Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

Họp Mặt Đầu Năm 2015 - Mừng Thọ Thầy Mạc Kỉnh Trung - Cái Răng

Nhà thơ Hồ Nguyễn đọc thơ ghi nhớ ơn thầy.
      Để tự chúc mừng sức khỏe và tuổi thọ nhân dịp năm mới, chúng tôi nhóm chs vùng Cái Răng tổ chức họp mặt mừng thọ thầy Mạc Kỉnh Trung. Người thầy dạy toán cho chúng tôi từ 56 năm về trước.
      Đầu năm mới, cùng thức dậy nhìn giọt nắng rơi tưng bừng ngoài ngõ… cãm thấy yêu đời và yêu mình… Gs thi sĩ Trầm Vân đã vội cảm ơn trời đất và thế gian vẫn còn mình, trong bài Sáng Nay (01/01/2015):

“ Sáng nào thức dậy nắng rơi
Nắng hồng giọt cãm ơn đời lung linh
Thế gian nầy vẫn còn mình
Lòng nghiêng cành đón bình minh an hòa…”

      Đúng 8 giờ sáng ngày 03/01/2015, tại nhà hàng Bún Thổ, xéo ngang cửa Hội Chợ Triển lãm Cần Thơ, chúng tôi thấy sự hiện diện:

- Gs Mạc kỉnh Trung Jackson MI
- Chs Nguyễn lương Sinh và phu nhân chị Nguyễn kim Ngân.
- Chs Nguyễn viết Tân Seine – Saint Denis – Fr.
- Chs Nguyễn tiến Pháp
- Chs/Gs Hồ hữu Hậu và phu nhân Chs/Gs Nguyễn thị Khâm
- Chs Lâm thành Trung
- Chs Đào thị Xuân Đào
- Chs/Gs Nguyễn kim Quang
- Chs Vương thủy Tùng
- Chs Nguyễn quang Tuyến...

      Hôm nay thứ bảy, cuối tuần, ngày đầu năm vắng mặt rất đông nhưng đa số đều có lý do... chánh đáng.
      Mở đầu, Chs/Gs Kim Quang khoanh tay mừng thọ thầy Mạc kỉnh Trung nhân đầu năm mới. Chúc thầy sức khỏe và sống lâu.

Từ trái: Quang,Hậu, Khâm, Pháp, Thầy Trung,Tân, Trung, Sinh, Ngân, Đào

      Kế tiếp Chs/Gs Nguyễn thị Khâm tức nhà thơ Hồ Nguyễn xin phép thầy và các bạn đọc tặng thầy 2 bài thơ : Nhớ Thời Áo Trắng và Tình Cũng Như Xưa.
Chúng tôi xin mạn phép chép lại nguyên văn bài 

Tình Cũng Như Xưa

(Kính tặng thầy Mạc tiên sinh.)

Còn nhớ năm xưa mẹ dẩn đi
Đến trường, thuở ấy vẫn còn ghi
Lắc đầu nguầy nguậy, trò cương quyết:
Không học lớp nào « nhất định đi ».

Rồi tháng năm dài cũng dễ quên
Chuyện xưa năm ấy, chuyện không tên
Rất vui trong mỗi ngày đi học
Vững bước theo thầy cố tiến lên.

Ngày lại ngày qua, tuổi học sinh
Hình bóng thầy cô mãi mãi in
Thần tượng thân quen trong mắt trẻ
Vạch đời chỉ lối tuổi băng trinh.

Lòng đã yêu rồi tà áo trắng
Lại thấy yêu thêm dáng dấp thầy
Từng câu êm ái và sâu lắng
Trò học cả đời vẫn thấy hay.

Giờ đây trò đã là cô giáo
Cả cuộc đời chăm sóc tuổi thơ
Đem kiến thức làm nền chỉ đạo
Giống như thầy thực hiện ước mơ.

Buổi chia tay hôm nay vẫn nhớ
Thầy luôn là thần tượng năm xưa
Gặp lại thầy mà lòng cứ ngỡ
Thật gần nhau, cũng giống như xưa.

Hồ Nguyễn 
(03/01/2015)
Tiễn thầy ra xe

      Bài thơ nhẹ nhàng nhắc nhớ thuở còn đi học và thầy là thần tượng trong cuộc đời. Sau đó, đứa học trò cũng làm cô giáo nhưng lúc nào cũng ghi nhớ công ơn thầy năm xưa.
      Đây là lần đầu tiên chúng tôi họp mặt ở xa… xóm nhà nghèo Cái Răng: cùng nhau đến quán Bún Thố đường Trần văn Khéo, xéo cửa hội chợ triển lãm Cần thơ.
      Bún thố là món ăn mang hương vị đặc trưng miền Tây nam bộ, gồm 3 thành phần chính : Bún, Cá và nước súp được chế biến theo công thức đặc biệt.
      Sợi bún được làm từ gạo thơm dai không tẩm, ướp chất bảo quản kết hợp cá lóc tươi phi lê trắng ngọt và chả cá được nêm nếm vừa miệng hòa quyện cùng nước lèo trong veo, nóng hổi xen lẩn vị cay nhẹ của tiêu và mở hành thơm thoang thoảng sẽ cho các bạn cảm giác tuyệt vời và giá trị dinh dưỡng cao khi thưởng thức.
      Món Bún Thố được dọn ra trong một ơ đất cao cấp đã nung cao độ đang sôi sùng sục… dùng với các loại rau nhất là rau đắng vườn đặc trưng vùng sông nước được nhà hàng khử trùng qua hệ thống ozone bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mỗi tô bún thường : 35.000 VNĐ
Tô đặc biệt : 50.000VNĐ.
Chúng tôi trò chuyện rất lâu và tan hàng đưa thầy về lúc 10 giờ sáng cùng ngày.

Dương Hồng Thủy 
( 03/01/2015)

Khi Tình Yêu Bắt Đầu-Thơ Hồng Thúy-Lâm Kim Cương Phổ Nhạc

Thơ: Hồng Thúy 
Phổ Nhạc: Lâm Kim Cương  
Tiếng Ca: Lâm Dung

Chiều Tắt Nắng


Sông buồn cá lội gió hiu hiu
Vờn nước sầu mây hoa muộn chiều
Có nghe tiếng Cuốc đau vận nước
Thương xót thay thời khéo dệt thêu

Lối vắng chim bay chiều tắt nắng
Ngõ về ta đếm bước cô liêu
Tri âm có thấu lòng ta nhỉ
Lặng lẽ bốn bề chỉ quạnh hiu
                               
Biện Công Danh    
   

Mượn



Mượn em ánh mắt huyền nhung
Rót vào ly rượu uống cùng trăng đêm
Mượn em đôi cánh mi mềm
Đong đưa võng nhớ bên hiên thu vàng

Mượn em đôi má hồng ngoan
Tình anh lượn nắng mơ màng nụ hôn
Mượn em đôi chút dỗi hờn
Cho ngày thấp thỏm bồn chồn ăn năn

Mượn em ngà ngọc hàm răng
Trái me chua cắn môi dầm nhớ thương
Mượn em lời nói ngọt đường
Pha ly xí muội thêm hương vị tình

Mượn em mười ngón tay xinh
Giữ xuân ở lại ấm mình thời gian
Mượn em một chuỗi cười vang
Chở niềm vui đến lụi tàn âu lo

Mượn em đôi cánh môi thơ
Làm con đò nhỏ qua bờ chiêm bao
Mượn em hai dải yếm đào
Cột tình anh với trăng sao hẹn hò

Trầm Vân

Thứ Ba, 13 tháng 1, 2015

Một Thời Đã Xa - Thơ Phạm Hồng Ân - Phổ Nhạc Ly Hoàng Thao


Thơ: Phạm Hồng Ân
Phổ Nhạc: Ly Hoàng Thao
Tiếng Hát: Cathy Hậu

Biển Chiều


Biển chiều xanh núi thẫm
Sóng xô bờ tóc phai
Người xa đâu chưa về
Nắng ngàn khơi ở lại
Nền trời vắng bóng mây

Dấu chân người khách lạ
Những bước đi hững hờ
Thời gian quên hay nhớ
Có dừng lại bến xưa
Nghe sóng lòng biển hẹn

Chiều giăng sương khói ảo
Bóng hoàng hôn lặng thầm
Bao giờ hình bóng cũ
Về theo nhịp tim dâng
Biển tình ơi, Nha Trang!

Phong Tâm
Viết tại nhà sáng tác Nha Trang
07.11.2014

Bến Vắng

(Cảm tác từ Biển Chiều của Phong Tâm)

Người đi từ dạo ấy
Nghe lòng xao xuyến lạ
Bến xưa nhớ con đò
Chuông chiều thôi ngân nga
Âm vang còn vương vấn

Khi nao rộn tiếng cười
Lâu rồi vắng bóng ai
Sân ga buồn hiu hắt
Người xưa vẫn chưa về
Mong ngày tay trong tay

Biển chiều nay sóng lặng
Nhưng hồn ta chơi vơi
Cả khung trời bến vắng
Chỉ một mình ta thôi
Em ơi! Em đâu rồi ?…

Phú Thạnh
Chiều cuối Thu - 21/11/2014

Vần Thơ Nhỏ


Dòng đời mãi cuốn đi niềm mơ ước
Ánh mắt nào thao thức vọng đêm khuya
Ru nỗi nhớ tình xa chừ lạc bước
Để giờ nầy hai nẻo mãi phân chia

EM còn đó hài hòa trong nét chữ
Anh ươm vần để thương nhớ còn say
Trăng vẫn sáng cho đêm về tư lự
Chép vần thơ anh gởi gió loay hoay

Thơ lạc lõng nơi xứ người khắc khoải
Biết tìm đâu ánh mắt nụ hôn xưa
Chừ thương nhớ ru lời thơ nhắc mãi
Aó trắng nào quen biết một chiều mưa

Nầy EM hỡi, mong EM đừng cay đắng
Hạnh phúc nào, bay mãi tận trời cao
Ta tìm kiếm trong biển người hoang vắng
Thật lạnh lùng như sỏi đá khoe màu

Vần thơ nhỏ, mong quay về quá khứ
Áo trắng ơi xin lưu lại nụ cười
Cho kỷ niệm tình si còn lưu giữ
Dòng thơ say, anh xin gởi đôi lời ..

Hoàng Dũng

Gió Khuya


Bài Xướng:Gió Khuya

Tôi về trú lá cô đơn
Mưa rơi ướt dột từng cơn nhớ người
Tự mình cuốn kén mồ côi
Trái tim khập khễnh nhịp đời hoang vu
Ẩn trong se sắt sương mù
Từng đêm thấm lạnh ngục tù thân tâm
Hương xưa, hơi ấm chỗ nằm
Hóa thành kỷ vãng để trăm năm buồn
Giọt tình ướt mặt trăng suông
Khói mây bay mãi lệ nguồn đầy vơi
Gió khuya quất ngọn tơi bời
Thơ tôi thất lạc không nơi tạ từ
Ru em rừng núi riêng tư
Ru tôi sương bụi bám dư hương thừa

Phạm Tương Như
* * *
Bài Họa: Tự tình

Đêm về giá lạnh hồn đơn
Cây khô trút lá theo cơn tình người
Cuộn trong dòng chảy đơn côi
Hồn se khắc khoải một đời vi vu
Ngẩn ngơ gió cuốn mịt mù
Nguồn cơn đói lạnh tội tù thương tâm
Vỗ về giấc ngủ yên nằm
Hoài vương vấn đắm chìm trăm nỗi buồn
Lá hờn che ánh điện suông
Mây hờn u uẩn giọt sầu chưa vơi
Đèn khuya hắt bóng bời bời
Tình xưa khuất nẻo lạc nơi tạ từ
Ru tình ôm mối tương tư
Ru người muôn kiếp hương dư âm thừa

01/2015
Thiên Thu

Xướng Họa: Giận Mà Thương




Bài Xướng: Giận Mà Thương

Vì thương nên mới càng thêm giận
Đã giận nhưng mà vẫn rất thương
Lắm lúc dặn lòng :- thôi, bỏ mặc
Nhiều phen nhủ dạ: - kệ, như thường!
Phớt lờ, coi thử ai đau khổ
Rình rập, chờ xem kẻ vấn vương
Quay mặt bước đi,hồn để lại
Giận thương, thương giận...rối đôi đường!

Phương Hà
* * *
Các Bài Họa:


1/
Giận Thương Ai Chớ

Trong Nam nói giận mà chưa giận!
Ngòai Bắc hờn ghen lại giận, thương.
Kén chọn, nặng tình... đâu bỏ mặc,
So đo nhẹ gánh... nỡ xem thường!
Làm thinh dò ý như không thấy,
Giả bộ hững hờ chớ vấn vương.
Mới biết thi gan... ai bị thiệt,
Cho hay thương, giận khổ đôi đường!

Mai Xuân Thanh

2/
Ai Xuôi Mình Giận, Thương!

Anh à, ở lại... không, em giận,
Vắng bóng nhau lâu... lại nhớ thương.
Tâm lý lạ gì... không biết chứ ?
Tình yêu lãng mạn... bộ coi thường!
Ân cần săn đón ... sao hờ hững!
Mời mọc nhiều phen... nợ vấn vương.
Anh nỡ chối từ em sẽ giận,
Không nên tạm biệt lỡ đôi đường!

Mai Xuân Thanh
* * *Giận Mà Thương

Nếu đã trót thương mà lại giận
Coi chừng giận quá hóa thêm thương
Tầng không tỉnh lặng bao dòng chuyển
Làn sóng giao thoa thế lẽ thường
Rình rập thầm quay quanh nỗi nhớ
Phớt lờ khó tránh nợ tình vương
Cuộc đời trăm vạn điều hoa mỹ
Chỉ một thành tâm vẹn mọi đường!

Nguyền Đắc Thắng
20141126
* * *
Giận Thương
Càng thương càng lại thêm hờn giận!
Càng giận lại càng rất đỗi thương
Năn nỉ mấy lần làm nũng mãi
Ỷ ôi nhiều lúc cứ xem thường
Tìm quên mà cứ lòng xao xuyến!
Muốn nhớ tại sao dạ vấn vương?
Em ơi ! đừng tưởng anh quay mặt
Là để giận thương...khổ mọi đường

Song Quang

Thứ Hai, 12 tháng 1, 2015

Thu Nhớ - Thơ Yên Dạ Thảo - Đào Nguyên Sơn Phổ Nhạc




Thơ: Yên Dạ Thảo
Nhạc: Đào Nguyên Sơn
Tiếng hát: Thủy Tiên
* * *
Thu Nhớ (nguyên tác với tựa đề Xin Giữ Dùm Tôi)

Xin giữ dùm tôi chút nắng hồng
Chút tình hoa mộng dệt chờ mong
Dư hương đọng lại mùa thu trước
Để nhớ về nhau phút chạnh lòng!

Xin giữ dùm tôi chút mộng thường
Nhìn hình nhớ bóng lúc soi gương
Nghìn trùng xa cách nhưng tình vẫn
Sâu thẳm trong tim một chữ thương!

Xin giữ dùm tôi màu lá thu
Trong ngăn kỷ niệm thoảng hương nhu
Một mai nếu lỡ người xa cách
Hãy nhớ tình nhau trong cõi thu!

Yên Dạ Thảo
13.09.2014

Vĩnh Long Mùa Thao Thức


Đêm nay lần giở khung trời cũ
Những vết thương sâu chữa ngủ vùi
Từng thước phim buồn vui khóc hận
Oằn vai trở gánh phận long đong

Vĩnh Long đêm gió mùa thao thức
Ước hẹn thay rồi đứt đoạn tơ
Cất lấy giấc mơ thời thơ dại

Muộn phiền hoài ngõ tối u mê
Tóc thề xưa lỡ cài hoa tím
Vận biết thương vay kiếp bẽ bàng
Ngang trái đời riêng mình chiếc bóng

Hận lòng đeo mãi những ngày không
Vĩnh Long đêm gió mùa thao thức.

Kim Phượng

Long An Mùa Se Lạnh

  (Nhìn Vĩnh Long Mùa Thao Thức qua Kim Phượng)

Sáng nay nhìn lại cổng trường em,
Ra về ríu rít xoay áo trắng,
Bỏ lại sau lưng vắng bóng thầy.
Bây giờ mới thấy trên trang web.

Long An gần Tết trời se lạnh,
Năm nay còn có đứa về quê?
Những ước cơn mê thời qua đó,
Gian nan mới được lúc hiện về.

Dáng em đài các hành lang ấy,
Giờ vẫn long đong một bóng hình.
Em có ưu phiền nơi xứ nọ?
Hay chỉ nơi nầy một nỗi lo.

Huỳnh Hữu Trí
**Hình phụ bản  Trường Tống Phước Hiệp của Phan Vũ Bình 

Hương Lồng



Từng bước ôn bờ vắng
Một mình chốn cũ mơ
Nếu mai ngày gặp gỡ
Ôi sung sướng nào bằng

Thấp thoáng bến đò thưa
Phất phơ tà áo trắng
Ngỡ em cười trong nắng
Về rực rỡ phố xưa

Dấu chân in hẻm nhỏ
Đậm dáng anh dư thừa
Bóng người sao vẫn chưa
Tình câm còn mãi đó

Ta nhìn ánh ngày tan
Sắc hoàng hôn ửng đỏ
Se thắt một chuyến đò
Người nỡ cất bước sang

Lặng chìm trong tê tái
Hờn tủi trái tim hoang
Còn đâu giấc mộng vàng
Men đắng nhắp vì ai.

Hồn sương từng giọt lạnh
Buồn đưa sợi kéo dài
Với người sao ta mãi
Tình ơi đã sang canh.

Quên Đi

Cẩm Sắt - Lý Thương Ẩn (813 - 858)

Cẩm Sắt là 1 trong số các bài thơ hay của Lý Thương Ẩn , một thi nhân nổi tiếng đời Vãn Đường. Lời thơ điển cố, ẩn dụ , xúc tích. Dường như còn cảm thấy hay thêm ở chỗ không chắc là đã hiểu đúng được ý của tác giả. Mỗi lần đọc là hiểu một ý khác. Là một hồi ức về một thời tuổi trẻ thơ mộng? Về một mối tình đẹp nhưng dang dở hay chỉ là chuyện tình một chiều ? Ngày xuân, xin mời mọi người thân quí đọc cho vui. 



Cẩm Sắt
Lý Thương Ẩn (813 - 858)

Cẩm sắt vô đoan ngũ thập huyền
Nhất huyền nhất trụ tứ hoa niên
Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp
Thục đế xuân tâm thác đỗ quyên
Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ
Lam Điền nhật noãn ngọc sinh yên
Thử tình khả đãi thành truy ức
Chỉ thị đương thời dĩ võng nhiên

* * *
Dịch Xuôi : Đàn Gấm

Cây đàn gấm không hiểu vì sao lại có 50 dây
Mỗi dây mỗi trụ ,tiếng đàn dìu dặt, khiến nhớ lại mối tình một thời tuổi hoa đã qua
Êm đềm như Trang sinh, một sáng nằm mộng thấy mình hóa bướm
Tha thiết như tiếng lòng Vọng đế, gửi qua tiếng hót của con chim quyên
Thanh thoát như lệ châu vỡ trên biển xanh, một đêm trăng sáng
Trầm ấm như sương ngọc bốc ở núi Lam Điền, một ngày nắng ấm
Tình này , ta vẫn đợi, vẫn chờ, suốt đời mang theo
Chỉ là bấy giờ ai kia nào đâu có hay

Chú Thích:
(1) Cẩm sắt = đàn gấm, là một loại đàn rất xưa ,có từ thời vua Phục Hy , khoảng 4000 năm trước Công Nguyên. Chuyện kể ,ban đầu, đàn có 75 dây nhưng vì tiếng đàn quá thê lương nên nhà vua ra lệnh rút xuống chỉ còn 50 dây (?). 
(2) Trang sinh tức Trang Tử. Một sáng , nằm mơ thấy mình hóa bướm , tỉnh dậy, mơ màng , lại ngỡ mình là bướm đang mơ thành người .
(3) Vọng đế , vua nước Thục ,tên là Đỗ Vũ , bị tiếm ngôi , sau khi chết , nhớ nước ,hóa thành con chim quốc, ngày đêm kêu quốc quốc. Thơ của Bà Huyện Thanh Quan có câu "Nhớ nước đau lòng con quốc quốc / Thương nhà mỏi miệng cái gia gia ". Chim quốc còn gọi là chim quyên, chim tử qui hay chim đỗ quyên .
(4) Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ. Trong những đêm trăng sáng , ở ngoài biển xanh , bọt sóng biển tan trông như hạt lệ châu vỡ.
(5) Lam điền nhật noãn ngọc sinh yên . Vào những ngày nắng , ngọc bốc khói ở núi Lam điền. Núi Lam Điền , còn có tên là Ngọc Sơn , ở huyện Lam Điền , thuộc tỉnh Thiểm Tây ,nổi tiếng có nhiều ngọc quí. 
(6) Cụ Nguyễn Du ,trong Truyện Kiều , đã mượn ý 4 câu giữa trong nguyên tác để tả tiếng đàn của Thúy Kiều lúc tái hợp với Kim Trọng. "Phím đàn dìu dặt tay tiên/ khói trầm cao thấp tiếng huyền gần xa / Khúc đâu đầm ấm dương hòa / Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh/ Khúc đâu êm ái xuân tình/ Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên/ Trong sao châu rỏ duyềnh quyên/ Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông ".

Cẩm Sắt

Đàn gấm tang tình nhớ tuổi hoa,
Tơ chùng thoáng hiện bóng ngày qua.
Trang sinh mộng bướm còn vương vấn,
Thục đế hồn quyên vẫn thiết tha.
Trăng sáng biển xanh châu lệ vỡ,
Nắng hừng núi biếc ngọc sương sa.
Tình xưa theo suốt một đời lỡ,
Mắt lão, chờ nhau, đã nhạt nhòa!

Phạm Khắc Trí
* * *
Bài Dịch:Đàn Gấm

Đàn gấm ai làm sao lắm dây
Gợi bao lưu luyến thuở nồng say
Giọng quyên Thục Đế nôn nao gọi
Cánh bướm Trang Sinh chấp chới bay
Lấp lánh lệ trăng đêm biển lặng
Lung linh ngọc núi sáng sương phai
Trọn đời ôm mối tình tha thiết
Kẻ ở phương trời biết có hay?

Lộc Mai (Phương Hà)

Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2015

Tình Hoài Hương - Sáng Tác: Phạm Duy Tiếng Hát: Lệ Thu

Ai đã từng xa quê hương,dù bất cứ lý do gì trong những phút chạnh lòng nỗi nhớ đầu tiên là nhớ về quê mình,nơi đó có cây đa bến nước sân đình,có lũy tre làng,có mẹ già tựa cửa ngóng đợi,và có cả người yêu bạn bè.đề mà day dứt đề mà hy vong mình sẽ về ...sẽ về ...


Sáng Tác: Phạm Duy
Tiếng Hát: Lệ Thu
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Tôi Ngỡ Khi Tôi Già


Tôi cứ ngỡ, tuổi già đầy khó chịu,
Mỗi qua mùa, năm tháng cứ băn khoăn,
Sợ gió mưa, sợ tâm hồn yểu xịu,
Sợ tóc phai màu, sợ cả nếp nhăn.

Nhưng chợt nhận cái già đâu cứ tuổi,
Đừng than van mà hãy cứ vui lên.
Rồi từng bước, hưởng những ngày tiếp nối,
Đẹp biết bao, hơn là mãi than rên

Tôi cứ ngỡ, tuổi già trời xám xịt,
Xuân thiếu hoa, môi chẳng nở nụ cười,
Hoa thiếu lời ca, cây buổn thin thít;
Cuốn sách vô duyên, ngọn bút để lười;

Và chợt nhận, tuổi già, thêm sáng suốt,
Sống khoảnh khắc, chẳng cần nghĩ ngày mai.
Thôi không đếm, tuổi đời đà quen thuộc,
Mặc thời gian, cầm ngọn bút lai rai...

Tôi cứ ngỡ, tuổi già, lòng biến đổi,
Hết thời hồn nhiên, đếm những vì sao,
Tim đã chai lì, lửa đâu còn thổi,
Trời phủ mây, và cuộc sống xôn xao.

Rồi khám phá những đóa hồng đẹp nhất,
Khi nở vào thu, dưới mắt, tuyệt vời !
Tôi hít thật sâu, mùi hương phảng phất,
Tuổi vào thu, ta dành ướp hương đời.

Sáng ngày 4 Janvier 2015
Danh Hữu dịch
* * *
Nguyên tác:
Je Croyais Que Vieillir...

Je croyais que vieillir me rendait bien maussade,
Craignant chaque saison, les années, le tapage,
Le grand vent et la pluie, l'esprit qui se dégrade,
Les cheveux clairsemés, les rides du visage.

Et puis je m'apercois que vieillir n'a pas d'âge,
Qu' il ne faut point gémir, au contraire chanter.
Et même, à petits pas, les jours on l'avantage
D'être beaux et trop courts quant il sont limités.

Je croyais que vieillir c'estait le ciel tous gris,
Le printemps sans les fleurs, les lèvres sans sourire,
Les fleurs sans chansons, les arbres rabougrir,
Un livre sans histoire, un crayon sans écrire.

Et puis je m'aperçois que vieilir rendre bien sage,
Que je vis chaque instant sans penser à demain,
Que je ne compte plus les années de mon âge,
Peu importe le temps, le crayon à la main.

Je croyais que le vieillir transformerait mon âme,
Que je ne saurais plus compter les étoiles
Que mon coeur endurci n'aurait plus cette flamme,
Qui transforme ma vie lorsque le ciel se voile.

Et puis je m'apercois que les plus belles roses
Fleurissent à l'automne et sous mes yeux ravis,
Je respire très fort ce doux parfum que j'ose
Garder pour embaumer l'automne de ma vie.

De Marcelle Paponneau
* * *
Cảm Tác Thơ
"Tôi Ngỡ Khi Tôi Già"- Thơ Danh Hữu dịch

Bài thơ tâm lý kiếp nhân sinh,
Âu Mỹ, Đông phương ý tưởng mình.
Trãi nghiệm băn khoăn rồi kết thúc,
Rút ra bài học chứa chan tình.
Kinh qua chân lý yêu đời sống,
Dĩ vãng vàng son với nhục, vinh.
Tự tại an nhiên ta thưởng thức,
Hoa Xuân khoe sắc quả tươi xinh!

Mai Xuân Thanh
Ngày 04 tháng 01 năm 2015
* * *
Gởi bạn Mai Xuân Thanh về bài Cảm tác

Đồng cảm, gặp nhau, dễ nảy sinh,
Lời thơ tương tác, Tây và Mình.
Cứ xem Nam - Bắc, tuy chung tộc;
Mà sánh Tây - Đông, thật khác tình !
Hãy gát chuyện xưa, như ảo mộng,
Và quên việc cũ, tựa hư vinh.
"An nhiên tự tại" là thần dược,
Ta biết ta, đời sẽ đẹp xinh.

Danh Hữu
(05 Janvier 2015)

Suối Tóc Ướp Hương Thu



( gởi tặng Kh. Đ )

Nhìn lá rơi vàng ta ngẩn ngơ
Nhớ em, nỗi nhớ tự bao giờ
Vòng tay ôm ấp đêm thu mộng
Trăng nhớ đêm rằm, ta kết thơ..

Hàng cây yên ngủ, gió lao xao
Giọng hát em xưa vẫn ngọt ngào
Vì sao em buồn.. anh đâu biết
Sóng tình ôm nặng.. tựa chiêm bao.

Suối tóc huyền em ướp hương thu
Nụ hôn như gợn.. tím sương mù
Một chút ân tình,.. niềm riêng,.. ngỡ
Bỗng lạnh lùng tan ..Tiễn em .. thu..

Lặng lẽ bên nhau một nỗi sầu
Tình đã khơi rồi, mộng bay mau
Nhật nguyệt lặng nhìn cây trơ lá
Mai vắng em rồi, ta nhớ nhau...

NM,ngày 18- 8-10
Bùi Thanh Tiên

Đổi Thay


Hôm qua trăng tỏ
Đêm nay trăng mờ
Tình em chưa ngỏ
Lòng còn bâng quơ

Tối qua trời trong
Tối nay mây phủ
Sao em trông ngóng
Chờ tình phù du

Chiều qua trời nắng
Chiều nay trời mưa
Nắng mưa cũng thế
Người xưa chưa về

Sáng qua mưa lớn
Sáng nay sương mù
Lòng sao ủ rủ
Tình buồn thiên thu

Hôm qua nóng bức
Hôm nay lạnh căm
Ngồi ngắm trăng rằm
Thấy đơn côi lắm!

Đổi thay thay đổi
Ôi chuyện thường tình
Sao em biết thế
Vẫn còn u mê?

Đêm nay tư lự
Trầm tư một mình
Nhớ ai, ai nhớ?
Chuyện mình hư vô…

Quách Như Nguyệt

Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

Nỗi Buồn Mùa Đông - Thơ Sao Khuê - Phổ Nhạc Lâm Kim Cương


Thơ: Sao Khuê
Phổ Nhạc, Hoà Âm & Trình Bày: Lâm Kim Cương

Họp Bạn Ngày Xưa

     Đang ở nhà dùng cơm cùng con cháu thì điện thoại réo, con gái bảo điện thoại của ba kìa, bởi nó dùng di động còn tôi sử dụng điện thoại bàn, buông đũa khi mới và miếng cơm vừa lưng chén đầu, bụng lẩm nhẩm—Quái ai đâu mà có (diên) quá trời lựa ngay lúc mình nạp năng lượng mà gọi. Nhưng mà cũng phải nhấc máy.
Bên trái sang, Hiền, Nhơn, Thu, Phú, Nghiã em kế của Nhơn
- A lô, biết ai đây không, đâu đoán thử xem.
Lạ hoắc tiếng nói, đang phân vân ... Nói thêm nè coi biết ai không. Thú thực tôi đang phân vân, song hôm trước bạn gọi về vẫn kiểu nói đó, tôi đoán (xin xăm)
- Phải Nhơn đó không?
- Tui chớ ai, mới về nhà đây, bạn lên chơi với gia đình tôi, tôi đã mời Thu, Hiền tụi nó đang trên đường đến, bạn mời thêm chị Trân, chị Huê.
- Được rồi yên chí, để tao gọi chị Trân, có lẽ tao lên chở bả đến cho tiện, mà mày về chơi được bao lâu
- Tao về thăm xong, ba giờ chiều tao đưa gia đình về lại Sài- Gòn rồi, lên liền nghe
Tôi mau mau sửa soạn lên chị Trân rồi đi cùng chị, dọc đường tôi hỏi
- Vậy chớ chị gọi cho chị Huê chưa,
- Chị Trân bảo gọi rồi mà nó nói bận bán nên không bỏ đi được- Trưa rồi mà còn bán buôn gì nữa, có ai mua đâu mà bán, theo tôi độ bốn năm chục năm rồi chị Huê cũng như Nhơn chưa gặp mặt nhau, vậy mà chỉ không chịu đi.
- Nó đã giàu rồi, không chồng con mà tham quá xá muốn kiếm thêm nữa, ôi xời..
- Phải biết nếu nhờ chị Trân gọi mà không có chút ép phê nào, thì thà mình gọi nói láo cho bả chịu đi họp mặt bạn
(Nói xạo rằng, thưa chị, thằng Nhơn nó cùng gia đình về thăm cùng với người bạn làm ăn trọng tuổi cở tui, ông này người Tàu đang kén vợ định theo Nhơn về tìm vợ Vĩnh Long bởi nghe nói con gái Vĩnh Long đẹp, thành thật làm ăn giỏi, chịu thương chịu khó, lại chìu chồng hết biết luôn…) Có lẽ thế mới có cơ hội thúc bước chân người (chửa chồng)

Bên trái sang, Vợ Nhơn, chị Trân, Hiền, Nhơn, Thu, Phú, Nghĩa

      Vì chân chị Trân vốn yếu, nên khi đến nhà bạn từ ngoài bước vào, xuống dốc nhờ người vịn, vào nhà trong để đến nơi họp bạn lại lên dốc đến sáu bảy cấp lận, trong nhà cử hai ông tướng vịn hai bên cho chị lên, tôi đi sau mở cửa vào, bạn đón tay bắt mặt mừng, nhìn lại đầu bàn Hiền, Thu đã an tọa không biết tự lúc nào, cả hai ông đang nhăn răng cười, trên bàn ly đầy bia, giữa bàn lon lủ khủ chờ mở. Câu chuyện rôm rả cánh mày râu, còn phe kẹp tóc, chị Trân cùng vợ của Nhơn tâm sự, các bà nói nhỏ quá nên tôi không nghe được, thành thử không thể đưa tin lên bàn dân bạn bé nghe phụ
Trên đường đi chị Trân bàn, mình hùn lại đãi thằng Nhơn tôi nói để đến nơi tùy tình hình mình tính tiếp. Nhơn, Tiến hai tay này là dân (Chính Trị Kinh Doanh, Đà Lạt), còn Tuấn dường như khác ngành, bởi dù bạn thân tụi tôi ít biết nhau vì mỗi đứa mỗi ngã, mà cũng không hỏi thăm gia cảnh nhau, bạn gặp nhau cứ là bạn tay bắt mặt mừng vui tới rồi…tạm biệt..
      Tiệc nửa chừng, con tôi gọi về vì có chuyện nhà, tôi vội kiếu về, tạm biệt tất cả với tình cảm vui sướng ngày gặp lại bạn xưa, hẹn dịp thuận tiện lại gặp nhau tiếp tục chuyện kể hoài không bao giờ hết…
Đầu bàn, hai người em trai của Nhơn có gia đình ở Sài Gòn

Trương Văn Phú
Ghi lại ngay trong ngày 14-04-2013

Trái Sầu


Tôi mang tội vì yêu người quá vội
Để một thời lầy lội bến u mê
Như con nước ngô nghê cùng chung tội
Chảy ngược dòng , trơ trọi bến lê thê ...

Tôi mệt lả đuổi theo người vất vả
Đưa mối tình chôn cả vào mộng mơ
Khi tỉnh giấc ngẩn ngơ nằm buồn bã
Thao thức nhìn nghiệt ngã giết tình tơ

Tôi mòn mỏi con tim cũng lầm lỗi
Để trái sầu cằn cỗi lúc đắm say
Rơi hờ hững trên tay về một cõi
Chết nhẹ nhàng như gió thổi mây bay

Tôi đắm đuối hay tâm hồn yếu đuối
Yêu nồng nàn nhưng chỉ cúi mặt đi
Sợ niệm khúc từ bi không đắm đuối
Sợ ngậm ngùi phút cuối phải phân ly

Tôi cô độc viết bài thơ mời mọc
Từng đêm dài trằn trọc để ngóng trông
Không ai đọc chỉ mong một người đọc
Để hiểu đời cô độc rất mênh mông .

Đỗ Hữu Tài ( Jan.5-2015 )

Con Sẽ Về Thăm Ngoại

Thưa Mẹ,

Tết Dương Lịch đã qua, nhưng Sài Gòn vẫn còn sót lại những cơn mưa nhỏ. Mưa ít hạt nhưng vì con nước rong ngày rằm nên gây lụt lội khắp nơi. Hồi chiều, con đang lái xe lội nước bỗng tắt máy đọc đường. Con loay hoay vẫn không nổ máy. Thế là mấy anh bạn sửa chửa lưu động có việc làm.

Mẹ ơi! con chợt nhớ mùa mưa ở Cần Thơ. Ngoại đã dắt tay con xúng xính trong bộ đồ mới đến trường. Con nhớ ngoại hy sinh thân mình lúc dùng tấm bạt nhỏ che cho con khi mưa lất phất bay. Những năm lớp 1 , lớp 2, lớp 3, ngoại ngày nào cũng dắt tay con đi học. Cần Thơ là miền Tây của miền sông nước cũng không bị ngập như ở Sài Gòn bây giờ.
Mẹ là con út của Ngoại. Ngoại có cậu 2, cậu 3 nhưng các cậu ấy ở Châu Đốc. Mấy dì cũng ở Tân Châu, Hồng Ngự. Sau khi cưới, mẹ theo cha về Cần Thơ, ngoại đi theo. Ngoại theo con gái út mà. Con sinh ra đời 3 năm sau đó.
Con chỉ ngủ với Mẹ sau khi ăn thôi nôi và dứt sữa. Sau đó, con ngủ với ngoại. Mỗi đêm trên bộ ngựa gõ nhà sau ngoại lót mền cho con nằm. Ngoại chỉ nằm ké một chút xíu bên ngoài. Con có tật măng vú Mẹ. Còn ngoại nhột quá nên nắm tay con để lên gò má. Từ đó, mỗi đêm dù ngủ hay thức con cũng sờ má ngoại . Má ngoại mát lạnh, dịu êm. Nhưng dần dà dường như nhám cào và có nhiều nếp nhăn hơn. Đến khi con lên lớp 6, mẹ cho con ngủ giường riêng vì ngoại không còn khỏe như xưa nữa.

Sau khi tốt nghiệp ĐHCT, con lên Sài Gòn học thêm sau đại học. Ra trường, con ở lại Sài Gòn làm việc cho một công ty của Pháp. Hôm nay vừa bị mắc mưa lại thêm nước ngập. Xe lại chết máy. Chiều nay chắc cũng có nhiều người như con - những kẻ tìm lẽ sống xa quê hương - đang bâng khuâng nhớ về những cơn mưa ở quê nhà.
Lâu lắm rồi con không có điện thoại về nhà. Con chỉ sợ cha mẹ cháy bùng nhung nhớ đến thằng con xa nhà đã lâu.

Năm rồi, lúc đang gần kết thúc học kỳ, con có gọi về nhà và hỏi thăm bà nội. Ba bảo nội khỏe, thường nhắc đến con. Ba có nhiều câu trấn an con hơn bình thường làm con có linh tính không tốt về sức khỏe của nội. Bỡi nội bị tai biến. Nội nằm một chỗ đã lâu. Chừng hơn tuần sau, ba gọi kêu con về gấp. Con rất lo sợ và đúng sự thật : nội qua đời trong vòng tay của Ba. Những giọt nước rịn dài trên hai khóe mắt nội trong khi cặp mắt nội đờ đẫn khép dần. May mà con về kịp để trước khi ra đi, nội còn rờ rẫm nắm tay con. Nội ơi ! nhắc lại con thương nội nhiều lắm. Lúc con còn mẫu giáo, thỉnh thoảng nội mang bánh đến nhà cho con. Con là cháu nội đích tôn của nội mà...


Thưa mẹ,
Tuần sau con sẽ về thăm Ngoại và ba mẹ. Nhất là con sẽ vuốt ve hai gò má ngoại mà từ lâu con không có dịp. Năm nay chắc ngoại già yếu lắm rồi. Năm rồi con đã về tham gia mừng lễ thượng thọ của ngoại : 91 tuổi ! Cái tuổi sống lâu thật sự xưa nay hiếm.
Lần nầy về con cũng phải tìm một khoảng trống thời gian để đi về vườn thăm mộ bà Nội. Mộ nội chỉ cách nhà mình 2 cây số mà nhiều khi con về chắng có dịp qua thăm. Chả bù lúc nội sinh thời thường qua thăm con và cho quà nữa. Nghĩ lại con thật sự có lỗi với Nội nhiều lắm.

Con đã sửa xe xong. Con cố gắng len lỏi trên lề đường để về nhà trọ. Sài Gòn dạo nầy như một vùng trủng của đất Gia Định ngày xưa. Chả lẽ con đổ thừa cho công ty thoát nước. Vì năm nào cũng vậy, nào là rào chắn, nào là đào đường, nào là đặt ống thoát nước... nhưng năm sau nước ngập càng cao hơn năm trước.
Hể có mưa hay nước rong dâng lên là các con đường đều bì bõm như dòng sông giữa lòng thành phố. Xe cộ chết máy dọc đường. Nhiều xe máy bị nước cuốn trôi vì dòng chảy quá mạnh. Hai bên đường người thau, kẻ thùng tát nước từ trong nhà ra. Nhà nào cũng có xây một bức tường thấp ở ngạch cửa trước nhà. Cảnh tượng thật là vui muốn khóc.

Ngoài đường xe hai bánh hoặc xe hơi phải chạy nhanh kẻo bị chết máy. Xe càng chạy nhạnh dòng nước cuốn theo càng mạnh. Dòng chảy thường mang theo giấy má đến rác rưỡi tanh hôi. Nước đen ngòm tràn cả vào nhà hai bên đường.
Đôi khi con thầm nghĩ những bãi rác bồng bềnh kia ví như cuộc đời của con - của một kẻ xa nhà – để mưu cầu chén cơm manh áo cho bản thân.
Con đã đi làm mấy năm rồi mà con có lo gì được cho gia đình đâu. Chỉ có vài lần về thăm nhà, ngày sau con đi siêu thị mua cho mẹ nào là dầu ăn, xì dầu, đường, sữa, bột ngọt, bột giặt, các loại đồ hộp ... con mua đủ thứ cho mẹ để mẹ biết rằng con muốn giúp cho mẹ lắm. Ngoài ra, mỗi lần về con lì xì cho ba một ít để uống cà phê. Đó là những món quà quá nhỏ nhặt so với công ơn cha mẹ nuôi nấng đùm bọc cho con được như ngày nay.

Con đang tìm phương hướng cho tương lai. Con đã khăn áo ra đi bỏ lại quê nhà ông bà cha mẹ tìm vùng đất mới. Con cảm ơn cha mẹ đã giúp con tung cánh trên trời cao. Con sẽ phải bay xa, bay cao mưu cầu sự sống cho cuộc sống của mình. Nhưng cũng vì thế con càng rời xa gia đình.
Ngoại ơi! Cha mẹ ơi! Con càng quay cuồng trong việc làm, bị lôi cuốn ham thích của cá nhân, con đôi lúc quên hẳn sự gắn bó của bản thân và gia đình. Vài ngày nữa con sẽ vè thăm ngoại và mẹ. Về quê , hai tiếng thân thương có thể làm cho con háo hức và trằn trọc đêm nay.

Lần trước về nhà nhìn mẹ chăm sóc cho bà Ngoại, bón từng muổng cơm cho bà khiến con cãm nhận được nhiều điều về cuộc sống nhất những người già.
Người già như một chiếc lá uá vàng mong manh. Chiếc lá chỉ bám víu một chút xíu với cành cây. Khi một cơn gió nhẹ nhàng vô tình ngang qua, cũng có thể làm cho chiếc lá lìa cành giữa khoảng không hắt hiu của một ngày và đời đời ngủ yên trên mặt đất.

Ôi! tình yêu thương ông bà là một nghĩa cử không thể thiếu của một kiếp người. Con xin trân trọng những hơi ấm nồng nàn dịu ngọt đó trong cuộc đời vì mai kia nó sẽ tan dần và biến mất không bao giờ trở lại.

Mẹ cho con gởi lời chúc sức khỏe đến ngoại. Con có mua cho ngoại một áo ấm nhẹ và một khăn choàng mỏng. Đẹp lắm. Con hy vọng ngoại sẽ vui. Chúc mẹ cha vui vẻ, lâu già.
Con cầu xin ngoại ăn ngủ được bình thường. Con khấn nguyện mẹ đừng có chuyện buồn hằn lên mi mắt và ba bớt đăm chiêu để mái tóc chậm bạc phơ.

Con cũng mong mỏi ơn trên ban phước lan tỏa hương thơm được kéo dài tuổi đời của ba mẹ. Lúc nào con cũng nhớ câu ba bảo :"Con hãy sống thật đàng hoàng. Trong tim con lúc nào cũng phải chất chứa tình thương yêu gia đình và quê hương. Vì con người sống không gia đình và quê hương thì chả ra gì cả " ...
Mỗi con người chỉ có một gia đình. Nếu mất đi không bao giờ trở lại. Ông bà cha mẹ là vốn liếng quý giá của mỗi con người...
Con luôn ghi nhớ. Mẹ hãy yên tâm.

 Dương Hồng Thủy (06/01/2015)

Xướng Họa: Đông Sầu

Bài Xướng:Đông Sầu

Quê cũ ngày về chẳng thấy đâu 
Vội chi đông đến để thêm rầu 
Non sông tơi tả hờn chinh chiến 
Đất nước tiêu điều hận biển dâu 
Khắc khoải đêm trường trăn trở giấc 
Bâng khuâng tuổi hạc chứa chan sầu 
Bên đèn vò võ nhan tàn lạnh 
Tí tách sân ngoài những hạt ngâu 

Hạt ngâu rỉ rả suốt canh thâu 
Héo hắt hồn quê bạc mái đầu 
Đất khách năm tàn se sắt nhớ 
Quê người đông tới lạnh lùng đau 
Vườn thu ngơ ngác bầy chim sẻ 
Mây xám lạc loài cánh hải âu 
Sân trước lá vàng đầy mặt đất 
Núi xa một dãi tuyết pha màu 

Mailoc
Cali 12-16-14
( Những ngày mưa gió )

* * *
Bài Họa: Buồn Vào Đông

Đông về buồn thảm bởi vì đâu?? 
Mấy chục năm qua sống cũng rầu 
Đất khách nửa đời vì chiến cuộc 
Quê nhà biến đổi bởi cồn dâu 
Tha hương ray rứt lòng canh cánh 
Viễn xứ bâng khuâng dạ phát sầu
Lỡ kiếp thân tằm đeo bíu tạm 
Mong làm lũ quạ bắt tình ngâu

Tình ngâu mong bắt nhịp đêm thâu 
Càng nghĩ càng nghĩ tóc bạc đầu 
Đông đến tiêu điều cây cỏ úa 
Thu tàn bịn rịn dạ buồn đau 
Tha hương cám cảnh thân xa xứ 
Viễn khách bâng khuâng chuyện hải âu
Gió bấc lạnh lùng đêm giá rét 
Tuyết rơi Trời Đất cũng phai màu

Song Quang
* * *
Các Bài Cảm Tác:

Đ
êm Mưa

Đêm mưa nằm nghĩ chuyện đâu đâu
Chạnh nhớ quê hương, dạ héo rầu
Thoáng chốc đầu xanh thành tóc bạc
Ngậm ngùi bãi bể hóa nương dâu
Ngày về chắc hẳn còn xa lắm
Xuân đến làm chi đã hết sầu!
Nghe gió ngoài trời, tim buốt lạnh
Cảm thương số kiếp vợ chồng ngâu.

Mưa ngâu tí tách suốt đêm thâu
Một ngọn đèn chong, một mái đầu
Sợi bạc phất phơ ghi nỗi tủi
Sợi cong xơ xác gợi niềm đau
Đêm tàn khắc khoải vầng trăng úa
Bãi vắng im lìm những cánh âu
Quê cũ , đường về xa diệu vợi
Áo hoa ngày ấy đã phai màu?

Phương Hà
( 18/12/2014 )
* * *
Đêm Đông

Gió nhẹ mưa dầm nắng trốn đâu!
Đường trơn trợt té tối đau rầu.
Nhìn về xứ sở không chinh chiến,
Trông lại quê hương có bể dâu!
Bão tố điêu tàn ai trở giấc?
Lũ tràn nước lụt trẻ lo sầu.
Nhành mai vóc hạt buồn đơn lạnh,
Rơi rớt đêm dài rả rít ngâu!
Ngâu còn dứt được tạnh canh thâu,

Quạnh quẽ cao niên sớm bạc đầu.
Ngọai quốc xa xôi lòng vẫn nhớ,
Quê nhà cận Tết hết tiền đau.
Làm sao trang trãi cho con nợ?
Đô Mỹ trông chờ cánh hải âu!
Mấy chục năm dài đời vẫn vậy,
Ai người vở đất trúng hoa màu?

Mai Xuân Thanh 
Ngày 17 tháng 12 năm 2014
* * *
Sầu Đông


Tầng không mây xám sẽ về đâu?
Giá rét chiều đông cảnh úa rầu
Làn gió thổi ngang rơi chiếc lá
Mảnh vườn im vắng rụng hoa dâu
Chạnh lòng cảm thấu tình cô lữ
Gợi nhớ đầy thêm một khối sầu
Những trận mưa buồn ngày cuối tiết
Thẫn thờ ngồi đếm mấy dòng ngâu!

Mưa ngâu rớt hạt suốt đêm thâu
Tí tách ngoài hiên khúc bạc đầu
Gửi gió ngàn xa lòng lữ thứ
Gửi chiều thương nhớ những niềm đau
Xót thân tù hãm đời con sáo
Thèm cảnh lượn bay cánh hải âu
Ngoảnh lại quê nghèo buồn xơ xác
Chân mây mặt nước vẫn hoen màu!

Nguyễn Đắc Thắng

Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2015

Cảm Đề Họp Mặt 14-12-2014


Mỗi năm đầu tháng thứ mười hai
Ai biết nơi đâu có một ngày
Bút mực xa xưa vui họp mặt
Bánh quà hiện đại quý trao tay
Nêu cao ân nghĩa thờ công đức
Sống mãi tinh thần cưỡi gió mây
Sư đệ trùng phùng bao mỹ cảm
Chúc nhau PHƯỚC THỌ toại lòng thay!

Thầy Lê Tương Ứng
Ngày 1-1-2015 
Cảm Đề Họp Mặt  Thầy Cô Tống Phước Hiệp cũ:
Quí,Ứng,Nhã,Thuận,Liêm14-12-2014 
***
Thưa Thầy,
Nhận được bài thơ Thầy gởi, em vô cùng xúc động. Xin được hoạ bài thơ của Thầy:

Đáp Đề

Tình nghĩa Sư Đồ ráng vẹn hai
Cả năm mòn mỏi đợi chờ ngày
Thấy Thầy mạnh khoẻ yên nơi dạ
Gặp Bạn vui mừng nắm giữ tay
Tá vận đôi câu tình cố hữu
Vi sư một chữ nghĩa trời mây
Suốt mười hai tháng trong lần gặp
Sâu đậm Thầy Trò chẳng đổi thay

Huỳnh Hữu Đức
(Em thật vui khi Thầy hài lòng về buổi họp mặt 14-12-2014 vừa qua)

Các Giải Văn Chương Ở Miền Nam Trước 1945

      Trong các thập niên của đầu thế kỷ 20, một số các tư nhân và các Hội học ở miền Nam Việt-nam đã có sáng kiến tổ chức các giải thưởng sau: 

1 - Giải Ngô Tâm Thông 
      Năm 1924, ông Ngô Tâm Thông, một điền chủ ở làng Tân-giai, tổng Bình-an, tỉnh Vĩnh-long, đề xướng cuộc thi thơ văn quốc âm qua sự tổ chức của quan đốc phủ sứ tỉnh Bà-rịa Lê Quang Liêm, tức Bảy. Hội đồng giám khảo gồm các quan lại của Nam-kỳ.

Qua giải thưởng này, ông Ngô Tam Thông muốn khích lệ các nhà thơ văn trong cả 3 kỳ. Điều lệ, giải thưởng bằng tiền, hạn nộp của giải này được công bố trên tạp chí Nam Phong, số 87, tháng IX 1924 như sau:
Hạng nhất: 300 đồng- Hạng nhì: 200 đồng- Hạng ba: 100 đồng

Hình thức dự thi là một bộ tiểu thuyết bằng văn xuôi hoặc bằng văn vần theo 3 thể:
a - Tiểu thuyết về sự tích nước nhà 
b - Tiểu thuyết về truyện phiêu lưu 
c - Tiểu thuyết về thế tục.

      Nếu làm bằng văn xuôi, quyển viết phải có ít nhất 300 trang giấy học trò. Nếu bằng văn vần, quyển viết phải có ít nhất 200 trang. Hạn nộp bài là 01/06/1925. Ngày chấm xong sẽ là 10/11/1925 và tháng 12/1925 giải thưởng sẽ được phát.

      Cuộc thi này có lẽ không có người dự vì sau đó không một báo chí nào nhắc đến nó, ngay cả tờ Nam Phong, nhưng nó đánh dấu sự suy tàn của nền Hán học và bước đầu trong việc chú trọng đến việc phát triển nền văn học chữ quốc ngữ. 

2. Giải Phụ-Nữ Tân-Văn
      Tuần báo « Phụ-Nữ Tân-Văn » xuất bản ở Nam-kỳ (1) tổ chức cuộc thi với đề tài dưới hình thức một câu hỏi « Nàng Thúy Kiều nên khen hay nên chê ? ». Bài dự thi không dài quá 20 trang giấy lớn. Giám khảo sẽ là độc giả của tờ tuần báo. Những bài trả lời sẽ lần lượt đăng báo. Nếu bài nào được phần nhiều độc giả chấm thì sẽ chiếm giải thưởng.
- Giải nhất: một cái máy hát lớn hiệu Pathé, và một năm báo Phụ Nữ Tân Văn.
- Giải nhì: một cái áo mưa Ăng-lê hiệu The Dragon, và một năm báo Phụ Nữ Tân Văn.

      Có 18 bài được tuyển lên báo. Tuy nhiên theo Phụ Nữ Tân Văn số 19 (05/9/1929), kết quả cuộc thi không được mỹ mãn vì số người chấm thi ít hơn số người dự thi. Trong các bài dự thi, không có bài nào có số thăm thật cao. Do đó giải không được phát. 

3. Giải Khuyến Học Nam Kỳ
      Hội Khuyến học Nam kỳ (Société d’Enseignement mutuel de la Cochinchine) được thành lập năm 1907. Hoạt động của Hội không gây được nhiều tiếng vang trong giới trí thức. Nhưng từ năm 1941, dưới sự điều khiển của Hội trưởng Đoàn Quang Tấn, ban Trị sự của Hội quy tụ những nhân vật nổi tiếng như Cung Giũ Nguyên (viết tiểu thuyết Việt và Pháp), họa sĩ kiêm văn sĩ Nguyễn Phi Hoanh, nhà văn Chim Hải Yến, học giả Nguyễn Xuân Quang, nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ v.v. Họ tích cực hoạt động về văn học khiến Hội có uy tín từ Nam, rồi lần ra Trung và ra Bắc. Do đó giải Văn chương của Hội được giới trí thức thời đó trên toàn quốc chú ý đến.

      Giải Văn chương năm 1941 của Hội dành cho một tác phẩm xuất bản từ 01-01-1941. Tác giả quyển sách được trúng giải sẽ không phải là một nhà văn thuộc nhóm « Tự Lực Văn Đoàn » (vì họ đã nổi tiếng rồi) mà cũng không phải là một nhà văn đã được giải văn chương nào rồi.
      Cuốn tiểu thuyết « Chồng con » của Trần Tiêu (2) đoạt giải thưởng Văn chương của hội Khuyến-học Nam kỳ năm 1941 với số tiền là 250 đồng.

      Năm 1942, Hội đồng Giám khảo tặng giải cho 3 tác phẩm:
- « Tôn Thọ Tường » của Khuông Việt Lý Vĩnh Khôn
- « Triết học Bergson » của Lê Chí Thiệp
- « Sông Bạch Đằng », nhạc của Lưu Hữu Phước, lời của Mai Văn Bộ và Nguyễn Thành Nguyên.
      Năm 1943, giải được trao cho Hoàng Xuân Hãn (ở Bắc) với cuốn « Danh từ khoa-học » và Lê Văn Ngôn (ở Nam) với cuốn « Bịnh ho lao ». Đây là hai cuốn biên khảo rất công phu.
       Năm 1944, giải thưởng được trao cho Phan Văn Hùm với cuốn « Vương Dương Minh »

      Từ năm 1945, không khí chính trị bùng nổ và sau đó hội Khuyến-học, tuy có hoạt động trở lại nhưng không còn đầy đủ phương tiện để hoạt động như trước nữa. 

4. Giải Đồ Chiểu
      Năm 1943, nhân dịp lễ truy điệu nhà thơ ái quốc Nguyễn Đình Chiểu, dược sư Trần Kim Quan (3) đặt ra giải văn chương hàng năm với tên là « Giải Đồ Chiểu ». Tiền giải thưởng là 500 đồng. Hội Khuyến-học Nam-kỳ được giao quyền khảo sát và ra đầu đề.
Đề thi: « Khảo cứu và luận về Đồ Chiểu với Lục Vân Tiên »
Hạn nộp bản thảo: trước ngày 01-02-1944 (sau ngày ra thông báo (22-7-1943) là 6 tháng 9 ngày)
Hạn trang: ít nhất 100 trang, nhiều nhất 300 trang 
Giải chỉ dành riêng cho người Việt sinh trưởng ở Nam-kỳ và sẽ được phát vào ngày giỗ Đồ Chiểu.

      Ban Giám khảo chỉ nhận được 2 tác phẩm dự thi của 2 nhà giáo là ông Lục Y Lang (ở Gia-định) và ông Từ Quang (tức Lư Khê ở Sài Gòn). Vì số người tham dự quá ít, ban Giám khảo quyết định không phát giải thưởng và họ (với sự có mặt của ông Trần Kim Quan) thảo luận là truất phân nửa tiền giải thưởng để tặng khuyến khích hai người dự thi : ông Lục Y Lang được 150 đồng, ông Từ Quang được 100 đồng.

      Năm 1944, đề thi giải Đồ Chiểu là cuốn tiểu thuyết có ý nghĩa vịnh theo hai câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu trong « Lục Vân Tiên » là :
« Trai thời trung hiếu làm đầu»
« Gái thời tiết hạnh là câu trau mình »
      Kỳ này cũng chỉ có hai người dự giải. Không có ai đoạt giải mà cũng chẳng có ai được giải khuyến khích.

      Năm 1945, đề thi là  «Một gương nghĩa sĩ ». Không có một ai dự thí mặc dù tiền giải lên đến 1.250 đồng, giải lớn nhất thời tiền chiến, có lẽ là do tình hình xã hội với cuộc giải phóng đất nước (1945).

5. Giải « Thủ Khoa Nghĩa » Của Hội Khuyến Học - Cần Thơ

      Mới đầu Hội chỉ là một hội học. Từ khi bác sĩ Lê Văn Ngôn (4) làm hội trưởng, số hội viên từ 20 tăng đến 123. Hội quy tụ được một số tài năng như Tố Phang (5), Trực Thần (6), Tây Đô Cát Sĩ (7), Lê Đằng Côn, họa sĩ Nguyễn Văn Mười v.v. Năm 1943, Hội cho ra tập Kỷ yếu với tên gọi « Xuân Tây đô », nhân dịp Tết Giáp Thân. Cũng cùng năm này, Hội đặt ra giải thưởng « Thủ Khoa Nghĩa ». Giải sẽ phát vào năm 1944. Mục đích của Giải là khuyến khích các tài năng mới và góp phần vào việc phát triển nền văn nghệ miền Nam trong thời kỳ còn phôi thai. Hội chỉ chấm các tác phẩm nào chưa in của các nhà văn miền Nam. Kết quả Hội nhận được 1 tập vận văn, 2 quyển tiểu thuyết, 5 tập truyện ngắn, 1 quyển ký sự, 3 quyển nghị luận và 2 quyển khảo cứu. Hai cuốn tiểu thuyết được giải là:
-  « Đồng quê » (giải nhất) của Phi Vân. Tác phẩm được in lại bốn lần và được dịch ra Hoa văn với tựa đề  «Nguyên dã ».
- « Truyện năm người thanh niên » (giải nhì) của Nguyễn Ngọc Tân. Sau này tác giả có sửa chữa lại tác phẩm, lấy bút hiệu là Phạm Thái và giao lại cho nhà Tự Quyết xuất bản năm 1955.
Giải « Thủ Khoa Nghĩa » chỉ ra được một lần. Vì tình hình thời cuộc nên Hội tạm ngưng việc tổ chức giải. 

6. Giải Nam Xuyên

      Năm 1944, ông Lê Tràng Kiều, chủ nhà xuất bản Nam Xuyên ở Sài Gòn, tổ chức giải văn chương hàng năm dưới sự bảo trợ về tài chính của nhà kinh doanh Võ Tuấn Khanh.
      Mục đích của giải Nam Xuyên là khuyến khích các nhà văn toàn quốc và giúp các nhà văn trúng giải xuất bản tác phẩm của họ (tác giả giữ bản quyền).

       Kết quả của giải được công bố vào tháng 8 năm 1944 như sau:
a. Giải nhất (500 đồng): « Mùa hoa mới » của Minh Dân, một giáo học ở Vụ-bản, Nam-định.
b. Giải nhì (350 đồng): « Cây đàn Chiêu Quân » của Th. Q. Hoàng Đức Tấn ở Hà-nội.
c. Giải ba (200 đồng): chia làm hai cho:
* « Cơn ác mộng » của Nguyễn Văn Xuân (8) ở Sài Gòn
* « Thạch sương bồ » của Nam Phố (9) ở Sài Gòn
d. Giải tư (50 đồng), có bốn giải cho:
* « Tuổi trẻ » của Pucho Nguyễn Hữu Phước ở Thủ-Dầu-Một
* « Bịnh học » của Dương Tử Giang ở Hà-tiên
* « Gánh giang san » của Mễ Nhân (10) ở Hà-nội
* « Bộ bài nhân sự » của Vũ Duy Hanh ở Sài Gòn
Cũng như các giải khác, giải Nam Xuyên chỉ phát được một lần. Tình hình chiến tranh làm cho việc tổ chức giải phải ngưng lại. 

Các giải văn chương trên, mặc dù không sống lâu, cho phép ta rút ra một số nhận xét sau:
- Làm sống lại các nhân vật lịch sử của miền Nam qua giải Đồ Chiểu và giải Thủ Khoa Nghĩa và từ đó nung nấu tinh thần ái quốc của dân chúng.
- Khuyến khích các tài năng mới ở miền Nam nói riêng và cả nước nói chung tham gia vào việc xây dựng và phát triển nền văn học chữ quốc ngữ.
- Làm nổi bật nét độc đáo của văn nghệ miền Nam trong thời kỳ phôi thai.
- Đề cao tâm huyết của các văn gia, học giả, thi sĩ, giáo giới v.v. đối với nền quốc học.
- Cập nhật hóa các giá trị truyền thống đồng thời tiếp thu có chọn lọc các kiến thức và các giá trị mới được du nhập từ các nền văn hóa và văn minh khác. 

Kim  Lam (Lược Biên)
(Paris)
Lời Giới Thiệu: Kim Lam tên thật là Phạm Thị Kim Dung, phiên dịch viên hữu thệ toà thượng thẩm Paris, tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Việt học (Viện Quốc Gia Ngôn Ngữ và Văn Minh Đông Phương), Téléphone: 01 45 82 25 87 – E-mail: lamykim@wanadoo.fr 

Các tài liệu tham khảo:
A. Nguyễn Ngu Í, « Các giải văn chương trên đất Việt thời tiền chiến », revue Bách Khoa N° 137 (15/9/1962), 139 (15/10/1962) và 140 (01/11/1962)
B- Nguyễn Ngu Í, « Các giải văn chương ở miền Nam nước Việt », revue Bách Khoa N° 152 (01/5/1963)
Chú Thích:
(1) Phụ-Nữ Tân-Văn số 1 được xuất bản ngày 02/5/1929
(2) Trần Tiêu là em ruột Khái Hưng, không phải là người của « Tự Lực Văn Đoàn » nhưng là người của nhóm Phong Hóa Ngày Nay. Cuốn « Chồng con » do Đời Nay xuất bản năm 1941.
(3) Ông Trần Kim Quan : Nhà trí thức đã góp phần đắc lực vào các cuộc truyền bá quốc ngữ, truyền bá vệ sinh và tân y-học, vào các đêm hát lịch sủ của sinh viên, vào trại Thanh niên ở suối Lồ Ô v .v. (1943-1944)
(4) Em nhà văn Thọ Xuân Lê Văn Phúc
(5) Sau này lấy bút hiệu là Thuần Phong
(6) Thời hậu chiến có bút hiệu là Tam Đức
(7) Tên hiệu của giáo sư Nguyễn Văn Kiết
(8) Nhà văn miền Bắc với tên hiệu Thiết Can, tác giả cuốn « Dã tràng »
(9) Nhà thơ Nguyễn Bính, tác giả « Lỡ bước sang ngang »
(10) Tức ông Dương Tụ Quán