Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

Lời Người Ngoại Đạo


Ngày xưa sao hạn một thời
Bởi con ngoại đạo ngõ lời yêu em
Cũng từng quì gối đã thèm
Lâm râm khấn vái Chúa đem con về
Xa rời một kiếp u mê
Theo chân Chúa nạn nhiêu khê chẳng sờn
Chúa ban cứu chuộc hồng ơn
Cho con thoát khỏi cô đơn đường tình
Hằng năm nhớ đến Giáng Sinh
Chúng con dìu dắt luôn tin tưởng đời

Lê Kim Hiệp

Thơ Vui Cảm Tác: Đóa Quỳ


Đóa Qùy

Một sáng ra thăm đóa dã qùy
Sương mai còn đọng hạt lưu ly
Cũng màu sắc thắm khoe duyên ấy
Rộn rã con tim thuở dậy thì



Kim Phượng
***
 Dã Qùy




Ờ, đọc bài thơ Đoá Quỳ, anh có cảm tác một bài nè:

Anh ước hoá thân một "Quỷ Già" (*)
Mỗi ngày em đến gặp như hoa
Cho vơi nhung nhớ vì xa cách
Được thấy mắt đầy vẻ thiết tha


Quên Đi

(*) Âm nói láy của Dã Quỳ. Hay chưa
***
"Dĩ Hòa"


Ừa, em đọc xong cũng cảm tác nè

Em ước hoá Tiên để "dĩ hoà" *
Mỗi ngày miệng nở nụ cười hoa
Cho hai anh chị đừng cải cọ
Để đời tươi đẹp chớ có la 


(*) Âm nói láy của Dã Quỳ. Hay chưa hi...hi....
Kim Oanh

Thơ Tranh: Em Mơ Một Đóa Quỳnh


Tranh Vẽ: Họa Sĩ Thanh Trí
Thơ: Mai Xuân Thanh
Thơ Tranh: Kim Oanh

Xướng Họa: Giữ Ngọc Cho Nhau


Giáo già tuổi đời lụm cụm
Lưng còng năm tháng đẩy đưa
Nghễnh ngãng mắt mờ chân chậm
Ngu ngơ sáng nắng chiều mưa
Mỗi năm một lần họp mặt
Bạn quí trò yêu khắp nơi
Ròn rã tiếng cười cởi mở
Mừng vui nói sao nên lời
Bạn quí vẫn như thuở trước
Trò yêu vẫn như ngày nào
Thời gian trôi qua nhanh quá
Thương nhau biết nói làm sao
Tội lắm danh hờ tiếng hão
Tình xưa nghĩa cũ thâm sâu
Phải quấy nỗi đời đen trắng
Gìn vàng giữ ngọc cho nhau

Lời Thêm : "Gìn vàng giữ ngọc" chữ nghĩa lấy trong Truyện Kiều - Nguyễn Du ."Gìn vàng giữ ngọc cho hay / Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời ". Vàng ngọc ở đây ý nói về tình đồng môn , nghĩa sư đệ có được của các cựu học sinh và cựu giáo chức 2 trường Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm Cần Thơ ở hải ngoại , thể hiện qua các buổi họp mặt hàng năm và phát hành đặc san kỷ niệm ,sau gần 20 năm qua ở một số tiểu bang Hoa Kỳ, Canada , và Úc Châu. Họp mặt thường niên năm nay được tổ chức vào ngày 10/10/2014 tại Phoenix, Arizona. Cầu chúc quí anh chị em mấy ngày họp mặt thật vui ,như mấy năm trước đây, trong tình đồng môn nghĩa sư đệ , tiếp tục gìn giữ được cho nhau mối thân tình đã có từ bấy lâu nay, coi nhau như anh chị em một nhà, và...gìn vàng giữ ngọc cho nhau. Vâng, chỉ muốn được như vậy thôi. PKT 09/18/2014

Phạm Khắc Trí
*** 
Tình Bạn Văn Thơ Cuối Đời
( Họa bài Gìn Vàng Giữ Ngọc của Thầy PKT )

Đã qua quãng đời co cụm
Thơ viết không người nhận, dưa
Niềm vui thường luôn đến chậm
Như nắng hừng lên sau mưa
Bạn quí cuối đời gặp mặt
Bao năm xa cách đôi nơi
Vườn thơ chân tình rộng mở
Ngại ngùng chẳng thốt ra lời
Mà lại như quen từ trước
Kỷ niệm mới buổi hôm nào
Thời gian qua đi chóng quá
Tuổi già nhưng cũng có sao
Đọc thơ, cùng cười : " Hảo, hảo ! "
Nghĩa tình thoắt đã nặng sâu
Chứa chan quãng đời tóc trắng
Niềm tin gởi trọn về nhau ...

Phương Hà
( 04/10/2014 )
 *** 
Buồng Tim Rộng Mở

Ô hay ! ngoài bảy cụm
Thời gian như thoi đưa
Cái già không chầm chậm
Thê thãm những chiều mưa

Mong đến ngày họp mặt
Bạn bè cũ muôn nơi
Những buồng tim rộng mở
Những ánh mắt muôn lời

Tình sắc son sau trước
Tha thiết tự thuở nào
Như kim cương đẹp quá
Lấp lánh tựa ngàn sao

Không có gì tuyệt hão
Nhưng tình thì thâm sâu
Đẹp sao mái tóc trắng
Má hóp cười bên nhau!

Mailoc

Cali 10-04-14
*** 
 Ký Ức Một Thời

Thoáng quay lại những ngày xưa
Thời gian chảy ngược trôi đưa
Cậu học trò từng lí lắc
Nhưng ưa mộng những ngày mưa
Đã trở thành ông giáo trẻ
Đem dăm chữ rải nơi nơi
Tánh tình hầu như thay đổi
Câu nói giữ kẽ từng lời
Theo tác phong nhà mô phạm
Không buông thả như thuở nào
Để làm gương cho tốp nhỏ
Bạn bè chẳng hiểu vì sao
Mình hiên ngang trong nghiệp giáo.
Thế rồi kỷ niệm chìm sâu
Ký ức đi vào quên lãng
Đôi dòng thố lộ cùng nhau...

Quên Đi

Nhớ Nguyễn Hữu Nhật

 


Một lần bắt tay hẹn ngày tái ngộ
Nhiều dịp điện đàm mong ước đoàn viên
Nguyễn Huynh ơi ! Còn đó chuyến nhân duyên
Đất Mỹ, trời Âu đôi miền cách trở

Ai quên được thuở "Hoa Đào Năm Ngoái"*
Những ân tình thắm thiết " Hai Chị Em"*
Hồn Văn Thơ, nét vẽ ...hãy còn nguyên
Vòng cát bụi đành hiện tiền, khuất núi

Thơ Tỷ, Huynh tặng...Đệ in sách mới
Chưa kịp gửi đi đã hết đợi, thôi chờ
Nhận hung tin...lòng chết lặng, sững sờ
Tuôn nước mắt thay dòng thơ bật khóc

Đời cọ vẽ, đời thơ văn tinh lọc
Sẽ nghìn năm Văn Học sử lưu truyền
Nguyện Hương Linh an ngự cõi tịnh yên
Nụ cười ánh mắt từng an bình cõi tạm

Nén hương lòng Đệ vẽ vòng mây xám
Trời đang Thu hồn lá phả sương mù
Sống anh hùng, năm tháng chỉ phù du
Thắp hồi ức tiễn Huynh về miên viễn

Phạm Tương Như
12/15/2014
 

Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2014

Khi Em Về

 
 

Khi em về trời xanh và gió mát
Con đường mòn thơm lá mục quê hương
Vườn cải ngồng đỗ ong bướm về sân
Anh nằm đấy buổi trưa và tiếng nắng

Mặt đất mềm bước chân em chợt nặng
Lá tre vàng dồn thổi mùa thu đi
Luống huệ ấy xòe những vồng hoa trắng
Và đầy thềm lá rụng liếp phên che

Quê mẹ đấy ưu phiền nhiều quá lắm
Hàng cau già mo thương bẹ quắt queo
Anh nằm đếm những ngày rồi những tháng
Đi qua dần khi nước mắt buông theo

Kỷ niệm cũ vẫn còn nguyên vẹn đó
Trời tháng giêng, tháng bảy buồn như nhau
Gió vẫn thơm mùi hoa bưởi, hoa ngâu
Rồi tết đến, rồi lòng anh nhớ quá

Khi em về bước xưa chừng xa lạ
Và cỏ hoa tất cả đã vắng im
Giấc ngủ ấy một đời anh ao ước
Từ máu mình hoài rứt khỏi đường tim

Em đừng khóc, đừng buồn, đừng nhìn nữa
Cứ cúi đầu, cứ thế, rồi ra đi
Trời sẽ tối, tiếc thương rồi sẽ hết
Và dấu giầy mai sẽ lá sương che

Nguyễn Đình Toàn
(Suối Dâu sưu tầm)


Nghệ Thuật Vẽ Tranh Trên Đường Phố Ottawa - Canada 2011

Trong chuyến đi du lịch, Canada thăm gia đình chị thứ Năm, anh chị đưa em gái đi dạo phố.
Trời Oattawa trong veo và gió mát, cây xanh phủ khắp phố phường. Nhưng cũng bất chợt tìm được chiếc lá vàng sót lại trên lối đi của những bậc thang.
Thật tuyệt vời!!!!
Người nhặt lá đi xa nhớ mãi
Giữ trong tim ấp ủ đường dài
Mộng với thực vàng phai lưu luyến
Màu thời gian khắc khoải... hương nguyên.

Em tặng anh chị Năm - Kỷ niệm 8/2011 


 Người ơi chẳng thấy mặt người
Xin đừng che lá hãy cười cùng tôi ....Hi..hi..hi..

 "Cô vô tình lắm nhe! Cứ lo làm điệu nhìn ống kính, trong khi tôi tha thiết nhìn cô"
Có phải Tôtô nói thầm vậy không? Hi...hi....
" Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em......"

Kim Oanh

Hướng Về Anh


Hướng về anh! Hãy hướng về anh
Nghe tiếng thơ ru giấc ngủ lành
Nghe nguồn lửa hạ truyền hơi ấm
Để tóc xuân chiều vẫn mãi xanh

Để những chiều thu mưa đổ tuôn
Em không nghe tiếng lá rơi buồn
Anh gom lá ủ se trời lạnh
Chút lạnh nhẹ nhàng giấc ngủ suông!

Để lúc tàn đông giá xuống mau
Em nương lẫn tránh bóng đêm sầu
Anh nhen lửa sưởi lòng sương phụ
Dỗ giấc say nồng, mộng lắng sâu

Để buổi vào xuân thanh thản trông
Ngàn hoa khoe sắc rạng vầng hồng
Lòng ta khơi dậy niềm hy vọng
Rũ sạch u buồn dệt ước mong.

Em hãy vững tin vào ước nguyện
Lòng anh thanh bạch giữa không trung
Quê hương ta hai mùa mưa nắng
Nhưng lòng anh chỉ một lấm lòng.

Nguyện thề son sắt thủy chung!

Đắc Thu

Trở Về Bến Xưa


Ta đứng đợi trên bến chiều quạnh vắng
Dòng sông buồn con nươc lững lờ trôi
Chiều tàn phai vầng dương tắt sau đồi
Chim vỗ cánh chim bay về núi nhạn

Cho ta gởi thương yêu về thôn bản
Bên kia bờ mái rạ khói vươn cao
Hàng tre xanh nghiêng ngả gió lao xao
Bên chân ruộng ngọt ngào hương lúa mới

Ta đến đây biết bao lần mong đợi
Giọt nắng chiều rơi rụng bến sông xưa
Một sớm thu buồn tiếc nuối tiễn đưa
Em bước vội xuống đò về bên ấy

Đứng nhìn theo sao nao lòng đến vậy!
Người đi rồi quên hết quãng đường xưa
Giờ mình ta thơ thẩn dưới thu mưa
Nghe tâm thức dậy nỗi buồn thân phận

Ngô quang Diệp

Thứ Bảy, 13 tháng 12, 2014

Vĩnh Long Cuối Năm 2014

Cuối năm, cùng ghé về thăm Vĩnh Long ...




Cùng “đưa em sang sông” ...
và cùng chuẩn bị chào đón Năm Mới ...

Đặng Anh Tuấn

Cửu Ly Biệt - 久別離

Ai đã từng xa cách người yêu, vợ chồng những năm dài dằng dặt, trông ngóng tin nhau, chờ nhau? Xin mời bạn thưởng thức bài thơ nầy của thi nhân Lý Bạch. Mời các bạn thơ góp vần cho vui.



Cửu Ly Biệt


Biệt ly kỷ xuân vị hoàn gia
Ngọc song ngũ kiến anh đào hoa
Huống hữu cẩm tự thư
Khai giam sử phân ta
Chí thử trường đoạn bỉ tâm tuyệt
Vân hoàn lục mấn bãi sơ kết
Sầu như hồi phiêu loạn bạch tuyết
Khứ niên ký thư báo Dương Đài
Kim niên ký thư trùng tương thôi
Đông phong hề đông phong
Vị ngã xuy hành vân sử tây lai
Đãi lai cánh bất lai
Lạc hoa tịch tịch ủy thương đài

Lý Bạch
* * *
Dịch nghĩa:
Xa Cách Lâu Dài

Từ ra đi đến nay đã mấy xuân chưa về nhà
Trước cửa sổ ngọc đã năm lần thấy anh đào nở hoa
Huống nữa lại có bức thư chữ gấm
Mở phong bì ra khiến người than thở
Đến nổi ruột nầy đứt lòng đây cắt
Cuộn tóc mây không chải tóc mai xanh
Buồn như cơn gió lốc thổi tuyết trắng tung bay
Năm trước đã gửi thư nhắn tới Dương Đài
Năm nay lại gởi thư giục giả lần nữa
Gió đông chừ gió đông!
Hãy vì ta thổi đám mây bay về phía tây
Đợi người về mà chưa thấy ai về
Hoa rơi lặng lẽ phủ trên rêu xanh

Dịch Thơ:
Xa Cách Lâu Dài

Đã mấy Xuân người đi biền biệt
Năm mùa đào, lòng biết ngoài song
Huống chi thư gấm đôi dòng
Đọc xong , nét chữ thấy lòng tái-tê
Xé buồng tim , ê-chề , ruột cắt
Cuộn tóc mây thôi thắt , mai lay
Sầu theo gió cuốn tuyết bay
Năm rồi thư gởi đến ai Dương Đài
Nay lần nữa thư này vội gởi
Đông đã vê, Đông hỡi! Gió ơi!
Xua mây tan hết chân trời
Trông người về mãi , hoa rơi, rêu bày!.


Mailoc phỏng dịch
Thu Cali 11-16-12

Chú thích:
Thư chử gấm ( cẩm tự thư ): Đời Hán, Đậu Thao đi lính thú lâu năm không được về . Vợ là Tô Huệ dệt bức thư gấm thêu bài thơ dâng vua.Vua phục tài, cảm động, hạ chiếu cho Đậu Thao về.
Mấn : tóc mai
Dương Đài : nơi Sở Tương Vương gặp thần nữ, cùng ân ái
* * *
Song Quang đã có những ngày ly biệt xa cách vợ con nên cũng cảm thông được nỗi sầu xa cách.Nay xin chia sẻ qua bài dịch nghĩa và ý thơ của huynh Mailoc. xin có bài phỏng dịch theo nhưng không xác nghĩa với ý chính của Lý Bạch tiên sinh.

Sầu Ly Biệt


Người đi biền biệt mấy xuân
Năm mùa đào nở bâng khuâng trước thềm
Thêm thư gấm nét chữ mềm
Mở ra đọc thấy lòng thêm não nề
Buồng tim ,ruột thắt ê chề
Tóc mai biếng chải,lời thề lắt lay
Sầu theo gió cuốn tuyết bay
Gởi theo thư tới Dương Đài năm qua
Hôm nay thúc giục nữa mà !
Gió Đông đã đến...thât là gió Đông??
Thổi xua tan nổi cô phòng
Chờ người về mãi ...hoa lòng phủ rêu 

Song Quang
* * *
Đỗ Chiêu Đức xin được bổ sung các phần sau đây :
1. Bản chữ Hán cổ của bài thơ : Những chữ đánh HOA là những chữ khác với bản của Thầy Lộc đã phiên âm, sẽ nói rõ ở phần Chú thích bên dưới :

李白 久別離   Lý Bạch CỬU BIỆT LY

別來幾春未還家, Biệt lai kỷ xuân vị hoàn gia,
玉窗五見櫻桃花。 Ngọc song ngũ kiến anh đào hoa.
況有錦字書,         Huống hữu cẩm tự thư,
開緘使人嗟。         Khai giam sử NHÂN ta.
至此腸斷彼心絕。 Chí thử trường đoạn bỉ tâm tuyệt.
雲鬟綠鬢罷梳結,  Vân hoàn lục mấn bãi sơ kết,
愁如回飆亂白雪。  Sầu như hồi phiêu loạn bạch tuyết.
去年寄書報陽臺,  Khứ niên ký thư báo Dương đài,
今年寄書重相催      Kim niên ký thư trùng tương thôi.
東風兮東風,           Đông phong hề đông phong,
為我吹行雲使西來 Vị ngã xuy hành vân sử tây lai.
待來竟不來,           Đãi lai cánh bất lai,
落花寂寂委青苔。   Lạc hoa tịch tịch ủy THANH đài.

2 . Chú Thích :
* chữ NHÂN : Có thể bản mà Thầy Lộc có, người ta đã đánh máy nhầm chữ N thành chữ P mà thôi,
vì câu thích nghĩa của Thầy Lộc vẫn đúng theo chữ NHÂN : " Mở phong bì ra khiến NGƯỜI (ta)
than thở."
* chữ THANH : Tính từ chỉ Màu Xanh. Đây là một dị bản của bài thơ, chữ THANH nầy không
hay bằng chữ THƯƠNG là Xanh om trong bản của Thầy, chỉ chép lại đây để tham khảo mà thôi !
* Về từ " ĐÔNGPHONG ": Thường một số người cứ lầm tưởng ĐÔNG PHONG là gió của mùa đông, sự thật ĐÔNG PHONG 東風 là : Gió từ Phương Đông thổi đến, tức là gió XUÂN đó ! Như trong câu : Đào hoa y cựu tiếu ĐÔNG PHONG, và trong bài nầy là "ĐÔNG PHONG hề ĐÔNG PHONG". ĐÔNG PHONG ở trong 2 câu nầy đều chỉ GIÓ XUÂN, chớ không phải gió Mùa Đông. Vì Gió
Mùa Đông là Bắc Phong , ta đọc trại ra thành Gió Bấc.
* SỬ TÂY LAI 使西來 : Nghĩa là " ... khiến cho từ hướng tây tới." Chớ không phải " Hãy vì ta
thổi đám mây bay về phía tây ". Chữ LAI và chữ KHỨ là XU HƯỚNG ĐỘNG TỪ. LAI chỉ di
chuyển đến gần người nói, chữ KHỨ chỉ di chuyển xa người nói. Ví Dụ :
- Tẩu LAI : là chạy lại ( gần người nói ).
- Tẩu KHỨ : là Chạy đi ( xa người nói ).3. Diễn Nôm:

Lục bát:
Chia tay xuân ấy chưa về,
Năm mùa hoa đã đổi thay anh đào.
Mở thơ gấm, dạ nao nao,
Can tràng quặn thắt như bào ruột gan.
Tóc mây càng biếng điểm trang,
Sầu trông gió cuốn hoa tàn tuyết rơi.
Tương tư dạ nhớ khôn nguôi,
Năm qua một bức Dương đài Vu sơn .
Năm nay lại giục cơn buồn,
Gió xuân hây hẩy vẫn luôn mơ màng.
Mây mưa e ấp lỡ làng,
Vì ta mau hãy vội vàng gió tây.
Chờ hoài chờ mãi ai đây ?
Hoa rơi lặng lẽ phủ đầy rêu xanh!

Đỗ Chiêu Đức
* * *
Dịch Thơ:
Mấy xuân chẳng về nhà
Năm lần đào trổ hoa
Có thơ của vợ hiền
Xem lại càng xót xa
Ruột này đau như thắt
Tóc mai buồn bỏ mặc
Sầu như tuyết loạn bay
Thư cũ hẹn Dương Đài
Thư nay vẫn đợi trông
Gió đông hỡi gió đông
Vì ta nhắn phương đoài
Chờ chi sầu vời vợi
Rêu phủ hoa buồn rơi

Quên Đi

Nhớ Xưa




Cùng Bạn 
Người ta thường bảo, người về già hay cứ nhớ , nhắc hoài chuyện cũ. Thật không sai chút nào đối với tôi.vẫn biết chúng ta nên sống vui từng phút từng giây trong hiện tại, vì hiện tại ( present ) cũng là món quà ( present) của Thượng Đế .Nhưng hiện tại có thật không? vì tíc tắc đã là quá khứ rồi Thôi thì hãy để mỗi người một quan niệm sống, riêng tôi quá khứ vẫn là ý nghĩa của cuộc đời.
Xin gởi đến Bạn một cảm tác về một kỷ niệm nhỏ ngày xưa của tôi, nhỏ lắm nhưng đầy ý nghĩa, tôi thật khó quên.


Chúc an vui. Cám ơn
Thân kính
Mailoc



Nhớ Xưa

Nhớ mãi ngày xưa ấy  
 Tiễn chân mỗi lần đi  
 Bên sông gà sáng gáy  
 Hai cha con thầm thì 

Ngày xưa ấy , xa xăm sao mãi nhớ 
Mỗi lần đi có việc ở SàiGòn 
Ba Má tôi sắp đặt mấy ngày tròn
Quà các thứ , cháu con luôn đầy đủ 

Bao nhiêu món ôi chao! trông lủ-khủ 
Mắm cá trèn , đu đủ mới trộn xong 
Những trái xoài xanh vỏ đỏ bên trong 
Khô cá sặc không ai mà không thích 

Những quầy chuối mập tròn , ôi chình chịch!
Vịt với gà ,dây rịt cũng kỹ càng 
Mỗi món quà chan chứa cả tấm lòng 
Tình cha mẹ muôn đời vầng trăng tỏ

* * *
Trời còn sớm , sương mai còn ướt cỏ 
Tiếng côn trùng ri rỉ khúc nhạc êm 
Tiếng ho-hen trong xóm xé màn đêm 
Lối đi nhỏ, cỏ sương hoen giày vớ 


Ra đường lớn ,bên kia sông , phố chợ 
Chiếc xe lôi hăm hở rướn lên cầu 
Cha con tôi lủng lẳng chiếc đèn dầu
Bến xe đậu, đầu người đà lố nhố

Mì hủ tiếu thơm lừng nơi đầu phố 
Tiệm chú “ Xừng “đông nghẹt khách chờ xe
Máy ra-dô đâu đó tiếng rè rè 
Khói thuốc lá the the trong gió sớm 

Gió tháng chạp se se như mơn trớn 
Mùi cà phê lởn vởn mủi ngây ngây
Tài xế ngồi nhả khói điếu cầm tay 
Lơ lúi húi trên mui hàng từng đống 

Xe chật ních, kẻ đi người lóng ngóng 
Những dặn dò ,nhắn gởi giọng thân thương
Đôi vợ chồng, người vợ lính lệ vương
Cảnh ly biệt, lòng bỗng dưng xao xuyến

Xe sắp chạy, trong phút giây đưa tiễn
Ôm hôn Ba, quyến luyến mỗi lần xa
Tôi thương thương ánh mắt đượm hiền hòa 
Qua khúc quẹo, Ba tôi còn đứng ngó.

Làn sương mỏng , ánh dương đà lấp ló 
Nơi phiá đông mây đã ửng hồng-hồng 
Thành phố buồn lặng-lẽ giữa trời trong 
Qua cầu đúc , ruộng đồng dài hun hút 

Phà Cao Lảnh khói sông mờ nghi ngút 
Mỗi lần qua, lòng cảm xúc bồi hồi 
Thả hồn theo mấy đám lục bình trôi 
Quê hương đó trong tôi, ôi! nhung nhớ!!!. 

 Mailoc
10-14-10( Kỷ-niệm Caolãnh 1960 - 1970 ,những lần tiễn đưa)


Nền Giáo Dục Thời Xưa



Giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa

      Sau năm 1954, nước Việt Nam bị chia làm hai, từ vĩ tuyến 17 trở vô đến Cà Mau có 20 triệu dân, là vùng đất Tự Do, theo chế độ Cộng Hòa, thủ đô là Sài Gòn.


Nước VNCH về hành chánh chia ra 40 tỉnh và về quân sự chia ra 4 vùng chiến thuật.

      Vùng I có 5 tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi.


      Vùng II có 12 tỉnh: Kontum, Bình Ðịnh, Pleiku, Phú Bổn, Phú Yên, Darlac, Khánh Hòa, Quảng Ðức, Tuyên Ðức, Ninh thuận, Lâm Ðồng, Bình Thuận.


       Vùng III có 9 tỉnh: Tây Ninh, Bình Long, Phước Long, Bình Dương, Long khánh, Bình Tuy, Gia Ðịnh, Biên Hòa, Phước Tuy.


      Vùng IV có 17 tỉnh là Châu Ðốc, Kiến Phong, Kiến Tường, Hậu Nghĩa, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Ðịnh Tường, Long An, Chương Thiện, Phong Dinh, Vĩnh Bình, Kiến Hòa, Gò Công, An Xuyên Bạc Liêu, Ba Xuyên.

      Những năm đầu sau khi Pháp rút về nước, giáo dục Việt Nam tiếp tục cái gì có trước. Cho đến Ðại Hội Giáo Dục Toàn quốc năm 1958, VNCH mới xây dựng nền giáo dục độc lập dựa trên 3 nguyên tắc: Nhân Bản-Dân Tộc và Khai Phóng.

        - Nhân Bản: Giáo dục coi con người là cưu cánh, tôn trọng giá trị thiêng liêng của con người.
       - Dân Tộc: Giáo dục tôn trọng giá trị của gia đình, quốc gia, phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, đạo đức Việt Nam.
      - Khai Phóng: Giáo dục theo phương pháp khoa học, nội dung khoa học, theo đà tiến bộ của nhân loại và tôn trọng giá trị các quốc gia khác.

Giáo dục VNCH có ba cấp như các nước trên thế giới là: tiểu học, trung học và đại học.

Bậc tiểu học học trình 5 năm.


 (Bậc Tiểu Học)
       Từ lớp 1 đến lớp 5. Trẻ em từ 6 tuổi được cha mẹ ghi tên vào lớp 1, học miễn phí tại các “Trường Tiểu học Cộng đồng”. Tuy VNCH không có chủ trương cưỡng bách giáo dục, nhưng do phụ huynh có ý thức cao cho nên tất cả trẻ em hầu như đều học qua bậc tiểu học.
Chương trình học gồm các môn Việt Văn, Toán, Khoa học Thường thức và Ðức Dục hay Công Dân Giáo Dục.

       Giáo dục tiểu học thời VNVH phát triển nhanh chóng và vượt trội so với thời Tây đặc biệt vế số lượng học sinh. Thời Tây 1930, toàn Ðông Dương có 406.669 học trò gồm sơ và tiểu học trong đó có 20% là học  trò Lào và Miên.

       Thời Ðệ I Cộng Hòa, năm học 1960 miền Nam có 1 triệu 214.621 học sinh tiểu học, 112.129 học sinh trung học. Tăng 200% so với niên học 54 - 55, lúc mới thâu hồi độc lập từ tay Pháp.

 
Bậc trung học chia ra 2 cấp, học trình là 6 năm

(Bậc Trung Học -Bến Tre

 1. Trung Học Ðệ I Cấp/Trung học Cấp I: học trình 4 năm, có 4 cấp lớp 6, 7, 8, 9:
( Trung Học Cấp I được gọi là Trung Học Đệ Nhất cấp )

Năm thứ I    học Lớp 6 gọi là lớp Đệ Thất
Năm thứ II   học Lớp 7 gọi là lớp Đệ Lục 
Năm thứ III  học Lớp 8 gọi là lớp Đệ Ngũ 
Năm thứ IV học Lớp 9 gọi là lớp Đệ Tứ
                             
          Học sinh vào trường công phải thi tuyển, không đậu có thể học trường tư. Chương trình gồm Việt Văn, Lý Hóa, Vạn Vật, Toán, Sử Ðịa, Công Dân và Sinh Ngữ. Môn Nhiệm Ý là Nhạc, Hội họa, Thể thao, Nữ công dành cho nữ sinh.

          Cuối năm thứ Tư/lớp Ðệ Tứ, học sinh thi lấy bằng Trung Học Ðệ I Cấp.
Ðậu bằng Trung Học Ðệ Nhứt Cấp học sinh có thể ra đi làm, có thể thi vào trường Sư Phạm Cấp Tốc để trở thành giáo viên bậc tiểu học; hoặc tiếp tục học tiếp lên.

2. Trung Học Đệ II Cấp/Trung học cấp II: học trình 3 năm, có 3 cấp lớp 10, 11, 12

( Trung Học Cấp II được gọi là Trung Học Đệ Nhị cấp )

                    Năm thứ I   học Lớp 10 gọi là lớp Đệ Tam 
                    Năm thứ II  học Lớp 11 gọi là lớp Đệ Nhị 
                    Năm thứ III học Lớp 12 gọi là lớp Đệ Nhất

          Muốn vào học lớp 10, phải có bằng Trung Học Ðệ I Cấp. Học sinh học các môn như Trung Học Ðệ I Cấp nhưng sâu hơn và có thêm môn Triết Học cho học sinh lớp 12.

           Bốn Ban học A, B, C và D

          Từ lớp 10, có phân 4 ban: Ban A Khoa Học Thực Nghiệm), Ban B (Toán), Ban C (Sinh Ngữ), Ban D (Cổ Ngữ). Học sinh tự do chọn ban theo sở thích cá nhân.
Xong lớp Ðệ Nhị tức lớp 11, học sinh thi lấy bằng Tú Tài I. Học tiếp lớp 12/Ðệ Nhứt, thi lấy bằng Tú Tài II.
          Trường Trung Học Nguyễn Ðình Chiểu Mỹ Tho là một trường trung học có lâu đời ở miền Nam.
          Trường Nguyễn Ðình Chiểu Mỹ Tho khởi đầu từ một trường Tiểu Học (École Primaire) gọi là trường tỉnh, dạy tới lớp Nhứt. Lúc đó trường tiểu học Mỹ Tho bằng lá, cất ở gần khu Nhà Việc làng Ðiều Hòa, nay là khu Trung Tâm Thương Mại Mỹ Tho.
          Năm sau trường tiểu học Mỹ Tho dời đến nơi mà trước kia là nhà của vị quan triều Vua Tự Ðức tên là Ngô Phước Hội, gần tòa bố.

          Ngày 14 Tháng Sáu 1880, Le Myre de Vilers thống đốc Nam Kỳ ban hành nghị định 17 Tháng Ba 1879, cho phép tỉnh Mỹ Tho thành lập một trường trung học lấy tên là trường là “Collège de My Tho”, trường trung học đầu tiên ở xứ Nam Kỳ. Collège de My Tho (lúc đầu còn bao gồm cấp tiểu học) thành lập trên khu đất rộng 25,000 mét vuông, 4 hướng bao bọc bởi 4 con đường. Hướng Ðông có cổng chánh quay ra đường số 9, sau đổi tên là Rue D'Aries, đến 7 Tháng Tư 1954 Thủ Hiến Nam Phần đổi tên là đường Lê Lợi tới nay.
Hướng Tây quay ra đường Filippini nay là Hùng Vương.
Hướng Bắc quay ra là đường số 3, sau đổi tên là Colombert, rồi Maréchal Pétain, Albert Buissiere, đến ngày 7 Tháng Tư 1954 Thủ Hiến Nam Phần đổi tên là đường Ngô Quyền tới nay.Hướng Nam quay ra đường số 20, rồi sau đổi tên Rue de Landes, ngày 7 Tháng Tư 1954 Thủ Hiến Nam Phần đổi tên là đại lộ Lê Ðại Hành tới nay.

          Collège de My Tho hoạt động được 10 năm, đến ngày 11 Tháng Mười Hai 1889 Thống đốc Nam Kỳ ra lịnh đóng cửa hệ trung học (tiểu học vẫn tiếp tục) vì không có ngân sách, cho nên học trò một số có tiền lên Sài Gòn học ở trường Collège D'Adran.

          Ðến năm 1894 Collège D'Adran ngưng hoạt động nên Thống Ðốc Nam Kỳ phải mở lại trường Collège de My Tho để thâu nhận học trò Lục Tỉnh.

          Năm 1941, Nhựt chiếm Mỹ Tho lấy Collège de My Tho làm nơi đóng quân, một số lớp dời đến học tại đình Ðiều Hòa cho tới năm 1942 Nhựt mới chuyển đi nơi khác.
Ngày 2 Tháng Mười Hai 1942 trường đổi tên là Collège Le Myre de Vilers. Năm 1953 tổng trưởng giáo dục Việt Nam là Nguyễn Thành Giung ký Nghị định 179-NÐ ngày 22 Tháng Ba 1953 đổi tên trường Collège Le Myre de Vilers thành trường trung học Nguyễn Ðình Chiểu tới nay.

          Giáo viên tiểu học trước năm 1975 có chỉ số 250, giáo học bổ túc là 320, giáo sư Ðệ I cấp chỉ số 400, Ðệ II cấp lên 470. Lương giáo viên, giáo sư như thế so với ngạch công chức và quân đội, tương đối cao, nên đời sống bảo đảm, thư thả; đặc biệt vị trí người thầy luôn được xã hội tôn trọng, cha mẹ học sinh kính nể.

          “Muốn sang thì bắc cầu kiều, 
          Muốn cho hay chữ phải yêu mến thầy”. 
           (Ca dao)

 Bậc đại học đào tạo Cử nhân, Cao học và Tiến sĩ.


      Sau Thế Chiến Thứ II, Pháp trở lại Việt Nam, Ðại Học Ðông Dương ở Hà Nội được đổi tên là Ðại Học Hà Nội, viện trưởng vẫn là người Pháp. Sau đó có một số khoa được mở ở Sài Gòn như Luật, Y khoa và Khoa Học, do phó viện trưởng là người Việt điều hành.
Sau năm 1954, chi nhánh đại học Hà Nội tại Sài Gòn cải tên là Viện Ðại Học Quốc Gia Việt Nam, đến năm 1957 đổi tên là Viện Ðại Học Sài Gòn, tên nầy giữ cho tới năm 1975.
Khi bắt đầu diễn ra Hội Nghị Paris (trong kế hoạch chuẩn bị hậu chiến) năm 1972 VNCH thành lập Hệ Thống Ðại Học Cộng Ðồng, năm sau 1973 Viện Ðại Học Bách Khoa Thủ Ðức thành lập.

      Hệ thống đại học ở VNCH không thuộc Bộ Giáo Dục, và cũng không có cơ quan chủ quản (trừ trường Y Dược thuộc Bộ Y Tế chủ quản). Ðại học Việt Nam tự trị về học vụ chuyên môn. Ngân sách của đại học là bộ phận trong ngân sách Bộ Giáo Dục do Quốc Hội chuẩn duyệt hàng năm; nhân viên và giáo sư đại học thuộc Tổng Ủy Công Vụ.

      Ðại học VNCH bấy giờ có hai hệ thống: Ðại Học Quốc Gia và Ðại Học Cộng Ðồng Ðịa Phương.

  Ðại Học cấp Quốc Gia gồm có

1. Viện Ðại Học Sài Gòn:
Sau năm 1954, Viện Ðại học Hà Nội chuyển vào Nam nhập vào Viện Ðại Học Sài Gòn. Viện có 8 phân khoa là Y, Dược, Nha, Sư Phạm, Khoa Học, Văn Khoa, Luật và Kiến Trúc. Có đại học xá Minh Mạng dành cho nam, Trần Quý Cáp dành cho nữ, có trung tâm Y tế chăm sóc sức khỏe cho sinh viên.

2. Viện Ðại Học Huế:
Thành lập theo sắc lịnh VNCH-1 do Tổng Thống Ngô Ðình Diệm ký vào Tháng Ba năm 1957 gồm có 4 khoa như Sư Phạm, Y khoa, Văn khoa và Luật.

3. Viện Ðại Học Cần Thơ:
Ðược thành lập ngày 31 Tháng Ba 1966 do nghị định của chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương ký. Có 4 khoa là: Khoa Học, Văn Khoa, Sư Phạm, Luật & Khoa Học Xã Hội.

4. Học Viện Quốc Gia Hành Chánh thuộc Phủ Thủ Tướng:
Học viện được thành lập từ 29 Tháng Năm 1950 theo Quyết Ðịnh của Chánh Phủ Quốc Gia Việt Nam (tên gọi lúc đó), lúc đầu đặt ở Ðà Lạt, năm 1958 dời về đường Trần Quốc Toản, Sài Gòn.

5. Trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt, thuộc Bộ Quốc Phòng:
Sinh viên học 4 năm, môn chánh là võ khoa; môn phụ là Toán, Khoa học tự nhiên, Khoa học Xã Hội. Tốt nghiệp bằng Cử Nhơn Võ Khoa, một ngành mới mẻ đối với Việt Nam.

6. Viện Ðại Học Bách Khoa Thủ Ðức:
Thành lập do sắc lệnh của tổng thống VNCH, và hoạt động chánh thức năm 1974.
Viện bao gồm một số trường có trước như Trung Tâm Phú Thọ, Ðại Học Nông Nghiệp, Ðại Học Kỹ Thuật. Viện có lập một số trường mới như là Ðại Học Kinh Thương, Ðại Hoc Khoa Học Căn Bản, Ðại Học Thiệt Kế Ðô Thị và Nông Thôn...

  Ðại học Cộng Ðồng Ðịa Phương

         Trường Ðại Học Cộng Ðồng Ðịa Phương chỉ huấn luyện về chuyên môn và thực dụng, học trình 2 năm.

          Cho tới năm 1975, VNCH có 5 trường
         
          - Ðại Học Cộng Ðồng Quãng Ðà 
          - Ðại Học Cộng Ðồng Nha Trang 
          - Ðại Học Cộng Ðồng Tiền Giang Mỹ Tho 
          - Ðại Học Cộng Ðồng Long Hồ Vĩnh Long 
          - Ðại Học Cộng Ðồng Ban Mê Thuột, mới có quyết định.

          Giáo Dục Việt Nam trước 1975 ngoài hệ thống công lập còn có hệ thống trường tư.
Ðại học tư trước năm 1975 có

          - Viện Ðại Học Ðà Lạt
          - Viện Ðại Hoc Minh Ðức 
          - Viện Ðại Học Vạn Hạnh 
          - Viện Ðại Học Cao Ðài/Tây Ninh 
          - Viện Ðại Học Hòa Hảo/An Giang

          Nền giáo dục Việt Nam mình từ thời dạy và học bằng chữ Hán, chữ Tây đến chữ Việt lúc nào cũng lấy phương châm “Tiên học Lễ, Hậu học Văn” làm gốc.

          Từ năm 1954 nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa phát triển nhanh, chú trọng chuyên môn khoa học nhưng không buông lơi giáo dục đạo đức - luân lý cho học sinh, nhứt là bậc tiểu học.
Học sinh tiểu học trước năm 1975 được dạy Ðức Dục, Công Dân Giáo Dục từ 2 giờ đến 2 giờ 30 phút mỗi tuần. Học sinh trung học, môn Công Dân Giáo Dục 2 giờ mỗi tuần.

  Nam Sơn Trần Văn Chi