Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2015

Cảm Đề Họp Mặt 14-12-2014


Mỗi năm đầu tháng thứ mười hai
Ai biết nơi đâu có một ngày
Bút mực xa xưa vui họp mặt
Bánh quà hiện đại quý trao tay
Nêu cao ân nghĩa thờ công đức
Sống mãi tinh thần cưỡi gió mây
Sư đệ trùng phùng bao mỹ cảm
Chúc nhau PHƯỚC THỌ toại lòng thay!

Thầy Lê Tương Ứng
Ngày 1-1-2015 
Cảm Đề Họp Mặt  Thầy Cô Tống Phước Hiệp cũ:
Quí,Ứng,Nhã,Thuận,Liêm14-12-2014 
***
Thưa Thầy,
Nhận được bài thơ Thầy gởi, em vô cùng xúc động. Xin được hoạ bài thơ của Thầy:

Đáp Đề

Tình nghĩa Sư Đồ ráng vẹn hai
Cả năm mòn mỏi đợi chờ ngày
Thấy Thầy mạnh khoẻ yên nơi dạ
Gặp Bạn vui mừng nắm giữ tay
Tá vận đôi câu tình cố hữu
Vi sư một chữ nghĩa trời mây
Suốt mười hai tháng trong lần gặp
Sâu đậm Thầy Trò chẳng đổi thay

Huỳnh Hữu Đức
(Em thật vui khi Thầy hài lòng về buổi họp mặt 14-12-2014 vừa qua)

Các Giải Văn Chương Ở Miền Nam Trước 1945

      Trong các thập niên của đầu thế kỷ 20, một số các tư nhân và các Hội học ở miền Nam Việt-nam đã có sáng kiến tổ chức các giải thưởng sau: 

1 - Giải Ngô Tâm Thông 
      Năm 1924, ông Ngô Tâm Thông, một điền chủ ở làng Tân-giai, tổng Bình-an, tỉnh Vĩnh-long, đề xướng cuộc thi thơ văn quốc âm qua sự tổ chức của quan đốc phủ sứ tỉnh Bà-rịa Lê Quang Liêm, tức Bảy. Hội đồng giám khảo gồm các quan lại của Nam-kỳ.

Qua giải thưởng này, ông Ngô Tam Thông muốn khích lệ các nhà thơ văn trong cả 3 kỳ. Điều lệ, giải thưởng bằng tiền, hạn nộp của giải này được công bố trên tạp chí Nam Phong, số 87, tháng IX 1924 như sau:
Hạng nhất: 300 đồng- Hạng nhì: 200 đồng- Hạng ba: 100 đồng

Hình thức dự thi là một bộ tiểu thuyết bằng văn xuôi hoặc bằng văn vần theo 3 thể:
a - Tiểu thuyết về sự tích nước nhà 
b - Tiểu thuyết về truyện phiêu lưu 
c - Tiểu thuyết về thế tục.

      Nếu làm bằng văn xuôi, quyển viết phải có ít nhất 300 trang giấy học trò. Nếu bằng văn vần, quyển viết phải có ít nhất 200 trang. Hạn nộp bài là 01/06/1925. Ngày chấm xong sẽ là 10/11/1925 và tháng 12/1925 giải thưởng sẽ được phát.

      Cuộc thi này có lẽ không có người dự vì sau đó không một báo chí nào nhắc đến nó, ngay cả tờ Nam Phong, nhưng nó đánh dấu sự suy tàn của nền Hán học và bước đầu trong việc chú trọng đến việc phát triển nền văn học chữ quốc ngữ. 

2. Giải Phụ-Nữ Tân-Văn
      Tuần báo « Phụ-Nữ Tân-Văn » xuất bản ở Nam-kỳ (1) tổ chức cuộc thi với đề tài dưới hình thức một câu hỏi « Nàng Thúy Kiều nên khen hay nên chê ? ». Bài dự thi không dài quá 20 trang giấy lớn. Giám khảo sẽ là độc giả của tờ tuần báo. Những bài trả lời sẽ lần lượt đăng báo. Nếu bài nào được phần nhiều độc giả chấm thì sẽ chiếm giải thưởng.
- Giải nhất: một cái máy hát lớn hiệu Pathé, và một năm báo Phụ Nữ Tân Văn.
- Giải nhì: một cái áo mưa Ăng-lê hiệu The Dragon, và một năm báo Phụ Nữ Tân Văn.

      Có 18 bài được tuyển lên báo. Tuy nhiên theo Phụ Nữ Tân Văn số 19 (05/9/1929), kết quả cuộc thi không được mỹ mãn vì số người chấm thi ít hơn số người dự thi. Trong các bài dự thi, không có bài nào có số thăm thật cao. Do đó giải không được phát. 

3. Giải Khuyến Học Nam Kỳ
      Hội Khuyến học Nam kỳ (Société d’Enseignement mutuel de la Cochinchine) được thành lập năm 1907. Hoạt động của Hội không gây được nhiều tiếng vang trong giới trí thức. Nhưng từ năm 1941, dưới sự điều khiển của Hội trưởng Đoàn Quang Tấn, ban Trị sự của Hội quy tụ những nhân vật nổi tiếng như Cung Giũ Nguyên (viết tiểu thuyết Việt và Pháp), họa sĩ kiêm văn sĩ Nguyễn Phi Hoanh, nhà văn Chim Hải Yến, học giả Nguyễn Xuân Quang, nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ v.v. Họ tích cực hoạt động về văn học khiến Hội có uy tín từ Nam, rồi lần ra Trung và ra Bắc. Do đó giải Văn chương của Hội được giới trí thức thời đó trên toàn quốc chú ý đến.

      Giải Văn chương năm 1941 của Hội dành cho một tác phẩm xuất bản từ 01-01-1941. Tác giả quyển sách được trúng giải sẽ không phải là một nhà văn thuộc nhóm « Tự Lực Văn Đoàn » (vì họ đã nổi tiếng rồi) mà cũng không phải là một nhà văn đã được giải văn chương nào rồi.
      Cuốn tiểu thuyết « Chồng con » của Trần Tiêu (2) đoạt giải thưởng Văn chương của hội Khuyến-học Nam kỳ năm 1941 với số tiền là 250 đồng.

      Năm 1942, Hội đồng Giám khảo tặng giải cho 3 tác phẩm:
- « Tôn Thọ Tường » của Khuông Việt Lý Vĩnh Khôn
- « Triết học Bergson » của Lê Chí Thiệp
- « Sông Bạch Đằng », nhạc của Lưu Hữu Phước, lời của Mai Văn Bộ và Nguyễn Thành Nguyên.
      Năm 1943, giải được trao cho Hoàng Xuân Hãn (ở Bắc) với cuốn « Danh từ khoa-học » và Lê Văn Ngôn (ở Nam) với cuốn « Bịnh ho lao ». Đây là hai cuốn biên khảo rất công phu.
       Năm 1944, giải thưởng được trao cho Phan Văn Hùm với cuốn « Vương Dương Minh »

      Từ năm 1945, không khí chính trị bùng nổ và sau đó hội Khuyến-học, tuy có hoạt động trở lại nhưng không còn đầy đủ phương tiện để hoạt động như trước nữa. 

4. Giải Đồ Chiểu
      Năm 1943, nhân dịp lễ truy điệu nhà thơ ái quốc Nguyễn Đình Chiểu, dược sư Trần Kim Quan (3) đặt ra giải văn chương hàng năm với tên là « Giải Đồ Chiểu ». Tiền giải thưởng là 500 đồng. Hội Khuyến-học Nam-kỳ được giao quyền khảo sát và ra đầu đề.
Đề thi: « Khảo cứu và luận về Đồ Chiểu với Lục Vân Tiên »
Hạn nộp bản thảo: trước ngày 01-02-1944 (sau ngày ra thông báo (22-7-1943) là 6 tháng 9 ngày)
Hạn trang: ít nhất 100 trang, nhiều nhất 300 trang 
Giải chỉ dành riêng cho người Việt sinh trưởng ở Nam-kỳ và sẽ được phát vào ngày giỗ Đồ Chiểu.

      Ban Giám khảo chỉ nhận được 2 tác phẩm dự thi của 2 nhà giáo là ông Lục Y Lang (ở Gia-định) và ông Từ Quang (tức Lư Khê ở Sài Gòn). Vì số người tham dự quá ít, ban Giám khảo quyết định không phát giải thưởng và họ (với sự có mặt của ông Trần Kim Quan) thảo luận là truất phân nửa tiền giải thưởng để tặng khuyến khích hai người dự thi : ông Lục Y Lang được 150 đồng, ông Từ Quang được 100 đồng.

      Năm 1944, đề thi giải Đồ Chiểu là cuốn tiểu thuyết có ý nghĩa vịnh theo hai câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu trong « Lục Vân Tiên » là :
« Trai thời trung hiếu làm đầu»
« Gái thời tiết hạnh là câu trau mình »
      Kỳ này cũng chỉ có hai người dự giải. Không có ai đoạt giải mà cũng chẳng có ai được giải khuyến khích.

      Năm 1945, đề thi là  «Một gương nghĩa sĩ ». Không có một ai dự thí mặc dù tiền giải lên đến 1.250 đồng, giải lớn nhất thời tiền chiến, có lẽ là do tình hình xã hội với cuộc giải phóng đất nước (1945).

5. Giải « Thủ Khoa Nghĩa » Của Hội Khuyến Học - Cần Thơ

      Mới đầu Hội chỉ là một hội học. Từ khi bác sĩ Lê Văn Ngôn (4) làm hội trưởng, số hội viên từ 20 tăng đến 123. Hội quy tụ được một số tài năng như Tố Phang (5), Trực Thần (6), Tây Đô Cát Sĩ (7), Lê Đằng Côn, họa sĩ Nguyễn Văn Mười v.v. Năm 1943, Hội cho ra tập Kỷ yếu với tên gọi « Xuân Tây đô », nhân dịp Tết Giáp Thân. Cũng cùng năm này, Hội đặt ra giải thưởng « Thủ Khoa Nghĩa ». Giải sẽ phát vào năm 1944. Mục đích của Giải là khuyến khích các tài năng mới và góp phần vào việc phát triển nền văn nghệ miền Nam trong thời kỳ còn phôi thai. Hội chỉ chấm các tác phẩm nào chưa in của các nhà văn miền Nam. Kết quả Hội nhận được 1 tập vận văn, 2 quyển tiểu thuyết, 5 tập truyện ngắn, 1 quyển ký sự, 3 quyển nghị luận và 2 quyển khảo cứu. Hai cuốn tiểu thuyết được giải là:
-  « Đồng quê » (giải nhất) của Phi Vân. Tác phẩm được in lại bốn lần và được dịch ra Hoa văn với tựa đề  «Nguyên dã ».
- « Truyện năm người thanh niên » (giải nhì) của Nguyễn Ngọc Tân. Sau này tác giả có sửa chữa lại tác phẩm, lấy bút hiệu là Phạm Thái và giao lại cho nhà Tự Quyết xuất bản năm 1955.
Giải « Thủ Khoa Nghĩa » chỉ ra được một lần. Vì tình hình thời cuộc nên Hội tạm ngưng việc tổ chức giải. 

6. Giải Nam Xuyên

      Năm 1944, ông Lê Tràng Kiều, chủ nhà xuất bản Nam Xuyên ở Sài Gòn, tổ chức giải văn chương hàng năm dưới sự bảo trợ về tài chính của nhà kinh doanh Võ Tuấn Khanh.
      Mục đích của giải Nam Xuyên là khuyến khích các nhà văn toàn quốc và giúp các nhà văn trúng giải xuất bản tác phẩm của họ (tác giả giữ bản quyền).

       Kết quả của giải được công bố vào tháng 8 năm 1944 như sau:
a. Giải nhất (500 đồng): « Mùa hoa mới » của Minh Dân, một giáo học ở Vụ-bản, Nam-định.
b. Giải nhì (350 đồng): « Cây đàn Chiêu Quân » của Th. Q. Hoàng Đức Tấn ở Hà-nội.
c. Giải ba (200 đồng): chia làm hai cho:
* « Cơn ác mộng » của Nguyễn Văn Xuân (8) ở Sài Gòn
* « Thạch sương bồ » của Nam Phố (9) ở Sài Gòn
d. Giải tư (50 đồng), có bốn giải cho:
* « Tuổi trẻ » của Pucho Nguyễn Hữu Phước ở Thủ-Dầu-Một
* « Bịnh học » của Dương Tử Giang ở Hà-tiên
* « Gánh giang san » của Mễ Nhân (10) ở Hà-nội
* « Bộ bài nhân sự » của Vũ Duy Hanh ở Sài Gòn
Cũng như các giải khác, giải Nam Xuyên chỉ phát được một lần. Tình hình chiến tranh làm cho việc tổ chức giải phải ngưng lại. 

Các giải văn chương trên, mặc dù không sống lâu, cho phép ta rút ra một số nhận xét sau:
- Làm sống lại các nhân vật lịch sử của miền Nam qua giải Đồ Chiểu và giải Thủ Khoa Nghĩa và từ đó nung nấu tinh thần ái quốc của dân chúng.
- Khuyến khích các tài năng mới ở miền Nam nói riêng và cả nước nói chung tham gia vào việc xây dựng và phát triển nền văn học chữ quốc ngữ.
- Làm nổi bật nét độc đáo của văn nghệ miền Nam trong thời kỳ phôi thai.
- Đề cao tâm huyết của các văn gia, học giả, thi sĩ, giáo giới v.v. đối với nền quốc học.
- Cập nhật hóa các giá trị truyền thống đồng thời tiếp thu có chọn lọc các kiến thức và các giá trị mới được du nhập từ các nền văn hóa và văn minh khác. 

Kim  Lam (Lược Biên)
(Paris)
Lời Giới Thiệu: Kim Lam tên thật là Phạm Thị Kim Dung, phiên dịch viên hữu thệ toà thượng thẩm Paris, tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Việt học (Viện Quốc Gia Ngôn Ngữ và Văn Minh Đông Phương), Téléphone: 01 45 82 25 87 – E-mail: lamykim@wanadoo.fr 

Các tài liệu tham khảo:
A. Nguyễn Ngu Í, « Các giải văn chương trên đất Việt thời tiền chiến », revue Bách Khoa N° 137 (15/9/1962), 139 (15/10/1962) và 140 (01/11/1962)
B- Nguyễn Ngu Í, « Các giải văn chương ở miền Nam nước Việt », revue Bách Khoa N° 152 (01/5/1963)
Chú Thích:
(1) Phụ-Nữ Tân-Văn số 1 được xuất bản ngày 02/5/1929
(2) Trần Tiêu là em ruột Khái Hưng, không phải là người của « Tự Lực Văn Đoàn » nhưng là người của nhóm Phong Hóa Ngày Nay. Cuốn « Chồng con » do Đời Nay xuất bản năm 1941.
(3) Ông Trần Kim Quan : Nhà trí thức đã góp phần đắc lực vào các cuộc truyền bá quốc ngữ, truyền bá vệ sinh và tân y-học, vào các đêm hát lịch sủ của sinh viên, vào trại Thanh niên ở suối Lồ Ô v .v. (1943-1944)
(4) Em nhà văn Thọ Xuân Lê Văn Phúc
(5) Sau này lấy bút hiệu là Thuần Phong
(6) Thời hậu chiến có bút hiệu là Tam Đức
(7) Tên hiệu của giáo sư Nguyễn Văn Kiết
(8) Nhà văn miền Bắc với tên hiệu Thiết Can, tác giả cuốn « Dã tràng »
(9) Nhà thơ Nguyễn Bính, tác giả « Lỡ bước sang ngang »
(10) Tức ông Dương Tụ Quán

Giáo Phận Gia Nghĩa Đài Loan Mừng Giáng Sinh & Năm Mới 2015


Năm nay, khoảng 400 giáo dân tham dự cuộc Hành Hương Đi Bộ đón mừng Năm Mới cùng với 12 Linh mục và 16 Nữ tu.Tới Nhà Thờ, mọi người nghỉ ngơi 15 phút. Một mặt chuẩn bị Thánh Lễ, một mặt giáo dân vào nhà thờ lần chuỗi Môi Côi. Cha Peter Dương là 1 trong 6 Linh mục ngồi tòa Giải Tội cho giáo dân với 2 ngôn ngữ: Tiếng Phổ Thông và tiếng Địa Phương.
Thánh Lễ mừng kính Mẹ Thiên Chúa do Đức Giám Mục chủ tế với 20 linh mục đồng tế.


Sau bài giảng của Đức Giám Mục, Ban Đại Diện Mục Vụ Giáo Phận đọc lời tuyên hứa: Vâng Phục Đức Giám Mục và Phục Vụ Giáo Phận. Kế đến là nghi thức bàn giao Ban Mục Vụ của cựu Chủ Tịch và Tân Chủ Tịch trong nhiệm kỳ mới.
Sau Thánh Lễ, ĐGM cùng cộng đoàn đến trước tòa Đức Mẹ: Dâng hoa và kính bái.



Thánh Lễ kết thúc trong niềm hân hoan của toàn thể giáo dân.
Sau Thánh Lễ có cuộc xổ số, bốc thăm nhận quà Năm Mới của Giáo Phận. Quà là những chiếc xe đạp và nhiều món quà khác như nồi cơm điện, bình xay sinh tố, bình pha cà phê, bình nấu nước...

Đúng 0 giờ ngày 01-01-2015, Đức Giám Mục và toàn thể mọi người hân hoan chào mừng Năm Mới dương lịch với những lời chúc mừng nồng nhiệt. Trong tiếng pháo rộn ràng, những chùm bong bóng bay lên nổi bật bên sắc màu rực rỡ của những chùm pháo bông lóe sáng trên bầu trời đêm... Chúc Mừng Năm Mới.


LM Peter Dương Bá Hoạt 
Gia Nghĩa 2015

Anh Là Ai?


Anh Là Ai?

Anh là một bài thơ
Ngày nào em cũng viết
Viết câu đợi, câu chờ
Viết hoài mà không hết.

Anh là biển mênh mông
Em là dòng sông nhỏ
Suốt đời mang thương nhớ
Tìm biển đổ vào lòng.

Anh là vầng trăng soi
Em là cơn gió thoảng
Giữa cao rộng đất trời
Nghìn năm tình vương vấn.

Anh là vì sao trời
Có đêm lại quên mọc
Còn em vắng sao rồi
Đêm nào mà chẳng khóc.

Who Are You?

You are a poem favorite
Everyday I am writing it
With the verses of waiting
But never 1 will complete.

You are a sea too large
I am a river so tiny
All my life, bearng melancholy
To flow into your heart

You are the moon lighting
I am the wind blowing
In the infinity of space
Forever, our love persisting.

You are a star in the sky
Somenight forgets to appear
While your shadow disappears
I still cry everynight

Quang Tuấn

Thơ Tranh: Chờ Người


Thơ & Thơ Tranh: Kim Oanh

Thứ Năm, 8 tháng 1, 2015

Khi Ta Về


Khi ta về ngoài sân thơm lá mới
Nắng hong vàng bên những ngọn cau xanh
Cả vườn em hoa bưởi với hoa chanh
Cũng ríu rít như chim đàn gặp hội


Khi ta về buổi chiều im tiếng nói
Chân ngập ngừng sau mấy dãy hành lang
Ta ngắt trên tay một đóa hoa vàng
Tung lên gió ngở là chim hoàng yến

Khi ta về bến sông em gió quyện
Những cam xanh mận đỏ đẩy đưa cười
Đã qua mùa sầu riêng đó em ơi
Hoa cúc lại nở vàng bên hàng dậu

Khi ta về hồn em chim sẽ đậu
Nó hót trong lòng điệp khúc hân hoan
Em ngắt trên tay một đóa hoa vàng
Tung lên gió cười như chim hoàng yến

Khi ta về này em ơi nước biển
Chắc cũng không bằng màu áo thiên thanh
Có hay chăng hởi nguyệt ngủ bên đình
Muôn cây cỏ ngát hương rằm hội ngộ...

Lâm Hảo Khôi

Xướng Họa: Tứ Thất Thơ


Thi sĩ nhìn đời lắm mộng mơ
Mối duyên gắn kết tự bao giờ?
Thất tình say xỉn bên men rượu
Thất chí đăm chiêu giải cuộc cờ
Thất nghiệp đi rong tìm ý tưởng
Thất cơ gối nguyện gửi tâm chờ
Tứ thơ từ thất nhiều hương vị
U uẩn lòng người tứ-thất-thơ!

Nguyễn Đắc Thắng
***
Tứ Vô Thơ

Một lần dang dở cuộc tình mơ
Vương vấn sầu thương mỗi khắc giờ
Vô cảm nỗi buồn vương đáy mắt
Vô tâm giọt lệ ướt quân cờ
Vô tình vò nát hoa đang nở
Vô ý làm lơ kẻ đứng chờ
Chôn chặt cuộc đời trong lặng lẽ
Niềm riêng gởi tận đáy bầu thơ.

Phương Hà
***
Tứ - Bất - Thơ

Tuổi trẻ ngày xưa lắm ước mơ,
Hay ham đọc sách, truyện hàng giờ.
Bất công xử án luôn thiên vị,
Bất mãn ăn thua cá cược chờ.
Bất hiếu từ con không báo đáp
Bất tài mất vợ, chẳng trông chờ
Thở dài, bực dọc, tương tư quẫn.
Xế bóng người ta nhớ tuổi thơ.

Mai Xuân Thanh

***
Ngày nào chung đắp mối tình mơ
Mộng ước chờ nhau chẳng hẹn giờ
Tình đến âm thầm không biết được
Tình đi lặng lẽ lạc phiên cờ
Tình si khờ khạo hoài thương nhớ
Tình phụ xót xa hết đợi chờ
Thế thái nhân tình là thế đó
Lửa hồng bạc trắng giết tình thơ

01/2015
Thiên Thu

Màu Máu Tigôn - Thâm Tâm


Người ta trả lại cánh hoa tàn 
Thôi thế duyên tình cũng dở dang! 
Màu máu Tigôn đà biến sắc 
Tim người yêu cũ phủ màu tang! 

K. hỡi! Người yêu của tôi ơi 
Nào ngờ em giết chết một đời! 
Dưới mồ đau khổ em ghi nhớ 
Hình ảnh em hoài, mãi thế thôi  

Quên làm sao được thuở ban đầu, 
Một cánh Tigôn dạ khắc sâu! 
Một cánh hoa xưa màu hy vọng! 
Nay còn dư ảnh trái tim đau 

Anh biết làm sao được hỡi trời! 
Dứt tình bao nỡ, nhớ không thôi! 
Thôi em hãy giữ cành hoa úa 
Kỷ niệm ngàn năm một cuộc đời 

Thâm Tâm
(Suối Dâu sưu tầm) 


Thứ Tư, 7 tháng 1, 2015

Tìm hiểu về Luật Thơ Hát Nói


Hát Nói là một bộ môn nghệ thuật có từ xưa. Theo nghiên cứu gần đây, Hát Nói có thể xuất hiện từ thời vua Lê Thánh Tôn (1470-1497). Ngày nay, Hát Nói được công nhận là một bộ môn nghệ thuật cần phải bảo tồn của dân tộc ta.

Hát Nói là một trong các lối hát ả đào hay đào nương ca. Hát ả đào gồm những lối ca trù do đào nương (hoặc cô đào) hát, đối với lối hát trai hay Hà nam do giáp công (hoặc kép) hát.
Hát ả đào kể có nhiều lối như dâng hương, giáo trống, gửi thư, thét nhạc, vân vận. Nhưng chỉ có lối hát nói là thông dụng nhất là có văn chương lý thú nhất.
Hát nói có thể coi là một biến thể của hai thể lục bát và song thất.

Đủ khổ, dôi khổ và thiếu khổ.

Mỗi bài hát nói chia làm nhiều đoạn gọi là khổ bài. Mỗi khổ có bốn câu, trừ khổ cuối chỉ có 3 câu. Theo số khổ, hát nói chia làm ba thể:
1) Đủ khổ là những bài có ba khổ (khổ đầu 4 câu, khổ giữa 4 câu, khổ xếp 3 câu) cộng là 11 câu. Thể này là chính thức.
2) Dôi khổ là những bài có hơn ba khổ (khổ dôi ra là khổ giữa)
3) Thiếu khổ là những bài thiếu một khổ (thường là khổ giữa) chỉ có 7 câu.
Hai thể sau là biến thức.

1. Đủ khổ
Các câu trong bài đủ khổ. Theo tiếng nhà nghề, 11 câu trong bài đủ khổ có tên riêng là:
Khổ đầu: Khổ mở lời, gợi ý. Hai câu 1-2 là lá đầu; hai câu 3-4 là xuyên thưa.
Khổ giữa: Diễn tả nội dung bài hát nói. Hai câu 5-6 là thơ; hai câu 7-8 là xuyên mau.
Khổ xếp: Phần kết luận bài. Câu 9 là dồn; câu 10 là xếp; câu 11 là Keo. Đặt biệt: Câu Keo là câu kết thúc ý của toàn bài.

Thí dụ: Ơi Người Thương Cũ của Quên Đi có 11 câu:

Ơi này người thương cũ
Mớ bồng bông gỡ rối sao đây
Bao tháng năm sương gió dạn dầy
Vừa gặp lại hồn như chao đảo
Nhất ngộ hữu duyên tình tất đáo
Đa lai vô phận mộng nan thành
Mắt nhìn nhau ta tóc chẳng còn xanh
Em cũng thế má hồng giờ phai nhạt
Nhưng kỷ niệm đâu thể nào mất mát
Đúng không em chuyện dĩ vãng một thời
Thì nay bạn hữu trong đời.

                              
Số chữ trong câu hát nói:

Số chữ không nhất định. Thường đặt những câu 7,8 chữ; nhưng có khi đặt những câu ngắn hơn chỉ cỡ 5 chữ, hoặc dài tới 12, 13 chữ.
Duy có câu cuối bao giờ cũng đặt 6 chữ và hai câu 5-6 đặt thành hai câu thơ thì phải theo thơ ngũ ngôn (5 chữ) hoặc thất ngôn (7 chữ). Nhưng hai câu 5- 6 không đặt theo thơ mà có số chữ so le cũng được.

Cách gieo vần trong bài hát nói.

Cách gieo vần phải theo các lệ sau này:
1. Trong bài hát nói, dùng cả hai thứ vần; vần bằng và vần trắc. Khi nào trong một câu đang vần bằng đổi sang vần trắc hoặc trái lại thế, thì vừa có yêu vận và cước vận.
Những câu ấy là các câu chẵn, trừ câu thứ sáu là câu thơ nên chỉ có cước vận thôi.
2. Trong mỗi khổ, cước vận của câu đầu và câu cuối phải dùng tiếng trắc, cước vận của hai câu giữa phải dùng tiếng bằng. Còn yêu vận của câu thứ hai thì dùng tiếng trắc mà của câu thứ tư thì dùng tiếng bằng để có thể chuyển vần trắc sang vần
bằng hoặc vần bằng sang vần trắc được.
3. Yêu vận gieo vào chữ cuối đoạn thứ nhì

Thí Dụ 1: "Nợ Nam Nhi"
Đây là bài Hát Nói đủ khổ, sử dụng cả Yêu Vận lẫn Cước Vận

Tang bồng hồ thỉ nam nhi trái
Cái công danh là cái nợ nần
Nặng nề thay hai chữ "quân thân"
Đạo vi tử, vi thần đâu có nhẹ
Cũng rắp điền viên vui tuế nguyệt
Trót đem thân thế hẹn tang bồng
Xếp bút nghiên theo việc kiếm cung
Hết bốn chữ "trinh trung báo quốc"
Nghiêng mình những vì dân vì nước
Túi kinh luân từ trước để về sau
Nghìn thu một tiếng công hầu

Thí dụ 2 : Chí Nam Nhi của Nguyễn Công Trứ

Đây cũng là bài đủ khổ, nhưng hai câu thơ lại đưa lên đầu bài Hát Nói. Chỉ sử dụng Cước Vận:

Thông minh nhất nam tử
Yêu vi thiên hạ kỳ (1)
Trót sinh ra thì phải có chi chi,
Chẳng lẽ tiêu lưng ba vạn sáu.
Đố kỵ sá chi con tạo,
Nợ tang bồng quyết trả cho xong.
Đã xông pha bút trận, thì gắng gỏi kiếm cung,
Cho rõ mặt tu mi nam tử.
Trong vũ trụ đã đành phận sự,
Phải có danh mà đối với núi sông.
Đi không, chẳng lẽ về không?


Luật bằng trắc trong bài hát nói.
Đại khái luật bằng trắc các câu trong mỗi khổ bài hát nói là như sau:
(những chữ thường) không cần theo đúng luật, theo lệ (nhất, tam, ngũ bất luận):
Câu thứ nhất: t T b B t T
thứ nhì:          b B t T b B
thứ ba:           b B t T b B
thứ tư :           t T b B t T
Lưu ý: Câu đầu và câu cuối theo một luật vì hai câu ấy đều gieo vần trắc; hai câu giữa đều theo một luật vì hai câu ấy đều gieo vần bằng.

Lời chú: 
1. Khổ xếp chỉ có ba câu thì theo luật của ba câu đầu kể trên
2. Những câu 5-6 và những câu khác trong bài hát nói, nếu đặt thành câu thơ, thì phải theo đúng luật thơ ngũ ngôn hoặc
thất ngôn.
3. Những câu 6 chữ theo đúng luật kể trên. Còn những câu dài hơn 6 chữ thì, đói với việc ứng dụng luật ấy, phải chia làm ba đoạn con, mỗi đoạn 2 chữ, hoặc 3, 4 chữ hay dài hơn nữa. Trong mỗi đoạn, chỉ kể chữ cuối là phải theo luật bằng
trắc, những chữ trên gác ra ngoài không kể, muốn đặt tiếng gì cũng được .
4. Những câu 4, 5 chữ chỉ chia làm hai đoạn thì đoạn thiếu là đoạn đầu không kể, còn hai đoạn dưới theo đúng luật.
Thí dụ:
Câu đầu bài Chơi thuyền Hồ Tây của Nguyễn Khuyến:
Thuyền(b) lan(b) nhẹ(t) nhẹ(t).
Câu đầu bài Cái thú say rượu của Nguyễn Công Trứ (?)
Say (b) chưa?(b) say(0) mới(t) thú(t).
5. Những câu lấy chữ sẵn không theo đúng luật bằng trắc. Thí dụ: Câu thứ hai của khổ xếp trong bài "Mộng Sự Với Chân Thân (Thú Nhàn?)" của Cao Bá Quát
.....
Gõ nhịp lấy đọc câu "Tương Tiến Tửu
Quân bất kiến Hoàng hà chi thủy thiên thượng lai. Bôn lưu đáo hải bất phục hồi.(*)
Làm chi cho mệt một đời
(*) Câu này là câu lấy chữ sẵn ở trong bài Tương tiến tửu của Lý Bạch)

Lời chú:
"Lệ gieo vần và luật bằng trắc tuy như đã kể trên, nhưng một đôi khi nhà làm văn không theo đúng hẳn cũng được, miễn là câu đặt có thể hát lưu loát thì thôi."

II. Dôi khổ ( Dư Khổ)
Cách làm bài hát nói dôi khổ.
Trong những bài dôi khổ, khổ đầu, vẫn ở trên, khổ xếp vẫn ở dưới, còn khổ giữa thì làm dôi ra thành hai ba khổ hoặc nhiều hơn nữa tùy ý.
Trong những khổ dôi ra, số câu, số chữ, cách gieo vần và luật bằng trắc cũng theo như các khổ chính.
Thí dụ: Phong cảnh Hương Sơn của Chu Mạnh Trinh

Mưỡu:

Đàn thông phách suối vang lừng,
Cá khe lắng kệ, chim rừng nghe Kinh.
Hát nói:
Bầu trời, cảnh bụt,
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay.
Kìa non non, nước nước, mây mây,
Đệ nhất động hỏi là đây có phải?

Thỏ thẻ rừng Mai chim cúng trái,
Lững lờ khe Yến cá nghe kinh.

Thoảng bên tai một tiếng chày kình,
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.
Này suối Giải Oan, này chùa Cửa Võng,
Này am Phật Tích, này động Tuyết Quynh.
Nhác trông lên, ai khéo vẽ hình:
Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt.
Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt,
Chập chờn mấy lối uốn thang mây.
Chừng giang sơn còn đợi ai đây,
Hay tạo hoá khéo ra tay sắp đặt?

Lần tràng hạt niệm "Nam mô Phật",

Cửa từ bi công đức biết là bao.Càng trông, phong cảnh càng yêu!

III. Thiếu khổ

Những bài thiếu khổ. Một đôi khi bài hát nói thiếu hẳn đi một khổ, thường là khổ giữa, chỉ còn lại có 7 câu.
Thí dụ:        
Tiễn Biệt

Ngán cho nỗi xoay vần thế cục,
Sum họp này chả bỏ lúc phân ly!
Hởi ông tơ! Độc địa làm chi!
Bắt kẻ ở người đi mà nỡ được!
Thôi đã trót cùng nhau nguyện ước,
Duyên đôi ta chẳng trước thì sau,
Yêu nhau nhớ lấy lời nhau!

Cung Thúc Thiêm

IV. Mưỡu
Định nghĩa.


Mưỡu là những câu làm theo thể lục bát đi kèm với bài hát nói, hoặc ở trên (mưỡu đầu), hoặc ở dưới (mưỡu hậu).
Không phải bài hát nói nào cũng có mưỡu; có nhiều bài không có. Lại có bài chỉ có mưỡu đầu hoặc mưỡu hậu; có bài có cả mưỡu đầu và mưỡu hậu.

Mưỡu Đầu.
Mưỡu đầu có thể đặt một cặp câu lục bát (Mưỡu đơn) hoặc hai cặp câu lục bát (mưỡu kép). Những câu mưỡu đầu bao giờ cũng đặt trùm trên bài hát nói. Câu mưỡu cuối không phải hiệp vần với câu đầu bài hát nói.
Bài "Phong Cảnh Hương Sơn" ở trên hai câu Lục Bát chính là Mưỡu Đầu Đơn

Mưỡu hậu.
Mưỡu hậu bao giờ cũng là mưỡu đơn. Mưỡu hậu thường đặt ở câu xếp và câu keo; nhưng cũng có khi đặt ở dưới câu keo, nghĩa là đặt hẳn xuống cuối bài hát nói. Nếu hai câu mưỡu hậu đặt xen vào giữa câu xếp và câu keo, thì câu lục phải ăn vần với câu xếp ở trên mà câu bát phải buông vần xuống cho vần câu keo ở dưới bắt vào. 

Thí dụ: Mẹ Mốc của Nguyễn Khuyến

So danh giá ai bằng mẹ Mốc,
Ngoài hình hài, gấm vóc chẳng thêm ra; 
Tấm hồng nhan đem bôi lấm xoá nhoà, 
Làm thế để cho qua mắt tục. 
Ngoại mạo bất cầu như mỹ ngọc, 
Tâm trung thường thủ tự kiên kim 
Nhớ chồng con muôn dặm xa tìm, 
Giữ son sắt êm đềm một tiết. 
Sạch như nước, trắng như ngà, trong như tuyết,  
Mảnh gương trinh vằng vặc quyết không nhơ, 
Đắp tai ngảnh mặt làm ngơ,
Rằng khôn cũng kệ, rằng khờ cũng thây. 
Khôn kia dễ bán dại này!

Ngoài ra, một bài hát nói có thể vừa có mưỡu đầu và mưỡu hậu.

Huỳnh Hữu Đức
Theo "Việt Nam Văn Học Sử Yếu" của Dương Quảng Hàm.

Phút Thanh Thản Nơi Chùa Hoa Yên - Việt Nam













Trần Anh Dũng 
( Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp - NK 1972)

An Bày


Tuyết điểm đầu xanh chửa hết sầu
Đường trần thiết nghĩ chẳng bao lâu
Chia nhau một chút niềm cô quạnh
Sẻ bớt ưu tư lắm chuyện rầu
Sức khoẻ như đèn treo trước gió
Nhân sinh há biết lúc cơ cầu
Đường đời kết nghĩa nương nhau sống
Cái kiếp làm người lắm bể dâu

Cái kiếp làm người lắm bể dâu
Bên nhau mấy nỗi được như cầu
Buông xuôi nhẹ hẳn lòng thanh thản
Nghĩ tới buồn thêm dạ phát rầu
Hết nợ đường tình đành rẽ lối
Còn duyên níu kéo hẵn dài lâu
Căn cơ số phận an bày sẵn
Tuyết điểm đầu xanh chửa hết sầu

Vanessa Le

Tuyết Lạnh



Tuyết trắng ướp chưa tròn ước nguyện
Thiên đàng tình ngoe nguẩy ra đi
Cỏ khô lạnh ôm ghì chân nhỏ
Thánh ý buồn bày tỏ lương duyên

Thoát thai hóa bướm hiền ong mật
Thật trăng cao không khuyết nửa vành
Xanh đồi cỏ lửa thiêu từ " Mất "
Thần thoại tình cất mái lều tranh

Nắng chiều lơi lã mành buông thắm
Đắm đuối hương xưa bỏ ngõ lòng
Gió mênh mông dòng sông xanh biếc
Mơn man tình tuyết lạnh băng tan

Canh tàn giục khúc âm ba đổ.....
Thế gian ơi! Sao lắm khổ cuộc tình

Pleiku 28-8-2009
Lê Kim Hiệp

Nguy Hiểm Của Trời Lạnh

Trời Lạnh Ghê!
Hàng năm chúng ta lại nhắc nhở nhau chớ có coi thường Tử Thần khí lạnh của thu, đông. Hắn hại ta nhiều cách: mưa lũ, bão tuyết gây tai nạn ở nhà, trên đường, làm mất điện, v.v., và còn dùng ngay cái băng giá của hắn khiến ta khốn quẫn.


Khí lạnh giết người

Ở Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh (Centers for Disease Control and Prevention) cho biết mỗi năm, Tử Thần mùa lạnh đến bắt đi nhiều trăm người.
Ta mất mạng nếu nhiệt độ của cơ thể xuống thấp hơn mức có thể chịu đựng (hypothermia). Bình thường, nhiệt độ cơ thể ta (thân nhiệt) 98.6 độ F. Khi tiếp xúc với môi trường lạnh bên ngoài, cơ thể ta chống lại khí lạnh bằng nhiều cách, tạo thêm nhiệt để duy trì thân nhiệt. Nhưng nếu lạnh quá sức chịu đựng, nhất là trong môi trường ẩm ướt như lúc trời mưa bão, các cơ chế chống lạnh của cơ thể ta không còn hữu hiệu, thân nhiệt hạ thấp dần.

Khi thân nhiệt xuống đến 95 độ F (tức 35 độ C), nguy hiểm bắt đầu. Thân nhiệt xuống thấp thế sẽ làm thay đổi chức năng của các màng tế bào, dịch trong tế bào thoát ra ngoài, hoạt động của các diếu tố (enzymes) xáo trộn, những chất điện giải trong người ta cũng mất đi sự cân bằng. Tế bào sẽ chết vì các tổn thương này, và cũng vì hiện tượng nước đóng đá tại trong và ngoài tế bào.
Tình trạng thân nhiệt hạ thấp như vậy có thể gây do việc ta ở ngoài trời lạnh lâu quá, nhất là nơi nhiều gió máy. Ngay cả việc tiếp xúc quá lâu với nước hay chất kim loại (metal), những thứ dẫn truyền hơi lạnh, cũng khiến cơ thể ta mau thất thoát nhiệt, thân nhiệt dễ hạ thấp. Trong nhà có sưởi ấm áp, khô ráo, ta thường không có vấn đề, trừ khi rủi bị cúp điện nên sưởi tắt.

Tuổi tác, một số bệnh tật và thuốc dùng khiến ta dễ thành mồi ngon cho Tử Thần mùa lạnh. Người kém may mắn, không nhà không cửa cũng vậy, điều này chúng ta dễ hiểu.
Những thay đổi của cơ thể khi cao tuổi có thể làm chúng ta không cảm thấy lạnh nhiều để lưu tâm đề phòng. Các bệnh suy tuyến giáp trạng (hypothyroidism), suy tuyến thượng thận (adrenal insufficiency), bệnh tâm thần, các bệnh nhiễm trùng, tình trạng suy dinh dưỡng, đường xuống thấp trong máu khiến ta đầu hàng khí lạnh dễ dàng hơn. Một số thuốc dùng (beta-blockers, clonidine, meperidine, neuroleptics, general anaesthetic agents, …) có thể cản trở các cơ chế giúp cơ thể ta đối phó với môi trường lạnh chung quanh. Rượu cũng thế.

Triệu chứng

Tùy thân nhiệt xuống thấp đến mức nào, triệu chứng sẽ nhẹ hay nặng.
Khi thân nhiệt xuống thấp từ 90 đến 95 độ F (mild hypothermia), chúng ta run, tim ta đập nhanh, đồng thời hơi thở cũng dồn dập, chân đi không vững, nói năng không còn lưu loát, và trí óc bắt đầu mất sáng suốt.

Khi thân nhiệt xuống thấp hơn, từ 82 đến 90 độ F (moderate hypothermia), lúc đó mạch sẽ chậm đi, tim bơm máu không còn hữu hiệu, máu đến thận kém đi, hơi thở chậm, óc càng thêm mất sáng suốt, các phản xạ giảm đi, và ta không còn run để tạo nhiệt được nữa. Tim có thể bắt đầu thất nhịp.
Khi thân nhiệt xuống dưới 82 độ F (severe hypothermia), tim đập càng chậm, phổi sẽ ứ nước, áp huyết hạ, tiểu ít, các phản xạ mất hẳn, óc đi vào hôn mê, tim thất nhịp và rồi ngừng đập.

Ngoài ra, khí lạnh cũng dễ gây hiện tượng tổn thương tại chỗ gọi là “khí lạnh cắn” (frosbite). Khí lạnh làm các mạch máu ngoại biên co thắt (vasocontriction), lượng máu đến nuôi các vùng ngoại biên như tai, mũi, má, ngón tay hoặc ngón chân ít đi. Càng lạnh, các mạch máu ngoại biên co thắt càng nhiều. Đến một lúc, tai, mũi, má, ngón tay hoặc ngón chân, không có đủ máu nuôi nên chết. Vùng bị frostbite đầu tiên tái, bóng như sáp (waxy), song không đau hay khó chịu mấy. Sau đó, những hiện tượng giống như bị bỏng lửa xảy ra: da đỏ, sưng lên, nổi những bọng nước. Nặng hơn, da chết dần, thâm đen, rồi các bắp thịt, gân (tendons), xương và thần kinh phía dưới da cũng tổn thương, chết theo. Thăm khám một người thân nhiệt xuống thấp vì khí lạnh, chúng ta nên khám kỹ, tìm cả những vùng dễ bị khí lạnh cắn.

Các vị cao niên có khi không than là cảm thấy lạnh, dù họ đang trong tình trạng nguy hiểm. Các cụ cũng có thể không run vì lạnh. Nên nếu có các cụ trong nhà, bạn để ý các dấu chứng báo động sau ở các cụ:
- Cụ có vẻ mất sáng suốt hoặc buồn ngủ bất thường
- Cụ nói chậm hẳn đi, không rõ tiếng, hoặc hơi thở cụ nông
- Mạch cụ yếu, áp huyết xuống thấp
- Thấy cụ có vẻ thay đổi cách hành xử hoặc dáng vẻ trong thời tiết lạnh
- Cụ phản ứng chậm chạp hoặc có vẻ như khó điều khiển các cử động của cơ thể
- Cụ than cứng tay hoặc chân (stiffness of arms or legs)

Thấy những dấu chứng báo động trên, bạn thử lấy nhiệt độ của cụ xem sao. (Nhà lúc nào cũng nên có cây lấy nhiệt độ.) Nếu thấy nhiệt độ của cụ dưới 96 độ F, bạn gọi 911. Sự chữa trị các trường hợp thân nhiệt xuống thấp vì lạnh thường phải trong môi trường bệnh viện, với sự theo dõi thường xuyên.
Trong lúc chờ xe cứu thương đến, bạn giữ cụ ấm và khô, dùng mền, khăn, hoặc áo khoác đắp lên cụ. Nhiệt từ chính cơ thể bạn cũng tốt, bạn có thể nằm gần cụ cho cụ thêm ấm. Tránh đừng chà xát tay, chân cụ, vì da các cụ có tuổi rất nhạy cảm và dễ tổn thương.

Chống khí lạnh

Như vậy, để tránh nguy hiểm do khí lạnh, vui hưởng lễ lạc mùa này, và còn có dịp nhìn thấy cỏ cây thay áo mới trong mùa xuân tươi mát, ta cẩn thận:

- Trong nhà cần có sưởi, chúng ta chẳng nên tiếc tiền sưởi, ngày ra vào co ro, đêm khó ngủ, có khi còn nguy hiểm. Các vị cao niên nên để sưởi ít nhất cũng khoảng 68-70 độ F. Mền điện cũng là cách tốt giúp ta ấm áp ban đêm trong giường. Lỡ nhà có mất điện, không dùng sưởi được, nên thu xếp đến ở với ai có sưởi.

- Mỗi lần nảy ý định đi đâu ra khỏi nhà lâu, mở radio, truyền hình, hoặc đọc báo xem tin thời tiết. Song đừng đặt hết lòng tin vào họ, những người giữ việc tiên đoán thời tiết, nên bi thảm hóa tình thế thêm một chút, vì nào ai biết rõ ý Trời, trời có thể bất ngờ trở lạnh hơn họ tiên đoán, có khi còn mưa nữa đấy.

- Ăn mặc ấm áp. Nên mặc quần áo chống lạnh có nhiều lớp (layered, insulated clothing), ít bị ẩm (bằng polypropylene hay len), và lót một lớp chống gió bên ngoài (windproof outer layer). Nếu không có loại quần áo đặc biệt này, ta mặc nhiều lớp quần áo rộng rãi, các lớp quần áo giúp giữ không khí ấm áp giữa chúng. Luôn nhớ mang theo đồ đi mưa, phòng khi trời trở, mưa bất ngờ. Nếu có thể thu xếp, nên tránh ra ngoài khi trời đang giông bão.

- Giữ quần áo cho khô. Quần áo ướt mất khả năng giữ nhiệt của chúng, và cùng với gió, chúng khiến ta mau bị lạnh, run. Đi đâu về lỡ gặp mưa, ta thay ngay quần áo khô, ấm.
- Đội mũ hay quàng đầu cho ấm. (Bạn có biết, đến 30-50% thân nhiệt của ta bị mất qua da đầu.) Cẩn thận mang thêm cả găng tay.

- Tránh đừng hăng, vận động quá đáng, chảy mồ hôi nhiều. Khi ta chảy mồ hôi, mồ hôi bốc hơi và làm cơ thể mất bớt nhiệt.

- Tìm chỗ trú nếu thấy lạnh, hay tự làm một chỗ trú để tránh khí lạnh (trường hợp ở trong rừng,…). Nếu cần, nên đốt lửa lên để sưởi ấm.

- Ăn và uống nhiều hơn trong mùa lạnh. Mang theo thức ăn chứa nhiều năng lượng (như những thỏi kẹo candy bars, trail mix), khi ra ngoài vào những lúc mà thời tiết có vẻ bất thường, ta không biết rõ lòng Trời. Nhưng nhớ tránh dùng rượu, nhất là lúc trước khi đi ngủ. Rượu cho ta cảm giác ấm hơn thực đấy, song nó làm nở những mạch máu gần ngay dưới da, khiến nhiệt trong người ta thất thoát qua những mạch máu này nhanh và nhiều hơn.

Ở những tiểu bang tuyết giá, ta cũng nhớ sửa soạn xe cộ, và hết sức cẩn thận khi lái trên những con đường tuyết đã đóng thành đá để tránh tai nạn. Có cái điện thoại di động trong người phòng khi hữu sự, xe chết máy, gặp tai nạn, lao xuống hố, v.v., là một bảo đảm rất tốt.
Đi ngoài đường trơn trượt, nên mang giầy loại tốt, có đế cao su bám đường giúp đỡ té ngã. Vồ ếch, té ngã chỏng gọng dễ gãy xương. Các vị có tuổi khi ngã dễ gãy xương hông (hip fracture), có thể đưa đến tử vong.

BS Nguyễn Văn Đức
Yên Đỗ sưu tầm

Thứ Ba, 6 tháng 1, 2015

Bến Xưa


Mỗi dịp dừng tay đỗ bến xưa
Trò em tha thiết nỗi mong chờ
Rực rỡ nền trời câu nhất tự
Lung linh bảng phấn dạng Âu Cơ

Rồi lúc thanh nhàn tách bến xưa
Nhìn mây hỏi gió đến bao giờ
Trò em vâng dạ ngày xưa ấy
Công đức huy hoàng được mấy chưa?

Lê Tương Ứng
(Trong dịp Thầy dự buổi Họp Mặt CHS Tống Phước Hiệp VL ngày 14-12-2014)


Đếm Nhịp Thời Gian - Gọi Người Yêu Dấu


Ta ngồi đếm nhịp thời gian
Em lại đi giữa ngỡ ngàng chiều đông
Trong tận cùng nỗi mênh mông
Đời phù du bụi mưa hồng lãng quên

Gió tung mái tóc ưu phiền
Sương mùa điểm trắng chiều nghiêng ngại ngần
Dòng sông tình tự có lần
Trôi vào hư ảo , vọng ngân kinh chiều

Tim ta sau trước một điều
Từ trong tiền kiếp đã yêu em rồi
Mùa trăng trôi nổi bồi hồi
Lung linh em bước lên ngôi mê tình

Về thiên thu đó bóng hình
Trầm luân hồ mị, lời kinh úa vàng
Chiếu chăn còn dấu địa đàng
Sầu dâng khô cạn nỗi mê man đời

Khiếu Long
***


Gọi Người Yêu Dấu 

Trầm chuông đọng cõi nhân gian
Vô thường nhịp gõ theo làn gió đông
Giang tay đứng giữa trời không
Gọi người yêu dấu bên giòng nhớ quên

Tóc buông sợi nhớ bạc phiền
Tương tư chiếc nụ sầu nghiêng ánh ngần
Mộ lòng khép kín tự lần
Lời kinh khắc khoải vọng âm nẻo chiều

Trọn tim em chỉ một điều
Thiên thu tiền định lỡ yêu mất rồi
Thân trôi vạn kiếp luân hồi
Có nhau từ thuở ban sơ bén tình

Chúng mình như bóng với hình
Tình thơ nghĩa thắm trung trinh đá vàng
Trăm năm lạc lối thiên đàng
Hương nguyền giao phối chứa chan mộng đời...

PTMC
Tiểu Vũ Vi
07/12/14

Bỏ Làng Ra Đi-Nhạc PhạmThế Mỹ,Ca sĩ Xuân An,Họa sĩ Đặng Can-VĩnhLong

Cảm ơn anh Anh Đặng Can, những nét vẽ của anh đã ghi lại những kỷ niệm êm đềm nơi dòng sông bến cũ, mái nhà xưa của Vĩnh Long một thời đã xa..... Kính tặng Họa sĩ Đăng Can, Trang nhà Cánh Đồng Truyền Giáo và Chúc Một Năm Mới 2015, An bình, sức khoẻ cùng vạn sự may lành.


Sáng Tác: Bỏ Làng Ra Đi ( Mai Này Tôi Trở Lại)
Nhạc Sĩ: Phạm Thế Mỹ
Ca Sĩ: Xuân An (Trước năm 1975)
Trang Vẽ: Họa Sĩ Đặng Can - Vĩnh Long
Thực Hiện: Kim Oanh


Vui Sống


Gẫm lại thì mình tuổi đã cao
Nhưng đời mong giữ đẹp muôn màu.
Tâm hồn nghệ thuật còn lai láng
Cảm hứng thi ca vẫn dạt dào.
Vui với bạn bè khi xướng họa
Bạn cùng mây nước lúc tiêu dao.
Mặc ai chen chúc đường danh lợi
Ta chẳng quan tâm một chút nào 

Los Gatos (10/11/14)
Quang Tuấn

Bôi Giang Phiếm Chu Tống Vi Kim Quy Kinh - Đỗ Phủ


Bôi Giang Phiếm Chu Tống Vi Kim Quy Kinh

Truy tiễn đồng chu nhật
Thương xuân nhất thủy gian
Phiêu linh vi khách cửu
Suy lão tiện quân hoàn

Hoa tạp trùng trùng thụ
Vân khinh xứ xứ san
Thiên giai cố nhân thiểu
Cánh ích mấn mao ban


Đỗ Phủ
* * *
Dịch Xuôi:
Lênh Đênh Cùng Thuyền Trên Sông Bội Đưa Tiễn Vi Kim Về KInh

Nhớ ngày cùng thuyền đi một đoạn đường tiễn bạn
Trên sông nước mênh mông trong một trời xuân buồn
Nối trôi làm khách lâu rồi ở nơi đất khách
Tuổi già suy yếu mừng cho nhau còn được trở về chốn cũ phố xưa

Hoa dại nở rộ đầy rừng
Mây bay giăng giăng khắp núi
Ven trời từ nay thiếu vắng cố nhân
Râu tóc chắc lại càng thêm bạc trắng loang lổ cằn cỗi

Phạm Khắc Trí 
* * *
Lênh Đênh Thuyền Tiễn

Ngày tiễn thuyền xuôi nước
Xuân buồn nặng nỗi quê
Tuổi xanh mòn đất khách
Đầu bạc mừng nhau về

Hoa dại đầy rừng vắng
Mây bay ngập núi cao
Ven trờI nay thiếu bạn
Tóc rối mờ trăng sao

Phạm Khắc Trí  
12/01/2014

Lời Thêm: Họp tan tan hợp, lẽ thường tan rồi sẽ hợp. Nhưng xa nhau rồi mà không mong gì nữa gặp lại. Ôi chao, đầu bạc, xứ người , đêm trường , cô tịch , tóc rối mờ trăng sao

Thứ Hai, 5 tháng 1, 2015

Bây Giờ, Ngày Hôm Nay ( Thẻ Học Sinh Tống Phước Hiệp NK 62-69)



Bao nhiêu năm mới trở về
Bên Thầy, bên Bạn tràn trề niềm vui
Ôi! Ơn Thầy - Tình bằng hữu
Tóc bạc pha sương: tình càng thắm
Má hóp nhăn nheo: Nghĩa vẫn tròn
Răng rụng lưa thưa: còn vài cái
Thế mà thương lắm! Đẹp làm sao!
Nói làm sao hết bạn hiền ơi!
Phượng thắm, tình son thuở thiếu thời.
Về đây mới biết tình chưa dứt
Nho nhỏ trong tim những bóng hình!

Bạch Tuyết
(Viết cho lần Họp Mặt CHS Tống Phước Hiệp NK 62-69 ngày 14-12-2014)

Họp Mặt Lần 6 Của Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp NK 1962-1969- Phần 1


Thành Phần Khách Mời
Trong lần họp mặt lần thứ 6 này, Ngoài những Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp Vĩnh Long Niên Khoá 1962-1969, còn có sự hiện diện của Quý Thầy và Bạn :
Thầy Lê Minh Thuận , thầy Lê Tương Ứng, thầy Lê Quang Liêm, Thầy Lê Thiện Quí, Thầy Nguyễn Nhã, Thầy Nguyễn Bá Tường đương nhiệm Hiệu Trưởng trường Lưu Văn Liệt, Anh Trần Ngọc Tuyến.

Ngọc Hoa, Thế Lang, Mui, Tuyết Nga, Sương, Hồng,Hạnh 49.
Từ Trái sang phải:
Hàng đứng : Thơ, Mui, Điệp (Lê), Thầy Nhã, Hồng, Tuyết Nga.
Hàng ngồi : Ngọc Hoa, Bạch Tuyết, Sương.
Hàng đứng : Ngọc Hoa, Thơ, Mui, Hồng, Thầy Nhã, Tuyết Nga.
Hàng ngồi : Đức, Bạch Tuyết, Sương.
Từ trái sang phải : Thầy Quí, Thầy Thuận, Thầy Nhã, Thầy Liêm.
Thầy Tường, thầy Ứng, thầy Quí, thầy Thuận.
Từ trái sang phải : Phụng (Lưu), Thông, Mẫn, thầy Tường, thầy Ứng.
Thầy Thuận, thầy Nhã, thầy Liêm, Đức, Thới.
Hên, Khanh, Hiền, Định.
Xuyên, Tuyến, Hiếu, Xuân.
Hạnh 49, Lệ Tuyết, Mỹ, Phỉ.
Thế Lang, thầy Ứng, Khải (Dương)
Sương, Duyên, Chí Thanh,Ánh, Chúc.
Thầy Thuận, thầy Nhã đang quay hình, thầy Liêm.
Phía sau, Thơ và Đức đang trao đổi chương trình trong buổi tiệc.
Bạch Tuyết, Trường, Hồng, Chi.
Ngọc Hoa (đứng) và Bạch Tuyết (ngồi) đang chuẩn bị máy để tác nghiệp!
Thơ (đứng phía sau Tuyết), Phỉ (mặc áo xanh) .
Thông, Mẫn, Tường, Khai.
Thới, Phụng, Thông, Mẫn, Khai.
Thầy Quí, thầy Thuận, thầy Nhã, thầy Liêm.
Phía sau là thầy Ứng, Chí Thanh và Điệp (Lê).
Thới, Phụng, Thông, Mẫn.

Huỳnh Hữu Đức