Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

Mừng Sinh Nhật Quý 20/01


Kim Quang


Chúc Mừng Sinh Nhật Nguyễn Thanh Quý - Canada



Hôm nay sinh nhật cháu tôi

Bồi hồi chúc Quý chân trời nở hoa
Hưởng lộc cuộc sống chan hòa
Học hành thành đạt cả nhà cùng vui.

May mắn luôn được mim cười
Công danh rực rỡ trọn đời thành công
Thầy cô Quý cũng vừa lòng
Mẹ cha xúc động mênh mông nghĩa tình.

Nhìn cháu nụ cười thật xinh
Sinh nhật thật đẹp – cung nghinh ơn trời!

Dương hồng Thủy
(21/01/2015)
Sáng Tác:Yesterday
Nhạc Sĩ: Vô Thường
Đây cũng là bài hát Thanh Quý đã chọn để dự thi, 
Dì gửi tặng Quý Youtube này như một món quà và chúc Quý một Sinh Nhật thận vui vẻ, trọn vẹn những ước mơ.
Thành công hôm qua, hôm nay và cả ngày mai.
Happy Birthday! 
( Thanh Quý là con trai của Phượng Trắng)
20/01/2015



Thực Hiện:Kim Oanh

Giấc Mơ Hoa


Lòng vẫn biết, thời gian nào trở lại
Mà mãi chờ ánh mắt đến hoài mong
Từ chốn xa bóng người ngày xa mãi
Nhuộm héo buồn năm tháng mỏi mòn trông

Từng cơn gió mùa đông buồn rũ rượi
Thấm lạnh lòng theo bước mỗi chiều hoang
Phố xá hoang bao ngọn đèn khoe sắc
Như ghẹo đùa theo nhịp bước lang thang

Chiều phố cũ, còn vương đầy kỷ niệm
Những nụ cười đâu đó ngỡ còn vương
Mà giờ đây phố buồn như xa lạ
Đã lạc rồi từng góc nhỏ con đường

Lòng heo hắt tiếng nhạc buồn vẳng lại
Vờn bên tai như nhắc chuyện tình qua
Cố nhân ơi ta đành xa nhau mãi
Nụ cười buồn, khép lại giấc mơ hoa ....

Hoàng Dũng

Cho Người


Thương em nghiệt ngã trăm chiều,
Mà sao chẳng dứt được điều nghiệp duyên.
Biết yêu là khổ triền miên,
Mà sao chẳng nỡ để duyên hững hờ!
Thương em xứ lạ bơ vơ,
Gieo neo nuôi nấng con thơ nhọc nhằn.
Mong con khôn lớn danh thành,
Tàn phai xuân sắc cũng đành mà thôi!

Mặc Thái Thủy



Thư Họa Vũ Hối Tặng Kim Oanh - 2015


Thư Họa: Vũ Hối

Câu Đối Chiết Tự



Vào thời nhà Trần, ở xứ Nam-định có NGUYỄN HIỀN đỗ Trạng lúc 12 tuổi. Vua chê còn nhỏ chưa thông lễ nghĩa, không phong quan tước mà cho về quê. Đến khi triều đình có việc mới cho sứ đi tìm. Tương truyền, khi sứ giả của Vua đến làng, thì thấy một đám thiếu niên đang chơi ở bên đường, trong đó có một đứa mặt mày sáng sủa, sứ nghi là Trạng, bèn đọc câu đối để thử rằng :

Tự (字) là chữ, cất giàng đầu, chữ tử (子) là con, con ai con ấy ?
Chữ TỰ 字 bỏ đi phần đầu, còn lại phần dưới là chữ TỬ 子, có nghĩa là CON. Ý muốn hỏi: Mày là con của ai vậy?. Trạng nghe câu hỏi vô lễ, bèn đáp rằng:

Vu (于) là chưng, bỏ ngang lưng, chữ đinh (丁) là đứa, đứa nào đứa này?
Chữ VU 于 nghĩa là CHƯNG ( Vì Chưng, Bởi Chưng ), bỏ đi nét ngang ở chính giữa còn lại là chữ ĐINH 丁, có nghĩa là ĐỨA ( Gia Đinh là Đứa ở trong nhà ). Ý rằng: Mày là đứa nào mà dám hỏi ta là con ai ?.

Nữ sĩ HỒ XUÂN HƯƠNG cũng có đôi câu đối Chiết Tự bất hũ là:
Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc,
Phận liễu sao đà nẩy nét ngang!?

Duyên thiên là duyên trời định, chữ THIÊN 天 khi nhô đầu theo chiều dọc lên trên thì thành chữ PHU 夫 là CHỒNG. Ý muốn nói là Duyên trời chưa run rủi, chưa lấy chồng.
Phận liễu là phận LIỄU BỒ, chỉ phái nữ yếu đuối. Chữ LIỄU 柳 là cây Liễu đồng âm với chữ LIỄU 了 là Hết, và chữ Liễu 了 mà thêm nét ngang vào là thành chữ TỬ 子 là CON. Ý nói Phận gái sao mà đã có con rồi !( trong khi chưa có chồng ).

Bà Đoàn Thị Điểm diễn nôm tập thơ Chinh Phụ Ngâm Khúc hay như thế nào, ai cũng biết cả rồi. Bà còn có một ông anh tên là Đoàn Viết Luân cũng rất giỏi thơ văn mà ít người biết đến.
Có lần, ông Đoàn Viết Luân từ ngoài đi vào nhà, thấy em gái đang ngồi bên rổ kim chỉ, liền đọc:

•Huynh lai đường thượng tầm song nguyệt. 兄来堂上尋双月
Có nghĩa là:
Anh lên nhà trên tìm 2 vầng trăng .
Song nguyệt là 2 mặt trăng, mà theo chữ Hán, 2 chữ Nguyệt 月 ghép lại là chữ Bằng 朋 là Bè bạn, bằng hữu, nên câu trên còn có nghĩa là:
Anh lên nhà trên tìm BẠN BÈ, chứ không phải tìm 2 mặt trăng.

Bà Điểm liền đối lại rằng:
•Muội đáo song tiền tróc bán phong. 妹到窗前捉半風
Có nghĩa là:
Em đến trước cửa sổ bắt nửa làn gió.
Bán phong là nửa làn gió, mà cũng có nghĩa là phân nửa ở bên phải của chữ Phong 風 tức là chữ Sắt 虱 nghĩa là con rận. Nên câu đối trên có nghĩa là :
Em đến trước cửa sổ để bắt rận.

Khi hay tin chị dâu sanh được con gái đầu lòng trong đêm rộn rịp vui mừng, Bà Điểm đã đùa với anh rằng:
•Bán dạ sinh hài, Hợi Tý nhị thời vị định.
半 夜 生 孩,亥 子 二 時 未 定 .
Có nghĩa là :
Nửa đêm sanh con, Hợi Tý 2 giờ chưa định, ý muốn nói không biết là giờ Tý hay giờ Hợi.

Đoàn Viết Luân liền đối lại
•Lưỡng tình tương phối, Kỷ Dậu song hợp nãi thành.
两 情 相 配,己 酉 双 合 乃 成 .
Có nghĩa là:
Hai tình phối hợp nhau, Kỷ Dậu 2 bên hợp lại mà thành.
Với lối chơi chữ, 2 chữ Hợi và Tý 亥 子 ghép lại thành chữ Hài 孩 ; chữ Kỷ và chữ Dậu 己 酉 ghép lại thành chữ Phối 配 . Ta cũng gọi đây là một lối đối chiết tự.

Như ta thấy ở trên, Câu đối chiết tự 折字 (chiết: bẻ gãy, phân tách; tự: chữ): là những câu do sự tách chữ Hán hoặc chữ Nôm ra từng nét hoặc từng phần mà đặt thành câu. Đó là Câu Đối chiết tự của Việt Nam ta.

Bây giờ, ta nói về câu đối chiết tự của văn học TQ nhé ! Mời các bạn cùng xem đôi câu đối sau đây:

Thử mộc vi sài, sơn sơn xuất, 此木為柴,山山出,
Bạch thủy thành tuyền, tịch tịch đa. 白水成泉,夕夕多.
Nghĩa là:
Câu 1: 
Thử là nầy, Mộc là cây, Vi là làm, Sài là Củi. " Thử mộc vi sài " là Cây nầy dùng làm củi. Sơn sơn là núi núi, có nghĩa bất cứ núi nào. Xuất là ra, là sản xuất ra. Nghĩa cả câu là : " Cây nầy dùng để làm củi, núi nào cũng có cả ! ". Cái hay của câu nầy là : Chữ THỬ 此 chồng lên trên chữ MỘC 木 thì thành chữ SÀI 柴. 2 chữ SƠN 山 chồng lên nhau thành chữ XUẤT 出.

Câu 2: 
" Bạch thủy thành tuyền " là nước trắng xóa chảy thành dòng suối. " Tịch tịch đa "là mỗi đêm mỗi nhiều thêm ra. Cũng như câu 1, chữ BẠCH 白 chồng lên trên chữ THỦY 水 thành chữ TUYỀN 泉. 2 chữ TỊCH 夕chồng lên nhau thành chữ ĐA 多.

Cái hay của Chiết tự là ở chỗ đó ! Trong Truyện Kiều, khi thất thân với Mã Giám Sinh, cô Kiều đã hối tiếc mà than rằng:
Biết thân đến bước lạc loài
Nhụy đào thà bẻ cho người TÌNH CHUNG.

Tại sao Nguyễn Du không viết là " người tình XƯA ", hoặc " người tình LANG "... mà phải là " người tình CHUNG ". Thì ra, cụ Tiên Điền nhà ta đang chơi trò Chiết tự. Các bạn hãy xem đây, chữ CHUNG 鍾 gồm có 2 chữ KIM 金 và TRỌNG 重 ghép lại với nhau mà thành. Không phải tôi đoán mò, cũng không phải tại hên mà Nguyễn Du ngáp phải ruồi. Nói có sách, mách có chứng đàng hoàng. Trong câu đối Chiết tự xưa có câu như sau:
Bát đao phân mễ phấn 八刀分米粉
Thiên lý trọng kim chung 千里重金鍾
Có nghĩa:
Câu 1: 
Phân hạt gạo bằng 8 dao, hạt gạo sẽ nhuyễn ra như bột ( phấn ). Chữ BÁT 八 chồng lên chữ ĐAO 刀 thành chữ PHÂN 分, chữ PHÂN 分 ghép với chữ MỄ 米 thành chữ PHẤN 粉.

Câu 2: 
Cái chuông vàng mang đi ngàn dặm sẽ rất nặng nề. Cũng vậy, chữ THIÊN 千 chồng lên chữ LÝ 里 thành chữ TRỌNG 重, và chữ TRỌNG 重 ghép với chữ KIM 金 thành chữ CHUNG 鍾.

"Nhụy đào thà bẻ cho người tình CHUNG" là bẻ cho người tình tên KIM TRỌNG đó vậy! NGUYỄN DU đã rất thâm thúy và tài hoa trong phép dùng chữ, chả trách TRUYỆN KIỀU là tác phẩm lưu danh thiên cổ!

Đỗ Chiêu Đức biên soạn.

Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

Tóc Dài Xưa


Ghềnh non trông núi rừng trùng điệp
Mênh mông trời kiếp cánh mây bay
Mẹ rừng ơi! Con đây tìm lại
Mái tóc dài Mẹ đã ban cho

Lo con đêm vùi say sông suối
Vui đèn màu bỏ buổi thâm canh
Lười chăm chút công danh sự nghiệp
Đâu kịp dừng vực thác đèo cao

Tháng mấy mà lòng trào tan nát
Tóc dài xưa câu hát còn đâu
Mẹ đưa em vào tận rừng sâu
Bơ vơ lạc âu sầu diệu vợi

Tình Nghĩa xưa dài như từng sợi
Tóc thơm Lài đan lưới gợi ong
Mật ngọt hoa cháy bỏng trong lòng
Tuyệt vời lắm! Đồng xuôi anh đến

Nắng chiều đồi vắng nến yêu thương
Bặt tăm mái tóc dài hương tỏa
Trăm nẻo đường lối ngỏ nào đi
Thôi đành chết! Tình si đồi mộng!

Tóc dài ơi! Mỏi mong chờ đợi....
Sợ đêm dài tóc ngắn sợi đi!


Pleiku 17-8-2010
Lê Kim Hiệp

Trần Trịnh Biệt Khúc- Lệ Đá Nhật Trường Thu Âm Trước 1975


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh
* Những chữ viết Hoa là tên những ca khúc của Nhạc sĩ Trần Trịnh

Sáng Tác: Lệ Đá
Thơ: Hà Huyển Chi
Phổ Nhạc: Nhạc Sĩ Trần Trịnh
Tiếng Hát: Tứ Ca Nhật Trường 


Phổ Nhạc: Nhạc Sĩ Trần Trình
Thơ: Hà Huyển Chi
Tiếng Hát: Tứ Ca Nhật Trường 

Bà Nội

      Trong gia đình, cha tôi thứ tư. Tôi còn có một bác trai thứ hai đang định cư tại Mỹ. Bác ấy có vợ là một du học sinh người Nga. Vợ chồng bác có 2 con, một gái và một trai, đã đi học. Ngoài ra, tôi còn có 4 người cô, đã có gia đình ổn định. Đa số các cô là giáo viên.

      Ba tôi có vợ hơi trễ. Tôi chào đời trong sự tưng tiu của cả một đại gia đình. Vì tôi là cháu nội trai đích tôn đầu tiên, nên ông nội rất thương yêu tôi. Ông chụp cho tôi không biết cơ man nào là hình ảnh từ ăn đầy tháng đến các dịp lễ Tết, dù hiện tại tôi đã học lớp 7. Tuy nhiên, người thương tôi nhất không phải ông Nội, không phải Ba Mẹ mà lại là bà Nội của tôi. Có lẽ tại vì hoàn cảnh: Ba hành nghề tài xế, Mẹ buôn bán ở chợ suốt ngày, nên mọi sự săn sóc ở nhà do một tay bà Nội chu toàn. Từ đút cơm khi còn bé đến tắm rửa cho tôi mỗi ngày.  


      Bà Nội là người đàn bà lao động ruộng đồng sau khi có chồng. Sống trong lam lũ và vất vả của việc đồng áng thường xuyên. Hai bàn tay bà chai sần. Nước da rám nắng, phong trần pha lẫn với những đốm đen đồi mồi trên hai tay của người già.
Gia đình bà Nội tôi ở một vùng quê chỉ cách chợ Cái răng ( Cần Thơ ) khoảng 2 cây số. Chung quanh nhà là 8 công vườn xưa đủ loại cây trái tạp nham như : xoài, dừa, cau, nhản, chuối, tre, dâu, cóc, ổi, bưởi, sầu riêng và nhất là tre.…Bà luôn nói rằng không gì bằng trồng tre. Dễ trồng. Bán tre người mua tự đốn. Trồng tre không sợ mọi người ăn cắp và nó cho mụt măng ăn rất ngon.
      Tối ngày Nội ở ngoài vườn và rất chịu khó. Chỉ cần thấy một trái dừa bị sóc ăn rơi xuống mương vườn là Nội nhảy xuống quăng lên bờ. Đợi khi rảnh gom về chặt làm tư, phơi khô làm củi. Nếu vô tình thấy 1 con cá bóng dừa trong trái dừa lủng là y như rằng Nội lấy rổ ào xuống mương đi bắt cá. Chính những hành động ham thích lao động của Nội làm cho bà thấy già đi dù bà chưa đến 70 tuổi…
Khi tôi bắt đầu đi học và có em, Ba Mẹ tôi xin ra riêng về sống tại xã An Bình để cho Mẹ có điều kiện buôn bán, chạy hàng cung cấp cho bạn hàng ở chợ. Ba cũng nói thêm là để chúng tôi có điều kiện đi học gần nhà. Lúc đã chuyển nhà đi, người bị hụt hẩng không phải ai khác mà là bà Nội. Bà luôn tìm nguyên nhân nào đó như: đi bán vài nãi chuối sẵn qua thăm cháu nội, Nội nhức mõi quá lên chợ mua thuốc sẵn qua đây thăm con… Bà luôn cầm theo vài trái ổi hoặc khi là vài cái bánh lá dừa để tận tay trao cho tôi.

      Lúc đầu, khi xa Nội tôi cũng thấy nhớ Nội nhưng dần dần tôi như quên đi khi được tiếp xúc với nhiều bạn mới, hoàn cảnh mới nhất là khi được hưởng những trò chơi mới lạ trên Internet…
Thỉnh thoảng, tôi rủ vài thằng bạn cùng lớp đạp xe về thăm Nội. Gặp tôi, Nội mừng lắm. Bà luôn bắt ở lại ăn cơm và lăn xăn cho những ý tưởng chuẩn bị của mình. Có cái lạ là khi về bên Nội, tôi với chúng bạn ăn cơm nhiều lắm và rất ngon.
      Chúng tôi thường tắm sông, hái dừa, bẻ cóc và đôi khi tát cá trong các mương vườn. Bữa cơm Nội dọn ra luôn là mắm chưng cá lóc bằm đôi khi với ít miếng thịt heo nhưng thường là trứng vịt, canh bông sua đủa hoặc rau dền. Đôi khi có cá ròng ròng kho tiêu mà Nội phát hiện chúng ngớp ngoài mương vườn. Nhiều lúc tụi tôi quậy mương bắt tép vào Nội chấy khô rất mặn nhưng ăn rất ngon… Có lần Nội dọn lên 1 nồi cháo gà. Tội nghiệp con gà trống tơ trong bầy phải hy sinh vì chúng tôi hôm đó. Nhưng rồi tôi cũng quên con gà đi vì nồi cháo ngon quá… 

      Tuần nào chúng tôi không về thăm Nội là y như rằng trưa hoặc chiều hôm đó Nội lội bộ qua thăm tôi. Và lúc nào cũng như lúc nào tôi luôn có quà của Nội…
      Nghe nói trước tháng 4/75. Nội là thành viên của nhóm Hưng Cỗ Văn Đàn tại Cần Thơ. Dù Nội chỉ học hết tiểu học thời Pháp nhưng Nội rất thông minh, giỏi làm thơ và nói rành tiếng Pháp, tiếng Quảng, tiếng Tiều. Vì ông Ngoại là người Quảng, bà Dì lấy chồng Tiều ở chung nhà nên Nội nói chuyện rất lưu loát.
      Nội thường kể rất buồn phải nghỉ học vì bà Cóc mất. Nội phải ở nhà – con gái mà – học nhiều cũng phải lấy chồng. Đó là quan niệm xưa cháu ạ. Nội kết luận…Nội ở nhà lảnh đồ thêu cho đến khi lấy chồng…
      Nội làm thơ hay và nhanh nhất trong nhóm đến nỗi các cụ như Nguyễn văn Đối, Nguyễn tài Năng, Nguyễn sanh Kim phải bái phục. 

      Có một lần, nhân dịp xây dựng xong trường Trung Học Cái răng tại Đầu Sấu (bây giờ là PTTH Nguyễn việt Hồng) được ông Đại tá Mã sanh Nhơn, Tỉnh trưởng tỉnh Phong Dinh đến cắt băng khánh thành. Lúc đang nói chuyện với Thầy cô giáo, cha mẹ học sinh, đột nhiên ông đọc một bài thơ thất ngôn bát cú và mời các cô giáo dạy Văn họa lại. Không ai dám lên. Ông đại tá thách cả hội trường. Bà Nội xin phép lên máy vi âm đọc lại y chang bài thơ ông đại tá xướng và đọc bài thơ mình vừa họa vận. Quá ngạc nhiên ông đại tá và bà Nội xướng họa bằng cách viết lên bảng đen gần 2 tiếng đồng hồ. Cuối cùng ông đại tá xin thua. Vào bàn tiệc ông đại tá mời Nội ngồi một bên và hỏi bà là ai ? Bà Nội hỏi lại phải đại tá họ Mã không ? Ông nói đúng rồi. Bà Nội cho biết lúc còn tiểu học bà là bạn cùng lớp với ông đốc Mã Sanh Long ở Cái Răng. Ông đại tá đứng dậy nghiêng mình: "Mã Sanh Long là anh trai của tôi, tôi chỉ là đứa em út bất tài của người. Tôi quấy quá, không biết bà là bạn của ông anh tôi. Xin bà thứ lỗi !"
      Những năm gần đây bà Nội bị tai biến và không còn qua thăm tôi nữa. Hàng tuần, gần 2 năm nay, cha tôi hẹn vào Chủ nhật lúc 10 giờ sáng đến 11 giờ là tổ chức bữa cơm cùng ăn chung với Nội. Tất cả 4 cô và nếu có các ông dượng càng tốt không được viện lý do gì vắng mặt. Lệnh của Ba tôi được các cô tôi chấp hành rất nghiêm chỉnh. 

      Ba tôi bế Nội ngồi đầu bàn, có chêm gối chung quanh. Bốn bề là ba tôi và các cô cùng ăn cơm. Nội vui lắm. Nhưng vui rồi cũng có lúc tàn. Đến gần chiều cha tôi và các cô ra về Nội khóc.
      Những ngày đầu khi Nội dự buổi cơm đầu tiên, nội kêu tôi lại và đọc cho tôi chép một bài thơ, như sau:
Tự Thán 

Thà thác còn hơn sống thảm phiền 
Đau sầu căn bệnh cứ triền miên
Trung quân hiếu phụ ghi thành sử
Tứ đức tam tòng vẫn chính chuyên
Con cháu ngày nay đều hiển đạt
Cũng nhờ đức mẫu được bình yên
Mặc ai mưu sĩ trời soi xét
Hưởng lộc an vui phỉ ước nguyền. 


      Đây là bài thơ cuối cùng bà Nội đọc cho tôi chép. Mấy lúc sau này Nội cũng kêu chép nhưng câu văn đứt khúc, không tròn ý và thường bỏ lửng giữa chừng vì chứng quên đột ngột làm Nội ngồi ngơ ngẩn, như không nhớ chuyện đang đọc cho tôi chép một bài thơ.
     Năm rồi, tôi lên Sài Gòn học. Cố gắng lắm 2 tháng tôi về thăm Ba Mẹ một lần. Lần nào cũng vậy, tôi dành gần hết thời gian qua thăm Nội.
      Tuần rồi, tôi về thăm Nội, bà lúc nầy nằm một chỗ. Không còn phát âm được. Tôi đến. Nội dùng bàn tay đập đập dưới chiếu cạnh bên như ý bảo tôi ngồi xuống. Cặp mắt Nội long lanh nước mắt. Miệng ú ớ, bàn tay Nội túm chặt lấy tay tôi. Nội chỉ còn biểu lộ tình cãm với tôi bằng đôi mắt còn tôi thì nấc nghẹn, nước mắt lưng tròng...

      Tôi trở về Sài Gòn với một tâm trạng bi thảm như vừa mất Nội. Nhưng không, Nội tôi vẫn còn đó. Chỉ có từ đây, tôi không còn nhận quà đơn sơ của Nội. Không còn ăn những bữa cơm với mắm chưng do Nội tự làm. Hoặc tôi không còn ngồi cạnh trò chuyện với Nội... Nhưng có điều, tôi chắc chắn là tôi sẽ luôn về thăm Nội nhưng không biết được mấy lần nữa đây. Có ai dám quả quyết rằng lần sau tôi về còn gặp lại bà Nội của tôi... ?! Thật tình tôi không dám nghĩ tới khi về mà không có Nội.
      Nội ơi ! Nội hãy ráng sống thêm vài năm nữa nghe Nội. Con thương Nội nhiều lắm.

Dương Hồng Thủy (18/01/2015)

Cùng Tạm Lãng Quên Đời


Bay cùng em lên đến mặt trăng
Ta cùng nghịch với muôn nghìn tinh tú
Hai chúng mình cùng cười vang thích thú
Hahaha… mình dạo chốn cung hằng

Cho em thấy mùa Xuân trời ấm áp
Dẫu ngoài trời đang tuyết giá anh ơi
Nắm tay em, hãy nhìn em đắm đuối
Ở bên nhau mình tạm lãng quên đời

Anh yêu à, hãy hôn em, hôn mãi
Mình cho nhau, mình tạo dựng thiên đàng
Lấp tim em bằng những bản nhạc vàng
Hai đứa mình cùng vào chốn thiên thai

Quên hết nhé, mình quên đời bão nỗi
Thế gian này quá quắt chuyện lôi thôi
Anh nào biết em yêu anh, yêu lắm!
“Sóng ngầm” mà… em không nói ra thôi!

Quách Như Nguyệt
Jan. 9th, 2015

Nhạc: Kiên Thanh
Biểu diễn: Đăng Hiếu
Hòa âm & phối khí: Kiên Thanh




Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

Xướng Họa: Món Quê Hương

Thể theo yêu cầu của chị Mộng Hồ, xem như quà tặng cho ngày họp mặt  Cựu học sinh Trung Học Kiến Phong trên đất Mỹ.


Bài Xướng: Món Quê Hương

Dĩa gỏi càng cua trộn cải trời
Gởi thầy với bạn họp cùng xơi
Hương đồng cỏ nội tình lai láng
Vú sữa nguồn cơm lúc tả tơi
Chay mặn cùng ngon mùi đất mẹ
Ngọt chua khác lạ món tâm đời
Bờ mương gốc chuối rau sằn dã
Của ít lòng nhiều quý vị ơi!


Cao Linh Tử
16/1/2015
* * *
Các Bài Họa:



Họp Mặt Cuối Năm Giáp Ngọ

Tất niên họp mặt nhớ ơn Trời,
Đắc địa, thầy trò, món gỏi xơi.
Hải Ngọai may duyên tình cố cựu,
Quê hương rủi lúc đói, mồng tơi.
Tiệc chay ngả mặn thơm ngon lạ,
Món ngọt chua cay thấm thía đời.
Lúc khó khăn ăn cơm cũng thiếu,
Nay an cư lạc nghiệp người ơi!


Mai Xuân Thanh
Ngày 16 tháng 01 năm 2015
* * *


Đổi Khẩu Vị

Ông bà thuở trước sống tùy trời
Con cháu bây giờ thích mới xơi
Này nhé thịt bò chiên thấy đã
Còn đây cá lóc nướng mê tơi
Whisky thơm phức tê rần lưỡi
Rượu đế nồng cay sướng bỏ đời
Cứ mãi cơm hoài ai chả ngán
Cũng nên đổi món lạ người ơi.

Quên Đi
* * *
Bài Cảm Tác: Canh Mẵn



Gửi món canh quê vượt biển trời
Thầy cô anh chị thảy cùng xơi
Men chua trợ giúp đường men ruột
Vị mẵn tăng thêm thú vị đời
Thịt cá da trơn bày khoái mắt
Rau cần súp nóng bốc nồng hơi
Kiến Phong sông nước tình thân thiết
Chúc gót tha hương mạnh khỏe người!


Nguyễn Đắc Thắng

Một Ngày Bình Yên


Sau những ngày mưa dầm dề, bao nhiêu hoa lá trong vườn nhà tôi đều ủ rủ, gục đầu đến thảm thương. Riêng cái sân cỏ thì ôi thôi mọc nhanh như thổi, có bông phất phơ! Sáng nay thức dậy, tiếng chim hót líu lo trên cành cây đào bên cửa sổ phòng ngủ khiến tôi thấy người ngợm cũng sảng khoái. Bước đến cạnh cửa sổ, vén màn nhìn ra ngoài sân. Ôi chao nắng rải vàng khắp nơi. Hoa lá trong vườn cũng vui vẻ vươn mình trong nắng sớm. A ha! Có vẻ là một ngày tuyệt vời đây. Mình sẽ làm gì hôm nay:

- Không thể thiếu ly cà phê sữa nóng hổi buổi sáng. Chắc như đinh đóng cột!
- Một lát bánh mì nâu. Bữa nay không kèm bơ cũng không mứt miết gì cả. Qua đám cưới cô cháu + party hè lu bù, bề ngang đã tăng ào ào so với chiều cao khiêm nhường! Nhất định phải giảm cân. Nhưng sao mà khó thấu mây xanh trời ạ! Cố gắng lên nào!
- Thanh toán cái sân cỏ! Một ngày nắng ráo như hôm nay, không làm, mai mưa là...lúa vàng. Ồ! Chuyện nhỏ!
Rồi sau đó...? À, sau đó sẽ viết tiếp bài tối hôm qua viết chưa xong.

A lê hấp! Nói là làm. Vừa uống cà phê vừa liếc sơ qua tờ nhật báo. Trời, toàn tin tức ác ôn: giết vợ rồi tự sát. Bắt giữ con tin làm thiệt mạng tám người. Bốn mươi chiếc xe đụng dồn cục bên Ý cũng chết mấy mạng (là ít), rồi nhà cháy (may quá, mọi người nhảy qua cửa sổ từ lầu hai, nhưng không ai sứt cùi gãy gọng chi cả!) thợ mỏ bị sụp hầm (tuy sâu hơn 70 m dưới mặt đất, nhưng không ai chết nhờ được tiếp tế thức ăn bằng một sợi dây thừng)... Ứ hự! Sinh mạng con người càng ngày càng rẻ như bèo. Ngày nào cũng có người chết như rạ. Không tai nạn xe đụng, máy bay rơi, tàu hỏa trật đường rầy, thì tai bay vạ gió cũng từ trên trời rớt xuống lu bù như lũ lụt bên Tàu, bên Ấn...khiến dân chúng lầm than. Khổ!

Nhiều người bạn đã nói với tôi "Ta cứ sống vui, sống thoải mái. Đàng nào đến năm 2012 cũng tận thế!". Gì chứ triết lý sống vui, sống thoải mái thì chúng tôi (ông xã và tôi) đã áp dụng từ lâu rồi. Mỗi lần có chuyện lo nghĩ, cái bao tử của tôi tiết ra hàng lít a xít khiến tôi đau đớn oằn oại. Đó là chưa kể bệnh đau đầu thống cũng làm tôi điêu đứng. Trông bề ngoài ai cũng lầm, tưởng tôi khỏe lắm, đâu biết rằng coi dzậy mà hổng phải dzậy. Trường hợp của tui chỉ là "trong héo ngoài tươi" mà thôi! Cho nên "nửa kia" của tôi vẫn khuyên "quẳng gánh lo đi mà vui sống". Ai thương thì cám ơn, ai ghét cũng ...cười! Ở sao cho vừa lòng người phải không quý vị? Hơn nữa nhăn nhó hoài tất da mau nhăn. Mà da nhăn thì ...mau già. Đến tuổi lục tuần, ai cũng muốn thời gian chậm (nếu không muốn nói là ngừng) bước kia mà!

Sân cỏ phía sau nhà tôi không lớn lắm. Chỉ nửa giờ là thanh toán xong. Nhưng chăm sóc cái đám hoa lá cành mới mất thì giờ bộn. Hầu như ngày nào tôi cũng phải bỏ ra hai tiếng đồng hồ cho cái vườn.Tỉa, tưới, nhổ cỏ và ngắm hoa. Cũng như mọi năm, hoa cỏ nhà tôi bước vào tháng tám là nở rộ. Trong vườn trồng vài chục loại hoa, nhưng thú thật tôi chỉ biết tên vài thứ. Còn thì nhiều loại tôi "chôm" hột từ vườn nhà người ta nên mù tịt tính danh! Hơn nữa, dù có biết tên tây, cũng không thể dịch ra tiếng Việt.
Cách đây lâu lắm, lúc còn đi làm (tôi về hưu được gần bốn năm), buổi trưa sau khi ăn xong tôi hay đi dạo loanh quanh cho nhẹ bụng. Bên hông sở làm là một con hẻm rộng, hai bên là sau hè nhà của hai con đường lớn chạy song song. Người Ý rất thích trồng hoa và rau. Sau khi ăn trưa, tôi thường thả bộ dọc theo con hẻm, ngắm hoa lá, rau cỏ trồng hai bên hè. Đến mùa thu, thích hoa nào là tôi xin hạt giống, nếu sát hàng rào, không thấy chủ nhà thì...chôm! Vì vậy trong vườn nhà tôi có một loại hoa mà tôi không thấy nhà nào quanh đây có trồng (và dĩ nhiên là không biết tên!).

Tamaris
Hoa có thân giống như cây trúc, lá gần giống lá bồ đề, to hơn bàn tay, màu xanh tươi như ngọc thạch. Hoa rủ xuống từng chùm, do hàng trăm hạt màu hồng tươi kết thành, đẹp vô cùng. Đến cuối thu, hạt chín trở thành màu nâu, chim chóc kéo đến ăn dài dài cho đến mùa đông...Thật là một loài hoa quý. Vừa đẹp vừa hữa ích.
Còn một cây nữa tôi rất yêu, ngắm hoài không biết chán tên Tamaris. Thân và lá hơi giống cây phi lao. Lá màu xanh biêng biếc, hoa từng cọng dài mảnh mai, kết thành một chùm to màu hồng tươi, rất ẻo lả. Mỗi lần gió thoảng qua là hai loại hoa này đong đưa theo gió đẹp không tả được!
Cắt xong hai bãi cỏ và dẹp máy cắt cỏ vào nhà kho xong, đứng ngắm tới ngắm lui, thấy nhiều hoa cúc tàn, tôi phải dùng kéo tỉa. Trong vườn có năm sáu loại cúc. Phần lớn màu vàng. Có loại hoa cánh nhỏ, vàng một màu. Loại hoa cánh to, ngoài vàng trong nâu. Loại có lá vừa xanh vừa trắng. Loại có lá nhọn. Loại có lá bầu. Cúc hoa đỏ đậm và lợt. Cúc vàng sinh sôi nảy nở nhanh không thua cỏ dại là mấy. Chả thế mà sân trước, sân sau nhà tôi vàng một màu hoa cúc. Tôi định bụng đặt tên cho căn nhà mình là "Tư gia Hiên Cúc Vàng". Tất nhiên là "chôm" tựa đề của một bản nhạc mà tôi được xem PPS trên net. Đùa thôi, chứ tôi mà làm thật chắc không ít bạn bè sẽ nhìn tôi với ánh mắt...thiếu thiện cảm, sau khi phán cho một câu xanh dờn: "vẽ chuyện!".

Dợt xong đám cúc, nhìn những bông hồng tàn cũng kém nghệ thuật ra gì. Hồng đẹp thật nhưng rất khó săn sóc. Năm nào cũng vậy, đầu xuân những cụm hồng nhà tôi xum xuê hoa lá. Hoa đủ màu rực rỡ một góc sân. Chớm thu là lá đổi vàng và rụng kín gốc. Thân cây cũng ốm khẳng khiu. Trước kia trong vườn có trên ba chục gốc hồng. Nhưng chết lần hồi, giờ chỉ còn chín gốc. Trong đó đặc biệt nhất là loại rằn ri. Cánh hoa màu đỏ, sọc trắng, nên có tên là Hồng Cọp! (Tiger Rose). Cạnh đó là cụm hồng có cánh màu hồng nhạt bên ngoài, trong đậm hơn tỏa mùi thơm nhẹ nhàng. Bên cạnh là một loại hồng rustique. Thân cao đầy gai, mạnh mẻ nhất trong đám hồng (gái quê mà lị!). Loại này cho những đoá hoa rất nhiều cánh, thơm dịu dàng. Nhìn nó ta liên tưởng ngay đến những đóa hồng trong tranh cổ xưa mà ta thường thấy bên Âu Châu và đây là loại hồng thuần giống. Bước qua bên kia chiếc cầu gỗ tí hon là hai cụm hồng. Một cụm có hoa màu đỏ mặt trên và mặt dưới màu vàng. Cụm kia hoa màu hồng đậm. Thẳng góc hai cây này là một gốc hồng màu cam, cánh dầy, hết hàm tiếu là nỡ bung trông hệt như hoa Trà (Camélia), lâu lắm mới tàn. Cạnh cây này là một gốc hồng có cánh màu đỏ đậm, ánh như tuyết nhung. Hai cây này hữu sắc vô hương. Giống như người đẹp lộng lẫy mà thiếu sự duyên dáng! Bên kia sân cỏ có hai gốc hồng. Một gốc của bà chị tặng cách đây hơn mười năm. Cây này cánh hoa phía ngoài màu hồng, trong màu vàng, tỏa mùi thơm ngào ngạt. Bao giờ đi ngang, tôi cũng phải đặt lên những đóa hoa vài chiếc hôn (hít!). Cây bên cạnh hoa màu hồng đậm khá đẹp. Tôi có cây hồng tím, nhưng đã chết.

Glycine 
Từ khi chiết bớt cành của cây Mộc lan phía gần hàng rào và chặt bỏ cây cerise trong góc vườn, đám cây nhỏ phía dưới vui vẻ hẳn lên. Bằng chứng là cây Đỗ quyên màu tím năm nay cho nhiều hoa hơn năm ngoái. Tôi cũng chặt bỏ luôn cây cerise trái màu vàng chua lè, chim chóc còn chê không thèm ăn, bên trái hông nhà nên cây Đỗ quyên trắng và cây Clématis tím cũng tươi tỉnh hẳn, hoa nở tưng bừng. Cây Hoàng đậu (Glycine) thì ôi thôi, bỏ vòi leo tứ tung, tôi phải "xử lý" mệt nghỉ. Chẳng thế mà nó còn tràn qua làm phiền cây cối nhà hàng xóm. Tôi căn dặn ông bà ấy cứ thẳng tay trừng trị nếu không thích. Mà thích sao nổi khi nó cứ "vô tư" bỏ vòi qua siết cổ đám hồng leo nhà người ta cơ chứ?!

Cái cây miền ôn đối này lạ lắm quý vị ơi. Số là một lần sang California thăm cô bạn thân. Sân sau nhà cô ấy có trồng một cây Hoàng đậu tím. Gặp ngay mùa xuân, hàng trăm chùm hoa tím buông lòa xòa dọc theo hàng rào. Tôi ngắm ngây ngất. Trở về nhà là hối cậu con trai phải đi tìm cho mẹ một cây giống vậy cho bằng được. Đằng đẳng sáu năm trời, mỗi mùa xuân dù có căng mắt ra tìm cũng chỉ thấy lá là lá! Trong lúc tuyệt vọng, bỗng một hôm đọc trong mục cây cỏ của báo La Press, nhà chuyên môn khuyên ta nên đối xử thật tàn tệ với nó. Không bao giờ bón thuốc bổ và một điều khiến tôi không khỏi sửng sốt, là ông ta khuyên nên chưởi bới nó thậm tệ thì mới hy vọng nó ra hoa! Ui cha, sao mà giống bên An nam ta thế. Ngày xửa ngày xưa, dưới quê ấy mà, cây nào không cho hoa trái, gia chủ cầm con dao, dứ dứ vào thân cây, đe dọa sẽ chặt bỏ nếu nó còn ngoan cố, ỳ ra không đơm bông kết trái!.
Tôi thầm nghĩ cứ làm thử, có mất mát gì đâu. Vậy là tôi đã thực hành y chang bài bản đó. Mắng mỏ và đe dọa kịch liệt. Thế mà phép lạ đã xảy ra quý vị ơi. Năm đó cây Hoàng đậu cho chúng tôi hơn ba mươi chùm bông tím. Nhưng những năm sau thì bổn cũ soạn lại: lá, lá và lá!!! Tôi chắc nó sợ quá nên cố gắng một hơi "đẻ" ra được mấy chục chùm bông rồi...tịt ngòi! Thôi thì cho nó nghỉ mệt ít lâu. Mùa thu năm ngoái, sau ba bốn năm chờ đợi, tôi hết kiên nhẫn nói với cậu con trai, hai mẹ con đang đi thăm vườn, chắc mẹ chặt cây Hoàng đậu. Để đây um tùm muỗi nhiều quá. Không ngờ mùa xuân năm nay nó nở liền tù tì mấy chục chùm và đầu tháng tám lại ra thêm hơn chục chùm nữa. Thế là thế nào? Chỉ có trời hiểu chứ tôi thì đầu hàng. Chẳng lẽ mỗi năm tôi phải dỡ giọng côn đồ ra hăm dọa, mắng mỏ thì nó mới chịu ra hoa?! Và một điều quái dị nữa, không lẽ cây Hoàng đậu nhà tôi già quá thành tinh nên biết nghe? Hơi Liêu Trai Chí Dị đó nha! Không chừng trong một đêm trăng sáng lung linh, một cô con gái đẹp như tiên, mặc áo tím yểu điệu từ trong cây Hoàng đậu bước ra!


Nhìn mấy con cá màu đỏ, trắng, đen...nhỏ xíu lội tung tăng trong cái hồ (cũng nhỏ xíu, cậu con đào cách đây gần hai mươi năm) cũng vui vui. Trong hồ thả hoa súng. Mỗi năm cho vài đóa màu hồng xinh xinh. Cá trong hồ có lần lớn được bằng ngón tay cái, đêm xuống bị lũ chồn hôi bắt lên chén sạch. Cách đây một tuần, trận mưa như trút làm tràn nước trong hồ sang tận nhà hàng xóm, khiến bà ta chạy qua mắng vốn. Mở cửa sau nhìn ra vườn. Ôi thôi, nước ngập lênh láng cả sân cỏ sau nhà. Hoa lá chìm trong biển nước! Mẹ con phải sắn quần múc từng thùng đem đổ chỗ khác. Mấy con cá theo dòng nước lội tứ tung. Phải vạch cây túm cổ từng chú đem thả lại trong hồ. Nhưng vẫn thiếu vài con. Có lẽ chúng đã khăn gói quả mướp di cư sang nhà hàng xóm!

Trong góc vườn bên trái là vườn rau. Cũng chẳng có gì ghê gớm. Vài cụm hành, hẹ. Trồng nhưng không ăn, để ra hoa cho đẹp mắt. Chúng tôi bắt chước nhạc sĩ Trường Sa, cho đất vào những chậu to bằng nhựa rồi trồng tía tô, húng quế, kinh giới, ngò gai, rau chua...Vậy mà tốt ra trò. Cây nào cũng lên phơi phới. Dưới đất có húng lủi và dấp cá. Thứ này nhiều người không thích ăn, chê tanh nhưng nếu biết ăn thì ghiền. Lúc sinh tiền, ký giả Trường Kỳ ăn rau dấp cá thay sà lách. Ngay cả "nửa kia" của tôi, dù là dân BK 54 chính cống cũng thích ăn dấp cá. Chỉ có đám con "lai" giá sống và rau muống của tôi không bao giờ dám đụng đủa! Điều kinh hoàng là "NÓ" luồn dưới đất rồi chui lên bất cứ nơi nào, ngay cả hóc bà tó! Tràn lan như cỏ dại. Vừa ăn vừa biếu cả làng cũng không hết!!!

Năm nay tôi được bà chị cho một cây khổ qua. Tôi thích cây này vì lá nó đẹp, hoa vàng nhỏ nhắn xinh xinh. Cây leo lên hàng rào rất mạnh mẻ. Nhưng tôi đi du ngoạn vắng nhà sáu ngày, vì cây trồng bên hông nhà, con gái không thấy nên không tưới. Lúc tôi về lá đã vàng. Cuối cùng thu hoạch được hai trái. Tôi để chín đỏ mới hái lấy hạt gầy giống. Thật đáng tiếc!

Đầu xuân, anh chị Trường Sa mang từ Toronto lên cho mấy cây dâm bụt tím. Tôi trồng thế vào chỗ cây Tú cầu vừa mới chết. Vậy mà nó đã có vài nụ. Mỗi ngày nhìn những nụ hoa tim tím lớn dần, trong lòng thấy vui thật vui. Năm nay lần đầu tiên chúng tôi trồng mấy dây hoa bìm bìm màu xanh da trời. Mỗi ngày tôi chăm bón, tưới nước và ngắm nghía say sưa những bông hoa màu xanh biếc. Nếu có cảm giác, chắc chúng nó cũng phải e thẹn vì bị chiếu tướng kỹ quá!

A, bên cạnh chậu hoa Loa kèn màu hồng (tên do tôi đặt, vì nó giống cái loa kèn đồng) cây Hoàn ngọc lá xanh bóng đang vươn mình kiêu hãnh với mấy chậu Phong Lữ thảo (Géranium). Cây này do cô bạn thân, nhà văn Nguyên Nhung bên Texas, lúc sang chơi Montréal đã giấu kỹ trong valy mang sang làm quà. Rau này ăn vào chữa được nhiều thứ bệnh. Mùa đông vừa qua mang vào garage, tôi tưới nước nhiều quá nên ủng gốc. Tưởng chết cả chậu, nào ngờ vừa vào xuân dưới đất bỗng trồi lên một mầm non và cứ thế mà lớn lên, xanh tốt như xưa!

Quên kể cùng quý vị về cây đào đang mang mấy chục quả xanh như ngọc, trồng sát cụm hồng leo của tôi. Cây đào do cô cháu mua tặng cách đây vài năm. Nó mọc nhanh lắm, những cành khẳng khiu đầy gai nhọn. Mỗi lần tôi dọn vườn là bị nó đâm xước cả tay nên ghét quá, cứ hết hoa là tôi cắt trụi lủi. Năm ngoái chặt bỏ cây táo (chỉ cho trái vừa chua vừa bị sâu sia), cây đào lớn như thổi và mùa xuân năm nay cho hoa chi chít. Hoa màu đỏ nhụy vàng đẹp ơi là đẹp. Giống hệt hoa đào bên Trung Hoa. Mọi năm chỉ có hoa dưới gốc, nhưng năm nay hoa lên tới ngọn, rực rỡ gì đâu! Sau khi hoa tàn, tôi chưa có thì giờ tảo thanh những nhánh đầy gai, thì một ngày đẹp trời, nhìn cây đào, tôi tưởng mình hoa mắt. Ối cha mẹ ơi, từng chùm trái xanh đeo lắt lỉu. Tôi vạch đám cúc vàng để nhìn kỹ gốc đào. Cũng đầy cả trái. Mừng như bắt được vàng!

Còn lịch sử cây hồng leo của tôi thì ly kỳ lắm. Số là ngày các cháu còn bé, gia đình chúng tôi hay qua nghỉ hè ở bờ biển Cap Cod, Massasuchette. Một hôm cùng cậu con đi dạo, tôi thấy cạnh con rạch nhỏ, một bụi hồng leo to đùng, mang những chùm hoa màu hồng nho nhỏ tuyệt đẹp. Ngó trước ngó sau không thấy ai, tôi nhờ cậu con trai canh, rồi dùng hết sức kéo bật rễ một gốc nhỏ. Mẹ con vội vàng về Hotel cắm gốc hồng trong ly nước. Tôi gói kín giấu trong va ly quần áo đem về nhà trồng. Thế mà đã hơn hai mươi năm, gốc hồng vẫn đều đều trổ bông không ngừng nghỉ.

Vừa ngắm, vừa cắt tỉa một lúc, mệt quá tôi bèn kéo ghế ngồi. Trước kia giữa sân này có trồng một cây thông màu xanh lơ (sapin bleu). Nó là nơi trú ẩn của vài chục chú chim đủ loại. Đẹp nhất là cặp chim áo đỏ Cardinal, một chú chim Vàng anh toàn thân màu vàng, cánh có vệt đen. Đứng trong bếp nhìn ra, thấy lũ chim chui ra chui vào nhộn nhịp thật vui mắt. Nhưng một mùa đông cách đây khoảng hơn mười năm, giữa tháng hai một trận bão tuyết dữ dội đánh bật rễ cây thông già, khiến lũ chim mất nơi trú ngụ, bay đi tứ tán. Tôi buồn một thời gian. Vừa mất cây thông đẹp, vừa mất lũ chim đáng yêu

Dọn xong cây thông, chúng tôi bắt chước gia đình bên cạnh cất một cái nhà mát, bên trên cho dây leo rợp bóng, nền lát gạch, kê một chiếc bàn dài, thỉnh thoảng rủ bạn bè hoặc họ hàng đến làm BBQ. Bốn cây cột bốn góc cũng trồng cây leo. Mỗi năm đổi một loại hoa cho khỏi...chán!. Nhớ một năm, cô bạn thời thơ ấu của tôi ở Dallas gửi qua cho một nhúm hạt tóc tiên. Tôi gieo xuống một chân cột. Mùa hè năm đó những dây tóc tiên lá lăn tăn mang những chiếc hoa đỏ tươi rất xinh, quấn quanh cột lên tới nóc. Vậy mà không ngờ loại hoa bé nhỏ này đã quyến rũ được những chú chim ruồi tí hon đến thăm vườn. Những chú chim nhỏ xíu có bộ lông lộng lẫy đáng yêu.



Từng làn gió nhẹ mơn man, mơn man... Trên bầu trời xanh thăm thẳm, những đám mây trắng như bông lững lờ trôi. Chung quanh tôi cả một khu vườn rực rỡ sắc màu. Đám ong bay nhẹ nhàng, vờn hết hoa nọ tới hoa kia hút mật. Mấy chú bướm cũng chập chờn, loang loáng cặp cánh màu vàng nhạt trong nắng tươi, tôi thấy tâm hồn bình yên đến lạ lùng và quyết định mình sẽ ngồi đây, sẽ không làm bất cứ chuyện gì khác. Đơn giản ngồi đây để ngắm nhìn thỏa thích hoa lá trong vườn đang cùng nhau phô trương tất cả sự lộng lẫy của chúng.


Hôm kia nhận được Email của một người bạn. Đọc bài "Một Ngày Không Vội Vã" và thấy thấm thía lạ lùng. Tại sao cứ phải tất bật chuyện nọ chuyện kia vậy cà? Nhiều lúc thở không ra hơi. Ai bắt mình vậy? Thì mình bắt mình chớ ai vô trồng khoai đất này! Vậy người nào buộc, người ấy ráng gỡ nhá. Cho nên hôm nay, một này chan chứa nắng vàng, gió thổi hiu hiu, mát rượi đến tận tâm can tì phế. Cả lũ ong bướm cũng hân hoan, hoa cỏ reo vui, hà cớ gì tôi phải giam mình trong bốn bức tường, cặm cụi viết???
Và tôi ngồi đó, dựa lưng vào chiếc ghế nhựa màu xanh, hai chân gác lên một chiếc ghế khác, bâng quơ nhìn trời mây và những con ong vo ve bay giữa những bụi hoa đủ màu, rồi bỗng dưng thắc mắc: "Ủa, sao mình chưa bao giờ thấy tổ ong. Vậy chúng từ đâu tới kìa?" Những chú bướm thì tôi biết, chúng bay từ vườn nọ sang vườn kia. Có lần tôi còn bắt gặp một chú bay băng qua đường. Từ vườn nhà tôi sang vườn nhà hàng xóm đối diện.
Tôi ngồi trong khu vườn yên tĩnh, lòng bình yên và hạnh phúc.

Thật đơn giản phải không quý vị?

Tiểu Thu
Montrél 24-08-2010

Bao Giờ Trời Thôi Mưa - Thơ Lê Thị Hàn - Phổ Nhạc Lâm Kim Cương


Nhạc: Lâm kim Cương,
Thơ: Lê thị Hàn,
Tiếng Hát: Thái Quốc


Quyến Luyến


Nhìn lá thu rơi chợt thấy buồn
Em về anh ở lệ traò tuôn
Năm xưa sánh bước lòng lưu luyến
Ngày ấy dừng chân dạ vấn vương
Trước ngõ bóng xô ru giấc mộng
Bên thềm trăng rụng dỗ đêm trường
Nhớ nhung kỷ niệm xa xôi ấy
Ngày tháng chất chồng mãi mãi thương


Đỗ Hữu Tài

Chiều Mưa Nhớ Mẹ


Ở nhà chăn nệm ấm
Sao mẹ chẳng chịu nằm
Đi xa trong quạnh qủe
Thoắt thôi gần tròn năm.

Cô đơn, buồn – con khóc
Chiều mưa gió não nề
Con tìm đâu bóng mẹ
Người ta hối hả về!

Cơn mưa dài lê thê
Ướt hết rồi mộ mẹ
Giá tay con có thể
Che kín trời mẹ ơi!

Hương Ngọc

Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2015

Khối Tình Trương Chi

      Cuối cùng tôi quyết định từ bỏ những ngày rong chơi xả láng, những đêm ca nhạc triền miên, những sáng cà phê mút mùa lệ thủy để ôn tập học hành cho kỳ thi sắp tới. Tôi tự nhốt mình trong thư phòng như những thư sinh trong tác phẩm của Bồ Tùng Linh để dùi mài kinh sử. Nói thư phòng cho oai chứ thật ra chỉ là căn gác nhỏ phía sau nhà ngó ra một sân thượng, xa hơn nữa là vườn hoa, cuối vườn là căn gác nhìn ngược lại của người hàng xóm, suốt ngày cửa đóng im ỉm vì còn chờ người tới thuê.

      Thư phòng của tôi kê hai giường, một tủ lớn, bộ bàn ghế xưa cũ và cây ghi ta treo trên tường, vật bất ly thân của tôi. Sao lại hai giường? Một của tôi, một cho Tuấn người bạn học cùng lớp. Tuấn là con một người bạn của ba tôi được gửi ở nhà tôi trọ học cho có bầu bạn. Tuấn có gương mặt sáng sủa bảnh trai, dáng người tầm thước, nói năng hoạt bát có duyên. Tuấn thông minh, học vào loại khá, sẽ giỏi hơn nếu anh ta bớt ăn diện chải chuốt theo mốt, sẵn nhà khá giả Tuấn rành rẽ việc thời trang, học sinh trung học mà xài cả nước hoa, mỗi sáng chải đầu gần nửa tiếng đồng hồ và dĩ nhiên là ưa theo đuổi các bóng hồng. Tôi cho đó là điều tự nhiên ở trường hợp của Tuấn. Có thể tôi cũng thế nếu có đủ mọi điều kiện như anh ta. Hai chúng tôi tuy khác tính nhưng ở với nhau rất hạp, học hành chơi đùa cùng nhau hòa thuận.
      Sau giờ học tập, Tuấn thường ra khỏi nhà đi đây đi đó, còn tôi thường giải trí với cây đàn của mình. Tôi yêu nhạc từ nhỏ nên có thể chơi đàn mà người khác nghe được. Những buổi tối sau khi học xong, trời cũng sang khuya, tôi ôm đàn dạo vài khúc nhạc quen thuộc lòng tự nhiên dịu hẳn
lại, những căn thẳng của đầu óc tan biến nhanh, tâm hồn rung cảm theo thanh âm lâng lâng khó tả...Cuộc sống của chúng tôi cứ êm ả trôi qua cho đến một ngày cửa căn gác của nhà hàng xóm bên kia bật mở và từ đó sinh hoạt của chúng tôi xáo trộn ít nhiều.

      Thấp thoáng trên căn gác kia có hai áo màu đi qua đi lại. Hỏi ra mới biết là gia đình này từ tỉnh khác dọn về, ngoài hai vợ chồng hơi đứng tuổi còn có hai ái nữ, một lớn một nhỏ và một bà giúp việc. Từ cửa phòng tôi nhìn sang có dáng dấp hai thiếu nữ qua lại trông cũng vui mắt hơn là hằng ngày nhìn cánh cửa im lìm khép kín,nhưng rồi sự việc không dừng lại ở chỗ chỉ vui mắt mà thôi...
Một tối như thường lệ,sau giờ học tôi ôm đàn buông vài tiếng tơ...Đang say sưa với tiếng nhạc bỗng tôi nghe tiếng động nhẹ ở bên kia. Tôi buông đàn đẩy cửa sổ nhìn ra chỉ kịp thấy một bóng hồng biến nhanh sau cánh cửa...À thì ra cũng có người thích nghe nhạc đấy, vậy càng vui, đàn mà có người nghe thì thêm phần thích thú. Từ đó đêm đêm khi tôi cất tiếng đàn là có một bóng hồng xuất hiện trên bao lơn bên kia .
      Sáng hôm đó Tuấn đi đâu về,gieo mình xuống ghế nét mặt hân hoan:
- Cậu nhất định phải phục mình khi biết chuyện này.
- Chuyện gì vậy?
Tuấn mỉm cười: - Thì chuyện nhà bên ấy đó!
Tôi ngạc nhiên: - Nhà bên ấy? Chuyện ra sao?
Tuấn khai ngay: -Mình đã điều tra mọi sự về nhà bên đó.Này,chồng làm công chức cao đấy nhé, Trưởng ty ngân khố lận, vợ là cô giáo trung học, cô con gái đầu học cùng lớp với tụi mình nhưng khác trường, cô nhỏ học tiểu học, nhà có người giúp việc hầu hạ, danh gia vọng tộc đó chẳng phải chơi đâu!
Thấy tôi chăm chú nghe Tuấn hăng hái nói tiếp:
- Nội nghe cái tên là cậu đã tưởng tượng ra sao rồi. Cô chị: Nguyễn Song Nguyệt Anh, cô em:Nguyễn Song Ngọc Nữ, tên cứ như là tiểu thuyết Tàu nhưng mình cũng thích.
      Tôi phục lăng Tuấn thật, quả là không ai có thể thu thập tin tức nhanh và chi tiết như anh ta.

      Từ đó, chiều chiều thay vì đi chơi đây đó như mọi khi, Tuấn ở nhà dựa vào lan can sân thượng ngó qua nhà bên kia liếc mắt đưa tình, cười cười mỉm mỉm. Quen tính nết của Tuấn, tôi không mấy quan tâm việc đó, tôi lại cho đó là lẽ tự nhiên. Có lần anh ta hứng chí khoe:
- Mình cá với cậu là chẳng bao lâu mình sẽ chiếm được trái tim của nàng Nguyệt Anh cho mà coi!
Tôi không nghi ngờ về điều đó, điều kiện như Tuấn thì việc ấy không phải là khó, trong quá khứ anh ta đã thành công nhiều lần.
Một sáng khác Tuấn về nhà, áo quần ngăn nắp nhưng nét mặt thoáng vẻ đăm chiêu. Tuấn nhìn tôi hồi lâu rồi cất tiếng:
- Tâm này,mình là bạn thân phải không?
Tôi ngạc nhiên ngước mắt lên:
-Sao cậu hỏi lạ vậy? Ta chẳng là bạn thân chứ còn là gì!
Tuấn vui vẻ: -Đùa với cậu cho cậu lên ruột chút chơi chớ mình hiểu cậu mà! Nhưng...cậu bằng lòng giúp mình việc này chứ?
Tôi chú ý: -Mà việc gì mới được?
      Tuấn lại sát bên tôi nhỏ giọng kể rằng thời gian qua anh ta đã làm quen được cô chị bên nhà. Cô ta cũng rất hoạt bát tiếp bạn rất lịch sự ân cần, nói năng lưu loát, kiến thức rộng rãi, tóm lại là một cô gái lý tưởng theo lời Tuấn. Anh ta dự tính tỏ tình với cô Nguyệt Anh này nhưng chưa dám, phải đợi thời cơ chín mùi đã. Tuấn nói tiếp:
-Sáng nay mình đến nhà nàng chơi, chuyện trò hồi lâu bỗng nàng hỏi có phải hằng đêm mình đã chơi đàn phải không, đang hứng chí mình nhận bừa là chính mình chơi đàn, mình biết nàng rất yêu nhạc nên không còn cách nào khác, cậu thứ lỗi cho.
     Tôi mỉm cười tỏ vẻ không bận tâm chuyện ấy, Tuấn tiếp tục:
- Bây giờ nghĩ lại mình thấy nhận bừa như vậy rất nguy hiểm nếu nàng biết được sự thật thì mất công toi bấy lâu mình đeo đuổi. Mình nghĩ chỉ còn cậu là có thể giúp mình giải quyết chuyện nan
giải này...
Tôi chưa hiểu hỏi lại: 
 -Giúp cậu,bằng cách nào?
Tuấn ghé sát thêm vào tôi nói như thì thầm:
-Hằng đêm cậu vẫn chơi đàn phải không, vậy cậu hãy tiếp tục đàn như vậy, chỉ có điều cậu phải chịu khó ngồi trong chỗ khuất, đừng bật đèn sáng quá. Lúc nào chơi đàn xong cậu vào nhà đóng cửa
rồi sau đó mọi chuyện vẫn bình thường. Đơn giản quá phải không, mình nghĩ cậu dư sức làm được.
Tôi thắc mắc: - Nhưng tất cả việc đó để chi?
Tuấn cười lớn: 
 -Sao cậu ngu ngơ quá vậy! Có nghĩa là cậu đàn thay mình mỗi tối để người đẹp bên kia nhà cứ tưởng là mình vẫn tiếp tục đàn hằng đêm. Ý kiến cậu ra sao? Mình xin cậu đó!

      Tôi vốn không thích lừa dối dù là hình thức nào nhưng trước ánh mắt van lơn của bạn, trước tình huống không thể thối lui của bạn, tôi đành nhận lời , nghĩ cho cùng cũng không có gì quan ngại. Tuấn ôm tôi như tỏ lòng biết ơn, tôi cười bảo bạn cứ an tâm mình sẽ giữ lời.
      Từ hôm đó tôi đóng vai Trương Chi xấu xí đêm đêm ngồi trong bóng tối gửi tiếng đàn của mình cho Mỵ Nương bên kia lầu đang thổn thức lắng nghe. Tội nghiệp cho anh chàng Tuấn nhà tôi đêm đêm phải giấu mặt trong phòng, lén nhìn người trong mộng qua khe cửa. Ôi tình yêu, vừa đem đến hạnh phúc vừa gieo khổ đau cho con người! Qua thời gian tôi bỗng nhận thấy tiếng đàn của tôi có chút thay đổi, tiếng đàn réo rắt với bao bài tình ca, biết có người chú tâm nghe tôi càng đem hết tuyệt học của mình ra biểu diễn, từ Con thuyền không bến chuyển qua Suối mơ, từ Bến xuân tha thiết tôi quay về Giọt mưa thu lạnh lùnh hiu hắt...nhưng hiệu quả nhất là bài Dư âm (Đêm qua mơ dáng ai đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ...), mỗi lần bài nhạc ấy được trổi lên là bóng hồng bên kia chăm chú lắng nghe và ra chiều cảm động. Riết rồi tôi cũng bị cuốn hút theo hoàn cảnh, hôm nào có nàng thì tiếng đàn tôi tha thiết reo vui, hôm nào không có nàng thì tiếng đàn tôi tức tửi nghẹn ngào, tiếng đàn thể hiện tâm hồn của người tạo ra nó. Tôi đàn cho chính mình chứ không còn đàn cho Tuấn nữa. Chỉ có chút chạnh lòng là Mỵ Nương bên kia lầu nghe tiếng đàn của Trương Chi mà lòng lại hướng về hình bóng khác. Nàng đâu có biết cho rằng trái tim người tạo ra tiếng đàn hằng đêm đã bắt đầu thổn thức, Trương Chi qua tiếng đàn đã gửi gấm tơ lòng cho Mỵ Nương, một khối tình tuyệt vọng không lối thoát, một khúc ân tình tức tửi nghẹn ngào. Sáu dây như muốn nhỏ máu trên đầu ngón tay...,phải chi nàng hiểu thấu được cho cõi lòng này...Tiếng đàn đang tuôn chảy lai láng bỗng ngưng bặt...,tôi giật mình tỉnh mộng. Không được, đạo bằng hữu rất thiêng liêng, nhất ngôn phát xuất tứ mã nan truy, ta không nên vì một chút tình si mà làm ô uế tình bạn, chỉ một bóng hồng mà nuốt cả ước hẹn với đồng môn! Tiếng đàn lại tiếp tục tuôn trào nhưng nghe đầy giằng co ai oán, nhuốm mùi bi tráng nghẹn ngào...

      Chủ nhật hôm đó Tuấn có việc phải về nhà, còn mình tôi trong căn gác cô quạnh, tôi dậy sớm ra sân thượng hít thở không khí trong lành, làm một vài động tác thể dục, mắt không quên liếc nhìn về phía bên kia...chỉ thấy cánh cửa khép im lìm, một chút thất vọng trong lòng. Tôi vào bàn học mở sách ra, hình ảnh nào đó cứ nhảy múa trên trang giấy, tôi cố xua tan thì càng thấy hiển hiện, đúng là:

" ...Giống ở đâu vô ảnh vô hình,
Cứ tò mò quanh quẩn bên mình,
Khiến ngẩn ngẩn ngơ ngơ đủ chứng,
Hỏi trăng gió gió trăng hờ hững,
Ngắm cỏ hoa hoa cỏ ngậm ngùi..."
( Xuân Diệu)

      Buồn bã tôi với cây đàn dạo vài khúc nhạc cho vơi nỗi niềm, tôi kìm hãm tiếng đàn nhỏ lại để bên kia không nghe được, tôi vẫn tỉnh táo để không quên cái giới hạn của mình, dần dà tôi bị cuốn theo tiếng tơ và cả tiếng lòng, những bản tình ca hằng đêm lại tuôn trào...cuối cùng thì tiếng đàn cứ quanh đi quẩn lại bản Dư Âm, hồn nhạc lâng lâng tôi hát theo tiếng nhạc: Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ...
      Hình như có tiếng động ở cửa...Tôi tỉnh mộng ngước lên...Ôi trời, nàng!
      Phải, chính nàng đang đứng tựa vào cửa nghe tôi đàn từ hồi nào. Có phải tôi còn đang mơ chăng? Không, Nguyệt Anh với áo màu thiên thanh đứng đó, phía sau là ánh nắng khu vườn rực rỡ...
Tôi bật dậy, phản ứng tự nhiên là giấu cây đàn sau lưng nhưng không còn kịp nữa, lúng ta lúng túng tôi ngây ra . Nguyệt Anh mỉm cười khẽ nhắc:
- Anh không mời khách vào nhà sao?
Tôi ấp úng: - À mời, xin mời vào...
      Cô gái vẫn nụ cười trên môi bước vào...Tôi kéo ghế như một thói quen, quên cả việc mời nàng ngồi. Nàng đảo mắt một vòng quanh phòng và cất tiếng:
- Em là Nguyệt Anh ở nhà bên kia.
- Ờ ờ, tôi có biết...
Nguyệt Anh tiếp lời:
-Anh Tuấn nói phải không anh, ủa ảnh đâu rồi?
Tôi đã lấy lại bình tĩnh:
- Tuấn có việc phải về nhà hôm nay.
Nàng như không nghe câu trả lời của tôi,nghiêng đầu nhìn cây đàn ghi ta...Tôi chột dạ...
-Anh đàn hay quá !
- Đâu có tôi mới tập mà.., à Tuấn...dạy tôi đàn đó!
Tôi nói dối ngượng nghịu.
Cô gái cười: - Anh khiêm tốn quá đó nghe! Có phải anh đàn hằng đêm không vậy?
Tôi chối phăng: - Không, Tuấn đàn đó...tôi làm sao mà đàn được như vậy.
Nguyệt Anh hóm hỉnh:
- Sao hai tiếng đàn giống nhau ghê, cả những bài nhạc cũng giống nhau.
Tôi cố gắng giải thích:
- Thì Tuấn bày cho tôi đàn đó mà!
Nguyệt Anh không nói gì...,tôi cũng chẳng biết nói gì.Một chút yên lặng...Cuối cùng mắt nàng nhìn thẳng vào tôi:
- Anh còn nhớ chuyện Trương Chi Mỵ Nương không?
-À có ...nhưng sao ...
Tôi lúng túng thấy rõ, chết rồi, hình như nàng...Nguyệt Anh như không quan tâm câu trả lời của tôi, trầm ngâm:
- À không sao cả , em chỉ hỏi vậy thôi...Thôi em về nghe, cảm ơn anh đã bận rộn vì em.
Nàng bước ra cửa,tần ngần một lát rồi quay lại:
- Không có anh Tuấn, anh có thể đàn cho em nghe đêm nay được không? Tuỳ anh thôi đấy!
      Đề nghị quá bất ngờ tôi chẳng biết trả lời sao, đành gật đầu như cái máy nhìn theo nàng. Tiếng nàng nhỏ nhẹ chào má tôi ở phía nhà dưới...

      Tối hôm đó, lần đầu tiên Trương Chi không còn phải ngồi trong bóng tối đàn cho Mỵ Nuơng nghe.
      Ngày hôm sau Tuấn về tôi kể hết đầu đuôi sự việc. Tuấn thừ người ra hồi lâu , đi đi lại lại , cuối cùng Tuấn buồn rầu bảo tôi:
- Chắc mình phải dọn đi chỗ khác thôi Tâm ạ!
Tôi can ngăn: - Đâu đến nổi phải như thế!
Tuấn lắc đầu : -Nguyệt Anh chắc đã biết hết mọi chuyện. Bây giờ mình mới thấy mình khù khờ. Nàng biết hết nhưng nàng tế nhị đó thôi!
Nàng qua đây để chỉ kiểm chứng lại sự việc. Mình còn mặt mũi nào mà gặp nàng đây.
- Mình nghĩ cậu cứ xin lỗi nàng, chắc nàng không để tâm đâu.
Tuấn lắc đầu: - Nàng có thể tha thứ, nhưng vấn đề là mình đã không thành thật trong khi tìm đến tình yêu.
- Nhưng nếu thật sự yêu cậu, mình nghĩ
Nguyệt Anh không hẹp hòi đến thế!
      Tuấn cười buồn: -Nguyệt Anh không hề yêu mình, nàng chỉ lịch sự với mình mà thôi. Bây giờ mình học được bài học là chớ chủ quan và tình yêu phải đuợc xây dựng bằng sự thành thật trong sáng.
      Tôi can ngăn mãi nhưng Tuấn vẫn quyết định theo ý mình. Khi từ giã Tuấn vỗ vai tôi và chân thành:
- Hứa với mình là cứ tiếp tục đàn cho Nguyệt
Anh nghe hằng đêm nhé! Chúc cậu hạnh phúc.
Tuấn nheo mắt cười và bỏ đi. Tôi hứa giữ y lời Tuấn dặn, nhưng...sao lại chúc tôi hạnh phúc?
Kể từ đó hằng đêm Trương Chi tiếp tục đàn cho Mỵ Nương nghe. Tiếng đàn như nhịp cầu nối hai tâm hồn...

      ....Gác Vọng Nguyệt, 45 năm sau...
      Trương Chi và Mỵ Nương cùng nhau ngắm trăng...
Tay trong tay Trương Chi cất tiếng:
- Tay của huynh nay đã run, không còn đủ sức tạo ra tiếng đàn hay như ngày nào, nàng có buồn chăng?
Mỵ Nương nép sát vào vai Trương Chi:
- Bộ huynh tưởng muội chỉ yêu tiếng đàn của chàng thôi sao.
-Vậy còn gì nữa hả muội?
Mỵ Nương âu yếm nhìn tình lang:
- Ngoài tiếng đàn tuyệt vời của chàng, muội còn yêu đức khiêm tốn,tính hiền lành, biết tôn trọng và hy sinh cho bằng hữu của Trương huynh đó!
Hai người nhìn nhau cười âu yếm và tiếp tục ngắm trăng...Bỗng Trương Chi chỉ tay:
- Muội nhìn kìa!
      Theo tay chỉ của tình lang, Mỵ Nương nhìn thấy trên căn gác nhà đối diện dáng dấp một thiếu nữ đang ngồi chống cằm say sưa lắng nghe tiếng đàn của một thanh niên ở nhà bên.., lại là khúc nhạc ngày xưa, bản Dư Âm muôn thuở.

Nguyễn Ngọc Tân  
       

Ly Cà Phê Cuối Cùng - Thơ Khúc Giang - Hương Nam Diễn ngâm


Nhấp vào Link: Ly Cà Phê Cuối Cùng
Thơ: Khúc Giang
Diễn ngâm: Hương Nam


Thơ Tranh: Bên Chân Mẹ


Niềm Tin


Lỡ buồn hôm nay mai xin vui lại
Vui giận ghét yêu* đời vốn thế thôi
Ai cũng phải vào đường già bệnh chết**
Đừng bận tâm! Hãy vui tháng ngày trôi.

Lỡ buồn hôm nay mai xin vui lại
Đóa hoa xinh rực rỡ cũng phải tàn
Tình yêu nồng thắm đôi khi phai nhạt
Nên hiểu đời trước mặt rộng thênh thang.

Lỡ buồn hôm nay mai xin vui lại
Trái đất tròn còn nhiều bạn tâm giao
Sóng gió dâng lên xin đừng sợ hãi
Hoàn cảnh nào tri kỷ vẫn bên nhau.

Anh Tú
01.05. 2014

*Hỉ nộ ố ái
**Sinh lão bệnh tử

Đêm Sâu


Em tặng niềm đơn chiếc
Anh mang về quýt chua
Hồn mơ hoa trái ngọt
Đời sao nói cho vừa?

Em say miền... cúi xuống
Nhặt tàn hoa lòng anh
Chiều phai hoài sắc thắm
Anh ngước mắt cam đành!

Niềm em anh nào hiểu
Khi anh chẳng hiểu mình
Tự ta ta tìm quẩn
Tự ta ta hồn quanh.

Đời như là mây nổi
Tan hợp mỗi niềm anh
Đời như là gió thổi
Chao chiếc lá xa cành...

Em về như bóng trắng
Anh về như đêm sâu
Trăng hờ lưng lửng khuyết
Lòng ta ta tìm đâu!

Lâm Tẻn Cuôi

Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2015

Tạm biệt Huế - Thu Bồn - Vân Khánh

Nỗi nhớ người yêu nay đã xa Kinh thành Huế, ngậm ngùi tiếc thương người cũ.


Nhạc: Thu Bồn  
Tiếng Hát:Vân Khánh
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Cách Làm Câu Đối Của Dương Quảng Hàm

Trong những ngày nghĩ cuối năm, khi xem  "Việt Nam Văn Học Sử Yếu" của Dương Quảng Hàm, thấy có phần nói về câu đối, 
Yên Đỗ xin trích đoạn gởi đến Độc giả và Cô Bác Anh Chị Em trang Blog Long Hồ Vĩnh Long khi Tết Việt gần kề.
 Câu đối.

Một thể văn trong đó phép đối được hoàn toàn ứng dụng là câu đối. Vậy ta cần xét phép tắc câu đối trước khi xét đến các thể văn trong có dùng đến phép ấy. 
Định nghĩa.- Câu đối (chữ nho là doanh thiếp hoặc doanh liên: (Doanh: cột; thiếp: mảnh giấy có viết chữ; liên: đối nhau) là những câu văn đi đôi với nhau thế nào cho ý và chữ và luật bằng trắc cân xứng với nhau . 

Cách làm câu đối.

Một đôi câu đối có hai câu đi sóng nhau, mỗi câu là một vế, vế trên, vế dưới. 
Trong cách làm câu đối, phải xét số chữ, cách đặt câu và luật bằng trắc. Theo số chữ và cách đặt câu, có thể chia câu đối ra mấy thể sau đây: 

1) Câu tiểu đối là những câu từ 4 chữ trở xuống. Những câu này nếu đặt được bằng đối với trắc, trắc đối với bằng thì hay lắm. Thí dụ: 

Tôi  tôi  vôi       (B  B  B)
Bác bác trứng    (T T T)

Bằng không đối được như thế, thì chữ cuối vế trên hợp luật bằng trắc với chữ cuối vế dưới. 
Thí dụ:

Ô!  quạ tha gà
Xà! rắn bắt ngoé

2) Câu đối  là những câu làm theo thể thơ ngũ ngôn hoặc thất ngôn. Những câu này phải theo đúng luật bằng trắc của hai câu thực hoặc hai câu luận trong lối thơ ngũ ngôn hoặc thất ngôn.
Thí dụ:

Ảo đỏ lấm phân trâu      (t t t b b)
Dù xanh che dái ngựa (b b b t t)

Ba vạn anh hùng đè xuống dưới   (t t b b b t t)
Chín lần thiên tử đội lên trên       (b b t t t  b b)

3) Câu đối phú là những câu làm theo các lối đặt câu của thể phú: 
a) Lối câu song quan (hai cửa) là những câu có tự 5 chữ trở lên, 9 chữ trở xuống đặt thành một đoạn liền. 
b) Lối câu cách cú (cách: ngăn ra; cú: câu) mỗi vế có hai câu: một câu ngắn, một câu dài, thành ra hai câu đối nhau có một câu xen vào giữa làm cách nhau ra. 
c) Lối câu gối hạc hoặc hạc tất là những câu mỗi vế có tự ba đoạn trở lên, đoạn giữa thường ngắn xen vào hai đoạn kia như cái đầu gối ở giữa hai ống chân con hạc. 

Về luật bằng trắc trong lối câu đối phú thì chỉ kể chữ cuối vế, và chữ cuối đoạn (gọi là chữ đậu câu). Chữ cuối vế phải bằng đối với trắc hoặc trắc đối với bằng. Nếu mỗi vế có tự hai đoạn trở lên (như lối cách cụ, gối hạc), Hể chữ cuối vế là bằng thì các chữ đậu câu phải là trắc; trái lại, hể chữ cuối vế là trắc thì các chữ đậu câu phải là bằng. 
Thí dụ: 
Song quan – Cách cú 

Con ruồi đậu mâm xôi đậu (t); 
Cái kiến bò dĩa thịt bò (b) 

Ngói đỏ lợp nghè (b) lớp trên đè lớp dưới (t) 
Đá xanh xây cống (t) hòn dưới nống hòn trên (b) 

Gối hạc 

Quan chẳng quan thì dân (b) / chiếu trung đình ngất ngưởng ngồi trên (b)/nào lính nào cả nào bàn ba (b)/ xôi làm sao, thịt làm sao, đóng góp làm sao (b); thủ lợn nhìn lâu trở cả mắt (t). 
Già chẳng già thì trẻ (t) / đàn tiểu tử nháp nhô đứng trước (t); này phú này thơ này đoạn một (t) / bằng là thế, trắc là thế, lề lối là thế (t) mắt gà đem mãi mỏi bên tai (b) 

Yên Đỗ Sưu tầm
 Trích đoạn từ "Việt Nam Văn Học Sử Yếu" của Dương Quảng Hàm.

Xướng Họa: Tạ Từ

Bài Xướng:

Cầu thệ thủy im ngồi trơ cổ độ
Quán thu phong lặng đứng rũ tà huy.
Có buồn hỏi hoa nắng vàng đầu sóng
Rồi sẽ theo sông nước cuốn trôi đâu?
Cõi cát bụi những nửa hư nửa thực
Kiếp nhân sinh thôi đã lắm bể dâu.
Ba chìm bảy nổi, một đời luân lạc
Môi đỏ má hồng nay đã bạc đầu.
Thôi nhỉ, đủ rồi, buồn vui thế sự
Mòn mỏi tháng ngày ,mãi mãi thương nhau!

Chú Thích: Hai câu đầu lấy ở trong Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều (1741 - 1798):
Cầu thệ thủy ngồi trơ cổ độ
Quán thu phong đứng rũ tà huy

Phạm Khắc Trí
***
Hạt Bụi Trần Gian
(Kính tặng Thầy Phạm Khắc Trí)

Đã từng ngắm hoa nở, tàn lắm độ
Thì buồn chi khi thấy bóng tà huy?
Nắng theo ngày lên cao rồi lại tắt
Sông miệt mài nước chảy biết về đâu?
Ta, hạt bụi từ nơi nào đã đến
Dù vật vờ trên bãi biển nương dâu
Hay hối hả quay cuồng trong sóng gió
Cũng cuối cùng trắng xoá bạc phơ đầu
Thôi, vui được ngày nào thì cứ hưởng
Cũng may là bạn hữu vẫn còn nhau!

Phương Hà ( 12/11/2014 )
***
Thuận Duyên

Lấy gió mát trăng thanh mà kết nghĩa,
Mượn hoa đàm đuốc tuệ để làm duyên.(*)
Thanh thản thay lá rừng vui theo gió
An phước nhàn sao nghĩ chuyện đâu đâu
Máy tạo hóa xoay dần cùng tắc biến
Bởi vô thường biển cả hoá nương dâu
Mong thời thế cánh bồng mơ thoả chí
Được gì chưa hay bạc trắng mái đầu
Quên hết thôi tháng ngày sông vẫn chảy
Bóng câu qua duyên còn mãi trong nhau

Quên Đi
(*) - "Lấy gió mát trăng thanh kết nghĩa,
Mượn hoa đàm đuốc tuệ làm duyên."
Trích "Cung Oán Ngân Khúc" của Nguyễn Gia Thiều.
 

Mưa Nửa Đêm


Nửa đêm gió nhẹ mưa tuôn
Thèm ly đen đắng cho buồn nhẹ rơi
Giận cho hơi thở đơn côi
Thương về cánh nhạn bên trời lãng quên.

Xa trông mù mịt dáng quen
Mong còn một nụ hôn mềm môi thơm
Đông về gió rít từng cơn
Lùa thêm mưa lạnh sầu tuôn nhẹ nhàng.

Đêm nằm trằn trọc nhọc nhằn
Xa nhau mới thấy bàng hoàng tháng năm
Bây giờ cách biệt mù tăm
Nơi con phố cũ trăng rằm đợi ai ?

Quấn cong vài sợi tóc mai
Nối ân tình cũ cho dài tiếc thương
Trăm năm hệ lụy tình trường
Bỗng nghe lạc bước vô thường cõi xa.

Thôi đành hứng giọt mưa sa
Xoa lên cành lá nhụy hoa thuở nào
Muộn phiền – cũng vẫy tay chào
Đừng như kẻ lạ lòng nao nao buồn...

Dương Hồng Thủy

Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2015

Tuổi Mười Sáu


(Tặng con gái Vivân Sinh nhật 16 tuổi )    
                      
Nụ cười em đẹp rạng ngời
Vầng trăng mười sáu làm người ngẩn ngơ
Lòng em lắm mộng nhiều mơ
Tóc em  bay nhẹ như tơ mây trời
Lá vàng từng chiếc lã lơi
Nắng xuyên kẽ lá gọi mời mùa Xuân
Rèm mi khép nhẹ bâng khuâng
Thẹn thùng đôi má lâng lâng ửng hồng
Đôi mày uốn nét cong cong
Em như chim sáo bay trong vườn nhà

Hồn nhiên em cất tiếng ca
Tháng Giêng, Mười Sáu, trăng sa thật đầy
Cho em ôm trọn v
òng tay
Cho em giữ mãi thơ ngây mộng đầu.
                  
Kim Oanh    
Australia 16-1-2005

Nếu Một Ngày...


(Trích từ: Anh Sẽ Đưa Em Về Thăm Quê Hương) 

...Rồi, anh sẽ về thăm quê hương...
...Chúng mình sẽ trở về
đắm chìm trong giòng sông định mệnh...
...Thiên đường tuổi nhỏ
mình trở lại nghe anh... (NL 1978)

1
 Nếu một ngày mai Em quyết đi tu,
tôi sẽ khóc tiễn em
như tiễn đưa một linh hồn về nơi chín suối
hành trang đem theo sau nửa đời ngắn ngủi
có gì không? hay trống rỗng hư vô?
 Nếu một ngày mai Em đi lấy chồng,
tôi sẽ mỉm cười nhìn em bước lên xe hoa,
tình bạn chúng ta hay tình yêu thần thánh
sẽ nhạt nhòa trong nước-mắt-cô-dâu.
 Nếu một ngày mai Em chết cho quê hương,
tôi sẽ xót xa cho em
thân phận làm người dân Việt-Nam đau khổ
xin cầu nguyện cửa Thiên-đường rộng mở
đón nhận hồn em trong vòng tay Đấng thiêng liêng.
4 
 Nhưng...
Nếu một ngày mai...Em không gì cả,
Tôi sẽ đưa em về thăm quê hương
Anh sẽ dắt Em về giòng sông tuổi nhỏ
cho ngày xanh sẽ sống lại trong ta
rồi Em sẽ bình yên trong giấc ngủ
của tình yêu bất tử...mộng thiên thu.

ChinhNguyen/H.N.T./H.N. 1978