp Đệ Lục trường Cường Để, chị ba tôi học lớp ba trường nữ Ấu Triệu, còn tôi chưa được đến trường, việc học hành có anh hai tôi kèm dạy. Sau giờ học qua loa, tôi rong chơi với đám trẻ con hàng xóm suốt ngày.

      Nhà tôi ở thuộc khu tư Qui Nhơn, giáp đầu núi, chỗ có đường xe lửa chạy băng ngang xuôi về bến tàu(gọi là dưới Tấn) để lấy hàng hóa. Đó là một dãy nhà tranh dài chia làm ba căn, căn đầu là mặt tiền đường gia đình bác cảnh sát Thành ở, căn kế thuộc cặp vợ chồng mới cưới, gia đình tôi thuê căn cuối. Niềm vui của tôi là hằng ngày chờ đón đoàn tàu đi qua, tiếng kêu ầm ĩ, để lại khói bay mù mịt.
Vợ chồng bác cảnh sát ở căn đầu người Huế, rất tốt bụng và hiếu khách, thỉnh thoảng ghé qua trò chuyện cùng ba má tôi rất thân mật, đôi khi còn tặng gia đình tôi món bún bò Huế thơm lừng. Đó là lần đầu tiên tôi được ăn bún bò Huế, thơm ngon nhưng cay quá, phải ráng ăn, nhiều lần rồi đâm ra ghiền. Ông bà cảnh sát hiếm muộn chỉ có mỗi một cô con gái nhỏ, kém tôi độ vài ba tuổi tên là Thu Thủy. Chúng tôi chơi thân hồi nào không hay. Chính Thủy là người đầu tiên khơi dậy máu âm nhạc của tôi. Lúc ở quê, tôi chỉ thuộc những bài hát ru em Bình Định,Thủy kiên nhẫn dạy tôi những bài hát tân nhạc thịnh hành thời đó, nào là:
"Người ơi,nước Nam của người Việt Nam..."
"Ngày ngày lo vun tưới cho đồng xanh và chiều chiều ra đứng ngắm bên giòng sông..."
"Ai đi về phía quê tôi làm ơn cho nhắn vài lời nhớ thương..." v..v . 
      Tôi vốn yêu ca hát nên chẳng bao lâu thuộc làu các bài hát Thủy dạy. Bà thầy nhỏ bé khen tôi sáng dạ, có giọng hát tốt nên chúng tôi thường song ca đối đáp lẫn nhau rất ăn ý. Chiều chiều hai anh em rủ nhau lên triền núi hái sim, hái bông trang...Từ sườn núi nhìn xuống, Qui Nhơn thật là nhỏ bé nhưng thơ mộng. Giữa cảnh trời biển núi non bao la, anh em tôi hát say sưa quên ngày giờ.
      Những ngày chơi đùa hồn nhiên rồi cũng đến lúc phải chấm dứt.Tôi và Thủy phải vào trường học. May thay anh em tôi cùng học một trường, trường tiểu học Nguyễn Huệ, tôi vào lớp tư, Thủy vào lớp năm(lớp 2 và lớp 1 bây giờ). 

      Ngày tựu trường chúng tôi không có người thân đưa rước như các trẻ khác. Thủy là dân ở tỉnh rành rọt đường sá, bạo dạn nơi đông người, còn tôi lúc ở quê quen thói tự lập nên hai anh em dắt nhau đến trường học không có gì phải khó khăn. Vừa đi Thủy vừa bắt giọng một bài ca học lóm ở đâu đó:
"Tan học rồi,là tan học rồi!Nghiêm trang đứng lên tưng bừng hát ca.Xếp hàng đều và ca lừng trời,hân hoan đứng lên chia tay ra về..."
Đang hát chợt tôi thấy có cái gì đó không ổn,ngừng lại bảo cô bạn nhỏ:
- Này, sao chưa vào học mà mình lại hát bài tan học rồi?
Thủy ngẩn người ra:
- Em đâu biết bài hát nào khác về trường học ngoài bài này. Ờ, mà em thích tan học hơn là vào học. Hì hì...
      Buổi học đầu tiên bắt đầu chưa được 15 phút thì tôi đã lãnh hai roi vào mông và đích thân thầy giáo điệu tôi xuống lớp năm, lý do là tôi không biết đề thứ ngày tháng năm trước khi viết bài học (?!) Cái này hoàn toàn do lỗi của ông anh tôi, khi dạy kèm thằng em, chưa bao giờ anh tôi chỉ dẫn đề thứ ngày tháng năm! Còn thầy giáo đầu đời của tôi, thay vì chỉ cần vài phút hướng dẫn cho học trò mới, lại thẳng tay cho nó tụt lớp một cách không thương tiếc. Tôi vừa buồn rầu vừa xấu hổ, ngồi vào ghế của lớp năm, liếc mắt sang dãy bàn nữ bắt gặp ánh mắt mở to thoáng chút ngạc nhiên của Thủy, tôi bối rối...Sau giờ học Thủy đón tôi ngay cửa
lớp:
-Anh,sao vậy?
Tôi cố làm ra như không có chuyện gì:
-Anh làm vậy để được học chung lớp với em đấy thôi!
Thủy lắc đầu tỏ vẻ không tin nhưng lại cười ngay;
-Ờ,mà anh em học chung lớp càng vui chứ sao!

      Tuổi nhỏ buồn mau mà cũng vui mau. Chúng tôi tiếp tục nhảy nhót và ca hát trên đường về.
Thấm thoát tựu trường đã hơn một tháng...Sáng hôm đó chúng tôi đang lắng nghe cô giáo dạy tập làm văn thì cửa lớp sịch mở, thầy hiệu trưởng dẫn vào một học trò mới. Đó là một cô bé trạc bằng tuổi Thủy,mặc áo đầm trắng muốt, chân cũng mang giày trắng làm đám học trò nữ rì rầm xít xoa. Đặc biệt là đầu tóc uốn quăn tít (hồi đó gọi là phi-dê, chỉ có nhà giàu mới theo mốt này), trên tóc cài một cái nơ hình con bướm cũng màu trắng. Đôi mắt cô bé to, trong sáng tự tin, miệng có vẻ cười, môi hơi trễ xuống thoạt trông có vẻ kiêu ngạo nhưng nhìn kỹ thì thấy dễ có cảm tình. Cô giáo giới thiệu bạn học mới với cả lớp, chúng tôi chào mừng bằng một tràng pháo tay dài. Cô bạn học mới cười rất tươi và nhún mình chào lại cả lớp một cách điệu nghệ như trong xi nê. Cô giáo xếp bạn mới ngồi bên cạnh Thủy. Sau này mới biết cô bạn mới tên Phương, con một cấp chỉ huy lớn trong quân đội, nhà ở là một dinh thự nguy nga có lính gác, đi về có tài xế đưa rước, tóm lại là con nhà thượng lưu khác xa với chúng tôi. Thủy và Phương làm thân với nhau rất nhanh vì hai cô đều mau mắn và hoạt bát.Từ Thủy tôi quen với Phương cũng mau lẹ tuy nhiên không bao giờ Phương xưng anh em với tôi như Thủy mà chỉ gọi nhau trống không.Tôi nghĩ đó là do thói quen kênh kiệu của con nhà giàu nên cũng chẳng quan tâm.Thời gian sau này, Phương xin phép gia đình được đi học về cùng với anh em tôi không cần xe đưa rước.

      Chẳng bao lâu, hình ảnh chiếc áo đầm trắng và cái đầu tóc quăn của Phương trở nên quen thuộc ở sân trường. Cô bé lúc nào cũng nổi bật giữa đám đông, đám con gái e dè bao nhiêu thì đám con trai lại muốn làm thân bấy nhiêu. Phương đối xử với ai cũng như nhau, cũng tươi cười thân thiện, hoà nhã tốt bụng khiến mọi người đều cảm mến. Tôi cũng không ngoại lệ, thoạt đầu để ý vì tò mò, sau lại thấy mến dần cô bé rồi một ngày câu nói nửa đùa nửa thật của Thủy làm tôi giật mình; " Hình như anh để ý con Phương hơn em đó nghe!" Tôi chối bai bải và cố gắng phân bua với cô em là không đời nào như vậy.
      Hôm đó, Thủy bị bệnh không đi học được, tôi đành đi đến trường một mình. Con đường đến trường cũng như mọi ngày mà sao tôi thấy dài lê thê vì vắng tiếng cười nói chuyện trò của Thủy, điều này sao hôm nay tôi mới nhận ra. Ôi , Thủy cần thiết với tôi đến vậy sao? Tôi bước lên bực thềm trường lòng nặng trĩu, vào lớp ngồi buồn hiu mặc cho mọi người đang chơi đùa vui vẻ vì hãy còn sớm quá chưa tới giờ học. Bỗng một ý nghĩ thoáng qua...A, còn Phương nhà giàu nữa, cô ta đâu rồi, không có Thủy thì có Phương cũng đỡ buồn chứ, có khi còn vui hơn là khác! Nói là làm, tôi quanh một vòng sân trường không có..., vòng lại lần thứ hai cũng không. Sao giờ này cô ta chưa tới, chẳng lẽ lại bệnh như Thủy, làm gì có chuyện xui tận mạng như vậy?! Tìm mãi không thấy Phương, tôi buồn rầu mò ra ngay chỗ đám đông học sinh đang vây quanh người thợ làm kẹo đường đang "bắt" kẹo. Bắt kẹo là công việc thường ngày của người thợ làm kẹo trước cổng trường. Sáng nào cũng vậy, cứ đợi đến lúc học trò tề tựu đông đảo là người thợ bắt đầu công việc của mình. Trước tiên ông ta vắt bột có trộn đường thành một cây dài ấm ấm, mùi thơm phức, kế tiếp là treo một đầu cây đường vào một cái đinh 12 đã đóng sẵn trên cây me tây. Ông ta kéo dài sợi đường ra khoảng một thước rồi lại vắt sợi đường vào đầu cây đinh. Cứ thế, cứ thế, vắt kéo, vắt kéo...sợi đường dẻo dần, từ màu vàng sậm ra màu vàng nhạt rôì trở nên trắng óng như tơ, mùi thơm tỏa ra làm tuị học trò nuốt nước miếng, thò tay vào túi tìm đồng bạc để sẵn, đợi người thợ làm xong là tranh nhau mua trước. Người thợ có thói quen là sau cái vắt cuối cùng thế nào cũng ngắt một thỏi kẹo và thuận tay đưa cho người học trò đứng gần bên. Đây là hành động quảng cáo hiệu quả nhất cho nên lúc nào học trò cũng bu quanh ông ta. Nhiều lần xem người thợ bắt kẹo, tôi đã có kinh nghiệm nên đoán được cái vắt cuối cùng của ông ta là tôi len ngay vào đứng gần cái tay thuận cho kẹo và lúc nào tôi cũng thành công. Riết rồi tụi học trò tưởng tôi và ông thợ kẹo quen nhau nên không muốn tranh giành với tôi nữa. Hôm nay cũng vậy, đến thời điểm quyết định là tôi đã có mặt nhưng hôm nay tổ trác hay sao mà ông ta lại đổi tay nên thỏi kẹo từ thiện thay vì đến tay tôi lại rơi vào tay thằng học trò đứng đối diện.


      Hôm nay xui quá, hết chuyện này đến chuyện khác! Tôi chán nản leo lên thềm trở về lớp học...Bỗng kìa! Cái áo đầm trắng và cái đầu phi dê xuất hiện từ xa. Tự nhiên tôi thấy hồi hộp, cố làm vẻ thản nhiên bước tới...Gần chạm mặt là tôi đã thấy đôi mắt to sáng hơi nhướng lên tỏ ý chào, tay cô bé cầm một thanh kẹo tây đang ăn dở dang. Kẹo tây có khác, trắng tinh khiết, thơm dìu dịu thoang thoảng chớ không thơm gắt như kẹo đường của người thợ trước cổng trường. Tôi hỏi bâng quơ:
-Phương đó hả? Thủy đâu?
Phương nheo mắt:
- Ủa,ở gần nhà Thủy mà sao hỏi vậy?
Tôi càng bối rối:
-Ờ quên...Mà ăn gì vậy?
- Không thấy sao hỏi. Kẹo đó!
Tôi nói như cái máy:
-A,kẹo tây! Cho cắn một miếng được không?
- Không được! Nhưng...mút một cái thì được!
      Cô bé nói xong thì nheo mắt. Tôi thầm nghĩ là cô ta nói chơi chứ đã cho mút rồi thì làm sao mà đòi lại. Tôi đánh bài liều:
- Được rồi,mút...thì mút.
      Cô bé, vẫn đôi mắt tươi sáng, giơ thanh kẹo trước mũi tôi ngỏ ý bằng lòng.Tôi chộp lấy thanh kẹo, rà một đường lưỡi từ trên xuống dưới, lại một đường nữa từ trái sang phải. Thấy cô ta không nói gì, chỉ hơi cười mỉm, tôi yên chí là thanh kẹo đã thuộc về mình, buông hai tiếng cảm ơn và quay gót,bỗng nghe tiếng gọi giật lại:
-Này,trả lại đi !
-Cái gi?
- Kẹo đó! Bảo mút một cái sao lấy luôn?
Tôi giả mù giả mưa:
-Tưởng cho luôn...Thôi trả lại đây nè!
      Tôi giơ thanh kẹo qua phía cô bé, vẫn không nghĩ là bị lấy lại. Cô bé nhanh nhẹn rút lấy thanh kẹo trong tay tôi, thuận tay cho vào miệng mút một cái thật sâu, xong nhoẻn miệng cười:
-Con trai nói phải giữ lời,nghe không?
Lại nheo con mắt trước khi quay gót.Tôi ngẩn ngơ nhìn theo tiếc rẻ, không biết vì kẹo hay thứ gì khác...

      Niên học qua nhanh hơn là tôi tưởng. Hè đến đáng lẽ vui mừng như bao trẻ khác tôi lại buồn buồn. Tôi và Thủy lại có dịp leo núi hái sim, hái bông trang nhưng những lúc ca hát với Thủy tiếng hát tôi không còn thanh thoát hồn nhiên mà lại thoáng vẻ nghẹn ngào. Ba tháng hè bỗng dưng dài lê thê! Nhiều lần tôi rủ Thủy cùng đến nhà Phương chơi nhưng cứ mỗi lần đến nơi thấy vẻ nguy nga tráng lệ của ngôi biệt thự với lính gác túc trực ngày đêm chúng tôi ngại ngùng lảng xa.
      Rồi cuối cùng những ngày đợi chờ cũng qua, niên học mới đến cho tôi niềm hứng khởi nôn nao. Tôi và Thủy diện bộ bồ mới tinh, đến trường sớm hơn mọi khi, lần này bước chân chúng tôi tự tin hơn, tâm hồn nao nức hơn, tiếng hát bay bổng hơn. Học sinh đã vào ngồi gần kín lớp học mà sao chẳng thấy cái áo đầm trắng tinh và mái tóc quăn tít mù của Phương đâu. Cô giáo mới đã kiểm danh học sinh, cho chép thời khóa biểu rồi mà vẫn chưa thấy bạn chúng tôi tới.Tôi nhìn Thủy, Thủy lại nhìn tôi...sự chờ đợi đã biến thành lo âu. Một người nào đó bỗng vào lớp thì thầm cùng cô giáo hồi lâu, đưa cho cô vật gì đó rồi đi ra. Mắt tôi chỉ nhìn một hướng là cổng trường, chắc nhìn lâu cay mắt đó thôi chớ tôi đâu có muốn khóc!


      Trống trường báo tan học, tôi đứng dậy như cái máy, không hát theo lớp học, thơ thẩn đi ra cửa...Một bàn tay đặt sau vai,tôi quay ngoắt lại,ồ không chỉ có Thủy mà thôi!Đôi mắt Thủy rươm rướm;
-Anh ơi,Phương không còn học với chúng ta nữa! Ba của Phương được lệnh đổi đi chỗ khác.
Tôi hốt hoảng:
-Sao em biết?
- Cô giáo vừa nói với em.Phương có gởi quà cho anh và em, cô giáo chuyển lại đây nè!
Nói xong Thủy chìa ra hai gói bọc giấy hoa, một cho Thủy, một cho tôi. Tôi ngây người ra mặc Thủy làm gì thì làm. Quà của Thủy là cái nơ màu trắng hình con bướm mà Phương vẫn thường cài lên tóc.Tôi thấy nghẹn ở họng. Thủy thì reo lên:
-A, con nhỏ Phương điệu thật, biết em ao ước cái kẹp này từ lâu nên...
Đang hào hứng nói, thấy mặt mũi của tôi chắc khó coi nên Thủy ngừng lại...
-Nào,để em xem quà của anh.
Thủy nhanh nhẹn mở gói quà của tôi. Sau lớp giấy hoa, một hộp kẹo tây sáng bóng, thứ kẹo mà cô bạn tôi thường ăn và tôi cũng có lần được thưởng thức dẫu không trọn vẹn.
Tôi trao hộp kẹo cho Thủy giữ và bước đi không nói một lời nào...Hồi lâu Thủy len lén nhìn tôi:
-Bộ Phương đi anh buồn hả?
-Đâu có,chỉ thấy thiếu thiếu...,chắc là...tại cái đầu phi-dê...
Thủy cười:
-Bộ anh thích tóc phi-dê lắm hả?
-.................
Thủy nghiêng đầu về phía tôi;
-Tóc em không đẹp à?
Tôi nhìn Thủy. Cô bé vừa cài ngay trên tóc cái nơ của bạn mình cho; cái nơ trắng tinh nổi bật trên mái tóc đen dài của cô bé chưa bao giờ biết làm dáng trông ngộ nghĩnh dễ thương.
Tôi cười xòa vỗ đầu cô bé:
-Đẹp lắm! Không tóc ai đẹp bằng tóc em đâu.
Cô bé tin ngay lời tôi nói,cười hồn nhiên và cất tiếng hát vang:
"Tan học về là tan học về...
................................
Đi đi đi trên đường ta đi ta hát,
Ta hân hoan không còn phí phạm thời giờ..
Ta hiên ngang không còn phải lo dốt nát,
Đẹp thay những ngày còn ấu thơ..."

      Tự dưng bao buồn phiền trong tôi tan biến nhanh chóng. Tôi bước theo cô bé, cố tình dẫm bước chân của mình lên chỗ bước chân của Thủy đi qua. Tôi lẩm bẩm : " May mà còn có em..."
" May mà có em,đời còn dễ thương..."
      Gần hai mươi năm sau, câu hát trong một bài nhạc quen thuộc đã diễn tả đúng tâm trạng của tôi lúc đó; cái thuở mà tôi chưa có đủ trí tuệ và ngôn từ để nói lên lòng mình.

Nguyễn Ngọc Tân

Thơ Tranh: Lần Cửa Khép


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh



Thơ Tranh: Trách Đông

Cảm tác từ Tranh Thơ "Lần Cửa Khép" của Kim Phượng

Thơ: Dương Hồng Thủy
Thơ Tranh: Kim Oanh

Lồng Lộng Tóc Em - Tóc Mai Sợi Nhớ Sợi Thương


Gió chiều lồng lộng tóc em
Bay trong ký ức những miền rong chơi
Khi mượt mà lúc lả lơi
Cám ơn em vẫn bên đời cùng ta

Tóc bay sợi nhớ xót xa
Sợi thương quấn quít mãi là thiên thu
Tóc em mềm mại lời ru
Giam ta một kiếp ngục tù yêu thương

Từng sợi tóc nỗi vấn vương
Trăm năm giữa cõi vô thường đớn đau
Mai này còn có nhớ nhau
Hôn lên sợi tóc bạc màu thời gian

Khiếu Long

Tóc Mai Sợi Nhớ Sợi Thương

Tóc mai thả sợi tình vương
Bay trên nỗi nhớ vô thường si mê
Tóc buông dài bóng sơn khê
Cho thơ anh lạc nẻo về chiều mưa

Thương nhau từ những mùa xưa

Sợi thương quấn quít cho vừa hồn mơ
Tóc mây theo suối tình thơ
Trôi đêm hò hẹn lững lờ đợi mong

Tóc mai sợi nhớ chờ trông

Sợi thương em đợi mặn nồng tình anh
Gió nghiêng dáng lụa mong manh
Em tương tư giấc mộng lành tìm nhau

PTMC
Tiểu Vũ Vi
11/03/08

Trăng Nhớ Đêm Rằm



(Gởi Rita)

Ru em giấc ngủ muộn màng
Tìm bờ môi ấm rộn ràng xuyến xao
Sóng lòng dâng nhẹ nao nao
Cung xưa khơi dậy len vào hồn ta.

Ta nằm đó,sống trong mơ hay thực?
Tay tham lam ôm hết vạn vì sao
Ghì chặt nửa làn môi và nét ngực
Ta bềnh bồng theo giấc mộng bay cao..

Em tôi hỡi, gần nhau mà xa lạ
Duyên kiếp nào thỏa ước chuyện trăm năm?
Mây bay bay làm trăng nhớ đêm rằm
Ta tiếc mãi đôi mắt buồn nắng hạ!

Phiêu du lắm bỗng lạc đường nghiêng ngả
Tiếng Xuân sang êm ả quyện bên hoa
Em tôi ơi,yêu mãi nhé- không già!
Sầu chi nữa, đò tình ta đổ bến..

Bùi Thanh Tiên  
, Va tháng1- 93.

Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

Bảo Kính Cảnh Giới - Bài Số 36 Nguyễn Trãi (1380 - 1442)


Bảo Kính Cảnh Giới - Bài Số 36 Nguyễn Trãi (1380 - 1442)

Lọ chi thành thị lọ lâm tuyền
Được thú thì hơn miễn phận yên
Vụng bất tài nên kém bạn
Già vô sự ấy là tiên
Đồ thư bốn vách nhà làm của
Phong nguyệt năm hồ khách nổi thuyền
Cùng, đạt dòm hay nơi có mệnh
Đòi cơ tạo hóa mặc tự nhiên
Nguyễn Trãi

Chú Thích :

1- Đồ thư , đồ bản và thư tịch, chỉ sách vở.
2- Năm hồ , chỉ vùng Ngũ Hồ. Truyền thuyết, thời Xuân Thu , Phạm Lãi sau khi giúp Việt Vương Câu Tiễn diệt xong nước Ngô,đã cùng người đẹp Tây Thi, trốn lánh vào Ngũ Hồ, tiêu dao ngày tháng.

Tá Vận: Bảo Kính Cảnh Giới Số 36

Xá chi thành thị hay lâm tuyền 
Mưa nắng qua ngày , miễn được yên.

Thân vụng bất tài nên kém bạn 

Già nhàn vô sự ấy là tiên.

Nhà gianh bốn vách, nửa bồ chữ 

Trăng gió năm hồ, một chiếc thuyền.

Cùng , đạt ngẫm ra là mệnh số 
Cơ trời ,thôi cứ mặc tự nhiên.


Lạm Bàn: Nhà gianh bốn vách nửa bồ chữ / Trăng gió năm hồ một chiếc thuyền. Ôi chao, hoang tưởng! Cho đến cuối đời vẫn còn lang thang, không nhà. Chỗ nào cho em, cho tôi, ở những ngày tháng còn lại? 

Phạm Khắc Trí
19/1/2015
* * *
1/Bài Phóng Tác 1:
Nối Chí Tiền Nhân

Việt Nam xiết kể núi, lâm tuyền,
Phố chợ, nông thôn há dễ yên.
Sinh bất phùng thời hay kém bạn,
Tu hành đắc Đạo ắt lên tiên.
Sông dài khéo chống sao ghe lật ?
Biển rộng bơi ra vụng đắm thuyền.
Sinh tử Thiên Cơ vô khả lậu,
Tâm thành tự tại hãy an nhiên.

2/ Bài Phóng Tác 2:

Phồn hoa hổn độn thú lâm tuyền,
Xa hẵn xô bồ chắc cũng yên ?
Tuổi trẻ lao đao không gặp bạn,
Cao niên hưởng thụ giống ông tiên ?
Mái tranh lãng mạn hò hay chữ,
Sơn thủy hữu tình nhẹ lướt thuyền.
Thắng, bại, hơn, thua âu số phận,
Ơn Trời soi sáng lẽ đương nhiên.

Mai Xuân Thanh

Ngày 24 tháng 01 năm 2015
* * *
Lời Khuyên Nguyễn Trãi


Kể chi thành thị hoặc lâm tuyền
Cho dẫu ở đâu cũng khó yên
Lập chí vô duyên kém chúng
Lắm tiền hữu phúc là tiên
Đường xe lỗ chỗ xe văng bánh
Vận nước chông chênh nước lật thuyền
Sống chết trên đời đều có mạng
Ông trời vẫn cứ tự như nhiên!


Nguyễn Đắc Thắng
20150124
* * *
Các Bài Họa:

Lời Khấn Ức Trai

Ngài đã an cư chốn cửu tuyền
Trải bao thế kỷ vẫn chưa yên
Năm vần lạ biến Đường luật
Sáu chữ thường bày ý tiên
Hậu bối mày mò thi sử liệu
Tiền nhân dong ruổi gió trăng thuyền
Thầm vái hiển linh cho giải đáp
Kệ ngươi! tượng họa vẫn điềm nhiên.

Cao Linh Tử

24/1/2015* * *
Như Nhiên 

Cho đến khi về chốn cửu tuyền.
May ra có được chút bình yên.
Thực tài thường hay khiêm tốn.
Chẳng nợ vô lo giống tiên.
Nước ngược cầm chèo thua đậu bến,
Buồm giong giữ lái lướt êm thuyền.
Giữ lòng thanh bạch dù dưa muối.
Chết sống vô thường lẻ tất nhiên!

Nhatthuyh(Hoành Trần)
* * *
An Nhiên

Chưa đặt chân vô chốn cửu tuyền
Thì ai dám bảo đã bình yên?
Ví bằng giành lấn sân tục
Sao sánh an nhàn cõi tiên
Ngày tháng thoi đưa như vó ngựa
Nhân gian trôi nổi tựa con thuyền
Hơn thua cho lắm hoàn tay trắng
Thôi, mặc dòng đời trôi tự nhiên!

Phương Hà
* * *
Cũng Đành Thôi

Chí cả vùi chôn giữa thạch tuyền
Còn chi ray rức mãi không yên
Bất tài khôn trách thời thế
Thiếu đức mong gì cõi tiên
Nhàn hạ như mây vờn đỉnh núi
Vô tư như sóng vỗ be thuyền
Nhân sinh danh lợi chùn chân bước
Số phận thôi đành đã mặc nhiên.


Quên Đi

Mạn Bàn: Lối làm thơ Đường Luật có xen vào hai câu 6 chữ này, tính đến nay chỉ có Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tôn và thi đàn Nhị Thật Bát Tú.Sau này có thêm Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Nhiều tư liệu cho rằng đây là thơ làm theo Hàn Luật.(Hàn Thuyên), là thơ Đường làm bằng chữ Nôm.
Tuy nhiên chưa có gì là chắc chắc, vì không có gì chứng minh, cũng như không có bài thơ nào của Hàn Thuyên làm theo lối này. Xét về thời gian Hàn Thuyên làm thơ Đường bằng chữ Nôm là vào lúc Quân Mông Cổ đánh nước Ta lần Hai. Đây là thời kỳ thơ văn cũng phát triển mạnh, thế tại sao trải dài đến Đời Hậu Lê cũng không có bài thơ nào?
Chỉ có trong Quốc Âm Thi Tập của Nguyễn Trãi mới có thể thơ loại này, nên Tôi nghĩ rằng có thể chính Nguyễn Trãi là người đầu tiên.